Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Tiểu thuyết “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong

(tiếp theo và hết)

06-05-2011 05:46:06 PM

Ra khỏi trụ sở Uỷ ban, Lường tính ngay đến việc phải tập hợp cánh đàn em để bàn bạc thống nhất một số việc cho yên dân trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã. Lường giảm ga cho con xe thong rong để vừa được ngắm cảnh, vừa được cân nhắc kỹ càng những tính toán của mỉnh. Đến đầu chỗ cống Đõ tóc gáy Lường rợn lên, Lường sực nhớ chuyện đen trắng trong cái chết của ông Thệ sau bữa rượu thịt Dím ở nhà chú Tòng về. Mồ hôi Lường vã ra, Lưỡng nhìn ngược phía bến Gáy, có chuyện gì mà dân làng Lộc vã ra bến đông thế ? Lường định tắt ngang ngã ba dốc Bồng về nhà nhưng nghĩ thế nào Lường đi thẳng. Đến đầu chỗ bến Gáy, Lường giật mình khi thấy anh Dỏ cõng thằng Nghiệp cắm đầu chạy về phía trạm xá. Ngang trán Nghiệp cuốn cái băng trắng vương đầy máu. Lường tắt máy xe, một chân chống xuống đất nhìn, thấy chị Cồi, Lường hỏi :

- Chuyện gì thế ?

- Chuyện trò gì, quân ba que xỏ lá. Chị Cồi không dừng lại vừa chạy,vừa nói .

Lường đoán ! Chắc là có chuyện đánh đấm nhau. Chuyện đánh đấm sẽ kiểm điểm và cho Tâm lên thớt ngay. Trời đất phù hộ ta rồi đấy. Lường cười thầm, dân làng Lộc từ duới bến đổ lên đường đông hơn. Anh Tâm cũng ở đấy. Nhìn anh Tâm, Lường tỏ ra ngơ ngác, chia sẻ :

- Có chuyện gì xẩy ra hả đồng chí Tâm ?

- Báo cáo bí thư . Tai nạn lao động, xong xem ra lại có mưu kế của kẻ tiểu nhân. Bà con mới ngó thấy, chưa kiểm tra cụ thể. Bây giờ phải đưa Nghiệp vào trạm xá đã. May mà nó không chết nhưng đau đấy.

- Nhưng mà ? … Lường gặng hỏi .

- Nhưng mà thế này bí thư ạ. Tâm thong thả.

Cái dây neo không biết tay nào lén cưa đứt ngầm một  nửa. Chiều đến chú Nghiệp đẩy bè cho các mảng cá ra dòng chảy để tránh nước cuốn trong vụng, phòng kẻ ruốc cá, thả thuốc sâu. .. bè vừa di chuyển thì sợi dây neo đứt, văng lại. Chú Nghiệp đứng ở đầu mảng bị sợi dây quăng vào mặt đau  quá ! Làng vẫn chưa hết người xấu bụng bí thư ạ. Nói rồi Tâm vội cúi đầu đi. Lường đứng ngẩn nhìn theo. Kẻ xấu bụng ấy là ai ! Lường biết không thể ngoài người họ Phạm. Khổ thế đấy, bây giờ mà vẫn tư duy cũ kỹ như thời lão Thệ, chú Tòng. Làm sao mà giữ được ngôi thứ trong làng xã. Chuyện này dân nó mà truy ra có thằng còn ngồi tù chứ đừng nói đến  việc củng cố vị thế. Phải dạy cho cánh đàn em bài học Luờng bậm bục rồi vặn ga cho con xe chuyển bánh.

Chiếc xe vừa nhô vào cổng, vợ Lường đã loe xoe chạy ra, ả ghé sát vào tai chồng :

- Sao về muộn thế, biết chuyện gì chưa ?

- Chuyện gì ? Lường xẵng giọng .

- Chuyện ầm ỹ ngoài bến cá ý. Cái việc ấy là mưu của chú Ất đấy. Tôi bảo  phải hỏi ý kiến anh nhưng các chú ấy chả nghe. Hình như thằng Nghiệp bị đau lắm phỏng ?

- Đau, đớn, đồ con khỉ thật. Mẹ mày đi gọi các chú đến đây ngay. Vợ Lường ngơ ngác nhìn chồng nhưng ả vẫn phải lủi thủi đi.

Lường vặn nút chai tợp liền mấy ngụm rượu rồi ngả lưng giữa tràng kỷ . Khoảng nửa giờ cánh đàn em lục tục kéo đến. Không ai hỏi ai, họ ngồi lọt cả vào bộ tràng kỷ. Vợ Lường đặt ấm nước vào giữa rồi lủi thủi xuống bếp. Căn nhà im phắc, ánh đèn tọa đăng loè lên chói mắt. Ất đánh bạo :

- Ta họp chấp hành mở rộng hay thu hẹp hả đồng chí Lường ?

- Chú không được mánh khoé. Ông cụ mất thì còn tôi, làm việc gì phải bàn bạc chứ. Các chú manh động thế, bây giờ dân người ta có mù đâu, vừa nói Lường vừa móc túi đặt cái công văn dưới đèn. Lại cầm đọc :

Kính gửi  : Đảng uỷ - Ủy ban Nhân dân xã Lâm Giang.

Huyện rất đồng tình với cách làm của đồng chí Tâm. Xã phải tổ chức thành phong trào để đất trống đồi trọc nhanh chóng đươc phủ xanh. Còn việc dân làng Lộc tổ chức nuôi cá lồng ở bến Gáy, đây là một sáng kiến tốt. Xã cần tham khảo kết quả ban đầu và lập dự án để huyện có kế hoạch đầu tư phát triển … người ký công văn lại đích thực là ông Thường bí thư huyện uỷ.

Đặt cái công văn xuống bàn, nhìn anh Lường giọng Lại lạnh giá :

- Việc làm của Tâm đã vang đến huyện, ta đấu sức vào Tâm càng nổi, anh làm sao giữ được cái ghế bí thư. Theo tôi cứ việc họ, họ làm.Việc ta, ta làm. Còn ngày nào tranh thủ khoắng ngày đó. Dự án xoá đói giảm nghèo của xã, ngân hàng đã cho rút tiền, trước mắt tôi cứ gán cho mấy tay máu mặt làm ăn, lấy lãi gấp đôi. Khi ngửi thấy mùi kiểm tra, kiểm soát thì rút về, gốc còn nguyên đó. Chỉ nói một lý do : triển khai chậm. Ai bắt tù được.

- Chú to gan qúa. Lường trừng mắt.

- Không phải to gan, đấy là sự lựa chọn sáng suốt. Anh em nhà ta, thực chất có ai xứng với vị trí mình được giữ. Chả qua là cơ hội, gặp dịp. Mà đã cơ hội, gặp dịp thì phải biết tranh thủ, biết lợi dụng, mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Đấy ! Tôi đố anh đưa tôi làm chủ tịch. Chú Ất lên phó chủ tịch theo ý tưởng của chú Tòng được đấy .

- Tôi đồng tình, Ất chêm vào như tiếng phóc nổ. Con bài chính trị của họ phạm ta sắp chấm hết rồi. Các anh thì chỉ mất cái chức, bao nhiêu cái cực đổ lên đầu tôi cả.

- Đổ lên chú cái gì ?

- Nhãn tiền trước mắt, các anh có mù đâu. Tôi nghe bố lấy cái Sứt để dựa vào bóng ông Thường bí thư huyện ủy củng cố phe cánh dòng họ. Cái ghế các anh đang ngồi là do sự khôn khéo, lọc lõi của bố tôi, bây giờ ông ấy chết, phe cánh dòng họ khác gì đõ ong mất chúa. Các anh có tài giỏi cũng không phải để mất lòng ông Thường. Rồi đây các anh nghỉ, nhà cửa, vợ con vẫn đuề huề. Còn tôi suốt đời cứ nhìn cái răng trắng hởn của bà vợ chìa ra, khác gì sống với quỷ. Ất thở dài : Trời phạt tôi, tôi phải chịu.

- Sao lại trời phạt ! Việc lấy thím Sứt chú cùng ông cụ quyết, chúng tôi chỉ biết phục dịch . Chú đừng nói càn, đừng đổi tội cho chúng tôi. Tội của chú còn ở ngoài cái cửa hàng cô Mưa kia kìa ! không khéo còn có quả báo cho dòng họ chứ chả đùa. Cứt thối, dấp lại đừng bới ra nữa, thím  ấy mà biết !…

- Các anh tố tôi à ? Cứ gì tôi mới để quả báo cho dòng họ này, rồi các anh xem, nhưng thôi, việc này tạm bỏ qua. Tôi có một yêu cầu đề nghị các anh phải sòng phẳng .

- Sòng phẳng cái gì ?

- Cái mười lăm cây vàng khoắng được lúc chuyển đổi cơ chế hợp tác xã còn để chung chỗ anh Lường chưa chia chác. Phần của Ất phải có một nửa ở đấy.

- Có chuyện ấy à ? Lọt tròn mắt .

- Có thì chú cũng không có phần, Lại nhếch mép cười nhạt .

- Sao lại không có, Lọt gân cổ .

- Lúc thanh lý trại chăn nuôi, lò gạch, lò ngói chú làm bên thanh niên, liên quan gì . Lại cười khểnh.

- Không có phần là tôi phá. Các người mà nuốt một mình là hóc đấy. Lọt đe.

- Thôi ! Lường đập bàn : Các chú điên hết rồi . Các chú định phá dòng họ à ? Tôi vẫn lù lù ở cái ghế bí thư các chú còn lộn sòng, giả mai tôi mất chức, các chú đâm nhau vì món nợ này chắc ?  Còn di chúc của chú Tòng đây không được lộn phèo. Các chú về đi.

- Thì về ! Cầu cho ông anh ôm ghì thật chặt cái ghế bí thư để gồng gánh dòng họ như lúc chú Tòng còn sống. Họ cùng cười nhạt rồi lố nhố đứng dậy thọc tay vào túi quần thủng thẳng đi.

Lường ngồi lặng, ngôi nhà bỗng rộng ra hoang huyếch, gió hưu hút qua các lỗ cửa làm cho ánh đèn đỏ nhoè, run rẩy. Tâm trí Luờng  càng bất ổn, sự đổ vỡ trong dòng họ, phe cánh giống như cái bức tường bị lở móng. Lường ngửa mặt thở dài, vợ Lường từ dưới bếp lên, ả lại ghé sát vào tai Lường thì thào.

- Các chú ấy biết rồi, chia quách ra cho rảnh. Cứ để trong nhà mình, lộ ra tội mình càng to.

- Thôi, mình để tôi yên, vừa nói Lường vừa đứng dậy. Nỗi dày vò như có người buộc thừng vào tay dắt Lường đi. Vợ Lường loe xoe chạy theo :

- Tối tăm  thế này còn đi đâu ?

- Tôi đã bảo, để tôi yên. Vừa nói Lường vừa đẩy vợ ra một bên, cứ thế Lường cúi mặt lủi thủi đi. Đến chỗ gốc gạo đầu làng, tóc gáy Lường tự nhiên dựng ngược, Lường ngẩn nhìn ra bãi tha ma ở gò Hồn. Trên những ngôi mộ nhập nhèo lửa sáng, cái thứ ánh sáng hãi hùng lúc đỏ đọc, lúc xanh lè vụt tắt lại vụt hiện, Lường bám chặt mười đầu ngón chân xuống đất lấy lại bình tĩnh nhưng toàn thân thể Lường vẫn cứ run bắn lên. Trước mắt Lường ngôi mộ chú Tòng to lù lù, dài thườn thượt, Lường tròn mắt nhìn, một ánh lửa xanh lè phụt lên, hiện giữa ánh lửa là một thân hình chân tay như cái cẳng sậy nghều ngào, đầu như cái sọ dừa vẹo vọ, hai lỗ mắt sâu hoáy cứ dòm vào mặt Lường. Lường co cẳng chạy nhưng cái bàn tay nghều ngào ấy đã dí Lường ngồi thụp xuống, Lường gượng bật dậy nhưng hai bàn chân đã lún sâu xuống đất. Lường trợn mắt nhìn. Một giọng nói phều phào từ cái sọ dừa rỉ ra :

- Cháu đi đâu mà lóm thóm một mình ? Đừng sợ, chú Tòng đây.

- Ma, Lường thét lên ! Ma !…

- Ma thế nào ! Chú Tòng đây. Nghe chú bảo đã : Chú rét buốt quá. Ngày ở trên trần chú trót độc ác, mưu mô giết người, chặn của,  kéo cánh, kéo bè gây bao oán hận trong làng xã. Thác về âm, hại nhân, nhân trị. Diêm Vương ghi tội kết án giam trói chú cạnh chuồng cọp. Con cọp đói cứ mỗi ngày xé thịt chú ăn dần, khi thân thể chỉ còn bộ xương thì gặp bà Lâm, bà ấy xin Diêm Vương tha cho nếu không chú còn bị bỏ vào vạc dầu. Mà bị bỏ vào vạc dầu thì trên trần gian các cháu tiệt giống. Diêm Vương bảo trên trần gian các con  cháu còn hồn ma của chú bám vào, bọn chúng chưa thành người, lại còn của báu lấy trong dân cất giữ trong nhà. Chưa cho hồn nhập vào xác, chú rét lắm. Cháu về thú tội với làng ngay, còn của báu thì đem trả cho dân, cho xã. Tiếng u ú cứ rên réo trong cái sọ dừa. Lường lảo đảo, quay cuồng, y thò tay vuốt mạnh lên mặt, những ngôi sao trên trời nhấp nháy trôi ra.  Y ậm ờ một mình : thôi chết mình mơ, hay bị ma dủi ? Lường lại cúi đầu đi, đến chỗ ngã ba dốc chùa, gần ngôi nhà của mẹ con cái Ló, thấy mập mờ một bóng người lén lút chui vào bụi cây Nổ. Lường quát to :  - Ai ? Cái bóng người lén lút ấy bật dậy như cái lò so : - Tôi, Hò, Hò đây. Lường tiến lại, cái bóng người ấy hiện nguyên hình, hắn ngó vào tận mặt Lường:

- Tưởng ai, hết cả vía, anh đi đâu mà lủi thủi một mình ?

- Thế chú ngồi đấy làm gì? hay lại hồi xuân với chị Ló?

- Anh mày nói thế, tội cho chú ! Chú nấp ở đây là để giữ chân thằng Hẹn nhà mình. Anh chưa biết à ? Thằng này thật đốn mạt, nó rình rập, chòng ghẹo con Lở. Khổ tôi thế, làng đồn ầm lên rồi . Có lần nó còn nấp ở bụi dong gần chỗ chĩnh nước chờ con Lở ra rửa ráy, tắm giặt để tròng ghẹo. Con mẹ Ló nó biết, nó đổ cả bắng nước đái vào mặt mà thằng Hẹn vẫn không chừa. Nó có biết cái Lở là em của nó đâu ! Trời quả báo rồi !…

- Báo với ác gì ! Việc ấy ai bảo nó mà nó biết ! luân hồi, là tại ta đấy chú ạ ! Chú phải nói thật ra.

- Nói ra, con sư tử già nó xé xác tôi à ?

- Xé cũng phải nói, sự thật mà. Không nói, chú cứ rình rập mãi thế nào đuợc,

- Hậu quả tôi gây ra, tôi phải canh, phải gác. Trời nó đày tôi mà. Lão Hò thở dài, Lường vỗ vai lão :

- Thôi chú cứ theo cháu, về nhà đánh bài ngửa với thím. Lành làm gáo, vỡ làm muôi, thậm thụt thế này cả đời sao được, hậu quả vẫn hậu quả. Đi chú, Lường kéo tay lão Hò, lão há hốc mồn nhưng vẫn lóp ngóp bước theo Lường.

Vào đến cổng, Lường đã nhìn thấy bà thím ngồi khoanh tròn giữa ghế bỏm  bẻm nhai trầu. Lường rón rén chưa kịp chào bà đã ngẩng lên cười nhạt.

- Chú cháu nhà anh đi đâu mà về muộn ?

- Đi đâu được hả thím ! Cháu buồn lững thững sang chú chơi, đến chỗ cây gạo dốc chùa thì !…

- Thì  thấy chú anh nấp phục ý chứ gì ?

- Thím biết à ?

- Hì, bà lại cười nhạt ! Cái nhà này chuyện gì qua mắt tôi được. Có điều làm đàn bà thì phải biết nhịn, một điều nhịn, chín điều lành mà. Chuyện từ thời ông ấy còn làm trại trưởng trại chăn nuôi, lúc ấy, tôi đang có mang thằng Hẹn, vả ông ấy lại làm cán bộ lại là em của bác Tòng. Tôi sợ, vả có bù lu, bù loa ra thì  nhà cửa cũng tanh bành, chồng một nơi, vợ một ngả, tôi đành bỏ bụng. Tôi bỏ bụng ông ấy tưởng tôi không biết, vẫn lén lút với mẹ con cái Ló, mãi đến ngày cái trại chăn nuôi giải tán ông ấy mới chịu, chịu là vì chả bốc được gaọ, được ngô của tôi lén lút cho nó mãi được. Thế là nó hối. Bây giờ, con Lở nó lớn lên, nhà nó lại có bát ăn, bát để. Thằng Hẹn nhòm vào đấy, tôi biết nhưng tôi kệ, ác giả ác báo mà ! Bà nhếch mép cười cám ngưỡng.

- Thôi cháu xin thím, mọi việc đã rồi !

- Đến ngữ này tôi bỏ ngoài bụng hết ! Thằng Hẹn đâu ? nghe rõ cả rồi chứ ! Cái Lở, tên thật nó là cái Nuôi, em gái của mày đấy !

- Sao lại thế, thằng Hẹn từ cánh cửa bếp nhò ra, nó hùng hổ !

- Thế nào thì hỏi bố mày ấy ! Bà đấm ngực thở dài ! Bố mày gian giảo lộn sòng làm hại đời người ta! Cái Ló nó chỉ đáng tuổi con mình ! Bà chép miệng ! Hại nguời ta quá, may có anh Tâm giúp đỡ, mẹ con nó thoát khỏi vòng hư đốn !  Nghe bảo nó sắp lấy anh Thăng Bằng ! Tôi  mừng cho mẹ con nó lắm ! Đàn bà với nhau mà anh ! Bà lại thở dài, đấm ngực ! lão Hò ngã khựu xuống ! Lão ôm lấy chân anh Lường, nước mắt sụt sùi như con trẻ  :

- Cháu bỏ qua lỗi lầm của cha chú, cha chú dòng họ này lắm tội tình quá ! Chú đã để tội tình lẩn khuất mãi trong nhà nên nông nỗi này. Chú xin giả thẻ Đảng viên cho anh ! Lão lại khóc thút thít :

- Thôi chú đứng dậy đi, khóc làm gì, nuớc mắt không rửa được tội tình. Đảng là một tổ chức tiên phong, ta tự nguyện đứng vào đó, nếu không còn xứng đáng thì thành thật với tổ chức chứ trả cháu sao được ! Biết thế là được rồi ! Cháu về, Lường đứng dậy, nước mắt cũng ào ra. Anh cui cúi đi thật nhanh, bà Hò nói với theo :

- Cầm cái đèn kẻo ngã vào búi, bà dúi cái đèn vào tay Lường, quay vào khép cửa, vặn bé ngọn đèn. Lúc này, bà không muốn nhìn cái mặt nát nhàu, xám hối của lão Hò nữa.

Lường lùi lũi bước đi, bàn chân anh dường như không bám vào mặt đất , Lường cứ nhào bước có lúc như bay, có lúc như bò. Đến chỗ ngã ba dốc Bồng, anh ngoảnh sang chỗ bãi Lũng, ngọn đèn trong trạm xá vẫn lấp lánh, rực sáng. Thằng Nghiệp đang nằm ở đấy ! Anh Tần ngần rồi tiến về phía ánh sáng của ngọn đèn. Đến nơi, Lường không tin vào mắt mình nữa. Cái Mưa đang ngồi bón cháo cho thằng Nghiệp ! Gáy Lường bỗng lạnh toát, Lường sực nhớ thằng Thừa đứa con rơi của Ất ! Khốn nạn thế, bao nhiêu chứng quái ở làng này đều do dòng họ nhà Lường gây ra. Lường nhào bước thật nhanh đến chỗ ngọn đèn, Lường cũng không biết đến để làm gì, cái đầu vô cảm không chỉ đạo được đôi chân bản năng. Lường cứ nhào bước, thấy Lường, Mưa không ngoảnh nhìn, cô cứ lặng lẽ bón cháo cho Nghiệp. Chị y tá nể người chức sắc, lên tiếng :

- Bí thư đến thăm chú Nghiệp ạ ?

- Ừ, chú ấy đỡ chưa ? Lường hỏi theo bản năng :

- Ăn được bát cháo, tỉnh nói chuyện sõi rồi, không phải chuyển lên bệnh viện to đâu. Trạm điều trị được, lại có bàn tay chị Mưa, mai là anh Nghiệp lại về bến cá được thôi. Cô y tá cười !

- Thế thì tốt, Lường bước lại bên Nghiệp . Nghiệp nhổm ngồi dậy, Lường giơ tay : cứ nằm nghỉ . Mình đến thăm, quên chả mua gì, vả cũng khuya rồi  !…

- Bí thư đến là quá rồi, quà cáp làm gì bao nhiêu thứ bà con cho, chất đống đây. Nghiệp ăn bao nhiêu. Bí thư xem, cái vốn xoá đói giảm nghèo đã về xã chưa, khẩn trương cho bà con vay. Lồng cá đã đóng bè cả rồi, chỉ thiếu vốn mua giống.

- Mình hứa quan tâm việc này, Nghiệp cứ nằm nghỉ . Lường gãi đầu nhìn Nghiệp, nhìn căn phòng rồi xin phép về.

Bóng Luờng khuất khỏi ánh đèn, chị y tá ghé vào tai Mưa :

- Ông ấy quan tâm hay để quan sát việc gì ?

- Có việc gì mà sợ. Anh Nghiệp đau, thân cô, thế cô, Mưa không chăm thì bỏ cho ai. Chuyện của Mưa với anh Nghiệp cả làng biết rồi. Số phận trời se bọn mình về với nhau, chỉ ngại ông bố mình thôi ! Mưa thở dài lại múc cháo bón cho Nghiệp.

Lường về đến nhà, ánh đèn vừa nhoè vào cổng, vợ Lường đã đẩy cửa, ả ngơ ngác :

- Mình đi đâu mà về khuya, tôi sôi hết ruột. Số của nả ấy, các chú cũng biết à ?

- Thôi mình để tôi yên, vừa nói Lường vừa dốc nước uống. Vợ Lường đứng ngẩn rồi lại tần ngần chui vào mùng ngủ. Lường tu hết ấm nước mà ruột gan vẫn khô rát, y lủi thủi móc túi lấy chìa khoá mở tủ. Cái lọ còn nguyên đai nguyên kiện ềnh ềnh trước mặt. Tay Lường tự nhiên run bắn, Lường bê cái lọ đặt giữa giường, Lường lấy dao cắt cái đai, nắp lọ bật ra. Mắt Lường nhoè nhoẹt, những ánh lân tinh nhập nhoè từ trong miệng lọ nhảy ra, lúc đỏ quạch, lúc xanh lè, lúc vàng vọt. Lường lại hình dung  ra cái bóng ma chỗ nghĩa địa gò Hồn Lường vừa mơ thấy. Lường định thò tay xập cái nắp lọ lại, cái sọ dừa lại hiện ra, nhìn sâu vào hố mắt trên cái sọ dừa Lường lại gặp cảnh tượng ngày bà Lâm Nghiệp bị ông Thệ nhục mạ và phiên toà kết án thằng Nghiệp 5 năm tù, lúc bà Lâm chết vợ chồng cô Cún vừa địu con, vừa đào huyệt chôn bà và hình ảnh những ngày thằng Nghiệp khum ba tàu lá cọ ở cái mảng nứa. Tim Lường thắt lại, Lường tự nhận ra tội lỗi của phe cánh, Lường thấy rõ cái chết của lão Thệ ở chỗ cống Đõ, cái biên bản họp ban chấp hành thu hẹp chú Tòng định bỏ tù cái Mưa và cuối cùng là cái chết của ông. Tất cả đều đựng trong cái lọ này, cái lọ này Lường lại đang giữ, có phải giời cũng đang đày Lường không ? Vàng bạc, chức sắc không phải tự mình làm nên, nó thành quái. Lường nhăn nhó, y định bê cái lọ lẳng đi thì tiếng thều thào trong cái sọ dừa lại vọng ra:

- Đừng vứt, của dân, của làng đem trả cho họ, trả cho họ thì cái hồn mới về được cái xác khô của chú, lúc ấy các cháu mới yên. Lường sững người, cái lọ vẫn nặng trĩu trên tay ! có mơ đâu, đây là nhà mình chứ !  Ma nói, hay luơng tâm mình nói ! Lường lắc đầu và lặng lẽ bê cái lọ để nguyên vị.

Luờng nằm vật ra phản, y quằn quại rồi ngủ thiếp đi, mãi đến lúc vợ Lường đập nhẹ bàn tay vào người Lường mới mở choàng mắt. Trời đã sáng bạch, những tia nắng chói đã lùa ngang song cửa. Lường ngáp dài, nguời nhẹ bẫng, y đảo mắt thấy cái chìa khoá còn cắm ở ổ tủ, y thò tay rút cái chìa khoa đúc túi. Tiếng thều thào trong cái sọ dừa lại rên rỉ : " của dân đấy ! đem trả cho họ ..!" Luờng nghiến răng ! Cũng không còn cách nào khác. Chỉ có đem trả cho dân thì mới thoát khỏi sự ám ảnh của ma quái trong cái lọ này. Lường đưa mắt nhìn tờ lịch trên tường, con số ba đập vào mắt, Lường sực nhớ lịch sinh hoạt chi bộ hàng tháng y bảo vợ :

- Chiều nay mình kiếm ít trà ngon, nước nôi chu đáo nhá !

- Để làm gì ?

- Sinh hoạt chi bộ tại nhà .

- Sao không làm ở cái nhà trẻ như mọi bữa ! Chiều nay  tôi định !…

- Không định đoạt gì nữa, cứ thế mà làm, Lường sẵng giọng rồi thọc tay túi quần đi ra phía cổng. Lường ngẩng nhìn ra phía bến Gáy dân xóm vẫn đông nghịt đang cuốn bè, đóng mảng.

***

Nhận được thông tin địa điểm chi bộ họp tại nhà bí thư Lường, những người ở phía anh Tâm ai cũng bâng khuâng. Thành bảo Lập: Chắc xong họp sẽ có vài củ lạc rang mấy chén rượu chanh, sắp đến Đại hội mà ! Họ nhìn nhau lắc đầu, riêng ông Tĩnh, ông cứ đứng lên, ngồi xuống do dự : đến hay không đến ? Tính kỷ luật chặt chẽ, ông tặc lưỡi. Sinh hoạt ở đâu thì cũng phải đến. Ông mở tủ lấy bộ quần áo mới mặc chỉnh tề rồi chống gậy lọ mọ đi. Đến nơi, anh em trong chi bộ đã đông đủ, nhưng thế ngồi thì xoay lưng lại nhau. Thấy ông, Lường đon đả chạy ra tận ngõ, một tay đỡ cái gậy, một tay bo lên vai ông Tĩnh. Cả chi bộ ai cũng ngơ ngác, lạ lùng .

Sau một chầu nước trà cuộc họp cũng triển khai nội dung ngay. Chi bộ vẫn chỉ định Lọt làm thư ký, Lường đứng lên chủ toạ cuộc họp. Thấy Lường nghiêm trọng hơn mọi ngày, cánh đàn em lơ láo nhìn nhau, mỗi người đều sẵn sàng tạo một thế, giọng Lường bình tĩnh :

Vẫn như thường kỳ sinh hoạt, nhưng cuộc họp hôm nay chỉ tập trung vào một nội dung chính.

- Từng đồng chí chúng ta thông qua kiểm điểm cá nhân. Sau  đó chi bộ góp ý, ghi biên bản tổng hợp rồi đưa ra lấy ý kiến của toàn dân. Mục đích của cuộc họp là nói thẳng, nói thật, làm cho chi bộ gần với thôn xóm, thôn xóm tin vào chi bộ. Để cuộc họp chi bộ đạt kết quả, thực sự thẳng thắn, cởi mở bí thư xin được thông qua bản kiểm điểm đầu tiên. Lường mở cặp lôi ra tờ kiểm điểm, giọng dõng dạc : đọc hết phần ưu điểm, đến phần khuyết điểm Lường đọc từng câu, chậm, rõ ràng :

"Về phẩm chất của người đảng viên cũng như phần ưu điểm đã nêu. Tôi chưa hoàn toàn bị tha hoá xong vì bản lĩnh chính trị thấp, tôi bị những tư tưởng cơ hội xô đẩy, thậm chí còn dùng chức sắc của tôi để làm vật che chắn. Tôi đã đồng đẳng với những việc làm này nên đã để xẩy ra sự lục đục trong mọi mối quan hệ gia đình, làng xã. Trong khi đồng chí mình trăn trở nghĩ ra cách làm ăn để thôn quê khỏi đói nghèo như việc mang cây lên đồi trồng, làm lồng nuôi cá ở ngoài sông. Thực chất bản thân tôi cũng nhìn thấy cái lợi này nhưng vì vị kỷ, bị sai khiến tôi đã đồng đẳng với phe cánh để gây cản trở, kết quả công việc qua sức dân, nó vẫn thành hiện thực. Mà cũng từ kết quả lao động này anh Nghiệp cũng được từ con ma ở dưới sông lôi lên thành con ngươì. Cái oan khuất của bà Lâm, chú Nghiệp cũng sáng dần ra. Lại cái chết của ông Thệ, sự nhăng quậy trong mối quan hệ của đồng chí Ất với cô Mưa, chuyện lộn sòng trong gia đình đồng chí Hò … dân đều biết cả. Tôi cũng biết nhưng ngoảnh mặt đi ! Các đồng chí thử hỏi xem tôi còn xứng đáng là người đứng đầu làng xã được không ? Nuớc mắt Lường ứa ra, cổ anh nghẹn lại, bọn đàn em lơ láo nhìn nhau : Ất rỉ vào tai Lại : - Tay này điên rồi ! Lại hất hàm : - Cứ để im xem hắn nói gì tiếp. Lường đảo mắt, bắt được ý nghĩ của đàn em, giọng Lường đĩnh đạc hơn :

- Còn việc nghiêm trọng nữa : Dự án xoá đói giảm nghèo ngân hàng đã rót tiền về xã, nhưng vẫn chưa đến tay người nghèo. Việc này đồng chí Lại phải xem xét kiểm điểm nghiêm túc. Tôi biết số vốn đó đồng chí đã cho người làm ăn có máu mặt vay lãi suất cao, tôi cũng được chia phần ấy. Đây, cái phong bao còn niêm phong, các đồng chí đưa cho nhà tôi, tôi biết ở khoản này, vừa nói Lường vừa móc túi để cái phong bao lên bàn. Bọn Lại gãi tai định phản ứng, Lường chéo tay nói trước.

Việc nữa, 15 cây vàng lúc đồng chí Tòng còn sống giao cho tôi, khi mất đột ngột không di chúc được. Anh em đã đòi chia, còn  nghi cho tôi muốn chén cả. Số của này là do lập lờ từ việc thanh toán lò gạch, lò ngói, trại chăn nuôi lúc giải thể hợp tác xã cấp cao.

- Điên thật rồi ! Các đồng chí đừng nghe thằng điên ! Mắt Lại trắng phốc, da mặt tái đen, bọn đàn em cũng phò theo.

- Điên thật rồi !

- Không, tôi không điên ! Lường mở cặp lôi ra cái lọ, giọngvẫn đĩnh đạc : Đề nghị ghi biên bản và cân đếm cẩn thận, xung qũi xã để phục vụ sản xuất. Lường chống hai tay xuống bàn, thân thể bải hoải như người rong thuyền buồm vừa trải qua một cơn bão lớn. Giọng Lường dịu xuống.

Những điều tôi vừa nêu trong kiểm điểm là hoàn toàn tự nguyện. Xét về phẩm chất người đảng viên tôi thấy mình không còn đủ tư cách, tôi tự nguyện rút khỏi chức sắc đang đảm nhiệm.

Bọn đàn em mặt xanh đít nhái, ba gian nhà im ngắt. Ông Tĩnh lau tay ngang mặt lọ mọ đứng dậy.

- Có chuyện này thật ! Tôi biết cả nhưng vì nể,vì sợ lại phải giữ gìn cái danh hiệu 50 năm tuổi đảng, tôikhông dám thẳng thắn. Bây giờ, đồng chí Lường nói ra, tôi tháy tội lỗi của mình với Đảng, với làng xã, với vợ con cũng không bé. Tôi, tôi..  ông Tĩnh quyệt ngang tay lên mặt nhưng những giọt nước vẫn rớt xuôi. Gian nhà ngăn ngắt hơn, cánh đàn em trong họ Phạm thì xoay lưng vào nhau. Lọt buông xoài cái bút thở dài. Thằng Ất thì trừng trừng đôi mắt trắng phốc nhìn lơ láo khắp nhà không chớp. Anh Tâm đứng dậy , xúc động :

- Cảm ơn đồng chí Lường ! Quả thực  lúc đầu mới nghe bản kiểm điểm của đống chí tối cũng phân vân, cứ ngỡ sẽ có cái mẹo ở trong ấy. Song, đồng chí càng đọc, càng thấy sâu sắc. Câu chữ và thái độ đều thành khẩn, tôi tin đồng chí đã đổi mới và chân thật với Đảng, với dân.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói, tôi không nhớ nguyên văn câu nói của Người nhưng đại ý là thế này : Một Đảng mà biết nhận ra khuyết điểm là Đảng ấy sẽ biết sửa chữa và chắc chắn sẽ sửa chữa được khuyết điểm…

Đồng chí Lường là một đảng viên,lại là bí thư đảng uỷ kiêm bí thư chi bộ. Đồng chí đã dám nhìn thẳng vào mình để thành khẩn với Đảng, trong bản kiểm điểm của đồng chí tôi nghĩ không chỉ có nguyên sự thành khẩn mà nó còn có cả lòng dũng cảm nữa. Bởi vì, chúng ta đang đứng trước một cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, mỗi người đảng viên chúng ta lúc này không phải là sự đối lập với kẻ thù bằng súng, bằng đạn mà sự đối lập này là giữa cống hiến và hưởng thụ. Nhiều đồng chí có quyền bính trong tay không giữ được đã xa ngã, thậm chí còn phải ngồi tù. Đồng chí Lường là bí thư Đảng ủy, quyền bính trong làng xã đều thuộc về đồng chí. Đồng chí có thể sử dụng quyền bính được giao để hưởng thụ, để che đậy khuyết điểm . Nhưng không, đồng chí đã nói thật, thật đến trần trụi. Tôi nghĩ đồng chí Lường là người dũng khí, dám nhận  khuyết điểm là sẽ sửa chữa được khuyết điểm. Trong việc này ngoài việc thành khẩn ra, đồng chí Lường lại là tấm gướng tốt để chúng ta đoàn kết, củng cố chi bộ, củng cố làng xã.

Việc phải kiểm điểm, phê bình nghĩa là chúng ta đã mắc sai lầm, dân không tin nưa, lấy lại lòng dân không đơn giản là nói mà phải làm,  làm là phải hành động thẳng thắn như anh Lường, đem tiền của bất minh trả cho xã. Hành động này dân trong làng xã rất phấn khởi và chắc chắn bà con sẽ tin chúng ta hơn. Còn việc đồng chí Lường xin từ chức chúng ta không bàn trong cuộc họp này. Tôi tin Đảng ta rất công minh giữa công và tội. Cái đáng tội thì phải xử,việc đáng công thì được khen . Đảng không lầm lẫn giữa công và tội, cả việc đồng chí Lường đang làm bí thư là do Đảng cử, dân bầu,việc đó ta chờ sự sáng suốt của Đại hội tới. Nội dung cuộc họp chi bộ hôm nay chỉ nhằm mục đích phê bình và tự phê bình thẳng thắn để mỗi đồng chí ta cùng tiến bộ, cái gì sai ta sửa, đúng thì  phát  huy, làm sao để Đảng vì dân, dân tin Đảng. Tôi đề nghị phần kiểm điểm phê bình cho đồng chí Lường dừng ở đây là đủ. Ta chuyển đồng chí khác. Và vẫn liền cái mạch ấy không khí trong cuộc họp chi bộ làng Lộc sôi động, cởi mở, thẳng thắn hơn. Mọi việc đều được nêu  và ghi chép rành mạch trong biên bản. Khoảng 10 h đêm thì cuộc họp kết thúc. Ai cũng phấn khởi thanh thản, bí thư Lường rất sung sướng, cái ám ảnh ma quái trong lòng dường như đã được siêu thoát. Ông Tĩnh nhìn anh khẽ lén tay rút cái khăn trong túi lau mắt. Chợt ông ngoảnh  ra phía ngọn đèn, Lại vừa thọc tay túi áo đứng dậy cái mặt phị ra tím tái. Ất vẫn ngồi ngay, hai mắt trừng trừng nhìn ngọn đèn. Hình ảnh ấy làm ông rợn người. Ông lặng lẽ cầm  cái gậy bước đi, Lường vội đỡ lấy :

- Bác để cháu đưa về .

- Cảm ơn, tôi còn đi được. Ông nắm chặt tay anh Lường và quay đầu đi một mạch. Dù sao khôngkhí sau cuộc họp cũng làm cái đầu ông sáng sủa hơn. Ông không rẽ lối tắt mà cứ thẳng con đường làng ông đi. Lúc này ông muốn để lồng ngực ông căng phồng được tự thở, hít hết bầu không khí của quê huơng thanh khiết trong đêm. Ông lọ mọ vừa đi vừa nghĩ đến chỗ trạm xá, ông bàng hoàng khi nhìn ba gian nhà còn ánh đèn sáng toả. Ông chợt nhớ thằng Nghiệp đang nằm  ở đấy. Mấy ngày nay,  cả làng Lộc đến thăm nó thế mà ông vẫn cứ làm ngơ. Có phải tại mình cổ hủ, độc đoán, hay ?..  Ông thở dài, những vấn đề trong cuộc họp lại sáng rực như ngọn lửa soi đường. Ông quyết định rẽ vào thăm nó.

Vừa bước vào cửa trạm xá, tự nhiên mắt ông toá hoa cà, hoa cải. Ông díu hai tay vào cái gậy mà tâm trí vẫn quay cuồng. Truớc mặt ông là cái giường bệnh. Thằng Nghiệp nằm một tay đặt lên ngực, một tayđặt lên đùi cái Mưa. Cái Mưa thì một tay nâng đầu, một tay nặn bóp cho nó. Công việc cái Mưa đang làm là việc của vợ, của chồng rồi ! Trời đất sao chúng nó lại bắt vào nhau dễ như thế được nhỉ ? Ông dùng nguời, cái gậy tuột khỏi tay lăn lộc cộc trên sân. Chị y tá từ dưới bếp nhồ ra. Giọng hấp tấp :

- Để cháu đỡ ! Bác đi đâu mà khuya thế ?

- Tôi, tôi !… Ông Tĩnh vừa nói vừa thở ! Cái Mưa lặng lẽ đứng dậy, hai dòng nước mắt ứa ra làm gương mặt cô càng phúc hậu, long lanh. Giọng Mưa hiền lành :

-Bố ! Và cứ thế Mưa khóc! Bao nhiêu năm nay rồi, từ ngày ông Tĩnh tuyên bố từ mặt Mưa, bây giờ cô mới được gọi cái tên quen gần  : bố .

Nhìn Mưa, tự nhiên ông Tĩnh cũng khóc theo ! ông khóc nức nở như con trẻ. Chị y tá đứng ngẩn, Nghiệp cũng rón rén ngồi dậy. Họ cùng nhìn nhau âu yếm  hơn. Giọng ông Tĩnh run run :

- Thôi ! Cố mà ăn cho nó khoẻ.  Nói rồi ông lẳng lặng chống gậy đi về. Đêm phủ xuống khuya hơn. Cái yên tĩnh của đêm như xoá đi những vết tích lằn xé trong lòng ông tháng ngày qua. Ông rảo bước về đến nhà, ông thấy trong bếp ngọn lửa vẫn rực đỏ. Ông gõ cửa bà Tĩnh vội vớ cái đũa bếp gạt tro, vùi bếp và bà lủi cái nồi cháo gà ninh ngải đang sôi ùng ục vào tận xó bếp. Bà đẩy cửa, ông bước vào :

- Họp hành gì mà khuya thế ? Bà thắc mắc, tôi đang định  đốt đuốc đi đón ông.

- Tôi còn tỏngchán ! bà đun nấu cái gì mà giờ còn lục đục.

- Đun nấu cái gì đâu, tôi luộc mấy quả trứng gà nắc !

- Bà dấu tôi rồi, cái mùi lá ngải ninh với gà, những ngày tôi ốm bà thuờng làm cái mùi ấy mũi có điếc thì vẫn cảm được. Bà Tĩnh lúng túng, ông lại thở dài, nói tiếp :

- Cũng tại tôi nên bà mới phải vụng trộm, làm việc thiện, việc đúng mà phải vụng trộm có nghĩa là tôi sai. Tôi cũng vừa ở trạm xá về đây. Vừa nói ông vừa lọ mọ gạt bếp cho ngọn lửa bùng lên, ông lẳng lặng bê cái nồi bà vừa dấu vào xó bếp đặt lên kiềng. Hai ông bà ngồi lặng nhìn nhau. Nồi cháo gà ninh ngải lại sôi lên sùng sục. Giọng ông hiền lành :

Sáng mai dậy, bà hâm lại cho nóng lên một tý rồi hãy mang cho nó. Nói rồi ông lọ mọ đứng dậy. Ông lẳng lặng châm lửa vào ngọn đèn. Đặt lên bàn thờ, thắp đỏ ba nén nhang, ông kính cẩn cúi đầu vái ba lễ rồi ông quay sang đứng nghiêm trước cái huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Tay ông vung cao, bà Tĩnh rón rén đến gần :

- Ông lại thề à ?

- Không, tôi không thề như những lần qua, tôi tự kết nạp lại Đảng cho mình, để cho cái đầu được đổi mới, nghĩ được như cánh thằng Tâm, thằng Thành, thằng Lập !… chúng nó khá thật ! chỉ có chúng nó mới cứu được cuộc đời chị Ló, cái Mưa, anh Dỏ, chị Cồi !… tôi hiểu ra rồi ! Bà đi ngủ đi và ông lại rút khăn lau mắt. Bà Tĩnh vẫn đứng lặng nhìn ông, bà không hiểu chuyện Đảng, chuyện Đoàn nhưng qua việc ông gầy bếp bắc nồi cháo lên bếp, bà biết ông đã thay đổi. Cái  điều bà mong cho cái Mưa có vợ, có chồng chắc sẽ thuận, lòng bà chộn rộn, bà thở dài : Số con Mưa nhà mình chả ra gì nhưng thôi, thằng bé nhặt được nó cũng ngoan ! Nó cũng bện cái anh Nghiệp lắm. Nếu trời có se vào mình cũng thêm con, thêm cháu ông ạ ! Bà lại thở dài . Ông bảo :

- Ừ cũng được ! Giờ tôi cũng chỉ mong có vậy. Cả hai ông bà ngồi lặng nhìn nhau, trên bàn thờ ba nén nhang cháy vòng, nghi ngút. Có tiếng gà ran lên cuối xóm, ông bảo : Khuya rồi, ta đi ngủ thôi ! …

                        * Đoạn Kết.

Viết xong tập sách này tôi vứtt cái bản thảo đầu tay ở cái mảng nứa của anh Nghiệp. Thời gian bẵng đi, tôi mải vào những việc làm ăn, xoay sở cuộc sống thành thử cũng quên mất văn chương. Bỗng một hôm cô bưu tá mang đến cho bức thư, tôi vội mở xem. Bức thư ngắn gọn nhưng đầy trắc ẩn :

…" Người làng Lộc nuôi cá lồng ở bến Gáy đã được anh Nghiệp đọc cho nghe cái truyện  ma làng anh bịa ra. Có người khoái cứ cười bò ra rồi đứt ruột mà chết ! Có người lại thở dài, chua chát. Riêng anh Dỏ, anh ấy bảo : Thằng cha này thế nào cũng có ngày mò về đây ! Mò về đây tôi sẽ cho nó sặc cháo cá !… Nói vậy thôi, anh đừng sợ, cứ về nhá ! Người làng Lộc mong anh luôn đấy !"…

Tôi gấp phong thư, chần chừ do dự. Nhưng rồi tôi quyết định trở lại làng Lộc. Tôi thuê hẳn một chuyến xe, đóng bộ com lê đen, xách  cái cặp to. Hệt một ông lãnh đạo cỡ hàng trưởng ngành cấp tỉnh .

Xe chạy đến lúc dở giăng, dở đèn thì đến đầu làng. Tôi bảo người lái xe dừng lại ở chỗ gốc cây gạo to, gần bến Gáy. Bước xuống xe, tôi bàng hoàng thấy viền quanh chân núi Châm ánh điện xanh đỏ nhấp nháy, tiếng đài, tiếng ti vi ran rộn. Trời đất, làng Lộc thay da đổi thịt nhanh quá, tôi tần ngần, lại thấy mùi cá rán, cá luộc thơm lừng từ cái quán dưới gầm cây gạo tràn ra. Bà chủ quán tươi cười :

- Mời ông xơi bữa tối !

- Nhà hàng có món gì ?

- Ông dùng cá luộc, cá tái, cá nướng lùi, lươn, cua, ốc, ếch có đủ ! Bà chủ quán cười ha hả, ánh điện ngoài phòng khách cũng nhoè lên, chủ và khách cùng à to :

- Trời ! Chú Tỏ làm văn !..

- Ôi ! bà Bẹo ! …

- Bẹo với bấm cái gì ! vừa nói bà Bẹo vừa túm lấy tay tôi kéo xềnh xệch vào bàn . Mồm miệng ha hả.

- Mày mất tăm lâu thật, bà là bà cú mày nhá ! Tên bà là Bèo (ngày xưa đi băm bèo thuê làng gán cho cái tên ấy) Mày viết vào sách mày lại bảo là bà Bẹo, tao bẹo ai bao giờ nào ? Láo toét, láo toét ! Lại còn cái đoạn mày tả tao cười he hẻ lúc bán thịt lợn cho cái Ló ! Càng láo toét ! Tao bán hàng cân đầy, đong đủ. Mày bảo tao Bẹo ! Láo ! Nhưng mà thôi bán hàng là phải vậy. Mày tả thế cũng chả sao! à mà này : Mẹ con cái Ló giờ khá lắm nhá ! Nhà nó lát mái bằng rồi, lão Thăng Bằng về ở đấy, ấm êm lắm. Con Lở bây giờ học lớp mười hai, lại giỏi gái, gia đình lão Hò muốn nhận nhưng chị Ló không nghe ! Thỉnh thoảng lão Hò vẫn lủi lên hòn đá Mon thị dòm trộm ! Khổ thế ? Nhưng đáng đời, lão ấy nhăng quậy rồi bỏ rơi con nguời ta ! Nếu không có cái nhà bác Tâm giúp đỡ thì bây giờ nó vẫn là cái hoạ của làng ! Bà thở dài. Mà thôi, chuyện làng xã, mày về rồi sẽ biết, bây giờ ăn đã. Để tao dọn mâm, gọi  cả thằng Dỏ, thằng Nghiệp cho vui, vừa nói bà vừa loe xoe xuống bếp, bà bắc tay lên miệng làm loa chõ về phía bến Gáy giọng ô ố :

- Dỏ ơi, Nghiệp ơi, lên quán bà Bẹo uống rượu ! Thằng Tỏ làm văn nó về đấy. Có cả ô tô nhá !…

Bà Bẹo bưng mâm bày lên bàn, một rổ ốc nhồi còn nóng hổi, hương lá bưởi tỏa ngào ngạt, nồi cháo cá còn sôi lạch rạch. Anh Dỏ cũng lò dò từ dưới bến lên, cái áo khoác vắt loà toà trên vai, anh bước vào hai mắt nhìn tôi lô lố :

- Tao tưởng mày mất xác ở đâu rồi và anh cười hề hề. Nhìn anh tôi biết trận này anh sẽ cho tôi gục tại quán. Tôi hỏi :

- Nghiệp đâu  ?

- Nó đi trại cá chọn giống cho làng. Hôm nay tao phải say với mày ! vừa nói anh vừa tút cái nút chuối trên cổ chai rót đầy ba cái cốc.

- Nào ! Chúc mừng cuộc gặp lại. Ba cánh tay thẳng, trăm phần trăm. Anh Dỏ ngồi xuống giọt mồ hôi trên trán sùi ra lấm tấm. Giọng hể hả. Anh nhúp      những con ốc nhồi to đưa cho tôi và người lái xe.

- Nhắm đi, vừa nhắm vừa chuyện. Hôm nay tao phải cho mày sặc rượu, sặc cháo cá. Nếu mày không trả lời được những câu hỏi của tao.

- Nếu tôi trả lời được ?

- Thì tao chịu sặc !…

- Vâng ! anh hỏi đi !

- Tại sao ngày ở làng, tao đối xử với mày tốt thế, mày lại tả tao như một thằng lò dào, lúc nào cũng nát rượu, lại lắm đều hơn đàn bà còn bị người ta dùng rượu để sai khiến ? Mầy nói đi ! Tôi nhìn anh tư lự, gãi tai. Anh lại giục. Mầy nói đi và anh nhấc chai rượu rót đầy vào cái cốc.

-Vâng ! tôi ngần ngừ : Nào ai dám nói xấu anh. Nhưng cái việc anh nát rượu là có. Hôm anh đổ ống lươn, được khoảng cân lươn tôi bảo chị bán để lấy tiền đóng học cho các cháu, anh tròn mắt : Rượu tao còn chưa có uống, học hành gì . Chị cắp rỏ lươn ra chợ bán cả mua được lít rượu. Anh uống với chuối xanh một tối là hết. Lại cái đận anh đi đào giếng thuê, người ta cho say rượu, anh chả lấy tiền công !…

- Ử nhỉ !  Mầy nhớ lâu thật ! Tao chịu sặc rượu vậy. Anh tự nâng cốc uống hết. Đặt cái cốc xuống bàn, giọng anh bùi ngùi :

Bây giờ tao giàu rồi nhưng nếu không gặp anh Tâm, không có chú Nghiệp dạy nuôi cá lồng bây giờ có khi tao cũng thành thằng Chí ở làng Lộc rồi thật ! Mầy tả cái đoạn tao làm cỗ cúng thần sông, kết nghĩa với thằng Nghiệp là tuyệt, tuyệt, bây giờ tao thành anh em với nó ! Hôm nó tổ chức cưới cái Mưa vui lắm. Bà Tĩnh vừa cười,vừa khóc rưng rức,ông Tĩnh thì rót rượu mời cả làng !

-Thế còn anh, hết mấy lít ?

- Hôm ấy tao đại diện nhà giai, say thế nào được.

- Ử nhỉ ! Tôi lại nhớ cái buổi tế thần sông ! …

- Chúng nó đẻ thêm đứa con gái. Thằng nghiệp giờ làm trưởng làng cá lồng, thím Mưa đứng cửa hàng dịch vụ nông nghiệp cho cả xã. Thằng Thừa ngoan  mà lại học giỏi ! Nó lây cái học từ thằng Nghiệp mà. Không đẻ ra mà nó bện nhau như chạc. Trời bù trừ cho chúng thật. Tao mừng nhưng thi thoảng vẫn tức.

- Sao ? Tôi hỏi  :

- Sao với đèn ! Nó là cái giống của lão Tòng ! Mắt anh Dỏ đỏ vè như hai cục lửa. Tôi cười phá lên !

- Tưởng gì, hoá ra anh Dỏ cũng cố chấp ! Thế anh không nhớ, ngày thằng Nghiệp còn lọm thọm ở một mình, anh còn xui nó cứ lên quán cô Mưa mà ở sẵn nong, sẵn né. Con trẻ mình chăm nó, nó quí mình, quan trọng gì ! Thế mà !…

- Thế mà khi nó thành sự thật, tao lại tức ! Nông dân mà ! Nhưng mày nhắc lại tao vỡ ra lẽ rồi. Mầy biết không ? Lão Tòng chết, ba năm bốc mộ. Lúc bật nắp quan ra, cái xác vẫn chềnh ễnh, hai lỗ mắt như hai cái hố trừng trừng. Cả nhà phá chạy. Thằng Ất đành phải lấy dao bầu lọc xương,làm xong mộ cho bố tự nhiên phát rồ. Bây giờ làm cái túp lều ở một mình chỗ xó cổng. Ai đến cũng nhe răng cười. Làng ai cũng cám ngưỡng nhưng lại xót mẹ con cô Sứt với bà Tòng mù loà. Anh Dỏ thở dài ! Tôi lái sang chuyện khác :

- Thế còn anh Lường ?

- À,sau  Đai hội Đảng bộ xã kỳ ấy,hắn vẫn làm bí thư tiếp một năm, hắn cách chức phó chủ tịch của thằng Lại.  Thằng Lại cú chém què con trâu mộng nhà hắn rồi trốn đi. Nghe đâu vào Lâm Đồng tham  gia buôn lậu, bị tù rồi.

Sau đó một thời gian hắn Lường xin nghỉ bí thư chuyển sang công tác mặt trận. Anh Tâm giữ chân chủ tịch Hội cựu chiến binh, Thành làm bí thư, Lập làm chủ tịch… tứ trụ này chắc lắm làng xã giờ đổi thay nhiều.Những con ma sống như mầy tả trong sách hết dần nhưng vẫn còn. Có điều chúng thiếu thế để doạ dẫm người vì từ ngày có điện lưới, cái nghĩa địa gò hồn lúc nào cũng sáng như ban ngày !…

Thôi, uống đi. Coi như tao chịu sặc rượu. Anh Dỏ tự ngửa cổ uống hết cốc rượu. Đặt cái cốc xuống bàn, anh cười hề hề :

-Thôi, để bà Bẹo nghỉ. Bê cái này xuống mảng. Chú lái đánh xe vào sân. Khoá cổng lại ngủ cho ngon nhá. Vừa nói anh Dỏ vừa bê rổ ốc và cái hũ đứng dậy. Bà bẹo cười ha hả :

- Khéo chả cá nó cũng say, bà ngủ quên ai vớt !…

- Bà khỏi bận, Cứ ủ nóng nồi cháo, sáng mai mỗi thằng tôi đả vài bát. Anh Dỏ cười rồi cúi đầu lọp thọp đi.

Về đến mảng hai anh em ngồi đối nhau giữa cái hũ. Chuyện cũng ánh lên dày dịt, nhấp nháy như sao trời. Anh Dỏ bảo :

- Đời người, anh Dỏ này ngẫm nó như cái chong chóng ấy. Gặp gió là cứ tít mù. Nếu mà không gặp gió nó chỉ là cái chong chóng. Thằng Nghiệp đấy, anh Dỏ đấy nếu không có cái ngọn gió kỳ diệu của anh Tâm gọi về thì suốt đời Nghiệp có tài mấy cũng chỉ khum mấy tàu lá cọ ở cái mảng này, Anh Dỏ có chịu khó mấy cũng chỉ gánh ống lươn bờ ruộng, bờ hồ.

Giờ có nhà ngói, sân gạch là nhờ ngọn gió của anh Tâm ! Trời thả anh Tâm về làng là hợp lý. Từ ngày nó về cái làng này mới đúng thực là làng Lộc. Tụi tao làm nông dân, đã nhìn thấy Chủ nghĩa xã hội nó như thế nào đâu. Nhưng cái gì có ích, có lợi là chúng tao theo. Đấy, ngày xưa đánh Pháp, đánh Mỹ nhà tao hai, ba người đi bộ đội, thằng út còn chết ở trong mặt trận, tụi tao có đòi hỏi gì. Hoà bình lập lại cứ nói xây cái này, dựng cái kia, tụi tao đói bụng, rét mặc, đếch tin nữa, sinh ra trầy bửa. Giờ có ngọn gió của thằng Tâm thổi về có nhà ở đẹp, con cái được học chữ, làng xã sum vầy, sao mình chả vui, chả tin. Đổi mới làng xã là nói phải làm, cứ như anh Tâm, anh Lường ấy là được. Chống tham ô mà dám mang vàng ăn trộm trả cho dân thế mới là người thật.Cứ làm như thế tụi tao tin ngay.

Sinh ra đời con nguời làm gì thì làm, theo ai thì theo, cuối cùng cũng phải được ăn no, được mặc lành được học chữ. Cánh anh Tâm đi bộ đội về đã giúp được làng Lộc việc đó. Mà thôi, nói chuyện thế nhiều rồi , uống đi. Hai cái cốc lại chạm vào nhau, rượu dìu hai anh em tôi bồng bềnh trên cái mảng. Tôi ngủ lim đi. Mãi đến lúc anh dỏ vỗ bụp vào mông đít tôi mới bừng dậy. Mặt trời đã tràn sáng khắp dòng sông. trên những mảng cá nguời làng Lộc đang tất bật thả cỏ, đổ cám cho lợn, cho cá ăn. Anh Dỏ vỗ vai tôi bảo :

- Vui chưa. Trên là cũi lợn, dưới là lồng cá ! Thằng nghiệp nó tạo ra đấy. Cái thằng này đáng tôn là tiên sinh của làng Lộc lắm chứ ! Vừa nói anh Dỏ vừa đẩy cái mảng sát vào các bè cá lồng. Nhận ra tôi mọi người cùng  reo toáng lên :

- "Ma làng" về rồi !

- Nó hiện từ đâu lên hả anh Dỏ ?

- Tao túm được nó ở quán bà Bẹo.

- Trưa nay bác thả nó về nhà em.

- Không, về nhà cháu !

- Không, về nhà tớ ! Anh Cút át tiếng chị Cồi … Anh Dỏ bảo :

- Của quí đưa tao con dao bầu, chặt mỗi đứa một khúc. Anh cười hề hề .Tôi trèo lên các mảng cá ! Lòng tự nhiên thấy yên tĩnh, thơ mộng lạ thường. Nhìn những con lợn lai béo mũm  đang xốc cám, đàn cá dưới lồng ũng oãng nổi lên đớp mồi. Tất cả đều đuợc sinh ra từ đôi bàn tay cần mẫn, kỳ diệu của người nông dân. Sự thanh thản bao trùm khắp tâm trí. Tôi càng tin yêu thêm cuộc sống của con người.

Buổi chiều,tôi dạo lên làng Lộc. Đến ngã ba dốc Chùa nhìn hai hàng cây ô dô thẳng tắp chạy thẳng vào ngôi nhà cao vọi giữa làng, chả biết vì sao tôi lại rẽ ngoặt vào đó. Đến cái cổng tò vò thì gặp ông Thường. Tôi thành kính, niềm nở  :

- Chào đồng chí bí thư huyện uỷ.

- Anh Tỏ, chào anh Tỏ, mình cũng về nghỉ làm dân rồi. Thanh thảnh, vui như tết. Vào đây uống nước đã. Ông nắm tay tôi cùng bước vào cái cổng tò vò. Tôi giật mình khi nhìn thấy ở góc cái cổng một túp lều nhỏ trùm lên cái cũi, thằng Ất ngồi xếp bằng trong đó, hai mắt trợn trừng nhìn trời ! Tôi tái mặt ! Ông Thường nghẹn giọng :

- Thằng Ất ! Anh lạ gì !

- Khổ ! số kiếp , tôi thở dài !

- Số với kiếp gì hở anh. Tính cách nào số kiếp ấy ! Nó mất tính người từ sự nuôi dưỡng của ông Tòng. Đến đận anh Lường hối cải tự đem trả 15 cây vàng cho xã, nó hoá ma, hoá quỉ, vả nó cũng đã làm người được bao giờ đâu. Việc này là tội của người trên. Người trên đã lợi dụng, ép đặt chúng nó để thuận việc của mình. Trong việc này, tôi cũng có một phần trách nhiệm. Lúc gia đình ông anh họ tôi gả con Sứt cho nó tôi biết đâu được tình tiết sự việc họ bày bố. Cứ nghĩ  rằng con cháu mình xấu xí mà vẫn có người thương thế là phúc. Mình ngờ đâu được họ lấy cháu mình là để dựa cái bóng ông bí thư huyện uỷ. Nghịch là ở chỗ ấy. Khi nhận ra sự thật thì nó lại thành ma cả rồi ! Không chữa được nữa đành chấp nhận hậu quả nhưng chua chát lắm ! Vì thế, hàng ngày mình vẫn phải lui đến đây. Ông Thường thở dài ! Tôi an ủi :

- Thôi cũng là chuyện vui buồn của mỗi đời người ! Nhân vô thập toàn mà bác ! Đấy cũng là một bài học dạy cho mọi người phải biết sống, biết làm điều thiện ! Bây giờ chú Ất ngồi cười ở trong cũi kia, cái cực cho chú ấy, cho gia đình là chính nhưng chúng ta cũng xót chứ !

- Phải  ! anh nói rất phải ! Ông Thường lại thở dài.

- Thôi bác và anh vào nhà uống nước. Cái Sứt nhìn tôi và ông Thường thút thít : giọng nó nghẹn ngào hơn : Dù sao mọi chuyện cũng thế rồi ! Cháu cám ơn trời sinh ra cháu vẫn cho cháu được cái quyền làm vợ, làm mẹ. Nếu không có cái bóng bác Thường làm bí thư huyện uỷ nhà anh ấy cưới cháu làm gì ? Phúc là cháu còn được đứa con ! Bác và anh đừng nhắc chuyện này nữa ! Trời đày ra cháu là phải thế !… cũng may chị Mưa rất rộng lòng, thỉnh thoảng chị ấy vẫn cho thằng cu Thừa vào đây chơi. Lại đôi khi cháu khó khăn anh chị ấy còn giúp tiền, của nữa ! Anh Lường cũng tốt, thấy cháu vất vả anh đón bà cụ về nuôi giúp. Giờ cháu chỉ vất vả với nhà cháu một chút thôi ! Nghĩ cũng tội lắm, suốt ngày cứ ngồi trợn mắt nhìn trời ! Cái Sứt lại thút thít. Ông Thường ngẩn người ! Tôi bảo :

- Mọi việc cũng đã rồi ! Cô Sứt đừng buồn nữa, có thế nào thì cháu bé của cô với thằng Thừa cũng là anh em với nhau. Điều quan trọng là phải phối hợp dạy dỗ chúng, đừng để chúng dẫm vào vết cũ. Như vậy sẽ tạo ra được cái êm ấm, quần tụ sau này và được như thế thì cái bóng như con ma sống kia sẽ tự mất đi ở nhà mình cũng như ở làng Lộc.

- Ừ , ông Thường nắm tay tôi, chắc ông lại ngẫm ra điều gì mới mẻ, ông bảo : Cái quyển sách anh viết tôi đã được nghe kể. Văn chương tôi không tỏ tường nhiều nhưng thấy toàn chuyện có thật ở làng Lộc, lại được gặp bóng dáng mình trong ấy. Anh in ra và viết tiếp tập II đi !…

- Vâng ! Tôi đã in và đang viết tập II nhưng chưa kết được ! Còn phải đợi sự trưởng thành của anh em thằng cu Thừa !…

- Ừ nhỉ ! ông Thường lại ngẩn người, ông nắm chặt tay tôi, giọng thân thiết : Sách ra, báo tin mình sẽ  bỏ cả tháng lương bí thư huyện uỷ về hưu mua tặng cho làng Lộc mỗi nhà một quyển.

- Cảm ơn, tôi vẫn nắm chặt tay ông Thường lòng lại đầy ngập cái bến cá ở vụng hòn đá Gáy và tôi thấy chuyến đi về làng Lộc của tôi lần này đầy thú vị và ý nghĩa, mặc dù tôi vẫn chưa gặp lại được hết các nhân vật của mình.

Làng Thông  năm 2000

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...