Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những mùa văn bội thu

Văn Chinh - 13-06-2011 03:46:39 PM

VanVN.Net - Trong diễn văn đọc tại buổi lễ trao giải thưởng về văn học nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: Thành tựu nổi bật của nền văn học ta hơn 60 năm qua là các tác phẩm viết về chiến tranh và về nông thôn. Nhưng viết về chiến tranh lại là viết về những nông dân trở thành anh bộ đội Cụ Hồ và như vậy, thực chất là viết về nông thôn. Cho nên, có thể nói, nông thôn là đề tài của mọi đề tài. Với tư cách đồng Trưởng ban chỉ đạo, nhà thơ Hữu Thỉnh nhiệt liệt chúc mừng các nhà văn nhà thơ, các nhạc sỹ đã có tác phẩm nhận giải thưởng đợt I và kêu gọi hãy nỗ lực hơn nữa, có nhiều tác phẩm hay hơn nữa xứng đáng với mảng đề tài của mọi đề tài… Bài viết sau đây nói về những tác phẩm được tôn vinh tại buổi lễ nói trên.

Lễ trao giải thưởng về văn học nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bộ Nông nghiệp & PTNT hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc vận động viết về đề tài tam nông: Nông dân, nông nghiệp và nông thôn, để xét thưởng những tác phẩm ưu tú (đợt I và các đợt tiếp theo) như là có tiền duyên. Sau 30 năm nỗ lực đẩy lùi cái đói lưu cữu và hãi hùng để có thể  dư thừa thóc gạo thịt cá xuất khẩu, cán bộ ngành Nông nghiệp bắt đầu chăm sóc đến đời sống tâm hồn nhà nông. Cũng là để kêu gọi những nỗ lực ngoài ngành cùng tìm kiếm những kiến giải cho các vấn đề bức xúc đặt ra giữa công nghiệp hóa với nông nghiệp nông thôn, giữa truyền thống với hiện đại đang ngày càng gay gắt. Họ đã dễ dàng nhận thấy các nhà văn và văn nghệ sỹ nói chung là những ngoại lực đồng chí hướng.

Về phía mình, Hội Nhà văn cũng cần một nhịp cầu để những thành tựu xuất sắc của văn học thêm nhiều không gian để phụng sự, thoát khỏi cái thị phần đọc bị gần như là khu biệt trong các thành phố, thị xã. Đằng khác, là những người được thiên bẩm nhậy cảm, các nhà văn thường phát hiện những mâu thuẫn nghịch lý trong quá trình phát triển rất sớm, nhiều khi tác phẩm của họ là tiên tri: Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương, Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải, Nỗi riêng khép mở của Ngô Ngọc Bội v.v…Họ có thể trở thành cố vấn đặc biệt hoặc là nhà phản biện của những mô hình nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước đang tổ hợp.

Một buổi làm việc của Hội đồng tuyển chọn các tác phẩm viết về nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Từ trong ra, bên trái:  Bạch Quốc Khang, Bằng Việt, Tuyết Nga; bên phải: Nguyễn Trí Huân, Lê Văn Thảo và Trần Huy Quang

Vậy là sự kết hợp “mạ già ruộng ngấu” đã nhanh chóng cho mùa gặt bội thu. Bài viết này nói về những thửa ruộng, những bông chín mẩy nhất trên cánh đồng văn ấy.

*

*     *

Có lẽ khỏi cần nói về cái hay chung của Thời xa vắng (Lê Lựu, 1986), chỉ xin nói một băn khoăn: Cuộc xét tuyển có tôn chỉ mục đích và thể lệ rất rõ ràng: Chỉ tôn vinh những tác phẩm lấy nông thôn, nông nghiệp và nông dân làm chủ đề sáng tác; là những tác phẩm viết từ Đổi mới (của ngành Nông nghiệp, tính từ Chỉ thị 100, năm 1981) đến nay và chỉ dành cho các tác giả sẽ còn viết về đề tài này. Mà “thì hiện tại” của Thời xa vắng  lại diễn ra ở doanh trại quân đội trong chiến tranh hoặc ngoài đường phố, dù những trang viết về nông thôn của nó là hay, rất hay. Nhưng có ý kiến khác lập tức thuyết phục: Cái anh Giang Minh Sài dù nó ở đâu, nó làm gì đều đặc sệt nông dân; cái anh nông dân vừa đáng yêu vừa đáng giận. Sài còn là nạn nhân của tính cách gia trưởng nông dân một khi được thời thế đã xa cấp cho cái chứng chỉ lập trường giai cấp.

Ma Văn Kháng là nhà văn của giáo giới, chính giới và đồng bào dân tộc thiểu số, cái đó, cùng với những tác phẩm gây ồn ào nhưng chưa hẳn đã hay làm khuất đi của anh cuốn Mưa mùa hạ (1983) viết về những kỹ sư thủy lợi tìm diệt các tổ mối đã khoét rỗng  thân đê trong khi lũ từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về. Mấy năm sau, vào năm 1986 người ta công khai nói đến nguy cơ đất nước bên bờ vực, nhưng Mưa mùa hạ đã cảnh báo với một giọng văn trầm tĩnh đến xót xa cách đó ba năm; nó còn cho phép liên tưởng xa hơn: Cho đến bây giờ, sự hưng suy của nông nghiệp nông dân vẫn là quốc tộ.

Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường, 1990) và Bến không chồng (Dương Hướng, 1990) bây giờ đọc lại bộc lộ ra những khiếm khuyết, ở đây là sự thiếu tiết chế khiến đoạn cuối bị tãi ra, ở kia thì còn lổn nhổn những dễ dãi, tạo nên những cú “vấp” rải trên đường tác phẩm đi vào lòng người. Nhưng các vấn đề cốt lõi ở nông thôn mấy mươi năm bao cấp đã được tái tạo thật sống động: Vây cánh dòng họ phe giáp cùng những mẹo mực vặt của nông dân được ẩn danh dưới các khái niệm hợp thời, tạo ra một môi sinh biến đổi gien, thiện ác khó nhận (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Những hiểu biết hạn chế của nông dân một khi nhiễm vào thói kiêu ngạo của một Nguyễn Vạn bước ra từ chiến thắng đã khiến anh ta không những không tự tìm kiếm nổi cho mình hạnh phúc mà còn, dẫu đầy thiện ý, nhưng hễ động vào ai, người ấy bất hạnh (Bến không chồng).  

Không hẹn mà gặp, các nhà văn Trần Kim Trắc, Nguyễn Hữu Nhàn, Đoàn Ngọc Hà, Trần Văn Thước đều có những Truyện ngắn chọn lọc giầu tính phồn thực như phù sa, như đất đai. Bút pháp hồn nhiên của họ ánh lên sắc thái  hồn hậu, nét căn bản của người nông dân khi họ ấm no cả ở nghĩa no vợ đủ chồng, dù đó là Ông Tư Nhiều (Trần Kim Trắc) làm cái gì cũng ghê gớm: Ăn nằm với bà góa thì rung sàn xiêu cột lán, trồng cam thì lúc lỉu và vàng suộm cả mấy cánh đồi hay một lão phu trung du muốn tỏ ra “lên đời” bèn xây ngay gian giữa cái toa lét cả chục triệu bằng tiền bán đất hay cậu người Dao hăm hở đi “ngủ thăm” kiếm vợ (Nguyễn Hữu Nhàn). Hỡi ôi, với người nông dân, trồng cây gì, nuôi con gì chẳng là “ngủ thăm” với đất đai mưa nắng? Còn nông dân châu thổ sông Hồng thì hiện ra chân chỉ hạt bột hơn ở Đoàn Ngọc Hà và Trần Văn Thước. Tôi trộm nghĩ, ai muốn nghiên cứu về người Việt nói chung và người nông dân ở lưu vực sông Hồng nói riêng, nhất thiết cần mời hai nhà văn này cộng sự. Chỉ là trực cảm sáng tạo thôi, nhưng ở họ đầy minh triết dân gian!

Nhắc đến Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê  Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp hẳn không có ai không chịu là hay. Nhưng sự thực thì vẫn còn có ngần ngại đây đó: Nó cay đắng quá. May sao, chính một số cán bộ của ngành Nông nghiệp lại phát biểu: Cay đắng mà hay, khiến người ra phải ngậm ngùi nghĩ ngợi có thể còn có ích hơn khi làm người ta phấn khởi một cách hời hợt.

Trong các bậc “lão nông văn học”, xuất hiện cùng thời với những danh sỹ như Chu Văn, Đào Vũ, Nguyễn Khải, hay với những nhà văn từng là cộng sự như Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú…chỉ Ngô Ngọc Bội còn son sắt với nông thôn. Nhà văn hơn 80 này có niềm tự hào lạ lùng: Từ Phú Thọ về Hà Nội nhưng chỉ viết một đề tài (tam nông), chỉ in một báo (Văn nghệ) và chỉ đi một xe đạp, là cái Diaman mua từ 1960 bằng tiền Giải Nhất báo Văn nghệ: Bộ quần áo mới. Sẽ dễ hiểu hơn về sự gắn bó ấy nếu biết một nửa gia đình ông, bà vợ tấm mẳn của ông vẫn ở tại quê nhà làm xã viên hợp tác. Mọi lo lắng về việc làm ăn chểnh mảng theo tiếng kẻng, về cái đói và về cái sự tập thể hóa những cánh rừng cọ rồi hoặc để hoang hóa hoặc bóc lột chúng đến xác xơ đều tác động trực tiếp đến gia cảnh ông; có lẽ vì vậy, nó đã để lại trong văn Ngô Ngọc Bội những dấu ấn nhói buốt. Thực ra, vấn đề dòng họ trong Chi bộ làng đã được ông đặt ra từ trước Đổi mới, trong tiểu thuyết Gió lay chầy chật mười năm mới in nổi. Cùng với kịch Đất nghịch của Hồng Phi, thiên ký sự Nỗi riêng khép mở của Ngô Ngọc Bội là tiếng sấm đầu mùa của những cơn mưa rào Đổi mới.

Sau những tác phẩm đã từ văn bản đi ra và tham dự vào đời sống tinh thần của công chúng; với một số tác phẩm còn là tham dự trực tiếp đến tiến trình Đổi mới và hoạch định chính sách công; tôi muốn nói đến các tác phẩm còn lạ lẫm với chúng ta. Người giữ đình làng của Dương Duy Ngữ ngợi ca một con người dùng cả cuộc đời mình, khi thì bằng mẹo mực lúc bằng chính sinh mệnh chính trị cá nhân bất chấp hiểm nguy để giữ cho ngôi đình – nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng, được tồn tại trước họng súng của tây đồn dọa đốt để triệt hạ Việt Minh; được bảo tồn và tu sửa nâng cấp trước những tư tưởng ấu trĩ quá tả thời rầm rộ xóa tàn tích cũ thiết lập trật tự mới. Hình tượng của tiểu thuyết Ông Giáo Quý chính là linh hồn của làng quê - những tiểu trí thức trong tư cách tấm gương ứng xử của cộng đồng; nó cũng cắt nghĩa vì sao, trong cả ngàn năm mù chữ người nông dân lại vẫn cứ đậm đặc văn hóa như thế. Khi xem phim Ma làng tôi cứ hình dung tiểu thuyết cùng tên của Trịnh Thanh Phong cũng lòng thòng dễ tính như… phim! Hóa ra nhầm to. Đó là một tổ hợp chặt chẽ những quan hệ nhân quả, với những trang miêu tả đời sống nông thôn trung - thượng du sống động nhờ ngôn ngữ của ai người ấy nói. Có điều đáng tiếc ở cả hai cuốn tiểu thuyết này là những cái chết được cài đặt như là quả báo, y như lời dọa ma của người xưa. Các nhà văn quên mất rằng, lời dọa ma chỉ làm những kẻ yếu bóng vía sợ hãi, còn những kẻ cơ hội biến chất như chủ tịch Ất, có mà chính y sẽ đem ma ra dọa người lương thiện.  

Thủy hỏa đạo tặcĐồng sau bão của Hoàng Minh Tường viết về sản xuất hợp tác xã, tái hiện cái nhức nhối một thời với những quẩn quanh tháo gỡ của nhiều trí tuệ nhưng tháo gỡ không xong. Còn có thể đòi hỏi nhiều hơn những trang làm ánh lên một văn hóa làng vốn là một điểm mạnh của các nhà văn khi động bút vào đấy. Ví dụ như Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, người khó tính có thể chê tác phẩm còn dài, nhịp chậm nhưng cái hồn quê Quảng Bình cứ thấm đẫm các trang văn, nhiều đoạn đọc trong nước mắt. Viết về đơn vị dân quân bảo vệ một con đập nhỏ - là nguồn sống của cả làng với biết bao hy sinh trong chiến tranh. Nhưng hóa ra cái khốc liệt nhất của chiến tranh với cả núi bom ném xuống con đập nhỏ lại là đặt con người trong tình thế éo le hiểm nghèo, như thể nó đặt bom hẹn giờ hủy hoại nhân tính là thứ  vốn mong manh.

Trong tập Bến nước Kinh Cùng của Nguyễn Lập Em, các truyện đều xẩy ra ở một mom sông, một bến nước hay một cù lao giữa sông. Ở đó, tình yêu, ký sức và cả những mưu sinh của con người nằm trên thế chênh vênh, truyện Xa lắc Cồn Te còn là nằm trên quá trình biến mất do đất lở; đưa chúng ta đối diện với thất thường của khí hậu và nguy cơ của nó. Văn Nguyễn Lập Em ngậm ngùi, nhiều hoài niệm nhưng khiến người đọc bất yên vì mọi êm đềm cứ như có một Cồn Te nhân tính, Cồn Te quan hệ truyền thống và cả Cồn Te của những tập quán ngàn năm đang xói lở đang xáo trộn.

*

*     *

Trong quá trình tuyển chọn, các vị hội đồng vẫn than thở với nhau thơ về nông thôn hóa ra rất ít, ngay Phạm Công Trứ có thể gọi ông là nhà thơ của nông thôn, cũng chỉ được một phần ba tập. Nhưng có ý kiến trao đổi lại, thơ với đặc trưng tạo ám ảnh và gây bùng nổ cảm xúc của mình, nó đã “hiện diện” thật sâu rộng trong tâm hồn chúng ta. Chỉ một câu của Hữu Thỉnh: Vạt mảnh bờ con cua mất quê/ Rau đay làm lẽ buổi anh về đã đặt ra thật nhiều vấn đề của nông nghiệp, nông thôn và nông dân cả đã qua lẫn đang tới. Một câu của Phạm Công Trứ: Nhà quê khí chất tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân đã vẽ ra một bức chân dung anh nông phu (cửu vạn?) độc đáo; còn câu sau thì viết về Mùa xuân nói chung, nhưng lại hây hẩy gái quê: Tôi tin cái mây mẩy/ Của mùa xuân cũng hồng. Vâng, vì vậy, hội đồng đã yên tâm chọn như Thể lệ: Chùm ít nhất mười bài về nông thôn hoặc tương đương một chương của trường ca, trong các tập đã xuất bản từ 1981 đến hết năm 2010.

Tập thơ Cho đồng thơm gió của Nguyễn Thị Phước còn viết về Huế, về Đà Lạt, về Những đường phố mang tên Nguyễn Du nhưng phần lớn viết về một mối tình hình như không còn tồn tại; mối tình ấy được cánh đồng chứng kiến và ghi nhớ trong ký ức của nó. Ký ức cánh đồng giờ đây đã trở thành niềm an ủi:

Mình đã làm đồng thơm gió

Chẳng còn ân hận điều chi

thành niềm nâng đỡ:

Câu hát xưa giờ vẫn hãy còn

nhưng người hát thì tôi không quen biết

(…) Trái tim tôi chỉ giả vờ bé con

và đập cho một câu hát khác

hay câu hát năm xưa hồn đã theo người hát

chỉ còn lại thanh âm ở lại cánh đồng?

Trần Quang Quý đã hơn một lần toan đưa thơ sang bên kia bờ siêu thực, nhưng chỉ khi ông đào xới ký ức làng quê, ông mới vừa gặp thơ vừa gặp bản thể mình:

Cổ tích làng tôi tắm ở bờ ao

Em cứ thả trắng ngần trăng ướt

và: Tháng ba ta về em mò cua bắt ốc

Gặp ta thẹn thùng giấu mặt

Chiếc nón vờ lật gió

Mặc dầu, cái làng quê ấy thật nghèo, đến cả những âm thanh cũng như muốn mài cho mòn thêm nữa:

Lớp gạch già lõm mặt

Cánh cổng lăn kẽo kẹt đời người

đến cả dáng hình hệ trọng nhất của mỗi con người cũng xô lệch đi:

Cổ tích làng tôi đựng trong chiếc mủng

Mẹ bưng tháng năm lệch ngõ

Và, như một nghịch lý, càng đào sâu vào quá khứ, thơ Quý càng gặp hiện đại:

Người nông dân đi suốt đời mình

Còn truyền lại lưỡi cuốc cùn như báu vật

Tất cả cùng hái gặt trên cành đồng này

Và cánh đồng đã gặt hái họ

Có thể coi trường ca Trầm tích (Hoàng Trần Cương) là bức chân dung bằng thơ do đứa con xứ Nghệ vẽ tặng Mẹ mình - quê hương miền Trung của mình. Quê nghèo, toàn những đá mồ côi, vại nhút, nón mê, cá gỗ… đến chai mắm cũng bị gió Lào làm bốc hơi hết, đã theo quy luật trầm tích để thành đá đỏ, thành thơ:

Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh

Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh

(…) Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát

Tảng cháy cạy đi rồi

Còn hằn vết móng tay

Cày lên

Sưng cả đáy nồi

Trước đây, dòng thơ dân tộc và miền núi đi thẳng từ cổ sơ đến hiện đại, chúng ta đã có Y Phương và giờ đây, thật đáng ăn mừng là có thêm Đỗ Thị Tấc. Tấc  người Hưng Yên, lên Lai Châu từ thuở lên ba, điệu thức những bài ca cổ sơ của Tày Thái, của Hà Nhì đã vận vào để, chẳng những làm nên điệu tâm hồn, nó còn góp phần làm nên thi pháp của nhà thơ tương lai. Khác với ngôn ngữ ở hai đồng bằng lớn, ở bên sông Hồng là thêm chữ cho đẹp lòng người nghe, bên sông Cửu Long là thêm chữ cho đẹp ngữ điệu; người miền núi chỉ nói những câu tối giản. Và tối giản là đặc trưng của người hiện đại. Hãy nghe Đỗ Thị Tấc nói về thói quen bước của người miền núi, chỉ một câu, thân phận lam lũ một đời người đã hiện ra:

Đầu gối mẹ đi không thẳng

Đất bằng

bước chân nào cũng hẫng.

Khác với Hoàng Trần Cương, thơ Đỗ Thị Tấc tả cái nghèo khổ, cái gan góc của người miền núi cứ nhẹ nhõm như không:

Mài đá giữa nhà làm bàn

Mài đá trước sân phơi hạt

Cây ngô, cây kê mọc lên từ lách đá

Cây lúa, cây rau mọc lên từ kẽ chân của đá

Nhưng đóng góp lớn nhất của Đỗ Thị Tấc cho thơ miền núi là ở chỗ đã đưa quan tâm của thơ vượt khỏi số phận riêng rẽ, nhúc nhích đến cái quen thuộc của Con Người nói chung. Xin hãy đọc trọn vẹn một bài, bài Dáng tre:

Cha cho măng dáng đứng

Mẹ cho măng áo mặc

Lớn lên bung áo chật

Dáng thẳng vẫn vươn cao.

 

Vươn cao đến một ngày

Biết mình là con núi

Biết mình là cháu trời

Cho nên đầu tre cúi

Vâng, là Con Người thì biết lễ phép trước tạo hóa, trước thiên nhiên và trước đồng loại.

*

*   *

Chúng tôi chưa dám nói là đã đọc hết những tác phẩm hay nhất viết về nông thôn của cả nền văn học. Nhưng bằng vào hơn 150 tác phẩm được đọc khi sơ tuyển và hơn 30 cuốn vào chung khảo tuyển chọn, cảm giác mùa văn bội thu suốt 30 năm qua về nông dân, nông nghiệp và nông thôn là rất rõ. Nếu cảm giác của tôi đúng, thì cũng là điều dễ hiểu. Ai đó đã có một minh triết: “Nông dân là phần sót lại của nhân loại (cổ điển) ”, tôi cũng muốn nói, nông thôn là cố hương của con người, là cuống nhau của những thai nhi văn học.

(Nguồn: Văn Nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...