Ba
Sáng hôm sau mình ra sân bay.
Cảnh cuối cùng trước khi ra đi khắc tạc vào tâm trí mình. Bố đứng không vững bên cánh cổng, bàn tay rung rung chìa ra nắm lấy tay mình. Mình ôm lấy bố, nước mắt ứa ra. Bố yếu quá. Những sợi tóc vốn đã bạc màu, giờ trông càng xơ xác.
Cố chạy thật nhanh, mình sợ niềm thương cảm, sự yếu đuối lúc này giữ chân mình lại. Dù mang khát vọng, quyết tâm đi tìm một con đường nghiên cứu và phương thuốc chữa căn bệnh của bố mình, nhưng mỗi lần trở về căn nhà xưa cũ, trong vòng tay của bố mẹ, mình vẫn không thể nào thoát khỏi cái cảm giác bé bỏng như hồi còn thơ ấu. Mình lại thấy kém tự tin, muốn vục đầu vào lòng mẹ mà khóc như xưa.
Hai ngày sau mình bắt tay vào công việc. Chương trình hợp tác đa quốc gia mà mình tham gia có nhiều lĩnh vực từ việc nguyên cứu tác động của sự phát triển công nghiệp đối với môi trường, sự ô nhiễm nguồn thức ăn, để khuyến nghị chính sách với các chính phủ hoặc mở đường cho việc chế tạo những loại thuốc chữa bệnh. Với mình, ngoài chương trình làm việc chung, mình còn có chương trình riêng, với một quá trình nghiên cứu lặng lẽ song không ngừng. Việc gắn liền với một môi trường làm việc chuyên nghiệp mình có điều kiện để nâng cao các kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và có thêm các quan hệ với những giáo sư đến từ nhiều nước để có thể học hỏi và trao đổi thêm.
Mình quen thêm bạn bè ở nhiều nước. Những nhà khoa học trẻ đến từ Nước Mỹ, nước Anh, Đức, và Úc… Mình cũng gặp được giáo sư Myriel, một người Pháp đến Mỹ đã lâu và hiện là người có vai trò quan trọng ở bộ môn hoá dược thuộc trường đại học Harvard. Trong câu chuyện mình có để lộ tâm tư, muốn dồn sức nghiên cứu về một loại thuốc thoái hoá não để chữa căn bệnh của bố mình. Giáo sư Myriel nói rằng, khoa học vẫn gặp phải những thách thức gay gắt trước việc tái tạo lại những vùng trí nhớ bị mất của căn bệnh quái ác này. Ông chia sẻ với mình những khát vọng và tâm tư đau đáu, nhưng ông bảo đó là khá vọng chung của những người làm khoa học chân chính. Chỉ có điều, biết bao nhiêu cuộc đời đã trôi qua với mộng ước bất thành này. Và dường như con người vẫn luôn bị tự nhiên vây phủ trong những bí mật không bao giờ có thể khám phá.
Mình có dịp đi đến nhiều xứ sở, tham quan nhiều khu công nghiệp, nhiều cơ sở chế biến thức ăn. Với con mắt khoa học mình được trang bị một cách nhìn có phần bi quan về những hiểm hoạ do cuộc phát triển của cách mạng công nghiệp đem lại. Vì lợi ích nhất thời ích kỷ của một tập đoàn, một tổ chức kinh tế nào đó mà người ta vô hình chung đã ngày càng đẩy đồng loại tới sự ô nhiễm, phá hủy môi trường trong sạch và đưa con người ngày càng tiến vào một thảm cảnh kinh khủng dường như không thể tránh khỏi ở tương lai.
Khi người ta đưa ra những cảnh báo toàn cầu như vậy thì mình, như một bản năng, luôn chạnh lòng đau đớn về cảnh đất nước, quê hương mình đang bị phá huỷ. Thời gian ở trong nước mình đã tận mắt nhìn những dòng sông chết, những hồ nước đen ngòm, hôi thối ngay giữa lòng Hà Nội. Đáng nói nhất là dòng sông Tô Lịch nổi tiếng một thời, nay chỉ còn là một rãnh nước hôi thối, đặc quánh len qua những phố phường, những khu dân cư. Và biết bao nhiêu khu phố khác, chưa mưa nước từ các cống ngầm đã dềnh lên tràn vào nhà của dân. Có những khu phố, hàng trăm người quanh năm sống trong vùng bị ngập nước thải. Trẻ em, người lớn da chân đều bị lở loét dài ngày không khỏi được.
Rồi những khu phố khác, rác tấp đầy ngoài trường học. Ống tiêm và xi lanh của bọn chích ma tuý vứt bừa bãi, chỉ cần sơ ý một chút là có thể dẫm vào chân. Nhiều khu phố trở thành nơi đánh bạc, bọn xã hội đen từ khắp nơi tụ về hoành hành. Ngoài đường trên những dãy phố, người ta bày bán sách dưới nền đường vào buổi tối. Không ít trí thức nghèo săn sách hạ giá cặm cụi tìm mua, bên cạnh là những cô gái điếm ế hàng nhoẻn miệng cười chào mời khách…
Một cái gì bừa bộn, hỗn tạp vây toả lấy cuộc sống Hà thành. Cái lịch lãm, sang trọng, quyến rũ của một thời dần chìm vào dĩ vãng. Mình thấy rùng mình, hàng ngày bao nhiêu trẻ em lớn lên từ cái môi trường kinh khủng ấy mang trong mình những căn bệnh truyền nhiễm. Cái ô hợp nhiễm dần vào đầu óc con người. Đến nỗi người ta quen dần với cả những cái dơ bẩn, và tầm thường hoá những gì mà xưa kia, các thế hệ cha anh đã từng coi là thiêng liêng, đáng để tôn thờ.
Bẵng đi một thời gian khá dài mình không liên hệ với mọi người. Dù không biết số điện thoại và nơi làm việc mới của mình, Huy thỉnh thoảng lại viết cho mình vài dòng thư theo địa chỉ email. Dù không muốn gặp lại Huy, nhưng rồi cuối cùng mình cũng viết lại vài dòng hỏi thăm sức khoẻ. Biết Huy đã ra trường và ở lại làm việc cho một công ty. Huy bảo trước mắt muốn làm thêm để có kinh nghiệm và dể có thêm một chút vốn để khi quay về có thể đủ điều kiện kinh tế mở ra một văn phòng riêng, chứ làm nhà nước với mấy đồng lương còm, tranh giành đấu đá trong cái vòng luẩn quẩn chẳng có chút tương lai nào.
Không ngờ, sau một chuyến đi Tây Ban Nha về, mình thấy trên cửa có mấy dòng chữ của Huy: “ Mình đến mà không gặp Ngân. Nhớ quá. Mình sẽ quay lại thăm Ngân nhé.” Mình gỡ tờ giấy từ trên cánh cửa, lòng gợn một chút bâng khuâng. Cái xao xuyến dịu nhẹ thoáng tan loãng đi sau vài giây. Mình lại ngồi bên khung cửa sổ rộng, nhìn xuống khu vườn phía trước. Tiết trời đã chớm đông. Không gian xám đục. Trong lòng mình dâng lên một cảm giác se thắt.
Ôi cô đơn…
Lại cái vết thương lòng không bao giờ có thể lành được của mình. Mình đã cố gắng để vượt lên, để chống chọi với mọi thiếu thốn tình cảm, chứ ở xứ này, cái cô độc có thể giết chết hoặc làm cho người ta phát điên lên được. Mỗi lúc phải đối mặt với cái cảm giác kinh khủng ấy mình thường nhắm mắt lại, cố không nhìn thấy, không nghe thấy, và không nghĩ gì. Cứ vậy, khi cái thời khắc yếu lòng ấy đi qua thì lại lao vào công việc bù đầu.
Mấy hôm sau, mình vừa bước trong phòng thí nghiệm ra. Mắt như mờ đi, chưa nhìn thấy gì đã nghe một giọng quen:
- Ngân!
Mình giật thót. Hoá ra là Huy.
- Sao Huy gầy thế này?
Huy tiến đến bên mình, cười cười:
- Muốn gặp Ngân quá, mãi mới tìm được địa chỉ của bạn.
Vẫn chẳng có gì khác, sôi nổi, nhiệt tình, chút gì nhạt nhẽo. Huy đã cố từng chút, từng chút để gây cảm tình với mình, nhưng Huy không thể nào hiểu được, những cố gắng ấy của Huy cứ trôi khỏi tâm trí mình, Huy không tạo được cảm giác gì rõ ràng. Một chút cảm tình, vừa đủ để không quá chán nản. Đôi khi cũng làm mình rung lên một cảm giác xao xuyến nhẹ nhàng, nhưng ngay sau đó là một sự nguội tắt đến mức mình thấy nó trở thành vô nghĩa.
Huy rủ mình đi ăn tối ở một nhà hàng châu Á. Lâu quá mới gặp lại nên không tiện từ chối. Lúc ăn, thỉnh thoảng Huy ngừng lại, im lặng nhìn mình. Nhưng mình không để cho Huy có cơ hội nào để biểu lộ thái độ thân mật thái quá. Tối hôm ấy, Huy đưa mình về nhà. Mình không mời Huy lên phòng mà chia tay luôn ở cổng ra vào khu chung cư.
Dù vậy, việc gặp Huy trở thành một cái cớ để mình phải đối mặt với những nỗi niềm sâu hoắm trong tâm hồn. Suốt cả đêm không ngủ được. Lạnh buốt trong lòng. Lạnh đến nỗi mình run lên. Mãi gần sáng mới chợp mắt một chút, mình thấy Khánh! Anh nhìn mình, ánh mắt buồn lặng, rồi anh nói:
-Anh có lỗi với em.
Mình hỏi:
- Anh với Ngọc thế nào?
- Ngọc đã bỏ đi rồi… Anh tìm mãi không thấy đâu.
Giật mình, tỉnh dậy. Sao cứ có một cảm giác như vừa được gặp Khánh. Vương vất đâu đây trong căn phòng này như có hơi ấm của anh.
Mình lấy một hơi thở mạnh, tự tát vào má mình, xua đuổi cái ý nghĩ phảng phất trong óc: “Thôi đi, sao lại yếu đuối thế.” Nhưng một câu hỏi khác lại ập đến, rút cục, Khánh là thế nào mà mình đã vất vả lắm vẫn không thể gạt được hình ảnh anh ra khỏi ký ức. Mình yêu anh ư? Nhiều lần mình đặt lại câu hỏi ấy, mình không thể trả lời nổi. Rút cục anh đã trở thành một ẩn số lớn trong tâm hồn mình. Bao nhiêu năm qua, anh trở thành một vết hằn trong tâm khảm, một vết thương huyền bí như định mệnh chi phối lên cuộc đời mình.
Cầm lấy điện thoại, mình bấm số của anh. Không liên lạc được. Đành gạt ý nghĩ về anh sang một bên. Nhắm mắt lại, quên hết mọi thứ.
Mười tháng sau, khi chương trình hợp tác giai đoạn một kết thúc, mình đứng trước một sự lựa chọn trở về nước hay sẽ đến với một nước thứ ba. Đang lần lữa chưa biết tính sao. Về nước lúc này, sẽ đoàn tụ gia đình, nhưng việc nghiên cứu sẽ đứt đoạn và dự định mà mình ôm ấp từ xưa vẫn chưa thực hiện được… Về nước, nghĩa là mọi điều kiện cần thiết cho công việc của mình đều có thể bị suy giảm đi. Còn đến với một nước thứ ba, như Anh hoặc Mỹ chẳng hạn, con đường tương lai sẽ còn mở ra, nhưng tuổi thanh xuân thì như một giấc mơ đang ngắn lại dần.
Một lần gọi điện mẹ bảo: “Về thôi con, bố mẹ già yếu quá rồi. Không về, sau bố mẹ chết, mày về còn ai nữa…” Mình thấy xót xa. Mẹ không hiểu được điều tâm niệm thầm kín trong lòng mình, nhưng điều mẹ nói là một sự thật vẫn thường canh cánh trong lòng. Đấu tranh mãi, mình quyết định dấn thân thêm một năm nữa. Mẹ buồn lắm nhưng cũng đành chịu. Có lần mẹ nói: “Con cũng phải lo chuyện chồng con đi. Con gái thành đạt đến mấy mà không có gia đình thì cuộc sống chẳng tốt đẹp đâu…”
Mình đâu có ngờ, khi mẹ đã nói thế cũng là lúc bố đã ốm yếu lắm. Bố được đưa vào bệnh viện chữa trong một thời gian dài. Cảnh thiếu thốn, cô đơn làm mẹ gầy gò và suy nhược đi. Tất cả những điều đó về sau mình mới biết. Còn thời điểm đó, mình đã nghĩ rằng, dù sao công việc ở nhà cũng tạm ổn. Mình phải tiếp tục dấn bước trên con đường của mình.
Một buổi sáng mình đến tìm giáo sư Myriel. Sau khi nghe lời thỉnh cầu của mình là xin được tiếp tục tạo điều kiện học tập và nghiên cứu trong chương trình hợp tác với trường Đại học Havard. Thầy nói:
- Thôi được, thầy sẽ giúp. Trước một ước mơ cao cả đến nhường ấy, thầy không thể không giúp em. Chỉ có điều, đó là con đường càng đi càng cô đơn rợn ngợp, và hãy biết kiên nhẫn đến tận cùng. Để đạt được một thành tựu nào đó, có khi phải mất cả một cuộc đời em ạ.
Mình không biết mình có đủ nghị lực như thầy nói hay không, dẫu mình cũng hiểu, chọn con đường nghiên cứu là con đường chông gai, con đường dấn thân.
- Em sẽ cố gắng thầy ạ. Hiện tại, em chưa thể nói trước điều gì, nhưng niềm mơ ước chế ra loại thuốc có thể chữa bệnh cho bố em là một ước mơ có thật, mạnh mẽ và chi phối toàn bộ hành động của em.
Nửa tháng sau thầy Myriel gọi điện mời mình đi ăn tối. Mình đến một nhà hàng châu Á ở một góc phố nhỏ. Thầy Myriel đã ngồi đợi mình từ trước. Thầy gọi những món ăn Việt Nam. Trong ánh đèn vàng ấm áp và làn điệu dân ca của Việt Nam, giọng ca ngọt ngào, nhuần nhị của Thu Hiền làm mình man mác. Không dễ gì gặp được một không khí như thế ở một nơi xa nước. Nỗi nhớ quê bồi hồi dâng lên trong lòng mình. Thầy Myriel ngồi trầm lặng thưởng thức những điệu dân ca mượt mà của Việt Nam. Rồi vừa chậm rãi nếm từng món ăn thầy vừa nói:
- Đất nước Việt Nam của em có những làn điệu dân ca rất quyến rũ.
Rồi thầy gắp thức ăn cho mình, nhìn mình với con mắt thân thiện, thầy nói tiếp:
- Thầy khâm phục cái ý chí sắt đá và niềm mơ ước cao đẹp của em. Đôi khi thầy tự hỏi, sao trong con người nhỏ bé, còn non trẻ như em lại có được một năng lực và một quyết tâm kỳ lạ dến vậy. Những điều em muốn làm, đó còn là thách thức với tất cả những nhà khoa học danh tiếng trong lĩnh vực hoá dược.
Mình tâm sự với thầy:
- Chắc thầy cũng hiểu, em sinh ra từ một xứ sở nghèo khó mới phải chống chọi với hoàn cảnh để sống. Còn ước mơ của em, nó bắt đầu từ nỗi đau khôn nguôi trong tâm hồn về căn bệnh hiểm nghèo của bố em. Lúc nào em cũng thấy tâm hồn mình như đang chảy máu. Suốt cả một tuổi thơ cay đắng, nghèo khổ bố mẹ em đã vật lộn để nuôi sống em. Vậy mà, khi em vừa mới lớn, chưa có một ngày thư thái, an nhàn, ông đã bị căn bệnh kinh khủng ấy hành hạ.
Giáo sư Myriel xúc động trước lời nói của mình. Lúc này trong phòng ăn có thêm vài người, chiếc máy hát đang ngân lên một bản nhạc không lời gợi về một dĩ vãng đồng quê man mác.
- Em tự thấy mình đã bị cướp đi một phần tuổi thơ êm ái. Khi ông còn trẻ, vẫn thường âu yếm và đùa nghịch cùng con gái nhỏ, nhưng thời gian ở nhà của ông quá ít. Chiến tranh và những công việc cơ quan đã lấy đi của ông tất cả…. Còn sau này, ông trở thành một người trầm lặng và ưu tư, và dần dần trở thành một người bệnh tật, trí nhớ đang dần dần bị xoá trắng. Ông đã quên đi cả những quãng đời đau đớn, những tháng năm hạnh phúc của mình… ông không còn nhớ nổi những kỷ niệm máu thịt của gia đình… Thầy biết không, mẹ em đã có lần kể lại rằng, mỗi lần đi công tác xa về, ông thường bế em, nựng nịu rất lâu. Trước khi đi làm, bao giờ ông cũng hôn con gái. Hồi ấy rất khó khăn, ông vẫn thường dành tiền để mua cho em những con búp bê. Sự thương mến mà ông dành cho em là rất lớn. Nó đã trở thành một dấu ấn không thể phai mờ qua năm tháng. Chính vì vậy, khi bố bị bệnh rồi, đã không còn nhớ được gì, nhiều khi em ngồi nhìn bố, nước mắt lưng tròng. Tự hỏi hay linh hồn bố đã biến đi đâu? Một cái gì oan nghiệt bí ẩn thuộc về tạo hoá mà con người bất lực hoàn toàn, không có cách gì thay đổi được ư?
Cuối cùng thầy nói:
- Thầy tự hỏi mình, tại sao không dùng những kinh nhiệm, những mối quan hệ của mình để cùng làm việc với em, vượt qua những thách thức để đạt đến một thành tựu nào đó. Hôm nay được nghe những gì em tâm sự, thầy lại càng muốn giúp em hơn. Thầy đã liên hệ với trường Havard để em được đến đó nghiên cứu trong môi trường có tính chuyên nghiệp cao của họ. Thầy cũng sẽ chuyển về đó trong mấy tháng tới và bắt tay làm việc cùng em một thời gian. Về kinh phí, thầy cũng đã tính đến rồi. Mọi điều chắc sẽ tốt đẹp. Thầy mong rằng em sẽ đạt được mọi ước nguyện.
Mình chuẩn bị để sang Havard như thu xếp của thầy Myriel. Nhiều đồ đạc phải bỏ di, một số khác thì chuyển cho các bạn cùng làm việc dùng. Con mèo là niềm day dứt lớn của mình. Nó đã ở với mình ngay từ những ngày buồn rũ đến héo hắt cả ruột gan khi mình từ Hà Nội mới đến với nước Pháp xa xôi…
Hơn bất kỳ một ai khác, con mèo đã ở với mình bằng lòng thân thiện, nó không cần quan tâm đến mình là ai, thông minh hay ngu dốt, mình đến từ xứ sở nào. Nó cũng không cần biết đến một ngày mình có đem lòng phản trắc bỏ nó lại một mình hay không. Đó là điều mà loài người tự cho mình thông minh, nhưng vốn dĩ đầy lòng nghi kỵ, định kiến không thể nào có được. Những đêm đông giá lạnh, con mèo đến bên, dũi dũi cái mõm ươn ướt của nó lên mu chân mình hay cạ cái đầu vào cánh tay mình. Cái cử chỉ tự nhiên biểu lộ sự chia sẻ ấy đã làm nên một tình cảm gắn bó, lặng lẽ. Nhiều hôm đi xa, mình nhớ đến con mèo, những chuyến đi công tác dài ngày và khi về Việt Nam nghỉ hè mình vẫn thường đưa nó đi gửi với một lòng lưu luyến mong gặp lại. Còn bây giờ… Bây giờ mình phải xa nó vĩnh viễn ư? Nhìn vào đôi mắt xanh của nó, đôi mắt không gợn một nghi ngờ, không hiểu gì nỗi day dứt trong lòng mình khi sắp phải xa nó, mình có một cảm giác tội lỗi. Mình đang tính đến chuyện bỏ nó lại ở đâu đó… Tất cả những người quen của mình đều đang chuẩn bị chuyển nhà hoặc không muốn nhận nó. Biết làm sao bây giờ…
Buổi chiều hôm ấy, khi đồ đạc đã soạn xong, mình ngồi thừ nhìn căn phòng đã gắn bó với mình suốt cả một thời gian dài. Cái khoảng trời xam xám kia, bao nhiêu lần mình đã nhìn lên đó, những con đường kia, đã bao lần in dấu chân mình.. Không biết đến bao giờ mình mới có thể trở lại đây, và nếu có trở lại nước Pháp, chắc gì mình đã có thể đến thăm nơi ở nhỏ bé này! Con mèo vẫn nằm trong tay mình, lặng im cho mình ve vuốt…
Lại một đêm mình trăn trở vì con mèo. Mình ôm lấy nó, vỗ nhè nhẹ bên hông nó. Nó cụp tai, dụi cái mũi lành lạnh vào tay mình rồi lại gáy khò khè. Mình chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong mơ, mình lại thấy con mèo. Trên con đường mù mịt giá lạnh mình bế con mèo chạy về một phương trời vô định. Không có một ai. Con mèo mang đến cho mình một luồng ấm nóng khác thường.
Sáng hôm sau, mình dậy sớm, cho mèo ăn và lại ve vuốt nó. Cuối cùng thì mình cũng cố gắng nhấc bước chân đi về một khu vườn đầy cây và hoa ở khu nhà bếp của trường đại học. Mình để con mèo lại đó. Xa xa, dưới một khóm hoa, một con mèo mắt xanh, lông rằn, to lớn cất tiếng kêu gọi bạn. Con mèo nhỏ của mình lúc đầu như co rúm lại, nhưng ngay sau đó, nó hướng cặp mắt về con mèo bạn. Nhân cơ hội ấy mình quay đi. Mình chạy thật nhanh trên lối mòn nhỏ khuất chìm trong hoa cỏ ra con đường lớn về nhà. Nước mắt mình vẫn còn rỉ ra.
Chưa kịp bình tâm thì có điện thoại. Giọng Khánh! Mình bồi hồi.
- Cuộc sống của anh thế nào?
- Em muốn hỏi về cuộc sống riêng với Ngọc phải không?
- Vâng.
- Ngọc đã chọn con đường của mình rồi…
- Sao cơ?
- Chuỵện dài lắm, Anh đang ở Pháp, anh đến thăm em nhé.
- Nhưng em sắp đi Hoa Kỳ.
- Dù sao anh cũng sẽ đến chỗ em bây giờ.
Khánh lại đến với mình bất ngờ, vội vàng như như một cơn gió. Trái tim mình lại đập run lên. Bao nhiêu là bồi hồi da diết khi gặp lại anh. Nhưng một nỗi hờn ghen, giận dỗi từ đâu bỗng dưng trào dậy. Anh là người đàn ông đã có vợ… Tình cảm của mình và anh không bao giờ được phép như xưa nữa… Một nỗi lạnh lùng đổ ập xuống tim mình. Không hồ hởi, tươi cười, mình đón anh với cái nhìn điềm tĩnh có phần xa lạ. Còn ánh mắt anh thì cứ găm vào mình. Anh đứng sững ở cửa.
- Vào đi anh.
Anh đặt túi xách xuống một góc phòng. Nhìn mình lúc lâu. Mình cũng nhìn anh mà như lạc vào một giấc mơ. Thực không thể nào tin nổi… Giống như trước đây, anh cũng đã từng đến trong một khoảnh khắc kỳ lạ, bí ẩn và đã làm xáo trộn cả cuộc sống của mình, đã để lại những kỷ niệm không thể nào phai nhoà trong trí nhớ.
Mình nhìn anh giây lâu, vẫn cái uy lực kỳ lạ không thể nào hiểu nổi ở anh cứ hút lấy mình. Mình hỏi anh có đói bụng không, anh gật đầu. Mình mang một ít bánh mỳ và bơ trong tủ lạnh mời anh.
- Ăn tạm chút xíu anh, rồi em sẽ làm đãi anh một bữa cơm Việt Nam, như hồi còn ở Hà Nội.
Lẽ dĩ nhiên, mình phải hoãn chuyến bay sang Hoa Kỳ thêm hai ngày. Thôi kệ, không có gì phải vội. Mình cùng anh đi thăm Paris, vào nhà thờ Đức Bà, lên tháp Eiffel, đi dạo dọc sông Seine. Đó là những kỷ niệm mà bất kỳ đôi tình nhân nào cũng mơ ước. Chỉ có điều, giữa cảnh ngộ ấy, mình và anh đã có nhiều xa cách. Mình hỏi anh, Ngọc và anh có chuyện gì. Anh thở dài, vẻ như ngậm ngùi một lát mới nói:
- Ngọc đã chọn một người đàn ông khác.
Mình hỏi anh tại sao, anh bảo:
- Có lẽ tại anh đã đối xử với Ngọc không đúng.
Mình thoạt nhớ lại giấc mơ như một điềm báo… nhưng mình không nói với anh. Còn Khánh thì kể về những tháng ngày nhạt nhẽo sau hôn nhân của anh. Hai vợ chồng đã chẳng chia sẻ được gì. Hàng ngày Ngọc thường ăn cơm trước và đi ngủ rồi anh mới về. Những ngày tháng lê thê trong sự câm lặng. Biết bao điều dồn nén thành uất hận đến nỗi cuối cùng hai người không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Cuối cùng, Ngọc đã quyết định chuyển vào Sài Gòn cùng một người đàn ông khác. Thế là cái gì phải đến đã đến. Anh lại thở dài:
- Thực khủng khiếp khi phải đối mặt với một cuộc hôn nhân không còn tình yêu. Cũng may, Ngọc là người thấu hiểu và biết tìm lấy một lối thoát.
Mình không hỏi thêm điều gì về anh nữa, không muốn gợi lại vết thương lòng của anh. Dù thế nào đi nữa, chuyện chia tay với một người vợ, đã từng có một thời gắn bó thân thương là một nỗi đau in hằn vào xương tuỷ. Sau tiếng thở dài, anh nói:
- Có lúc Ngọc cũng ghen với em… Ngọc biết rằng, trong lòng anh chỉ có một người con gái duy nhất đó là em.
Mình định trốn chạy những điều Khánh đang nói, sự thực từ khi Khánh lấy vợ, mình đã cố gắng để xua đuổi một cảm giác đau buồn và nuối tiếc về mối tình đã tan vỡ từ lâu. Với anh, còn lại là một niềm thân thương, một nỗi cay đắng và có thể cả một chút căm giận. Đến cả trong những giấc mơ mình cũng cố gắng để lẩn tránh. Vậy mà giờ đây anh đang gọi tên nó ra, khơi gợi lại một niềm đau đã mất…
Mình lại nắm tay anh, cả hai đi dạo trong một khu vườn đầy tiếng chim và thoảng hương hoa hồng.. Biết bao nhiêu năm tháng đằng đẵng trong đời mình mơ ước về một tình yêu thơ mộng trong một không gian tươi đẹp thế này. Và con người thường sống dậy trong những giấc mơ đầy khao khát ấy của mình không ai khác ngoài anh. Mình không thể không vương vào suy nghĩ và những hoài niệm mênh mông lại giăng mắc xuống hồn mình. Anh thì không giấu giếm niềm cảm xúc có lẽ đang dâng tràn. Anh nhìn sâu vào mắt mình mà nói:
- Anh chưa bao giờ có một khoảnh khắc nào hạnh phúc như những ngày này. Em là tình yêu không gì có thể sánh được của anh.
Nói vậy rồi anh lại lặng đi… có một cái gì buồn khó tả trong ánh mắt anh. Đó hẳn là một điều khủng khiếp nào đang ngăn cách mình và anh lại, chắc anh đã nhìn thấy những ngày ngắn ngủi này rồi sẽ lụi tàn trong đằng đẵng của chuỗi ngày sắp tới.
Mình cũng tự hỏi, sao anh lại đối xử với mình kỳ lạ thế… Dường như vội vàng tận hưởng niềm hạnh phúc. Nhưng anh cũng đã biểu lộ một nỗi lo lắng còn hơn cả bình thường. Con người gan góc như anh, hiếm khi có những biểu hiện như vậy. Và mình cũng đã linh cảm được một điều gì đang trĩu nặng đổ xuống tâm tư anh.
Hai ngày trôi vèo đi. Đêm cuối cùng, mình nói với anh:
- Ngày mai em sang Hoa Kỳ. Chưa biết kế hoạch của anh ra sao?
Anh như đã chờ đợi câu nói này đã lâu. Nhưng trả lời của anh càng gây nên sự khó hiểu cho mình:
- Anh biết em phải đi… Thì em cứ đi đi…
- Nhưng anh… Anh sẽ đi đâu?
- Để anh tính đã…
Anh im lặng, chừng nghĩ ngợi điều gì. Chưa bao giờ mình thấy anh có vẻ mất phương hướng và không biết sẽ làm gì như vậy. Dường như trước bất kỳ điều gì anh cũng dùng dằng suy nghĩ.
Ngày hôm sau mình ra sân bay. Trước khi chia tay, anh ôm mình rất chặt. Anh nhìn sâu vào mắt mình. Trong đôi mắt anh từ từ ứa ra hai giọt lệ trong vắt: “Em đi nhé, chưa biết bao giờ mới gặp lại em được… Cảm ơn em đã dành cho anh những ngày hạnh phúc…”
Sang đến nơi mình gọi điện cho anh. Số cũ đã không liên hệ được nữa. Thế là đành mất liên lạc với anh. Thực lòng mình thấy có chút hờn tủi. Dù đã lâu rồi mình không còn tơ tưởng, không còn nghĩ sẽ giành giật anh từ cái cuộc đời bịu bặm và lang bạt về cho riêng mình nữa. Nhưng sự xuất hiện của anh, đôi khi đã làm cho cuộc sống của mình nhuốm cả vị ngọt ngào và cay đắng. Những lần gặp lại anh đầy bất ngờ đã làm nên một chuyện tình chắp vá mà không một cô gái nào mong muốn…
Phải chăng số mệnh mình là vậy. Không có được một mối tình trọn vẹn. Anh, tình yêu sâu thẳm của hồn mình. Mỗi lời nói, mỗi hình ảnh của anh trong những khoảnh khắc gần nhau in đậm trong tâm trí mình, nhưng rút cục, mình không thể nào hiểu nổi về anh. Không thể nào cầm giữ được anh. Để rồi, cuối cùng, tất cả vẫn chỉ là dang dở.
Ở Havard mình là người chăm chỉ. Ngoài thời gian trên giảng đường và trong phòng thí nghiệm mình đăng ký đi làm thêm ở một cửa hàng châu Á và tham gia các buổi hội thảo khoa học. Người ta ngạc nhiên khi thấy một cô gái châu Á bé nhỏ, có thể đứng trong phòng thí nghiệm hàng chục tiếng đồng hồ một ngày, với một đam mê không gì có thể sánh nổi. Bạn bè khắp nơi đã hỏi mình, sao mình có thể làm việc với một nhiệt tâm kỳ lạ như vậy. Mình chỉ cười:
- Có gì đâu, các bạn quá khen…
Giáo sư Tom Christ, người tiếp nhận mình trên mối thịnh tình của giáo sư Myriel nói với mình rằng, hầu như mọi sinh viên ở đây đều có tham vọng. Họ muốn mình có một vị trí trong khoa học ở đất nước họ. Trường Haverd là một niềm tự hào lớn. Nhưng thầy hiếm thấy một người nào lại có một động cơ chân chính như mình. Việc làm khoa học với mình là để cứu người, dù động cơ trực tiếp nhất là để chữa bệnh cho bố mình đi nữa… Mình cảm ơn thầy đã nghĩ về mình bằng những ý nghĩ tốt đẹp như vậy. Và khi người ta đã thấu hiểu thì đồng nghĩa với mọi cánh cửa ngăn cách được mở ra. Giáo sư Tom Christ đã giúp mình giải mã ra những ẩn số kế tiếp nhau trên một hành trình có lúc tưởng chừng mịt mờ, tưởng chừng như sẽ phải bỏ cuộc.
Đầu năm sau, giáo sư Myriel trở lại Havard. Thực là một niềm vui hiếm có. Trong phòng thí nghiệm của thầy, mình đã góp phần vào việc tìm kiếm những công thức hoá học cho những loại thuốc chữa các bệnh về thoái hoá và sự rối loạn hoạt động chức năng của tế bào.
Một hôm, giáo sư Tom Christ đến gặp mình, thầy ngỏ ý mời mình đi ăn tối. Mình nhận lời. Sự thật, nếu có điều kiện để trò chuyện thêm với thầy về những lĩnh vực khác của đời sống, đó cũng là một điều may mắn. Bởi vì, thầy là một trong những con người nghiêm khắc trong khoa học và có tầm nhìn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.
Trong bữa cơm, thầy Tom Christ bảo:
- Thầy không có ý nhắc lại những kỷ niệm buồn trong quan hệ giữa người Việt với người Mỹ. Nhưng trong lĩnh vực hoá học, có một chuyện còn phải giải quyết, đó là hậu quả của chất độc màu da cam. Rất nhiều cựu binh Mỹ đã kiện chính quyền vì đã nói dối họ trong cuộc chiến vừa qua. Chất độc màu da cam đã để lại trong cuộc đời họ những di chứng nặng nề. Nếu có thời gian, em có thể đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực này không, để góp phần đòi lại sự công bằng cho những nạn nhân cả người Việt và người Mỹ?
Mình đã kể lại với thầy những ký ức đau xót trong tuổi thơ nghiệt ngã của mình. Hàng vạn trẻ em đã sinh ra trong tàn tật, hàng vạn trẻ em khác đã chết trong bào thai khi chưa được làm người. Hàng ngàn gia đình tan nát, vết thương lòng rỉ máu vì hậu quả của chất độc màu da cam.
Câu chuyện dường như không có giới hạn và đầy ảm đạm ấy đã khiến cho Tom Christ ứa lệ. Cuối cùng thầy nói với mình:
- Vậy thì thầy sẽ phải sang Việt Nam. Sẽ phải đến để gặp những con người đau khổ ấy. Và trong những năm sắp tới, nếu như còn sức lực, thầy sẽ làm một cái gì đó để vơi bớt đi những đau buồn của những kiếp người bị cái tham vọng của một số người trong quá khứ gây nên.
Sau buổi đó, mình và giáo sư Tom Christ trở nên thân thiết hơn. Sáu tháng sau, thầy bắt đầu có chuyến bay đầu tiên đến Việt Nam. Còn mình, ngoài thời gian trong phòng thì nghiệm, thỉnh thoảng cũng đến thăm một số gia đình người Việt. Mọi người đón tiếp mình vui vẻ. Hình như chẳng có chút gì ngăn cách mình với những con người tha phương này. Một đứa con gái bé bỏng không dính dáng gì đến cuộc chiến tranh kéo dài kia trong quá khứ. Người Việt với nhau, máu đỏ da vàng, giữa một nơi xa thẳm tận tây bán cầu này, gặp nhau đã thấy ấm áp rồi…
Điều đáng nhớ là mình gặp được một ông già ngoài bảy mươi tuổi. Tóc đã trắng. Đã trải qua những ngày khốc liệt của chiến tranh. Tên ông là Ngạn. Một người được Mỹ đào tạo để trở thành một nhà tâm lý chiến. Bây giờ thì ông sống trong một căn hộ nhỏ ở California. Trong phòng ông có một gian riêng thờ Phật. Ông là một phật tử. Hàng ngày ông dọc những cuốn sách về luân lý phương đông và đi quyên góp làm từ thiện.
Hôm gặp mình, ông Ngạn nói:
- Càng già, ông càng thấy cái cuộc đời này vô nghĩa. Con người chạy vào những dục vọng, gây nên những hiềm khích, thậm chí tiêu diệt lẫn nhau… Rồi họ được những gì? Chẳng được gì khác ngoài một tâm hồn thương tổn, một lương tâm rỉ máu. Bây giờ ông chỉ mơ ước có một điều, được trở về, thăm lại quê hương và nếu có thể, được chết trong căn nhà ngày xưa mình đã được sinh ra. Cái thân thể của mình, nếu như được vùi vào đất quê hương, nắm xương khô sau này được an táng cạnh nấm mồ của cha mẹ, đó là hạnh phúc lớn nhất… Nhưng, có lẽ, ông không thể thực hiện được mong ước ấy nữa rồi… Thời trẻ, cuộc đời ông đã bị cuộc chiến cuốn đi. Một cuộc chiến dã man và vô nghĩa… và thế là tan nát cả một cuộc đời…
Cháu gái của ông Ngạn có tên là Nga. Một cô gái trẻ sinh ra trên đất Mỹ, có mái tóc dài đen và giọng nói tiếng Anh thánh thót. Cuộc chiến tranh trong quá khứ với cô chỉ là một ký ức mờ nhạt mà cô được nghe kể lại qua những người xung quanh. Nó không gợn lên một cảm xúc nào thực đặc biệt. Nhưng rồi, khi làm quen với mình, Nga bỗng chú ý về nơi sinh thành của cha mẹ ông bà. Nước Việt Nam, cái đất nước xa xăm ấy không phải là tổ quốc của cô nữa… Cô phải dành thời gian để làm việc, để vượt qua những thách thức của một môi trường ngày càng cạnh tranh và đào thải, không sức lực đâu để sống với niềm hoài niệm xưa cũ từ những thế hệ trước. Vậy mà giờ đây cái ý nghĩ ấy đã biến mất. Cô biết lắng nghe và thấu hiểu những cảnh ngộ xung quanh, những niềm đau từ dĩ vãng dội về. Cô dành thời gian để tra cứu những tư liệu về cuộc chiến tranh tàn khốc, về những thảm cảnh chất độc màu da cam, về những cái chết vô cùng thương tâm của những người vượt biên trái phép đi định cư ở nước ngoài.
- Hồi ấy, đói khổ quá, nhưng trên hết là một niềm sợ hãi - Ông Ngạn tâm sự với mình và Nga- thấy người ta lén lút rủ nhau đi thì cũng đi thôi. Một cuộc ra đi đầy may rủi. Biết bao người lâm vào cảnh hết lương thực, đói đến chết và trôi lênh bênh trên biển cho đến khi thuyền bị sóng đánh cho ụp xuống. Cũng có người vì mâu thuẫn, tranh giành tài sản mà tiêu diệt nhau. Đấy, có cô Lâm mà các cháu từng gặp hôm trước đó, chồng cô ấy bị một người bạn bắn chết trên thuyền chỉ vì người bạn ấy mê cô ta và đem lòng phản trắc. Khi chồng bị bắn chết và hất xuống biển, đợi lúc kẻ giết chồng đang ngủ, cô cầm chiếc dao nhọn đâm vào giữa ngực y. Thế là tên sát nhân hự lên một tiếng, máu trào ra rồi dãy dụa. Cô ném y xuống biển. Sau này vào được bờ, nhập quốc tịch Mỹ, nghĩ lại những ngày ấy cô vẫn rợn người. Cô trở nên ít nói và ít giao du với mọi người, lúc nào cũng mang một mặc cảm tội lỗi.
Câu chuyện này về cuộc đời cô Lâm không hiểu sao làm mình cứ liên tưởng đến cô Maria Lê. Hai người phụ nữ ở hai phương trời khác biệt mà sao có những bi kịch dữ dội đến thế. Nhiều lúc mình cứ bần thần nghĩ về số mệnh. Cũng có thể một thế lực huyền bí nào đó đang chi phối đến cuộc sống con người. Cũng có thể, nền văn minh của nhân loại, nhất là trong lĩnh vực tinh thần còn có nhiều khuyết tật.
Công việc thì ngập đầy. Con đường vào khoa học cũng giống như đi tìm một vật lạ dưới đáy dại dương mênh mông. Biết bao nhiêu giả thiết, biết bao nhiêu hướng tiếp cận được đặt ra rồi lại thay đổi. Tuy nhiên, như một hành trình dài, cuối cùng cũng cần phải có một thời gian tạm nghỉ.
Một buổi tối, xếp công việc sang một bên, mình tự cho phép mình được thư giãn. Mình gọi điện về nhà. Người cầm máy là mẹ. Qua lời của mẹ, mình biết sức khoẻ của bố rất yếu. Mình muốn gặp bố thì mẹ nói bố đang ngủ. Mình bỗng có một dự cảm không yên lành trong lòng. Dường như có một điều gì mẹ đang giấu mình, dường như đã có một cái gì không ổn… đến với bố. Qua những tài liệu nghiên cứu về căn bệnh của bố mình có thể ước đoán những điều không tươi sáng gì đang đến với bố mình.
Câu chuyện gần đến lúc kết thúc thì mẹ lại nói:
- Còn chuyện thằng Khánh, con đã biết gì chưa?
- Sao mẹ? Anh ấy về nước khi nào?
- Khánh và Ngọc chia tay, cậu ấy đi đâu đó một thời gian rồi quay về nước kinh doanh, nhưng mấy hôm trước đã bị bắt rồi…
Mình buông máy, thấy một nỗi buồn rã rời. Mình thấm thía bi kịch của những người thân dội vào mình những cơn đau. Đó không còn là một điều mới mẻ, mình đã sống qua những năm ngập đầy nỗi đau giữa bi kịch chung của gia đình và căn bệnh hiểm nghèo của bố. Nhưng bây giờ, biết thêm về chuyện Khánh vào tù, mình không khỏi sửng sốt.
Qua những điều Khánh nói với mình, có lẽ anh đã tiên liệu về một tương lai không mấy sáng sủa. Cái vẻ ngoài thành đạt, giàu có, sang trọng không xoá đi được nỗi đau bên trong. Hơn nữa, là một kẻ phạm pháp, song với mình, Khánh vẫn giữ được lòng chân thực.
Mình lục lọi trên các trang báo điện tử trong nước, hầu hết các báo lớn đều đưa tin về việc Khánh bị bắt. Tấm ảnh của anh, hai tay đút vào còng số tám, đôi mắt bình thản như đã đoán biết kết cục bi thảm này và sẵn sàng chấp nhận. Báo chí gọi anh là kẻ lừa đảo, đã chiếm dụng của các cá nhân và nhà nước gần hai trăm tỷ đồng… Anh còn là một tội phạm quốc tế có quan hệ với một công ty xuyên quốc gia đang bị điều tra về tội đánh bạc và buôn bán phụ nữ…
Nhận tin này, mình ít nhiều chếnh choáng. Dù đã có lần anh thú nhận với mình về những hành vi tội lỗi, những lúc ấy mình không nỡ tin. Hơn thế, tình cảm riêng tư đã làm mình bàng quan với những gì tồi tệ đang ăn mòn phẩm giá của anh. Còn lúc này đây, cái cô đơn đến kinh rợn, niềm lạnh giá đến tê buốt bủa vây hồn mình. Phải trấn tĩnh lắm mình mới tự hỏi rút cuộc anh là thế nào với mình đây để cho đến tận bây giờ mình vẫn còn đau khổ về anh đến vậy.
Cuối cùng thì mình cũng kết thúc chương trình làm việc ở trường Havard và quyết định trở về nhà. Thế là hết bảy năm trời xa quê, rong ruổi trên con đường đằng đẵng của ước mơ. Dù mình đã được trang bị kiến thức khoa học, đã tiến đến gần hơn với mục đích, nhưng mình có làm được gì trong tương lai hay không thì vẫn là một câu chuyện đầy gian khó phía trước.
Khi máy bay trôi trong khoảng không câm lặng giữa bầu trời thì lòng mình trải qua một dòng hồi tưởng không dứt. Biết bao gương mặt thân quen, biết bao kỷ niệm một thời đậu xuống lòng mình. Một con đường nhỏ từ làng chạy vào công ty đá… Cảnh bụi đá mù trời… Tiếng ngâm thơ của ông Hữu… Tấm ảnh người đàn bà và đứa trẻ… Bố đứng bất động bên cánh cửa ra vào… Mẹ nhoà nước mắt trông theo mình… Thầy Phan mái tóc bạc trắng… Những hình ảnh máu thịt ấy cứ quấn riết lấy lòng mình. Bao nhiêu ngày tháng cách xa, những kỷ niệm không thể mờ phai của một thời dĩ vãng vẫn từng phút từng giây nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Mẹ là người đầu tiên nhìn thấy mình, ôm chầm lấy mình như sợ tuột mất, mình lại trôi nổi về một phương trời xa lắc. Cả người mẹ run lên. Một niềm hạnh phúc, xen lẫn nỗi tủi hờn của những tháng năm cay cực dồn lên đôi mắt mẹ đỏ hoe. Những dòng lệ tuôn rơi ướt cả bờ vai mình.
- Bố sao rồi hở mẹ?
Mình cố nén nỗi xúc động. Mẹ không nói gì. Cả hai mẹ con bước vào nhà. Trên chiếc giường cũ kỹ thân thuộc được sắm từ hàng chục năm trước của gia đình, bố nằm bất động. Mẹ đến bên lay lay:
- Con Ngân về rồi ông ơi!
Không một từ nào của mẹ ăn sâu và đánh thức lại một điều gì trong tâm khảm của bố. Cái tên mình cũng bị bố lãng quên. Chưa bao giờ mình gặp phải một nỗi đau đớn, quằn quại như vậy. Tất cả đã mất… đã vĩnh viễn bị xoá trắng trong tâm khảm của bố… Mẹ nhắc lại nhiều lần, vừa lay lay bờ vai:
- Con gái cưng của ông, mấy tháng trước ông vẫn thường hay nhắc đến tên nó cơ mà… Ông vẫn nói với tôi, nó đi tìm thuốc chữa căn bệnh của ông cơ mà…
Mỗi lời của mẹ như mũi kim châm vào lòng mình, nhức nhói…
Suốt cả ngày hôm đó và ngày hôm sau, mình như người mất hồn. Dù mình đã nghĩ đến tai hại thảm khốc của căn bệnh quái ác này nhưng khi nó đến, mình vẫn bị sốc. Một cảm giác bị hẫng ghê gớm làm mình choáng váng. Hầu như bất cứ lúc nào, dù đang làm gì, dù nói chuyện với ai, mình vẫn thấy hiển hiện hình ảnh bố trong óc. Tại sao mình lại không tìm cách đưa bố đi chữa bệnh? Tại sao mình không nhờ thầy Myriel hoặc một số người có thế lực khác? Như thế thì ít nhất cũng có thể làm chậm lại quá trình phá huỷ trí tuệ của bố. Sao mình lại chọn con đường đơn độc, khó khăn với một niềm tin sẽ tìm ra được loại thuốc chữa bệnh cho bố?
Nước mắt mình không ngớt tuôn rơi. Một cảm giác cay đắng và một nỗi thất vọng mênh mông trùm lên hồn mình như một thứ bóng tối của định mệnh đã làm tàn lụi cả những khao khát đẹp đẽ mà từ lâu mình theo đuổi.
Khá lâu sau mình mới quen được với cái cảnh bố như một tượng đá vô hồn lúc ngồi, lúc nằm bất động trên gường, không một mảy may xúc động, không một tỏ bày nhận biết về tất cả những gì xảy ra xung quanh mình.
Xưa nay mình đã nếm trải những ngọt ngào và cay đắng của tình yêu, đã cảm suy, thậm chí đã triết lý về nó. Đã nghe người xung quanh và cả trong sách vở nói về những mối tình sâu sắc, thuỷ chung, nhưng bây giờ mới là lúc mình tận mắt nhìn thấy cảnh mẹ chăm sóc bố.
Trời ơi, không một cuốn sách nào có thể tả nổi tình cảm, sự ân cần tận tuỵ của mẹ dành cho bố. Mỗi ngày cả chục lần mẹ dọn giường, đổ bô, cho một con người không còn tri giác, không còn tình cảm, đó là bố. Mẹ nhường nhịn từng miếng ăn ngon cho bố, mẹ thức đêm để theo dõi từng giấc ngủ của bố… mẹ nói chuyện, gợi lại từng kỷ niệm… “Ngày xưa chúng mình cưới nhau trong một ngày trời đổ mưa. Khi về đến nhà chồng, em còn phải che nón, áo thì hơi ướt…” Gương mặt mẹ u buồn, lời mẹ như một lời than muốn nghẹn lại giữa chừng, vậy mà bố vẫn không hiểu gì, nét mặt không biểu lộ một chút tri giác… “ Anh có nhớ, ngày ở công ty đá, có lần em bị một mảnh vụn văng vào mắt, đau kinh khủng, mãi không lấy ra được, ngỡ là sẽ bị mù. Anh biết tin, tức tốc xin cơ quan về, vào bệnh viện, ngồi suốt một đêm chườm lên mắt cho em. Anh lo lắng vì mắt em mãi không mở được, mắt đỏ như máu…”. Mẹ lúc vui buồn, khóc lóc với những những hồi ức sâu thẳm ấy và niềm hy vọng sẽ gợi lại trong tâm hồn bố dù chỉ một chút thôi, cái trí nhớ tàn lụi của ông, nhưng nó đã hoá thành vô vọng.
Mình muốn bảo với mẹ, thôi, mẹ đừng hoài công nữa. Trí nhớ của bố đã mất hết rồi. Bố sẽ bị liệt, bất động hoàn toàn và sau đó là cái chết… Không gì có thể cứu vãn được cái hiện thực nghiệt ngã đang ngày càng đến gần và nhanh chóng như một cơn gió độc ấy. Nhưng mình lần lữa mãi, sợ làm mẹ đau lòng. Cuối cùng mình cũng đành lựa lời thưa với mẹ:
- Mẹ đừng buồn nữa, mẹ cứ quan niệm bố vẫn như ngày còn trẻ ấy. Bố biết hết… chỉ có điều bố không muốn trả lời mẹ mà thôi… Hãy để bố con được thanh thản mẹ ạ…
Từ hôm đó mẹ không nói gì với bố nữa mà chỉ lặng lẽ ứa nước mắt….
Phải đến vài tháng mình mới thoát được ra khỏi nỗi buồn đằng đẵng sau những ngày từ phương xa trở về để thu xếp thời gian cho những việc khác. Trong tâm nguyện của mình, mình muốn đến nhà thăm lại thầy Phan và tìm cách xin gặp được Khánh ở nhà tù. Dù sao, đó cũng là những tình cảm sâu sắc đã từng len sâu vào gốc rễ tâm hồn mình suốt những năm tháng dài.
Chuyện với thầy Phan, từ lâu mình cố tình gạt bỏ. Những gì nhìn thấy tại nhà thầy vào cái ngày cuối cùng trước khi trở lại Pháp đã khiến mình không khỏi đau đớn. Cũng cần phải một thời gian sau đó mình mới thoát ra khỏi cái cảm giác bị sốc để nhìn nhận câu chuyện ấy một cách khách quan hơn. Mình đã tìm cách bao biện cho thầy. Rằng thầy cũng là một con người, không thể nào thoát khỏi những quyến rũ đời thường, những hành động yếu đuối… Nhưng dù sao, ít nhiều cái hình ảnh đẹp đẽ như một bức tượng toàn bích trong lòng mình đã không còn nguyên vẹn nữa, và kỷ niệm đau đớn khi mình nhìn thấy những hành động kỳ quặc của thầy với người đàn bà xa lạ kia đã trở thành một vết sẹo trong lòng mà mình đã mang theo năm tháng.
Một buổi chiều mình đã quay lại căn nhà của thầy. Người mở cửa tóc đã bạc trắng, gương mặt gầy gò, thất sắc. Trời ơi, thầy Phan đấy ư? Sao thầy lại có thể suy sụp đến thế này? Mình đứng khựng lại trước mặt thầy, thốt lên một tiếng nghẹn ngào
-Thầy!
Tuổi già đã bao phủ lấy thầy. Cái đoạn đời trước mắt của thầy chắc chỉ là vô cùng ngắn ngủi. Thầy Phan đưa bàn tay gầy trơ xương nắm lấy tay mình. Một cử chỉ thân mật làm mình cảm động.
-Thầy yếu quá…
Mình khẽ thốt lên. Một nỗi buồn khó tả dâng tràn trong tim. Hai thầy trò dìu nhau vào nhà.
- Em đã kết thúc mọi việc ở bên ấy rồi phải không?
- Vâng ạ.
- Bây giờ phải làm việc, kết hợp với học và rút ra những kết luận làm kinh nghiệm cho mình em ạ… Thầy tin em sẽ thành công. Thế hệ của em sẽ làm nên những điều mà thế hệ thầy không thể nào làm được.
Mình nghe giọng thầy dù có yếu hơn, nhưng ấm áp và nhiệt tâm với khoa học vẫn còn nguyên vẹn như xưa.
- Thầy thì mọi chuyện đã an bài rồi… Đối với thầy, em là một niềm hy vọng.
Thầy lại ngồi lặng giây lâu, rồi hỏi tiếp:
- Bố em thế nào? Lâu nay thầy chẳng có thông tin?
- Bố em yếu quá thầy ạ. Em đã không làm được gì cho bố…
- Trong cuộc sống cũng như khoa học, không phải mọi mong muốn của mình đều có thể trở thành sự thật. Như thầy đây, cả một đời không ngừng nghỉ, nhưng những mong muốn lớn lao đã không thể nào thực hiện được…
Mình ngồi bên cạnh thầy một lúc nữa, định rồi sẽ im lặng ra về, nếu thầy không hỏi đến chuyện đời tư của mình.
- Em đã tính gì chuyện gia đình chưa?
Mình im lặng rồi thở dài.
- Cũng đến lúc phải tính rồi… Đời người con gái có thì…
Mình đáp lời thầy, giọng nhỏ nhẹ:
- Có thể em không lấy chồng đâu thầy ạ…
- Đừng nói thế, em không còn là cô bé nữa đâu, cần phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện xây dựng gia đình…
Thầy lại ngừng lời một lúc, rồi buông một câu chậm rãi:
- Em biết chuyện Khánh rồi phải không?
- Vâng! Em đọc báo điện tử.
- Thật tiếc cho cậu ấy. Một người thông minh đến thế mà cuối cùng đã để cho những dục vọng cuốn đi. Con người ngày nay là như vậy, luôn có thể phải đối mặt với hiểm hoạ từ chính lòng tham của mình.
- Em định sẽ đi thăm anh ấy. Ngọc bây giờ thế nào thầy nhỉ? Không ngờ kết cục của anh chị ấy lại như vậy.
- Ngọc lấy việt kiều, nghe nói đã chuyển sang Đức sống rồi.
Mình hơi bất ngờ về tin đó, nhưng lại an ủi lòng, như thế biết đâu lại yên ổn hơn cho Ngọc. Chắc là Ngọc cũng cần phải đi thật xa để quên đi cả một quá khứ đau buồn.
Không ngờ hoàng hôn đã ập về nhanh thế. Mình toan đứng lên, thầy đã nói:
- Em về, thỉnh thoảng lại chơi nhé. Dạo này thầy mệt, lại hay cảm thấy buồn buồn… Có người tâm sự cũng đỡ hơn.
- Có ai thường đến thăm thầy không ạ?
- Các trò đều bận cả.
Mình đứng lên, nhìn thầy tần ngần một lúc, rồi lại đặt câu hỏi:
- Thầy ơi, có bao giờ thầy giấu em một điều gì không?
Thầy nhoẻn một điệu cười buồn với những hàm ý thâm thuý:
- Tất nhiên là thầy còn giấu em nhiều chuyện. Cả trong đời tư của thầy.
- Có bao giờ thầy nói dối em không?
Thầy tròn mắt:
- Sao lại hỏi thầy như vậy?
- Thì thầy cứ trả lời em đi ạ…
- Cũng có lúc thầy phải nói dối… Đó cũng là lẽ thường mà em…
Mình khép cửa lại, bước ra ngoài, gương mặt buồn rười rượi. Thầy đứng lặng giữa nhà. Mình lao ra đường, bắt xe đi lang thang…
Mình thực sự nóng lòng muốn gặp lại Khánh. Đã ba tuần nay mình đến công an đăng ký để xin vào gặp anh nhưng chẳng thấy có hồi âm gì. Lòng buồn tênh, mình đi dạo dọc con đường nhỏ phía ngoài khu tập thể. Đang miên man nghĩ về anh thì bổng có một gương mặt quen quen tiến lại gần.
- Chị Ngọc, chị về khi nào vậy?
Mình hỏi mà không khỏi ngạc nhiên.
- Ngân cũng về à?
Ngọc tỏ ra cũng ngạc nhiên không kém. Nhìn nhau giây lát, cả hai cùng lưỡng lự, không biết nên đối xử với nhau thế nào cho phải.
- Chị rỗi không, ta đi uống cà phê, nói chuyện.
Mình chủ động. Ngọc suy nghĩ một chút rồi gật đầu. Cả mình và Ngọc vào quán cà phê cách đó không xa, chọn một góc hẹp yên tĩnh.
Câu chuyện diễn ra thật tự nhiên:
- Trong những năm sống chung, chị có biết Khánh phạm tội không?
- Thú thực là mình biết, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì mà cơ quan điều tra buộc tội cho anh ấy.
- Sao chị không can ngăn Khánh?
Ngọc tỏ vẻ bất bình:
- Thế Ngân tưởng mình vui sướng lắm khi hàng ngày chứng kiến anh ta dấn sâu thêm vào tội lỗi à? Mình đã nói anh ấy hãy dừng lại trước khi bị chìm sâu xuống địa ngục, nhưng mọi lời nói của mình, mọi mong muốn và tình cảm dành cho anh ấy đều trở nên vô nghĩa. Anh ấy bỏ qua ngoài tai tất cả… Càng ngày anh ấy càng giấu mình mọi chuyện. Khi mình nói đến những điều anh muốn che dậy thì anh lại cáu gắt với mình và không thèm nghe. Giữa bọn mình dần dần đã trở nên xa cách và không thể nói chuyện được với nhau…
- Có phải vì thế mà anh ấy và chị dần xa nhau?
- Không phải. Mình vẫn yêu anh ấy và không muốn lìa xa. Nhưng anh ấy thì không yêu mình chân thực. Anh ấy nhiều khi lừa dối mình…
Ngọc nhìn lơ đãng ra xung quanh, với vẻ đầy nghĩ ngợi rồi lại nhìn thẳng vào mặt mình:
- Nói thật, Ngân là một lý do để mình lìa xa anh ấy.
- Sao? Em đã làm tổn thương đến chị à?
- Mình đã căm giận Ngân... Bây giờ ngồi lại được với nhau thế này cũng là điều ngoài ý muốn của mình. Nhiều lúc mình nghĩ thấy cay đắng, Chúng ta đã từng quen biết nếu không muốn nói đã từng là bạn của nhau. Thế rồi bỗng nhận ra chúng ta là chị em… trong một tình huống không ngờ… Ngân, chính Ngân chứ không phải là ai khác đã cướp đi hạnh phúc của mình…
Mình thấy trong lòng cồn lên một cảm giác khó chịu. Mình bỗng lấy làm ngạc nhiên khi Ngọc không hỏi gì đến bố.
- Bố bị ốm nặng, bị mất cả trí nhớ… Chị có biết không?
- Biết.
- Sao chị không đến thăm bố?
- Ông ấy là người đáng chết từ lâu rồi. Mình không muốn nhìn mặt ông ấy nữa…
- Chị nói vậy thì chúng ta không còn gì để ngồi với nhau ở đây nữa. Dù sao, chị cũng là một phần máu thịt của bố. Chị làm sao mà hiểu được ông yêu quý chị đến ngần nào?
- Chị đã nghe mãi những lời như thế rồi… Nó không khác gì là sự biện minh cho thói đạo đức giả.
- Chị đã vô cảm thế, thì còn nhìn sao được lòng tốt của người khác. Chúng mình có thể nói với nhau được gì nữa đây?
Mình đứng lên. Cuộc gặp lạ lùng này thế là chấm dứt. Chấm dứt tất cả những gì tơ vương, ảo tưởng về tình chị em còn tiềm ẩn trong con người này. Tự nhủ như vậy, mình buồn bã bước ra ngoài.
- Ngân cứ việc nghĩ thế nào cũng được. Nhưng mình, dù đã hàng trăm lần suy nghĩ, hàng trăm lần tự nhủ lòng mình sẽ tha thứ, nhưng cứ nghĩ đến cảnh hai mẹ con vò võ trong những tháng năm cô độc, những ngày ốm đau mòn mỏi không nơi nương tựa, càng thấy tủi cực vô cùng.
Ngọc trong giây lát đã trở nên buồn não…
- Ngân không thể nào hiểu được cái cảm giác của một người vợ thiếu chồng, một người con thiếu bố nó kinh khủng như thế nào… Ngân có bao giờ phải trải qua những trạng huống tâm lý như thế đâu? Mà bố không phải là người đã chết rồi… Giá ông ấy chết, có thể sẽ để lại trong lòng chị ít nhiều niềm thương tiếc vì dù sao mình cũng là máu thịt của ông ta. Nhưng đằng này, ông ấy vẫn sống, vẫn hàng ngày vun vén cho một gia đình khác, bỏ quên những gì là kỷ niệm, là một phần đời khác của ông… Càng nghĩ càng căm giận, càng tủi phận và càng không thể tha thứ cho ông được. Con người mà bạc bẽo đến nhường ấy thì còn gì để mà vương vấn nữa…
Mình phải cố bình tĩnh và lắng nghe những tâm sự của Ngọc. Thực ra những oán trách của Ngọc cũng ít nhiều phù hợp với tâm lý thông thường, chỉ có điều Ngọc không thể hiểu, không bao giờ hiểu được những khổ đau trong lòng mình, những cảnh ngộ đớn đau mà gia đình mình mình phải trải qua nên mới oán trách ông nhiều như vậy. Mình đành dùng lời lẽ dịu dàng nói với Ngọc:
- Có lẽ chị đã oán trách ông hơi quá khi sự uất ức kéo dài làm cho chị trở nên vội vàng. Trong một thời gian rất dài, chị và mẹ chị đã không biết chút gì về cuộc sống của ông. Thực ra suốt hàng chục năm nay ông đối mặt với một căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ em và em đã phải sống những ngày buồn phiền vì chứng kiến cảnh ông càng ngày càng mất dần trí nhớ. Cái cảm giác đau đớn và u hoài triền miên đã cướp đi ở em cái tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng. Những vất vả nhọc nhằn đã đẩy em và mẹ vào tình trạng cùng cực… Chị có thể nào hiểu được điều đó không? Hơn nữa, chị có thể nào hiểu được uẩn khúc trong mối tình giữa ông và mẹ chị. Sự chia tay ấy là bất đắc dĩ…
Mình tiếp tục chờ đợi người ta sẽ chuyển cho mình một tờ giấy hoặc một cú điện thoại thông báo việc xin gặp Khánh được chấp thuận hay không. Nhưng hoá ra đó chỉ là một sự chờ đợi viễn vông. Có lẽ người ta nghĩ việc thăm viếng một tên tội phạm là hành động không đáng để tôn trọng. Cái văn minh trong hành xử giữa một cơ quan có quyền lực và một người dân ở xứ này còn lâu mới có.
Một buổi sáng mình đọc báo thấy mẩu tin rằng Khánh bị gia hạn tạm giam bốn tháng để hoàn thiện thêm những bằng cứ phạm tội trước khi đưa ra xét xử. Cả đến thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo nhanh chóng điều tra và xét xử công minh vụ án nghiêm trọng này.
Mình đạp xe sang nhà Khánh. Lòng mình dậy lên những kỷ niệm. Trên đoạn đường quen thuộc này, đã bao lần mình và Khánh cùng dạo chơi, cùng trao gửi những tâm tư và ước vọng. Hình ảnh Khánh hiện lên trong tâm tư mình xen lẫn giữa những câu hỏi xa xót và nỗi thất vọng. Sao lại thế… Sao lại thế… Ngày xưa, tất cả đều trong sáng… Thế mà, năm tháng trôi qua đã đổi thay đi hết thảy…
“Con điên, muốn chết à?” Một tiếng thét bên cạnh làm mình giật thót. Chiếc xe Wave lách sát vào mình. Trên xe, một nam, một nữ tóc nhộm màu lông bò. Đứa con gái mắt xanh mỏ đỏ ngoác cái miệng ra, vừa lúc ấy, thằng con trai giơ cái chân đạp thẳng vào người mình. Mắt hắn toé ra một tia lửa. Cả mình và chiếc xe bắn vào vệ đường. Cũng lúc ấy, chiếc xe máy vụt tăng tốc, bỏ lại đằng sau một đám khói trắng. Mình xây sẩm mặt mày, lồm cồm bò dậy khi đầu gối đau rát, tức một bên hông. Ngồi xuống bên vệ đường nghỉ một lúc, mình cố gắng đạp tiếp. Đành phải chấp nhận, sự đểu cáng, sự vô giáo dục, thói ngang nhiên đánh đập người khác vẫn thường diễn ra trên đường phố. Bọn du côn ấy bây giờ gặp nhan nhản mọi nơi, không thiếu. Trước đây, người ta dù có xấu xa, nhưng đa số vẫn còn biết tự che đậy, cố làm ra vẻ đạo đức, nghĩa là khi người ta cố tình sống theo lối đạo đức giả, thì cái xấu xa vẫn còn phải biết sợ cái lương thiện. Còn bây giờ, người ta thật hơn. Người ta ngang nhiên xấu xa mà không cần sợ hãi bị lên án. Trên đường, kẻ du côn đánh đập người hành khất tật nguyền. Trong công sở ông quan to ngang nhiên nhận tiền hối lộ. Trong gia đình, cũng chẳng thiếu cảnh ông ăn chả bà ăn nem, thách thức lẫn nhau. Cái luật lệ của lòng tham, kẻ cuồng bạo chi phối vào tất cả các lĩnh vực.
Mẹ Khánh mở cửa đón mình. Bà nở một nụ cười khô héo.
-Vào đi cháu.
Câu chuyện chẳng có chút vui vẻ nào.
- Biết tin nó bị bắt, bác như thấy trời sụt xuống. Nghe người ta tố cáo tội của nó, bác không tin vào tai mình. Xưa nay, nó về đến nhà bao giờ cũng tỏ ra thương mẹ, thương cha, nó sống cũng giản dị, tiết kiệm, có thấy tiêu pha gì lắm đâu… Nay thấy nó đi nơi này, mai đi nơi khác… Công việc làm ăn nghe nói cũng phát đạt… Bác biết thế mà thấy mừng thầm. Thế rồi đùng một cái… Người ta bắt nó… mang nó đi…
- Từ hồi anh ấy bị bắt, bác có được gặp anh ấy không?
- Bác đến công an xin mãi thì họ mới cho vào một lần. Hồi ấy còn ở một trại giam gần đây. Nghe nói sau đó đã chuyển đi nơi khác, bây giờ bác cũng chịu. Đi thăm về, đêm bác không ngủ được. Trông nó xanh xao, tiều tuỵ. Nó ngồi trước mặt mẹ im lặng. Mắt nó ráo hoảnh. Bác khóc. Nó bảo “ Con bất hiếu. Mẹ hãy bảo trọng.” Thế rồi một lát người ta dẫn nó đi… Những cơn ác mộng đã đánh thức bác dậy giữa chừng. Đêm ấy lại là một đêm trở gió mùa đông bắc. Bác tự tay tát vào má mình cho khỏi bị giấc mộng khủng khiếp quay trở lại. Thằng Khánh cưỡi trên lưng một con hổ màu lửa. Con hổ lồng lên và hất nó xuống đất, dùng những chiếc răng nhọn xé xác nó… Trong phút chốc, cái thân xác oằn oại đã trôi dần vào miệng hổ…
Mẹ Khánh lại gạt nước mắt. Nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối. Không gì có thể ngăn lại được.
Dạo đó dịch cúm gia cầm lan rộng khắp cả thế giới. Từ châu Á, châu Âu, cả châu Phi, châu Mỹ đâu đâu cũng rộ lên những lời cảnh báo thảm hoạ và chết chóc. Những cảnh báo vi rút H5N1 có khả năng biến đổi gen và lây lan từ người sang người đang đặt tất cả mọi người vào tình trạng lo ngại.
Hàng chục vạn con gia cầm bị tiêu huỷ khắp từ trong nam ra ngoài bắc. Trên ti vi hàng ngày liên tục chiếu những cảnh nhân viên dập dịch quần áo bảo hộ trắng toát, treo khẩu trang và bịt mặt chôn sống hàng trăm bao tải gà, vịt cùng vôi bột và hoá chất diệt khuẩn.
Có người nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng, đã quyết tự tử để đi theo những con gà của mình về bên kia thế giới. Ông để lại một bức thư tuyệt mệnh nói lên tình yêu vô hạn của mình với gà vịt, và mơ ước của ông là sau khi sang thế giới bên kia sẽ mở những trang trại gà vịt và chăm sóc cho chúng.
Lại có người khác mắc bệnh cúm và chết chỉ mấy tiếng sau khi đưa vào bệnh viện. Lập tức thi hài được mang đi thiêu huỷ. Căn nhà của người chết trở thành nơi bị bao vậy, khử trùng. Người thân trong gia tộc cũng không dám đến gần. Hàng xóm lánh mặt, người thì chuyển đi nơi khác.
Mình cùng với các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ nghiên cứu ra loại thuốc chống lại bệnh cúm gia cầm từ nguyên liệu là Hoa Hồi. Từ đó mình bận rộn suốt ngày đêm. Một chuyến đi Côn Minh, một chuyến trở lại Paris và những ngày tháng miệt mài trong phòng thí nghiệm đã làm mình gầy rộc đi. Khi công việc đã xong, niềm vui đầy ngập thì cũng là lúc mình cảm thấy gần như kiệt sức, nhưng trong lòng thì mừng vui vô hạn. Thế là mình đã góp một phần vào cái công việc chống lại mối đe doạ hiểm nghèo của thiên nhiên.
Ngày hôm sau, công trình được công bố trước báo chí. Trong buổi họp báo hàng chục phóng viên đã nêu câu hỏi phỏng vấn. Từ tất cả các góc ánh đèn flash loé sáng như những tia chớp. Mình không còn đủ sức để cười nữa. Trước niềm vinh quang này mình mới thấy mỏi mệt làm sao.
Về đến nhà, mình kể lại cho mẹ cái không khí đặc biệt của buổi họp báo và tặng mẹ bó hoa. Cảm ơn mẹ đã nuôi con những tháng năm khổ cực để con được làm người có ích. Niềm cảm động lớn lao hiện lên gương mặt mẹ. Mẹ ôm lấy mình. Nước mắt mẹ rơm rớm chảy ra. Còn bố, vẫn gương mặt vô cảm như ngày nào. Bố không biết con gái bố đã làm gì, đã đạt được thành công sau những ngày vất vả.
Buổi tối hôm đó, mình dành thời gian ngồi trước màn hình vô tuyến. Hình ảnh mình cùng một đồng nghiệp nữa vừa được đưa lên cùng những lời ca ngợi. Công trình này được coi như một đóng góp quan trọng và là một thành tựu biểu lộ khả năng của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu chống lại mối đe doạ về một đại dịch khủng khiếp.
Hàng chục cú điện thoại của bạn bè, người thân liên tiếp gọi về. Những lời chúc mừng và ngợi khen nhiều đến nổi mình không kịp suy nghĩ gì về nó. Bỗng lúc ấy, trên màn hình hiện lên hình ảnh Khánh. Như một luồng điện chạy qua óc mình. Lời của cô phát thanh viên lanh lảnh như những nhát dao khứa vào tâm tư mình. Gương mặt anh sao mà sầu thảm. Đôi mắt đen ngòm, thất thần và dáng vẻ thiểu não, héo hắt…
Đêm hôm ấy mình đã thao thức không sao ngủ được. Ngày hôm sau mình lại đến công an để xin đăng ký vào gặp anh. Người cán bộ phụ trách thăm thân tròn mắt nhìn mình:
- Có phải tối hôm qua chị lên vô tuyến?
Mình cố tỏ ra tươi cười:
- Vâng!
- Chị là một nhà khoa học vừa chế ra loại thuốc chữa bệnh cúm gia cầm?
- Vâng, tôi cùng các đồng nghiệp…
Chị cán bộ công an xuýt xoa:
- Chị còn trẻ mà tài giỏi thế.
Nhưng sau lời khen là một câu hỏi:
- Chị có quan hệ thế nào với Khánh?
- Chúng tôi là chỗ bạn bè.
Chị cán bộ nhìn mình:
- Bạn học hay sao?
- Vâng!
Ba tuần sau mình nhận được thông báo của cơ quan công an cho phép vào thăm Khánh. Không biết người ta đã tôn trọng mình hơn sau khi công trình khoa học được nghiên cứu và công bố, hay còn vì lý do nào khác nữa. Dù sao, đối với mình đó cũng là một việc mong mỏi từ lâu.
Gặp lại Khánh mười phút, tại phòng thăm thân ở một nhà giam kiên cố tại Hà Nội. Mình ngồi đợi trong một căn phòng nhỏ. Lúc sau thì một người công an dẫn Khánh ra. Anh nhìn mình, nhoẻn một điệu cười. Nỗi buồn thảm trong tận cùng dù không muốn lộ ra nhưng cũng không che đậy được.
Mình nắm lấy bàn tay anh, quay mặt đi, cố che giấu làn nước mắt.
- Điều gì đã diễn ra rồi, có nuối tiếc cũng không đươc nữa.
Mình nghẹn lại, đó có phải là một lời động viên không hay là thói kiêu mạn không bao giờ thừa nhận tội lỗi của mình nơi con người đã mất đi nhân tính của anh?
- Em không đến đây để than tiếc, mà để gặp lại anh sau biết bao thương nhớ. Em đã không tin, không dám tin Khánh của em lại đến nông nổi này.
- Thôi, em đừng suy nghĩ nữa. Xin lỗi em và tất cả mọi người, anh đã làm cho mọi người đau đớn, thất vọng. Anh đã gây tội ác…
Mình vẫn giữ chặt tay anh trong tay mình. Một giây lâu im lặng, anh nói:
- Bàn tay em ấm lắm. Anh nhớ lại ngày ở Paris, có lần em đã dùng bàn tay ấm nóng của mình để giúp anh bớt đi lạnh giá.
Người công an vào thông báo hết giờ, mình đứng lên:
- Chào anh, em về…
- Anh cảm ơn em. Tấm lòng của em, anh sẽ khắc ghi mãi mãi...
Giọng của Khánh nghẹn lại. Đôi mắt anh đen ngòm một nỗi buồn đặc quánh. Mình chạy ra ngoài. Cả đất trời chao đảo. “ Vĩnh biệt em… Ngân của anh…”
Giọng anh đấy ư? Mình quay lại, đứng sững.
- Anh không bao giờ lừa dối em…
Khánh bị người công an dẫn đi khuất. Mình trở về, trên đường đi vẫn không thể nào xua tan được những ám ảnh về anh. Mỗi lời nói, cử chỉ của anh như một mũi khoan, khoan sâu thẳm vào tâm tư mình…
Hà Nội ngày khởi bút 21-7-2005
Viết xong lần đầu 11-3-2007
THIÊN SƠN
Ba
Sáng hôm sau mình ra sân bay.
Cảnh cuối cùng trước khi ra đi khắc tạc vào tâm trí mình. Bố đứng không vững bên cánh cổng, bàn tay rung rung chìa ra nắm lấy tay mình. Mình ôm lấy bố, nước mắt ứa ra. Bố yếu quá. Những sợi tóc vốn đã bạc màu, giờ trông càng xơ xác.
Cố chạy thật nhanh, mình sợ niềm thương cảm, sự yếu đuối lúc này giữ chân mình lại. Dù mang khát vọng, quyết tâm đi tìm một con đường nghiên cứu và phương thuốc chữa căn bệnh của bố mình, nhưng mỗi lần trở về căn nhà xưa cũ, trong vòng tay của bố mẹ, mình vẫn không thể nào thoát khỏi cái cảm giác bé bỏng như hồi còn thơ ấu. Mình lại thấy kém tự tin, muốn vục đầu vào lòng mẹ mà khóc như xưa.
Hai ngày sau mình bắt tay vào công việc. Chương trình hợp tác đa quốc gia mà mình tham gia có nhiều lĩnh vực từ việc nguyên cứu tác động của sự phát triển công nghiệp đối với môi trường, sự ô nhiễm nguồn thức ăn, để khuyến nghị chính sách với các chính phủ hoặc mở đường cho việc chế tạo những loại thuốc chữa bệnh. Với mình, ngoài chương trình làm việc chung, mình còn có chương trình riêng, với một quá trình nghiên cứu lặng lẽ song không ngừng. Việc gắn liền với một môi trường làm việc chuyên nghiệp mình có điều kiện để nâng cao các kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và có thêm các quan hệ với những giáo sư đến từ nhiều nước để có thể học hỏi và trao đổi thêm.
Mình quen thêm bạn bè ở nhiều nước. Những nhà khoa học trẻ đến từ Nước Mỹ, nước Anh, Đức, và Úc… Mình cũng gặp được giáo sư Myriel, một người Pháp đến Mỹ đã lâu và hiện là người có vai trò quan trọng ở bộ môn hoá dược thuộc trường đại học Harvard. Trong câu chuyện mình có để lộ tâm tư, muốn dồn sức nghiên cứu về một loại thuốc thoái hoá não để chữa căn bệnh của bố mình. Giáo sư Myriel nói rằng, khoa học vẫn gặp phải những thách thức gay gắt trước việc tái tạo lại những vùng trí nhớ bị mất của căn bệnh quái ác này. Ông chia sẻ với mình những khát vọng và tâm tư đau đáu, nhưng ông bảo đó là khá vọng chung của những người làm khoa học chân chính. Chỉ có điều, biết bao nhiêu cuộc đời đã trôi qua với mộng ước bất thành này. Và dường như con người vẫn luôn bị tự nhiên vây phủ trong những bí mật không bao giờ có thể khám phá.
Mình có dịp đi đến nhiều xứ sở, tham quan nhiều khu công nghiệp, nhiều cơ sở chế biến thức ăn. Với con mắt khoa học mình được trang bị một cách nhìn có phần bi quan về những hiểm hoạ do cuộc phát triển của cách mạng công nghiệp đem lại. Vì lợi ích nhất thời ích kỷ của một tập đoàn, một tổ chức kinh tế nào đó mà người ta vô hình chung đã ngày càng đẩy đồng loại tới sự ô nhiễm, phá hủy môi trường trong sạch và đưa con người ngày càng tiến vào một thảm cảnh kinh khủng dường như không thể tránh khỏi ở tương lai.
Khi người ta đưa ra những cảnh báo toàn cầu như vậy thì mình, như một bản năng, luôn chạnh lòng đau đớn về cảnh đất nước, quê hương mình đang bị phá huỷ. Thời gian ở trong nước mình đã tận mắt nhìn những dòng sông chết, những hồ nước đen ngòm, hôi thối ngay giữa lòng Hà Nội. Đáng nói nhất là dòng sông Tô Lịch nổi tiếng một thời, nay chỉ còn là một rãnh nước hôi thối, đặc quánh len qua những phố phường, những khu dân cư. Và biết bao nhiêu khu phố khác, chưa mưa nước từ các cống ngầm đã dềnh lên tràn vào nhà của dân. Có những khu phố, hàng trăm người quanh năm sống trong vùng bị ngập nước thải. Trẻ em, người lớn da chân đều bị lở loét dài ngày không khỏi được.
Rồi những khu phố khác, rác tấp đầy ngoài trường học. Ống tiêm và xi lanh của bọn chích ma tuý vứt bừa bãi, chỉ cần sơ ý một chút là có thể dẫm vào chân. Nhiều khu phố trở thành nơi đánh bạc, bọn xã hội đen từ khắp nơi tụ về hoành hành. Ngoài đường trên những dãy phố, người ta bày bán sách dưới nền đường vào buổi tối. Không ít trí thức nghèo săn sách hạ giá cặm cụi tìm mua, bên cạnh là những cô gái điếm ế hàng nhoẻn miệng cười chào mời khách…
Một cái gì bừa bộn, hỗn tạp vây toả lấy cuộc sống Hà thành. Cái lịch lãm, sang trọng, quyến rũ của một thời dần chìm vào dĩ vãng. Mình thấy rùng mình, hàng ngày bao nhiêu trẻ em lớn lên từ cái môi trường kinh khủng ấy mang trong mình những căn bệnh truyền nhiễm. Cái ô hợp nhiễm dần vào đầu óc con người. Đến nỗi người ta quen dần với cả những cái dơ bẩn, và tầm thường hoá những gì mà xưa kia, các thế hệ cha anh đã từng coi là thiêng liêng, đáng để tôn thờ.
Bẵng đi một thời gian khá dài mình không liên hệ với mọi người. Dù không biết số điện thoại và nơi làm việc mới của mình, Huy thỉnh thoảng lại viết cho mình vài dòng thư theo địa chỉ email. Dù không muốn gặp lại Huy, nhưng rồi cuối cùng mình cũng viết lại vài dòng hỏi thăm sức khoẻ. Biết Huy đã ra trường và ở lại làm việc cho một công ty. Huy bảo trước mắt muốn làm thêm để có kinh nghiệm và dể có thêm một chút vốn để khi quay về có thể đủ điều kiện kinh tế mở ra một văn phòng riêng, chứ làm nhà nước với mấy đồng lương còm, tranh giành đấu đá trong cái vòng luẩn quẩn chẳng có chút tương lai nào.
Không ngờ, sau một chuyến đi Tây Ban Nha về, mình thấy trên cửa có mấy dòng chữ của Huy: “ Mình đến mà không gặp Ngân. Nhớ quá. Mình sẽ quay lại thăm Ngân nhé.” Mình gỡ tờ giấy từ trên cánh cửa, lòng gợn một chút bâng khuâng. Cái xao xuyến dịu nhẹ thoáng tan loãng đi sau vài giây. Mình lại ngồi bên khung cửa sổ rộng, nhìn xuống khu vườn phía trước. Tiết trời đã chớm đông. Không gian xám đục. Trong lòng mình dâng lên một cảm giác se thắt.
Ôi cô đơn…
Lại cái vết thương lòng không bao giờ có thể lành được của mình. Mình đã cố gắng để vượt lên, để chống chọi với mọi thiếu thốn tình cảm, chứ ở xứ này, cái cô độc có thể giết chết hoặc làm cho người ta phát điên lên được. Mỗi lúc phải đối mặt với cái cảm giác kinh khủng ấy mình thường nhắm mắt lại, cố không nhìn thấy, không nghe thấy, và không nghĩ gì. Cứ vậy, khi cái thời khắc yếu lòng ấy đi qua thì lại lao vào công việc bù đầu.
Mấy hôm sau, mình vừa bước trong phòng thí nghiệm ra. Mắt như mờ đi, chưa nhìn thấy gì đã nghe một giọng quen:
- Ngân!
Mình giật thót. Hoá ra là Huy.
- Sao Huy gầy thế này?
Huy tiến đến bên mình, cười cười:
- Muốn gặp Ngân quá, mãi mới tìm được địa chỉ của bạn.
Vẫn chẳng có gì khác, sôi nổi, nhiệt tình, chút gì nhạt nhẽo. Huy đã cố từng chút, từng chút để gây cảm tình với mình, nhưng Huy không thể nào hiểu được, những cố gắng ấy của Huy cứ trôi khỏi tâm trí mình, Huy không tạo được cảm giác gì rõ ràng. Một chút cảm tình, vừa đủ để không quá chán nản. Đôi khi cũng làm mình rung lên một cảm giác xao xuyến nhẹ nhàng, nhưng ngay sau đó là một sự nguội tắt đến mức mình thấy nó trở thành vô nghĩa.
Huy rủ mình đi ăn tối ở một nhà hàng châu Á. Lâu quá mới gặp lại nên không tiện từ chối. Lúc ăn, thỉnh thoảng Huy ngừng lại, im lặng nhìn mình. Nhưng mình không để cho Huy có cơ hội nào để biểu lộ thái độ thân mật thái quá. Tối hôm ấy, Huy đưa mình về nhà. Mình không mời Huy lên phòng mà chia tay luôn ở cổng ra vào khu chung cư.
Dù vậy, việc gặp Huy trở thành một cái cớ để mình phải đối mặt với những nỗi niềm sâu hoắm trong tâm hồn. Suốt cả đêm không ngủ được. Lạnh buốt trong lòng. Lạnh đến nỗi mình run lên. Mãi gần sáng mới chợp mắt một chút, mình thấy Khánh! Anh nhìn mình, ánh mắt buồn lặng, rồi anh nói:
-Anh có lỗi với em.
Mình hỏi:
- Anh với Ngọc thế nào?
- Ngọc đã bỏ đi rồi… Anh tìm mãi không thấy đâu.
Giật mình, tỉnh dậy. Sao cứ có một cảm giác như vừa được gặp Khánh. Vương vất đâu đây trong căn phòng này như có hơi ấm của anh.
Mình lấy một hơi thở mạnh, tự tát vào má mình, xua đuổi cái ý nghĩ phảng phất trong óc: “Thôi đi, sao lại yếu đuối thế.” Nhưng một câu hỏi khác lại ập đến, rút cục, Khánh là thế nào mà mình đã vất vả lắm vẫn không thể gạt được hình ảnh anh ra khỏi ký ức. Mình yêu anh ư? Nhiều lần mình đặt lại câu hỏi ấy, mình không thể trả lời nổi. Rút cục anh đã trở thành một ẩn số lớn trong tâm hồn mình. Bao nhiêu năm qua, anh trở thành một vết hằn trong tâm khảm, một vết thương huyền bí như định mệnh chi phối lên cuộc đời mình.
Cầm lấy điện thoại, mình bấm số của anh. Không liên lạc được. Đành gạt ý nghĩ về anh sang một bên. Nhắm mắt lại, quên hết mọi thứ.
Mười tháng sau, khi chương trình hợp tác giai đoạn một kết thúc, mình đứng trước một sự lựa chọn trở về nước hay sẽ đến với một nước thứ ba. Đang lần lữa chưa biết tính sao. Về nước lúc này, sẽ đoàn tụ gia đình, nhưng việc nghiên cứu sẽ đứt đoạn và dự định mà mình ôm ấp từ xưa vẫn chưa thực hiện được… Về nước, nghĩa là mọi điều kiện cần thiết cho công việc của mình đều có thể bị suy giảm đi. Còn đến với một nước thứ ba, như Anh hoặc Mỹ chẳng hạn, con đường tương lai sẽ còn mở ra, nhưng tuổi thanh xuân thì như một giấc mơ đang ngắn lại dần.
Một lần gọi điện mẹ bảo: “Về thôi con, bố mẹ già yếu quá rồi. Không về, sau bố mẹ chết, mày về còn ai nữa…” Mình thấy xót xa. Mẹ không hiểu được điều tâm niệm thầm kín trong lòng mình, nhưng điều mẹ nói là một sự thật vẫn thường canh cánh trong lòng. Đấu tranh mãi, mình quyết định dấn thân thêm một năm nữa. Mẹ buồn lắm nhưng cũng đành chịu. Có lần mẹ nói: “Con cũng phải lo chuyện chồng con đi. Con gái thành đạt đến mấy mà không có gia đình thì cuộc sống chẳng tốt đẹp đâu…”
Mình đâu có ngờ, khi mẹ đã nói thế cũng là lúc bố đã ốm yếu lắm. Bố được đưa vào bệnh viện chữa trong một thời gian dài. Cảnh thiếu thốn, cô đơn làm mẹ gầy gò và suy nhược đi. Tất cả những điều đó về sau mình mới biết. Còn thời điểm đó, mình đã nghĩ rằng, dù sao công việc ở nhà cũng tạm ổn. Mình phải tiếp tục dấn bước trên con đường của mình.
Một buổi sáng mình đến tìm giáo sư Myriel. Sau khi nghe lời thỉnh cầu của mình là xin được tiếp tục tạo điều kiện học tập và nghiên cứu trong chương trình hợp tác với trường Đại học Havard. Thầy nói:
- Thôi được, thầy sẽ giúp. Trước một ước mơ cao cả đến nhường ấy, thầy không thể không giúp em. Chỉ có điều, đó là con đường càng đi càng cô đơn rợn ngợp, và hãy biết kiên nhẫn đến tận cùng. Để đạt được một thành tựu nào đó, có khi phải mất cả một cuộc đời em ạ.
Mình không biết mình có đủ nghị lực như thầy nói hay không, dẫu mình cũng hiểu, chọn con đường nghiên cứu là con đường chông gai, con đường dấn thân.
- Em sẽ cố gắng thầy ạ. Hiện tại, em chưa thể nói trước điều gì, nhưng niềm mơ ước chế ra loại thuốc có thể chữa bệnh cho bố em là một ước mơ có thật, mạnh mẽ và chi phối toàn bộ hành động của em.
Nửa tháng sau thầy Myriel gọi điện mời mình đi ăn tối. Mình đến một nhà hàng châu Á ở một góc phố nhỏ. Thầy Myriel đã ngồi đợi mình từ trước. Thầy gọi những món ăn Việt Nam. Trong ánh đèn vàng ấm áp và làn điệu dân ca của Việt Nam, giọng ca ngọt ngào, nhuần nhị của Thu Hiền làm mình man mác. Không dễ gì gặp được một không khí như thế ở một nơi xa nước. Nỗi nhớ quê bồi hồi dâng lên trong lòng mình. Thầy Myriel ngồi trầm lặng thưởng thức những điệu dân ca mượt mà của Việt Nam. Rồi vừa chậm rãi nếm từng món ăn thầy vừa nói:
- Đất nước Việt Nam của em có những làn điệu dân ca rất quyến rũ.
Rồi thầy gắp thức ăn cho mình, nhìn mình với con mắt thân thiện, thầy nói tiếp:
- Thầy khâm phục cái ý chí sắt đá và niềm mơ ước cao đẹp của em. Đôi khi thầy tự hỏi, sao trong con người nhỏ bé, còn non trẻ như em lại có được một năng lực và một quyết tâm kỳ lạ dến vậy. Những điều em muốn làm, đó còn là thách thức với tất cả những nhà khoa học danh tiếng trong lĩnh vực hoá dược.
Mình tâm sự với thầy:
- Chắc thầy cũng hiểu, em sinh ra từ một xứ sở nghèo khó mới phải chống chọi với hoàn cảnh để sống. Còn ước mơ của em, nó bắt đầu từ nỗi đau khôn nguôi trong tâm hồn về căn bệnh hiểm nghèo của bố em. Lúc nào em cũng thấy tâm hồn mình như đang chảy máu. Suốt cả một tuổi thơ cay đắng, nghèo khổ bố mẹ em đã vật lộn để nuôi sống em. Vậy mà, khi em vừa mới lớn, chưa có một ngày thư thái, an nhàn, ông đã bị căn bệnh kinh khủng ấy hành hạ.
Giáo sư Myriel xúc động trước lời nói của mình. Lúc này trong phòng ăn có thêm vài người, chiếc máy hát đang ngân lên một bản nhạc không lời gợi về một dĩ vãng đồng quê man mác.
- Em tự thấy mình đã bị cướp đi một phần tuổi thơ êm ái. Khi ông còn trẻ, vẫn thường âu yếm và đùa nghịch cùng con gái nhỏ, nhưng thời gian ở nhà của ông quá ít. Chiến tranh và những công việc cơ quan đã lấy đi của ông tất cả…. Còn sau này, ông trở thành một người trầm lặng và ưu tư, và dần dần trở thành một người bệnh tật, trí nhớ đang dần dần bị xoá trắng. Ông đã quên đi cả những quãng đời đau đớn, những tháng năm hạnh phúc của mình… ông không còn nhớ nổi những kỷ niệm máu thịt của gia đình… Thầy biết không, mẹ em đã có lần kể lại rằng, mỗi lần đi công tác xa về, ông thường bế em, nựng nịu rất lâu. Trước khi đi làm, bao giờ ông cũng hôn con gái. Hồi ấy rất khó khăn, ông vẫn thường dành tiền để mua cho em những con búp bê. Sự thương mến mà ông dành cho em là rất lớn. Nó đã trở thành một dấu ấn không thể phai mờ qua năm tháng. Chính vì vậy, khi bố bị bệnh rồi, đã không còn nhớ được gì, nhiều khi em ngồi nhìn bố, nước mắt lưng tròng. Tự hỏi hay linh hồn bố đã biến đi đâu? Một cái gì oan nghiệt bí ẩn thuộc về tạo hoá mà con người bất lực hoàn toàn, không có cách gì thay đổi được ư?
Cuối cùng thầy nói:
- Thầy tự hỏi mình, tại sao không dùng những kinh nhiệm, những mối quan hệ của mình để cùng làm việc với em, vượt qua những thách thức để đạt đến một thành tựu nào đó. Hôm nay được nghe những gì em tâm sự, thầy lại càng muốn giúp em hơn. Thầy đã liên hệ với trường Havard để em được đến đó nghiên cứu trong môi trường có tính chuyên nghiệp cao của họ. Thầy cũng sẽ chuyển về đó trong mấy tháng tới và bắt tay làm việc cùng em một thời gian. Về kinh phí, thầy cũng đã tính đến rồi. Mọi điều chắc sẽ tốt đẹp. Thầy mong rằng em sẽ đạt được mọi ước nguyện.
Mình chuẩn bị để sang Havard như thu xếp của thầy Myriel. Nhiều đồ đạc phải bỏ di, một số khác thì chuyển cho các bạn cùng làm việc dùng. Con mèo là niềm day dứt lớn của mình. Nó đã ở với mình ngay từ những ngày buồn rũ đến héo hắt cả ruột gan khi mình từ Hà Nội mới đến với nước Pháp xa xôi…
Hơn bất kỳ một ai khác, con mèo đã ở với mình bằng lòng thân thiện, nó không cần quan tâm đến mình là ai, thông minh hay ngu dốt, mình đến từ xứ sở nào. Nó cũng không cần biết đến một ngày mình có đem lòng phản trắc bỏ nó lại một mình hay không. Đó là điều mà loài người tự cho mình thông minh, nhưng vốn dĩ đầy lòng nghi kỵ, định kiến không thể nào có được. Những đêm đông giá lạnh, con mèo đến bên, dũi dũi cái mõm ươn ướt của nó lên mu chân mình hay cạ cái đầu vào cánh tay mình. Cái cử chỉ tự nhiên biểu lộ sự chia sẻ ấy đã làm nên một tình cảm gắn bó, lặng lẽ. Nhiều hôm đi xa, mình nhớ đến con mèo, những chuyến đi công tác dài ngày và khi về Việt Nam nghỉ hè mình vẫn thường đưa nó đi gửi với một lòng lưu luyến mong gặp lại. Còn bây giờ… Bây giờ mình phải xa nó vĩnh viễn ư? Nhìn vào đôi mắt xanh của nó, đôi mắt không gợn một nghi ngờ, không hiểu gì nỗi day dứt trong lòng mình khi sắp phải xa nó, mình có một cảm giác tội lỗi. Mình đang tính đến chuyện bỏ nó lại ở đâu đó… Tất cả những người quen của mình đều đang chuẩn bị chuyển nhà hoặc không muốn nhận nó. Biết làm sao bây giờ…
Buổi chiều hôm ấy, khi đồ đạc đã soạn xong, mình ngồi thừ nhìn căn phòng đã gắn bó với mình suốt cả một thời gian dài. Cái khoảng trời xam xám kia, bao nhiêu lần mình đã nhìn lên đó, những con đường kia, đã bao lần in dấu chân mình.. Không biết đến bao giờ mình mới có thể trở lại đây, và nếu có trở lại nước Pháp, chắc gì mình đã có thể đến thăm nơi ở nhỏ bé này! Con mèo vẫn nằm trong tay mình, lặng im cho mình ve vuốt…
Lại một đêm mình trăn trở vì con mèo. Mình ôm lấy nó, vỗ nhè nhẹ bên hông nó. Nó cụp tai, dụi cái mũi lành lạnh vào tay mình rồi lại gáy khò khè. Mình chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong mơ, mình lại thấy con mèo. Trên con đường mù mịt giá lạnh mình bế con mèo chạy về một phương trời vô định. Không có một ai. Con mèo mang đến cho mình một luồng ấm nóng khác thường.
Sáng hôm sau, mình dậy sớm, cho mèo ăn và lại ve vuốt nó. Cuối cùng thì mình cũng cố gắng nhấc bước chân đi về một khu vườn đầy cây và hoa ở khu nhà bếp của trường đại học. Mình để con mèo lại đó. Xa xa, dưới một khóm hoa, một con mèo mắt xanh, lông rằn, to lớn cất tiếng kêu gọi bạn. Con mèo nhỏ của mình lúc đầu như co rúm lại, nhưng ngay sau đó, nó hướng cặp mắt về con mèo bạn. Nhân cơ hội ấy mình quay đi. Mình chạy thật nhanh trên lối mòn nhỏ khuất chìm trong hoa cỏ ra con đường lớn về nhà. Nước mắt mình vẫn còn rỉ ra.
Chưa kịp bình tâm thì có điện thoại. Giọng Khánh! Mình bồi hồi.
- Cuộc sống của anh thế nào?
- Em muốn hỏi về cuộc sống riêng với Ngọc phải không?
- Vâng.
- Ngọc đã chọn con đường của mình rồi…
- Sao cơ?
- Chuỵện dài lắm, Anh đang ở Pháp, anh đến thăm em nhé.
- Nhưng em sắp đi Hoa Kỳ.
- Dù sao anh cũng sẽ đến chỗ em bây giờ.
Khánh lại đến với mình bất ngờ, vội vàng như như một cơn gió. Trái tim mình lại đập run lên. Bao nhiêu là bồi hồi da diết khi gặp lại anh. Nhưng một nỗi hờn ghen, giận dỗi từ đâu bỗng dưng trào dậy. Anh là người đàn ông đã có vợ… Tình cảm của mình và anh không bao giờ được phép như xưa nữa… Một nỗi lạnh lùng đổ ập xuống tim mình. Không hồ hởi, tươi cười, mình đón anh với cái nhìn điềm tĩnh có phần xa lạ. Còn ánh mắt anh thì cứ găm vào mình. Anh đứng sững ở cửa.
- Vào đi anh.
Anh đặt túi xách xuống một góc phòng. Nhìn mình lúc lâu. Mình cũng nhìn anh mà như lạc vào một giấc mơ. Thực không thể nào tin nổi… Giống như trước đây, anh cũng đã từng đến trong một khoảnh khắc kỳ lạ, bí ẩn và đã làm xáo trộn cả cuộc sống của mình, đã để lại những kỷ niệm không thể nào phai nhoà trong trí nhớ.
Mình nhìn anh giây lâu, vẫn cái uy lực kỳ lạ không thể nào hiểu nổi ở anh cứ hút lấy mình. Mình hỏi anh có đói bụng không, anh gật đầu. Mình mang một ít bánh mỳ và bơ trong tủ lạnh mời anh.
- Ăn tạm chút xíu anh, rồi em sẽ làm đãi anh một bữa cơm Việt Nam, như hồi còn ở Hà Nội.
Lẽ dĩ nhiên, mình phải hoãn chuyến bay sang Hoa Kỳ thêm hai ngày. Thôi kệ, không có gì phải vội. Mình cùng anh đi thăm Paris, vào nhà thờ Đức Bà, lên tháp Eiffel, đi dạo dọc sông Seine. Đó là những kỷ niệm mà bất kỳ đôi tình nhân nào cũng mơ ước. Chỉ có điều, giữa cảnh ngộ ấy, mình và anh đã có nhiều xa cách. Mình hỏi anh, Ngọc và anh có chuyện gì. Anh thở dài, vẻ như ngậm ngùi một lát mới nói:
- Ngọc đã chọn một người đàn ông khác.
Mình hỏi anh tại sao, anh bảo:
- Có lẽ tại anh đã đối xử với Ngọc không đúng.
Mình thoạt nhớ lại giấc mơ như một điềm báo… nhưng mình không nói với anh. Còn Khánh thì kể về những tháng ngày nhạt nhẽo sau hôn nhân của anh. Hai vợ chồng đã chẳng chia sẻ được gì. Hàng ngày Ngọc thường ăn cơm trước và đi ngủ rồi anh mới về. Những ngày tháng lê thê trong sự câm lặng. Biết bao điều dồn nén thành uất hận đến nỗi cuối cùng hai người không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Cuối cùng, Ngọc đã quyết định chuyển vào Sài Gòn cùng một người đàn ông khác. Thế là cái gì phải đến đã đến. Anh lại thở dài:
- Thực khủng khiếp khi phải đối mặt với một cuộc hôn nhân không còn tình yêu. Cũng may, Ngọc là người thấu hiểu và biết tìm lấy một lối thoát.
Mình không hỏi thêm điều gì về anh nữa, không muốn gợi lại vết thương lòng của anh. Dù thế nào đi nữa, chuyện chia tay với một người vợ, đã từng có một thời gắn bó thân thương là một nỗi đau in hằn vào xương tuỷ. Sau tiếng thở dài, anh nói:
- Có lúc Ngọc cũng ghen với em… Ngọc biết rằng, trong lòng anh chỉ có một người con gái duy nhất đó là em.
Mình định trốn chạy những điều Khánh đang nói, sự thực từ khi Khánh lấy vợ, mình đã cố gắng để xua đuổi một cảm giác đau buồn và nuối tiếc về mối tình đã tan vỡ từ lâu. Với anh, còn lại là một niềm thân thương, một nỗi cay đắng và có thể cả một chút căm giận. Đến cả trong những giấc mơ mình cũng cố gắng để lẩn tránh. Vậy mà giờ đây anh đang gọi tên nó ra, khơi gợi lại một niềm đau đã mất…
Mình lại nắm tay anh, cả hai đi dạo trong một khu vườn đầy tiếng chim và thoảng hương hoa hồng.. Biết bao nhiêu năm tháng đằng đẵng trong đời mình mơ ước về một tình yêu thơ mộng trong một không gian tươi đẹp thế này. Và con người thường sống dậy trong những giấc mơ đầy khao khát ấy của mình không ai khác ngoài anh. Mình không thể không vương vào suy nghĩ và những hoài niệm mênh mông lại giăng mắc xuống hồn mình. Anh thì không giấu giếm niềm cảm xúc có lẽ đang dâng tràn. Anh nhìn sâu vào mắt mình mà nói:
- Anh chưa bao giờ có một khoảnh khắc nào hạnh phúc như những ngày này. Em là tình yêu không gì có thể sánh được của anh.
Nói vậy rồi anh lại lặng đi… có một cái gì buồn khó tả trong ánh mắt anh. Đó hẳn là một điều khủng khiếp nào đang ngăn cách mình và anh lại, chắc anh đã nhìn thấy những ngày ngắn ngủi này rồi sẽ lụi tàn trong đằng đẵng của chuỗi ngày sắp tới.
Mình cũng tự hỏi, sao anh lại đối xử với mình kỳ lạ thế… Dường như vội vàng tận hưởng niềm hạnh phúc. Nhưng anh cũng đã biểu lộ một nỗi lo lắng còn hơn cả bình thường. Con người gan góc như anh, hiếm khi có những biểu hiện như vậy. Và mình cũng đã linh cảm được một điều gì đang trĩu nặng đổ xuống tâm tư anh.
Hai ngày trôi vèo đi. Đêm cuối cùng, mình nói với anh:
- Ngày mai em sang Hoa Kỳ. Chưa biết kế hoạch của anh ra sao?
Anh như đã chờ đợi câu nói này đã lâu. Nhưng trả lời của anh càng gây nên sự khó hiểu cho mình:
- Anh biết em phải đi… Thì em cứ đi đi…
- Nhưng anh… Anh sẽ đi đâu?
- Để anh tính đã…
Anh im lặng, chừng nghĩ ngợi điều gì. Chưa bao giờ mình thấy anh có vẻ mất phương hướng và không biết sẽ làm gì như vậy. Dường như trước bất kỳ điều gì anh cũng dùng dằng suy nghĩ.
Ngày hôm sau mình ra sân bay. Trước khi chia tay, anh ôm mình rất chặt. Anh nhìn sâu vào mắt mình. Trong đôi mắt anh từ từ ứa ra hai giọt lệ trong vắt: “Em đi nhé, chưa biết bao giờ mới gặp lại em được… Cảm ơn em đã dành cho anh những ngày hạnh phúc…”
Sang đến nơi mình gọi điện cho anh. Số cũ đã không liên hệ được nữa. Thế là đành mất liên lạc với anh. Thực lòng mình thấy có chút hờn tủi. Dù đã lâu rồi mình không còn tơ tưởng, không còn nghĩ sẽ giành giật anh từ cái cuộc đời bịu bặm và lang bạt về cho riêng mình nữa. Nhưng sự xuất hiện của anh, đôi khi đã làm cho cuộc sống của mình nhuốm cả vị ngọt ngào và cay đắng. Những lần gặp lại anh đầy bất ngờ đã làm nên một chuyện tình chắp vá mà không một cô gái nào mong muốn…
Phải chăng số mệnh mình là vậy. Không có được một mối tình trọn vẹn. Anh, tình yêu sâu thẳm của hồn mình. Mỗi lời nói, mỗi hình ảnh của anh trong những khoảnh khắc gần nhau in đậm trong tâm trí mình, nhưng rút cục, mình không thể nào hiểu nổi về anh. Không thể nào cầm giữ được anh. Để rồi, cuối cùng, tất cả vẫn chỉ là dang dở.
Ở Havard mình là người chăm chỉ. Ngoài thời gian trên giảng đường và trong phòng thí nghiệm mình đăng ký đi làm thêm ở một cửa hàng châu Á và tham gia các buổi hội thảo khoa học. Người ta ngạc nhiên khi thấy một cô gái châu Á bé nhỏ, có thể đứng trong phòng thí nghiệm hàng chục tiếng đồng hồ một ngày, với một đam mê không gì có thể sánh nổi. Bạn bè khắp nơi đã hỏi mình, sao mình có thể làm việc với một nhiệt tâm kỳ lạ như vậy. Mình chỉ cười:
- Có gì đâu, các bạn quá khen…
Giáo sư Tom Christ, người tiếp nhận mình trên mối thịnh tình của giáo sư Myriel nói với mình rằng, hầu như mọi sinh viên ở đây đều có tham vọng. Họ muốn mình có một vị trí trong khoa học ở đất nước họ. Trường Haverd là một niềm tự hào lớn. Nhưng thầy hiếm thấy một người nào lại có một động cơ chân chính như mình. Việc làm khoa học với mình là để cứu người, dù động cơ trực tiếp nhất là để chữa bệnh cho bố mình đi nữa… Mình cảm ơn thầy đã nghĩ về mình bằng những ý nghĩ tốt đẹp như vậy. Và khi người ta đã thấu hiểu thì đồng nghĩa với mọi cánh cửa ngăn cách được mở ra. Giáo sư Tom Christ đã giúp mình giải mã ra những ẩn số kế tiếp nhau trên một hành trình có lúc tưởng chừng mịt mờ, tưởng chừng như sẽ phải bỏ cuộc.
Đầu năm sau, giáo sư Myriel trở lại Havard. Thực là một niềm vui hiếm có. Trong phòng thí nghiệm của thầy, mình đã góp phần vào việc tìm kiếm những công thức hoá học cho những loại thuốc chữa các bệnh về thoái hoá và sự rối loạn hoạt động chức năng của tế bào.
Một hôm, giáo sư Tom Christ đến gặp mình, thầy ngỏ ý mời mình đi ăn tối. Mình nhận lời. Sự thật, nếu có điều kiện để trò chuyện thêm với thầy về những lĩnh vực khác của đời sống, đó cũng là một điều may mắn. Bởi vì, thầy là một trong những con người nghiêm khắc trong khoa học và có tầm nhìn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.
Trong bữa cơm, thầy Tom Christ bảo:
- Thầy không có ý nhắc lại những kỷ niệm buồn trong quan hệ giữa người Việt với người Mỹ. Nhưng trong lĩnh vực hoá học, có một chuyện còn phải giải quyết, đó là hậu quả của chất độc màu da cam. Rất nhiều cựu binh Mỹ đã kiện chính quyền vì đã nói dối họ trong cuộc chiến vừa qua. Chất độc màu da cam đã để lại trong cuộc đời họ những di chứng nặng nề. Nếu có thời gian, em có thể đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực này không, để góp phần đòi lại sự công bằng cho những nạn nhân cả người Việt và người Mỹ?
Mình đã kể lại với thầy những ký ức đau xót trong tuổi thơ nghiệt ngã của mình. Hàng vạn trẻ em đã sinh ra trong tàn tật, hàng vạn trẻ em khác đã chết trong bào thai khi chưa được làm người. Hàng ngàn gia đình tan nát, vết thương lòng rỉ máu vì hậu quả của chất độc màu da cam.
Câu chuyện dường như không có giới hạn và đầy ảm đạm ấy đã khiến cho Tom Christ ứa lệ. Cuối cùng thầy nói với mình:
- Vậy thì thầy sẽ phải sang Việt Nam. Sẽ phải đến để gặp những con người đau khổ ấy. Và trong những năm sắp tới, nếu như còn sức lực, thầy sẽ làm một cái gì đó để vơi bớt đi những đau buồn của những kiếp người bị cái tham vọng của một số người trong quá khứ gây nên.
Sau buổi đó, mình và giáo sư Tom Christ trở nên thân thiết hơn. Sáu tháng sau, thầy bắt đầu có chuyến bay đầu tiên đến Việt Nam. Còn mình, ngoài thời gian trong phòng thì nghiệm, thỉnh thoảng cũng đến thăm một số gia đình người Việt. Mọi người đón tiếp mình vui vẻ. Hình như chẳng có chút gì ngăn cách mình với những con người tha phương này. Một đứa con gái bé bỏng không dính dáng gì đến cuộc chiến tranh kéo dài kia trong quá khứ. Người Việt với nhau, máu đỏ da vàng, giữa một nơi xa thẳm tận tây bán cầu này, gặp nhau đã thấy ấm áp rồi…
Điều đáng nhớ là mình gặp được một ông già ngoài bảy mươi tuổi. Tóc đã trắng. Đã trải qua những ngày khốc liệt của chiến tranh. Tên ông là Ngạn. Một người được Mỹ đào tạo để trở thành một nhà tâm lý chiến. Bây giờ thì ông sống trong một căn hộ nhỏ ở California. Trong phòng ông có một gian riêng thờ Phật. Ông là một phật tử. Hàng ngày ông dọc những cuốn sách về luân lý phương đông và đi quyên góp làm từ thiện.
Hôm gặp mình, ông Ngạn nói:
- Càng già, ông càng thấy cái cuộc đời này vô nghĩa. Con người chạy vào những dục vọng, gây nên những hiềm khích, thậm chí tiêu diệt lẫn nhau… Rồi họ được những gì? Chẳng được gì khác ngoài một tâm hồn thương tổn, một lương tâm rỉ máu. Bây giờ ông chỉ mơ ước có một điều, được trở về, thăm lại quê hương và nếu có thể, được chết trong căn nhà ngày xưa mình đã được sinh ra. Cái thân thể của mình, nếu như được vùi vào đất quê hương, nắm xương khô sau này được an táng cạnh nấm mồ của cha mẹ, đó là hạnh phúc lớn nhất… Nhưng, có lẽ, ông không thể thực hiện được mong ước ấy nữa rồi… Thời trẻ, cuộc đời ông đã bị cuộc chiến cuốn đi. Một cuộc chiến dã man và vô nghĩa… và thế là tan nát cả một cuộc đời…
Cháu gái của ông Ngạn có tên là Nga. Một cô gái trẻ sinh ra trên đất Mỹ, có mái tóc dài đen và giọng nói tiếng Anh thánh thót. Cuộc chiến tranh trong quá khứ với cô chỉ là một ký ức mờ nhạt mà cô được nghe kể lại qua những người xung quanh. Nó không gợn lên một cảm xúc nào thực đặc biệt. Nhưng rồi, khi làm quen với mình, Nga bỗng chú ý về nơi sinh thành của cha mẹ ông bà. Nước Việt Nam, cái đất nước xa xăm ấy không phải là tổ quốc của cô nữa… Cô phải dành thời gian để làm việc, để vượt qua những thách thức của một môi trường ngày càng cạnh tranh và đào thải, không sức lực đâu để sống với niềm hoài niệm xưa cũ từ những thế hệ trước. Vậy mà giờ đây cái ý nghĩ ấy đã biến mất. Cô biết lắng nghe và thấu hiểu những cảnh ngộ xung quanh, những niềm đau từ dĩ vãng dội về. Cô dành thời gian để tra cứu những tư liệu về cuộc chiến tranh tàn khốc, về những thảm cảnh chất độc màu da cam, về những cái chết vô cùng thương tâm của những người vượt biên trái phép đi định cư ở nước ngoài.
- Hồi ấy, đói khổ quá, nhưng trên hết là một niềm sợ hãi - Ông Ngạn tâm sự với mình và Nga- thấy người ta lén lút rủ nhau đi thì cũng đi thôi. Một cuộc ra đi đầy may rủi. Biết bao người lâm vào cảnh hết lương thực, đói đến chết và trôi lênh bênh trên biển cho đến khi thuyền bị sóng đánh cho ụp xuống. Cũng có người vì mâu thuẫn, tranh giành tài sản mà tiêu diệt nhau. Đấy, có cô Lâm mà các cháu từng gặp hôm trước đó, chồng cô ấy bị một người bạn bắn chết trên thuyền chỉ vì người bạn ấy mê cô ta và đem lòng phản trắc. Khi chồng bị bắn chết và hất xuống biển, đợi lúc kẻ giết chồng đang ngủ, cô cầm chiếc dao nhọn đâm vào giữa ngực y. Thế là tên sát nhân hự lên một tiếng, máu trào ra rồi dãy dụa. Cô ném y xuống biển. Sau này vào được bờ, nhập quốc tịch Mỹ, nghĩ lại những ngày ấy cô vẫn rợn người. Cô trở nên ít nói và ít giao du với mọi người, lúc nào cũng mang một mặc cảm tội lỗi.
Câu chuyện này về cuộc đời cô Lâm không hiểu sao làm mình cứ liên tưởng đến cô Maria Lê. Hai người phụ nữ ở hai phương trời khác biệt mà sao có những bi kịch dữ dội đến thế. Nhiều lúc mình cứ bần thần nghĩ về số mệnh. Cũng có thể một thế lực huyền bí nào đó đang chi phối đến cuộc sống con người. Cũng có thể, nền văn minh của nhân loại, nhất là trong lĩnh vực tinh thần còn có nhiều khuyết tật.
Công việc thì ngập đầy. Con đường vào khoa học cũng giống như đi tìm một vật lạ dưới đáy dại dương mênh mông. Biết bao nhiêu giả thiết, biết bao nhiêu hướng tiếp cận được đặt ra rồi lại thay đổi. Tuy nhiên, như một hành trình dài, cuối cùng cũng cần phải có một thời gian tạm nghỉ.
Một buổi tối, xếp công việc sang một bên, mình tự cho phép mình được thư giãn. Mình gọi điện về nhà. Người cầm máy là mẹ. Qua lời của mẹ, mình biết sức khoẻ của bố rất yếu. Mình muốn gặp bố thì mẹ nói bố đang ngủ. Mình bỗng có một dự cảm không yên lành trong lòng. Dường như có một điều gì mẹ đang giấu mình, dường như đã có một cái gì không ổn… đến với bố. Qua những tài liệu nghiên cứu về căn bệnh của bố mình có thể ước đoán những điều không tươi sáng gì đang đến với bố mình.
Câu chuyện gần đến lúc kết thúc thì mẹ lại nói:
- Còn chuyện thằng Khánh, con đã biết gì chưa?
- Sao mẹ? Anh ấy về nước khi nào?
- Khánh và Ngọc chia tay, cậu ấy đi đâu đó một thời gian rồi quay về nước kinh doanh, nhưng mấy hôm trước đã bị bắt rồi…
Mình buông máy, thấy một nỗi buồn rã rời. Mình thấm thía bi kịch của những người thân dội vào mình những cơn đau. Đó không còn là một điều mới mẻ, mình đã sống qua những năm ngập đầy nỗi đau giữa bi kịch chung của gia đình và căn bệnh hiểm nghèo của bố. Nhưng bây giờ, biết thêm về chuyện Khánh vào tù, mình không khỏi sửng sốt.
Qua những điều Khánh nói với mình, có lẽ anh đã tiên liệu về một tương lai không mấy sáng sủa. Cái vẻ ngoài thành đạt, giàu có, sang trọng không xoá đi được nỗi đau bên trong. Hơn nữa, là một kẻ phạm pháp, song với mình, Khánh vẫn giữ được lòng chân thực.
Mình lục lọi trên các trang báo điện tử trong nước, hầu hết các báo lớn đều đưa tin về việc Khánh bị bắt. Tấm ảnh của anh, hai tay đút vào còng số tám, đôi mắt bình thản như đã đoán biết kết cục bi thảm này và sẵn sàng chấp nhận. Báo chí gọi anh là kẻ lừa đảo, đã chiếm dụng của các cá nhân và nhà nước gần hai trăm tỷ đồng… Anh còn là một tội phạm quốc tế có quan hệ với một công ty xuyên quốc gia đang bị điều tra về tội đánh bạc và buôn bán phụ nữ…
Nhận tin này, mình ít nhiều chếnh choáng. Dù đã có lần anh thú nhận với mình về những hành vi tội lỗi, những lúc ấy mình không nỡ tin. Hơn thế, tình cảm riêng tư đã làm mình bàng quan với những gì tồi tệ đang ăn mòn phẩm giá của anh. Còn lúc này đây, cái cô đơn đến kinh rợn, niềm lạnh giá đến tê buốt bủa vây hồn mình. Phải trấn tĩnh lắm mình mới tự hỏi rút cuộc anh là thế nào với mình đây để cho đến tận bây giờ mình vẫn còn đau khổ về anh đến vậy.
Cuối cùng thì mình cũng kết thúc chương trình làm việc ở trường Havard và quyết định trở về nhà. Thế là hết bảy năm trời xa quê, rong ruổi trên con đường đằng đẵng của ước mơ. Dù mình đã được trang bị kiến thức khoa học, đã tiến đến gần hơn với mục đích, nhưng mình có làm được gì trong tương lai hay không thì vẫn là một câu chuyện đầy gian khó phía trước.
Khi máy bay trôi trong khoảng không câm lặng giữa bầu trời thì lòng mình trải qua một dòng hồi tưởng không dứt. Biết bao gương mặt thân quen, biết bao kỷ niệm một thời đậu xuống lòng mình. Một con đường nhỏ từ làng chạy vào công ty đá… Cảnh bụi đá mù trời… Tiếng ngâm thơ của ông Hữu… Tấm ảnh người đàn bà và đứa trẻ… Bố đứng bất động bên cánh cửa ra vào… Mẹ nhoà nước mắt trông theo mình… Thầy Phan mái tóc bạc trắng… Những hình ảnh máu thịt ấy cứ quấn riết lấy lòng mình. Bao nhiêu ngày tháng cách xa, những kỷ niệm không thể mờ phai của một thời dĩ vãng vẫn từng phút từng giây nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Mẹ là người đầu tiên nhìn thấy mình, ôm chầm lấy mình như sợ tuột mất, mình lại trôi nổi về một phương trời xa lắc. Cả người mẹ run lên. Một niềm hạnh phúc, xen lẫn nỗi tủi hờn của những tháng năm cay cực dồn lên đôi mắt mẹ đỏ hoe. Những dòng lệ tuôn rơi ướt cả bờ vai mình.
- Bố sao rồi hở mẹ?
Mình cố nén nỗi xúc động. Mẹ không nói gì. Cả hai mẹ con bước vào nhà. Trên chiếc giường cũ kỹ thân thuộc được sắm từ hàng chục năm trước của gia đình, bố nằm bất động. Mẹ đến bên lay lay:
- Con Ngân về rồi ông ơi!
Không một từ nào của mẹ ăn sâu và đánh thức lại một điều gì trong tâm khảm của bố. Cái tên mình cũng bị bố lãng quên. Chưa bao giờ mình gặp phải một nỗi đau đớn, quằn quại như vậy. Tất cả đã mất… đã vĩnh viễn bị xoá trắng trong tâm khảm của bố… Mẹ nhắc lại nhiều lần, vừa lay lay bờ vai:
- Con gái cưng của ông, mấy tháng trước ông vẫn thường hay nhắc đến tên nó cơ mà… Ông vẫn nói với tôi, nó đi tìm thuốc chữa căn bệnh của ông cơ mà…
Mỗi lời của mẹ như mũi kim châm vào lòng mình, nhức nhói…
Suốt cả ngày hôm đó và ngày hôm sau, mình như người mất hồn. Dù mình đã nghĩ đến tai hại thảm khốc của căn bệnh quái ác này nhưng khi nó đến, mình vẫn bị sốc. Một cảm giác bị hẫng ghê gớm làm mình choáng váng. Hầu như bất cứ lúc nào, dù đang làm gì, dù nói chuyện với ai, mình vẫn thấy hiển hiện hình ảnh bố trong óc. Tại sao mình lại không tìm cách đưa bố đi chữa bệnh? Tại sao mình không nhờ thầy Myriel hoặc một số người có thế lực khác? Như thế thì ít nhất cũng có thể làm chậm lại quá trình phá huỷ trí tuệ của bố. Sao mình lại chọn con đường đơn độc, khó khăn với một niềm tin sẽ tìm ra được loại thuốc chữa bệnh cho bố?
Nước mắt mình không ngớt tuôn rơi. Một cảm giác cay đắng và một nỗi thất vọng mênh mông trùm lên hồn mình như một thứ bóng tối của định mệnh đã làm tàn lụi cả những khao khát đẹp đẽ mà từ lâu mình theo đuổi.
Khá lâu sau mình mới quen được với cái cảnh bố như một tượng đá vô hồn lúc ngồi, lúc nằm bất động trên gường, không một mảy may xúc động, không một tỏ bày nhận biết về tất cả những gì xảy ra xung quanh mình.
Xưa nay mình đã nếm trải những ngọt ngào và cay đắng của tình yêu, đã cảm suy, thậm chí đã triết lý về nó. Đã nghe người xung quanh và cả trong sách vở nói về những mối tình sâu sắc, thuỷ chung, nhưng bây giờ mới là lúc mình tận mắt nhìn thấy cảnh mẹ chăm sóc bố.
Trời ơi, không một cuốn sách nào có thể tả nổi tình cảm, sự ân cần tận tuỵ của mẹ dành cho bố. Mỗi ngày cả chục lần mẹ dọn giường, đổ bô, cho một con người không còn tri giác, không còn tình cảm, đó là bố. Mẹ nhường nhịn từng miếng ăn ngon cho bố, mẹ thức đêm để theo dõi từng giấc ngủ của bố… mẹ nói chuyện, gợi lại từng kỷ niệm… “Ngày xưa chúng mình cưới nhau trong một ngày trời đổ mưa. Khi về đến nhà chồng, em còn phải che nón, áo thì hơi ướt…” Gương mặt mẹ u buồn, lời mẹ như một lời than muốn nghẹn lại giữa chừng, vậy mà bố vẫn không hiểu gì, nét mặt không biểu lộ một chút tri giác… “ Anh có nhớ, ngày ở công ty đá, có lần em bị một mảnh vụn văng vào mắt, đau kinh khủng, mãi không lấy ra được, ngỡ là sẽ bị mù. Anh biết tin, tức tốc xin cơ quan về, vào bệnh viện, ngồi suốt một đêm chườm lên mắt cho em. Anh lo lắng vì mắt em mãi không mở được, mắt đỏ như máu…”. Mẹ lúc vui buồn, khóc lóc với những những hồi ức sâu thẳm ấy và niềm hy vọng sẽ gợi lại trong tâm hồn bố dù chỉ một chút thôi, cái trí nhớ tàn lụi của ông, nhưng nó đã hoá thành vô vọng.
Mình muốn bảo với mẹ, thôi, mẹ đừng hoài công nữa. Trí nhớ của bố đã mất hết rồi. Bố sẽ bị liệt, bất động hoàn toàn và sau đó là cái chết… Không gì có thể cứu vãn được cái hiện thực nghiệt ngã đang ngày càng đến gần và nhanh chóng như một cơn gió độc ấy. Nhưng mình lần lữa mãi, sợ làm mẹ đau lòng. Cuối cùng mình cũng đành lựa lời thưa với mẹ:
- Mẹ đừng buồn nữa, mẹ cứ quan niệm bố vẫn như ngày còn trẻ ấy. Bố biết hết… chỉ có điều bố không muốn trả lời mẹ mà thôi… Hãy để bố con được thanh thản mẹ ạ…
Từ hôm đó mẹ không nói gì với bố nữa mà chỉ lặng lẽ ứa nước mắt….
Phải đến vài tháng mình mới thoát được ra khỏi nỗi buồn đằng đẵng sau những ngày từ phương xa trở về để thu xếp thời gian cho những việc khác. Trong tâm nguyện của mình, mình muốn đến nhà thăm lại thầy Phan và tìm cách xin gặp được Khánh ở nhà tù. Dù sao, đó cũng là những tình cảm sâu sắc đã từng len sâu vào gốc rễ tâm hồn mình suốt những năm tháng dài.
Chuyện với thầy Phan, từ lâu mình cố tình gạt bỏ. Những gì nhìn thấy tại nhà thầy vào cái ngày cuối cùng trước khi trở lại Pháp đã khiến mình không khỏi đau đớn. Cũng cần phải một thời gian sau đó mình mới thoát ra khỏi cái cảm giác bị sốc để nhìn nhận câu chuyện ấy một cách khách quan hơn. Mình đã tìm cách bao biện cho thầy. Rằng thầy cũng là một con người, không thể nào thoát khỏi những quyến rũ đời thường, những hành động yếu đuối… Nhưng dù sao, ít nhiều cái hình ảnh đẹp đẽ như một bức tượng toàn bích trong lòng mình đã không còn nguyên vẹn nữa, và kỷ niệm đau đớn khi mình nhìn thấy những hành động kỳ quặc của thầy với người đàn bà xa lạ kia đã trở thành một vết sẹo trong lòng mà mình đã mang theo năm tháng.
Một buổi chiều mình đã quay lại căn nhà của thầy. Người mở cửa tóc đã bạc trắng, gương mặt gầy gò, thất sắc. Trời ơi, thầy Phan đấy ư? Sao thầy lại có thể suy sụp đến thế này? Mình đứng khựng lại trước mặt thầy, thốt lên một tiếng nghẹn ngào
-Thầy!
Tuổi già đã bao phủ lấy thầy. Cái đoạn đời trước mắt của thầy chắc chỉ là vô cùng ngắn ngủi. Thầy Phan đưa bàn tay gầy trơ xương nắm lấy tay mình. Một cử chỉ thân mật làm mình cảm động.
-Thầy yếu quá…
Mình khẽ thốt lên. Một nỗi buồn khó tả dâng tràn trong tim. Hai thầy trò dìu nhau vào nhà.
- Em đã kết thúc mọi việc ở bên ấy rồi phải không?
- Vâng ạ.
- Bây giờ phải làm việc, kết hợp với học và rút ra những kết luận làm kinh nghiệm cho mình em ạ… Thầy tin em sẽ thành công. Thế hệ của em sẽ làm nên những điều mà thế hệ thầy không thể nào làm được.
Mình nghe giọng thầy dù có yếu hơn, nhưng ấm áp và nhiệt tâm với khoa học vẫn còn nguyên vẹn như xưa.
- Thầy thì mọi chuyện đã an bài rồi… Đối với thầy, em là một niềm hy vọng.
Thầy lại ngồi lặng giây lâu, rồi hỏi tiếp:
- Bố em thế nào? Lâu nay thầy chẳng có thông tin?
- Bố em yếu quá thầy ạ. Em đã không làm được gì cho bố…
- Trong cuộc sống cũng như khoa học, không phải mọi mong muốn của mình đều có thể trở thành sự thật. Như thầy đây, cả một đời không ngừng nghỉ, nhưng những mong muốn lớn lao đã không thể nào thực hiện được…
Mình ngồi bên cạnh thầy một lúc nữa, định rồi sẽ im lặng ra về, nếu thầy không hỏi đến chuyện đời tư của mình.
- Em đã tính gì chuyện gia đình chưa?
Mình im lặng rồi thở dài.
- Cũng đến lúc phải tính rồi… Đời người con gái có thì…
Mình đáp lời thầy, giọng nhỏ nhẹ:
- Có thể em không lấy chồng đâu thầy ạ…
- Đừng nói thế, em không còn là cô bé nữa đâu, cần phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện xây dựng gia đình…
Thầy lại ngừng lời một lúc, rồi buông một câu chậm rãi:
- Em biết chuyện Khánh rồi phải không?
- Vâng! Em đọc báo điện tử.
- Thật tiếc cho cậu ấy. Một người thông minh đến thế mà cuối cùng đã để cho những dục vọng cuốn đi. Con người ngày nay là như vậy, luôn có thể phải đối mặt với hiểm hoạ từ chính lòng tham của mình.
- Em định sẽ đi thăm anh ấy. Ngọc bây giờ thế nào thầy nhỉ? Không ngờ kết cục của anh chị ấy lại như vậy.
- Ngọc lấy việt kiều, nghe nói đã chuyển sang Đức sống rồi.
Mình hơi bất ngờ về tin đó, nhưng lại an ủi lòng, như thế biết đâu lại yên ổn hơn cho Ngọc. Chắc là Ngọc cũng cần phải đi thật xa để quên đi cả một quá khứ đau buồn.
Không ngờ hoàng hôn đã ập về nhanh thế. Mình toan đứng lên, thầy đã nói:
- Em về, thỉnh thoảng lại chơi nhé. Dạo này thầy mệt, lại hay cảm thấy buồn buồn… Có người tâm sự cũng đỡ hơn.
- Có ai thường đến thăm thầy không ạ?
- Các trò đều bận cả.
Mình đứng lên, nhìn thầy tần ngần một lúc, rồi lại đặt câu hỏi:
- Thầy ơi, có bao giờ thầy giấu em một điều gì không?
Thầy nhoẻn một điệu cười buồn với những hàm ý thâm thuý:
- Tất nhiên là thầy còn giấu em nhiều chuyện. Cả trong đời tư của thầy.
- Có bao giờ thầy nói dối em không?
Thầy tròn mắt:
- Sao lại hỏi thầy như vậy?
- Thì thầy cứ trả lời em đi ạ…
- Cũng có lúc thầy phải nói dối… Đó cũng là lẽ thường mà em…
Mình khép cửa lại, bước ra ngoài, gương mặt buồn rười rượi. Thầy đứng lặng giữa nhà. Mình lao ra đường, bắt xe đi lang thang…
Mình thực sự nóng lòng muốn gặp lại Khánh. Đã ba tuần nay mình đến công an đăng ký để xin vào gặp anh nhưng chẳng thấy có hồi âm gì. Lòng buồn tênh, mình đi dạo dọc con đường nhỏ phía ngoài khu tập thể. Đang miên man nghĩ về anh thì bổng có một gương mặt quen quen tiến lại gần.
- Chị Ngọc, chị về khi nào vậy?
Mình hỏi mà không khỏi ngạc nhiên.
- Ngân cũng về à?
Ngọc tỏ ra cũng ngạc nhiên không kém. Nhìn nhau giây lát, cả hai cùng lưỡng lự, không biết nên đối xử với nhau thế nào cho phải.
- Chị rỗi không, ta đi uống cà phê, nói chuyện.
Mình chủ động. Ngọc suy nghĩ một chút rồi gật đầu. Cả mình và Ngọc vào quán cà phê cách đó không xa, chọn một góc hẹp yên tĩnh.
Câu chuyện diễn ra thật tự nhiên:
- Trong những năm sống chung, chị có biết Khánh phạm tội không?
- Thú thực là mình biết, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì mà cơ quan điều tra buộc tội cho anh ấy.
- Sao chị không can ngăn Khánh?
Ngọc tỏ vẻ bất bình:
- Thế Ngân tưởng mình vui sướng lắm khi hàng ngày chứng kiến anh ta dấn sâu thêm vào tội lỗi à? Mình đã nói anh ấy hãy dừng lại trước khi bị chìm sâu xuống địa ngục, nhưng mọi lời nói của mình, mọi mong muốn và tình cảm dành cho anh ấy đều trở nên vô nghĩa. Anh ấy bỏ qua ngoài tai tất cả… Càng ngày anh ấy càng giấu mình mọi chuyện. Khi mình nói đến những điều anh muốn che dậy thì anh lại cáu gắt với mình và không thèm nghe. Giữa bọn mình dần dần đã trở nên xa cách và không thể nói chuyện được với nhau…
- Có phải vì thế mà anh ấy và chị dần xa nhau?
- Không phải. Mình vẫn yêu anh ấy và không muốn lìa xa. Nhưng anh ấy thì không yêu mình chân thực. Anh ấy nhiều khi lừa dối mình…
Ngọc nhìn lơ đãng ra xung quanh, với vẻ đầy nghĩ ngợi rồi lại nhìn thẳng vào mặt mình:
- Nói thật, Ngân là một lý do để mình lìa xa anh ấy.
- Sao? Em đã làm tổn thương đến chị à?
- Mình đã căm giận Ngân... Bây giờ ngồi lại được với nhau thế này cũng là điều ngoài ý muốn của mình. Nhiều lúc mình nghĩ thấy cay đắng, Chúng ta đã từng quen biết nếu không muốn nói đã từng là bạn của nhau. Thế rồi bỗng nhận ra chúng ta là chị em… trong một tình huống không ngờ… Ngân, chính Ngân chứ không phải là ai khác đã cướp đi hạnh phúc của mình…
Mình thấy trong lòng cồn lên một cảm giác khó chịu. Mình bỗng lấy làm ngạc nhiên khi Ngọc không hỏi gì đến bố.
- Bố bị ốm nặng, bị mất cả trí nhớ… Chị có biết không?
- Biết.
- Sao chị không đến thăm bố?
- Ông ấy là người đáng chết từ lâu rồi. Mình không muốn nhìn mặt ông ấy nữa…
- Chị nói vậy thì chúng ta không còn gì để ngồi với nhau ở đây nữa. Dù sao, chị cũng là một phần máu thịt của bố. Chị làm sao mà hiểu được ông yêu quý chị đến ngần nào?
- Chị đã nghe mãi những lời như thế rồi… Nó không khác gì là sự biện minh cho thói đạo đức giả.
- Chị đã vô cảm thế, thì còn nhìn sao được lòng tốt của người khác. Chúng mình có thể nói với nhau được gì nữa đây?
Mình đứng lên. Cuộc gặp lạ lùng này thế là chấm dứt. Chấm dứt tất cả những gì tơ vương, ảo tưởng về tình chị em còn tiềm ẩn trong con người này. Tự nhủ như vậy, mình buồn bã bước ra ngoài.
- Ngân cứ việc nghĩ thế nào cũng được. Nhưng mình, dù đã hàng trăm lần suy nghĩ, hàng trăm lần tự nhủ lòng mình sẽ tha thứ, nhưng cứ nghĩ đến cảnh hai mẹ con vò võ trong những tháng năm cô độc, những ngày ốm đau mòn mỏi không nơi nương tựa, càng thấy tủi cực vô cùng.
Ngọc trong giây lát đã trở nên buồn não…
- Ngân không thể nào hiểu được cái cảm giác của một người vợ thiếu chồng, một người con thiếu bố nó kinh khủng như thế nào… Ngân có bao giờ phải trải qua những trạng huống tâm lý như thế đâu? Mà bố không phải là người đã chết rồi… Giá ông ấy chết, có thể sẽ để lại trong lòng chị ít nhiều niềm thương tiếc vì dù sao mình cũng là máu thịt của ông ta. Nhưng đằng này, ông ấy vẫn sống, vẫn hàng ngày vun vén cho một gia đình khác, bỏ quên những gì là kỷ niệm, là một phần đời khác của ông… Càng nghĩ càng căm giận, càng tủi phận và càng không thể tha thứ cho ông được. Con người mà bạc bẽo đến nhường ấy thì còn gì để mà vương vấn nữa…
Mình phải cố bình tĩnh và lắng nghe những tâm sự của Ngọc. Thực ra những oán trách của Ngọc cũng ít nhiều phù hợp với tâm lý thông thường, chỉ có điều Ngọc không thể hiểu, không bao giờ hiểu được những khổ đau trong lòng mình, những cảnh ngộ đớn đau mà gia đình mình mình phải trải qua nên mới oán trách ông nhiều như vậy. Mình đành dùng lời lẽ dịu dàng nói với Ngọc:
- Có lẽ chị đã oán trách ông hơi quá khi sự uất ức kéo dài làm cho chị trở nên vội vàng. Trong một thời gian rất dài, chị và mẹ chị đã không biết chút gì về cuộc sống của ông. Thực ra suốt hàng chục năm nay ông đối mặt với một căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ em và em đã phải sống những ngày buồn phiền vì chứng kiến cảnh ông càng ngày càng mất dần trí nhớ. Cái cảm giác đau đớn và u hoài triền miên đã cướp đi ở em cái tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng. Những vất vả nhọc nhằn đã đẩy em và mẹ vào tình trạng cùng cực… Chị có thể nào hiểu được điều đó không? Hơn nữa, chị có thể nào hiểu được uẩn khúc trong mối tình giữa ông và mẹ chị. Sự chia tay ấy là bất đắc dĩ…
Mình tiếp tục chờ đợi người ta sẽ chuyển cho mình một tờ giấy hoặc một cú điện thoại thông báo việc xin gặp Khánh được chấp thuận hay không. Nhưng hoá ra đó chỉ là một sự chờ đợi viễn vông. Có lẽ người ta nghĩ việc thăm viếng một tên tội phạm là hành động không đáng để tôn trọng. Cái văn minh trong hành xử giữa một cơ quan có quyền lực và một người dân ở xứ này còn lâu mới có.
Một buổi sáng mình đọc báo thấy mẩu tin rằng Khánh bị gia hạn tạm giam bốn tháng để hoàn thiện thêm những bằng cứ phạm tội trước khi đưa ra xét xử. Cả đến thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo nhanh chóng điều tra và xét xử công minh vụ án nghiêm trọng này.
Mình đạp xe sang nhà Khánh. Lòng mình dậy lên những kỷ niệm. Trên đoạn đường quen thuộc này, đã bao lần mình và Khánh cùng dạo chơi, cùng trao gửi những tâm tư và ước vọng. Hình ảnh Khánh hiện lên trong tâm tư mình xen lẫn giữa những câu hỏi xa xót và nỗi thất vọng. Sao lại thế… Sao lại thế… Ngày xưa, tất cả đều trong sáng… Thế mà, năm tháng trôi qua đã đổi thay đi hết thảy…
“Con điên, muốn chết à?” Một tiếng thét bên cạnh làm mình giật thót. Chiếc xe Wave lách sát vào mình. Trên xe, một nam, một nữ tóc nhộm màu lông bò. Đứa con gái mắt xanh mỏ đỏ ngoác cái miệng ra, vừa lúc ấy, thằng con trai giơ cái chân đạp thẳng vào người mình. Mắt hắn toé ra một tia lửa. Cả mình và chiếc xe bắn vào vệ đường. Cũng lúc ấy, chiếc xe máy vụt tăng tốc, bỏ lại đằng sau một đám khói trắng. Mình xây sẩm mặt mày, lồm cồm bò dậy khi đầu gối đau rát, tức một bên hông. Ngồi xuống bên vệ đường nghỉ một lúc, mình cố gắng đạp tiếp. Đành phải chấp nhận, sự đểu cáng, sự vô giáo dục, thói ngang nhiên đánh đập người khác vẫn thường diễn ra trên đường phố. Bọn du côn ấy bây giờ gặp nhan nhản mọi nơi, không thiếu. Trước đây, người ta dù có xấu xa, nhưng đa số vẫn còn biết tự che đậy, cố làm ra vẻ đạo đức, nghĩa là khi người ta cố tình sống theo lối đạo đức giả, thì cái xấu xa vẫn còn phải biết sợ cái lương thiện. Còn bây giờ, người ta thật hơn. Người ta ngang nhiên xấu xa mà không cần sợ hãi bị lên án. Trên đường, kẻ du côn đánh đập người hành khất tật nguyền. Trong công sở ông quan to ngang nhiên nhận tiền hối lộ. Trong gia đình, cũng chẳng thiếu cảnh ông ăn chả bà ăn nem, thách thức lẫn nhau. Cái luật lệ của lòng tham, kẻ cuồng bạo chi phối vào tất cả các lĩnh vực.
Mẹ Khánh mở cửa đón mình. Bà nở một nụ cười khô héo.
-Vào đi cháu.
Câu chuyện chẳng có chút vui vẻ nào.
- Biết tin nó bị bắt, bác như thấy trời sụt xuống. Nghe người ta tố cáo tội của nó, bác không tin vào tai mình. Xưa nay, nó về đến nhà bao giờ cũng tỏ ra thương mẹ, thương cha, nó sống cũng giản dị, tiết kiệm, có thấy tiêu pha gì lắm đâu… Nay thấy nó đi nơi này, mai đi nơi khác… Công việc làm ăn nghe nói cũng phát đạt… Bác biết thế mà thấy mừng thầm. Thế rồi đùng một cái… Người ta bắt nó… mang nó đi…
- Từ hồi anh ấy bị bắt, bác có được gặp anh ấy không?
- Bác đến công an xin mãi thì họ mới cho vào một lần. Hồi ấy còn ở một trại giam gần đây. Nghe nói sau đó đã chuyển đi nơi khác, bây giờ bác cũng chịu. Đi thăm về, đêm bác không ngủ được. Trông nó xanh xao, tiều tuỵ. Nó ngồi trước mặt mẹ im lặng. Mắt nó ráo hoảnh. Bác khóc. Nó bảo “ Con bất hiếu. Mẹ hãy bảo trọng.” Thế rồi một lát người ta dẫn nó đi… Những cơn ác mộng đã đánh thức bác dậy giữa chừng. Đêm ấy lại là một đêm trở gió mùa đông bắc. Bác tự tay tát vào má mình cho khỏi bị giấc mộng khủng khiếp quay trở lại. Thằng Khánh cưỡi trên lưng một con hổ màu lửa. Con hổ lồng lên và hất nó xuống đất, dùng những chiếc răng nhọn xé xác nó… Trong phút chốc, cái thân xác oằn oại đã trôi dần vào miệng hổ…
Mẹ Khánh lại gạt nước mắt. Nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối. Không gì có thể ngăn lại được.
Dạo đó dịch cúm gia cầm lan rộng khắp cả thế giới. Từ châu Á, châu Âu, cả châu Phi, châu Mỹ đâu đâu cũng rộ lên những lời cảnh báo thảm hoạ và chết chóc. Những cảnh báo vi rút H5N1 có khả năng biến đổi gen và lây lan từ người sang người đang đặt tất cả mọi người vào tình trạng lo ngại.
Hàng chục vạn con gia cầm bị tiêu huỷ khắp từ trong nam ra ngoài bắc. Trên ti vi hàng ngày liên tục chiếu những cảnh nhân viên dập dịch quần áo bảo hộ trắng toát, treo khẩu trang và bịt mặt chôn sống hàng trăm bao tải gà, vịt cùng vôi bột và hoá chất diệt khuẩn.
Có người nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng, đã quyết tự tử để đi theo những con gà của mình về bên kia thế giới. Ông để lại một bức thư tuyệt mệnh nói lên tình yêu vô hạn của mình với gà vịt, và mơ ước của ông là sau khi sang thế giới bên kia sẽ mở những trang trại gà vịt và chăm sóc cho chúng.
Lại có người khác mắc bệnh cúm và chết chỉ mấy tiếng sau khi đưa vào bệnh viện. Lập tức thi hài được mang đi thiêu huỷ. Căn nhà của người chết trở thành nơi bị bao vậy, khử trùng. Người thân trong gia tộc cũng không dám đến gần. Hàng xóm lánh mặt, người thì chuyển đi nơi khác.
Mình cùng với các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ nghiên cứu ra loại thuốc chống lại bệnh cúm gia cầm từ nguyên liệu là Hoa Hồi. Từ đó mình bận rộn suốt ngày đêm. Một chuyến đi Côn Minh, một chuyến trở lại Paris và những ngày tháng miệt mài trong phòng thí nghiệm đã làm mình gầy rộc đi. Khi công việc đã xong, niềm vui đầy ngập thì cũng là lúc mình cảm thấy gần như kiệt sức, nhưng trong lòng thì mừng vui vô hạn. Thế là mình đã góp một phần vào cái công việc chống lại mối đe doạ hiểm nghèo của thiên nhiên.
Ngày hôm sau, công trình được công bố trước báo chí. Trong buổi họp báo hàng chục phóng viên đã nêu câu hỏi phỏng vấn. Từ tất cả các góc ánh đèn flash loé sáng như những tia chớp. Mình không còn đủ sức để cười nữa. Trước niềm vinh quang này mình mới thấy mỏi mệt làm sao.
Về đến nhà, mình kể lại cho mẹ cái không khí đặc biệt của buổi họp báo và tặng mẹ bó hoa. Cảm ơn mẹ đã nuôi con những tháng năm khổ cực để con được làm người có ích. Niềm cảm động lớn lao hiện lên gương mặt mẹ. Mẹ ôm lấy mình. Nước mắt mẹ rơm rớm chảy ra. Còn bố, vẫn gương mặt vô cảm như ngày nào. Bố không biết con gái bố đã làm gì, đã đạt được thành công sau những ngày vất vả.
Buổi tối hôm đó, mình dành thời gian ngồi trước màn hình vô tuyến. Hình ảnh mình cùng một đồng nghiệp nữa vừa được đưa lên cùng những lời ca ngợi. Công trình này được coi như một đóng góp quan trọng và là một thành tựu biểu lộ khả năng của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu chống lại mối đe doạ về một đại dịch khủng khiếp.
Hàng chục cú điện thoại của bạn bè, người thân liên tiếp gọi về. Những lời chúc mừng và ngợi khen nhiều đến nổi mình không kịp suy nghĩ gì về nó. Bỗng lúc ấy, trên màn hình hiện lên hình ảnh Khánh. Như một luồng điện chạy qua óc mình. Lời của cô phát thanh viên lanh lảnh như những nhát dao khứa vào tâm tư mình. Gương mặt anh sao mà sầu thảm. Đôi mắt đen ngòm, thất thần và dáng vẻ thiểu não, héo hắt…
Đêm hôm ấy mình đã thao thức không sao ngủ được. Ngày hôm sau mình lại đến công an để xin đăng ký vào gặp anh. Người cán bộ phụ trách thăm thân tròn mắt nhìn mình:
- Có phải tối hôm qua chị lên vô tuyến?
Mình cố tỏ ra tươi cười:
- Vâng!
- Chị là một nhà khoa học vừa chế ra loại thuốc chữa bệnh cúm gia cầm?
- Vâng, tôi cùng các đồng nghiệp…
Chị cán bộ công an xuýt xoa:
- Chị còn trẻ mà tài giỏi thế.
Nhưng sau lời khen là một câu hỏi:
- Chị có quan hệ thế nào với Khánh?
- Chúng tôi là chỗ bạn bè.
Chị cán bộ nhìn mình:
- Bạn học hay sao?
- Vâng!
Ba tuần sau mình nhận được thông báo của cơ quan công an cho phép vào thăm Khánh. Không biết người ta đã tôn trọng mình hơn sau khi công trình khoa học được nghiên cứu và công bố, hay còn vì lý do nào khác nữa. Dù sao, đối với mình đó cũng là một việc mong mỏi từ lâu.
Gặp lại Khánh mười phút, tại phòng thăm thân ở một nhà giam kiên cố tại Hà Nội. Mình ngồi đợi trong một căn phòng nhỏ. Lúc sau thì một người công an dẫn Khánh ra. Anh nhìn mình, nhoẻn một điệu cười. Nỗi buồn thảm trong tận cùng dù không muốn lộ ra nhưng cũng không che đậy được.
Mình nắm lấy bàn tay anh, quay mặt đi, cố che giấu làn nước mắt.
- Điều gì đã diễn ra rồi, có nuối tiếc cũng không đươc nữa.
Mình nghẹn lại, đó có phải là một lời động viên không hay là thói kiêu mạn không bao giờ thừa nhận tội lỗi của mình nơi con người đã mất đi nhân tính của anh?
- Em không đến đây để than tiếc, mà để gặp lại anh sau biết bao thương nhớ. Em đã không tin, không dám tin Khánh của em lại đến nông nổi này.
- Thôi, em đừng suy nghĩ nữa. Xin lỗi em và tất cả mọi người, anh đã làm cho mọi người đau đớn, thất vọng. Anh đã gây tội ác…
Mình vẫn giữ chặt tay anh trong tay mình. Một giây lâu im lặng, anh nói:
- Bàn tay em ấm lắm. Anh nhớ lại ngày ở Paris, có lần em đã dùng bàn tay ấm nóng của mình để giúp anh bớt đi lạnh giá.
Người công an vào thông báo hết giờ, mình đứng lên:
- Chào anh, em về…
- Anh cảm ơn em. Tấm lòng của em, anh sẽ khắc ghi mãi mãi...
Giọng của Khánh nghẹn lại. Đôi mắt anh đen ngòm một nỗi buồn đặc quánh. Mình chạy ra ngoài. Cả đất trời chao đảo. “ Vĩnh biệt em… Ngân của anh…”
Giọng anh đấy ư? Mình quay lại, đứng sững.
- Anh không bao giờ lừa dối em…
Khánh bị người công an dẫn đi khuất. Mình trở về, trên đường đi vẫn không thể nào xua tan được những ám ảnh về anh. Mỗi lời nói, cử chỉ của anh như một mũi khoan, khoan sâu thẳm vào tâm tư mình…
Hà Nội ngày khởi bút 21-7-2005
Viết xong lần đầu 11-3-2007
THIÊN SƠN
VanVN.Net - Hưởng ứng tinh thần “Trẻ em là hiền tài và nguyên khí của quốc gia” theo kế hoạch phát triển giáo dục đến năm 2020. Từ ngày 3-8/8/2011 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (148 Giảng Võ – ...
VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...
VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...
VanVN.Net - NXB Dân Trí vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Hoa mẫu đơn của tác giả Lê Toán. Đây là tập truyện giả tưởng - cũng là món quà thứ tư, tác giả dành tặng cho thiếu nhi, sau ...
Tiếp tục chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 4 (Khóa VIII), hôm nay, ngày 7/8/2011, BCH Hội Nhà văn VN đã có chuyến đi thực tế tại trại sản xuất giống tu hài của công ty TNHH Đỗ Tờ ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn