Tô Hà: Quán Gió ta vào thăm Quán Gió/ Ngày đã xanh rồi Nguyễn Mỹ ơi/ Gốc si rợp bóng câu thơ bạn/ Đôi lứa sau ta lại đến ngồi

   

Chùm thơ Tháng ngày của Lâm Quang Mỹ
Cập nhật: 11:12:00 16/8/2010

Là tiến sỹ vật lý, là Công dân Danh dự của xứ Krasne Balan – một quốc gia lâu đời có Thủ đô Vacsava hơn 1.300 tuổi, vậy mà về già Lâm Quang Mỹ lại cúi mình mà lụy trước thi ca, mới thấy thơ là thứ mà giầu có và văn minh không thể thay thế nổi. Nhưng cái đáng quý ở “nhà thơ trẻ” tuổi ngoài sáu mươi là ông thành thật với vụng dại trước cái đẹp, cái bâng quơ. Nguyễn Thụy Kha đã có lý khi bình: “và đột nhiên: Câu ca rút ngắn đêm hè khiến ta thấy bản ngã thi nhân này đã vượt qua những giới hạn mà nhà khoa học trong anh hay chế ngự nghiêm cẩn.” Như thế, với Lâm Quang Mỹ, thơ ca chính là chiều kích mới của không gian sống, không gian Người.

 

THÁNG NGÀY

Rã rời anh cố níu cánh hè

Xao xác em thu chầm chậm về

Thẳm sâu đáy mắt thuyền không đậu

Một chút buồn gieo bóng mây qua

Còn gì chờ ta

Bên trời nẻo xa...

Heo may dựng tường ngang nẻo dài

Dưới vệt xe lăn đá mệt nhoài

Sóng tan bóng núi về phương cũ

Một tiếng hò xa nhớ nguôi ngoai

Còn ai chờ ai

Tháng ngày phôi phai...

LÁ CỎ

Nhiều khi ta là lá cỏ

Dập dờn xanh mặt nước hồ

Nhiều khi ta là lá cỏ

Nổi chìm bao đợt sóng xô

Nhiều khi ta là lá cỏ

Uống mưa suốt cả đêm dài

Nhiều khi ta là lá cỏ

Khát khô chờ giọt sương mai

Nhiều khi ta là lá cỏ

Đung đưa dưới ngọn gió trời

Nhiều khi ta là lá cỏ

Nát nhàu dưới dấu chân người!...

ĐỘC THOẠI BÊN BIỂN

Êm ả một vùng Ban-tích

Ầm ầm sóng dậy biển Đông.

Mắt thấy màu xanh ngọc bích

lòng hun ngàn ngọn lửa hồng!

- Hãy nhìn trong từng giọt nước

có giọt nào từ Cửu long

đượm mùi rễ dừa rễ đước,

rễ ngô rễ mía sông Hồng?

- Có giọt nào từ quê ta

từ những luống cày thấm ra

cùng máu mồ hôi nước mắt

của bao thế hệ ông cha?

- Có giọt nào mang hôi tanh

của loài mặt người dạ thú?

Giọt nào chắt chiu ấp ủ

đậm đà sâu nặng nghĩa tình?

- Ơi biển khơi xa trong xanh!

CHO

Cho hè một ít sao trời

Cho đông một ít tơi bời heo may

Cho xuân một ít men say

Cho thu một ít lắt lay khói chiều

Cho ta một ít thương yêu

Cho em một ít yêu kiều thướt tha

Cho Đời một khúc bi ca

Cho Tình một ít phôi pha tháng ngày...

TRỞ LẠI LODZ (*)

Đến Thuyền mà không thấy biển

Gặp ánh mắt ai lúng liếng

Soi trời đầu xuân Ba-lan.

Dập dìu khúc hát điệu đàn

Để lòng ta say nỗi nhớ

Quên cả phút đầu bỡ ngỡ

Ngất ngây bóng dáng Xuân qua…

Đâu rồi những cô thợ dệt?

Còn không những mối tơ dăng?

Con thoi ngày xưa vẫn giữ?

Dấu in tay người còn chăng?

Bàn tay dệt nên cuộc sống.

Năm tháng có phai sắc màu?

Niềm vui dăng thành sợi dọc;

Sợi ngang dệt bằng khổ đau?!...

Đến Thuyền mà không thấy biển

Chỉ nghe sóng lòng dội bến

Buồm xa chở gió về đâu?...

4 - 2009

(*) Lodz (Łódź) tên một thành phố lớn của Ba-lan, từ cổ xưa

đã nổi tiếng về nghề dệt.

Tiếng Ba-lan chữ “łódź” có nghĩa là chiếc thuyền.

SÁNG CHIỀU ĐÊM

Sáng đi có trăm đường

Chiều chỉ về một lối

Có lúc nào tự hỏi:

- Đêm nay mình nơi đâu?

CÓ PHẢI

Có phải vì mây, trăng ngậm ngùi

Có phải vì buồm, gió ra khơi

Có phải vì sông, cầu đắm đuối

Có phải vì em, anh quên tuổi?!

CHỜ

Những ngọn gió trèo lên đồi cao

Rồi sà xuống vuốt ve từng lá cỏ

Ta chẳng có lòng nào để đùa với gió

Trái tim ta đang phấp phỏng chờ em

NGỘ

Cố níu một góc Trời

Trời im lặng!

Tĩnh tâm nghĩ lại

Buông tay...

MÚA LÂN

Để làm một con vật giả

Cần mấy người thật hẳn hoi

Nào trống nào chiêng nào mõ

Bao người mê mẩn đứng coi!

LỐI MÒN

Đã thề không ăn trái cấm

Sao còn mơ tới thiên đàng!

Trần thế bao năm xuôi ngược

Đời chưa tỏ hết dọc ngang!

Chưa có dưới chân mảnh đất

Lo toàn chuyện lớn trên đầu.

Trái tim tưởng là hóa đá

Nhưng rồi thổn thức canh thâu!

Biết là có vay có trả

Vẫn còn suy tính thiệt hơn.

Biết là đường đời trăm ngả

Vẫn đi theo một lối mòn!...

TỰ HỎI

Con đường nhựa xạm đen

Tuyết phủ đầy trắng xóa

Trông đường đẹp hơn lên

Nhưng bao người trượt ngã

Phải rắc lên cát xám

Để mặt đường khỏi trơn

Băn khoăn đường tự hỏi:

- „Xấu hơn hay đẹp hơn?”


Tin bài mới

1
2
Tin mới