Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tọa đàm tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn

PV - 25-11-2011 03:09:02 PM

VanVN.Net - Tọa đàm văn học tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn diễn ra sáng nay, 25/11/2011 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) dưới sự chủ trì của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn; các nhà lí luận phê bình: GS Phong Lê, GS Phương Lựu, GS Trần Đình Sử, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo cùng bạn đọc yêu mến, quan tâm đến tác phẩm “Thần thánh và bươm bướm”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh mở đầu buổi tọa đàm với lời chào mừng các nhà văn, các giáo sư đã tham dự hội thảo. Nhà thơ nhấn mạnh: Nền văn học không có tiểu thuyết là một khoảng trống rất đáng sợ. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đề cao sáng kiến tổ chức các cuộc thi tiểu thuyết của BCH Hội Nhà văn. Việc tổ chức cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba liên tiếp mà vẫn có nhiều tác phẩm xứng đáng nhận giải là một thành tựu quan trọng, đây là nỗ lực rất lớn, tạo được điểm nhấn của BCH, vì tiểu thuyết là thể loại làm nên tầm vóc của nền văn học, thi tiểu thuyết là một cách làm hiệu quả, thiết thực để tạo điều kiện phát triển văn học. “Thần thánh và bươm bướm”- tác phẩm đoạt Giải C của cuộc thi là một trong hai cuốn sách đặc biệt (bên cạnh “Thần thánh và bươm bướm” là cuốn “Lửa đắng” của Nguyễn Bắc Sơn), vì đã phản ánh được hiện thực đời sống ngày hôm nay nhanh chóng, sâu rộng và sinh động không kém gì phóng sự báo chí. Riêng “Thần thánh và bươm bướm” được đánh giá là tiểu thuyết mang tính hài hước và giả tưởng từ lâu đã trở nên hiếm hoi trên văn đàn (sau Vũ Trọng Phụng). Tiểu thuyết này đã nêu lên vấn đề đang trở nên bức thiết trong đời sống xã hội, đời sống đạo đức hiện nay: cuộc săn đuổi đồng tiền và những lợi ích vật chất làm đảo lộn đời sống nông thôn, làm biến đổi mọi thứ thành tiền kể cả thần thánh và xương cốt khiến cho hệ giá trị lâm vào khủng hoảng. “Thần thánh và bươm bướm” của Đỗ Minh Tuấn đã mở ra ba phương diện cơ bản: Mối xung đột các nhóm lợi ích (một vấn đề rất “nóng” hiện nay); làm thế nào để đưa đạo đức xã hội, chuẩn mực văn hóa vào đời sống; những thước đo chuẩn mực được coi trọng ra sao trong bối cảnh hiện tại?

 

GS Trần Đình Sử: Những trang đầu tiên của “Thần thánh và bươm bướm” mới đọc tưởng như có tính “cà trớn” nhưng càng đọc càng bị hấp dẫn. Các tình huống không thực trong đời sống lại là hiện thực tinh thần, nhiều ngẫu nhiên phi lý nhưng là tất yếu của trạng thái tâm lý người nông dân đầy cảm tính. Nó – cái nết trọng tình hơn lý, đã giúp làm người tốt nhưng cũng sẵn sàng làm việc xấu, việc ác; bạo lực ở khắp nơi và bạo lực là thường. Người ta sống theo lời đồn, theo sự xui bảo, không bằng khả năng thực của mình. Tính hài hước giễu nhại trong tiểu thuyết rất đáng trân trọng nghiên cứu, nó là nét riêng đóng góp cho thi pháp tiểu thuyết hiện đại.

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Văn xuôi quan trọng là giọng điệu riêng, Đỗ Minh Tuấn có và đó là điều làm tôi ngạc nhiên; nó là thứ nhiều người không có tuy sách xuất bản ra thì nhiều. Lâu nay văn chương chúng ta nghiêm túc quá, đọc khá mệt. Cái làm nên thành công của “Thần thánh và bươm bướm” là trong thực tế không thể có một “làng” như vậy, không thể có những tình tiết phi lý như vậy, tất cả hoàn toàn giả tưởng nhưng đọc xong lại tin, có lẽ là bởi Đỗ Minh Tuấn đã quan sát nông thôn, hiểu và khái quát được những đặc tính cơ bản nhất của người nông dân. Giọng hài là của hiếm, nó làm nên cái duyên, cái giọng riêng nhưng cũng làm cho nhiều chỗ hời hợt, chưa sâu. Ngôn ngữ đối thoại hay, trần trụi nhưng không thô tục.

 

GS Phong Lê: Với tư cách là thành viên giám khảo vòng chung khảo của hai cuộc thi, tôi thấy chúng tôi đều nhân nhượng chung, bây giờ nếu cho chấm lại, tôi chấm khác; Ban chung khảo chưa tranh luận đến cùng. “Thần thánh và bươm bướm” là một biếm họa, giả thiết về niềm tin ngây thơ do dốt nát và cả tin hay có thể do khát vọng đổi đời vì đói nghèo quá lâu đời, cái gì cũng có thể thành thần thánh; đây là thành công nổi bật lên hơn nửa thế kỷ văn chương của ta. Vấn đề nông dân nông thôn đồng nghĩa với dân tộc đặt ra rất hay, là nhếch nhác hóa: nông thôn hóa thành thị, là đô thị hóa nông thôn rồi tay trắng không nghề nghiệp.

 

GS Phương Lựu: Trước sau tôi đều chấm tiểu thuyết này xứng đáng giải B. Ở “Thần thánh và bươm bướm” , có thể nói nghề đạo diễn giúp cho tác giả dễ dàng sắp xếp, sáng tạo ra các tình huống đột ngột, bất ngờ, đậm tính điện ảnh. Tuy nhiên, thế mạnh đó tận dụng hơi nhiều nên đôi chỗ đã thành lạm dụng. Đỗ Minh Tuấn có thể viết “tưng tửng” ngay cả những chuyện nghiêm túc nhưng không bị sa đà, điều này tạo nên dòng ý thức – sự kiện (đây là nét mới của tiểu thuyết) làm nên sức hấp dẫn với  người đọc. Cách thể hiện của Đỗ Minh Tuấn đã mở đầu cho phong cách hiện thực huyền ảo của Việt Nam.

 

Nhà văn Lê Minh Khuê: Tác giả là một người làm phim, thế mạnh của tư duy đạo diễn đã “vào” được cuốn tiểu thuyết đầu tay. Đặc biệt là có giọng điệu mới, lạ trong số những cuốn sách cùng cuộc thi và trên văn đàn hiện nay. Đỗ Minh Tuấn tỏ ra là một người viết rất vững tay, làm chủ được cốt truyện khi triển khai nó, nắm bắt và xử lí rất “có nghề” những tình tiết trong tác phẩm. Đỗ Minh Tuấn khai thác thành công khía cạnh con người nhỏ bé (ở đây là người nông dân) nhưng bản năng rất mạnh, vì cái bản năng ấy mà luôn có lối suy nghĩ thiển cận, hám lợi trước mắt. Vấn đề đặt ra là một dân tộc sẽ không có tương lai nếu không có lối tư duy khác.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Thần thánh và bươm bướm"

Dịch giả Phạm Viết Đào: Đọc tham luận. (VanVN.Net sẽ đăng toàn văn trên giao diện này.)

Nhà thơ, NSND Lê Huy Quang: Đọc tham luận: “Nhìn “Thần thánh và bươm bướm” dưới góc nhìn nghệ thuật”. (VanVN.Net sẽ đăng toàn văn trên giao diện này.)

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên: Đọc tham luận: “Thần thánh và bươm bướm – một thể nghiệm đầy trăn trở” (VanVN.Net sẽ đăng toàn văn trên giao diện này.)

 

Nhà văn Văn Chinh: Tôi đồng ý với các GS Phong Lê, Trần Đình Sử, nhà văn Nguyễn Khắc Trường về những ưu điểm của tiểu thuyết, nói rất hay rất trúng về nó. Tôi chỉ xin thêm: Đây là tiểu thuyết hoạt kê, xin mượn cách nhà báo gọi Số đỏ khi giới thiệu tiểu thuyết này, không có hiện thực huyền ảo; cũng không có tượng trưng hay ẩn dụ nào cả. Văn Đỗ Minh Tuấn rất hay. Nhược điểm của nó là các cặp nhân vật bố con giống nhau, không phải lời lẽ của riêng, là cái mặt nạ nói lời nhà văn; đây là cái lỗi ABC của văn xuôi. Nhân vật Thao khó trở thành hình tượng nghệ thuật như Santrô Panxa.

 

Nhà thơ Ánh Hồng: Hiện thực cuộc sống được phản ánh sinh động nhưng không sa vào phóng sự hay bôi đen tô hồng; có tính khái quát triết lý sâu. Tiểu thuyết đóng góp xứng đáng cho văn học, Đỗ Minh Tuấn là nhà văn của chúng tôi.

 

Nhà phê bình trẻ Đặng Thân: Đọc tham luận và nhấn mạnh: Văn Đỗ Minh Tuấn bát ngát mênh mông như chính căn cốt ông, “bọ hung” là “trùng”, “bươm bướm” là “điệp”, văn ông trùng trùng điệp điệp nên cần tránh bị ngập lụt. Các ẩn dụ tâm linh trong văn hóa Việt được ông hình ảnh hóa sinh động, hay dở đều ở đó.

 

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ: “Thần thánh và bươm bướm” có sự tương tác giữa các thể loại, Đỗ Minh Tuấn viết văn xuôi với sự kết hợp của thơ, điện ảnh và phê bình. Đọc tác phẩm này, tôi thích cách Đỗ Minh Tuấn thể hiện tâm lí nhân vật, nhất là cái linh giác của nhân vật vợ Thao khi chị phân vân về việc làm mờ ám của thắng Chấn khi chữa bệnh bằng tình dục.

 

Nhà thơ Tấn Phong: Những vấn đề xã hội được đặt ra trong “Thần thánh và bươm bướm” đến 50 năm nữa cũng vẫn mới như ngày hôm nay, đó chính là “tam nông”: nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Các thân phận trong tiểu thuyết đều bé mọn, trong đó có một chút thân phận Đỗ Minh Tuấn. Bút pháp tung tẩy. Cái cười rất buồn và rất sâu, mới cười xong lại thấy muốn khóc, đó là cái cười cay đắng của thời nhá nhem hội nhập.

 

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy: Đây là tiểu thuyết hiện thực, huyền ảo chỉ là thủ pháp nghệ thuật, cũng chả nên phấn đấu có hiện thực huyền ảo Việt Nam làm gì. Bản chất hoang tưởng của một kiểu nông dân, bắt đầu từ Trạng Lợn đến Xuân Tóc Đỏ; không trừ nổi căn tính Việt thì rất khó phát triển. Tiểu thuyết hấp dẫn, nổi bật trên cái nền chung.

 

Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn: Cảm ơn các anh các chị đã đọc kỹ sách của tôi, chưa bao giờ cảm hứng sáng tạo lại trào dâng trong tôi như lúc này. Tôi ghi nhận đến 90% ý kiến của các anh chị, trừ ý kiến về nhân vật: Thao đã đi đến cùng cái tính dở dang của số phận anh ta, chứ không phải là chưa. Sự giống nhau giữa các nhân vật cũng vậy, cần dựa vào văn cảnh chứ ai chả cầm đũa ăn, chẳng lẽ lại bảo đó là giống nhau?...

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết: Hội thảo hôm nay là diễn đàn học thuật, mở ra tiến trình đổi mới văn xuôi, ấy là cái chúng ta đạt tới, đã thành công, hàm lượng trí tuệ cao.

Hôm nay chúng ta thống nhất nhận định “Thần thánh và bươm bướm” là thành công của nhà văn đa tài Đỗ Minh Tuấn. Đó là câu chuyện về những vấn đề xã hội đang đặt ra: sự báo động nguy cơ “tận diệt văn hóa”; sự “xổng chuồng” của dục vọng… sẽ tiêu diệt mọi giá trị. Đỗ Minh Tuấn sử dụng thủ pháp châm biếm, giễu nhại, hài hước nhưng không chút khinh rẻ, đả kích, hạ thấp con người, đó chính là nét nhân văn. Nói về hình tượng nghệ thuật: ở đây Bươm bướm là bươm bướm, là sản phẩm độc đáo trong sáng tạo của Đỗ Minh Tuấn chứ không phải sự du nhập từ đâu, chúng ta không nên áp đặt quan điểm nghệ thuật vào đây… Từ thành công của cuộc tọa đàm này, chúng ta có thêm bài học kinh nghiệm cho những cuộc thi tiểu thuyết sắp tới, là nên có song trùng giữa chung khảo và tọa đàm, làm được điều đó sẽ có được những tác giả được đánh giá đúng, xứng đáng với giá trị giải thưởng.

Một lần nữa, xin chúc mừng nhà văn Đỗ Minh Tuấn, xin cảm ơn sự quan tâm của tất cả các anh chị và các bạn!

Tọa đàm kết thúc lúc 12h.

Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:

-----------

Ảnh: Đỗ Hiếu

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn