Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Phiên bế mạc Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc VIII

PV - 10-09-2011 09:01:30 PM

VanVN.Net - Đại hội VIII bỏ các Ban phong trào, riêng Ban Nhà văn Trẻ không xóa, còn tăng cường hơn. Tôi có nói về các bạn rằng các bạn thêu thùa cho cá nhân thì khéo nhưng may vá cho xã hội thì vụng, ấy là lý tưởng, là cao vọng làm cho dân giầu nước mạnh cần tăng cường hơn nữa. Chúng ta cần nâng cao tính trách nhiệm với xã hội, trước hết là trách nhiệm với bản thân, với ngòi bút của các bạn. Và cuối cùng là trau dồi tài năng của chúng ta. Không thể không hiểu người, hiểu đời mà có tác phẩm lớn được đâu. Đừng băn khoăn nhiều các khái niệm, cần tìm cái mới nhưng không thể phá vỡ cấu trúc H2O của nước. Phá vỡ nó thì thành nước nhiễm trùng, không còn là nước nữa. Không quan tâm đến nỗi đau của con người thì văn học tự nó biến mất…

Trong phiên Bế mạc diễn ra chiều nay 10 – 9, Đoàn chủ tịch Hội nghị có sáng kiến “Bế mạc mở” với chương trình các nhà văn lão thành trao đổi tâm tình với các nhà văn trẻ.

Người được mời khai diễn đầu tiên là GS Phong Lê: Tôi rất mừng vì là lần đầu tiên dự Hội nghị Trẻ, lại được nói. Các bạn trẻ mặc dù “đội” trên vai năm, sáu thế hệ nhưng thanh thoát hồn nhiên. Tôi muốn các bạn ý thức vai trò lịch sử, chuyển mô hình sang hiện đại hóa các hoạt động văn chương lần thứ hai. Thời kỳ 30 – 45 đã hoàn thiện tích cực mô hình hiện đại hóa lần thứ nhất vào tuổi 20, chuyển bút lông sang bút sắt nay các bạn đã 35, chuyển động từ bút sắt bút bi sang vi tính này thuộc về các bạn; bằng tuổi Nguyễn Ngọc Tư hôm nay (35), Nam Cao mất và Chí Phèo đã có 10 tuổi đời. Sự khẩn cấp nằm ở đó. Qua Hội nghị này, tôi tin chắc sẽ có một diện mạo mới của văn học.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Đọc tham luận Lại ngẫm về cách tân đổi mới thơ. Không cách tân thì không thể tồn tại. Thật biết ơn biết bao việc cải tiến chữ Nôm để các thể thơ lục bát và song thất lục bát tung hoàng trên dòng chảy sáng tạo. Lại cũng cần biết ơn Thơ Mới, cụ Huỳnh Thúc Kháng uyên bác từng dọa “chém” những nhà thơ mới, ôi chao, cách tân đổi mới dẫu chỉ trong cái việc “mua vui”của chúng ta!

Tôi xin nói về quan hệ giữa truyền thống và hiện đại với các cặp câu thơ: 1 ca dao, 2 hiện đại:

Cây cúc đắng quên phận mình đang đắng

Nở hoa vàng dọc suối để ong bay. (Phạm Tiến Duật)

Ước gì có chút hương bồ kết

Để đá mềm ra đất ấm lên (Hữu Thỉnh)

Câu trước ca dao viết đã ngàn năm, câu sau phải là các chàng trai cuối thế kỷ XX mới viết được.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Thế hệ nào cũng có những bức xúc của mình. Thời của tôi thì khó khăn chiến tranh ác liệt, thời các bạn thì niềm tin sa sút, tin vào đâu khi báo chí toàn cái xấu? Mà không tin thì làm văn chương sao nổi? Nhưng cũng chính các bạn đã cho tôi câu trả lời của các bạn, hãy dấn thân để tìm ra điều kỳ diệu lớn lao.

Dịch giả Nguyễn Văn Dân: Tôi dự nhiều hội nghị nhưng chưa ở đâu tôi xúc động nhiều như ở đây. Đoàn chủ tịch không phải nhắc nhở trật tự, ở hành lang không có hội nghị nhỏ, Đoàn chủ tịch cũng ngồi nghe chăm chú. Ở chỗ khác chỉ sau nghi thức khai mạc, ngay cả Đoàn chủ tịch cũng bỏ đi lập ở đâu đó các hội nghị nhỏ. Thật là một thành công.

Tôi trình bầy chút ít kinh nghiệm bản thân mà không dám răn dạy ai, chỉ muốn, ví dụ thông qua các ý kiến của thế hệ trước, thế hệ mình mà mỗi người rút ra những kết luận cho riêng mình. Tôi không sợ văn học đề tài, không sợ chính trị hóa khô khan mà chỉ sợ không có tài; những phim của Đông Âu: Người thứ 41, Bài ca người lính; của Phương Tây như Z (cái cuối cùng của nhân loại là dân chủ) đều chính trị nhưng trở thành kinh điển vì tài năng. Vâng, chính trị liên quan đến hết thẩy mọi người.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Mấy hôm dự hội nghị, tôi thật yên tâm về các bạn. Không phải là cái các bạn đã viết ra, mà bởi sự chuẩn bị hành trang của các bạn; những vấn đề các bạn đặt ra trao đổi, kể cả những băn khoăn. Hồi một nhà văn trẻ bị địa phương xem xét, Hội và tôi đã bảo vệ, bảo vệ bạn ấy đến cùng và thành công. Nhà văn đừng lệ thuộc vào phương pháp, hãy thật yêu thật ghét và phải được Tự do. Đó là điều chúng tôi nghĩ về các bạn.

Còn bây giờ tôi nói về thế hệ chúng tôi đối với nhau. Cũng yêu thương và bảo vệ nhau chí tình.

Nhà văn Xuân Cang: Tôi có lắng nghe và thích lắm, nhất là sáng nay. Nhưng thú thật hôm qua nghe thì vì các văn bản lịch lãm quá mà thành không nhiều lợi ích. Hãy nói thật và không tự kiểm duyệt. Viết bằng vô thức chứ chớ theo phác đồ. Nguyễn Xuân Khánh viết Mẫu thượng ngàn chỉ có hai chương đầu viết theo ý đặt ra nhưng sau thì tự ngòi bút nó điều khiển. Tôi khuyên các bạn viết trong vô thức, để nhận được tương hỗ của Trời, của tạo hóa. Hãy lặn sâu vào tâm hồn, tâm linh mình thì gặp mệnh mình; chứ lặn sâu xuống đáy đại dương thì có khi… toi.

GS Hồ Ngọc Đại: Có hai chữ phải lo: Sống đã! Nhưng sống như thế nào thì cần lưu ý nhân tố, làm gì để sống và để sống tốt hơn? Bây giờ hội nhập người ta trả lời câu hỏi “Học để làm gì?” rằng 1, để biết, 2 để làm, 3 để sống chung và 4 để làm người. Vậy ngày xưa 95% dân cư không đi học sao vẫn thành người? Viết văn cũng thế thôi, viết làm gì? Viết để làm người, làm chính mình. Học cũng thế. Học để làm chính mình. Tôi nghe các bạn nói muốn tự làm chính mình, tôi mừng lắm, mừng chảy nước mắt.

Nhà thơ Lê Thành Nghị, Chủ tịch HĐLL – PB Hội Nhà văn VN: Cái sự giống nhau quá, đúng quá chợt làm cho tôi suy nghĩ: Không thể cãi lại các bạn được. Cú đề pa này đã được chuẩn bị kỹ lắm. Nhưng cũng lo, giống nhau quá, đúng quá cũng dễ nhạt và khô cứng. Nhà cụ Nguyễn Du với Nguyễn Công Trứ rất gần nhau nhưng khác rất xa nhau, và cùng lớn. Xuân Diệu - Huy Cận cũng vậy. Văn học cần sự khác nhau.

Hội nghị này có 11 người làm lý luận phê bình, thế là nhiều nhưng quý hơn là các bạn viết chắc chắn, trí tuệ, chững chạc hơn hẳn thế hệ tôi vào thời bằng tuổi các bạn hôm nay. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh nói, các bạn đến từ tương lai, xin chúc mừng các bạn; nhưng xin lưu ý, cả tuổi già cũng đang chờ đón các bạn.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nhà thơ Hữu Thỉnh trao tặng bức trướng cho Hội Văn học Nghệ Thuật Tuyên Quang

Thay mặt Đoàn chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết Hội nghị:

Bồi dưỡng các thế trẻ là việc sống còn của Hội Nhà văn Việt nam. Thật khó tổng kết dù tôi làm công tác nhà văn trẻ từ năm 1983. Mục đích của hội nghị là tập hợp, tạo diễn đàn và lắng nghe bạn trẻ để tìm mọi cách tốt nhất hỗ trợ các bạn, cuối cùng là khảo sát lực lượng; nếu căn cứ vào mục đích thì hội nghị đã thành công.

Toàn bộ công tác bồi dưỡng nhà văn trẻ là quá trình lâu dài bền bỉ mà Hội nghị như thế này chỉ là điểm nhấn của chúng ta. Đại hội VIII bỏ các Ban phong trào, riêng Ban Nhà văn Trẻ không xóa, còn tăng cường hơn. Tôi có nói về các bạn rằng các bạn thêu thùa cho cá nhân thì khéo nhưng may vá cho xã hội thì vụng, ấy là lý tưởng, là cao vọng làm cho dân giầu nước mạnh cần tăng cường hơn nữa. Chúng ta cần nâng cao tính trách nhiệm với xã hội, trước hết là trách nhiệm với bản thân, với ngòi bút của các bạn. Và cuối cùng là trau dồi tài năng của chúng ta. Không thể không hiểu người, hiểu đời mà có tác phẩm lớn được đâu. Đừng băn khoăn nhiều các khái niệm, cần tìm cái mới nhưng không thể phá vỡ cấu trúc H­2O của nước. Phá vỡ nó thì thành nước nhiễm trùng, không còn là nước nữa. Không quan tâm đến nỗi đau của con người thì văn học tự nó biến mất.

Chụp ảnh lưu niệm bế mạc Hội Nghị

Ngày mai, 11 – 9, Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ VIII sẽ hành hương về Tân Trào, Định Hóa (Thái Nguyên) và sẽ dự tiệc chiêu đãi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên ở hồ Núi Cốc vào cuối giờ chiều. Sau đó sẽ về Hà Nội.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...