Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Người yêu sách chưa hẳn đã là nhà văn
Cập nhật: 15:40:00 22/10/2010

Hơn 10.000 cuốn sách với nhiều thứ tiếng, trong đó có những quyển quý hiếm mà rất ít nơi có. Đó không chỉ là hàng chục năm lặn lội đi khắp mọi miền Tổ quốc để sưu tầm, tìm kiếm, mà đó còn là niềm đam mê đã ăn vào máu thịt của anh giáo nghèo từ năm nào. Giờ đây con người ấy đã được mệnh danh ông “ Vua sách” xứ Bắc, đó là ông Phạm Chí Thiện ở xã Tráng Liệt, huyện Bình giang – Hải Dương”.

 

Từ niềm đam mê

Có nhiều người đã từng nói trên đời này có ba thứ càng cũ càng quý, đó là bạn, rượu và sách. Câu nói đó thật không sai, sách là kho tàng tri thức vô giá và là một người bạn tri kỷ với những ai biết trân trọng giữ gìn nó. Và có một người có niềm đam mê về sách từ khi còn nhỏ đó là ông Thiện.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất có truyền thống hiếu học, ông Thiện có niềm đam mê sách từ khi còn nhỏ, sách như có sức hút, như thứ ma thuật mê hoặc cậu học trò Phạm Chí Thiện từ khi còn nhỏ. Giờ đây tuy thời gian đã khá dài nhưng nhiều người dân ở thị trấn Kẻ Sặt( Hải Dương) này vẫn nhớ như in hình ảnh cậu học trò nghèo ham đọc sách. Dù cùng tuổi ăn tuổi chơi như bao bạn trẻ khác cùng trang lứa thì cậu học trò Thiện lại luôn tìm cho mình một nơi yên tĩnh ngồi cặm cụi ngấu nghiến với những cuốn sách trong tay. Những lúc chưa có tiền mua nhiều sách nên cậu phải mượn những cuốn sách của bạn bè khá giả trong lớp để đọc. Khi chúng tôi hỏi ông về ý tưởng thành lập tủ sách xuất phát từ đâu, ông bảo: “Thời đó còn chiến tranh, sách thì ít, kinh tế cũng có giới hạn. Vì vậy khi đi học mà biết ai có cuốn sách hay là tôi tìm cách tìm mượn bằng được. Trong đầu tôi lúc đó đã ước gì nhà mình có một tủ sách thật nhiều để đọc”, ông Thiện hồi tưởng.



Mê sách từ khi nhỏ, có ước muốn có một tủ sách của nhà mình. Rồi niềm đam mê ấy cũng có cơ hội và điều kiện để thực hiện khi năm 1974 ông thi đỗ vào khoa văn – trường Đại học tổng hợp Hà Nội ( nay là trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn). Ông kể: “ Những năm tháng là sinh viên, niềm đam mê sách của tôi lại trỗi dậy hơn. Thời đó ở Hà Thành ( Hà Nội) có hiệu sách lớn nhỏ nào mà tôi chưa từng đặt chân đến đâu từ Bờ Hồ đến Cầu Giấy, …lùng sục khắp nơi để mua sách, đọc sách”. Không chỉ ở Hà Thành, mấy tỉnh như Thái Binh, Nam Định, Hải Phòng…thì ông Thiện đi chưa biết bao nhiêu chuyến.

Ông Thiện say mê sách như người mê cờ bạc, sách với ông nó cứ như sức hút của nam châm vậy. Cũng vì mê sách mà với ông có được những cuốn sách hay là một tài sản vô giá với ông. Có những lần đi đâu đó mà tìm thấy quyển sách hay mà không có tiền mua thì ông phải bỏ ra cả đồ dùng cá nhân để đổi lấy sách: “Tôi từng phải bán cả cái áo bay, đồng hồ đeo tay để mua được bộ sách”, - Ông Thiện nói. Thời đó tìm sách ở Hà Thành chưa đã, ông lại nhảy xe vào tận Thành Phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu để “săn tìm” sách, có chuyến ông đi ròng cả tháng trời vì thế mà những đồ đạc trong nhà cũng ra đi theo để lấy tiền cho ông đi mua sách. Như một thám tử tư đi làm nhiệm vụ, lang thang cả tháng trời ông mua được hàng trăm cuốn sách. “ Con đường đi tìm sách cũng gian nan, vất vả lắm. Sách thì nhiều nhưng tìm được sách hay, sách quý lại là điều vô cùng khó. Có phải sách quý thì khi nào cũng nằm ở hiệu sách lớn đâu”, ông Thiện tâm sự. Tính ra thời gian ông dành cho việc đi tìm sách cũng không biết là bao nhiêu mà kể, đi hết mấy nghìn cây số, tốn bao nhiêu tiền chắc chắn cũng không ai thống kê nổi.

Đã lập thư viện sách

Rồi bao nhiêu đam mê và ấp ủ càng được nhen nhóm khi năm 1979, anh giáo nghèo Phạm Chí Thiện tốt nghiệp đại học, trở về quê hương làm giáo viên dạy văn. Cũng từ khi làm nghề giáo mà niềm say mê với sách của ông Thiện mà càng lúc lại càng “ngộ” vì sách hơn. Cũng từ đây ông Thiện quyết định dành tất cả thời gian và công sức của mình để đi sưu tầm sách. Thời gian mà anh giành cho công việc tìm sách nhiều hơn bất cứ công việc nào.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, và cũng gần bằng ngần ấy năm con người ấy vẫn như con ong chăm chỉ làm việc không ngừng nghỉ với công việc tìm kiếm sách, tới giờ ông đã sưu tầm được tất cả hơn 10.000 cuốn sách. Tôi thật sự ấn tượng khi ngồi trong phòng đựng sách của ông, đâu đâu cũng thấy sách, sách được đặt trên các ngăn tủ, kê trên các sạp, bí quá ông còn phải ke bớt phần giường nằm của mình để đặt sách. Tuy trong căn nhà nhỏ đơn sơ tưởng chừng như không hợp với việc trang trí, bảo quản sách thì lại được ông Thiện sắp xếp một cách thật hợp lý: “ Ở giữa này là sách Trung Quốc có tuổi trên dưới 100 năm; bên trái này là sách tiếng Pháp, còn bên phải là sách tiếng Anh, Tây ban Nha, Nhật Bản…”, ông giới thiệu.

Trên tầng hai, ông cũng sắp xếp những cuốn sách rất quý đó là những cuốn về mảng mỹ thuật và tôn giáo. Ông bảo: “Có những quyển hiếm của các tác giả lớn trên thế giới như: Leonardo da Vinci, Tề Bạch Thạch đến Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí…”. Đang loay hoay nhìn giá sách, tôi buột miệng nói: Sách nhiều quá bác nhỉ? Ông liền đáp: “ Chưa hết đâu, vì điều kiện ở nhà chật quá không có chỗ để hết sách nên tôi phải đóng thùng rồi đem đi gửi ở nhà bà con hàng xóm, hai bên nội ngoại nữa. Nếu các chú có thời gian thì tôi dẫn đi xem hết số sách ấy thì có đến tối cũng không hết”.

Nhìn vào những dãy sách cứ liền kề, san sát, nối nhau từ giá sách này sang giá sách khác, tôi thấy chóng cả mặt. Ấy thế mà với ông Thiện thì ông thuộc làu tất cả tên các quyển sách và cả vị trí đặt từng quyển. Đặc biệt là nhìn cái cách mà ông nâng niu từng quyển sách mới hiểu ông quý sách đến từng nào, không một hạt bụi dính lên sách, không một mùi ẩm mốc vì giấy. Đó cũng là kết quả mà hàng ngày tự tay ông cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi, quét dọn, sắp xếp kho sách của mình.

Trong kho sách của ông Thiện giờ đây có rất nhiều cuốn được xếp hàng “ độc”như bộ “ Từ điển từ nguyên Trung Quốc”( bốn tập sách giấy dó, in chữ Hán đã có người từng trả hàng trăm triệu); hay như cuốn có tuổi đời trên ba thế kỷ mà hiện nay không dễ gì mua được như tác phẩm Đoạn trường Tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du, được in bản giấy mà theo anh có giá trị thứ hai sau bản khắc được in thời Tự Đức năm thứ 19 (1866); cuốn Từ điển bách khoa toàn thư hội họa Tây Ban Nha (bằng tiếng Tây Ban Nha, dày 2.000 trang, nặng 50kg, có người trả gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, ông sở hữu đủ bộ Nam Phong tạp chí (60 tập), Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Phụ nữ Tân văn...rất có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử báo chí.

Trở thành tài sản vô giá cho thế hệ trẻ

Rất nhiều người nghĩ rằng cuộc sống này chỉ có muôn loài sinh vật thì mới tuyệt chủng. Hiểu như vậy là sai vì một thực tế là sách cũng tuyệt chủng như bao thứ khác. Có một nhà nghiên cứu văn học đã nói rằng: “Rất nhiều cuốn sách đã tuyệt chủng. Đó là những cuốn sách chúng ta biết chắc chắn từng được xuất bản nhưng không bao giờ tìm thấy bản in đó nữa. Lý do thì có rất nhiều. Có thể vì lịch sử, vì những điều kiện bảo quản, vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó. Nhưng cũng vì những người không có ý thức tôn trọng sách”.

Với ông Thiện 10.000 cuốn sách mà ông sưu tầm về không phải để cất cho mới, hay cho đẹp mà với ông tủ sách là để mọi người cùng có cơ hội đến tìm hiểu và nghiên cứu. Mấy năm qua đã có hàng nghìn người ở nhiều tỉnh thành về mượn sách để đọc và nghiên cứu nhưng ông không hề lấy một đồng lệ phí, không lấy một đồng tiền công. Niềm vui của ông là hàng ngày được đón hàng chục người yêu sách với đầy đủ mọi lứa tuổi đến tìm ông để mượn sách. Ông tâm sự: “ Tôi rất quý những người say mê và ham nghiên cứu sách, luôn sẵn sàng phục vụ khi mọi người đến đây”. Cũng vì vất vả với việc trông coi sách, kiêm việc thuyết minh cho khách mỗi khi tới thăm quan mà thành ra công việc của ông Thiện khi nào cũng bận tối ngày.

Giờ đây tủ sách của ông Thiện, ngày ngày vẫn được bổ sung những cuốn sách mới. Nhưng không gian trương bày thì có giới hạn, vì vậy mà mong muốn nhất của ông là: “ Có đủ điều kiện để xây dựng lại căn phòng khang trang, để đảm bảo cho việc bảo quản sách cũng như có không gian rộng rãi để mọi người đến đây đọc sách được tốt nhất”, ông Thiện nói.

Có lẽ, hiếm có người nào lại được như ông Thiện. Rồi thời gian cũng sẽ trôi đi, con người rồi cũng có lúc già đi cùng tời gian nhưng những việc làm của ông Thiện sẽ mãi được thế hệ trẻ chúng ta vinh danh anh giáo nghèo “ giữ lửa” cho đời.

Ngày 19/03/2010,, tủ sách của ông Phạm Chí Thiện đã đạt giải nhất cuộc thi “ tủ sách gia đình” lần thứ III do Hội sách TP Hồ Chí Minh tổ chức. Không chỉ sưu tầm sách, mới đây cũng chính ông Thiện còn lập thêm một chiến thành tích nữa đó là: Sưu tập được hàng trăm kỷ vật chiến tranh. Dự định của ông là sẽ lập một bảo tàng tư nhân vào một ngày không xa.

Chú thích: Ảnh chụp ngày 30 tháng 04/2010. Tại phòng sách của ông Phạm Chí Thiện.

Ảnh 1: Ông Thiện đang giới thiệu về tủ sách của mình

Ảnh 2: Quyển sách xếp hạng “ độc” trong tủ sách của ông Thiện


1
2
3
Tin mới