Thu Bồn: Sông Hương dùng dằng sông Hương không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Nguyễn Duy: Chợ chiều Bến Ngự chưa tan/ Ai lên ngược dốc Phú Cam một mình?
   

Tôi biên tập chương trình ngâm thơ“Thương nhớ nhà thơ Hoàng Cầm” như thế nào
Cập nhật: 14:50:00 21/7/2010

 

 

Vân Đình Hùng

Tôi là dân ngoại đạo với văn chương, nhưng rất yêu nó. Tình yêu ấy thể hiện ở nhiều hành động mà các bạn tôi cho là kỳ khu. Năm ấy cách đây 11 năm, năm 1999, tôi được bạn dẫn đến nhà của nhà thơ Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, Hà Nội để chiêm ngưỡng và tặng ông bài viết đầu tiên của tôi về thơ ông. Những nhận xét non nớt theo lối học sinh cấp ba trả bài luận văn cho cô giáo. Nhà thơ cười sau khi đọc xong và chỉ ra những điều nhận xét chưa đúng về nhà thơ, về tác phẩm.

Từ đấy tôi trở thành người quen của gia đình và được nhà thơ coi như đàn em, như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đình Toán… hay đến nhà ông. Ra tết Nguyên đán năm Canh Thìn, dương lịch là năm 2000, vào dịp sinh nhật ông, ngày 12 tháng Giêng, nhạc sỹ Phạm Duy về nước, ra Hà nội có ghé thăm nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi đã ghi lại những hình ảnh ấy bằng máy ảnh chụp phim của mình, hồi đó. Có một bức tôi chụp ba người: nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sỹ Mặc Hy và nhạc sỹ Phạm Duy. Ba ông đã có thời cùng làm việc với nhau. Bức hình này tôi đã phóng to tặng ông treo trong nhà ở phố Lý Quốc Sư.

Đãi nhạc sỹ Phạm Duy và các bạn văn nghệ đến mừng sinh nhật mình, nhà thơ Hoàng Cầm nhờ nghệ sỹ Lưu Nga làm món cháo cá chép trứng độc đáo bên cạnh các món nhậu thông thường. Vãn tiệc, nghệ sỹ Lưu Nga ngâm bài thơ Lá Diêu Bông và Cây tam cúc của ông. Nghe xong, nhạc sỹ Phạm Duy trầm ngâm hỏi nghệ sỹ Lưu Nga: Hiện nay ở Hà Nội có bán CD này không chị? Không anh ạ, đây là em ngâm chơi để tặng các anh trong buổi sinh nhật anh Cầm hôm nay thôi - nghệ sỹ Lưu Nga trả lời. Tiếc nhỉ. Nhạc sỹ Phạm Duy chép miệng thở dài.

Cuối năm 2000, tôi được nghệ sỹ Lưu Nga nhờ chọn và in ra giấy một số bài thơ để ngâm chơi trong những cuộc gặp mặt hàng tháng với anh em văn nghệ sỹ Xứ Đoài tại Hà Nội. Câu lạc bộ này do Hoạ sỹ Phan Kế An làm chủ nhiệm. Tôi chọn hơn hai mươi bài của các tác giả mà tôi cho là hợp với giọng ngâm của nghệ sỹ Lưu Nga. Chị ấy chọn 17 bài và ngâm với dàn nhạc dân tộc Trăng Tây Hồ của NSƯT Xuân Ba vào năm 2004. Đĩa Audio này đã được tặng cho nhà thơ Hoàng Cầm và ông đã nghe trong một cảm xúc dâng trào và thật xúc động. Tôi nhìn ông ngồi lặng hồi lâu mà không thốt lên được lời nào. Hồi đó ông còn khoẻ mạnh. Tôi liền mời ông đi uống bia hơi ở quán góc phố Lý Quốc Sư, Chân Cầm. Ông nói với tôi sau tuần bia đạm bạc: Trời sinh ra Lưu Nga để ngâm thơ Hoàng Cầm. Và cũng hình như sinh ra thơ Hoàng Cầm để Lưu Nga ngâm!

Đĩa CD thơ ấy tôi lấy tiêu đề: Giọng ngâm Xứ Đoài và đem tặng cho các tác giả có bài trong đó, trừ những người đã khuất.

Năm sau, năm 2001, tôi đến tặng lại ông tập thơ Về Kinh Bắc do tôi đánh máy, in ra trên giấy couches với trình bày trang trọng. Tập thơ này được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm bìa. Tôi cất công nhờ một nhà in, in ra 20 tờ bìa ofset cho 20 cuốn sách nối bản bằng “nhà xuất bản lao động chân tay”, và đã đốt 4 bản phim tách màu ấy rồi.

Nhận được tập thơ - đứa con tinh thần của mình với hình hài mới, nhà thơ Hoàng Cầm xúc động lắm. Tôi tặng ông 10 cuốn và có một đề nghị ông đề tặng bạn đọc vào 10 cuốn còn lại để tôi mang tặng bạn tôi, những người yêu thơ Hoàng Cầm. Cuốn của tôi ông đề tặng với dòng chữ: Gửi em Vân Đình Hùng, người đã đóng hộp vàng một thi phẩm Kinh Bắc.

Có lần nhà thơ Hoàng Cầm nói với tôi nhân một lần đến thăm: Anh có một số bài thơ chưa đăng ở đâu, một số bài đăng rồi. Anh viết từ năm 1994 trở lại đây, sau khi được in Về Kinh Bắc. Anh đưa em bản thảo và đánh máy hộ anh.

Tôi nhận lời và làm giúp ông việc này với niềm say mê riêng. Khi xong, tôi in ra trên giấy A4 khổ ngang, đóng tập và đưa lại cho ông. Năm sau, nhà xuất bản Hội nhà văn cho ấn hành tuyển tập thơ Hoàng Cầm mà không phải mất nhiều công đánh máy bởi tôi tặng đĩa mềm văn bản này đã được nhà thơ Hoàng Cầm sửa morat. Theo đà ấy, tôi nảy ra ý tưởng chọn 50 bài thơ lục bát của Hoàng Cầm thành một tập lấy tên là Xanh xưa, tên một bài thơ trong tập. Tập thơ này được sắp xếp thứ tự từ Z đến A với lý do để bài Xanh xưa được là bài đầu tiên. Bởi tôi rất yêu câu thơ trong bài Xanh xưa: Thôi em cỏ mịn chân đê/ Anh đưa em nhẹ gót về xanh xưa. Tên tập thơ Xanh xưa cũng được nhà thơ Hoàng Cầm thích lắm. Nhưng khi tôi gọi điện cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và khoe ý tưởng này, khi nói tên tập thơ là Xanh xưa, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đề nghị tôi đọc tên cả 50 bài thơ có trong tập đó để anh nghe. Khi tôi đọc đến Gọi đôi, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngắt lời tôi và nói nên lấy tên tập thơ là Gọi đôi. Ý kiến này cũng được nhà thơ Hoàng Cầm đồng tình. Thế là tập thơ Gọi đôi của nhà thơ Hoàng Cầm ra đời do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý III/2002. Bìa do hoạ sỹ Văn Sáng vẽ thật trang trọng và người trình bày và sửa bản in là Minh Phúc. Tất nhiên tôi tặng nhà thơ Hoàng Cầm đĩa mềm tác phẩm này do tôi đánh máy và ông sửa morat rồi. Và ông trao đĩa ấy cho nhà xuất bản để đỡ mất công và tác phẩm được ra nhanh. Tôi cũng chẳng thắc mắc gì vì chỉ có mỗi một tâm nguyện là thi phẩm mới của Hoàng Cầm được ra đời đến với độc giả yêu thơ ông. Thế thôi!

Dần dà, mối quan hệ gắn bó của tôi với nhà thơ trở nên thân thiết như người trong nhà vậy. Đến khi ông bị ngã gãy chân không đi lại được thì hình như số phận lại thử thách ông thêm lần nữa. Ông nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường một với một cái đệm là ruột chăn bông cũ. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông.

Giữa năm 2005, nghệ sỹ ưu tú Anh Tú của nhà hát Tuổi trẻ đã chọn kịch thơ Kiều Loan làm tác phẩm tốt nghiệp khoa Đạo diễn của mình tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tôi có viết một bài ngắn nhân sự kiện này và tặng ông và đạo diễn Anh Tú như một tri ân lời mời tham dự đêm tổng duyệt kịch thơ Kiều Loan tại nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thời Nhậm, Hà Nội. Năm đó, ông An Kiều, con trai cố Hoạ sư Nam Sơn xin phép đạo diễn Anh Tú được ghi hình kịch thơ Kiều Loan và được đạo diễn đồng ý. Ông An Kiều tặng lại tôi 1 DVD kịch thơ Kiều Loan làm thật công phu.

Hoá ra có khá nhiều người yêu thơ Hoàng Cầm theo cách riêng của họ. Ông An Kiều là một ví dụ.

Năm 2009, sinh nhật lần thứ 88 của nhà thơ, tôi nảy ra một ý tưởng tặng quà sinh nhật cho nhà thơ Hoàng Cầm là một canh hát ca trù tại gia và dấu nhẹm không cho ai biết. Chỉ đến sáng 12 tháng Giêng năm đó (Kỷ Sửu, 2009) các bạn yêu thơ Hoàng Cầm quen tôi mới biết khi được tôi mời đến nghe canh hát Ca trù tại nhà của nhà thơ Hoàng Cầm. Canh hát đó do Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, một giáo phường ca trù nổi tiếng của Xứ Đông xưa, tiền thân là Ca quán Bà Mau Hải Phòng, lừng danh một thời. Nghệ sỹ Đỗ Quyên, chủ nhiệm câu lạc bộ đã thống nhất với tôi chương trình và đã tập dượt trước trong canh hát cuối thàng thường nguyệt tại đình Kênh, Hải Phòng trước đó. Nội dung canh hát tôn trọng lề lối của một canh hát chầu cử (hát mừng - hát cửa đình) của ca trù, nhưng khác hơn một chút là có ngâm thơ. Hôm đó nghệ sỹ Đỗ Quyên ngâm 2 bài thơ: Ca trù hoài cảm của nhà thơ Hoàng Cầm, và bài thơ Đêm quan họ của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha viết tặng ông nhân sinh nhật năm trước (năm 2008). Sau canh hát, tôi mời câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đến phòng thu để làm lại phần tiếng, để tôi biên tập thành một CD âm thanh Đêm ca trù mừng thọ nhà thơ Hoàng Cầm 88 tuổi.

Canh hát ấy có cả nghệ sỹ Lưu Nga đến mừng sinh nhật nhà thơ Hoàng Cầm, và khá đông các nhà thơ và các văn nghệ sỹ khác yêu quý Hoàng Cầm như: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha, Ngô Thảo, nhạc sỹ Quốc Lâm, nhiếp ảnh gia Mai Kỳ và đặc biệt có Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện - người có bản luận văn tiến sỹ là nghiên cứu về ca trù rất nổi tiếng. Và ca trù được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể thế giới, được thế giới công nhận ngày 1/10/2009 vừa rồi.

Hôm đám tang nhà thơ Hoàng Cầm, gặp lại cả hoạ sỹ Phan Kế An, nhạc sỹ Phạm Duy, nghệ sỹ Lưu Nga và nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, tôi kịp ghi lại hình ảnh của họ. Hôm sau, nghệ sỹ Lưu Nga nhờ tôi làm một chương trình thơ của chị đã ngâm nhằm vinh danh nhà thơ quá cố và như một nén tâm nhang cụ thể bằng âm thanh trước vong linh người mới đi xa. Tôi đã làm chương trình này theo lời yêu cầu ấy để Audio âm thanh sẽ được đặt lên ban thờ nhà thơ nhân 100 ngày mất của ông (6/5/2010-16/8/2010). Tâm nguyện ấy trùng với tâm nguyện của tôi trong lòng thương nhớ tiếc thương một tài thơ Kinh Bắc. Chương trình gồm sáu bài thơ của được nghệ sỹ Lưu Nga ngâm: Xanh xưa, Gửi người vợ xa quê, Lá Diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc và Ca trù hoài cảm. Trong lời dẫn cho CD thơ này tôi có viết: Hoàng Cầm, ông hoàng thi ca vùng quan họ, người đã ban sắc phong cao nhất cho những cơn mưa Kinh Bắc.

Ngày 16/7/2010 - VĐH


1
2
3
Tin mới