Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tọa đàm về tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” của Hữu Phương

PV - 14-11-2011 03:21:52 PM

VanVN.Net - Nằm trong khuôn khổ Chương trình của BCH Hội Nhà văn Việt Nam thảo luận kỹ về các tiểu thuyết được giải nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo những giá trị đỉnh cao cho thể loại này; cuộc tọa đàm đã diễn ra sáng nay, 14/11/2011 tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội), dưới sự chủ trì của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội với sự phối hợp của nhà văn Nguyễn Khắc Trường - Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà văn thuộc Hội đồng Văn xuôi. Nhà văn Hữu Phương đã từ Quảng Bình xa xôi cũng kịp có mặt. Đông đảo các nhà văn, nhà phê bình và báo giới đã cùng tham dự…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu những lời đề dẫn cuộc tọa đàm tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” và lần lượt mời các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình phát biểu.

Nhà văn Hữu Phương – tác giả “Chân trời mùa hạ”: Tôi có vốn sống về ba đề tài và đã nung nấu từ lâu. Một là nông thôn trong chiến tranh. Đó chính là làng quê tôi khốn khổ từ bao đời, đành sống nhờ rừng mà sống nhờ rừng thì rưng rưng nước mắt. May có đập Đá Mài để làng tôi có hai vụ lúa, tưởng sẽ đổi đời nhưng Mỹ mang bom đến phá, đẩy các số phận dân làng tôi mỗi người mỗi đau đớn khổ cực. Tôi đã viết nó ra, thành Chân trời mùa hạ, hay dở thế nào là tùy bạn đọc đánh giá. Hai là hậu trường chính trị ở một tỉnh và ba là đời sống nhà trường, nơi tôi có 20 năm tích lũy vốn sống.

 

GS Phong Lê: Tôi có may mắn ở trong Ban chung khảo cuộc thi tiểu thuyết giai đoạn ba và nhớ đã bỏ phiếu cho Chân trời mùa hạ đạt giải Nhì. Đây là cuốn sách viết về nông thôn trong chiến tranh, nó nằm trong hệ giá trị cùng với Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma; nó nối tiếp mạch sáng tạo của thế hệ chống Mỹ, đổi mới nhưng không phủ định. Nó đi vào nhiều góc khuất bi kịch, nó làm sống lại cả một thời, trở thành biên niên sử  của thời đại. Là người biết rất nhiều chuyện, kể lại rất nhiều chuyện đời. Nhưng ấy cũng lại là chỗ hạn chế của nó. Ví dụ như ông Duẩn bị lừa, đi tìm cái chết nhưng logic của sự kiện lại chỉ được viết vài ba dòng, không chuẩn bị kỹ cho sự kiện diễn ra. Ở đây thiếu một thủ pháp tiểu thuyết, như Solokhov khi cho cha để của Acxinha ngủ với con gái, anh trai cô dùng roi ngựa quất vào mặt cha, tính cách cu lắc đã biện minh cho thủ pháp và nó hết sức thuyết phục. Và Chân trời mùa hạ bị lẫn trong một thế hệ, một đội hình, không có bứt phá.

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Tôi đã biên tập cuốn sách cùng chị Lê Minh Khuê, thấy nó suôn sẻ. Không lủng củng như một số bản thảo. Tác giả có độ lùi nhất định sau cuộc chiến, bây giờ tái hiện có chọn lọc về ngay làng của mình, chân thực, thấu đáo. Tiếc rằng nó chưa chuẩn bị tâm lý cho pha ông Duẩn loạn luân. Tôi cũng đồng ý với GS Phong Lê, nhân vật Sơn đểu là cứ đểu ngay từ đầu, mọi tình thế diễn biến của cuộc sống chả tác động đến tính cách anh ta, gần như tác giả gán cho nó; như đã gán cho Thiện tốt thì cứ tốt từ đầu đến cuối. Anh Hữu Phương thuộc thế hệ tôi, không băn khoăn đến hình thức hay phương pháp thể hiện, mọi chuyện cứ diễn ra, kể ra chân phương, phẳng phiu mà thành, hay.

 

Nhà văn Lê Minh Khuê: Tôi thấy Hữu Phương và các nhà văn thế hệ các anh đã làm được một việc lớn là cứ nhẩn nha kể lại những khoảnh khắc ác liệt cũng như anh hùng của chiến tranh. Tôi mong các anh viết ra hết, chứ vài năm nữa lực bất tòng tâm, ai là người sẽ tái hiện cuộc sống đầy bi kịch của chiến tranh?

 

Nhà văn Văn Chinh: Văn hóa một vùng quê Quảng Bình tràn ngập các tranh sách, tạo cho nó cảm giác thật. Các trường đoạn Thiện – Sơn quần nhau ở vực suối, cái chết của Sơn mà tôi cho là tất yếu chứ không ngẫu nhiên như GS Phong Lê nhận xét; và lão Duẩn sau khi bị làm nhục đã lang thang đi tìm cái chết là rất hay, rất hấp dẫn. Chính trường đoạn lão Duẩn, một ông giáo với nhân phẩm kết tủa cả ngàn năm đức cao đạo trọng bị làm hoen ố đã cho thấy một góc khác vô cùng nghiệt ngã của chiến tranh, nó, chứ không phải là bom rơi đạn nổ đã lăng nhục con người, lăng nhục nhân phẩm cả ngàn năm dân tộc ta gìn giữ. Nhưng cái cớ của trường đoạn lại quá sơ sài, tôi thấy chả cần học Solokhov, anh hãy cứ học Hoàng Đình Quang trong Cánh đồng lưu lạc. Đứa con trai duy nhất đã ra trận và chết, lão bố chồng kiên quyết không chịu cho dòng họ mình cụt cuối đã âm mưu chiếm đoạt đứa con dâu để có một thằng con nối dõi, sau đó thì cam chịu nhục nhã. Một điểm yếu nữa của tiểu thuyết là thiếu một tư tưởng – chính nó sẽ quy chụm các trường đoạn và chi tiết, khiến tiểu thuyết có bố cục chặt, chứ không bị rời ra như nó đã rời ra.

Nhà thơ Đặng Hiển và nhà văn Tô Đức Chiêu đọc bản tham luận, toàn văn sẽ có trên giao diện này.

 

Nhà thơ Đỗ Hoàng: Tiểu thuyết của nhà văn Hữu Phươmg đã đạt được những thành công về nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, nghệ thuật sử dụng phương ngữ và tính chân thực của sự kiện…

 

Tiến sỹ Lý Hoài Thu: Tôi được nghe tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” qua chương trình đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi đọc tiểu thuyết  này, tôi nhận thấy tác giả Hữu Phương đã khắc họa những số phận người với đa phần là bị kịch và đau thương từ góc nhìn chiến tranh. Có một vấn đề lâu nay trong văn chương Việt Nam đề cập đến: đó là sự loạn luân, tôi mong muốn những nhà văn khi viết về chuyện này cần có sự chuẩn bị ký cho nhân vật của mình những tình huống hợp lý với diễn biến của tâm lý nhân vật trong không gian nghệ thuật. Tác giả cũng đã thành công khi sử dụng bút pháp chân phương, cổ điển…

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, với tư cách một người đọc và là người đã từng có 11 năm cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Trung, đã nêu ra những chi tiết thiếu chính xác khi Hữu Phương miêu tả vũ khí của Mỹ, ông nhấn mạnh: Cần phải có một sự “điều độ” khi đưa những mặt trái của chiến tranh vào tác phẩm, nếu không, chúng ta sẽ bị áp đặt cái nhìn méo mó về chiến tranh và nhất là những người đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến dành độc lập, thống nhất của dân tộc…

 

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên: Tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” có vẻ phẳng phiu, tròn trịa quá, hệ thống nhân vật chưa được đẩy lên đến tận cùng, điều đó khiến cho sức ám ảnh bị giảm đi, cũng khiến cho người đọc, cụ thể là tôi (Đỗ Ngọc Yên) cụt hứng.

 

Bìa cuốn tiểu thuyết "Chân trời mùa hạ"

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tổng kết buổi tọa đàm: Nhà văn Hữu Phương đã chọn lựa không gian làng quê nhỏ bé làm không gian nghệ thuật của tác phẩm. Từ không gian hẹp đó tác giả khai thác đến tận cùng số phận con người, vì thế từ mỗi số phận lại mở rộng ra cả dân tộc. Bút pháp cổ điển là sự chọn lựa thích hợp cho tiểu thuyết này. “Chân trời mùa hạ” đã chạm được đến vấn đề của cuộc chiến, vấn đề nhân cách con người: hèn hạ hay kiêu hãnh, hiến dâng hay ích kỷ, tiểu nhân hay anh hùng…

Xin cảm ơn tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo và bạn đọc yêu mến và quan tâm đến tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung.

Buổi tọa đàm kết thúc lúc 11h45.

---------------

Ảnh: Đỗ Hiếu

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn