"Tôi không thể tưởng tượng và hiểu được: một dân tộc có 4000 năm văn hiến, dũng cãm, dám đánh và đã chiến thắng 4 cường quốc mạnh nhất thế giới trong chưa đến nữa thế kỷ để giành lấy Độc lập và Tự do lại để thế hệ con cháu phải đi ra làm ăn tại nước ngoài do không đủ sống, sinh ra ăn trộm?" Đó là lời của ông Tanaka Masao, cảnh sát viên Nhật Bản...
Ông Tanaka Masao là một cảnh sát viên của tỉnh GUNMA đang tham gia điều tra vụ bắt phó cơ trưởng Hàng không VN, một người có cha từng là cố vấn quân sự cao cấp của Việt Minh trước đây đã nói như thế này: nguyên nhân khổ cực đến nỗi các tu nghiệp sinh VN phải tham gia vào đường dây ăn cắp của hãng Hàng không VN.
Vậy thì tại sao ra nước ngoài làm ăn mà vẫn không đủ sống sinh ra ăn trộm? Đây là một bài toán kinh tế-xã hội-văn hóa- đạo đức cần sớm có lời giải nếu chúng ta tiếp tục muốn tham gia thị trường lao động thế giới!
Trước hết chúng ta phải thành tâm cảm ơn các cơ quan chức năng Nhật Bản đã cất công điều tra và sớm đưa ra ánh sáng những việc làm nhem nhuốc của một số công dân Việt Nam đã gây ra trên đất Nhật. Thuốc đắng dã tật! Điều này rất giống với nhiều trường hợp trong xã hội Việt Nam ngày nay: Nhiều ông bố, bà mẹ bất lực không dạy bảo, không quản được con thôi thì đành phải nhờ công an, đoàn thể...Tuy như vậy có thể coi là nhục nhã và xót xa: Đẻ con ra mà không dạy bảo được nhưng như thế còn hơn rơi vào tình cảnh: mặc dù con cái mình sa đọa, hư đốn, nghiên ngập nhưng lại tìm cách bênh con chằm chằm.
Theo Nhật báo Asahi Shinbun ra ngày 18/12 đưa tin, từ hôm 10/8, cảnh sát quận Kumamoto đã bắt hai tu nghiệp sinh người Việt Nam với tội danh ăn cắp hàng hóa tại một trung tâm mua sắm. Tổng số mỹ phẩm mà hai thực tập sinh Hoàng Văn Hùng và Lâm Tăng Túc (đều 23 tuổi) trộm được lên đến 260.000 yen (xấp xỉ 3.000 USD).
Cảnh sát cho biết Hùng và Túc đến Nhật làm việc cho một công ty xây dựng từ hồi tháng 2 năm nay. Hằng tháng họ được trả 70.000 yen, (khoảng 900 USD) và gửi về Việt Nam 50.000 yen. Họ thú nhận với 20.000 yen còn lại thì không thể sống nổi ở Nhật Bản nên phải ăn trộm.
Không đủ sống nên phải đi ăn trộm, ăn cắp: một lôgich không mới? Vậy tại sao lại bị đẩy vào tình cảnh này, các doanh nghiệp Nhật trả lương cho những người này mức lương 900 USD so với mức sống đúng là không cao nhưng không thể nói là không đủ sống; vấn đề tại sao đám Hùng, Túc lại làm liều? Trước hết chúng ta phải tìm nguyên nhân sâu xa phải từ những giây mơ rễ má này để tìm ra bài thuốc đặc trị cho các trường hợp khác, ngăn ngừa trước...
Một thực tế là: những con em Việt Nam đi ra nước ngoài làm ăn đều xuất thân từ các gia đình nghèo khó ở nông thôn, tuổi đời còn non trẻ dễ bị tình cảm thôi thúc, cám dỗ dẫn đến liều lĩnh. Việc giành 2/3 khoản tiền gửi về nước có 2 khả năng:
1/ Để giúp đỡ gia đình, bố mẹ, anh em: động cơ không xấu;
2/ Để trả những khoản nợ chìm, nợ nổi mà những người đi xuất khẩu lao động phải bỏ ra để “chạy” để được đi xuất khẩu lao động nước ngoài; đây là một thực tế?
Như vậy bài thuốc đặc trị về tệ nạn này đối với các doanh nghiệp đưa người ra nước ngoài theo dạng xuất khẩu lao động không chỉ làm mỗi việc: ký hợp đồng với phía cần tuyển lao động; chiêu mộ người có nhu cầu, thu phí hoa hồng, làm hộ chiếu, xin cấp viza và vé máy bay coi là xong trách nhiệm. Qua vụ việc này cho thấy: Trước khi đưa con em ra nước ngoài cần phải có nhưng thao tác giáo dục, hướng dẫn không chỉ về nghề nghiệp mà cả văn hóa, lối sống. Còn nhớ vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi chúng tôi được cử đi học tại các nước Đông Âu thường được tập trung tại Hà Nội hàng tháng trời để nghe giảng giải, để quán triệt nhiệm vụ, phải học cách ứng xử, thích nghi với văn hóa xứ người. Việc đưa người đi ra nước ngoài hiện nay có thể nói là quá ư đơn giản, tổ chức quản lý ở nước ngoài lại quá ư lỏng lẻo; rất nhiều trường hợp người lao động bị đẩy vào tinh cảnh: đem con bỏ chợ...
2/ Các cơ quan chức năng cũng cần điều tra, thanh tra các doanh nghiệp xuất khẩu lao động xem họ ký hợp đồng như thế nào với các doanh nghiệp nước ngoài có phù hợp với mức sống, điều kiện sống của người Việt Nam; rồi thì các khoản phí mà họ thu có hợp lý, có công bằng hay không hay họ đã đẩy những người đi xuất khẩu phải rơi vào tình cảnh phải è cổ ra gánh sưu cao, thuế nặng...Dẫn tới túng thì phải tính; bần cùng sinh đạo tặc...
3/ Vấn đề quản lý người xuất khẩu ra nước ngoài không thể không có bàn tay của gia đình. Các doanh nghiệp xuất khẩu trước khi đưa người đi phải làm công tác tư tưởng cho các gia đình thấy trách nhiệm góp phần động viên và quản lý con em của họ khi xuất khẩu. Xuất khẩu lao động đúng là để tìm công ăn việc làm nhưng không chỉ vì tiền mà bất chấp mọi thứ; phải chỉ ra cho gia đình và các đối tượng xuất khẩu thấy vấn đề tuân thủ luật pháp, tuân thủ phong tục, tập quán nước sở tại là vấn đề sống còn nếu ai muốn tham gia thị trường này...
Đó là đối với các đối tượng xuất khẩu vi phạm pháp luật Nhật Bản; đối với nhân viên của Vietnam Airlines thì việc họ chủ động tham gia vào đường giây này quả là một điều khó hiểu? Các cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm chủ động đề nghị với phía Nhật Bản điều tra làm rõ: Chính các nhân viên của Vietnam Airlines chủ động, bày xui, dụ cho các thực tập viên người Việt đi ăn trộm hay do những người này thấy việc ăn cắp ở Nhật qua dễ dàng nên lôi kéo nhân viên hàng không tham gia, tiếp tay.
Có làm rõ điều này thì mới có phương thuốc đặc trị. Đối với nhân viên của Vietnam Airlines, chúng tôi không tin họ là những người bị đẩy vao thế bần cùng nên phải đi ăn trộm để đủ tiền nuôi vợ, nuôi con, bao bồ. Hay họ đang phải trả một khoản thuế ngầm nào đó nên họ phải có cách “lấy của ăn cắp trả cho những kẻ ăn cắp”...Rồi đây theo chúng tôi Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng cần công khai với cơ quan cấp trên về chính quyền cũng như về Đảng để xem chế độ đãi ngộ, các biện pháp quản lý nhân viên của Hãng như thế nào mà thấy các tệ nạn trong ngành hàng không cứ liên tục phát triển trong những năm gần đây. Quản lý những người làm trong ngành hàng không phải khác việc quản lý những người làm công tác xe ôm của Nghiệp đoàn xe ôm chứ. Vì nó liên quan tới an ninh, an toàn cho khách hàng và còn danh dự dân tộc, quốc gia, Lãnh đạo Vietnam Airlines cần làm rõ những điều này trước công luận, tại cả diễn đàn Quốc hội cho mọi người biết để cùng tham gia quản lý, giám sát ăn ở với nhau trong nội bộ ngành này như thế nào? Nếu quả thật họ bất lực, họ không có cách nào quản lý được việc ăn trộm, chở hàng lậu của các nhân viên của Hãng mình thì họ phải nhờ ngay các cơ quan trong nước đừng để cho các cơ quan nước ngoài ra tay chấn chỉnh giúp.
Đây cũng là một trong các nội dung đã được quy định tại Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ chính trị và Thông báo 159-TB/TW của Ban Bí thư “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; quy định về chế độ công khai minh bạch về quản lý cán bộ, công nhân viên...
P.L.T
|