BA CHÀNG THI SỸ ẤY ĐÃ RA ĐI…
Nhà thơ Dương Kiều Minh
Nếu dựa vào địa đồ nước Đại Việt hồi trước năm 1831, thời vua Minh Mạng, thì cả ba người này đều ở đất xứ Đoài– một miền đất sơn cước rộng lớn như cái vỏ áo bao bọc lấy phía trên miền hạ du sông Hồng và là cái đai đất bán sơn địa, trời trộn đá ong nhiều hơn đất vào tâm tình con người làm thành một khoảng trống cằn cối nối với vùng thượng du bạt ngàn rừng núi. Vùng đất thời ấy bao gồm một địa vực các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và một phần Tuyên Quang… làm thành phên dậu cho phía Tây thành Thăng Long. Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã từng ca ngợi đây là miền quê nhân vật và phong tục thuần phác, đôn hậu. Dần dần, người ra thu hẹp lại cái ý tường xứ Đoài nghìn năm mây trắng chỉ còn tỉnh Sơn Tây. Cả Lãng Thanh, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh đều đã rời xứ ấy đi ở với thiên thu. Họ không bao giờ nói thêm được gì nữa về bản thân và thi ca của họ.
Câu chuyện cổ tích cảm động về thơ và cuộc đời Lãng Thanh xốn xang tình đời, tình thi sỹ. Anh làm thơ rất sớm, từ tuổi hoa niên, chưa kịp in báo và in sách lần nào trước khi lưỡi dao định mệnh cướp sự sống thi nhân vào một trời trưa oan nghiệt và thảm khốc. Anh để lại bản thảo chừng độ 10 bài thơ. Sau này tìm thấy tất cả chỉ hơn 20 bài. Hai bài viết trước 1996 gồm Thơ trước tuổi 21 có 9 đoạn. Thực ra là 9 bài và Bài ca trái tim – những truyền thuyết về tình yêu và kỷ niệm. Đã manh nha một cái gì đó là lạ chưa định hình. Một lối thơ tự do mạch chậm, giãi bày cảm xúc trong sáng giản dị hồn quê bâng khuâng bóng nước. Trái tim thi sỹ ẩn chứa bóng hoa bèo tím ngát mỗi buổi người em bé nhỏ nơi đỏ thành xa ngắt trở về… Thơ trước 1996 chỉ phảng phất chất siêu thực ở từng câu, từng đoạn. Dường như thi nhân còn đang khép nép với bộ cánh mởi mẻ khi chuẩn bị bước vào làng thơ. Nhưng tất cả, tất cả đều ngân lên bằng cảm xúc tinh tế và phương thức biểu đạt trực diện trong một ngôn ngữ thơ giản dị mà chân thành. Tựa như là: Tiếng lông chim rơi chậm hơn là giọt mưa thanh thót. Hay như là Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm. Dường như không thể chờ đợi và chậm trễ hơn được nữa, cảm xúc thơ Lãng Thanh bùng nổ sau năm 1996. Vẫn là tiếng lòng ấy, tiếng kêu đau đớn đứt đoạn về tình yêu, những xao xuyến khôn nguôi về tình mẫu tử, những bi kịch máu và nước mắt của oan hồn, những mùa thu chưa cắt nắng ngang chừng để đêm xuống rơi như một giọt mực. Những bông hoa phù dung hết chậm như nghiên mực nhà nho… Lãng Thanh phủ lên thơ mình một lớp màu siêu thực đầy hoang dại và mới lạ. Những bài thơ hoàn hảo đến ngạc nhiên. Thư pháp. Những mảnh vỡ. Mùa thu I. Hai mươi mốt tuổi. Hồi kịch bất kỳ. Ghi chép nhỏ. Hàng cơm chay. Bài ca Phương Đông. Từ chiếc ốc đến thị trường chứng khoán. Con mèo đen… Một tập hợp những mảnh vỡ siêu hình lấp lánh tâm trạng làm thành vẻ đẹp của thơ… Đó là năm 21 tuổi bàn chân ngủ dưới đất, đôi mắt ướt nỗi buồn lang thang, đã ưa màu đỏ đặc sản của máu vì nó tỏ ra không gì hợp với màn hài kịch để lắng nghe thời gian hiện hình về trong âm thanh buồn bã và màu sắc lạ lùng của sự sống.
Nhà thơ Lãng Thanh
Tiếng ve sầu thu gom rừng già
Cặp môi màu hoa gạo rơi xuống giữa đường biên.
Ngắt ngang nửa mặt bên phải đang già hơn nửa kia bên trái.
Bài thơ Hồi kịch bất kỳ là một bức tranh siêu thực, phi lô gic giữa sa mạc mọng nước đẹp mê hồn mà cô đơn, cánh kiến mỏng như vàng quỳ và thiên thần đã khóc trong sự viên mãn đầy nhân tính của cõi người.
Thiên thần òa khóc đàn bò nhanh nhánh vàng đen
Hít căng bầu gió
Trong có nắng nặng mùi sữa người.
Đọc thơ Lãng Thanh, ta gặp một lối tư duy thơ độc đáo, một lối tư duy siêu hình thường dựa trên nền tảng từ cái phi lý đến cái có lý, đi qua cái vô hình để tiếp cận cái hữu hình. Và ngược lại. Cái phi logic làm sáng tỏ cái logic… Với cách tư duy như vậy, làm được thơ hay phải là những thi sỹ có tài năng.
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc
Đặc trưng tiêu biểu của thơ Lãng Thanh ở những bài thành công nhất là sự đan xen giữa hình tượng thơ hiện thực một cách tinh khôi, giản dị với hình tượng được cảm xúc chắp cánh bởi sự tưởng tượng kỳ diệu của siêu thực để từ đó làm sâu sắc những ý tưởng xã hội và triết ký nhân sinh. Bài thơ Những mảnh vỡ là một ví dụ điển hình cho đặc trưng ấy. Bắt đầu bằng sự miêu tả hiện thực tinh tế: và chiếc lông chim rơi chậm hơn là những giọt mưa thánh thót. Liền sau đó là những âm thanh và tiếng vọng siêu hình:
Tôi trầm ngâm dạo trong nhà bảo tàng
Nghe hàm răng đã cười sáu ngàn năm trong miệng đất
Tiếng loảng xoảng gươm khua, tiếng hát ru từ các bộ xương.
Rồi tiếp đến là một thế giới siêu thực khi cánh cò trắng muốt cắt ngang bầu trời, Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà, Bầu trời bên phái kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi… Cứ ngỡ không thoát ra được một thế giới bị phân đôi mong manh miền giới hạn mà Lãng Thanh lại có thể tỉnh táo trở về hiện thực đời thường trong lời hứa: tôi không nỡ đổi nửa đồng xu mẻ đặng lấy đông bạc nguyên đâu, không nỡ đổi là nhờ cánh cò trắng muốt đầy ảo giác mà thêm yêu thương cánh đồng nứt nẻ và mương nước đục như bát đất. Sự đan xen ấy giữa hiện thực và siêu hình làm sáng tỏ triết lý về mối liên hệ giữa lịch sử và con người. Tình yêu quê hương, đạo lý hiếu thảo với tổ tiên cha mẹ như những giá trị tinh thần bền vững của người Việt Nam.
Tiếng thơ Lãng Thanh tôi nghe như tiếng vạc kêu thảng thốt lúc chạng vạng bình minh, để rồi khi ánh dương ló rạng, tôi không nhìn thấy cánh chim ấy nữa. Một ngày mới sắp đến. Một thời đại chưa đến rồi sẽ đến. Lãng Thanh bay lên bằng sức bay kì diệu của tuổi trẻ, trên đôi cánh của văn hóa phương Đông và phương Tây. Khen cho con mắt tinh đời và tấm lòng nhân hậu, nhà văn Thiên Sơn đã làm một việc nghĩa cử là giữ gìn bản thảo, nhuận sắc điều cần thiết để đưa thơ Lãng Thanh đến được với công chúng và để một tài thơ như Lãng Thanh không bị lãng quên. Sau khi Lãng Thanh mất 1 năm, tập thơ Hoa được xuất bản năm 2003. Một năm sau. Năm 2004. Hoa được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam.
Lãng Thanh vẫn còn sống ở phố cổ Hà Nội hay một thị trấn heo hút miền trung du xứ Đoài xưa cũ. Bởi vì Chàng học trò lười đây sống hoang mái phố. Đuổi bóng con mèo của Bauderaire đến con mèo của Đặng Tiểu Bình. giữa dăm người hành khất đang nhặt hoa dưới đất và ếch, dế kêu người tha hương.
Nguyễn Lương Ngọc có 3 tập thơ: Từ nước 1991, Ngày sinh lại 1991, Lời trong lời 1994. Có người nói Từ nước và Ngày sinh lại manh nha sự đổi mới thi pháp để đi đến sự trọn vẹn ở Lời trong lời. Tôi rất nể trọng người đã có nhận xét này vì người ấy cùng thế hệ với Ngọc và cùng được hưởng một cuộc giao ban thế kỷ. Những thực ra tập Từ nước 1991 mới là khởi đầu một sự manh nha. Tập Ngày sinh lại là đột phá về cách tân thi ca hơn cả. Lời trong lời tiếp tục đổi mới thi pháp ở một số bài rồi dường như chững lại? Một sự chững lại để tiếp tục tìm một phương cách mới chăng? Nhiều người khi nói về thành tựu thơ của Ngọc thường chủ yếu trích dẫn thơ từ tập Ngày sinh lại, để minh chứng cho sự đổi mới thi ca những năm cuối cùng của thế kỷ 20.
Bắt đầu là những cảm xúc dịu dàng: Anh yêu em anh yêu em, vui buồn một lá cỏ thèm bơ vơ. Hay phong cảnh thanh bình vào dịp mưa bụi cuối xuân, tôi nghĩ là lúc đầu xuân thì đúng hơn, khi những con đường lác thác đất nâu non, hoa xoan phấp phồng trước ngõ, những cánh én xập xòe trong bụi mưa làm tổ, xa chợt thấy bức tranh muôn thuở dung dị của làng quê trong sự thơ ngây của khói bếp dịu dàng như làm mùa xuân dài ngày thêm trên mái rạ….
Tập thơ đầu tiên Từ nước có bài hay như Bên nhau và đặc biệt là Gửi, đánh dấu sự chuyển biến thi pháp Nguyễn Lương Ngọc. Đó là một bài thơ mà cảm xúc và nhịp điệu của nó tự dâng lên, trào lên mà không có hồi kết.
Ngày sinh lại là bước chuyển mạnh mẽ. Các bài Tiên cảm. Lời hát. Đàn giang. Hoang lại. Tìm gặp…. như những bức tranh đa sắc, hình ảnh và cảm xúc siêu thực được chắt lọc, dồn nén trong những bài thơ thường không có kết, tưởng như hờ hững như không mà nặng trĩu triết lỹ nhân sinh.
Đó là Tiên cảm với cơn mơ đau thắt ngực khi những hình xưa bóng cũ lững thững hiện về để thi nhân xanh da trời mà em thì trắng giữa sương dâng ngang trời, móc bay lất phất vào cõi lạnh người không đầu không cuối nghe đâu đây bài hát buồn tiên cảm nơi chân cầu lưu thủy.
Đó là nghịch lý của Lời hát khi thi nhân cảm nhận cuộc sống lạnh lẽo làm sao mà cuộc chết lại ấm áp nhường nào trong tình yêu không thể giải thích và giải thoát được để đi đến sự hòa quyện giữa ta và người.
Đó là Đàn giang trắng khoảnh khắc rạch từ đất lên trời, làm thi nhân chẳng nỡ ngắt lời người em gái đang nói về tương lai theo cánh giang bay mải miết đến nỗi trên cao đám mây vàng cũng sững sờ vì siêu thực của cảnh sắc tình người.
Đó là Tìm gặp như là lời cảnh thức con người phận mỏng cánh chuồn đậu trên cành tầm xuân xanh biếc, bên dòng kiến đói ngược xuôi như cảm thấy ngọn gió man mát ở đầu ngón tay. Giống một ảo giác nhiều hơn là hiện thực.
Với lối bày tỏ cảm xúc vừa tinh tế vừa thanh thoát những bài thơ trên có lẽ là những bài thơ hay nhất, góp phần định hình phong cách riêng của Nguyễn Lương Ngọc. Nó thoát ly khỏi xu hướng kể lể và “du dương nhễ nhại” thường thấy trong không ít bài thơ thời đó. Có điều tôi chưa thấy trong thơ anh nét uyển chuyển kỳ diệu và sự tài hoa phóng túng của thi sỹ Tản Đà – người mà ông thân sinh ra Ngọc gọi bằng chú ruột.
Gọi hạc là bài thơ hay nhất của tập Lời trong lời và cũng là của đời thơ Lương Ngọc. Nó như một tuyên ngôn sinh tử của cuộc cách tân thơ đương đại, cũng như đó là tấm lòng trong suốt và thanh thản cho sự mất mát thường có trong một cuộc cách tân. Lời trong lời cố gắng thể hiện sự đổi mới trên phương diện thể loại thơ. Thơ văn xuôi. Thơ tự do. Thơ lục bát ngắt dòng không theo nhịp 6/8. Đây đó xuất hiện những vần thơ đầy ý nghĩa và đậm chất suy tưởng.
Tôi thỉnh một tiếng chuông, xin một tiếng chuông
Bên chùa sư nữ thở dài, người tỉnh dậy lần tràng hạt, nghĩ thế nào lại thôi
Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối, tóc là gì?
Nhưng sự đổi mới của Nguyễn Lương Ngọc trong việc xây dựng câu thơ trọn nghĩa không phải trên một dòng mà được chia ra nhiều dòng, tạo ra dòng thơ không trọn vẹn đã không mang lại hiệu ứng thẩm mỹ như mong đợi. Bảy bài thơ viết về miền trung dừng lại ở mức vừa vừa phải. Người ngang tàng một cách kiêu hãnh như Ngọc chắc anh chẳng hài lòng với điều đó. Tiếc thay một tài thơ như Ngọc số phận đã bắt anh phải dang dở trên những tờ bản thảo thơ thế kỷ 21 đang chờ đợi anh viết tiếp như dòng nước lặng lẽ vô thủy vô chung đã chảy bao lâu quanh hào thành Sơn Tây không bao giờ muốn trở thành phế tích trong mưa nắng của đời người ở quê hương anh
Một sớm vắng
Ùa lên khói bếp
Về đây củi lửa ngày xưa…
Dương Kiều Minh bắt đầu cuộc đời thơ của mình như thế bằng một ký ức đẹp về sử giản dị mà huyễn hoặc của Củi lửa ngày xưa. Liền trong 3 năm: 1989, 1990, 1991, anh liên tục cho in 3 tập thơ Củi lửa, Dâng mẹ, Những thời đại thanh xuân như là sự trào lên sôi sục của hồn thơ đầy sung mãn mà lặng lẽ đến mức khiêm nhường. Điều kỳ lạ anh đã hoàn thiện phong cách thơ của mình trong 3 tập thơ ấy và có thể nói ngay trong tập thơ đầu tiên Củi lửa. Một sự hoàn chỉnh không hề chập chững. Nó là tổng hòa những ký ức đầy cảm xúc và hình tượng, dung dị và mới lạ trong ngôn ngữ thơ về quê hương, dòng sông, cánh đồng, về những bước đi xa vắng của thời gian qua sự chuyển tiếp của ánh sáng và màu sắc của âm thanh và tiếng lòng thi sỹ. Đặc biệt là ký ức về người mẹ thân thương tưởng như là nét cảm xúc chủ đạo – sợi dây của độc huyền cầm ngân suốt 3 tập thơ Củi lửa, Dâng mẹ và Những thời đại thanh xuân.
Thơ anh là những trường đoạn dài của ký ức và cả đời anh đi theo tiếng gọi ấy:
Ngoảnh lại ngày xưa xa xôi quá
Tôi đi trong tiếng gọi đổ hồi
Thơ Dương Kiều Minh – một hồn thơ trong sáng mà tinh khiết bởi những khúc tâm tình nhỏ nhẹ, bởi những ký ức giản dị mà chân thành được lưu giữ kín đáo và thầm lặng trong những bài thơ cấu trúc chặt chẽ, thư thái mà lại nhẹ nhàng trong phút thăng hoa. Với anh, đối mới không phải là quá trình lên giọng, cầu kỳ và phức tạp hóa thơ mà biết soi chiếu tiếp thu những giá trị truyền thống bằng lối cảm lối nghĩ giản dị, xúc tích đầy liên tưởng của hình ảnh và cảm xúc tạo ra một nốt trầm trong những bài thơ. Củi lửa và Dâng mẹ chắt lọc tâm trạng và ngôn từ kết hợp với cấu tứ thơ chặt chẽ kiểu như Chính Hữu ở Đầu súng trăng treo. Hãy xem những điều đó được diễn tả trong những vần thơ về mẹ:
. Đời con thưa dần mùi khói
Mẹ già nua như những buổi chiều.
. Đâu những mùa gieo vãi
Tôi lon ton theo mẹ hái bông vàng.
. Đâu mẹ gọi con đường quê kiểng
Trưa ngun ngút đồng bằng,
. Chẳng đâu nhiều buồn như phương Bắc
Mẹ nghiêng nghiêng mùa gặt nhọc nhằn.
. Mẹ một mình vun lá
Mẹ một mình nhóm lửa cạnh mùa thu.
Dương Kiều Minh thưởng khắc khoải với bước đi của thời gian, cảm thấy sự thần diệu của thiên nhiên qua sự biến đổi của màu sắc bốn mùa. Cái bức tranh tứ bình của xứ Việt ấy được anh phả hồn vào đôi khi huyền ảo mà rực rỡ gây cho tôi một tâm trạng sờ sợ những bí ẩn của thiên nhiên, tựa như anh truyền cho cái cảm giác ren rét trước sự biến hóa khôn cùng của lực lượng siêu nhiên. Cảm xúc về mùa thu như là một nguồn thi hứng day dứt mà định mệnh đã trao riêng cho Dương Kiều Minh suốt cuộc đời cầm bút. Lúc đầu chỉ là mơ hồ rồi dần dần mùa thu, lá thu, sắc thu, hơi thu… như báo trước điều gì không lý giải nổi. Mùa thu thật rực rỡ mà như ẩn chứa điều gì bất trắc:
Khúc thu, Khúc thu, Bần bật lá vàng, …cây vĩ cầm tôi vừa cầm lên, Triệu ngón nến thắp mùa thu vàng rực.,
Mùa thu đến tự bao giờ ta không biết. Bỗng đâu bập bùng lửa nắng lơ phơ vườn vắng mang câu hát rờn rờn nhưng ý mong manh:
Ở đâu ngăn ngắt lời ru
Lá vàng kiếp kiếp soi mờ hoàng hôn
Mùa thu trong thơ Dương Kiều Minh như thời gian dâng lên để đi đến sự tắt.
Cho đến năm 2008, khi cho in tập Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, người đọc mới giật mình cảm thấy cái manh nha về sự tắt của thân phận con người rải rác ở những câu thơ trước đây giờ đã trở nên thôi thúc. Thơ về mùa thu của Dương Kiều Minh là những cảnh báo đầy ám ảnh về số phận của con người. Anh không phải là ngôn sứ. Thiên Chúa buộc anh phải nói điều đó cho loài người biết. Như thế còn chưa đủ, anh phải trả giá bằng cả cuộc đời mình khi cầm lấy sự linh thiêng của ngọn bút thi ca, để minh chứng cho điều đó. Vì vậy, đổi mới ngôn ngữ thơ, chắt lọc cảm xúc và hình tượng, chặt chẽ trong câu tứ không phải là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng. Điều cần khẳng định là: Tất cả sự đổi mới ấy tạo ra một hiệu ứng thẩm mĩ, một ma lực trong thơ, ám ảnh khôn nguôi về phân phận con người, về khát vọng sống của con người trước những thách thức của thời gian và định mệnh đã làm nên vẻ đẹp của thi ca.
Dương Kiều Minh không dừng lại ở đó, anh bắt đầu tiến trình cách tân mới ở 4 tập thơ tiếp theo. Thành công đáng kể nhất ở chặng này, nhất là bắt đầu từ tập Tựa cửa, là những bài thơ văn xuôi. Thơ văn xuôi Dương Kiều Minh giàu chất suy tưởng và trí tuệ. Nhưng anh khác các nhà thơ lớp trước thường hay xuất phát từ những luận đề thời sự chính trị. Anh cập bến vào những sự việc, cảnh sắc, tình huống cụ thể của cuộc đời thường để bàn về những vấn đề triết lý nhân sinh. Những chiếc lá sen khờ. Qua cầu sông Tích. Buổi sớm trên bãi tự nhiên sông Hồng. Chạnh miền thôn dã. Dưới vòm hoa phượng vĩ… Ám ảnh người đọc bởi những nỗi buồn nhân thế, sự âu lo rớm màu ảm đảm… Và thật là đáng sợ, đôi khi cái không khí rờn rợn của định mệnh cứ như nhắc nhở anh, viết ra để báo cho người đời biết được.
Họ không phải là những ngôn sứ do Thiên Chúa cử đi. Vậy mà họ đã nói những lời tiên tri. Lời tiên tri của 3 thi sỹ xứ Đoài cổ xưa là một thời đại mới của thi ca có lẽ sắp đến và đang đến. Thế kỷ 20 trung bình cứ 20 đến 30 năm lại có một thế hệ các nhà thơ trẻ ra đời để đáp ứng yêu cầu nội tại của bản thân nền văn học. Friedrich Nietzche có lần nói: Sự tự do hoành tráng của khí chất là bầu không khí kỳ diệu và hiểm nghèo để trong đó người Hy Lạp sung sướng trưởng thành. Cũng như thế, những năm cuối của thế kỷ 20, 3 chàng thi sỹ của chúng ta đã được tận hưởng sự tư do sáng tạo, điều mà Nietzche đã lý giải về văn minh Hy Lạp. Không phải Thiên Chúa, không phải thực hiện bởi một quyết định hành chính nào; các anh đã thực hiện mệnh lệnh của thời đại, cùng với dân tộc Việt Nam bước ra hòa nhập với thời đại, lich sử và cộng đồng nhân loại đi đến các đích cuối cùng là bởi con người và vì con người.
Những ngôi sao lấp lánh phía xa xa tồn tại như một điều nghi hoặc
Cái gì thực dường như bị bỏ quên, cái gì không thực sống chung niềm ảo vọng của con người.
Ôi! Thế gian hai mấy nghìn năm thực thực hư hư luẩn quẩn không ra ngoài chuyện con người.
Vâng. Chuyện con người. Ngày 4 tháng 4 năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh đã được truy tặng giải thưởng Hội nhà văn vì có những tác phẩm văn học có giá trị, để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam. Họ là hai người trẻ nhất trong số 22 người được vinh danh.
Nguồn Văn nghệ