Thảo Phương: Làm sao trở lại mùa Đông/ Dòng sông cây cầu đã gẫy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Làm như mùa Đông đã về Thứ ba, 26/1/2010 | 10:49:17 PM
Trang chủ
Tin văn
Văn hóa - Nghệ thuật
Tiếng nói Nhà văn
Dư âm Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam
Nhà văn đang có hồ sơ xin vào Hội
Nhà văn ta đang làm gì?
Hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội
Lý luận - Phê bình
Tác phẩm và dư luận
Đối thoại
Nghề văn
Văn học với đời sống
VanVN.Net Giới Thiệu
Tác phẩm
Thơ
Truyện ngắn
Bút ký - Phóng sự
Tạp văn
Tiểu thuyết
Mỗi tuần một truyện ngắn, một chùm thơ
Nhà Văn Trẻ
Văn học nước ngoài
Tư Liệu Văn Học
Hội nhà văn
Cơ quan văn học
Hội viên
Di sản
Quán Văn Chương
Phiếm luận

Đọc nhiều nhất

Về cuốn hồi ký gây xôn xao trên mạng của một giáo sư

Cái tát của Lê Công Định

Sẽ còn những ai đứng đằng sau ông Huỳnh Ngọc Sĩ ?

Dư luận không giống như "Chú Thỏ" trong truyện "Cáo và Thỏ" thưa ông Đoàn Văn Kiển...

Hãy bình tĩnh, đừng quá riết róng theo kiểu “Giậu đổ bìm leo”

"Cái hèn" của người cầm bút

Ma đưa lối quỷ đưa đường hay bần cùng sinh đạo tặc... ( Về những vụ trộm cắp của người Việt bị phát hiện gần đây tại Nhật Bản)

Ăn ốc nói mò của một số người cầm bút


CÔNG TY LÂM NGHIỆP TAM SƠN

Xã Kiệt Sơn, huyện Tam Sơn tỉnh Phú Thọ; điện thoại: 0210 3745 002   Fax : 0210 3745 003   -   Email : - tamsontanson@yahoo.com
Đại diện tại Hà Nội: Phòng 330 Nhà K1 Khu Đô thị Việt Hưng, Long Biên Hà Nội điện thoại:  04 3652 4558 – Email: truongnd@gmail.com

  Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam) quản lý và sử dụng 10.903,1 ha thuộc địa bàn 10 Xã của Huyện Tân Sơn. Có điều kiện tự nhiên và khí hậu đặc trưng của vùng miền núi trung du phía bắc rất thuận lợi cho phát triển sản xuất lâm nghiệp.  
  Ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu của Công ty là: Trồng rừng NLG, khai thác, thu mua, vận tải cung ứng gỗ NLG cho Tổng công ty Giấy Việt Nam ; sản xuất kinh doanh giống cây NLG, chè búp tươi; thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại lâm sản NLG; sản xuất, chế biến Nấm Dược phẩm (Linh Chi) và cung cấp Nấm thực phẩm sạch cho thị trường Thành Phố Hà Nội, Tỉnh Phú Thọ, các tỉnh lân cận. Sản xuất, xuất khẩu và cung ứng nội địa hàng trăm triệu đôi đũa tre mỗi năm.
  Các sản phẩm Nấm sạch của Công ty sản xuất ra luôn đảm bảo chất lượng, hàm lượng các chất dinh dưỡng, đã chinh phục được các bà nội trợ khó tính. Trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam.
  Công ty đã mở một số Đại lý, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm  trên địa bàn các Tỉnh phía bắc
  Khách hàng có nhu cầu mua số lượng lớn hoặc mở Đại lý bán sẩn phẩm . Xin vui lòng liên hệ với Công ty .

Giám đốc     
Nguyễn Đức Sơn


 
Home / Bút ký - Phóng sự
Một ít chuyện làm báo
Hồi ký của Hà Đình Cẩn ( 10/12/2009 10:15:24 AM )
      
 
                                                                                                   
        Tôi ở 63 Lý Tự Trong tp Hồ Chí Minh suốt thời kỳ cơ quan Đại diện như là tiền phương của báo Quân đội nhân dân trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Giữa một Sài Gòn phồn hoa, bình yên và nhiều vui thú, nhóm phóng viên thường trú ở cơ quan Đại diện ngày đêm sống với chiến tranh. Chúng tôi chia nhau đi dọc biên giới lấy tài liệu nóng hàng ngày để đưa tin, viết bài. Thường là những chuyến đi ngắn, vội vã, nay đi, mai về, lăn ra viết rồi sang văn phòng Đại diện báo Lao động bên kia vườn hoa, uống với nhau vài vại bia hơi, lại ra biên giới... Cơ quan lúc nào cũng râm ran chuyện đánh giặc, ăn vội, đi vội. Lâu lâu để nuôi cái không khí trận mạc, Tổng biên tập Trần Công Mân lại bay vào cầm quân đi một chuyến thực tế để khích lệ sĩ khí các sĩ quan làm báo.                                   Đó cũng là thời gian anh Trưởng đại diên Vũ Linh nhập thế hơn để lo toan cho cánh phóng viên ngày ở Sài Gòn, đêm trên biên giới. Con người vốn lịch lãm ưa bình luận chính trị, xã hội, văn chương nay hăng hái đánh xe xuống quân khu, tỉnh đội xin cả... củi đem về chuyển đổi mà giảm mức ăn bo bo, tăng cơm trăm phần trăm gạo đỏ Đồng Tháp, giữ sức khỏe cho anh em ra trận.
           Cuộc sống tốc độ làm chúng tôi máu mê những chiếc Honda. Loạt Honda đầu tiên của cơ quan Đại diện là tốp Cao Tiến Lê, Trọng Lượng, Hoàng Như Thính, Tô Phương, Thiều Quang Biên và Trần Đình Bá nhặt từ sân bay Tân Sơn Nhất về. Hầu hết xe đã cũ nát, do người vội di tản bằng máy bay vứt lại. Chỉ có chiếc Kavazaky 125 phân khối, anh Lê nhặt từ Nha cảnh sát đem về là mới. Chiếc này cao lênh khênh, vốn của cảnh sát dùng cho việc truy đuổi, như ngựa bất kham. Nhà văn Cao Tiến Lê được Trọng Lượng dạng hai chân theo tư thế xuống tấn giữ đuôi, để anh leo lên xe vài lần, cũng chỉ đám đi vài vòng trong sân, rồi đút gầm cầu thang.
        Đến lượt Khắc Xuể, chiếc xe mới trở thành phương tiện có ích. Phóng viên ảnh Khắc Xuể đẹp trai, cao lớn như cầu thủ bóng chuyền, ngồi trên chiếc Kavazaky 125 phân khối nhìn rất ăn ảnh. Xuể được anh em cổ súy đã dũng mãnh một mình một ngựa phi thẳng một mạch từ Sài Gòn ra Nha Trang.
                    ở báo Quân đội trong chiến tranh phá hoại, từng có tổ phóng viên Trần Thắng với xe đạp Vĩnh Cửu có đèn bão sơn đen treo tay lái, đi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, ăn ngủ tại các trận địa dọc đường liền hai tháng để viết bài dọc hành trình bom đạn. Còn đi một mạch gần năm trăm cây số bằng xe gắn máy để chụp ảnh thì chỉ có Khắc Xuể nêu kỷ lục. Nhưng Xuể cũng chỉ cắn răng được lượt đi, chụp được một ảnh trung cảnh in báo, bóc đi một lớp da tay vì cháy nắng, lượt về đành phải đưa xe lên nóc xe đò. Cũng chỉ một lần ấy thôi, chiếc Kavazaky lại ấn vào gầm cầu thang.
                     Rồi xe vào tay phóng viên ảnh Vũ Đạt. Đạt nhỏ con, người ngợm như cóc gặm, nhưng lại là một tay chơi liều lĩnh, hợp với ngựa chứng. Đạt tự sang sửa chiếc xe và thường chọn tôi ngồi sau ôm eo. Có mấy lý do vì sự chọn này. Một là, tôi viết bài, Đạt chụp ảnh vừa một cặp lại khá ăn ý. Hai là, tôi là đứa dễ sai, không phá quấy, Đạt ưa. Ba là, tôi với Đạt từng một chuyến chia ngọt xẻ bùi đi dọc Trường Sơn vào mặt trận Đông Nam Bộ, ngay trước cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975. Chuyến ấy, xe vừa ra đầu ô thì có người mặc áo mưa đứng chắn. Đạt nhảy xuống quát lác kẻ liều lĩnh dám bịt mặt chắn đường, bỗng ngớ ra vì đó là một cô gái Hà Nội nhỏ nhẹ và xinh đẹp, Đạt từng quen trong một lần đi làm báo. Tôi vội ghi được vài pô, sau đó ra giá với Đạt mỗi ảnh một bao Tam Đảo. Sau tháng tư, bảy lăm, Đạt không chỉ tặng tác giả cả tút thuốc mà còn kèm theo cả bánh cốm Hàng Than, chè móc câu Thái và hạt sen Đình Bảng, tất cả đều thắt nơ đỏ. Cặp nhân vật trong ảnh nên vợ nên chồng...   
 
                     Ngày đầu cuộc chiến đấu giải phóng Cănpuchia khỏi ách diệt chủng Pônpốt, cơ quan Đại diện thường chỉ còn lác đác mấy anh chị giữ gôn ở nhà. Tất cả bám theo đơn vị tỏa đi các hướng chiến trường. Phóng viên ảnh Bá Thước theo xe tăng. ở bến sông Niết Lương tăng dồn ứ lại, Thước nhảy xuống xe vừa chụp ảnh, vừa hò hét cứ như chỉ huy tiểu đoàn. Cho đến lúc cậu công vụ của đơn vị đến bên anh sĩ quan chụp ảnh nhắc khéo rằng tiểu đoàn quyết định xe đi bến trên vì ở đó ít bùn, chứ không qua đây, thì Bá Thước mới thôi hăng hái đốc chiến. Cũng nơi bến sông Niết Lương này Tất Thắng, phóng viên trẻ, tài năng của báo Quân đội nhân dân đã ngã xuống trong một đêm vượt sông... Thắng là sinh viên khoa báo chí về báo Quân đội thực tập với tấm bằng mới tốt nghiệp và cuốn tiểu thuyết đầu tay Hoa tuy líp, Nhà xuất bản Thanh niên in, vừa phát hành. Thắng xung phong đi thực tế mặt trận ngay chuyến công tác đầu tiên cùng với phóng viên quân sự kỳ cựu Nguyễn Thắng. Họ đến Niết Lương trong đêm, bị pháo địch bắn phủ đầu. Tất cả được lệnh nhảy xuống xe, chạy đến khu ẩn nấp. Thắng cận nặng, đeo kính mười điốp, lúc nhảy xuống xe, kính bị văng, không còn nhìn thấy gì. Trong lúc lầm mò tìm kính,Thắng bị đạn pháo, ngã xuống, tay còn xoa trên mặt cỏ dò tìm... Từ lâu lắm tôi ao ước cơ quan Đại diện nên có hình thức nào đó giữ lại những kỷ niệm một thời phóng viên mặt trận đáng nghiêng mình như Tất Thắng, để đồng đội nhớ về nhau, nhưng ước muốn vẫn còn xa lắc...           
                     Bây giờ thì Vũ Đạt với hai máy Pratica Cộng hòa liên bang Đức khoác chéo người, đèo tôi sau lưng, phóng Kavazaky như bay vượt qua biên giới vào vùng đất Pơrâyveng chiến tranh vừa đi qua, khói súng còn khét lẹt và nhiều đám cháy cuốn khói đen ngoài bờ sông. Rất nhiều phóng viên Quân đội đang cuốn theo cuộc thần tốc vào Phnômpênh của Quân đoàn 4, trong đó có nhà thơ Anh Ngọc. Chiếc ô tô con biển quân sự đi trước chúng tôi trên con đường vắng heo bỗng đường đột dừng lại vì thấy chiếc Kavazaky bám sát phía sau. Nhận ra chúng tôi, chiếc xe ô tô nhường đường cho mô tô phóng viên đi trước.
                       Càng vào vùng địch phản pháo, Đạt phóng xe càng hăng. Chiếc Kavazaky chồm chồm nhảy qua các bờ ruộng giống như cát-ca-đơ trong phim hành động. Để giảm tốc độ, tôi chỉ còn cách cấu thật mạnh vào hai bên eo lổn nhổn những xương của người cầm lái. Như là không biết đau, Đạt lao xe qua một bờ cây rồi khựng lại.
                     Đó là một trận địa pháo 122ly, lính ta mới thu được của địch, đang quay nòng về hướng truy kích, bắn chặn đầu. Đạt tác nghiệp nhanh như máy. Chốc lát, tôi đang hỏi chuyện mấy cậu lính, Đạt đã nhảy lên xe, giục đi.
                    Tôi hỏi: Đi đâu?
                     Hắn không giải thích, giục: nhanh lên, kẻo nguội mất mẹ nó bây giờ.
                    Cái gì nguội? - Tôi hỏi.
                     Hắn gắt: Mặt người nó nguội chứ còn cái gì. Im tiếng súng tí nữa, mọi việc yên ổn, cảnh nhạt hoét...
                     Chúng tôi no nê một ngày làm báo, trở lại Sài Gòn vào tầm nửa đêm, thức đến sáng để làm ảnh, viết bài. Viết xong, những tưởng chỉ mình nhanh chân, có tư liệu độc nào ngờ ra khỏi cửa mới biết Anh Ngọc, Nguyễn Thắng, Thiều Quang Biên còn nhanh hơn cả Kavazaky. Các hắn đã làm xong mọi việc và rủ khao nhau hủ tiếu.       
 
 
                       Cơ quan Đại diện cũng có thể xem là một trạm khách cho phóng viên vào nam tạm trú. Nhiệm vụ các chuyến đi công tác của phóng viên thường nhận từ Tòa soạn. Thế nhưng việc tổ chức cho các nhà báo làm tốt được công việc thì cơ quan Đại diện lấy đó là trách nhiệm, là niềm vui, là thành tích công tác và cũng vì tình bè bạn. Vì thế anh Linh, sau này là anh Trọng, anh Tuyển thường liên hệ với các đơn vị mở đường cho các chuyến đi thuận lợi. 
                      Tôi và nhà thơ Anh Ngọc được anh Vũ Linh có lời trước với Tiền phương của Tổng Cục Chinh trị và Quân đoàn 4 để vào Phnômpênh được chu đáo. Vừa đến Phnômpênh buổi trưa, được nhà mỹ học Sơn Nam, cán bộ tuyên huấn của Quân đoàn 4 đãi một bữa nước thốt nốt thay bia ngon tuyệt, tối Anh Ngọc rủ tôi đến thăm anh Vũ Cao, Tham mưu trưởng quân đoàn. Anh Vũ Cao là nhà quân sự, nhưng yêu văn học, từng viết tập ký khá hay Bảy ngày đến Phnômpênh. Anh nói về chiến tranh cứ như tập trận và khơi gợi nhiều mới lạ về Cămpuchia cổ kính và trần trụi ở phía trước, làm hai chúng tôi hào hứng xin được theo HU1A lên vùng núi Cácđamôn, nơi ta và địch còn đang tranh chấp.
                       Bay chừng nửa giờ, dưới cánh bay chỉ núi là núi. Nửa giờ nữa máy bay nâng độ cao để giữ an toàn. Nửa giờ nữa, tổ lái báo phía dưới có hỏa lực của tàn quân Pônpốt bắn lên. Thay vì lên cao, máy bay đường đột lao xuống thấp, bay ngoằn ngoèo theo thung núi, rồi vội đáp xuống vạt đất yên ngựa có đám khói do lính ta đốt chỉ điểm hạ cánh. Chúng tôi đeo balô vừa nhảy xuống đất, chưa kịp chào nhau, chiếc HU1A đã vội bốc lên. Lính ta khoái máy bay đã bỏ lại hai chàng tòng teng máy ảnh, chĩa súng lên trời bắn chào mấy loạt...      
                      Tôi và Anh Ngọc được dẫn đến sở chỉ huy của tiểu đoàn 4 đóng quân trong khu Ba Nhà. Sau này, về Sài Gòn đọc thêm tài liệu mượn được của anh Nguyễn Minh Phương, một nhà sưu khảo khá nổi tiếng công tác ở báo Đại đoàn kết, tôi mới biết thêm khu Ba Nhà là vùng nghiêng của Các-đa-môn, có khí hậu nghiệt ngã nhất Đông Dương, hang ổ của sốt rét ác tính. Ba nhà đơn độc vùng này vốn là trạm hậu cần của lính Pônpốt. Lính ta tiếp quản nhưng không ở được trong nhà vì hôi hám bốc ra từ rất nhiều đống da trâu, da bò lẫn lộn với xương cốt... Ngay cả ở các đơn vị của Quân khu 6 ở lọt trong vùng Cực nam Trung bộ, bốn phía địch bao vây tôi từng gắn bó trong chiến tranh cũng không đến nỗi kham khổ như lính tình nguyện ở khu Ba Nhà. Ngày ba bữa cơm muối trắng. Đêm lính lục tục di chuyển chỗ ngủ một vài lần đề phòng địch tập kích. Những lính trẻ da dẻ bủng beo, chân tay lòng thòng vì không còn cơ bắp suốt ngày lùng lũ giặc đã hóa phỉ ẩn nấp trong rừng. Sáng nào tôi cũng bắt gặp cảnh lính ta lặng lẽ khiêng cáng đồng đội trên con đường mòn ngang qua khu Ba Nhà. Những cái chết bị vấp mìn, bị bắn tỉa, bị sốt rét ác tính và vì muôn vàn thứ do rừng hoang, thiếu thốn và ác liệt gây ra...       
                      Chúng tôi ở khu Ba Nhà chừng mươi ngày thì được trinh sát dẫn đường ra Lếch, thị trấn nhỏ ven rừng, vốn là đại bản doanh của Tà Mốc,Tham mưu trưởng tàn ác khét tiếng của quân Pônpốt. Vừa bước vào thị trấn, Anh Ngọc bỗng lặng người nhìn hút hồn đoàn rước dâu ngang qua. Sau này đọc trường ca Mê công bốn mặt của Ngọc, tôi mới tạm hiểu cái giây phút lặng người của nhà thơ ở Lếch; giây phút bất ngờ lóe sáng, run rẩy vì chợt đến của những câu thơ của thiên trường ca tài hoa về sự hi sinh, tự do và những nụ cười Baion huyền bí...       
                      Chúng tôi rời Lếch một cách may mắn, vì chỉ vài giờ sau đó đã rơi vào đơn vị hậu cần làm công việc đánh cá Biển Hồ. Chủ nhà là một sĩ quan quê Thanh Hóa đã hào phóng khao chúng tôi một bữa toàn cá rô nướng lại còn biếu một con nặng 16 cân, tôi và Ngọc phải khiêng như khiêng quả đạn cối 120ly. Có Quả đạn cối trên vai chúng tôi cứ lủng lẳng khiêng mà bước qua mọi trạm gác nghiêm ngặt, vào thẳng chỉ huy sở Quân đoàn 4. Cả sở chỉ huy tiền phương bấy giờ có chừng hai chục người. Con cá thì những 16 cân, nào nướng, nào canh chua, nào rán cũng chỉ hết non nửa, nửa kia phải gọi đơn vị đến giúp....
                     Tại tiền phương của Quân đoàn 4, chúng tôi nhận được tin nhắn từ cơ quan Đại diện rằng đi Bai-lin, vùng mỏ kim cương, hậu cứ của Pônpốt, dự lễ mừng công của Quân đoàn. Vùng mỏ kim cương không giống như tôi hình dung; không có vẻ gì giàu có mà xơ xác, bụi đất màu cám rang mù mịt trong nắng gíó hầm hập. Cảnh lễ mừng công của Quân đoàn cũng không giống như tôi tưởng, không phải đơn sơ chiến trường mà như một ngày hội lớn, có đội kèn đồng với quân phục đại lễ trắng nõn, đeo ngù vàng, đứng dưới mái hội trường dựng tạm, lợp lá, tấu vang lừng bản Tiến bước dưới quân kỳ như cho cả đội hùng binh diễu qua quảng trường... Tôi có gặp một tổ phóng viên của một số tờ báo từ thành phố Hồ Chí Minh bay chuyến Sài Gòn-Xiêm Riệp rồi đáp ô tô đã kịp đến Bailin đúng lúc kèn đồng vừa ngạo nghễ cất lên. Họ đến nhanh và cũng đem nhanh tiếng kèn đồng thắng trận về thành phố báo tin cho độc giả. Tin thắng trận không có cảnh những người lính sốt rét ở khu Ba Nhà. Cuộc chiến được nhìn từ tấm áo choàng lộng lẫy trên người các anh lính tình nguyện đã che khuất hàng vạn chiến sĩ đã lặng lẽ ngã xuống trên những cánh rừng, đồng ruộng, con đường của đất nước gần gũi mà xa xôi này...
 
 
                       Sau chuyến đi nhiều kỷ niệm với nhà thơ Anh Ngọc, tôi trở lại Cămpuchia một lần nữa, băng qua những cánh rừng khộp cuối mùa khô, đến thành phố có biểu tượng mặt trăng xanh trôi trên những lá thốt nốt- thành phố Stungcheng. Chẳng có thành phố nào trên bán đảo Đông Dương tôi đã qua lại lạ lẫm như Stungcheng này. Phố chỉ mấy dãy nhà, ban ngày người ngơ ngơ ngác ngác như buồn ngủ, nhưng đêm đến thì không chỉ người mà ngọn cỏ, lá cây cũng như bừng tỉnh, rung rinh trong háo hức mời gọi của tiếng trống tạ pôn.
                     Tôi lọt vào vòng vâycủa một đám trai gái múa không biết mệt. Vài giờ lúc chập tối chỉ là múa xã giao. Khách khứa đến chung vui được phụ nữ cung kính cúi người mời rựợu rồi mời múa vài vòng. Trẻ con và người cao tuổi cũng vào vòng múa trong giờ trước khi đi ngủ. Màn xã giao và vui múa cộng đồng kết thúc một cách tự giác khi một chàng trai vạm vỡ bước ra, nhận chiếc trống từ tay một ông già. Chàng trai tung trống lên như trò xiếc tung hứng, rồi chộp lấy, kẹp đuôi trống vào hai bắp vế, hai bàn tay vỗ lên mặt trống bọc da trâu nhanh như tan biến... Nhịp trống dồn dập vang lên. Vòng múa chỉ còn lại nam thanh nữ tú. Các cô gái của thành phố miền sơn cước với bộ ngực vĩ đại, cặp mông quen lội rừng, trèo núi rắn chắc và đồ sộ bước ra. Họ càng múa, khối cơ thể tưởng như nặng nề kia chuyển động mềm mại như mèo cái động tình và quyến rũ một cách kỳ lạ. Những đôi mắt to, rất nét. Những cặp môi dày nóng bỏng. Những khuôn cằm đầy đặn... tất cả như rực lên ngọn lửa tình. Các chàng trai bước vào. Họ múa, không chạm tay vào nhau, nhưng vẫn cuốn vào nhau như có sợi dây vô hình ràng buộc. Càng múa, đất dưới chân họ như bỏng lên. Các cô gái xoay người, xoay nguời lắc mông, lắc ngực. Họ lắc cho cơ thể thả lỏng dần, hai bầu vú căng cứng đột nhiên chuyển động mềm mại, đập vào nhau thành tiếng bì bạch như tiếng bàn tay trẻ con vỗ êm ái trong lồng ngực...    
                     Tôi trắng đêm Stungcheng múa. Thiên nhiên báo chuyển mùa bằng tiếng sinh sôi của rừng. Rì rào như một cơn mưa nhẹ, nhưng không phải mưa, mà là hơi ẩm tràn về làm cho lớp vỏ khộp cong vênh vì khô nắng suốt sáu tháng, nay đột ngột gặp hơi ẩm vội tách nứt, để lộ những mầm non ngơ ngác trong đó. Tôi được sống trong đêm cuối cùng của mùa khô phương bắc nước bạn.                                                                                   
 
 
                   ở báo Quân đội có một người giàu chữ Hán, hết sức tài hoa và uyên bác, cũng hay vào Sài Gòn ăn cơn thường trú là anh Phú Bằng. Nhiều năm anh là thủ trưởng trực tiếp của tôi. Và vì thế tôi có nhiều năm để hiểu chút ít về con trai cụ Phạm Phú Tiết, Thượng thư triều đình cuối cùng của nhà Nguyễn. Hồ sơ trích ngang của ông Phú Bằng đại loại, chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là phóng viên làm báo tại mặt trận. Bài tuỳ bút Đêm nay bác không ngủ in trên Báo Quân đội phát hành tại mặt trận ra đời trước khi bài thơ nổi tiếng, cùng tên của nhà thơ Minh Huệ được lính truyền tay đọc trên chiến hào. Mậu Thân 68, nhà báo Phú Bằng bị thương, gục xuống góc chiến hào. May mà trước khi rút anh em kiểm tra lại trận địa lần cuối đã phát hiện ra nhà báo, khiêng vác đúng một ngày, một đêm về căn cứ, cứu sống. Ông đi nhiều, sống nhiều, học nhiều nên không viết thì thôi, chứ đã viết thì từ một mẩu bằng bàn tay, đến vài chục kỳ ký đều giàu có về tài liệu, văn hóa và chữ...
                       Nhưng cụ đồ Bằng xem ra cũng không ham văn chương. Ông chỉ ham việc người, việc đời trong cõi nhân sinh. Một sáng mùa đông gió rét, thấy kẻ hành khất qua nhà ông vội ôm chăn chiếu đem cho để tối thiếu chăn, bị vợ rầy la. Một lần ra ga mua cám lợn về chăn nuôi, gặp một tốp thương binh lếch thếch hỏi đường ra bến xe, ông quên việc nhà chở 6 chuyến thương binh về bến Nứa. Quay lại ga thì không mua được cám nữa, lại bị vợ sửa gáy. Có đến cả chục năm nay, tháng một lần, ông một mình lầm lũi lên vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn để khi thì giúp nhà này một con lợn giống, khi thì đem cho trẻ em mớ quần áo cũ cùng sách vở... Tôi mới gặp ông đi Cao Bằng đem theo mấy chiếc áo dài cho các cô giáo ở một trường trên lưng núi. Rồi một hôm khác, gặp ông đi như hành khất trên phố cổ, tôi hỏi thăm ông đi đâu và tròn mắt nghe ông bảo, ông đi dạy múa và dạy phép tắc ngoại giao cho các cô lễ tân làm việc trong khách sạn Mêtrôphôn sang trọng bậc nhất của Hà Nội để chuẩn bị tiếp nguyên thủ của Hội nghị Apec sắp tới... 
 
                      Tôi nói thêm vài chuyện nữa về ông Phú Bằng để chuyển sang chuyện khác, kẻo bỏ qua thì không có dịp nhắc lại. Với lại tôi quý những người làm báo như anh Phú Bằng, chỉ viết khi tự trải qua, tự mình kiểm nghiệm, tự mình tìm thấycâu chuyện và nhân vật cho mình từ trong ngổn ngang đời sống. Kiểu nhà báo này khổ ải, nhếch nhác không sạch sẽ, thơm tho, sang trọng như nhà báo làm việc ở văn phòng, chỉ cần chút ít ngoại ngữ là viết bằng thông tin của người khác, bình luận bằng cách nghĩ của người khác, chữ nghĩa cũng vay mượn của người khác nốt...
                      Cái lần vào Sài Gòn thường trú, do máu me xê dịch tôi tếch đi Cămpuchia, rồi từ Stungcheng phóng liều sang Nam Lào để được mục sở thị Thác Khôn vì bao nhiêu năm cứ bị câu thơ của Nguyên Hồng ám ảnh: Lững thững voi đi, Thác Khôn cười trắng xóa... Nhập cảnh vào Lào chỉ với tấm thẻ nhà báo, tôi đắm chìm vào một quang cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Thác Khôn đó, sông Mê Công cường tráng và phóng túng chảy chừng năm ngàn kilômét từ vùng núi băng tuyết Tây Tạng Trung Quốc tới đây thì bị dẫy núi đá chắn ngang chặn khựng lại. Để tiếp tục cuộc hành trình uyên nguyên của mình mà ra biển, dòng sông phải tự dâng nước lên, tự hóa mình thành biển lớn trước núi chắn, người Lào gọi là biển Xỉ-phăn-đon, nghĩa là bốn ngàn đảo. Biển nước Xỉ-phăn-đon dâng cao, dâng cao, trườn qua đỉnh núi đá, đổ ụp xuống con sông dưới chân núi thuộc Cămpuchia. Chín nơi nước tràn qua núi là chín miệng Thác Khôn. Từ độ cao từ vài chục đến ngót trăm mét dội nước xuống, các ngọn thác đều là dòng chảy đầy uy lực, gầm thét, tung lên một vùng mưa bụi cho nắng vẽ những cầu vồng ngũ sắc, vừa hư ảo, vừa mãnh liệt.Thác Khôn đẹp quá, tôi nhớ đến nhiếp ảnh Vũ Đạt...
                       Đi qua Thác Khôn, đi qua Xỉ-phăn-đon, quê hương của Chủ tịch Khăm Tày, tôi bám được một đơn vị vận tải, lọt vào vùng Tam giác phỉ, nơi giáp gianh của ba nước Lào-Cămpuchia-Thái Lan.
                       Loanh quanh một lúc tôi gặp mấy người cởi trần, cơ thể vạm vỡ lấm lem đất cát, tự giới thiệu là bộ đội Việt Nam tình nguyện. Hỏi gì các anh cũng chỉ cười. Bỗng ló ra một ông cao lớn. Anh em giới thiệu là chỉ huy, cũng không nói rõ là chỉ huy cấp nào... Nghe tôi tự giới thiệu xong ,ông hỏi: Thế thì anh phải biết ông Chu Lai. Tôi nhận là có biết, nhà từng ở cạnh nhau, khu tập thể số 8 Lý Nam Đế. Từ đó chuyện mới đỡ nhạt. Thì ra đây là đơn vị đặc công, tiểu đoàn 45 nổi tiếng. Các anh ăn bờ ngủ bụi ở đây, nhưng hoạt động những đâu, những đâu thì khó mà kể ra được. Chỉ biết cái thành phố rừng Stungcheng đêm đêm tưng bừng tiếng trống tạ pôn, vùng Thác Khôn và biển đảo Xỉ-phăn-đon miệng thác, Bắc- sế cùng con đường chiến lược13, và xa hơn là vùng bắc Tây Nguyên có yên ả hay không là do một phần công sức của những người lính tình nguyện trát đất lên da thịt thức ngủ nơi Tam giác phỉ này...
                       Nghề báo có niềm vui là không ít lần dọc đường lại gặp lại nhân vật của mình, kể cả các nhân vật thoắt ẩn, thoắt hiện như lính đặc công. Tôi gặp lại họ lần thứ hai ở một nơi không ngờ tới, gặp ở mặt trận Cao Bằng năm 79. Họ đến mặt trận này từ bao giờ, tôi không biết. Một chiều nhóm làm báo chiến trường Hà Đình Cẩn,Tô Phương, Tất Đạt đang leo đèo thì gặp ông Phú Bằng đi từ núi xuống. Ông bảo, các cậu đến đơn vị nào hỏi chuyện cũng được, chớ đến thằng đặc công 45, chán lắm. Các hắn bảo chả có chuyện gì mà kể cho các nhà báo đâu. Lính cả đơn vị đều chọn kỹ, hành quân không có chuyện mang vác giúp nhau. Học kỹ chiến thuật cũng không có chuyện người giỏi giúp người còn yếu kém. Đi làm nhiệm vụ thường mỗi người một hướng, gặp địch là đánh tới chứ không có chuyện phải họp bàn rồi xác định quyết tâm dài dòng. Chúng tôi giống nhau, nên bảo nêu một gương điển hình thì khó lắm...  
                        Sau này ông Phú Bằng có viết về cái tiểu đoàn thú vị này. Ông không viết chiến công của họ, mà kể câu chuyện các cô đội cấp cứu hỏa tuyến bắt gặp dọc đường vào tuyến trong gặp một thương binh, nhưng không tổ cáng nào chịu khiêng mà cứ đùn đẩy cho tổ đi sau... Đến lúc nhà báo Phú Bằng gặp mới vỡ nhẽ rằng anh thương binh to lớn quá, đến hơn 80 cân, khiêng hai không được, khiêng tư thì đường hẹp khó đi, nên... Anh thương binh tám mươi cân này chính là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công. Biết chuyện anh cười, bảo: Tôi đã nói mà, lính đơn vị tôi nếu bị thương cũng phải tự bò về, chứ không nên làm phiền người khác...
 
                        Giá không có cơ quan Đại diện cuả báo làm tiền phương thì tôi khó có thể đi lại nhiều lần vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và vùng biển đảo phía Nam... Thực tình, cho đến tận bây giờ, tóc đã như mây, tôi vẫn cứ ham những chuyến lội sình lầy Đồng Tháp, những cuộc nhậu rượu đế với xoài xanh chấm mắm ruốc vui nổ trời, những đêm trên xuồng nghe đâu đó tiếng đàn phím lõm của tài tử cải lương thả vào mênh mang sông nước khúc Dạ cổ hoài lang bất hủ của cụ Lầu...
                        Lần ấy tôi gặp may, theo phóng viên phòng kinh tế, xuống Quân khu 9 tìm hiểu bộ đội đi khai hoang, mở nông trường đã lần đến Cần Thảo, gặp được ông trung đoàn trưởng điển hình của người lính ngụ nông một thời. Ông là trung tá Quang, quê Bắc, nhưng đánh giặc trong Nam từ thời trai trẻ, trên người mang 17 vết thương. Vết thứ 18, anh bảo, bị con vợ nó cắn trong cái đêm sau hơn mười năm gặp lại...
                       Trung đoàn của anh dựng lều giữa đồng, đốt cỏ, vỡ hoang, đào kênh thau phèn, rồi làm đất... liền trong bốn tháng liền trong sáu tháng mùa hanh khô. Cái chiều gieo sạ xong, bước lên bờ, lính đại đội này nhìn lính đại đội khác nghe tên thì quen chứ ngó mặt thì lạ hoắc. Sáu tháng đằm trong đất, trong phèn, trong nắng gió... anh nào anh nấy mặt mũi vêu vao như đẽo vạc, chỉ còn cái cười giữa đồng là phóng khoáng. Mồ hôi lính đổ xuống 1000 ha của nông trường quả là nước sông công lính, không biết bao nhiêu mà kể.
                        Đất không phụ người, cả ngàn ha lúa đẹp như mơ. Lúa đang thì con gái thì lũ về. Cây lúa cứ theo nước mà ngoi lên. Nhìn cả cánh đồng ngọn loi thoi trong nước, ông trung đoàn trưởng Quang bảo anh em đóng cho ông một chiếc bè. Vẫn biết thương lúa thì cũng chỉ còn biết nhìn trời, nhưng cả ngàn ha đang ngập, bỏ đi thì không đành, ông ăn ngủ trên bè, bám đồng ruộng như lính bám trận địa ngày nào. Mùa mưa kham khổ, lại ngày đêm phơi mình giữa mắng gió, những vết thương cũ tái phát đã quật ngã ông ngay trên chiếc bè trôi nổi cùng ngọn lúa. Người mất, đau đớn thì cũng phải đành, thương là thương người sống. Bà vợ ông Quang sấp ngửa từ Bắc vào, thấy cái vết răng cắn mười năm gặp lại trên cánh tay chồng còn đó, mà người thì đã xa lìa...
                        Mùa nước nổi, rồi nước rút. Ngàn ha lúa giập nát như bừa hồi sinh trổ bông. Những người lính làm nghề nông đang thấp thỏm chờ thêm một vài ngày nữa cho lúa chín đều để xuống đồng thu hoạch thì họa lại giáng xuống. Ngang trời bỗng vần vũ những đám mây. Những đám mây lao vun vút, tỏa rộng ra. Trời đất, không phải mây mà là chim lá vàng từ phía tây bay về. Đồng bằng vẫn có những năm đại hạn, chim lá vàng từ đâu đó kéo về phá lúa. Hàng triệu, hàng triệu con kết thành những đám mây, bay rất cao, gặp đồng lúa sà xuống như những chiếc lá vàng rơi. Chúng sà xuống đâu thì lúa xơ xác đến đó. Cả mấy trăm anh lính vội vớ nồi niêu xoong ,chảo, gậy gộc, cuốc xẻng vùa gào thét, vừa khua vang đuổi chim. Đồng thì rộng, chim lại nhiều, đuổi chỗ này, chim sà đến chỗ khác. Phía sau cánh bay của đàn chim là những bãi lúa chỉ còn trơ lại cọng rơm. Suốt mấy ngày đêm, lính hò hét khản hơi đàn chim ăn no rồi thì tự đi để lại cánh đồng hoang phế...
                         Sau mùa lúa thất thu những người lính của nông trường để lại ruộng đồng phía sau. Họ lại được lệnh lên biên giới...Chao ôi, chiều ấy những người linh lam lũ ruộng đồng nhưng thất bát, bỏ lại mùa vụ dở dang lầm lì vác súng lên biên giới phía tây nam,nơi chênh chếch chân trời ráng đỏ rực như lửa biết bao bà con Châu Đốc như dự cảm thấy một điều gì gợi về máu và nước mắt đã không cầm được nước mắt
                        Tôi và Châu, cả Đạt và Thiều Quang Biên nữa thì phải đi nông trường Cần Thảo, rồi không thể đừng nếu không đi tiếp về Bảy Núi, thắp hương bái viếng cụ Thoại Ngọc Hầu, một ông quan triều Nguyễn, đời Minh Mạng là Tổng công trình sư thiết kế và tổ chức năm vạn lực điền đào con kênh Vĩnh Tế đổ nước ra biển phía để thau chua, rửa mặn mà có đồng ruộng miền Tây phì nhiêu hôm nay...
 
                       Tôi yêu người cày ruộng đồng bằng Cửu Long hiền hậu, chân thật như ngô khoai và vô cùng hứng thú những chuyến đi thuyền trên kênh rạch, nên lâu lâu lại kiếm cớ đi thực tế đồng bằng. Ngày ấy, hình như là tôi có bán chiếc đồng hồ Sencô5 với giá 30 ngàn cho ông Thanh Dục từ Hà Nội vào làm công tác hành chính khi cơ quan Đại diện tạm di chuyển từ 36 Lý Tự Trong sang ở dãy nhà ngang của dinh Gia Long, kế bên để đủ tiền đi đồng bằng một chuyến cho thật hoành tráng. Có 30 ngàn, tôi lên tàu hải quân ra thẳng Phú Quốc, rong ruổi phỉ chí tang bồng ngoài đó rồi mới lại vẫy máy bay trực thăng của bộ đội về sân bay Trà Nóc. Vừa xuống máy bay tôi gặp được một anh lính Quân khu 9 tốt bụng kéo thẳng vào nhà ăn sân bay ăn suất của phi công rồi giới thiệu cho một nhân vật đến tiểu thuyết trinh thám cũng khó có được.
                        Người đó là trung đoàn trưởng, anh hùng Bông Văn Dĩa. 
                        Ông Dĩa là chiến sĩ từ thời Nam kỳ khởi nghĩa, từng tham gia kéo cờ đỏ búa liềm lên ngọn cây cao ở chợ Gạo, Kiên Giang rồi làm giao liên cho Xứ ủy Nam kỳ. Vừa che mắt địch, cũng vừa kiếm sống chút đỉnh, vợ chồng ông lên thuyền làm nghề bán tạp hóa rong trên kênh rạch. Đồng chí Lê Duẩn là khách thường xuyên trên thuyền của vợ chồng ông đi qua các chặng rào ngăn của địch. Ngày đồng chí Lê Duẩn bị giặc bắt, buổi sáng bước lên Cầu Tàu Côn Đảo, ngoảnh lại, ông nhận ra anh giao liên Bông Văn Dĩa cũng cùng một chuyến đi đày.    
                        Ra tù do thắng lợi của cách mạng và phong trào dân chủ của Mặt trận bình dân Pháp đòi chính quyền thuộc địa trả tự do cho tù chính trị, đồng chí Lê Duẩn và Bông Văn Dĩa lại tiếp tục hoạt động. Ông Dĩa lại xuống thuyền ngược dòng Mê Công, tìm đến đông bắc Thái Lan xây dựng tiểu đoàn hải ngoại, nhờ bà con Việt kiều mua sắm vũ khí rồi kéo quân về Đồng Tháp đánh giăc. Sau đó ông lại một mình một thuyền quay trở lại Thái Lan để chở về chiếc máy in bạc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trong kháng chiến.
                       Suốt một đời ông Dĩa lênh đênh trên thuyền. Ông sinh mấy đứa con, cũng đều sinh trên thuyền cả. Năm 59, con người của thuyền chài này được đồng chí Mười Kỷ, Bí thư tỉnh ủy Cà Mau trực tiếp trao cho chiếc thuyền gỗ trọng tải 9 tấn mở con đường biển từ Mũi đất ra miền Bắc xin vũ khí, chuẩn bị cho cuộc Đồng khởi.
                      Ông Dĩa nói với tôi, đến lúc một mình, một thuyền nhỏ ra tít mù xa để tránh kiểm soát của địch, giữa không bờ, không bến, chỉ có sao trời và nước mênh mông ông mới giật mình là không biết cách tính hướng đi qua sao. Nhưng, ông bảo, ông có trực giác, nhìn sóng, nhìn gió, nhìn mặt trời lúc mọc, lúc lặn là biết hướng đi tới. Đúng là vậy, lênh đênh ngoài biển quốc tế bảy ngày, ông quyết định lao vào bờ, hú vía, đó đã là Quảng Bình. 
                       Ba tháng ra bắc, sau khi chuyển được lời nhắn gửi của các má Cà Mau đến bác Hồ: Mũi Cà Mau có thể mòn, nhưng lòng người Cà Mau theo Đảng theo Bác Hồ không bao giờ mòn... Ông Dĩa ra đảo Quảng Ninh ở ẩn, chỉ để học thuộc lòng một bản quy ước mật mã. Ba tháng đánh vật với mấy trang giấy với những chữ số rời rạc, không có thứ tự nào, ông Dĩa lại xuống chiếc thuyền gỗ của mình, mặc lại bộ quần áo cũ, không xin được khẩu súng, viên đạn nào, quay trở lại Cà Mau.
                       Ông trở lại Đất Mũi. Con đường biển ông vừa đi cùng với những con số mật mã nhớ trong đầu là những điều kiện đầu tiên để con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển ra đời với những con tàu không số chở vũ khí tiếp sức cho miền Nam chiến đấu...
                      Tôi làm việc với ông Dĩa cả tuần theo cái lối làm việc của dân thuyền chài, ấy là lên thuyền rong rẻo và nói chuyện. Đến một hôm rủ tôi đi Đất Mũi với lý do, ông mới xin được mấy chục tấm tôn cũ dỡ từ khu gia binh ngụy bỏ hoang, tiện có ghe, ông chở về quê để dựng tạm cho bả và các cháu túp nhà. Tiếc quá, tôi không về quê cùng ông được. Đến khi tôi có dịp sắm sanh để về thăm người mở đường Hồ Chí Minh trên biển thì biết tin ông đã đi xa... Bạn tôi, nhà quay phim quân đội Nguyễn Thành Thái đã quay phim ông tại nhà riêng, kể rằng, ông đã dựng nhà mới, tường xây, sân gạch khá khang trang, nhưng mái lợp bằng những tấm tôn cũ, nhiều lỗ đinh, nên đêm đêm nhìn lên có thể thấy sao trời...
                    Tôi để ý thấy người ít vào quấy rầy ban Đại diện 63 Lý Tự trọng là phóng viên nhiếp ảnh Hải Nam. Thật phí của, giá Nam vào nhiều hơn thì khối người được nhờ. Nghề nghiệp, khỏi bàn, Nam còn có biệt tài sửa xe Honđa. Tôi khâm phục ông nhiếp ảnh này, dám tháo rời chiếc Honđa 79 ra từng bộ phận, những lò xo, đinh ốc lẫn lộn xếp đầy cả hai chiếc chậu nhôm vậy mà khi lắp vào không thừa chi tiết nhỏ, đạp thử một cái, máy nổ luôn. Xong! Do thạo nghề, Nan tỉ mẩn sàng sê đống xe Honđa cũ nát bỏ xó đã lâu ngày dồn vào được một chiếc 87 hết ý. Có xe, Nam kêu tôi đèo đi công tác Bến Tre.
                          Từ Sài Gòn, tôi đèo Nam một buổi sáng thì đến tỉnh lị. Bỏ xe lại phố, chúng tôi lên thuyền về một xã trên bãi nổi sông Hàm Luông, cuộc sống phẳng lặng với những khu vườn cây trái trĩu quả. Trong nhà ủy ban xã chỉ có một cô thợ may gương mặt, dáng vóc nhẹ nhõm như một nữ sinh. Chúng tôi hỏi gặp ông chủ tịch, cô chỉ cười, bảo mấy anh chờ chút đỉnh. Cô bưng nước ra mời khách, rồi mời các anh làm việc. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, chúng tôi đang ngồi với ai... Câu chuyện thật khó khăn, bên hỏi thì dài dòng, còn bên trả lời thì nhát gừng. Cho đến lúc Nam loay hoay chụp ảnh, chân đá vào chiếc Honđa dựng sát tường, cô chủ tịch vội thanh minh rằng vô ý quá, không cất chiếc xe bị hỏng làm vướng khách... câu chuyện giữa chủ và khách hào hứng hẳn lên. Mươi phút sau phóng viên Hải Nam bê xe ra hiên nhà và bắt đầu tháo rời từng bộ phận xếp ra cái chậu. Nam hí hoáy cho đến giờ cô chủ tịch bưng mâm cơm rượu lên đãi khách thì chiếc xe đã chữa xong, gảy nhẹ đã nổ máy. Sáng sau, cô chủ tịch trẻ lại dậy sớm thổi cơm gà gói cho khách văn lên đường. Cô tự lái xuồng máy đưa hai đứa chúng tôi lên thị xã. Con sông đẹp quá, nước phù sa ngậy như mỡ. Tôi nghe phóng viên ảnh Hải Nam thỉnh thoảng lại xuýt xoa khen thiên nhiên đẹp, nhưng khi mở máy chụp tôi chỉ thấy nghệ sĩ hướng ống kính về cô chủ tịch chứ chả thấy chụp sông một kiểu nào. Về đến cơ quan Đại diện mấy ngày sau tôi đã lại thấy ảnh Hải Nam chụp cô chủ tịch lái xuồng cười rất tươi với lời chú thích Nữ dân quân Hàm Luông... Nữ dân quân Hàm Luông có lần lên Sài Gòn tặng cho tác giả ảnh cả một sọt chôm chôm. Hải Nam chỉ cho tôi ăn chôm chôm, chứ không cho gặp người...
         
                     Tôi đã tự nghiệm chuyến đi nào mà nhàn nhã làm việc với gái đẹp thì y như rằng thất bại, hồn vía lên mây, không viết nổi một bài. Vì thế tôi rắp tâm trở lại Bến Tre một lần nữa, chỉ đi một mình lang bang nay đây mai đó may ra gặp được quý nhân...
                      Mờ sáng hôm ấy, Sĩ Bình đang loay hoay việc gì đó ở cửa ra vào. Tôi bụng bảo dạ, tay này hào hoa, mặt mày sáng láng, gặp hắn đón cửa có lẽ hên. Hên thật, chưa đến Bến Tre đã hên. ấy là đến Mỹ Tho tôi bỗng dưng đổi hướng rẽ vào trại nuôi rắn của Quân khu 9. Bước vào nhà khách trại rắn, tôi bắt gặp ngay cảnh giữa mấy cha đang nhậu tới số có một ông mặt mũi tưng bừng, cuốn quanh cổ con rắn hổ bằng cán cuốc, tay cầm cổ rắn hướng lên miệng giả làm cái micrô để hát Tiếng chày trên sóc Bom bo. Tôi nghĩ lại một chuyến đi thú vị rồi.
                       Chưa cần phải giới thiệu, ông cuốn rắn quanh cổ như cuốn khăn đã hỏi tôi: Chú thứ mấy?
                      Tôi bảo út.
                      Ông nói, chú kêu tôi là Tư, Tư Dược. Vậy thôi, chú út ngồi xuống nhậu chơi. Tới số đi.
                       Tôi sống những ngày thật vui và luôn luôn ngạc nhiên về những việc làm của người nuôi rắn độc lấy nọc. Nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chẳng hạn để quen hơi với rắn hổ, ông Tư ăn ngủ sát gian nuôi rắn, lại còn trổ cửa để nhiều khi đặt lưng xuống giường thấy cồm cộm, chết cha, thằng hổ chúa đã mò sang đòi chung giường từ lúc nào...
                      Dăm ngày sau, từ trại dược ra với một ba lô rựợu rắn, tôi không quay lại Ban đại diện mà dông thẳng Đà Nẵng, nơi tôi đã hò hẹn với vợ chồng nhà văn Nguyễn Bảo, thế nào cũng ghé thăm, vừa rong chơi, vừa viết. Bài ký viết về trại rắn đem in ở Văn nghệ quân đội mới phát hành được ít ngày tôi nhận được cú điện thoại với những lời trách cứ nóng nảy của ông Tư Dược. Ông giục tôi phải vào ngay trại dược để giải quyết hậu quả. Tôi làm báo cũng có khi anh em bảo viết phịa, nhưng chưa bao giờ bị người được viết bài phản ứng gay gắt như trường hợp ông Tư. Vì thế, không thể thoái thác, tôi lại lên tàu đi Mỹ Tho.
                    Gặp lại tôi ở trại dược, ông Tư giữ tay tôi khư như sợ tội đồ chạy trốn. Nguy nan rồi, tôi thoáng nghĩ. Ông Tư lôi tôi vào một gian nhà chỉ có mỗi một tráng lão râu tóc luôm nhuôm, cơ thể sần sẹo và vạm vỡ như đô vật đang ngồi hút thuốc rê phả khói như tàu hỏa.
                      Ông giới thiệu tôi với tráng lão: Chính là cha này viết báo phong cho Tư Dược là người nuôi, bắt rắn độc nhất vô nhị ở vùng Cà Mau – U Minh,lại còn biết khiến rắn hổ nhả nọc.
                       Ông già nhìn tôi lừ lừ, tay cầm con dao nhọn gọt xoài, kêu tôi ngồi nhậu để nghe ông hỏi: Ra chú viết báo bảo cha Tư đây biết sai rắn hổ nhả nọc?          
                      - Dạ...
                      - Chú viết vậy là ba láp... nhìn đây...
                      Tôi và ông Tư chưa kịp phản ứng gì, thì tráng lão cầm con dao nhọn gọt xoài bất ngờ rạch hai đường chéo lên ngưc mình, tứa máu...                           Không hề đau đớn, ông buông dao, bảo:
                       - Nói cho mấy cha biết đây, Tư Tượng đây thời trẻ từng chim vợ một thằng Tây, sợ bị nó trả thù nên vào U Minh ở, rồi quen, bắt rắn ở rừng đã ngót tám mươi năm, bị rắn đớp da dẻ toàn sẹo, không còn biết đau nữa, vậy mà chưa từng thấy ai khiến được rắn hổ nhả nọc. Các cha đi làm cách mạng, làm tuyên truyền mà ăn nói ba láp, để lừa dân ư ?    
                       Biết rằng với tráng lão một đời bắt rắn như Tư Tượng thì trăm nghe không bằng mắt thấy.Ông Tư Dược sai mấy sắp nhỏ đem đến một con rắn hổ. Ông đặt chiếc đĩa tráng men xanh ra chiếu, rồi hai tay vuốt nhẹ trên mình con rắn để làm quen. Chốc lát, ông ghếch đầu con rắn lên đĩa rồi bất ngờ bóp vào huyệt ở cổ rắn. Con rắn ngóc đầu, bạnh mang khẹc một tiếng, phun lấm tấm bụi nọc độc ra đĩa. Xong, ông gọi sắp nhỏ đem con rắn đi...    
                       Ông Tư Tượng nhìn Tư Dược khiến con rắn hổ nhả nọc không bỏ qua một chi tiết. Thực là rắn nhả nọc, chứ không nói giỡn. Ông Tư Tượng chắp hai tay trước mặt, cung kính kiểu nhân vật Lương Sơn Bạc:
                        -Tư Tượng này tưởng làm thầy bắt rắn trong thiên hạ, nay thì xin bái phục mấy cha... Xin dập đầu làm đệ tử.
                        Nghe đâu sau đó ông Tư Dược ra quyết định tuyển tráng lão Tư Tượng vào làm ở trai dược liệu Quân khu 9. Nhưng ngay trong chuyến đi Cà Mau bắt rắn với tư cách lính trại dược, ông Tư Tượng bị rắn hổ mổ vào huyệt hợp cốc, vô phương cứu chữa, chỉ còn trăng trối lại một câu với anh lính đi cùng: Hết thời, chết... Ông được mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ Cà Mau, như một người lính...
 
                       Tôi có một chuyến đi công tác thú vị nữa, xuất phát từ 36 Lý Tự Trọng, được xe Ban đại diện đưa ra tận bến Ba Son và lúc lên tàu có màu sắc anh khóa đi thi bởi có mấy em bên Đài truyền hình thành phố vẫy tay lưu luyến...
                       Tôi đi Trường Sa, mặc chiếc áo sơ mi xanh lấy được của Hoàng, cứ như là một chuyến du lịch ra hải đảo.
                      Tôi nhớ, chuyến ra đảo thật sự khởi hành từ Cam Ranh vào chiều 16 tháng 3 âm lịch. Cánh nhà báo, rồi văn nghệ sĩ , đặc biệt là các cô văn công sau này kéo nhau ra đảo thường được bộ đội hải quân tổ chức cho đi vào dịp tháng ba này. Hàng năm cứ đến tầm tháng ba âm lịch là thời tiết biển chuyển mùa, gió bắc đuối dần, bàn giao mặt biển cho gió đông nam. Cuộc bàn giao giữa hai chiều gió thường dùng dằng chừng một tháng. Đó là tháng mặt biển yên ả, dành cho những người nhát sóng ra đảo như tôi.
                      Tàu xuất phát từ chiều hôm nay, đến chiều mai thì đảo lớn Trường Sa đã trước mặt. Đảo thấp, nhìn từ xa chỉ như chiếc mảng đang trôi.
                      Chân ráo, chân ướt bước lên đảo, chủ khách chưa kịp hỏi han, ông Tiến Cai Đảo trưởng đã hỏi tôi có theo tàu đi đổ bộ lên đảo Đã Giữa không. Trường Sa là quần đảo lớn, việc đảo này sang đảo kia không dễ có dịp. Tôi xách ba lô quay lại tầu, đi tiếp.
                       Đảo Đá Giữa, phần nhô lên mặt nước chỉ bằng sân bóng chuyền. Là cái sống cát san hô, phủ đầy phân chim. Từ tàu lên được cái sân bóng chuyền này phải lội bộ băng qua vành đai đá san hô lập lờ mặt nước, chỉ có thể dò từng bước. Trên đảo, buổi chiều chúng tôi đổ bộ lên chỉ có chim. Chim nhiều vô kể, nếu không xua thì chúng đậu cả lên đầu vì tưởng người cũng là các mô đá...
                       Chim bay tối mắt, nhưng bắt được những chú ó biển- loài đáng được đưa vào thực đơn bữa tiệc trên Đá Giữa- là không dễ. Loài này tinh khôn, chỉ trong chốc lát đã tự hiểu tính mạng bị đe doạ từ chủ mới của đảo. Chúng bay ra đậu kín trên những mỏm đá nhấp nhô ven đảo. Để tóm được lũ ó ranh ma, người bắt chim phải định hướng trước khi lặn xuống nước. Lặn một hơi, đến sát mô đá thì bất đồ nhô lên, quờ tay tóm vội lấy vô số chân chim. Đề phòng những chú chim mỏ sắc nhọn có thể tấn công, người bắt nhanh chóng dìm chim xuống nước, rồi cứ thế mà dong về bếp đảo...
                          Chúng tôi khao nhau bữa chim nướng rồi tìm cây cọc trôi dạt nép nước để mắc võng chống bọ bò lổm ngổm trong bãi phân chim. Ngủ trên mặt nước tưởng dễ ngon giấc, nhưng tôi đã thức trắng đêm. Không phải vì lạ nước, lạ cái, mà thức vì cảm giác chênh vênh nằm võng trên ngọn sóng Trường Sa bắt gặp kỷ niệm bao đêm rừng Trường Sơn... Thật khó biết trước tôi lại có một đêm tăng võng trên đảo...
                         Từ Đá Giữa trở về Trường Sa lớn đang như ngày hội. Thì ra ngay sau tàu chở thực phẩm và chúng tôi, có tàu đưa đoàn văn công của bộ đội hải quân ra đảo. Lính gặp văn công như rồng gặp mây. Đảo râm ran tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát. Đảo trưởng Võ Tiến Cai túi bụi lo toan tiếp khách. Khác với mọi ngày, ông cắt cử đến hai tiểu đội lính gác ở mọi xó xỉnh của đảo. Ông phòng xa, sợ lính lâu ngày ở đảo, gặp các cô văn công, lỡ có chuyện gì thì mang tiếng... Nhưng chẳng có chuyện gì cả. Các cô ầm ĩ đến rồi các cô thút thít chia tay. Chỉ có một anh lính đẹp trai quê Thanh Hóa là bị bỏ bùa...
                        Tôi biết chuyện anh lính bị bỏ bùa sau một tháng ở lại đảo. Hôm lên tàu về đất liền, anh lính ôm đến chiếc hộp gò tôn, nhờ tôi chuyển về địa chỉ của một trong số các cô văn công vừa ra đảo... Tôi ôm chiếc hộp chứa đầy san hô đỏ về Sài Gòn, rồi ôm ra Hà Nội. Rồi lại ôm từ Hà Nội xuống Hải Phòng, ngược xuôi tìm được tận nhà riêng của cô đào trẻ. Tôi đến, nhưng chỉ ngõ thì lẳng lặng ôm chiếc hộp tôn san hô đỏ quay ra bởi phải nhường đường cho nhà trai trên phố bưng quả trầu cau đến xin cưới... Tôi sững sờ như vừa đánh mất cái gì đó, nhớ khôn nguôi anh lính ở đảo xa. Giờ này hôm nay anh có lặn ngụp để tìm san hô đỏ cho một lời hen vội...
                        Sau này tôi kể lại chuyện trên cho chị Mai Trang, đạo diễn phim tài liệu của Xưởng phim Quân đội làm một cái phim tài liệu có tựa đề Sóng Ngầm. Phim làm xong, trình chiếu nhưng sức hấp dẫn không nhiều, bởi cô văn công từ chối sự có mặt trong khuôn hình...
 Sau chuyến đi Trường Sa, tôi rời ban Đại diện vào lúc 2giờ sáng để kịp chuyến xe đò tốc hành chạy suốt Sài Gòn- Hà Nội. Giờ ấy, cả khu nhà 63 Lý Tự Trọng sáng đèn như ban ngày nhưng vắng heo. Không còn biết gọi ai vào khuya khoắt này. Tôi nhớ đến nhà thơ bạn hữu Đỗ Trung Lai đã một lần phải tự bẻ cửa sắt để kịp ra ô tô giao liên đi Phnômpênh, nên liều làm theo... Nghiêng người ra cửa, tôi xách chiếc túi du lịch nhàu nát như hành khất khoan khoái thả bộ trên các đường Sài Gòn rợp bóng me giờ này mới thực sự yên ngủ. Đến gần Nhà thờ Đức Bà, tôi vẫy được xích lô. Ra bến, tôi lên đại chiếc xe đò tốc hành Nam- Bắc ngủ gà ngủ gật chờ mua vé trên xe. Xe đã khởi hành. Tôi yên tâm ngủ cho đến khi cậu lơ xe vỗ vai, nhắc mua vé. Bấy giờ tôi mới biết nhầm xe đi Vũng Tàu. Nói ra sợ bạn đường cười, tôi bấm bụng xuống Vũng Tàu rồi lẳng lặng tìm lối về lại xa lộ Biên Hòa để vẫy xe ra Bắc. Dập dềnh đến ba ngày hai đêm tốc hành, xe ra đến Thanh Hóa. Cũng là lúc trong túi áo tôi chỉ còn đủ tiền mua hai ổ bánh mì khô như rơm để cứu đói... Rồi cũng về đến Hà Nội và biết rằng đó là chuyến đi cuối cùng của tôi với tư cách phóng viên báo Quân đội vào thường trú trong ban Đại diện. Chuyến cuối cùng... Nếu biết trước vậy, tôi sẽ không vội vàng bẻ khóa...
Về nhà đến mấy ngày tôi mở túi hành lý, chỉ thấy một xấp ảnh đen trắng chụp trong các chuyến đi là đáng quý. Tôi ném xấp ảnh vào ngăn tủ và bỏ quên ở đó liền mấy chục năm. Cho đến mới rồi dọn đồ, chuyển nhà tôi may mắn nhặt lại được nguyên vẹn xấp ảnh cũ, đã bợt màu, người và cảnh như trong sương núi... Như trẻ con chơi trò xếp hình, tôi ngồi hàng giờ ngắm lại từng ảnh, xếp ảnh nọ vào cạnh ảnh kia, cố xếp theo thời gian, khung cảnh một vùng đất, một chiến trường, một kỷ niệm... Hơn hai mươi năm rồi. Bao gian nan và buồn bã của nhiều cuộc hành trình, bao chuyện sống chết chiến trường giờ cũng chỉ bập bõm, nhớ sao hết những gương mặt một lần trong ống kính, kể cả những gương mặt của người mà dọc đường sống và hành nghề tôi đã từng vịn vào vai họ mà đi cho vững... Xin cáo lỗi cùng tri âm...                                                                             
 
[ Print this page ]In bài   Trang trước [ Top page ]Đầu trang


Gửi ý kiến
Họ tên
eMail
Điện thoại
Địa chỉ
Nội dung:
   
Các bài đã đăng:
   Thơ Lê Văn Vọng khởi nguồn từ những điều bình dị (*)(12/10/2009)
   Lê Giang còn khóc ngon lành(11/10/2009)
   Danh sách hội viên Hội Nhà văn vần L(11/10/2009)
   Mai Văn Phấn - hai tập thơ, hai mảng màu hiện thực(11/10/2009)
   Trốn họp và lười vỗ tay(11/10/2009)
   Độc hành Mai Văn Phấn(11/10/2009)
   Phạm Nguyên Thạch(11/10/2009)
   Về nữ sĩ Nobel văn chương Herta Müller (10/10/2009)
   Tập thơ mới của Vi Thùy Linh – bùng khởi khát vọng thanh xuân, đam mê và ám ảnh(10/10/2009)
Sự kiện
10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thập kỷ
Nhân vật
Tiếng nói đáng tin cậy nhất của nước Mỹ
Bình Luận
Trách nhiệm cao đẹp của người nghệ sĩ
Giới Thiệu Sách
Nhiệt đới buồn
Mùa xuân với “Lời ru ngọn cỏ”
Chiến lược nhân tài của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay


 
 
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Địa chỉ: 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: (84-43) 9448134 * Fax: (84-43) 8263777
Email: vanvn.net@gmail.com / hoinhavanvietnam@gmail.com
Tổng biên tập: Hữu Thỉnh
Giấy phép số 77/GP-TTTT- Cục Quản lý Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử- Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/8/2008.
Hội Nhà văn VN giữ bản quyền nội dung trên website này.
Xây dựng, phát triển: iDesign