Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Kỷ yếu Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung - P5

(Tham luận Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung)

VanVN.Net - 04-11-2011 04:13:56 PM

VanVN.Net - Bằng tài năng và tâm huyết của mình các nhà thơ miền Trung đã góp phần thúc đẩy sự phát triển  nền thơ ca nước nhà qua các thời đại. Tìm hiểu cốt cách người miền Trung trong thơ Thạch Quỳ cũng chính là tìm hiểu bản sắc riêng của tác giả, của  từng vùng miền khác nhau. Thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu nhưng nếu đánh mất bản sắc của mình, của quê hương mình, của dân tộc mình thì khó lòng có sức lan tỏa và sức sống lâu bền. (Nhà thơ Thạch Quỳ)

THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM BÙNG NỔ TRONG LẶNG LẼ

Thanh Thảo

Thơ miền Trung có thể dữ dội, nồng nàn như thơ Thu Bồn, có thể tỉnh táo mà day dứt như thơ Ý Nhi, lung linh u buồn như thơ Đinh Thị Như Thúy, hồn nhiên đằm thắm như thơ Mỹ Dạ…Và cũng có thể điềm tĩnh để bùng nổ trong lặng lẽ như thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Tôi đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm từ cách đây mấy chục năm, cũng đã có vài ba lần viết về thơ Nguyễn Khoa Điềm, dẫu không dám nói là đã hiểu hết thơ anh. Tôi cũng đã quen biết rồi quen thân với Nguyễn Khoa Điềm từ hơn hai chục năm nay, nhưng không dám nói là đã hiểu hết anh. Nguyễn Khoa Điềm là người kín đáo. Tôi nhớ có lần cùng đi về Dung Quất với nữ nghệ sĩ điện ảnh Trà Giang và Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là Bộ trưởng văn hóa, khi chỉ riêng hai chị em, chị Trà Giang nói nhỏ với tôi: “ Mình thấy ông Điềm như chả bao giờ cười.” Tôi cũng nói nhỏ với chị Trà Giang: “ Có lẽ ông ấy chưa cười chứ không phải không cười.” Đúng thế thật, vì sau đó chỉ ít phút, chị Trà Giang đã tận mắt chứng kiến anh Nguyễn Khoa Điềm…cười. Hình như sau khi tôi nói một câu gì đó. Mà hầu hết những câu kiểu đó của tôi đều bậy bạ, chả đâu vào đâu.

Mỗi lần có dịp chọn thơ cho một “show” trình diễn, tôi thường thích chọn bài thơ “ Chiều Hương giang” của Nguyễn Khoa Điềm. Tôi yêu bài thơ giản dị này, và yêu nhất là cái con người, cái “nhân vật” nhà thơ trong bài thơ bình thản đánh bạn với…con bò, trong một chiều nghi ngút cô đơn:

                              “Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ

                               Bên dòng sông như chưa biết chiều tan

                               Tôi với nó lặng im bè bạn

                               Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương giang

                                                             (Chiều Hương giang)

Khi đọc đoạn thơ ấy, trong tôi hiện ra một nét cười lặng lẽ của tác giả, và tôi biết có những lúc trong đời, ta chỉ muốn thủ thỉ với…con bò hay con chó, và những lúc ấy, ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao. Người ta nói thơ như Nguyễn Khoa Điềm là thơ hướng nội. Tôi không nghĩ có những nhà thơ hoàn toàn hướng nội hoặc hoàn toàn hướng ngoại. Nhà thơ nào cũng phải hướng nội mới làm được thơ, nếu không thì chỉ được những câu vần vè tuyên truyền hay quảng cáo. Và nhà thơ nào cũng phải có phần hướng ngoại khi muốn thơ mình có người đọc, có người chia sẻ. Vấn đề để phân biệt ở đây là có những nhà thơ chỉ hài lòng khi kiếm càng đông người hâm mộ càng tốt, và có những nhà thơ chỉ mong được một ít, thậm chí vài ba người chia sẻ, là đủ vui rồi. Có thể Nguyễn Khoa Điềm thuộc dạng “những nhà thơ thứ hai”, những người chỉ thích lặng. Khi ngồi trước bệnh xá cũ của chị Đặng Thùy Trâm trên một ngọn núi ở Đức Phổ giáp Ba Tơ, Nguyễn Khoa Điềm viết:

                               “Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt

                                Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ

                                                                 (Ngày về)

Tôi bảo đảm, trong hoàn cảnh ấy, sẽ có những nhà thơ khác viết khác. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm-một người đã quen với những căn hầm cũ ở chiến khu-lại thấy nơi cái rỗng không của một căn hầm “đau như tròng mắt” ấy hiện về cả một quá khứ chiến tranh và đôi mắt của người bạn gái cùng trường Chu Văn An đang “thăm thẳm” nhìn mình, một cái nhìn “bơ vơ”, côi cút. Như đã tới tận cùng của “cõi lặng”, và cũng không nói gì cả. Không hàm ngôn ẩn nghĩa gì cả. Chỉ đau. Và chưa chắc đã muốn chia sẻ nỗi đau ấy với ai.

Thơ không mang lại cho ta nhiều vinh quang lắm đâu, nhưng có thể quàng nỗi đau của người vào cho ta, và mang nỗi đau của ta tới cùng người. “Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng”( Hy vọng), đơn giản vì đá sống lâu hơn ta, kiên nhẫn và lặng lẽ hơn ta. Nhưng cũng cứng rắn hơn ta. Bởi phải biết cứng rắn mới học được sự mềm mỏng, và phải kiên định như đá mới cảm được hết sức mạnh của dòng nước:

                               “Anh trôi đi cùng phù du phiêu sinh vật, những

                                tiếng chuông không ngày về

                                Những ngọn cỏ khô không nguồn gốc, những

                                người mẹ đắm đò, những câu mái nhì mất tích

                                Anh trôi đi với trận bão năm Thìn, nhịp cầu bị

                                đánh sập năm Thân

                                Những cây bèo tím

                                                                 (Sông Hương)

Khi ta nói, thơ của một tác giả thuộc về dòng thơ miền Trung, thì không chỉ vì tác giả ấy quê ở miền Trung, mà còn vì khí chất của sông núi miền Trung đã hiện lên như không thể khác trong thơ của họ:

                               “Một mùa hè trỗi những đám mây bất thường

                                Sừng sững như dãy phao cửa biển

                                                                 (Định vị)  

Cái cách hình thành và định dạng những đám mây ở miền Trung cũng khác, và khi nhà thơ “định vị” được không chỉ là “những cơn chóng mặt” như Rimbaud thi sĩ đã chỉ ra, mà còn định hình được những đám mây những cơn giông trên bầu trời, thì thơ họ dẫu không “hô phong hoán vũ” được như thầy phù thủy, cũng khiến người đọc rơi vào trạng thái ngất ngây trong thoáng chốc. Nguyễn Khoa Điềm, khi về quê đón Tết, “Đi vào đi ra/Ngồi bệt xuống thềm/Ngó mây bay trên vườn người khác/”, là đã tự mình rơi vào “trạng thái thơ” không kiểm soát, một trạng thái mà khi đó lý trí đứng xớ rớ chơi bên ngoài, còn vô thức thì “đi vào đi ra” ở bên trong. Và làm nên những tiết điệu rất riêng:

                               “Mãi khi vầng trăng treo trước cửa

                                Chợt nhớ khuôn mặt hiền xót xa

                                Nghiêng xuống cánh đồng ngày xưa

 

                                Vì sao không thể yêu mến hơn ?

                                Vì sao không xanh tươi hơn ?

                                Vì sao không trong sạch hơn ?

                                                                 (Trong những buổi chiều)

Người ta nói những dằn vặt trong thơ cũng là những dằn vặt có tiết điệu, là vậy. Nếu có âm nhạc trong thơ thì âm nhạc trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được kìm nén tối đa, có thể gọi là “âm nhạc tối thiểu”. Một số nhà thơ lớn trên thế giới đã đi theo trường phái thơ có “âm nhạc tối thiểu này”, và ở Việt Nam tôi thấy có Văn Cao, một phần Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.

                               “Có một nỗi buồn

                                Canh cánh

                                Sau vai anh

                                Trước một tầm với

                                Đâu đó

                                Trên chiếc lá còn sống

                                Trong mây, ngày sau mưa

                                                                 (Có một nỗi buồn)

Khi đã chọn được cho mình lối thơ tiết chế với âm nhạc tối thiểu như vậy, Nguyễn Khoa Điềm có thể khiến từng chữ trong câu thơ có được sự tự tại, như cách mà nhà thơ tự tại:

                               “Đứng đấy tự bao giờ, bên dòng sông cũ

                                Con bò gặm cỏ

 

                                Chậm rãi

                                Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh

                                Từng miếng một, nhai và thở

                                                                 (Cỏ ngọt)

Thả lỏng hồn nhưng kiểm soát chữ và tiết nhịp của chữ, thơ Nguyễn Khoa Điềm nhiều lúc rất gần với thơ cổ điển, nhưng có lúc lại khiến ta giật mình bởi tính thời sự và đương đại của nó ẩn trong những hạt chữ kìm nén:

                               “Những giọt nước mắt

                                Thật buồn

                                Thật lặng lẽ

                                Trước bức chân dung

                                Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi

                                Của một người tù.

                                Trận chiến Lịch Sử

                                Đã phá tung mọi xiềng xích ?

 

                                Người họa sĩ trẻ

                                Từ sau song sắt

                                Vẫn bình tâm

                                Dành lòng biết ơn

                                Không dứt

                                Cho một người lính già”

                                                                 (Bức chân dung người lính già)

Bài thơ được kìm nén tới từng dấu chấm(.) từng dấu hỏi(?), và âm nhạc tối thiểu của nó đã giúp bài thơ bùng nổ trong tâm trí người đọc, một sự bùng nổ đi với lòng cảm phục. Đâu cần phải đại ngôn hay lắm lời, thơ mới bùng nổ!

Tôi nghĩ, thơ Nguyễn Khoa Điềm có thể đại diện cho thơ miền Trung ở độ kìm nén tối đa và âm nhạc tối thiểu đó, “như bãi mìn/vùi dưới đất nhiều năm/”( cái này là thơ tôi-TT)  

Quảng Ngãi 20/09/2011

 

*****

 

CỐT CÁCH  NGƯỜI MIỀN TRUNG QUA THƠ THẠCH QUỲ - TỪ MỘT GÓC NHÌN

Mai Văn Hoan

Miền Trung là vùng đất “gió Lào cát trắng”, bão lụt triền miên; là nơi phải chịu đựng bao cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc; cũng là vùng đất có nhiều phong cảnh kỳ thú… Tất cả đó đã góp phần tạo cho con người miền Trung những đặc điểm riêng, những cốt cách riêng. Nếu như người miền Bắc lịch lãm, mềm mỏng, tao nhã; người miền Nam phóng khoáng, hào hiệp, cởi mở thì người miền Trung cứng rắn, khảng khái, thật thà. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng khái quát:  “Người Nghệ - Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, tằn tiện đến cá gỗ”. Điều đó không chỉ đúng với người dân Nghệ - Tĩnh mà rất đúng với người dân miền Trung nói chung. Nét riêng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các tác giả gắn bó khăng khít với mảnh đất miền Trung, trong đó có Thạch Quỳ.

Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941, tại làng  Đông Bích, dưới chân núi Quỳ Sơn (dân địa phương gọi là rú Cuồi) thuộc xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An, trong một gia đình trí thức Nho học. Ông nội nhà thơ  thuộc dòng dõi khoa bảng, ông ngoại  từng thi đỗ ba khoá tú tài,  bà ngoại và mẹ là cả một kho tàng văn học dân gian. Cho đến nay, Thạch Quỳ đã cho ra mắt 8 tập thơ: Sao và đất (in chung, 1967); Tảng đá nhành cây (1973); Nguồn gốc cơn mưa (thơ thiếu nhi 1978); Con chim Tà Vặt  (1985)); Cuối cùng vẫn một mình em (1996); Đêm giáng sinh ((2004). Tuyển thơ Thạch Quỳ (2009); Bức tượng (2010).  Anh là một trong những tên tuổi sáng giá của thế hệ những cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và vững bước trên con đường thi ca đầy chông gai cho đến bây giờ.

Thời niên thiếu, anh vừa đi học vừa phải chăn trâu, cắt cỏ dưới chân núi Quỳ. Cái bút danh Thạch Quỳ sinh ra từ đó (Thạch Quỳ là tảng đá ở núi Quỳ). Những vần thơ đầu tiên anh ngồi viết trên tảng đá ấy là những vần thơ bắt chước những bài hát đồng dao của lũ trẻ chăn trâu quê anh: Nhổ lác nhổ từng cây/ Nhổ năn măn từng rễ/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Bắp chân đầm máu đĩa… (Bài hát của những người nhổ cỏ năn, cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng). Nếu không phải là người trong cuộc chắc không thể viết được những câu thơ giàu chất hiện thực như thế. Anh kể: thời đó, anh cùng với nhà thơ Vương Trọng từng đội những giành phân đầy, bụng đói cồn cào, cố hết sức leo dốc, vượt qua đỉnh núi Quỳ. Có lẽ phải trải qua những tháng năm khó khăn ấy mà sau này, khi viết về cái nghèo, cái đói không nhà thơ nào ở xứ ta diễn tả sinh động như anh, hóm hỉnh như anh, thấm thía và sâu sắc như anh: Cái nghèo đội nón cời và nhón chân từng bước/ Cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi. Anh nhân cách hóa cái nghèo thành một kẻ vô cùng ranh mãnh: Mày núp trong vừng trán mẹ răn reo/  Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ / Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ/ Để nằm trong mảnh vá áo con ta/ Đêm ta ngủ thì mày hóa kiến/ Bò nôn nao trong ruột đói của ta… Anh nhận ra đằng sau cái nghèo là những thế lực vô cùng độc ác: Cái nghèo có nọc/ Đốt cha ông từ thuở chẳng chăn màn (Cái nghèo). Chính bọn chúng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái nghèo, cái đói của dân. Nhưng người dân quê anh nói riêng và người miền Trung nói chung không cam chịu cảnh nghèo. Họ cố tìm đủ mọi cách để thoát khỏi đói nghèo. Cái mà nhà nghiên cứu Đặng Thái Mai đúc kết “tằn tiện đến cá gỗ” là muốn nói đến nghị lực dùi mài kinh sử của những ông đồ xứ Nghệ. Thạch Quỳ cũng đã thể hiện cái ý chí, cái nghị lực phi thường ấy theo cách riêng của mình: Lòng viên sỏi vẫn giữ màu máu đỏ/ Núi nghiêng vai vác con đường lên (Tặng những cô gái đập đá bên đường không tên); Giọt mưa gom hạt bụi hóa phù sa (Gom nhặt trên bãi bom B.52); Nửa phần đời chong mắt đèn xó tối/  Nửa phần đời khép mắt ngóng ngày lên (Nửa phần đời)… Những nhà thơ thành danh quê anh phần lớn định cư ở thủ đô, riêng anh vẫn bám trụ trên mảnh đất Nghệ An một cách kiên cường, gan góc. Bàn bè chí cốt của anh nhiều lần khuyên và tạo điều kiện để gia đình anh “dời đô”, song anh vẫn một mực chối từ. Về con  người Thạch Quỳ, nhà thơ Võ Văn Trực nhận xét: Vì yêu quê đến câu nệ, đến "cố chấp”, anh cố giữ được bản tính của quê hương đôi lúc gàn dở và cực đoan - người ta thường gọi là "cái gàn của anh đồ Nghệ”.  “Bản tính của quê hương” mà nhà thơ Võ Văn Trực nói đến ở đây cũng chính là cốt cách của người miền Trung. Những giai thoại về cái gàn của “ông đồ nghệ Thạch Quỳ” đã phần nào thể hiện bản tính thẳng thắn, khảng khái của những con người ở vùng đất từng được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Một bạn đồng nghiệp của tôi kể rằng: Thời mới chia tỉnh (1991), các nhà văn Xuân Hoài, Đức Ban… trở về Hà Tĩnh. Lãnh đạo Hội Văn nghệ Nghệ An chỉ còn lại Dương Huy và Thạch Quỳ. Nhà thơ Thạch Quỳ được phân công giữ chức  Thường vụ trực. Ông Hồ Phi Phục (lúc đó làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) vốn ngưỡng mộ tài năng thơ ca và bản tính thẳng thắn, cương trực của anh nên gới ý cho Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh giới thiệu anh vào danh sách đề cử đại biểu Quốc hội (danh sách 3 người ngoài đảng được MTTQVN Nghệ An giới thiệu hồi đó gồm: Thạch Quỳ, Tạ Quang Hải và Lê Duy Nguyên). Nhà thơ Thạch Quỳ từ chối mãi không được. Hôm lấy ý kiến cử tri tại dãy nhà C/9, khu tập thể Quang Trung, anh kiếm cớ không đến tham dự bởi nghĩ rằng sự có mặt của mình sẽ khiến bà con e ngại. Quả đúng như vậy! Nhờ sự vắng mặt của anh mà bà con phát biểu về anh hết sức thoải mái. Bà con thừa nhận anh là người có tài, cương trực, thẳng thắn nhưng tác phong chưa thật gương mẫu “quần loe, tóc dài”; thường xuyên không tham gia làm vệ sinh cầu thang ngày chủ nhật hàng tuần; ít đi thăm hỏi bà con khu phố trong những dịp lễ tết… Khi nghe ông Chủ tịch Mặt trận TQVN tỉnh thông báo lại ý kiến cử tri, anh thở phào nhẹ nhõm và xác nhận bà con góp ý hết sức chính xác. Anh bị gạch tên khỏi danh sách đề cử bởi những lý do có thể nói là hết sức vớ vẩn. Cũng vì những lý do hết sức vớ vẩn ấy mà Quốc hội bỏ sót một đại biểu tài năng, một tiếng nói thẳng thắn, trung thực. Cái bản tính thẳng thắn, khảng khái, cương trực của anh không chỉ được thừa hưởng từ ren di truyền mà còn được thừa hưởng từ các bậc tiền bối vùng quê Nghệ - Tĩnh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu…

Đọc lại toàn bộ thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận nhất là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải:  Trơ trơ tảng đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết/ Lầm lì mồ côi (Tảng đá); Cả cái chết đợi chờ tôi trước mặt/ Hù dọa tôi, tôi chấp nhận lâu rồi. Đó cũng là khí chất, bản lĩnh của một số nhà thơ miền Trung như Phùng Quán (Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói  ghét thành yêu); Hải Kỳ (Tôi là tôi như thế tự ngày xưa); Hồng Nhu (…nguyện làm cây sét đánh/ Chết trong tươi xanh và ương ngạnh đâm chồi)…  Thạch Quỳ là một con người đầy kiêu hãnh – một sự kiêu hãnh hết sức chính đáng. Bởi anh nói rất trung thực bản tính và tài năng của mình: Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh” (Tôi); Toàn bộ loài cây – một cau mọc thẳng/ Toàn bộ loại chim – một cò thân trắng (Đêm vườn rừng).  Đọc những câu thơ này, tôi chợt nhớ đến Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ: Trong triều ai ngất ngưởng bằng ông! Đó là cái ngất ngưởng, cái kiêu hãnh của những người chân tài. Thật ra thì Thạch Quỳ rất tự biết mình: Không bé nhỏ tầm thường, không vĩ đại/ Có thể vứt đi trong xó tối u buồn / Có thể đứng trên đôi chân vững chãi/ Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng…(Tôi).  Mặc dù trải qua bao gian nan, thử thách song anh vẫn không nguôi khát vọng: Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết / Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn. Anh khảng khái tuyên bố: Những đau khổ không làm tôi gục xuống (Tôi). Có người nói đùa: ruột Thạch Quỳ còn thẳng hơn ruột ngựa, tính cách Thạch Quỳ còn rắn hơn cả những tảng đá ở núi Quỳ!

Thạch Quỳ không chỉ có thế. Anh là nhà thơ của những suy tư, trăn trở: Bàng hoàng giữa một ngày/ Mình sống hay chẳng sống?”(Không đề); Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào? (Lời nghìn năm); Tôi chờ ai nữa? Mùa thu rộng/ Gió thả bên trời lá liễu bay (Mây trắng mùa thu)… Anh là nhà thơ của những triết lý, chiêm nghiệm: Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi/ Nước mắt ướt đầm yên ngựa/  Chỉ có đất với trời và cỏ/  Hiểu đường đi của giọt máu người” (Qua đền Cuông ghi chuyện cũ); Cụ đi tìm chân kinh/ Ở thứ kinh không chữ (Bên mộ Nguyễn Du); Với Lan Châu ngấn sóng ánh trên tường/  Luôn luôn động theo nhịp trời, nhịp biển (Trở lại Lan Châu); Cái nghèo xơ trên bộ cánh làm sang/  Cái nghèo xác lại nằm trơ đáy đĩa (Cái nghèo)… Anh còn là nhà thơ của tình yêu lứa đôi: Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về (Đợi em ngày giáp tết); Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau/ Một khẽ chạm tay, rung toàn cơ thể (Không đề); Đó là chiều nắng nhạt lá thông rơi/ Đó là sớm kim chi màu cỏ biếc. Tôi trở lại sau mười năm cách biệt/ Bên em trước cỏ lặng yên ngồi (Huế)… Nhưng theo tôi: cái cứng rắn, cái thẳng thắn, cái khảng khái trong thơ Thạch Quỳ thể hiện cốt cách của người miền Trung rõ nét hơn cả. Điều đó đã góp phần quan trọng giúp cho thơ anh có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.

Mảnh đất miền Trung là mảnh đất giàu truyền thống thơ ca. Nhiều nhà thơ tài danh đã sinh ra trên mảnh đất này. Thời trung đại có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Nguyễn Hàm Ninh… Thời Thơ Mới có Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có Hoàng Trung Thông, Hữu Loan, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo… Bằng tài năng và tâm huyết của mình các nhà thơ miền Trung đã góp phần thúc đẩy sự phát triển  nền thơ ca nước nhà qua các thời đại. Tìm hiểu cốt cách người miền Trung trong thơ Thạch Quỳ cũng chính là tìm hiểu bản sắc riêng của tác giả, của  từng vùng miền khác nhau. Thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu nhưng nếu đánh mất bản sắc của mình, của quê hương mình, của dân tộc mình thì khó lòng có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.

Trại viết Tam Đảo, tháng 9 – 2011

 

*****


THƠ MIỀN TRUNG TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA THƠ CA DÂN TỘC

Thạch Quỳ

 

Miền Trung, dải đất  xương xẩu chật hẹp mọc đầy những loài cây lá kim tiết kiệm nước, vi vu trong gió, mộng mơ núi phía Tây, mơ mộng biển phía Đông, nghìn đời nay vẫn là mảnh đất của thơ. Thơ của lao động, của súng gươm, của tư duy và ngẫm nghĩ. Thơ trần trụi đánh vật với hiện thực cam go của đời sống, thơ bay bổng lãng mạn ước mơ. Thơ  đi guốc  vào tâm địa người, vào nhân tình thế thái. Thơ cất cánh bay lên đến tận cõi Phật, cõi Thiền, cõi trống không, chân khồng, cõi tâm linh, vũ trụ.Con người có cảm quan, cảm giác, cảm xúc, cảm nghĩ, cảm nhận, cảm hứng thế nào thì thơ thế ấy. Thơ Miền Trung là cây đàn muôn điệu đa thanh, đa nghĩa, đa dạng, đa ý , đa tình, ghét thói xấu như đổ đi , nhưng trân trọng các giá trị nhân văn, nhân bản, nhân tình, nhân tính. Thơ miền Trung là thơ của tài năng, của Nghệ thuật. Trải các thời, thơ miền Trung là bộ phận ưu tú với nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ lớn, có vị trí quan trọng nhất trong nền thơ chung của dân tộc.

Thưa các bạn !

Nếu chúng ta xem lịch sử thơ Việt Nam như một quá trình liên tục thì ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi trào lưu, thơ miền Trung đều có vị trí xứng đáng của nó, hoặc nó mở đầu, hoặc nó khẳng định cho giá trị thơ ở thời kỳ đó, giai đoạn đó, trào lưu đó, Có thể nói: Quá trình thơ Việt Nam viết bằng chữ Hán thì đỉnh cao chất lượng kết tinh ở  thơ chữ Hán Nguyễn Du. Quá trình phát triển thơ viết bằng chữ Nôm, đỉnh cao của nó như nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng đinh “ Hồ Xuân Hương- Bà chúa thơ Nôm”. Từ Tú Xương, Nguyễn Khuyến chuyển qua thời thơ mới, sáng tác trong đêm giao thừa mới cũ ấy là thi sĩ Tản đà đất Bắc, cộng thêm sự nỗ lực của nhà thơ Thế Lữ. Tuy nhiên, để khẳng định thành công của giai đoạn thơ mới 1930- 1945, phải kể tên các thi sĩ của đất miền Trung: Lưu Trọng Lư,  Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận… và nhiều nhà thơ tài danh khác.

Cách mạng tháng Tám 1945 nỗ ra,lịch sử Việt Nam chuyển giai đoạn, thơ Việt Nam chuyển sang thời kì mới. Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho các nhà thơ trong bước chuyển đổi quan niệm về văn học nghệ thuật. Đường lối văn học nghệ thuật của  Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định: Xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam phục vụ Cách Mạng, phục vụ kháng chiến, phục vụ công nông binh. Chúng ta hiểu đó là nền VHNT phục vụ chính trị. Với quan niệm đó, không ít các nhà văn nhà thơ tuy có tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, có nhiệt tình Cách mạng nhưng không tránh khỏi sự lúng túng của ngòi bút trước các vấn đề mới của VHNT. Có nhà thơ mất mười năm, 20 năm làm thơ thí nghiệm, tập tễnh dò đường cho ngòi bút sáng tạo của mình, thậm chí có nhà thơ im lặng, hoàn toàn tắt tiếng. Trước tình hình đó, thơ Việt Nam lại quay nhìn về mảnh đất miền Trung với sự hy vọng vào sự xuất hiện của các tác giả văn học mới. Sự hy vọng đó đã được các nhà thơ miền Trung đáp ứng lại một cách xuất sắc. Sự xuất hiện Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên, Hữu Loan, sau đó là Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Hoàng Trung Thông và nhiều tác giả khá đã góp phần làm nên diện mạo của một thời kì văn học mới. Đặc điểm của thơ thời kì này là thơ phải vượt qua những cảm xúc về nỗi buồn thương ủy mị riêng tư của thơ lãng mạn thời 1930- 1945 để đến với những tình cảm Cách mạng, tình cảm cộng đồng, tình cảm công nông binh, mang tính Đảng, tính giai cấp với dòng thơ giản dị,mạnh khỏe, gần giũ với quần chúng để động viên nhân dân, bộ đội vượt qua gian khó hoàn thành nhiệm vụ trước mắt là phục vụ cuộc kháng chiến. Thơ thời kì này đi vào ý chí và tâm hồn dân tộc, lạc quan và hy vọng ở thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu. Nhiều bài thơ xuất sắc viết theo quan niệm văn học phục vụ Cách mạng đã ra đời: “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Màu tím Hoa sim” của Hữu Loan, “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Bộ đội về làng” của Hoàng Trung Thông, “Đồng chí”của Chính Hữu và nhiều bài thơ  của các tác giả khác. Ở thời kì này chúng ta nhìn thấy những chất  liệu mới, giọng nói mới, nhịp điệu mới gần gũi với cuộc sống đã vang lên rất mạnh mẽ ở trong thơ. Những  “ Sắt đường tàu” “ Mùn rơm”, “ Lựu đan”, “ Xắc mây”, “ Cơm nếp”, “ Ngô bung”, “ Sắn nướng”… lần lượt xuất hiện như những tín hiệu báo hiệu một diện mạo mới, một quan điểm mới trong thơ. Chúng ta có thể tự hào để tuyên dương bài thơ xuất sắc nhất mở đầu cho thời kì kháng chiến chống Pháp  xuất hiện ở dải đất miêng Trụng . Đó là bài thơ “ Nhớ” của nhà thơ Hồng Nguyên. “ Lột sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm. Áo vải chân không đi lùng giặc đánh… Trong điếm nhỏ mươi người trai tráng . Sờ chuôi lựu đạn ngồi thổi mùn rơm. Thức vừa rạng sáng…” giản dị và hùng tráng như bản anh hùng ca ca ngợi những anh hùng chân đất áo vải mang ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc đứng lên đòi độc lập tự do cho Tổ Quốc. Tuy nhiên, chỗ đáng tuyên dương, chỗ thành công nhất, chỗ không có khuyết điểm của thơ thời kì này cũng để lại cho ta nhiều ngẫm nghĩ về các vấn đề bản chất của VHNT.  Những ngẫm nghĩ như thế về thơ, về VHNT không được lý luận phê bình văn học đề cập, soi sáng, kéo dài mãi cho đến hết thời kì thơ ca chống Mỹ cứu nước. Thời thơ chống Mỹ cứu nước về nội dung, về bản chất không khác với thơ thời chống Pháp. Vẫn là thơ phục vụ Cách Mạng, phục vụ kháng chiến, đề cao tính Đảng, tính giai cấp.  Nội dung thơ thể hiện ý chí và tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc. Tuy nhiên các tác giả thơ của thời kì này là lớp thanh niên trẻ tuổi giàu sức sống, có kiến thức văn hóa, văn học và khoa học trong chừng mực tương đối có thể nói là cao hơn, toàn diện hơn so với các tác giả ở thời kì trước. Họ không phải tìm đường, không ngỡ ngàng trước các quan niệm về VHNT họ có “đà” nhận thức từ thơ chống Pháp. Bắt nhịp kịp thời với cuộc sống mới, hiện thực mới, thơ họ cất lên những tiếng nói tự nhiên mà rất mới mẻ, sảng khoái. Hàng loạt các tác giả thơ miền Trung đã xuất hiện làm nở rộ một mùa hoa mới thăm tươi và rực rỡ của thời  thơ chống Mỹ cứu nước. Những Nguyễn Duy, Văn Đắc , Vương Anh, Mai Ngọc Thanh, Võ Văn Trực, Phạm Ngọc Cảnh, Cảnh Trà, Hải Kỳ, HoàngVũ Thuật, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường,Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Thanh Quế, Trần Thị Lệ Thu… Thơ tập trung tâm lực, ý chí, đối đầu trực diện với kẻ thù để cất lên  “ Tiếng hát át tiếng bom”.

Ở thời kì này, thơ bớt đi ít nhiều giọng điệu trữ tình tăng thêm cảm hứng anh hùng ca. Phải chăng đấy là một trong những đặc điểm của thơ thời kì ấy ?  Thơ thời chống Mỹ có giọng điệu mới, hình thức thơ cũng mới, nội dung thơ có thể chung nhưng cá tính và giọng điệu thì rất riêng của từng tác giả. Chính cái riêng biệt ấy đã tạo nên sức hấp dẫn của thơ miền Trung ở thời này. Khó quên Nguyễn Duy với những thủ thỉ tâm tình trong cách vận dụng sáng tạo thể thơ lục bát truyền thống. Khó quên Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ với cách nhìn cuộc sống mang đầy tính nữ nhưng không kém phần sâu sắc . Khó quên Cảnh Trà, Phạm Ngọc Cảnh ngồn ngộn chất liệu mới mẻ nhưng lại rất ý vị trữ tình. Ở thời kì này có nhiều tác giả trực diện trực tiếp chiến đấu ở chiến trường và cũng có nhiều tác giả ở Hậu phương ngoài chiến trận còn phải đối đầu đối mặt với những hành vi, những biến tướng, những thói xấu, những bệnh tình xã hội đang hình thành dưới làn bom đạn. Vì thế,  thơ chống Mỹ không đơn giản một chiều như một số người đã nghĩ. Thơ thời chống Mỹ có nội dung phức tạp hơn nhiều so với những gì ta tưởng. Tôi lấy một ví dụ:  “Đò Lèn” của Nguyễn Duy, “ Tản mản thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo. Hoặc là bài thơ “ Với con” của tôi mà các bạn đã biết. Xuân Quỳnh vào miền Trung năm 1967.  Đây là bài thơ nói về việc Bộ đội đào giếng để lấy nước ngọt ở trên một hòn đảo:

                             Giếng cũ cạn rồi gần ba tháng nắng

                             Cổ chúng tôi khô cây cỏ úa vàng

                             Bốn chung quanh chỉ toàn nước mặn

                             Dưới chân người cát bỏng như rang

                             Không rừng cây làm sao có nước nguồn

                             Các dòng sông biển ngăn không tới đảo

                             Đám mây khô trên đầu cũng héo

                             Trời ngút xanh đâu rồi cơn mưa

Nếu các bạn thấy bài thơ này không đơn giản một chiều thì tôi có thể nói với các bạn thơ chống Mỹ cứu nước của các tác giả thơ miền Trung phức tạp hơn thế rất nhiều. Chúng ta không thể giản đơn hời hợt với nhận thức một chiều để đánh giá thơ ca thời chống Mỹ  cứu nước. Đó là điều tôi muốn lưu ý các tác gia văn học sử, các nhà lý luận phê bình văn học khi nghoảnh nhìn lại thơ thời kì này. Sự phức tạp của cuộc sống, ở thờ kì đó không nằm ngoài các cảm quan mỹ học của thơ ca thời ấy. Không phải kính chiếu yêu mà phải có kính soi Thần mới có thể soi thấu những ẩn dụ thơ ca ẩn dấu phía sau các dòng chữ của thơ thời ấy. Ta có thể nói Thơ chống Mỹ không phải là thơ bề nổi, không phải là thơ  phơi bày trên mặt bằng trang giấy mà thực chất thơ đó ẩn chứa nhiều cảm nghĩ sâu sắc  về hiện thực xã hội, hiện tình cuộc sống và hướng tới cảm quan thẩm mỹ của thơ ca đích thực chân chính.

Từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ… trãi qua các thời, thơ miền Trung luôn là sự mở đường, là sự đặt nền móng đồng thời là sự kết tinh các tác phẩm thơ ca đáng tự hào của cả dân tộc. Ngày nay, trong thời kì đổi mới của văn học, thơ miền Trung thực sự đã là thơ đổi mới. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “ Nó đổi mới trước khi có chủ trương đổi mới của văn học” . Quả đúng vậy, Nguyễn Duy đã “đánh thưc tiềm lực” từ lâu. Nguyễn Trọng Tạo đã viết “ Nhà tù người Việt, người Việt xây” từ lâu. Và tôi lưôn trăn trở với các vấn đề của văn học ngay từ buổi đầu cầm bút .Nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh viêt:

Hòa vào dòng lá ngụy trang

Tôi đi mất hút trong hàng quân đi…

Thưa các bạn ! Cái mới trong văn học không bắt nguồn từ sự đổi mới câu chữ, vần vè duy hình thức. Cái mới ở trong con người mới, sức sống mới, tâm hồn mới , trí tuệ mới. Khi con người mang cái mới đầy ắp trong mình thì họ nói lên tiếng nói mới. Hình thức mới trong thơ không phải là thứ hình thức do đầu óc nghĩ ra, vẽ ra, mà do dung lượng cái mới dung nạp trong tâm hồn đã biến thành công năng, nhiệt năng đòi hỏi phải thoát ra ngoài bằng hình thức ấy, theo cách ấy. Cái đầu máy xe lửa không quyết định hình thù đám khói hơi nước khi nó mở chiếc nắp cáp- pô  để kéo còi. Hình thù đám khói hoàn toàn phụ thuộc vào cường độ áp suất, áp lực ở trơng nối sup- de.  Nếu dùng đầu óc tỉnh táo, khôn ngoan, cố tình ép câu, ép chữ, ép vần, cố tình lấy cái quái lạ làm mục tiêu, lấy sự khác người làm định hướng thì tôi e các tác giả đó khó đến được cái mới đàng hoàng chân chính của thơ ca và văn học. Hình thức mới của   thơ là ánh xạ 1<=>1 của cái mới trong nội dung thơ. Cái mới trong nội dung thơ là ánh xạ 1<=>1cái mới trong nội dung người, tức là cái mới trong tâm hồn, trí tuệ, trong sức sống nội tâm của chính người viết ra thơ đó. Mới trong thơ  là biểu hiện của mới trong người không thể khác được.

Hiện nay, hầu hết các tác giả thơ miền Trung đều rất có ý thức hướng về cái mới, sáng tạo cái mới trong thơ. Nổi bật lên trong số các tác giả mê say sáng tạo đó, theo mắt nhìn của tôi, tôi có thể hy vọng  thơ Văn Cầm Hải ở Huế , IsaRa ở Phan Rang, Trần Thu Hà ở Nghệ An và một vài bạn trẻ khác. Văn Cầm Hải đang tìm cách phá vỡ và vượt qua hệ tư duy logic hợp lý của trí tuệ để đến với một hệ tư duy khác thích hợp với tâm hồn hơn . IsaRa tiếp thu lý luận phương Tây hiện đại kết hợp với tinh hoa trí tuệ trong di sản văn hóa của dân tộc mình để sáng tạo. Trần Thu Hà vận dụng một hệ ngôn ngữ mới đương thời, đương đại. Chị đã viết 4 tập thơ với hệ ngôn ngữ đó. Thành công trong sáng tác của các bạn đã rõ, hy vọng thành công của các bạn còn lớn hơn. Hiện nay, tất cả các nhà thơ miền Trung thuộc các thế hệ đang nỗ lực sáng tạo. Chắc chắn là các tác phẩm mới sẽ lần lượt ra đời. Tôi hy vọng vào sự xuất hiện các tác phẩm thơ xuất sắc- những tác phẩm xứng tầm với thơ miền Trung, khẳng định chất lượng thơ miền Trung trong thời đổi mới của Văn học nước nhà

Hà Nội, 21 tháng 9  năm 2011

--------------

Ảnh: Đỗ Văn Hiếu


Phần 4

Phần 3

Phần 2

Phần 1

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn