Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Ngẫm lại chuyện xưa…

Nhà văn Lê Hoài Lương - 08-07-2011 09:12:33 AM

VanVN.Net - Những ngày đầy “sóng gió” ở Biển Đông vừa qua khi chủ quyền đất nước ta bị xâm hại nghiêm trọng, các thông tin đồng loạt đúc kết các diễn biến biển đảo lâu nay, về những phản ứng của lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân ta, nhất là so sánh cách hành xử hai bên đối với ngư dân, người viết bài này chợt nhớ lại chuyện danh nhân Đào Tấn từng được dân đảo Hải Nam - Trung Quốc lập đền thờ sống.

Người dân biển đảo có cách nói rất hay về những gian nguy nghề biển: “mạng sống con người cách có cái nan tre!” Chẳng cần nói chi lề luật hàng hải, do cái nghề với đặc thù an nguy mà rủi ro luôn là mạng sống nên việc tương trợ, cứu giúp nhau trên biển là đạo nghĩa, không phân biệt cương giới, sắc tộc. Ngoài khơi thì thuyền còn nổi là bờ. Tố lốc, giông bão thì bờ, đảo là nơi an toàn, trú tránh. Với mấy ngàn cây số bờ biển, người dân biển nước ta từ lâu quen sống với sự can trường và hào hiệp.

Những ngày đầy “sóng gió” ở Biển Đông vừa qua khi chủ quyền đất nước ta bị xâm hại nghiêm trọng, các thông tin đồng loạt đúc kết các diễn biến biển đảo lâu nay, về những phản ứng của lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân ta, nhất là so sánh cách hành xử hai bên đối với ngư dân, người viết bài này chợt nhớ lại chuyện danh nhân Đào Tấn từng được dân đảo Hải Nam - Trung Quốc lập đền thờ sống.

Đó là năm 1883, khi Nhà thơ, nhà từ khúc, nhà soạn tuồng kiệt xuất Đào Tấn đang làm Phủ doãn Thừa Thiên. Trong hàng trăm trang viết về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp Đào Tấn, từ người cùng thời: Cường Để, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Mại, Charles Gosselin…, đến người đời sau, chuyện đang kể có mấy dòng, ít người để ý sau: “Lối ấy (1883 - LHL) cụ có lắm năng thinh và có tàu cứu trợ nạn thuyền “Hải Nam” hơn 400 người về Tàu, được bọn nạn thương gửi tạ ơn cụ bức trướng bốn chữ “Công Hoằng Vĩnh Viễn” và lập sanh từ ở Hải Nam đề câu liễn “Tứ bách dư nhơn tồn hoạt mạng/ Vạn thiên lý ngoại kiến sanh từ” (tr. 10, “Đào Tấn qua thư tịch”, Nxb Sân Khấu, 2006). Vắn tắt là, năm ấy, với uy tín của mình, Phủ  doãn Thừa Thiên có tâu vua và tổ chức cứu trợ, đưa về Hải Nam hơn 400 người buôn thuyền gặp nạn. Bốn chữ bức trướng có nghĩa: “công đức ngài lưu lại mãi mãi”, và nghĩa hai câu liễn: “Hơn bốn trăm người còn mạng sống/ Ngoài muôn ngàn dặm lập đền thờ sống”.

Khi lập “sanh từ”, với hàng trăm “nạn thương” Hải Nam, Đào Tấn đã được tôn là ông Thánh sống!

Cũng cần nói thêm lịch sử những “nạn thương” có nguồn từ xa xưa hơn, khi ở Trung Quốc phong trào “phản Thanh phục Minh” kéo dài mấy trăm năm thất bại. Phần để tránh triều đình truy đuổi, phần bất hợp tác, đã có những cuộc di dân đến các nước khác. Việt Nam giờ còn lớp người Minh Hương. Số sống ngoài vòng pháp luật lênh đênh thành “nạn Tàu Ô”, mạnh thì cát cứ cả vùng biển, cướp phá, yếu thì sống trôi nổi đánh bắt, đổi chác, buôn bán nhỏ… “Nạn Tàu Ô” còn dọc biển miền Trung Việt Nam đến trước Cách Mạng Tháng Tám, sống trên thuyền lớn chạy buồm, cả trăm người. Ngoài biển, cậy to mạnh họ thường cướp lưới, các thứ nhu yếu phẩm ngư dân ta, vào bờ cũng đổi vải vóc, gạo muối bằng cá khô hoặc tiền đồng Quang Tự. Hơn 400 “nạn thuyền” rất nhiều khả năng là Tàu Ô vì thuyền buôn không nhiều người vậy. Dù giới nào, họ cũng là người gặp nạn và quan Phủ doãn đã làm điều hiệp nghĩa, ân đức!

Bây giờ cũng vậy, dù tàu cá ngư dân ta gặp nạn hoặc chạy trú bão vào các đảo Hoàng Sa bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhiều lúc bị xua đuổi, bị tịch thu ngư cụ…, ngược lại, chúng ta vẫn nhất mực cư xử tốt với ngư dân Trung Quốc nếu đồng cảnh. Chủ quyền đất nước thì kiên quyết bảo vệ nếu bị xâm hại nhưng với dân thường và những vi phạm vì chưa hiểu thấu đáo hoặc bị xúi giục, chúng ta đã kiên trì mềm mại, nhân nghĩa và rạng ngời lẽ phải.

Ngẫm thêm chuyện xưa, cha ông ta cũng đã nhiều phen cấp cho kẻ xâm lược đường sống trở về với thuyền gạo, xe lương, ta nước nhỏ vẫn ngàn năm vẹn nguyên bờ cõi bởi biết kiên quyết “dũng dượt dụng binh” và khoan hòa “lấy chí nhân thay cường bạo”. Bây giờ chúng ta đã có lẽ phải từ Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Sức mạnh trên dưới đồng lòng. Và trên hết, một khoan hòa sáng ngời đạo nghĩa mà chuyện vị “Hậu tổ tuồng”, danh nhân Đào Tấn được “Vạn thiên lý ngoại kiến sanh từ” ở đảo Hải Nam hơn trăm năm trước cũng là một nét chung độc đáo của văn hóa Việt Nam, sức mạnh Việt Nam!

(Nguồn Văn nghệ)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn