Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Giữ niềm tin vào bản thân mình

Vân Anh (thực hiện) - 02-11-2011 02:27:24 PM

VanVN.Net - Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc vừa diễn ra, có thể nói Meggie Phạm (sinh năm 1991) là một phát hiện của Hội nghị. Một cô gái còn rất trẻ, ở tuổi đôi mươi đã trình làng hai đầu sách, và hứa hẹn một khả năng văn chương còn tiếp tục đi xa. Văn nghệ Trẻ đã có cuộc trò chuyện với “gương mặt mới” của một “thế hệ văn chương mới” - Phạm Phú Uyên Châu, bút danh Meggie Phạm, đến từ Huế.

Meggie Phạm tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII - Ảnh: Đỗ Văn Hiếu

 

PV: Trở về từ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, bạn mang về điều gì có ý nghĩa nhất với mình?

Meggie Phạm: Hội nghị viết văn trẻ thực sự đã mang đến cho tôi rất nhiều điều mới, nhưng cái được nhất của chuyến đi này là tôi đã có thêm thật nhiều bạn bè; lắng nghe được những người đi trước và cả bạn bè cùng trang lứa về cách nghĩ, cách viết, cách sống của mình...

PV: Ở tuổi đôi mươi, bạn đã đến với văn chương, trong khi nhiều bạn trẻ cùng lứa với bạn lựa chọn những con đường, những cách để thể hiện mình có tính “thời thượng” hơn. Bạn có thể lý giải về sự lựa chọn của mình?

Meggie Phạm: Tôi không nghĩ nhiều về việc liệu có những điều “thời thượng” hay không. Chỉ là vào lúc tôi đang khá thoải mái, không bị áp lực hay thúc đẩy nào thì tôi viết. Như một trò chơi, tôi lắp ghép con chữ để tạo ra người bạn, rồi trở thành đứa con tinh thần của chính mình, tôi nâng niu nó, yêu nó vì nó xuất hiện như món quà. Tôi vui mừng gửi món quà mà chính tôi yêu thích cho bạn bè, người thân. Có thể nói, tôi không phải lựa chọn để  đến với văn chương, mà văn chương đã đến với tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn vừa học vừa viết, thư thả và không áp lực gì. Cuộc sống là tìm kiếm niềm vui và mê say, chứ đâu phải chỉ vì những trào lưu hay “thời thượng”.

PV: Sống trong môi trường văn chương ngay từ nhỏ, bạn tự thấy mình có thuận lợi gì? Khó khăn gì?

Meggie Phạm: Nếu là cho việc theo đuổi văn chương thì thuận lợi rất nhiều... Tôi có một tủ sách lớn mà không cần phải đi thư viện, từ buổi đầu đã xây dựng niềm mê mải đọc sách cho tôi. Việc xem thần thoại Hy Lạp như... sách tập đọc trong khi những đứa trẻ khác còn đang đọc truyện tranh khiến tôi có cảm giác những điều ấy thuộc về mình, mình chiếm lĩnh nó nhanh hơn nhiều người khác. Mặt khác, nó cho tôi tự tin hơn khi đã quen nghe những người xung quanh mình bàn về chuyện văn chương. Còn nếu khó khăn, thì tôi cũng không thể phủ nhận.  Điều khó khăn lớn nhất chính là khi ta không tin vào cái ta viết. Tự tôi luôn xác định mình đang đứng ở đâu, và khả năng tôi đến mức nào. Tri thức không cho phép tôi giả vờ mù quáng. Đôi khi con người như vậy dễ có khoảnh khắc tự ti. Vì thế tôi luôn hướng mình viết những gì mình thích, khai thác tốt nhất những gì tôi sẵn có.

PV: Việc bạn quyết định dấn thân với văn chương, cha bạn - người cũng công tác trong lĩnh vực văn học -, đã cho bạn lời khuyên như thế nào?

Meggie Phạm: Ba tôi là một nhà giáo và có viết lý luận, phê bình văn học. Khi tôi “trình báo” tác phẩm đầu tay, ông không vui nhiều như tôi tưởng, cũng không buồn như tôi ngại, ông chỉ nói, tại sao đang yên lành lại đi làm kẻ “gò lưng cõng đá”? Đó là một cách nói, ba tôi cảnh báo cho tôi về rất nhiều khó khăn còn trước mắt. Nhưng cả ba và mẹ chưa bao giờ tạo áp lực hay khuyên bảo  tôi nên theo hay bỏ con đường này, mà chỉ mong tôi tìm gặp hạnh phúc cuộc sống từ những trang viết của mình. Vì thế,  như đã nói, tôi sẽ viết đến khi nào còn muốn viết và còn nên viết, gia đình cho tôi quyền tự quyết định.

PV: Bạn chia sẻ rằng: “tôi thích làm thư ký trung thành của bản thân mình, của thế hệ mình”. Theo bạn sự khác biệt lớn nhất của thế hệ bạn với các thế hệ trước là gì?

Meggie Phạm: Khác biệt thì rất nhiều, tùy vào cách nhìn của mỗi người. Đối với tôi, khác biệt lớn nhất có thể là chúng tôi không sinh ra trong thời chiến, thời bao cấp -  chỉ nghe, chỉ đọc, nhưng vẫn không thực sự sống trong đó được. Trải nghiệm khác nhau dẫn đến những cách nhìn khác nhau.

PV: Bạn nghĩ gì về trách nhiệm của người cầm bút trong giai đoạn hiện nay?

Meggie Phạm: Việc của người cầm bút là mang đến món ăn tinh thần cho độc giả. Cầm bút là viết cho mình và viết cho người. Ý thức được điều mình tác động không phải là trực tiếp vào thế giới vật chất, mà là thế giới tinh thần của người khác - điều đó nguy hiểm hơn nhiều. Nhiệm vụ chung của thời đại là tiến đến vì một thế giới tốt đẹp, một xã hội giàu mạnh với  đời sống tinh thần lành mạnh. Nhiệm vụ của người cầm bút là đóng góp vào việc xây dựng ấy bằng tất cả khả năng của mình.

PV: “Thích biến nhược điểm thành ưu điểm” – tôi thích cách tư duy này ở bạn. Tuy nhiên cảm giác bế tắc có thường xuất hiện khi bạn ngồi trước trang bản thảo?

Meggie Phạm: Dĩ nhiên là có, tôi hầu như chưa bằng lòng với bất kỳ thứ gì mình viết ra. Cảm giác khá giống bế tắc, nhưng tôi không thất vọng. Như đã nói, văn chương tự đến với tôi như người bạn, tôi sẽ không nài ép nếu người bạn ấy không còn yêu quý mình. Còn như bây giờ, tôi vẫn cứ nỗ lực vừa tìm kiếm, vừa chờ đợi, sửa đổi một số thứ, hoàn thiện một số thứ khác trong cách viết, cách nghĩ của mình.

PV: Ở những tác phẩm đầu tiên của mình, bạn đã lựa chọn dòng văn học cho tuổi mới lớn. Sắp tới đây, bạn có dự định gì?

Meggie Phạm: Tôi quan tâm rất nhiều vấn đề nhưng không phải sẽ viết tất cả chúng. Dự định của tôi là cứ khi nào cảm thấy nắm chắc một vấn đề, và có khả năng làm được, tôi bắt tay vào làm ngay. Bởi thế tôi không sắp xếp điều cụ thể nào cho tương lai xa cả. Trước mắt, là một sinh viên, lúc này tôi còn có bổn phận học tập tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người học trò.

PV: Hiện nay, rất nhiều cơ hội đang mở ra cho người viết trẻ, cơ hội học hỏi, giao lưu; cơ hội xuất bản; cơ hội để tự quảng bá... Nhưng trong chính những cơ hội này cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Bạn nghĩ sao về điều này?

Meggie Phạm: Đúng là chẳng có gì tuyệt đối. Những thuận lợi đó cũng là con dao hai lưỡi đối với cả người viết lẫn tác phẩm. Đối với tác phẩm, sẽ là khó khăn khi vàng thau lẫn lộn trên kệ giá - khiến người đọc hoa mắt chóng mày. Nhưng thời gian rồi sẽ khẳng định tất cả, sẽ sàng lọc được thôi. Quan trọng là ở người viết, bởi vì cũng có thể cơ hội nhiều nhưng nếu thiếu ý thức sẽ khiến người viết dễ nảy sinh tâm lý dễ dãi. Tôi không nói ai cũng thế, những người chưa được sự quan tâm của công chúng, hay những người đã được biết đến, lại càng phải ý thức trách nhiệm của mình, không bao giờ được chủ quan mà phải biết, có lẽ lúc này người đọc còn mù quáng chấp nhận anh trên giá, nhưng tương lai sẽ đào thải anh, và với văn chương có thể anh sẽ là kẻ phá hoại.

PV: Có một vấn đề thế này, người viết ở giai đoạn đầu thường viết văn một cách bản năng, khai thác những vốn liếng sẵn có; nhưng để đi dài, người viết đòi hỏi phải làm việc chuyên nghiệp hơn, phải chủ động “nạp nhiên liệu”. Bạn đã sẵn sàng tâm thế cho những bước đi dài nay mai?

Meggie Phạm: Tôi không viết vì cảm tính, tôi viết những điều tôi tin tưởng. Quá trình viết của một người cũng là quá trình luôn cảm nhận, học tập và nâng cao vốn liếng cho mình, để có thể dám viết. Tôi cũng vậy thôi, cho dù ở bước đầu, hay là sau này khi đã qua được hàng vạn dặm đường, ưu tiên của tôi luôn là vừa học vừa viết. Học về những gì mình muốn và không muốn viết.

PV: Khi viết, điều bạn luôn tâm niệm là gì?

Meggie Phạm: Điều tâm niệm thì... chẳng có gì, bởi vì khi viết thì đang sống với câu chuyện, chẳng còn đầu óc cho việc khác. Nhưng mặt khác, bên cạnh lúc viết, bao giờ cũng phải có một ý thức rằng mình biết rõ việc mình làm, ý thức trách nhiệm về câu chuyện của mình có giá trị gì hay là không. Tâm niệm lớn nhất là phải giữ niềm tin vào bản thân mình.

PV: Độc giả vẫn đang chờ bạn ở những tác phẩm tiếp theo. Chúc bạn thành công!

(Nguồn: Văn nghệ Trẻ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn