Hoàng Trần Cương: Bữa cơm hắt ra tiếng cười thằng em út vụt chó gãy đũa/ hả hê ngồi mút lại mẩu xương/ Lửng bụng rồi ôm cún con oà khóc
   

3 truyện ngắn
Cập nhật: 9:39:00 31/12/2010
VanVn.Net - Chúng tôi xin giới thiệu 3 truyện ngắn của 3 tác giả: Nguyễn Thị Hải, Châu Diên và McAmmond Nguyen Thi Tu với những phong cách khác nhau để bạn đọc tham khảo...

LINH CẢM CỦA NGƯỜI LEO NÚI

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ HẢI

 

1.

Cô ấy thức dậy lúc 6 giờ 10, bằng một điệu nhạc trên máy di động hẹn giờ trước khi đi ngủ, hôm nay cô dạy hai tiết đầu. Tôi nằm im trên giường, nhắm mắt, nghe cô ấy đi ra nhà vệ sinh, tiếng xúc miệng ọc ọc rất to, rồi cô trở lên mặc quần áo, chải đầu, nhặt mớ sách trên bàn bỏ vào cặp, ra góc nhà mang giày sau đó mở khóa cửa, khi đi ra cô đóng cửa và chặn lại bằng một viên gạch có sẵn trên thềm. Cô làm những việc đó trong bóng tối lờ mờ của căn phòng, chắc ngày thường không có tôi cô đã bật các bóng đèn lên rồi. Tôi trùm chăn lên đầu lúc cô mở cửa rồi từ từ kéo chăn xuống khi gian phòng trở lại như cũ. Một ít ánh sáng hãy còn đẫm sương mù lọt qua những khe hở của cánh cửa chính và cửa sổ ghép bằng gỗ tạp, để mộc, bề mặt sần sùi. Bốn bề lại yên ắng như đêm sâu, tôi có cảm tưởng hãy còn sớm lắm và thế là tôi ngủ say thêm một giấc nữa.

Tôi chợt nghe tiếng con mèo rừ rừ ngay đầu giường, nó cứ loanh quanh ở đó như người mù và phát ra cái tiếng đó. Tôi vẫn nhắm mắt, nghĩ chắc là nó đói, muốn thức tôi dậy cho ăn. Thế là tôi mở mắt ra, ngoài trời đã sáng rõ, ánh nắng lọt vào nhà in xuống nền mấy vệt sáng bất động. Tôi ngồi dậy, trên mình chỉ có mỗi cái áo thun, nhưng cũng không cảm thấy quá lạnh.

Đầu tiên tôi đứng lên tháo bốn dây màn ở bốn góc rồi gấp lại, để sang một bên. Sau đó gấp tấm chăn duy nhất mà tôi với cô đắp chung thành một hình chữ nhật dài dài, đặt màn vào trong đó rồi cuộn lại ngay ngắn xếp lên đầu giường, chồng hai cái gối lên trên cùng. Bước xuống đất, tôi vuốt phẳng tấm đệm, chỉnh nó ngay ngắn lại. Tôi mặc chiếc áo khoác trắng để ở đầu giường rồi đi ra sau. Con mèo khẽ ngước nhìn tôi rồi lẳng lặng bước theo, nó không rừ rừ nữa.

ở đây, đêm và sáng trời lạnh nhưng khoảng từ 9 giờ trở đi thì ấm áp, trời nắng suốt ngày. Tôi rửa mặt, chải răng bằng nước giếng khoan đựng trong bể lớn, chỉ hơi gia giá một chút, thậm chí tôi còn thích nữa là khác. Đến khi chải tóc thì hơi khó chịu, nó bị xơ và bết chứ không suôn sẻ, nhẹ nhàng như ở trong miền Nam. Lần nào về miền Bắc vào mùa đông, tóc tai tôi cũng bị như thế. Tôi búi gọn nó lên và cài bằng cây trâm gỗ cũ, dùng từ lâu lắm rồi, như một vật gắn liền với thân thể mình, tôi dự tính buổi trưa sẽ gội đầu. Lần trước tôi gội bằng nước lạnh vào buổi trưa và đi hong tóc ngoài nắng rất dễ chịu.

Cô ấy đi dạy sớm thường không ăn sáng ở nhà mà sẽ tranh thủ ăn tại căng tin vào giờ nghỉ giữa hai tiết. Tôi tự lo đồ ăn sáng cho mình, bằng bánh ngọt và cà phê gói, hoặc mì gói gì đó, và lấy thức ăn còn lại hồi tối trộn cho con mèo. Mới ở đây mấy ngày nhưng tôi đã có được một nếp sinh hoạt đều đặn, tự chủ, không bị lệ thuộc nhiều vào cô. Cô ấy cũng không bị xáo trộn gì nhiều trong giờ giấc cũng như trong các sinh hoạt của mình khi có tôi lên, ngoại trừ những lúc hai đứa ra ngoài đi đến một vài nơi để tôi tham quan, tìm hiểu gì đó.

Có nước nóng ở trong phích, tôi cắt hai gói cà phê Vina vào chiếc ly nhựa màu xanh, rồi chế nước nóng khuấy đều. Có bánh ngọt trái nho mới mua ở tạp hóa hôm qua. Tôi cho con mèo ăn sáng bằng chút thịt heo kho và cơm nguội. Vì biết con chó Sam nhà hàng xóm hay lẻn đến bất ngờ giành hết đồ ăn của nó nên tôi cẩn thận đóng cánh cửa nhà bếp lại. Để con mèo ăn từ từ trong góc nhà bếp, tôi quay lên ăn bữa sáng của mình.

 Khi chỉ có tôi và con mèo ở nhà, tôi thấy dễ chịu hơn là có mặt cô. Tôi và cô là bạn từ hồi cấp hai, hồi đó chơi với nhau thân nhất, nhưng gặp lại lần này lại có nhiều điều xung khắc, thất vọng về nhau. Tôi mới từ miền Nam ra, sau khi dự đám cưới đứa em họ ở quê xong là tôi lên đây. Tôi đi hôm Mười Hai tháng Chạp và định ở cho đến khi cô ấy được nghỉ Tết, khoảng Hai Ba, ngày ông Táo lên trời, cùng lắm là Hai Tư, sẽ về quê cùng nhau. Có lúc tôi giận định bỏ về trước, rồi kìm lại được, nhưng không khỏi cảm thấy ở đến tận Hăm Ba, Hăm Tư thì lâu quá.

Cô dạy môn Sinh học ở khoa Nông Lâm, trường Đại học Tây Bắc. Khi tốt nghiệp đại học Nông nghiệp Hà Nội, cô đi làm một thời gian ở phòng bảo vệ thực vật trên Sơn La, sau nhờ người quen giới thiệu xin được vào trường Tây Bắc. Hiện giờ cô ấy vừa giảng dạy vừa học cao học. Chương trình cao học do các thầy cô ở trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lên dạy, khi bảo vệ luận án thạc sĩ thì cô phải trở xuống dưới ấy. Ngày thường, lịch học và dạy kín mít cả tuần nhưng bây giờ gần tết, bên lớp cao học đã được nghỉ, cô chỉ còn dạy một số tiết và coi thi hết học kỳ.

Trường Đại học Tây Bắc đã chuyển xuống thành phố Sơn La từ năm trước (2008), hiện ở Thuận Châu chỉ còn một khoa Nông Lâm, tương lai cũng sẽ tựu về tuy không biết cụ thể chính xác về thời gian. Tuy nhiên, cô thích ở lại trên này hơn, một trong những lí do là ở đây không phải tốn tiền thuê nhà, cô được bố trí ở một mình một căn phòng trong khu tập thể của trường.

Trường ở ngay thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, cách thành phố Sơn La hơn 40 cây số về phía tây bắc. Thị trấn nhỏ nằm giữa miền đồi núi, nhìn từ trên cao nhà cửa san sát, tóm gọn trong một vòng lòng chảo. Gần trường có nhiều khu nhà trọ cho sinh viên. ở đấy luôn tấp nập những khuôn mặt trẻ măng, có vẻ là chỗ đông vui nhất trong thị trấn miền cao này.

Khu tập thể của giảng viên nằm kề bên trường học, gồm những dãy nhà cấp bốn xây dựng sơ sài, mỗi dãy khoảng năm phòng. Nhìn bên ngoài phòng nào cũng giống nhau, còn nội thất ai có điều kiện thì sửa sang, tu bổ lại. Phòng của cô thì chẳng hề được tu sửa gì cả, thậm chí cô còn để nguyên tấm simili lót nền nhà đã rách thủng nhiều chỗ và cũng chẳng mấy sạch sẽ của người ở trước để lại. Trước đó, khi trường còn chưa chuyển về thành phố Sơn La, khu nhà tập thể không đủ cho tất cả giảng viên, cô phải đi thuê nhà. Đến khi trường dời đi, các giảng viên tất nhiên cũng phải đi theo nên cô được dọn vào một mình một phòng. Thậm chí bây giờ còn có một vài phòng để trống. Những phòng ấy, không có người ở một thời gian đã xuống cấp nhanh chóng, đầy vẻ hoang phế, mái lợp sạt thủng, cánh cửa bật khỏi bản lề, như thể điểm trang cho cỏ dại mọc lấn sát chân tường.

Bù lại cảnh nhà cửa hạn chế, không gian nơi này rất tuyệt, thoáng đãng, trong sạch. Mùa đông không lạnh lắm, mùa hè cũng không nóng bức, cô bảo, mùa thu thì dễ chịu hơn cả. Tôi thích quang cảnh lặng lẽ, yên tĩnh của buổi sáng này. ánh nắng lan tỏa khắp nơi mang đến vẻ sáng sủa, khô ráo và ấm áp. Trời mát lạnh. Những thân cây lát hoa nứt nẻ, vết mốc trắng loang lổ nổi lên trên nền vỏ nâu ẩm. Lá non đồng loạt trổ ra một màu đỏ tía.

Dãy nhà của cô nằm xa nhất, trước mặt có hai ba dãy khác liền kề, còn sau lưng là khu vực nhà dân. Xung quanh trường trồng nhiều lát hoa, khoảng hai mươi năm tuổi. Lát hoa là loại cây gỗ quý, nghe cô bảo nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Trong cả nước, nó chỉ trồng được ở một số nơi mà thôi. Rải rác thì còn có một vài cây long não. Cây long não to nhất đứng một mình nó bên đường, ngay lối rẽ xuống trường. Bên cạnh đó có một trụ đèn. Buổi tối tôi đi dạo qua, nhìn ánh sáng của trụ đèn soi sáng trên tán lá xanh rộng, và bên dưới mặt đất những quả long não nhỏ xíu, tím đen rụng vương vãi.

Tôi ăn một vài cái bánh rồi đem ly cà phê ra ngồi trước thềm. Thềm và lối đi nhỏ tróc lở vôi vữa, lá cây khô rụng xuống đấy bấy giờ cũng nằm im như phơi nắng. Xung quanh thật là yên tĩnh. Các dãy nhà phía trước không nghe tiếng người, còn dãy của cô, các phòng khóa cửa bên ngoài, riêng phòng chị Linh, đồng nghiệp của cô, đang có bà nội lên ở giữ cháu, là mở cửa.

Phía bên phải, cách một vườn lát hoa hơn mười cây, căn nhà khung tre đắp bằng đất lùn thấp chia thành bốn căn nhỏ xíu là chỗ trọ học của một đám học sinh người Mông. Hàng rào dâm bụt xanh thẫm không được cắt xén bung ra tự do điểm những bông hoa đỏ mới nở che chắn trước nhà, phía sau đó có cái dây phơi quần áo của bọn trẻ. Chúng phơi quần áo lên dây không dùng móc, cách phơi cẩu thả, chồng chéo lên nhau. Tôi đã sang bên đó vài lần, ban đầu ngạc nhiên vì có những đứa còn quá nhỏ, mũi dãi lò thò, quần áo lôi thôi, sau được cho biết là chúng phải đi trọ học ngay từ lớp Một. ở tại bản làng của chúng cũng có trường nhưng rất xa, bọn trẻ phải tự đi sáu bảy cây số, lên đây chúng được những anh chị lớn trông nom, trường lại gần và tốt hơn hẳn trường bản. Căn nhà đó là của anh công an người Mông làm việc trong thị trấn mua lại và cho đám học sinh cùng dân tộc với anh thuê giá 30 ngàn đồng một phòng một tháng. Như vậy chẳng khác gì giúp cho. Chúng ăn ở quây quần với nhau, tự chẻ củi, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, đứa lớn bảo ban đứa bé. Chúng sống tách biệt, không hề giao tiếp với bên khu tập thể này. Nhưng khi tôi sang chơi, những đứa lớn rất cởi mở, thân thiện sau phút e thẹn, rụt rè ban đầu.

Tôi nhấp một ngụm cà phê đậm ngọt vị sữa, ngậm miệng hít ngửi mùi thơm bằng mũi. Trước mặt tôi là bụi quỳnh dao trồng dưới bậc sân. Quỳnh và dao đan xen với nhau, tưởng chừng cây nọ trổ ra cành của cây kia. Đối diện với tôi là những mái nhà lợp phipro xi măng, do địa hình dốc cao, nên những dãy trước thấp hẳn xuống. Chiều hôm qua một thầy giáo trạc tuổi tôi leo lên mái quét lá mục. Bụi làm cho thầy giáo ấy bật ho, hai tay bịt miệng, đứng chênh vênh trên mái nhà lưa thưa nắng từ trên vòm lát hoa rọi xuống. Một cánh cửa sổ để ngỏ mở vào gian bếp tôi tối, bếp gas, xoong nồi và chạn chén bát im lìm như mải ngủ. Rồi bỗng dưng tôi bị giật mình rất mạnh, trong tấm gương cỡ hai bàn tay treo trên vách tường nhà bếp phản chiếu một hình ảnh động đậy mà thoạt trông tôi ngỡ gian bếp có người. Tôi đảo mắt đi chỗ khác, lắng nghe động tĩnh trong căn bếp một cách kín đáo. Không có một tiếng động nào chứng tỏ có người. Thế là tôi nhìn lại vào tấm gương và phát hiện ra chính là bàn chân đi tất của mình đã vô tình soi vào trong đó. Hẳn là tôi đã nhịp chân theo thói quen, và cử động đó qua tấm gương tác động lại tôi, tuy chỉ thoáng qua nhưng thật khó quên. Dù sao sau đó tôi cũng ngồi xích sang một bên, tránh khỏi tầm nhìn lặng lẽ của tấm gương bí mật.

2.

Buổi tối đầu tiên tôi đến nơi, trời đổ mưa to như mưa mùa hạ. Cô bảo thật may đã về kịp. Sau khi ăn xong, tôi và cô tắt đèn đi ngủ, hầu như không trò chuyện gì, có vẻ thấm mệt sau chặng đường núi vừa qua. Từ thành phố Sơn La về Thuận Châu, đường núi tối và vắng vẻ, nhiều chỗ cong ra sát thung lũng sâu. Khi cô ấy im lặng chăm chăm chạy, tôi lo âu nhìn những dãy núi mờ mịt, tim ngưng đập khi đi vào bóng đen sừng sững của quả núi bên đường. Tôi nhìn những cột cây số qua ánh đèn xe, ở đó hiện ra những địa danh xa lạ, gợi lên trong tôi nỗi hoang mang, buồn bã không cất thành lời. Còn vì, tôi cảm nhận nơi cô ấy một sự cứng cỏi, phũ phàng nào đó gây tổn thương tôi một cách mơ hồ, nó giống như một niềm đau đớn.

Tôi nhắm mắt làm quen với bóng tối trong không gian lạ lẫm chờ giấc ngủ đến. Mưa ào ã, lạnh buốt ngoài trời, còn tôi thì ấm áp. Cô ấy ngủ nhanh, đã nghe hơi thở đều đều vô tư lự. Bỗng dưng tôi cảm giác những dãy núi quanh nhà đang từ từ tiến sát lại, ghé khuôn mặt đẫm nước mưa nhìn xuống tôi. Tôi như nhìn thấy những dòng nước nhỏ từ đỉnh núi len lỏi bò xuống qua những cỏ cây run rẩy. Tim tôi đập nặng nhọc như lúc đi qua bóng núi nặng nề khi nãy. Tôi úp hai bàn tay che mắt, lảng tránh sự chào đón nồng nhiệt và lạ lùng đó. Nhưng rồi không nỡ khước từ, tôi bỏ tay ra, thả lỏng toàn thân và nghĩ: “Xin chào! Tôi mới đến. Xin hãy che chở cho tôi.”

Tôi hỏi cô đường lên đỉnh núi phía trái ngôi nhà, đó là ngọn cao nhất, bên trên hình như có trạm phát sóng di động nằm giữa đồi thông. Tôi nhìn thấy lối mòn trên sườn một quả núi cạnh đó, thỉnh thoảng có một chiếc Win băng qua, chỉ có xe Win mới có thể leo lên được độ cao đó. Hình như là một cặp vợ chồng người Thái đi làm rẫy, chiếc váy đen của người vợ bay phần phật trong khi người chồng chăm chú lái chiếc xe Win lao tới. Trên quả núi có trạm phát sóng thì không có đường mòn như thế, hoặc giả nó nằm về một phía nào đó mà tôi không biết. Cô ấy bảo tôi đi vào trong xóm, từ đó có lối dẫn lên. Lối này chỉ đi bộ được thôi.

Nhưng rồi cô ấy cũng dẫn tôi đi. Hôm đó trời ấm, cả ngày tôi không cần mặc đến áo khoác, chỉ đồ bộ giống như mùa hè. Cho nên khi đi leo núi, tôi cũng không nghĩ cầm áo khoác theo làm gì. Cô ấy mua một chai nước trong cái quán nhỏ trong con hẻm chật chội, rồi rẽ vào một con hẻm khác dốc thoai thoải. Từ đó, đường cứ lên cao mãi, tôi đã bắt đầu thở mệt, nhưng cố không để lộ ra.

Khi đi qua đường hẻm, tôi nhìn vào những mảnh vườn be bé trước mỗi căn nhà thấy hoa đào đã nở đỏ cây và hoa mận nở trắng hồng. Chiều đang xuống nhưng những mảnh vườn vẫn còn đầy ánh nắng, thứ ánh nắng heo héo ấy có vẻ đã làm tàn phai sớm loài hoa đón tết.

Đường dẫn lên xây thành từng bậc bằng gạch viên. Khi leo lên sườn núi trơ trụi, mặt trời hiện ra ở sau lưng, nóng như thiêu đốt, mồ hôi tôi toát ra đầm đìa, nhìn mặt cô ấy cũng đỏ bừng. Chúng tôi núp vào sau bụi dây leo chằng chịt uống chung chai nước. Thực ra bên sườn chếch về phía tay phải đã râm dịu rồi nhưng đường đi mé trái thì lại bị nắng rọi. Chúng tôi ngồi một lát rồi đi tiếp, tôi đội chiếc mũ lưỡi trai màu xanh rêu, còn cô ấy để đầu trần. Cô mặc chiếc quần thể thao gọn ghẽ, áo thun cộc tay, tay xách cái túi đựng chai nước đi từng bước chắc chắn trước mặt tôi. Tôi thì mệt, thở rất dữ, thậm chí còn cảm thấy đau tim. Nhưng tôi muốn leo lên đến tận nơi. Tôi không nghĩ bỏ dở giữa chừng.

Nhưng cô ấy thì không chịu đi tiếp nữa. Còn một đoạn lên thẳng đứng. Cô ấy nhìn tôi rồi bảo: “Thôi nhé! Leo không nổi đâu!”, ý cô ấy là tôi leo không nổi, tôi chưa trả lời thì cô tiếp tục: “Với lại trên ấy cũng chả có gì mà xem. Có mỗi cái trạm phát sóng di động vắng teo. Tới đây thôi là được rồi.”

Tôi mệt thật chứ. Nhưng là cái mệt hào hứng, chỉ cần nghỉ một chút là có thể tiếp tục. Nhưng nghe cô ấy nói thì tôi đồng ý là không leo tiếp nữa. Tôi lấy máy ảnh ra chụp, lại nhờ cô ấy chụp giúp một số tấm. Chúng tôi ngồi xuống, duỗi chân thẳng ra, mặt hướng về phía thị trấn. Từ trên đây dễ dàng quan sát toàn bộ khu vực trường học, một vài người đang chơi bóng chuyền trong sân trường và tôi reo lên chỉ cho cô ấy con chó Sam nhà chị Linh đang la cà ở ngay trước dãy nhà của cô ấy.

 Một toán sinh viên ba người, hai nam một nữ, đi qua chỗ chúng tôi leo lên đỉnh núi. Họ leo núi để vận động thân thể, nhìn họ đi thật khỏe khoắn, tôi nghĩ chắc họ leo rất thường xuyên. Cô gái đi giữa, tóc cột cao, đuôi tóc nhọn hoắt ngoe nguẩy có vẻ gì đó mạnh mẽ. Tôi nhìn họ và sau đó họ khuất hẳn vào bụi cây. Lối lên bị che kín, thỉnh thoảng mới lộ ra một số bậc gạch thẳng đứng, nhìn thôi đã mệt rồi.

Trên đường trở về, tôi không kìm được cảm giác thất vọng. Không phải vì chuyện leo núi mà là mối quan hệ giữa chúng tôi. Tôi tự nhủ, tình bạn này sao lại thành ra nhạt nhẽo quá vậy, và người bạn này sao mà xa cách lạnh lùng.

3.

ít ngày sau tôi leo núi một mình. Cô ấy ra khỏi nhà trước, đi giày bata, cầm vợt cầu lông, mặc quần thể thao ống bó lửng qua gối, áo thun hồng nhạt. Hình như khoa cô tổ chức thi cầu lông giữa các giảng viên. Tôi thấy cô khẽ thử một đường vợt ngoài con đường dốc dẫn xuống sân trường. Lúc đó là 4 giờ chiều. Tôi sửa soạn một vài thứ, máy ảnh, nón, áo khoác mỏng, chai nước và bánh quy, tất cả đựng trong chiếc túi vải nhỏ gọn, rồi tôi vào toilet, rửa mặt, chải đầu, sau đó bước ra ngoài, bóp khóa cửa lại. Tôi đứng trên thềm nhìn lên ngọn núi mà tôi sắp sửa leo lên.

Tôi đi lại con đường hẻm cũ, nhưng loanh quanh một hồi không tìm thấy cái quán mà lần trước cô đã mua chai nước, tôi phải hỏi thăm nhiều lần, cho đến lúc tìm ra được những bậc gạch đầu tiên dẫn lên núi. Chỗ này chệch khỏi con đường, len vào giữa một bên là vườn rau cải, bốn bên hàng rào đậu Hà Lan leo kín, một bên là rặng tre um tùm, khuất vắng, rì rào tiếng gió. Tôi nén sợ đi thật nhanh khỏi đó, ra đến chỗ sáng quay lại đã thấy mặt trời tỏa chói sau lưng.

Ngoài tôi ra, không còn một ai lên núi trong chiều hôm đó. Trước sau tôi chỉ có một mình. Không bị lệ thuộc vào ai, mệt thì tôi ngồi nghỉ, nhưng cũng ý thức canh chia thời gian để có thể leo lên đến nơi rồi còn trở về mà không bị tối.

Nhưng bên trong con người tôi lúc đó đã bắt đầu âm thầm cất lên những suy tưởng thẳm sâu. Nó là tiếng hát, là lời than, là nỗi buồn phiền, là khát vọng mãnh liệt… Chỉ một mình như thế này tôi thấy đạt đến tự do. Suy tưởng của tôi dường như có một giai điệu nào đó, tôi tạm gọi nó là “Bài thơ của người leo núi”.

 

Bài thơ của người leo núi

Tôi một mình trèo lên đồi cao. Nắng chiếu sau lưng gay gắt. Những bậc gạch lở lói dẫn đường lên hun hút. Những bụi cây lúp xúp, cháy khô không thể là nơi trú. Mồ hôi nhễ nhại, tay chân bải hoải, miệng thở hổn hển. Mất hết tác phong thường ngày. Tôi thầm nguyền rủa những thứ huyễn hoặc thần tiên đi mây về gió.

Tôi lấy chai nước uống từng ngụm nhỏ, nuốt vào nghe đau tức lồng ngực. Trong tình trạng này mà tu ừng ực dễ chết như chơi. Cũng không được ngồi xuống ngay, phải đợi nhịp tim điều hòa trở lại.

Tôi thèm ra ngồi dưới gốc cây hoa ban kia một lát, nhưng lại sợ mất nhiều thời gian. Sẽ ra sao nếu tôi ngồi ở đó và ngủ quên trong đêm. Tôi sẽ kêu lên thảng thốt như chim lạc và nhân đó nhìn thấy được một hình dạng mới của mình.

Có những bước đi gần như vô tri giác. Cây cỏ xước cào một vệt máu nhỏ nơi tay. Gió lùa mặt đất xào xạc. Không có một điểm tựa. Không có một bóng người. Trời đất bỗng chênh chao như không đủ sức níu giữ nổi tôi, như muốn để mặc tôi tuột rơi xuống lòng thung lũng.

ở lưng chừng quả đồi bên kia có một ngôi nhà đơn chiếc, nhỏ xíu, tồi tàn. Một làn khói bay lên. Nhà của người Thái, Kinh, hay Mông? Ai cũng chất chứa tâm sự. ở đây có thể là cuộc sống đơn chiếc hoặc khó khăn? Tôi kỳ vọng được nghe về một tình yêu đau đớn. Nhưng cũng có thể là sự đầm ấm và yêu thương, là tự do và bình yên. Tôi không thể nào biết được.

Dưới chân tôi cánh rừng cỏ dại đang ra đời. Nhìn đâu cũng thấy hai lá mầm nhỏ bé. Dẫu chỉ là cỏ dại song vẫn làm tôi xúc động, mừng vui. “Cái chết, tình yêu, sự sống”, tựa đề bài thơ của Pôn Êluya, ở đây sự sống vừa mới bắt đầu.  

Trên đường tôi đi thỉnh thoảng lại hiện ra một loài hoa lạ. Tôi không biết tên. Nhưng lòng tôi thanh thản. Không rối rít truy tầm. Vì tôi nhớ tới tiếng nói ngây thơ của em, em bé người Mông có đôi má đỏ ửng tôi gặp bên đường dẫn vào Co Mạ. Tôi hỏi em: “Hoa gì đây?” Em trả lời bằng tiếng Kinh dịu dàng: “Hoa gì a? Không biết. Chỉ biết là hoa thôi.” Lúc đó, tôi như người tỉnh ngộ, ngỡ ngàng, nhìn đóa hoa em hái cầm tay với đôi mắt trìu mến. Thật là cám ơn.

Tôi luôn luôn canh chừng mặt trời. Tôi phải cố leo lên tận đỉnh. Tôi sợ mặt trời bỏ rơi tôi giữa cuộc hành trình. Tôi sợ đêm tối âm u biến tôi thành hồn ma phiêu lãng.

Tôi vừa thở vừa tâm niệm hãy cố lên. Đoạn đường chót cùng dựng đứng như một thử thách khắc nghiệt. Tôi quyết không chịu thua. Có biến thành con kiến tôi cũng cố bò lên đến nơi.

Người bạn dưới mặt đất của tôi đã cảnh báo là tôi sẽ chẳng thấy gì ở trên đỉnh núi hiu quạnh này ngoài vài cây thông và cái trạm phát sóng di động như món đồ bị bỏ quên. Có thực như thế chăng? Bạn không thấy được gì khác nữa sao?

Tôi dõi mắt xuống thị trấn be bé chen chúc nhà cửa, nhớ đến khuôn mặt người bạn ánh lên vẻ ngạo nghễ mỉa mai, tất cả bây giờ đã chìm lỉm trong bóng chiều sẫm sịt. Mặt trời của tôi bấy giờ đang thầm lặng trút hơi tàn trên chóp núi xa xôi, nơi đó sương khói trào dâng như bức đại phong cảnh nhạt nhòa, diễm lệ.

Thật may mắn và vinh hạnh cho tôi được làm kẻ truy điệu mặt trời vào đúng lúc tôi chiến thắng cái thân xác xương thịt của tôi, nó trở nên nhẹ tênh khi đặt chân lên đến đỉnh đồi lồng lộng.

Tôi nhớ tiếng hát của người con trai dân tộc Mông học trong trường dân tộc nội trú thị trấn đã hát trong một buổi tối gặp mặt quây quần. Tiếng hát thầm thì đau xót, giai điệu giản đơn mộc mạc của nỗi cô quạnh ngút ngàn. Tiếng hát thấm đẫm tình yêu. Tôi xin dâng lên mặt trời bài hát tâm linh đó, nó đang lan tỏa trong bản ngã tôi, trong trái tim tôi. Thế giới rộng lớn giờ phút này đã đưa tôi đến gần mặt trời. Tôi xin cảm tạ.

*

*     *

Tôi trở về mặt đất. Đêm xuống trăng lên. ánh trăng tỏa khắp núi đồi, soi xuống từng bông hoa xuyến chi trắng nhỏ tràn lan trên đất trống xung quanh nhà, ngoài bìa đường. Núi non trầm mặc nhẹ nhàng. Tôi đứng nhìn lặng lẽ. Sắp đến ngày tôi phải từ giã nơi đây.

Khi tôi quay đầu lại, bên mép cửa, con mèo đen đã ngồi ở đó từ lâu. ánh mắt mở to, đen lóng lánh. Nó giống hệt người đang ngồi thiền, giấu hết mọi nỗi niềm vào trong. Nó thường ngày rất cô độc, đói khát. Hiện giờ đang mang thai. Cái bụng to phồng nhưng nhìn kỹ thì nó thực gầy gò, tội nghiệp. Sự nhỏ bé, âm thầm của cõi sống hiện qua bóng dáng của nó. Tôi cảm thấy trái tim mình không chịu nổi cái buồn này.

Rồi chợt nhiên tôi rùng mình, sau gáy lạnh toát, trực cảm núi non hùng vĩ vừa choàng mắt nhìn tôi. Con mắt bí ẩn đầy thấu cảm. Tôi thành tín nghĩ hẳn là những bước chân nhọc nhằn lên đỉnh núi đã đánh thức tấm lòng của núi non.

Tôi ngồi xuống bên con mèo, làm người bạn lặng lẽ của nó. Chúng tôi cùng chìm đắm trong một cảnh tượng mơ màng. Và tôi có một một niềm tin thầm kín, rằng chúng tôi đang ở trong con mắt của vô biên bình lặng. Con mắt quán chiếu, dung nạp và hóa giải, ít nhất là cho những nỗi niềm của tôi trong những ngày lưu lại nơi đây.

 

 

TRĂNG MÙA THU

Truyện ngắn của CHÂU DIÊN

Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có chàng Cuội già ôm một khối mơ…

Cuội ơi ta nói Cuội nghe

ở trên trăng mãi làm chi…

Có con dế mèn

Hát trong đêm thâu

Hát sẩm không tiền

Thân nghèo xác xơ…(*)

 

Bây giờ thì hai người đã rũ được mối bấn bíu cũ về một tình yêu không có lối thoát. Hai anh chị, một già một trẻ, đúng là như đôi đũa lệch so sao cho bằng, họ vẫn đùa vui với nhau như vậy khi họ đã đến với nhau, đậm đà gặp nhau và nhẹ nhõm gần nhau – mỗi ngày yêu là một ngày vui, người đàn ông nói thế; mỗi bước yêu là một bậc thang lên miền ngây ngất, người đàn bà nói thế – hai người thi nhau nói cứ như thể đang tranh hết công việc của các người có nghề làm thơ.

Sau rồi, những phút giây nhẹ nhõm cứ hiếm dần. Cuộc đời mỗi ngày diễn ra như những tiếng thở dài ngắt nhịp, người đàn ông nói thế – cuộc sống trôi đi bằng tổng số những bước đi phải rút khăn thấm nước mắt, người đàn bà bỗng chuyển sang toán học lúc nào không ai hay biết. Mỗi ngày, của người đàn ông, cứ tích tụ mãi rồi cũng thành vô số ngày, làm sao mà nhẹ nhõm mãi cho được. Mỗi bước, của người đàn bà, cứ leo mãi rồi cũng mỏi cẳng, làm sao mà ngây ngất mãi cho được. Thế rồi, họ nhận ra là đã tới lúc hai người cần chia tay nhau thôi. Chia tay để giữ được những nét đẹp của cái niềm vui khi đang còn bầm dập yêu đương (cách nói của họ, không phải của người chép truyện), họ quyết định như thế và lý giải như thế – rành rành là những con người thời hậu hiện đại!

Đúng vào cái hôm họ ra quyết định chia tay thì người đàn bà đặt câu hỏi:

- Sau này, em và Cụ sẽ nhớ lại những ngày qua với nhau như thế nào nhỉ?

Câu hỏi không được đáp lại, vì người đàn ông trả lời như sau:

- Cám ơn em đã tìm ra được một cách xưng hộ dùng cho chúng ta trong giai đoạn mới.

Người đàn bà nói:

- Em thề, từ nay không bao giờ yêu một người nào dù chỉ dính dáng một ly một leo đến thơ… Cụ hiểu chứ?

Người đàn ông nói:

- Cám ơn em đã có thái độ quyết liệt với thơ… Tôi hiểu, chứ sao lại không hiểu? Thơ khó tính lắm, khó chiều lắm…

 

* * *

 

Cho đến hôm nay, hai người ấy tức là vẫn “Cụ” ấy và “em” ấy, cũng tức là mối tình của hai người khi đã bước sang giai đoạn mới không còn say đắm như thưở nào, thì hai người bỗng tình cờ lại được ngồi với nhau trước cảnh lồng lộng trăng lên. Trăng treo bên trên Hồ Tây. Một chút mây hoặc chút khói sương môi trường ô nhiễm làm cho trăng có màu vàng vàng đùng đục, không trong xanh như bao giờ, nhưng cũng chẳng sao, vì trăng vẫn cứ là trăng.

Chưa kể là, người ta ngồi trước trăng không chỉ để nhìn trăng, mà để nhìn vào thẳm sâu ký ức của mình. Người ta không ngắm trăng, mà còn nhớ trăng.  

Và trong cái nỗi nhớ trăng khi đứng trước trăng, được thấy trăng treo lơ lửng trên đầu là chàng ta lại xao xuyến. Xao xuyến thực sự ấy. Chàng không có cái xao xuyến của trẻ con được chiếc bánh trông trăng và được chiếc đèn có con thiền thừ để chạy dưới trăng. Một cuộc sống khô khan khiến chàng ta không từng có một tuổi thơ như vậy. Chàng ta chưa từng được lẫm chẫm ì ạch chạy theo cây đèn cho tới khi ngọn nến tắt trong miệng con thiền thừ. Nhưng đổi lại một tuổi thơ khắc khổ, chàng có cả một bầu trời cao cho cái khờ khạo của riêng mình để đón một ông trăng bao giờ cũng là của riêng mình. Sau này, và mãi mãi sau này, không suy suyển, bao giờ chàng cũng nghĩ đời mình thật hạnh phúc – cái hạnh phúc do mộng mơ và dại khờ đem lại.

Bây giờ thì chàng ta đã về già thật rồi. Vừa kéo ghế ngồi cùng nàng ở cái quán nước bên Hồ Tây thì chàng ta bỗng ngẩng mặt lên và khẽ nói “Trăng!”. Ngay lập tức, mấy câu thơ hiện lên… 

Nàng đinh ninh trong dạ chắc hẳn là “Cụ” đang nghĩ mấy vần thơ cho mình. Nàng không biết rằng “Cụ” đang nhớ tới những câu thơ khác. Hôm đó có một cô giáo nào đó trong một cuộc đi chơi ở đâu đó đã nói với chàng như thế đó “anh làm bài thơ tặng em có ông trăng kia đi”. Chàng dừng lại nắm lấy tay cô giáo ấy, chàng nhắm mắt lại để nhìn cho rõ hơn một đôi mắt được chàng gửi trong một tứ thơ bất chợt, trăng thu nhè nhẹ lên đèn, ơi con mắt tròn bình yên…  Người đàn bà dù có là một cô giáo mô phạm thì cũng vẫn nũng nịu như mọi người đàn bà: “Không đủ, trong bài thơ phải có cả tên em nữa kia!” Và chàng đã đọc tiếp để gửi phứa phựa được tên nàng vào thơ của mình “Trung thu linh thiêng, xa vời xa vời, tắt ngọn đèn trời, cất tiếng không lời…

Người đàn bà hỏi rằng: “sao lại tắt ngọn đèn trời…” Người đàn ông không nói. Thơ là thế, cứ luôn luôn chứa đựng những miền bí ẩn, mà thiếu chúng nhà thơ vẫn làm ra đủ những vần những điệu, chỉ không làm ra thơ mà thôi. “Sao lại tắt ngọn đèn trời … ?”

“ờ, sao lại tắt ngọn đèn trời nhỉ?”

Người con gái đang cùng ngồi bên Hồ Tây lúc này với chàng ta vốn là người nhạy cảm, cái nhạy cảm đã khiến hai người đến với nhau và cũng cái nhạy cảm chia lìa kia, liền cất tiếng hỏi “… Cụ đang nghĩ đến người tình thứ mấy đó?” Chàng ta mỉm cười, nhắc lại cái câu thơ đã dẫn tới một câu hỏi bâng quơ hơn cả thơ “ờ, sao lại tắt ngọn đèn trời em nhỉ?”

Cô gái này quá thông mình, nên đoán gì cũng đúng, chỉ có điều cô đoán đúng tới đâu cũng vẫn là đoán không thấu. Họ đã đến với nhau – mỗi ngày yêu là một ngày vui, mỗi bước yêu là một bậc thang lên miền ngây ngất – hai người đã đến với nhau như các người làm thơ vẫn đến với nhau. Nhưng rồi họ vẫn không thấu được nhau.

Điều gặng hỏi của cô gái làm cho ngay cả ông trăng treo lồng lộng bên trên Hồ Tây lúc này bỗng thành dung tục:

- Cụ vừa nghĩ đến người tình thứ mấy đó?

- Nghĩ gì đâu?

- Có nghĩ! Cụ cứ nói, em không tức đâu.

- Cứ cho là một người tình đầu tiên đi.

- Năm nào?

- Năm tròn sáu mươi tuổi.

- Thế thì làm sao lại có thể là “đầu tiên”? Trước đó đã lăn lóc chán chê, đầu tiên sao cho đặng!

- Đầu tiên mà… 

- Cụ kể em nghe đi…

- ờ … Tháng trước, cũng ở cái ghế này, tôi và nàng ấy cũng ngồi đây, và trăng trước rằm tháng Tám khi đó cũng chợt hiện ra trên đầu trước mặt như đêm nay…

 

* * *

Chàng ta như lạc vào một miền đất lạ nào đó, chàng ta không biết rằng mình đã không nhớ đến và không kể lại câu chuyện hồi xưa có ngọn đèn trời “linh thiêng” để gieo cho đúng vần có tên nàng…

Kể làm sao bây giờ nhỉ? Người mà chàng đang yêu đắm đuối lúc này, hôm nay, đưa tay ra là với được đây, vẫn đang là một mối tình đầu thực thụ. Đó là một cô gái tuổi cách chàng hơn hai phần tư thế kỷ. Nhưng thực sự đây là một cuộc tình đầu. Bao giờ chàng ta cũng run rẩy khi nghĩ tới em, và bao giờ chàng ta cũng mang một nỗi đau chung tình như nỗi đau hồn nhiên và chung tình của con Dế mèn đêm nào cũng ngồi hát ở nơi kín đáo góc buồng góc vườn góc ao góc trái tim ta …

Chàng ta ghi trong nhật ký hôm nay là ngày thứ sáu mươi tư ta đang nhớ đến em … đã sáu mươi tư ngày rồi kể từ lần gặp gỡ hôm ấy, những sáu mươi tư ngày một tình cờ đã làm hai bên gặp nhau, và ngày nào cũng như ngày nào, mỗi lần hai người rời cái nơi cùng làm việc ấy, chàng ta lại lẩm nhẩm câu thơ đã thành như là thơ của kẻ khác làm ra và lúc này chàng ta chỉ đang lầm nhầm nhớ lại … hạnh phúc phân vân … Chợt xa đã thấy mây vần trời xanh … Đã nghe nức nở nắng hanh  … Chợt khuất lối nhỏ đã thành biệt ly …

Mỗi buổi chia tay ấy chàng ta đều thấy đó là một cuộc biệt ly chẳng biết khi nào còn hy vọng gặp lại, chàng ta đều thấy thật sự đau quặn lòng, đẫm nước mắt, không sao lý giải nổi vì sao chợt khuất lối nhỏ đã thành biệt ly … 

Người con gái ấy nhỏ nhắn và nhỏ nhẹ, nhưng bên trong là cả một sức mạnh. Một thế lực đủ để chàng ta luôn luôn hãi sợ. Một nỗi sợ chỉ những người si tình mới biết gọi tên ra, rằng đó là nỗi sợ! Chàng sợ đụng vào em thì chút tình cảm mong manh vun vén lúc này sẽ vỡ tan, và đó sẽ là cơ hội cuối cùng chàng mất đi khi vẫn đang còn được mê mải sống trên cõi đời này…

 

Nàng đã gửi cho người tình si những dòng thế này.

Ngày … 

Ta bắt đầu lây (quen?) từ Người cái cách nói năng với kẻ khác mà bao giờ cũng như nói với chính mình. Ta viết biết bao nhiêu lá thư và ta không gửi cho Người. Hỡi kẻ đàn ông ích kỷ kia ơi, Người có biết ai đang viết thư cho Người mà chẳng hề gửi đi?

Ngày …

Thế là hết rồi! Đêm đêm, ta bắt được Người trên mạng. Người làm gì trong khi ta đang mơ mộng? Người nhớ nhung ai trong khi ta nhớ nhung chính Người? Ngày xưa, những người yêu nhau có cản trở là đẳng cấp là giàu nghèo là quyền uy là bối cảnh. Thời nay có gì mà con người yêu nhau vẫn cắt chia nhau?

Ngày …

Người ấy hỏi Ta “em có thích đi chơi xem trăng trên Hồ Tây không?” Mình mỉm cười. Và Người ấy run run sợ hãi, lắp bắp, “em không thích thì thôi”. Ôi chao, ngần ấy tuổi mà vẫn như con  nít, Người ấy vẫn không biết là Ta thèm khát được đi cùng Người. “Thôi, thôi, em không thích thì thôi”. Sau rồi, mình lại chở Người tới đúng chỗ Người muốn ta cùng tới. Trăng mùa thu bên Hồ Tây. Một thế kỷ trước, trăng ở chốn đây có như đêm nay? Nhiếu thế kỷ trước, trăng ở đây có khác trăng đêm nay? Giản dị thế, nhưng sao Người lại run sợ?

 

Cái câu hỏi dung tục, cái câu hỏi dẫn tới đổ vỡ, lại vang lên bên tai:

- Em hỏi “Cụ” câu này. Khi yêu, “Cụ” yêu cái gì?

- Yêu à? … Yêu hử? … Sao lại yêu?

- Nói đi, “Cụ yêu cái gì?

- Yêu … có thể là cái bóng của mình trong kẻ khác.

- Nhưng cái bóng đó làm sao nguyên vẹn được như thật?

- Yêu … có lẽ là những cảnh hiện ra ở lối ngoặt lúc ta đi trong rừng…

- Có thật hay không có thật…?

- Cái gì có thật, cái gì không có thật? Mà có lẽ chính vì cuộc đời ấp úng như thế, nên mới có đổ vỡ, có ảo tưởng, có si mê, có chán chường, có đủ năm vị của quả lê, chua cay mặn chát ngọt bùi…

- Chua cay mặn chát ngọt bùi … đó là sáu vị…

- Năm tức là sáu. Sáu tức là năm.

- “Cụ” vừa mới ngụy biện nhé!

- Không hề. Như khi Ta được phản chiếu trong Kẻ Đó, ta có sáu mất một còn năm. Và có khi Ta có năm, bỗng dưng thêm một được sáu.

- Trăng kìa …

 

 

Trăng mùa thu như đã hiện ra để cứu họ khỏi sự bàn thảo nhạt nhẽo về tình yêu. Hai người ngồi im lặng ngẩng cao đầu nhìn trăng treo lơ lửng trên cái màn bảng lảng khói sương đầu mùa thu Hồ Tây.

Chẳng biết vì sao mùa thu hay có khói…

Có lần Nàng của ta đã vô tình (hay cố ý) nhắc lại một câu văn xuôi làm giả thơ đó. Bây giờ không có khói, chỉ có sương. Qua làn sương mỏng, trăng mùa thu chuyển sang mùa đông bao giờ cũng tỏ hơn mọi thời điểm khác.

Nàng lấy máy ảnh ra chụp. Nàng xoay quanh một cây liễu để lấy mấy cành mềm lê thê lơ thơ sẽ đổ một dáng lang thang lay lắt trên tấm hình có một bóng trăng như một ngọn đèn trong đêm đen ở bức hình kỹ thuật số.

Nàng không biết rằng cái vẻ hăm hở ghi hình vừa rồi đã khiến cho một người trong hai người hoàn toàn dứt bỏ được nhau.

Nàng vẫn hồn nhiên hỏi chàng:

- “Cụ” này! Có đúng là có một thời hình như chúng ta đã yêu nhau phải không nhỉ? Hay đó là ảo tưởng từ một trong hai phía?

- … cũng không biết chắc nữa…

Trả lời trực diện vào “thời hiện tại” bao giờ cũng khó. Chưa kể lúc này chàng ta lại còn đang mải nghĩ đến một mối tình đầu khác nữa sau cái vụ trăng mùa thu linh thiêng như con mắt tròn bình yên từ từ hiện lên ở chân trời.

 

* * *

Bấy giờ là một ngôi nhà và hai hàng bạch đàn. Đó là một thị xã ở biên giới và ở gần một vùng kinh tế mới. Hai người quyết định thuê một cái xe máy để chạy tám mươi cây số về thăm những con người ở một vùng kinh tế mới có tên là Dương Minh Châu.

Sáng sớm hôm ấy, lẽ ra hai người phải nổ máy xe và cho xe chạy, thì bữa đó em lại lắc đầu nói là mình không muốn đi nữa.

- Không nên đi anh ạ.

- Vì sao?

- Anh không chịu đựng nổi đâu.

- Chịu đựng gì?

- Nơi cha mẹ em đang làm kinh tế mới không đẹp như bài thơ anh tặng em đêm qua.

“Em kể một lần rồi ta nhớ mãi … Có một ngôi nhà và hai hàng bạch đàn…”

- Hai hàng bạch đàn ấy là của nhà hàng xóm. Nhà đó ở quả đồi chênh chếch phía trước mặt. Em kể rồi, nhưng mà anh không chịu nhớ, anh ghép chúng vào cho thành ngôi nhà của em…

- Ôi, anh xin lỗi, anh không cố tình…

- Em hiểu, nhưng em yêu anh chính vì điều đó. Em yêu anh vì bao giờ anh cũng xa cái thực tại cuộc đời đen đúa. Cả bài thơ của anh chỉ có một câu đúng sự thật.

- Câu nào?

- Đố anh biết đấy!

- Em nói đi, câu nào đúng sự thật?

- “Chẳng nhớ ngôi nhà cùng người yêu dấu, chỉ nhớ đêm đêm núi biết khóc òa“. Một trái núi biết khóc và đang khóc.

- Anh viết thế thật à?

- Anh làm mọi việc hăm hở như trẻ con, rồi anh lại mau quên… 

- Thật à?

- Nhưng em vẫn yêu anh, em yêu anh vì thế.

- Không, anh yêu em trước.

- Em yêu anh trước.

- Không thể. Anh nhớ, ngay khi gặp em, ý nghĩ đầu tiên là mình đã gặp người này ở đâu, từ khi nào… Hóa ra là một người trong mộng. 

- Em yêu anh trước. Một gã đàn ông không có tuổi. Một quả lê ăn đủ năm mùi.

- ồ, ý hay quá, rồi sẽ có lúc anh đặt ý tưởng đó vào một bài thơ nào đó. Quả lê ăn đủ năm mùi…

 

* * *

Chàng ta không nói gì, cũng không kể lại những điều vừa hiện ra trong óc, không thấy buồn cũng không thấy vui, chàng lẳng lặng nắm lấy bàn tay nàng.

Hai người ngồi im như thế rất lâu, nàng khẽ hát bằng tiếng nước ngoài Main dans la main … Tay cầm tay, tay trong tay … Hát đi hát lại. Chàng ngả người cắn khẽ vào vai nàng. Mặc dù đã chính thức cam kết chia tay.

Nàng lẳng lặng đẩy chàng ta ra. Nàng nói:

- Hôm qua cũng có một người cắn vào vai em như “Cụ” lúc này.

- Em thì rắc rối lắm! Một hôm nào đó, tôi sẽ viết một câu chuyện kể về người tình thứ nhiều lắm của em, khi tôi không còn ở đây nữa để giễu cợt em…

- Hai đứa chúng em đi chơi suốt ngày. Rạc cẳng, ngồi lại chụp bốn cái chân sóng soài. Rồi cũng ngồi chính cái chỗ này đêm nay em và “Cụ” ngồi.

- Thế hử? Thế mà tôi cứ nghĩ mình đến đây chỉ vì mình mang tâm sự riêng, mình muốn đến cái nơi mình lại đang giơ tay quờ quạng hạnh phúc…

- Nhưng nó cắn mạnh hơn “Cụ”. Nó bảo “Em yêu chị”. Và em để mặc cho nó cắn. Em thèm khát…

- Một mối tình đầu?

- Em không biết nữa. Em sợ là mình không bao giờ có được mối tình đầu cả.

- Em nhầm. Một đời người có vô số mối tình đầu. Với điều kiện định nghĩa lại mối tình đầu.

- Em vẫn thèm khát một mối tình đầu … đẹp như trong mộng.

- Cuộc sống thực không bao giờ “đẹp như trong mộng” hết, tôi nghĩ thế. Mối tình đầu là mối tình ta cho đi hết mình, chứ không phải là mối tình ta nhận được đầy đủ.

- Có lẽ vậy. Thôi, “thưa quý vị, cuộc trò chuyện lãng phí thời gian của chúng tôi đến đây là hết” … Anh cắn vào vai em đi. Cắn nhẹ cũng được… Thế… thế… thế… Ôi em yêu anh, mối tình đầu của em…

Cô nàng không biết là mình vừa vi phạm quy chế hai người đặt ra với nhau khi họ quyết định sẽ chia tay nhau, vì cô vừa chợt quên và đã gọi chàng ta là “Anh” thay vì gọi chàng ta bằng “Cụ”.

Dĩ nhiên là tiếng “Cụ” được đặt trong ngoặc kép.

 

Hà Nội, 20-10-2010 

            

(*) Lời một bài hát được hát khoảng sáu, bảy thập niên trước.

 

 

KHÔNG AI YÊU THƯƠNG TÔI

Truyện ngắn của McAmmond Nguyen Thi Tu

“Không ai yêu thương tôi ngoại trừ mẹ tôi nhưng có thể bà cũng chỉ bỡn đùa thôi…”

(từ bài hát Nobody Loves Me – B.B. King, ông hoàng nhạc Blues)

 

Ngày mẹ gã từ Việt Nam qua, gã dặn tên gã là Daniel. Gã tập cho mẹ gã phát âm cái tên Daniel. Gã bảo: Nói cho đúng, kẻo Tây người ta cười. Tây nào cười? Mẹ gã hỏi. Gã đáp: Thằng Henry chẳng hạn. Thằng Henry sống chung trong nhà với gã từ lâu, trước khi mẹ gã qua. Thế mà mẹ gã cứ quên, cứ gọi gã là Phúc. Gã khó chịu. Gã đã xóa sổ nó từ lâu. Bằng lái xe, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng của gã, chẳng chỗ nào còn cái tên Phúc. Cái tên mà người bên này nhìn vào hay đọc ra thành Phắc, lại còn giấu theo nụ cười tủm tỉm. Thoạt đầu gã không phản ứng. Bấy giờ gã mới tám tuổi, đến Canada như bước vào một hành tinh lạ, tiếng Anh lõm bõm nhờ mấy tháng sống trong trại tị nạn. Thế nên gọi Phúc hay Phắc, với gã chẳng nghĩa lý gì.  Sau gã để ý mấy lần lũ trẻ trong trường tiến đến chỗ gã, một đứa hô “Phắc”, cả bọn té ra cười. Gã đứng thộn. Về nhà, Lucy đứa con gái của bố mẹ nuôi gã giải thích, gã té ngửa. Từ đó hễ nghe tên mình bị phát âm sai, gã trợn mắt chỉnh liền. Nhưng bọn trẻ trong trường không tha, thích lôi tên gã ra chọc ghẹo. Gã căm cái tên Phúc. Phải chờ đến mười tám tuổi gã mới hóa vàng được cái tên cúng cơm oái oăm này. Đó là dịp gã thi nhập quốc tịch Canada, được phép đổi tên. Gã liền bỏ tên Phúc, dẹp luôn họ Trần, vứt cả chữ lót Văn. Đoạn tuyệt những thứ “trần văn, nguyễn thị” của đám di dân. Gã nắn nót xuống tờ đơn cái tên mới toanh gã ấp ủ suốt những năm trung học. Daniel Thompson! Thompson là lấy theo họ bố mẹ nuôi. Còn Daniel là lấy tên một đấng tiên tri trong thời Cựu Ước bị vua nghe kẻ xúc xiểm ném vào hang sư tử nhưng cuối cùng được cứu thoát bởi phép màu của Chúa. 

Mẹ gã thì tiếc tên Phúc. “Phúc là bố mẹ đặt cho con lúc mới đẻ,” mẹ gã làu bàu. “Nhưng bây giờ con là Daniel, không Phúc nữa,” gã gắt lên. “Da-ni-el. Mẹ nghe chưa?” “ừ thì Đa-nheo,” mẹ gã dằn dỗi. “Nhưng Đa-nheo thì hơn Phúc cái gì. Tên Phúc dễ đọc, lại có ý nghĩa.” Mẹ gã dông dài thêm về cái tên Phúc. Gã bỏ ngoài tai. Mẹ gã lái sang chuyện vợ con. Cái đề tài mẹ gã tra tấn gã gần như mỗi ngày từ hôm hai mẹ con đoàn tụ. “Qua năm là mày đã bốn mươi. Mẹ lo lắm. Nhà chỉ còn mình mày chưa đâu vào đâu. Mà sao thằng Henry cũng vậy, hai đứa mày cứ cà nhỏng chẳng thấy lo tính vợ con”. Mẹ gã thở dài. “Bằng tuổi mày tao đã chục đứa con, có cả cháu ngoại rồi… Phúc này… à… Đa-nheo…,” giọng mẹ gã chợt mềm lại. “Mẹ nghĩ đi nghĩ lại rồi. Mẹ thấy có con Đoan nhà ông Trùm Đương cùng giáo xứ mình bên đó là xứng với con. Công dung ngôn hạnh đủ hết. Con về cưới nó đi…” Trời. Gã cảm thấy nghẹt thở. Mẹ gã thao thao nói, nhiều từ nhiều câu gã không hiểu hết. Gã muốn hét lên, muốn tông cửa lao ra khỏi nhà. Mẹ gã lại động vào vết thương lòng sâu kín của gã. Ba tháng nay, từ lúc mẹ gã xuất hiện trong nhà, đầu óc gã mệt mỏi và căng thẳng. Gã muốn yên thân mà không được. Gã đã quyết định bỏ gia đình Thompson, trốn chạy khỏi cái nhà thờ Tin Lành nơi vùng quê ấy, dọn tới thành phố xa hơn cả ngàn cây số này những mong có một chốn nương náu bình yên. Rồi chuyện bảo lãnh mẹ gã, cũng do gã đổi tên Tây, giấy tờ trục trặc mất hơn năm năm mẹ gã mới qua được. Gã muốn nuôi mẹ, vì bố đã mất, các anh chị ai cũng yên bề gia thất. Nào ngờ sự có mặt của mẹ gã đã làm khổ gã thêm. Mẹ gã đấy ư! Sao không giống với sự trông đợi của gã. Gã đã không biết rằng mẹ gã có tính nói dai và hay xía vào đời tư của gã một cách sỗ sàng. Sự lắm điều của mẹ gã khiến gã phát điên. Gã quen kiểu đối xử tế nhị của ông bà Thompson. Gã muốn nạt cho mẹ gã im. Gã không chịu nổi. Đáng lẽ gã đừng đưa mẹ gã qua, đáng lẽ gã cứ tiếp tục cuộc hành trình cô lẻ trong đời như bấy lâu. Hơn ba chục năm qua, bắt đầu từ lúc gã là đứa bé thất lạc gia đình trong chuyến vượt đại dương sinh tử đến nay, gã tự mình bươn chải, tự mình chèo chống. Bao đêm nằm trong nhà Thompson, gã để mặc nước mắt chảy, gã nghĩ đến mái gia đình gã từng có ở một nơi gọi là Việt Nam. Gã từng có bố mẹ, ba anh trai sáu chị gái. Nhưng thật ra gã không nhớ ai chỉ nhớ mỗi mẹ gã. Gã mơ tưởng ngày sum họp.

Và bây giờ thì mẹ gã đang ngồi lù lù cả ngày trong nhà gã, sờ sờ trước mặt gã. Gã nuốt nước miếng, nghe thấm nhói trong ngực. Mẹ gã chẳng thể nào hiểu. Gã nhìn thấy giữa gã và người đàn bà đẻ ra gã là khoảng cách vời vợi.

Mày là ai? Gã tự hỏi. Gã khổ sở với câu hỏi thường xuyên leo nheo trong đầu gã. Nó lập đi lập lại từ hôm ấy. Bấy giờ gã đã rời gia đình Thompson và dọn lên thành phố Vancouver, nơi gã vừa mới kết thúc năm thứ ba đại học. Một buổi sáng mùa hè, gã đang đứng đón xe buýt đi làm, một người đàn ông da trắng từ đâu sấn tới: “Ê, thằng đầu đen. Cút mẹ về quê hương của mày, thằng lại cái chó đẻ!”  Người đàn ông quát vào mặt gã, hơi rượu phà ra. Gã bất ngờ, nghẹn họng. Chung quanh im thít. Gã biết bao nhiêu ánh mắt đang nhìn vào gã. Thương hại. Soi mói. Căm ghét. Gã lủi lên xe buýt như con chim trúng đạn. Gã chết lặng suốt chặng đường đến chỗ làm. Mày là ai? Mày là ai? Điệp khúc vang trong đầu gã. Gã nghe như có tiếng cười khinh bỉ. Mày là thằng lại cái, thằng gay. Nhìn mày kìa. Ha ha! Mày tưởng mày giấu được. Nó rành rành ra đó. Đồ bệnh hoạn. Dơ dáy. Mày là ai? Mày là thằng đầu đen. Vừa đầu đen vừa gay. Thật tởm lợm. Mày tưởng mày giấu được. Tóc mày nhuộm màu hạt dẻ, nhưng nhìn mắt mày, mũi mày, miệng mày, da mày… Mày vẫn là một thằng châu á mọi rợ. Nó rành rành ra đó. Mày nói mày tên Daniel Thompson? Luyên thuyên! Mày là Trần Văn Phúc. Đúng! Trần Văn Phúc. Đừng hòng chối. Gã lạnh nguời. Ông bà Thompson không muốn nhìn nhận mày. Người ta không muốn mày trong cộng đồng này. Người ta đang đuổi mày về quê hương. Nhưng quê hương mày đâu? Gã ê chề. Tự bao giờ trong tâm tưởng gã xứ Bắc Mỹ này là quê hương của gã. Gã lớn lên ở đây. Gã hít thở không khí ở đây. Gã nói tiếng Anh hoàn hảo. Gã ăn mặc như dân bản xứ. Tên gã không còn dấu vết những thứ “trần văn”, “nguyễn thị”. ừ, thì gã được đẻ ra ở Việt Nam. Nhưng gã biết quái gì về Việt Nam. Gã còn chẳng nói được tiếng Việt nên hồn nữa là.

Ai không tin một đứa trẻ lúc rời quê hương đã tám tuổi, mà sau này lại có thể mất hoàn toàn tiếng mẹ đẻ của nó? Hỏi gã. Gã thề có Chúa, tiếng Việt gã mất hẳn từ ngày tháng năm nào gã không biết. Sau mười năm ra đi, gã trở về Việt Nam như kẻ vừa câm vừa điếc. Tại phi trường, gã hụ lên khóc. “Phúc. Trời ơi thằng Phúc đây!” Mẹ gã nhào tới. Gã không nói không nghe được. Mẹ gã anh chị gã ngơ ngác không chịu tin. Mười năm sống trong gia đình Thompson đã cướp sạch của gã tất cả vốn liếng tiếng Việt tám năm gã gầy dựng. Đám người hiếu kỳ vây quanh gã, khen gã đẹp trai như Tây, nói tiếng Anh cũng như Tây. Gã cao lều nghều không giống ai trong nhà, (mẹ gã nói tại ăn pho-mát uống sữa Tây), da trắng mịn như con gái, tóc hoe nâu, áo sơ mi xoàng xỉnh ngắn tay. Mọi người chết khiếp với chiếc quần jeans lửng lơ ngang đầu gối, gấu tua rua lởm chởm, lại có hai lỗ thủng to tướng đằng sau mông. Fashion! Gã nói, như đọc được ý mọi người. Trên đường về nhà, gã mắc tiểu, muốn xe dừng lại. Không ai hiểu gã nói gì, gã phải ôm bụng chịu trận. Chuyến đó gã về bốn tháng để học lại ngôn ngữ mà gã đã đánh mất. Ngày trở qua Canada, gã khôi phục được một mớ từ vựng, nói và nghe tạm tạm, nhưng cái giọng Việt Nam thì không còn lấy lại được. Mỗi lần gã mở miệng nói tiếng Việt, mấy chị của gã bụm miệng cười.

Ở vùng quê Westbridge gã là người Việt duy nhất, đến trường gã cũng là học sinh á Châu duy nhất, gã đã lột xác để hoà nhập. Gã nhớ hôm tới phi trường thành phố Kelowna, ông bà Thompson cùng con gái Lucy ra đón. Một dàn phóng viên chờ sẵn, có cả người thông dịch. Gã nghệch ra vì sợ. Lần đầu gã nhìn thấy Tây. Cũng lần đầu gã hóa ra người quan trọng. Người ta giành nhau hỏi gã về cuộc hành trình bảy ngày đêm trên biển trước khi con thuyền nhỏ mang 128 con người đã kiệt sức vì đói khát dạt đến Ku-ku, một hòn đảo hẻo lánh ở Nam Dương. Người ta hỏi gã về bốn tháng ở trại tị nạn Ga-lăng, hỏi gã có nhớ bố mẹ anh chị còn bị kẹt lại ở Việt Nam, hỏi gã nghĩ gì về cuộc sống sắp tới trong một gia đình người Canada. Bà Thompson ôm hôn gã lúc người ta chớp máy ảnh lia lịa. Gã không nhớ người mẹ lam lũ của gã đã bao giờ ôm hôn gã như thế. Cũng lần đầu gã biết đến cái mùi thơm không tả nổi của người da trắng. Ông bà Thompson lái xe đưa gã về nhà. Gã ngơ ngác nhìn chốn ở mới của mình: một nông trại nuôi bò sữa rộng gần 200 héc-ta bên cạnh một con sông. Làng Westbridge vỏn vẹn ba chục gia đình. Mỗi nhà cách cả cây số. Hàng xóm tới coi mặt đứa bé tị nạn. Nhân viên y tế đến gặp gã. Chúa lòng lành! Bà y tá gần như rú lên. Đầu gã là một ổ chấy. Con nào con nấy úc núc đen trũi. Người ta cạo trọc gã, xịt thuốc lên đầu gã trước khi tẩy trùng khắp nhà. Con Lucy sợ không dám đến gần. Gã còn phải uống viên thuốc to như đồng xu để xổ cái bụng toàn giun sán của gã. Mấy tuần đầu, gã hay lánh trong phòng. Đến bữa gã ăn chiếu lệ. Gã không ăn nổi khoai tây hay phó-mát. Gã thèm mì gói, cơm chiên. Gã thèm mắm tép mẹ gã kho. Con Lucy mách mẹ nó mỗi lần nó rình thấy gã khóc. Bà Thompson nghi gã mắc chứng trầm cảm sau chuyến vượt biển thất lạc gia đình. Bà đưa gã đi nhà thương.  Bác sĩ khuyến khích gã tham gia hoạt động ngoài trời. Đi học về, gã được ông Thompson cho tập cưỡi ngựa, phụ tưới rau, chẻ củi, vắt sữa bò. Cuối tuần thì đi nhà thờ học kinh thánh và tập cầu nguyện. Gã bớt ủ dột. Gã không còn khóc nhớ mẹ gã. Dần dần gã thấy ở đây vui hơn sướng hơn. Tuổi thơ ở Việt Nam lùi dần như những đám mây mù mờ trong ký ức. Gã chỉ nhớ láng máng căn nhà tranh bé xíu, chung quanh là mấy luống rau cải rau mùng tơi. Những chén cơm khi độn chuối khi độn ngô gã ăn mấy vẫn thấy mới lửng bụng. Tiếng chuông nhà thờ mỗi sớm mỗi chiều. Những trưa hè không có gì chơi gã bắt mấy con nhện trên trần nhà cho chúng đánh nhau. Gã nhớ gã thèm đi bắn bi hay bắt dế với thằng Công trong xóm, nhưng cứ ra khỏi nhà là về bị bố gã nện. Trong nhà, gã nhỏ nhất nên ăn đòn nhiều nhất. Có lần bố gã trói gã vào cột nhà rồi lấy dao cứa chân gã chảy máu cho chừa cái tội lẻn sang nhà ông Lãm coi phim Lý Tiểu Long chiếu trên truyền hình. Gã kinh hoàng, vừa đau vừa sợ chết. Về chuyện trường học thì gã chỉ nhớ bị mấy bà sơ véo sưng tai vì không thuộc kinh Lạy Cha và hay đọc trật bản cửu chương.

Quê nhà với gã là thế. Gã không thiết nhắc tới. Gã nhanh chóng quên dần những điều gã muốn quên và cần quên. Rồi bỗng chốc gã trở thành niềm kiêu hãnh của gia đình bố mẹ nuôi. Bà Thompson thương quý gã đến mức con Lucy phải ganh tị. Gã học giỏi, được học bổng mỗi năm. Thể thao thì môn nào gã cũng nổi bật, đến lớp 12 gã được vào đội tuyển hockey quốc gia. Gã lại có năng khiếu nấu nướng, gã trình bày thức ăn lên đĩa trông như một tác phẩm nghệ thuật. Gã đẹp trai, ăn mặc hợp thời trang, phong thái lịch lãm. Mỗi mùa hè đi làm ở các tiệm ăn gã luôn được tiền típ cao hơn đồng nghiệp. Con gái nhiều đứa bộc lộ cảm tình với gã. Gã không thích. Và đây là điều khốn nạn đeo đẳng suốt cuộc đời gã.

Từ khi có thể nhớ được, lúc gã mới sang Canada được hai ba năm gì đó, gã bắt đầu phát hiện sự bất thường trong cảm giác của mình. Trong lớp khi thầy cô chia nhóm học, gã tìm cách chui vào nhóm con trai. Gã tránh bọn con gái. Gã không ghét con gái, nhưng không muốn gần. Lên đến trung học, gã nổi quạu mỗi khi bị cặp đôi với một đứa con gái. Rồi gã nhận thấy mình bị hấp dẫn bởi những đứa con trai khác. Đêm gã mơ luyến ái với người đồng giới. Gã đâm hoảng. Gã vừa muốn trốn chạy vừa trông chờ những giấc mơ ấy trở lại. Gã sợ. Gã không biết mình có thực sự là đàn ông không. Gã vào tiệm giả vờ mua tạp chí thể thao, nhưng thực ra là lén xem những hình ảnh trong mấy cuốn Playboy. Gã muốn thay đổi cảm xúc khác thường của mình. Trong một buổi tập dợt kịch tại nhà một đứa con gái cùng trường, bố mẹ nó đi vắng, nó kéo gã lên giường, gã đã tự chứng minh mình cũng giống những thằng đàn ông khác. Nhưng điều đó thực ra chỉ làm tăng thêm những khao khát thầm kín của gã với người cùng phái. Sự khát khao bùng cháy vào cuối năm lớp 12 khi gã bắt được tín hiệu từ John, một thầy giáo dạy tiểu học từ Toronto chuyển đến. John hơn gã năm tuổi, cũng sinh hoạt chung nhà thờ. Gặp John là gã thấy bị thu hút. Hai người có nhiều sở thích giống nhau. Chơi hockey, lái xe mô-tô, đi bộ việt dã, chụp ảnh phong cảnh. Gã và John gặp nhau hầu như mỗi ngày. Gã đưa John về nhà. Ông bà Thompson cũng quý John. Tội con Lucy khoái John ra mặt. Tất nhiên John chỉ coi nó như bạn. Với John, gã có thể trò chuyện về mọi lĩnh vực. John không những nhiều kiến thức mà còn lắm kinh nghiệm sống, không như lũ con gái đỏng đảnh, nông cạn, và phức tạp. Rồi một ngày gã và John lén lút ăn trái cấm với nhau. Trong một bụi cây bên con suối. Sau lần ấy, gã và John không dừng lại được nữa. Có hôm cả hai còn liều mạng tình tự ngay trong kho chứa đồ của nhà thờ. Suốt mùa hè năm ấy gã sống trong mặc cảm tội lỗi. Bao năm được giáo huấn trong nhà thờ, gã tin rằng đồng tính luyến ái là chuyện đồi bại, bẩn thỉu, trái với tự nhiên, một hành động gớm ghiếc xúc phạm đấng linh thiêng. Gã tìm cách tránh John với cớ chuẩn bị vào đại học. Gã âm thầm cầu nguyện cho mình được giải thoát. Gã nghĩ đến việc bỏ ngành kỹ sư gã đã đăng ký học, chuyển sang ngành ngôn ngữ học tiếng Trung Quốc và tiếng Tây Ban Nha để trở thành sứ đồ rao giảng Tin Lành trên khắp đất. Chỉ cách đó gã mới có sức mạnh tháo gỡ gông cùm của ma quỷ đang trói buộc gã. Nhưng lòng quyết tâm của gã chỉ kéo dài được dăm bữa. Gã lại điện gặp John. Tiếp tục lén lút. Gã chỉ còn hy vọng thứ cảm giác mọi người lên án đó chỉ là nhất thời, sau này gã sẽ tự nhiên thay đổi, vì gã không muốn nó, không chấp nhận nó.

Thế rồi giữa lúc gã không ngờ, tai họa ập xuống. Lúc ấy gã là sinh viện năm thứ hai, từ Vancouver trở về nhà dịp nghỉ đông. Gã và John đến nhà thờ chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Bà vợ mục sư kiêm trợ tế bắt quả tang gã và John đang mút lưỡi nhau trong nhà bếp. Đồng tính luyến ái đã là tội tày đình. Hai kẻ tội phạm còn cả gan làm chuyện nhớp nhúa ngay trong nhà Chúa, lại giữa thanh thiên bạch nhật. Nỗi điếm nhục tăng lên, lớn nhất từ trước đến nay của nhà thờ Pentecostal trong vùng, khủng khiếp hơn tất cả các tội liệt kê trong mười điều răn của Chúa.

Gã không bao giờ quên bữa cơm tối ở nhà ông bà Thompson hôm ấy. Con Lucy nặng mặt suốt bữa ăn. Ông Thompson buồn bã không nói nửa lời. Còn bà Thompson, gương mặt chưa hết kinh sợ, đôi mắt đau đớn hổ thẹn. Bà nói, không nhìn mặt gã: “Mỗi người có quyền lựa chọn lối sống cho mình, nhưng phải biết kính sợ Thiên Chúa.” Gã cảm nhận việc làm của gã đã đâm thấu trái tim người đàn bà bấy lâu nuôi dưỡng gã còn hơn người đẻ ra gã. Gã muốn oà khóc vì giọng nói trơ lạnh của bà. Gã hiểu đó là dấu chấm hết trong tình cảm của gia đình ông bà Thompson với gã. Gã đã làm họ thất vọng tột cùng.

Tự trong thâm tâm gã bấy giờ, gã tấm tức muốn cãi lại rằng gã không hề lựa chọn lối sống đó. Gã không bao giờ muốn là gay. Gã đã tìm cách chối bỏ, nhưng không thể chế ngự được thiên hướng tình dục của mình. Vị mục sư cắt nghĩa với gã rằng trong chuyện này ma quỷ phải chịu trách nhiệm, và gã cần hợp tác đuổi trừ nó ra, không cho nó có chỗ trú ngụ trong đời sống của mình nữa. Gã buộc phải khai ra hết với Chúa về những ý nghĩ và hành động tình dục gã bưng bít từ trước đến nay.

Nghi lễ xua trừ ma quỷ tiến hành ngay tại phòng ngủ của gã. Nơi mà Xa-tăng và đồ đệ của nó thí dỗ gã, bắt đầu từ những cuộc thủ dâm và những giấc mơ luyến ái với người đồng giới. Gã nằm trên giường, tay ôm cây thánh giá trên ngực. Mục sư và các thành viên trong sạch được chọn lọc của nhà thờ đặt tay lên người gã. Họ cầu nguyện và đọc kinh. Mục sư gọi tên Chúa Giê-su, và tên các tổng lãnh thiên thần Micael, Gabriel and Raphael. Ai đó cất lên những tiếng nói lạ, lảnh lót như gọi hồn khiến gã hoảng hốt. Tâm thần gã bỗng trở nên bất an. Gã ngờ rằng có những con quỷ, không phải một con, mà cả một bầy đang vùng vẫy chống cự trong thân thể mình. “Chỉ có niềm tin mới giải thoát con khỏi tội lỗi gớm ghiếc này. Lạy Chúa nhân từ xin thương người tôi tớ Chúa…,” vị mục sư cất giọng trầm buồn trong lúc vẩy nước thánh lên khắp người gã. Tất cả trong đầu gã lúc ấy chỉ có hình ảnh John. Tựa như có người rì rầm bên tai gã: Đừng sợ. Hãy cứ vui thú tận hưởng với những gì mình đang có. Mày không thấy hài lòng sao? Mày không nhớ những phút giây hoan lạc sao… Hãy là chính mình. Đừng hoài công sửa cái điều không thể… Gã lảo đảo muốn chồm dậy. Tức thời những bàn tay bạo liệt đè gã xuống. Những lời kinh cất cao hơn. Bất chợt tiếng ai kêu: “Kìa, Xa-tăng và đồ đệ của nó!” Tiếp theo là những tiếng rú rít hoảng loạn. Gã chắc mọi người đã nhìn thấy lũ quỷ. Có phải chúng đương nhảy múa ngay chân giường gã. Gã thở dốc. Những con quỷ đen có ngà có đuôi, mang xiềng xích loảng xoảng đang loay hoay bắt gã. Gã như ngửi thấy mùi lưu huỳnh của chúng. Tiếng kêu, tiếng rú và những tiếng lạ như dàn hợp xướng bên tai gã. “Cút đi. Tất cả bọn bay!” Gã bỗng bật ra tiếng hét trong lúc giãy giụa tìm cách chồm dậy. Người ta lại đè gã xuống. “Xa-tăng và bọn ma quỷ các ngươi! Hãy cút ra khỏi linh hồn người tôi tớ Chúa đây là Daniel. Lạy Chúa Giê-su đầy quyền năng và nhân từ, ngày xưa Ngài đã cứu tiên tri Daniel khỏi nanh vuốt sư tử, nay xin thương đến tôi tớ Ngài đây cũng là Daniel được thoát khỏi hiệp ước đã ký kết với Xa-tăng…” Tiếng cầu của mục sư át đi những âm thanh hoảng loạn. Gã cong người. Ướt. Lạnh. Những giọt nước thánh không ngừng vẩy lên cơ thể gã. Bầy quỷ đang lao nhao điều đình với gã, chúng không muốn trở về địa ngục tối tăm với những vạc dầu sôi ngày đêm thiêu đốt các linh hồn tội lỗi. Chúng đang ráng sức thò chân leo trở lại vào người gã. Gã nghĩ và lịm đi.

John cũng phải trải qua nghi lễ ấy, sau gã hai ngày. Tưởng thế là xong. Không ngờ gã và John vẫn bị mọi người trong nhà thờ đối xử khác biệt. Người ta sợ sệt lẫn căm ghét khi thấy gã và John đến gần. Gã bị tước mất trách nhiệm đầu bếp cho bữa tiệc Giáng Sinh. Còn nhiệm vụ đánh đàn piano trong đêm lễ Vọng của John cũng được giao cho người khác. Gã và John đã làm ô uế hội thánh, không xứng đáng được hầu hạ công việc nhà Chúa nữa. Không một lời chia tay, gã và John tự động rút lui khỏi cuộc đời của nhau từ đó. Gã dọn đồ ra khỏi nhà ông bà Thompson, chuyển hẳn tới Vancouver. Học xong đại học, gã tìm được một việc làm ở Calgary, một thành phố nằm ở sườn đông dãi núi Rocky và sinh sống ở đó đến nay.

Ngót hai chục năm từ khi gã rời gia đình Thompson là ngót hai chục năm gã sống hai cuộc đời. Trước mắt công chúng, gã là một huấn luyện viên thành công và đầy uy tín cho đội hockey thanh niên thành phố. Nhiều cầu thủ trong đội huấn luyện của gã được tuyển lựa vào đội quốc gia. Học sinh của gã là những cậu trai tuổi mười sáu mười bảy. Chúng coi gã như thần tượng. Bố mẹ chúng nể trọng gã. Không một ai biết gã là gay. Gã không chỉ kềm cặp những chàng cầu thủ trẻ về chuyện thể thao, gã còn là tư vấn khi chúng gặp rắc rối chuyện đời tư. Rời chỗ làm, gã trở về với thế giới riêng tư và bí mật, một thế giới của những người đồng tính. Sau mối tình đầu với John, gã tắt lịm cảm xúc si mê say đắm ấy trong suốt thời gian dài. Biến cố xảy ra ở nhà thờ Tin Lành ấy như một cú đòn chí mạng đánh gã gục hoàn toàn. Gã mất phương hướng. Có lúc gã định tự vẫn. Gã dành thời gian tìm hiểu về thiên hướng tình dục của con người. Gã vẫn có ý muốn sửa đổi tính dục của mình. Gã nghiên cứu các học thuyết khác nhau. Càng đọc gã càng thấy mù mờ, càng thấy bị bế tắc. Gã vẫn không thể kết luận đâu là nguyên nhân gây nên sự đồng tính, cái điều khốn nạn đeo đẳng cuộc đời gã khiến gã không thể tự tin nhìn thẳng vào mặt mọi người. Với gã, điều ấy tự nhiên như thế. Gã chẳng đổ thừa ai. Nhưng nhất định không phải do gã, vì gã không bao giờ chọn lựa nó. Mẹ gã ư? Ma quỷ ư? Hay do yếu tố sinh học? Tâm lý học? Xã hội? Hay gì gì nữa? Gã phát chán những sự phân tích loanh quanh của người đời. Đâu đâu gã cũng thấy kêu gọi gay hãy bước ra khỏi “cái tủ”, hãy là chính mình. Gã làm thinh. Lâu lâu báo chí lại rùm beng đăng tin một ông huấn luyện viên thể thao nào đó bị bắt và kết án vì tội xâm phạm tình dục những cầu thủ trẻ. Tuy không có bằng chứng, ngưòi ta cứ gán những kẻ phạm tội ấy là gay. Nghĩ tới những định kiến, hằn thù đối với người đồng tính gã lại co người không dám lộ diện. Gã thà chịu đựng nỗi bực mình phải sống giả dối với người chung quanh, cả với mẹ gã. Gã không dám hình dung chuyện gì sẽ xảy ra cho tên tuổi và sự nghiệp của gã nếu gã vén ra bức màn bí mật của đời mình.

* * *

Sao lại đến nông nổi này, Chúa ơi. Mẹ gã lạc giọng, mếu máo. Mẹ đẻ mười đứa con đủ hình đủ dạng. Con cũng đầy đủ các thứ của một đứa con trai. Không, không thể như thế được. Con bị bệnh này từ bao giờ hả Phúc? ở nhà thờ người ta nói chuyện thằng Henry ở chung nhà với con. Mẹ không tin, cứ nghĩ người Việt hay ganh tị nói xấu bịa đặt cho người khác. Không, không thể là tự nhiên được... Bảo thằng Henry dọn ra. Chính nó đã cám dỗ con vào con đường tội lỗi này…

Mẹ gã sụt sịt, rên rỉ, kể lể như bà điên. Ma quỷ đã nhập vào con. Con phải đi với mẹ đến gặp Cha để xưng tội. Chỉ có Cha mới gỡ cho con được. Cha sẽ nhân danh Chúa đánh đuổi ma quỷ và tẩy rửa linh hồn con. Phúc ơi, nghe mẹ. Hồi mới đẻ con đã chịu phép rửa, tên thánh của con là Giu-se, sao con dám phản bội Thiên Chúa đi theo Tin Lành? Mẹ gã lê thê chuyện này sang chuyện khác.

Không, gã nhất định không đi gặp vị linh mục nào cả. Vẫn còn nguyên trong ký ức gã cuộc đuổi trừ ma quỷ nhà thờ Pentecostal dành cho gã hôm nào. Gã rùng mình. Trí óc gã lại chuyển sang hình ảnh người đàn ông da trắng say rượu từ đâu sấn tới. Ê, thằng đầu đen. Cút mẹ về quê hương của mày. Đồ lại cái chó đẻ.

Rồi con sẽ trở lại bình thường. Con sẽ có vợ có con như người ta. Con Đoan nhà ông Trùm Đương... Tết này con về Việt Nam cưới đi… Chỉ còn cách đó. Phúc ơi nghe mẹ đi. Người ngoài biết được chuyện này thì mẹ còn mặt mũi nào… Con ơi. Bỏ cái tên Đa-nheo đa nhiếc gì đi, nghe nó kỳ lắm…

Người đàn bà đẻ ra gã vẫn còn chưa dứt nói.

Nước mắt gã chảy ra. Gã bặm môi để khỏi khóc rống lên. Gã nghĩ đến bài ca gã lén nghe trong đêm cuối cùng ở gia đình Thompson. Thứ nhạc Blues nhà thờ nơi ấy cấm. Băng cát-xét đó là món quà cuối cùng của John, John giấu đưa cho gã ở nhà thờ đúng vào hôm định mệnh. Cho đến buổi tối trước khi rời khỏi vùng đất thân thương nhưng cay nghiệt ấy, gã mới mở ra nghe. Gã đã bật khóc giữa đêm khuya thanh vắng khi giọng người ca sĩ da đen gào lên tức tưởi… Không ai yêu thương tôi ngoại trừ mẹ tôi… nhưng có thể bà cũng chỉ bỡn đùa thôi… Không ai yêu thương tôi…n

Calgary, 12.2010


Tin bài mới

1
2
3
4
5
6
Tin mới