Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Đánh giá sơ bộ tình hình mưa lũ lưu vực sông Mê Kông 2011

Tô Văn Trường - 03-10-2011 11:14:30 AM

VanVN.Net - Năm 2011 là năm khá đặc biệt về khí hậu thời tiết, trong cùng lúc cả 3 miền Trung Nam Bắc đều chịu ảnh hưởng tác động của mưa lũ. Riêng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lũ năm nay lớn, có số nơi đỉnh lũ vượt cả trận lũ lịch sử năm 2000.

Lũ ở ĐBSCL có đặc điểm khác hẳn các nơi khác vì mực nước dâng lên từ từ mỗi ngày trung bình khoảng 20 cm. Từ xa xưa, ông cha ta khi đi khai hóa vùng đất này đã gọi là mùa nước nổi. (chỉ khi nào nước quá lớn mới gọi là lũ).  Lũ ĐBSCL ngoài các mặt gây tác hại đến sinh mạng, tài sản cơ sở vật chất của người dân còn mạng lại nhiều mặt lợi như thủy sản, phù sa và vệ sinh đồng ruộng.

1. Một số đặc điểm chính tình hình mưa trên vùng hạ lưu vực Mê Công:

Quan trắc các số liệu năm 2011 cho thấy phân bố mưa không đều trên vùng hạ lưu của  lưu vực sông Mê Công theo không gian và thời gian.

Khu vực thượng, trung lưu vùng hạ lưu của lưu vực sông Mê Công từ Chieng Saen (Thái Lan) đến Strung Treng có lượng mưa vượt mức trung bình nhiều năm (TBNN) và lớn hơn rất nhiều so với lượng mưa cùng kỳ năm ngoái, 2010.

Hình 1. Biểu đồ mưa tích lũy 3 trạm chính từ thượng lưu xuống hạ lưu sông Mê Công

 

Lượng mưa khu vực hạ lưu từ Kratie – PhnomPenh và khu vực sông Tonle Bassac tại Prek Dam và Koh Khel ở mức cao hơn mức trung bình nhiều năm. Phần hạ lưu vùng đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện qua 2 trạm chính là Tân Châu (dòng chính Mê Công) và Châu Đốc (sông Bassac) đều vượt mức trung bình nhiều năm và lớn hơn cùng kì năm 2010 rất nhiều.

 

Xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực trung lưu, đặc biệt từ Paksane đến Pakse trong khoảng thời gian giữa tháng 9. Các hình thế thời tiết gây mưa chủ yếu trên lưu vực sông Mê Công gồm: sự hoạt động mạnh và liên tục gió mùa Tây Nam gây mưa nhiều khu vực hạ lưu; sự xuất hiện thường xuyên của các dải hội tụ nhiệt đới, là nguyên nhân chính gây mưa lớn khu vực trung lưu và gây ra lũ ở lưu vực sông Mekong.

2. Một số đặc điểm chính tình hình lũ trên dòng chính vùng hạ lưu - lưu vực sông Mê Công:

- Mực nước dòng chính Mê Công từ Chiang Saen đến Chiang Khan ở mức trung bình nhiều năm vào nửa đầu tháng 9 và cao hơn mực TBNN từ giữa tháng 9 trở đi. Tại Vientiane, quá trình lũ gần như dao động quanh mức trung bình nhiều năm, có thiên cao ở một số thời đoạn nhất là tháng 9 như nêu trên. Từ Vientiane/Nong Khai, khu vực trung lưu đến vùng hạ lưu tại Phnom Penh và khu vực đồng bằng tại  Tân Châu, Châu Đốc, mực nước sông Mê Công đều cao hơn mức TBNN.

- Trong tháng 9, sự xuất hiện liên tục của dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn, đặc biệt khu vực trung lưu. Mực nước dòng chính và các sông nhánh từ Paksane đến Pakse lên nhanh từ 12/9 đến 22/9 và tại nhiều vị trí trên dòng chính, mực nước đã vượt mức báo động (alarm level) và mức cảnh báo lũ (flood level).

Hình 2. Mực nước dòng chính Mê Công tại Pakse vượt mức cảnh báo lũ từ 18 – 24/9


- Do ảnh hưởng của lũ tuyến trên tại khu vực trung lưu, cùng với hoạt động của gió mùa Tây Nam gây mưa thường xuyên ở vùng hạ lưu và khu vực đồng bằng châu thổ, mực nước hạ lưu sông Mê Công lên nhanh trong nửa cuối tháng 9. Từ Strung Treng đến Tân Châu, Châu Đốc, mực nước sông đều vượt mức báo động từ ngày 22/9. Riêng mực nước tại Tân Châu đã vượt mức cảnh báo lũ (cấp báo động 3) từ 25/9.

Hình 3. Mực nước dòng chính Mê Công tại Tân Châu vượt mức cảnh báo lũ từ 25/9


Theo số liệu thống kê trong khoảng 30 năm trở lại đây, năm 2000 là năm lũ lớn (Lũ lịch sử đối với ĐBSCL) . Đường quá trình mực nước được minh họa ở hình 4 cho thấy mực nước tại Kratie và Kompong Cham đã cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Chưa nhận định đây là đỉnh lũ năm 2011 tại 2 vị trí này vì tình hình mưa, lũ trong tháng 10 còn diễn biến  rất phức tạp.

Hình 4. Mực nước dòng chính Mê Công tại Kratie và Kompong Cham cao hơn mực nước đỉnh lũ năm 2000


Năm ngoái, tôi tham gia đoàn chuyên gia của Việt Nam ghé thăm, làm việc với Trung tâm quản lý và giảm nhẹ lũ, nay đồng thời là trụ sở của Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công (MRC) tại Campuchia do Nhật Bản tài trợ xây dựng địa hình khá đẹp. Nay thì mực nước sông đã cao hơn nền tại cổng sau của Trụ sở nơi sát với bờ sông Bassac.

3. Nhận định sơ bộ trong thời gian nửa đầu tháng 10/2011:

- Mực nước trên dòng chính tại vùng thượng lưu của hạ lưu vực sông Mê Công đã đi xuống. Ở khu vực trung lưu, mực nước dòng chính có xu thế xuống trong thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10 nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tháng 10 vẫn là thời gian lũ chính vụ ở đồng bằng, các hình thế thời tiết xấu sẽ xuất hiện nhiều. Do đó, có khả năng mực nước lũ tại khu vực này sẽ lên lại, duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian giữa tháng 10.

- Khu vực lưu hạ lưu từ Phnom Penh đến vùng đồng bằng châu thổ, mực nước vẫn có xu thế lên và duy trì ở mức cao do sự bổ sung nước của lũ trung lưu truyền về.

- Đỉnh lũ tại các vị trí quan trắc trên dòng chính thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Công xuất hiện muộn so với chuỗi số liệu thống kê 30 năm trở lại đây. Khu vực hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức đỉnh lũ năm vào ngày 1 – 2 tháng 10 với giá trị dự báo tương ứng là 5.0m và 4.4m.

4. Tình hình phòng chống lũ ở ĐBSCL

Sau trận lũ lịch sử năm 2000, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã quan tâm chỉ đạo cho rà soát, cập nhật, thực hiện Quy hoạch kiểm soát lũ ở ĐBSCL. Nhiều công trình kiểm soát lũ (tiêu biểu như công trình thoát lũ ra biển Tây) và hệ thống cụm tuyến dân cư  được tiếp tục xây dựng theo các thông số mới nên đã góp phần đáng kể trong việc chủ động phòng tránh lũ.

Tuy nhiên, do gần đây có chủ trương tăng diện tích sản xuất  vụ Thu Đông nhưng hệ thống công trình bờ bao lại chưa tương thích nên gặp trận lũ lớn như 2011 gây ra tình trạnh số nơi bị bể bờ bao. Trước đây, nhà nước vẫn quy định lũ báo động cấp 3 tại Tân Châu là 4,2 m. Nhớ lại hội thảo tổng kết về lũ  năm 2000 tại TP.HCM do Cố vấn Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chủ trì, tôi có bản tham luận, trong  phần kiến nghị có 1 điểm  phải xem xét lại mức quy định báo động vì 4,2 m tại Tân Châu là “lũ đẹp” người dân mong muốn, vì sao nhà nước lại cho là báo động cấp 3? Sau đó, nhờ sự quan tâm của Bộ Khoa học công nghệ, đề tài nghiên cứu luận chứng cơ sở khoa học cho nhận dạng, kiểm soát lũ được thực hiện, trong đó đã có mục phân tích đánh giá, chính thức kiến nghị nâng mức báo động lũ ĐBSCL ở Tân Châu từ 4,2 m lên 4,5 m.

Kết luận:

Để kịp thời nhận định đánh giá tình hình lũ ĐBSCL, xin phép được trích nguyên văn mail của Anh Bẩy Nhị nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, người đã từng nhiều năm  lăn lộn với thưc tế, trực tiếp chỉ đạo viết đề án 31 về chống lũ của tỉnh, nay đang “sống chung với lũ”  để kết thúc cho bài viết này:

Trong đề án 31 của tỉnh năm 2002 có  nói: Nước vượt báo động 3 là "Lũ lụt - thiên tai", còn dưới báo động 3 là mùa nước nổi,  bình thường. Có chỗ nầy xin hỏi lại anh Trường: Tôi nhớ hồi tôi còn làm ở UB, mức báo động 3 là tại Tân Châu 4,20 mét, nhưng sao nay lại 4,50 mét?. Hỏi Uỷ ban  tỉnh, nhưng đ/c Phó chủ tịch  mới nên chưa trả lời. Anh cho tôi biết dùm nhé.

Hồi thông qua qui hoạch lũ ĐBSCL, Bộ NN & PTNT  qui hoạch chống lũ triệt để từ bờ Đông sông Tiền lên đến hết Cao Lãnh  trở về Long An, Tiền Giang.  Ở An Giang,  thì có hai huyện cù lao Chợ Mới và Phú Tân nằm trong qui hoạch. Tôi đề nghị cho An Giang  thêm Thị xã  Long Xuyên, huyện Thoại Sơn và một phần diện tích sản xuất  lúa của những huyện còn lại, tổng diện tích  khoảng 80 ngàn héc-ta. Và nếu vậy thì nước dâng thêm bao nhiêu?. Tôi hỏi ngay anh và anh tính toán rồi trả lời là 10 phân. Tôi báo cáo lại ban lãnh đạo tỉnh tinh thần đó và thống nhất đưa vào "qui hoạch bờ bao chủ động sản xuất" để né câu nói tắt: "Chống lũ triệt để" mà cũng không ít giáo sư khác phản đối. Đề án 31 tôi viết và ký tên "Sản xuất trong mùa nước nổi" có vận dụng ý đó để chứng tỏ tính khoa học chớ không phải tôi dốt nói càn.

Thực tiễn gần 10 năm qua, diện tích sản xuất vụ 3 (Thu-Đông) ngày một tăng, vì là mùa thuận thời tiết - khí hậu (trừ nước lũ) và ứng vào thời điểm thị trường thế giới cần gạo (được giá)nên năm nào cũng trúng mùa, trúng giá. Nông dân lúc đầu nhiều người không đồng tình, rồi đồng tình và làm hăng đến mức không nghe chánh quyền khuyến cáo: Không sản xuất  để xả lũ. Có nơi họ hăng đến mức xuống giống đại rồi đi kiện chính quyền hoặc làm tự phát rồi chính quyền  phải theo. Ở Đồng Tháp cũng vậy. Các Ông thầy lúc đầu phản đối, rồi sau cũng yên. Có lần tôi nói với anh Võ Tòng Xuân: "Vụ nầy anh phải nhường để cho tôi làm, anh phản biện tôi nghe nhưng không phản biện lên báo đài". Anh Xuân làm thinh là nhất trí.

Từ đó, An Giang  hăng hái sản xuất, năm nay vụ 3 lên đến trên 120 ngàn hec-ta. Mấy ngày qua tỉnh huy động hàng vạn bộ đội, cán bộ, nhân viên, đoàn viên...ngày đên cứu lúa, nhưng mấy nơi mới làm đê bao sau nầy chưa đủ sức nên có bị bể, ngập hàng ngàn héc-ta và có thể còn tăng thêm. Thiệt hại không nhỏ, nhưng không vì thế mà không thắng lớn trên diện tích  lớn còn lại, bởi tình hình giá gạo Thái Lan và thế giới  hiện nay như ta biết.

Kinh nghiệm rút ra cho thiệt hại lần nầy cũng đơn giản là lấy cốt nước 4,50 - 5 mét ở Tân Châu làm chuẩn để gia giảm cho các công trình xây dựng  nói chung, trong đó có bờ bao. Còn bà con có lúa bị ngập thì chính quyền  phải có hỗ  trợ bù đắp để lo sản xuất  vụ sau (Đông Xuân). Chánh phủ giúp địa phương để lo cho dân trên tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm đã từng trải về món nầy rồi, không nên làm ồn ào, tỏ vẻ lo cho dân mà gây nên "Tang tóc hóa" làm nhụt ý chí người dân mà không tích sự gì như một thời thuở nào!.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn