Thu Bồn: Sông Hương dùng dằng sông Hương không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Nguyễn Duy: Chợ chiều Bến Ngự chưa tan/ Ai lên ngược dốc Phú Cam một mình?
   

Nhà thơ Đặng Huy Giang trả lời phỏng vấn
Cập nhật: 23:01:00 21/7/2010

PV: - Nhà thơ Anh Chi có nói với tôi rằng đến khóa VIII này anh đã dự liên tiếp 5 kì Đại hội Nhà văn, và anh hơi khó chịu một điều là kì nào cũng có một số người đến Đại hội dường như chỉ lo mỗi việc ai sẽ vào BCH, ai sẽ giữ chức vụ gì... mà quên mất rằng việc chính của Đại hội là làm sao để nền văn học ta phát triển. Anh nghĩ sao về chuyện đó?

NT Đặng Huy Giang: Bác Anh Chi nói rất đúng. Tôi cũng thấy như vậy. Và nếu chỉ có thế thì xét ra cũng là chuyện đương nhiên, Hội viên nào đến Đại hội mà không nghĩ đến việc chọn ra những nhà văn mình tín nhiệm mà bầu chứ! Nhưng điều khiến người ta phải băn khoăn là từ chỗ quá lo về chuyện ấy nên có một số người, một số người thôi, sinh ra quá để ý đến những chuyện lùm xùm ngoài văn học, xầm xì bới móc nhau việc này việc khác hoặc tung lên mạng những điều nọ tiếng kia bằng những lời lẽ không mấy thiện chí, khiến cho bạn đọc xa gần đôi lúc phải lắc đầu ngao ngán. Ngay mấy chị bán sách báo ở khu phố tôi, nhiều lúc cũng tròn mắt ngạc nhiên, tưởng kẻ sĩ thế nào chứ, hóa ra cũng hơi bị... thấp!

PV: - Thấp hay hấp?

NT Đặng Huy Giang: Thấp! Chứ họ cho là hấp thì không đến nỗi tôi phải ngượng.

PV: - Vậy anh cắt nghĩa việc này ra sao?

NT Đặng Huy Giang: - Tôi cho đó là một căn bệnh. Căn bệnh này thường thấy ở những người rất ham chức hám quyền nhưng uy tín lại không có mấy (uy tín ở đây không chỉ là tên tuổi trên văn đàn mà còn ở khả năng đảm đương mọi việc lớn nhỏ trong tổ chức văn chương, được nhiều người tâm phục). Vì không có được cái đó nên họ luôn có tâm lý sợ người ta bỏ rơi mình, nhất là những người không còn đương chức hoặc đã hết tuổi làm việc trong đơn vị của mình, họ muốn bám víu vào một sợi dây nào đó để tiếp tục ngoi lên. Có vậy thôi mà!

PV:- Nhưng tôi nghĩ nguời sáng tác cần gì phải thế, ta còn có niềm vui là trang viết kia mà?

NT Đặng Huy Giang: Thì thế mới sinh ra thế! Những người thực sự tài năng, tâm huyết với nghề đâu có vậy. Như cụ Nguyên Hồng ngày xưa ấy, đang ở vai trò Thường vụ Hội mà dứt bỏ tất cả mọi quyền lợi và bổng lộc, đưa cả gia đình lên núi ở để rồi làm một chiêu độc Yên Thế rừng thiêng cho đến cuối đời. Nhà văn lớn bao giờ cũng có nhân cách lớn. Văn đàn ta liệu được mấy ai?

PV: - Có người cho rằng sự phát triển của một nền văn học phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của cá nhân mỗi nhà văn, đặc biệt là những nhà văn thực sự có tài năng, tâm huyết và có tầm nghĩ tầm nhìn xa rộng. Vậy thì đâu là vai trò của tổ chức Hội, và trong các nhiệm kì qua, anh có thấy BCH Hội thể hiện rõ vai trò đó?

NT Đặng Huy Giang: Theo quan niệm của tôi, tổ chức Hội là chỗ dựa về tinh thần của Hội viên là chính. BCH hành Hội dù có tài có tâm đến mấy cũng không thể làm thay ai được. Sáng tạo là cái riêng, là cả một thế giới riêng của mỗi nhà văn, làm thay sao được. Nhưng nếu không có Hội thì nhiều người viết đôi khi không ý thức được mình. Sự giao lưu học hỏi lẫn nhau có quan hệ mật thiết đối với từng bước đi của mỗi người cầm bút. Các giải thưởng hàng năm, tuy lúc này lúc khác chưa thật sự công bằng, nhưng rõ ràng là có tác động tích cực với mỗi người viết, nhất là những người viết trẻ. Mái ấm nhà văn còn tạo ra một gia đình lớn, thân thiết như anh em một nhà, quan tâm đến nhau không chỉ trong trang viết mà cả về cuộc sống, đời tư, những bước nhỡ nhàng sa sảy trong cuộc đời cát bụi. Chỉ thế thôi đã quý lắm rồi, chưa kể ít năm gần, Hội còn có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư sáng tác cho mọi nhà văn, dù chẳng đáng là bao thì chí ít cũng có tiền để mà ra sách, nếu không, trong tình hình xuất bản hiện nay sẽ không ít tác phẩm phải xếp hàng, chả biết đến lúc nào in được. Trong khi có không ít “văn sĩ dỏm” do làm nghề gì đó kiếm được nhiều tiền thì sách lại in lia lịa, gây loạn chuẩn, vàng thau lẫn lộn trong công chúng.

PV: - Tóm lại chúng ta đều thấy vai trò của Hội là cực kì quan trọng phải không?Và như thế rút cục mỗi kì Đại hội vẫn phải bàn đến việc cơ cấu BCH Hội thế nào cho hợp lý, thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho mội Hội viên. V ậy xin hỏi anh câu cuối cùng: Theo anh cơ câu BCH khóa VIII nênnhư thế nào thì hợp lý?

NT Đặng Huy Giang: Tôi nghĩ việc bầu bán thế nào là tùy Đại hội. Đôi khi vào việc mới thấy rõ nó diễn biến ra sao, khó mà lường trước được. Riêng tôi, tôi chỉ nghĩ Hội chúng ta bây giờ đã khá lớn mạnh về đội ngũ, cần phải tăng số lượng ủy viên chấp hành, có già có trẻ, và phải là người có tên tuổi trên văn đàn đồng thời phải biết cách làm, phải chịu làm mới được. Đặc biệt phải bầu chọn sao cho có được con số lẻ, đừng “quay” vào số chẵn như khóa trước, 6 ủy viên chấp hành, khi biểu quyết việc dễ rơi vào tình trạng nhùng nhằng, nửa nọ nửa kia. Đấy, tôi chì có mỗi mong muốn thế.

PV: - Xin cám ơn nhà thơ!


1
2
3
Tin mới