Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Hình hài truyện ngắn

(Tham luận Văn học Trẻ hay Bài tập làm văn đầu đời)

Nhụy Nguyên - 13-09-2011 09:04:10 AM

VanVN.Net – Bản tham luận này của Nhụy Nguyên được gửi đến Hội nghị từ trước ngày khai mạc 1 tuần. Nhưng vì thời gian quá eo hẹp, lại có nhiều vấn đề cần bàn luận, trao đổi, nên tác giả chưa kịp trình bày trong Hội nghị. Đây là bài viết độc đáo, được nhiều người đánh giá tốt. VanVN.Net xin đăng tải nguyên văn. Có một lưu ý nho nhỏ với bạn đọc: tác giả đánh số thứ tự các phần bắt đầu từ số không (0), một cách tư duy số học rất cổ điển mà cũng vô cùng hiện đại...

Tác giả Nhụy Nguyên


0. Truyện ngắn là thể loại văn chương dễ đi vào tâm thức Người đọc nhất giữa thời hỗn tạp các nền văn minh. Đỉnh cao truyện ngắn là sự tinh luyện ngôn từ, nhào nặn những ý tưởng vượt thoát khỏi ngoài vòng cương tỏa của tuệ giác. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng ví von rất hay: viết tiểu thuyết là với tay lên trời xanh. Thực tế vẫn cho thấy số nhà văn chuyên viết truyện ngắn đoạt giải Nobel văn học thật ít ỏi so với tiểu thuyết gia.

1. Vùng đất thiêng dành cho truyện ngắn

Trong bộ tuyển “30 năm văn xuôi Thừa Thiên Huế”, từ tác giả Lãng Hiển Xuân rớt xuống Nhụy Nguyên là khoảng thời gian 19 năm. Khoảng thời gian ấy sẽ không nói lên điều gì nếu chúng ta không đối sánh với thế hệ các nhà thơ xứ Huế tiếp nối một cách nhịp nhàng. 19 năm văn xuôi “không-một-bóng-người”, là lỗ hổng quá lớn đối với tiến trình phát triển nền văn học của một vùng đất thiêng. Mặt khác, trong lúc nhà thơ nữ khá nhiều mà chưa hề xuất hiện nữ tác giả văn xuôi nào sau Trần Thùy Mai, văn xuôi Thừa Thiên Huế tại thời điểm này do vậy có thể mường tượng như loài động vật quý hiếm mà đuôi của nó đang có nguy cơ bị thời gian gặm nhấm.

Rất may và thật mừng là Huế đã lộ diện những khuôn mặt sáng giá bước ra từ cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế do Tạp chí Sông Hương tổ chức vào năm 2010. Đó là Lê Minh Phong và Lê Vũ Trường Giang. Với truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn xuất hiện đầu tiên trên Văn nghệ Quân đội, Giang đã trình làng một cách đĩnh đạc và thuyết phục. Trôi trên dòng hoài niệm về đám tang của một vị vua triều Nguyễn, truyện ngắn này đã mở ra cánh cửa bí mật đầy xót xa về những số phận “đào huyệt chôn chính mình”; là tấm căn cước có thời hạn để Giang chuẩn bị cho trường đoạn tiếp theo trên địa hạt văn chương. Lê Minh Phong, chàng trai đậm chất nghệ sĩ, “khiêm tốn” quảng diễn hàng trăm truyện ngắn mini lên các trang mạng văn học. Phần lớn chúng là những nhát cắt nhanh, và mỏng. Càng về sau những nhát cắt của Phong càng sắc, lâu lâu lại lộ ra những đường vân tươi ròng thứ hiện thực khói sương mà ta có thể hình dung tới dải lụa mỏng tang phủ trên thân trần thiếu nữ. Và, nếu để có một tam giác viết văn trẻ hoàn thiện, thì ngoài Phong và Giang, “góc nhọn” còn lại của nó không thể thiếu Meggie Phạm - cô sinh viên năm 3 khoa Văn Đại học Khoa học Huế với hai tiểu thuyết được Nxb Trẻ ấn hành: Hoàng tử và em, Giám đốc và em.

Với tôi có khác. Những gì tôi viết gần đây đều nằm trong cõi thiêng. Nếu mạo phạm đem Phật pháp biện giải, thì văn chương là thể Vía siêu hình song nó đủ tư cách tẩy xoá thứ trang sức hão huyền mà con người trần tục với bổn danh xác phàm đã khoác vào thông qua hoán đổi sự mê hoang của kiếp mình. Nghiệp dĩ văn chương, ví như tôi có thể viết được truyện ngắn vượt khỏi khuôn khổ ý tưởng bản năng, đấy chính là sự vay mượn chút thành công nhờ nương vào tâm linh mà có.

Huế là vùng đất thiêng. Xem như vùng đất văn chương. Nếu phải chọn ra dăm truyện ngắn hay của Huế, thì bóng của văn hóa, lịch sử, của tiềm thức, vô thức xứ Thiền kinh sẽ phơi lộ. Lễ hội ăn mày của nhà văn Hồng Nhu mở đầu bằng một nghi lễ sơ khai dâng lên Thủy thần. Và suốt dọc chiều dài của truyện, nhân vật của ông bải hoải bơi ngược trên dòng duyên phận. Con người một khi thông dự vào cõi trần ai, chính là nhân tại mê trung, chỉ cảm mà không ngộ ra tiền duyên tồn lại qua nhiều kiếp. Vậy mới lạc trong thất tình lục dục. Truyện Thương nhớ hoàng lan của Trần Thùy Mai chính nhờ được “vẽ” trên nền toan trinh nên bật lên hình hài của linh tự. Ấy là những linh tự tủi hờn bởi tất thảy chúng được hoài thai từ mối tình khó lần ra hồi kết. Trần Hạ Tháp góp vào văn chương với khuôn mặt sần sùi lịch sử. Từng là khôi nguyên cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ, song truyện ngắn hay nhất của anh… nếu bỏ khỏi bàn cân “cục sắt” tròn tròn vốn là khí giới lợi hại, thì Quả đồng chùy tóc bện cũng đủ nặng để kéo chênh Cuộc cờ lều ngộ vân.

Bằng phản ứng thiển cận của một người đọc bình dân, tôi cảm giác các truyện vừa nêu không chỉ đỉnh của riêng văn học Huế, và đó không đơn thuần là thách thức của chính tác giả, mà còn là thách thức của thế hệ tiếp nối.

2. Chuyện về cái bóng

Tôi có một túp lều, sườn bằng tre đốn kỳ không đẻ măng, mái lợp tranh tro, đều đã được ngâm trong ao nước mặn kỹ càng. Người ta bảo túp lều như vậy cả đời người chưa mối mọt. Gia tài của tôi chính là những trang viết đều đặn dày thêm hàng ngày. Túp lều văn chương của tôi tọa dưới gốc cây đa lừng lững, mùa mưa tránh được bão bùng, mùa nắng có tàng cây tỏa bóng.

Ở cuối đường thôn có vị quan lớn. Chính ông ký dự án mở rộng con đường này. Được đền bù thỏa đáng, dân ai cũng mừng. Mãi lúc giải phóng mặt bằng, tôi mới hay, vị quan lớn mở đường, cứu cánh vẫn là cây đa. Chả là ông ta xem bói, thầy phán nên “núp bóng” cây đa kia để tiếp tục phát.

Thế là cây đa bị bứng về trồng bên trong cổng nhà vị quan lớn. Đúng vào mùa nắng; cộng thêm hơi nóng từ lòng đường rải nhựa và lề đường lát gạch, túp lều của tôi thiếu đường bốc hỏa. Cả ngày tôi chỉ dích dắc viết được trong khoảng vài giờ vào lúc trời mát. Nhớ bóng cây đa hàng chục năm qua, nhiều khuya tôi cứ ngơ ngẩn cuốc bộ tới cuối đường. Cây đa chưa hết choáng váng bàng hoàng. Cơn sốc nặng khiến nó trụi lá, trơ cành gân guốc tợ bàn tay già nua người khổng lồ tiền sử.

Mùa mưa đến. Tôi co ro trong túp lều dột. Cơn bão non nhẫn tâm giựt phăng một phần mái giữa lúc tôi chưa chuẩn bị tinh thần chào đón mùa đông. Nhìn túp lều xiêu vẹo, tôi đã vét sạch nhuận bút bán lúa non, quyết định xóa túp lều xây một ngôi nhà nhỏ. Tập bản thảo của tôi chưa dày thêm được milimet nào từ bận mất bóng cây đa.

Nhưng có nhà, bù lại tôi có vợ, sinh con rồi “nhậm chức” ông.

(...)

Câu chuyện trên đây được bà ngoại tôi kể lại. Từ đấy mỗi lần về quê tôi thường tha thẩn trước ngôi biệt thự có cây đa dềnh dàng cao lớn. Theo mô tả của ngoại, trước đây cây đa nằm trong khuôn viên nhà vị quan lớn, đến đời con ông (cũng là quan lớn) thì nó bị đẩy ra đứng ngoài tường bao. Cây đa hẳn khó sống lâu nữa. Nó sầu. Gốc thối lộng ruột.

Một chạng vạng thứ sáu, tình cờ tôi chứng kiến con ông vị quan lớn kia đặt mâm cúng thịnh soạn kê sát gốc đa. Đáng chú ý hơn: những hình nộm, ở ngực chúng đều ghi tên như trên áo cầu thủ bóng đá hẳn hoi. Thông tin rò rỉ, rằng con của vị quan lớn thường mơ thấy nhóm người chui ra từ hốc cây đa xưng tên tuổi, kêu oan…

Tôi không để ý nhiều. Cho tới dịp một nhà xuất bản đề nghị tôi tổ chức bản thảo tuyển tập cho ông ngoại; đọc toàn bộ truyện ngắn đã in và chưa in, tôi toát mồ hôi lạnh: những cái tên được viết trên hình nộm bữa cúng dưới cây đa chính là nhân vật của ông tôi. Tại sao không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chính vì đấy toàn là người thực ngoài đời, khi thay tên đưa vào truyện, ông tôi đã bóp méo thân phận họ, dồn họ vào đường cùng của bi kịch, đến chết! Bủn rủn tay chân. Tôi cố gắng lần theo dấu vết những nhân vật. Nếu như họ không bị đẩy vào đường cùng trên trái đất này, nếu họ được sắp đặt một lối khác, thì ông tôi đâu được vinh danh là tài năng văn học của đương thế kỷ này. Tóm lại: không thể khác.

Ngay hôm sau, tôi lên công ty cây xanh mua về một cây đa cao ngang đầu mình đem trồng sau hồi nhà. Không phải chờ nó vươn cành để nương bóng. Ý nghĩ rất giản đơn: những oan hồn trên ít nhất sẽ có nơi tạm trú lúc cây đa bóng cả trước nhà vị quan lớn bị siêu bão quật ngã và trước lúc ngòi bút tôi đủ ma lực dụ họ vào sống trong tác phẩm của mình.

3. Kết

Trong văn chương tôi có thể thủ mình trong nhiều vai diễn, song tại sân khấu cuộc đời nhà văn ấy chính là vị khán giả không chỗ ngồi giữa lố nhố những đầu người mẫn tuệ.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...