Giỏ và Ló trong phim truyền hình cùng tên
Ló đi một mạch đến nhà lão Tòng. Nhìn thấy Ló, lão Tòng vội gỡ cái kính khỏi mắt đứng dậy, trên cái bàn vẫn còn bày đầy giấy tờ, sổ sách, có lẽ lão đang lần tìm, tính toán một việc gì rất quan trọng. Lão hất hàm hỏi Ló :
- Thế nào ? Có tin gì khác trước ?
- Dạ ! Nhà họ không bàn gì thêm nữa. Cô Mưa cô ý còn loa loa khắp xóm : Cái thai trong bụng là cả gia tài của cô ý đấy. Khiếp chưa bác ! Ló nheo mắt nhìn xuôi.
- Thế thì rách việc rồi. Lão Tòng nhăn mặt vơ nắm giấy tờ hỗn lộn nhét vào ngăn tủ. Lão thọc tay túi áo lững thững đi vào buồng trong. Ló ngồi trơ một mình ở cái tràng kỷ , cô đảo mắt nhìn khắp gian nhà chợt Ló nhìn thấy tờ giấy phê đúp to nhì nhằng đầy chữ ở dưới gầm bàn. Ló lén nhặt gấp lại nhét vào vành quần rồi lại ngồi trơ giữa tràng kỷ. Lão Tòng từ buồng trong bước ra, lão nhe hai hàm răng trắng nhởn vừa cười, vừa nói và lão lại dúi vào tay Ló tờ giấy bạc xanh biếc.
- Cầm lấy, bác giao cho Ló việc này nữa, hoàn thành được phần thưởng sẽ to gấp đôi. Ló trố mắt nhìn, lão lại cười hì hì : cầm lấy, gái có công chồng không phụ. Ló ngần ngừ rồi xoè tay vo tờ giấy bạc dắt vào vành quần, Ló hỏi :
- Thế bác còn giao việc gì nữa ?
- Việc này đơn giản thôi. Lão đảo mắt nhìn Ló giọng ôn tồn : bác biết việc này cháu làm đuợc. Theo cháu nói thì cái Mưa nó không đi nạo thai nữa. Nghĩa là nó để đẻ. Nó mà đẻ ra việc này rất phức tạp, có rắc rối đến cậu Ất nhà bác. Cháu phải hết lòng giúp bác nhá.
- Làm nào cháu giúp được ?
- Thế này, làng mình ai Ló cũng gần gũi, thân tình. Ló đến nhà ai mà họ chả qúi, chả mến. Việc này rất thuận, Ló ngồi với cái Mưa tâm tình có khó gì đâu. Con gái khi có bầu nó thích tình cảm ,hoàn cảnh của nó lại éo le, cả nhà hắt hủi. Trong lúc cô độc như vậy, có người gần gũi là nó dãi bày hết. Ló cứ lừa lúc nào nó ngồi một mình, Ló đến thỏ thẻ tâm sự, chia sẻ, cảm thông hoàn cảnh của nó với mình khi nó bắt chuyện thì ? …
- Thì sao bác ?
- Thì thế này, lão Tòng móc túi ra hai cái gói nhỏ. Một gói màu xanh, một gói màu đỏ. Giọng lão thì thào : Quả ô mai đấy. Ngồi gần nó, Ló cứ bóc ra ăn, của chua, gái có bầu nhìn thấy ! … Lúc ấy Ló sẽ đưa cho nó cái gói màu xanh, Ló ăn cái gói màu đỏ.
- Sao phải thế ?
- Thế với thú cái gì, mày ngốc lắm. Lão rủa yêu. Cái gói giấy màu xanh đã được tẩm thuốc ra thai vào. Nó ăn hết là đẻ non ngay. Mà khi nó đã đẻ non là mọi việc tươm tất, không phiền toái gì cho ai nữa.
- Thế nhưng cô ấy mà đẻ ngay ra, cháu mang tội à ?
- Khổ ! phải ngày hôm sau nó mới đẻ. Người ta đã tính toán rồi.
- Khiếp ! Nhưng mà bác đã sai bảo, cháu không dám chối.
- Tốt ! Lão Tòng khen rồi bảo : Cháu về cứ thế mà làm. Ló cầm hai gói ô mai định đứng dậy, nghĩ thế nào Ló lại nói :
- Nhưng cái bầu ấy là con của cậu Ất ! giọt máu của gia đình sao bác lại giết đi ?
- Khổ lắm, giọt máu với giọt mũi gì. Nó là cái quái, bác không muốn nó lộn về nhà này. Cháu cứ thế mà làm không bàn nữa.
- Nhưng nếu bác gái mà biết ?
- Gái với giai gì, bà ấy đang nằm trên bệnh viện.
- Bác ấy làm sao ạ ?
- Mày chưa biết à ! bà ấy ngã vào bếp lợt hết mặt mũi.
- Thế mà bác vẫn ngồi đây ?
- Đã có thằng Lọt, chị Yên ở bệnh viện rồi mà nhỡ bà ấy có chết thì cũng thôi, bận cái gì. Việc lớn bác đang phải tối mặt lại là lo cho cái nhân sự đại hội Đảng bộ xã lần 22 sắp tới. Không cẩn thận phơi áo cả lũ chứ chả đùa. Việc cứ thế mà làm, đừng hỏi nhiều nữa. Bác còn làm việc, Ló còn có cái bóng mà dựa. Thôi về đi lão lại móc túi lôi tờ giấy bạc dúi vào tay Ló. Ló vo tờ giấy bạc dắt vào vành quần quay đầu đi một mạch.
Ra khỏi cái cổng ken dày hai hàng cây ô rô, con đê làng phơi trần nổi giữa hai vệt xanh rờn ngô lúa. Người làng Lộc từng tốp cặm cụi làm ăn. Họ ân cần với thân ngô, khóm lúa. Ló thấy trong lòng có cái gì nao nao, chua xót. Ló nhớ cái trại chăn nuôi. Ngày ấy Ló cũng là một cô gái cần mẫn hiền hậu, nguời làng Lộc ai cũng cảm, cũng thương thế mà Ló đã để mất ! Ló không còn phải là người làng Lộc nữa. Người làng Lộc coi Ló như con hủi, Ló chua xót nhận được điều này. Ló ân hận và căm phẫn kẻ đã làm nát tan đời Ló. Trong đầu Ló lại chập chờn những lời xui bẩy của lão Tòng. Ló rợn người khi nhận ra sự nhẫn tâm, tàn ác của lão. Ló thù hận lão, thù hận dòng tộc nhà họ Phạm. Ló muốn gào lên, bới mồ, bới mả họ hàng, hang hốc nhà nó nhưng cổ Ló cứ nghẹn lại. Ló thắc mắc, Ló thấy lạ, thấy ông trời thật là vô lý tai sao lại sinh ra con người độc ác như lão mà lại xếp vào cái chỗ quyền hành trong làng xã. Là ông trời mà có lúc mắt cũng mờ nhỉ ? Ló thắc mắc và sực nhớ những chuyện Ló đã hứa với anh Tâm. Ló đã thề với anh Tâm phấn đấu làm lại cuộc đời. Ló lần cạp quần lôi ra cái tờ giấy phê đúp to Ló vừa soáy được của lão Tòng. Mấy tờ giấy bạc, mấy gói ô mai cùng tuột ra. Ló gói cả vào tờ giấy, Ló quyết định đưa cho anh Tâm. Ló ngoái đầu nhìn cái cổng ken dày hai hàng cây ô rô, trong cái sân gạch, lão Tòng vẫn đứng nhìn theo, giả như không nhìn thấy lão, Ló vén quần, dạng chân đái một bè ở cái bậc cổng rồi cúi đầu đi thẳng. Lão Tòng đánh giọng èm èm rồi văng tục : Đồ con khỉ, đéo mẹ chúng nó.
***
Cái thai trong bụng càng lớn, Mưa càng bị lẻ loi, cô độc. Làng Lộc nhìn Mưa bằng con mắt tò mò, ghẻ lạnh. Người thân với gia đình ông Tĩnh thì dày vò, đau xót. Kẻ bấy nay muốn lấy Mưa làm con dâu bị Mưa từ chối thì cám ngưỡng. Cánh nhà lão Tòng thì vừa như mở cờ trong bụng, vừa phấp phỏng lo lắng cái hậu quả chưa rõ được Mưa tính kiểu gì. Bao nhiêu lời đàm tiếu cứ như vệt dầu loang khắp làng Lộc. Cứ nhìn thấy Mưa, đám trẻ chăn trâu lại đồng dao hát :
Cô kia có chồng chửa
Dạ thưa cụ cháu chưa có chồng
Chưa có chồng sao bụng cô to
Dạ thưa cụ cháu đi ngủ nhờ
Đi ngủ ngủ nhờ có mất tiền không ?
Dạ thưa cụ cháu không mất tiền
Không mất tiền cháu lại tiền tiêm !…
Đồng dao hát, rồi chúng lại cười rộ lên. Không biết bài hát đó có từ bao giờ, ai lôi ra cho chúng hát. Cứ chiều chiều dọc con đê làng Lộc khi đám trẻ cười rồ lên lòng dạ ông Tĩnh lại như có gai cào, dao cứa. Ông trở nên lạnh lùng xa lạ với mọi người, còn bà Tĩnh thì như người ngồi phải cọc, cứ thở ngắn, thở dài. Mưa càng bị dồn vào cái thế đơn độc. Ngày ngày, Mưa ra đồng làm quần quật về nhà đến bữa ăn úp mặt vào mâm không ai thèm của đến. Đến đâu Mưa cũng cảm thấy mình bị thừa ra. Mưa tủi lòng khi thấy cái bụng cứ mỗi ngày một phềnh lên. Trông cậy vào ai được, san sẻ cùng ai được ! Mưa rợn người khi nghĩ đến ngày sinh nở. Mưa chợt nhớ cái mảng nứa ở ngoài bến Gáy. Ở đấy, có một người rồ ngày đêm sống với tôm, với cá. Cuộc sống ấy chỉ có dòng sông và Mưa biết được. Lòng Mưa buồn dứt. Nhớ lại cái đêm Mưa được con người ấy lôi từ dưới sông lên, Mưa biết ở cái vùng bến Gáy ấy là một con người chứ không phải thằng Nghiệp rồ như người làng Lộc tưởng.
Chiều nay sau bữa cơm chiều Mưa lủi thủi ra chỗ gốc cây si ở đầu dốc Chùa gần chỗ cái mảng nứa. Mưa vừa ngồi tựa xuống gốc si thì dưới bến, Ló quảy gánh nước đi ngược. Thấy Mưa, Ló giật mình chân vập vào cái mô đất làm hai thùng nước sánh ra lênh láng. Ló đặt hai thùng nước xuống giọng đon đả :
- Cô Mưa ngồi đây làm gì ? Đến cơn dại thằng Nghiệp nó nhìn thấy thì khốn. Đi về nhà chị đi, vừa nói Ló vừa nắm tay Mưa đứng dậy, Mưa thui thủi bước theo. Đổ hai thùng nước vào vại, giọng Ló rối rít.
- Lở ơi. Thắp đèn lên, cô Mưa đến chơi. Cái Lở khêu to ngọn đèn nó tất tả kéo Mưa vào nhà. Cái Lở vui lắm vì bấy nay có mấy ai đến chơi nhà nó. Chuyện rộn dần lên. Ló bảo :
Từ ngày anh Tâm cho nhà Ló làm thuê, cho nuôi chia hai con bò. Bàn tay Ló lại quen với công việc rồi, Ló không đi vay chằng, không đi trộm vặt nữa đâu. Cô Mưa đừng sợ. Anh Tâm nhà cô Mưa tốt thật. Giá làng Lộc mình ai cũng như anh, Ló chả hư hỏng đâu, cái lở cũng không phải chịu kiếp là đứa con không bố ! Giọng Ló tự nhiên nghẹn lại, nước mắt chảy ra ròng ròng. Ló quệt ngang tay aó lên mặt, tròn mắt nhìn Mưa, Ló biết câu chuyện Ló vừa than thở là chạm vào nỗi cô độc của Mưa. Ló phân trần.
- Ló nói thật cô Mưa đừng giận, đừng nghĩ Ló lấy chuyện mình để ám chỉ cô Mưa. Mỗi người một phận mà. Ló chửa hoang là tại Ló dại, tại hoàn cảnh lúc bấy giờ. Ngày ấy, Ló ở một mình giữa cái nhà kho của traị chăn nuôi, buồn lại sợ vả lúc ấy Ló ngây thơ. Ló không biết được lòng dạ của người có quyền thế. Thời con gái của Ló giống như cái rơm, cái rạ bị cuốn vào cơn lốc. Ló nhắm mắt xuôi tay mặc kệ thân phận. Giời đày Ló xuống làng Lộc là phải thế ! Ló nghĩ chỉ có mình Ló, ai ngờ ! Ló thở dài : Mà khốn cái bầu trong bụng cô Mưa vẫn là máu mủ nhà lão Tòng, dòng dõi nhà họ Phạm cả. Yêu đương thế nào làng Lộc mình hết người đâu mà cô Mưa lại rây vào đấy ! Ló chép miệng ngán ngẩm.
- Yêu đương gì đâu chị ! Cái bầu em đang đeo đây là sản phẩm của sự buông thả, qúa chớn. Giọng Mưa cay đắng :
Bắt đầu cũng từ chuyện tò mò, chả là nhà ông Tòng có cái vi đi ô, băng hình lấy từ đâu về đám thanh niên nhầng nhầng thậm thụt đến xem. Mới đầu thì xem băng chưởng, sau đó ông Tòng mở cho xem băng tươi mát. Mới đầu tụi em còn xấu hổ cứ dụi đầu vào nhau cười khúc khích, sau phởn lên, đôi nào vào cặp ấy dắt nhau đi. Một lần, hai lần cứ bắt chước làm cái việc như trong phim, trong hình ấy. Khổ chả biết thế nào Mưa lại bị có bầu. Việc xảy ra, Mưa bàn với thằng Ất, nó phảy đi. Bí qúa, Mưa đến tâu thật với bố mẹ nó để cầu được sự bình ổn. Ai ngờ lão Tòng lại chỉ vào mặt Mưa : Đồ đĩ, đừng vu vạ, Lão ấy còn lấy thế ra đe doạ. Đã thế , Mưa sợ gì . Mưa cứ đẻ ra, đẻ cái giống thằng sở khanh ấy ra giữa làng Lộc xem thằng nào đày thằng nào.
- Đẻ ra thì khổ, đem bỏ thì tội ! Ló lại thở dài. Nhưng mà cô Mưa phải đẻ. Tôi đồng ý. Tôi biết kế nhà họ rồi. Cô Mưa mà đi bỏ cái thai ấy nhà họ sẽ vừa được ăn, vừa được nhổ mà cô còn bị thêm tội đấy. Họ bàn nhau, tôi nghe được thật mà. Tôi cũng nói cả chuyện này với anh Tâm rồi, anh ấy buồn lắm.
- Chị Ló chả nói Mưa cũng đoán được. Mưa không sợ mắc mưu nhà họ nhưng việc đẻ Mưa cứ đẻ. Mưa đẻ theo ý chí của Mưa vả đứa trẻ Mưa đang mang bầu nó có tội gì mà mình phải giết nó. Mưa đẻ nó còn vì trách nhiệm là người mẹ của nó sau này nữa. Biết rằng làm việc này Mưa sẽ khổ vì những định kiến hà khắc của gia đình, dòng họ nhất là bố Mưa. Mưa chấp nhận cái tiếng để được cái con. Được cái con mình trông vào nó vậy.
- Như mà cực lắm đấy Mưa ạ ! Ló ca thán, thở dài.
- Thì đàn bà có bao giờ sướng, nhất lại là con đàn bà cơ nhỡ như mình ! Mưa chép miệng, Câu chuyện của hai người thì thầm vào đêm. Từ ấy họ quan hệ với nhau như tình chị em.
***
Cái Mưa cứ vác cái bụng kềnh kễnh đi khắp làng. Sự bình thản của nó lại có sức mạnh như ngọn lửa thiêu tàn những kế tính đã bày sẵn của phe cánh lão Tòng. Lão phải cay đắng tính chuyện cưới vợ cho thằng Ất. Cuộc họp bất thường trong nội tộc nhà lão được triệu tập.
Khi các ông cha bà chú kéo đến đủ mặt, đủ mày lão tuyên bố lý do cuộc họp và nêu ra ba vấn đề chính.
Một là, đám cưới phải tổ chức ngay trong tháng sáu; hai là, cách thức tổ chức phải khác mọi đám cưới đã có ở trong làng; ba là, phải mời được các quan chức ở trên huyện.
Nêu rõ nội dung cuộc họp, lão xoài tay ra ghế tràng kỷ, mặt ngửa nhìn trời. Mọi người rì rào bàn tán :
Làm khác các đám cưới ở làng Lộc nghĩa là tổ chức ăn to. Ăn to, dân làng Lộc nó bảo cậy thế chủ tịch, chơi trội, nó không đến cỗ bàn thừa đổ cho chó mà mang tiếng cả đời vả nếu nó đổ đến đông đủ cả mà các ông trên huyện không về, cỗ có to thì cũng chả khác gì thóc chắc vái nuôi gà mù, được ích gì. Mỗi người một câu nhưng không ai dám đứng dậy lên tiếng. Đám nguời cứ thì thụp bấm tay, ghé tai nhau rồi lại đảo mắt nhìn lão Tòng. Thấy vậy, anh Lường tần ngần đứng dậy giọng cân nhắc :
- Mấy điều chú Tòng vừa đưa ra, đứng ở thế vừa là con cháu trong nhà, vừa là bí thư, cháu đề xuất thế này :
Thứ nhất, thím Tòng đang nằm trên viện, bệnh tình thì nhất cử, lưỡng động biết sống chết thế nào. Bày việc ra dân người ta dị nghị vả đến tai thím sẽ tủi thân !
Thứ hai là, cái vết sẹo trên mặt chú em Ất chưa lành lại cái môi của em sứt chưa đi mỹ viện được. Cô dâu ăn mặc tân thời như tiên nga mà cái răng vêu ra trắng hởn thì làm trò hề cho đám thanh niên nó rề bửu. Việc thứ ba nữa là cái mớ bòng bong chỗ cái Mưa mỗi ngày đang rối bời thêm. Mụ Ló bây giờ thậm thụt đấy, biết mưu kế của họ thế nào. Ta không tính toán sẽ có chuyện không lường được.
- Ý kiến của anh Lường là có tầm xa nhưng bận gì mà phải sợ, Lão Tòng chéo hai tay ngang mặt :
Tôi cũng nghĩ và tính đến việc ý rồi nhưng khi ngả ra bàn cờ thì vẫn hợp lý cả. Không ai trách cứ được. Giọng lão Tòng hùng hồn :
Thế này nhá. Ta cưới vợ cho thằng Ất dù đột suất thật nhưng lý do là ta cưới chạy để nhỡ bà lão nhà ta có qua đời còn được cái phước nhìn thấy mặt con dâu. Ai dám trách. Còn việc vết sẹo trên mặt thằng Ất, nó ngã xe máy làng Lộc ai lạ, lão liếm mép rồi nói tiếp : Duy có cái môi của em Sứt chưa đi mỹ viện được thì có bận gì. Thằng Ất nó còn chả ngại huống hồ ta. Ta cưới vợ cho con là lấy người, lấy cháu ông huyện chứ đâu phải lấy cái môi nó, cái môi nó sứt chứ cái giống cái má nó có sứt đâu mà lo. Lão Tòng cười ha hả, cả đám người cùng nháo lên cười phù hoạ theo. Lão lại chém tay ngang mặt nói tiếp :
Còn cái mớ bòng bong chỗ con Mưa nó giống như con cá nằm dưới trằm. Ta phải kéo cùi, đập vọt. Nó sùi tăm chỗ nào ta chụp nơm chỗ ấy. Ngồi chờ nó động có mà !… Ta cứ cưới vợ cho thằng Ất là nó sẽ quẫy lên. Nếu nó phá đám đã có luật. Còn nó lôi cái nếp sống mới ra , sợ cái gì. Trên tỉnh, trên huyện, người ta còn làm hàng trăm mâm có sao đâu. Mà nếu có sao ta vẫn có bóng bác Thường bí thư huyện ủy. Xa, gần bác vẫn là chỗ người nhà của cái Sứt. Hiềm nào người ta chả che chắn.
- Phải, cả đám người cùng hoạ theo. Có người còn tâm đắc : Lấy được cái Sứt, thằng Ất còn phất to, khoá này chả nó nối nghiệp ông Tòng làm chủ tịch thì ai vào đấy nữa. Quyền bính ở làng xã này lọt ra ngoài tay dòng họ Phạm thế nào được.
- Phải, lão Tòng cười sằng sặc, chúng ta tiếp thu ý kiến của anh Lường. Việc đề phòng là cứ phải đề phòng, việc cưới là cứ cưới, thời gian như đã định. Đình đám phân công vào các ban bệ cụ thể sau .
Dẫn cưới giao cho ông trẻ Luồn làm trưởng đoàn. Đón dâu là chú Hò cầm đầu. Khách khứa nắm chân, bắt tay là anh Lường, anh Lọt, việc này quan trọng yêu cầu phải biết tế nhị. Hai anh rất thạo việc này. Việc trang trí khánh tiết, loa đài, xe cộ giao cho anh Lân. Còn đâu tập trung vào cỗ bàn, bếp núc. Không ai ý kiến gì thì cứ thế triển khai.
Đúng lệnh, rạp cưới được dựng lên bằng phông bạt, xung quanh trang trí chim cò, hoa hoét xanh, đỏ, tím vàng. Đài loa được treo cao lên tận ngọn cây cau. Duới chỗ hai con chim bồ câu lồng vào hai chữ hạnh phúc là cái ti vi màu 24 in, ở cạnh là cái thùng làm giống cái hòm phiếu dán giấy đỏ để khách thả tiền mừng.
Ngày đầu hôn lễ, gọi là bữa cơm dựng rạp, dẫn cưới mà dân làng Lộc đã kéo đến đủ mặt, đủ mày. Có nhà đi đại diện theo đúng nghi lễ mời, có nhà kéo đến cả để xem tiện bữa họ sà vào chén. Thế là ngay bữa khai vị đã đi vèo con lợn tạ. Đám con cháu tròn mắt lơ láo nhìn nhau, lão Tòng trong bụng thì như có muối sát, gai cào, nhưng là kẻ đang ngồi trên lưng ngựa cứ phải phi. Vẫn cái giọng trọc phú, quyền hành, lão bảo : Việc trăm năm của các em, tốn kém nhưng có mất gì . Dân làng có yêu người ta mới đến. Như thế mình là người phúc đức ăn ở phải chỗ với dân làng. Lợn bò sẵn đây, cứ vật ra mà thịt.
Mấy anh con rể, mấy tay dao thớt lại hô nhau vận tay áo xông vào chuồng lợn. Chỉ trong nháy mắt con lợn tạ nữa lại được vật ngửa ra nền giếng. Lại tiết canh, lòng sốt cứ thế bày lên. Tiệc cỗ kéo dài đến lúc mặt trời tắt thì đám người mới từng tốp dắt díu nhau về. Người thì lè nhè hát, kẻ thì chửi tục, trên ngọn cây cau tiếng loa đài phóng ra bầu trời những bản nhạc xập xình, những bài hát nửa tây, nửa ta nghe rợn gáy. Anh Dỏ cũng ở đấy, người ta nhìn thấy mắt anh đỏ vè như hai cục lửa, mồ hôi mồ kê vễ vãi, anh xắn cao tay aó cứ đi vòng quanh cái nong thịt vừa vớt ra hơi còn bay nghi ngút. Nhằm cái khổ thịt to nhất, anh thò tay nhấc lên. Mấy tay dao thớt trợn mắt quát :
- Làm gì thế ?
- Lấy phần cho con, vừa nói anh vừa cười hề hề rồi xách khổ thịt đi thẳng. Mấy bà con gái xấn tới giằng lại. Anh Dỏ tròn mắt.
- Thế chúng mày chỉ nghĩ tao cần nguyên cái lỗ mồm thôi à !Vợ con tao không đến được, tao phải lấy phần chứ. Tiếc của thì đừng làm cỗ khao làng. Tao chửi rinh lên bây giờ đấy.
- Thôi, thôi các em nó dại. Anh Dỏ đừng giận, cứ cầm về cho các cháu, sớm mai lại đến sớm nhá. Lão Tòng xoa dịu rồi lừ mắt nhìn mấy đứa con gái.
- Ừ, có thế chứ. Thế mới là ông Tòng chủ tịch xã chứ. Anh Dỏ ngửa mặt rồi xách khổ thịt đi một mạch. Lão Tòng cười gượng rồi ngoảnh lại đám con cháu :
- Ngày mai nó đến vẫn phải niềm nở không thì muối mặt đấy.
- Phải rồi, nhà ta làm cỗ cưới dâu, thằng Dỏ xách một khổ thịt thấm gì. Đám đồ tể hoạ theo rồi cùng phá lên cười.
- Chuyện vặt, bố thí cho nó khỏi rách việc nhớn của mình. Cư xử như bác Tòng là đại tuyệt. Đám dao thớt phò phỉnh thêm.
- Phải, cái anh Dỏ này lạ gì. Đang công việc to này, khó khăn với nó là rách chuyện, Các cháu nhớ chu đáo. Lão Tòng căn dặn rồi quay mặt bước lên nhà trên. Da thịt lão nổi gai gà. Lão mở tủ tợp hết nửa chai rượu, nằm thượt ra cái giường con. Miệng làu bàu : Đéo mẹ lũ súc sinh. Xong việc ông sẽ cho chúng mày sặc gạch.
Ở ngoài rạp cưới, cánh dao thớt vẫn cười nói hô hố. Cô Sứt ướt trôn, bọn mình nhờn mép. Miếng nào ngon cứ xẻo mà chén. Ngày mai cỗ bàn đình đám tụi mình làm gì có chỗ. Cô Ló cứ bỏ mấy cái chân dò vào nồi cháo, ninh thật nhừ. Xong việc ta nhắm !…
- Vâng ạ ! Cái Ló mồm miệng, tay chân thơn thớt.
Cháo chân dò, mỗi anh một chai sáu lăm, bỏ Ló ngồi một mình giữa đống xôi thịt ngồn ngộn này à. Bỏ thế nào, hết một chai 65 Ló cứ bỏ ra xem. Bọn anh còn ù tốt. Họ lại cười lên hô hố. Giọng cái Ló the thé : Toàn là đồ khỉ gió. Vừa nói Ló vừa thả cái chân dò vào nồi cháo đang sôi ình ịch. Phía cuối xóm tiếng anh Dỏ lè nhè trong hơi men :
- Đéo mẹ thằng nào cho bố uống rượu say. Từ rày, bố đéo thèm chơi với chúng mày nữa. Đéo mẹ cha con thằng tham nhũng, thằng chơi càn khôn mà dại, bỏ tiền tạ mua đồ sứt mẻ. Có cho bố, bố cũng đéo thèm. Sớm mai bố lại đến say rượu nhá !…
Tiếng lè nhè cứ vọi vào đêm, càng khuya làng nghe rõ. Lão Tòng ruột gan lộn lạo mà đành phải ngậm điếng.
Mặt trời nhoè lên, lão Tòng vục dậy mặt mũi phờ phạc, hốc hác vì suốt đêm qua lão như người ngồi trên lửa. Ruột gan lão đứt ra từng khúc khi thấy cỗ bàn nghê ngãn trên mâm, trên chạn. Lại con lợn tạ nữa cánh dao thớt vừa phanh ra để ở giữa cái nong trong nền bếp. Lão xót của nhưng đành bấm lòng. Lão lọ mọ ra giếng rửa mặt rồi đóng bộ com lê đứng trước gương giọng sang sảng :
- Nhớ, ai vào việc ấy đừng để thất thố với làng xã. Lão lại cười hít vào và hất hàm bảo anh Lường : Dân làng sắp đến rồi đấy. Ban tổ chức khởi động đi.
Anh Lường chéo hai tay vào nhau, miệng vâng dạ. Đám dao thớt bắt đầu bê cỗ lên rạp. Cánh lễ tân vội vàng thuốc nước. Một anh thò tay ấn vào nút cái đài băng. Tiếng nhạc từ cái loa treo trên ngọn cây Cau lại loe lên, một giọng hát nghe khiếp người chả biết lôi từ đâu ra :
Em ơi ! Chúng mình yêu nhau bằng bạc, bằng vàng. Có nhiều bạc vàng thì cái gì cũng có- Em ơi ! …
Tiếng nhạc, lời hát cứ thế réo lên trời. Dân làng Lộc bắt đầu đoàn đoàn, lũ lũ nối hàng nhau kéo đến.
Tám giờ sáng thì đi đón dâu. Khi chiếc xe ca nổ máy ù khỏi cổng, trong rạp bắt đầu nâng cốc đợt một. Lão Tòng vừa ngắt lời tuyên bố tiệc lễ.lão ngoảnh ra thì thấy anh Dỏ chân quần cao, chân quần thấp đang lạch bạch leo lên cái thềm cổng. Mặt lão xám lại nhưng hai hàm răng trắng nhởn vẫn phải nhe ra. Lão nắm tay anh Dỏ. Có lẽ từ bé bây giờ anh Dỏ mới được bắt tay , mặt anh hể hả, tươi rờn anh nhe răng cười hềnh hệch rồi tóm tay lão cùng ngồi vào mâm. Anh tự rót rượu. Chạm cốc xong anh sà tay vào đĩa thịt gà, giọng ồm ồm :
- Cái món này là phải sờ tay vào nó mới khoái. Lão Tòng đành phải đà theo :
- Phải, anh Dỏ rất phải. Quả là người sành ăn. Mấy bà con gái ngấm nguýt. lão lừ mắt, họ lại lặng lẽ tụt vào bếp.
Tiệc tùng nhoè nhẹt kéo dài vô bờ bến. Đến mười giờ thì khách làng trên, làng duới cũng kéo đến. Đông quá, cỗ phải bày ra cả ngoài vườn cánh dao thớt dẫm chân vào nhau có đứa tuột cả quần mà còn không kịp. Lão Tòng nghiến chặt hai hàm răng mà thần sắc vẫn lẹo dẹo.
Mười một giờ thì cô dâu về. Cả họ thở phào. Đất trời còn phù không phải qua giờ ngọ. Vợ chồng anh Lường ra tận cổng đón em dâu. Cửa xe hé ra, cô dâu, chú rể bước xuống. Chú rể mặc com lê màu sáng, trên ngực cũng cài bông hoa như người ở ngoài thành thị. Cô dâu váy chín tầng quét đất, mặt mày phấn sáp loè loẹt. Cái chỗ môi sứt được dán kín bằng một loại băng dính đặc biệt giống màu da người và cũng được xoa son phấn lấp đi, mắt người thường không nom thấy. Cô dâu, chú rể song hàng đi trước, đám phù rể, phù dâu rồng rắn theo sau. Họ díu nhau đến chỗ bàn thờ làm lễ nhập gia tiên.
Xong thủ tục cô dâu chú rể nhập phòng, cánh phó nháy mỏi tay tý tách. Bỗng một tiếng kêu thất hồn, mọi người nhốn nháo vã ra cổng. Thằng Nghiệp rồ ! Người nó như con trâu đằm bùn chỉ hở có hai lỗ mắt. Nó nhe răng lùi lũi đi thẳng vào rạp cưới. Cánh dao thớt định xô ra, lão Tòng hất hàm ngăn lại. Mấy bà con gái rúm ró, có người vãi cả ra quần. Lão Tòng nhấc cả con gà luộc tiến thẳng mặt thằng Nghiệp. Thằng Nghiệp đứng ngẩn nhìn lão, lắc đầu. Nó ú ớ chỉ tay về phía hồ vạt. Cả đám người ngơ ngác chỉ riêng cái Ló là biết được. Ló đặt cái mâm đánh xoảng xuống bàn, cứ thế cắm đầu chạy. Thằng Nghiệp rồ cũng chạy theo. Mấy phút sau thấy giọng cái Ló toa toá dưới bờ hồ :
- Dân làng ơi ! Cô Mưa đẻ. Đám đông ùa đi, Thằng bé đỏ hon hỏn, mình mẩy bám đầy đất cát. Đám con cháu nhà lão Tòng nhăn mặt, bịt tai rồi lùi lũi đi về đám. Mấy đứa bạn Mưa tần ngần đứng nhìn. Giọng cái Ló nghẹn ngào :
- Các cô dìu mẹ con nó về nhà tớ !…
Tiệc tùng trên rạp cưới nhà lão Tòng vẫn tiếp diễn. Chuyện trò, đàm tiếu nhoè nhoẹt trong hơi men. Nhiều kẻ do nắm xôi kề miệng cứ hô hố. Phen này lão Tĩnh có đeo mo vào mặt cũng chả dám ra khỏi cổng. Đời là vậy đó. Không ai nắm tay cả ngày đến tối được. Tu nhân, tích đức làm gì. gia phong phép tắc mà làm gì. 50 năm chứ 100 năm tuổi đảng mà để con cái hư thân mất nết thế cũng nhục lắm. Cái hắm Tâm phen này cũng tịt ngòi. Ngoi lên thế nào được. Hắn cứ to miệng giáo dục bọn đầu trâu mặt ngựa trong làng. Hậu quả là nó làm cho em lão ý đẻ ra đấy. Dục với giáo gì !…
- Các bác nói thế phải tội, mắt mình có nhìn thấy cái đứa nằm với cô Mưa đâu. Thời buổi này con dại, cái mang chứ gia đình bác Tĩnh vẫn là chân chỉ, hạt bột vẫn là cái gương sáng treo trước làng Lộc chứ !
- Bột với bẹt, gương với giá gì ! nhậu đi ở đời hay hay, dở dở, dại dại, khôn khôn. Kệ mẹ nó ! nhậu đi !…
- Thôi các bác ạ ! Anh Lường ranh mãnh, hôm nay là ngày trăm năm của hai em nhà cháu. Chuyện làng xã ta để khi khác nói. Hôm nay là chỉ vui thôi …
- Phải, đúng … Anh Dỏ chen vào. Mặt anh đỏ như con gà chọi. Anh cắp chai rươụ vào nách, ê a.
Thôi, chào qúi dị, Dỏ này đi đến chỗ cô Mưa xem mặt con nó giống thằng nào ở làng Lộc. Vừa cắp chai rượu lạch bạch đi anh Dỏ vừa ê a hát :
Tiền chùa đội nón lên chùa
ý a …
Phải chi tài giỏi mà lừa người ta
ý a ! …
Cầu danh khấn phúc về nhà
Lại mua con khỉ
ý a - răng chìa ngoài môi
ý a - làng hả trận cười.
Để tôi say rượu bét nhè trời mây
Hay, hay, say say…
Đéo mẹ lũ giời đày !…
ý a !…
Lão Tòng nhìn theo mặt tối sập, mấy bà con gái định xô theo, lão gạt lại. Kệ cho nó đi. Nói rồi lão lùi lũi quay vào cỗ tiệc lại nói, lại cười.
Đình đám lê thê, bữa dọn rạp ngày hôm sau phải mổ thêm con lợn dò. Khi khách ra về lão sai người con gái cả bê cái hòm tiền mừng và những gói tặng phẩm để lên bàn thờ. Lão trịnh trọng thắp hương khấn, khấn xong lão cúi đầu vái ba lễ. Cô dâu chú rể cùng lễ theo. Việc xong lão mở tủ lấy ra quyển sổ, cái bút. Lão bảo anh Lọt :
- Ghi đi.
Chị gái cả bắt đầu mở cái hòm tiền, cắt từng cái phong bao, cái nào cũng dày cộp nhưng toàn tờ một trăm đồng. Có cái cộng gộp chỉ tròn ngàn bạc. Bà chị gái làu bàu : Toàn quân kiết ! phí cả cỗ bàn. Lão Tòng nghiến răng, lão đảo mắt về phía cái hộp to lão bảo :
- Mở thử coi !
Bà chị gái lóng ngóng lách kéo cắt nhẹ cái đai viền xung quanh. Cái hộp bật ra. Mặt người chị gái tái nhợt khi thấy trong cái hộp có một cái quan tài con, nắp bằng kính, ở trong có bộ hài cốt nặn bằng thạch cao. Bộ hài cốt mang gương mặt vẹo vọ nửa người, nửa khỉ. Hai lỗ mắt sâu hoáy nhưng mở trừng trừng, bên cạnh lại có cái gậy bằng cây vông và ba nén nhang. Cô con dâu sợ quá hét lên. Mảnh băng dán trang điểm ở chỗ cái môi sứt rơi ra. Cái răng lòi ngược chỗ môi sứt trắng nhởn. Thằng Ất nhăn mặt, hắn bổ nhào ra cửa. Lão Tòng bình tĩnh níu lại, giọng lão hít vào hun hút như giọng ma thổi gió :
- Bình tĩnh, bình tĩnh. Đây là hồi cuối của cái đám cưới mà lão tính toán. Đúng thật ! nó khác hẳn và chưa từng có ở làng Lộc. Lão lặng nhìn đám con cháu mặt tái nhợt như người bị hoạn.
***
Túp lều của mẹ con cái Ló tự nhiên thành cái nôi che chở cho thằng bé bị bỏ rơi. Hoàn cảnh xui khiến Mưa càng gắn bền với mẹ con chị Ló. Họ bắt đầu gọi nhau bằng chị, bằng em, bằng bá, bằng dì. Dân làng Lồc cũng không còn rì rầm bàn tán về chuyện cái Mưa chửa hoang nữa. Họ bắt đầu đổ đến túp lều. Có người do động lòng thương Mưa, đến để cho chục trứng, bát gạo. Có người tò mò đến để xem mặt thằng bé, coi nó giống ai trong làng. Bọn trẻ chăn trâu thì bỏ bẵng bài hát đồng giao, Mưa cũng không phải né tránh điều gì. Mẹ con Mưa hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật ở làng Lộc. Thằng bé xinh tươi lại trắng như hòn bột, mỗi ngày càng lớn khoẻ, phổng phao. Lấy gì để nuôi con ? Chả nhẽ cứ nương nhờ mãi căn nhà của mẹ con chị Ló. Những lo toan bắt đầu dày vò, đè nặng lên thân thể cô độc của Mưa. Ngày ngày, Mưa địu con đi mò cua, bắt ốc. mót lúa, mót khoai. Thấy con, bà Tĩnh ruột gan như có muối sát. Một buổi tối, sau khi cơm nước xong ngồi trước ông bà nỉ non :
- Tôi ngửa tay xin ông …
- Bà có rồ không thế ? Ông Tĩnh nghiến răng, bà nghĩ chỉ có mình bà mới biết xót, biết đau. Còn tôi là hòn đất, hòn đá phỏng ! Đón nó về, cái của nợ ấy như cái gai ngày ngày chọc vào mắt , tôi không chịu được. Tôi bảo cắt là cắt, bà đừng nhiều nhời nữa. Nói rồi ông lại lọ mọ thắp hương khấn ông bà, tổ tiên. Khấn xong ông lại đứng trước tấm huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, tay ông vung cao :
Xin thề !
Xin thề !
Xin thề!
Ông cứ làm như thế, tối nào ông cũng thắp hương lên bàn thờ tổ tiên rồi lại đứng thề. Làm mãi thành nếp, tối tối cứ đến giờ ông thắp hương, hô khẩu hiệu là bà Tĩnh sởn hết gai ốc. Sợ ông gở chứng chết, bà to nhỏ chuyện này với các con. Bà vừa hé ra thì anh Thức, anh Sáng hùa một giọng :
- Việc cô Mưa làng Lộc ai chả biết. Anh em kiến giả nhất phận.Việc cô ấy gây ra, cô ấy phải chịu. Đẻ con ra thì nuôi lấy. Còn việc của bố, càng già bố càng rởm chuyện. Thề với bồi cái gì. Để đấy lúc nào vắng người tôi lẳng mẹ nó cái huy hiệu ấy xuống hồ ông ấy sẽ hết thề. Cái miếng đồng nát, mấy thằng sở khanh nó trao cho, có gì mà thiêng liêng thế !…
- Các chú đừng nói bậy ! Anh Tâm vằn mắt.
- Anh đi biền biệt, biết gì mà bảo chúng tôi bậy, chúng tôi bạ ? Anh mà nhìn thấy, anh còn ngán hơn chúng tôi kia. Hôm trao cái huy hiệu ấy cho bố, tổ chức ở cái lớp học mẫu giáo ngoài bãi lũng. Có ai đâu, toàn anh em nhà lão Tòng Ất. Chân tay bố cứ run bắn lên tưởng không bám được vào đất. Nào có phải ai, Thằng Lường nó đeo cái tấm huy hiệu ấy vào ngực bố. Bố mếu máo khóc, ông Y Ấn lúc ấy còn sống đứng cạnh cũng mếu máo theo. Tôi nhìn rặm hết cả mắt. Việc gì mà thiêng liêng, xúc động quá thế. Đảng đâu chả nhìn thấy, chỉ thấy mấy tay ăn bẩn. Ăn bẩn mà lại còn mở cái miệng thay mặt người này, người kia nói lời sạch sẽ. Đúng là đồ giả tạo .
- Các chú có chữ mà nhìn sự vật chỉ ở cái vỏ ngoài, cái đập vào mắt tức thời, thảo nào cái hôm tôi tranh luận với bố về đảng, về người cộng sản các chú cứ tếu ra như hề.
- Không phải chúng tôi tếu đâu. Thật lòng đấy. Đảng mà như anh nói, chúng tôi theo chứ. Nhưng đấy là lý thuyết. Mà đã là lý thuyết thì muôn đời là màu xám.
- Sao lại là lý thuyết ! Đảng ta là có thật ! Anh Tâm khẳng định. Nếu không có Đảng bố sẽ không bao giờ có tấm huy hiệu thiêng liêng đó. Mà nếu không có Đảng bây giờ làm sao các chú có ruộng cấy, trâu cày ! Làm sao có đất để dựng lò gạch, lò ngói ? …
Tất cả những thứ đó là do Đảng đấu tranh để giành lại cho cả dân tộc trong đó có phần các chú. Mà phải đâu xa, tôi cũng là đảng viên đấy chứ. Bao nhiêu năm tôi đi đánh giặc còn thương tật ở trên người. Bây giờ về làng phần đất, phần ruộng còn thiệt hơn các chú. Tôi có tỵ đâu !
- Thôi, vừa chứ ! Anh lại sắp cuồng tín như ông già rồi. Thế ở nước Nhật, nước Thái họ có đảng phái mẹ gì đâu mà con người vẫn có tất cả. Nhưng mà thôi, không tranh luận nữa. Cái Đảng như anh nói, chúng tôi biết ! nhưng các anh có quyền thế mẹ gì ! Mà biết đâu khi có quyền thế trong tay các anh cũng đồng đẳng như bọn thằng Tòng - Ất ! Cái Đảng của bọn Tòng - Ất không dây được . Tôi nói rồi ! Không thể ngồi chung cỗ ! …
- Thế các chú cũng coi bố là những hạng người như cánh nhà Tòng - Ất sao ?
- Chả là thì cũng như là thế. Họp bàn với nhau suốt đời cả làng Lộc thấy chứ mình gì bọn tôi.
- Các chú quả thật là những cây tre cong, không uốn lại được nữa. Nhưng trước tôi các chú không được ăn nói bậy bạ, không được xúc phạm đến chỗ thiêng liêng của bố. Cái gì còn hạn chế, bố sẽ hiểu ra dần. Bố đẻ ra chúng ta kia mà !…
- Tôi đố anh lay được cái đầu cuồng tín của ông già đấy. Rồi mà xem ! Còn hô, còn thề, hô nhiều , thề nhiều, làng người ta biết, người ta lại bảo thêm một thằng Nghiệp rồ nữa. Thức và Sáng nhìn nhau cười và cả hai cùng thọc tay túi quần đứng dậy. Anh Tâm nhìn theo lắc đầu.
Có cái gì bứt dứt, nhói đau ở trong ngực. Anh không ngờ được ở cái làng nhỏ này mà ngay ở trong ngôi nhà của anh nhận thức của con người cũng lệch lạc, chệch hướng. Ngẫm từ câu chuyện với Thức và Sáng vừa xong anh càng buồn xót. Về bản chất con người Thức và Sáng đều tốt. Các chú ấy là người lao động chân chỉ hạt bột, biết yêu cái đẹp, biết thù cái xấu nhưng tại sao các chú ấy lại nghĩ về Đảng như vậy. Cái nguyên cớ chính bắt đầu từ đâu ? Nặn trán, bóp đầu mãi, anh Tâm kết luận : Tại người lớn cả. Tại đội ngũ đảng viên có thật ở trong làng xã cả. Một số nguời có quyền thế thì tha hoá, biến chất đi vào cuộc sống tiểu nhân, thực dụng, mượn cái áo của Đảng, chính quyền để tham ô, ăn chặn, nạt doạ dân hiền. Cái mẫu người ấy ngày ngày nhơn nhơn đập vào mắt bọn trẻ, chúng nó tin sao được.
Một số người khác dĩ hoà vi quí, chỉ có lòng tốt, nhu nhược trước kẻ có quyền lực đâm ra sợ sệt không dám đấu tranh, lấy nụ cười làm mực để dung hoà tất cả. Cái mẫu người đảng viên này để cho cánh trẻ và bà con thấy thừa, vô tích sự. Còn một mẫu người nữa ! Điển hình là ông bố mình, nghiêm khắc, cổ hủ cứ khư khư giữ gìn một thứ gì giống như cái đồ vật đã bị cũ rỉ mà không chịu gọt rửa lại, cứ trương nó lên giữa nhà bắt mọi người phải soi vào đấy. Cánh trẻ không chịu được, không theo được ! Từ đấy, họ sinh ra mất lòng tin, tự do vô chính phủ. Mạnh ai người ấy làm, rồi gằm ghè giữ miếng nhau. Cái làng lục đục suốt. Thói xấu, tật hư cứ thông thốc nhảy vào gia phong phép tắc của mỗi gia đình, cuối cùng đi đến chỗ ai khéo ăn thì no, ai khéo co thì ấm.
Cô Mưa nhà mình cũng là một hiện tượng. Cứ để những tệ nạn ấy ngày một phát triển làng xóm sẽ mất ổn định mà đã mát ổn định thì còn gì là làng xóm nữa ! Việc này không thể để kéo dài được. Ngay trong gia đình, việc cô Mưa cả nhà cứ quay mặt đi, túng quẫn cô ấy làm liều. Hậu quả còn xấu nữa ! Kéo cô ấy về, bố cứ một mực : cắt ! Anh chị em trong dòng họ thì phủi tay, ai cũng một mực không chứa ! Thật khổ thân mẹ con cô ấy ! khổ thân thằng bé vô tội, nó có đòi ai phải đẻ nó ra ở cái làng Lộc này. Tội là thế. Giải thích sao được! Anh Tâm thở dài, trong đầu anh giằng xé nát nhàu bao ý nghĩ. Cuối cùng anh quyết định bàn với chị bỏ tiền làm cho mẹ cho cô Mưa túp lều nhỏ.
Việc bày ra, chị Tâm đồng tình ngay nhưng bàn ra, tính vào mãi chị bảo :
- Việc làm nhà cho cô Mưa em đã tính đến nhưng sợ bố. Bây giờ anh nói ra em ủng hộ cả hai tay. Nhưng phải có cách như thế nào để bố hiểu. Đừng để đến lúc bố lại cạch mặt cả vợ chồng mình thì cô Mưa hết chỗ dựa !Việc nữa em vẫn lăn tăn là bây giờ làm cái nhà to nhỏ cũng tốn kém lắm mà gia sản nhà mình thì cái gì cũng còn làm chia, ăn chia vả làng Lộc bây giờ người đông, đất hẹp, chen vào chỗ nào cũng mắc ! hay là ta cứ liều đón cô ấy về ở chung với nhà mình !
- Không được, anh em kiến giả nhất phận vả cũng phải để cho cô ấy tự vươn lên, tự lập mà nuôi con. Anh tính rồi. Nhà ta còn cái thẽo đất ở chỗ ngã ba bến Gáy, chỗ ý ở thuận và hợp thời lắm .
- Chết ! chị Tâm tròn mắt. Chỗ ấy ở thế nào được mà anh bảo thuận. Này nhá : Dưới bến là thằng Nghiệp rồ, đầu bến là nhà thằng Nợi - Nợi Nòi. Anh lạ gì ! Chị Tâm ghé sát vào tai chồng : Cô ấy lại đẻ ra đứa nữa, ông già cắt luôn cả vợ chồng mình .
- Em lo thế là phải ! Nhưng mình cũng phải tin cô Mưa chứ. Anh đã tính và bàn với cô ấy rồi. Mình phải biết tin, biết làm, dám làm thì mới xoay chuyển được sự việc, mới có kết quả. Cứ khoanh tay nhìn, chả có cái gì mới đâu ! Em có tin không ?
- Tin ! Chị Tâm nhìn anh khẽ gật đầu, nhưng tiếng thở dài vẫn cứ tuột ra.
***
Ngôi nhà xinh xắn dựng lên giữa ngã ba bến Gáy, Cái chỗ mà dân làng Lộc vẫn gọi là đầu sông, trổ bến. Mẹ con Mưa dọn ra đấy ở. Những ngày đầu chị Tâm thấp thỏm lo, tối tối chị vẫn thì thụp ra với Mưa, cái Ló cũng thường lui tới đó. Dần dần, Mưa cũng tự lập được cuộc sống.
Ở một mình giữa cái ngã ba, ngày ngày Mưa nhìn thấy người xuôi, kẻ ngược. Có người chỉ mua chai dầu thắp mà phải qua sông sang tận chợ Tràng, có người chỉ mua cái đinh, cân phân đạm mà phải nhễ nhại lên tận cửa hàng Kim Sơn. Vốn tính sắc sảo trời phú, Mưa tính ngay lập cái cửa hàng bán lẻ. Mưa mạnh dạn vay vốn lập nghiệp, việc làm của Mưa được vợ chồng anh Tâm ủng hộ.
Cái cửa hàng bày ra mới đầu như cái quán, Mưa bán những đồ nông dụng như dao, cuốc, phân bón, mắm muối, mỳ chính, thuốc lào, dầu thắp …. Những người chạy hàng tự nguyện đến đổ vào quán Mưa, có người còn cho nợ khi nào bán hết hàng mới lấy gốc. Cái ngã ba hưu quạnh bỗng đông nhộn hẳn lên. Tính Mưa sởi lởi, rộng rãi những người khó khăn trong làng mua hàng Mưa cho nợ, thậm chí nợ đến mùa trả bằng thóc. Dân làng Lộc nể, dần dần họ quên cái tiếng cô Mưa chửa hoang, họ không gọi Mưa hoang nữa mà gọi là Mưa hàng. Nhiều người lúc rảnh việc còn ra nhà cô chơi, bồng bế thằng cu Thừa hàng giờ. Đặc biệt dân làng Lộc lại thấy thằng Nghiệp rồ chiều chiều không cởi trần nằm trên hòn đá Gáy nhe răng cười nữa. Có người nom thấy mà không tin vào mắt mình nhưng sự thật thằng Nghiệp rồ còn mặc quần áo đẹp, ăn cơm cùng với mẹ con cô Mưa.
Chuyện cứ thế như làn sóng điện phao ra khắp làng Lộc. Gia đình ông Tĩnh nửa tin, nửa ngời, cả cái Ló cũng nửa ngờ, nửa tin. Một hôm cái Ló nép ở đầu hồi xem hư thực thế nào.
Thằng Nghiệp rồ từ dưới bến lên chỗ cô Mưa thật, nó mặc quần áo đút vào trong quần như người ở ngoài phố hẳn hoi. Đầu tóc lại chải mượt, sạch sẽ. Cô Mưa vặn to ngọn đèn ngồi cộng sổ, thằng cu Thừa ngồi tọt giữa lòng thằng Nghiệp rồ, nó nói hay lắm. Nó nhắc chuyện xưa, chuyện nay, nhắc tên những nhân vật lọc lõi trong làng. Khi cô Mưa nhắc đến chuyện lão Thệ, lão Hò, cha con Tòng Ất, chuyện anh Dỏ, chị Ló … Thằng Nghiệp rồ đều phân tích rạch ròi có nhiều nhân vật cũng được nó chỉ rõ cái thối tha của họ như anh Tâm nói với Ló. Nó nhắc lại chuyện bậy bạ của lão Thệ với mẹ nó và rút ra bài học bồng bột, thơ dại của nó lúc bấy giờ. Nhiều chuyện lắm, cuối cùng nó bảo nó rất yêu làng Lộc ! Nó mơ ước có một lớp người đẹp đẽ hơn để xây dựng làng Lộc ấm no, hạnh phúc. Muốn có lớp người ấy thì ông trời phải tỉnh táo, mở to mắt để nhận ra những con người như anh Tâm, anh Thành, anh Lập. Đặt họ vào vị trí để họ gánh vác công việc làng xã. Phải trừ sạch những hạng người như lão Thệ, cánh nhà Tòng- Ất. Ló thấy cái Mưa ngẩn người ngồi nghe rồi toét miệng bảo :
- Gớm ông Nghiệp rồ, suốt ngày ở cái mảng mà thấu đáo chuyện làng, chuyện xã như trạng và câu chuyện của họ thầm thì, thân thiết !
Lạ thế, cái Ló thắc mắc, nó cho đấy là ma mãnh, có khi cả cô Mưa cũng là ma mãnh. Ma mãnh ở cái bến Gáy này đã nhập vào hồn vía họ rồi. Ló rón chân đi một mạch về nhà anh Tâm.
Câu chuyện được cái Ló thuật lại rành mạch. Anh Tâm lắng nghe từ đầu đến cuối, anh chỉ gật đầu bảo : - Tốt ! Cái Ló không hiểu được, nhưng nó tin, nó nghe lời anh Tâm, nó tin điều đó cũng sẽ là điều tốt ! …
Mọi chuyện đều đến tai ông Tĩnh, ông gọi anh Tâm đến. Ông bắt anh đứng nghiêm trước cái huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, giọng ông dõng dạc :
- Anh có nhìn thấy cái gì đây không ? Và ông vung tay hô ba lần thật to :
Xin thề !
Xin thề !
Xin thề !…
Hô xong, ông bắt anh Tâm làm theo. Nhìn ông anh Tâm suýt phì cười nhưng hiểu tính ông anh bấm bụng bình tĩnh nói :
- Bố thề cái gì mà nhiều thế ? Đảng ta có bao giờ bắt đảng viên phải sùng bái thế đâu ?
- Thế lúc vào Đảng anh không thề à ?
- Thưa bố, có ạ ! Anh Tâm xúc động : Con hiểu khi mỗi đồng chí chúng ta được kết nạp vào Đảng đều giơ tay thề dưới lá cờ của Đảng. Nhưng thề để làm việc, để không ngừng phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, chứ không phải thề để trở thành kẻ cuồng tín làm méo mó hình ảnh cao đẹp của người đảng viên trước quần chúng nhân dân.
- Anh nhiều lý sự lắm, mắt ông Tĩnh vằn đỏ, ông kéo anh Tâm ngồi đối diện trước tràng kỷ. Cuộc đấu khẩu quyết liệt bắt đầu, giọng ông như có lửa :
- Chỉ có tôi và anh, nhưng tôi coi đây là cuộc sinh hoạt tổ Đảng thu hẹp. Anh nghe thì còn tình đồng chí, bố con. Không nghe tôi cắt bỏ vợ chồng anh như cái Mưa. Anh nói đi !
- Bố phải bình tĩnh ! Con không nghe lời bố mẹ thì nghe ai nhưng bố phải phân biệt việc sinh hoạt Đảng là việc Đảng, việc bố con là bố con, ta không nên lẫn lộn mà ù xoẹ làm sai nguyên tắc của Đảng và ngược lại.
- Anh không được lý sự nữa, bao nhiêu việc anh làm trái khoáy, anh nhận ra chưa ? Từ cái trò anh bày ra chuyện khoán ruộng, khoán vườn đến việc đàng đúm với bọn đầu trộm đuôi cướp mang cây lên đồi trồng, sang việc ăn chia với cái Ló, xem kỹ toàn mầm mống Tư bản cả. Bây giờ anh lại đưa con Mưa ra chỗ đầu sông, trổ bến, tưởng làm cái gì lại bày ra cái cách buôn bán. Anh có biết buôn bán là thế nào không ?
Buôn bán là bán nước nhá ! Thằng Bá Đa Lộc ngày xưa đấy. Anh không học sử à ? Đẻ ra anh thật nhưng tôi không hiểu được anh ! Ông nghiến răng : lại còn chuyện này nữa. Dân làng Lộc người ta đang đồn. Con Mưa ra đấy lại có quan hệ móc nối với thằng Nghiệp, cái thằng đi tù về nó giả vờ rồ ? Ghê gớm chưa !
Nhân danh một đảng viên, một người cộng sản tôi đề nghị anh phải kiểm điểm. Xem lại tư cách đảng viên của mình. Tôi không nói thêm nữa. Ông Tĩnh kết luận, anh Tâm bấm tay vào bụng thật chặt nhưng suýt nữa tiếng cười vẫn bật ra.
- Thưa bố. Con đang nói với bố bằng tư cách của người đảng viên cộng sản đấy, từ việc con đề xuất cho dân làng làm khoán đến việc con mang cây lên đồi trồng, làm ăn với cô Ló, dựng cửa hàng cho cô Mưa nhà mình ! … Tất cả những việc đó sao bố lại bảo là trái khoáy, là Tư bản, con nghĩ là người cộng sản là phải biết tập hợp đoàn kết tạo ra công ăn việc làm đúng hướng cho con người. Nói ngắn lại là phải để cho con người có công ăn, việc làm, có tổ ấm, có học hành. Những số phận trong làng xã như chị Ló, cô Mưa, những thanh niên lêu lổng mà ta ngoảnh mặt đi hay chỉ ghi tên họ vào sổ đen mà nạt doạ, không có biện pháp giáo dục họ sẽ càng hư hỏng. Họ sẽ đi ăn trộm, đi nghiện hút, đĩ bợm thì cái làng này mở mắt ra sao được. Những công việc con đã và đang làm là để dẹp rối chứ không phải gây rối. Xin kính thưa "đồng chí bố ạ" ! Anh Tâm cười, lại nói tiếp :
Con nghĩ người đảng viên trung thành với Đảng là phải bằng hành động, việc làm cụ thể. Không được nói suông hay nói một đằng làm một nẻo.
Bố là người có cống hiến lâu dài, được Đảng tặng danh hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đây là niềm vinh dự cho chúng con. Song, nếu chỉ khư khư giữ cái danh hiệu đó mà làm ngơ tất cả thì cũng thành người có lỗi chứ chưa nói đến việc suốt ngày bố cứ đứng trước tấm huy hiệu để soi mình, rồi thề thốt đóng kín cửa. Việc ấy có ích gì, cái hào quang ấy không phát sáng được. Phàm nó còn trở thành trò hề nữa. Mà như thế tự nhiên mình lại là người có tội vơí Đảng, với nhân dân !…
- Anh đừng hỗn ! Ông Tĩnh đập bàn.
- Đây là buổi sinh hoạt tổ Đảng, bố phải giữ đúng nguyên tắc. Anh Tâm đẩy ông vào thế rồi lễ phép :
- Tất cả những điều con vừa nói, bố coi đó là bản kiểm điểm tư cách đảng viên của con. Con ra chi bộ con vẫn tuyên ngôn như thế. Bố đừng sợ.
Còn việc cô Mưa đi lại với thằng Nghiệp là có thật ! Điều đó chứng tỏ anh Nghiệp không rồ. Vậy thì hơn 10 năm qua tại sao anh ấy phải giả vờ rồ ? Đây lại là câu hỏi yêu cầu người đảng viên ở làng Lộc phải giải trình. Việc đó con cho còn là trách nhiệm của chúng ta !
- Anh to gan thật ! Nhưng anh làm được việc đó tôi phục anh . Ông Tĩnh tròn mắt .
- Làm được chứ bố, sự thật phải nói ra, nói ra để đoàn kết, thân ái. Để con người không ai phải oan trái, thế thôi ! Nói rồi anh Tâm đứng dậy. Ông Tĩnh nhìn theo, trong đầu ông loé sáng những tia chớp, nhưng ông không hình dung ra được. Ông ngồi lặng, vít cái xe điếu tì vào cằm nhìn hút theo dáng anh Tâm.
***
Bà Tòng được cứu sống nhưng khi ra viện đôi mắt của bà bị mù tịt không còn nom thấy đất trời nữa. Các con bà phải cắt phiên phục dịch, mới đầu mọi người còn hào hứng, về sau tính toán hơn thiệt họ thuội dần. Mọi việc dồn đổ lên đầu vợ chồng nhà Ất. Ất lại vốn là cậu ấm ươn việc thế là trăm sự cái Sứt phải hứng lấy mà làm. Hàng ngày Sứt phải dắt bà đi đái, đi ỉa, tắm rửa cho bà. Công việc cứ lặp đi lặp lại cái Sứt cũng sinh lục bục. Sợ nó vất vả bỏ về với bố mẹ đẻ, chuyện lan đến tai ông Thường bí thư huyện ủy thì rầy rà. Lão Tòng đành cắn răng làm thay. Mỗi lần rửa đít cho bà lão như người ngậm phải thuốc đắng mà không dám nôn, dám oẹ. Lão thì thụp làm công việc này giống như người ăn vụng, ăn trộm. Chỉ sợ người khác nhìn thấy
Chiều nay, ở trụ sở ủy ban về, lão vừa bước vào nhà thì thấy bà đang lê la, rờ rệt, bên bãi cứt ỉa lỏng nhoe nhoét giữa giường chiếu. Lão vội thuồi cái cặp vào bàn, xắn tay áo nâng bà dậy kéo ra cầu nước. Lão đang lụi khụi rửa đít cho bà thì chị Cồi hớt hải đến. Giọng chị hổn hển :
- Chết thật ! Các anh các chị nhà ta đâu cả mà để ông chủ tịch phải làm việc này. Vừa nói chị vừa giằng cái gáo trên tay lão Tòng. Lão vội khùa tay vào chậu nước rồi lùi lũi đi vào nhà. Rửa ráy cho bà xong, chị Cồi dắt bà vào giường. Lão Tòng vẫn ngồi đực ở tràng kỷ, chị rón rén đến trước mặt lão :
- Bác làm ơn ký cho nhà cháu cái giấy này để sáng mai các cháu nộp cho cô giáo. Phải có chữ ký của bác nhà trường mới công nhận là gia đình thuộc hộ đói nghèo, các cháu mới đuợc miễn giảm tiền đóng học. Lão Tòng đảo mắt nhìn tờ giấy rồi lão tút bút ký xoẹt một chữ Tòng rất to ở cuối tờ giấy. Chị Cồi vội gấp tờ giấy, chắp tay chào lão rồi cúi đầu lóm thóm đi một mạch. Chị ra khỏi ngõ, lão Tòng vội thu cái chiếu bỏ ra cầu nước, giọng lão hít vào ken két :
-Tôi đã bảo, bà nốc vừa thôi. Cái gì cũng va vào mồm rồi đùn ra đây, ai hầu mãi được. Bà còn đày bố con tôi đến bao giờ ?
- Thì tôi đã bảo ông cứ cho tôi một liều bả chuột, tôi chết cho nó mát mặt, mát mày. Giời nó đày tôi đấy ! Mồm bà méo mó, hai bàn tay bà sờ soạng bám vào cái thành giường, lão Tòng đứng lặng, đôi bàn chân vằm xuống đất, hai cục lửa đang trong mắt lão đỏ đọc, lão muốn hét lên nhưng cái lưỡi cứ thẳng đuột ra, lão đang loay hoay thì anh Luồn từ ngoài cửa chạy thốc vào, giọng anh làm ra vẻ ôn hoà :
- Giời đất ! Chú thím rầy nhau làm gì và Luồn nhẹ tay đỡ bà nằm xuống giường, vẫn cái giọng ôn hoà ấy Luồn xoa dịu :
- Thím nằm nghỉ đi, chú bận nhiều việc sinh bẳn thôi mà, thực lòng chú thương thím lắm ! à nhà cháu mua cho thím chục bánh hòn đây, thím ăn đi !
- Cảm ơn vợ chồng anh, tôi chả thiết gì nữa đâu ! ăn lắm, ỉa nhiều, ăn no ỉa to đống cứt, cái thân tôi làm đồ đốt gì nữa ! Anh đưa cho tôi liều bả chuột !…
- Chết ! Thím đừng gở miệng ! Cái họ này phải nhờ lộc thím đấy ! Khoá này chú còn làm chủ tịch, họ Phạm còn phát tài, họ Phạm phát tài là nhờ công đức của thím chứ. Cháu xin thím nguôi giận ! Luồn thở dài. Bà Tòng sờ soạng nắm lấy bàn tay Luồn hy hóp thở , Luồn đánh mắt làm hiệu cho lão Tòng rồi lại đổ giọng ồn tồn :
- Thím cứ nằm nghỉ, cháu phải lên nhà trên bàn với chú một việc, vẫn cái việc dọn đường dạy dỗ để cho thằng Ất nó biết đường kế cận ngôi vị của chú thôi mà ! Thím phải nguôi giận vì con, vì cháu nhá ! Giọng Luồn non nỷ. Bà Tòng thấy êm dạ, bà nằm im , Luồn nhẹ chân bước theo lão Tòng lẻn ra bàn đá ở gốc mít chỗ đầu hồi nhà. Cánh Lường đã chờ sẵn ở đấy. Một cuộc họp ban chấp hành thu hẹp nữa của phe cánh họ Phạm lại được bí mật bàn bạc. Lường chủ toạ từ đầu đến cuối, lần này họ không ghi biên bản. Họ chùm đầu bàn bạc rất sôi nổi, Lường nói :
Tình thế xoay ngang, dở dọc nhanh quá. Những vấn đề ta quyết nghị trong cuộc họp trước khó thực hiện đuợc. Có lẽ cái biên bản, nghị quyết ấy phải huỷ bỏ. Luờng khẳng định rồi hắn đặt ra ba vấn đề lớn.
Thứ nhất là, việc cái gai nhọn (xã đội Tâm) ta định nhổ đi, bây giờ không những không nhổ được nó còn nhọn, sắc hơn vì cơ chế giao ruộng, giao vườn cho nông dân đã mở to. Làng xã đua nhau làm trang trại. Đám thanh niên trong làng như thằng Thành, Lập, Hạ … đều cổ vũ công việc này như có một phong trào cách mạng. Việc này, ở làng Lộc vô tình Tâm lại là người tiên phong đi trước. Nếu huyện biết việc này Tâm còn được xếp vào một điển hình tiên tiến chứ chả đùa. Vậy cái việc ta định qui kết Tâm có tư tưởng địa chủ, chúa đất phục hồi là lỗi thời. May mà cái văn bản đã đánh máy ta chưa gửi lên huyện.
Việc thứ hai nếu ta qui tội Tâm đàng đúm với bọn đầu trộm đuôi cướp trong làng, bọn có tên trong sổ đen của công an xã thì bọn này bây giờ lại lương thiện, nghe Tâm làm ăn chăm chỉ và chúng còn tôn thờ Tâm như một đấng cứu thế. Dân làng Lộc hả lòng vì các tệ nạn hết dần. Việc này vô tình Tâm lại thành công, thành công trong việc củng cố an ninh trật tự trong làng xã và tạo ra được công ăn việc làm cho người thất nghiệp, nếu đụng vào việc này vô tình ta lộ mặt và như thế tự nhiên vũ đài chính trị ở làng xã sẽ ngả về phía Tâm. Do vậy, ta phải cân nhắc, nhìn xa trông rộng .
Một việc nữa không thể bỏ qua đó là chuyện cái Mưa. Bây giờ nó đẻ con, làm nhà buôn bán ngay trước cửa nhà mình. Việc nó buôn bán phát tài đã làm ta tức mắt, khó chịu. Nhưng tức mắt, khó chịu hơn là cái thằng ranh con, thằng ranh con càng lớn càng giống chú Ất, nó lại ngày ngày thập thụt ở cái mảng nứa. Dân làng Lộc còn đồn thằng Nghiệp rồ dạy nó học chữ nữa. Việc này không dẹp được sẽ có biến. Thằng Nghiệp mà khỏi rồ, thời cuộc lại đổi mới tự do, dân chủ, chuyện cũ sẽ như cái kim nhọn lòi ra. Cái Sứt nó biết, đến tai ông Thường bí thư huyện Uỷ, mình có mà chui xuống kẽ nẻ. Cái họ này sẽ lụi, không ngóc đuợc nữa. Anh Lường thở dài,cả đám im lặng,vò đầu gãi tai. Lão Tòng đảo mắt nhìn đám cháu, lão nhếch mép :
- Các anh hết kế rồi à ?
- Dạ ! Chưa hết nhưng sự thật ! …
- Sự thật ! Các anh chỉ sẵn cỗ ngồi. Khó khăn một tý là dái thọt lên cổ. Quyền lực còn trong tay mà nhu nhược vả còn cái bóng tôi lù lù đây. Hỏi đến lúc tôi chết, các anh làm gì ! Cánh họ Trương nó xỏ sẹo dắt đi đâu, các anh theo đấy chứ gì ?
- Dạ ! Chú bảo phải xoay sở kiểu gì ? Những việc anh Lường vừa nêu ra đều là sự thật, uy tín của Tâm mỗi ngày một bao trùm khắp làng xã. Bầu cử hội đồng khoá này đố chú loại được Tâm đấy. Dân chúng sẽ tiến cử Tâm đầu bảng A chứ chả đùa.
- Biết thế mà phải bó tay, đấy là đồ hèn. Lão Tòng quắc mắt, giọng hít vào :
Những việc các anh vừa nêu ra, nhận thức của các anh không tồi nhưng khẩu khí tôi thấy các anh hèn, hèn lắm.
Các anh sợ cả thằng Nghiệp nó khỏi rồ. Việc ấy tôi còn không ngán, bận gì đến các anh. Nó có bới mộ mẹ nó lên, bới mộ ông Thệ lên cũng chả chứng cớ gì. Ma chết lấp miệng. Còn uy tín của Tâm và chuyện mẹ con cái Mưa ! Có cái Nghị quyết Trung ương 5 vừa về đấy. Các anh khôngthấy cái lợi hại của Nghị quyết Trung ương 5 à ?
Xây dựng gia đình văn hóa mới, thôn bản văn hoá mới ! … Vậy gia đình văn hoá mới không thể có con em đi chửa hoang lại quan hệ thân ái với một thằng tù. Ta cứ bám vào cái đó lão Tĩnh với cái đầu cuồng tín luôn bao bọc trong hào quang của cái huy hiêụ 50 tuổi Đảng sẽ tụt vòi và khi tụt vòi lão sẽ đối lập với Tâm mà đối lập với Tâm bố con hắn sẽ lục đục, to tiếng ta kích vào và lấy cái đó để phê bình kiểm thảo, xem xét tư cách của đảng viên. Mà đảng viên đã không đủ tư cách thì còn chấp chính cái gì nữa. Lão cười hít vào, Lường và cánh đàn em tròn mắt
- Dạ ! Chú quả là bậc tiên sinh.
- Sinh với tử, Lão Tòng lắc đầu. Đấy mới chỉ là hạ kế thông thường, các anh phải bám lấy phương châm đó mà cụ thể hoá chương trình hành động của mình cho phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, phải biết dĩ bất biến, ứng vạn biến. Muốn ngồi lên đầu thiên hạ thì phải động não. Biết chỗ cương,chỗ nhu các con ạ. Còn khi phải dùng thượngkế ! Lão chau mày :
Chiều nào thằng Tâm nó cũng đến cửa hàng cái Mưa. Cứ lựa ở cái chỗ ngoặt dốc chùa, ta ở thế trên phóng xe máy va vào nó. Chỉ va cho nó gẫy chân thôi là mọi việc đều hết phim, mình bồi thường tai nạn một tý nhưng trăm bề ổn cả. Lão cười phì ra.
- Làm thế ác lắm chú ạ ! Nhà mình làm nhiều việc ác quá rồi. Cái hậu quả bà thím mù hai mắt cũng tại cái hội nghị chấp hành thu hẹp của chú cháu ta đấy. Bà thím vừa phục dịch, vừa lỏm nghe thế là ngã vào bếp !… bây giờ ta lại làm việc này nữa, e về sau hết hậu !…
- Hậu gì ? Lão Tòng vằn mắt. Các anh không làm thì để đấy. Các anh biết không, việc lão Thệ ngã vục mặt xuống trằm Đậu đâu phải tự nhiên lão ấy ngã. Bữa rượu thịt dím hôm ấy cha con tôi phải công phu, vât vả lắm chứ. Nay cái tiếng là tại lão ấy say rượu ngã chết chứ đâu có phải tại mình. Cái thánh là ở chỗ ý, mà cái ghế bí thư anh Lường đang ngồi bây giờ là có từ vụ việc ấy. Làm chính trị là phải thế. Các anh hiểu chưa. Tôi không tàn ác, các anh được thế à ? Mọi việc không bàn nữa, cứ thế mà thực hiện, riêng cái thượng kế thì phải chờ khi có lệnh của tôi. Lão nói như ra lệnh. Đám con cháu ngồi lặng, thọc tay vào bọc nhìn nhau. Lão đảo mắt nhìn mọi người rồi hất hàm chỉ tay ra phía cái cửa hàng của cái Mưa. Ở đấy người mua, kẻ bán đang tấp nập. Hiểu ý lão, anh Lường to nhỏ :
- Phải dẹp ngay chú ạ !
- Dẹp ngay ! Nhưng bằng cách nào. Lão tần ngần, tính toán. Thằng Ất lù lù đến. Lão quắc mắt :
- Việc tầy đình thế mà anh cứ nhởn nhơ. Anh không nhìn thấy cái gai đang chọc vào mắt, anh không biết chúng tôi đang nát óc sao ?
- Tuổi cao hay nghĩ dài, nó chỉ là cái bụi rền gai đáng gì mà bố và các anh phải rối lên, Ất thủng thẳng. Lão Tòng trợn mắt, hai cục lửa trong con ngươi đỏ lên đòng đọc.
- Rền gai à ! Anh đừng coi thường. Nếu không hót được nó xuống vụng ghềnh thì khó mà ăn ngon ngủ yên được đấy. Ngày trước còn bọn thằng Dỏ, cái Ló sai khiến nó dễ dàng. Bây giờ nó bè cánh với nhau cả đấy. Anh có dám làm không ?
- Sao chả dám nhưng chưa đến cái ngữ Ất này phải dúng tay vào. Chả có Dỏ, có Ló thì có người khác. Ất vẫn thủng thẳng .
- Có ai ? Lão Tòng hỏi dồn :
- Trên Lộc Thượng còn thằng Vạn. Nhà nó rách như tổ đỉa, ta rớt ra một tý việc gì nó cũng làm.
- Dây vào cái thằng nghiện ấy anh tưởng đùa à. Không khéo ngồi tù cả lũ.
- Bố đa mưu mà !…
- Mà sao ? Lão Tòng lại hỏi dồn :
- Thế này nhá ! Nó vừa có giấy của trung tâm cai nghiện cho về. Nhà nó khó khăn ta cho nó vay tiền chả những không có tội mà còn được cái tiếng giúp đỡ nó khắc phục khó khăn để hoà nhập với cộng đồng làng Lộc. Khi nó chịu ơn mình, mình sai việc gì chả được.
- Thế anh định sai nó việc gì ? Anh nói ra ngay xem.
- Ất cuời : Khi nó chịu ơn mình rồi thì cho nó một ít tiền, bảo nó thuồi một bao phân trộn lẫn đất vào cửa hàng của con Mưa rồi ta cho kiểm tra, khám xét. Khi phát hiện ra hàng rởm lập biên bản, yêu cầu đóng cửa cái cửa hàng ấy. Việc này thành công, lão Tĩnh và tay Tâm còn è lưng ra mà kiểm điểm vì cái vốn gây dựng cửa hàng là doTâm gây dựng. Lúc ấy ta qui tội, khai trừ Đảng cả lượt bọn dây dưa đến cái Mưa.
- Rà ! Lão Tòng cười tít mắt, hai tay lão vỗ đen đét vào đùi. Quả là con hơn cha thật. Bổ sung vào Nghị quyết, phân công luôn việc này cho Ất. Cả đám gật đầu đồng tình và họ thọc tay túi quần đứng dậy. Họ mở to cửa nhà rót rượu chúc mừng nhau và ngấm ngầm thực hiện kế hoạch đó. Ất được giao một khoản tiền để thi hành công vụ. Ất tự hào với bọn đàn anh và y cho đây là một chiến công lớn để chứng tỏ rằng y không phải là một thằng hèn như mọi người hằng tưởng.
Ất mon men bắt nối với Vạn. Trong một bữa nhậu ở quán bà Bẹo. Ất bảo : Mày cứ lừa lúc mẹ con nó thổi cơm trong bếp ném cái bao phân lẫn đất vào rồi xin ngụm nước uống rồi về. Anh Ất không phụ công mày đâu. Vừa nói Ất vừa dúi vào tay Vạn tờ giấy bạc, Vạn cười tít mắt :
- Tưởng việc gì chứ việc này thằng Vạn làm nhẹ như bấc. Anh Ất cứ về đi. Đâu sẽ vào đấy cả. Họ nâng cốc và nắm chặt tay nhau.
Ngày hôm sau, lúc cửa hàng của Mưa đang tấp nập người mua, kẻ bán. Một tốp người ăn vận nghiêm trang do ông Phạm Lại phó chủ tịch phụ trách công an xã dẫn đầu, trong đó có ông trưởng thôn làng Lộc, anh cán bộ khuyến nông, ông cán bộ Thuế và mấy ông cán bộ văn phòng Ủy ban, cặp to, cặp bé rồng rắn nhau kéo đến. Sắc mặt họ đều lạnh như kem. Ông Lại nghiêm trọng nói:
- Thay mặt ủy ban nhân dân xã, yêu cầu chị Mưa vui lòng ngừng bán hàng để kiểm tra hàng hoá vì có đơn thư khiếu tố đến ủy ban, nhà chị bán hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Vừa nói hắn vừa mở cặp lôi cái lệnh ra đọc.
Mưa không ngẩng lên, cô vẫn vừa giao hàng cho khách vừa thong thả nói:
- Vâng, các ông cứ việc thi hành công vụ của người làm chức nhiệm. Tôi xin được một đề nghị :
Trước khi triển khai công việc, các ông phải lập biên bản, có khách hàng của tôi tại đây làm chứng.
Lại cười - về thủ tục chị khỏi lo .
- Vâng, các ông triển khai đi nhưng theo cái quyết định các ông vừa đọc, tôi là người bị nghi vấn làm ăn phi pháp, buôn bán không chân thật. Việc đó khi kiểm tra hàng hoá nếu đúng tôi xin giao cả cái cửa hàng này cho xã và chịu tội trước pháp luật của Nhà nước. Còn nếu không có các ông phải đền uy tín cho người hành nghề. Tạm tính cả vốn lẫn lãi cái cửa hàng này là 50 triệu đồng. Tôi chỉ lấy phần đền bù danh dự bằng một phần trăm. Các ông ghi vào biên bản, ta cùng ký kết rồi triển khai công việc.
- Nhất trí ! Lại cho anh thư ký ngửa giấy tờ và họ cùng ký kết.
Cuộc khám xét được tiến hành tỉ mỷ, chi tiết. Họ thuê cả đám khách hàng cùng dỡ từng bao phân ra kiểm nghiệm. Anh cán bộ Khuyến nông cẩn thận xem kỹ từng bao phân. Túi nào anh cũng nói : Đảm bảo chất lượng, ông thư ký ghi biên bản lặng lẽ chép theo. Đến hàng túi cuối cùng thì cả đám người rời rã, thấp thỏm, nhìn thấy sự thất thố, Lại gượng cười :
- Việc như thế là xong. Việc xã kiểm tra cũng là thời cơ tạo điều kiện cho cô Mưa bán hàng thuận lợi hơn. Tránh tiếng bàn tán xì xào làm mất uy tín cửa hàng của cô.
- Cảm ơn các ông, nhưng công việc là công việc. Cái biên bản chúng ta đã ký, cứ thế mà thực hiện.
- Vâng ! nhưng để chúng tôi về báo cáo ủy ban rồi sẽ trao tiền cho cô sau.
- Cũng được, nhưng các ông phải ký vào biên bản.
- Vâng. Lại hất hàm ra hiệu cho người thư ký. Cái biên bản lại được bày lên bàn. Lại thò bút ký. Mưa cùng những người làm chứng cũng ký. Việc xong, cái biên bản được sao làm hai bản. Mưa giữ một, ông Lại giữ một. Đám người vội cuốn gói ra về. Mưa bảo :
- Còn việc này nữa
- Việc gì ? Lại gặng hỏi :
- Các ông đi theo tôi, vừa nói Mưa vừa kéo tay ông Lại. Cả đám người miễn cưỡng lủi thủi buớc theo. Mưa đi về phía cái mảng nứa ở bến gáy. Anh Nghiệp đã chờ sẵn. Mưa bảo anh kéo Vạn lên. Giữa ba quân chín tướng, giọng Mưa rành rọt :
- Chiều hôm qua mẹ con tôi đang thổi cơm tay này vác một bao phân rởm có độn lẫn tro, cát lủi vào kho hàng của tôi. May quá lúc ấy anh Nghiệp đi bẻ lá sắn cho cá về nhìn thấy, anh tóm cổ. Hắn khai cả rồi. Tôi định gọi làng rồi giao ngay cho ủy ban nhưng đêm tối, nhờ anh Nghiệp giữ ở đây. Giờ các ông đến. Đề nghị việc này phải làm rõ. Nếu không tôi kêu lên huyện. Anh Nghiệp lôi Vạn từ cái lều lên bờ. Nhìn thấy Vạn mặt Lại biến sắc. Nhưng vốn là người từng trải Lại hất hàm ra hiệu cho mấy tay công an xóm, giọng lạnh lùng :
- Dẫn hắn về ủy ban. Mấy tay công an xóm biết ý Lại xốc nách Vạn kéo đi. Đám người trên cửa hàng xô đến, họ la ó.
- Phải trói cổ hắn lại. Để an đám đông Lại hất hàm, lập tức hai tay Vạn bị trói vặn cánh khửu. Đám nguời vẫn xô theo ném đất, ném đá. Lại phải mất nhiều công lắm mới dẹp được.
Ở trên xóm, thấy chuyện om xòm lão Tòng bảo Ất :
- Mày láng xe ra xem khỏi hay đám thằng Lại làm hỏng việc rồi.
Ất vội đẩy xe, nổ máy. Chiếc xe vừa thò ra đường làng, Ất nhìn thấy Vạn đang bị trói vặn cánh khửu đi trước đám người, mặt Vạn cúi gập xuống đất. Biết việc gì đã xẩy ra, mắt Ất tối ập, tiếng ga rồ lên, con xe phóng vun vút. Đến lưng cái dốc chùa thì tự nhiên đầu nó lao bập vào cái cột đình, thằng Ất bị văng ngang xuống vệ đường, một bên dóng chân xương lòi ra. Làng xóm vã đến, nhìn Ất họ tặc lưỡi : ác giả , ác báo. Nhưng người ta vẫn túm lại băng bó và đưa Ất đi bệnh viện. Lúc này đang giờ ngọ, trên cái cửa hàng của Mưa vẫn chật người họ đổ dồn ánh mắt theo cái cáng đang khiêng Ất về phía bệnh viện. Đám thanh niên cười nói bô bô : - Cái dốc chùa này thế mà thiêng thật :…
***
Giúp Mưa dọn dẹp gọn gàng hàng họ sau công viẹc cuối ngày, Nghiệp trở về cái mảng nứa. Anh lủi thủi vứt cỏ vào cái cũi cho cá ăn, làm xong anh đổ gạo vào nồi nhóm lửa nấu bữa. Ngọn lửa vừa cháylên thì từ trên bờ anh Dỏ đặt gánh ống lươn tựa vào cái bờ đất cứ thế bên chân quần cao, bên chân quần thấp anh sồng xộc chạy xuống cái mảng nứa. Vừa chạy anh vừa ô ố gọi :
- Nghiệp có nhà không ? Nghiệp có nhà không ? Nghiệp chưa kịp thưa anh đã nhào vào cái mảng. Cái mảng chòng chành, nồi cơm trên bếp sánh ra,bếp lửa khói phùi lên xèo xèo. Anh ngẩn người vội ngồi thụp xuống cái mảng hai hàm răng nở ra trắng hởn ; ta đoảng quá, có đổ mất không ?
- Không. Anh ngồi đây đi. Vừa nói Nghiệp vừa kéo cái mảnh ván đặt ngay cái mảng. Anh Dỏ rón rén khẽ đặt đít ngồi xếp bằng. Anh tròn mắt nhìn Nghiệp rồi thò tay mở vung cái nồi
- Giời đất, có một mình mà nấu đầy thế ?
- Em nấu để xơi cả ngày mai.
- Khổ ! lên bờ mà lấy cô vợ , ở cho nó sướng tội đếch gì. Cứ tưởng là mày rồ ! Ai ngờ ! Nhưng mà đến lúc vỡ ra chuyện thì cũng mất non nửa đời người rồi. Thế hơn mười năm nay mày thì thụp sống thế này à ? Xem nào, ăn ở kiểu gì : Vừa nói anh Dỏ vừa thò tay lục cái thùng ở xó bếp. Tương ớt, muối nuớng, quả cà gai muối chua, vài cái bát sứt sát, đôi đũa tre và mấy cái cùi thìa bằng gỗ tự gọt lấy. Bày hết các thứ ra bếp anh Dỏ cười hề hề :
- Mày sống như sư ấy, sao không lên chùa mà tu ? Khổ, nhưng làng Lộc mình cũng có đình chùa nữa đếch đâu. Họ phá hết để làm nhà kho, làm trại chăn nuôi rồi. Cái bến Gáy này là thiêng lắm đấy. Ngày phá chùa Thông tượng phật đập vỡ, bà thích ca đều lẳng xuống đây. Đêm đêm bao nhiêu hồn ma cứ níu nhau bò lên cái hòn đá Gáy kêu khóc. Cánh trẻ trâu ra đây tắm chết đuối mấy đứa. Cả con ông Gáo Dừa bơi lội tài thế mà cũng ngỏm. Khi ông ba Thịnh thả câu ngoắc được lên thì cái bụng đã đầy nước to như cái thúng cái. Từ ấy người làng Lộc không ai dám bén mảng ra đây nữa. Chỉ có từ ngày mày rồ thì cái bến này lại có người. Khổ tao cũng cứ tưởng mày rồ thật. Ai ngờ ? Mà mày to phổi thật. Người mà ở được với ma khiếp quá. Thôi cắt cái băng này đi, lên bờ ở. Hèn như tao còn có túp lều. Đời người muốn gì cũng phải có túp lều , có vợ có con chứ. Mà cư dọn lên bờ, ở với mẹ con cái Mưa nhà cụ Tĩnh ấy. Cái việc nó chửa hoang thì bận đếch gì. Sẵn con mình nuôi, ở với mình, mình chăm bẵm nó là thành ruột thịt. Quan trọng gì đâu. Anh Dỏ cười hề hề, vừa cười tay anh vừa thò vào lọ cà gai bốc một quả bỏ vào mồm nhai đôm đốp.
- Mày muối cà khéo thật. Thế này mà có một cút cũng hay đấy. Anh Dỏ lại cười hề hề : ở một mình thế này mày không dùng cút à ?
- Không ! Nghiệp lắc đầu :
- Thế thì mày khổ là phải . Đàn ông mà không biết cái nước ở trong cút thì chả phải là thằng đàn ông. Tao ngày đi cày, đêm về đi cắm ống kiếm lươn, kiếm trạch nhưng cứ phải đầy một cút. Đấy cứ cắm hết ngần kia cái ống xuống bờ trằm, bờ đập về đổ cái cút ra làm một cốc đầy rồi vào vỗ đít mẹ đĩ, sướng nhá. Ngang tai, ngứa mắt cái gì cứ chửi toáng lên sợ đếch gì mà phải ẩn dật như mày. ẩn dật, kham khổ như mày chỉ thân làm tội đời thôi được cái đếch gì. Nghe tao cứ lên chỗ mẹ con cái Mưa mà ở. Nó đang thì gái một con, nom hay phết. Mà nghe chừng nó cũng thương mày đấy. Cái hôm xã khám quầy hàng của nó, lúc mày dắt cái thằng Vạn ra đám đông, tao thấy nó nhìn mày hai tay cứ vê nhàu cái vạt áo, biểu hiện ấy chả có ý là gì . Mày cứ liều đi, liều là được. Anh Dỏ lại nhìn Nghiệp cười hề hề :
- Anh Dỏ nói hay như diễn chèo á. Nhưng mỗi người mỗi phận. Anh thế thì đuợc, làng Lộc chả ai dám làm gì. Nghiệp mà thế thì cái lưng lại suốt ngày dãi đày ở sân Ủy ban mà xới cỏ vì Nghiệp là thằng có án !
- Án với ngữ ! Cái việc ấy vỡ ra rồi. Ngày mày đập cái thước vào mặt lão Thệ, cái việc đập là đúng. Lão ý cưỡng hiếp mẹ mày, đập vào mặt lão ấy là phải . Nhưng tình ngay, lý gian nên mày mắc cái tội đánh người. Mày mắc cái tội đánh người một phần cũng tại cái tính lá phải, lá trái của lão Tòng nữa. Nhưng chuyện ý nhắc lại làm gì. Trồng cây gì thì được quả ấy, lão Thệ cũng thay tiểu rồi . Cái việc lão ngã vục mặt xuống cống Đõ là cũng do lão Tòng chứ. Khốn là thế nhưng chả biết độn thổ thế nào sau khi lão thệ chết quyền bính làng xã này lại tập trung cả vào tay lão Tòng. Cứ thế lão dắt díu dòng họ vào các chức sắc rồi gieo rắc bao nhiêu ngang trái xuống làng Lộc. Bao nhiêu chuyện mờ ám,bao nhiêu nguời bị ức hiếp thế mà cả lò, cả ổ nhà nó cứ nhơn nhơn tồn tại. Nhưng mà bây giờ cũng hết thời rồi. Ông trời đã có mắt, nó không thể làm gì được mấy nữa. Trên làng bây giờ cái việc nuôi bò, nuôi trâu, đào ao, thả cá, làm vườn mở mang trang trại đầy. Người tốt như anh Tâm, anh Thành, anh Lập hiện giữa làng như thần đồng. Cánh Tòng ngán lắm nhưng đếch làm gì được, nhiều chuyện còn phải giàn hoà. Phen này đến bầu cử, bọn xấu sẽ bị thay thế hết. Mày cứ dọn lên bờ mà ở, sợ cái đếch gì. Anh Dỏ lại cười hề hề vàthò tay vào nhóp quả cà nữa bỏ vào mồm nhai. Có tiếng cá quẫy ũng ẵng ở dưới gầm hòn đá Gáy, anh Dỏ thò cổ ngó. Nghiệp bảo :
- Cá nó đòi ăn đấy !
- Mày có cần câu không ?
- Cá Nghiệp nuôi mà. Vừa nói Nghiệp vừa đẩy cái mảng vào cửa hang, Nghiệp lôi bó cỏ vứt vào cái cũi. Những con trắm to ngoi lên xoè đuôi quấn quýt. Anh Dỏ tròn mắt :
- Mầy nuôi cá trong cũi à ? Cá nhiều thế mà mày nhắm cơm với muối nướng, cà gai. Đúng là giời đày mày thật. Tóm lấy một con, tao tìm cút về nhá. Anh Dỏ cười tít mắt. Nghiệp túm con cá to, xọc vào cái dùi mang đặt ngang bếp lửa. Cả thân con cá vàng hếnh, nứt nở trên than lửa. Anh Dỏ xách cái cút về, họ bày con cá lên tàu lá chuối, đặt giữa mảng. Anh Dỏ ngửa hai cái bát, rút cái nõ ngô ở cổ cái cút rót đầy hai bát. Họ nâng cốc, Nghiệp nhấp một ngụm, nhăn mặt rồi phì vội xuống sông. Anh Dỏ bảo :
- Thật tội, phí của giời quá, bằng ba bát cơm đấy. Thôi không uống được thì ăn đi và anh thò tay bóc cá đưa cho Nghiệp. Tợp hết bát rượu. Anh vặt cái vây con cá nhấm nháp, mắt đổ ra bến sông. Anh hỏi Nghiệp : Cá nuôi trong cũi cũng như nuôi lợn à ? Ai bày cho mày ?
- Buồn thì nghĩ ra việc cho vui. Không có cái cũi cá này thì Nghiệp rồ thật. Đi câu, đi cụp về ăn chả hết, sẵn mấy bó tre, nứa vớt được, đóng cái cũi thả vào,vứt cỏ cho nó ăn dần thành việc. Ở với cá khoái lắm anh Dỏ ạ .
- Ừ ! vừa có chén lại vui mắt, mát lòng đếch phải dòm ngó, dề bửu nhau như ở trên đất. Dạy cách anh Dỏ làm theo nhá. Có khó khăn, tốn kém không ?
- Vốn chỉ bỏ ra bụi tre, vài trăm mua giống.
- Được, được, bụi tre nhà anh Dỏ có, vài trăm bạc bỏ vài đợt lươn trạch không be cút là có. Anh Dỏ làm đuợc. Chuyện này mà vỡ ra có khi cả làng còn bắt chước anh Dỏ ra sông cùng với Nghiệp nuôi cá cũi đấy. Thế nhá, bây giờ anh Dỏ đi cắm ồng đã. Sắp tối rồi, vừa nói anh Dỏ vừa đứng dậy Nghiệp khùa vợt vào cũi túm một con trắm nữa xâu vào cái lạt.
- Biếu anh đấy.
- Cảm ơn, cảm ơn. Anh Dỏ tròn mắt nhìn Nghiệp rồi xếch con cá buộc vào cái đai quần, bước lên khỏi cái mảng. Nhìn theo anh, lòng Nghiệp mênh mênh như bến nước. Từng con sóng cứ dồn nhau dào dạt vỗ vào bờ.
Cắm xong mẻ ống lươn, anh Dỏ vẫn đeo con cá lủng lẳng ở sườn hông, anh lững thững đi về nhà. Qua chỗ dốc chùa, đám thanh niên làng Lộc đang túm năm tụm ba ở cái nhà kho cũ bàn chuyện học cách làm của nhà anh Tâm đưa cây lên núi Châm, núi Xộp. Tính cách đào muơng cấy lúa hai mùa.Thấy anh chúng cười phá lên :
- Nom anh như hề sắp lên sân khấu ấy. Cá to thế,anh chộp được ở hồ à ? Con này là bay mấy cút đây ! Mấy cút chị Dỏ tha hồ mà kêu giời !…
- Giời với phật gì, tụi bay đừng quên xem nhẹ anh Dỏ nhá. Cá này là thằng Nghiệp nó biếu đây. Cái mảng của nó có hàng tạ cá, nó nuôi trong cũi, tuyệt lắm. Ngày mai anh Dỏ cũng ra sông nuôi cá cũi với nó.
- Nuôi cá cũi hay là nuôi cá cút ! Đám thanh niên cười rộ lên. Anh Dỏ cũng cười theo rồi lếch thếch kéo con cá đi về nhà. Vừa đi anhvừa ê a hát. Chị Dỏ bảo :
- Lại say ở đâu phỏng ?
- Say với sưa. Mẹ mày tưởng rượu sẵn như nước hồ đâu mà lúc nào cũng say. Đây này, vừa nói anh vừa vật con cá ra giữa sân. Chị Dỏ tròn mắt ;
- Bắt được ở đâu mà to thế ?
- Bắt với bớ gì. Thằng Nghiệp nó biếu đấy. Ở cái cũi của nó có đến hàng mấy tạ cá như thế này nhá. Thích lắm.
- Cá chứ phải lợn đâu mà ở cũi. Chị Dỏ trố mắt.
- Cũi thật mà nị, y hệt cái cũi lợn mà nị. Chả tin mẹ mày đến mà xem. Tôi còn hứa với nó chặt tre đóng cũi cùng nuôi cá với nó mà. Thôi, mẹ mày đừng hỏi nữa, đem ra giếng mổ, bỏ vào luộc. Nói rồi anh vê thuốc nhồi vào nõ kéo một hơi thật dài. Hít sâu làn khói thuốc vào lồng ngực. Khắp người Dỏ mênh mênh sông nước. Cái mảng nứa của thằng Nghiệp ở dưới vụng bến Gáy hiện ra với những chiếc cũi cá lúc nào cũng lũng bũng, rùng rình những con trắm xoè đuôi quấn vào nhau cùng ăn cỏ. Sự sống ở đấy, nguồn thu nhập ở đấy, thế mà người làng Lộc không ai nghĩ ra. Mấy ông có quyền sắc đứng đầu là lão Tòng chỉ nghĩ cái việc đấu đấm, tranh giành quyền chức rồi tìm cách vặt gấu quần dân đen, trông nhờ vào họ có mà chết đói. Phải học thằng Nghiệp. Cái thằng Nghiệp thế mà giỏi. Anh Dỏ gật gù một mình và lại rót rượu uống. Rượu ngấm anh càng thương thằng Nghiệp, nước mắt anh ứa ra và cứ thế anh rủa những thằng đểu đã đổ tai hoạ xuống cuộc đời mẹ con Nghiệp . Anh cứ ngồi thế một mình, cái bến Gáy lại hiện ra trước mặt anh lềnh bềnh cái mảng nứa, bên cạnh cái mảng nứa là những chiếc cũi ngâm trong nước, thỉnh thoảng những con trắm to lại ngoi lên xoè cái đuôi dải quạt quấn quýt tranh nhau rứt cỏ. Thằng Nghiệp ở đấy,hơn mười năm nay nó lầm lũi với sông, với cá. Người làng Lộc bảo nó rồ, có mà người làng Lộc rồ thì mới đúng. Lòng anh mơ màng, mang mang sông nước. Anh ngồi lặng bo cái cút suy nghĩ. Bỗng tiếng gà rộ lên, bầu trời nhoe nhoe những tia sáng hắt ngược phía núi Châm, anh lùi lũi cầm dao, cầm rìu ra hòn đá mài ở chĩnh nước, cứ thế chổng mông anh mài. Khi lưỡi rìu, lưỡi dao ngời lên ánh thép anh hùng hục chặt gục bụi hóp ở góc vườn. Chặt xong cứ thế anh nghềnh nghễnh khênh vác ra bến Gáy. Nghiệp bảo :
- Tưởng nói đùa, anh làm thật à ?
- Làm chứ. Dỏ này có bao giờ nói suông. Nửa đời nay phơi lưng ngoài đồng, cắm mặt chúi mũi khắp bờ hồ, bờ đập kiếm lươn, kiếm trạch. Khổ thế mà còn phải làm. Ở đây chỉ việc đóng cái cũi, mua cá giống thả rồi vặt cỏ cho nó ăn, sẵn đấy mà nhắm rượu tội gì chả làm. Có giúp không hay sợ anh Dỏ phát tài hơn à ?
- Không phải sợ anh phát tài mà sợ người làng Lộc sinh sự !
- Đứa nào sinh sự đã có anh Dỏ. Thôi làm đi. Anh Dỏ bát đầu kéo tre, kéo hóp tuồn xuống sông. Nghiệp bày cách cho anh đóng cũi, bó mảng. Công việc thầm lặng mà gian khổ, họ cứ lầm lũi ngày này qua tháng khác. Đến khi những cái cũi được cột chặt vào mảng nổi bềnh giữa cái bến Gáy. Anh Dỏ phấn khởi bảo :
- Trước khi mua cá về nuôi, phải làm cái lễ cúng thần sông nhân thể kết nghĩa anh em cùng sống chết trên cái mảng này nhá.
- Anh Dỏ mà cũng biết mê tín nhề ? Nghiệp cười
- Không phải mê tín, đấy là lòng thành của mình để tạ ơn trời đất. Trời đất sinh ra núi sông,đồng ruộng cho con người sinh sống. Có con sồng để mình đóng cũi nuôi cá là công lao của trời đất chứ anh Dỏ có tự đào được sông đâu, vả cũng phải có cái lễ để chứng tỏ tình cảm của anh Dỏ với Nghiệp là có thật mà nó phải bền bỉ suốt đời chứ không phải được thì ha hả, không được thì hy hỷ ! Anh em là phải như cái chân, cái tay ấy, phải cùng sống bằng máu ở quả tim mình chảy ra chứ. Phải thế không ?
- Phải ! Nghiệp gật đầu.
- Phải thì làm ngay. Mày dọn cái mảng thật sạch sẽ đi để lấy chỗ bày cỗ. Tao về bảo mẹ cái đĩ đặt xôi, mổ gà, mua nước vào cái cút, xế trưa một tý là dâng lễ. Vừa nói anh Dỏ vừa đẩy cái mảng, chao chân xuống nước rồi leo lên bờ. Nhìn theo anh, cái tấm lưng cởi trần rán màu nắng gió mắt Nghiệp nhoè nhoẹt. Anh không ngờ trong tâm hồn một con người bấy nay chỉ biết be, cút, mở mồm là đếch với đéo, làng Lộc vẫn bảo là thằng nát rượu mà vẫn còn giữ được phong tục tập quán, vẫn biết ơn đất, nhớ trời. Có lẽ, việc anh nát rượu cũng là sự bức bối, nó giống như việc mình giả vờ rồ thôi. Từ ngày bắt tay vào cái việc đóng mảng nuôi cá cũi này tính tình anh ấy đổi khác hẳn . Có lẽ chỉ có tìm tòi tạo ra công việc thì con người sẽ đẹp lên. Nghiệp suy nghĩ và tự cắt nghĩa như vậy. Anh lủi thủi dọn dẹp cái mảng lấy hai bó nứa kê cao lên, đặt ngang mảnh ván ở giữa để lấy chỗ bày cỗ. Việc vừa xong thì vợ chồng, con cái anh Dỏ cũng ra. Anh Dỏ đi đầu, chị Dỏ đội cái mâm có con gà luộc vắt chéo cánh tiên đặt trên đĩa xôi còn đang bay hơi nghi ngút. Mấy đứa trẻ lẫm bẫm theo sau, giọng anh kính cẩn.
- Kéo mảng vào đi.Nghiệp đẩy sào, cái mảng nứa quay ngang đầu trạm vào bến Gáy. Anh đỡ cái mâm trịnh trọng đặt lên án, cau, trầu, nước, rượu cũng đặt lên ngay ngắn. Anh bảo vợ con cùng Nghiệp đứng dàn hàng ngang.Khi nén nhang cháy lên, anh Dỏ cúi đầu quì xuống vái ba lễ. Miệng anh thành kính :
" Thưa lòng sông, thế núi. Thưa hà bá thần thiêng tại nơi bến Gáy Sông Lô. Con là : Lã Văn Dỏ, vợ là Đỗ Thị Dành. Em chú là Trần Xuân Nghiệp cùng đàn con cái. Hôm nay, ngày lành tháng đẹp, vợ chồng, anh em, con cháu nhà con vừa kỳ cạch xong cái mảng để nuôi cá, cũng từ công việc anh em con (Dỏ và Nghiệp) gắn bó thành ruột thịt xin được Thần sông, Thế núi phù hộ cho chúng con khoẻ mạnh, làm ăn tấn tới ra thoát khỏi cảnh nửa đêm gà gáy lần bờ rưng, bờ ruộng kiếm ăn. Con xin đa tạ " … anh cúi đầu kính cẩn lễ ba lễ nữa và ra hiệu mọi người cùng làm theo; việc xong cả nhà ngồi quây tròn giữa cái mảng. Gió sông rười rượi tràn lên. Nghiệp bảo :
- Cứ ngỡ anh Dỏ chỉ biết uống rươụ .
- Ờ, ai cũng ngỡ thế. Nhưng mày bảo ở cái lều, nửa đêm gà gáy mò mẫm kiếm ăn lại còn bị ức hiếp, doạ nạt nữa thì chả mượn rượu mà chửi bố những thằng đểu lên à.
- Đời anh Dỏ không phải đi tù như mày nhưng cũng cực, cũng ức lắm chứ. Giọng anh Dỏ tự nhiên trầm xuống bùi ngùi :
Có mẹ đĩ đây nhưng anh Dỏ vẫn kể : Ngày xưa, thời bác Y Ấn còn làm bí thư xã ý, tao làm ở trại chăn nuôi, lão Hò làm trưởng trại, lúc ấy cái Lữ (bây giờ gọi là cái Ló mẹ cún Lở kia kìa). Nó có tình mà thương tao thật. Nghĩ thật thà tao trình chuyện này với lão Hò để được tự do quan hệ. Thế là lão ý ngấm ngầm đưa tao đi tân bình.Khổ cái mắt của tao một bên lại bị mờ thế là bị thải. Tao về lão đẩy sang đội chuyên canh suốt ngày đi đào mương, đắp đê và lão ta câm bặt không cho cái Lữ gặp tao nữa. Lộn ẩu thế nào lúc cái Lữ bụng ềnh lên, đẻ ra cái Lở. Người ở trại chăn nuôi bảo là con mấy ông chớp phim, nào có phải phim với ảnh gì. Cái Lữ gặp tao nói hết nhưng nó dặn không được nói với ai, thương nó thì chỉ để trong lòng thôi. Nói ra cánh lão Hò sẽ cho đi xới cỏ sân ủy bản cả đời. Tao biết nhưng thương cái Lữ đành ngậm miệng, lầm lũi mãi ở cái đội chuyên canh suốt ngày đi đào mương, đắp đê cuối cùng giời thương thế nào gặp bà Dành này. Chuyện buồn cười lắm nhá. Hôm ý đắp đê ở gần ngòi thông, bà Dành đặt quang gánh trước mặt, tao xúc đất đổ vào, chả biết thế nào lại bên đầy, bên vơi. Bà Dành nhấc gánh, ngã khịu xuống, tao đứng ngẩn tưởng bà ấy mắng, ai ngờ bà ý lại cười rồi bảo : Người đời thật ! Thế rồi hai người có ý với nhau, đúng là giời se duyên thật. Có đúng thế không mẹ đĩ nhỉ? Cả nhà cùng cười rộ lên. Anh Dỏ cũng cười rồi nói thêm: Chả đúng mà đẻ được bốn, năm đứa con, đứa nào cũng trùng trục như phỗng cả.
Chỉ được cái huếnh ! Chị Dỏ lườm dứ khẽ ngón tay vào gáy anh Dỏ. Cả nhà lại cười phá lên. Cái mảng rùng rình sóng vỗ vào óc ách. Ở trên bờ, Mẹ con Mưa đang dắt tay nhau đi xuống. Thấy cỗ bàn, cả nhà vui vẻ. Mưa bảo:
- Thấy cỗ to, chả mời mẹ con Mưa cũng đến. Xin được đóng góp chút lòng thành mừng cho công trình, mừng cho tình huynh đệ của cả nhà. Vừa nói Mưa vừa đặt nải chuối, cái phong bì lên án. Anh Dỏ đốt hương vái ba lễ. Mẹ con Mưa cũng vái theo.
Nghi lễ đang trang trọng thì có tiếng động cơ o o, ình ịch. Anh Dỏ nhìn ra, một chiếc xuồng máy đang từ phía ghềnh Vại rẽ nước lao thẳng về phía cái mảng. Đến chỗ dòng nước hai, cái xuồng máy quay một vòng tròn rồi cắm mũi vào cái mảng. Trên xuồng là Phó chủ tịch Lại, hai người công an viên phụ trách an ninh trật tự của xã và một anh cán bộ phụ trách văn hoá xã hội. Lại nhìn vào cái mảng mặt lạnh như sắt nguội. Nghiệp lóng ngóng chân tay run nảy lên. Anh co người ngồi nép vào tận góc cái mảng. Cảm giác hơn mười năm từ cái buổi công an giải anh ở trong kho phân đạm ra nhà thờ họ Trịnh lại hiện về. Nghiệp bo chặt hai tay vào gối. Anh Dỏ vẫn lặng lẽ làm lễ. Anh trang trọng đốt ba nén nhang nữa lên án thờ, cúi đầu vái một lễ rồi quay ra. Đôi mắt anh trợn tròn dội vào cái xuồng máy:
- Tưởng ai, hoá ra là ông Phó chủ tịch xã. Có việc gì?
- Chúng tôi đang thi hành công vụ. Lại nói như phát lệnh.
- Vụ gì? Hay vẫn cái trò như việc khám xét ở hàng cô Mưa?
- Không khám xét gì nhưng đề nghị dẹp ngay cái trò mê tín dị đoan này đi. Cả làng xã đang học tập Nghị quyết Trung Ương 5 xây dựng đời sống văn hoá mới mà các anh lại cúng bái ở giữa sông này à. Ai bày cho các anh làm?
- Anh Dỏ này bày chứ còn ai! Anh Dỏ này hỏi nhá, Có cái nghị quyết gì mà cấm cúng ông bà tổ tiên không? Vừa nói anh Dỏ vừa rút cái sào nứa cắm phịch xuống lòng sông. Mắt anh như cục lửa dội vào cái xuồng máy. Anh cán bộ phụ trách văn hoá xã hội chột dạ khẽ thò tay bấm vào vai Lại. Lại quay ngoặt vòng tay lái. Mũi cái xuồng chồm hẳn lên. Cái mảng nứa rùng rình. Dỏ nhao người theo cái sào nứa, suýt thì ngã tùm xuống sông.
- Chơi thật à? Dỏ trật ngực chống nẹ thách thức.
- Không chơi bời gì, yêu cầu dẹp ngay hương khói. Lại ra lệnh.
- Thế ngày giỗ bố các anh có người đến dẹp hương khói thì có được không? Văn hoá gì kiểu ấy! Quân vô loài biết điều thì bước không có anh Dỏ dìm xuống vụng làm mồi cho cá đấy.
- A ! Dám thách thức người chức trách à ?
- Chức với trách gì. Đừng mượn quyền hành lấy thịt đè người nhá. Anh Dỏ làm nghề lấy lòng thành của mình tế thần linh sông nước, tưởng nhớ hương hồn bà Lâm để kết nghĩa với thằng Nghiệp cùng làm ăn. Các ông đừng quy kết, đừng dài dòng văn tự anh Dỏ điên lên lành làm gáo vỡ làm muôi đấy.
- Anh dám cãi lại người có chức sắc, to gan nhể. Lập biên bản dỡ toàn bộ cái mảng này về trụ sở.
- Gớm các ông tưởng làm thế dễ à. Cái thời ăn cướp trâu bò của anh Nghiệp qua rồi nhá. Cả cơ nghiệp nhà tôi đấy. Chị Dỏ ra miệng.
- Trên bờ lố nhố dân xóm kéo ra. Lão Tòng đi đầu có cả anh Tâm cùng mấy ông beo béo, trăng trắng. Thấy dưới mảng lộn xộn, linh tính rất nhậy lão Tòng sốt sắng:
- Báo cáo anh việc phát triển kinh tế nghành nghề ở làng Lộc bây giờ đang mở ra nhưng vẫn còn mạnh ai người ấy làm chưa được quy củ lắm. Đồng chí Tâm thì mạnh cái mặt đưa cây lên đất trống đồi trọc. Cô Mưa thì kinh doanh dịch vụ, những việc đó đã có hiệu quả còn nuôi cá lồng ở dưới sông cũng mới chỉ nghe, bây giờ đồng chí về bọn em cũng mới vỡ ra đây. Đó, đường sá xuống bến cũng còn khó thế này. Lão phò phỉnh.
Biết có chuyện, Lại vòng tay lái. Chiếc xuồng máy lao vút ra giữa sông cứ thế vọt nguợc phía ghềnh Vại. Anh Dỏ đứng ngẩn , hai đốm lửa trong mắt vẫn đỏ đọc. Giọng lão Tòng từ trên bờ vọi xuống sang sảng :
- Anh Dỏ ơi, việc nuôi cá trong cũi thế mà vang lên tận huyện rồi đấy. Đồng chí Bí thư huyện ủy bận trăm công nghìn việc mà vẫn cất công về tận nơi để được tai nghe, mắt thấy. Nào kéo cái mảng vào gần một tý. Sao cứ đứng đừ như cây cột ấy hay là thiếu cái nước trong cút ! Vừa nói lão vừa kéo sợi dây neo. Nhìn bộ mặt lão anh Dỏ biết lão đang diễn kịch, giọng anh giá ngắt :
- Các ông thích thì xuống mà xem. Nghiệp ôi ! gọi cá lên đi. Nghiệp lo so đẩy mảng sát vào cửa hang, anh thò tay búng vào cái ống bương ba búng. Mặt nuớc bỗng rùng rình những con trắm từ dưới đáy cũi ngoi lên. Nghiệp ném bó cỏ, đàn cá cùng dâu đâù vào rứt. Chỉ trong nháy mắt bó cỏ chìm nghỉm. Bến sông dịu mát hẳn đi, hai hòn lửa trong mắt anh Dỏ cũng nguội tắt. Anh bảo:
- Chú Nghiệp nó hiểu được tính nết của cá đấy. Thế mới tài chứ. Đừng tưởng nó có án là xấu mãi. Làng Lộc ối thằng còn xấu hơn nó đấy.
- Hay, hay…giọng ông Thường át đi. Nhìn thằng Nghiệp lòng ông tự nhiên như có muối xát. Lẽ ra bây giờ nó phải là kỹ sư, bác sỹ.Việc này ông biết, cả cái án đi tù 5 năm ông cũng biết! Nhưng tại sao ông không đứng ra cứu nó? Bà Lâm cũng chết rồi! ông Thệ cũng chết rồi! Từng khúc ruột trong lòng ông đau thắt. Ông đảo mắt nhìn thằng Nghiệp từ đầu đến chân rồi ân cần:
Làng xã bây giờ người đông đất chật. Chỉ trông vào việc nuôi trồng thuần tuý không những chả giàu được mà còn thiếu ăn. Việc phát triển mở rộng các nghành nghề như nuôi cá lồng là đúng hướng, đây là một sáng kiến tốt. Huyện biểu dương và sẽ có phương án giúp đỡ. Phải xây dựng trên dòng sông quê một cái làng cá thật sầm uất. Anh Nghiệp, anh Dỏ phải là lá cờ dẫn đầu phong trào nhá. Ông nhấn mạnh và cười rất vang. Ông hy vọng dòng sông sẽ ôm ấp cho cái làng cá của ông sinh nở. Từ cái làng này thằng Nghiệp sẽ hồi sinh và làm lại được cuộc đời. Và như thế những xót xa, ân hận trong lòng ông sẽ dịu đi dần mỗi khi phải nhớ lại chuyện cũ! Ông thẫn người nhìn mọi ngươì, nhìn dòng sông rồi ngước mắt nhìn lên cái án thờ. Thấy hương khói đang cháy và cỗ bàn nghiêm túc, ông biết việc gì đó đang diễn ra ở cái mảng ngày hôm nay. Ông lặng lẽ mở cặp lấy ra một trăm ngàn đồng. Ông trịnh trọng đặt lên án thờ cúi đầu vái ba lễ. Cả nhà anh Dỏ cùng quỳ phục vái theo. Bốn bề bến nước bỗng ngập lên gió mát. Trong hang đá, từ dưới đáy những chiếc cũi đàn cá lại rùng rình nổi lên đớp cỏ ũng oãng !…
***
Lão Tòng vừa mở cửa phòng làm việc, lão chưa kịp đặt cái cặp lên bàn thì chị Cồi, anh Cút lù lù bước vào. Không đợi lão hỏi, chị Cồi lên tiếng :
- Dạ ! Báo cáo bác, bác ký cho cháu một chữ chứng nhận vào cái đơn để cháu lên ngân hàng vay tiền !
- Dạ ! Cháu cũng thế ạ ! Anh Cút nói theo !
- Dắt díu nhau đông thế, ngân hàng lấy đâu ra tiền cho đủ. Mà các anh, các chị vay tiền để làm gì, vay để ăn đói ai người ta giải quyết !
- Dạ không ! bọn cháu nuôi cá cũi ạ. Có dự án anh Tâm giúp đỡ hẳn hoi không sợ quỵt đâu ạ !
Lão Tòng chừng mắt nhưng chợt nhớ lời ông Thường bí thư huyện ủy ở cái mảng nứa của thằng Nghiệp rồ hôm nọ, lão không nói gì và lặng lẽ rút bút ký. Chị Cồi, anh Cút vội gấp giấy chào lão rồi cui cúi đi thẳng.
Lão đảo mắt nhìn theo, cái ghế lão đang ngồi ọt ẹt xem chừng có chiều rệu rã. Đầu lão tê tê, buốt buốt, lão nghiến răng : Mọi sự cũng tại lũ súc sinh kia. Lão tần ngàn mở tủ lôi ra tập giấy tờ, tự nhiên mặt lão biến sắc. Lão vội sập chốt khoá nhảy lên xe cứ thế thẳng con đê lão phóng. Đến ngã ba dốc Chùa lão định rẽ về nhà nhưng nhìn con đường từ trong ngã ba dốc Bồng ra, dân làng Lộc đang kìn kìn xe cộ trở tre, trở nứa ra bờ sông. Lão vòng tay lái rú ga thẳng đường lên Kim Sơn. Lão tính phải đến ngân hàng cụm gặp anh Mánh ngay. Gặp anh Mánh ! Hay, thật là hay đúng là cái khó, ló cái khôn thật. Thế mà bây giờ mới nghĩ ra. Chỉ cần nói một câu với anh đố lũ dân làng Lộc moi được tiền của ngân hàng. Lão tâm đắc một mình và vặn ga cho con xe tăng tốc. Đến cửa Ngân hàng cụm lão chột dạ khi thấy trong phòng làm việc của anh Mánh lại là một cô gái trẻ tươi, cô gái có gương mặt rộn ràng nhưng nhìn kỹ lại gặp những nét nghiêm trang đầy nguyên tắc. Lão thận trọng :
- Cô cho hỏi anh Mánh hôm nay có nhà không ?
- Dạ thưa bác anh Mánh đi huyện ạ.
- Bao giờ anh Mánh về ?
- Dạ anh Mánh đi hẳn trên huyện.
- Thuyên chuyển à ?
- Dạ không cấp trên gọi anh Mánh về làm kiểm điểm.
- Tội gì thế ?
- Cũng chưa cụ thể vì anh Mánh vướng nhiều chuyện trong đó có việc dùng tiền của Ngân Hàng cho vay lấy lãi suất cao lại không đúng vào đối tượng được đầu tư ạ .
Lão tròn mắt nhìn cô gái rồi tặc lưỡi
- Thôi chết ! Lão quay đầu đi thẳng, ruột gan lão rối lộn, mất anh Mánh dân làng Lộc sẽ vay được tiền. Có tiền làng cá sẽ mọc lên. Cánh dân đen và cả ông Thường nữa sẽ càng tin vào thằng Tâm và như vậy kiểu gì phe cánh nhà lão cũng lộ mặt. Như vậy, ắt sẽ có chuyện biến. Mà khi đã có chuyện biến thì không những chỉ lão phải mất cái ghế chủ tịch mà cả phe cánh của lão đều phải về vườn. Hai cục lửa trong mắt lão lại đỏ lên đòng đọc. Lão nghiến răng : bằng cách nào cũng phải triệt phá không để bọn súc sinh bành trướng việc nuôi cá ở bến Gáy. Việc nuôi cá ở bến Gáy mà Thịnh là phe cánh dòng họ nhà lão sẽ suy. Phải bí mật triệt phá, lão nhớ lại một thời lão từng làm nghề kéo sò, kéo lưới. Những kinh nghiệm lùng sục, thậm chí cả cách duốc cá thế nào cho thật hiệu quả lão vẫn còn nguyên kinh nghiệm. Thế mới khoái chứ đời người phàm biết được nghề gì đều hữu ích cả. Cái nghiệp duốc cá lão học được quả vẫn không thừa. Lão phởn chí văn ga cho con xe tăng tốc độ. Đến gần dốc Chùa lão đảo nhìn xuống phía hòn đá Gáy, đám dân làng Lộc vẫn kìn kìn kéo tre, kéo nứa quấn bè, đóng mảng. Trong hai đồng tử mắt lão tự nhiên buốt nhói như có gai nhọn đâm vào. Lão vòng tay lái rẽ thẳng vào cái ngõ ken dày hai hàng cây ô rô. Thấy lão về cái Sứt hất hải ra mở cổng, cánh cổng mở ra cái Sứt đứng né một bên cửa cho lão đẩy xe vào. Nhìn hai cái răng trắng hởn của nó chìa ra chỗ môi sứt, không biết nó cười hay nó khóc. Lão đứng ngẩn, thằng Ất cũng lệch kệch từ trên gác chống nạng xuống. Nó móc túi đưa cho lão cái phong bao. Lão vội bóc xem. Chết thật cái biên bản họp ban chấp hành thu hẹp ngày nọ. Lão tròn mắt hỏi Ất :
- Ở đâu ra.
- Cô bưu điện đưa đến.
- Thế có chết không. Đúng là con Ló nó thoáy được rồi. Việc này coi cánh nhà Tâm đã biết. Thôi, không ăn được thì đạp đổ. Sợ gì, lão tần ngần nhìn Ất, nhìn cái Sứt, ruột lão đứt ra từng đoạn. Lão thương thằng Ất vì nghe lão mà nó phải lấy cái Sứt, phải gẫy một dóng chân. Ăn nằm với cái Sứt có khác gì ăn nằm với quỉ ! Lão rợn người khi hình dung ra con giai lão phải nhìn hai cái răng trắng hởn của vợ nó chìa ra. Khiếp quá, giả rơi vào tay lão, lão còn phải bỏ chạy. Đằng này nó lại … Quả thằng Ất dám tử vì đạo thật. Nó dám tử vì đạo mà lão không dựng được nó vào ngôi vị trong làng xã thì chết lão cũng không nhắm được mắt vả còn cái bầu vợ nó đang đeo kia không biết nó là người hay là ngợm. Tóc gáy lão rợn ngược, lão vội bật nắp chai rượu tu ừng ực, lão ngả lưng, hai tay ghì vào tràng kỷ mà tóc gáy lão vẫn dựng ngược. Lão lại vớ cái chai định tu một chầu nữa thì Lưỡng lù lù bước vào. Thấy lão đang bất yên, Lưỡng lựa lời :
- Chú đừng dùng rượu nữa, trong tình hình này phải tỉnh táo mới được. Lúc chiều chú đi vắng dân họ đổ đến trình đơn để vay tiền nuôi cá lồng với cánh thằng Nghiệp ở ngoài sông. Cháu cho chủ trương giải quyết cả.
- Giải quyết là tự sát rồi ! Lão thở dài. Cái làng cá mà nổi lên ở bến Gáy thì uy tín của thằng Tâm cũng nổi. Chúng mày còn đâu chỗ ngồi. Mắt lão đảo ngược. Lường im lặng nhìn lão rồi xoay sở, lựa lời nói tiếp :
- Để giữ lấy một chỗ ngồi mình cũng phải lựa. Chủ trương giải quyết cho họ tiền là được lòng số đông. Cháu nghĩ mình còn phải mạnh dạn trích quĩ của xã ra ủng hộ việc này. Cánh dân đen mà cho lợi một tý là nó tít mắt lại. Như thế mình vừa không mất hết uy tín với chúng mà còn có cớ để bàn bạc được với cánh nhà Tâm. Làm như vậy giả bầu bán Tâm thắng thế thì hắn vẫn phải nhường ghế cho mình. Tâm muốn tập hợp, đoàn kết mà. Khi đã tạo được cáivỏ đoàn kết bề ngoài ta còn chỗ, còn xoay sở được.
- Giỏi ! Giỏi lão Tòng cười sằng sặc rồi rót rượu mời Lường. Họ cụm chén và câu chuyện kéo dài mãi vào đêm. Khi Lường về lão theo chân ra cửa, đèn đóm ở ngoài bến Gáy vẫn sáng rực. Lòng ruột lão sôi lên. Lão nghiến răng và chợt nhớ ra bao thuốc sâu ở gầm cầu thang. Lão tặc lưỡi : - mẹ lũ súc sinh đừng vội hớn hở nhá. Lão sập cửa lùi lũi vác bao thuốc sâu lần ra phía ghềnh Vại. Đến đầu cống Đõ, nhìn những cái mảng lềnh bềnh giữa sông lão lắc đầu : Phải dùng cách khác. Bọn chúng kéo mảng ra giữa sông đánh ruốc, thả thuốc sâu chả có nghĩa gì. Lão lẩm bẩm,chợt nhớ ra đồi lá sắn ở gò Chùa. Đúng rồi chúng nuôi cá bằng lá sắn. Sương đêm đậm thế này ta tung bao thuốc sâu này lên đồi lá sắn, chúng nó sẽ tha hồ vớt cá. Lão cười sằng sặc một mình rồi lầm lũi khoác bao thuốc sâu tắt qua bãi Lở chỗ khu ruộng ao đình vượt sang đồi Chùa. Đến chỗ gò Quả khắp người lão lạnh toát, hai bàn chân lão như bị lụt sâu xuống đất, mắt lão nhòe nhoẹt khi nhìn thấy trên nấm mộ mẹ thằng Nghiệp những vòng hoa đỏ chói. Lão quẳng bao thuốc sâu gồng mình co cẳng chạy. Cứ thế, lão chạy thục mạng, gáy lão lạnh toát khi thấy những vòng hoa đỏ chói cứ lăn theo. Lão định gào lên nhưng sợ dân chúng vã đến. Lão lại thục mạng chạy, đến chỗ con đường cụt ở bãi Lũng tự nhiên mắt lão tối sầm, một bên chân buốt lạnh lão ngã vập mặt xuống đất. Con rắn hổ mang trâu quấn tròn ngang người lão. Lão rãy rụa, con rắn tuồn đi, lão tút cái thắt lưng quần thút chặt vào bắp đùi ở trên vết con rắn vừa mổ vào rồi bò đi. Lão vừa bò,vừa rạch, vừa rên. Gần rạng sáng thì lão rạch về đến nhà. Con chó xồm hực lên, cái Sứt choàng dậy. Nghe có tiếng người rên hư hử. Cái Sứt rón chân ra mở cửa. Giọng nó hét lên u ú như con diều hâu dứt lưỡi. Khi nhìn thấy lão nằm vật ở thềm hè. Đám con cháu ùa đến, cánh Lưỡng, Lại, Luồn, Lọt bê lão vào giường. Giọng lão thở ra :
- Con hổ mang ở bãi Lũng nó ! …
- Khổ chú mò mẫm đi đâu. Bọn Lường sụt sịt trong nước mắt.Họ xúm vào rửa ráy thay áo quần cho lão. Lường bảo :
- Phải đưa chú đi viện gấp.
- Nọc rắn độc, dóng chân tím ngắt máu, đi viện họ chỉ có cách cắt bỏ, Lại thở ra.
- Cốt là sống ! Lọt giục võng cáng lấy ra đi. Luồn lắc đầu : - Đến được bệnh viện thì còn gì ! Ông Tĩnh giỏi thuốc rắn cắn lắm !…
- Ừ nhỉ ! Mọi người ngẩn nhìn nhau, hiểu ý cánh đàn anh, cái Sứt thui thủi chạy đi ngay.
Một lát sau ông Tĩnh lọ mọ đến. Đám con cháu của lão Tòng xúm lại nhưng đứa nào cũng lúng búng như ngậm hột thị. Lão Tòng nằm thượt trên giường thỉnh thoảng cái thân hình lực lưỡng của lão lại vặn lên như cái vỏ đỗ, miệng lão vẫn rên hừ hự. Ông Tĩnh nhẹ nhàng vén vết thương xem. Thấy máu tín đã có nhiều tia vằn lên phía bụng, ông cẩn thận dùng thuật gia truyền nặn bóp cho máu toát ra chỗ vết thương. Ông càng bóp,máu càng vằn lên, mọi cố gắng của ông đều vô nghiệm. Toàn thân lão Tòng vẫn từng cơn vặn cong như cái vỏ đỗ. Ông đành dùng bài thuốc tối ưu nhất. Thuốc pha chế xong, ông nhẹ tay nâng đầu lão Tòng dậy. Lão Tòng nhìn ông mồm cố ngoác ra, ông Tĩnh nhẹ đổ chén thuốc vào, nhưng lạ thuốc không trôi xuống được mà cứ chớ ra. Ông Tĩnh vẫn nhẹ tay đỡ chén thuốc như động viên lão Tòng gắng sức mà uống. Lão Tòng đảo mắt nhìn, hai bàn tay lão cố ngoi ra nắm lấy tay ông Tĩnh. Nhưng không kịp nữa rồi, toàn thân lão tự nhiên vồng lên cong như cái vỏ đỗ, lão rãy rụa rồi thở ra hồng hộc. Ông Tĩnh lắc đầu. Đám con cháu gào lên nức nở, mắt lão vẫn mở trừng trừng. Thằng Ất ngã vật xuống nền nhà, anh Lường nhẹ tay vuốt lên hai tròng mắt lão. Lạ, đôi mắt không khép lại mà cứ trợn trừng nhìn. Đám con cháu nháo nhác, có đứa chạy phộc ra sân ngã sứt sát cả đầu gối. Ông tĩnh lặng lẽ đến gần, ông vuốt nhẹ bàn tay lên mặt lão, đôi mắt từ từ khép lại. Ông Tĩnh thở dài :
- Các anh chị lo hậu sự cho ông ấy đi và ông nhẹ nhàng phủ tờ giấy trắng lên mặt lão Tòng. Đám con cháu đang nhớn nhác tự nhiên đứa nào đứa ấy nước mắt ráo hoảnh. Họ tụm lại một góc bàn bạc. Anh Lườngbảo :
- Về phía gia đình tôi là con bác, trưởng họ, ngoài xã hội tôi là bí thư Đảng ủy,về nghi thức tôi cùng chú Lại, chú Luồn, chú Lọt… Chịu trách nhiệm phần đối ngoại. Chú Ất là con trai đích tôn nên mọi chi phí chú thím đóng vai chính.
- Đúng rồi, nói như anhLường thì không phải bàn nữa. Nhưng lúc bố tôi sống bổng lộc các anh hưởng cả ? Cũng phải bổ bán công bằng chứ !
- Chú bảo chúng tôi hưởng cái gì ? Nhà cao, cửa rộng ông cụ xây cho chú thím cả, chúng tôi được cái gì ?
- Các anh đừng lỏi ? Thế cái chức bí thư, phó chủ tịch, Thường trực Đảng uỷ các anh đang ngồi thì ai xây ?
- Đấy là Đảng cử, dân bầu !
- Đảng nào, dân nào, các anh hỏi cả làng Lộc xem. Ất gân cổ, bĩu môi.
- Đến lúc này mà còn cãi nhau à ? Tôi cắn lưỡi chết cho các anh trôn một thể ! Bà Tòng than thở. Đám con cháu tròn mắt. Công việc tang lễ cứ âm thầm triển khai.
Ban tang lễ bắt tay vào việc. Tờ công báo bằng giấy đỏ, chữ trắng ghi rõ họ tên ngày sinh, ngày tử, giờ khâm niệm, phúng viếng, giờ cử hành dán lồ lộ ngày trước cổng tò vò.
Thầy cúng, thợ kèn rước đến. Mọi thủ tục không bỏ sót việc gì. Giờ phát tang trống chầu động lên ba hồi chín tiếng. Trên chiếc loa kích lên tận ngọn cây cau bắt đầu rên réo bài khóc nao ruột của thợ kèn. Làng xã lục đục kéo đến, trong nhà, ngoài sân mỗi lúc nêm núc thêm người. Không vắng mặt ai. Người đến vì quan hệ, vì ơn oán,có người đến xem, đa số người đến vì cái lẽ "nghĩa tử là nghĩa tận". Phúng viếng kéo dài suốt ngày, thâu đêm. Trúng phỏm cánh thợ kèn càng dở dòng lê thê bài bản. Anh nào anh ấy mồ hôi vễ vã. Thằng Ất đứng ở đầu linh cữu, cái chân mới bóc bột mỏi qúa có lúc ngồi thụp xuống cứ trố mắt nhìn ra quên mẹ cả việc đáp lễ.
Ngày hôm sau, sắp đến giờ cử hành thì đoàn khách ở trên huyện về. Đi đầu là ông Thường Bí thư huyện ủy, theo sau là mấy ông, mấy bà beo béo, trăng trắng. Đoàn tần ngần, chậm chạp bước một đi vào. Đến gần cái cổng tò vò một anh cán bộ người nho nhỏ cầm chướng lẻn lên trước. Dân chúng lao xao, nghiêng ngó, bỗng anh Lường, anh Lọt, anh Lại… từ trong quan cữu ùa ra, giọng nức nở:
" ới các bác ơi,các bác về đến nơi thì chú Tòng cháu đã mất rồi ! Chú cháu ở hiền gặp lành mà ra đi đột ngột quá, con cháu chả đứa nào kịp hầu chén nước lưng cơm ! ới các bác ơi ! Từ nay chúng cháu chả còn có người cha, người chú nữa để mà nương tựa, để mà thương mà nhớ !… ới các bác ơi !…"
Tiếng khóc bám quanh ông Thường mỗi lúc một rầu rĩ, nức nở. Dân xã người thấp vịn vào vai người cao ngớn nhìn. Ông Thường và đám ngưới toát mồ hôi. Ông cúi mặt tưng bước chậm đi vào linh cữu. Đến gần bậc cửa thẳng gian nhà đặt linh cữu thì một giọng nói vang lên sang sảng :
- Mọi người rãn ra !Xin kính mời bác Thường cùng tất cả các đồng chí đảng viên vào trước linh cữu để vĩnh biệt đồng chí Phạm Tòng lần cuối cùng !…
- Chết, chết. Một giọng nói quen thuộc cũng cất lên không kém phần nghiêm trọng. Bà con mình tản ra nhanh, việc này quan trọng lắm, không đùa được đâu. Ông Thông bồng vừa nói vừa giang hai tay làm lệnh đám đông len lét tản ra. Cánh đô tỳ lơ láo rồi cũng lẩn. Họ kéo nhau vã ra quán cô Mưa, lên các bụi cây ngồi chờ.
Ông Thường tái mặt, ông biết việc gì sẽ xẩy ra sau đó. Ông nghẹn ngào cắm nén nhang vái ba lễ rồi lạnh lùng bước ra. Đám con cháu lại rãy rụa khóc rống lên:
"ới các bác ơi là các bác ơi ! các bác về đến nơi ! …
Tiếng khóc lặng đi thì bài bản của thợ kèn đế vào rền rĩ, nao ruột
Đúng tám giờ thì cử hành. Trống chầu nổi lên ba hồi chín tiếng lại chín tiếng ba hồi. Tang lễ lạnh lùng càng lạnh ngắt. Quanh linh cữu lố nhố toàn người đội khăn trắng. Ngoài sân lơ ngơ mấy ông đảng viên làng Lộc đi ra, đi vào. Trốnglại nổi rền ba hồi chín tiếng, chín tiếng ba hồi vẫn không thấy một bóng người. Ông Thường đứng ngẩn, ông đang định nói điều gì thì anh Tâm nhấc ống my cơ rô giọng ngậm ngùi :
" Đã đến giờ cử hành đưa ông Tòng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà con làng Lộc ta tối lửa tắt đèn có nhau. Cái lẽ nghĩa tử là nghĩa tận !…"
Giọng anh Tâm vừa dứt, ba hồi chín tiếng trống đế vào theo. Từ các bụi cây đám đô tỳ lốc nhốc đi xuống, dân chúng cũng lục đục trở lại. Người cầm phách đánh chéo hai cái đũa cái lấy nhịp, giọng đĩnh đạc :
" Một tiếng bỏ đi, hai tiếng mó tay vào … " cánh đô tỳ dô ta. Linh cữu từ từ chuyển động. Đám con cháu rãy rụa, nháo nhác ra khỏi cổng cái linh cữu cứ cừn cừn di động. Đám con cháu phải co cẳng chạy mới kịp. Khoảng nửa giờ thì đến huyệt. Dân làng Lộc lầm lũi đắp to nấm đất cho lão rồi lẳng lặng ra về. Ông Thông Bồng vỗ vai thằng Ất, giọng ngán ngẩm : - ổn rồi ? "may không có thằng nào đóng cọc vào mả ông nhà "… lúc ấy vào hồi sấp sỉ giờ ngọ ngày 3 tháng 6 năm Mậu Thìn
(Còn nữa)
Giỏ và Ló trong phim truyền hình cùng tên
Ló đi một mạch đến nhà lão Tòng. Nhìn thấy Ló, lão Tòng vội gỡ cái kính khỏi mắt đứng dậy, trên cái bàn vẫn còn bày đầy giấy tờ, sổ sách, có lẽ lão đang lần tìm, tính toán một việc gì rất quan trọng. Lão hất hàm hỏi Ló :
- Thế nào ? Có tin gì khác trước ?
- Dạ ! Nhà họ không bàn gì thêm nữa. Cô Mưa cô ý còn loa loa khắp xóm : Cái thai trong bụng là cả gia tài của cô ý đấy. Khiếp chưa bác ! Ló nheo mắt nhìn xuôi.
- Thế thì rách việc rồi. Lão Tòng nhăn mặt vơ nắm giấy tờ hỗn lộn nhét vào ngăn tủ. Lão thọc tay túi áo lững thững đi vào buồng trong. Ló ngồi trơ một mình ở cái tràng kỷ , cô đảo mắt nhìn khắp gian nhà chợt Ló nhìn thấy tờ giấy phê đúp to nhì nhằng đầy chữ ở dưới gầm bàn. Ló lén nhặt gấp lại nhét vào vành quần rồi lại ngồi trơ giữa tràng kỷ. Lão Tòng từ buồng trong bước ra, lão nhe hai hàm răng trắng nhởn vừa cười, vừa nói và lão lại dúi vào tay Ló tờ giấy bạc xanh biếc.
- Cầm lấy, bác giao cho Ló việc này nữa, hoàn thành được phần thưởng sẽ to gấp đôi. Ló trố mắt nhìn, lão lại cười hì hì : cầm lấy, gái có công chồng không phụ. Ló ngần ngừ rồi xoè tay vo tờ giấy bạc dắt vào vành quần, Ló hỏi :
- Thế bác còn giao việc gì nữa ?
- Việc này đơn giản thôi. Lão đảo mắt nhìn Ló giọng ôn tồn : bác biết việc này cháu làm đuợc. Theo cháu nói thì cái Mưa nó không đi nạo thai nữa. Nghĩa là nó để đẻ. Nó mà đẻ ra việc này rất phức tạp, có rắc rối đến cậu Ất nhà bác. Cháu phải hết lòng giúp bác nhá.
- Làm nào cháu giúp được ?
- Thế này, làng mình ai Ló cũng gần gũi, thân tình. Ló đến nhà ai mà họ chả qúi, chả mến. Việc này rất thuận, Ló ngồi với cái Mưa tâm tình có khó gì đâu. Con gái khi có bầu nó thích tình cảm ,hoàn cảnh của nó lại éo le, cả nhà hắt hủi. Trong lúc cô độc như vậy, có người gần gũi là nó dãi bày hết. Ló cứ lừa lúc nào nó ngồi một mình, Ló đến thỏ thẻ tâm sự, chia sẻ, cảm thông hoàn cảnh của nó với mình khi nó bắt chuyện thì ? …
- Thì sao bác ?
- Thì thế này, lão Tòng móc túi ra hai cái gói nhỏ. Một gói màu xanh, một gói màu đỏ. Giọng lão thì thào : Quả ô mai đấy. Ngồi gần nó, Ló cứ bóc ra ăn, của chua, gái có bầu nhìn thấy ! … Lúc ấy Ló sẽ đưa cho nó cái gói màu xanh, Ló ăn cái gói màu đỏ.
- Sao phải thế ?
- Thế với thú cái gì, mày ngốc lắm. Lão rủa yêu. Cái gói giấy màu xanh đã được tẩm thuốc ra thai vào. Nó ăn hết là đẻ non ngay. Mà khi nó đã đẻ non là mọi việc tươm tất, không phiền toái gì cho ai nữa.
- Thế nhưng cô ấy mà đẻ ngay ra, cháu mang tội à ?
- Khổ ! phải ngày hôm sau nó mới đẻ. Người ta đã tính toán rồi.
- Khiếp ! Nhưng mà bác đã sai bảo, cháu không dám chối.
- Tốt ! Lão Tòng khen rồi bảo : Cháu về cứ thế mà làm. Ló cầm hai gói ô mai định đứng dậy, nghĩ thế nào Ló lại nói :
- Nhưng cái bầu ấy là con của cậu Ất ! giọt máu của gia đình sao bác lại giết đi ?
- Khổ lắm, giọt máu với giọt mũi gì. Nó là cái quái, bác không muốn nó lộn về nhà này. Cháu cứ thế mà làm không bàn nữa.
- Nhưng nếu bác gái mà biết ?
- Gái với giai gì, bà ấy đang nằm trên bệnh viện.
- Bác ấy làm sao ạ ?
- Mày chưa biết à ! bà ấy ngã vào bếp lợt hết mặt mũi.
- Thế mà bác vẫn ngồi đây ?
- Đã có thằng Lọt, chị Yên ở bệnh viện rồi mà nhỡ bà ấy có chết thì cũng thôi, bận cái gì. Việc lớn bác đang phải tối mặt lại là lo cho cái nhân sự đại hội Đảng bộ xã lần 22 sắp tới. Không cẩn thận phơi áo cả lũ chứ chả đùa. Việc cứ thế mà làm, đừng hỏi nhiều nữa. Bác còn làm việc, Ló còn có cái bóng mà dựa. Thôi về đi lão lại móc túi lôi tờ giấy bạc dúi vào tay Ló. Ló vo tờ giấy bạc dắt vào vành quần quay đầu đi một mạch.
Ra khỏi cái cổng ken dày hai hàng cây ô rô, con đê làng phơi trần nổi giữa hai vệt xanh rờn ngô lúa. Người làng Lộc từng tốp cặm cụi làm ăn. Họ ân cần với thân ngô, khóm lúa. Ló thấy trong lòng có cái gì nao nao, chua xót. Ló nhớ cái trại chăn nuôi. Ngày ấy Ló cũng là một cô gái cần mẫn hiền hậu, nguời làng Lộc ai cũng cảm, cũng thương thế mà Ló đã để mất ! Ló không còn phải là người làng Lộc nữa. Người làng Lộc coi Ló như con hủi, Ló chua xót nhận được điều này. Ló ân hận và căm phẫn kẻ đã làm nát tan đời Ló. Trong đầu Ló lại chập chờn những lời xui bẩy của lão Tòng. Ló rợn người khi nhận ra sự nhẫn tâm, tàn ác của lão. Ló thù hận lão, thù hận dòng tộc nhà họ Phạm. Ló muốn gào lên, bới mồ, bới mả họ hàng, hang hốc nhà nó nhưng cổ Ló cứ nghẹn lại. Ló thắc mắc, Ló thấy lạ, thấy ông trời thật là vô lý tai sao lại sinh ra con người độc ác như lão mà lại xếp vào cái chỗ quyền hành trong làng xã. Là ông trời mà có lúc mắt cũng mờ nhỉ ? Ló thắc mắc và sực nhớ những chuyện Ló đã hứa với anh Tâm. Ló đã thề với anh Tâm phấn đấu làm lại cuộc đời. Ló lần cạp quần lôi ra cái tờ giấy phê đúp to Ló vừa soáy được của lão Tòng. Mấy tờ giấy bạc, mấy gói ô mai cùng tuột ra. Ló gói cả vào tờ giấy, Ló quyết định đưa cho anh Tâm. Ló ngoái đầu nhìn cái cổng ken dày hai hàng cây ô rô, trong cái sân gạch, lão Tòng vẫn đứng nhìn theo, giả như không nhìn thấy lão, Ló vén quần, dạng chân đái một bè ở cái bậc cổng rồi cúi đầu đi thẳng. Lão Tòng đánh giọng èm èm rồi văng tục : Đồ con khỉ, đéo mẹ chúng nó.
***
Cái thai trong bụng càng lớn, Mưa càng bị lẻ loi, cô độc. Làng Lộc nhìn Mưa bằng con mắt tò mò, ghẻ lạnh. Người thân với gia đình ông Tĩnh thì dày vò, đau xót. Kẻ bấy nay muốn lấy Mưa làm con dâu bị Mưa từ chối thì cám ngưỡng. Cánh nhà lão Tòng thì vừa như mở cờ trong bụng, vừa phấp phỏng lo lắng cái hậu quả chưa rõ được Mưa tính kiểu gì. Bao nhiêu lời đàm tiếu cứ như vệt dầu loang khắp làng Lộc. Cứ nhìn thấy Mưa, đám trẻ chăn trâu lại đồng dao hát :
Cô kia có chồng chửa
Dạ thưa cụ cháu chưa có chồng
Chưa có chồng sao bụng cô to
Dạ thưa cụ cháu đi ngủ nhờ
Đi ngủ ngủ nhờ có mất tiền không ?
Dạ thưa cụ cháu không mất tiền
Không mất tiền cháu lại tiền tiêm !…
Đồng dao hát, rồi chúng lại cười rộ lên. Không biết bài hát đó có từ bao giờ, ai lôi ra cho chúng hát. Cứ chiều chiều dọc con đê làng Lộc khi đám trẻ cười rồ lên lòng dạ ông Tĩnh lại như có gai cào, dao cứa. Ông trở nên lạnh lùng xa lạ với mọi người, còn bà Tĩnh thì như người ngồi phải cọc, cứ thở ngắn, thở dài. Mưa càng bị dồn vào cái thế đơn độc. Ngày ngày, Mưa ra đồng làm quần quật về nhà đến bữa ăn úp mặt vào mâm không ai thèm của đến. Đến đâu Mưa cũng cảm thấy mình bị thừa ra. Mưa tủi lòng khi thấy cái bụng cứ mỗi ngày một phềnh lên. Trông cậy vào ai được, san sẻ cùng ai được ! Mưa rợn người khi nghĩ đến ngày sinh nở. Mưa chợt nhớ cái mảng nứa ở ngoài bến Gáy. Ở đấy, có một người rồ ngày đêm sống với tôm, với cá. Cuộc sống ấy chỉ có dòng sông và Mưa biết được. Lòng Mưa buồn dứt. Nhớ lại cái đêm Mưa được con người ấy lôi từ dưới sông lên, Mưa biết ở cái vùng bến Gáy ấy là một con người chứ không phải thằng Nghiệp rồ như người làng Lộc tưởng.
Chiều nay sau bữa cơm chiều Mưa lủi thủi ra chỗ gốc cây si ở đầu dốc Chùa gần chỗ cái mảng nứa. Mưa vừa ngồi tựa xuống gốc si thì dưới bến, Ló quảy gánh nước đi ngược. Thấy Mưa, Ló giật mình chân vập vào cái mô đất làm hai thùng nước sánh ra lênh láng. Ló đặt hai thùng nước xuống giọng đon đả :
- Cô Mưa ngồi đây làm gì ? Đến cơn dại thằng Nghiệp nó nhìn thấy thì khốn. Đi về nhà chị đi, vừa nói Ló vừa nắm tay Mưa đứng dậy, Mưa thui thủi bước theo. Đổ hai thùng nước vào vại, giọng Ló rối rít.
- Lở ơi. Thắp đèn lên, cô Mưa đến chơi. Cái Lở khêu to ngọn đèn nó tất tả kéo Mưa vào nhà. Cái Lở vui lắm vì bấy nay có mấy ai đến chơi nhà nó. Chuyện rộn dần lên. Ló bảo :
Từ ngày anh Tâm cho nhà Ló làm thuê, cho nuôi chia hai con bò. Bàn tay Ló lại quen với công việc rồi, Ló không đi vay chằng, không đi trộm vặt nữa đâu. Cô Mưa đừng sợ. Anh Tâm nhà cô Mưa tốt thật. Giá làng Lộc mình ai cũng như anh, Ló chả hư hỏng đâu, cái lở cũng không phải chịu kiếp là đứa con không bố ! Giọng Ló tự nhiên nghẹn lại, nước mắt chảy ra ròng ròng. Ló quệt ngang tay aó lên mặt, tròn mắt nhìn Mưa, Ló biết câu chuyện Ló vừa than thở là chạm vào nỗi cô độc của Mưa. Ló phân trần.
- Ló nói thật cô Mưa đừng giận, đừng nghĩ Ló lấy chuyện mình để ám chỉ cô Mưa. Mỗi người một phận mà. Ló chửa hoang là tại Ló dại, tại hoàn cảnh lúc bấy giờ. Ngày ấy, Ló ở một mình giữa cái nhà kho của traị chăn nuôi, buồn lại sợ vả lúc ấy Ló ngây thơ. Ló không biết được lòng dạ của người có quyền thế. Thời con gái của Ló giống như cái rơm, cái rạ bị cuốn vào cơn lốc. Ló nhắm mắt xuôi tay mặc kệ thân phận. Giời đày Ló xuống làng Lộc là phải thế ! Ló nghĩ chỉ có mình Ló, ai ngờ ! Ló thở dài : Mà khốn cái bầu trong bụng cô Mưa vẫn là máu mủ nhà lão Tòng, dòng dõi nhà họ Phạm cả. Yêu đương thế nào làng Lộc mình hết người đâu mà cô Mưa lại rây vào đấy ! Ló chép miệng ngán ngẩm.
- Yêu đương gì đâu chị ! Cái bầu em đang đeo đây là sản phẩm của sự buông thả, qúa chớn. Giọng Mưa cay đắng :
Bắt đầu cũng từ chuyện tò mò, chả là nhà ông Tòng có cái vi đi ô, băng hình lấy từ đâu về đám thanh niên nhầng nhầng thậm thụt đến xem. Mới đầu thì xem băng chưởng, sau đó ông Tòng mở cho xem băng tươi mát. Mới đầu tụi em còn xấu hổ cứ dụi đầu vào nhau cười khúc khích, sau phởn lên, đôi nào vào cặp ấy dắt nhau đi. Một lần, hai lần cứ bắt chước làm cái việc như trong phim, trong hình ấy. Khổ chả biết thế nào Mưa lại bị có bầu. Việc xảy ra, Mưa bàn với thằng Ất, nó phảy đi. Bí qúa, Mưa đến tâu thật với bố mẹ nó để cầu được sự bình ổn. Ai ngờ lão Tòng lại chỉ vào mặt Mưa : Đồ đĩ, đừng vu vạ, Lão ấy còn lấy thế ra đe doạ. Đã thế , Mưa sợ gì . Mưa cứ đẻ ra, đẻ cái giống thằng sở khanh ấy ra giữa làng Lộc xem thằng nào đày thằng nào.
- Đẻ ra thì khổ, đem bỏ thì tội ! Ló lại thở dài. Nhưng mà cô Mưa phải đẻ. Tôi đồng ý. Tôi biết kế nhà họ rồi. Cô Mưa mà đi bỏ cái thai ấy nhà họ sẽ vừa được ăn, vừa được nhổ mà cô còn bị thêm tội đấy. Họ bàn nhau, tôi nghe được thật mà. Tôi cũng nói cả chuyện này với anh Tâm rồi, anh ấy buồn lắm.
- Chị Ló chả nói Mưa cũng đoán được. Mưa không sợ mắc mưu nhà họ nhưng việc đẻ Mưa cứ đẻ. Mưa đẻ theo ý chí của Mưa vả đứa trẻ Mưa đang mang bầu nó có tội gì mà mình phải giết nó. Mưa đẻ nó còn vì trách nhiệm là người mẹ của nó sau này nữa. Biết rằng làm việc này Mưa sẽ khổ vì những định kiến hà khắc của gia đình, dòng họ nhất là bố Mưa. Mưa chấp nhận cái tiếng để được cái con. Được cái con mình trông vào nó vậy.
- Như mà cực lắm đấy Mưa ạ ! Ló ca thán, thở dài.
- Thì đàn bà có bao giờ sướng, nhất lại là con đàn bà cơ nhỡ như mình ! Mưa chép miệng, Câu chuyện của hai người thì thầm vào đêm. Từ ấy họ quan hệ với nhau như tình chị em.
***
Cái Mưa cứ vác cái bụng kềnh kễnh đi khắp làng. Sự bình thản của nó lại có sức mạnh như ngọn lửa thiêu tàn những kế tính đã bày sẵn của phe cánh lão Tòng. Lão phải cay đắng tính chuyện cưới vợ cho thằng Ất. Cuộc họp bất thường trong nội tộc nhà lão được triệu tập.
Khi các ông cha bà chú kéo đến đủ mặt, đủ mày lão tuyên bố lý do cuộc họp và nêu ra ba vấn đề chính.
Một là, đám cưới phải tổ chức ngay trong tháng sáu; hai là, cách thức tổ chức phải khác mọi đám cưới đã có ở trong làng; ba là, phải mời được các quan chức ở trên huyện.
Nêu rõ nội dung cuộc họp, lão xoài tay ra ghế tràng kỷ, mặt ngửa nhìn trời. Mọi người rì rào bàn tán :
Làm khác các đám cưới ở làng Lộc nghĩa là tổ chức ăn to. Ăn to, dân làng Lộc nó bảo cậy thế chủ tịch, chơi trội, nó không đến cỗ bàn thừa đổ cho chó mà mang tiếng cả đời vả nếu nó đổ đến đông đủ cả mà các ông trên huyện không về, cỗ có to thì cũng chả khác gì thóc chắc vái nuôi gà mù, được ích gì. Mỗi người một câu nhưng không ai dám đứng dậy lên tiếng. Đám nguời cứ thì thụp bấm tay, ghé tai nhau rồi lại đảo mắt nhìn lão Tòng. Thấy vậy, anh Lường tần ngần đứng dậy giọng cân nhắc :
- Mấy điều chú Tòng vừa đưa ra, đứng ở thế vừa là con cháu trong nhà, vừa là bí thư, cháu đề xuất thế này :
Thứ nhất, thím Tòng đang nằm trên viện, bệnh tình thì nhất cử, lưỡng động biết sống chết thế nào. Bày việc ra dân người ta dị nghị vả đến tai thím sẽ tủi thân !
Thứ hai là, cái vết sẹo trên mặt chú em Ất chưa lành lại cái môi của em sứt chưa đi mỹ viện được. Cô dâu ăn mặc tân thời như tiên nga mà cái răng vêu ra trắng hởn thì làm trò hề cho đám thanh niên nó rề bửu. Việc thứ ba nữa là cái mớ bòng bong chỗ cái Mưa mỗi ngày đang rối bời thêm. Mụ Ló bây giờ thậm thụt đấy, biết mưu kế của họ thế nào. Ta không tính toán sẽ có chuyện không lường được.
- Ý kiến của anh Lường là có tầm xa nhưng bận gì mà phải sợ, Lão Tòng chéo hai tay ngang mặt :
Tôi cũng nghĩ và tính đến việc ý rồi nhưng khi ngả ra bàn cờ thì vẫn hợp lý cả. Không ai trách cứ được. Giọng lão Tòng hùng hồn :
Thế này nhá. Ta cưới vợ cho thằng Ất dù đột suất thật nhưng lý do là ta cưới chạy để nhỡ bà lão nhà ta có qua đời còn được cái phước nhìn thấy mặt con dâu. Ai dám trách. Còn việc vết sẹo trên mặt thằng Ất, nó ngã xe máy làng Lộc ai lạ, lão liếm mép rồi nói tiếp : Duy có cái môi của em Sứt chưa đi mỹ viện được thì có bận gì. Thằng Ất nó còn chả ngại huống hồ ta. Ta cưới vợ cho con là lấy người, lấy cháu ông huyện chứ đâu phải lấy cái môi nó, cái môi nó sứt chứ cái giống cái má nó có sứt đâu mà lo. Lão Tòng cười ha hả, cả đám người cùng nháo lên cười phù hoạ theo. Lão lại chém tay ngang mặt nói tiếp :
Còn cái mớ bòng bong chỗ con Mưa nó giống như con cá nằm dưới trằm. Ta phải kéo cùi, đập vọt. Nó sùi tăm chỗ nào ta chụp nơm chỗ ấy. Ngồi chờ nó động có mà !… Ta cứ cưới vợ cho thằng Ất là nó sẽ quẫy lên. Nếu nó phá đám đã có luật. Còn nó lôi cái nếp sống mới ra , sợ cái gì. Trên tỉnh, trên huyện, người ta còn làm hàng trăm mâm có sao đâu. Mà nếu có sao ta vẫn có bóng bác Thường bí thư huyện ủy. Xa, gần bác vẫn là chỗ người nhà của cái Sứt. Hiềm nào người ta chả che chắn.
- Phải, cả đám người cùng hoạ theo. Có người còn tâm đắc : Lấy được cái Sứt, thằng Ất còn phất to, khoá này chả nó nối nghiệp ông Tòng làm chủ tịch thì ai vào đấy nữa. Quyền bính ở làng xã này lọt ra ngoài tay dòng họ Phạm thế nào được.
- Phải, lão Tòng cười sằng sặc, chúng ta tiếp thu ý kiến của anh Lường. Việc đề phòng là cứ phải đề phòng, việc cưới là cứ cưới, thời gian như đã định. Đình đám phân công vào các ban bệ cụ thể sau .
Dẫn cưới giao cho ông trẻ Luồn làm trưởng đoàn. Đón dâu là chú Hò cầm đầu. Khách khứa nắm chân, bắt tay là anh Lường, anh Lọt, việc này quan trọng yêu cầu phải biết tế nhị. Hai anh rất thạo việc này. Việc trang trí khánh tiết, loa đài, xe cộ giao cho anh Lân. Còn đâu tập trung vào cỗ bàn, bếp núc. Không ai ý kiến gì thì cứ thế triển khai.
Đúng lệnh, rạp cưới được dựng lên bằng phông bạt, xung quanh trang trí chim cò, hoa hoét xanh, đỏ, tím vàng. Đài loa được treo cao lên tận ngọn cây cau. Duới chỗ hai con chim bồ câu lồng vào hai chữ hạnh phúc là cái ti vi màu 24 in, ở cạnh là cái thùng làm giống cái hòm phiếu dán giấy đỏ để khách thả tiền mừng.
Ngày đầu hôn lễ, gọi là bữa cơm dựng rạp, dẫn cưới mà dân làng Lộc đã kéo đến đủ mặt, đủ mày. Có nhà đi đại diện theo đúng nghi lễ mời, có nhà kéo đến cả để xem tiện bữa họ sà vào chén. Thế là ngay bữa khai vị đã đi vèo con lợn tạ. Đám con cháu tròn mắt lơ láo nhìn nhau, lão Tòng trong bụng thì như có muối sát, gai cào, nhưng là kẻ đang ngồi trên lưng ngựa cứ phải phi. Vẫn cái giọng trọc phú, quyền hành, lão bảo : Việc trăm năm của các em, tốn kém nhưng có mất gì . Dân làng có yêu người ta mới đến. Như thế mình là người phúc đức ăn ở phải chỗ với dân làng. Lợn bò sẵn đây, cứ vật ra mà thịt.
Mấy anh con rể, mấy tay dao thớt lại hô nhau vận tay áo xông vào chuồng lợn. Chỉ trong nháy mắt con lợn tạ nữa lại được vật ngửa ra nền giếng. Lại tiết canh, lòng sốt cứ thế bày lên. Tiệc cỗ kéo dài đến lúc mặt trời tắt thì đám người mới từng tốp dắt díu nhau về. Người thì lè nhè hát, kẻ thì chửi tục, trên ngọn cây cau tiếng loa đài phóng ra bầu trời những bản nhạc xập xình, những bài hát nửa tây, nửa ta nghe rợn gáy. Anh Dỏ cũng ở đấy, người ta nhìn thấy mắt anh đỏ vè như hai cục lửa, mồ hôi mồ kê vễ vãi, anh xắn cao tay aó cứ đi vòng quanh cái nong thịt vừa vớt ra hơi còn bay nghi ngút. Nhằm cái khổ thịt to nhất, anh thò tay nhấc lên. Mấy tay dao thớt trợn mắt quát :
- Làm gì thế ?
- Lấy phần cho con, vừa nói anh vừa cười hề hề rồi xách khổ thịt đi thẳng. Mấy bà con gái xấn tới giằng lại. Anh Dỏ tròn mắt.
- Thế chúng mày chỉ nghĩ tao cần nguyên cái lỗ mồm thôi à !Vợ con tao không đến được, tao phải lấy phần chứ. Tiếc của thì đừng làm cỗ khao làng. Tao chửi rinh lên bây giờ đấy.
- Thôi, thôi các em nó dại. Anh Dỏ đừng giận, cứ cầm về cho các cháu, sớm mai lại đến sớm nhá. Lão Tòng xoa dịu rồi lừ mắt nhìn mấy đứa con gái.
- Ừ, có thế chứ. Thế mới là ông Tòng chủ tịch xã chứ. Anh Dỏ ngửa mặt rồi xách khổ thịt đi một mạch. Lão Tòng cười gượng rồi ngoảnh lại đám con cháu :
- Ngày mai nó đến vẫn phải niềm nở không thì muối mặt đấy.
- Phải rồi, nhà ta làm cỗ cưới dâu, thằng Dỏ xách một khổ thịt thấm gì. Đám đồ tể hoạ theo rồi cùng phá lên cười.
- Chuyện vặt, bố thí cho nó khỏi rách việc nhớn của mình. Cư xử như bác Tòng là đại tuyệt. Đám dao thớt phò phỉnh thêm.
- Phải, cái anh Dỏ này lạ gì. Đang công việc to này, khó khăn với nó là rách chuyện, Các cháu nhớ chu đáo. Lão Tòng căn dặn rồi quay mặt bước lên nhà trên. Da thịt lão nổi gai gà. Lão mở tủ tợp hết nửa chai rượu, nằm thượt ra cái giường con. Miệng làu bàu : Đéo mẹ lũ súc sinh. Xong việc ông sẽ cho chúng mày sặc gạch.
Ở ngoài rạp cưới, cánh dao thớt vẫn cười nói hô hố. Cô Sứt ướt trôn, bọn mình nhờn mép. Miếng nào ngon cứ xẻo mà chén. Ngày mai cỗ bàn đình đám tụi mình làm gì có chỗ. Cô Ló cứ bỏ mấy cái chân dò vào nồi cháo, ninh thật nhừ. Xong việc ta nhắm !…
- Vâng ạ ! Cái Ló mồm miệng, tay chân thơn thớt.
Cháo chân dò, mỗi anh một chai sáu lăm, bỏ Ló ngồi một mình giữa đống xôi thịt ngồn ngộn này à. Bỏ thế nào, hết một chai 65 Ló cứ bỏ ra xem. Bọn anh còn ù tốt. Họ lại cười lên hô hố. Giọng cái Ló the thé : Toàn là đồ khỉ gió. Vừa nói Ló vừa thả cái chân dò vào nồi cháo đang sôi ình ịch. Phía cuối xóm tiếng anh Dỏ lè nhè trong hơi men :
- Đéo mẹ thằng nào cho bố uống rượu say. Từ rày, bố đéo thèm chơi với chúng mày nữa. Đéo mẹ cha con thằng tham nhũng, thằng chơi càn khôn mà dại, bỏ tiền tạ mua đồ sứt mẻ. Có cho bố, bố cũng đéo thèm. Sớm mai bố lại đến say rượu nhá !…
Tiếng lè nhè cứ vọi vào đêm, càng khuya làng nghe rõ. Lão Tòng ruột gan lộn lạo mà đành phải ngậm điếng.
Mặt trời nhoè lên, lão Tòng vục dậy mặt mũi phờ phạc, hốc hác vì suốt đêm qua lão như người ngồi trên lửa. Ruột gan lão đứt ra từng khúc khi thấy cỗ bàn nghê ngãn trên mâm, trên chạn. Lại con lợn tạ nữa cánh dao thớt vừa phanh ra để ở giữa cái nong trong nền bếp. Lão xót của nhưng đành bấm lòng. Lão lọ mọ ra giếng rửa mặt rồi đóng bộ com lê đứng trước gương giọng sang sảng :
- Nhớ, ai vào việc ấy đừng để thất thố với làng xã. Lão lại cười hít vào và hất hàm bảo anh Lường : Dân làng sắp đến rồi đấy. Ban tổ chức khởi động đi.
Anh Lường chéo hai tay vào nhau, miệng vâng dạ. Đám dao thớt bắt đầu bê cỗ lên rạp. Cánh lễ tân vội vàng thuốc nước. Một anh thò tay ấn vào nút cái đài băng. Tiếng nhạc từ cái loa treo trên ngọn cây Cau lại loe lên, một giọng hát nghe khiếp người chả biết lôi từ đâu ra :
Em ơi ! Chúng mình yêu nhau bằng bạc, bằng vàng. Có nhiều bạc vàng thì cái gì cũng có- Em ơi ! …
Tiếng nhạc, lời hát cứ thế réo lên trời. Dân làng Lộc bắt đầu đoàn đoàn, lũ lũ nối hàng nhau kéo đến.
Tám giờ sáng thì đi đón dâu. Khi chiếc xe ca nổ máy ù khỏi cổng, trong rạp bắt đầu nâng cốc đợt một. Lão Tòng vừa ngắt lời tuyên bố tiệc lễ.lão ngoảnh ra thì thấy anh Dỏ chân quần cao, chân quần thấp đang lạch bạch leo lên cái thềm cổng. Mặt lão xám lại nhưng hai hàm răng trắng nhởn vẫn phải nhe ra. Lão nắm tay anh Dỏ. Có lẽ từ bé bây giờ anh Dỏ mới được bắt tay , mặt anh hể hả, tươi rờn anh nhe răng cười hềnh hệch rồi tóm tay lão cùng ngồi vào mâm. Anh tự rót rượu. Chạm cốc xong anh sà tay vào đĩa thịt gà, giọng ồm ồm :
- Cái món này là phải sờ tay vào nó mới khoái. Lão Tòng đành phải đà theo :
- Phải, anh Dỏ rất phải. Quả là người sành ăn. Mấy bà con gái ngấm nguýt. lão lừ mắt, họ lại lặng lẽ tụt vào bếp.
Tiệc tùng nhoè nhẹt kéo dài vô bờ bến. Đến mười giờ thì khách làng trên, làng duới cũng kéo đến. Đông quá, cỗ phải bày ra cả ngoài vườn cánh dao thớt dẫm chân vào nhau có đứa tuột cả quần mà còn không kịp. Lão Tòng nghiến chặt hai hàm răng mà thần sắc vẫn lẹo dẹo.
Mười một giờ thì cô dâu về. Cả họ thở phào. Đất trời còn phù không phải qua giờ ngọ. Vợ chồng anh Lường ra tận cổng đón em dâu. Cửa xe hé ra, cô dâu, chú rể bước xuống. Chú rể mặc com lê màu sáng, trên ngực cũng cài bông hoa như người ở ngoài thành thị. Cô dâu váy chín tầng quét đất, mặt mày phấn sáp loè loẹt. Cái chỗ môi sứt được dán kín bằng một loại băng dính đặc biệt giống màu da người và cũng được xoa son phấn lấp đi, mắt người thường không nom thấy. Cô dâu, chú rể song hàng đi trước, đám phù rể, phù dâu rồng rắn theo sau. Họ díu nhau đến chỗ bàn thờ làm lễ nhập gia tiên.
Xong thủ tục cô dâu chú rể nhập phòng, cánh phó nháy mỏi tay tý tách. Bỗng một tiếng kêu thất hồn, mọi người nhốn nháo vã ra cổng. Thằng Nghiệp rồ ! Người nó như con trâu đằm bùn chỉ hở có hai lỗ mắt. Nó nhe răng lùi lũi đi thẳng vào rạp cưới. Cánh dao thớt định xô ra, lão Tòng hất hàm ngăn lại. Mấy bà con gái rúm ró, có người vãi cả ra quần. Lão Tòng nhấc cả con gà luộc tiến thẳng mặt thằng Nghiệp. Thằng Nghiệp đứng ngẩn nhìn lão, lắc đầu. Nó ú ớ chỉ tay về phía hồ vạt. Cả đám người ngơ ngác chỉ riêng cái Ló là biết được. Ló đặt cái mâm đánh xoảng xuống bàn, cứ thế cắm đầu chạy. Thằng Nghiệp rồ cũng chạy theo. Mấy phút sau thấy giọng cái Ló toa toá dưới bờ hồ :
- Dân làng ơi ! Cô Mưa đẻ. Đám đông ùa đi, Thằng bé đỏ hon hỏn, mình mẩy bám đầy đất cát. Đám con cháu nhà lão Tòng nhăn mặt, bịt tai rồi lùi lũi đi về đám. Mấy đứa bạn Mưa tần ngần đứng nhìn. Giọng cái Ló nghẹn ngào :
- Các cô dìu mẹ con nó về nhà tớ !…
Tiệc tùng trên rạp cưới nhà lão Tòng vẫn tiếp diễn. Chuyện trò, đàm tiếu nhoè nhoẹt trong hơi men. Nhiều kẻ do nắm xôi kề miệng cứ hô hố. Phen này lão Tĩnh có đeo mo vào mặt cũng chả dám ra khỏi cổng. Đời là vậy đó. Không ai nắm tay cả ngày đến tối được. Tu nhân, tích đức làm gì. gia phong phép tắc mà làm gì. 50 năm chứ 100 năm tuổi đảng mà để con cái hư thân mất nết thế cũng nhục lắm. Cái hắm Tâm phen này cũng tịt ngòi. Ngoi lên thế nào được. Hắn cứ to miệng giáo dục bọn đầu trâu mặt ngựa trong làng. Hậu quả là nó làm cho em lão ý đẻ ra đấy. Dục với giáo gì !…
- Các bác nói thế phải tội, mắt mình có nhìn thấy cái đứa nằm với cô Mưa đâu. Thời buổi này con dại, cái mang chứ gia đình bác Tĩnh vẫn là chân chỉ, hạt bột vẫn là cái gương sáng treo trước làng Lộc chứ !
- Bột với bẹt, gương với giá gì ! nhậu đi ở đời hay hay, dở dở, dại dại, khôn khôn. Kệ mẹ nó ! nhậu đi !…
- Thôi các bác ạ ! Anh Lường ranh mãnh, hôm nay là ngày trăm năm của hai em nhà cháu. Chuyện làng xã ta để khi khác nói. Hôm nay là chỉ vui thôi …
- Phải, đúng … Anh Dỏ chen vào. Mặt anh đỏ như con gà chọi. Anh cắp chai rươụ vào nách, ê a.
Thôi, chào qúi dị, Dỏ này đi đến chỗ cô Mưa xem mặt con nó giống thằng nào ở làng Lộc. Vừa cắp chai rượu lạch bạch đi anh Dỏ vừa ê a hát :
Tiền chùa đội nón lên chùa
ý a …
Phải chi tài giỏi mà lừa người ta
ý a ! …
Cầu danh khấn phúc về nhà
Lại mua con khỉ
ý a - răng chìa ngoài môi
ý a - làng hả trận cười.
Để tôi say rượu bét nhè trời mây
Hay, hay, say say…
Đéo mẹ lũ giời đày !…
ý a !…
Lão Tòng nhìn theo mặt tối sập, mấy bà con gái định xô theo, lão gạt lại. Kệ cho nó đi. Nói rồi lão lùi lũi quay vào cỗ tiệc lại nói, lại cười.
Đình đám lê thê, bữa dọn rạp ngày hôm sau phải mổ thêm con lợn dò. Khi khách ra về lão sai người con gái cả bê cái hòm tiền mừng và những gói tặng phẩm để lên bàn thờ. Lão trịnh trọng thắp hương khấn, khấn xong lão cúi đầu vái ba lễ. Cô dâu chú rể cùng lễ theo. Việc xong lão mở tủ lấy ra quyển sổ, cái bút. Lão bảo anh Lọt :
- Ghi đi.
Chị gái cả bắt đầu mở cái hòm tiền, cắt từng cái phong bao, cái nào cũng dày cộp nhưng toàn tờ một trăm đồng. Có cái cộng gộp chỉ tròn ngàn bạc. Bà chị gái làu bàu : Toàn quân kiết ! phí cả cỗ bàn. Lão Tòng nghiến răng, lão đảo mắt về phía cái hộp to lão bảo :
- Mở thử coi !
Bà chị gái lóng ngóng lách kéo cắt nhẹ cái đai viền xung quanh. Cái hộp bật ra. Mặt người chị gái tái nhợt khi thấy trong cái hộp có một cái quan tài con, nắp bằng kính, ở trong có bộ hài cốt nặn bằng thạch cao. Bộ hài cốt mang gương mặt vẹo vọ nửa người, nửa khỉ. Hai lỗ mắt sâu hoáy nhưng mở trừng trừng, bên cạnh lại có cái gậy bằng cây vông và ba nén nhang. Cô con dâu sợ quá hét lên. Mảnh băng dán trang điểm ở chỗ cái môi sứt rơi ra. Cái răng lòi ngược chỗ môi sứt trắng nhởn. Thằng Ất nhăn mặt, hắn bổ nhào ra cửa. Lão Tòng bình tĩnh níu lại, giọng lão hít vào hun hút như giọng ma thổi gió :
- Bình tĩnh, bình tĩnh. Đây là hồi cuối của cái đám cưới mà lão tính toán. Đúng thật ! nó khác hẳn và chưa từng có ở làng Lộc. Lão lặng nhìn đám con cháu mặt tái nhợt như người bị hoạn.
***
Túp lều của mẹ con cái Ló tự nhiên thành cái nôi che chở cho thằng bé bị bỏ rơi. Hoàn cảnh xui khiến Mưa càng gắn bền với mẹ con chị Ló. Họ bắt đầu gọi nhau bằng chị, bằng em, bằng bá, bằng dì. Dân làng Lồc cũng không còn rì rầm bàn tán về chuyện cái Mưa chửa hoang nữa. Họ bắt đầu đổ đến túp lều. Có người do động lòng thương Mưa, đến để cho chục trứng, bát gạo. Có người tò mò đến để xem mặt thằng bé, coi nó giống ai trong làng. Bọn trẻ chăn trâu thì bỏ bẵng bài hát đồng giao, Mưa cũng không phải né tránh điều gì. Mẹ con Mưa hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật ở làng Lộc. Thằng bé xinh tươi lại trắng như hòn bột, mỗi ngày càng lớn khoẻ, phổng phao. Lấy gì để nuôi con ? Chả nhẽ cứ nương nhờ mãi căn nhà của mẹ con chị Ló. Những lo toan bắt đầu dày vò, đè nặng lên thân thể cô độc của Mưa. Ngày ngày, Mưa địu con đi mò cua, bắt ốc. mót lúa, mót khoai. Thấy con, bà Tĩnh ruột gan như có muối sát. Một buổi tối, sau khi cơm nước xong ngồi trước ông bà nỉ non :
- Tôi ngửa tay xin ông …
- Bà có rồ không thế ? Ông Tĩnh nghiến răng, bà nghĩ chỉ có mình bà mới biết xót, biết đau. Còn tôi là hòn đất, hòn đá phỏng ! Đón nó về, cái của nợ ấy như cái gai ngày ngày chọc vào mắt , tôi không chịu được. Tôi bảo cắt là cắt, bà đừng nhiều nhời nữa. Nói rồi ông lại lọ mọ thắp hương khấn ông bà, tổ tiên. Khấn xong ông lại đứng trước tấm huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, tay ông vung cao :
Xin thề !
Xin thề !
Xin thề!
Ông cứ làm như thế, tối nào ông cũng thắp hương lên bàn thờ tổ tiên rồi lại đứng thề. Làm mãi thành nếp, tối tối cứ đến giờ ông thắp hương, hô khẩu hiệu là bà Tĩnh sởn hết gai ốc. Sợ ông gở chứng chết, bà to nhỏ chuyện này với các con. Bà vừa hé ra thì anh Thức, anh Sáng hùa một giọng :
- Việc cô Mưa làng Lộc ai chả biết. Anh em kiến giả nhất phận.Việc cô ấy gây ra, cô ấy phải chịu. Đẻ con ra thì nuôi lấy. Còn việc của bố, càng già bố càng rởm chuyện. Thề với bồi cái gì. Để đấy lúc nào vắng người tôi lẳng mẹ nó cái huy hiệu ấy xuống hồ ông ấy sẽ hết thề. Cái miếng đồng nát, mấy thằng sở khanh nó trao cho, có gì mà thiêng liêng thế !…
- Các chú đừng nói bậy ! Anh Tâm vằn mắt.
- Anh đi biền biệt, biết gì mà bảo chúng tôi bậy, chúng tôi bạ ? Anh mà nhìn thấy, anh còn ngán hơn chúng tôi kia. Hôm trao cái huy hiệu ấy cho bố, tổ chức ở cái lớp học mẫu giáo ngoài bãi lũng. Có ai đâu, toàn anh em nhà lão Tòng Ất. Chân tay bố cứ run bắn lên tưởng không bám được vào đất. Nào có phải ai, Thằng Lường nó đeo cái tấm huy hiệu ấy vào ngực bố. Bố mếu máo khóc, ông Y Ấn lúc ấy còn sống đứng cạnh cũng mếu máo theo. Tôi nhìn rặm hết cả mắt. Việc gì mà thiêng liêng, xúc động quá thế. Đảng đâu chả nhìn thấy, chỉ thấy mấy tay ăn bẩn. Ăn bẩn mà lại còn mở cái miệng thay mặt người này, người kia nói lời sạch sẽ. Đúng là đồ giả tạo .
- Các chú có chữ mà nhìn sự vật chỉ ở cái vỏ ngoài, cái đập vào mắt tức thời, thảo nào cái hôm tôi tranh luận với bố về đảng, về người cộng sản các chú cứ tếu ra như hề.
- Không phải chúng tôi tếu đâu. Thật lòng đấy. Đảng mà như anh nói, chúng tôi theo chứ. Nhưng đấy là lý thuyết. Mà đã là lý thuyết thì muôn đời là màu xám.
- Sao lại là lý thuyết ! Đảng ta là có thật ! Anh Tâm khẳng định. Nếu không có Đảng bố sẽ không bao giờ có tấm huy hiệu thiêng liêng đó. Mà nếu không có Đảng bây giờ làm sao các chú có ruộng cấy, trâu cày ! Làm sao có đất để dựng lò gạch, lò ngói ? …
Tất cả những thứ đó là do Đảng đấu tranh để giành lại cho cả dân tộc trong đó có phần các chú. Mà phải đâu xa, tôi cũng là đảng viên đấy chứ. Bao nhiêu năm tôi đi đánh giặc còn thương tật ở trên người. Bây giờ về làng phần đất, phần ruộng còn thiệt hơn các chú. Tôi có tỵ đâu !
- Thôi, vừa chứ ! Anh lại sắp cuồng tín như ông già rồi. Thế ở nước Nhật, nước Thái họ có đảng phái mẹ gì đâu mà con người vẫn có tất cả. Nhưng mà thôi, không tranh luận nữa. Cái Đảng như anh nói, chúng tôi biết ! nhưng các anh có quyền thế mẹ gì ! Mà biết đâu khi có quyền thế trong tay các anh cũng đồng đẳng như bọn thằng Tòng - Ất ! Cái Đảng của bọn Tòng - Ất không dây được . Tôi nói rồi ! Không thể ngồi chung cỗ ! …
- Thế các chú cũng coi bố là những hạng người như cánh nhà Tòng - Ất sao ?
- Chả là thì cũng như là thế. Họp bàn với nhau suốt đời cả làng Lộc thấy chứ mình gì bọn tôi.
- Các chú quả thật là những cây tre cong, không uốn lại được nữa. Nhưng trước tôi các chú không được ăn nói bậy bạ, không được xúc phạm đến chỗ thiêng liêng của bố. Cái gì còn hạn chế, bố sẽ hiểu ra dần. Bố đẻ ra chúng ta kia mà !…
- Tôi đố anh lay được cái đầu cuồng tín của ông già đấy. Rồi mà xem ! Còn hô, còn thề, hô nhiều , thề nhiều, làng người ta biết, người ta lại bảo thêm một thằng Nghiệp rồ nữa. Thức và Sáng nhìn nhau cười và cả hai cùng thọc tay túi quần đứng dậy. Anh Tâm nhìn theo lắc đầu.
Có cái gì bứt dứt, nhói đau ở trong ngực. Anh không ngờ được ở cái làng nhỏ này mà ngay ở trong ngôi nhà của anh nhận thức của con người cũng lệch lạc, chệch hướng. Ngẫm từ câu chuyện với Thức và Sáng vừa xong anh càng buồn xót. Về bản chất con người Thức và Sáng đều tốt. Các chú ấy là người lao động chân chỉ hạt bột, biết yêu cái đẹp, biết thù cái xấu nhưng tại sao các chú ấy lại nghĩ về Đảng như vậy. Cái nguyên cớ chính bắt đầu từ đâu ? Nặn trán, bóp đầu mãi, anh Tâm kết luận : Tại người lớn cả. Tại đội ngũ đảng viên có thật ở trong làng xã cả. Một số nguời có quyền thế thì tha hoá, biến chất đi vào cuộc sống tiểu nhân, thực dụng, mượn cái áo của Đảng, chính quyền để tham ô, ăn chặn, nạt doạ dân hiền. Cái mẫu người ấy ngày ngày nhơn nhơn đập vào mắt bọn trẻ, chúng nó tin sao được.
Một số người khác dĩ hoà vi quí, chỉ có lòng tốt, nhu nhược trước kẻ có quyền lực đâm ra sợ sệt không dám đấu tranh, lấy nụ cười làm mực để dung hoà tất cả. Cái mẫu người đảng viên này để cho cánh trẻ và bà con thấy thừa, vô tích sự. Còn một mẫu người nữa ! Điển hình là ông bố mình, nghiêm khắc, cổ hủ cứ khư khư giữ gìn một thứ gì giống như cái đồ vật đã bị cũ rỉ mà không chịu gọt rửa lại, cứ trương nó lên giữa nhà bắt mọi người phải soi vào đấy. Cánh trẻ không chịu được, không theo được ! Từ đấy, họ sinh ra mất lòng tin, tự do vô chính phủ. Mạnh ai người ấy làm, rồi gằm ghè giữ miếng nhau. Cái làng lục đục suốt. Thói xấu, tật hư cứ thông thốc nhảy vào gia phong phép tắc của mỗi gia đình, cuối cùng đi đến chỗ ai khéo ăn thì no, ai khéo co thì ấm.
Cô Mưa nhà mình cũng là một hiện tượng. Cứ để những tệ nạn ấy ngày một phát triển làng xóm sẽ mất ổn định mà đã mát ổn định thì còn gì là làng xóm nữa ! Việc này không thể để kéo dài được. Ngay trong gia đình, việc cô Mưa cả nhà cứ quay mặt đi, túng quẫn cô ấy làm liều. Hậu quả còn xấu nữa ! Kéo cô ấy về, bố cứ một mực : cắt ! Anh chị em trong dòng họ thì phủi tay, ai cũng một mực không chứa ! Thật khổ thân mẹ con cô ấy ! khổ thân thằng bé vô tội, nó có đòi ai phải đẻ nó ra ở cái làng Lộc này. Tội là thế. Giải thích sao được! Anh Tâm thở dài, trong đầu anh giằng xé nát nhàu bao ý nghĩ. Cuối cùng anh quyết định bàn với chị bỏ tiền làm cho mẹ cho cô Mưa túp lều nhỏ.
Việc bày ra, chị Tâm đồng tình ngay nhưng bàn ra, tính vào mãi chị bảo :
- Việc làm nhà cho cô Mưa em đã tính đến nhưng sợ bố. Bây giờ anh nói ra em ủng hộ cả hai tay. Nhưng phải có cách như thế nào để bố hiểu. Đừng để đến lúc bố lại cạch mặt cả vợ chồng mình thì cô Mưa hết chỗ dựa !Việc nữa em vẫn lăn tăn là bây giờ làm cái nhà to nhỏ cũng tốn kém lắm mà gia sản nhà mình thì cái gì cũng còn làm chia, ăn chia vả làng Lộc bây giờ người đông, đất hẹp, chen vào chỗ nào cũng mắc ! hay là ta cứ liều đón cô ấy về ở chung với nhà mình !
- Không được, anh em kiến giả nhất phận vả cũng phải để cho cô ấy tự vươn lên, tự lập mà nuôi con. Anh tính rồi. Nhà ta còn cái thẽo đất ở chỗ ngã ba bến Gáy, chỗ ý ở thuận và hợp thời lắm .
- Chết ! chị Tâm tròn mắt. Chỗ ấy ở thế nào được mà anh bảo thuận. Này nhá : Dưới bến là thằng Nghiệp rồ, đầu bến là nhà thằng Nợi - Nợi Nòi. Anh lạ gì ! Chị Tâm ghé sát vào tai chồng : Cô ấy lại đẻ ra đứa nữa, ông già cắt luôn cả vợ chồng mình .
- Em lo thế là phải ! Nhưng mình cũng phải tin cô Mưa chứ. Anh đã tính và bàn với cô ấy rồi. Mình phải biết tin, biết làm, dám làm thì mới xoay chuyển được sự việc, mới có kết quả. Cứ khoanh tay nhìn, chả có cái gì mới đâu ! Em có tin không ?
- Tin ! Chị Tâm nhìn anh khẽ gật đầu, nhưng tiếng thở dài vẫn cứ tuột ra.
***
Ngôi nhà xinh xắn dựng lên giữa ngã ba bến Gáy, Cái chỗ mà dân làng Lộc vẫn gọi là đầu sông, trổ bến. Mẹ con Mưa dọn ra đấy ở. Những ngày đầu chị Tâm thấp thỏm lo, tối tối chị vẫn thì thụp ra với Mưa, cái Ló cũng thường lui tới đó. Dần dần, Mưa cũng tự lập được cuộc sống.
Ở một mình giữa cái ngã ba, ngày ngày Mưa nhìn thấy người xuôi, kẻ ngược. Có người chỉ mua chai dầu thắp mà phải qua sông sang tận chợ Tràng, có người chỉ mua cái đinh, cân phân đạm mà phải nhễ nhại lên tận cửa hàng Kim Sơn. Vốn tính sắc sảo trời phú, Mưa tính ngay lập cái cửa hàng bán lẻ. Mưa mạnh dạn vay vốn lập nghiệp, việc làm của Mưa được vợ chồng anh Tâm ủng hộ.
Cái cửa hàng bày ra mới đầu như cái quán, Mưa bán những đồ nông dụng như dao, cuốc, phân bón, mắm muối, mỳ chính, thuốc lào, dầu thắp …. Những người chạy hàng tự nguyện đến đổ vào quán Mưa, có người còn cho nợ khi nào bán hết hàng mới lấy gốc. Cái ngã ba hưu quạnh bỗng đông nhộn hẳn lên. Tính Mưa sởi lởi, rộng rãi những người khó khăn trong làng mua hàng Mưa cho nợ, thậm chí nợ đến mùa trả bằng thóc. Dân làng Lộc nể, dần dần họ quên cái tiếng cô Mưa chửa hoang, họ không gọi Mưa hoang nữa mà gọi là Mưa hàng. Nhiều người lúc rảnh việc còn ra nhà cô chơi, bồng bế thằng cu Thừa hàng giờ. Đặc biệt dân làng Lộc lại thấy thằng Nghiệp rồ chiều chiều không cởi trần nằm trên hòn đá Gáy nhe răng cười nữa. Có người nom thấy mà không tin vào mắt mình nhưng sự thật thằng Nghiệp rồ còn mặc quần áo đẹp, ăn cơm cùng với mẹ con cô Mưa.
Chuyện cứ thế như làn sóng điện phao ra khắp làng Lộc. Gia đình ông Tĩnh nửa tin, nửa ngời, cả cái Ló cũng nửa ngờ, nửa tin. Một hôm cái Ló nép ở đầu hồi xem hư thực thế nào.
Thằng Nghiệp rồ từ dưới bến lên chỗ cô Mưa thật, nó mặc quần áo đút vào trong quần như người ở ngoài phố hẳn hoi. Đầu tóc lại chải mượt, sạch sẽ. Cô Mưa vặn to ngọn đèn ngồi cộng sổ, thằng cu Thừa ngồi tọt giữa lòng thằng Nghiệp rồ, nó nói hay lắm. Nó nhắc chuyện xưa, chuyện nay, nhắc tên những nhân vật lọc lõi trong làng. Khi cô Mưa nhắc đến chuyện lão Thệ, lão Hò, cha con Tòng Ất, chuyện anh Dỏ, chị Ló … Thằng Nghiệp rồ đều phân tích rạch ròi có nhiều nhân vật cũng được nó chỉ rõ cái thối tha của họ như anh Tâm nói với Ló. Nó nhắc lại chuyện bậy bạ của lão Thệ với mẹ nó và rút ra bài học bồng bột, thơ dại của nó lúc bấy giờ. Nhiều chuyện lắm, cuối cùng nó bảo nó rất yêu làng Lộc ! Nó mơ ước có một lớp người đẹp đẽ hơn để xây dựng làng Lộc ấm no, hạnh phúc. Muốn có lớp người ấy thì ông trời phải tỉnh táo, mở to mắt để nhận ra những con người như anh Tâm, anh Thành, anh Lập. Đặt họ vào vị trí để họ gánh vác công việc làng xã. Phải trừ sạch những hạng người như lão Thệ, cánh nhà Tòng- Ất. Ló thấy cái Mưa ngẩn người ngồi nghe rồi toét miệng bảo :
- Gớm ông Nghiệp rồ, suốt ngày ở cái mảng mà thấu đáo chuyện làng, chuyện xã như trạng và câu chuyện của họ thầm thì, thân thiết !
Lạ thế, cái Ló thắc mắc, nó cho đấy là ma mãnh, có khi cả cô Mưa cũng là ma mãnh. Ma mãnh ở cái bến Gáy này đã nhập vào hồn vía họ rồi. Ló rón chân đi một mạch về nhà anh Tâm.
Câu chuyện được cái Ló thuật lại rành mạch. Anh Tâm lắng nghe từ đầu đến cuối, anh chỉ gật đầu bảo : - Tốt ! Cái Ló không hiểu được, nhưng nó tin, nó nghe lời anh Tâm, nó tin điều đó cũng sẽ là điều tốt ! …
Mọi chuyện đều đến tai ông Tĩnh, ông gọi anh Tâm đến. Ông bắt anh đứng nghiêm trước cái huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, giọng ông dõng dạc :
- Anh có nhìn thấy cái gì đây không ? Và ông vung tay hô ba lần thật to :
Xin thề !
Xin thề !
Xin thề !…
Hô xong, ông bắt anh Tâm làm theo. Nhìn ông anh Tâm suýt phì cười nhưng hiểu tính ông anh bấm bụng bình tĩnh nói :
- Bố thề cái gì mà nhiều thế ? Đảng ta có bao giờ bắt đảng viên phải sùng bái thế đâu ?
- Thế lúc vào Đảng anh không thề à ?
- Thưa bố, có ạ ! Anh Tâm xúc động : Con hiểu khi mỗi đồng chí chúng ta được kết nạp vào Đảng đều giơ tay thề dưới lá cờ của Đảng. Nhưng thề để làm việc, để không ngừng phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, chứ không phải thề để trở thành kẻ cuồng tín làm méo mó hình ảnh cao đẹp của người đảng viên trước quần chúng nhân dân.
- Anh nhiều lý sự lắm, mắt ông Tĩnh vằn đỏ, ông kéo anh Tâm ngồi đối diện trước tràng kỷ. Cuộc đấu khẩu quyết liệt bắt đầu, giọng ông như có lửa :
- Chỉ có tôi và anh, nhưng tôi coi đây là cuộc sinh hoạt tổ Đảng thu hẹp. Anh nghe thì còn tình đồng chí, bố con. Không nghe tôi cắt bỏ vợ chồng anh như cái Mưa. Anh nói đi !
- Bố phải bình tĩnh ! Con không nghe lời bố mẹ thì nghe ai nhưng bố phải phân biệt việc sinh hoạt Đảng là việc Đảng, việc bố con là bố con, ta không nên lẫn lộn mà ù xoẹ làm sai nguyên tắc của Đảng và ngược lại.
- Anh không được lý sự nữa, bao nhiêu việc anh làm trái khoáy, anh nhận ra chưa ? Từ cái trò anh bày ra chuyện khoán ruộng, khoán vườn đến việc đàng đúm với bọn đầu trộm đuôi cướp mang cây lên đồi trồng, sang việc ăn chia với cái Ló, xem kỹ toàn mầm mống Tư bản cả. Bây giờ anh lại đưa con Mưa ra chỗ đầu sông, trổ bến, tưởng làm cái gì lại bày ra cái cách buôn bán. Anh có biết buôn bán là thế nào không ?
Buôn bán là bán nước nhá ! Thằng Bá Đa Lộc ngày xưa đấy. Anh không học sử à ? Đẻ ra anh thật nhưng tôi không hiểu được anh ! Ông nghiến răng : lại còn chuyện này nữa. Dân làng Lộc người ta đang đồn. Con Mưa ra đấy lại có quan hệ móc nối với thằng Nghiệp, cái thằng đi tù về nó giả vờ rồ ? Ghê gớm chưa !
Nhân danh một đảng viên, một người cộng sản tôi đề nghị anh phải kiểm điểm. Xem lại tư cách đảng viên của mình. Tôi không nói thêm nữa. Ông Tĩnh kết luận, anh Tâm bấm tay vào bụng thật chặt nhưng suýt nữa tiếng cười vẫn bật ra.
- Thưa bố. Con đang nói với bố bằng tư cách của người đảng viên cộng sản đấy, từ việc con đề xuất cho dân làng làm khoán đến việc con mang cây lên đồi trồng, làm ăn với cô Ló, dựng cửa hàng cho cô Mưa nhà mình ! … Tất cả những việc đó sao bố lại bảo là trái khoáy, là Tư bản, con nghĩ là người cộng sản là phải biết tập hợp đoàn kết tạo ra công ăn việc làm đúng hướng cho con người. Nói ngắn lại là phải để cho con người có công ăn, việc làm, có tổ ấm, có học hành. Những số phận trong làng xã như chị Ló, cô Mưa, những thanh niên lêu lổng mà ta ngoảnh mặt đi hay chỉ ghi tên họ vào sổ đen mà nạt doạ, không có biện pháp giáo dục họ sẽ càng hư hỏng. Họ sẽ đi ăn trộm, đi nghiện hút, đĩ bợm thì cái làng này mở mắt ra sao được. Những công việc con đã và đang làm là để dẹp rối chứ không phải gây rối. Xin kính thưa "đồng chí bố ạ" ! Anh Tâm cười, lại nói tiếp :
Con nghĩ người đảng viên trung thành với Đảng là phải bằng hành động, việc làm cụ thể. Không được nói suông hay nói một đằng làm một nẻo.
Bố là người có cống hiến lâu dài, được Đảng tặng danh hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đây là niềm vinh dự cho chúng con. Song, nếu chỉ khư khư giữ cái danh hiệu đó mà làm ngơ tất cả thì cũng thành người có lỗi chứ chưa nói đến việc suốt ngày bố cứ đứng trước tấm huy hiệu để soi mình, rồi thề thốt đóng kín cửa. Việc ấy có ích gì, cái hào quang ấy không phát sáng được. Phàm nó còn trở thành trò hề nữa. Mà như thế tự nhiên mình lại là người có tội vơí Đảng, với nhân dân !…
- Anh đừng hỗn ! Ông Tĩnh đập bàn.
- Đây là buổi sinh hoạt tổ Đảng, bố phải giữ đúng nguyên tắc. Anh Tâm đẩy ông vào thế rồi lễ phép :
- Tất cả những điều con vừa nói, bố coi đó là bản kiểm điểm tư cách đảng viên của con. Con ra chi bộ con vẫn tuyên ngôn như thế. Bố đừng sợ.
Còn việc cô Mưa đi lại với thằng Nghiệp là có thật ! Điều đó chứng tỏ anh Nghiệp không rồ. Vậy thì hơn 10 năm qua tại sao anh ấy phải giả vờ rồ ? Đây lại là câu hỏi yêu cầu người đảng viên ở làng Lộc phải giải trình. Việc đó con cho còn là trách nhiệm của chúng ta !
- Anh to gan thật ! Nhưng anh làm được việc đó tôi phục anh . Ông Tĩnh tròn mắt .
- Làm được chứ bố, sự thật phải nói ra, nói ra để đoàn kết, thân ái. Để con người không ai phải oan trái, thế thôi ! Nói rồi anh Tâm đứng dậy. Ông Tĩnh nhìn theo, trong đầu ông loé sáng những tia chớp, nhưng ông không hình dung ra được. Ông ngồi lặng, vít cái xe điếu tì vào cằm nhìn hút theo dáng anh Tâm.
***
Bà Tòng được cứu sống nhưng khi ra viện đôi mắt của bà bị mù tịt không còn nom thấy đất trời nữa. Các con bà phải cắt phiên phục dịch, mới đầu mọi người còn hào hứng, về sau tính toán hơn thiệt họ thuội dần. Mọi việc dồn đổ lên đầu vợ chồng nhà Ất. Ất lại vốn là cậu ấm ươn việc thế là trăm sự cái Sứt phải hứng lấy mà làm. Hàng ngày Sứt phải dắt bà đi đái, đi ỉa, tắm rửa cho bà. Công việc cứ lặp đi lặp lại cái Sứt cũng sinh lục bục. Sợ nó vất vả bỏ về với bố mẹ đẻ, chuyện lan đến tai ông Thường bí thư huyện ủy thì rầy rà. Lão Tòng đành cắn răng làm thay. Mỗi lần rửa đít cho bà lão như người ngậm phải thuốc đắng mà không dám nôn, dám oẹ. Lão thì thụp làm công việc này giống như người ăn vụng, ăn trộm. Chỉ sợ người khác nhìn thấy
Chiều nay, ở trụ sở ủy ban về, lão vừa bước vào nhà thì thấy bà đang lê la, rờ rệt, bên bãi cứt ỉa lỏng nhoe nhoét giữa giường chiếu. Lão vội thuồi cái cặp vào bàn, xắn tay áo nâng bà dậy kéo ra cầu nước. Lão đang lụi khụi rửa đít cho bà thì chị Cồi hớt hải đến. Giọng chị hổn hển :
- Chết thật ! Các anh các chị nhà ta đâu cả mà để ông chủ tịch phải làm việc này. Vừa nói chị vừa giằng cái gáo trên tay lão Tòng. Lão vội khùa tay vào chậu nước rồi lùi lũi đi vào nhà. Rửa ráy cho bà xong, chị Cồi dắt bà vào giường. Lão Tòng vẫn ngồi đực ở tràng kỷ, chị rón rén đến trước mặt lão :
- Bác làm ơn ký cho nhà cháu cái giấy này để sáng mai các cháu nộp cho cô giáo. Phải có chữ ký của bác nhà trường mới công nhận là gia đình thuộc hộ đói nghèo, các cháu mới đuợc miễn giảm tiền đóng học. Lão Tòng đảo mắt nhìn tờ giấy rồi lão tút bút ký xoẹt một chữ Tòng rất to ở cuối tờ giấy. Chị Cồi vội gấp tờ giấy, chắp tay chào lão rồi cúi đầu lóm thóm đi một mạch. Chị ra khỏi ngõ, lão Tòng vội thu cái chiếu bỏ ra cầu nước, giọng lão hít vào ken két :
-Tôi đã bảo, bà nốc vừa thôi. Cái gì cũng va vào mồm rồi đùn ra đây, ai hầu mãi được. Bà còn đày bố con tôi đến bao giờ ?
- Thì tôi đã bảo ông cứ cho tôi một liều bả chuột, tôi chết cho nó mát mặt, mát mày. Giời nó đày tôi đấy ! Mồm bà méo mó, hai bàn tay bà sờ soạng bám vào cái thành giường, lão Tòng đứng lặng, đôi bàn chân vằm xuống đất, hai cục lửa đang trong mắt lão đỏ đọc, lão muốn hét lên nhưng cái lưỡi cứ thẳng đuột ra, lão đang loay hoay thì anh Luồn từ ngoài cửa chạy thốc vào, giọng anh làm ra vẻ ôn hoà :
- Giời đất ! Chú thím rầy nhau làm gì và Luồn nhẹ tay đỡ bà nằm xuống giường, vẫn cái giọng ôn hoà ấy Luồn xoa dịu :
- Thím nằm nghỉ đi, chú bận nhiều việc sinh bẳn thôi mà, thực lòng chú thương thím lắm ! à nhà cháu mua cho thím chục bánh hòn đây, thím ăn đi !
- Cảm ơn vợ chồng anh, tôi chả thiết gì nữa đâu ! ăn lắm, ỉa nhiều, ăn no ỉa to đống cứt, cái thân tôi làm đồ đốt gì nữa ! Anh đưa cho tôi liều bả chuột !…
- Chết ! Thím đừng gở miệng ! Cái họ này phải nhờ lộc thím đấy ! Khoá này chú còn làm chủ tịch, họ Phạm còn phát tài, họ Phạm phát tài là nhờ công đức của thím chứ. Cháu xin thím nguôi giận ! Luồn thở dài. Bà Tòng sờ soạng nắm lấy bàn tay Luồn hy hóp thở , Luồn đánh mắt làm hiệu cho lão Tòng rồi lại đổ giọng ồn tồn :
- Thím cứ nằm nghỉ, cháu phải lên nhà trên bàn với chú một việc, vẫn cái việc dọn đường dạy dỗ để cho thằng Ất nó biết đường kế cận ngôi vị của chú thôi mà ! Thím phải nguôi giận vì con, vì cháu nhá ! Giọng Luồn non nỷ. Bà Tòng thấy êm dạ, bà nằm im , Luồn nhẹ chân bước theo lão Tòng lẻn ra bàn đá ở gốc mít chỗ đầu hồi nhà. Cánh Lường đã chờ sẵn ở đấy. Một cuộc họp ban chấp hành thu hẹp nữa của phe cánh họ Phạm lại được bí mật bàn bạc. Lường chủ toạ từ đầu đến cuối, lần này họ không ghi biên bản. Họ chùm đầu bàn bạc rất sôi nổi, Lường nói :
Tình thế xoay ngang, dở dọc nhanh quá. Những vấn đề ta quyết nghị trong cuộc họp trước khó thực hiện đuợc. Có lẽ cái biên bản, nghị quyết ấy phải huỷ bỏ. Luờng khẳng định rồi hắn đặt ra ba vấn đề lớn.
Thứ nhất là, việc cái gai nhọn (xã đội Tâm) ta định nhổ đi, bây giờ không những không nhổ được nó còn nhọn, sắc hơn vì cơ chế giao ruộng, giao vườn cho nông dân đã mở to. Làng xã đua nhau làm trang trại. Đám thanh niên trong làng như thằng Thành, Lập, Hạ … đều cổ vũ công việc này như có một phong trào cách mạng. Việc này, ở làng Lộc vô tình Tâm lại là người tiên phong đi trước. Nếu huyện biết việc này Tâm còn được xếp vào một điển hình tiên tiến chứ chả đùa. Vậy cái việc ta định qui kết Tâm có tư tưởng địa chủ, chúa đất phục hồi là lỗi thời. May mà cái văn bản đã đánh máy ta chưa gửi lên huyện.
Việc thứ hai nếu ta qui tội Tâm đàng đúm với bọn đầu trộm đuôi cướp trong làng, bọn có tên trong sổ đen của công an xã thì bọn này bây giờ lại lương thiện, nghe Tâm làm ăn chăm chỉ và chúng còn tôn thờ Tâm như một đấng cứu thế. Dân làng Lộc hả lòng vì các tệ nạn hết dần. Việc này vô tình Tâm lại thành công, thành công trong việc củng cố an ninh trật tự trong làng xã và tạo ra được công ăn việc làm cho người thất nghiệp, nếu đụng vào việc này vô tình ta lộ mặt và như thế tự nhiên vũ đài chính trị ở làng xã sẽ ngả về phía Tâm. Do vậy, ta phải cân nhắc, nhìn xa trông rộng .
Một việc nữa không thể bỏ qua đó là chuyện cái Mưa. Bây giờ nó đẻ con, làm nhà buôn bán ngay trước cửa nhà mình. Việc nó buôn bán phát tài đã làm ta tức mắt, khó chịu. Nhưng tức mắt, khó chịu hơn là cái thằng ranh con, thằng ranh con càng lớn càng giống chú Ất, nó lại ngày ngày thập thụt ở cái mảng nứa. Dân làng Lộc còn đồn thằng Nghiệp rồ dạy nó học chữ nữa. Việc này không dẹp được sẽ có biến. Thằng Nghiệp mà khỏi rồ, thời cuộc lại đổi mới tự do, dân chủ, chuyện cũ sẽ như cái kim nhọn lòi ra. Cái Sứt nó biết, đến tai ông Thường bí thư huyện Uỷ, mình có mà chui xuống kẽ nẻ. Cái họ này sẽ lụi, không ngóc đuợc nữa. Anh Lường thở dài,cả đám im lặng,vò đầu gãi tai. Lão Tòng đảo mắt nhìn đám cháu, lão nhếch mép :
- Các anh hết kế rồi à ?
- Dạ ! Chưa hết nhưng sự thật ! …
- Sự thật ! Các anh chỉ sẵn cỗ ngồi. Khó khăn một tý là dái thọt lên cổ. Quyền lực còn trong tay mà nhu nhược vả còn cái bóng tôi lù lù đây. Hỏi đến lúc tôi chết, các anh làm gì ! Cánh họ Trương nó xỏ sẹo dắt đi đâu, các anh theo đấy chứ gì ?
- Dạ ! Chú bảo phải xoay sở kiểu gì ? Những việc anh Lường vừa nêu ra đều là sự thật, uy tín của Tâm mỗi ngày một bao trùm khắp làng xã. Bầu cử hội đồng khoá này đố chú loại được Tâm đấy. Dân chúng sẽ tiến cử Tâm đầu bảng A chứ chả đùa.
- Biết thế mà phải bó tay, đấy là đồ hèn. Lão Tòng quắc mắt, giọng hít vào :
Những việc các anh vừa nêu ra, nhận thức của các anh không tồi nhưng khẩu khí tôi thấy các anh hèn, hèn lắm.
Các anh sợ cả thằng Nghiệp nó khỏi rồ. Việc ấy tôi còn không ngán, bận gì đến các anh. Nó có bới mộ mẹ nó lên, bới mộ ông Thệ lên cũng chả chứng cớ gì. Ma chết lấp miệng. Còn uy tín của Tâm và chuyện mẹ con cái Mưa ! Có cái Nghị quyết Trung ương 5 vừa về đấy. Các anh khôngthấy cái lợi hại của Nghị quyết Trung ương 5 à ?
Xây dựng gia đình văn hóa mới, thôn bản văn hoá mới ! … Vậy gia đình văn hoá mới không thể có con em đi chửa hoang lại quan hệ thân ái với một thằng tù. Ta cứ bám vào cái đó lão Tĩnh với cái đầu cuồng tín luôn bao bọc trong hào quang của cái huy hiêụ 50 tuổi Đảng sẽ tụt vòi và khi tụt vòi lão sẽ đối lập với Tâm mà đối lập với Tâm bố con hắn sẽ lục đục, to tiếng ta kích vào và lấy cái đó để phê bình kiểm thảo, xem xét tư cách của đảng viên. Mà đảng viên đã không đủ tư cách thì còn chấp chính cái gì nữa. Lão cười hít vào, Lường và cánh đàn em tròn mắt
- Dạ ! Chú quả là bậc tiên sinh.
- Sinh với tử, Lão Tòng lắc đầu. Đấy mới chỉ là hạ kế thông thường, các anh phải bám lấy phương châm đó mà cụ thể hoá chương trình hành động của mình cho phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, phải biết dĩ bất biến, ứng vạn biến. Muốn ngồi lên đầu thiên hạ thì phải động não. Biết chỗ cương,chỗ nhu các con ạ. Còn khi phải dùng thượngkế ! Lão chau mày :
Chiều nào thằng Tâm nó cũng đến cửa hàng cái Mưa. Cứ lựa ở cái chỗ ngoặt dốc chùa, ta ở thế trên phóng xe máy va vào nó. Chỉ va cho nó gẫy chân thôi là mọi việc đều hết phim, mình bồi thường tai nạn một tý nhưng trăm bề ổn cả. Lão cười phì ra.
- Làm thế ác lắm chú ạ ! Nhà mình làm nhiều việc ác quá rồi. Cái hậu quả bà thím mù hai mắt cũng tại cái hội nghị chấp hành thu hẹp của chú cháu ta đấy. Bà thím vừa phục dịch, vừa lỏm nghe thế là ngã vào bếp !… bây giờ ta lại làm việc này nữa, e về sau hết hậu !…
- Hậu gì ? Lão Tòng vằn mắt. Các anh không làm thì để đấy. Các anh biết không, việc lão Thệ ngã vục mặt xuống trằm Đậu đâu phải tự nhiên lão ấy ngã. Bữa rượu thịt dím hôm ấy cha con tôi phải công phu, vât vả lắm chứ. Nay cái tiếng là tại lão ấy say rượu ngã chết chứ đâu có phải tại mình. Cái thánh là ở chỗ ý, mà cái ghế bí thư anh Lường đang ngồi bây giờ là có từ vụ việc ấy. Làm chính trị là phải thế. Các anh hiểu chưa. Tôi không tàn ác, các anh được thế à ? Mọi việc không bàn nữa, cứ thế mà thực hiện, riêng cái thượng kế thì phải chờ khi có lệnh của tôi. Lão nói như ra lệnh. Đám con cháu ngồi lặng, thọc tay vào bọc nhìn nhau. Lão đảo mắt nhìn mọi người rồi hất hàm chỉ tay ra phía cái cửa hàng của cái Mưa. Ở đấy người mua, kẻ bán đang tấp nập. Hiểu ý lão, anh Lường to nhỏ :
- Phải dẹp ngay chú ạ !
- Dẹp ngay ! Nhưng bằng cách nào. Lão tần ngần, tính toán. Thằng Ất lù lù đến. Lão quắc mắt :
- Việc tầy đình thế mà anh cứ nhởn nhơ. Anh không nhìn thấy cái gai đang chọc vào mắt, anh không biết chúng tôi đang nát óc sao ?
- Tuổi cao hay nghĩ dài, nó chỉ là cái bụi rền gai đáng gì mà bố và các anh phải rối lên, Ất thủng thẳng. Lão Tòng trợn mắt, hai cục lửa trong con ngươi đỏ lên đòng đọc.
- Rền gai à ! Anh đừng coi thường. Nếu không hót được nó xuống vụng ghềnh thì khó mà ăn ngon ngủ yên được đấy. Ngày trước còn bọn thằng Dỏ, cái Ló sai khiến nó dễ dàng. Bây giờ nó bè cánh với nhau cả đấy. Anh có dám làm không ?
- Sao chả dám nhưng chưa đến cái ngữ Ất này phải dúng tay vào. Chả có Dỏ, có Ló thì có người khác. Ất vẫn thủng thẳng .
- Có ai ? Lão Tòng hỏi dồn :
- Trên Lộc Thượng còn thằng Vạn. Nhà nó rách như tổ đỉa, ta rớt ra một tý việc gì nó cũng làm.
- Dây vào cái thằng nghiện ấy anh tưởng đùa à. Không khéo ngồi tù cả lũ.
- Bố đa mưu mà !…
- Mà sao ? Lão Tòng lại hỏi dồn :
- Thế này nhá ! Nó vừa có giấy của trung tâm cai nghiện cho về. Nhà nó khó khăn ta cho nó vay tiền chả những không có tội mà còn được cái tiếng giúp đỡ nó khắc phục khó khăn để hoà nhập với cộng đồng làng Lộc. Khi nó chịu ơn mình, mình sai việc gì chả được.
- Thế anh định sai nó việc gì ? Anh nói ra ngay xem.
- Ất cuời : Khi nó chịu ơn mình rồi thì cho nó một ít tiền, bảo nó thuồi một bao phân trộn lẫn đất vào cửa hàng của con Mưa rồi ta cho kiểm tra, khám xét. Khi phát hiện ra hàng rởm lập biên bản, yêu cầu đóng cửa cái cửa hàng ấy. Việc này thành công, lão Tĩnh và tay Tâm còn è lưng ra mà kiểm điểm vì cái vốn gây dựng cửa hàng là doTâm gây dựng. Lúc ấy ta qui tội, khai trừ Đảng cả lượt bọn dây dưa đến cái Mưa.
- Rà ! Lão Tòng cười tít mắt, hai tay lão vỗ đen đét vào đùi. Quả là con hơn cha thật. Bổ sung vào Nghị quyết, phân công luôn việc này cho Ất. Cả đám gật đầu đồng tình và họ thọc tay túi quần đứng dậy. Họ mở to cửa nhà rót rượu chúc mừng nhau và ngấm ngầm thực hiện kế hoạch đó. Ất được giao một khoản tiền để thi hành công vụ. Ất tự hào với bọn đàn anh và y cho đây là một chiến công lớn để chứng tỏ rằng y không phải là một thằng hèn như mọi người hằng tưởng.
Ất mon men bắt nối với Vạn. Trong một bữa nhậu ở quán bà Bẹo. Ất bảo : Mày cứ lừa lúc mẹ con nó thổi cơm trong bếp ném cái bao phân lẫn đất vào rồi xin ngụm nước uống rồi về. Anh Ất không phụ công mày đâu. Vừa nói Ất vừa dúi vào tay Vạn tờ giấy bạc, Vạn cười tít mắt :
- Tưởng việc gì chứ việc này thằng Vạn làm nhẹ như bấc. Anh Ất cứ về đi. Đâu sẽ vào đấy cả. Họ nâng cốc và nắm chặt tay nhau.
Ngày hôm sau, lúc cửa hàng của Mưa đang tấp nập người mua, kẻ bán. Một tốp người ăn vận nghiêm trang do ông Phạm Lại phó chủ tịch phụ trách công an xã dẫn đầu, trong đó có ông trưởng thôn làng Lộc, anh cán bộ khuyến nông, ông cán bộ Thuế và mấy ông cán bộ văn phòng Ủy ban, cặp to, cặp bé rồng rắn nhau kéo đến. Sắc mặt họ đều lạnh như kem. Ông Lại nghiêm trọng nói:
- Thay mặt ủy ban nhân dân xã, yêu cầu chị Mưa vui lòng ngừng bán hàng để kiểm tra hàng hoá vì có đơn thư khiếu tố đến ủy ban, nhà chị bán hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Vừa nói hắn vừa mở cặp lôi cái lệnh ra đọc.
Mưa không ngẩng lên, cô vẫn vừa giao hàng cho khách vừa thong thả nói:
- Vâng, các ông cứ việc thi hành công vụ của người làm chức nhiệm. Tôi xin được một đề nghị :
Trước khi triển khai công việc, các ông phải lập biên bản, có khách hàng của tôi tại đây làm chứng.
Lại cười - về thủ tục chị khỏi lo .
- Vâng, các ông triển khai đi nhưng theo cái quyết định các ông vừa đọc, tôi là người bị nghi vấn làm ăn phi pháp, buôn bán không chân thật. Việc đó khi kiểm tra hàng hoá nếu đúng tôi xin giao cả cái cửa hàng này cho xã và chịu tội trước pháp luật của Nhà nước. Còn nếu không có các ông phải đền uy tín cho người hành nghề. Tạm tính cả vốn lẫn lãi cái cửa hàng này là 50 triệu đồng. Tôi chỉ lấy phần đền bù danh dự bằng một phần trăm. Các ông ghi vào biên bản, ta cùng ký kết rồi triển khai công việc.
- Nhất trí ! Lại cho anh thư ký ngửa giấy tờ và họ cùng ký kết.
Cuộc khám xét được tiến hành tỉ mỷ, chi tiết. Họ thuê cả đám khách hàng cùng dỡ từng bao phân ra kiểm nghiệm. Anh cán bộ Khuyến nông cẩn thận xem kỹ từng bao phân. Túi nào anh cũng nói : Đảm bảo chất lượng, ông thư ký ghi biên bản lặng lẽ chép theo. Đến hàng túi cuối cùng thì cả đám người rời rã, thấp thỏm, nhìn thấy sự thất thố, Lại gượng cười :
- Việc như thế là xong. Việc xã kiểm tra cũng là thời cơ tạo điều kiện cho cô Mưa bán hàng thuận lợi hơn. Tránh tiếng bàn tán xì xào làm mất uy tín cửa hàng của cô.
- Cảm ơn các ông, nhưng công việc là công việc. Cái biên bản chúng ta đã ký, cứ thế mà thực hiện.
- Vâng ! nhưng để chúng tôi về báo cáo ủy ban rồi sẽ trao tiền cho cô sau.
- Cũng được, nhưng các ông phải ký vào biên bản.
- Vâng. Lại hất hàm ra hiệu cho người thư ký. Cái biên bản lại được bày lên bàn. Lại thò bút ký. Mưa cùng những người làm chứng cũng ký. Việc xong, cái biên bản được sao làm hai bản. Mưa giữ một, ông Lại giữ một. Đám người vội cuốn gói ra về. Mưa bảo :
- Còn việc này nữa
- Việc gì ? Lại gặng hỏi :
- Các ông đi theo tôi, vừa nói Mưa vừa kéo tay ông Lại. Cả đám người miễn cưỡng lủi thủi buớc theo. Mưa đi về phía cái mảng nứa ở bến gáy. Anh Nghiệp đã chờ sẵn. Mưa bảo anh kéo Vạn lên. Giữa ba quân chín tướng, giọng Mưa rành rọt :
- Chiều hôm qua mẹ con tôi đang thổi cơm tay này vác một bao phân rởm có độn lẫn tro, cát lủi vào kho hàng của tôi. May quá lúc ấy anh Nghiệp đi bẻ lá sắn cho cá về nhìn thấy, anh tóm cổ. Hắn khai cả rồi. Tôi định gọi làng rồi giao ngay cho ủy ban nhưng đêm tối, nhờ anh Nghiệp giữ ở đây. Giờ các ông đến. Đề nghị việc này phải làm rõ. Nếu không tôi kêu lên huyện. Anh Nghiệp lôi Vạn từ cái lều lên bờ. Nhìn thấy Vạn mặt Lại biến sắc. Nhưng vốn là người từng trải Lại hất hàm ra hiệu cho mấy tay công an xóm, giọng lạnh lùng :
- Dẫn hắn về ủy ban. Mấy tay công an xóm biết ý Lại xốc nách Vạn kéo đi. Đám người trên cửa hàng xô đến, họ la ó.
- Phải trói cổ hắn lại. Để an đám đông Lại hất hàm, lập tức hai tay Vạn bị trói vặn cánh khửu. Đám nguời vẫn xô theo ném đất, ném đá. Lại phải mất nhiều công lắm mới dẹp được.
Ở trên xóm, thấy chuyện om xòm lão Tòng bảo Ất :
- Mày láng xe ra xem khỏi hay đám thằng Lại làm hỏng việc rồi.
Ất vội đẩy xe, nổ máy. Chiếc xe vừa thò ra đường làng, Ất nhìn thấy Vạn đang bị trói vặn cánh khửu đi trước đám người, mặt Vạn cúi gập xuống đất. Biết việc gì đã xẩy ra, mắt Ất tối ập, tiếng ga rồ lên, con xe phóng vun vút. Đến lưng cái dốc chùa thì tự nhiên đầu nó lao bập vào cái cột đình, thằng Ất bị văng ngang xuống vệ đường, một bên dóng chân xương lòi ra. Làng xóm vã đến, nhìn Ất họ tặc lưỡi : ác giả , ác báo. Nhưng người ta vẫn túm lại băng bó và đưa Ất đi bệnh viện. Lúc này đang giờ ngọ, trên cái cửa hàng của Mưa vẫn chật người họ đổ dồn ánh mắt theo cái cáng đang khiêng Ất về phía bệnh viện. Đám thanh niên cười nói bô bô : - Cái dốc chùa này thế mà thiêng thật :…
***
Giúp Mưa dọn dẹp gọn gàng hàng họ sau công viẹc cuối ngày, Nghiệp trở về cái mảng nứa. Anh lủi thủi vứt cỏ vào cái cũi cho cá ăn, làm xong anh đổ gạo vào nồi nhóm lửa nấu bữa. Ngọn lửa vừa cháylên thì từ trên bờ anh Dỏ đặt gánh ống lươn tựa vào cái bờ đất cứ thế bên chân quần cao, bên chân quần thấp anh sồng xộc chạy xuống cái mảng nứa. Vừa chạy anh vừa ô ố gọi :
- Nghiệp có nhà không ? Nghiệp có nhà không ? Nghiệp chưa kịp thưa anh đã nhào vào cái mảng. Cái mảng chòng chành, nồi cơm trên bếp sánh ra,bếp lửa khói phùi lên xèo xèo. Anh ngẩn người vội ngồi thụp xuống cái mảng hai hàm răng nở ra trắng hởn ; ta đoảng quá, có đổ mất không ?
- Không. Anh ngồi đây đi. Vừa nói Nghiệp vừa kéo cái mảnh ván đặt ngay cái mảng. Anh Dỏ rón rén khẽ đặt đít ngồi xếp bằng. Anh tròn mắt nhìn Nghiệp rồi thò tay mở vung cái nồi
- Giời đất, có một mình mà nấu đầy thế ?
- Em nấu để xơi cả ngày mai.
- Khổ ! lên bờ mà lấy cô vợ , ở cho nó sướng tội đếch gì. Cứ tưởng là mày rồ ! Ai ngờ ! Nhưng mà đến lúc vỡ ra chuyện thì cũng mất non nửa đời người rồi. Thế hơn mười năm nay mày thì thụp sống thế này à ? Xem nào, ăn ở kiểu gì : Vừa nói anh Dỏ vừa thò tay lục cái thùng ở xó bếp. Tương ớt, muối nuớng, quả cà gai muối chua, vài cái bát sứt sát, đôi đũa tre và mấy cái cùi thìa bằng gỗ tự gọt lấy. Bày hết các thứ ra bếp anh Dỏ cười hề hề :
- Mày sống như sư ấy, sao không lên chùa mà tu ? Khổ, nhưng làng Lộc mình cũng có đình chùa nữa đếch đâu. Họ phá hết để làm nhà kho, làm trại chăn nuôi rồi. Cái bến Gáy này là thiêng lắm đấy. Ngày phá chùa Thông tượng phật đập vỡ, bà thích ca đều lẳng xuống đây. Đêm đêm bao nhiêu hồn ma cứ níu nhau bò lên cái hòn đá Gáy kêu khóc. Cánh trẻ trâu ra đây tắm chết đuối mấy đứa. Cả con ông Gáo Dừa bơi lội tài thế mà cũng ngỏm. Khi ông ba Thịnh thả câu ngoắc được lên thì cái bụng đã đầy nước to như cái thúng cái. Từ ấy người làng Lộc không ai dám bén mảng ra đây nữa. Chỉ có từ ngày mày rồ thì cái bến này lại có người. Khổ tao cũng cứ tưởng mày rồ thật. Ai ngờ ? Mà mày to phổi thật. Người mà ở được với ma khiếp quá. Thôi cắt cái băng này đi, lên bờ ở. Hèn như tao còn có túp lều. Đời người muốn gì cũng phải có túp lều , có vợ có con chứ. Mà cư dọn lên bờ, ở với mẹ con cái Mưa nhà cụ Tĩnh ấy. Cái việc nó chửa hoang thì bận đếch gì. Sẵn con mình nuôi, ở với mình, mình chăm bẵm nó là thành ruột thịt. Quan trọng gì đâu. Anh Dỏ cười hề hề, vừa cười tay anh vừa thò vào lọ cà gai bốc một quả bỏ vào mồm nhai đôm đốp.
- Mày muối cà khéo thật. Thế này mà có một cút cũng hay đấy. Anh Dỏ lại cười hề hề : ở một mình thế này mày không dùng cút à ?
- Không ! Nghiệp lắc đầu :
- Thế thì mày khổ là phải . Đàn ông mà không biết cái nước ở trong cút thì chả phải là thằng đàn ông. Tao ngày đi cày, đêm về đi cắm ống kiếm lươn, kiếm trạch nhưng cứ phải đầy một cút. Đấy cứ cắm hết ngần kia cái ống xuống bờ trằm, bờ đập về đổ cái cút ra làm một cốc đầy rồi vào vỗ đít mẹ đĩ, sướng nhá. Ngang tai, ngứa mắt cái gì cứ chửi toáng lên sợ đếch gì mà phải ẩn dật như mày. ẩn dật, kham khổ như mày chỉ thân làm tội đời thôi được cái đếch gì. Nghe tao cứ lên chỗ mẹ con cái Mưa mà ở. Nó đang thì gái một con, nom hay phết. Mà nghe chừng nó cũng thương mày đấy. Cái hôm xã khám quầy hàng của nó, lúc mày dắt cái thằng Vạn ra đám đông, tao thấy nó nhìn mày hai tay cứ vê nhàu cái vạt áo, biểu hiện ấy chả có ý là gì . Mày cứ liều đi, liều là được. Anh Dỏ lại nhìn Nghiệp cười hề hề :
- Anh Dỏ nói hay như diễn chèo á. Nhưng mỗi người mỗi phận. Anh thế thì đuợc, làng Lộc chả ai dám làm gì. Nghiệp mà thế thì cái lưng lại suốt ngày dãi đày ở sân Ủy ban mà xới cỏ vì Nghiệp là thằng có án !
- Án với ngữ ! Cái việc ấy vỡ ra rồi. Ngày mày đập cái thước vào mặt lão Thệ, cái việc đập là đúng. Lão ý cưỡng hiếp mẹ mày, đập vào mặt lão ấy là phải . Nhưng tình ngay, lý gian nên mày mắc cái tội đánh người. Mày mắc cái tội đánh người một phần cũng tại cái tính lá phải, lá trái của lão Tòng nữa. Nhưng chuyện ý nhắc lại làm gì. Trồng cây gì thì được quả ấy, lão Thệ cũng thay tiểu rồi . Cái việc lão ngã vục mặt xuống cống Đõ là cũng do lão Tòng chứ. Khốn là thế nhưng chả biết độn thổ thế nào sau khi lão thệ chết quyền bính làng xã này lại tập trung cả vào tay lão Tòng. Cứ thế lão dắt díu dòng họ vào các chức sắc rồi gieo rắc bao nhiêu ngang trái xuống làng Lộc. Bao nhiêu chuyện mờ ám,bao nhiêu nguời bị ức hiếp thế mà cả lò, cả ổ nhà nó cứ nhơn nhơn tồn tại. Nhưng mà bây giờ cũng hết thời rồi. Ông trời đã có mắt, nó không thể làm gì được mấy nữa. Trên làng bây giờ cái việc nuôi bò, nuôi trâu, đào ao, thả cá, làm vườn mở mang trang trại đầy. Người tốt như anh Tâm, anh Thành, anh Lập hiện giữa làng như thần đồng. Cánh Tòng ngán lắm nhưng đếch làm gì được, nhiều chuyện còn phải giàn hoà. Phen này đến bầu cử, bọn xấu sẽ bị thay thế hết. Mày cứ dọn lên bờ mà ở, sợ cái đếch gì. Anh Dỏ lại cười hề hề vàthò tay vào nhóp quả cà nữa bỏ vào mồm nhai. Có tiếng cá quẫy ũng ẵng ở dưới gầm hòn đá Gáy, anh Dỏ thò cổ ngó. Nghiệp bảo :
- Cá nó đòi ăn đấy !
- Mày có cần câu không ?
- Cá Nghiệp nuôi mà. Vừa nói Nghiệp vừa đẩy cái mảng vào cửa hang, Nghiệp lôi bó cỏ vứt vào cái cũi. Những con trắm to ngoi lên xoè đuôi quấn quýt. Anh Dỏ tròn mắt :
- Mầy nuôi cá trong cũi à ? Cá nhiều thế mà mày nhắm cơm với muối nướng, cà gai. Đúng là giời đày mày thật. Tóm lấy một con, tao tìm cút về nhá. Anh Dỏ cười tít mắt. Nghiệp túm con cá to, xọc vào cái dùi mang đặt ngang bếp lửa. Cả thân con cá vàng hếnh, nứt nở trên than lửa. Anh Dỏ xách cái cút về, họ bày con cá lên tàu lá chuối, đặt giữa mảng. Anh Dỏ ngửa hai cái bát, rút cái nõ ngô ở cổ cái cút rót đầy hai bát. Họ nâng cốc, Nghiệp nhấp một ngụm, nhăn mặt rồi phì vội xuống sông. Anh Dỏ bảo :
- Thật tội, phí của giời quá, bằng ba bát cơm đấy. Thôi không uống được thì ăn đi và anh thò tay bóc cá đưa cho Nghiệp. Tợp hết bát rượu. Anh vặt cái vây con cá nhấm nháp, mắt đổ ra bến sông. Anh hỏi Nghiệp : Cá nuôi trong cũi cũng như nuôi lợn à ? Ai bày cho mày ?
- Buồn thì nghĩ ra việc cho vui. Không có cái cũi cá này thì Nghiệp rồ thật. Đi câu, đi cụp về ăn chả hết, sẵn mấy bó tre, nứa vớt được, đóng cái cũi thả vào,vứt cỏ cho nó ăn dần thành việc. Ở với cá khoái lắm anh Dỏ ạ .
- Ừ ! vừa có chén lại vui mắt, mát lòng đếch phải dòm ngó, dề bửu nhau như ở trên đất. Dạy cách anh Dỏ làm theo nhá. Có khó khăn, tốn kém không ?
- Vốn chỉ bỏ ra bụi tre, vài trăm mua giống.
- Được, được, bụi tre nhà anh Dỏ có, vài trăm bạc bỏ vài đợt lươn trạch không be cút là có. Anh Dỏ làm đuợc. Chuyện này mà vỡ ra có khi cả làng còn bắt chước anh Dỏ ra sông cùng với Nghiệp nuôi cá cũi đấy. Thế nhá, bây giờ anh Dỏ đi cắm ồng đã. Sắp tối rồi, vừa nói anh Dỏ vừa đứng dậy Nghiệp khùa vợt vào cũi túm một con trắm nữa xâu vào cái lạt.
- Biếu anh đấy.
- Cảm ơn, cảm ơn. Anh Dỏ tròn mắt nhìn Nghiệp rồi xếch con cá buộc vào cái đai quần, bước lên khỏi cái mảng. Nhìn theo anh, lòng Nghiệp mênh mênh như bến nước. Từng con sóng cứ dồn nhau dào dạt vỗ vào bờ.
Cắm xong mẻ ống lươn, anh Dỏ vẫn đeo con cá lủng lẳng ở sườn hông, anh lững thững đi về nhà. Qua chỗ dốc chùa, đám thanh niên làng Lộc đang túm năm tụm ba ở cái nhà kho cũ bàn chuyện học cách làm của nhà anh Tâm đưa cây lên núi Châm, núi Xộp. Tính cách đào muơng cấy lúa hai mùa.Thấy anh chúng cười phá lên :
- Nom anh như hề sắp lên sân khấu ấy. Cá to thế,anh chộp được ở hồ à ? Con này là bay mấy cút đây ! Mấy cút chị Dỏ tha hồ mà kêu giời !…
- Giời với phật gì, tụi bay đừng quên xem nhẹ anh Dỏ nhá. Cá này là thằng Nghiệp nó biếu đây. Cái mảng của nó có hàng tạ cá, nó nuôi trong cũi, tuyệt lắm. Ngày mai anh Dỏ cũng ra sông nuôi cá cũi với nó.
- Nuôi cá cũi hay là nuôi cá cút ! Đám thanh niên cười rộ lên. Anh Dỏ cũng cười theo rồi lếch thếch kéo con cá đi về nhà. Vừa đi anhvừa ê a hát. Chị Dỏ bảo :
- Lại say ở đâu phỏng ?
- Say với sưa. Mẹ mày tưởng rượu sẵn như nước hồ đâu mà lúc nào cũng say. Đây này, vừa nói anh vừa vật con cá ra giữa sân. Chị Dỏ tròn mắt ;
- Bắt được ở đâu mà to thế ?
- Bắt với bớ gì. Thằng Nghiệp nó biếu đấy. Ở cái cũi của nó có đến hàng mấy tạ cá như thế này nhá. Thích lắm.
- Cá chứ phải lợn đâu mà ở cũi. Chị Dỏ trố mắt.
- Cũi thật mà nị, y hệt cái cũi lợn mà nị. Chả tin mẹ mày đến mà xem. Tôi còn hứa với nó chặt tre đóng cũi cùng nuôi cá với nó mà. Thôi, mẹ mày đừng hỏi nữa, đem ra giếng mổ, bỏ vào luộc. Nói rồi anh vê thuốc nhồi vào nõ kéo một hơi thật dài. Hít sâu làn khói thuốc vào lồng ngực. Khắp người Dỏ mênh mênh sông nước. Cái mảng nứa của thằng Nghiệp ở dưới vụng bến Gáy hiện ra với những chiếc cũi cá lúc nào cũng lũng bũng, rùng rình những con trắm xoè đuôi quấn vào nhau cùng ăn cỏ. Sự sống ở đấy, nguồn thu nhập ở đấy, thế mà người làng Lộc không ai nghĩ ra. Mấy ông có quyền sắc đứng đầu là lão Tòng chỉ nghĩ cái việc đấu đấm, tranh giành quyền chức rồi tìm cách vặt gấu quần dân đen, trông nhờ vào họ có mà chết đói. Phải học thằng Nghiệp. Cái thằng Nghiệp thế mà giỏi. Anh Dỏ gật gù một mình và lại rót rượu uống. Rượu ngấm anh càng thương thằng Nghiệp, nước mắt anh ứa ra và cứ thế anh rủa những thằng đểu đã đổ tai hoạ xuống cuộc đời mẹ con Nghiệp . Anh cứ ngồi thế một mình, cái bến Gáy lại hiện ra trước mặt anh lềnh bềnh cái mảng nứa, bên cạnh cái mảng nứa là những chiếc cũi ngâm trong nước, thỉnh thoảng những con trắm to lại ngoi lên xoè cái đuôi dải quạt quấn quýt tranh nhau rứt cỏ. Thằng Nghiệp ở đấy,hơn mười năm nay nó lầm lũi với sông, với cá. Người làng Lộc bảo nó rồ, có mà người làng Lộc rồ thì mới đúng. Lòng anh mơ màng, mang mang sông nước. Anh ngồi lặng bo cái cút suy nghĩ. Bỗng tiếng gà rộ lên, bầu trời nhoe nhoe những tia sáng hắt ngược phía núi Châm, anh lùi lũi cầm dao, cầm rìu ra hòn đá mài ở chĩnh nước, cứ thế chổng mông anh mài. Khi lưỡi rìu, lưỡi dao ngời lên ánh thép anh hùng hục chặt gục bụi hóp ở góc vườn. Chặt xong cứ thế anh nghềnh nghễnh khênh vác ra bến Gáy. Nghiệp bảo :
- Tưởng nói đùa, anh làm thật à ?
- Làm chứ. Dỏ này có bao giờ nói suông. Nửa đời nay phơi lưng ngoài đồng, cắm mặt chúi mũi khắp bờ hồ, bờ đập kiếm lươn, kiếm trạch. Khổ thế mà còn phải làm. Ở đây chỉ việc đóng cái cũi, mua cá giống thả rồi vặt cỏ cho nó ăn, sẵn đấy mà nhắm rượu tội gì chả làm. Có giúp không hay sợ anh Dỏ phát tài hơn à ?
- Không phải sợ anh phát tài mà sợ người làng Lộc sinh sự !
- Đứa nào sinh sự đã có anh Dỏ. Thôi làm đi. Anh Dỏ bát đầu kéo tre, kéo hóp tuồn xuống sông. Nghiệp bày cách cho anh đóng cũi, bó mảng. Công việc thầm lặng mà gian khổ, họ cứ lầm lũi ngày này qua tháng khác. Đến khi những cái cũi được cột chặt vào mảng nổi bềnh giữa cái bến Gáy. Anh Dỏ phấn khởi bảo :
- Trước khi mua cá về nuôi, phải làm cái lễ cúng thần sông nhân thể kết nghĩa anh em cùng sống chết trên cái mảng này nhá.
- Anh Dỏ mà cũng biết mê tín nhề ? Nghiệp cười
- Không phải mê tín, đấy là lòng thành của mình để tạ ơn trời đất. Trời đất sinh ra núi sông,đồng ruộng cho con người sinh sống. Có con sồng để mình đóng cũi nuôi cá là công lao của trời đất chứ anh Dỏ có tự đào được sông đâu, vả cũng phải có cái lễ để chứng tỏ tình cảm của anh Dỏ với Nghiệp là có thật mà nó phải bền bỉ suốt đời chứ không phải được thì ha hả, không được thì hy hỷ ! Anh em là phải như cái chân, cái tay ấy, phải cùng sống bằng máu ở quả tim mình chảy ra chứ. Phải thế không ?
- Phải ! Nghiệp gật đầu.
- Phải thì làm ngay. Mày dọn cái mảng thật sạch sẽ đi để lấy chỗ bày cỗ. Tao về bảo mẹ cái đĩ đặt xôi, mổ gà, mua nước vào cái cút, xế trưa một tý là dâng lễ. Vừa nói anh Dỏ vừa đẩy cái mảng, chao chân xuống nước rồi leo lên bờ. Nhìn theo anh, cái tấm lưng cởi trần rán màu nắng gió mắt Nghiệp nhoè nhoẹt. Anh không ngờ trong tâm hồn một con người bấy nay chỉ biết be, cút, mở mồm là đếch với đéo, làng Lộc vẫn bảo là thằng nát rượu mà vẫn còn giữ được phong tục tập quán, vẫn biết ơn đất, nhớ trời. Có lẽ, việc anh nát rượu cũng là sự bức bối, nó giống như việc mình giả vờ rồ thôi. Từ ngày bắt tay vào cái việc đóng mảng nuôi cá cũi này tính tình anh ấy đổi khác hẳn . Có lẽ chỉ có tìm tòi tạo ra công việc thì con người sẽ đẹp lên. Nghiệp suy nghĩ và tự cắt nghĩa như vậy. Anh lủi thủi dọn dẹp cái mảng lấy hai bó nứa kê cao lên, đặt ngang mảnh ván ở giữa để lấy chỗ bày cỗ. Việc vừa xong thì vợ chồng, con cái anh Dỏ cũng ra. Anh Dỏ đi đầu, chị Dỏ đội cái mâm có con gà luộc vắt chéo cánh tiên đặt trên đĩa xôi còn đang bay hơi nghi ngút. Mấy đứa trẻ lẫm bẫm theo sau, giọng anh kính cẩn.
- Kéo mảng vào đi.Nghiệp đẩy sào, cái mảng nứa quay ngang đầu trạm vào bến Gáy. Anh đỡ cái mâm trịnh trọng đặt lên án, cau, trầu, nước, rượu cũng đặt lên ngay ngắn. Anh bảo vợ con cùng Nghiệp đứng dàn hàng ngang.Khi nén nhang cháy lên, anh Dỏ cúi đầu quì xuống vái ba lễ. Miệng anh thành kính :
" Thưa lòng sông, thế núi. Thưa hà bá thần thiêng tại nơi bến Gáy Sông Lô. Con là : Lã Văn Dỏ, vợ là Đỗ Thị Dành. Em chú là Trần Xuân Nghiệp cùng đàn con cái. Hôm nay, ngày lành tháng đẹp, vợ chồng, anh em, con cháu nhà con vừa kỳ cạch xong cái mảng để nuôi cá, cũng từ công việc anh em con (Dỏ và Nghiệp) gắn bó thành ruột thịt xin được Thần sông, Thế núi phù hộ cho chúng con khoẻ mạnh, làm ăn tấn tới ra thoát khỏi cảnh nửa đêm gà gáy lần bờ rưng, bờ ruộng kiếm ăn. Con xin đa tạ " … anh cúi đầu kính cẩn lễ ba lễ nữa và ra hiệu mọi người cùng làm theo; việc xong cả nhà ngồi quây tròn giữa cái mảng. Gió sông rười rượi tràn lên. Nghiệp bảo :
- Cứ ngỡ anh Dỏ chỉ biết uống rươụ .
- Ờ, ai cũng ngỡ thế. Nhưng mày bảo ở cái lều, nửa đêm gà gáy mò mẫm kiếm ăn lại còn bị ức hiếp, doạ nạt nữa thì chả mượn rượu mà chửi bố những thằng đểu lên à.
- Đời anh Dỏ không phải đi tù như mày nhưng cũng cực, cũng ức lắm chứ. Giọng anh Dỏ tự nhiên trầm xuống bùi ngùi :
Có mẹ đĩ đây nhưng anh Dỏ vẫn kể : Ngày xưa, thời bác Y Ấn còn làm bí thư xã ý, tao làm ở trại chăn nuôi, lão Hò làm trưởng trại, lúc ấy cái Lữ (bây giờ gọi là cái Ló mẹ cún Lở kia kìa). Nó có tình mà thương tao thật. Nghĩ thật thà tao trình chuyện này với lão Hò để được tự do quan hệ. Thế là lão ý ngấm ngầm đưa tao đi tân bình.Khổ cái mắt của tao một bên lại bị mờ thế là bị thải. Tao về lão đẩy sang đội chuyên canh suốt ngày đi đào mương, đắp đê và lão ta câm bặt không cho cái Lữ gặp tao nữa. Lộn ẩu thế nào lúc cái Lữ bụng ềnh lên, đẻ ra cái Lở. Người ở trại chăn nuôi bảo là con mấy ông chớp phim, nào có phải phim với ảnh gì. Cái Lữ gặp tao nói hết nhưng nó dặn không được nói với ai, thương nó thì chỉ để trong lòng thôi. Nói ra cánh lão Hò sẽ cho đi xới cỏ sân ủy bản cả đời. Tao biết nhưng thương cái Lữ đành ngậm miệng, lầm lũi mãi ở cái đội chuyên canh suốt ngày đi đào mương, đắp đê cuối cùng giời thương thế nào gặp bà Dành này. Chuyện buồn cười lắm nhá. Hôm ý đắp đê ở gần ngòi thông, bà Dành đặt quang gánh trước mặt, tao xúc đất đổ vào, chả biết thế nào lại bên đầy, bên vơi. Bà Dành nhấc gánh, ngã khịu xuống, tao đứng ngẩn tưởng bà ấy mắng, ai ngờ bà ý lại cười rồi bảo : Người đời thật ! Thế rồi hai người có ý với nhau, đúng là giời se duyên thật. Có đúng thế không mẹ đĩ nhỉ? Cả nhà cùng cười rộ lên. Anh Dỏ cũng cười rồi nói thêm: Chả đúng mà đẻ được bốn, năm đứa con, đứa nào cũng trùng trục như phỗng cả.
Chỉ được cái huếnh ! Chị Dỏ lườm dứ khẽ ngón tay vào gáy anh Dỏ. Cả nhà lại cười phá lên. Cái mảng rùng rình sóng vỗ vào óc ách. Ở trên bờ, Mẹ con Mưa đang dắt tay nhau đi xuống. Thấy cỗ bàn, cả nhà vui vẻ. Mưa bảo:
- Thấy cỗ to, chả mời mẹ con Mưa cũng đến. Xin được đóng góp chút lòng thành mừng cho công trình, mừng cho tình huynh đệ của cả nhà. Vừa nói Mưa vừa đặt nải chuối, cái phong bì lên án. Anh Dỏ đốt hương vái ba lễ. Mẹ con Mưa cũng vái theo.
Nghi lễ đang trang trọng thì có tiếng động cơ o o, ình ịch. Anh Dỏ nhìn ra, một chiếc xuồng máy đang từ phía ghềnh Vại rẽ nước lao thẳng về phía cái mảng. Đến chỗ dòng nước hai, cái xuồng máy quay một vòng tròn rồi cắm mũi vào cái mảng. Trên xuồng là Phó chủ tịch Lại, hai người công an viên phụ trách an ninh trật tự của xã và một anh cán bộ phụ trách văn hoá xã hội. Lại nhìn vào cái mảng mặt lạnh như sắt nguội. Nghiệp lóng ngóng chân tay run nảy lên. Anh co người ngồi nép vào tận góc cái mảng. Cảm giác hơn mười năm từ cái buổi công an giải anh ở trong kho phân đạm ra nhà thờ họ Trịnh lại hiện về. Nghiệp bo chặt hai tay vào gối. Anh Dỏ vẫn lặng lẽ làm lễ. Anh trang trọng đốt ba nén nhang nữa lên án thờ, cúi đầu vái một lễ rồi quay ra. Đôi mắt anh trợn tròn dội vào cái xuồng máy:
- Tưởng ai, hoá ra là ông Phó chủ tịch xã. Có việc gì?
- Chúng tôi đang thi hành công vụ. Lại nói như phát lệnh.
- Vụ gì? Hay vẫn cái trò như việc khám xét ở hàng cô Mưa?
- Không khám xét gì nhưng đề nghị dẹp ngay cái trò mê tín dị đoan này đi. Cả làng xã đang học tập Nghị quyết Trung Ương 5 xây dựng đời sống văn hoá mới mà các anh lại cúng bái ở giữa sông này à. Ai bày cho các anh làm?
- Anh Dỏ này bày chứ còn ai! Anh Dỏ này hỏi nhá, Có cái nghị quyết gì mà cấm cúng ông bà tổ tiên không? Vừa nói anh Dỏ vừa rút cái sào nứa cắm phịch xuống lòng sông. Mắt anh như cục lửa dội vào cái xuồng máy. Anh cán bộ phụ trách văn hoá xã hội chột dạ khẽ thò tay bấm vào vai Lại. Lại quay ngoặt vòng tay lái. Mũi cái xuồng chồm hẳn lên. Cái mảng nứa rùng rình. Dỏ nhao người theo cái sào nứa, suýt thì ngã tùm xuống sông.
- Chơi thật à? Dỏ trật ngực chống nẹ thách thức.
- Không chơi bời gì, yêu cầu dẹp ngay hương khói. Lại ra lệnh.
- Thế ngày giỗ bố các anh có người đến dẹp hương khói thì có được không? Văn hoá gì kiểu ấy! Quân vô loài biết điều thì bước không có anh Dỏ dìm xuống vụng làm mồi cho cá đấy.
- A ! Dám thách thức người chức trách à ?
- Chức với trách gì. Đừng mượn quyền hành lấy thịt đè người nhá. Anh Dỏ làm nghề lấy lòng thành của mình tế thần linh sông nước, tưởng nhớ hương hồn bà Lâm để kết nghĩa với thằng Nghiệp cùng làm ăn. Các ông đừng quy kết, đừng dài dòng văn tự anh Dỏ điên lên lành làm gáo vỡ làm muôi đấy.
- Anh dám cãi lại người có chức sắc, to gan nhể. Lập biên bản dỡ toàn bộ cái mảng này về trụ sở.
- Gớm các ông tưởng làm thế dễ à. Cái thời ăn cướp trâu bò của anh Nghiệp qua rồi nhá. Cả cơ nghiệp nhà tôi đấy. Chị Dỏ ra miệng.
- Trên bờ lố nhố dân xóm kéo ra. Lão Tòng đi đầu có cả anh Tâm cùng mấy ông beo béo, trăng trắng. Thấy dưới mảng lộn xộn, linh tính rất nhậy lão Tòng sốt sắng:
- Báo cáo anh việc phát triển kinh tế nghành nghề ở làng Lộc bây giờ đang mở ra nhưng vẫn còn mạnh ai người ấy làm chưa được quy củ lắm. Đồng chí Tâm thì mạnh cái mặt đưa cây lên đất trống đồi trọc. Cô Mưa thì kinh doanh dịch vụ, những việc đó đã có hiệu quả còn nuôi cá lồng ở dưới sông cũng mới chỉ nghe, bây giờ đồng chí về bọn em cũng mới vỡ ra đây. Đó, đường sá xuống bến cũng còn khó thế này. Lão phò phỉnh.
Biết có chuyện, Lại vòng tay lái. Chiếc xuồng máy lao vút ra giữa sông cứ thế vọt nguợc phía ghềnh Vại. Anh Dỏ đứng ngẩn , hai đốm lửa trong mắt vẫn đỏ đọc. Giọng lão Tòng từ trên bờ vọi xuống sang sảng :
- Anh Dỏ ơi, việc nuôi cá trong cũi thế mà vang lên tận huyện rồi đấy. Đồng chí Bí thư huyện ủy bận trăm công nghìn việc mà vẫn cất công về tận nơi để được tai nghe, mắt thấy. Nào kéo cái mảng vào gần một tý. Sao cứ đứng đừ như cây cột ấy hay là thiếu cái nước trong cút ! Vừa nói lão vừa kéo sợi dây neo. Nhìn bộ mặt lão anh Dỏ biết lão đang diễn kịch, giọng anh giá ngắt :
- Các ông thích thì xuống mà xem. Nghiệp ôi ! gọi cá lên đi. Nghiệp lo so đẩy mảng sát vào cửa hang, anh thò tay búng vào cái ống bương ba búng. Mặt nuớc bỗng rùng rình những con trắm từ dưới đáy cũi ngoi lên. Nghiệp ném bó cỏ, đàn cá cùng dâu đâù vào rứt. Chỉ trong nháy mắt bó cỏ chìm nghỉm. Bến sông dịu mát hẳn đi, hai hòn lửa trong mắt anh Dỏ cũng nguội tắt. Anh bảo:
- Chú Nghiệp nó hiểu được tính nết của cá đấy. Thế mới tài chứ. Đừng tưởng nó có án là xấu mãi. Làng Lộc ối thằng còn xấu hơn nó đấy.
- Hay, hay…giọng ông Thường át đi. Nhìn thằng Nghiệp lòng ông tự nhiên như có muối xát. Lẽ ra bây giờ nó phải là kỹ sư, bác sỹ.Việc này ông biết, cả cái án đi tù 5 năm ông cũng biết! Nhưng tại sao ông không đứng ra cứu nó? Bà Lâm cũng chết rồi! ông Thệ cũng chết rồi! Từng khúc ruột trong lòng ông đau thắt. Ông đảo mắt nhìn thằng Nghiệp từ đầu đến chân rồi ân cần:
Làng xã bây giờ người đông đất chật. Chỉ trông vào việc nuôi trồng thuần tuý không những chả giàu được mà còn thiếu ăn. Việc phát triển mở rộng các nghành nghề như nuôi cá lồng là đúng hướng, đây là một sáng kiến tốt. Huyện biểu dương và sẽ có phương án giúp đỡ. Phải xây dựng trên dòng sông quê một cái làng cá thật sầm uất. Anh Nghiệp, anh Dỏ phải là lá cờ dẫn đầu phong trào nhá. Ông nhấn mạnh và cười rất vang. Ông hy vọng dòng sông sẽ ôm ấp cho cái làng cá của ông sinh nở. Từ cái làng này thằng Nghiệp sẽ hồi sinh và làm lại được cuộc đời. Và như thế những xót xa, ân hận trong lòng ông sẽ dịu đi dần mỗi khi phải nhớ lại chuyện cũ! Ông thẫn người nhìn mọi ngươì, nhìn dòng sông rồi ngước mắt nhìn lên cái án thờ. Thấy hương khói đang cháy và cỗ bàn nghiêm túc, ông biết việc gì đó đang diễn ra ở cái mảng ngày hôm nay. Ông lặng lẽ mở cặp lấy ra một trăm ngàn đồng. Ông trịnh trọng đặt lên án thờ cúi đầu vái ba lễ. Cả nhà anh Dỏ cùng quỳ phục vái theo. Bốn bề bến nước bỗng ngập lên gió mát. Trong hang đá, từ dưới đáy những chiếc cũi đàn cá lại rùng rình nổi lên đớp cỏ ũng oãng !…
***
Lão Tòng vừa mở cửa phòng làm việc, lão chưa kịp đặt cái cặp lên bàn thì chị Cồi, anh Cút lù lù bước vào. Không đợi lão hỏi, chị Cồi lên tiếng :
- Dạ ! Báo cáo bác, bác ký cho cháu một chữ chứng nhận vào cái đơn để cháu lên ngân hàng vay tiền !
- Dạ ! Cháu cũng thế ạ ! Anh Cút nói theo !
- Dắt díu nhau đông thế, ngân hàng lấy đâu ra tiền cho đủ. Mà các anh, các chị vay tiền để làm gì, vay để ăn đói ai người ta giải quyết !
- Dạ không ! bọn cháu nuôi cá cũi ạ. Có dự án anh Tâm giúp đỡ hẳn hoi không sợ quỵt đâu ạ !
Lão Tòng chừng mắt nhưng chợt nhớ lời ông Thường bí thư huyện ủy ở cái mảng nứa của thằng Nghiệp rồ hôm nọ, lão không nói gì và lặng lẽ rút bút ký. Chị Cồi, anh Cút vội gấp giấy chào lão rồi cui cúi đi thẳng.
Lão đảo mắt nhìn theo, cái ghế lão đang ngồi ọt ẹt xem chừng có chiều rệu rã. Đầu lão tê tê, buốt buốt, lão nghiến răng : Mọi sự cũng tại lũ súc sinh kia. Lão tần ngàn mở tủ lôi ra tập giấy tờ, tự nhiên mặt lão biến sắc. Lão vội sập chốt khoá nhảy lên xe cứ thế thẳng con đê lão phóng. Đến ngã ba dốc Chùa lão định rẽ về nhà nhưng nhìn con đường từ trong ngã ba dốc Bồng ra, dân làng Lộc đang kìn kìn xe cộ trở tre, trở nứa ra bờ sông. Lão vòng tay lái rú ga thẳng đường lên Kim Sơn. Lão tính phải đến ngân hàng cụm gặp anh Mánh ngay. Gặp anh Mánh ! Hay, thật là hay đúng là cái khó, ló cái khôn thật. Thế mà bây giờ mới nghĩ ra. Chỉ cần nói một câu với anh đố lũ dân làng Lộc moi được tiền của ngân hàng. Lão tâm đắc một mình và vặn ga cho con xe tăng tốc. Đến cửa Ngân hàng cụm lão chột dạ khi thấy trong phòng làm việc của anh Mánh lại là một cô gái trẻ tươi, cô gái có gương mặt rộn ràng nhưng nhìn kỹ lại gặp những nét nghiêm trang đầy nguyên tắc. Lão thận trọng :
- Cô cho hỏi anh Mánh hôm nay có nhà không ?
- Dạ thưa bác anh Mánh đi huyện ạ.
- Bao giờ anh Mánh về ?
- Dạ anh Mánh đi hẳn trên huyện.
- Thuyên chuyển à ?
- Dạ không cấp trên gọi anh Mánh về làm kiểm điểm.
- Tội gì thế ?
- Cũng chưa cụ thể vì anh Mánh vướng nhiều chuyện trong đó có việc dùng tiền của Ngân Hàng cho vay lấy lãi suất cao lại không đúng vào đối tượng được đầu tư ạ .
Lão tròn mắt nhìn cô gái rồi tặc lưỡi
- Thôi chết ! Lão quay đầu đi thẳng, ruột gan lão rối lộn, mất anh Mánh dân làng Lộc sẽ vay được tiền. Có tiền làng cá sẽ mọc lên. Cánh dân đen và cả ông Thường nữa sẽ càng tin vào thằng Tâm và như vậy kiểu gì phe cánh nhà lão cũng lộ mặt. Như vậy, ắt sẽ có chuyện biến. Mà khi đã có chuyện biến thì không những chỉ lão phải mất cái ghế chủ tịch mà cả phe cánh của lão đều phải về vườn. Hai cục lửa trong mắt lão lại đỏ lên đòng đọc. Lão nghiến răng : bằng cách nào cũng phải triệt phá không để bọn súc sinh bành trướng việc nuôi cá ở bến Gáy. Việc nuôi cá ở bến Gáy mà Thịnh là phe cánh dòng họ nhà lão sẽ suy. Phải bí mật triệt phá, lão nhớ lại một thời lão từng làm nghề kéo sò, kéo lưới. Những kinh nghiệm lùng sục, thậm chí cả cách duốc cá thế nào cho thật hiệu quả lão vẫn còn nguyên kinh nghiệm. Thế mới khoái chứ đời người phàm biết được nghề gì đều hữu ích cả. Cái nghiệp duốc cá lão học được quả vẫn không thừa. Lão phởn chí văn ga cho con xe tăng tốc độ. Đến gần dốc Chùa lão đảo nhìn xuống phía hòn đá Gáy, đám dân làng Lộc vẫn kìn kìn kéo tre, kéo nứa quấn bè, đóng mảng. Trong hai đồng tử mắt lão tự nhiên buốt nhói như có gai nhọn đâm vào. Lão vòng tay lái rẽ thẳng vào cái ngõ ken dày hai hàng cây ô rô. Thấy lão về cái Sứt hất hải ra mở cổng, cánh cổng mở ra cái Sứt đứng né một bên cửa cho lão đẩy xe vào. Nhìn hai cái răng trắng hởn của nó chìa ra chỗ môi sứt, không biết nó cười hay nó khóc. Lão đứng ngẩn, thằng Ất cũng lệch kệch từ trên gác chống nạng xuống. Nó móc túi đưa cho lão cái phong bao. Lão vội bóc xem. Chết thật cái biên bản họp ban chấp hành thu hẹp ngày nọ. Lão tròn mắt hỏi Ất :
- Ở đâu ra.
- Cô bưu điện đưa đến.
- Thế có chết không. Đúng là con Ló nó thoáy được rồi. Việc này coi cánh nhà Tâm đã biết. Thôi, không ăn được thì đạp đổ. Sợ gì, lão tần ngần nhìn Ất, nhìn cái Sứt, ruột lão đứt ra từng đoạn. Lão thương thằng Ất vì nghe lão mà nó phải lấy cái Sứt, phải gẫy một dóng chân. Ăn nằm với cái Sứt có khác gì ăn nằm với quỉ ! Lão rợn người khi hình dung ra con giai lão phải nhìn hai cái răng trắng hởn của vợ nó chìa ra. Khiếp quá, giả rơi vào tay lão, lão còn phải bỏ chạy. Đằng này nó lại … Quả thằng Ất dám tử vì đạo thật. Nó dám tử vì đạo mà lão không dựng được nó vào ngôi vị trong làng xã thì chết lão cũng không nhắm được mắt vả còn cái bầu vợ nó đang đeo kia không biết nó là người hay là ngợm. Tóc gáy lão rợn ngược, lão vội bật nắp chai rượu tu ừng ực, lão ngả lưng, hai tay ghì vào tràng kỷ mà tóc gáy lão vẫn dựng ngược. Lão lại vớ cái chai định tu một chầu nữa thì Lưỡng lù lù bước vào. Thấy lão đang bất yên, Lưỡng lựa lời :
- Chú đừng dùng rượu nữa, trong tình hình này phải tỉnh táo mới được. Lúc chiều chú đi vắng dân họ đổ đến trình đơn để vay tiền nuôi cá lồng với cánh thằng Nghiệp ở ngoài sông. Cháu cho chủ trương giải quyết cả.
- Giải quyết là tự sát rồi ! Lão thở dài. Cái làng cá mà nổi lên ở bến Gáy thì uy tín của thằng Tâm cũng nổi. Chúng mày còn đâu chỗ ngồi. Mắt lão đảo ngược. Lường im lặng nhìn lão rồi xoay sở, lựa lời nói tiếp :
- Để giữ lấy một chỗ ngồi mình cũng phải lựa. Chủ trương giải quyết cho họ tiền là được lòng số đông. Cháu nghĩ mình còn phải mạnh dạn trích quĩ của xã ra ủng hộ việc này. Cánh dân đen mà cho lợi một tý là nó tít mắt lại. Như thế mình vừa không mất hết uy tín với chúng mà còn có cớ để bàn bạc được với cánh nhà Tâm. Làm như vậy giả bầu bán Tâm thắng thế thì hắn vẫn phải nhường ghế cho mình. Tâm muốn tập hợp, đoàn kết mà. Khi đã tạo được cáivỏ đoàn kết bề ngoài ta còn chỗ, còn xoay sở được.
- Giỏi ! Giỏi lão Tòng cười sằng sặc rồi rót rượu mời Lường. Họ cụm chén và câu chuyện kéo dài mãi vào đêm. Khi Lường về lão theo chân ra cửa, đèn đóm ở ngoài bến Gáy vẫn sáng rực. Lòng ruột lão sôi lên. Lão nghiến răng và chợt nhớ ra bao thuốc sâu ở gầm cầu thang. Lão tặc lưỡi : - mẹ lũ súc sinh đừng vội hớn hở nhá. Lão sập cửa lùi lũi vác bao thuốc sâu lần ra phía ghềnh Vại. Đến đầu cống Đõ, nhìn những cái mảng lềnh bềnh giữa sông lão lắc đầu : Phải dùng cách khác. Bọn chúng kéo mảng ra giữa sông đánh ruốc, thả thuốc sâu chả có nghĩa gì. Lão lẩm bẩm,chợt nhớ ra đồi lá sắn ở gò Chùa. Đúng rồi chúng nuôi cá bằng lá sắn. Sương đêm đậm thế này ta tung bao thuốc sâu này lên đồi lá sắn, chúng nó sẽ tha hồ vớt cá. Lão cười sằng sặc một mình rồi lầm lũi khoác bao thuốc sâu tắt qua bãi Lở chỗ khu ruộng ao đình vượt sang đồi Chùa. Đến chỗ gò Quả khắp người lão lạnh toát, hai bàn chân lão như bị lụt sâu xuống đất, mắt lão nhòe nhoẹt khi nhìn thấy trên nấm mộ mẹ thằng Nghiệp những vòng hoa đỏ chói. Lão quẳng bao thuốc sâu gồng mình co cẳng chạy. Cứ thế, lão chạy thục mạng, gáy lão lạnh toát khi thấy những vòng hoa đỏ chói cứ lăn theo. Lão định gào lên nhưng sợ dân chúng vã đến. Lão lại thục mạng chạy, đến chỗ con đường cụt ở bãi Lũng tự nhiên mắt lão tối sầm, một bên chân buốt lạnh lão ngã vập mặt xuống đất. Con rắn hổ mang trâu quấn tròn ngang người lão. Lão rãy rụa, con rắn tuồn đi, lão tút cái thắt lưng quần thút chặt vào bắp đùi ở trên vết con rắn vừa mổ vào rồi bò đi. Lão vừa bò,vừa rạch, vừa rên. Gần rạng sáng thì lão rạch về đến nhà. Con chó xồm hực lên, cái Sứt choàng dậy. Nghe có tiếng người rên hư hử. Cái Sứt rón chân ra mở cửa. Giọng nó hét lên u ú như con diều hâu dứt lưỡi. Khi nhìn thấy lão nằm vật ở thềm hè. Đám con cháu ùa đến, cánh Lưỡng, Lại, Luồn, Lọt bê lão vào giường. Giọng lão thở ra :
- Con hổ mang ở bãi Lũng nó ! …
- Khổ chú mò mẫm đi đâu. Bọn Lường sụt sịt trong nước mắt.Họ xúm vào rửa ráy thay áo quần cho lão. Lường bảo :
- Phải đưa chú đi viện gấp.
- Nọc rắn độc, dóng chân tím ngắt máu, đi viện họ chỉ có cách cắt bỏ, Lại thở ra.
- Cốt là sống ! Lọt giục võng cáng lấy ra đi. Luồn lắc đầu : - Đến được bệnh viện thì còn gì ! Ông Tĩnh giỏi thuốc rắn cắn lắm !…
- Ừ nhỉ ! Mọi người ngẩn nhìn nhau, hiểu ý cánh đàn anh, cái Sứt thui thủi chạy đi ngay.
Một lát sau ông Tĩnh lọ mọ đến. Đám con cháu của lão Tòng xúm lại nhưng đứa nào cũng lúng búng như ngậm hột thị. Lão Tòng nằm thượt trên giường thỉnh thoảng cái thân hình lực lưỡng của lão lại vặn lên như cái vỏ đỗ, miệng lão vẫn rên hừ hự. Ông Tĩnh nhẹ nhàng vén vết thương xem. Thấy máu tín đã có nhiều tia vằn lên phía bụng, ông cẩn thận dùng thuật gia truyền nặn bóp cho máu toát ra chỗ vết thương. Ông càng bóp,máu càng vằn lên, mọi cố gắng của ông đều vô nghiệm. Toàn thân lão Tòng vẫn từng cơn vặn cong như cái vỏ đỗ. Ông đành dùng bài thuốc tối ưu nhất. Thuốc pha chế xong, ông nhẹ tay nâng đầu lão Tòng dậy. Lão Tòng nhìn ông mồm cố ngoác ra, ông Tĩnh nhẹ đổ chén thuốc vào, nhưng lạ thuốc không trôi xuống được mà cứ chớ ra. Ông Tĩnh vẫn nhẹ tay đỡ chén thuốc như động viên lão Tòng gắng sức mà uống. Lão Tòng đảo mắt nhìn, hai bàn tay lão cố ngoi ra nắm lấy tay ông Tĩnh. Nhưng không kịp nữa rồi, toàn thân lão tự nhiên vồng lên cong như cái vỏ đỗ, lão rãy rụa rồi thở ra hồng hộc. Ông Tĩnh lắc đầu. Đám con cháu gào lên nức nở, mắt lão vẫn mở trừng trừng. Thằng Ất ngã vật xuống nền nhà, anh Lường nhẹ tay vuốt lên hai tròng mắt lão. Lạ, đôi mắt không khép lại mà cứ trợn trừng nhìn. Đám con cháu nháo nhác, có đứa chạy phộc ra sân ngã sứt sát cả đầu gối. Ông tĩnh lặng lẽ đến gần, ông vuốt nhẹ bàn tay lên mặt lão, đôi mắt từ từ khép lại. Ông Tĩnh thở dài :
- Các anh chị lo hậu sự cho ông ấy đi và ông nhẹ nhàng phủ tờ giấy trắng lên mặt lão Tòng. Đám con cháu đang nhớn nhác tự nhiên đứa nào đứa ấy nước mắt ráo hoảnh. Họ tụm lại một góc bàn bạc. Anh Lườngbảo :
- Về phía gia đình tôi là con bác, trưởng họ, ngoài xã hội tôi là bí thư Đảng ủy,về nghi thức tôi cùng chú Lại, chú Luồn, chú Lọt… Chịu trách nhiệm phần đối ngoại. Chú Ất là con trai đích tôn nên mọi chi phí chú thím đóng vai chính.
- Đúng rồi, nói như anhLường thì không phải bàn nữa. Nhưng lúc bố tôi sống bổng lộc các anh hưởng cả ? Cũng phải bổ bán công bằng chứ !
- Chú bảo chúng tôi hưởng cái gì ? Nhà cao, cửa rộng ông cụ xây cho chú thím cả, chúng tôi được cái gì ?
- Các anh đừng lỏi ? Thế cái chức bí thư, phó chủ tịch, Thường trực Đảng uỷ các anh đang ngồi thì ai xây ?
- Đấy là Đảng cử, dân bầu !
- Đảng nào, dân nào, các anh hỏi cả làng Lộc xem. Ất gân cổ, bĩu môi.
- Đến lúc này mà còn cãi nhau à ? Tôi cắn lưỡi chết cho các anh trôn một thể ! Bà Tòng than thở. Đám con cháu tròn mắt. Công việc tang lễ cứ âm thầm triển khai.
Ban tang lễ bắt tay vào việc. Tờ công báo bằng giấy đỏ, chữ trắng ghi rõ họ tên ngày sinh, ngày tử, giờ khâm niệm, phúng viếng, giờ cử hành dán lồ lộ ngày trước cổng tò vò.
Thầy cúng, thợ kèn rước đến. Mọi thủ tục không bỏ sót việc gì. Giờ phát tang trống chầu động lên ba hồi chín tiếng. Trên chiếc loa kích lên tận ngọn cây cau bắt đầu rên réo bài khóc nao ruột của thợ kèn. Làng xã lục đục kéo đến, trong nhà, ngoài sân mỗi lúc nêm núc thêm người. Không vắng mặt ai. Người đến vì quan hệ, vì ơn oán,có người đến xem, đa số người đến vì cái lẽ "nghĩa tử là nghĩa tận". Phúng viếng kéo dài suốt ngày, thâu đêm. Trúng phỏm cánh thợ kèn càng dở dòng lê thê bài bản. Anh nào anh ấy mồ hôi vễ vã. Thằng Ất đứng ở đầu linh cữu, cái chân mới bóc bột mỏi qúa có lúc ngồi thụp xuống cứ trố mắt nhìn ra quên mẹ cả việc đáp lễ.
Ngày hôm sau, sắp đến giờ cử hành thì đoàn khách ở trên huyện về. Đi đầu là ông Thường Bí thư huyện ủy, theo sau là mấy ông, mấy bà beo béo, trăng trắng. Đoàn tần ngần, chậm chạp bước một đi vào. Đến gần cái cổng tò vò một anh cán bộ người nho nhỏ cầm chướng lẻn lên trước. Dân chúng lao xao, nghiêng ngó, bỗng anh Lường, anh Lọt, anh Lại… từ trong quan cữu ùa ra, giọng nức nở:
" ới các bác ơi,các bác về đến nơi thì chú Tòng cháu đã mất rồi ! Chú cháu ở hiền gặp lành mà ra đi đột ngột quá, con cháu chả đứa nào kịp hầu chén nước lưng cơm ! ới các bác ơi ! Từ nay chúng cháu chả còn có người cha, người chú nữa để mà nương tựa, để mà thương mà nhớ !… ới các bác ơi !…"
Tiếng khóc bám quanh ông Thường mỗi lúc một rầu rĩ, nức nở. Dân xã người thấp vịn vào vai người cao ngớn nhìn. Ông Thường và đám ngưới toát mồ hôi. Ông cúi mặt tưng bước chậm đi vào linh cữu. Đến gần bậc cửa thẳng gian nhà đặt linh cữu thì một giọng nói vang lên sang sảng :
- Mọi người rãn ra !Xin kính mời bác Thường cùng tất cả các đồng chí đảng viên vào trước linh cữu để vĩnh biệt đồng chí Phạm Tòng lần cuối cùng !…
- Chết, chết. Một giọng nói quen thuộc cũng cất lên không kém phần nghiêm trọng. Bà con mình tản ra nhanh, việc này quan trọng lắm, không đùa được đâu. Ông Thông bồng vừa nói vừa giang hai tay làm lệnh đám đông len lét tản ra. Cánh đô tỳ lơ láo rồi cũng lẩn. Họ kéo nhau vã ra quán cô Mưa, lên các bụi cây ngồi chờ.
Ông Thường tái mặt, ông biết việc gì sẽ xẩy ra sau đó. Ông nghẹn ngào cắm nén nhang vái ba lễ rồi lạnh lùng bước ra. Đám con cháu lại rãy rụa khóc rống lên:
"ới các bác ơi là các bác ơi ! các bác về đến nơi ! …
Tiếng khóc lặng đi thì bài bản của thợ kèn đế vào rền rĩ, nao ruột
Đúng tám giờ thì cử hành. Trống chầu nổi lên ba hồi chín tiếng lại chín tiếng ba hồi. Tang lễ lạnh lùng càng lạnh ngắt. Quanh linh cữu lố nhố toàn người đội khăn trắng. Ngoài sân lơ ngơ mấy ông đảng viên làng Lộc đi ra, đi vào. Trốnglại nổi rền ba hồi chín tiếng, chín tiếng ba hồi vẫn không thấy một bóng người. Ông Thường đứng ngẩn, ông đang định nói điều gì thì anh Tâm nhấc ống my cơ rô giọng ngậm ngùi :
" Đã đến giờ cử hành đưa ông Tòng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà con làng Lộc ta tối lửa tắt đèn có nhau. Cái lẽ nghĩa tử là nghĩa tận !…"
Giọng anh Tâm vừa dứt, ba hồi chín tiếng trống đế vào theo. Từ các bụi cây đám đô tỳ lốc nhốc đi xuống, dân chúng cũng lục đục trở lại. Người cầm phách đánh chéo hai cái đũa cái lấy nhịp, giọng đĩnh đạc :
" Một tiếng bỏ đi, hai tiếng mó tay vào … " cánh đô tỳ dô ta. Linh cữu từ từ chuyển động. Đám con cháu rãy rụa, nháo nhác ra khỏi cổng cái linh cữu cứ cừn cừn di động. Đám con cháu phải co cẳng chạy mới kịp. Khoảng nửa giờ thì đến huyệt. Dân làng Lộc lầm lũi đắp to nấm đất cho lão rồi lẳng lặng ra về. Ông Thông Bồng vỗ vai thằng Ất, giọng ngán ngẩm : - ổn rồi ? "may không có thằng nào đóng cọc vào mả ông nhà "… lúc ấy vào hồi sấp sỉ giờ ngọ ngày 3 tháng 6 năm Mậu Thìn
(Còn nữa)
VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...
VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...
VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...
VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...
Tiếp tục chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 4 (Khóa VIII), hôm nay, ngày 7/8/2011, BCH Hội Nhà văn VN đã có chuyến đi thực tế tại trại sản xuất giống tu hài của công ty TNHH Đỗ Tờ ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn