Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

“Một chàng trai yêu một cô gái”

Marcel Reich-Ranicki - 26-12-2013 12:47:28 PM

VanVN.Net - Một tin điện tín của Heinrich Heine? Marcel Reich-Ranicki đọc bài thơ “Một chàng trai yêu một cô gái” như vậy và ngoài ra còn tìm thấy “sự chiết giảm”…

Một chàng yêu một cô gái

Heinrich Heine (1797-1856)

 

Một chàng yêu một cô gái

Cô này chọn một anh kia

Anh kia lại yêu nàng khác

Đính hôn với cả người ta.

 

Cô gái bực mình liền cưới

Cái ông khá nhất đầu tiên

Trên đường mình gặp quàng xiên,

Chàng trai đắng lòng cay cú.

 

Ấy là một câu chuyện cũ

Giở ra vẫn mới tinh khôi

Gieo vào ai người nấy chịu

Trái tim y vỡ làm đôi.

 

Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

 

Ein Jüngling liebt ein Mädchen

Heinrich Heine (1797-1856)

 

Ein Jüngling liebt ein Mädchen,                                         

Die hat einen andern erwählt;                                            

Der andre liebt eine andre,                                                  

Und hat sich mit dieser vermählt.                                        

 

Das Mädchen heiratet aus Ärger                                         

Den ersten besten Mann,                                                    

Der ihr in den Weg gelaufen;                                      

Der Jüngling ist übel dran.                                                

 

Es ist eine alte Geschichte,                                                 

Doch bleibt sie immer neu;                                                

Und wem sie just passieret,                                                  

Dem bricht das Herz entzwei. 

 

Heine, kẻ mắc chứng hoảng loạn được người đời sau ưa tương truyền rằng, ông là nhà thơ cuồng loạn nhất, trong thực tế lại là nhà thơ dút dát nhất. Như thế, chúng ta biết dẫu nhiều lắm cũng coi như không biết gì về những nghiệm trải tình ái làm nền tảng cho những câu thơ của ông. Bài thơ “Một chàng trai yêu một cô gái” trích từ tập “Khúc tình ca” (1) thuộc về những ngoại lệ ít ỏi ấy.

Sự việc đã từ lâu được làm sáng tỏ: Chàng Heine trẻ tuổi yêu cô em họ tên là Amalie sống ở Hamburg, cô gái chẳng muốn biết một tí gì về chàng, bởi cô đã phải lòng một cậu trai khác, mà gã trai đó lại ưu ái tình cảm cho cô ả khác nữa, khiến cho nàng Amalie bực dọc vội vã cưới ngay một tay tên là John Friedländer người vùng Đông Phổ. Heine tan cuộc thế là tay trắng thất vọng và cay cú, như thế nào thì người ta có thể nghĩ ra rồi đấy. Rất nhiều lần Heine thổ lộ về chuyện này trong thư từ gửi cho bạn bè, tuy không thật cụ thể, nhưng hoàn toàn không sai lệch về sự chuyện này.

Một bài thơ phong cách điện tín

Bài thơ kể về một sự việc. Nhưng cách trình bày lại không quen thuộc. Bởi vì ở đây không có miêu tả hoặc trình bày, ở đây chỉ có những thông báo sắp đặt cạnh nhau, ở đây chỉ có tổng kết lại. Không thể ngắn gọn và sát thực tế hơn: Đối với một vụ lùm xùm tình ái dây dưa tới những năm người, Heine chỉ cần có hai khổ thơ với tổng cộng tám câu thơ ngắn. Ngữ vựng thơ, dạo đó vào năm 1822 ông từng khai thác khá đầy đủ, được tránh dùng. Chúng ta không thấy ở đây nào ánh trăng, nào trời đêm lộng lẫy, nào ánh bình minh, và không những chẳng có rừng, mà còn không có cả đồng nội, không có những đóa hoa yêu kiều và những hàng cây tỏa bóng. Chúng ta không hề  biết một chút gì hết đại loại về đôi mắt, đôi má và đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô nàng.

Chỉ có từ ngữ thông dụng nhất được đem ra sử dụng, đó là những từ của thường nhật khô khan. Một cách lạnh lùng và lãnh đạm tác giả báo cáo, nhưng sao lạnh lùng một cách nổi bật và sát thực một cách nhấn nhá tới mức người ta ngay lập tức dò đoán, tác giả muốn che giấu điều gì đó. Những xác quyết ngắn gọn cho thấy một bút pháp sau này sẽ được người đời gọi là phong cách đánh điện tín. Còn chúng đi tới kết quả gì, thì tiếng Đức không cấp từ nào cho ta cả (một tình cảnh thật thú vị). Chúng ta phải dùng một từ lạ để hỗ trợ cho mình: Understatement (sự chiết giảm). Kết quả tổng kết đó mới làm cho rõ ràng hơn: Trong hai khổ thơ truyền tin, chúng ta phải liên lụy tới một „ sự chiết giảm“ gào thét.

Câu chuyện này cũ kỹ và tầm phào, tuy nhiên đồng thời rất mới cho kẻ nào phải trải nghiệm. Bởi vì đớn đau đẩy lùi đi mọi xúc động khác. Và thực chứng hàng triệu người đã từng khổ đau và đồng thời còn chịu khổ đau bởi điều tương tự, thì cái chuyện thật đó cũng không phải là sự an ủi. Nó gieo vào ai, đúng hơn là gieo trúng vào ai, thì người đó trái tim vỡ làm đôi (tới giờ mới có một ảnh hình thi vị như một hòa âm kết thúc. Theo sát những vần cứng rất nam tính, (erwählt – vermählt, Mann – dran), như lừa bày ra một trật tự, chỉ là một cước vận nằm trong khổ thơ thứ ba. Nếu như Heine chú tâm vào điều đó, chắc hẳn ông đã tìm ra một vần thuần túy hòa hợp với “neu” (tinh khôi). Nhưng ở đây ông đã muốn có một vần không thuần âm, ấy chính là vần nửa thuận hòa. Từ vận mà ông chọn “entzwei” (làm đôi) – vang lên như một tiếng kêu tuyệt vọng: cái từ này như chống lại sự hài hòa.

Có điều câu thơ đầu tiên ở khổ cuối lại là một lời trích dẫn bản thân: Trong một bức thư gửi người bạn viết về Amalie, ông đã miêu tả nàng ta là một “núi đá khiến lý trí của tôi tan tành ra mây khói”. Và rồi còn bổ sung: “Ấy là một câu chuyện cũ”. Tan tành ư? Vâng, chính bởi tình yêu “nhìn bằng tấm lòng chứ không nhìn bằng mắt. Và tấm lòng của nó không bao giờ đáng dùng để đưa ra lời phán xử”. Điều này từ cái ông đó mà ra, người có tác phẩm Heine gọi là “Phúc Âm trên trần thế”: chính là Shakespeare (2).  

Trong nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thi ca Heine, Robert Schumann (3) là người đáng hưởng ngôi cao trọng. Tuy nhiên ông lại hiểu sai chính bài thơ “Một chàng trai yêu một cô gái” (khổ sao lại mỗi bài thơ duy nhất này). Ông đã không xác định được nhịp đi cho bài thơ, thế cho nên bài này luôn liền mạch được hát nhí nhảnh và rộn rã – và bài hát tất cũng không cho phép hát khác. Chúng ta ít nghe thấy cái nền âm hưởng đằng sau u ám, báo động cũng như tiếng gào thét của kẻ đang yêu. Schumann đã bỏ sót mất kịch tính ẩn giấu giữa những dòng viết. Cho nên cả cái khúc trì nhịp Ritardando (4) ở câu “Gieo phải ai người nấy chịu” rồi cũng không cứu vãn được nào. Sau những lời hát cuối cùng, tiếng đệm ngay lập tức lại quay trở về tiết tấu ban đầu, gấp gáp và rộn rã. Schumann đã làm nhiều bài thơ của Heine trở nên đẹp và giàu hơn, tuy nhiên ông lại làm bài này nghèo đi. Nhưng bài thơ hoàn hảo, không cần nhạc.

 

Phạm Kỳ Đăng  dịch

Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I

--------------

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vượt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh và Đào Xuân Quý.

(1) Lyrisches Intermezzo: gồm 64 bài, hình thành trong những năm 1822-1823, chiếm vị trí quan trọng trong Tập Tình Ca (Buch der Lieder). Intermezzo trong âm nhạc là khúc đệm giữa hai đoạn.

(2) William Shakespeare (1564 – 1616): Nhà soạn kịch, nhà thơ và diễn viên người Anh, tác gia thuộc hàng đầu của văn chương thế giới.

(3) Robert Schumann (1810-1856): Nhà soạn nhạc, danh cầm piano và nhà phê bình âm nhạc Đức của trào Lãng mạn.

(4) Ritardando: Trong âm nhạc chỉ khúc trì nhịp, chậm dần lại.

 

 (Nguồn:vanhoanghean.com.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...