Tìm tòi thể nghiệm

16/9
9:34 AM 2020

NHÀ VĂN NGUYỄN THANH HIỆN- NGƯỜI LANG THANG TRONG MIỀN QUÊN LÃNG

Vanvn.net - Nhà văn Nguyễn Thanh Hiện, sinh 1940, quê An Nhơn, Bình Định, Ông là Cử nhân giáo khoa triết học Tây Phương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Trước năm 1975, Nguyễn Thanh Hiện sống bằng nghề dạy học và viết văn. Sau 1975, ông công tác tại Sở Văn Hóa Thông Tin Bình Định và Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định. Từ 1992, ông nghỉ hưu ở thành phố Qui Nhơn , Bình Định.

Nhà văn Nguyễn Thanh Hiện

Các tác phẩm đã xuất bản: “Những Khoảnh Khắc Giữa Ngày Và Đêm”, tập tuyện ngắn, Hội Văn Nghệ Nghĩa Bình xuất bản 1986. “Khúc Rọ Rưa”, tập truyện ngắn, NXB Đồng Nai, 1998, “Trở Lại Xương Quơn”, tiểu thuyết, NXB Văn Học, 2007, “Người Đánh Cắp Sự Thật” , tiểu thuyết, NXB Văn Học, 2008... Hiện ông đã xong bản thảo hơn 20 tiểu thuyết, trường ca, và truyện ngắn.

Văn chương của Nguyễn Thanh Hiện giàu biểu tượng, đa tầng ngữ nghĩa khiến người đọc dễ sa lầy vào những ý tưởng mông lung... Có người cho rằng, đọc những trang viết của ông thấy mình như lạc về bến mơ xa xưa, hay đâu như phiêu dạt tới những chân trời xưa cũ quên lãng; rằng ai  đó lỡ say đắm và chìm nghỉm trong văn chương của Nguyễn Thanh Hiện, khi thoát được ra, tự thấy mình cô dơn vô cùng,

Cùng Nguyễn Thanh Hiện tìm tòi và thử nghiệm,...

CUỘC TRỞ VỀ NGUỒN CỘI CON NGƯỜI

                         truyện ngắn

                                            tôi cố để không cười nhạo, không khóc than

                                            những hành vi của con người, cũng không thù

                                            ghét chúng, nhưng để hiểu chúng.
                                            BENEDICT SPINOZA

                                             

cứ tưởng không gặp được ông cụ, nhưng mấy em hoa hậu thế giới  vừa bước ra khỏi cửa là ta ùa vào phòng ngay, người vừa tiễn khách và đưa ta đến chỗ cụ Nguyễn Du  là một ông già có vết sẹo khá lớn chạy vòng quanh cổ, có lẽ đây là vị khách cuối cùng của huynh trong ngày hôm nay, ông già tuổi cũng xấp xỉ cụ Nguyễn Du, nhưng giọng nói nghe như của một chàng trai trẻ, chờ có lâu không, câu hỏi đầu tiên của chủ nhân khiến ta lập tức cảm thấy thoải mái, quả là gần suốt buổi chiều, sự chờ đợi tựa thứ hình phạt lại rơi trúng vào ta, cả buổi chiều đệ cũng sắp bung cả gân cốt, huống hồ là huynh, ông già có vết sẹo ở cổ nói, cuộc tiếp khách vừa rồi như còn để lại  âm vang quá lớn trong căn phòng la liệt những sách vở ta nhìn thấy rất lạ mắt, bọn họ là tài sắc trong thiên hạ, sợ mệnh yểu cũng phải thôi, ông cụ nói xong lời này thì nhìn ta như để dò xét, trong lúc ta đang có ý nghĩ rằng cái thuyết tài mệnh ghét nhau của ông cụ như chỉ còn lung lạc mỗi đám người đẹp thế giới, rằng  đám đàn bà con gái năm châu bốn biển có kéo đến nhà quần ông  như thế là để cho đáng đời  các vị triết gia thích đưa ra thuyết này thuyết nọ, là chả có em nào đẹp bằng Vân bằng Kiều của huynh mà cũng bày lo lắng cho kiếp số hồng nhan, ông già có vết sẹo ở cổ đột ngột có ý kiến về nhan sắc đám hoa hậu thế giới, sợ ông cụ lại đổi ý, thôi tiếp khách, ta vội vã vào chuyện, rằng, sở dĩ ta lặn lội đến đây là để được tác giả truyện Kiều giảng  cho nghe những nghĩa lý cao sâu của tác phẩm, rằng gần hai trăm năm qua, có đến hằng trăm hằng nghìn bình phẩm về câu chuyện người con gái tài hoa, ta ngẫm nghĩ mãi mà nghĩ chẳng ra, là làm sao người đời lại nghĩ ra được những lời khen chê nhiều đến gấp mười gấp trăm lần tác phẩm, nhà ngươi là thuộc trường phái văn chương quậy phá phải không, ông già có vết sẹo ở cổ đột nhiên hỏi ta một câu có tính cách triều đình, ta nói mình chỉ là kẻ hậu thế ngưỡng mộ các bậc tiền bối, còn trường phái văn chương quậy phá thì quả tình lần đầu nghe nói đến, lần đầu ta gặp nhà ngươi, cũng là lần đầu ta có cảm tưởng một kẻ sinh sau ta lại thuộc cùng trường phái với ta, ông già ngừng lại, nhìn sang cụ Nguyễn Du, có phải huynh cũng đang có cảm tưởng như đệ, kẻ ấy là ai, cái con người có vẻ thân thiết với tác giả truyện Kiều như đang làm dấy lên trong tâm can  ta niềm hân hoan khó tả, thưa tiền bối, kẻ hậu sinh thật lòng chưa hiểu trường phái quậy phá là gì, song, được cùng chung chiến tuyến với tiền bối thì quả không có niềm vui nào sánh bằng, ta lập tức xếp ông ấy vào hàng tiền bối, và có cảm thấy giật mình, xếp thế có nghĩa là mặc nhiên coi ông ấy là ngang tầm  với cụ Nguyễn Du trong khi ta chửa biết chút gì về ông ấy, khả ái khả ái,  ông cụ khẽ kêu, đối với vị  khách cố ý đến là ta thì cách bày tỏ sự đồng tình của chủ nhân quả là khích lệ lớn lao, thưa, những bình phẩm của thiên hạ về Kiều  thì  nhiều, nhưng trong đó có một lời bình cứ làm  kẻ hậu sinh này ấm ức, là bình như thế nào, không phải ông cụ mà là ông già có vết sẹo ở cổ hỏi, ta bắt đầu diễn lại cái ý chính của lời  bình Kiều ta đã đọc ở đâu đó chẳng còn nhớ rõ, là mọi thứ xảy ra trong truyện Kiều, người bình Kiều xin cúi đầu bái phục, chỉ trừ một điều, là tại sao nàng Kiều không đẻ con, ta biết là đầu óc đám hậu sinh lũ ngươi lúc nào cũng nghĩ đến chuyện đẻ, đã hơn sáu tỉ người trên mặt đất, nhưng lúc nào con người cũng nghĩ đến đẻ, ông già có vết sẹo ở cổ chợt đưa ra nhận xét có tính cách áp đặt,  ta bảo không phải lúc nào cũng nghĩ đến đẻ, nhưng sau mười lăm năm ăn nằm với bao nhiêu đàn ông, Kiều vẫn không đẻ, là nghĩa làm sao, loài người là do tiến hóa chứ không phải do đẻ mà có, nói đẻ là tồn tại thì được, nhưng không phải tồn tại là đẻ, quả tình là ta có bất ngờ khi ông già có vết sẹo ở cổ tỏ ra am tường khoa học hiện đại như thế, bấy giờ là ta có ý nghĩ ông ấy còn tài hoa hơn cả ông cụ, nhưng liền sau đó ta hiểu ra không phải, liền sau đó ông quay sang ông cụ, mai là huynh có cuộc hẹn với mấy tay khảo cổ chết hồi cuối thế kỷ hai mươi, tác giả truyện Kiều chỉ khẽ gật đầu, và tiếp tục trầm ngâm bên chén trà đặt trên chiếc bàn năm chân lúc mới bước vào phòng ta đã có cái cảm tưởng khác thường là tất cả những thứ ấy là chỉ dành riêng cho một nhà nghiên cứu đang đeo đuổi một lãnh vực nghiên cứu khác thường nào đó, đã hết chưa, ông già có vết sẹo ở cổ chợt hỏi, ta vội vã  quay lại cuộc chất vấn, rằng, có bao nhiêu người thắc mắc là tại sao trong truyện Kiều lại có chuyện ông trời đi ganh ghét người đẹp, đầu óc của lũ ngươi quả là cũ kỹ, ông già có vết sẹo ở cổ nói xong lời ấy thì ngửa cổ cười vang, ta cố ghìm sự tức giận để thưa, rằng, mình chưa hiểu lời ấy, lập tức ông bắt  đầu giảng cho ta nghe, rằng, sau mười lăm năm luân lạc Kiều đã nói với người mình yêu về nghĩa lý của tồn tại, nói bằng thứ âm vang của tồn tại, tiếng đàn là âm vang của tồn tại, đục và trong, trầm và bổng, trời và vẻ đẹp của muôn sinh, hỗn độn và hài hòa, “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”, tồn tại là một cuộc tương tác vĩ đại giữa hỗn độn và hài hòa, nói ghét nhau cũng như nói tương tác, là vẻ non xa với  tấm trăng gần trước lầu ngưng bích, mà người đời sau lại đem tất cả những cao sang ấy đặt vào chốn tầm thường, ta thử sờ lên trán  mình thì thấy có  mồ hôi đang rỉ ra, không phải sợ hãi, mà là một thứ cảm thức kỳ dị đang xâm chiếm toàn bộ đầu óc ta, dường như đêm đã đến, ở trong phòng lúc bấy giờ ta nhìn thấy thứ ánh sáng mịn và đục tựa được chiếu đến từ một thứ vật sáng được bọc bằng vải lụa, có mùi phân bò ở đâu đó hắt vào phòng, và ngoài đường phố có nhiều tiếng cười nói mới thoáng nghe ta đã có cảm tưởng rằng những con người ấy là đến từ những hành tinh xa lạ, tối nay đi ăn phở cổ đại hay ăn cơm tự dưỡng, ông cụ chợt quay sang ông già có vết sẹo ở cổ hỏi, không còn kiềm chế được sự tò mò, ta dừng cuộc chất vấn về truyện Kiều để hỏi thử ông cụ đã chuyển đến cái thành phố có hơi hướng thời hậu tương lai ấy từ bao giờ, sau khi chết gần bốn mươi năm thì đại huynh ta chuyển đến đây, còn ta thì cũng vừa lành lặn thân thể, ông già có vết sẹo ở cổ nói, ta lập tức lướt mắt sang những cuốn sách lạ trên giá sách thử có tìm ra chút manh mối nào về mối quan hệ giữa hai con người có vẻ như đôi bạn tri kỷ, Thiên Thạch Chuyển Lưu, Đá Con Người Và Cuộc Tồn Sinh, rốt cuộc thì tên những cuốn sách chỉ làm ta rối rắm thêm, rốt cuộc thì cái con người có vẻ am tường về ông cụ ấy là ai, như thế là tác giả truyện Kiều đã chuyển sang nghiên cứu về đá trời, thiên thạch, ta liều mình hỏi, không phải nghiên cứu, mà là thể nhập, ngay tự khi chép truyện Kiều đại huynh ta đã làm cuộc thể nhập ấy, ông già có vết sẹo ở cổ bắt đầu nói về ông cụ mà tựa như cắt nghĩa lại thế giới, thuở ban đầu của tồn tại là đá, là vô tri, loài người với cái gien đá vô tri ấy đã ngang nhiên đứng lên giữa cuộc tồn sinh, với cái gien đá ấy con người đã làm ra cả sự yêu thương lẫn thù hận, cả cái cao cả lẫn thấp hèn, cả cái có lý và không có lý, thể nhập là cuộc trở về với nguồn gốc con người, trong cuộc thể nhập ấy, đại huynh ta đã nghe thấu được tiếng đoạn trường, nhưng đoạn trường nào là cũ, đoạn trường nào là mới, ta xen vào hỏi, ông già có vết sẹo ở cổ nhìn sang ông cụ như để thỉnh ý, rồi bảo ta rằng đấy chỉ là một cách tiếp cận thế giới, đoạn trường hay không đoạn trường chỉ là cảm thức của con người trong cuộc tồn sinh, “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”, nhưng làm cách làm sao để từ chuyện chữ nghĩa văn chương chuyển sang chuyện nguồn gốc sự sống, nguồn gốc con người, ta hỏi, ông già có vết sẹo ở cổ chợt nói mà như ngâm,

“có người hỏi ta rằng… thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều, ta đáp lại rằng, từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi… rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối từ đâu,  trong khoảng ấy có rét, có nắng…  lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào giữ mãi được mực thường, đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến,…cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang…chồng chất những khối ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để chép ra, … giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi, khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút”,

ta biết ông vừa trích đọc bài tựa truyện Kiều của cả Phong Tuyết chủ nhân và Mộng Liên Đường chủ nhân, như thế thì gọi là thể nhập, khoa học là cuộc thể nhập vĩ đại nhất của loài người, ở đó mọi nỗi ưu tư của con người đã gặp nhau, nên mới có chuyện tác giả truyện Kiều cũng là tác giả sách nói về đá trời, ông già có vết sẹo ở cổ tiếp tục bình luận, mang giúp ta cái túi ấy, chú Cao, tác giả truyện Kiều chợt gọi, ta có cảm thấy bàng hoàng, là Cao Bá Quát người bị xử chém sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ư, chẳng lẽ con người quyết xóa bỏ cái triều đại họ Nguyễn ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ mười chín lại là tri âm tri kỷ của con người cộng tác với triều đại ấy suốt hai mươi năm đầu thế kỷ mười chín, ông già có vết sẹo ở cổ đã quay lại, vừa đặt cái bọc vải lên bàn, vừa bảo ta rằng đấy là đá lấy ở hỏa tinh các nhà thám hiểm không gian đã tặng cho tác giả truyện Kiều, ông cụ lấy từ trong bọc ra một viên đá nhỏ đặt lên bàn, từ tốn bảo ta : đá trời đấy, hãy cắn thử đi.

 

THỬ ĐỀ XUẤT VỚI TRẦN GIAN

truyện ngắn 

Loài người là phải đi tới, chứ không thể đi chà lui. Còn đi tới đâu, hay tới chỗ nào, thì còn phải chờ.  Đó là lời ông nói với người làng. Và cái tôn giáo ông đang đeo đuổi là để góp phần vào việc giúp cho con người không còn đi chà lui.

Giáo chủ là ông. Tín đồ cũng là ông. Có nghĩa, tôn giáo do ông sáng lập mới chỉ có mỗi một người theo là ông.

Cách hành đạo của ông quả chẳng giống chút nào với cách hành đạo trong các tôn giáo khác. Cụ thể là ngày đêm ông ngồi chép tự truyện. Nhưng người ta cũng không  chắc đấy là tự truyện. Hay đấy cũng chỉ là những áng văn chương hư cấu. Nhưng kinh văn ấy quả đã để lại trong lòng người đọc những cảm thức nóng bỏng về trần gian.

Ta đã trải qua một trăm mười hai vương quốc của loài kiến, tranh luận với năm mươi mốt nhà sinh vật học trên thế giới về chế độ xã hội có vua chúa của loài kiến, và chỉ khi quay về ngôi làng bé nhỏ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ta mới nhận ra rằng thế giới của loài kiến là một phúng dụ rất đẹp về thế giới con người, hay nói cách khác, nó, cái xã hội loài kiến đó là những ngụ ngôn vĩ đại đối với thế giới.

Ông nói với mọi người. Cứ thử đơn cử một câu trong sách tự truyện của giáo chủ, như câu vừa trích ở trên, thì cũng dễ hồ nghi là ông đã hư cấu ra mọi sự.

Đúng là ông đã theo lũ kiến thật. Vừa xong cái tiến sĩ sinh vật học là ông lao ngay vào công cuộc nghiên cứu về loài kiến. Ở vùng quê trung du của ông là có  rất nhiều loài kiến (kiến lửa, kiến riệng, kiến hôi…), lắm lúc đã trở nên thứ tai họa trong gieo trồng. Nhưng dưới sự đè ép của con người, thì đám kiến ở đây chẳng thể thể hiện hết khả năng sinh tồn của mình. Có nghĩa, các quần cư của loài kiến ở đây chưa phải là đối tượng nghiên cứu khoa học của ông. Có nghĩa, ông phải lên rừng. Ngài tiến sĩ kiến ( bấy giờ  người làng gọi ông thế) đã biền biệt trên rừng suốt mười mấy năm. Nếu như lâu lâu không thấy bà vợ ông mang thai, người làng cũng dễ cho rằng ông đam mê khoa học đến nỗi quên cả nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người là phải làm cho loài giống mình luôn sinh sôi nẩy nở. Đam mê nghiên cứu là vậy, rồi bỗng bỏ rừng, về nhà, treo biển, thiết lập một tôn giáo mà lúc đầu ai cũng thấy là có vẻ kỳ cục.

Ta, kẻ từng đam mê những ngụ ngôn vĩ đại ở trên rừng, thì giờ đây tôn giáo của ta cũng là ngụ ngôn, ta từng sống trên rừng với những ngụ ngôn vĩ đại ấy, thì giờ đây ta cũng chỉ tin là chỉ ngụ ngôn mới khơi gợi được ở con người tình cảm luân thường.

Ông nói với mọi người. Cũng là hơi khó hiểu. Nhưng chỉ trích đọc một chương nào đó trong sách tự truyện của giáo chủ, như chương sau đây, chẳng hạn, là sẽ rõ cả.

 …Ta đến vương quốc thứ tám mươi của loài kiến thì gặp một sự cố quá lớn. Đây là vương quốc của giống kiến càn có thân hình khá to. Dường chỉ về đêm, chúng mới sống trong hòa bình. Còn ban ngày, ánh mặt trời vừa chiếu rọi trên rừng là ta đã thấy chúng cấu xé nhau. Có xác một con hổ đang thối rữa ven một suối nước.     Khối thực phẩm to lớn này là nguyên nhân của chiến tranh. Ta lên rừng là để khảo cứu về loài kiến, nên đâu có thời gìơ để hiểu vì sao con hổ chết. Bấy giờ có hai sự kiện làm cho ta phải nghĩ ngợi. Một là, khi một loài  bé nhỏ như loài kiến lại ăn thịt một loài to lớn như loài hổ. Và hai là, khi nguồn thực phẩm quá lớn thì cuộc chiến tranh giành nguồn thực phẩm ấy sẽ kéo dài ra. Chúng đánh nhau suốt hơn tháng trời. Cứ chia thành từng hai nhóm một, từng hai phe một, mà đánh nhau. Tất nhiên là ta phải ở lại đó trong suốt thời gian chúng đánh nhau. Ta đã khóc, nước mắt không phải là nhiều, nhưng vì đứng ở lòng con suối mà khóc, nên ta tin nước mắt của ta sẽ hòa vào biển cả, bỡi sông suối nào lại không đổ về biển cả. Nhưng nói vì thấy lũ kiến chết nhiều quá mà khóc, là nói chưa thật. Ta biết là bấy giờ, khi thấy lũ kiến chết nhiều quá, thì trí tưởng của ta lại hướng về loài người. Cũng giống lũ kiến  ở nơi này, các cuộc chém giết nhau của loài người cũng là đồng loại chém giết nhau. Lũ kiến không có lời nói, im lặng đánh nhau, im lặng chết, nên không thể nói  chuyện luân thường trong thế giới của chúng. Nhưng loài người, sau khi chém giết nhau, kẻ thắng thì tự ngợi ca mình, kẻ thua còn sống sót thì dùng hết thảy những lời lẽ có thể dùng được để tô điểm cho lòng thù hận của mình. Cho nên, nếu không nói đến chuyện luân thường, thì cơ hồ loài người tự hủy diệt mình. Nhưng ai là kẻ nắm giữ luân thường?

    Ta đến vương quốc thứ tám mươi hai của loài kiến thì gặp cuộc va chạm giữa con người và kiến. Lũ kiến vàng quả là có đầu óc kiến trúc rất lớn. Là kiến trúc sư của thời hiện đại thì anh cứ thử phác thảo thứ nơi ăn chốn ở cho cái công xã loài kiến đến hàng nghìn con ấy thử coi? Nhà ở của lũ kiến vàng là thứ công trình có đủ tất cả các hạng mục cho một cuộc tồn sinh. Nó, cái tổ kiến ấy, là nơi hội họp của bầy đàn, là đồn lũy để cố thủ trước kẻ địch, là chiếc giường trong việc ái ân, chiếc nôi cho một thế hệ mới chào đời… Những phút đầu tiên đặt chân đến vương quốc ấy, ta cứ mê mẩn đứng nhìn những công trình kiến trúc theo lối treo ấy. Vào một buổi sáng núi rừng có vẻ đầy cảm hứng, lúc lũ kiến vàng đang tụ tập ở sân ngôi nhà chung, sửa sọan bay đi tìm thực phẩm cho kế hoạch dự trử của mình, thì đám người ấy xông tới. Ta nói là chớ nên làm hại những sinh vật nhỏ bé mà có đầu óc kiến trúc như loài kiến. Bọn họ, cả thảy là năm người đàn ông lực lưỡng, tưởng ta cũng là dân ăn kiến. Hãy nói đi, là ông đứng về phía con người hay phía lũ kiến? Tất nhiên ta hiểu, nếu nói đứng về phía lũ kiến, lập tức ta bị ăn đòn. Nhưng rồi ta cũng bị ăn đòn, dẫu chưa nói là đứng về phía nào. Như vậy là ta phải lặng lẽ ra đi. Vừa bước, ta vừa ngoảnh nhìn những ngôi nhà treo dày đặt trên các cành cây, thấy lửa cháy, và đám người chuyên ăn kiến thì lần lượt dứt những cái tổ ấy xuống khỏi các cành cây. Ăn kiến là thuật ngữ để chỉ những người chuyên đi đốt tổ kiến vàng trên rừng để thu lấy đám kiến con chưa mọc cánh và thứ trứng sắp nở con về làm thức ăn cho con người. Ta cũng không biết có nên đem thuật ngữ luân thường ra nói ở trường hợp này hay không?

    Phải nói là trời đất chí công với ta khi ta đến vương quốc của loài kiến vô cùng bé nhỏ đó. Ở nơi này ta kết thúc được một công cuộc nghiên cứu, và mở ra một công cuộc nghiên cứu khác. Riệng, là tên loài người dành riêng cho loài kiến đó. Một vương quốc của kiến và hoa rừng. Hay nói theo nghiên cứu khoa học thì nơi cư trú của loài kiến riệng là những rừng cây thấp và có nhiều cây có hoa. Thức ăn chính của chúng là mật hoa. Cứ từng đàn nhỏ leo lên nằm ở những khóm hoa rừng, chẳng vội vã gì trong việc ăn uống của mình. Cuộc sống của loài kiến riệng là một cuộc nhẩn nha, thời gian như chẳng là cái quái gì đối với bọn chúng. Hút mật hoa xong thì kéo đến nằm hoặc là trong một hốc cây, hoặc là nơi một mô đất, chổ ở như chẳng có nghĩa lý quái gì đối với bọn chúng. Và dưới mắt con người thì bọn chúng, cái lũ kiến chuyên hút mật hoa đó, là xúc phạm đến vẻ đẹp của các loài hoa. Nhưng nữ thần của các loài hoa đã giảng cho ta nghe về chuyện này. Vào một sáng mùa xuân (ta đến vương quốc của loài kiến ấy là vào mùa xuân), ta đang nhìn đám kiến riệng hút mật ở một khóm hoa bần bân ( hoa bần bân là loài hoa thơm nhất ở vùng núi rừng này), và đang cảm thấy bực bội trong lòng, thì nữ thần của các loài hoa từ trong khóm hoa ấy bước ra. Em chào anh. Nàng chào hỏi ta xong thì vẫy tay về phía lũ kiến. Vẻ đẹp của nàng như làm cho đầu óc ta trở nên thông tuệ. Có phải là lũ kiến đã làm xô lệch đường nét của hoa, tức chạm đến chỗ tự tại trong thế giới  các thần? Ta đã hỏi được một câu, mà chưa chắc trước đó đã nghĩ ra. Nàng trẻ hơn ta nhiều lắm. Nhưng sự thông tuệ trong ta mách bảo ta rằng  trong thế giới các thần là không có tuổi tác. Nàng bảo nghĩ như thế là nghĩ theo cách của con người, còn trong thế giới các thần thì việc lũ kiến hút mật hoa là thuộc về một trong những nét của tồn tại. Em đang nói về các mối quan hệ trong thế giới các thần? Ta bắt đầu gọi nàng bằng tiếng em thân thiết. Thưa phải. Nàng đáp. Và giảng giải thêm rằng ở thế gian gọi các mối quan hệ ấy là luân thường, thì trong thế giới các thần gọi là những nét của tồn tại. Nhưng ai là kẻ nắm giữ luân thường trong thế giới các thần? Ta liền hỏi. Nàng bảo, ngay cả thần của các thần, tức là trời, cũng chẳng thể nắm giữ luân thường, mà vẻ đẹp của một áng mây trôi, tiếng nhạc của gió, nét hào hoa của một vầng nhật nguyệt, hay một vũ điệu của một quần tiên, những thứ như thế là đã gợi nên những cảm thức về một trật tự của tồn tại. Có nghĩa chỉ có những khơi gợi về trật tự của tồn tại, chứ chẳng ai có thể nắm giữ được nó? Ta xen vào hỏi. Nàng mỉm cười với ta thay cho lời đáp. Rồi theo cung cách các thần, nàng hôn lên vầng trán ta, để chia tay ta. Còn ta thì theo cung cách con người, ta hôn lên môi nàng, để thay lời từ biệt. Phải, chẳng có ai cả, là có thể nắm giữ luân thường, ngay cả nguyên thủ của các thần, ngay cả nguyên thủ của loài người. Ta giữ nguyên niềm hứng khởi, quay trở về nhà, treo biển, lập nên tôn giáo ngụ ngôn của ta. Mà tôn giáo của  ta cũng chỉ là thử đề xuất với trần gian.

 

Ở PHÍA ĐÔNG TÔI

(trích tiểu thuyết)

vào lúc ta đang bị thúc ép bỡi một thứ thế lực tồi tệ,  nàng đã đến cứu ta, em, vũ nữ ngực trần nghìn năm nương theo cố xứ, nàng  khóc, nói,  nước mắt nhỏ lên trí tuệ của ta, thì ta cũng đang nương theo cố xứ đây, ta nói, trong niềm xúc động, chẳng phải bình thường, mà như toàn thể tri thức của một  kẻ cô độc đang trổi dậy giữa một nền văn minh đã tắt, apsara…apsara…ta cứ gào lên trong nghĩ ngợi như vậy, như thể  để cho thứ vũ khúc kỳ  bí của một dân tộc kỳ bí phủ bóng lên toàn thể những ngõ ngách trần gian
chùng xuống những cơn địa chấn

ai vớt vầng trăng xứ sở rải lên những ngọn triều yêu dấu

lan xa khúc hát

đất, nước, khí, lửa, và những câu chuyện
con sóc lần dò qua thế kỷ

em
cuộc hẹn

đấy là bi khúc ta đã nghĩ ra được sau khi đọc được một bi ký  kỳ hồ của cuộc kỳ hồ khí phách của một giống dân ta cứ thấy bất lực trong diễn đạt lòng tôn  kính, chẳng phải  thở than về một cuộc suy vong như cách  nghĩ, cách nói, hay cách viết, của rất nhiều  những kẻ nhìn ngắm từ xa,  không bao giờ ta nghĩ vậy, những chuyện đó, tất cả,  chỉ là thể nghiệm của lịch sự, thể nghiệm về những cách thức của tồn tại, hiện hữu là niềm thống khổ, thống khổ chứ không phải suy vong, đêm hôm đó, đêm tháng tám, mùa thu, yên tĩnh như có thể nghe thấy được bước chân sáng thế, nơi đất cũ Vijaya, buồn, và đầy ắp những chiêm nghiệm, những hoài niệm,  ta và  đám vũ nữ  của vua  uống rượu hoa vả, loài hoa của hào sảng, và của bất khuất, ngất ngưởng say, cứ thấy như thể thế giới vụn ra thành những cơ đồ, mơ mòng,  kỳ bí, hãy thôi đi thói giáo gươm, quân tàn nhẫn, mi lung lạc đến cả cái chết của loài sinh vật nhỏ nhất thế gian, mi làm u tối đến cả một góc khuất trần gian, như nhà sáng chế lịch sử, ta cứ nói ra với ta những lời khí phách, và vô cùng tha thiết, cho đến lúc nghe thấy tiếng trống từ chốn kinh thành cũ, từ đế đô Vijaya vọng lại, thì ta cứ thấy nhớ  ông vua cũ, nhớ vô cùng…bằng an cho Sri Vijaya Yangkupu của miền thống khổ… bằng an cho Sri Vijaya Yangkupu ở trên trời, ta chúc phúc cho ông vua  trụ lại nơi  xứ sở Vijaya, là Vijaya, hay Đồ Bàn, hay Chà Bàn, hay Phật Thệ, có gọi cách nào  cũng chỉ còn là những âm vọng một thời, lũ chúng em, một lũ người còn sót sau cuộc lưu ly  vẫn  ngực trần nhảy múa  trên chốn nghìn năm trống không, ta nghe đám nữ tì của thần Indra, đám vũ nữ của ông vua cũ cất cao tiếng hát, bọn họ đã kéo ta vào vùng nhã nhạc, cung đình trộn với rượu vả, mùi đắng  sử lịch chìm trong mông lung thế sự, ta nhảy cùng các cô gái đất cũ Viyaya, không phải, là nhảy cùng với các nữ thần Apsara  vợ của những nam thần nhạc công Gandharva của những xứ sở thần tiên, các nàng là khuấy lên từ sữa các đại dương, hương thơm của những biển, và hương nồng của những đất, ta nhảy cùng các nữ thần apsara, nhưng  đầu óc cứ  ăm ắp  hình bóng  một giang sơn chưa xong giấc mơ, trải dài một dãi từ nơi  tiếng gà Bố Chính Địa Lý Ma Linh cho đến tận chốn có tiếng kèn Panduranga, ta cũng chỉ nhớ mang máng thế, sóng trường đình lớn lắm, có ngọn cao đến mấy trăm năm, mấy nghìn năm, phủ lên ký ức, Lâm Ấp, Hoàn Vương, rồi Chiêm Thành…những tên đất, trong men rượu vả, nghe rất cũ, và rất không cũ, lũ chúng em chỉ là những biểu tượng của  cuộc tồn sinh, ẩn hiện giữa phù vân, các vũ nữ của vua nói,  rồi xòe những ngón tay, dịu dàng trỏ lên trời, và trỏ về phía mặt trời mọc, uyển khúc, những biểu hiệu của mất, hay còn, trong nhận thức, ta không bao giờ nghĩ đó là suy vong, hay diệt vong, nhưng rượu vả, hay là nhan sắc đã quá cũ của các nữ thần apsara khiến cho ta cảm thấy rất buồn , cứ nghe  dội lên trí nhớ bài ai ca khóc Babylon.

 Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi ,
hỡi con gái Chaldee , ngồi phệt xuống đất, không ngai không bệ,
vì người ta sẽ không bao giờ gọi ngươi
là cô gái yêu kiều đài các nữa.

 Hỡi con gái Chaldee, hãy ngồi lặng lẽ, lùi vào bóng tối,
vì thiên hạ sẽ không bao giờ gọi ngươi
là nữ hoàng muôn nước nữa.

 đó là lời dân Chaldee  khóc  đất nước mình chép ở trong sách Isaiad chương 47  đoạn 1 và  đoạn 5...

(Tâm Văn giới thiệu)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *