Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm thơ: "Thơ cho tuổi 24" - Hồ Huy Sơn

29-07-2011 12:14:26 PM

VanVN.Net – Hồ Huy Sơn đã “nổi tiếng” từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông với những giải thưởng dành cho thơ tuổi học trò, đã “tiên phong” trình diễn thơ trong ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu 2009…Cùng với thời gian, dấu ấn trong lòng bạn bè văn chương về một anh chàng lãng tử từng ngày đi, về, yêu, sống và viết một cách “thực tế” ngày càng sâu đậm. Sau tập thơ đầu tiên: Ngày lạ (xuất bản năm 2009), cũng là năm tốt nghiệp khoa Sáng tác – Lí luận – Phê bình văn học (Trường ĐH Văn hóa), Hồ Huy Sơn ấp ủ dự định ra mắt tập truyện ngắn mới trong năm nay. Một bạn đọc lâu năm của tác giả trẻ (tuổi đời) này nhận xét: “Phía sau những con chữ được hiển thị bằng văn bản, Hồ Huy Sơn luôn khiến người ta phải im lặng, để cảm nhận và chiêm nghiệm…”

Hồ Huy Sơn

Hồ Huy Sơn

Thơ cho tuổi 24

I

Đi qua tuổi 24
Ngồi tỉ mẩn ghép những tính từ cùng chữ buồn vào với nhau: buồn thê thiết, buồn thê lương, buồn thỉu buồn thiu…
Nhận ra cuộc đời có nhiều nỗi buồn quá
Niềm vui thì ngắn
Buông tay có thể rơi
Trong khi nỗi buồn mặc nhiên tồn tại dài dài

 

24 tuổi
Không thể lẩn tránh sự đời
Đôi lúc sợ hãi, chênh vênh
Trước những trắng đen không rõ ràng
Lại có lúc hoang mang
Khi con đường mình đi có biết bao ghềnh thác
Những kẻ thù mang khuôn mặt bạn bè đứng hai bên đường vẫy vẫy tay
Nụ cười đa ý
Ánh mắt đa ngôn

 

Tuổi 24
Không có nhiều tiếng cười thuần khiết
Không có nhiều đêm ngủ yên giấc
Cho dù vẫn ngồn ngộn ước mơ
Ước

Vết chân chim thôi hằn trên mắt mẹ
Ngày cuối năm không có người tới nhà đòi nợ
Mẹ về già sống cuộc đời ấm no        

Ước
          Người với người yêu nhau nhiều hơn thế
          Đích cuối con đường mình đi sẽ có một bông hoa
          Những câu thơ của mình không còn ngủ yên trong lòng mà sẽ ngân xa

 

II

Nhà có người bác đã trở thành liệt sĩ nhưng không phải vô danh
Niềm mong đợi từ ông bà vắt sang bố mẹ rồi thế hệ con cháu
Bác đi khi tuổi còn phơi phới xuân mà chưa kịp cầm một bàn tay người nữ
Bác nằm lại chiến trường
Cho đến bây giờ bác nằm ở đâu vẫn chưa rõ

 

Nhà có người o cũng đi miết không về
Đứa con trai sống đời ở đợ
Rồi ra đi khi tuổi còn non tơ
Không được nhìn nét cười của mẹ lần cuối

 

Nhà có người cha từ trưa đến tối đều say
Lải nhải những ngôn từ không ai hiểu
Không đối đáp
Chỉ độc diễn, độc thoại
Mà rũ mục cả mái ấm mong manh

 

24 tuổi
Thấy mình bất lực
Không đủ khả năng sắp xếp sự yên bình
Dù những con chữ gào thét như cổ động
Với… Với… Với…
                           Không tới…

 

III

24 tuổi
Vẫn không xa được cánh đồng
Cho dẫu ngày ngày vẫn ăn cơm nồi điện, thức ăn công nghiệp…
Thỉnh thoảng giấc mơ lại dẫn mình về với câu đồng dao thân thuộc
“Khói về bên ni ăn cơm với cá
Khói về bên nớ lấy đá đập đầu”
Khói đẩy tôi về đâu?

 

Khói đẩy tôi về đâu?
Nhịp phố xá cuồng quay như chiếc lá vàng rơi trong ngày bão
Bụi tung hỏa mù trên những lối đi quen
Tiếng còi xe inh ỏi suốt đêm
Nhận ra mình như con chim đi lạc
Cất lên bài ca đã chẳng đúng với mọi ví von (*)
Đáng thương
Ngơ ngác

 

IV

24 tuổi thấy mình già nua
Tập im lặng trước những con chữ ma mị
Im lặng trước những lời đường mật
Nhiều khi cũng im lặng với cả chính mình

 

Vẫn không biết nên đi hay đứng lại hay rẽ vào một khúc cua nào đó
Dặn mình “hãy sống như trời xui ta sống,
hãy yêu như đất khiến ta yêu” (**)
Mà vẫn cảm thấy bất an
Trước một cuộc sống khó cắt nghĩa

 

Thèm được ai đó hát cho nghe:
“24 phím cầm chiều
24 nhành sương tím
24 tiếng ve sầu…” (***)

 

(*): Ý từ bài hát Bóng anh hùng của Nguyễn Vĩnh Tiến.
(**): Ý thơ Hoàng Cát.
(***): Tình khúc 24, nhạc: Phú Quang, lời thơ: Dương Tường.

 

14/02/2010

 

 

Đứa trẻ hư

 

Hạt giống của cha

Lao

Phóng

Mảnh đất màu mỡ của mẹ

Nhận lấy

Ấp ủ 9 tháng 10 ngày

Sinh ra con

 

Tự nhận mình là đứa trẻ hư

Con đi
Bỏ lại sau lưng cánh đồng cằn trơ gốc rạ

Củ khoai èo uột như nắm tay người già

Cánh diều vẫn còn mắc cạn

Khói đốt đồng bay xa…

 

Đứa trẻ hư dài lêu nghêu

Mắt u uẩn buồn

Nhiều lần tự vấn mình:

Sao không ở nhà tiếp nối những đường cày cha ông, giữa buổi thảnh thơi với điếu thuốc lào cùng ngụm chè xanh sóng sánh?

Sao không là hạt lúa, củ khoai cứ hiền lành chân chất nằm phơi mình trên đồng?

Sao không ngoan ngoãn chấp nhận định mệnh như mẹ, như cha?

Sao không…

Mà đi xa? 

 

Đứa trẻ hư

Băm bổ giữa phố

Không an phận là hạt lúa, củ khoai

Tập tọng vui đùa với những câu thơ

Khiến nhiều người phát mệt!!!  

 

4/2/2011

 

Ngày dài

Ngày thật dài
Những chiếc lá xung quanh ủ ê rũ rượi
Mình thì im lặng
Im lặng đến bất động
Ngồi lì
Tự trào với chính mình: nhiều khi im lặng cũng không hẳn là không nói
Nhưng đau khổ nhất chính là những lúc im lặng

Chiều nay quán cà phê vắng gió
Câu hát “đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi” (*) cho mình thêm rầu rĩ
Hoài nghi về tất cả
Nhiều lúc hoài nghi với chính mình
Mình và cuộc sống không tương thích?
Mình và cuộc sống đang làm khổ nhau?
Cuộc sống này không có chỗ cho mình?

Lâu lắm rồi em không về nữa
Nỗi nhớ lên rêu
Một màu tang tóc
Váng vất trong đầu như là tiếng khóc
Những ngày cũ đi qua…

Ngày thật dài
Ly cà phê uống mãi không hết
Uống đến cạn đêm mà vẫn thấy ngày
Lại tiếp tục hoài nghi về mình
Bắt bẻ cảm thức
Lại bắt bẻ mình…

(*) Câu hát trong bài Lá đổ muôn chiều (Trịnh Công Sơn)

3/8/2010

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn