Tin tức

23/4
12:03 PM 2016

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Ngân Giang (1916 – 2016)

Vanvn.net - Sáng 22-4-2016, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Ngân Giang. Tham dự buổi Lễ có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ủy viên các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn (văn xuôi, thơ, lý luận phê bình); đại diện gia đình và nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến nhà thơ Ngân Giang.

Nhà thơ Ngân Giang là một trong số những nhà thơ nữ lưu được dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Bà là một tài năng thơ ca ngay từ tuổi ấu thơ: 6 tuổi đã làm thơ, 8 tuổi có thơ in báo, ngoài 20 tuổi đã nổi tiếng khắp thi đàn thời kì trước Cách mạng tháng 8-1945… Đặc biệt, năm 1939, tác phẩm “Trưng nữ vương” của bà đã gây một tiếng vang lớn và cũng là bài thơ để lại nhiều thi thoại độc đáo.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải trình bày tham luận trong Lễ kỉ niệm (ảnh: Trần Nhương)

Tại buổi Lễ kỷ niệm, nhiều bản tham luận và các ý kiến đánh giá về sự nghiệp thi ca của nữ thi sĩ đã được trình bày. Nhà văn Hoàng Quốc Hải với bản tham luận đầy tâm huyết: “Trăm năm nữ sĩ Ngân Giang” nhắc lại kỉ niệm 28 năm trước, một nhóm nhà thơ mến phục tài năng Ngân Giang đã tổ chức một cuộc thơ mừng nữ sĩ 72 tuổi tại Cung văn hóa Hữu nghị. Sau cuộc thơ này, nữ sĩ Ngân Giang như được “hồi sinh” sau 34 năm vắng bóng trên thi đàn, và tiếp tục sau đó, 4 tập thơ của bà đã được xuất bản. Ông khẳng định: Hội Nhà văn tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ sĩ Ngân Giang là một sự tôn vinh của các một văn đoàn đối với bà, còn việc bình giá nghệ thuật thơ ca Ngân Giang, sẽ có cơ quan chuyên trách khác như Viện Hàn lâm Văn học Việt Nam. Nhà thơ Phạm Hồ Thu xúc động chia sẻ về: “Ngân Giang – nữ thi nhân và người đàn bà” cho bạn đọc biết thêm một góc nhỏ trong cuộc đời người đàn bà làm thơ: tài năng, xinh đẹp, sắc sảo nhưng cuộc sống càng về cuối đời lại càng trải qua nhiều nỗi truân chuyên, lận đận. Nhà thơ Phạm Hồ Thu kết thúc bài viết: “Nũ thi sĩ của chúng ta đã đi trọn gần thế kỉ với gần 4.000 bài thơ được viết từ thời 6 tuổi đến tuổi 80, nhiều câu thơ như tiếng nức nở còn gửi đến mai sau bao nỗi đoạn trường đã đi qua cuộc đời bà, một người đàn bà, một thi nhân xuất sắc. Nhưng cuộc đời trả lại cho bà sự công bằng khi những câu thơ của bà vẫn nức nở trong mỗi trái tim chúng ta và chắc rằng nhiều thế hệ bạn đọc mai hậu vẫn nhớ về thơ bà…” Các nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình: Hồng Diệu, Văn Quân, Phùng Văn Khai, Tôn Phương Lan, Lưu Khánh Thơ, Lê Thị Bích Hồng, Đặng Hiển… đều có những ý kiến đánh giá xác đáng về sự nghiệp thi ca Ngân Giang. Bà cùng thế hệ các nhà thơ nữ xuất hiện trước năm 1945, ra đời trong một hoàn cảnh xã hội đặc biệt: cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng lãnh đạo đang dần có tác động đến đời sống xã hội cũng như giới cầm bút: sự nghiệp giải phóng phụ nữ được coi như một trong những mục tiêu của cuộc cách mạng. Trên văn đàn, báo giới bên cạnh những tiếng nói đòi dân chủ là tiếng nói của nữ quyền; bên cạnh những văn nam là các cây bút nữ có đóng góp đáng kể vào bảng màu đa sắc của văn học dân tộc mấy thập niên đầu thế kỉ XX.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tổng kết buổi Lễ kỷ niệm, ông nhấn mạnh: Tưởng nhớ nữ sĩ Ngân Giang nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm là cách để chúng ta chiêu tuyết, tôn vinh thật xứng đang đối với nữ thi sĩ. Độ lùi thời gian cho phép chúng ta nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của bà một cách đầy đủ: nhiều cay đắng nhưng cũng rất vinh quang, nhiều cống hiến mà cũng thật thiệt thòi… Nhưng hơn hết, cho đến tận cuối cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang luôn là một nhà thơ yêu nước, giàu lòng yêu cách mạng, một nhân cách thi nhân mẫu mực và trong sáng. Chính vì thế, sự ghi nhân và tôn vinh ngay trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ đối với bà mới đích thực là sự tôn vinh công bằng, vô tư, khách quan và bền vững nhất. Cũng trong dịp này, nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra một số dự định: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ hợp tác cùng gia đình nhà thơ Ngân Giang sưu tầm, tập hợp các tác phẩm trong suốt 80 sáng tác của bà để in “Tổng tập Ngân Giang”; Bảo tàng Văn học Việt Nam dành một gian trưng bày hình ảnh và những di sản về thơ ca và cuộc đời của nữ sĩ Ngân Giang; Hội Nhà văn Việt Nam sớm có văn bản đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đặt tên một con đường mang tên nữ sĩ Ngân Giang.

 

Phong Lan

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *