Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: “Mẹ con nhà Mực” - Lưu Quốc Hoà

08-08-2011 02:50:08 PM

Con Mực xé cái chổi rơm sồn sột. Hai chân trước đè cái chổi xuống mảnh sân trước nhà. Nó làm việc gấp gáp, cuống cuồng như sợ ai cướp mất cái chổi, vừa xé nó vừa đảo mắt coi chừng cô Thơm, chủ của nó.

Cái chổi lúa bằng rơm nếp còn mới và rất dày dặn cho cái Tho, con bé 5 tuổi, học quét sân mỗi buổi chiều. Cô Thơm bắt con bé học quét sân bằng chổi không cán cho “quen thân quen xác, cho mềm cái lưng” và hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác. Nhà đi vắng hết, cái Tho giờ này vẫn chưa tan lớp, mẹ ra đồng, còn chị Thảo nó đi học thêm cùng đám bạn.

Con Mực bụng khệ nệ, lặc lè. Mực sắp trở dạ cho đàn con chào đời. Nó gấp gáp chuẩn bị chỗ nằm ở một xó bếp hơi khuất và nhờ nhờ tối để sinh con. Mực ngoạm những nẹn rơm quây ổ đến khéo. Xong việc, Mực nằm quằn quại, kiên nhẫn chịu cơn đau sinh nở.

Cô Thơm vác cuốc từ ruộng về, như thói quen thường lệ cô đảo mắt một lượt bao quát khu vườn, căn nhà… Vẫn nguyên cả. Dạo này, trộm cắp vặt ở chốn nhà quê cũng nhiều lắm, lơ mắt là mất chó mất gà, mất buồng cau, nải chuối. Đấy không phải là lũ trộm đói cơm mà là lũ đói thuốc, bạ cái gì cũng lấy.

Quái lạ! Con Mực đâu nhỉ? Mọi lần về nhà nó vẫn lút cút lao ra mừng cuống lên. Nó bổ thượng lên cào chân vào phía sau phía trước rồi rít lên sung sướng đến tội nghiệp. Hôm nay, Mực đi đâu nhỉ? Lé mắt vào góc sân không thấy cái chổi rơm, cái chổi còn trơ lại nõ tre vẫn đóng cứng ngăng ngắc trên cuống. Một đường vương vãi những cọng rơm tơ tớp từ sân vào bếp. Chị ngầm đoán điều gì xảy ra.

Trong cơn đau cào cấu, con Mực nhìn thấy chị ló cổ vào bếp, nó vẫy đuôi xắng xít, ánh mắt như cầu cứu, van lơn.

Hình như các giống cái trên đời này có sự đồng cảm về nỗi đau sinh nở. Chị Thơm nhẹ nhàng xoa đầu con Mực, vỗ lên khoáy nó an ủi vỗ về. Tự dưng chị nghĩ thầm trong bụng, một ý nghĩ bỗng dưng loé lên, hơi trái khoáy, kỳ quặc nhưng rất thật: “Bố sư khỉ! Mày ngủ với thằng chó nào mà bây giờ nó mất mặt, sinh nở một mình…”. Chị thừa biết chả con chó đực nào nhận con và chăm chó cái đẻ bao giờ nhưng vẫn cứ chửi, ấy là chị nghĩ đến cô Bính con bà Cả Nho hôm nọ cũng vác bụng đến trạm xá xã khi trót dại với một gã Sở Khanh. Chị gọi điện thoại cho bác Cả Nhân buôn cá ở chợ Bầu:

- Em nhờ bác một tý nhá! Bác nhớ đừng quên nhá! Tý nữa về bác mua dùm em mớ cá thau tháu, qua chỗ hàng thịt lấy cho em ít xương ống xương cạng.

Đầu bên kia bà Nhân cười khanh khách:

- Nhà mày đổ đốn hay sao mà ăn uống kỳ cục thế! Nói lại lần nữa cho tao nhớ…

Cô Thơm nổi lửa nấu cháo và mắt ngóng ra cửa lẩm bẩm: Con Tho thế thì thôi! Lại đánh chắt đánh chuyền ở đâu, giờ này chưa ló mặt về. Vừa cời lửa chị vừa chép miệng bâng quơ, nói bâng quơ một mình. Con Mực trong cơn đau vẫn ấm ứ rên. Khổ thân nó quá. Lan man cô lại nghĩ về sự có mặt của con Mực trong nhà mình những năm qua.

***

Đấy là một con chó cỏ mũm mĩm, đôi chân ngắn thùn lụt và lông màu đen tuyền, trên lưng nó lại có túm lông bờm toẽ ra hai bên sườn như bờm ngựa. Ngộ hơn nữa, trên hai mắt lại có hai chấm vàng tròn như viên bi. Người ta vẫn gọi đấy là giống chó bốn mắt, chân huyền đề. Dân phố thường hay nuôi chó lai to gần như con bê nhưng dại khờ và bắng nhắng. Loại ấy rất dễ bắt quen với người lạ khi có cái gì đấm mõm, cứ gọi đúng tên là thích chí ngoáy đuôi mừng rồi nhong nhỏng chạy theo. Loại ấy chỉ làm cảnh chứ trông nhà chỉ trông cái nóc. Chó cỏ nhà quê lại khác, trung thành với chủ đến tội nghiệp. Nó xứng với câu ca người xưa: Con không chê bố mẹ khó / Chó không chê chủ nghèo. Có đói đến chết cũng không ai nhử mà chịu theo, nó chỉ ăn cơm chủ và mẫn cán với việc trông nhà cho chủ… Con Mực bốn mắt nhà chị Thơm mua là giống chó mang đủ cái phẩm chất chó mà tạo hoá đã trao khi làm bạn với người trên trần gian.

***

Hôm đó là chợ phiên, chị gánh rau đi chợ. Qua hàng bún chị thấy một gã nhà quê răng vổ mặc bộ cánh gụ đã sờn, đặt lồng chó ba con. Lão lấy chân đè lên sợ mất cắp, tay đũa tay chén, gã đang ăn lòng lợn tiết canh. Mấy con chó vẫn vô tư đùa nghịch trong cái lồng tre. Chúng nâng chân trước bá lên cổ nhau, vật nhau oành oạch. Cô Thơm chống đòn gánh nghênh mặt ngắm mãi một con chó cái to nhất trong lồng, gã bán chó lè nhè bảo: “Thích con nào thì bảo, đây bán hữu nghị! Toàn giống quý huyền đề bốn chân đấy”. Chị lấy ngón tay thọc qua nan lồng chỉ đích con Mực. Kỳ kèo thêm bớt, con chó bị lôi ra khỏi lồng và vĩnh biệt hai em nó để về nhà cô từ nay. Cô lẩm bẩm câu đồng dao mà người nhà quê vẫn đọc khi mua con giống: Mày về nhà tao / Có sao ăn vậy / Sinh năm để bảy / Cho tốt cho tươi… Hình như biết thân biết phận, nó ngoan ngoãn để cô quàng đoạn dây thừng đứt vào cổ và ngồi then lét, nép vào chân cô nhìn cô bán hết gánh rau rồi ngồi tòng teng trên cái quang theo về.

Mực về nhà cô, ngơ ngác vì mất mẹ, mất em, nó ư ử khóc, quài chân lên mặt mà khóc, kêu mãi đến khi cái Thảo đến xoa đầu, bế lên vuốt ve mới tạm yên lòng, lấm lét thè lưỡi liếm vào tay, nó nhắm mắt rồi lại mở mắt như dò hỏi đây là đâu, lành hay dữ… Cái rủi may phận làm chó bao giờ chẳng nhờ vào phúc phần nhà chủ.

Cái Thảo giờ đã vào trung học với ánh mắt lung liêng, bước đi nhún nhảy, cái ngực có lùm vú đội áo cồn lên… Nhanh thật, thế mà đã mười năm. Tuổi xuân cái Thảo mới bắt đầu nhưng tuổi Mực đã là xế bóng. Mực thành con vật già cỗi trong nhà.

Tuổi xuân của Mực cách đây lâu lắm rồi. Mực đẻ liền hai lứa đều đặn mỗi lứa bốn con. Bốn con không sài đẹn và giống mẹ sau đó vài tháng, lại vào rọ ra chợ và chị em nó lại vĩnh biệt nhau để về nhà người khác ở cái phương xa lắc xa lơ không bao giờ có cơ hội bên nhau. Chỉ có hai lần làm mẹ, Mực tuyệt đường sinh nở khi có bà thú y xã đến tiêm vắc xin phòng dại.

Sáng ấy, đài trong xã ra rả đọc lệnh tiêm phòng chó dại. Mực bị xích và chờ đội thú y tiêm cuốn chiếu từ đầu làng đến cuối làng. Tất cả chó trong làng đều phải tiêm theo danh sách kê khai từ mấy hôm trước. Cái Thảo lừa Mực vào khe cửa, cánh cửa bất thần kẹp lại. Đầu mực bên kia và phần thân còn lại bên ngoài. Một nhát kim nhói lên sau mông, Mực tru lên đau đớn, toàn thân giật nảy lên. Mũi tiêm vô tình trúng huyệt nên chân co thọt. Có ai cẩn thận khi tiêm chó đâu, cứ chọc, cứ bơm và cứ ký sổ rồi thu tiền. Mực thọt một chân và thọt luôn sinh nở từ đấy.

Tuy thọt một chân sau nhưng nó vẫn làm chức phận coi nhà rất chu đáo và khôn ngoan. Ban đêm, khi mọi người đã yên giấc, nó nằm trước cửa, ệp bụng xuống đất, hai chân trước toài ra, tai cúp xuống, mọi tiếng động quanh nhà, Mực phân tích bằng sự thính nhậy bản năng loài chó. Mấy người hàng xóm đi đêm về hôm làm nghề chạy chợ lỉnh kỉnh xe đạp, rổ rá, quang thúng vừa đi vừa nói chuyện léo xéo hay mấy ông say rượu chân đi vòng kiềng lả thả chân nam đá chân chiêu Mực cho qua. Đám bắn chim hay kích cá đêm thì không thể được, lũ này ngờ lắm, cứ chấm chân vào mép vườn là nó sủa những tiếng áp đảo, tự tin, nếu tiến sâu vào lãnh địa do nó cai quản, Mực vừa cắn vừa lùi vào trong thủ thế. Chính vì cái khôn ấy, nó không bị đánh bả, bị kích điện để chui vào bao tải lũ kẻ cắp chuyên bắt chó.

Mực là con chó duy nhất của cả xóm thọ dai, nó thọ dai cũng còn một lý do nữa là cự tuyệt bọn chó đực vẫn đeo đuổi ve vãn quanh nhà. Anh chàng nào vào sân đòi tỏ tình, Mực lao ra cắn cho tơi bời phải cúp đuôi tháo chạy. Mực trở thành con chó cái khắc kỷ và phớt đời khi không còn những cơn động dục gào thét. Mũi tiêm vào huyệt năm xưa đã lấy mất tuổi xuân mà tạo hoá công bằng ban phát cho muôn loài. Giống chó là giống khôn nhưng cũng là giống dại nhất khi tìm bạn tình. Bất kể giống đực hay giống cái khi có bạn tình rủ rê là quên mất chức phận, sẵn sàng bỏ cửa lìa nhà mà giao hoan, những cuộc giao hoan đau đớn và lộ liễu để rồi mất mạng.

Cách đây không lâu, bỗng dưng cái chân từ từ hồi phục. Mực đi lại nhanh nhảu. Mực hay liếm bộ lông đen cho mượt và hay ra khỏi nhà ngóng mắt đâu đâu, dáng vẻ túng tớn lắm. Cô Thơm mắng yêu: “Sao hả nàng! Giở chứng à! Bố nhà chị, già mốc mới dở chứng! Rõ của nỡm, có giỏi đẻ vài lứa tao xem có ra chó hay ra đười ươi…”. Con Mực chừng hiểu ý sự thách đố của bà chủ, ngoáy đuôi xoắn xuýt, cái thân đung đưa, oặn ẹo, cái mõm có hai lỗ mũi tròn ướt nhườn nhượt hít hít và rên lên ư ử. Bà chủ lại xoa đầu, lại mắng yêu: “Bố nhà chị! Đúng là loại đĩ già, khéo mà mắc hợm đấy, khéo mà già không trót đời đấy…”.

Cái Thảo lườm mẹ: “Gớm mẹ! Kệ nó mẹ ạ! Sao mẹ đùa ác thế…”.

Cô Thơm tuế toá: “Ấy là tao đùa cho vui! Tao quý nó chứ, nó có nghĩa lắm đấy, nó còn có nghĩa hơn mấy thằng mất dạy làng này đối với mẹ với cha, nó còn trung thành, trung thực hơn chán vạn mấy thằng ăn cơm bằng bát nhưng mạnh bên nào ôm áo bên ấy, có khi thấy quan thầy sa cơ lỡ vận còn quay lại cắn giả…”. Con Thảo lại nhăn mặt: “Thôi đi mẹ! Lại mênh mông rồi! Sao mẹ lại ví chó với người! Kinh quá, người lớn toàn lôi thôi”.

***

Dạo trước Tết năm con mèo có anh chàng chó đực ngốc nghếch đến gạ gẫm. Chàng ta là giống chó lai, loại hậu duệ loạn luân trực hệ nên ngớ ngẩn vụng dại lắm. Nó thục mõm vào sau đuôi con Mực mà nghiên cứu thăm dò. Mực vẫn để yên và quay lại liếm mép con Bẹc chứa chan ân ái. Mực dụ cậu người tình vào cái chảo cơm mời mọc. Con “Bẹc rởm” hít hít bỏ đi không thèm liếm một hạt. Nhà Bẹc ông chủ vẫn cho ăn bằng khay trắng muốt, đầy phổi bò phổi lợn, thỉnh thoảng lại có trứng gà húp sống. Mỗi lần đi bán giống vẫn ngồi sau chủ trên xe máy và vênh vang ta đây lắm… Cái thứ cơm nhà Mực chỉ có lũ chó cỏ nhà quê chịu ăn, không ăn lập tức bọn gà tranh phần nháy mắt hết veo. Bẹc đến nhà vì cái khác hối thúc chứ ai thèm ăn thứ cơm thừa canh cặn. Khi cơn khát dục bùng lên thì anh công tử nhà giàu cũng phải ve vãn bạn tình xa đẳng cấp... Cứ thế, mỗi ngày mấy lần, Bẹc ghé chơi với Mực. Cô Thơm chỉ ra sân nói với con: Thấy chưa lũ chị em mày! Tao nói cấm có sai mà! Con Mực nhà mình lại dở chứng! Đúng là già không trót đời, khoác áo tơi cho nặng…

Một buổi sáng, Mực mất tích. Gọi khản cổ không thấy tăm hơi, cả nhà bảo nhau: Nó theo con Bẹc để bọn trộm chó đánh bả mất rồi. Cái điệp khúc “già không trót đời” từ miệng cô Thơm lại được dịp tuôn ra. Khổ nỗi thật, chả cái khổ nào giống cái khổ nào trên đời này cả!
Cuộc truy tìm của mấy mẹ con thất bại. Họ kéo nhau về mỗi người ngồi mỗi góc. Cái Thảo, cái Tho thút thít khóc, mẹ nó luôn chép miệng đay con Mực. Mọi người đều nhìn ra ngoài hiên, nơi con Mực vẫn nằm. Đã mười năm, hình ảnh con Mực in đậm trong ngôi nhà này. Nó nhẫn nhịn, ngoan hiền, bị mắng biết sám hối, được khen biết vui mừng đáp lễ, lúc đói, lúc no, lúc mặn, lúc nhạt, Mực đều vui vẻ với khẩu phần đạm bạc của mình. Mực dâng hiến tất cả sự trung thành để trả nghĩa cho mọi người, biết chia sẻ ấm lạnh buồn vui… Giờ này, nó ở đâu không biết để cái hiên nhà bỗng rộng rênh trống vắng.

Khi mọi người hết hy vọng thì Mực về, nó thèn lẹn cúp đuôi nép vào hàng rào đợi cô Thơm ra cửa, Mực quỳ hai chân trước phủ phục rồi cứ thế lê vào nhà. Nó biết cái lỗi tày đình hôm nay nó trót gây ra để cả nhà nháo nhác hờ gọi. Những kẻ không bao giờ mắc lỗi, khi mắc lỗi thì coi đấy là chuyện ghê gớm lắm, dù có chịu quở phạt thế nào cũng đành lòng, cũng là chưa đáng với lỗi đã gây ra.

Mọi người, nhất là cô Thơm đã hiểu ra cái lỗi của Mực. Toàn thân nó ướt át, nhầy nhụa, túm lông bờm trên lưng rụng gần hết sau những trận hoan lạc đau đớn và dai dẳng với con Bẹc sung mãn. Con Mực nhà này đã trải qua những đau đớn đến sung sướng của loài chó…

***

Nồi cháo xương vừa nhừ thì Mực khai hoa kết nụ bốn con. Cô Thơm ủ lửa lom đom rồi sà đến ngồi cạnh con Mực, vuốt ve đầu nó, tự dưng cô lẩm bẩm: Cố lên con! Có đau lắm không! Ừ sướng chưa! Ai bảo?... Con Thảo, con Tho cuống cả lên, bọn nó chạy lăng xăng quanh mẹ không dám gần, nó sợ câu nói của người lớn vẫn dùng để bỉ nhau: Dữ như chó đẻ… Mực có dữ đâu, nó liếm láp những đứa con trìu mến và mãn nguyện, nó liếm tay cô Thơm thay lời cảm ơn. Nó ngước nhìn hai chị em, hai cô chủ nhỏ thương mến và nhè nhẹ ngoáy đuôi, ấm áp và tin cậy. Đám chó con ra khỏi bụng mẹ gặp hơi giời hơi gió khô lông và phổng lên nhanh lắm. Chúng cũng giống mẹ bởi bộ lông và hai vết chấm tròn trên mắt. Chúng chưa mở mắt, chỉ đánh hơi mẹ rồi rúc đầu bú ngay. Chúng kêu khin khít và còn oe oe khóc nữa mới thương.

Con Bẹc đa tình lại xuất hiện. Lần này nó không đến tìm con Mực mà gạ gẫm một con cái lai cách đấy mấy nhà. Qua cửa, thấy đàn chó con kêu, nó không thèm để ý. Con Mực nhìn thấy người tình cũ quay đi, cái đuôi không động cựa, tự dưng nó thở phì một cái rõ dài rồi cúi xuống liếm đàn con đang bú.

Cái loa nén trên cột điện đầu làng lại ra rả thông báo lệnh cấm chó. Chỉ ít ngày nữa, đội “xung kích” sẽ đến từng nhà kiểm tra và tiêu diệt. Chả biết đây là phép nước hay lệ làng, chỉ biết rằng số phận mẹ con nhà Mực rất mong manh.

Ba mẹ con thẫn thờ sau tiếng loa vừa dứt. Nồi cháo đã nguội. Cô Thơm bưng đến tận miệng Mực. Suất bồi dưỡng gái đẻ thơm lừng.

Cô đang nghĩ kế. Có chịu tội gì đi nữa cũng để mẹ con nhà Mực vuông tròn rồi tính sau. Đêm nay mải yêu con chắc Mực quên giữ nhà! Thôi mình thức vài đêm vậy, lũ nghiện nó nhòm đàn gà mái, cái bơm nước, mấy buồng chuối đang tròn cạnh từ lâu rồi.

Viết tại nhà sáng tác Đồng Mô Sơn Tây tháng 4/2011



Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...