Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: “Mong đợi” (Nga)

Hà Việt Anh dịch - 03-11-2011 10:30:18 AM

MONG ĐỢI

NHINA ROMANOVA

 Nàng thích đọc truyện cổ tích và thường thì không bao giờ đủ ngón tay để đếm hết những nhân vật mà nàng đã thầm yêu, trộm nhớ.

Bạn có hay bị mất ngủ không? Nếu bạn là đàn ông, để ru cái ngủ đến nhanh hơn bạn có thể đếm cừu. Hay là đếm tiền chẳng hạn, nhưng trong trường hợp thứ hai không chắc bạn dễ chợp mắt được.

Còn những người phụ nữ lại có cách đếm của riêng mình. Nàng thường tính xem còn bao nhiêu ngày nữa nàng sẽ được gặp chàng. Năm tháng qua đi, nàng trở thành người đàn bà từng trải hơn và câu hỏi trong đề bài cũng thay đổi. Bây giờ nàng lại đếm xem đây là lần thứ mấy chàng cùng người khác, mà không phải là với nàng.

Hình như người phụ nữ lúc nào cũng sống trong sự mong mỏi, chờ đợi. Khát vọng chờ bằng được ai đó hoặc một cái gì đó dường như ăn đã vào máu của mỗi người đàn bà. Nàng bắt đầu đợi chờ từ cái ngày đầu tiên gặp chàng... chờ đợi cái giây phút chàng nói với nàng lời nói ngọt ngào: “Anh yêu em”... chờ chàng hoàn thành nghĩa vụ trở về, đợi chị gái chàng đi lấy chồng để có thể thu xếp được một chỗ chui ra chui vào... mong đến đỏ mắt ngày được lên xe hoa chính thức trở thành hoàng hậu của lòng chàng... mong cảm nhận được những sự thay đổi từng ngày của cái cơ thể nhỏ bé bên trong nàng... mong sao cho nhanh hết chín tháng mười ngày ọc ạch...

Nhưng sự chờ đợi thực sự chỉ bắt đầu từ đây. Nàng luôn luôn sống trong nỗi phấp phỏng: thiên thần vừa ngủ xong, nhưng lúc nào cũng có thể tỉnh giấc... Cứ hai tiếng một lần cho bé ăn... Tháng sau nó sẽ mọc cái răng đầu tiên... Vài tháng nữa rồi nó sẽ biết đi... Sau hai hôm nữa sẽ là ngày khai trường đầu tiên của nó...

Bạn hãy nhìn vào mắt của những người đàn bà và sẽ hiểu ngay được sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua hết sự đợi chờ này đến nỗi chờ mong khác.

Những đứa trẻ lớn thật nhanh, không chỉ là con nhà người khác mà ngay cả con của mình cũng vậy. Khoảng cách của những sự mong chờ có phần dãn cách hơn, cảm giác có thời gian để ... thở và nghỉ ngơi đôi chút. Đúng là ai đó có thể cho phép mình thư giãn, nhưng tuyệt đối không phải người phụ nữ!

Nàng bắt đầu bực bội với những nếp nhăn xuất hiện ngày một nhiều hơn trên khuôn mặt và sự ngóng đợi người chồng trở về nhà sau một ngày làm việc dần trở thành phản xạ. Rồi chăm chú xem xét quần áo, sổ sách và thậm chí cả ví của chồng.

Nàng đã chuẩn bị tinh thần nếu chẳng may “bắt gặp” một vết son môi hay một mùi là lạ trên áo sơ mi của chồng, và cứ như thế suốt ngày sang tháng khác. Và rồi chưa có dịp để phanh phiu những chuyện “không trong sáng” của chồng thì nàng lại tiếp tục bận bịu với chuyện con cái. Chẳng bao lâu  nữa bọn trẻ sẽ tốt  nghiệp phổ thông... rồi những kỳ thi vào đại học đầy căng thẳng... rồi đám cưới... những đứa cháu nội, ngoại ra đời...

Và tất cả lại bắt đầu từ đầu. Giờ đây nàng sống vì những đứa cháu bé bỏng. Rồi vào một ngày đẹp trời nàng sẽ nghe thấy chúng hỏi:

- Bà ơi, bà chờ đợi điều gì ở cuộc đời này?

- Bà mong một  ngày nào đó các cháu sẽ hiểu rằng bà yêu các cháu đến nhường nào...

 

 

NGÀY HẠNH PHÚC NHẤT

VICTORIA TÔKAREVA

Đề bài thi môn cuối cấp hai của chúng tôi là viết về hạnh phúc, chính xác hơn là viết về một ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Tôi vẫn nhớ, hôm ấy chép đề bài xong, tôi ngồi ngay ngắn, cố nhớ xem trong suốt những năm tháng đã qua ngày nào có thể coi là hạnh phúc nhất. Tôi chọn một ngày chủ nhật. Hôm ấy tôi cùng bố  đi xem bộ phim hài của Pháp sau đó đến thăm bà nội. Bộ phim rất tuyệt và ở nhà bà cũng vậy, đầm ấm và tràn ngập tiếng cười. Tôi  hăm  hở  định  viết  lời  mở  bài,  nhưng  chợt  nhớ  tới  lời  gợi ý của  cô Maria Ephimovna- cô giáo dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp 8B của chúng tôi: “Con người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi làm những điều tốt, có ích cho người khác.” Nếu như vậy  chuyện tôi đi xem phim và thăm bà nội thì có ích cho ai kia chứ? Tôi cũng có thể không cần để tâm tới những lời gợi ý của cô, nhưng như thế thì bài tập làm văn của tôi sẽ không quá được điểm ba, dù ngữ pháp Tiếng Nga của tôi luôn được coi là vững nhất lớp với một lối hành văn lưu loát, trôi chảy và nếu như thế thì thay vì được lên thẳng cấp ba người ta sẽ chuyển tôi sang trường trung học kỹ thuật vừa học vừa làm. Đã nhiều lần cô Maria nói với chúng tôi rằng hiện nay đất nước đang quá dư thừa trí thức mà lại thiếu rất nhiều công nhân, những người thợ lành nghề.

Tôi ngó sang bài của Lena. Nó viết rất nhanh, với một niềm say mê kỳ lạ. Cái bút máy  mới của nó được dịp thử sức, ngòi bút kèn kẹt quét trên giấy làm mấy đứa xung quanh đang còn cắn bút suy nghĩ phát sốt ruột. Ngày hạnh phúc nhất đời nó là ngày nó được kết nạp vào Đội. Tôi nhớ lại buổi kết nạp Đội. Hôm ấy nhà trường làm lễ kết nạp cho chúng tôi ở Bảo tàng Lịch Sử. Chúng tôi xếp hàng ngang, nghiêm trang dưới lá quốc kỳ. Không hiểu rủi ro thế nào đúng đến lượt tôi thì hết huy hiệu. Lớp trưởng nhao đi tìm nhưng vô ích. Tôi đành bảo: “Không sao, mai mình đi mua  cũng được.” Tuy nhiên tôi thấy buồn vô hạn, không còn hứng thú nghe những lời tuyên thệ và  lời dặn dò của các anh chị phụ trách nữa. Sau đó người ta dẫn chúng tôi đi thăm quan Bảo tàng và kể về những trang sử oai hùng của đất nước. Tôi nghe câu được, câu chăng...

Tôi nhớ có một lần trời mưa rất to, tôi và mẹ bắt gặp một ông già say rượu nằm bên lề đường. Mẹ lay ông dậy, hỏi địa chỉ rồi gọi taxi đưa ông về nhà. Rõ ràng là mẹ con tôi đã làm một việc rất có ích. Nhờ có chúng tôi cụ già ấy được ngủ ở nhà mình chứ không phải ở ngoài đường trong đêm mưa lạnh và những người thân của ông sẽ không phải lo lắng. Hẳn là cô Maria sẽ đánh giá cao sự kiện này, nhưng riêng tôi thì không thể coi đây là một ngày hạnh phúc, càng không thể nói đó là ngày hạnh phúc nhất...

Tôi quay sang phía Masha. Chữ nó ngoáy quá nên tôi chẳng hiểu nó viết gì. Nhưng tôi dám chắc là nó viết về cái ngày phòng thí nghiệm hoá học tồi tàn, cũ kỹ của chúng tôi bị cháy và sau đó được một trường kết nghĩa ở Tây Đức tặng cho một phòng thí nghiệm mới hiện đại gấp trăm lần. Masha là “thần đồng” môn hoá  của lớp tôi. Nó rất giỏi các môn tự nhiên và cả ngoại ngữ nữa. Nó đã xác định được con đường tiến thân của mình trong tương lai. Cả lớp tôi đều tin là nó sẽ trở thành một nhà bác học lừng danh. Còn tôi, theo nhận xét của cô Maria, thì chẳng có gì đáng tự hào ngoài cái vốn từ quá phong phú. Mỗi lần nói tới đây cô thường nhấn mạnh từ “quá”. Từ nhỏ tôi đã rất thích đọc. Bố đã dạy tôi đọc từ khi tôi mới lên bốn và từ đó tới nay lúc nào ông cũng khuyến khích tôi đọc.

 Tuần trước vô tình tôi nghe qua đài phát thanh một chương trình dành cho gia đình nói về hạnh phúc. Người ta đã nói rằng: “Hạnh phúc đó là khi con người ta mong muốn một điều gì đó và đạt được điều mơ ước ấy. Còn niềm hạnh phúc lớn lao là khi ta đạt được những điều mà ta luôn  mong mỏi, khao khát đến cháy lòng. Song khi ước mơ đã trở thành hiện thực thì hạnh phúc cũng kết thúc ở đó bởi vì Hạnh phúc là quá trình ta mơ ước chứ đâu phải là kết quả của cái quá trình ấy”.

Tôi tự hỏi: “Vậy mình mong muốn điều gì?” Tôi muốn được lên thẳng lớp chín, rồi mẹ sẽ thưởng cho tôi một chiếc áo lông mới. Còn điều tôi khao khát ư? Tôi cầu mong sau khi tốt nghiệp trung học tôi sẽ thi đỗ vào khoa ngữ văn trường Đại Học  Tổng Hợp Matxcơva mang tên Lomonosov và làm quen với nam diễn viên K.K, người đang được ngưỡng mộ nhất trong làng Điện ảnh. Mẹ bảo, ở tuổi của tôi bọn con gái hay mơ tưởng hão huyền và thích được yêu những người đàn ông nổi tiếng. Hai mươi năm về trước mẹ cũng đã mất ăn mất ngủ vì một chàng kịch sỹ đẹp mã, tài ba và rất đào hoa (hẳn rồi!). Không phải chỉ có mình mẹ mà tất cả bọn con gái lớp mẹ kia. Bây gìơ chàng kịch sỹ ấy già, béo phị và  xấu xí. Cánh diều may mắn của anh ta vút lên được vài năm rồi sau đó nhanh chóng đâm nhào xuống đất. Hình như từ bấy đến nay anh ta không hề nhận được vai diễn nào cho ra hồn nữa. Có trời mới biết được sức nhào nặn của thời gian đối với con người  kinh khủng đến nhường nào! Nhưng mẹ không hiểu tôi. Tôi đâu có yêu cái anh chàng K.K ấy. Chỉ đơn giản là tôi ngưỡng mộ anh ta,  tài ba, đẹp trai, rất lãng mạn và hơi phong trần chứ không thô lỗ, cục mịch như bọn con trai cùng lớp. Anh ta đóng vai D’ artanian trong vở “Ba người lính ngự lâm” tuyệt đến nỗi tôi có cảm giác như anh chính là D’ artanian.

Tôi đã xem vở  “Ba người linh ngự lâm” sáu lần, còn Rita, bạn gái thân của tôi thì đã xem tới cả mười lần. Mẹ Rita làm việc ở khách sạn Minsk và cô ấy có thể kiếm được vé xem nghệ thuật bất cức lúc nào chứ không phải như bố mẹ tôi, chỉ trông vào mấy đồng lương của nhà nước. Qua người quen Rita cũng dò la được nhiều tin tức về diễn viên K.K. Anh ta đã có vợ và một cậu con trai nhỏ. Cũng may là con trai chứ không phải con gái, vì người ta thường yêu con gái hơn, con trai cần ít sự dịu dàng hơn và như thế là trong tâm hồn của người nghệ sỹ vẫn còn chỗ trống cho tình yêu mới. Giữa tôi và K.K có một khoảng cách lớn về tuổi tác, như không sao, chỉ năm năm nữa thôi khi ấy tôi mười tám tuổi còn K.K ba mươi tám và chúng tôi có thể là một đôi rất đẹp.

Người ta hay gọi K.K là người đàn ông của sự nghiệp. Tôi cũng không hiểu người đàn ông say mê sự nghiệp là tốt hay xấu, nhưng đơn cử bố tôi, ở cơ quan  chẳng có ai yêu nghề hơn ông, song không hiểu sao hiếm khi tôi đọc được trên khuôn mặt ông những tia hy vọng hay niềm hạnh phúc.

Lena đã sang trang thứ 5 vậy mà tôi vẫn ngồi loay hoay lục tìm trong ký ức cái ngày hạnh phúc nhất.

Thực ra những ngày hạnh phúc của tôi là khi đi học về chẳng có ai ở nhà cả. Tôi rất yêu mẹ, mẹ chẳng bao giờ bắt tôi làm cái này, cái khác. Khi ở nhà với mẹ tôi thường làm tất cả những gì tôi muốn. Tuy nhiên không có mẹ ở nhà cũng thích hơn, vì thật yên tĩnh và gọn gàng (mẹ tôi thường có thói quen vứt quần áo thay ra bất cứ chỗ nào mẹ muốn). Mỗi khi đi vắng mẹ lại viết giấy gài ở cửa cho tôi: “Chìa kháo mẹ để dưới thảm, thức ăn trên bếp. Sáu giờ mẹ sẽ về. Hôn con gái của mẹ”.

Tôi thấy trên báo người ta nói rằng Matxcơva là thành phố có số những vụ cướp của, giết người ít nhất, như vậy có nghĩa là thủ đô của tôi an toàn nhất trên thế giới. Cũng phải thôi, vì nếu thành phố không có an ninh tốt thì chắc nhà tôi đã nhiều lần bị mất trộm vì những bức thư ngắn lộ liễu của mẹ tôi rồi.

Mẹ tôi thường nói rằng khi người ta sợ điều gì thì nhất định điều đó sẽ đến. Nếu tôi sợ bị mất cắp thì nhất định kẻ trộm sẽ không để cho tôi yên. Kẻ trộm thì tôi chưa gặp dù rất lo cho sự an toàn của căn hộ nhà tôi, tuy nhiên cứ khi nào tôi sợ sẽ bị gọi lên bảng là y như rằng tôi sẽ không thoát.

Những lúc buồn tôi thường hỏi mẹ: “ Con người ta sống ở trên đời để làm gì?”. Mẹ ôn tồn: “Để đón nhận những đau khổ - đó là một trong những qui luật của cuộc sống.” Bố phản đối: “Đấy là qui luật cho những kẻ dở hơi. Con người sinh ra để  hưởng hạnh phúc... ”. Mẹ tiếp lời: “ Ông còn quên mất đoạn: “... như loài chim sinh ra để bay”, rồi gì nữa nhỉ, à phải rồi “sự thương hại hạ thấp con người”. Bố bảo:  "Tất nhiên, chỉ có những kẻ dở hơi mới tìm đến sự thương hại. Những con người chân chính chỉ dựa vào chính mình!”. Mẹ im lặng, nhưng tôi biết theo mẹ, thương hại người khác chính là sự đồng cảm, cảm thông và thế giới này tồn tại được cũng là nhờ vào cái mối liên kết bền vững ấy. Đó là khả năng mà không phải ai cũng có được, kể cả những người thông minh, khôn ngoan.

Thực ra bố, mẹ tôi cũng ít khi cãi nhau. Có lẽ vì họ ít gặp mặt. Mẹ tôi làm việc ở một viện nghiên cứu và như một viên chức mẫn cán không bao giờ  ngẩng mặt lên khỏi đống tài liệu trước năm giờ chiều. Còn bố thì bắt đầu công việc ở xưởng in từ ba giờ chiều đến tận khuya. Có những hôm ông trở về nhà lúc trời đã rạng sáng. Những hôm như thế mẹ  hay buồn và  lo nghĩ vẩn vơ nên tôi thường sang ngủ cùng mẹ. Có lần mẹ bảo:

- Có lẽ bố mẹ phải chia tay thôi...

- Nhưng vì sao ạ?

- Bố chẳng để ý gì đến  mẹ cả. Lâu lắm rồi mẹ không biết thế nào là đi xem kịch, xem phim. Và cũng chẳng thể nhớ nổi lần cuối cùng bố cùng mẹ đi dạo là bao giờ nữa. Rồi việc nhà cũng chỉ mình mẹ cáng đáng...

- Thế trước đây thì không như thế sao?

- Lúc nào mà chẳng thế.

- Tại sao mẹ không chia tay với bố mười năm về trước mà còn chờ đến tận bây giờ?

- Khi ấy con còn nhỏ, mẹ không muốn con có một tuổi thơ bất hạnh.

- Mẹ nghĩ lạ thật đấy! Mười năm trước khi con còn nhỏ,chưa biết gì thì mẹ muốn bảo vệ hạnh phúc của con. Còn bây giờ, khi con đã bắt đầu hiểu đôi điều về cuộc sống thì mẹ lại định chia rẽ hai bố con hay sao?

- Trước mắt con là cả một tương lai. Còn mẹ, mẹ cũng phải được hưởng hạnh phúc  chứ.

Quả thật tôi không thể hiểu tại sao một người đàn bà gần bốn mươi tuổi như mẹ, có một gia đình nề nếp, một công việc hằng say mê từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ở cơ quan thì luôn được bạn bè và đồng nghiệp quí trọng, vị nể mà vẫn còn mong muốn những niềm hạnh phúc siêu thực nào đó. Đã nhiều đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được, cố tìm cho ra câu trả lời. Nhưng cố gắng lắm tôi cũng chỉ có thể đưa ra một giả thiết. Có thể vì bố mẹ tôi có một cuộc sống khá buồn tẻ, đơn điệu. Không giống những gia đình khác, từ bốn bức tường nhà tôi không bao giờ phát ra những lời chửi rủa hay cãi cọ, không nghe tiếng con cãi lại bố mẹ, vợ đay nghiến chồng... Không có tiếng khóc, nhưng nhà tôi cũng vắng cả tiếng cười. Trong nhà tôi hình như mỗi người có một thế giới riêng, nếu không có tôi ở nhà có lẽ chẳng ai nghĩ trong nhà tôi có người. Tuy nhiên  theo đánh giá của mọi người trong khu tập thể thì gia đình tôi được coi là gia đình kiểu mẫu, là tấm gương sáng để người ta soi vào và học tập. Tôi hỏi mẹ:

- Thế mẹ đã gặp ở đâu những người hạnh phúc tuyệt đối?

Mẹ im lặng, chắc đang cố tìm cho ra một người hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng tôi tin là mẹ không thể nào tìm thấy được. Như cô Nhina  dưới tầng hai trẻ hơn mẹ tôi năm tuổi, gày hơn mẹ mười cân, người cô rất đẹp và khuôn mặt cô rất xinh, vậy  mà vẫn chưa có chồng. Bỗng dưng tôi nhớ đến câu nói cửa miệng của bố tôi: “Nếu có sự thống khổ, niềm bất hạnh của người khác để soi vào thì mới biết ta còn hạnh phúc hơn khối người”. Có lẽ vì buồn nên mẹ nói vậy thôi chứ tôi biết và tin là bố mẹ tôi còn yêu nhau lắm, ít ra là mẹ... Thấy mẹ ngơ ngác, tôi giục:

- Muộn rồi, ngủ đi mẹ, đừng suy nghĩ lung tung nữa.

Tôi ôm lấy mẹ. Chân, tay mẹ lạnh quá, những giọt nước mắt của mẹ thấm ướt hai má tôi mằn mặn.

Tiếng chìa khoá lọc xọc tra vào ổ. Bố tôi đã về, bước nhón chân, nhẹ nhàng đi về phòng ngủ . Nghe thấy những bước chân của bố, có lẽ mẹ bình tâm hơn nên thiếp đi trong tay tôi. Tôi ôm chặt lấy mẹ như giữ gìn một báu vật. Tự dưng tôi mong bố mẹ tôi hãy mau già, xấu xí đi để họ chỉ còn cần cho nhau và cần cho tôi, để không ai còn nghĩ đến chuyện đi tìm những hạnh phúc khác... Có lẽ con người ta khi được sống  dư dật đôi chút và có nhiều thời gian rảnh rỗi, họ sẽ hay nghĩ ngợi lung tung, để rồi càng nghĩ lại càng thấy mình bất hạnh.

Năm ngoái có một chú bé bị ôtô cán ngay trên phố tôi. Tata cả mọi người đổ xô ra xem, còn tôi chạy vội về nhà. Tự dưng tôi cảm thấy sợ kinh khủng. Không phải sợ cho tính mạng của tôi mà lo cho bố mẹ tôi. Tôi không biết nếu có chuyện gì chẳng lành xảy ra với tôi thì bố mẹ tôi sẽ sống ra sao? Họ sẽ làm gì nếu không có tôi đây?...

Oleg đã mang bài lên nộp cho cô Maria. Tôi đoán nó viết ngày hạnh phúc trong đời sẽ là ngày mà ban nhạc Beatles sẽ tái nhập và đi lưu diễn trở lại. Oleg thuộc lòng tên và đời tư của từng thành viên trong các ban nhạc nước ngoài nổi tiếng nhất.

Tôi nhìn đồng hồ. Còn 16 phút nữa là hết giờ, không còn thời gian để nghĩ ngợi lung tung nữa rồi. Nếu cứ tiếp tục lan man thế này thì tôi sẽ nhạn điểm 2  môn văn và sẽ phải vò trường vừa học vừa làm để sau này trở thành thợ nguôi, thợ hàn, hay thợ dệt chẳng hạn. Vâng, một thợ dệt với một vốn từ vựng phong phú và khả năng ghi lại cả một bản nhạc chỉ cần nghe qua đôi ba lần. Tôi nghĩ hay là viết về ngày chúng tôi trồng cây quanh sân trường. Tôi đã đọc ở đâu đó là một con người trong cuộc đời của mình phải làm được ba việc: trồng một cái cây, sinh con đẻ cái và viết một cuốn sách về thời đại của mình. Như thế chắc chắn tôi sẽ đạt điểm năm về nội dung, còn ngữ pháp thì tôi chẳng lo gì cả, hình như chưa bao giờ tôi viết sai dù chỉ là lỗi chính tả.

Tôi lại nhìn đồng hồ. Chỉ còn 11 phút nữa là trống nộp bài sẽ điểm. Không còn thời gian để suy nghĩ nữa rồi. Tôi đặt bút và viết một hơi. Không hiểu sao tôi vẫn cứ quyết định viết về ngày chủ nhật bố đưa tôi đi xem phim rồi đến thăm bà nội. Lúc này tôi không hề nghĩ đến những lời dặn của cô Maria hay chuyện điểm số. Tôi chỉ nhớ là bộ phim hài buồn cười đến chảy nước mắt. Tôi đã cười to đến nỗi người đàn ông ngồi phía sau phải gõ vào lưng tôi nhắc nhở. Còn ở nhà bà nội thì như mọi khi, đầm ấm và vui vẻ . Chúng tôi cùng ăn món cá muối ngon tuyệt của bà, tuy mẹ tôi thường chê món cá của bà có mùi amoniac. Tôi thấy chuyện ăn uống đâu có quan trọng gì. Điều quan trọng hơn cả là cái không khí gia đình ấm cúng. ở đây  mọi người rất yêu tôi và tôi cũng vậy. Những lúc như thế này bà, bố và tôi thường say sưa ngắm nhìn nhau. Đôi mắt của tôi rất giống bố, bố lại có đôi mắt của bà. Tự dưng tôi thấy ba đôi mắt của chúng tôi giống nhau như những giọt nước. Trong vắt và long lanh. Chúng tôi đại diện cho ba thế hệ, bà giống như gốc rễ, bố là thân cây, còn tôi chính là nhành cây non đang vươn lên đón ánh mặt trời. Đối với tôi đây là những giây phút huyền diệu, lung linh nhất.

Tất nhiên đó không phải là một ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Chỉ đơn giản là một ngày rất hạnh phúc.Còn cái ngày hạnh phúc nhất vẫn chưa đến với tôi. Nó đang ở một nơi rất xa, vẫy gọi tôi vào một tương lai rộng mở...

 

 

CON BÚP BÊ BIẾT NGHE NHẠC

KATERINA SEMENIUK

- Tôi thường nhìn thấy cô bé này. Cô bé thường đi qua cửa hàng sách của tôi để đến trường nhạc. Trên vai cô bé lúc nào cũng có một bao da gọn gẽ đựng chiếc đàn Violong và một tập bản nhạc dày cộp. Trông cô bé cứ như một con bộ hung vậy. Ngài hãy nhìn kỹ cô bé mà xem. Mặc dù ngày nào cũng có hàng chục nhạc công nhí đi qua cửa hàng sách của tôi nhưng không hiểu sao ở cô bé này tôi thấy có cái gì đó rất đặc biệt

- Tôi thấy cô bé có gì đặc biệt lắm đâu. Nếu có chăng chỉ là khuôn mặt hơi già trước tuổi thôi.

- Cô bé chắc cũng chỉ khỏang 8 tuổi. Ngài hãy nhìn kìa, cô bé đang dừng lại ở cửa hàng đồ chơi đối diện cửa hàng tôi. Ngài hãy để ý xem cô bé đang nhìn đi đâu. Đấy, cô bé nhìn một con búp bê. một con búp bê nhỏ mặc váy màu hồng có thắt một dải nơ. Ngày nào cô bé cũng đến đây và dừng lại ở cửa hàng đồ chơi rất lâu để ngắm nhìn con búp bê ấy.

- Chuyện ấy thường xảy ra với trẻ nhỏ. Nhưng tôi thấy thắc mắc là không hiểu tại sao cô bé lại chọn con búp bê khiêm nhường ấy nhỉ? Tôi thấy trong cửa hàng có rất nhiều con búp bê to và lộng lẫy hơn nhiều.

- Ai mà biết được sở thích của bọn trẻ... Đấy, cô bé đang nói chuyện với con búp bê đấy. Ngay cả lớp cửa kính dày cũng không ngăn cản việc họ tâm sự với nhau. Ngài hãy lắng nghe chăm chú rồi thế nào cũng sẽ nghe thấy cuộc đối thoại câm của họ

- Xin chào!

- Xin chào!

- Tôi lại đến với bạn đây.

- Còn tôi đã chờ bạn lâu lắm rồi. Tôi rất vui vì bạn lại đến.

- Bạn có khỏe không? Cuộc sống của bạn thế nào?

- Cũng tàm tạm. Suốt ngày tôi phải đứng sau tủ kính và nhìn ra phố. Tôi cũng chẳng biết nói chuyện với ai cả. Tôi buồn lắm.

- Ôi, tôi cũng muốn kết bạn với bạn lắm.

- Từ lâu tôi đã mong được như thế. Tất cả các bạn búp bê cùng cửa hàng với tôi đều đã được mua, chỉ có tôi là không hiểu vì sao chẳng ai thèm để ý đến. Thậm chí tôi còn chẳng có tên nữa kia.

- Hay tôi gọi bạn là Eliza nhé. Tôi cũng có rất ít đồ chơi nhưng tôi yêu quý tất cả những món đồ chơi mà tôi có, nhưng tôi chưa bao giờ có một con búp bê xinh đẹp như bạn cả.

- Sắp đến lễ giáng sinh rồi. Người ta sẽ bắt đầu trang trí cửa hàng để mừng giáng sinh và năm mới. Tôi biết rằng vào lễ Giáng sinh người ta thường tặng quà cho trẻ con. Biết đâu người ta sẽ tặng tôi cho bạn?

- Ôi, thậm chí tôi còn không dám nói với mẹ là mình vẫn còn thích chơi búp bê. Mẹ tôi bảo là tôi lớn rồi và cần dành nhiều thời gian cho học nhạc.

- Phải rồi, ngày nào bạn cũng đến nhạc viện. Chắc bạn chơi violon giỏi lắm nhỉ?

- Ư, tôi tập đàn suốt ngày. Cô giáo dạy nhạc của tôi bảo rằng nếu tôi chịu khó rèn luyện thì tôi có thể sẽ thành tài. Điều đó có nghĩa là tôi có thể trở thành nghệ sỹ Violon tài ba và sẽ được biểu diễn cùng dàn nhạc trên sân khấu lớn. Tất cả mọi người sẽ chăm chú nghe tôi chơi đàn. Nhưng để đạt được ước mơ ấy tôi phải phấn đấu rất nhiều.

- Tôi cũng muốn được nghe nhạc quá!

- Bạn có muốn tôi chơi cho bạn nghe một bản nhạc yêu thích nhất của tôi không? Bạn nghe nhé.

- Đấy, ngài đã nhìn thấy gì chưa? Bây giờ cô bé lấy đàn ra và bắt đầu kéo một bản nhạc. Âm thanh bay bổng trong không gian giá lạnh. Những giai điệu như dâng lên cao, lên tận bầu trời rồi lại rơi xuống mặt đất cùng những bông tuyết. Tôi xin thề là tất cả con con búp bê, thú nhồi bông và đồ chơi trong cửa hàng cũng đang chăm chú lắng nghe những giai điệu trầm bổng phát ra từ cây đàn violon của cô bé.

- Đó là một bản nhạc của Bethoven. Cô bé chơi hay thật đấy.

- Đúng thế.  Nhưng điều đáng nói là cô bé chơi đàn dưới gió lạnh và tuyết. Cô ấy hầu như không nghĩ đến việc mình sẽ bị cảm lạnh, hoặc ít ra các ngón tay sẽ rụng ra vì buốt.

- Chúng ta phải làm một việc gì đó. Nhanh lên, chúng ta hãy qua bên đó xem sao.

- Cháu gái à! Không nên chơi đàn dưới trời giá lạnh thế này! Ôi, những ngón tay của cháu đờ ra rồi đây này. Chúng ta hãy vào nhà suởi ấm một chút. Những nghệ sỹ chân chính cần phải bảo vệ đôi tay của mình.

- Các bác nhìn kìa! Bạn ấy đang nhảy. Vậy là bạn ấy đã nghe thấy tiếng đàn của cháu!

- Cháu bảo ai đang nhảy cơ?

- Con búp bê ấy mà. Đấy, con búp bê mặcváy hồng đứng ở góc trong cùng của tủ kính ấy. Hai bác không nhìn thấy bạn cháu sao? Bạn ấy chắc rất thích bản nhạc mà cháu vừa chơi.

- Bác đã nhìn thấy nhiều con búp bê chạy bằng điện hoặc bằng pin biết nhảy múa. Nhưng chưa lần nào bác thấy con búp bê loại này có thể nhảy được cả.

- Bạn ấy đã nhảy thật mà. Bạn ấy đã nhảy theo tiếng đàn của cháu.

- Có người sắp sửa đi ra từ trong cửa hàng chúng ta hãy hỏi xem ông ấy có nhìn thấy gì không nhé.

- Bác ơi, bác làm ơn cho cháu hỏi con búp bê mặc áo hồng kia có biết nhảy múa không?

- Không, cô bé à. Rất tiếc là nó không thể nhảy múa được. Bác biết chắc chắn như thế là vì bác là chủ cửa hàng này mà.

- Nó bị hỏng thế nào ạ?

- Đơn giản là thế này. Khi người ta chuyển những con búp bê này trên những con tàu chở hàng vượt đại dương, những con chuột đã tấn công vào các thùng hàng để tìm thức ăn. Lũ chuột đói khát ấy đã phá tan một thùng đồ chơi. Một vài con búp bê bị chúng gặm nát ra, riêng con búp bê này chỉ bị xây xước và long mất vài bộ phận. Bác đã gắn lại và may cho nó một bộ quần áo mới. Nó cũng rất xinh đúng không? Chỉ tiếc một điều là nó không bao giờ nhảy múa được nữa. Đã có rất nhiều cô bé muốn mua nó nhưng khi biết điều này họ đã từ chối. Họ nói rằng chẳng tội gì mua con búp bê bị sửa chữa lại trong khi còn khối các con búp bê xinh xắn và lành lặn khác.

- Vậy thì số phận của con búp bê này sẽ ra sao ạ?

- Chẳng sao cả. Nó sẽ đứng trong tủ kính này một thời gian nữa. Sau này nó sẽ được chuyển xuống tầm hầm nơi để đồ cũ và ở đó chắc lũ chuột sẽ cắn nát nó ra. Kể ra cũng tiếc thật. Dù sao nó cũng thật xinh xắn!

- Nhưng nó có lỗi gì đâu. Tại sao chẳng ai muốn kết bạn với nó cả? Nó cũng có khác gì những con búp bê khác đâu? Không, cháu thấy nó còn đẹp hơn những con búp bê khác nữa kia. Nó biết nghe nhạc.

- Nếu là cháu, cháu có muốn kết bạn với nó không?

- Cháu ư? Tất nhiên là có rồi. Một nhạc công thực thụ cần phải có một khán giả biết lắng nghe chăm chú. Cháu chẳng thấy có gì ghê gớm nếu như nó bị hỏng cả. Chẳng lẽ vì bị hỏng mà nó suốt đời phải sống cô đơn ư?

- Vậy cháu hãy nhận lấy con búp bê này. Nào chúng ta cùng vào cửa hàng thôi. Hai ông cùng đi với cháu bé chứ?

- Dạ không, chúng tôi chỉ... Thế con búp bê ấy hỏng không thể sửa chữa được hay sao?

- Đúng thế, tòan bộ phần máy móc bên trong đã bị hỏng hẳn. Không thể tìm được con chip khác để thay thế.

- Ôi, Eliza của tôi! Cám ơn bác nhưng cháu không thể nhận món qùa này được. Chẳng lẽ bác lại tặng con búp bê xinh xắn này cho một cô bé không hề quen biết ư?

- Sao lại không nào? Hơn nữa bác rất thích nghe cháu chơi đàn violon và bác muốn tặng cháu một món qùa kỷ niệm. Chỉ có điều cháu phải hứa với bác là không bao giờ được chơi đàn ở dưới trời gia rét như thế này nữa.

- Ôi, cháu không biết phải cảm ơn bác như thế nào đây...

- Chỉ cần sau này cháu mời chúng ta đến dự buổi biểu diễn đầu tiên với dàn nhạc lớn của cháu thôi, phải không các ngài? Chúng ta rất mong lại được nghe cháu chơi đàn một lần nữa...

- - - - - - - - - - - -

Sau này cô bé ấy đã trở thành một nghệ sỹ violon nổi tiếng. Cô đi lưu diễn khắp thế giới. Khán giả mọi nơi đều yêu mến và ngưỡng mộ tài năng của cô. Xin nói nhỏ với các bạn điều nà nhé: suốt bao năm qua dù ở đâu, làm gì cô ấy cũng mang theo mình con búp bê mặc váy hồng ấy. Không một buổi lưu diễn nào của cô lại vắng bóng người bạn  nhỏ ấy, người mà như lời cô nói, biết nghe và hiểu âm nhạc.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn