Tác phẩm và dư luận

28/11
6:43 PM 2017

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ CHÍNH HỮU: LẶNG LẼ ĐI, LẶNG LẼ ĐẾN

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Chính Hữu, VANVN.NET giới thiệu bài viết của nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên “Chính Hữu: Lặng lẽ đi, lặng lẽ đến” trong tập sách về các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

                                                  Nhà thơ Chính Hữu

Đỗ Ngọc Yên-Trong diễn trình thơ Việt hiện đại, chúng ta rất ít gặp một người nào lặng lẽ như nhà thơ Chính Hữu. Sự lặng lẽ của ông không chỉ ở những bước đi trên con đường sáng tạo thi ca, mà ngay cả trong cuộc sống thường nhật, dù ở đâu người ta vẫn nhận ra cốt cách của một chính khách từng trải trong quan hệ với đồng chí, đồng đội và những người xung quanh. Đặc biệt là ngay cả khi ông đã cán đích người ta vẫn thấy ông lặng lẽ như chưa bắt đầu xuất hành.   

*

Nhà thơ Chính Hữu tên thật là Trần Đình Đắc. Ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1926, mất ngày 27 tháng 11 năm 2007, nguyên là một Đại tá, Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn VN..

Ông sinh tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, nhưng quê gốc của ông lại là huyện Can Lộc nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà thơ Chính Hữu là trường hợp hiếm hoi trong số các nhà thơ cùng trang lứa về quá trình đào tạo. Ông học tú tài triết học ở Hà Nội từ trước cách mạng tháng Tám. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô và phục vụ trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông đã từng làm chính trị viên đại hội.

Chính Hữu bắt đầu làm thơ từ năm 1947- 1998. Suốt hơn nửa thế kỷ, ông hầu như chỉ quan tâm viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Tập thơ Đầu súng trăng treo của ông xuất bản năm 1966 và được coi là tác phẩm chính của ông.

Cả đời cầm bút của ông để lại các tập như: Đầu súng trăng treo (1966); Thơ Chính Hữu (1997); Tuyển tập Chính Hữu (1998). Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2001 với các tập thơ trên.

Ông đã có các bài thơ được phổ nhạc như Đồng chí (nhạc Minh Quốc), Ngọn đèn đứng gác (nhạc Hoàng Hiệp), Bắc cầu (nhạc Quốc Anh), Có những ngày vui sao (nhạc Huy Du).

Thơ ông không nhiều chỉ có khoảng 50 bài đã được công bố, nhưng lại có nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Bài thơ Đồng chí được ông viết khá sớm, 1948 là một minh chứng sinh động nhất:

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá 

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn, quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí! 

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai 

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(2-1948)

Sau này bài thơ đã được phổ nhạc cho bài hát Tình đồng chí. Bài hát đã khơi dậy những xúc động mãnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ. Hơn thế, với Đồng chí, Chính Hữu đã có trong tay một tấm căn cước, một thẻ thông hành về thơ để bước lên văn đàn Việt Nam hiện đại. Xem ra, câu mà người ta thường gọi là quý hồ tinh, bất quý hồ đa, tức là văn chương, nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng cần hay, tinh túy, chứ không cần  nhiều, ứng vào trường hợp của nhà thơ Chính Hữu dường như đúng tuyệt đối. Ông không phải là người thường xuyên có mặt và gây tiếng vang lớn trong quá trình phát triển thơ ca cách mạng, nhưng ngay ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã có một dấu mốc quan trọng với bài Đồng chí, khiến nhiều đồng nghiệp, đồng chí phải ngỡ ngàng. Thậm chí thơ ông còn cắm những mốc son, mang tính chất định vị, định hướng cho cả dàn hợp ca thơ cách mạng xét cả về nội dung tư tưởng lẫn phong cách sáng tác.

*

Chính Hữu là người không liên quan gì đến Phong trào Thơ mới, nhưng ông lại học Tú tài Triết học và là người mang hồn cốt Việt Nam, nên thơ ông dù khúc chiết, hàm súc đến mấy cũng không rơi vào những suy diễn vòng vo, triết lý rối rắm, nên không khó hiểu. Vả lại, ngay từ khi cầm bút theo cách mạng, Chính Hữu là người rất ý thức tự đổi mới mình và theo đó là đổi mới thơ ca. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự ngây thơ, hồn hậu, có vẻ nặng về kể lể ở thời “Đồng chí” thời kỳ chống Pháp, nay được thay bằng nhịp thơ thôi thúc, câu thơ ngắn nhiều vần trắc và thanh không; ngôn ngữ khoáng đạt nhiều động từ nhấn mạnh tạo nên khí thế sôi động, cuốn hút như vẫy gọi bao lớp thanh niên lên đường tòng quân diệt giặc Mỹ cách đây gần 40 năm ở bài Ngọn đèn đứng gác:

Đi nhanh đi nhanh

Chiến trường đã giục

Đầy núi đầy song

Đèn ta đã mọc

Trong gió trong mưa

 Ngọn đèn đứng gác

(Ngọn đèn đứng gác).

Bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và trở thành bài hát quen thuộc đối với bao người trong nhiều thập niên đánh giặc. Giờ nghe hát hay đọc bài thơ lên, thế hệ những người lính đánh Mỹ năm xưa như được sống lại khí thế hào hung của một thời đạn bom, những ngày máu lửa.

Sau chiến tranh, thơ Chính Hữu thiên về suy cảm. Nhà thơ muốn nhận thức và lí giải một cách sâu sắc hơn những giá trị tinh thần của thời đại mình thông qua những trải nghiệm của cuộc đời: Nụ cười, Kỉ niệm trung đoàn, Nghĩa trang liệt sĩ, Trong vũ trụ im lặng, Dọc theo tường điện Kremlanh… Trong Nụ cười, Chính Hữu thành thực tâm sự rằng, trong cuộc đời cũng đã đôi lần chán nản. Những lúc ấy ông đã phải vịn vào những giá trị tinh thần để tìm ra cách hiểu mới nhất/ về sống và chết, được và mất?.

Sau những tháng năm “ồn ào lứa tuổi” nhà thơ trở lại khám phá sự im lặng trong ý thức và trong tư duy một thời của mình. Không phải ngẫu nhiên ông gọi Nghĩa trang liệt sĩ là “đất hành hương”, nơi ta đến để suy nghĩ, nơi ghi không phải cái mất đi/ mà cái để lại. Với nhà thơ, những hàng tên trong nghĩa trang vẫn rầm rì, một cuộc sống vẫn đập mãi mãi:

Tôi chưa thấy nơi nào sáo động lòng tôi

Bằng nơi yên nghỉ đời đời

Tôi chưa bị ai phê bình dữ dội

Bằng người đang lặng im không nói.

*

Bài Người bộ hành lặng lẽ của Chính Hữu được gợi ý từ tên một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Những mơ mộng của người bộ hành cô độc của J.J Rousseau (nhà văn Pháp thế kỷ XVIII). Theo Rousseau, đi bộ là một hành vi đẹp nhất của con người. Đi bộ để nghĩ được nhiều hơn; Đi bộ tránh xa được sự rắc rối; Đi bộ để khám phá ra được nhiều nên “càng đi càng yêu và Đi bộ thấy được thời gian đang bước, thấy được sự khác nhau giữa các mùa hạ, “thấy được sự khác nhau giữa các mùa đông. Có người cho rằng đây là bài thơ triết lý về cuộc đời hay nhất của Chính Hữu. Bài thơ làm năm 1996, tức là khi ông vừa bước vào tuổi 70, cái tuổi xưa nay hiếm:

Tôi càng muốn xa

Những sự rắc rối

Chỉ thích nhìn đời một cách đại khái

 Để càng yêu hơn…

Vì tôi chỉ đi, chỉ ngắm, chỉ nhìn

không nói nên không phải cãi

(Người bộ hành lặng lẽ).

Có thể thấy bài thơ chất chứa sự chiêm nghiệm về cuộc đời cầm súng và cầm bút, vừa đánh giặc, vừa làm thơ dằng dặc hơn nửa thế kỷ qua mà Chính Hữu vừa muốn tự nhủ lòng mình, vừa muốn nói lại với những người đi sau, với con cháu của ông?

Lấy nguồn cảm hứng từ bài thơ Người bộ hành lặng lẽ của Chính Hữu, nhà thơ Hữu Thỉnh viết bài Gửi người bộ hành lặng lẽ, đề tặng nhà thơ khá xúc động và có thể nói là một dấu mốc quan trọng, như là báo hiệu một sự đổi mới thi pháp của Hữu Thỉnh:

Ông là khách quen của những buổi chiều

Bạn thân cùng im lặng

Ông chỉ mong tạo ra nhiều khoảng trống

Khoảng trống dịu dàng quà tặng của mùa thu...

Thế kỷ sóng to

Ông lặn qua tận đáy

Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi

Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ...

Cây vẫn đây mà năm đã qua

Xuân lại đến giúp Ông làm gậy chống

(Gửi người bộ hành lặng lẽ).

Giản dị, hồn hậu và có pha chút hào sảng, nhưng vẫn đầy ắp sự chiêm nghiệm suy tư trong thế kỷ sóng to, nhưng một người như ông vẫn có thể lặn qua tận đáy. Bởi lẽ ông luôn biết lấy khoan dung làm chiếc phao bơi. Điều đó còn có cả sự hàm ơn người đồng chí, người anh đã đem đến cho mình một bài học quý giá về lối sống và lẽ sống ở đời. Có lẽ một trong số những người hiểu về tính cách lặng lẽ của Chính Hữu nhất là người đồng chí, người đàn em, nhà thơ Hữu Thỉnh. Người Hữu trước hiểu người Hữu sau đến mức bài thơ Gửi người bộ hành lặng lẽ trở thành một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh trong tập Thương lượng với thời gian. Đấy cũng là nét mới về thi pháp của nhà thơ Hữu Thỉnh trong mảng thơ về đề tài thế sự của ông.

Đúng là sau khi đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, dân tộc ta bước vào công cuộc dựng xây, phát triển đất nước sau chiến tranh. Cơ man những việc cần phải làm, trong đó còn có cả việc dẹp yên lòng người và yên lòng mình. Sau chiến tranh, thường nổi lên những kẻ công thần, những người đòi quyền lợi. Không ít người tự cho mình đã đóng góp, cống hiến nhiều nên phải được đãi ngộ cao hơn so với đồng chí, đồng đội và đồng bào mình. Rỗi các cuộc đấu đá tranh giành quyền chức, địa vị, đem công trạng trong quá khứ cá nhân để mặc cả với tổ quốc, dâ tộc trong hiện tại và tương lai. Những điều ấy khiến những ai có lương tâm và trách nhiệm trước cuộc sống còn nhiều khó khăn của dân tộc mình như nhà thơ Chính Hữu không khỏi chạnh lòng:

Cháu dắt ông đi

Hai ông cháu mình vừa đi vừa học

Ông dạy cháu biết tất cả/ những gì

Có ở trên trời dưới đất

Còn cháu thì dạy ông biết

Cuộc đời này ngắn,

nhưng ông đừng buồn

Vì nó - vĩnh hằng - tiếp tục

Đường vào thế kỷ hai mốt,

Hai người bộ hành một cháu một ông

Những bước đầu tiên đi song song,

Bên những bước cuối cùng. 

(Hai người bộ hành).

Điều đáng nói là bước sang thế kỷ XXI, người ta đi bằng ôtô, máy bay, tàu ngầm siêu tốc, còn ông, nhà thơ Chính Hữu vẫn đi bộ cùng đứa cháu nội mới 16 tháng tuổi. Phong cách sống chậm ấy của ông không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận và có thể làm được như ông./.  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *