Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Mùa xuân nói chuyện tài lộc

Văn Chinh - 12-01-2012 01:20:23 PM

VanVN.Net - Đời người dài ngắn khác nhau nhưng thường thì trải qua ba chặng Tết: Khi còn bé chờ nó đến để được nhận phong bì mừng tuổi, trung tráng niên thì lo chạy chuẩn bị những cái phong bao đi lễ các cửa, còn khi đã về già thì rềnh ràng với xếp phong bao mầu đỏ, thả vào đó những đồng tiền mới mà con dâu hay con gái vừa đổi giúp, để mừng tuổi cho các cháu nội ngoại. Ba trạng thái làm người này đều gắn với mùa Xuân, và đều xuất phát từ cầu mong tài lộc cho một năm mới đổi vận.

Tôi đang ở chặng Tết thứ ba, chợt ngẫm ra một điều: Những đứa cháu của tôi, mới một hai tuổi mà khi đưa phong bì mừng tuổi đã rối rít mừng rỡ. Nhận xong liền đưa cho mẹ, ai giả vờ xin hay đòi lại, nhất quyết không cho. Đứa trẻ, ngay khi chưa biết tiền là gì, có những giá trị gì đã thích tiền như một bản năng mụ dạy. Còn tôi, đã có lương hưu, lại túc tắc làm thêm tiền nong không mấy khi thúc bách vì cái ăn cái mặc cái đau cái ốm đều đã được con lo liệu. Nhưng cứ mỗi Tết, các con tôi đều biếu bố tiền mừng tuổi và khi nhận, lòng tôi vẫn cứ vui vui. Sao vậy nhỉ? Tôi nghĩ cái vui vui ấy là bản năng sống được thỏa mãn, chỉ có thể là như vậy, chứ tôi không hề đem tiền mừng tuổi đi tiêu vì chả có việc cần tiêu. Thường lại mang về quê biếu các cụ già trong họ, các em các cháu ở quê như bao đời nay vẫn thế, vẫn nghèo.  

Tiền gắn với sự sống, khao khát có nhiều tiền đã ẩn mình trong văn hóa Tết của người Việt và phương Đông nói chung – như những đồng tiền mới ẩn mình trong cái phong bao mầu đỏ, mầu của cát tường. Năm mới, được nhiều hay ít phong bì mừng tuổi đều khiến người ta hình dung ra tài lộc của năm ấy; những tờ một nghìn, mười nghìn hay một trăm nghìn trở thành vật tượng trưng cho khát vọng. Cho nên người ta thường đặt phong bì mừng tuổi lên ban thờ hay đem dâng lễ ở các đền chùa mà cầu tài lộc. Chả biết có ững nghiệm không, ứng nghiệm đến mức nào nhưng không ai nỡ bài xích thói quen tập tục của cộng đồng đã trở thành văn hóa, thành tín ngưỡng.

Cùng với phong bao mầu cát tường là những lời chúc, đại để là sức khỏe, làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái, hay là nhất bản vạn lợi, một vốn bốn lời…Người nói người nghe những câu ấy đều phấn khởi tuy không ai tin nội dung của chúng.

Người nói người nghe đều phấn khởi nhưng đó là những câu rất ít khi được dùng, cùng lắm là mỗi năm một dịp nói, một đời thêm một lần nghe nữa, là hôm khai trương công ty hay cửa hàng cửa hiệu. Vì sao vậy? Vì lãi gấp 4, gấp 5 gấp 10 hay nhất bản vạn lợi là những nghịch lý ngầm chứa trong đó những rủi ro và nguy hiểm khôn lường. Nói nhiều sẽ bị coi là ẩm IC, là tay lẻo mép.

Tôi có ông bạn vong niên buôn đồ cổ. Nghe sắp có dự án xây lại cầu bắc qua sông Bạch Đằng bèn đặt làm hàng vạn cái ấm chén đĩa bát men rạn ở một lò gốm nọ, ngầm ném hết xuống sông nơi cây cầu sẽ xây. Sau nhiều năm tháng ở dưới bùn sông, những vết rạn ngấm bùn khiến người thợ khoan móng trụ cầu nhìn ra là đĩa cổ, chén cổ. Tin ấy loang ra, ông bạn tôi lập tức đến mua với giá rất đắt, nhân thể xin với cơ quan có trách nhiệm thầu cả gói món “đồ cổ” từ đời nhà Đường này. Chim trời cá nước, bán cả gói như vậy nói chung là tiền nhặt được nên cũng không ai nỡ đặt giá cao, chỉ như một thứ lệ phí cấp phép. Vậy rồi ông bạn tôi thuê người lặn vớt “đồ cổ”, hàng ngàn đĩa bát ấm chén mua ở lò gốm thủ công đã được bán với giá đồ cổ. Từ vụ làm ăn “nhất bản vạn lợi” ấy, ông đâm ra khinh nhờn thị trường, khi được mời làm giám đốc một công ty của bộ nọ, ông bạn cũng áp dụng kiểu làm ăn đại loại như vậy. Bị khiếu nại, bị phát giác, ông bạn tôi đi tù. Đi tù về, mất việc công, ông bạn tôi đành quay về nghề cũ. Nghề cũ mất chữ tín, mua đồ cổ thật nhưng bán không ai dám mua. Vậy rồi phá sản, đời sống lâm vào thế dụi dọ, khốn khổ gấp năm gấp mười ngày xưa.

Ông N là người giầu nổi tiếng, xuất thân từ nghề dùng thuyền xi măng cốt thép chở thuê vật tư. Về sau có nhiều tiền, N đổi ra đô la, cho vào các phong bì để móc nối với vật tư quốc doanh, kinh doanh nghề này. Cứ một đô la ông thu về được bốn, nghĩa là một vốn bốn lời. Khi đã giầu, ông nhẩy vào thị trường đất đai bằng các dự án cũng với chiêu thức một phong bì giầu thu về được bốn mươi lần giầu hơn. Đây nhé, đất mua của nông dân 19.000 đ một mét vuông, bỏ vào mỗi mét vuông chừng 100.000đ cho đổ cát và làm cống thoát nước, cũng bằng ấy nữa cho làm đường nội bộ rồi chia lô bán với giá 10.000.000đ, có nơi lên đến 20, 30 triệu. N thu được lãi độ 1.000 lần, chưa đến mức nhất bản vạn lợi nhưng đã có thể coi là một mức lãi lớn nhất thời đại, ở mọi quốc gia; ngay cả bọn buôn heroin, buôn vũ khí và phương tiện chiến tranh hạng nặng cũng còn thua xa. N bị bệnh ung thư, ông sang nước bạn rao mời người nào chữa khỏi được bệnh, ông sẽ đúc tượng vàng đúng bằng trọng lượng của người ấy dâng tặng. Nhưng không ai có thể và dám đi trước nổi thời đại và quy luật như ông. Vì khát vọng muốn sống trên thiên đàng, nên ông đã lên thiên đàng sớm, để lại những bê bối của tập đoàn và, nhất là, những tranh giành của nả liên miên cho các vợ con ông.

Cái cách kinh doanh bằng phong bì đã biến đổi muôn hình vạn trạng và đã từ tài lộc ở dương gian lan cả sang âm dương cùng phát tài. Mấy năm trước là phong trào đầu năm đi vay vốn Bà Chúa Kho, cuối năm đi trả nợ cả vốn lẫn lãi. Lễ vật cố nhiên là bằng vàng mã kèm xôi gà, khế ước vay là lời khấn và đài âm dương; khi trả cũng vậy. Do lễ nhiều vốn nhiều lãi càng nhiều, nên khói đốt vàng mã ở đền phủ như khói cháy rừng, nghi ngút suốt mấy tháng giêng hai một chạp. Nhưng cũng có người đi vay Bà Chúa Kho mà không trả nổi, vì hoặc đã phá sản vỡ nợ do buôn gian bán lậu hoặc quan chức tham nhũng bị phát giác phải ăn tết trong nhà kho. Thật cũng nực cười. Ít nhất thì mọi người đều biết do bảo quản kho quân lương một cách chính danh và nghiêm cẩn, lập quân công lớn giúp Lý Thường Kiệt đại thắng ngoại xâm, Bà Chúa Kho mới được dân gian lập đền thờ; chứ đã là Bà Chúa Kho, sao có thể để vốn của mình đi đêm như ở Cục nọ đã phù phép biến 36 tỉ tiền dương gian thành tiền âm phủ, mà âm mưu mang tài vật đến hối lộ Bà? Hay người ta do cứ khư khư nghĩ “trần sao âm vậy”, trên đà thoái hóa biến chất của một số quan chức ở thế gian, Bà Chúa Kho cũng không ngoại lệ? Dầu sao thì mấy năm qua Đền Bà Chúa Kho đã thưa vắng hơn, khách hàng đại gia và quan chức đã đua nhau về Đền Trần để dâng lễ xin Khai Ấn. Thật là một đại lễ đậm đà bản sắc dân tộc không chê vào đâu được! Tôi không biết những ai là người có gan có chí muốn bằng lễ vật để xin các Vua Trần, xin Hưng đạo Đại vương đóng quốc ấn cho tham vọng cá nhân. Chỉ biết một điều chắc chắn rằng, các Vua Trần sống ở thời nước Mỹ còn chưa có nên rất ngạc nhiên về một điều thật không sao hiểu nổi, là lễ vật lại bằng đô la Mỹ. Vì sơ suất của chư vị tâm thành, tôi mạo muội trình thêm rằng: Ông tổ khai nghiệp nhà Trần Thái sư Trần Thủ Độ là tấm gương muôn đời cho công tác dùng người. Đứa cháu gọi ông và bà Trần Thị Dung (vợ ông) là cậu mợ ruột muốn xin một chức xã quan. Biết cháu không học hành gì, chỉ muốn làm quan cho oai và tiện thể tham nhũng, lại cũng nể vợ nên đồng ý nhưng bảo cháu phải chặt một ngón chân để phân biệt với xã quan do tài đức mà được bổ nhiệm, vì thế y đã khóc lóc xin thôi không dám đòi quan chức nữa. Tôi trộm nghĩ, không biết có thể dâng lễ vật hậu để cầu thăng quan, cầu tài lộc ở cái nơi mà ông tổ sáng nghiệp lại là người coi quốc gia đại sự hơn tình riêng như Trần Thái sư; coi quốc gia đại sự hơn quyền lợi cá nhân như Trần Hưng đạo Đại vương?

Vâng, dân ta từng có câu răn trước cho cái điều mà chúng ta đang bàn: “Làm gái vô duyên lại mắng tổ tiên không phủ hộ!”

Như trên tôi đã thưa, tôi là người trân trọng quyền mưu cầu tài lộc và khát vọng làm quan của con người nói chung. Vấn đề cần phân biệt là có tài lộc quan vị bằng trau dồi năng lực bản lĩnh hay bằng phong bao mà thôi. Để kết thúc, tôi xin kể lại một câu chuyện cũ:

Cuối thời nhà Chu, thương nhân Lã Bất Vi mang người thiếp yêu đã có mang gả cho một hoàng tử đang bị làm con tin ở Triệu. Lại mang hầu hết gia sản của mình hối lộ các cửa để hoàng tử ấy về nước làm vua, con của Lã là Doanh Chính sau kế vị vua là Tần Thủy hoàng còn y thì thành Tướng quốc. Đó gọi là phép buôn vua, lãi không biết mấy mươi muôn mà kể. Vậy rồi khi bị bãi quan tha chết cho về thực ấp để sống nốt cuộc đời tàn, một thương nhân bạn cố tri là Thanh quả phụ đến tiễn. Thanh quả phụ rút trong ống tay áo ra một con dao bằng đồng thau tặng Lã Bất Vi và nói: “Lã đại nhân giàu sang một phương, ngài cũng từng có vô số kim ngân vàng bạc. Nào là kiếm Thái A, cờ Thúy Phương, trống Lịch Quy, ao a cảo, nào là đồ tê tượng, những thứ đó không cần phải nói. Tôi không có vật gì tốt hơn để tặng đại nhân. Con dao bằng đồng thau này là tiên vốn lúc tôi bắt đầu kinh doanh, về sau tôi không nỡ bán đi. Những lúc nhàn rỗi tôi thường lấy ra xoa xoa cho vui. Người thiết kế ra nó thật là thâm thúy. Tôi và ngài đều là thương gia, vàng bạc hàng ức trong tay nhưng lý giải về tiền thì e rằng sẽ không thể bằng người thiết kế ra con dao này. Có phải người thiết kế ra con dao muốn nhắc nhở rằng: Tiền là con dao giết người?

Sự am hiểu sâu sắc và tinh tường của Thanh quả phụ về đồng tiền khiến Lã Bất Vi run lên như lá thu rơi và còn run mãi đến tận bây giờ.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn