Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Văn nghệ quân đội vẫn đang sinh sôi và phát triển

Dương Tử Thành (thực hiện) - 10-06-2011 12:07:39 PM

VanVN.Net - Khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội có chủ trương xây dựng báo điện tử, đã có ý kiến lo ngại rằng, Văn nghệ Quân đội mạng sẽ “giết” Văn nghệ Quân đội in!!!. Nhưng qua hơn ba năm thể nghiệm, tình hình không phải như vậy. Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình cho biết thêm: Tạp chí thường xuyên mở trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động viết, các hội nghị… để tìm người tài.

Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình

Có rủi ro nhưng vẫn phải làm

- Bồi dưỡng, phát hiện những người viết trẻ vẫn được bên Quân đội làm rất tốt, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội, ông thấy cần phải làm gì để tạo ra những hạt giống văn chương có tiềm năng?

- Như tôi vừa nói ở phần trên là mở trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động viết, các hội nghị (hội nghị những người viết trẻ, hội nghị cộng tác viên…) và thường xuyên gắn bó với các đơn vị, nhà trường, tranh thủ ý kiến của cơ quan chức năng để tìm người tài… Tức là vẫn theo truyền thống cũ, nếp nhà xưa, có “nhà mặt tiền”, có “ruộng hương hoả” các cụ để lại cho phải giữ và cứ thế mà làm như con tàu đã nằm sẵn trên đường ray, chỉ việc “vào số, nhấn ga”.

- Vừa rồi Quân đội đã mở hẳn một lớp đào tạo viết văn riêng thay vì chọn lọc để gửi đi học tại Đại học Văn hóa Hà Nội như trước đây, ông thấy việc này thế nào?

- Việc này mới chỉ như là một phép thử, phải kiên trì chờ đợi…

- Làm như vậy có vẻ đại trà và chạy theo số lượng?

- Thì “bó đũa chọn cột cờ” mà, cũng như là việc thăm dò khoáng sản có nhiều rủi ro, nhưng chẳng lẽ không làm, không thăm dò?

- Dù là tạp chí văn chương uy tín nhưng các cuộc thi truyện ngắn hay thơ ở Văn nghệ Quân đội vẫn không tránh khỏi những ì xèo về tác phẩm dự thi và giải thưởng, làng văn vốn nhiều chuyện hay cách thức tổ chức thi vẫn còn “có vấn đề” thưa ông?

- Danh giá và có bề dày đến như giải Nobel còn có chuyện nữa là. Nhưng các giải mà Văn nghệ Quân đội trao bấy nay nhìn tổng thể là… có hậu. Bạn cứ nhìn lại xem những người từng được giải cao của Văn nghệ Quân đội hiện nay đều có vị trí trên văn đàn? Các tác phẩm được trao giải như: Có một đêm như thế, Mùa hoa cải ven sông, Tiếng vạc sành, Tiếng chuông trôi trên sông, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Hậu thiên đường, Sau những mùa trăng, Miền cỏ hoang, Hồi ức binh nhì… vẫn sống được với thời gian đấy chứ.

 

Tre già thì măng mọc

- Mấy năm nay giới văn giới hay nói đến một cuộc chuyển giao thế hệ ở Văn nghệ Quân đội với những cái tên sáng giá, để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao này, có vẻ như Văn nghệ Quân đội đã có một chiến lược thu hút nhân sự từ khá sớm?

- Chuyển giao thế hệ là câu chuyện bình thường tất yếu, không chỉ ở Văn nghệ Quân đội mà là ở tất cả các đơn vị cơ quan trong cũng như ngoài Quân đội. Tre già măng mọc là quy luật, là thế nên ta mới nói đến cụm từ “các thế hệ nhà văn”; cũng là thế nên trong tôn chỉ, mục đích của Văn nghệ Quân đội mới ghi rõ, ngoài việc “đăng tải các sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học…” còn có nhiệm vụ “phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn nghệ trẻ đặc biệt là những tài năng trẻ trong quân đội”. Được xem là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên nên năm nào chúng tôi cũng tổ chức những trại sáng tác văn học, trao tặng thưởng cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc được in trong năm; lâu lâu tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác về đề tài người lính… Từ trong những hoạt động này, chúng tôi đã phát hiện bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ từ khắp các đơn vị địa phương, trong đó có nhiều người được sự đồng ý của Tổng cục Chính trị đã đầu quân về “Nhà số 4” và hiện đang giữ những trọng trách của tờ báo như: Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng…

- Lãnh đạo một đội ngũ những nhà văn trẻ có tài (mà tài thì ít nhiều thường đi với… “tật”) điều gì khiến ông “lo ngại” nhất?

- Là người đã có thâm niên hơn 30 năm là “dân” Phố nhà binh, là “người” của “Nhà số 4”, là đàn em, là bạn của mấy thế hệ nhà văn và hiện đang là “đàn anh” của các nhà văn trẻ thú thực tôi ít phải “lo ngại”. Lãnh đạo mấy mươi nhà văn là lãnh đạo mấy mươi tài năng, mấy mươi tính cách, điều đó không dễ! Nhưng tôi là người may mắn vì học được ở các bậc đàn anh nhiều kinh nghiệm. Nhà thơ Vũ Cao, Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội trước đây bảo, lãnh đạo cánh văn nghệ là… không lãnh đạo gì cả! Tổng biên tập Dũng Hà thì khuyên, hãy là bạn đọc của họ trước, sau đó mới là người lãnh đạo! Còn nhà văn Nguyễn Khải trước khi chuyển ngành nhắc, nếu làm lãnh đạo nhà này hãy là… ông từ giữ đền! vv…

- Từng làm việc với những “cây đa cây đề” ở Văn nghệ Quân đội từ khi còn rất trẻ, cho đến lúc chính mình trở thành lãnh đạo cao nhất, ông thấy đó là một sự… may mắn hay đó là kết quả của một quá trình phấn đấu?

- Tôi về nhà số 4 lúc còn là anh chàng Trung sĩ bộ binh vốn liếng chỉ phất phơ dăm bảy bài báo. Ban đầu là phụ biên tập (chức danh do Thư ký toà soạn, Trung tá - nhà văn Hải Hồ lúc ấy đặt ra, cả cơ quan chỉ có tôi và nhà văn Nguyễn Bảo mang chức danh này!), nghĩa là làm chân sai vặt của Trưởng ban Lý luận – Phê bình, đại uý Ngô Thảo. Sau đó đi “giữ nhà” cho cơ quan ở phía Nam (Văn nghệ Quân đội những năm 1976 – 1986 có trụ sở là một biệt thự rất đẹp ở 9 - Đặng Thái Thân, Q5-TP Hồ Chí Minh). Tiếp nữa làm Trợ lý chính trị đơn vị…, rồi theo quy luật “con cả đi con dì lớn” lần lượt không bỏ qua một “nấc thang” nào, thành Hội viên Hội Nhà văn, Biên tập viên, Thư ký Ban biên tập, Trưởng ban Lý luận – Phê bình, rồi Phó rồi Tổng biên tập…như hôm nay. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình vừa may mắn vừa nhẫn nại, thiếu một thứ sẽ... không thành mình.

 

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm TCCT bấm nút khai trương VNQĐ online

 

Nhanh nhưng phải “đúng luật”

- Văn nghệ Quân đội vừa nâng cấp website thành Báo điện tử, “Nhàsố 4” định hướng tới điều gì thưa ông?

- Văn nghệ Quân đội điện tử hôm nay vốn là trang tin điện tử của Tạp chí được phép hoạt động từ tháng 7 năm 2007. Với 3 năm hoạt động,website Vannghequandoi.com đã có gần 4,5 triệu lượt người truy cập và được tờ Văn chương Hồn Việt xếp trong top 5 các trang tin điện tử văn học tiếng Việt. Tuy nhiên, vẫn cần có một tờ báo mạng để có thể giới thiệu nhiều hơn, kịp thời hơn những sáng tác mới, đặc biệt là những sáng tác về đề tài người lính, những sáng tác của các cây bút trẻ, trong đó có những cây bút trẻ đang khoác áo quân nhân; đồng thời để cập nhật kịp thời hơn, hiệu quả hơn những vấn đề thời sự của văn nghệ mà tạp chí in (dù là 15 ngày một số) chưa đáp ứng được. Việc ra mắt Văn nghệ Quân đội điện tử vừa rồi đã ghi dấu sự ra đời của tờ báo văn chương điện tử đầu tiên và là tờ báo điện tử thứ hai của quân đội (trước đó là tờ Quân đội Nhân dân điện tử), là một một hướng đi hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại và cũng là cách để quảng bá hình ảnh Quân đội một cách kịp thời và hiệu quả.

- Trước đây từng có ý kiến lo ngại rằng nếu đưa tất tật nội dung của tạp chí lên web thì sẽ ảnh hưởng đến lượng phát hành tạp chí giấy, có điều gì đã làm thay đổi cách nghĩ trên hay những người làm văn chương “Nhà số 4” đã nhận ra thế mạnh và lợi ích của báo mạng?

- Thú thật những ngày đầu làm báo mạng cũng có những ý kiến lo ngại như vậy bởi như đã có người nói Internet là “kẻ khủng bố của văn hoá đọc”, coi chừng “gậy ông lại đập lưng ông”! Văn nghệ Quân đội mạng sẽ “giết” Văn nghệ Quân đội in!!!. Nhưng qua hơn ba năm thể nghiệm, tình hình không phải như vậy. Văn nghệ Quân đội điện tử không những không làm “phương hại” Văn nghệ Quân đội in mà ngược lại còn góp phần…PR một cách có hiệu quả tờ Văn nghệ Quân đội. Trong cơn bão giá, trong lúc nhiều tờ tạp chí gặp khó khăn thì tạp chí chúng tôi vẫn giữ vững ấn bản phát hành một tháng hai kỳ với 25.000 – 27.000 bản/ kỳ mà giá thì… rẻ “bất ngờ”, chỉ với 11,5 ngàn đồng/số. Cũng phải nói thêm là Văn nghệ Quân đội 30 năm nay chưa bao giờ là “tờ báo bao cấp” như nhiều người vẫn nghĩ. Văn nghệ Quân đội phát hành qua bưu điện, là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, nhưng không có quyền tăng giá. Giá của tạp chí chúng tôi do Hội đồng giá của Bộ Quốc phòng “quyết”. Xin tiết lộ thêm, hàng tháng Văn nghệ Quân đội inchừng 5 – 5,5 vạn số, trong đó phát hành ở các tỉnh phía Nam là xấp xỉ 1/3,chừng 18.000 số.

- Xu thế số hóa các tác phẩm văn chương để bạn đọc sử dụng Internet tiếp cận nó ngày càng phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu lan tới Việt Nam, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về xu hướng này?

- Tôi nghĩ, Internet là một phát minh vĩ đại của loài người với biết bao những tiện ích mà trước đây có… mơ cũng không thấy, nhưng số hoá các tác phẩm văn chương để bạn đọc tiếp cận ở ta còn đang là một vấn đề mới cần tiếp tục tìm hiểu, tránh vội vàng. Đã là nhà văn ai chẳng muốn tác phẩm của mình đến được với bạn đọc nhanh nhất, nhiều nhất, nhưng vấn đề là phải “đúng luật”. Chỉ nên số hoá các tác phẩm đã được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép. Các nhà văn cũng không cần quá nôn nóng, cứ đường đường chính chính mà đi, văn đã hay thì kiểu gì cũng đến được với bạn đọc, kiểu gì thì cư dân mạng cũng sẽ tìm đến…

- Cám ơn ông đã chia sẻ!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...