Tô Hà: Quán Gió ta vào thăm Quán Gió/ Ngày đã xanh rồi Nguyễn Mỹ ơi/ Gốc si rợp bóng câu thơ bạn/ Đôi lứa sau ta lại đến ngồi

   

“Kẻ dự phần” vào cuộc sống đương đại
Cập nhật: 10:45:00 10/5/2010
Sau buổi Tọa đàm về tác phẩm của tác giả trẻ Di Ly, sáng ngày 21-7-2009, Ban Công tác nhà văn trẻ tổ chức tiếp buổi tọa đàm. Tác phẩm Phong Điệp - Kẻ dự phần, Blogger. Tới dự buổi toạ đàm có các nhà văn: Đào Thắng, Bảo Ninh, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Thuỳ Dương, Phạm Ngọc Tiến, dịch giả Thuý Toàn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hoà, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Chí Hoan, Nguyên An, Văn Giá cùng đông đảo phóng viên báo chí và các bạn trẻ quan tâm đến hai tác phẩm này của nhà văn Phong Điệp.


Ngay từ khi còn là sinh viên, với nhiều truyện ngắn được in trên các báo của học sinh sinh viên, trong đó có truyện Ma Mèo (giải Nhì không có giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ Trẻ tổ chức năm 1996 -1997), sau hơn 10 năm, Phong Điệp đã từng bước khẳng định mình trên con đường văn chương đầy nhọc nhằn và chông gai, với hơn mười đầu sách. Người đọc có thể nhận thấy một Phong Điệp đằm thắm, sâu sắc nhưng gai góc hơn; một Phong Điệp nhập thân cùng đời sống với ngồn ngộn những biến động và bất trắc để rồi lắp ráp những mảnh ghép của đời sống thành bức tranh sinh động khiến cho người thưởng thức phải trăn trở và suy ngẫm. Gần đây, Phong Điệp cho xuất bản tập truyện ngắn Kẻ dự phần tạo được ấn tượng đối với người đọc. Những tưởng chị sẽ chỉ thâm canh trên thửa ruộng truyện ngắn được đánh giá là một thế mạnh của chị, thế nhưng Phong Điệp đã làm người đọc bất ngờ với cuốn tiểu thuyết đầu tay nhan đề Blogger. Một cái tên nghe có vẻ rất thời thượng với nhãn hiệu của thời hiện đại, nhưng nó cũng chỉ là cái cớ để nhà văn đi sâu vào đời sống thực của một lớp thanh niên thành thị. Họ đang vươn lên trong cuộc sống hay họ đang tồn tại, họ đang chứng tỏ những điểm mạnh hay đang bộc lộ những góc khuất u uẩn trong mỗi con người... Nói như nhà văn Bảo Ninh thì có một cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an bởi cái không khí mà cuốn tiểu thuyết tạo ra. Những nhân vật trong tiểu thuyết có thể có một phần nào đó của tác giả của bạn bè xung quanh, và tác phẩm đã động đến những tầng vỉa của đời sống lớp trẻ hiện nay, là một tiếng nói cảnh tỉnh xã hội.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà tỏ ra đồng cảm với những suy nghĩ của tác giả gửi gắm vào nhân vật khi phân tích các tuyến nhân vật trong Blogger.
Nhà phê bình văn học Văn Giá cho rằng Phong Điệp đã biến sinh hoạt có tính thời thượng thành một đối tượng, một nội dung để quan tâm trong tác phẩm. Nhưng cái hình thức mang tính thời thượng đó được tác giả sử dụng như một phương tiện để chuyển thông điệp của tác phẩm đến với người đọc mà thôi.
Còn cây bút trẻ Đoàn Minh Tâm bị tiểu thuyết Blogger lôi cuốn bởi sự tinh tế nhạy bén trong cách miêu tả tâm lý phụ nữ thuộc nhiều thế hệ và nhiều thành phần trong xã hội. Anh cũng chỉ ra một số điểm chưa hợp lý trong cuốn tiểu thuyết, như các mối nối chưa thật khớp làm cho tác phẩm có kết cấu lỏng, một số thủ pháp chưa hợp lý tạo cho độc giả cảm giác hơi gượng khi đọc tác phẩm.
Với hai tác phẩm Kẻ dự phần, Blogger, Phong Điệp đã chứng tỏ được sự kiên nhẫn, không bị động tâm với những xung động bên ngoài, và chị đã biết tiết chế được cảm xúc. Đây cũng là ý kiến của cây bút phê bình trẻ Nhã Thuyên.
Tại cuộc tọa đàm, các tham luận được trình bầy kỹ lưỡng, sâu sắc. Dưới đây Văn nghệ xin trích một số đoạn tham luận đã được gửi đến và trình bày trong buổi toạ đàm.
Nhà phê bình văn học Nguyên An:
Không ngại tự mổ xẻ tư tưởng, tình cảm, thói quen của cá nhân mình và những người đồng trang lứa với mình, đó là một đặc điểm của các nhà văn trẻ đương đại. Có người bảo: là vì họ có biết có hiểu gì ai nữa đâu mà chẳng tự mổ xẻ. Người khác lại nói: Sáng tác gì mà cứ như tự truyện, như hồi ký, viết mãi thế thì cạn vốn chứ còn gì. Dù sao mặc lòng, tự mổ xẻ vẫn là một đặc điểm, mà xem ra không chỉ ở Việt Nam ta. Nhưng với Phong Điệp tôi thấy có hai ý đáng bàn; Một là cái chuyện tự mổ xẻ này được làm một cách mạnh dạn, rành rẽ mà không tanh bành, không gây cảm giác đáo để. ở đây có quá trình tự phơi bày một cách trung thực, không lên gân cho cường tráng và cũng không giả bộ mềm mại cho ra vẻ đời thường. Khi tự mổ xẻ như vậy, các truyện ngắn của Phong Điệp đã cho người đọc cảm nhận: Hình như mọi trạng thái tâm lý, mọi mức sống và cách sống của giới trẻ hôm nay, nhất là những bạn trẻ xuất thân nông thôn có học thức đang gia nhập vào đời sống thị thành, với biết bao lo toan bức xúc, hy vọng và tuyệt vọng, dang dở ngổn ngang đều được phơi bày ra cả.
Hai là khi lấy mình lấy bạn cùng trang lứa ra mà làm nhân vật, thật tự nhiên Phong Điệp đã có một sự thoải mái hơn khi cầm bút thì phải. Nhà văn viết như chơi với một bút pháp biến hoá già dặn. Thử đọc tập tiểu thuyết Blogger mới ra mắt mấy tuần nay của chị mà xem, ta sẽ thấy có sự pha trộn hài hoà của nhiều cách viết; nào là dòng ý thức, nào là độc thoại nội tâm, nào là tiểu thuyết tư liệu, nào là đặc tả chồng lẫn với mờ ảo của điện ảnh, nào là hư thực lẫn lộn kiểu chuyện ma, chuyện liêu trai... Vậy gọi Phong Điệp có phong cách gì? Nếu có thể gọi Phong Điệp đang là một phong cách?...
Tác giả Thuỵ Anh:
Blogger và cả nhiều truyện ngắn khác trong Kẻ dự phần thường có kiểu bắt đầu bằng một giọng văn ngắn gọn, tiết tấu nhanh, khá lạnh và thờ ơ. Nhưng tác giả hiếm khi giữ được sự thờ ơ đến giữa câu chuyện. Sự không thống nhất của văn phong khiến tôi có cảm giác tác giả cũng bị cuốn vào dòng kể của mình, không thể đứng ngoài cuộc mà để lộ hết ra những đồng cảm, xót xa, chia sẻ với nhân vật của mình, cũng dự phần vào từng số phận của nhân vật trong tác phẩm. Lúc ấy là Phong Điệp phát huy phong cách truyền thống với tả cảnh tả tình. Phong Điệp còn tỉ mẩn làm mới cách dùng những từ tượng thanh, tượng hình trong miêu tả, không dễ dãi trong ngôn từ
Cả Blogger lẫn các truyện ngắn trong tập Kẻ dự phần đều có nhiều yếu tố ảo diệu hư hư thực thực được đưa vào một cách tự nhiên, thành thục. Những chi tiết ảo đan cài với hiện thực, bám chắc hiện thực, không sa đà, không biến câu chuyện của Phong Điệp thành câu chuyện khó tin đối với bạn đọc, không có mục đích làm độc giả dựng tóc gáy mà phục vụ tích cực cho chủ đề của truyện.. Điều này khiến ngòi bút của Phong Điệp có được một sự chân thành đặc biệt mà vẫn linh hoạt, biến hóa khôn lường. Tôi đồ rằng nếu một ngày mà Phong Điệp bất chợt muốn thử sức ở mảng truyện ma, truyện kinh dị thì ngòi bút của chị cũng đầy tiềm năng.
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên:
Đọc truyện ngắn của Phong Điệp, cái hay trước hết là ở nội dung câu truyện, thấm đẫm sự cảm thông, chia sẻ, bao dung và độ lượng với từng số phận, hoàn cảnh (khốn khổ, khốn nạn, nhếch nhác) của các nhận vật... Để có thể đồng cảm được, lẽ tự nhiên Phong Điệp là kẻ dự phần, truyện của Phong Điệp hầu như không có cốt truyện, đó chỉ là những mảnh ghép số phận và hoàn cảnh bằng một chất keo, xâu chuỗi bởi sợi chỉ đỏ. Những mảnh ghép tưởng bình thường, không có gì, đôi khi còn “vớ vẩn” nữa bỗng trở nên có vấn đề, có tư tưởng. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói (đại ý): Văn người ta (ý nói văn nước ngoài) toàn viết những truyện nhỏ nhặt, “vớ vẩn” mà ra cái to lớn, mà có tư tưởng. Văn Ta viết toàn những vấn đề, đề tài lớn mà lại thành ra “vụn vặt”, “vớ vẩn” Đúng vậy. Năng lực quan trọng nhất của nhà văn là ở chỗ nhìn ra được những cái to lớn, vĩ đại trong những cái (tưởng như) nhỏ bé, tầm thường. “Anh hùng đoán giữa trần ai mới tài”. Đọc truyện ngắn Phong Điệp tôi như hiểu thêm ra những điều này.
Nói một chút về nghệ thuật viết văn của Phong Điệp. Trước hết tiết tấu truyện nhanh (cũng như những bài phỏng vấn của chị trên Văn nghệ Trẻ hay trước hết ở tiết tấu, chứ không phải ở những câu hỏi gây hấn). Để tạo nên được tiết tấu như vậy đôi khi người viết phải viết tắt, “rút gọn tối đa” câu chữ, nên nhiều khi sai “ngữ pháp truyền thống”. Chị hay dùng từ láy với cách đặt tính từ trước danh từ, động từ theo văn phạm Tàu. Tôi thấy cũng hay hay, chấp nhận được. Vài ví dụ: bập bõm ngáy (trang 33); chòng chọc sáng (35) hây hấy sốt; nhệu nhạo cười, chảy xoà xoã, nhễ nhại nước ... cũng có thể nói thêm truyện Phong Điệp ảnh hưởng nhiều từ điện ảnh (Điện ảnh Tây) cả về kỹ thuật và nghệ thuật: Suy tưởng, hồi tưởng, lặp lại, chồng mờ ... cũng có cái hay nhưng lạm dụng quá sẽ trở nên nhạt, mờ
Tác giả Lê Anh Hoài:
Tiểu thuyết Blogger được cấu thành từ những tiểu đoạn có đầu đề tựa như một truyện ngắn, một tạp văn. Cũng có thể coi là một entry theo quy ước viết blog. Chia cắt cuốn sách thành những tiểu đoạn rất nhỏ tưởng chừng như giúp dễ đọc nhưng thực sự đây lại là một thử thách nữa với người đọc. Bởi ở đây không đơn thuần là trò chơi ghép tranh. Có thể hình dung, một câu chuyện được cố tình kể một cách lắt léo, che dấu đoạn nọ, tình tiết kia để gây bất ngờ hoặc tạo cao trào kịch tính gì đó thì chỉ là trò chơi trên một mặt phẳng. Nhưng trò chơi trong tiểu thuyết của Phong Điệp là trò chơi không gian. Hơn nữa, đây là một không gian mở.
 Tiểu thuyết Blogger có tham vọng tái tạo (thậm chí có thể gọi là sao chụp) cuộc sống trong dạng thức phồn tạp vốn có. Tác giả từ chối việc kể chuyện. Từ chối việc tóm bắt, cô đọng các chi tiết nhằm phục vụ cho một dàn ý có sẵn. Từ chối đưa ra một tiêu bản, dù là đẹp.
 Chính vì vậy, bên cạnh những tình tiết mô tả hành trình đời sống của Hạ - nhân vật chính, là hàng loạt những tình tiết về các nhân vật phụ, nhưng không tiết giảm theo kiểu nói cho có, hoặc nói với hàm ý phục vụ câu chuyện trung tâm. Người đọc được đưa vào những lối rẽ xuất hiện liên tục. Với những ai đọc sách với tâm thế mau chóng muốn biết được ánh sáng phía cuối đường hầm, cái này ẩn chứa thông điệp gì? quả thật sẽ vô cùng mệt mỏi.
Buổi Toạ đàm tác phẩm Phong Điệp Kẻ dự phần, Blogger diễn ra hết sức sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở. Đây cũng là dịp hiếm có để nhà văn Phong Điệp tiếp nhận được nhiều đánh giá chân thành, xác đáng với những tác phẩm của mình. Đây cũng là một hoạt động rất hữu ích của Ban công tác Nhà văn trẻ.

Trần Thị Tuệ Anh

Tắt Telex VNI

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Tên của bạn

 

Email

   

Ý kiến của bạn

 

1
Tin mới