Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm thơ “Tiên Dung – Chử Đồng Tử” của Huy Dung

09-11-2011 09:02:04 PM

VanVN.Net- Nhà văn Triệu Xuân từ TP HCM gửi cho vanvn.net chùm thơ này, kèm những dòng nhắn gửi: “Nhà thơ Huy Dung. Thành viên Nhóm Văn chương Hồn Việt. Tên khai sinh: Nguyễn Huy Dung. Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa Tim mạch. Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã nghỉ hưu. Sinh năm 1931 tại thành phố Vinh, trong một gia đình cách mạng nổi tiếng, có các liệt sĩ là chị ruột Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Quang Thái và anh ruột Nguyễn Huy Tú”… Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ của Huy Dung và bài viết của nhà văn Triệu Xuân.

Tác phẩm Huy Dung đã xuất bản:

I- Thơ:

- Thiên nhiên giữa hồn tôi. Hội VHNT Bình Dương. 2001.

- Nửa gánh. NXB Hội Nhà văn. 2001.

- Thanh thản Dam B’ri. NXB Trẻ. 2002

- Thời gian. (Phần đầu tác phẩm Thơ và Nguồn cội). NXB Trẻ.2003.

- Yêu có nguội dần? NXB Tổng hợpTp Hồ Chí Minh. 2003. 

- Huyền diệu. NXB Thanh niên. 2005.

- Cát pha lê. NXB Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh. 2005.

- Dung thông thi. NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh. 2006.

- Viễn xứ. NXB Thanh niên, 2006.

- Em từ đâu đến. NXB Văn học. 8-2008.

- Nỗi niềm. NXB Văn học, 2011.

II- Sách khoa học:

Chuyên khảo và giáo khoa y học: 16 đầu sách.

Phổ thông y học: 13 đầu sách.

Khảo luận Tâm lý Xã hội: 7 đầu sách.

 

 

 

TIÊN DUNG – CHỬ ĐỒNG TỬ

 

Thuyền rồng về theo nắng

khúc sông mơ vắng lặng

sóng đỡ gót nàng lên

 

điểm xuyết sen vàng Bãi Tự Nhiên

bước tiên nga gõ nhịp đồng hồ cổ

tim trai trẻ đập rung nhạc cụ điên.

          *

Nước nàng dội, Chử Đồng Tử dần lộ

dụi cát đỏ

mắt bừng thấy Tiên Dung

tim run run

nhìn Tình ái nữ thần

 

lỡ đụng tay, tai đã đỏ rần

đánh liều ngắm

môi hồng thắm cười hiền

mắt Nàng Tiên biết nói.

          *

Hết run, tim kết nối

hôn khẽ lúm đồng tiền

còn hiểu tình thôi thúc

 

Mở toang ngực

mịn thơm hương mát

nồng nàn hơi thở cát thì thào

nắng hút vào thăm thẳm phế bào

ngà ngọc khỏa thân trong gió hát

 

Kén tằm dìm thèm khát

bao năm sâu tận đáy

nay trên lưng Tiên Dung

đôi tay Chử rưng rưng

nâng sóng thần bùng dậy

 

Hớp hồn dòng chảy trần gian

tay hỗn mang

nâng niu bầu ráng đỏ.

          *

Tiên Dung, Chử Đồng Tử

quên phận mình

đang tái sinh nhau

 

Bờ Sông Đà, 7-2008.

 

 

MỘT ĐỜI THƠ

 

Ôi thi ca, văn học những gia tài

nói nhiều kiểu, mới ngoài vỏ hình hài

tinh hoa nói gì, thân phận con người

thấm Nguyễn Du, lên tuệ tâm Nguyễn Trãi

xây nền thơ cao đẹp sinh tồn mãi.

 

Ngôi đền thơ truyền vẻ đẹp thiêng liêng

đưa nước mắt chảy vào trong rất riêng

còn hướng ngoại? Nụ cười theo mắt tỏa

đâu “sân chơi” thù tạc, tán huyên thuyên.

 

“Thiên địa nhân” thơ rải thiền tươi rói

rải phố phường, rừng núi đêm le lói

rải viễn xứ thiên di nhớ cố hương

rải đôi lứa tình đầu hôn không nói.

 

Phận hoán đổi, nhưng thơ sống trẻ

sống là dâng hiến, quý thơ hay

hằng năm, hằng tháng, cứ ngày ngày

xưa sống bên thơ, nay vẫn thế.

 

Vấp đau đớn trái ngang nhiều bão tố

khuya sớm vào thơ kiếm nơi nương trú

dẫu hồ hởi, dẫu bi lụy điêu linh

mượn thơ nhào nặn mỗi dáng tâm mình.

 

Cảm tạ Thơ hằng vĩnh từ tiên tổ

của nhân loại, thánh thần, toàn vũ trụ

Thơ là ta, chỗ dựa tâm hồn mỗi chúng ta

là điểm đến bình an, xóa buồn gần khổ xa.

 

Sức thơ sánh sóng thần, cơn địa chấn vô biên

lại nồng nàn dịu ngọt hơn gió núi ngày đêm

hơn họa mi êm ái

hót đẫm sông xa ngái

buồn xóa hết, tan trầm cảm não nề.

 

không quá tỉnh mà chưa tới đỉnh mê

luôn vươn trên thực tại còn buồn tẻ

khinh kẻ tim man trá từ chuyện bé không đâu

thương tia lửa sưởi hồn mà dễ sém tim đau.

 

Làm thơ, đâu vì ta, dù một bài

vì bạn xa gần, hậu duệ, tha nhân

Đâu quan trọng, chẳng quan tâm một mai

ai đó ngâm, ai lắng nghe, ai hiểu ai

dù tim thơ đã xẻ hiến dâng

 

 

KHẼ KHÀNG

 

Hoa cho đời ngợp choáng

ôi! Đẹp đến băn khoăn

thiên thần còn thét khản

ta thoáng ngất vườn xuân

*

Gương hoa rạng cõi trần

mắt biết cười vui vẻ

khẽ khàng tim sớt sẻ

thương cảm thấm lâng lâng

*

Em thờ ơ? Cùng nhảy valse quay tít

Em nổi đóa? Anh im Phăng xi păng

Em liu riu? Anh hỏa sơn mù mịt

Em gió thoảng? Anh ôm gió khẽ khàng

*

Em buông rơi, anh khẽ nâng, nâng mãi…

 

 

NỖI NIỀM: BỪNG SÁNG TÌNH YÊU MÃNH LIỆT, NỘI LỰC TƯƠI TRẺ

Triệu Xuân

 

Nhà thơ Huy Dung là thành viên sáng lập Nhóm Văn chương Hồn Việt. Ông như người anh cả, luôn luôn đầu tầu, gương mẫu, đầy nhiệt huyết trong mọi hoạt động của Nhóm Văn chương Hồn Việt. Nhà thơ có tên khai sinh là Nguyễn Huy Dung, sinh năm 1931 tại thành phố Vinh. Nguyên quán của ông: Làng Mọc Thượng Đình, nay là Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Huy Dung là một trong những chuyên gia hàng đầu hiện nay về Tim mạch; nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội; nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh; là Giảng sư Đại học Y Dược TP. HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Nguyên thành viên Hội Đồng Sức khoẻ Đảng & Nhà Nước từ 1-1981. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; được nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Tự Do.

Tính đến tháng Tám 2011, vào tuổi Tám mươi mốt, nhà thơ Huy Dung đã xuất bản gần ba chục đầu sách (chỉ tính sách in riêng) khoa học và Thơ; Riêng thơ, có 11 tập sau: Thiên nhiên giữa hồn tôi. 2001. Nửa gánh. 2001. Thanh thản Đăm B’ri. 2002. Thời gian. 2003. Yêu có nguội dần? 2003. Huyền diệu. 2005. Cát pha lê. 2005. Dung thông thi. 2006. Viễn xứ. 2006. Em từ đâu đến. 2008. Nỗi niềm. 8-2011.

Tập thơ Nỗi niềm đang trên tay bạn là tập thơ thứ mười một của nhà thơ Huy Dung. Tám mươi mốt tuổi, ông cho ra đời Nỗi niềm với hơn một trăm sáu chục bài thơ, gần ba trăm trang sách, chỉ nói riêng về số lượng thì quả là điều xưa nay hiếm! Nhưng đáng mừng thay, Nỗi niềm có khá nhiều bài thơ làm xúc động người đọc. Trong năm phần, năm chủ đề lớn của Nỗi niềm: Tình yêu/ Đất nước/ Gia đình/ Thơ/ Lẽ sống; ở mảng nào Huy Dung cũng có những bài thơ ấn tượng, những tứ thơ hay, lối diễn đạt bằng hình ảnh sinh động, cách dùng tu từ hợp tình hợp ý. Tháng sáu 2011, nhà thơ Huy Dung gửi bản thảo Nỗi niềm  tới NXB Văn học, có tới 300 bài thơ. Tác giả là người rất chân tình lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, của NXB… Sau nhiều đêm cân nhắc, tác giả đã rút lại một phần ba bản thảo theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Làm thơ là quá trình lao động sáng tạo đặc biệt. Một khi thi nhân khổ công trau chuốt ngôn từ, hình ảnh kỹ hơn, chắt lọc khắt khe hơn thì sáng tác của mình chắc chắn tạo xúc cảm mạnh, rung động trái tim người đọc!

Tôi không làm công việc dẫn ra những bài thơ hay rồi bình phẩm… Việc ấy, bây giờ dễ tạo sự phản cảm với người đọc. Thơ, hãy để người đọc tự đọc – đọc chứ không phải ngâm- rồi phẩm bình. Tôi ghi lại một trong những cuộc trò chuyện của nhà thơ Huy Dung với tôi, khi chúng tôi cùng chuẩn bị xuất bản Nỗi niềm.

Nhà văn Triệu Xuân: Là bác sỹ hàng đầu chuyên khoa tim mạch, nay 81 tuổi, anh gửi tới NXB Văn học tập bản thảo Nỗi niềm hơn 400 trang, rất dày, bằng số trang một cuốn tiểu thuyết, bằng một tuyển tập thơ của nhà thơ danh tiếng quá cố! Anh muốn gửi thông điệp gì cho người đọc qua Nỗi niềm?

Nhà thơ Huy Dung: Vâng, thông điệp. Tôi cứ nhớ hoài và làm theo câu nói của nhà thơ Pháp Boileau: Hay hoặc dở, thơ tôi luôn nói lên điều gì đó (“Bien ou mal, mes vers disent toujours quelque chose”). Tôi luôn tránh làm thơ bâng quơ, nhất là tránh viết nhảm nhí, mỗi bài thơ phải là một thông điệp rồi. Cuốn thơ này tuy có hơi tham nên quá dày và tuy viết ở tuổi này, xin thưa tôi không có ý dành cho nó một thông điệp riêng gì đặc biệt cả kiểu ‘quyển cuối cùng kèm lời chào biệt’ gì đó. Tuổi ư, tôi đã thuộc từ lâu lời khuyên người cao tuổi 3 quên: Quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên hận thù; và tôi vẫn làm chuyên môn nghề thầy thuốc và đào tạo Y, Đại học và sau đại học. Tôi vẫn tiếp tục làm thơ, đăng thơ mà trên con đường thơ trước mặt ấy, chắc sẽ vẫn có những khám phá. Nhưng qua cuốn Nỗi niềm này, thông điệp muốn gửi có lẽ là sự cầu mong những nỗi niềm dày đặc trong sách thơ sẽ dung thông hai chiều và nhiều tầng, với khối nỗi niềm trong đời. Bạn đang cầm sách Nỗi niềm trên tay, một sự dung thông kết nối tâm hồn hữu ích và thiêng liêng. Tôi cũng thầm cầu mong Bạn quan tâm, dành thời gian quý báu, dần dần đọc hết cuốn sách dài này và bày tỏ tấm lòng với tác giả của nó bằng những lời góp ý chân thành.

Nhà văn Triệu Xuân: Thơ là tiếng nói của trái tim, thơ là tinh hoa chưng cất cuộc đời. Ngày nay, ở hiệu sách, nhan nhản thơ, nhưng chất lượng những tập thơ ấy ít chất thơ quá! Thơ như văn vần, tấu, hò vè, thơ con cóc, thơ văn xuôi, thơ tượng trưng, thơ hiện sinh, thơ phản thơ, thơ hiện đại, hậu hiện đại, thơ cấu trúc luận, v.v… Anh tự xếp thơ mình vào loại nào?

Nhà thơ Huy Dung: Tập Nỗi niềm của tôi là Thơ! Xin nói thêm: Để thơ là tiếng nói trái tim, là tinh hoa chắt lọc từ cuộc đời, điều cốt lõi là nội dung thơ nói về cái gì, cách thể hiện ra sao, đã đúng bản chất (huyền diệu) và chức năng (đánh thức lương tâm, tình yêu, xua buồn, sưởi ấm đơn côi, ôm lứa đôi và cả cõi đời) của nó chưa. Tôi luôn tự răn mình tránh xa loại ‘con cóc hoá’ quốc thi, thơ phản thơ, đua đòi ‘phong trào’ ‘hậu rồi hậu hậu hiện đại’,v.v… Tôi chỉ viết khi lòng mình trào dâng cảm xúc! Về mặt hình thức, thể loại, từ trước đến nay, tôi ưa dùng thể thơ Song thất lục bát, Lục bát, thơ mới thời trước 1945, và nhất là thể thơ tự do đương đại. Về thơ tự do, tôi chỉ theo kiểu riêng của tôi, luôn trau dồi nghệ thuật, mở rộng cách hiệp vận của các thể thơ dân tộc (kể cả các vần lưng nhiều vị trí), cách gieo nhạc điệu (từ quy luật âm nhạc học về phối hợp các thanh bằng trắc, tới phong phú hoá các nhịp cắt kể cả xuống dòng nhiều chỗ) cũng đều kế thừa có phát triển từ các thể thơ dân tộc và cả từ các dạng thơ Đường luật và cổ phong mà không nhà thơ tiền bối VN nào không sử dụng và nâng cao. Nhưng quan trọng là sự dung thông - kết nối các thể thơ dân tộc (có cải tiến) với nhau đúng chỗ tạo sự đa dạng, muôn vẻ, nhằm diễn đạt lột tả sự phong phú, đa dạng, sâu sắc của tình đời…

Gần đây tôi như thiên về thể loại thơ ngắn 4 dòng, hoặc 3 dòng, cùng lắm 5 dòng. Vì lẽ khi không cần nêu cái kỳ vĩ mênh mông của Đất Nước, cái dằng dặc số phận một con người, mà chỉ cần chấm phá một bối cảnh cụ thể tình yêu, hoặc phác họa một phong cảnh thì càng ngắn, cô đọng, như tôi cảm nhận, dường như càng nêu được cái cốt lõi điển hình.

Nhà văn Triệu Xuân: Cách nay vài năm, tôi có may mắn được giúp anh một chút xíu trong việc xuất bản tác phẩm Tâm đạo dung thông. Có người cho rằng anh vừa muốn lập ngôn, vừa muốn lập thuyết? Trong Nỗi niềm, rất nhiều lần anh nhấn mạnh đến Tâm, đến Dung thông? Liệu tính thuyết phục của bài thơ ấy- thông qua cảm xúc, hình ảnh, ngôn từ…- có làm người đọc tâm phục khẩu phục?

Nhà thơ Huy Dung: Trong cuốn thơ này (nhất là ở phần cuối: Lẽ Sống) có vài ba bài thơ nói về Thuyết dung thông và đạo làm người. Tôi đâu dám nghĩ đủ tính thuyết phục người đọc. Thơ là thơ, không thể đưa một cách sống sít các điều giáo huấn như nuôi tâm hồn hoặc rèn nhân cách vào. Về Dung thông, tôi tìm tòi, xây dựng, xác lập và ứng dụng nó đã bốn chục năm nay, nó đã ăn sâu vào mọi lãnh vực: phương pháp tư duy, làm việc, điều trị bệnh tật, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tự học, cải tiến, ứng xử, giải tỏa stress, dưỡng tâm… và làm thơ. Thuyết Dung thông là máu thịt của tôi. Còn nó có thuyết phục được ai hay không, đó là chuyện khác, ngoài tôi!

Nhà văn Triệu Xuân: Thơ là cảm xúc, muốn thuyết phục người đọc thì tác giả phải tạo ra dòng cảm xúc, trường cảm xúc. Trong bản thảo Nỗi niềm, một tập thơ mà anh chia ra thành 5 tập? Năm tập hay năm phần? Anh muốn rạch ròi từng phần: Thơ tình, thơ phong cảnh, thơ gia đình… Thơ thì làm sao mà rạch ròi như Y học? Trong tình cảm với đất nước có tình yêu: Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn (Nhớ - Nguyễn Đình Thi). Nói chung, khó mà rạch ròi trong thơ! Chia làm 5 tập, anh có tự làm rối rắm mình, tự hạn chế mình, và làm nhiễu mạch cảm xúc của người đọc anh?

Nhà thơ Huy Dung: Vâng! Ý của anh thật chí lý! Tôi xin không gọi 5 tập, mà 5 phần: Tình yêu/ Đất nước/ Gia đình/ Thơ/ Lẽ sống. Vâng, đúng vậy, trong mỗi cái có tất cả,  tuân theo Dung thông, quy luật phổ quát mọi vật thể và phi vật thể. Nhưng qua kinh nghiệm cảm nhận thơ trong văn học Pháp và thế giới, tôi nhận thấy muốn tránh sự lạc lõng lang thang ở mỗi bài thơ (có thể đến mức thành phản cảm khi tiếp sang tít bài sau chẳng ăn nhập gì cảm xúc đang lâng lâng hay còn dở chừng của bài trước), thì nên tạo ra dòng cảm xúc,  trường cảm xúc để tiếp nhận ngay tiêu đề mỗi bài thơ. Cảm xúc mỗi bài tiếp theo như tìm nhau mà đến, tạo không gian cho nhau, tôn nhau lên, rồi có khi như thúc đẩy người đọc liên tưởng sự tiếp nối mà muốn ‘hoạ’ muốn sáng tác kèm vào đó. Vậy, xin nhấn mạnh là chính vì để tạo ra dòng cảm xúc, trường cảm xúc ấy mà tôi xin làm điều đơn giản: chỉ cần sắp mọi bài chung chủ đề vào với nhau. Cả một đời thơ đa dạng, muôn vàn chủ đề lớn, đây chỉ có 5 mảng chủ đề, nhiều nhặn gì!

Nhà văn Triệu Xuân: Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Có nhà thơ cả đời chỉ có một bài mà thành bất tử như Thôi Hiệu với Hoàng hạc lâu, Trương Kế với Phong kiều dạ bạc… Vì sao anh làm Nỗi niềm dày như rứa?

Nhà thơ Huy Dung: Tôi vẫn thường nói ở nhiều nơi rằng Nhà thơ cần ý thức thiên chức thiêng liêng của mình như nhà văn vậy, do đó viết bao nhiêu cũng chưa gọi là đủ, còn sống còn phải dung thông bằng tác phẩm hoài. Và, giá như mình sống 4-5 kiếp thì còn viết thơ suốt 4-5 kiếp ấy. Mỗi người đọc có một thân phận của riêng mình, qua văn hoá đọc văn thơ, thấy có thể soi mình rõ hơn, lại như được sống phong phú biết bao trong trăm nghìn cuộc đời khác nhau nữa. Thật đáng buồn cười thay, không ít vị tưởng mình là nhà thơ mà cả đời chỉ quanh quẩn than vãn phận mình, thậm chí nhập vào nhân vật khác để viết thì cứ lo là người ta cho mình “sao lăng nhăng nhiều vụ tình ái thế”!

Những gương Thôi Hiệu, Trương Kế… bên Tàu, bên Tây, bên ta thiếu gì. Đó là chuyện các đại thi hào, các thánh thi… mà thời gian lọc đi bao bài khác, họ từng vất vả với hàng đống bài thơ tầm tầm khác!

Tập Nỗi niềm “Dày như rứa” chỉ đơn giản là vì: từ sau tập Em từ đâu đến, tôi tiếp tục làm thơ như sự thôi thúc để sống đúng đạo nghĩa dung thông làm người. Nay NXB Văn học cho ra Nỗi niềm, tôi đã 81 tuổi, sẽ còn làm tiếp những bài mới chứ. Chẳng lẽ, sau tập này lại học người xưa gác bút?

Nhà văn Triệu Xuân: Nếu cần chọn ra 5 bài mà anh thích nhất trong Nỗi niềm?

Nhà thơ Huy Dung: Xưa nay, tôi kỵ nhất chọn bài giảng của mình mà mình thích nhất. Nếu chọn 5 bài thơ thích nhất, tôi e sẽ dứt khoát không trùng 5 bài bạn đọc thích; bởi con người đẹp ở chỗ đa dạng, không ai giống ai mới hay, lại còn tuỳ mỗi người đang ở dòng và trường cảm xúc nào. Mỗi con người là đồng bộ của biết bao nhiêu tương tác phong phú, khó quy lại ở 5 tương tác. Bản thân tôi tin ở cách ứng dụng dung thông phải toàn diện, đồng bộ, triệt để… nên không thích chưng ra 5 bộ mặt chọn lọc để dung thông với đời.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm ấy dừng ở đó. Thế nhưng, chưa đầy hai ngày sau, nhà thơ Huy Dung đã gửi email tới Triệu Xuân. Ông lựa ra tám bài thích nhất trong Nỗi niềm. Đó là các bài: Chức năng và bản chất Thơ; Một đời thơ; Khẽ khàng; Thuyền trăng; Đàn trăng mùa vàng khế; Tiễn người không trở lại; Canh giấc ngủ; Tiên Dung Chử Đồng Tử.

Tác giả chắt lọc tập bản thảo Nỗi niềm còn hơn 160 bài, gần ba trăm trang in. Tập thơ có nhiều trang thơ sâu nặng ân tình, nhiều bài ánh lên sự sắc sảo và đặc biệt là nội lực tươi, trẻ, nhiệt huyết tràn đầy. Đọc Nỗi niềm, ta thấy xôn xao, lắng đọng trong lòng niềm tự hào về quê hương, đất nước, cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của tác giả hiển hiện trong thơ.

Nhà thơ Huy Dung đã gửi gắm nỗi niềm cả đời mình, một cuộc đời lắm gian truân, đầy chông gai… Ông đã bằng tài năng và nghị lực vượt qua bao thử thách, đi tới đỉnh vinh quang.  Ông có quyền kiêu hãnh lắm chứ! Thú vị nhất là việc ông đã chấp nhận cô đặc tâm tư, nỗi niềm cả tập thơ để chỉ đưa ra tám bài… Ý chí ấy, sự tinh tường đến mức minh triết ấy, không phải người Tám mươi mốt tuổi nào cũng có được!

Cách nay hơn 73 năm, nhà thơ tài hoa nhưng mệnh yểu Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) kể chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, bằng thơ, thật hấp dẫn và chứa chan ân tình (bài Sơn Tinh Thủy Tinh in trong tập Ngày xưa). Trong tập Nỗi niềm, nhà thơ Huy Dung viết về Tiên Dung Chử Đồng Tử với tất cả sự lãng mạn, đa tình, bừng cháy lửa yêu đương: mãnh liệt mà sâu lắng:  … Nước nàng dội, Chử Đồng Tử dần lộ/ dụi cát đỏ/ mắt bừng thấy Tiên Dung/ tim run run/ nhìn Tình ái nữ thần/ lỡ đụng tay, tai đã đỏ rần/ đánh liều ngắm/ môi hồng thắm cười hiền/ mắt Nàng Tiên biết nói/ Hết run, tim kết nối/ hôn khẽ lúm đồng tiền/ còn hiểu tình thôi thúc/ Mở toang ngực/ mịn thơm hương mát/ nồng nàn hơi thở cát thì thào/nắng hút vào thăm thẳm phế bào/ ngà ngọc khỏa thân trong gió hát/ Kén tằm dìm thèm khát/ bao năm sâu tận đáy/ nay trên lưng Tiên Dung/ đôi tay Chử rưng rưng/ nâng sóng thần bùng dậy/ Hớp hồn dòng chảy trần gian/ tay hỗn mang/ nâng niu bầu ráng đỏ./ Tiên Dung, Chử Đồng Tử/ quên phận mình/ đang tái sinh nhau đó/ trao lửa trời tinh khôi/ cho tục phàm nhân thế/ đằm tâm hồn thân thể…

Ngọn Lửa trời tinh khôi, ngọn lửa tình yêu tinh khôi bất tử trong thơ, trong đời nhà thơ Huy Dung. Mang tình yêu ấy, ngọn lửa ấy, ông đã và đang dung thông với muôn ngàn trái tim nhân thế!

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tám năm 2011.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn