Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Tiểu thuyết “Đất dẻo” của Nguyễn Đức Huệ, tiếp theo
Cập nhật: 15:55:00 20/12/2010

VanVn.Net - Một thời gian dài, chúng ta quen thói coi năng lực cá nhân chỉ là hạt cát trong sa mạc, viết về người thật việc thật mà cứ phải vòng vèo qua sự lãnh đạo của những ai ai. Thế rồi lối làm ăn tập thể càng thắng lợi thì nền kinh tế càng sa sút, sa sút cho đến bên bờ vực thẳm thì mới giật mình nghĩ lại. Nghĩ lại, làm lại nhưng lối tư duy cũ thì vẫn còn đó, trở lực vẫn còn đó. Phần tiếp theo của tiểu thuyết “Đất dẻo” sẽ cho chúng ta những trải nghiệm nhiều đắng cay, nhiều nỗ lực để vượt thoát khỏi chính mình, vượt thoát khỏi quá khứ cứ khư khư bám níu để rồi tất cả phải gật gù: “Chúng ta đã đi từ quá khứ ấu trĩ đến hôm nay giầu mạnh, chúng ta đã đi qua lò luyện để trở thành những con người khác, ấy là chính con người chúng ta kiêu hãnh và tự do!”...

Chương 12

Mấy tháng cuối năm dồn dập bao nhiêu việc. Vừa hoàn thiện nhà máy Đồng Ho, đi vào sản xuất ổn định thì tiếp luôn đến Hội nghị khách hàng lần thứ hai với gần trăm đoàn khách trong và ngoài nước. Còn đang bận ký tá hàng loạt hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thì nhận được thông tư hướng dẫn về việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Chà, mệt không thở được! Nhưng mà vui. Vui vì thế trận đã hình thành, không còn tình trạng rối tinh rối mù như trước nữa. Nói theo binh pháp Tôn tử thì xem ra từ cửa Hưu đến cửa Khai, trên dưới dọc ngang đều vững như bàn thạch, đưa các cơ đội vào guồng một cách đồng bộ, nhịp nhàng, ra thì động, vào thì tĩnh, có khả năng biến hóa khôn lường. Người đứng đầu doanh nghiệp bây giờ cũng giống như người cầm quân ra trận vậy, phải bài binh bố trận sao cho chặt chẽ nghiêm minh, trong ứng ngoài hợp, trên dưới hiệp đồng giành chiến thắng, từ đó mà dựng lên cơ nghiệp lâu dài. Mình cho rằng cái thành công nhất của mình năm nay không chỉ là việc làm ăn có lãi, mà cái chính là đã tạo ra được một bệ phóng khá hoàn chỉnh, đủ sức vươn xa, không chỉ cho năm nay mà cho mãi sau này, nói theo ngôn ngữ đương thời là phát triển bền vững. Phát triển bền vững! Có cảm giác cái cụm từ này gần đây hơi bị người ta lạm dụng, ở đâu cũng nói rang rang, nhưng khi vào cuộc thì lại không được thế, thành ra tiếng là doanh nghiệp nhưng nhiều đơn vị vẫn làm ăn rất manh mún chụp giật, ăn xổi ở thì, được chăng hay chớ. Lại có nơi bộ máy phình to nhưng lực lượng chủ chốt thì rất yếu, bám vào nhà nước như cây tầm gửi, bỏ thì thương, vương thì tội.

Nhìn rộng ra thì thế. Năm qua có điều kiện đi nhiều nên biết vậy, xem đó như bài học cho mình, để luôn nhìn lại mình mà liệu bề tiến thoái cho chắc chắn. Ra nước ngoài càng học được nhiều hơn, không chỉ mở mang tầm nghĩ tầm nhìn, thâu lượm được khá nhiều kinh nghiệm quý đem về áp dụng vào đơn vị mà mình còn phát hiện ra một điều cực kì quan trọng, ấy là ở các nước phát triển, cái mệnh đề “Cơ chế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa” mà hiện ở ta nhiều người còn nghi ngại không biết có thực hiện được không thì hóa ra người ta đã thực hiện rồi. Nếu hiểu cái “định hướng” này theo nghĩa rộng, tức là cái tinh thần nhân văn cao cả, thì rõ ràng hầu hết các doanh nghiệp bên đó đã làm, đang làm, chỉ có điều họ không nói ra, không nêu thành khẩu hiệu thôi. Trên thực tế, họ ngày càng quan tâm đến cuộc sống người lao động, xóa dần đi cái khoảng cách giữa ông chủ và người thợ làm thuê trên mọi phương diện, xóa đi mọi sự kì thị cả về vị thế và sắc tộc để con người xích lại gần nhau. Ngoài ra họ còn rất tận tình trong việc làm từ thiện, luôn giúp đỡ những người nghèo khó, giống như nhân vật ông bố trong phim “Người giàu cũng khóc”. Ông ta cũng là một doanh nhân đấy, nhưng bên cạnh đó còn là người có tấm lòng vàng.

Mình sẽ học theo hướng đó, và do đó, mình tin rằng cái mệnh đề kia sẽ thực hiện được, nếu như hiểu theo đúng nghĩa của từ này.

Người ta bảo từ ao tù ra biển không cẩn thận sẽ chết ngập, nhưng mình tin với cách đi này, làm Thuyền trưởng cũng không phải là khó lắm. Cố nhiên không thể chủ quan, phía trước còn không ít nguy cơ tiềm ẩn, sóng gió phía trên đá ngầm phía dưới, phải luôn theo dõi hàn thử biểu, phải thật tỉnh táo khi chỉnh hướng la bàn thì mới hi vọng tránh được rủi ro trên mỗi lộ trình mà đi tới.

Ngồi một mình trong phòng làm việc, sau khi ký xong một loạt văn bản giấy tờ, Âu ngả người trên chiếc ghế xoay, ngửa mặt lên trần nhà, ngẫm nghĩ. Anh có thói quen mỗi khi ngồi một mình, thường hay điểm lại những việc đã làm, những chuyện đã qua, như thể ngầm tổng duyệt toàn bộ hành trang của mình cho cuộc hành trình sắp tới.

Chặng đầu vừa đúng một năm, còn quá sớm để có thể khẳng định điều gì. Nhưng rõ ràng so với trước đây đã vượt lên trông thấy. Tổng lãi suất trong sản xuất kinh doanh tăng gấp bội, nói như một tờ báo tỉnh vừa đưa tin sốt rẻo là tăng gấp bốn lần so với cùng kì năm ngoái. Mà cứ cái đà này sang năm sẽ còn tăng. Tăng với cấp số nhân chứ không phải nhích lên ì ạch mỗi năm vài chục phần trăm như nhiều đơn vị khác. Nghĩ cũng lạ, vừa mới đầu năm mình còn cắp cặp đi học hỏi kinh nghiệm người ta, thế mà bây giờ người ta lại đổ xô đến tham quan để học lại mình. Họ khen mình giỏi nhưng mình chỉ dám nhận là may. May thôi chứ giỏi gì đâu ạ! Mình nói thế. Quan khách xem ra đều có vẻ hài lòng. Cho hay cái đức khiêm nhường của con người ta không bao giờ thừa cả. Và thực ra trong chuyện này cũng có những cơ may thật. Cái may trước hết là tốc độ xây dựng đột nhiên tăng vọt, gạch ngói sản xuất ra bán được nhiều. Cái may thứ hai là mình đã kịp thời mở thêm nhiều đại lý, sửa sang đường xá, làm đẹp môi trường cho khách ra vào thuận lợi. Cái may nữa là mình có trong tay đội ngũ công nhân kỹ thuật khá lành nghề, được phân bổ đồng đều trong cả ba nhà máy, biết bảo ban thợ trẻ áp dụng những biện pháp tối ưu trong sản xuất, để sản phẩm làm ra đạt tiêu chí nhanh nhiều tốt rẻ, thu hút khách hàng ngày một đông hơn. “Gạch ngói ông Âu như bánh mì ngon, không nhanh thì hết!”. Chẳng phải ai mà chính khách hàng họ kháo nhau như vậy. Nghĩ cũng hay. Gạch ngói mà so với bánh mì có nghĩa là việc nâng cấp nhà ở đã trở thành cơm bữa, chứng tỏ cái hầu bao của dân mình đang ngày một đầy lên. Nhiều người khá giả hơn lại thích chơi sang, bắt đầu nhòm đến Cotto rồi. Sản phẩm Cotto giá thành hơi đắt nhưng đắt sắt ra miếng. Khách hàng ngoài nước thì khỏi nói, chỉ một hai lần quảng bá thôi là họ chuộng ngay. Nhưng dân mình thì khác, xưa nay người ta chỉ quen dùng gạch tráng men Trung Quốc hoa hòe hoa sói, cho rằng gạch Cotto nó hơi thô mà lại tối màu, chỉ để lát sân là chính. Thời gian đầu mình cho quảng cáo khắp nơi nhưng họ vẫn lắc đầu. Gần đây một số đại gia đi Tây về, học được cách trang trí nhà bằng sản phẩm Cotto, mảng nào ra mảng ấy, trông vừa tân tiến vừa khỏe đẹp, lại có giá trị sử dụng cao, chống ẩm và chống nhiệt, độ bền thì nhất, không có vật liệu ốp lát nào thắng nổi. Thế là những vị “thiếu gia” bắt đầu thấy thích, rủ nhau vào tận nhà máy Cotto tìm hiểu. Điều này chứng tỏ người ta bắt đầu nhận thức ra cái giá trị đích thực của sản phẩm công nghệ mới. Vẫn là cái chất liệu đất dẻo ấy thôi, chẳng có gì khác cả, ấy thế mà đưa vào cái dây chuyền sản xuất Secmi hiện đại kia, nó bỗng thành ra muôn hình vạn trạng. Vậy là công sức bao đêm mày mò thử nghiệm của đội quân ông Nghiệp đã không uổng chút nào. Đấy cũng là một sự may. Người ta bảo có thờ có thiêng có kiêng có lành. Nếu không nhờ Sơn thần Thổ địa âm thầm giúp đỡ thì chắc gì đã thắng to như vậy? - Bất giác Âu mỉm cười một mình. - Đúng là may quá đi ấy chứ!

Có tiếng gõ cửa. Lê Dũng đến, cầm theo một tập tài liệu hướng dẫn việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Âu ngồi ngay ngắn lại, hỏi luôn:

- Công việc triển khai đến đâu rồi?

- Báo cáo anh, em đã phát tài liệu cho tất cả các phòng ban phân xưởng. Mấy ngày nay mọi người đang bàn luận sôi nổi lắm.

- Bàn luận những gì?

- Chủ yếu bàn về lãi suất sau này cho mỗi cổ đông. Một số tin rằng sẽ có lãi suất cao, số khác cho rằng có lãi cũng không đáng kể. Từ đó đã nảy sinh một vấn đề khá nhạy cảm mà em thấy cần báo lại với anh.

- Vấn đề gì vậy?

- Hiện có một số người định tung tiền ra mua cổ phiếu với giá cao, như kiểu đầu cơ, anh ạ!

- Chắc lại hai bố Trần Xung, Lê Chưởng?

- Anh đoán chính xác. Chính là hai ông ấy. Tuy không ra mặt nhưng họ đang ráo riết đầu tư vào vụ cổ phiếu này. Và để vận động bà con bán nhiều cổ phiếu cho mình, họ đã phái đám tay chân loan tin một cách úp mở rằng công ty phát triển đến đây là đỉnh điểm rồi, không thể cao hơn được nữa. Có lãi lờ gì thì cũng chỉ như gửi tiền tiết kiệm thôi, giỏi lắm được 0,01%, hoặc hơn một chút, chẳng ăn thua gì cả.

Âu khẽ gật đầu, trầm ngâm suy nghĩ. Dũng ngầm theo dõi vẻ mặt anh nhưng không thấy biểu hiện gì, lại hỏi:

- Họ có ý đồ giành quyền bính trong Hội đồng quản trị bằng cách đó chăng?

- Có thể họ có tham vọng ấy. - Âu đáp - Nhưng điều đó sẽ không xảy ra đâu. Chúng ta vẫn nằm trong giới hạn 49% thôi mà cậu? Cho nên mới có chữ “hóa” đi kèm, nếu không đã khác. Có điều họ làm thế sẽ hại cho những người bán lúa non, những người chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái lâu dài. Tuy nhiên việc bán cổ phiếu hay không là quyền của họ, mình không thể ngăn cản người ta được, cũng không được phép ngăn đâu.

- Nhưng em nghĩ mình có thể vận động bà con được chứ?

- Làm thế chẳng hóa ra mình cũng lao vào tranh cử với họ sao? Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì có khi tôi làm thế thật. Đằng này...

- Nhưng mình có thể khẳng định rằng công ty nhất định sẽ làm ăn có lãi. Năm nay lãi tăng gấp bốn lần, sang năm sẽ tăng gấp tám lần, tức gấp hai lần so với năm nay. Em nhớ hôm công ty tổ chức Hội nghị khách hàng, một chuyên gia kinh tế đã nói về ta như vậy mà anh?

- Vị chuyên gia ấy có thể nói như vậy được. Cậu cũng có thể nói như vậy được Nhiều người đều có thể nói như vậy được. Chỉ mỗi tôi là không nói được thôi. Mặc dù tôi biết chắc nó là như thế, thậm chí còn hơn thế. Cậu biết không, tôi đang tính cứ cái đà này, trong vài năm tới chúng ta sẽ thu lãi mỗi năm hơn trăm tỷ.

- Hơn trăm tỷ cơ à?

- Đúng vậy. Con số đó là trong tầm tay đấy.

- Anh có lãng mạn quá không? Năm ngoái mới thu có tám tỷ thôi mà. Năm nay ba mươi hai tỷ, gấp bốn lần. Sang năm gấp tám lần tức là sáu mươi tư tỷ. Hơn trăm tỷ nghĩa là gấp hơn mười lần so với cái mốc đầu tiên. Cao thế?

- Rồi cậu xem.

- Vậy sao anh lại không nói được?

- Vì sao ư? Vì không một người Thuyền trưởng nào dám khẳng định trước hành khách rằng con tầu vượt đại dương sẽ không gặp những sự cố bất ngờ, cho dù con tầu đó có lớn đến thế nào, hoàn hảo đến thế nào chăng nữa.

- Ti-ta-lích?

- Ví dụ vậy!

- Vậy bây giờ ta phải làm sao?

- Chỉ có cách duy nhất, nếu ai hỏi ý kiến mình thì phân tích cho thấu đáo, không hỏi thì thôi. Tuyệt đối không được ép buộc ai, không định hướng, tuyên truyền gì cả. Thời đại này mỗi người đều phải tự chịu tránh nhiệm với bản thân mình. Được ăn, thua chịu. Có vậy thôi!

- Em hiểu!

Dũng vừa đi khỏi thì Nghiệp và Rê Thăng đến. Tiếp đó Phạm Thân từ Đồng Ho ra, rủ Vóc ở Hải Long lên, tình cờ không hẹn mà cùng lúc tập trung cả ở phòng sếp trưởng. Ai cũng tỏ ra lo lắng trước hành vi không được đàng hoàng lắm của hai ngài phụ tá của anh.

- Các bạn yên tâm đi. - Âu cười nói - Tôi đảm bảo với các bạn rằng ngay bây giờ có ấn vào tay họ cái công việc tôi đang làm đây, họ cũng không dám nhận. Không dám đâu mà. Đơn giản là họ không làm nổi. Thế thôi! Bây giờ có như thời trước đâu mà cứ ngồi đấy chỉ tay năm ngón. Cổ phần hóa xong sẽ càng khó nữa kia. Chắc hai vị ấy cũng thừa biết điều này. Còn cái mục đích họ làm thì dễ hiểu thôi. Ngày xưa những người ít học thường lấy tiền ra để mua nhiêu, cho có vai có vế trong làng, một số khác thực dụng hơn thì trở thành trọc phú. Hiện tượng này cũng tương tự thế mà. Có gì đâu mà ngại?

Nghiệp gật đầu:

- Tôi cũng đang nghĩ thế. Nhưng dù sao cũng nên hướng dẫn bà con, để người ta khỏi thiệt.

Thân nói:

- Tôi cũng nghĩ như anh Nghiệp đấy. Chỉ có điều phải tìm cách nào cho phù hợp, để người ta hiểu rõ vấn đề mà mình vẫn không bị mang tiếng là lôi kéo họ.

Rê Thăng nói:

- Em thì chẳng biết nó thế nào, chỉ lo mỗi việc sếp Âu có tiếp tục làm Giám đốc không, nếu không em sẽ lập tức xin chuyển đi nơi khác!

Mọi người cười rộ.

*

* *

Ngày nghỉ cuối tuần, cả nhà dậy muộn. Khi ánh mặt trời đã giải khắp sân xua đi cái giá rét cuối đông, bà Xung mới rời khỏi giường, khoác áo ra mở cửa. Bà ra sân dọn dẹp loanh quanh một thoáng rồi quay vào bếp làm món ăn sáng. Vừa xong thì ông chồng cũng từ tầng hai xuống. Món bánh đa cua hàng ngày ông vẫn thích được bưng ra. Khác với mọi lần, ông không rót chén rượu thuốc nhâm nhi mà cầm đũa ăn liền. Thấy vậy bà vội hỏi:

- Hôm nay ông có chương trình đi đâu sao?

Ông gật đầu:

- Tôi sang chỗ cô Lanh có chút việc. Nhưng có lẽ phải bàn với bà trước đã.

- Có chuyện gì vậy?

- Chuyện khá quan trọng đấy. Nhưng là chuyện tốt thôi. Bà cứ yên trí ăn đi, rồi tôi sẽ nói.

Nghe thế bà mới hơi yên dạ. Tưởng lại như hồi tết thì mệt lắm. Đi đâu thì chớ, hễ về đến nhà là ông bực mình gắt gỏng. Mấy hôm nay thấy ông ít ngủ, bà đã hơi lo, nhưng không dám hỏi, nghĩ nếu có chuyện gì quan trọng thì trước sau ông cũng sẽ nói thôi. Quả nhiên như vậy.

- Tôi đang định bán cái nhà nghỉ đang cho thuê bên bờ vịnh đi, lấy tiền dùng vào việc khác, bà nghĩ thế nào? - Ông hỏi sau khi bà đã ăn xong, đang lúi húi pha trà.

- Có việc gì mà cần đến nhiều tiền thế? - Bà đậy nắp phích, đặt vào một góc tường, quay lại hỏi - Ngôi nhà ấy bây giờ phải đến hơn tỷ bạc chứ ít à?

- Xem ra phải bằng ấy thì mới đủ.

- Nhưng mình đang có khoản thu hàng tháng, giờ lại cắt sao?

- Cắt chỗ này thì bù chỗ khác, lo gì! Mà cái tôi đang chuẩn bị đầu tư này sẽ gấp mười lần chỗ đó, bà tính nên dùng cách nào hơn?

- Ông có cách gì hay thế?

- Tất nhiên phải hay thì mới làm chứ. Bà ngồi đây tôi nói cho nghe.

Đợi bà rót trà xong, nhấp một ngụm cho ngọt giọng, ông mới thong thả nói. Qua đó bà được biết hiện công ty ông đang tiến hành cổ phần hóa. Nhiều người không hiểu mô tê gì cả, muốn bán lại tiêu chuẩn cổ phiếu của họ cho ông. Và ông nghĩ đây là cơ hội ngàn năm có một.

- Ông lại muốn giành chức Tổng giám đốc với chú Âu sao? - Bà hỏi.

- Không không! - Ông vội xua tay - Tôi chả dại mà ôm vào mình cái đó. Quyền rơm vạ đá, báu gì! Mình sắp đến tuổi hưu rồi, phải tính con đường khác.

- Ông tính thế nào tôi chưa hiểu?

- Bà vẫn chưa hiểu sao? Đơn giản thôi mà. Thế này nhé: Giờ ta đầu tư một khoản tiền mua cổ phiếu, nếu quá bán thì đương nhiên là phải có chân trong Hội đồng quản trị rồi. Nhưng điều đó không quan trọng. Mình chỉ cần làm một cổ đông sáng giá thôi, để từ sang năm trở đi cứ việc ngồi mà thu lãi suất, thu đến hết đời, chẳng phải lo gì cả.

- Nhưng điều này còn phụ thuộc vào công ty chứ. Năm nay nghe nói là thắng lớn rồi, nhưng liệu sang năm có được thế không?

- Được! Thậm chí còn được to là khác. Theo nhận định của tôi thì với chiều hướng này công ty này sẽ phất rất nhanh, mỗi năm lợi nhuận sẽ tăng rất mạnh.

- Chứng tỏ chú Âu giỏi nhỉ?

- Bà lại đi lạc đề rồi! Tôi đang nói về việc mình nên đầu tư vào cổ phiếu kia!

- Vâng. Thuận mồm thì nói vậy thôi mà. Nếu ông đã tính kĩ rồi thì cứ tiến hành đi. Tôi đâu có có ý kiến gì.

Tiếng chuông điện thoại vang lên. Lanh gọi. Trần Xung vội rời bàn nước, khoác chiếc áo lông mua ở Pháp lên người. Trước khi đi, ông dặn bà tranh thủ tạt ra chỗ cho thuê nhà nghỉ, hỏi xem người ta có ý định mua lại không thì nhượng luôn cho họ là tiện nhất.

Trong lúc chờ Trần Xung đến, Lanh ngồi bên bàn phím tại nhà riêng, tranh thủ chát với Tấn, tâm sự với anh về chuyện của mình. Công ty sắp cổ phần hóa rồi mà Giám đốc Âu không hề đả động gì đến việc phục chức cho cô, hình như anh ta quên hẳn cô rồi. Trong khi đó Phạm Thân, trước đây chỉ là cỡ đàn em, làm phó giúp việc Lanh ở phòng Kinh doanh hồi trước, giờ lại nghiễm nhiên trở thành thủ trưởng trực tiếp của cô, hàng ngày bí mật sai người kiểm soát cô từng bước, bực không chịu nổi.

- Em tính có khi phải tìm cách chuyển đi nơi khác thôi anh ạ! - Lanh chat.

- Đừng! - Tấn chat - Em nên biết hiện giờ Hải Long đang có cơ tăng trưởng mạnh. Tổng đang dự tính vài năm tới nó sẽ vượt lên dẫn đầu ngành đấy!

- Chuyện đó em không quan tâm. Điều em cần nhất hiện giờ là anh cho em một lời khuyên về việc đi hay ở?

- Ở!

- Tại sao?

- Vì đó là đơn vị đang làm ăn được. Cổ phần hóa xong còn khá nữa. Các cổ đông sẽ được hưởng lãi suất cao, sẽ giầu lên trông thấy đấy. Nói thật, ngay đến anh cũng còn muốn quay trở lại kia mà.

- Thật thế sao?

- Em xem, có bao giờ anh không thật với em nào?

- Thế thì anh tìm cách xuống đi. Với anh chuyện đó đâu có khó?

- Về vị thế thì không khó nhưng tình thế thì lại khó. Anh xuống bây giờ dễ bị người ta đánh giá này kia. Mà tranh tài với NQA cũng không dễ chút nào, trừ phi anh ta tự nhiên mắc cái lỗi gì đó không thể tha thứ được, giống như ông Xung ông Chưởng hồi nọ ấy.

- Không có lỗi thì bới ra thành lỗi. Thiếu gì cách đâu mà. Có điều em còn hi vọng anh ta phục chức cho mình, nên không muốn gây chuyện ra thôi chứ.

- Giả sử NQA không phục chức cho em thật thì sao? Em có dám đối đầu với hắn không?

- Nếu như anh có ý định quay lại thật.

- Giả sử anh sẽ quay lại thật?

- Em sẵn sàng ngay.

- Ví dụ như chuyện gì?

- Thiếu gì chuyện nếu người ta cố bới lông tìm vết. Nhân vô thập toàn mà. Ở gần ông Âu nhiều em biết, ông ta có một điểm yếu là sống hơi thật quá, nên đôi lúc cũng hở sườn. Nếu dùng phép “tình ngay lý gian” thì chết là cái chắc.

Câu chuyện đang dở dang thì Trần Xung đến. Lanh vội vàng tắt máy, ra mở cổng.

Đón Xung vào nhà, tuy tỏ ra hồ hởi nhưng Lanh vẫn luôn giữ khoảng cách với ông. Cái lão này ma cô lắm, hễ lần nào gặp riêng là mắt lăng mắt luộc, già rồi mà còn đĩ tính.

Nhưng hôm nay thái độ Xung khác hẳn, ông có vẻ nghiêm túc hơn thường lệ. Nghe Lanh hỏi ông hẹn gặp cô có việc gì, ông trả lời luôn, dứt khoát và sòng phẳng, rằng ông muốn nhờ cô mua giùm cho ít cổ phiếu trong nhà máy Đồng Ho, cứ một trăm suất trở lên cô sẽ được hưởng mười phần trăm lãi. Cần thì ông sẽ ứng tiền ngay.

- Nhưng công ty đã phát hành cổ phiếu đâu anh?

- Thì cô cứ dạm trước cho anh, khi người ta được phát là vừa.

- Anh định mua với giá bao nhiêu?

- Cái đó tùy vào sự thỏa thuận giữa ba chúng ta, tôi, cô và họ. Nếu cô đồng ý thì nên tiến hành ngay, giá cả thế nào ta cứ trao đổi qua điện thoại. Riêng chuyện này tôi sẵn sàng mở máy 24/24 tiếng. Được không nào?

- Được. Em đồng ý!

Trò chuyện với Xung về chuyện cổ phần hóa, Lanh mới nhận thấy những thông tin Tấn nói vừa rồi là hoàn toàn chính xác. Công ty đang chiếm ưu thế trên thương trường khắp trong và ngoài nước, lấn át cả những doanh nghiệp trước đây nổi tiếng là vô địch. Thì ra mấy tháng nay ngập chìm trong tâm thế bức bối trầm kha, cô chẳng thiết quan tâm đến chuyện gì nên không hề biết cái cơ vận làm ăn của đơn vị mình lại thay đổi nhanh như vậy.

Lanh nghĩ: “Nếu mình vẫn làm công việc như hiện giờ, giỏi lắm chỉ được chia cổ phiếu bằng một nhân viên thường, rất thấp. Dẫu nay mai nhà máy làm ăn có lãi thì cũng chẳng được bao nhiêu. Đến giờ phút này mà không thấy động tĩnh gì thì chứng tỏ lão Âu quên hẳn mình rồi. Không ngờ lão ta lại cạn tình như vậy. Đã thế, không được ăn thì đạp đổ. Cần gì! Mà biết đâu gió sẽ đổi chiều, anh Tấn lại về đây thì công tư vẹn cả. Muốn vậy, trước hết phải nắn gân lão già này đã.”.

Làm ra vẻ thân tình, Lanh lại gần Xung, thủ thỉ:

- Hôm nọ anh có phàn nàn với em về sự vung tay quá trán của ông Âu trong Hội nghị khách hàng. Chắc năm nay ông ta thắng đậm, nên hơi đắc chí. Em cũng tin như vậy. Nhưng có người lại bảo là anh dựng chuyện. Em bực quá cơ!

- Ai bảo tôi dựng chuyện?

- Mấy tay ở các phòng ban trên công ty ấy. Không hiểu sao bọn họ rất kì thị với anh. Riêng em thì càng ngày càng nhận thấy anh là đúng. Nhiều lúc có điều kiện gặp mấy anh trên Tổng, em muốn phản ánh cho họ thấy nhưng cũng ngại.

- Nói đúng thì có gì mà ngại?

- Nhưng người ta bảo nói có sách mách có chứng. Mình nói không có bằng chứng xác thực thì họ sẽ cho là mình dựng chuyện, mất hay.

- Bằng chứng tôi có đầy trong ngăn kéo kia kìa. Chẳng qua ngại tiếng gây mất đoàn kết nội bộ nên không muốn nói thôi. Hừ, dám bảo ông Xung dựng chuyện. Tay nào nói thế là quá láo!

- Lúc nào anh cho em xem thử một vài số liệu được không? Em chỉ muốn kiểm chứng để có bênh vực anh người ta phải công nhận là có lý. Thế thôi chứ mình cần quái gì tranh giành với họ.

- Cô nói đúng. Cần quái gì mà phải tranh giành với ai cho mệt. Thời buổi này tốt nhất là lo cho bản thân mình, làm sao cứ thu được thật nhiều ngân phiếu, có vậy thôi. Cô chịu khó giúp anh tí nhá!

- Em đã hứa là sẽ làm. Ai chứ anh thì… thậm chí em cũng chẳng cần lấy lãi của anh cơ. Anh em trong nhà, tính làm gì chuyện đó.

Câu nói làm Xung rất hài lòng. Ông hứa sẽ cho Lanh xem một số chứng từ, do chính ông Âu ký, để cô minh chứng cho ông không phải kẻ chuyên dựng chuyện.

Tiễn Xung về, Lanh định chát ngay cho Tấn. Nhưng lại thôi. Chuyện này không đùa được. Phải cân nhắc cho thật kĩ. Phải cầm trong tay bằng chứng hẳn hoi mới có thể hành động được. Cô nghĩ thế.

Chương 13

Mấy tuần liền ông Xung mê mải với việc mua cổ phiếu, cứ rỗi lúc nào đi lúc ấy. Thứ bảy, chủ nhật càng bận rộn. Trong khi đó Thắng cũng đang có ý đồ riêng. Một hôm bố vừa ra khỏi nhà, cậu ta chạy vội từ tầng trên xuống, ghé tai mẹ nói:

- Mẹ cho con ít tiền.

- Tiền làm gì?

- Con phải đi có việc.

- Đi đâu?

- Con đi du lịch vùng cao, khoảng một tuần.

- Du lịch người ta đi mùa hè chứ ai đi vào cái mùa này? Mày chỉ vớ vẩn thôi.

- Ồ mẹ, bây giờ người ta đi cả bốn mùa ấy chứ. - Thắng gãi đầu gãi tai - Đi mùa này nó rẻ hơn mẹ ạ!

- Rẻ là bao nhiêu?

- Khoảng hai triệu thôi. Con trót hẹn với người ta rồi, không đi không được.

- Người ta là ai? - Thấy mặt Thắng đỏ lên, bà mẹ gặng - Bạn gái à?

Thắng gật đầu. Mặt càng đỏ lựng. Bà Xung bật cười, thầm nghĩ: “Cũng lớn ra phết rồi. Mong sao nó có bạn gái sẽ trở nên chững chạc hơn.”. Bà quay vào gian trong lấy tiền ra cho Thắng, còn cho thêm một triệu phòng trừ. Cậu chàng thích trí ôm chầm lấy mẹ.

- Con cám ơn mẹ. Nhưng mẹ đừng nói với bố nhé! Con đi đây ạ.

Mười lăm phút sau Thắng đã ngồi yên vị trên chiếc xe buýt đường dài. Ngày thứ bẩy khá là đông khách, xe chạy một lèo, mười giờ trưa đã về đến Thủ đô. Nhưng chính ở đây lại làm tốc độ xe chậm hắn. Tắc đường liên tục. Mất đến gần một tiếng đồng hồ mới vào được bến. Chưa xuống đã nhao nhao cánh xe ôm xúm lại mời chào. Thắng nhảy ra ngồi luôn vào chiếc đầu tiên, bảo đến khu nhà trọ bên cạnh một trường đại học. Đến nơi dừng lại trên hè phố, cậu ta nhấn luôn máy di sđộng. Tiếng Thu lanh lảnh vang lên: “Em ra ngay đây! Sao anh lên muộn thế?” - Thắng cười: “Mấy tuần học miết chắc là cũng mệt, anh muốn để em ngủ cho thoải mái mà!”.

Nói xong Thắng chuyển luôn sang số khác, điện cho thằng bạn thân như đã hẹn. Hết cuộc vẫn chưa thấy Thu ra, cậu ta rốt ruột đi vào ngõ. Trời nắng chói chang, không khí trở nên oi bức, Thắng phải cởi bớt chiếc áo ngoài, khoác lên vai, đứng chờ Thu dưới một gốc bàng. Mùa đông ở xứ ta có những ngày như vậy, sáng ra còn giá buốt đến tê người, đến trưa lại nóng không khác mùa hè, chiều có vẻ tiết thu, tối lại về đông giá. Một ngày có cả bốn mùa, kỳ thật!

Quen biết nhau từ hồi Thu bắt đầu sang làm việc trong nhà máy Cotto. Nhưng phải đến hôm được thằng bạn thân mách nước, Thắng mới nghĩ đến việc kết thân với cô bạn gái này. Chẳng mất công nhiều lắm, Thắng dò la được nhà Thu chỉ có hai mẹ con, trước đây ở vùng nông thôn, ít năm nay mới chuyển ra thành phố Biển. Mẹ Thu bán sạp hàng quần áo ngay trong chợ trung tâm, còn cô xin sang làm việc bên này, vừa làm vừa học lên đại học. Nhà máy Cotto ở ngay cạnh nhà sếp Âu, hàng ngày ông đi suốt, buổi trưa Thu thường ở lại ăn cơm với cô Ngà, chiều mới về bên đó, trừ hai ngày nghỉ cuối tuần còn hôm nào cũng vậy. Nắm rõ thế rồi, Thắng bèn vạch ra kế hoạch tiếp cận cô. Lần thì giả bộ đi cùng sang thành phố, lần thì tình cờ gặp ngang đường, lân la trò chuyện, rủ cô bé đi chơi siêu thị, rồi dẫn vào khách sạn cực sang. Thu muốn ăn món gì đãi luôn món đó, thích diện quần áo kiểu gì mua tặng cho luôn. Thu thích lắm. Từ ngày gặp Thắng lúc nào cô cũng thấy vui, thấy lạ, khác hẳn tụi bạn bên kia toàn dân buôn bán nhỏ, chơi cũng tốt nhưng không duyệt được, càng không thể so với Thắng. Anh chàng đẹp trai con nhà giàu, ăn chơi sành điệu và lãng tử, lại có bố cũng làm sếp cùng với bác Âu, quá thuận. Buồn cười nhất là anh chàng trông rất thư sinh mà hóa ra rất quái, luôn nghĩ ra những trò nghịch thót tim nhưng hấp dẫn cực kì. Mỗi lần đi tắm biển, hai đứa thường chung một cái phao bơi, dập dình mỗi đứa một bên, dìu nhau ra mãi chỗ nước sâu rồi thả trôi cho sóng đẩy vào, rồi lại bơi ra, cứ như thế đã là thú lắm rồi. Nhưng chàng ta không dừng ở đấy, chốc chốc lại buông phao ngụp xuống, lặn mất tiêu. Thu đưa mắt nhìn khắp xung quanh, thấy toàn người lạ, chẳng biết chàng ta ở chỗ nào. Đang lo thì bất thình lình Thắng vòng ra phía sau cô, chúi đầu kiệu cô lên như đứa trẻ, khiến cô giật bắn người, vừa cuống quýt đập tay lên bộ ngực trần của chàng ta vừa cười như ngộ. Chờ cho cười chán Thắng mới hạ cô xuống nước, lại dập dình bên chiếc phao bơi. Một lát lại nghĩ ra trò khác, lúc thì quài chân sang quặp lấy đùi cô, lúc thì biến bàn chân thành con cá luồn qua luồn lại, đôi lúc chui ngược lên khiến Thu phải nhảy tưng tưng như con chẫu chuộc, làm tóe nước lên đầy mặt đầy đầu, bực không chịu được. Nhưng bực thì bực, Thu vẫn thích. Và thật không ngờ cái trò nghịch quái quỷ này đã kích động cô rất mạnh, hơn cả những cuốn phim sex mà cô đã từng xem, đến mức có lần lên bờ, vào chỗ thay quần áo, cô đã chủ động lẻn sang chỗ Thắng và tự nguyện biến thành chiếc ba lô đeo trước ngực chàng ta. Một lần qua là tất cả đều qua. Trò này về sau được diễn đi diễn lại nhiều lần, ở bất cứ đâu, dưới gốc cây, trên bãi cát, thậm chí ở ngay trên xe máy, khi tiễn nhau về, khiến càng ngày hai đứa càng kết nhau mê mệt.

Có lần sau một cơn cuồng nhiệt, Thắng hỏi Thu về mối quan hệ giữa cô với gia đình sếp Âu cụ thể thế nào. Thu bảo em không rõ lắm, nghe mẹ và cô Ngà kể thì họ chơi thân với nhau từ hồi còn rất trẻ, như anh với em bây giờ vậy.

- Mẹ em bảo hồi ấy tất cả đều là công nhân xây dựng, lúc xảy ra chiến tranh bom đạn mới ly tán mỗi người một nơi. Mẹ em về quê, còn bác Âu thì lấy cô Ngà.

- Nghe nói mẹ em là người yêu cũ của sếp Âu, đúng vậy không?

- Em cũng không rõ lắm. Chỉ biết từ hồi em sang đây làm việc, bác ấy và cô Ngà đều rất quý em, coi em như con đẻ của mình.

- Hay em là con riêng của sếp đấy?

- Đâu có! Mẹ em đẻ em ở quê cơ mà. Hồi ấy đã ai biết bác Âu đâu. Mãi sau bố mẹ em bỏ nhau, em theo mẹ chuyển ra ngoài này mới gặp lại cô Ngà đấy chứ!

- Sao bố mẹ em lại bỏ nhau?

- Tại bố em đi lao động nước ngoài, cặp bồ bên đó không về nữa.

Ngừng một lát, Thắng lại tiếp tục dò:

- Chú Âu có hai con trai đấy. Biết đâu cô chú muốn…

- Muốn cái gì? Anh đừng có mà nghĩ linh tinh. Hai anh nhà bác Âu ở Hà Nội cả, đều có chí học lên cao học, đâu thèm để ý đến ai. Em đã là cái gì mà.

- Anh hỏi cho vui thế thôi mà. Đừng tự ái nghen! - Thắng cố tình bắt chước giọng Nam Bộ làm Thu phải bật cười.

Càng gần Thu, Thắng càng thấy mến cô. Cô xinh đẹp đã đành, còn rất vô tư trong sáng, yêu anh hết mình, không chút gì ngờ vực. Và bằng những lần trò chuyện với cô cộng với cảm quan nhạy bén của mình, Thắng nhận thấy rằng những điều bố cậu nói về chú Âu có nhiều cái không chính xác. Có lẽ bố hơi ác cảm với chú Âu thì phải.

Nếu Thu không phải là con riêng của sếp Âu thì… Thắng nghĩ và bắt đầu cảm thấy lo. Cậu ta hẹn gặp thằng bạn thân trao đổi lại, hay là hoãn lại cuộc này? Nó bảo mặc kệ mày. Tao đã nói với tụi nó rồi, chúng đang chờ đấy!

- Nhưng mà…

- Không có nhưng nhung gì hết. Mày phải khẩn trương vào cuộc nhanh lên. Tụi nó theo dõi mày rất sát, biết rõ là cá cắn câu rồi. Đừng có phản thùng tụi nó điên lên sẽ phiền cho cả hai đứa đấy!

“Mấy thằng chó thật! - Thắng căm tức nghĩ - Làm thế nào bây giờ? Hay là nói thật luôn với mẹ, xin tiền trả chúng cho xong béng. Nhưng mẹ đâu có nhiều tiền, mà để bố biết thì khổ cho mẹ lắm. Hay là trốn biệt đi một thời gian? Cũng không được, bọn này rất Maphia, đi đâu cũng khó mà thoát nổi!”

Gạt phăng cái ý định nói thật với Thu mọi chuyện, Thắng phác ra trong đầu một phương án khác. Mình sẽ làm theo ý chúng, nhưng phải ra điều kiện hẳn hoi. Quyết không để chúng hại đến Thu mới được. Còn thành bại thế nào là do chúng. Mình cũng chẳng cần tiền, chỉ cốt giải quyết xong món nợ này thôi. Quyết vậy rồi, Thắng lập tức điện cho thằng bạn, nói rõ ý mình như thế, nếu không đành bỏ cuộc, chúng mày muốn làm gì tao thì làm. Thằng bạn đem chuyện bàn với bọn kia, chúng đồng ý luôn, nói rằng bọn này chơi quân tử, nhất định sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Thu, chỉ cần Thắng dụ được cô ta đến đúng điểm hẹn là coi như xong việc.

Trước khi Thu lên trường theo học, Thắng đã bàn với cô chuyện đó, hẹn sau khi Thu học xong kì này hai đứa sẽ làm một chuyến đi du lịch vùng cao. Thu nhất trí ngay, cô chưa từng được đi như thế bao giờ.

Chuông điện thoại reo trong túi áo. Thu đã ra đường lớn từ lúc nào, đang đứng trên hè phố ngoài kia. Thắng vội theo ra, rủ cô đi ăn trưa rồi thực hiện kế hoạch như đã định.

Nghe Thắng nói là lên mạn ngược, Thu tưởng phải đi xa lắm, hóa ra đó chỉ là một khu rừng cách Hà Nội chưa đầy hai tiếng đồng hồ xe chạy. Thoạt đầu Thu hơi thất vọng nhưng khi xuống xe thấy khu rừng đẹp, có nhiều cảnh lạ, cô lại vui ngay, nhất là khi đến khu nhà nghỉ giữa rừng, không phải những cao ốc, buyndinh như ở thành phố Biển mà được thiết kế theo kiểu nhà sàn, trông rất hoang sơ, rất thích.

Leo lên cầu thang vào phòng nghỉ, Thu bật bình nóng lạnh, kiểm tra chăn ga gối đệm thấy sạch sẽ thơm tho, tỏ ra rất hài lòng. Cô dướn người hôn nhẹ lên môi Thắng như thể cám ơn rồi đi vào nhà tắm, không biết rằng tâm trạng chàng trai đang hết sức lo âu. Cậu ta lại gần cửa sổ, nhìn ra thung lũng phía sau dãy nhà sàn. Ở đó có một trang trại lớn, giữa trang trại có một ngôi nhà của người gác rừng thuê cho ông chủ. Hắn vốn là một tên đồ tể mà không biết bằng cách nào, bọn kia đã móc nối được để thực hiện cái phi vụ bắt cóc Thu để tống tiền, và trong vụ này, Thắng nghiễm nhiên trở thành đồng lõa. Theo kế hoạch thì sáng mai cậu sẽ dẫn Thu vào đó và… Trời ơi, sao mình có thể làm thế được? Đưa người mình yêu vào chốn hang hùm nọc rắn, dùng người thân lừa đảo người thân? Mình đã sa đọa đến mức này sao? Cho dù mình không hề yêu Thu đi nữa cũng không nên làm như vậy, huống hồ… Không, thà cứ về khai thật với bố mẹ, với Thu tất cả, xin mọi người tha thứ còn hơn. Cái món nợ kia nào có đáng gì nếu so với cái tội mình đang phạm phải. Nó đen tối lắm, nguy hiểm lắm! Không, mình không thể làm thế được, không thể làm thế được. Phải về, dứt khoát phải về thôi!

Thắng xem đồng hồ. Bốn rưỡi. Giờ ra bến chưa chắc đã còn xe. Vả lại vừa đến đã về ngay thì Thu nghĩ thế nào? Thôi được, sáng mai còn kịp chán. Mình hẹn chúng chín giờ, tám giờ mình biến là xong. Nghĩ vậy Thắng khóa luôn máy di động lại cất đi, quyết không liên lạc với bọn bên ngoài nữa.

Tiếng Thu cười khúc khích phía sau. Thắng trấn tĩnh quay người nhìn lại. Hiện lên trước mắt chàng trai là một điều kì diệu chưa từng thấy. Cô gái vừa từ trong buồng tắm bước ra, khoác trên mình chiếc áo ki-mô-nô do chính anh mua tặng hôm nào, từ từ phanh ra hai phía như cánh chim giang rộng, để lộ tấm thân kiều diễm nõn nường với những đường cong thon thả. Cái cổ cao trắng ngần nổi bật trong suối tóc màu hung óng ánh, đôi vú nây tròn núng nính, cặp đùi tuyệt mỹ hơi khép lại, để lộ lớp lông mao đen mượt đầy quyễn rũ. Đã nhiều lần yêu Thu nhưng chưa bao giờ Thắng được chiêm ngưỡng thân hình tuyệt đẹp này. Chàng ta quỳ thụp xuống chân nàng, hôn đúng vào… chỗ đó, rồi nhấc bổng nàng lên, bế trên tay say sưa nhìn ngắm. Sau đó cả hai chui vào chăn, trùm kín khắp người, mê mải ấp lên nhau đến nửa giờ mới tỉnh.

Mùa đông trời tối rất nhanh. Vùng núi nhiều sương, càng rét đậm. Đôi trẻ xuống ăn ở khách sạn về, chẳng thiết đi đâu nữa. Lại bật nước nóng vào tắm rửa rồi lại chui vào chăn, tiếp tục cơn hoan lạc nồng nàn rồi cả hai chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Giá mà Thắng không vội khóa điện thoại di động và nhớ để báo thức thì cái ý định đêm trước nảy ra đã thực hiện được. Nhưng cậu đã quên chuyện đó, chỉ nhớ mỗi việc kia, gần sáng lại làm một chập, thành ra lúc bừng tỉnh dậy đã hơn chín giờ. Thắng vội vàng đánh thức Thu, giục về ngay. Thu ngơ ngác hỏi:

- Mình định đi một tuần cơ mà, sao về vội thế anh?

- Anh sẽ giải thích với em sau. Dậy mau đi, muộn mất rồi!

Thu rời khỏi giường, khôi phục áo quần, chỉnh trang đầu tóc rồi theo Thắng đi xuống phòng lễ tân. Thanh toán xong xách túi đi liền. Thấy Thắng đi vùn vụt, Thu cũng linh cảm thấy điều gì đó, nên cố chạy gằn theo. Nhưng đúng là muộn mất rồi. Họ chưa kịp ra đến bìa rừng thì một chiếc xe con không biết từ đâu xuất hiện, đi sát vào Thu đến nỗi cô suýt lăn xuống rãnh. Ngay lúc đó cánh cửa xe bật mở, hai thanh niên cao to lực lưỡng, đeo kính râm nhảy bổ ra, kéo tuột Thu vào. Một tên dùng tay bịt miền cô, tay kia ra hiệu cho Thắng vào xe ngay lập tức.

Đường vắng, xung quanh không một bóng người. Chiếc xe phóng vọt đi rồi rẽ xuống một con dốc khá dài và mất hút trong rừng rậm.

*

* *

Khoảng hai tuần sau cuộc trò chuyện với Trần Xung, một sáng chủ nhật, Lanh đang phơi phóng chăn màn quần áo thì Lê Dũng điện, thông báo rằng tám giờ sáng thứ hai chị cùng Phạm Thân và Ban giám đốc nhà máy Đồng Ho về Hội trường công ty họp triển khai việc phát hành cổ phiếu.

- Cái này Ban giám đốc nhà máy đi là đủ. - Lanh nói - Tôi có tư cách gì mà họp?

- Chị chưa biết sao? - Dũng đáp - Sếp Âu đã quyết định phục hồi công tác cho chị rồi mà.

Cái tin bất ngờ làm Lanh sững người ra một lát.

- A lô?

- Đây rồi! Tôi đang… dở tay một chút. Anh ấy bố trí tôi vào việc gì chú biết không?

- Theo em biết thì chị làm Phó giám đốc phụ trách kinh doanh tại nhà máy Đồng Ho. Việc này chắc hợp với chị rồi. Phải vậy không?

- Sếp quyết lâu chưa?

- Tuần trước. Khi chốt danh sách cán bộ để phát hành cổ phiếu.

- Sao bây giờ chú mới báo tôi?

- Thì mai mới họp cơ mà chị?

- Chú này… lạ thật! Mai họp mà bây giờ mới báo.

- Chị bận đi đâu à?

- Không. Nhưng… Thôi được rồi. Mai tôi đến.

- Vâng. Đúng tám giờ chị nhá!

Cái tin đột ngột làm Lanh ngồi đứng không yên. Chẳng phải vì cô không thích chức vụ này. Mặc dù làm phó cho Phạm Thân không được ưng ý lắm, nhưng phụ trách kinh doanh thì lại rất đúng nghề, khéo ra có khi còn khiến hắn phải lệ thuộc vào mình ấy chứ. Điều khiến Lanh lo ngại là cô cứ đinh ninh rằng Âu đã buông hẳn mình rồi, nên cố lập mưu chống lại anh. Khi lấy được từ tay Trần Xung một văn bản duyệt chi cho Hội nghị khách hàng vừa kết thúc, cô lập tức lên đường về Hà Nội. Sau cú bị báo “phang” lần trước, Lanh đã tìm cách làm quen với họ và bây giờ cô lại dùng chiêu thức đó để trả đòn. Chỉ một cú điện thoại là cả hội đã quần tụ vui vẻ trong quán bia tươi, và cái văn bản Lanh trình ra đã được ghi vào máy ảnh phóng viên với lời hứa sẽ đưa ngay vào cuối tuần này. Quả nhiên như vậy, chiều qua họ điện về, nói báo đã ra, ngày mai cả nước sẽ biết tin này với một dòng tít lớn trên trang nhất: “Công ty Gốm - Xây Dựng Hải Long: Tám trăm triệu đồng cho một cuộc họp.”, trong đó có bức hình chụp y nguyên cái văn bản duyệt chi quà biếu do Giám đốc Nguyễn Quang Âu ký, đóng dấu son đỏ chót hẳn hoi. Không cãi vào đâu được.

“Hiện người ta đang đề ra khẩu hiệu chống lãng phí, nghiêm cấm chuyện quà biếu trong các hội nghị từ Trung ương đến địa phương. Ngón đòn này quá là trúng đích. Phen này lão Âu cụt đường rồi!”.

Cách đây mấy phút thôi Lanh còn hả hê nghĩ vậy. Nhưng lúc này cô ân hận vô cùng. Thì ra anh ấy vẫn là người đầu cuối, còn mình lại quá là nóng vội, quá là ích kỉ nhỏ nhen. Bây giờ mũi tên bắn đi rồi, làm sao rút lại? Trời ơi!

Lanh nhấn số điện ngay cho Tấn, bảo anh bật máy chat với cô, có việc rất cần. Tấn đáp luôn: “Anh vừa xem tờ báo nói về công ty, cũng đang muốn hỏi em chuyện đó. Bật máy đi!”.

- Em làm chuyện này phải không? - Tấn chat.

- Vâng ạ!

- Sao không hỏi anh mà đã tự tiện làm?

- Em nghĩ đây là cơ hội tốt, phải chớp lấy ngay, mà anh thì bận.

- Cái này mà gọi là cơ hội tốt à?Em không biết rằng chính anh cũng đã nhận quà ở đó sao? Mà đây đâu phải là quà, đây là đơn vị thưởng công cho đối tác, đặc biệt là các đại lý tiêu thụ hàng ở các tỉnh thành. Cả một năm trời cộng tác với nhau thì vài ba triệu đã là cái gì mà to chuyện thế? Tưởng em tìm được cái lỗi gì của NQA chứ cái này mà cũng bới ra thì quá là vớ vẩn.

- Em tưởng…

- Tưởng gì thì tưởng, em cũng phải trao đổi với anh đã chứ! Tuần trước khi duyệt danh sách phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt của công ty, anh thấy có tên em với chức danh Phó giám đốc nhà máy kia mà. Có phải NQA quyết hại em đâu? Giá trước khi làm việc đó, em trao đổi với anh có phải đẹp không. Bây giờ thành ra lấy oán trả ơn, còn mặt mũi nào!

- Nhưng mục đích chính của em là muốn anh trở lại đây mà.

- Thế thì càng phải trao đổi với anh đã chứ! Anh nói thế cốt để em yên tâm đừng chuyển đi đâu cả, chứ đâu phải là…Em định biến anh thành con rối hay sao?

- Em xin lỗi!

- Đừng có xin lỗi anh. Em phải xin lỗi công ty trên chính tờ báo vừa in cái văn bản đó. Phải lên gặp họ, xin được cải chính chuyện này. Nói như anh vừa nói ấy. Và phải làm ngay, sao cho tuần tới báo ra đã có rồi, như thế mới mong thoát tội, nếu không thì mệt đấy!

Đến đây Tấn tắt máy luôn, chứng tỏ anh đang rất bực mình.

Lanh ngồi thừ ra, ngẫm nghĩ một lát rồi điện cho cậu phóng viên ảnh hôm nọ cô vừa gặp. Cậu ta bảo cái này phải gặp Tổng biên tập thì mới được. Lúc nào chị lên, em đưa đến.

*

* *

Đúng lúc này, tại phòng làm việc của mình trên trụ sở công ty, Âu đang mải mê nghiên cứu tài liệu cổ phần hóa để chuẩn bị cho cuộc họp ngày mai thì nhận được cú điện thoại. Đích thân Thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc ngành gọi về từ Hà Nội. Ông hỏi về bài báo mới đăng và lệnh cho Âu phải gác ngay mọi việc, lên văn phòng Tổng gặp Hội đồng Quản trị để giải trình chuyện đó.

- Chậm nhất là chín giờ sáng mai. Nhớ đấy!

Âu chưa kịp nói gì thì Thứ trưởng đã ngắt máy. Sao lại có chuyện như thế nhỉ? Sao báo chí cứ nhăm nhăm đánh vào mình như thế?

Lập tức Âu điện cho Lê Dũng, bảo ra bưu điện tìm ngay số báo này. Sau đó anh điện cho Trần Xung nhưng ông ta tắt máy. Lại điện cho Nghiệp, Vóc, Thân, Lụa, những cộng sự thân tín của mình, bảo họ lên ngay trụ sở công ty, có việc cần bàn gấp.

Khi Dũng mang được tờ báo về thì mọi người cũng tề tựu đông đủ cả. Xem xong ai cũng đoán là Trần Xung làm việc đó.

Thân nói:

- Tôi thấy ít ngày nay ông ta luôn thậm thụt với bà Lanh. Có hôm cuối giờ làm việc buổi chiều còn thấy đánh xe vào Đồng Ho, đưa chị ta sang thị trấn Ghềnh Cao đãi đằng bia bọt. Hay là nhân cơ hội công ty tiến hành cổ phần hóa, họ âm mưu lật đổ anh chăng?

Lụa nói:

- Nếu đúng vậy thì phải đưa họ ra ánh sáng thôi. Cần thiết thì chơi bài ngửa cho biết mặt. Cứ âm ỉ thế này, thi thoảng họ lại bày trò quậy phá một phen thì ai còn còn muốn hợp tác làm ăn gì nữa?

Nghiệp nói:

- Không loại trừ khả năng này. Nhưng bây giờ chưa phải lúc bàn đến việc xử lý nội bộ. Trước mắt cần lo việc anh Âu sẽ giải trình chuyện đó thế nào. Tôi nghĩ vụ này nghiêm trọng đấy.

- Đúng thế! - Âu gật đầu. - Quả là một vụ nghiêm trọng, sẽ gây tai tiếng lớn. Cái mắc là ở chỗ ta có mời một số quan khách đến dự Hội nghị cùng với khách hàng, và họ chỉ tuồn ra mỗi cái văn bản quà biếu ấy. Bây giờ có giải trình cách nào cũng khó mà thuyết phục người ta. Thậm chí có người còn cho đó là hành vi hối lộ, rồi suy diễn rằng những gì chúng ta đạt được trong năm qua chỉ là con số ảo, không có thật. Một sự bất tín vạn sự bất tin. Thứ trưởng vừa nói qua điện thoại với tôi như thế.

Lụa nói:

- Báo vừa ra mà người ta đã bàn luận khiếp thế sao?

Âu nói:

- Thời đại thông tin mà. Những trò câu khách kiểu này hấp dẫn người đọc lắm. Rồi đây họ sẽ còn tiếp tục loan tin và bình luận đủ trò trên mạng Internet, gây sốc cho nhiều vị lãnh đạo ngành. - Anh quay sang Nghiệp - Theo anh, ngày mai tôi nên giải trình với Tổng thế nào?

Nghiệp nói:

- Tôi cho rằng Thứ trưởng là người rất hiểu việc hiểu người, với anh càng hiểu. Không cần câu nệ, ta cứ có thế nào nói thế. Còn mọi chuyện tùy các anh khu xử.

- Tôi cũng đang nghĩ thế. Còn với báo chí, ta có nên đề nghị cải chính không?

- Cải chính được thì quá tốt. Nhưng tôi cho rằng họ không chịu nghe đâu. Làm thế khác nào họ tự nhận mình đưa tin không chính xác, thậm chí còn chụp giật?

- Hay là ta cải chính trên một tờ báo khác?

- Cũng không hay. Người ta có thể nghĩ là mình mua chuộc tờ báo đó. Không khéo lại xảy ra tranh biện giữa đôi bên, tự nhiên mình trở thành điểm nóng thì rất dở.

- Nhưng không lẽ mình lại chịu im lặng trong oan uổng?

- Không sao! Nén chịu là một trong những tố chất không thiếu được của người làm tướng, nhất là trong những bước nguy nan. Điều quan trọng là bản chất vấn đề không phải thế, có gì mà ngại?

Đang bàn luận thì lại có chuông điện thoại. Âu cầm xem, hóa ra Ngà gọi, bảo về ngay có việc nguy cấp lắm. Thoạt đầu Âu nghĩ chắc cũng chuyện về bài báo này thôi. Nhưng không phải. Ngà nói như sắp khóc:

- Anh ơi, con Thu bị người ta bắt cóc rồi!

- Sao? Bắt cóc à? Nó đang đi học kia mà. Lạ thật! Được rồi, tôi sẽ về ngay.

Âu buông máy, nói lại với anh chị em sự việc mới xảy ra. Không hiểu sao cùng lúc lại dồn dập nhiều tai họa thế. Đúng là phúc bất trùng lai… Mọi người lại xúm vào bàn. Lụa nói:

- Chắc chúng tưởng cháu Thu là con gái anh, nên mới dở trò này để tống tiền?

- Chắc vậy!

- Mấy thằng ranh con láo toét! - Thân bực dọc thốt lên - Phải báo công an vây bắt chúng ngay mới được!

- Không nên! - Vóc nói - Làm thế sẽ rút dây động rừng, dễ gây nguy hại cho cho con bé. Bọn trẻ bây giờ liều lắm. Theo tôi việc này ta nên thận trọng.

- Tôi đề nghị sếp giao việc đó cho tôi. - Nghiệp nói - Tôi sẽ có cách xử lý. Cần thiết tôi sẽ đóng vai anh đi gặp chúng. Hồi trẻ tôi đã từng lái xe cho một đơn vị đặc nhiệm chống Phun rô ở biên giới Tây Nam, ít nhiều cũng biết cách làm.

Âu lắc đầu:

- Không được đâu. Bọn chúng nhằm vào tôi nên mới giở trò này. Nghĩa là chúng phải biết tôi rất rõ. Anh đi sẽ lộ ngay, nguy hiểm lắm! Việc này tôi phải tự đi mới được.

Nói rồi Âu quay sang Dũng, bảo cậu ta thông báo ngày mai hoãn họp, sau đó đứng lên chuẩn bị ra về. Mọi người cùng đi ra cửa, xuống cầu thang. Nhìn Âu tất tả chui vào xe, Lụa lắc đầu thương cảm:

- Làm Giám đốc thế này, quá khổ!

Chương 14

Vừa đặt tay lên vô lăng, chưa kịp cho xe chuyển bánh, Âu lại liên tiếp nhận được những cú điện thoại. Bạn bè từ khắp nơi gọi đến hỏi thăm xung quanh chuyện xảy ra trên báo. Từ các phòng ban trên Bộ, trên Tổng công ty đến các doanh nghiệp và đội ngũ khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, cứ thế tơi tới gọi, trả lời không xuể. Điên nhất là cuộc gọi của bọn bắt cóc Thu. Sau khi biết chắc đây chính là người cần gặp, chúng cho Âu nói chuyện với con bé được đúng một câu rồi ngắt. Sau đó tên trùm lên tiếng bằng giọng đầy hăm dọa, đặt điều kiện nội trong ngày mai anh phải nộp cho chúng một khoản tiền. Phải cố gắng lắm Âu mới giữ được bình tĩnh, ôn tồn trao đổi, hỏi hắn sẽ gặp nhau vào lúc nào và gặp ở đâu. Hắn thông báo địa điểm, thời gian, dặn anh tuyệt đối không được cho ai biết. Nếu không thì…

- Được rồi! - Âu nói - Tôi sẽ thực hiện đúng như ý cậu. Miễn sao đừng làm hại cháu tôi.

- Ông có vẻ biết điều đấy! - Tên kia cười hềnh hệch - Còn tính mệnh cháu ông, hay “con gái riêng” của ông thì chúng tôi xin đảm bảo, từ nay đến lúc đó sẽ không ai động đến một sợi lông chân của nó đâu. Ông rõ chưa nào? Nhớ giữ lời hứa đấy!

“Đồ khốn! - Âu rủa thầm một câu trong khi bỏ máy vào túi áo. Bất giác anh buông tiếng thở dài mệt mỏi. Lạ thật, cứ mỗi lần mình thắng một cái gì là y như rằng lại có sự rủi ro nào đó xảy ra. Mà thường là do khách quan đem lại chứ đâu phải lỗi tại mình. Hay là cái số mình nó thế?

“Đây là lúc cần chứng tỏ sức bền của đất. Đạo Khôn vốn âm nhu, nhưng khi đất rẻo đã tôi qua lửa thì cương kiện như Càn. Quẻ Truân bớt đi một nét thành quẻ Phục. Bình tâm sáng trí, linh hoạt tiến lùi. Qua hết!”.

Không biết từ đâu vọng đến tiếng thì thầm như vậy. Âu đưa mắt nhìn quanh. Có ai đâu? Mỗi mình mình trên xe, tự lái về nhà. Đây không phải lần đầu anh nghe được những lời như vậy. Dường như mỗi lúc gặp khúc quanh trên lộ trình đều thế. Lời của Đất chăng? Có thể! Nói theo cách tâm linh tức là mình luôn có quý nhân phù trợ. Vậy thì cứ yên tâm vượt khó, chớ có ngại ngần dù đó là những mưu ma chước quỉ. Âu nghĩ và mỉm cười một mình, lại thấy vui lên.

Đánh xe vào sân đã thấy Ngà và Thúy đứng trên hiên nhà ngóng đợi, Âu bước ra khẽ vẫy tay chào. Nhìn mắt hai người đã thấy đỏ lên, anh trấn an bằng một nụ cười:

- Bình tĩnh đi. Không có gì phải khóc. Mấy thằng ranh bị ảnh hưởng phim ảnh Mỹ đây mà. Chúng vừa điện cho tôi xong. Con bé vẫn an toàn. Không sao cả.

- Chúng đòi tiền chuộc phải không anh? - Thúy lo lắng hỏi.

- Tất nhiên! Mục đích của chúng là như vậy thôi mà.

- Chúng đòi nhiều không ạ?

- Nhiều! Cô định góp sao?

Thấy Âu cười, Ngà chen vào nói:

- Lúc này mà anh còn đùa được. Phải lo tính cách gì đi chứ.

Âu khoát tay:

- Được rồi được rồi! Việc này hai mẹ cứ để tôi. Mẹ Ngà xem cơm nước thế nào, khẩn trương ăn rồi tôi sẽ đi giải quyết luôn.

Nửa giờ sau Âu rời khỏi bàn ăn, ra phòng ngoài điện cho cậu lái xe, bảo đến nhà, chuẩn bị đưa chú đi có việc. Ít phút sau cậu ta có mặt. Âu xách cặp tiền cho vào cốp, quay lại dặn Ngà và Thúy cứ yên tâm ở nhà chờ, chậm nhất là chiều tối mai anh sẽ đưa con Thu về cho hai mẹ. Hai người phụ nữ ngơ ngác nhìn nhau, đoán thầm chắc anh có cách gì rồi nên mới thản nhiên như thế.

Thực ra Âu nào đã nghĩ ra được cách gì. Anh chỉ mới phác ra một vài phương án, định rằng trên đường đi sẽ tính dần.

- Việc học hành đến đâu rồi? - Âu hỏi cậu lái xe.

- Dạ thưa chú, cháu đã vào học năm thứ nhất, được hai kỳ rồi ạ.

- Nghe nói cháu học cùng khóa với con Thu nhà chú hả?

- Vâng. Nhưng khác lớp. Hôm rồi kết thúc khóa học, cháu định rủ em cùng về nhưng nó bảo còn ở lại đi chơi với bạn vài hôm.

- Cháu có biết nó đi đâu không?

- Dạ cháu vội quá không kịp hỏi. Hôm đó là chiều thứ bảy mà, cháu chỉ tạt qua rồi ra đón xe về kẻo tối. Có chuyện gì không ạ?

Âu định không tiết lộ chuyện này. Nhưng lại nghĩ đằng nào cậu ta cũng tham gia vào việc, cần biết rõ tình hình để chú cháu cùng lo tính. Và để cảnh giác bọn kia, sau khi cho cậu lái xe biết chuyện, anh nhờ cậu ta dùng máy di động của mình gọi cho Quang Hải, con trai đầu của anh, bảo chiều nay bố đến, nhờ anh thu xếp cho một phòng ở ngay trong nhà nghỉ của Bộ công an. Dặn thêm Hải tối nay ở nhà, bố có chuyện cần bàn gấp.

- Có bảo em Long không ạ? - Cậu lái xe lấy máy ra và hỏi - Cháu có cả số của nó đây mà.

- Thằng Long đang bận ôn thi chuẩn bị đi du học, kệ nó thôi.

Cậu lái xe nhấn số gọi cho Hải, thông tin đầy đủ như Âu dặn, sau đó ngoặt xe ra quốc lộ, thẳng đường tăng tốc về phía Tây, chạy thi với mặt trời đang ngả bóng theo hướng đó.

Lên đến chỗ con trai vào lúc năm giờ chiều. Sau khi ổn định chỗ ăn chỗ nghỉ, Âu và cậu lái xe lên phòng riêng của Hải, bàn chuyện giải thoát Thu. Đến nơi đã thấy Long ở đó. Hóa ra hai anh cu đã biết tin này qua mẹ chúng và ngay chiều nay Hải đã cùng bạn bè vạch ra một phương án khả thi, sẵn sàng hành động, chỉ đợi bố lên là tính.

- Quên bố không dặn mẹ mày. - Âu phàn nàn - Ai lại bàn chuyện đó qua điện thoại. Nhỡ ra chúng bắt được tần số thì sao?

Hải cười:

- Bố lo xa quá. Bọn văn hóa lùn này sao có thể như Tây được? Bây giờ thế này nhé. - Hải giở bản đồ vùng núi ra, hỏi bố xem chúng hẹn gặp ở điểm nào rồi nói tiếp - Nếu chính xác ở điểm này, sau khi gặp bố trao đổi xong, bọn chúng sẽ có ba đường thoát. Một là phải ra ngã ba rồi chạy về một trong hai phía, theo đường này, hoặc đường này, nếu chúng đi xe. Bằng không chúng sẽ chạy bộ về phía núi, theo đường tắt thông sang tỉnh bạn. Ba là chạy quanh thung lũng hoặc chiếm dụng nhà của một trang trại giữa rừng và ẩn nấp tại đây. Cả ba điểm này bọn con sẽ bố trí người kiểm soát chặt chẽ. Ngày mai bố và anh cứ đánh xe đến điểm hẹn, trao đổi sòng phẳng với chúng, không thiếu một đồng, chỉ cốt sao đưa được em Thu về, còn mọi chuyện mặc bọn con xử lý.

- Con phải xin người của Bộ à?

- Không đâu ạ. Mấy anh bạn con dạy ở trường An Ninh, thường cho lính đi diễn tập. Đây là một dịp tốt để họ thực hành. Bố yên tâm đi. Chuyện nhỏ!

- Thế được rồi. Sáng mai bố phải làm việc với văn phòng Tổng công ty, chiều sẽ đi làm việc đó.

- Trước khi đi, bố nên điện cho chúng lần nữa, rồi báo lại con cho nó chắc ăn. - Hải dặn thêm như vậy.

Sáng hôm sau, ngay đầu giờ làm việc, Âu đã có mặt tại văn phòng Tổng. Khác với điều anh hình dung, Thứ trưởng không bắt giải trình sự việc xảy ra trước Hội đồng Quản trị mà gọi anh vào phòng làm việc của mình. Ngồi đối diện ông qua chiếc bàn to đặt giữa phòng, Âu chú ý quan sát gương mặt vị thủ trưởng ngành và cảm thấy hơi là lạ. Ông không tỏ ra bức xúc như hôm trước, khi trao đổi với anh qua điện thoại nhưng cũng không vui vẻ mặn mà như mọi lần gặp gỡ. Hình như trong ánh mắt ông ẩn chứa điều gì, nó làm giảm đi cái nhiệt huyết vốn có trong con người mà anh hằng kính trọng, khiến ông bỗng chốc trở nên lãnh đạm, lạnh lùng. Không có lẽ ông giận mình đến thế? Âu băn khoăn tự hỏi và chủ động lên tiếng trước:

- Thưa anh, em có đem theo bản giải trình về việc…

- Biết rồi biết rồi! - Thứ trưởng xua tay nói - Cậu cứ để đấy, tôi sẽ xem sau. Bây giờ tôi cần trao đổi với cậu việc này.

Ngừng một lát nhìn Âu như cân nhắc điều gì, ông nói tiếp:

- Cậu biết cái nhà máy Cotto mới xây ở trong Nam chứ?

- Dạ em biết! Nó thuộc đơn vị anh Đỗ Bàn.

- Cậu có biết hiện giờ nó ra sao không?

- Dạ sao ạ?

Thứ trưởng lắc đầu, vẻ ngao ngán hiện rõ trên nét mặt.

- Nó đang có nguy cơ phá sản!

- Phá sản. Vì sao ạ?

- Chuyện này nói ra thì dài lắm. Chỉ có điều…

Ông lại ngừng. Im lặng nhìn Âu. Nhìn khá lâu, khiến Âu cảm thấy điều ông sắp nói ra sẽ vô cùng hệ trọng. Quả nhiên như thế.

- Tôi đang định điều cậu vào trong ấy.

- Một hình thức kỷ luật?

- Không phải thế. Một sự tăng cường thì đúng hơn. Tôi biết năng lực của cậu, vào đấy tôi tin rằng cậu sẽ vực được nó lên. Vả lại xung quanh chuyện bài báo vừa rồi, không may cho cậu là nó ra đúng vào lúc trên này có một Hội nghị lớn, nên đại biểu nào cũng đọc, vô hình trung trở thành một thứ xì-căng-đan, làm tai tiếng cả ngành, ầm ĩ trong cả nước. Có ý kiến yêu cầu phải xử lý chuyện này thật nặng. Nhưng tôi nghĩ làm thế oan cho cậu quá, tốt nhất là đưa cậu đi tăng cường một thời gian.

- Nhĩa là đi để lập công chuộc tội?

- Trong mắt tôi thì cậu không hề có tội, chỉ là cái sẩy nẩy cái ung, một cái gì đó rất dớ dẩn trong nội tình của đơn vị cậu. Nhưng với người ngoài thì rất khó giải thích. Cậu biết không, hôm qua là ngày nghỉ mà tôi phải làm việc suốt, mệt vô cùng.

- Em hiểu! Nhưng thưa anh, giả sử do một nguyên nhân nào đó, em không thể vực cái nhà máy kia lên được thì sao ạ? Tội em sẽ nặng thêm chăng?

- Sao lại không vực được? Căn cứ vào việc cậu đưa được Hải Long lên một cách vượt trội, chỉ trong vòng có một năm, tôi có thể khẳng định rằng cậu thừa sức làm việc đó.

- Thế còn Hải Long thì sao ạ?

- Cái đó tôi sẽ tính, làm sao rút cục nó vẫn là của cậu. Được rồi, cậu cứ suy nghĩ đi. Ý định này tôi cũng mới nảy ra thôi. Giờ tôi phải lên làm việc với Bộ trưởng, có gì tuần sau ta sẽ trao đổi tiếp.

Rời khỏi văn phòng Tổng công ty trong tâm trạng không lấy gì làm thoải mái, Âu chỉ muốn về ngay Hải Long gặp các chiến hữu của mình để chia sẻ chuyện này, bàn với họ nên đi hay ở. Đi thì sao và ở thì sao? Ý nghĩ này cứ bám riết lấy Âu trong suốt thời gian còn lại của buổi sáng, khiến anh đi giữa phố phường Thủ đô đông đúc mà dường như chẳng thấy gì.

May sao công việc buổi chiều lại diễn ra xuôn xẻ. Đúng như kịch bản của Hải đặt ra đêm trước. Sau khi cứu được Thu khỏi tay bọn bắt cóc bằng một khoản tiền to, Âu đón con bé lên xe rồi lập tức quay về. Đi chưa đầy ba cây số thì nhận được điện của Hải, báo tin đã tóm gọn cả bốn tên cùng với chiếc xe của chúng.

*

* *

Cả ngày hôm đó, Ngà và Thúy đều nghỉ việc, không ra chợ bán hàng, ở nhà chờ đợi. Suốt buổi hai người cứ quanh ra quanh vào, hết vào nhà lại ra sân, nói chuyện gì cũng không vơi được nỗi lo canh cánh bên lòng. Không biết bố con đi thế có an toàn không. Nhỡ ra thế này, nhỡ ra thế khác… Buổi trưa ăn cũng không ngon, lên giường nằm cũng không sao ngủ được. Mãi đến ba giờ chiều mới nghe tiếng chuông điện thoại. Ngà vùng ngay dậy, vồ lấy máy nghe và reo lên sung sướng: “Đón được nó rồi à? Không sao à? Túm gọn cả bọn kia à? Hay quá! Bố con anh giỏi quá! Đây Thúy đây! Này, nói chuyện với con này!”. Ngà đưa máy cho Thúy, để hai mẹ con nói chuyện với nhau. Thúy lên tiếng trách con, còn Thu thì ra sức xin lỗi mẹ, xin lỗi mọi người vì cô mà cả nhà lo. Nói hiện nay mọi người đang trên đường về thành phố Biển. Chắc tối sẽ về đến nhà thôi. Cả anh Hải anh Long cũng về, mẹ đi chợ mua cái gì làm cơm khao các anh ấy nhé!

Hai bà mẹ ôm chầm lấy nhau. Mừng vô kể!

- Bà sướng nhất đấy! - Thúy bảo Ngà - Vớ được ông chồng hết ý, không ai bì được!

- Đấy là tôi được ăn lại cái sái của bà đấy chứ! - Ngà cãi - Giá hồi ấy bà không quyết bỏ về thì đâu đến lượt tôi?

- Bà nói thế oan cho tôi quá! Nào tôi đã được cái gì. Mà xét cho cùng tại cái số tôi nó xấu thôi, cho dù tôi có lấy ông ấy thì chắc gì đã được thế này.

- Lại sắp khóc bây giờ đấy! Thôi, đã là số thì không bàn nữa. Chị em mình đi chợ đi kẻo muộn.

Hai bà ríu rít kéo nhau đi. Một lát xách về đầy hai làn thực phẩm. Cả hai lại được dịp trổ tài làm bếp. Lâu lắm rồi họ mới có dịp cùng nấu bếp với nhau. Vừa làm vừa ra sức ôn nghèo kể khổ.

Khi phố xá lên đèn thì vừa xong mọi việc. Cỗ bàn được bày ra tươm tất. Nhưng cũng phải chờ khá lâu mới thấy mọi người về. Bữa tiệc sum họp gia đình vui như tết, kéo dài đến tận khuya chưa nghỉ.

Bề ngoài thì như vậy. Nhưng bên trong tâm trạng mỗi người có khác nhau. Ngà và Thúy thì rất vui rồi. Hai bà ngồi đầu nồi, luôn tay gắp thức ăn bỏ vào bát cho mấy bố con. Hải thì vừa ăn vừa sôi nổi kể về cuộc chỉ huy vây bắt đầy ngoạn mục của mình. Âu ngồi chính giữa bàn, vừa nhâm nhi chén rượu vừa suy tính. Theo Hải thì vụ này có đưa ra xét xử hay không tùy thuộc gia đình mình có đặt vấn đề truy cứu hay không. Vậy có nên truy cứu hay không? Được biết trong số chúng, ngoài tên gác trang trại ra còn lại toàn bọn thanh niên ở vùng này, mấy thằng đều là con các vị chức sắc hẳn hoi, không ở cơ quan hành chính thì cũng bên doanh nghiệp, trong đó có Thắng, con trai út của Trần Xung. Mà nghe đâu nó lại là người yêu của con Thu cơ đấy. Âu đưa mắt nhìn Thu, hình như nó cũng đang lo lắng, cứ vừa ăn vừa thỉnh thoảng nhìn ra cổng, như đang mong đợi điều gì. Quả như thế thật, Thu đang rất lo cho Thắng, hiện đang bị giam chung với bọn kia, không biết thế nào, nhất là khi Hải cho biết rằng trên đường giải bọn chúng về, nghe chúng trách cứ nhau thì té ra chính Thắng là thủ phạm. Anh ta nợ tiền của chúng nên mới bày ra cái trò này. Thu không tin như vậy. Cô nghĩ phải tìm mọi cách bảo vệ anh, liền nói:

- Em cho là bọn ấy nói xằng. Anh Thắng không phải người như thế đâu anh ạ.

Hải mỉm cười nhìn cô gái:

- Khi người ta yêu…

Thấy Thu đỏ mặt lên, Long có vẻ ngạc nhiên:

- Sao em lại đi yêu cái thằng ấy nhỉ? Một thằng vừa dốt vừa lười, vô tích sự! Hồi học với anh ở cấp ba, môn nào cũng kém! Thầy cô ai cũng phải lắc đầu. Thế mà làm sao nó lại kết được với em, lạ thật!

- Anh Long nói phải đấy con ạ! - Thúy chen vào - Người ta phải biết chọn bạn mà chơi, huống hồ đây là chuyện cả cuộc đời.

- Mẹ! - Thu dẩu môi một cái, khiến cả nhà cười rộ.

Ngày hôm sau cả công ty đều biết chuyện này. Một làn sóng tiếng đồn lan nhanh trong thị trấn. Vợ chồng Trần Xung hốt hoảng kéo nhau sang nhà sếp Âu, xin cho con thoát tội. Không khảo mà xưng, ông ta thú nhận đã cho cô Lanh mượn tập văn bản về Hội nghị khách hàng, tưởng cho xem để biết thôi, không ngờ cô ấy lại ngầm rút ra một bản đưa lên báo. Thôi, đằng nào thì bố con tôi cũng đắc tội với chú rồi, mong chú thể tình châm chước cho thì may phúc cho gia đình tôi lắm. Tôi nguyện từ nay về sau sẽ yên phận con sâu cái kiến, không dám làm bừa. Bà Xung cũng khóc lóc van xin, của đáng tội, nó là thằng bé ngoan, chỉ phải cái ham chơi bừa bãi thành ra sinh sự, đã mấy lần tôi bảo ông ấy đưa nó vào làm trong công ty, nhờ chú rèn rũa cho nó nên người, nhưng chưa kịp làm việc đó thì xảy chuyện. Khổ ơi là khổ! Tôi biết chú là người giỏi, lại khoan dung độ lượng, xin chú tha cho nó lần này, không thì tôi chết mất.

- Được rồi! - Âu nói - Hai bác cứ về đi. Tôi sẽ suy nghĩ và tìm giải pháp cho phù hợp.

Chờ cho hai ông bà ra khỏi cổng, Âu gọi Hải từ phòng trong ra, hỏi nên giải quyết thế nào. Hải nói:

- Tùy bố thôi. Nếu bố thấy tha cho nó được thì tha. Bằng không cứ chiểu theo pháp luật mà trị tội.

- Đêm qua con đưa mẹ con cô Thúy về nhà, có thấy cô ấy nói gì về chuyện này không?

- Dạ cô không nói. Nhưng em Thu có tâm sự với con. Xem ra nó với thằng Thắng yêu nhau thật. Vừa kể nó vừa khóc suốt. Cũng thương tình. Con nghĩ đây là lần đầu, có thể tạm tha cho nó.

- Thế còn bọn kia?

- Bọn kia cũng thế. Nếu đã không truy cứu nữa thì thôi cả. Con sẽ dạy cho chúng một bài rồi thả chúng về thôi.

- Thế cũng được! Vậy con đi làm việc đó đi. Bố cũng phải lên cơ quan bây giờ. Định giữ chúng mày ở lại chơi ít ngày nhưng bố còn nhiều việc cần giải quyết ngay, không nghỉ được.

Hải rút máy di động ra gọi cho Long, bảo về ngay chuẩn bị lên đường. Ít phút sau Long ở đâu đó phi về. Nghe chuyện bố tha bọn tống tiền, cậu ta lắc đầu quầy quậy:

- Sao bố có thể làm thế nhỉ? Con vừa được nghe mọi người nói về ông Xung đấy. Làm sếp gì mà cả làng ai cũng ghét. Vừa tham lam vừa hay trở mặt, luôn tìm cách hại người, chuyên trị âm mưu lật đổ, nhất là với bố. Vừa mới đây thôi chứ có lâu đâu. Con nghe mà tức không chịu được. Làm sao bố lại tha được nhỉ?

- Nhưng đây là chuyện về cu Thắng, không phải ông Xung.

- Cả hai bố con ông ấy, đều không tha thứ được!

Âu cười:

- Có một người bảo bố tha.

- Cô Thúy chứ gì?

- Không!

- Hay mẹ?

- Cũng không phải!

- Vậy thì ai?

- Sơn thần Thổ địa ở vùng này.

- Bố cứ hay đùa. Con có còn là trẻ con đâu. Mà dẫu có là thần phật gì chăng nữa thì con dám chắc họ cũng không làm thế. Phật chỉ giúp đỡ dân lành, còn bọn yêu quái thì phải diệt. Thế mới có chuyện Tôn Ngộ không đi bảo vệ Đường tăng chứ. Bố thường hay nói đến chữ Tâm. Con đồng ý. Nhưng tâm cũng tùy người bố ạ. Ai lại dùng chữ Tâm với kẻ hại mình?

- Con không biết đấy thôi. Mệnh bố vững lắm. Người ta muốn hại bố cũng không hại được đâu, mà có khi lại hại cho chính họ. Vì thế nhiều khi bố biết người ta có lỗi với mình, cũng muốn ra tay nhưng không nỡ.

- Thế là bố không dứt khoát. Con thì khác, người nào tốt với mình thì mình tốt lại, còn kẻ nào hại mình thì giết không tha!

- Con có cá tính mạnh mẽ đấy! Nhưng con phải hiểu cho bố một điều, bố sống ở đây đã già nửa đời rồi. Làng xóm cư dân quanh thị trấn này hầu hết là người của công ty cả, họ đã đi cùng bố mấy chục năm trong một cuộc hành trình, từ tay trắng đi lên với biết bao gian khó vui buồn, nằm gai nếm mật. Cái làng Gạch ngói đất sét nung này đã gắn bó với bố như máu thịt, đến nỗi đánh ai bố cũng cảm thấy đau như đánh chính mình. Gia đình nào còn neo túng, còn chưa bứt được ra khỏi cái nghèo thì bố thấy mình còn kém. Vì thế, chừng nào còn làm Thuyền trưởng trên con tầu này, bố còn phải tận tâm tận lực, phải gạt bỏ những ân oán riêng tư mà lo việc lớn. Như thế mới hi vọng đi xa được.

- Bố nói thế thì con chịu rồi. Nhưng con thì khác. Thế hệ con nó khác. Trước hết phải lo cho mình, phải sống vì mình rồi mới nghĩ đến chuyện lo cho người khác được.

Đang dở chuyện thì Ngà đi chợ về, Long vội chạy ra, xách làn thực phẩm vào giúp mẹ. Thấy hai con chuẩn bị lên đường, Ngà ngạc nhiên hỏi sao bảo ở nhà với mẹ mấy ngày, lại đi ngay thế. Âu đưa mắt cho Hải, anh chàng hiểu ý liền viện cớ phải đi ngay có việc cần. Bà mẹ lắc đầu chỉ tay vào làn thực phẩm:

- Ba bố con đi cả, những thứ này mình mẹ ăn đến bao giờ cho hết?


1
2
3
4
5
6
Tin mới