Nguyễn Long Khánh
Đầu tháng 9 năm 2009, tôi đi dự trại sáng tác kịch bản Điện ảnh hàng năm của Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức tại nhà sáng tác Nha Trang . Trật có hai mươi hội viên là đạo diễn, biên kịch của các hãng phim truyện, tài liệu, hoạt hình và các chi hội tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mười lămnhà biên kịch, đạo diễn phía Bắc đã có hai ngày đêm hội ngộ trên chuyến tàu nhanh xuất phát lúc 10 giờ đêm tại ga Hàng Cỏ đi Nha Trang.
Hai ngày đêm, chúng tôi đã hoà mình với nhau: cùng vui chén rượu, điếu thuốc, bữa cơm hộp trên tàu… Chuyện trò sôi nổi. Thôi thì đủ các chuyện trên trời dưới biển: chuyện thời cuộc, chuyện làm phim với những kỉ niệm vui, buồn… Nhưng chuyện được nói nhiều nhất vẫn là những chuyện hài hước, tiếu lâm cùng cười xả láng với nhau, để thấy mình trẻ lại… Tôi đã gặp đạo diễn, NSND Trần Văn Thuỷ, trong những câu chuyện vui vui trên chuyến tàu ấy, anh giản dị, dễ gần, hóm hỉnh. Trò chuyện với anh, ai cũng quý mến, trân trọng (mấy bạn gái biên kịch, đạo diễn, dựng phim vẫn gọi anh Thuỷ là “đội trưởng” , một cái tên trìu mến suốt những năm anh Thuỷ làm việc ở hãng phim tài liệu khoa học Trung ương). Anh là một đạo diễn tài năng, người làm phim chính luận xuất sắc đã làm rạng danh điện ảnh Việt Nam bằng những tác phẩm điện ảnh đích thực, dũng cảm, mạnh mẽ với chính kiến của người nghệ sĩ hết lòng vì nhân dân, đất nước của mình.
Tôi đã ở với anh Thuỷ 9 ngày đêm tại phòng 201 nhà sáng tác Nha Trang. Một căn phòng đẹp có cửa sổ nhìn ra bãi biển, dưới những tán lá bàng xanh mướt của một tu viện trầm mặc kề bên. Chúng tôi cùng trà sớm, rượu trưa, chiều đi tắm biển. Bữa cơm nào cũng uống chút rượu. Anh Thuỷ cẩn thận mang đi gần chục chai rượu thuốc Minh mạng của ông bạn già ở Hà Nội tặng và cả bộ ly uống rượu xinh xắn. Rượu uống có hương vị lạ, thấm chậm dần vào các giác quan làm người uống thấy tâm hồn lâng lâng hưng phấn tuyệt vời, chuyện trò bảng lảng. Vì thế những bữa ăn ở nhà sáng tác bao giờ cũng có một mâm rượu vui vẻ, hào hứng, quyến rũ cả đạo diễn lão làng Hải Ninh và phó chủ tịch Hội Đ.A Đặng Xuân Hải “ghé cửa” tham gia…
Những ngày ở nhà sáng tác Nha Trang thật đáng nhớ. Anh em hội viên đã có những buổi đi chơi, thăm quan ở vịnh Lan Hạ, khu vui chơi giải trì Pirvan, thăm nhà Bảo tàng Hải Dương học Nha Trang, khu mộ của bác sĩ Yexanh. Những buổi tối anh chị em cùng đi dạo, tối về quây quần ăn chè, chuyện phiếm ở cửa nhà sáng tác ngắm trăng trên biển. Riêng với tôi, được cùng anh Thuỷ tản bộ ven biển trò chuyện hoặc ngồi đắm mình trong im lặng nghe sóng biển rì rào và có những đêm thức đến 2-3 giờ sáng nghe anh kể chuyện làm phim, chuyện bôn ba ở xứ ngoài, chuyện sóng gió bão táp dội xuống đời anh… tôi mới hiểu làm một nghệ sĩ chân chính được nhân dân yêumến như đạo diễn Trần Văn Thuỷ phải vượt qua những khó khăn, thử thách, gian khổ biết chừng nào?
Hôm khai mạc trại (ngày 11/9) chúng tôi đã chứng kiến buổi gặp gỡ cảm động sau 40 năm giữa anh Trần Văn Thuỷ và nhà vao Căn Duy Thảo, nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Khánh Hoà. Anh Thảo ôm chầm lấy anh Thuỷ bảo:
- Trời ơi, nhớ không Thuỷ, hồi ấy ở mặt trận tao không quyết đưa mày ra nhanh thì mày tiêu rồi. Đã bị thương lại sốt rét người teo tót chưa được 40 kg, sống sao nổi? Hai anh phát biểu say mê kể lại kỉ niệm chiến trường xưa quên cả cử toạ trong lễ khai mạc.
Đêm hôm ấy, anh Thuỷ kể cho tôi nghe những ngày sống, chiến đấu ở chiến trường miền Trung khi là phóng viên quay phim trẻ với chiếc máy quay trên tay, ba lô trên vai, anh đã có mặt ở những nơi có chiến sự ác liệt để quay được những thước phim cận cảnh có giá trị. Anh từng bị thương, bị sốt rét kéo dài, nhưng anh dũng cảm, bám trụ đến cùng chỉ đến lúc cấp trên quyết định đưa ra hậu phương điều trị.
Anh nhớ lại những kỷ niệm vui buồn cay đắng, xót xa của người lính làm nghệ thuật những năm 60 - 70 ấy. Các chỉ huy thường có nhận xét, đánh giá khắt khe, quy kết về lập trường tư tưởng, tác phong tiểu tư sản, sự lãng mạn, mơ mộng của anh. Anh Thuỷ nói với tôi “ngay từ những ngày đầu ôm máy, quay phim ấy mình đã linh cảm cuộc đời nghệ thuật sẽ gặp nhiều trở ngại, đau đớn, đắng cay để đi được đến ước mơ ấp ủ từ nhỏ: sẽ làm được những bộ phim tài liệu đích thực phản ảnh nỗi đau đáu cùng cực và khát vọng lớn lao của nhân dân vĩ đại”.
Suốt cuộc đời Trần Văn Thuỷ mang nỗi đau bức xúc, dằn vặt về “nhân cách”, “phẩm giá”, lòng tự trọng của con người. Anh tâm sự “mình bền bỉ đánh thức sự tử tế ở mỗi con người, vì thiếu điều đó, họ sẽ không làm được gì có ích cho ai nữa”.
Có đêm ở Nha Trang, tôi với anh lang thang suốt đêm ở bãi biển nghe sóng vỗ, ngắm trăng lên, nhìn những đôi trai gái ngồi tự tình ngắm biển, những trẻ nhỏ nô đùa ven biển dưới ánh đèn cao áp mặt ngời lên niềm hạnh phúc. Anh tâm sự với tôi “mình mong biết bao những cảnh hạnh phúc, thanh bình thế này có khắp nơi trên đất nước Việt Nam . Mình sống, làm việc, tranh đấu bằng tác phẩm cũng chính vì điều đó”.
Anh kể cho tôi những cuộc đi miên man của anh trên đất Mĩ, Pháp, Đức, Nhật từ những năm 80. Đi để kết giao, tìm hiểu bè bạn và quảng giao về đất nước, về điện ảnh Việt Nam còn gian khó của mình. Anh tự tin vì đã có bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” được giải Bồ câu bạc ở liên hoan phim LepDich, nó như tấm thông hành đi vào thế giới điện ảnh của anh. Những năm 85 - 90 ấy, ở một vài nước, các bạn chưa hề biết về Điện ảnh Việt Nam dù chúng ta đã là một đất nước anh hùng đánh thắng 2 đế quốc xâm lược là Pháp và Mĩ, đi vào lịch sử huyền thoại thế giới. Nhưng về điện ảnh Việt Nam thì chưa ai biết nó có và phát triển từ bao giờ, hiện nay nó thế nào? Trần Văn Thuỷ đã làm một cuộc hành trình đơn độc như người lữ hành trên sa mạc. Anh tự mang phim của mình đi gặp gỡ, giao lưu với sinh viên các trường đại học ở Mĩ, Pháp, Nhật trao đổi với các nhà văn hoá ở các nước, các nhà văn Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài.
Anh Thuỷ hợp tác làm phim với nước ngoài nhưng không quên nhiệm vụ giới thiệu về đất nước mình, về nền điện ảnh Việt Nam trẻ tuổi với nhiều tác phẩm xuất sắc như: Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,… đã được giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế. Những bộ phim tài liệu như: Nói về Bắc Hưng Hải, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Giải phóng Sài Gòn, Đường dây lên sông Đà,… đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè thế giới. Các phim tài liệu Việt Nam đã từng được giải thưởng vàng, bạc ở liên hoan phim khu vực và thế giới.
Công bằng mà nói, Trần Văn Thuỷ là người có công giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài rất sớm, bằng những cuộc đi tự lực không được ủng hộ của mình.
Anh nhớ những chuyện cay đắng, xót xa, cô độc khi làm phim “Hà Nội trong mắt ai” về “Chuyện tử tế”. Anh bảo đến bạn bè, người thân cũng quay lưng lại với anh vì sợ bị liên lụy. Anh bị quy kết là một đạo diễn, là đảng viên lại làm phim để bới móc, bôi nhọ Nhà nước và chế độ. Nhưng có thể khẳng định một điều: 2 bộ phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đã khởi đầu cho dòng văn nghệ chính luận tích cực, dấy lên những tác phẩm hướng tới sự đổi mới xuất sắc khác như: Cù lao chàm, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn; các vở kịch: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Hồn Trương ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ; Các bút ký: Cái đêm hôm ấy đêm gì, Vua lốp lần lượt ra đời gây được tiếng vang mạnh mẽ với nhân dân cả nước.
Ở tuổi 70, anh Thuỷ vẫn say mê mong muốn được làm các bộ phim chính luận với những nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi. Mới đây anh đã làm phim “Người Man di hiện đại” nói về cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Bộ phim tài liệu dài 4 tập đã làm người xem say mê, bị chinh phục hiểu ra những vấn đề về vai trò duy tan khai sáng Tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh. Anh mong muốn được làm phim về bác sĩ Yecxanh, ở Nha Trang, người đã gắn bó, hi sinh cả đời mình vì sự nghiệp nhân đạo lớn lao để lại vô vàn niềm tin yêu của người dân miền Trung.
Trong những cuộc đi nước ngoài, anh Thuỷ luôn chú ý vận động quyên góp các nhà hảo tâm, các doanh nhân thành đạt, các bè bạn việt kiều cùng một phần số tiền thu được khi làm phim với Đức, Nhật, Pháp. Anh đã về làng xã quê hương làm những việc nghĩa tình, xây cầu, xây trường học, tu tạo đền chùa… Mỗi lần về quê anh vẫn đi chiếc xe honda cũ hoặc đi xe buýt. Bà con, trẻ nhỏ ở quê gọi anh là “cụ Thuỷ”. Họ chỉ biết anh là một ông già tốt bụng, thương yêu mọi người, chứ họ chẳng biết anh là nhà làm phim tài liệu xuất sắc, là NSND Trần Văn Thuỷ !. Anh ít nói về những giải thưởng, về những vinh quang đạt được trong đời làm phim. Nhưng ai đã xem phim đều có ấn tượng mạnh, rất khó quên. Ngay từ bộ phim đầu tay “Những người dân quê tôi” quay ở chiến trường liên khu 5 đã đoạt giải Bồ câu bạc Liên hoan phim quốc tế Leipzig (1970).
- Phim “Phản bội” về chiến tranh biên giới 1974, giải vàng LHP Việt Nam, giải đạo diễn xuất sắc nhất.
- Phim “Hà Nội trong mắt ai” giải vàng LHP Việt Nam năm 1980, giải đạo diễn xuất sắc.
- “Chuyện tử tế” giải bồ câu bạc LHP quốc tế Leipzig (1985).
- “Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai” (1999) giải vàng LHP Châu á - Thái Bình Dương lần thứ 43. Giải chứng nhận thế giới của Hội thảo Điện ảnh quốc tế tại Newyok 2003 Mỹ.
Đặc biệt phim “Chuyện cổ tích thời nay” anh nói về một làng quê 3-4 đời làm đồ gốm sống thanh bạch với tình làng nghĩa xóm, gắn kết với nhau. Đài truyền hình NHK đánh giá cao về bộ phim này.
Hôm chia tay, anh Thuỷ tặng tôi đĩa phim “Chuyện tử tế” và cuốn “Nếu đi trước biển” do bạn bè xuất bản ở Mĩ. Anh bảo tôi: “Mình nghĩ Long Khánh nên đọc, xem lại vì nó sẽ giúp ích ít nhiều. Một người viết kịch bản phim truyện cần biết về nỗi đau của những người Việt xa xứ, suy nghĩ, hành động thế nào khi nghĩ về Tổ quốc mình”.
Thú thật, khi xem lại “Chuyện tử tế” sau 24 năm ngày nó ra đời, tôi vẫn bàng hoàng, và tôi hiểu vì sao anh Thuỷ phải nhận nhiều sóng gió, bão tố, đắng cay đến thế ?Sao vào thời điểm năm 1985 ấy lại có một đạo diễn dám làm phim “Chuyện tử tế” nói về 2 chữ “nhân dân” tốt đẹp được gắn khắp nơi từ hiệu sách nhân dân, đến Viện kiểm sát, Toà án nhân dân, Quân đội nhân dân; cao hơn là Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp? Sao lại nêu những hình ảnh của nhân dân vĩ đại đang chen chúc, giành giật mua vé xe vé tàu, xếp rồng rắn mua lương thực ở cửa hàng. Sao lại miêu tả chuyện người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nâng niu những tấm huân chương giờ phải vất vả mưu sinh từng ngày chữa xe đạp khi người còn bệnh tật, hay thày giáo dạy toán, lý ngoài giờ bán rau ngoài chợ vì lương không đủ sống; chuyện anh bạn quay phim chót để đàn vịt vào ăn lúa của HTX bị ghi vào lí lịch là phá hoại sản xuất. Và chuyện người phụ nữ bị hủi cụt ngón tay âm thầm hàng đêm đóng gạch để xây cho con trai mình một ngôi nhà. Hình ảnh anh quy phim Đồng Xuân Thuyết trước lúc chết vì bệnh ung thư đã nhắc nhở bạn bè, đồng nghiệp “Tớ chết đi, các cậu còn sống phải làm được một cái gì đấy, nếu không tớ chết rồi sẽ kéo các cậu đi theo đấy”.
Phải chăng đây là nỗi đau của nhân dân, của cuộc sống đời thường, của bè bạn đã thôi thúc Trần Văn Thuỷ làm “Chuyện tử tế”. Phải đặt lại vấn đề nhân nghĩa, trí, tín ở đời. Nên những gì đặt ra trong “Chuyện tử tế” vẫn có giá trị thời sự nóng bỏng đến giờ và nhiều năm sau nữa, đúng như anh Thuỷ mới đây trả lời phóng viên Việt Nam net ngày 9/4/2010: “Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay lễ đài của quốc gia. Hãy hướng con trẻ và người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành, giỏi giang siêu phàm”. Đấy là thông điệp mãi mãi của “Chuyện tử tế” muốn gửi đến mai sau.
Tôi đã đọc “Nếu đi hết biển” một cách chậm rãi, từ tốn để tìm hiểu, lý giải một điều: “Vì sao cuốn sách này không được xuất bản ở Việt Nam - nơi mà đạo diễn Trần Văn Thuỷ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân?”.
Suốt tập sách là những bài ghi lại những cuộc phỏng vấn , trò chuyện của anh Thuỷ với bạn bè cũ sau nhiều năm gặp lại, rồi các nhà văn, nhà hoạt động văn hoá người Việt sống lưu vong ở nước ngoài như Nguyễn Thị Hoài Bắc, Hoàng Khởi Phong, Trần Văn ánh, Trương Vũ, Nguyễn Mọng Giác, v.v… Những câu hỏi của anh Thuỷ đặt ra hướng về tìm hiểu đời sống hiện tại và những suy nghĩ của những người Việt xa Tổ quốc ở hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Và nhiều điều đọc được trong “Nếu đi hết biển” làm tôi giật mình. Hoá ra, nếu ta quá “cảnh giác” sợ bị tuyên truyền, cứ nghĩ một chiều khiên cưỡng, bảo thủ với kiều: “Những ai đã bỏ quê hương mà đi thì đều là người xấu, người chống phá Tổ quốc cả” thì chưa hoàn toàn đúng. Có một nhà văn đã trả lời anh Thuỷ thế này: “Tôi chưa thật hiểu chủ nghĩa cộng sản thế nào, vì những điều tôi và gia đình đã trải qua từ ngày 30/4/1975 đến nay khi chúng tôi bỏ sang đây làm tôi chưa hiểu về những người cộng sản. Nhưng chúng tôi vẫn yêu nước theo cách của mình, vẫn hướng về Tổ quốc theo dõi những bước đi thăng trầm, buồn, vui của đất nước. Hàng năm chúng tôi vẫn cùng nhau đóng góp những món tiền gửi về xây dựng đất nước, làm từ thiện giúp người nghèo hoặc đầu tư hợp tác làm kinh tế nếu có điều kiện. Chúng tôi mong muốn cứ 1-2 năm lại được về thăm quê hương, thấy sự đổi mới đi lên, gặp lại những người ruột thịt của mình…”.
Đấy chính là điều cơ bản, cốt lõi đi suốt cuốn sách “Nếu đi hết biển”. Anh mong muốn có sự cảm thông, thấu hiểu, gần gũi giữa những người dân Việt gắn bó với nhau dưới một mái nhà cùng dựng xây đất nước dù có thể có những quan điểm, suy nghĩ về lòng yêu nước có chỗ khác nhau. Ta không mất cảnh giác đánh đồng những người yêu nước với một số kẻ tay sai cuồng tín, hoang tưởng mù quáng chống lại Tổ quốc. Họ chỉ là một phần nhỏ đi ngược lại lịch sử, sớm bị đào thải một cách tự nhiên.
Chúng ta có thể ngồi với những kẻ đã từng xâm lược, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc với dân tộc ta để xóa đi quá khứ hướng tới tương lai. Vậy sao ta không thể ngồi nghe trao đổi, diễn giải để gắn người Việt ở khắp nơi trên thế giới hợp thành một khối cùng dựng xây đất nước.
Tôi và anh Thủy đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với vài ba doanh nhân Việt kiều về làm ăn ở Nha Trang, trong đó có nhà văn Hoàng Khởi Phong đang sống ở Mĩ. Anh sắp xếp công việc ở Mĩ mỗi năm về Việt Nam 4-5 tháng để viết hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử tới 100 trang “Người muôn năm cũ” viết về người anh hùng Đề Thám với một tình yêu đặc biệt với truyền thống yêu nước vĩ đại của dân tộc. Hiếm có cuốn sách viết về lãnh tụ Đề Thám lại sâu sắc, oanh liệt, oai hùng đến thế (cuốn tiểu thuyết đã được NXB Hội nhà văn phát hành quý I/2010).
Chính vì thế mà anh Thủy kể lại trong trang tựa đầu cuốn sách lời của bà cô mình khi còn nhỏ, anh hỏi: “Nếu đi hết biển, cứ đi mãi, thì sẽ đi đến đâu hở cô?”. Và cô anh trả lời: “Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng cháu lại trở về với quê mình, làng mình…”.
Đó chính là thông điệp xuyên suốt muốn nhắn gửi đến ai sẽ đọc “Nếu đi hết biển” của đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy.
Tháng 12/2009 - sửa lại T5/2010
N.L.K