Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Tóc em dài không biên giới"

(Giải Nhất Cuộc vận động viết truyện kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia)

Võ Thúy Phượng - 10-01-2012 10:09:24 AM

VanVN.Net - Sóc Tà Peng Ruông sau trận càn của bộ binh, rồi xe tăng Mỹ chà xát, nhiều người dân bị thương trong lúc đang chạy vô chùa lánh nạn. Khi xe tăng rút đi, Quân y cử tôi cùng anh Dũng bên khoa ngoại đi cứu chữa cho bà con. Từ căn cứ trong rừng tràm ra tới sóc dân hơn ba cây số. Sau khi băng bó vết thương, cho thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau xong, chúng tôi giao lại bà con cho đội cấp cứu của địa phương. Nhưng đơn vị vẫn phân công tôi hàng ngày đi thay băng, theo dõi sự hồi phục của những người bị thương.

Khoảng 10 giờ sáng, không nghe bên báo vụ báo tình hình có động, nghĩa là địch chưa có kế hoạch đánh vùng này. Đang là tháng 10 dương lịch năm 1970. Dân ở đây trồng tràm bằng cách lên mô đất, trồng thẳng hàng, các khe đường mương nước mưa đầy ắp, đi phải lội bộ, nước có chỗ tới lưng quần, nhưng không có xuồng vì đây không phải là vùng sông nước.

Như thường lệ, tôi đi một mình. Thùng thuốc, khẩu AK, băng đạn, thêm hai trái lựu đạn mãng cầu nên khá nặng. Đi được khoảng nửa đường, nghe âm âm từ hướng biên giới Việt Nam tiếng máy bay khu trục (Skrei đơ) bay đến càng lúc càng gần. Do đang mùa mưa nên hầm hố bị lạng đi nhiều. Đơn vị tôi lại vừa chuyển qua điểm khác sáng nay nên muốn quay lại cứ cũng không được. Đám khu trục đã bắt đầu giội bom từ rừng trúc ra sóc dân. Tôi lội hết sức tới một gò mối không lớn lắm, có một công sự tôi với anh Dũng mới đào hôm trước. Chui xuống công sự một mình sợ thiệt. Tôi cứ đưa mặt chỗ miệng công sự quan sát. Sáu chiếc khu trục bấm bom tọa độ phía rừng trúc, kéo dài theo đường tràm, hướng về phía chùa lớn Tà Peng Ruông.

Một lúc sau thấy tạm yên tôi chui lên, men theo đường mương tràm vô sóc. Lúc đó nghe tiếng lội gần tôi lắm. Nước động mạnh, tôi ngồi thụp xuống mương tràm. Băng đạn, khẩu AK, thùng thuốc đã cuộn hết vô tấm nylon kéo theo trên mặt nước. Tôi nín thở. Rừng tràm tối âm u, cộng với khói bom cháy từ rừng trúc, rừng tràm chồi, lại thêm tiếng giội của bom, tiếng nổ của các loại cây rừng nên không thấy, không nghe tiếng gì rõ cả. Bom vẫn giội ầm đùng phía bìa rừng tràm. Chết! Nó sắp bỏ tới đây rồi! Ngang qua trước mặt, tôi thấy một cô gái cõng trên lưng một người bị thương. Nhưng loạt bom tới đã nhồi chúng tôi như nhồi bột. Tôi hét to:

- Chị gì ơi! Đem người bị thương lên gò mối đi…

Cô gái mắt sáng lên, mừng như đang té giữa biển nước níu được phao. Một loạt bom nữa gần hơn, nước giội lên cuồn cuộn. Hai tay tôi với cô gái nắm chặt, ôm người đó ở giữa. Bom làm chúng tôi tức ngực, bị sàng qua sàng lại như ngồi xuồng. Người bị thương mặt tái nhợt, mềm nhũn, bất động. Máu từ vết thương ở bụng dưới cứ tuôn ra. Tôi lấy bông gòn trám kín vết thương, rồi cứ bụm bàn tay thật chặt không cho chảy máu nữa. Chắc phải đến nửa tiếng lũ giặc trời mới bỏ đi. Lúc đó, tôi với cô gái dìu người bị thương ra khỏi rừng tràm, đặt anh ta lên gò đất cao, kéo thẳng tay chân, coi khắp người có bị thương chỗ nào nữa không. Lúc đó, cô gái mới hỏi tôi:

- Cô giáo Phượng không nhìn ra em sao?

- Ôi, em Xòm Ươn tóc dài đây mà… Mà em gặp người này ở đâu vậy?

- Dạ, sáng nay em với cha đi thăm bà ngoại, cha biểu em về trước còn cha ghé chợ. Em đang đi thì máy bay bắn tới. Em chạy vô rừng tràm, thấy anh này nằm kế một cái công sự. Em nghĩ, nếu đem ảnh xuống công sự, một lát kéo lên không nổi, nên cõng ảnh lần theo đường mương đi về phía chùa…

Được rồi, tim anh ấy đập mạnh hơn hồi nãy một chút rồi, em lấy thuốc trợ tim chích cho anh ấy đi, rồi rút nắm gòn ra, nếu còn chảy máu thì chích thuốc cầm máu.

Cô gái hỏi rụt rè:

- Cô giáo cho em làm hả?

Cô gái têm Xòm Ươn là học trò lớp cứu thương do ông sóc trưởng nhờ bộ đội Việt Nam hướng dẫn về sơ cấp cứu khi có đồng bào bị thương. Tôi là một giáo viên dạy băng bó. Trong trận bom đánh trúng chùa, dân bị thương nhiều, Xòm Ươn cùng tôi và anh Dũng cấp cứu, sơ cứu cho mọi người. Con gái Khơ Me không để tóc dài, nhưng Xòm Ươn thì ngoại lệ. Cô thích để tóc từ nhỏ. Giờ đang tuổi mười chín, tóc sắp chấm gót chân. Xòm Ươn là cô học trò thông minh, học tiếp thu nhanh nhất, như hôm nay thực hành trên cơ thể người bị thương cô làm rất thuần thục, nhanh gọn.

Phải gần một tiếng đồng hồ người bị thương mới tỉnh. Anh đòi uống nước. Tôi lấy bông gòn thầm nước trong bi đông đưa cho Xòm Ươn:

- Em nhỏ chừng bốn năm giọt thì ngừng. Sau đó cho uống từng giọt nhiều hơn một chút, cho đỡ hóc cổ thôi, chớ uống nhiều, vết thương ra máu lại là chết đó.

Lấy băng cuộn thấm nước lau mặt cho người bị thương, tôi hỏi:

- Anh tên gì? Có phải là bộ đội không?

Anh chưa nói gì. Đôi mắt đã khá lanh lợi. Anh cứ nhìn tôi và Xòm Ươn lạ lắm. Chúng tôi chưa hiểu chuyện gì. Anh cười, cái môi khô nứt giãn ra chắc đau lắm nên nhăn nhó, tay ôm vết thương nằm dưới sườn bên trái, cố gắng lắm anh mới nói được, giọng khàn đặc:

- Mặt… hai… chị…

Lúc đó tôi mới nhớ hai đứa chưa rửa mặt. Nào đất, nào bùn, nào bụi khói bom, chắc nhìn giống thổ địa lắm. Chúng tôi rửa, lau mặt rồi, người bị thương nhìn chúng tôi rất thân thiện. Và anh dừng mắt thật lâu trước gương mặt Xòm Ươn. Cô gái quả rất xinh đẹp. Khuôn mặt cô trắng hồng chứ không đen giống các cô gái Khơ Me khác. Trên khuôn mặt tròn, có đôi mắt to và nét nào cũng rõ ràng: cặp chân mày đậm nhưng mảnh, lông mi dày cụp xuống, cái mũi cao thẳng, cái miệng khắc đôi môi trái tim lúc nào cũng như đậu sẵn nụ cười. Thấy người bị thương nhìn Xòm Ươn như thôi miên, tôi hỏi nhắc lại:

- Anh cho tôi biết, anh có phải bộ đội không? Anh ở đâu?

Lúc đó anh mới bừng tỉnh:

- À, phải, phải. Tôi tên Kỳ, ở Quân giới của Quân khu 2. Tôi đi công tác lẻ, pháo bắn bị thương. Tôi nhớ mình bò, trườn lâu lắm… Không biết lúc nào cứ có cảm giác bồng bềnh giống như được ai cõng vậy… Khi tỉnh lại thấy cô gái này cho tôi giọt nước…

Nhìn lưng áo và xà rông của Xòm Ươn còn dính đầy máu, Kỳ ngừng nói, vẻ mặt thật xúc động:

- Bây giờ tôi mới biết là… cô gái này đã…cõng tôi… qua trận bom ác liệt vừa rồi…

Phải tính chuyện đưa anh Kỳ tới trạm nào đây? Quân y thì cách chỗ này mười cây số. Đơn vị anh Kỳ chuyển địa bàn liên tục, nhất thời chưa tìm được. Đơn vị tôi cũng mới chuyển đi nơi khác. Tôi còn đang phân vân thì Xòm Ươn đề nghị:

- Cô giáo à! Em nói cái này. Hay cứ đưa anh bộ đội tới nhà em đi…

- Bộ binh càn, làm sao em giấu anh ấy được?

- Không sao đâu! Nó mới càn qua chắc chưa đánh nữa đâu. Em chăm sóc ít hôm cho anh đỡ rồi tính tiếp.

Ba lô của anh Kỳ đã cháy mất hết. Tôi với Xòm Ươn lột vỏ cây tràm do chủ rừng đốn còn ngâm nước bỏ đống dưới đường mương, cột võng của tôi vô, hai đứa khiêng anh Kỳ về nhà Xòm Ươn. Riêng tôi, đơn vị chưa nhắn tin nên vẫn ở lại sóc Tà Peng Ruông giúp trị bệnh cho bà con Khơ Me. Thời gian đó tôi giao thùng thuốc, dụng cụ, bông băng cho Xòm Ươn và hai cô học trò nữa tự xử lý bệnh, băng rửa vết thương, tôi chỉ kiểm tra, chỉ bảo thêm. Không thấy ai liên lạc, thì ra giặc đang có cuộc càn dài ngày vô sóc Tà Peng Ruông. Xòm Ươn có anh cả tên Ka Long, là thầy giáo dạy học  ở trường gần xã. Anh về bảo:

- Con gái Khơ Me không để tóc dài, mày để mai mốt lính Mỹ - ngụy đánh vô nó nói mày là Việt cộng nó giết cha mẹ, giết hết cái sóc này, mày phải cắt tóc đi…

- Cho em để tóc dài em bới lên được không anh Ka Long?

- Thì anh nói vậy đó, mày nghe hay không tùy mày, có điều không được mang điều ác tới bà con phum, sóc.

Thật ra, mấy lần bộ binh càn vào, cha đã bảo Xòm Ươn cắt tóc mấy lần rồi. Cô sợ và cũng đã xiêu lòng tính cắt bỏ tóc. Nhưng từ ngày cô gặp bộ đội nữ Việt Nam… Ôi, tóc người nào người nấy dài như suối, đen mượt… Cô lại quyết tâm không cắt nữa. Có lần, Xòm Ươn than với tôi:

- Em thích tóc của cô, của bộ đội nữ lắm. Em cũng muốn giữ mãi tóc của mình, nhưng anh hai Ka Long rầy lắm. Anh không cho.

Lần này anh Ka Long rất kiên quyết. Xòm Ươn khóc như mưa. Anh Kỳ còn yếu lắm nhưng cũng đi tìm tôi. Tôi đang dạy hát múa cho đám trẻ bên sân chùa. Khi nghe rõ đầu đuôi, tôi nghĩ: Ka Long nói như vậy mình cũng phải khuyên Xòm Ươn thôi.

Anh Ka Long còn nói tiếp hết sức rõ ràng:

- Cắt ngắn rồi phải đem tóc đó đi đốt, chớ không được cất trong nhà. Đã có người ở sóc kế bên, tiếc tóc, cất trong tủ, lính ngụy lục soát được, nó nói cô gái đó là bộ đội giả dạng con gái Khơ Me hoạt động hợp pháp. Nó bắn chết cả nhà, rồi đốt hàng xóm nữa…

Chơi thân với Xòm Ươn, nên thường ngày tôi cũng gọi cha mẹ cô là cha mẹ. Tôi vào cuộc bằng cách thắp ba nén nhang trên bàn thờ ông nội Xòm Ươn, rồi quay lại nói:

- Thưa cha, thưa mẹ, thưa anh Ka Long. Thời gian con và anh Kỳ sống ở đây được gia đình ta và bà con trong sóc giúp đỡ rất nhiều. Con biết lúc này đây gia đình cũng không làm cho em Xòm Ươn buồn. Nhưng Xòm Ươn à! Dù nhỏ hơn cô có hai tuổi, mà đã gọi là cô, thì hãy nghe cô giáo khuyên em nghen: Cô với anh Kỳ phải đi rồi. Nếu có giặc càn vô đây chúng tôi không giúp được gì cho bà con, có khi còn gây nguy hiểm cho mọi người. Thời gian gần một tháng ở đây, chúng tôi giúp bà con đào hầm trú ẩn, đào công sự trong vườn nhà, vườn chùa… Xòm Ươn cùng các anh chị trẻ ở đây phải biết tự bảo vệ mình, bảo vệ sóc, phum của em.

- Cô ơi, còn tóc của em? Đem đốt sao?

Lúc đó, anh Kỳ xúc động cao độ, anh bước tới trước mặt anh Ka Long nói:

- Thưa anh Ka Long, cô Xòm Ươn đã cứu tôi thoát chết, còn chăm sóc tôi thời gian qua thật chu đáo, chân tình. Tôi nghĩ một người con gái gan dạ, có tấm lòng nhân hậu như thế là được sự giáo dục rất kỹ càng, khuôn phép của gia đình. Hôm nay tôi nhờ anh xin phép hai bác cho tôi được giữ tóc của cô Xòm Ươn làm kỷ niệm.

Tôi toát mồ hôi hột. Đây là điều cấm kỵ, vì như vậy sẽ mất duyên con gái người ta… Tôi lo sự phản ứng của gia đình làm ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp của bộ đội Việt Nam và nhân dân Khơ Me trong sóc. Nhưng không ngờ cha lên tiếng:

- Tao thấy thằng bộ đội đó nó hiền, lại đứng đắn, tao bằng lòng để nó giữ tóc cho con gái tao.

Tôi thở phào nhẹ nhõm cả người. Mẹ đã đưa tôi cây kéo. Quả thật, tôi không nỡ đoạn mái tóc dài gần chấm gót của Xòm Ươn. Nó dài, đen bóng, mượt như nhung. Gần như không có một sợi nào so le cả. Xòm Ươn nói với tôi trong nước mắt:

- Từ nhỏ tới giờ, mẹ vò lá rau muống vắt lấy nước cho em gội đầu…

Tôi vỡ lẽ… Thảo nào mà tóc Xòm Ươn đẹp, dày như thế… Phải đến gần hai tiếng đồng hồ mới đoạn được tóc của Xòm Ươn. Bà mẹ đỡ mái tóc dài của con gái, nói với anh Kỳ:

- Người Khơ Me có tục đốt tóc chứ không chôn. Bây giờ mẹ trao cái tóc dài này cho bộ đội. Bộ đội Kỳ hãy giữ giùm cho con gái của mẹ. Cầu cho bộ đội mau lành vết thương, mạnh khỏe để đi đánh thằng Mỹ, đừng cho nó vô giết bà con Việt Nam cũng như bà con Khơ Me nữa. Mẹ cảm ơn bộ đội.

Bà rút hai sợi buộc chặt phía đầu mới cắt rồi trân trọng đỡ đuôi tóc bằng hai tay trao cho anh Kỳ…

 

Địch đánh vào sóc Tà Peng Ruông thật. Tôi với Kỳ phải trở về đơn vị. Kỳ biết tiếng Khơ Me không nhiều, nhưng trước khi chia tay, anh Ka Long cho phép Kỳ và Xòm Ươn gặp nhau nói chuyện. Anh Kỳ hỏi Xòm Ươn có muốn lấy tóc lại không. Cô trả lời:

- Không đâu, anh cứ giữ giùm em đi. Khi nào Mỹ không còn đánh nữa anh cho em xin lại.

Cuối năm 1971, tôi có dịp đi công tác về sóc Tà Peng Ruông ghé thăm gia đình Xòm Ươn, cả nhà đã chuyển ra chợ xã buôn bán. Có chú hàng xóm tới đưa cho tôi khúc ống tre hơn gang tay, vòng tròn đo hơn mười phân. Chú hàng xóm nói:

- Giặc Mỹ bỏ bom, rồi hai ngày sau tôi lượm được cái này sau vườn chùa. Cô là bộ đội Việt Nam, tôi gởi cô coi giùm cái gì trong đó, rồi gởi cho chủ của nó giúp tôi.

Tôi bần thần, không gặp được Xòm Ươn, lại không gặp được anh Kỳ. Trời đã về chiều, tôi cám ơn chú hàng xóm rồi chia tay mấy em học lớp cứu thương khi trước, trở về căn cứ…

Tuy ống tre bị cháy nám đen nhưng dòng chữ ghi bằng nước sơn màu đỏ đậm vẫn đọc được. Tôi đọc mà lòng xúc động, mắt rưng rưng nhòa lệ.

"Tóc em dài không biên giới, Xòm Ươn thương mến của tôi".

Tôi kiên trì nhắn tìm anh Ka Long và biết anh đã chuyển lên dạy học ở trường huyện.

Sợ thất lạc ống tre, tôi phải nhờ một em gái học trò cũ trao tận tay anh Ka Long. ít lâu sau tôi nhận được thư của chính Xòm Ươn viết:

- Cô giáo ơi! Em nhận được ống tre cô gởi cho em rồi. Nhưng anh Kỳ đâu hả cô? Cô bảo ảnh viết thư cho em nghen, chữ Việt Nam cũng được, miễn nét chữ giống như trên ống tre là em biết ảnh viết gì rồi…

Em chúc cô mạnh khỏe, đẹp mãi, trẻ trung mãi… Em rất mong tin… của bộ đội… Kỳ…

Tôi bâng khuâng như mất mát điều gì rất quý báu. Tôi tìm mãi mà không biết Kỳ ở đâu. Nhưng tôi vẫn thầm báo với Kỳ: Suối tóc dài không biên giới của anh đã về đến tay chủ cũ của nó…

Cần Đước, ngày 13/3/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn