Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   
Tiếp theo chương 4 - 5
Chuyện tình của người điên
Cập nhật: 14:29:00 10/12/2010

Chương 1-3
Chương bốn

Ở cái tuổi mười sáu người  ta làm cái gì cũng  nhanh  từ việc nghĩ đến việc đi. Công chúa Bana thoạt đầu rời khỏi bệ khán đài thì chạy, nhưng  xiêm  áo lòe xòe vướng  víu cản bước,  nàng  bèn dừng lại  vứt  bớt   những chiếc dây  kim  tuyến, xà  tích ngoằn ngoèo. Sau đó nàng  vận cạp váy lên,  nàng  xoải chân  định chạy nhanh  chợt phát hiện ra đôi hài vướng  víu dưới chân, công chúa cúi xuống  lột hài vứt sang một bên, rồi lao đi.

Ở cái tuổi  sáu mươi người ta làm cái gì cũng chậm, từ suy nghĩ đến bước đi, lễ nghi đại thần Quang  Nhật lạch bạch đi theo công chúa.  Ngài giận công  chúa  lắm, nếu như   con gái ngài  thì ít ra cũng được nếm sáu  cái roi dâu vào mông  đít, đằng   này  nó lại là công chúa, công chúa là con vua, mà con vua gì cái thứ nó, vừa mới thấy giai là xoắn  ngay lại, y như mèo hoang ngửi ra mùi  cá nướng. Ừ, cho nó chạy xuống, ngài phải đi theo là đúng rồi, nhưng  là công chúa như nó,  là đại thần  như ngài, phải điềm đạm, phải trịnh trọng, trang nghiêm để dân đen, con đỏ nhìn thấy mà sợ. Đằng này, trong đám con dân kia, không  phải  ít những kẻ trước  kia chơi bời quen thuộc với ngài  từ nhỏ,  đàm  đạo với ngài  từ thuở  ngài  chưa được gọi vào triều chăm sóc dạy bảo công chúa. Thì nay có dịp để họ trông thấy ngài. Thế mà, con ranh  con, cũng  tại mình đây, mình không đe nẹt nó cẩn  thận.  “Ôëi” nó vứt cái gì đấy. Lễ nghi đại thần tiến lại, ngài cúi mình xuống. Trong lúc ngài nhận  ra chiếc mũi hài có dính ba viên ngọc trai thì ngài cũng nhận thấy lưng mình độ này đau tợn, cái cúi này bất ngờ  quá “khục”,   “ừ  khục lưng  đây  mà.  Đại thần Quang Nhật cầm chiếc hài lên giữa tiếng cười ran ở bốn phía. Ngài đứng thẳng lên  trừng mắt nhìn mọi người  làm hai ba người định đến nhặt  hộ ngài dừng  lại, đứng chôn chân tại chỗ.  Sao lũ dân đen ngu độn  và liều lĩnh thế nhỉ. Chúng mày có biết,  chỉ  một viên ngọc trên chiếc hài công chúa Bana đã bằng  gia tài cả nhà chúng mày, bằng sinh mạng  của cả chúng mày, thì đây viên  ngọc to nhất đây này, phải người thứ ba mới nhặt lên được, hai người thì đã…”. Ngài không  muốn nghĩ tiếp,  “giống  cá mập ghê thật, chỉ một tợp y như người ta uống  một hớp rượu,  mà đã mất bay đi nửa người. Máu đỏ sầm loang trên mặt nước xanh…”.

- Này,  công chúa đứng lại chờ  lão với!

- Kệ ngài, kệ ngài.

Công chúa Bana ngoảnh lại, giọng  lảnh lót vui vẻ, rồi chạy  ào đi. “Con giời đánh”  - Lễ nghi đại thần  rủa thầm, cố nhấc chân mình theo gót công chúa. “Con bé nhanh  quá, nó lao vào đám đông, mọi người chưa kịp tránh ra nhường đường cho nó, đã mất hút trong đó”. “Tránh  ra, tránh ra” ngài đại thần la bai bải khiến lũ con dân hốt hoảng  đang  lộn xộn tự động   rẽ dần thành một khe  nhỏ. Đại thần Quang  Nhật loáng thoáng nhận ra những khuôn  mặt quen thuộc. Ngài cảm thấy kiêu hãnh đến tột độ: “oai chưa, kinh khiếp ta chưa?” Trong khi ngài đang  ngạo nghễ đi qua đám đông  thì tai ngài nghe   tiếng “thầy đồ Cắm”, ngài  dừng ngay  lại  đưa  mắt nhìn mọi  người để  tìm ra  kẻ nào  vừa  nói  một  cách hỗn xược, nhưng  khuôn mặt các con dân đã lỳ ra trơ lạnh “hừ, láo thật”. Ngài quát to lên.

- Ta là lễ nghi đại thần Quang Nhật.

Quát xong, ngài muốn chứng kiến sắc mặt  tái xanh, co rúm của bọn dân đen, thì bất ngờ  có tiếng ai đó réo lên:

- Công chúa ôm… kìa.

Ngài đại thần giật mình quay lại, và hốt hoảng nhận ra, công chúa Bana đang  ôm chằm chặp cánh tay khỏe  mạnh  của gã vệ sĩ. Dù  được gọi  vào  triều  đã  lâu nhưng  Quang  Nhật  đại thần như chúng ta đã biết,  ngài chưa quên mặt gã vệ sĩ này, nó không  phải xa lạ mà  đích thị là  thằng Ly Tri con nhà  lão Mít đan  lưới.  Nó chóng  lớn thật, và giống  bố nó quá, cao lớn, khỏe mạnh,  đỏ hồng rắn rỏi, cánh  tay nó, ngài  đưa  mắt nhìn toàn  bộ thân  thể Ly Tri, ngài chợt nhìn thấy bàn tay khô héo nhăn nheo của mình, ngài bất ngờ cáu:

- Thằng  kia, không  được phạm thượng.

Vệ sĩ Ly Tri nghe  tiếng đại thần, chuyển  giáo sang  tay khác ngẩng đầu lên,  chiếc mũ trụ quẹt một luồng ánh sáng chói rực.

- Bẩm  ngài, không  phải do kẻ hèn mọn này…

- Do em đấy, em thích anh ấy.

Công chúa  nói vừa dứt, có tiếng cười khích khích đứt quãng. Lễ nghi đại thần lại một lần nữa trừng mắt để tìm ra kẻ cười, hình như ở đâu thấp  lắm. Ngài  tiến  lại, quát  to:

- Bỏ ra, nam nữ thụ thụ bất thân, công chúa  đã học.

-  Ố,  thế sao hôm  qua  em  gặp ngài  đang  ôm con hầu Hồng

Tước của em, trông hay lắm, ngài  lại bắt nó cởi…

- Thôi, chuyện nhơ nhuốc. Công chúa   là ngọc   cành   vàng  thì phải biết làm mình cao giá.

- Em là đứa  con gái, em cũng   là người cơ mà. Công chúa nói xong quay trở lại kiễng người nhìn vào khuôn  mặt gã vệ sĩ.

- Đực  với cái là phải loằng ngoằng…  khích… khích.

Bây giờ thì ngài nhận  ra tiếng cười ấy rồi, tiếng cười hỗn xược châm chọc, và khinh nhờn ấy dám nhằm  vào công chúa,  vào ngài. Thằng điên, thằng khùng có khác.  Nó đang  nằm lăn trên mặt cỏ nhàu  nát bởi chân hàng vạn người.  Chiếc  bình đất của nó đặt bên cạnh.  Đại thần định xô lại, nhưng  ngài  lại sợ cái bình, ngài lấy giọng oai vệ hét to:

- Cút  đi, cút ngay đi.

- Kìa  đại quan - vệ sĩ nói.

- Không, ta bảo thằng điên kia. Bước ngay.

- Bảo  tôi đi à, ừ, thế thì được.

Thằng Da lồm cồm ôm bình đứng dậy,  nó vừa đi được mấy bước thì đã có vài người   ăn mày đi theo.  Thằng Da xốc đám  lá trên người tiến về phía công chúa,  lúc này nàng đang  nắm tay gã vệ  sĩ lắc liên hồi.  Lợi dụng  lúc đại thần mải nhìn thằng điên, công

chúa Bana nhướn người lên,  kề sát miệng vào tai Lý Tri, nói khẽ:  1

- Giờ Tý, nhớ  đấy.  Vào vườn  thượng uyển em chờ. “Giờ Tý, giờ Tý” thằng  điên lẩm bẩm  rồi gật gù bỏ đi, đám ăn mày rồng rắn đi theo  nó. Chính đám rồng rắn xơ xác đó đã làm u ám bức tranh đẹp đẽ của ngày lễ khải hoàn, và làm  vua Biđa nổi giận như ta đã biết. Còn Ly Tri, mặt đờ đẫn khi hiểu rõ câu hẹn hò của công chúa, chàng ngạc nhiên nhìn nàng, không ngờ giọng nàng  lại vút lên.

- Chàng  ăn cá phải  không?  Đến với em là phải  rửa  sạch   đấy nhé.

- Sao? - Lễ nghi đại thần  cũng kinh ngạc không kém. Ngài lúng túng không  biết xử trí ra sao, ngài buột mồm hỏi:  - Bố mày  vẫn nấu rượu chứ?

- Dạ, vẫn  thế bác đồ ạ.

- Tao là đại  thần.

- Vâng, thưa ngài đại thần, tôi trót nhỡ mồm.

- Hôm nào bảo bố mày gửi cho tao một vài hũ, loại nấu bằng  nếp cái, nhớ chưa?

Nói xong, ngài hít một hơi dài để lấy lại uy lực, ngài túm tay công chúa Bana lôi đi. Nàng không  muốn cưỡng lại lão đại  thần. Nàng  nháy  mắt nói to giữa tiếng lao xao của trăm họ.

- Nhớ  đấy, không  đến là chém đầu, hiểu chưa, giờ Tý.

 

 

Chương năm

Quan  ngự thiện hầu cơm vua Biđa thường phàn  nàn với ngự thiện phu  nhân:  “Bệ  hạ  vất vả ngay  cả lúc  ăn, không  phải ngài không  thích thú với cái món  sơn hào hải vị, rượu  quý, quả lạ, mà vì có lẽ mất  nửa  đời  chinh  chiến ngài quen  những bữa ăn vội  vã rồi,  mới lại có thể (ngự thiện hạ giọng) ngày trước ngài là con nhà thuyền chài, đục đá nên…”.  Quan ngự thiện đúng là hiểu vua lắm, vua Biđa chưa bao giờ cảm thấy  thú vị trong  khi ăn, mặc dù ngài vẫn thấy ngon. Ngài ăn vội vàng  (ngay cả những  món đòi hỏi phải ăn chậm để hưởng hết cái thú  của  mùi  vị) bởi  cái  nếp ăn trên thuyền  chòng chành, và  những bữa ăn cấp tập giữa  ba quân  đã ngấm  vào ngài rồi. Bình thường đã vậy, tối nay, thiên tử ăn càng nhanh  hơn, ngài bực đến độ không  thấy thích thú  cả món  mắm kem  đặc biệt mà tổng Bình Dương  quê ngài  làm  từ cá cơm con mang vào tiến,  ngài bực đến độ vừa đặt chiếc bát rồng xuống, ngài đã xốc  long bào lao đi, đến nỗi quan  ngự thiện phải  vội vã vác bụng kéo đai lao theo tâu vội:

- Tâu bệ hạ, trên cằm bệ hạ, còn một hạt minh châu.

- Ngọc   à, ngọc  gì mà dính được  vào cằm ta? - Vua Biđa vung cánh tay lên,  một hạt cơm rơi xuống,  ngài vừa bước đi, vừa quát:

- Bận  sau, cơm thì  bảo  là cơm, không tâu kiểu hòe  sói ấy ta không hiểu.

Ngài bước thẳng  vào tòa đại cảnh,  ở đó  hai hàng văn võ tề tựu đủ. Vừa ném mình một cách giận dữ vào ngai vàng, ngài vừa gầm lên:

- Quân đâu?

Tiếng “dạ” vang lừng.

- Cho đốt thêm đình liệu, phải thật sáng, thật sáng.

Sau lời phán truyền của vua, hai hàng lính hầu tiến vào, những cây đình liệu sáng rực như  một đám  cháy làm các đại thần phải nhíu mắt vì quá sáng.  Vua đưa mắt nhìn suốt lượt khuôn  mặt các quan, tất  cả lỳ ra, khó hiểu. Ước gì (vua tự nhủ)  ta có phép  thần nào hiểu biết mọi suy nghĩ đang  diễn ra trong đầu các quan, hoặc ta có cách   nào  bắt họ nói hết những điều họ giấu  kín sau những vầng  trán đội đủ thứ mũ mão kia. Ta biết không  phải  vị quan nào cũng răm rắp tuân lệnh ta, nguyện suốt đời sống chết vì ta và ngay cả cuộc  lâm triều, bất chợt  tối nay, không  ít các  quan  bất đồng. Còn ta, ta hiểu hết quyền lực trong các cuộc họp triều đình, xứ sở này ra sao nếu không có họp,  có hội, có nghị sự triều chính, không có những tờ khải,  tờ chiếu. Hừ, được rồi, ta sẽ trị hết  kẻ nào chống lại  ý tưởng của ta - kiến  quốc,  thanh  bình, nhưng  phải tạo dựng ra bằng mệnh lệnh như trong binh đao, khói lửa. Vua vung chiếc hốt ngọc lên,  giọng  ngài rít lại:

- Ta lâm triều bất ngờ  - (vua ngúc  ngắc đầu, cái mũ rồng hôm nay nặng  quá, giá bỏ đi được thì nhẹ nhàng,  thoải mái, nhưng  bỏ ra thì quyền lực oai vệ còn đầu, phải quen thôi, như quen một lời ăn tiếng nói: “Lâm triều”. Đáng ra là họp  bàn  chứ  gì (vua lại đập hốt ngọc  vào không  gian lần nữa) - quạt mạnh  cho ta một  tí - đôi mắt hổ của vua trừng trừng, tuy nhìn vào các quan, lấy uy, mà hai thị nữ lại rúm người lại đưa nhanh  hai chiếc quạt phượng.

- Ta lâm triều bất ngờ để cùng  các khanh  nghị sự một  điều. Các khanh  biết  đấy, xứ sở Ti Thu của ta là vô địch, các nước láng giềng thì bạt vía, các nước xa xôi thì sợ oai thần. Ta lên  ngôi nhờ vào tay kiếm của chính ta, vì thế trước đây, Ti Thu này  có là cái gì, ngoài biên thùy năm dặm đã chẳng  ai còn biết Ti Thu, mà nay nghe  đến ta, tất cả đều bạt vía nép một bề. Vương triều của dòng họ Biđa sáng láng, hiển hách chiến công, xứ sở Ti Thu mưa nắng thuận hòa, rừng thì như  vàng ròng vì  sản vật,  cây  cối,  chim muông  của kho thiên tải, biển thì như  bạc nén  vì hải sản muôn loài,  cá chim nghìn vật, còn dân đen,  con đỏ của ta cần  cù thông minh giảo hoạt, đất đai vườn  tược  trại ấp của ta thì tốt tươi, mưa nắng thuận  hòa, cắm cán dao xuống  còn nẩy lộc, chim đánh rơi cái rơm còn nảy mạ, còn triều chính của ta, chính sự sáng  láng kỷ cương  nghiêm túc, nghi trượng hào phóng.  Vậy có gì xứ sở này lại có người đói, mặc rách, lũ ăn mày hôm nay lại cố tình ra giữa thanh  thiên trong ngày hội khải hoàn của ta, hà cớ?

Vua đảo  mắt hùm  nhìn khắp quần thần, tất  cả im lặng như những pho tượng, chỉ có tiếng ngọn  lửa đình liệu phần phật réo. Giọng vua lại dội lên:

- Hay trong các khanh  có kẻ rắp tâm phản ta, định bôi nhọ ta, làm mọi người khinh bỉ ta, coi là là kẻ lừa gạt,  coi nghi trượng của ta là tối đen, pháp lực của ta là nông nổi, sai lạc, các khanh  nói đi, có phải  đó là một  sự bày đặt không?  Các khanh  quên ta cho các khanh  ăn, dẫn các khanh  qua bao hiểm nguy, các khanh  đã cùng ta nằm gai nếm mật, ta có quản  gì? Nào sao các khanh  im lặng thế. Nói đi, nói hết đi. Ta - một  ông vua, một tên lính già, ta sẵn sàng trao lại ngai vàng này cho người nào làm cho xứ sở này thịnh vượng. Nào!

Vua gầm gào một hồi rồi vua mệt, ngài ngả người  vào thành ngai vàng,  mắt ngài  nhắm lại, đôi môi ụ lên  lập bập.

- Nói  đi, ta cho quyền các khanh  nói, để trả lời ta, rằng ta làm thế là đúng hay sai?

Trán ngài cau lại, vua thấy mình như  đang  trên lưng  ngựa, ngựa  của vua dập dờn lướt qua  thung  lũng lổn nhổn đá, bỗng ngài choàng  dậy, đúng, có tiếng nói, kẻ nào mà liều lĩnh thế nhỉ. À,   đại tướng Vu Gia -  bạn   từ thuở thiếu thời  của vua, một tay kiếm tài giỏi, đánh  đông  dẹp  bắc, ừ, nhưng  bây giờ  là triều đình, thì Vu Gia đại tướng là bầy  tôi, cứ nghe đã, nghe đã. Vua Biđa hài lòng khi thấy người bạn thuở xưa ấy bước  ra, xốc  lại triều phục, cúi xuống  lạy vua, rồi thong  thả nói:

- Tâu hoàng thượng, nghi trượng  của hoàng thượng  như vừng dương  trên cao xanh, pháp  lực của thiên tử cần  cho thiên hạ như cơm ăn nước uống. Nhưng  lũ ăn mày kia cũng rất thực, dù cho lũ chúng như cái nốt ghẻ trên da dẻ chúng  thần, như mảnh vá trên áo gấm.

- Vì sao, vì sao lại như vậy?

- Tâu hoàng thượng, mong hoàng thượng lượng thứ cho ngu thần đây, khi ngu thần được phép vua ban thưởng về cố hương vài ngày thì trước  mắt ngu thần, cỏ cây, nhà cửa giặc phá, giặc đốt, đàn ông trai tráng ra trận, đàn bà, trẻ con sức lực đâu đủ để làm lụng, nên bới  cỏ  nhặt đất mà  sống, nhưng  ai cũng trợn mắt, nghiến răng căm quân giặc, ai cũng muốn chồng con xứng  với tổ tiên,  với hoàng  thượng. Nhờ phúc  lộc tổ tiên,  chúng ta đã chiến thắng, nhưng  dân  đã mệt lắm  rồi, phải khoan  sức dân  đã. Cha thấy con mệt phải khoan công hoãn việc, tướng biết lính mỏi phải liệu cách bãi  binh,  còn  bây  giờ,  ngu  tướng thấy nơi  nơi  quan nhũng, lính nhiễu, hà lạm súc vật của dân quá nhiều.

- Thế  như nước Đại Thượng  láng giềng to lớn của ta cũng làm như ta?

- Tâu hoàng thượng. Trăng còn khi tròn khi khuyết, đất còn dâu bể hợp tan, hơn nữa ngu tướng thiển nghĩ, người muôn đấng, vật muôn loài chẳng  có ai giống ai cả, phải  tự sức mình mà gánh, bắt chước người thì…

- Láo, ta mà bắt chước ư, đừng nệ công lao của khanh? Cậy…

- Tâu bệ hạ, thần đây chỉ vì ơn trạch  của bệ hạ ban cho mà dám mạo muội.

- Ta nể khanh  đấy… Trời, thế ra kẻ ăn mày  là có thật  sao?

- Tâu bệ hạ, đại tướng  Vu Gia đã tâu trình, hạ thần đây xin hiến một kế an dân.

Vua vươn cổ ra nhìn lão thần Than Nga da mặt nhăn nheo, tay dài quá gối đang chắp trước bụng, chiếc lưng còng như sụm xuống.

-  Tâu hoàng thượng, thời nào, dòng  họ nào triều chính nào muốn  được  dài lâu, muốn để lại dấu  son hồng trong  trời đất thì hãy cúi xuống  nhìn vào bát cơm của dân trông vào nhà cửa dân ở mà lo liệu.

- Sao, khanh  nói sao, thế nghĩa là khanh  bảo ta tàn nhẫn với con dân sao? Ta không  yêu  thương  trăm họ sao?

-  Ơn mưa  móc, tâu hoàng thượng, nói ra thì dễ, nhưng  làm mới  cực  khó.  Vì vua nào cũng vậy, khi  cần sức dân  để bảo vệ mình ai cũng đội dân lên  đầu, khi có quyền hành rồi thì xếp dân dưới kiệu mình, giành  giật từ tay dân tất cả cái gì mình thiếu, nạo vét của dân tất cả gì mình cần. Ngay cả nạn  đao binh kia, dân cả gầm trời này chả ai muốn   họ bị hút vào bởi các triều chính mà thôi, vì thế khúc  khải hoàn  chỉ là khải hoàn cho chúng ta, còn cái nghèo khổ, đau  thương  mất mát, con mất  bố, vợ mất  chồng thì dành hết cho dân.

- Thế nghĩa là công sức của ta, sự nghiệp của ta không  xứng đáng?

- Tâu bệ hạ, chúng thần lúc nào cũng  vì ân sủng của hoàng thượng, còn hoàng thượng cũng nên vì  trăm  họ. Nước  vừa tan giặc  giã binh  đao  mong  thiên tử lấy cái đói  cái no của dân làm chuẩn mực cho mọi hành vi, sắc chỉ của mình.

- Ha, ha, ha được rồi, ta sẽ nghe  các khanh.

Tiếng cười của vua rộ lên  trong  cung điện, làm những ngọn lửa ngả  nghiêng, và các  chúng thần sởn gai ốc. Đầu họ cứ gục xuống để thu mình nhỏ hơn, họ như lũ chim sẻ chợt nhận  ra vuốt mèo đang  chụp xuống. Ôi vua lại cười  rồi,  tiếng cười mới âm u, oan nghiệt làm sao. Ở với   vua đã lâu, sao hai lão thần lại liều lĩnh, xem thường thế. Tiếng cười của vua vừa dứt, thì từ hàng  ghế bên tả, một  vị quan bé nhỏ,  cong queo trong  bộ triều phục màu lam bước ra, chúng thần nghe tiếng hài khẽ ngước  mắt lên và nhận ra La Tra - gã lái trâu đã có công cung cấp thịt cho vua trong những ngày chinh chiến, vì công lao đó, La Tra được phong tới chức  Cấp nhục  viện  sĩ có quyền tham  dự mọi cuộc  họp cơ mật,  và nhất  là các cuộc  nghị sự định bữa ăn cho vua. Cấp  - nhục   - viện  - sĩ cúi mình ba lần hắng giọng hai lần tâu:

- Ngu thần trộm nghĩ, nếu  bệ hạ cứ theo lời nhị  vi lão thần thì còn  gì là oai rồng của thiên tử nữa.  Trăm họ chẳng  qua chỉ là bó đũa trong  tay thiên tử; là đũa  thì phải ở  trong  tay người cầm, có gắp được đồ ăn cũng chỉ để đưa vào mồm người ăn chứ…

- Thôi. Đôi mày rậm của vua nhíu lại khi ngài thoáng  thấy cơ mặt của Vu Gia đại tướng  động  đậy. Vừa lúc đó, một vệ sĩ tên là Quýt bước vào, rập đầu tâu:

- Tâu hoàng thượng, trong vườn thượng uyển, chúng thần bắt được công chúa  và Ly Tri vệ sĩ.

- Sao, chúng  nó làm sao?

Vua xốc đai ngọc xồng xộc bước  tới, ngài  tóm  lấy cổ áo tên Quýt nhấc lên.  Tên  này kinh hãi cố tránh luồng nhỡn lực của vua. Tay vua lắc  lắc  liên  hồi, miệng tên Quýt   lắp bắp đứt  đoạn, vua buông  tên Quýt ra, ngài bỗng thở dài nói to.

-  Điệu chúng vào đây, rồi cho các quan  bãi triều. Tính sau, tính sau hết!

Nguyễn Hiếu

1
2
3
4
5
6
Tin mới