Tin tức

3/10
10:42 PM 2016

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (3/10/2016)

Tưng bừng Ngày hội VH –TT & DL các dân tộc vùng Tây Bắc

Trong 3 ngày từ mồng 1 đến ngày 3-10, tại thành phố Lào Cai đã diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể Thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII-2016.

Tham dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và đại diện các Bộ, Ban Ngành trung ương cùng đại diện 8 tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Với chủ đề “Các dân tộc vùng Tây Bắc đoàn kết và phát triển – hướng tới năm du lịch quốc gia 2017”, ngày hội VH-TT & DL các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII-2016 đã khởi đầu bằng lễ khai mạc hoành tráng, thể hiện qua các màn trình diễn giới thiệu văn hóa dân tộc của 8 tỉnh Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật mang tên “Huyền diệu Lào Cai – Lung linh Tây Bắc” được dàn dựng công phu bởi các diễn viên chuyên và không chuyên cùng màn bắn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời của tỉnh vùng biên Lào Cai sau tròn 25 năm tái lập.

 Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình đánh giá cao vai trò địa lý– chính trị trọng yếu cũng như các giá trị văn hóa – nhân văn của các dân tộc vùng Tây Bắc. Ông Nguyễn Văn Bình cũng ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc cần kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần sáng tạo, tự lực tự cường đoàn kết cùng nhau xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, đoàn kết các dân tộc góp phần cùng cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và phát triển một trong những yếu tố cốt lõi của Tây Bắc đó là văn hóa. Bên cạnh đó, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiệu quả giúp Tây Bắc thoát nghèo.

(Theo qdnd.vn)

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Tại thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và UBND huyện Tiên Phước tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 140 năm Ngày sinh quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10- 1876/1-10- 2016).

Chương trình với sự góp mặt của hơn 100 nghệ sĩ, ca sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam, Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tiên Phước; với các tiết mục hát, múa ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước; cùng những ca khúc khắc họa sinh động và khẳng định, tôn vinh trí tuệ, đạo đức, nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của cụ Huỳnh Thúc Kháng; tri ân những công lao đóng góp to lớn của Cụ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời phát huy và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học và ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trước đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam đã phát động thanh niên và học sinh toàn tỉnh tham gia  cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng; Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tổ chức sưu tầm và trưng bày hình ảnh, hiện vật về cụ Huỳnh Thúc Kháng.

(Theo VOV)

Truyện Kiều được chọn đưa lên lịch Bloc

Bạn đọc có thể chiêm ngưỡng công trình “đưa Truyện Kiều lên lịch” này của nhà sản xuất lịch xuân - Công ty An Hảo - tại triển lãm đang diễn ra ở đường sách TP. Hồ Chí Minh

Truyện Kiều được chọn đưa lên lịch là bản Kiều do học giả Đào Duy Anh phiên âm và chú giải. Mỗi trang lịch ngoài đoạn Kiều chính văn, còn có phần chú giải các từ khó, điển tích...

Toàn bộ giống như một tập Truyện Kiều có chú giải nghiêm túc và tranh minh họa độc đáo in trên giấy couché matt, với công nghệ nẹp và ốc đầu tròn giúp người dùng xé tờ lịch vẫn nguyên vẹn, không để lại giấy thừa.

Theo TS Quách Thu Nguyệt - người đảm trách phần phân đoạn 3.254 câu lục bát Truyện Kiều thành 365 đoạn tương ứng với 365 trang lịch, khi ngắt đoạn phải phối hợp chặt chẽ với họa sĩ để không trùng lặp những ý chính được vẽ minh họa ở mỗi đoạn.

Họa sĩ Hữu Hiếu dành hai năm vừa ngâm các câu Kiều vừa tìm các hình ảnh điển hình trong mỗi đoạn để phân tích và minh họa. “Truyện Kiều thể hiện trên lịch đòi hỏi tính trang trí cao, nên tôi rất chú trọng tranh minh họa sao cho đẹp và trang nhã” - họa sĩ Hữu Hiếu kể.

Ngoài ra, ông còn chọn cách thể hiện trang phục của các nhân vật Truyện Kiều ở bản lịch này “mang hồn Việt nhất, trong mỗi cảnh huống cuộc đời, trang phục các nhân vật cũng thay đổi cho phù hợp” - ông Hiếu chia sẻ.

NXB Đại học Sư Phạm TP.HCM - đơn vị cấp phép ấn hành bản lịch trên - cũng cho biết với việc in toàn văn Truyện Kiều lên lịch bloc như vậy, có thể xem đây là quyển Kiều có nhiều tranh minh họa nhất từ trước đến nay (365 tranh), và phát hành với số lượng cao: 20.000 đến 40.000 bản.

(Theo TTO)

TUYÊN HÓA tổng hợp

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *