Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Dịch – cầu nối văn hóa nhân loại

TSKH Phan Đình Tân - 30-11-2011 09:20:16 AM

VanVN.Net - Dịch – chuyển ngữ, phiên dịch, thuyết minh... là sự chuyển đổi giữa các loại ngôn ngữ, văn tự để diễn đạt cùng một thông tin, là quá trình hoán chuyển ngôn ngữ gốc (nguồn) sang ngôn ngữ khác (đích). Sự “Bất đồng ngôn ngữ" là nguyên nhân chính ra đời khoa học Dịch, trong đó có bản chất và những vấn đề phát sinh, vấn đề khách quan và chủ quan.

Dịch hiện diện khắp mọi nơi trong đời sống nhân loại, tồn tại từ khi có loài người. Đến nay, ước tính có khoảng 6000 ngôn ngữ nói của con người và đồng thời cũng dự báo, ước chừng hàng năm có khoảng 25 ngôn ngữ biến mất, có nghĩa là một thế kỷ nữa ngôn ngữ được nói trên toàn cầu sẽ giảm thiểu khoảng một nửa. Như vậy, ngôn ngữ tiếng nói, phải chăng đã và đang vận hành không ngoài giới hạn của sự “tuyển chọn đào thải tự nhiên”?

Rất nhiều câu hỏi xác đáng về Dịch được đặt ra, cùng nhiều “phiền toái” về ngôn ngữ, tiếng nói cần được nghiên cứu, hoạch định, triển khai để khám phá thêm tiềm năng ngôn ngữ, nhất là trước xu thế toàn cầu hoá, đô thị hoá tăng mạnh. Trong khi, nhiều vấn đề từ nguồn cội, kinh điển, đến những vấn đề mới mẻ, hiện đại, như vẫn chưa thoát ra cái gọi là “cuộc truy tìm một ngôn ngữ hoàn hảo”, hay khẳng định vị thế ngôn ngữ “độc nhất”, “lý tưởng” nào đó, được đặt ra trước những ngôn ngữ tự nhiên, phổ biến, thông thường. Trên cơ sở những khảo cứu khoa học, từ bằng chứng cổ đại nhất về Dịch (Tấm đá Rosette, với ba ngôn ngữ về Luật xứ Sumer, dịch Kinh Thánh của Martin Luther…) cho đến những trường hợp hết sức đặc thù về các thứ tiếng: Thổ, Nga, Trung quốc, Pháp, Bỉ, Canada, Hébreu hiện đại, Mỹ, Espéranto (ngôn ngữ lý tưởng)... cho thấy trong bức tranh về Dịch, thật nhiều lớp trầm tích, những “nếp nhăn” trong tinh thần nhân loại – không gì thay thế được. Dịch, chính là Chiếc cầu Văn hoá của quá khứ-hiện tại-tương lai, là Chiếc cầu văn hoá vĩnh cửu, bởi văn hoá chính là động lực của mọi bình diện liên quan đến con người và chỉ tồn tại ở xã hội loài người.

Trước khi tiếp cận công trình này, rất có thể còn không ít ý kiến băn khoăn về vị trí của Dịch, thậm chí, đã có những phân vân về vai trò của Dịch, coi Dịch như “bàn tay thứ cấp”, “hạng hai”... nhất là đối với các hoạt động sáng tạo! Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu... nói về Dịch và còn để lại một khoảng trống trong nhận thức chung. Có ý kiến, coi “dịch là phản”; hoặc “dịch là sáng tạo”; cũng có ý kiến về vai trò của dịch giả “là con khỉ của nhà văn”; thậm chí khẳng định “dịch là bất khả”, hay ở một số chuyên ngành (như sáng tác Thơ, Kinh...) thì “không thể dịch”...?

Đó mới là một khía cạnh khi đối mặt với sáng tạo văn học. Nếu để ý kỹ hơn, còn rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá -xã hội, khoa học-công nghệ, pháp luật... chắc rằng, sẽ còn muôn vàn câu hỏi cần đặt ra với Dịch. Cũng chính vì sự phức tạp đó, ít nhiều khiến ta liên hệ đến Dịch qua câu truyền miệng dân gian: “sai một ly đi một dặm”. Ví dụ khi dịch văn học có thể có sự tự do (tương đối) diễn dịch (dù vẫn bám sát nội dung, nhưng không nhất thiết phải diễn dịch 1-1) và điều đó khác với việc dịch các thuật ngữ và công trình khoa học, đòi hỏi tính chính xác cao của ngôn từ, tính thống nhất phạm trù ngôn ngữ, ngữ pháp, cú pháp, ngữ nghĩa.

Có quan điểm cho rằng bản dịch hoàn hảo là một bản dịch tương đương với bản gốc từ nội dung cho tới hình thức, song yêu cầu này rất khó thoả mãn, thậm chí bất khả thi trong thực tế vì sự khác biệt giữa văn hoá và ngôn ngữ. 

Đã có ý kiến cho rằng Dịch - chỉ đơn thuần là sự chuyển tải nội dung ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ khác, như vậy sẽ thiên về coi trọng hình thức ngôn ngữ hơn nội dung là nguyên nhân khiến nhiều văn bản, cái hay, cái đẹp, sự tinh tế, tính sâu sắc không được lưu tâm đúng mức vì chỉ chuyển tải một cách máy móc, đơn thuần, khô cứng, ở những văn bản, văn chương đó thì điều cần thiết không chỉ đơn thuần chuyển ngữ mà quan trọng hơn là phải chuyển dịch cả văn hoá.

Bản dịch được coi là hoàn hảo chỉ khi trở thành kết quả thể hiện được giá trị tương ứng về chuyển dịch văn hoá của văn bản gốc đối với văn hoá của văn bản dịch, cho phép người dịch được tự do kiến tạo để đạt được hiệu quả cao nhất của văn bản gốc (nguồn), có thể trở thành một sản phẩm dịch được người đọc đón nhận mà không biết đó là một bản dịch (Dịch – sáng tạo).

Chính vì vậy, tác giả F.Ost ngay trong công trình này đã kể lại một câu chuyện dí dỏm về việc thực hiện trên computer “công cụ ngôn ngữ Google” tiến hành dịch ra tiếng Đức một câu tiếng Pháp: “Và, Thượng đế đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài”, sau bốn lần ngược xuôi giữa tiếng Pháp và tiếng Đức, Google đề nghị câu dịch là “Và, con người đã sáng tạo ra Thượng đế theo hình ảnh của mình”!

Dịch được thể hiện trong Hiến chương Liên hiệp quốc, trong Công pháp quốc tế cũng như trong Hiến pháp của nhiều quốc gia với những khế ước ngoại giao đa ngôn ngữ. Và để nghiên cứu sâu rộng, cũng như đặt lại đúng vai trò, vị trí của Dịch, đã có một khoa học dịch thuật ra đời bằng các Lý thuyết dịch thuật từ trước thế kỷ 19 cho đến nay với tên tuổi của các nhà khoa học: Wittgenstein, Sausure, Martin Luther, anh em Grimm, Schlegel, Hölderlin, M.Yagello, Quine, Grégoire, Humbollt, Ben Yehuda, Zamenhof, Borges, Hagège, Perrault, Freud, M.d.Launay, Dryden, Benveniste, Dolet, Tytler, Sallis, Schleiermacher, Jakobson, Nida, Newmark, Kolle, Van Leuven - Zwart, Halliday, Chesterman, Lambert, van Gorp và Trường phái Manipulation, Venuti, Steiner, Ezra Pound, Walter Benjamin, Mary, Mason, Snell - Hornby, Derrida, Merleau - Ponty, AleinRey, Bonefoy, Paul Ricœur, R.Bathes, U.Eco, Ladmiral, Heidman, G.Orwell, Lyotard, Kuhn, Calvet Thévenol, Bontanski, Rawls, Habermas, Anne Richter, Bordieu, B.Cassin, H.Meschonnic, Walzen…

Sự phức tạp của dịch đã được đúc rút bởi Nhà khoa học dịch Koller khi đề cập "5 tính tương đương" trong quá trình dịch:

1) Tương đương nghĩa hẹp (Denotative Äquivalenz), trong đó có ít nhất 6 loại quan hệ tương đương: tương đương 1-1; tương đương 1-n; tương đương n-1; tương đương n-n; tương đương 1-0 (Một ngôn ngữ có một hay nhiều từ mà ngôn ngữ kia không có); tương đương từng phần (có một từ gần nghĩa với một từ của ngôn ngữ dịch);

2) Tương đương nghĩa rộng (Konnotative Äquivalenz) (thay đổi tuỳ người sử dụng và/hoặc ngữ cảnh, hoàn cảnh, chứa đựng tính ẩn dụ (tiếng lóng, tiếng địa phương, lối chơi chữ, tượng thanh, tượng hình, câu đố, câu đối, thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ...). 

3) Tương đương chuẩn (Textnormative Äquivalenz);

4) Tương đương ngữ dụng (Pragmatische Äquivalenz);

5) Tương đương mỹ hình (Formal-Ästhetische Äquivalenz), được hiểu là tương tự về thẩm mỹ trong việc tạo hình.

 Để có công trình thật bao quát về Dịch, phải cần kiến thức đa ngành.

“Dịch - sự bảo vệ và minh giải đa ngôn ngữ” do Phạm Dõng và Đa Huyên dịch và hiệu đính là công trình như vậy. Công trình này, được Luật gia, triết gia Francois Ost, Phó Viện trưởng, phụ trách các Phân khoa Đại học Saint Louis tại Bruxelles, thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia khoa học và văn học nghệ thuật nước Bỉ thực hiện. Qua 11 chương sách, từ những câu chuyện cổ xưa trong kinh Thánh cho đến Chính sách của Liên hiệp châu Âu đối với những ngôn ngữ, từ triết học ngôn ngữ đến đạo lý nhà phiên dịch, từ không tưởng về ngôn ngữ hoàn hảo đến sáng tạo... giúp chúng ta bổ túc rất nhiều về tri thức, về vai trò Chiếc cầu Văn hoá không thể thay thế của Dịch.

Trong xu thế xuất hiện cái gọi là “Trung tâm văn hoá, văn minh” mà phủ nhận các luồng văn hoá, văn minh khác thì công trình này, không chỉ cần thiết đối với các nhà nghiên cứu (trên nhiều lĩnh vực), dịch giả, nhà văn, sinh viên, nghiên cứu sinh, đặc biệt thuộc các chuyên ngành Khoa học xã hội và nhân văn... mà còn giúp ích rất nhiều cho những nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, trong việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ - đặc trưng văn hoá, phát huy tính đa dạng các biểu đạt văn hoá trước xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá hiện nay. 

Chính vì vậy F.Ost đã viết: “Việc mở cửa hướng đến những nền văn hoá và những ngôn ngữ khác không hề đồng nghĩa với sự suy yếu của tiếng Pháp, trái lại là đằng khác. Ngôn ngữ Pháp chính là một ngôn ngữ tự trở nên phong phú qua những trao đổi với ngôn ngữ khác. Qua phiên dịch, mỗi ngôn ngữ đều lớn lên và có giá trị hơn; tiềm năng biểu hiện của chúng phát triển và làm giàu cho nhau, nguồn lực riêng của chúng pha lai nhau và trở nên nhiều hơn gấp bội” (Lời bạt).

Xin được ghi nhận những đóng góp đầy nỗ lực, tâm huyết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả, Nhà xuất bản Lao Động và FTP trong việc cho ra mắt công trình rất giá trị này.

Hà Nội, ngày 1/11/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn