Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Quê ngoại" - Phạm Phát

06-05-2011 05:45:41 PM

 

1

Thủy tổ họ Dương là Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nguyên Hào trưởng Châu ái (vùng đất Thanh Hóa bây giờ), người có công lớn vây đánh thành Đại La, đuổi quân Nam Hán về nước, khôi phục quyền tự chủ cho đất Giao Châu vào năm 931.

Sau đó, Tiết độ sứ bị một bộ tướng làm phản, sát hại để đoạt quyền và cầu viện nhà Hán.

Hai con của Tổ là nữ tướng Dương Thị Như Ngọc (sau là vợ Ngô Quyền) và tướng quân Dương Tam Kha đã cùng Ngô Quyền diệt tên phản tặc và sau đó đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, buộc vua Tàu phải rút quân về nước, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc của nước ta.

Đến thời Lê, cư dân vùng Thanh Nghệ đã mang gươm theo vua Lê Thánh Tôn đi Bình Chiêm mở nước về phương nam. Dấu chân của những tòng binh lập nghiệp đến đâu, làng mạc mọc lên đến đó.

Trong những ngôi làng Việt đầu tiên trên đất Quảng ngày ấy, có một làng nằm trên bờ sông Thu Bồn, gần đường thiên lý, cách Hội An không xa, được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm dinh trấn Quảng Nam, đã cùng Hội An sớm trở thành một nơi phồn thịnh vào bậc nhất của xứ Đàng Trong thời ấy. Đó là Thanh Chiêm. Và trong những tiền hiền hậu hiền có công khai cơ lập nghiệp làng này có hậu duệ của thủy tổ Dương Đình Nghệ từ Thanh vào. Rồi đời này qua đời khác, sinh con đẻ cháu thành dòng tộc Dương -  Thanh Chiêm ngày nay. Mẹ tôi là con gái của nhà họ Dương ấy.

Nhưng gốc tích lẫy lừng ấy của quê ngoại tôi mãi sau này tôi mới biết. Vậy mà từ thuở chín mười, tôi đã quyến luyến với vùng quê này lắm. Trời đất sinh thế! Hàng năm, ngoài ba tháng hè gần như được ở với ngoại, còn ra tết nhất, ngày đơm ngày kỵ, cha mẹ tôi thường cho tôi về miết. Hễ được về ngoại là trong người cứ nôn nao như trẻ bây giờ sắp được đi du lịch xa.

Tối hôm trước, khi lên giường, mẹ dặn nhỏ: “Sáng mai, hễ mẹ nhéo một cái vào đít là phải ngồi dậy ngay, sè sẹ kẻo em thức dậy hắn đòi.” Tôi dạ thật to rồi nhảy cà tưng trên giường như phát khùng.

Sáng hôm sau, mẹ tôi cắp rổ mây, như cái làn của các bà, các chị bây giờ, tong tả đi trước, tôi líu ríu vừa chạy theo vừa réo mẹ chờ. Mẹ tôi không quay lại, giục đi mau kẻo hết xe.

Xe đây là xe kéo, thường gác gọng chờ khách ở Quán cơm đầu đường. Anh phu xe người cùng làng với mẹ, vừa thấy bóng mẹ con tôi, đã đon đả xốc càng trờ xe tới:

- Hôm nay trên nhà có đám hả cô Năm? Mẹ tôi tươi cười “ời” một tiếng nhỏ thay lời chào, khẽ vén tà áo dài phía sau ra trước bụng, bước một chân lên rồi nhấc gọn người vào xe. Anh xe bế thốc tôi đặt vào lòng mẹ. Mẹ tôi đưa tay đỡ và kéo tôi vào lòng. Nhưng tôi lại muốn chồm tới để nhìn anh xe. Anh nhấc gọng xe, mặt quay về phía trước, sửa cho ngay ngắn cái nón lá hẹp vành như nón lính thú ngày xưa, bắt đầu đưa những bước nhỏ. ống quần buông lửng quá gối, chân quàng đôi dép chằm bằng mo cau rất lạ mắt. Đôi dép chỉ có một quai nhỏ phía trước rịt chặt lấy ngón chân giữa, hai quai sau chằng vào cổ chân, đập lạch bạch lên mặt đường, theo bước chạy mỗi lúc một dài ra, nhanh dần, nhanh dần…

Ngồi trên xe, tôi cứ chỉ cái này cái nọ luôn miệng “chi rứa mẹ?”. Mẹ tôi dường như chỉ chờ tôi hỏi để trả lời, giảng giải. Đó là người ta in gạch, còn kia không phải nướng ốc đâu mà người ta đổ vỏ ốc vào lò để hầm vôi đó. Rồi mẹ cốc nhẹ vào đầu tôi: “Đồ tham ăn, lúc mô cũng nghĩ tới nấu với nướng.”

Buồn cười thật, thường ngày, chơi quanh quẩn ở nhà, nay được ngồi xe với mẹ, thấy chi cũng lạ, cũng thích. Trời đang đẹp, chiếc xe kéo mui trần như muốn bay lên giữa bao la: trời xanh, mây trắng, nắng vàng, đồng lúa trải rộng tít tắp. Và gió, gió trời và gió xe hây hẩy, người cứ nhẹ hẫng.

Gặp ngày trời mưa, xe lên mui, quây bạt. Ngồi giữa bịt bùng mà xe chạy đến đâu mẹ tôi thuộc đến đó như có người nhắc. Mẹ giỏi thiệt. Mẹ tôi bảo: giỏi chi, cứ nghe tiếng bánh xe là mẹ biết. Xe chạy trong phố, bánh xe lăn trên mặt đường dầu, êm ru. Qua làng gốm Thanh Hà, chạy trên đường đá, bánh xe kêu lộc cộc. Qua khỏi cống Ông Đá, rẽ vào đường đất, trâu bò hay lội, có hang có hục, xe cứ lắc la lắc lư. Về gần nhà, xe chầm chậm lại.

Đến cổng, mẹ ghé tai tôi “Tới rồi! Tới rồi!”

Vừa thấy mẹ con tôi bước vào, bà ngoại tôi đã chửi lớn:

- Cha con gái mẹ bay, răng chừ mới về?

Thì mẹ con tôi lúc nào chẳng về sớm nhưng ngoại tôi lúc nào chẳng chửi vậy. Nghe bà chửi mẹ cười rất tươi. Còn tôi thì sướng rơn lên khi thấy ông ngoại cười với tôi – cái cười ít khi thành tiếng mà hiền từ, lúc nào cũng như được dấu sẵn sau đôi môi dày và chòm râu bạc trắng.

Nhớ lời mẹ dặn, tôi bước dến trước mặt ông, nâng gói quà nhỏ lên bằng hai tay – tôi nhớ rồi mà mẹ cứ nhắc “hai tay, con!”

Ông tôi cầm gói quà nói:

- Để coi, cà cưỡng tha mồi chi về cho ông đây.

Uổng công cà cưỡng tha mồi… Tên ở nhà của tôi hồi nhỏ là Cưỡng nên ông thường gọi chọc tôi theo câu ca đó.

Tôi bỗng lúng túng. Mẹ tôi phải đỡ lời:

- Thưa… cha sắp nhỏ mua thuốc trà hiệu Ông Tiên kỉnh cha đó .

(Lúc nào có quà kỉnh ông bà, mẹ tôi cũng nói “cha sắp nhỏ mua”. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, chẳng riêng mẹ tôi, các chị các bà mình đều nói tốt cho chồng như thế, để làm ấm lòng cha mẹ mình. Thì không báo hiếu được nhiều, một chút vậy cũng quí chứ sao.)

Nghe mẹ tôi thưa vậy, ông tôi co ngón tay củng nhẹ vào trán tôi, gật gật đầu, không nói gì nhưng tôi thấy mắt ông ươn ướt.

Không rõ đến năm nào, chừng như đã có bằng yếu lược, đi học dưới phố, tôi phải nhường cho em gái tôi được đi xe kéo với mẹ, còn tôi lội bộ với cha.

Cũng chẳng xa xôi gì. Chỉ một quãng tắt qua Bến Cá là tới đò Ruộng. Ông lái đò, cũng chỗ quen biết, đã có tuổi nhưng tay chân còn rắn chắc. Thấy cha con tôi đứng chờ đò, từ dưới ghe đã oang oang chào lên.

Đợi khách lên đò xong xuôi, ông rùn người trên cây sào dài đã lên nước bóng nhẫy, chống mạnh một chống. Cái đò rướn mình lìa bờ. Sông hẹp, chỉ dăm ba tay sào, đò đã sạt vào bờ cát bên kia.

Xuống đò là tới đất Phú Chiêm, quê ngoại tôi rồi. Con đường đất hẹp, chạy quanh co qua các ruộng lúa dẫn vào làng. Cha tôi bật dù che cả cho tôi. Trời nóng, cha tôi cởi khăn đóng, áo dài khoác vào khuỷu tay, có khi tròng vành khăn vào cổ tôi, nói vui: đeo dùm cha “cái nọng heo”.

Còn tôi thì xách guốc. Đôi guốc xà lan tự tay cha tôi đẽo, đóng quai da bò lật ngược theo kiểu phố. Xách guốc, đi chân không trên rệ cỏ, cứ mát rượi dưới gan bàn chân. Gặp ngày mùa, hương đồng thơm ngạt mũi. Thỉnh thoảng, một chú châu chấu đứng trên bông lúa, múa râu như chào hỏi. Chao ôi, con châu chấu! Một thằng nhỏ lên mười ở phố làm sao bỏ đi cho đành!

Nhưng cha tôi giục: mau lên kẻo ông ngoại lại cho thằng khác, mất phần như chơi.

ấy là cha tôi nhắc đến cái bong bóng heo mà ông ngoại tôi thường bảo mấy người làm heo dành cho tôi từ ngày hôm trước. Bong bóng heo phơi khô thổi thành trái banh. Đá bẹp rồi thì xé ra bịt lon sữa bò làm trống, khua inh nhà, bị la mà thích.

Cha tôi đi trước xách đồ cúng. Lễ vật thì đám mô vô đám nấy. Ngày giỗ ngày kị thì sắm quả bánh ngọt Hiệp Lợi. Mồng năm thì bánh ú tro, Tết phải có bánh tổ lấy tận lò Phó Tám. Có năm cha tôi đem về gói trầm ròng lại thêm mấy cái lồng đèn Tàu để ông tôi treo chơi ba ngày tết. Mỗi thức đều được gói gắm vuông vức bằng giấy nhựt trình rồi đặt tất cả vào giữa vuông vải mộc, buộc chéo bốn góc thành một cái xách tay rất tiện. Những thứ này không đuợc giao con nít xách, nhỡ tay rơi lên rơi xuống lấm láp, không nên.

Đường qua đồng tráng nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bước vào đến đầu làng như thể ngày nay được bước vào phòng lạnh. Hai bên đường nhà ở liền nhau. Truớc cửa nhà nào cũng có vuờn cây, bóng cây lợp kín trời, đi ngoài đuờng mà như đi trong nhà. Gần đến nhà ngoại, cha bảo tôi mang guốc vào kẻo đạp gai. Rồi đi.

Cha tôi xếp dù, đóng khăn mặc áo chỉnh tề, móc dù vào khuỷu tay, rảo bước thong dong. Dáng đi của cha sang vậy mà cứ bị mẹ tôi trề môi ghẹo: “Đi làm rể mà như thể ông xã ra việc làng”

Sợ bọn con nít chọc, tôi phải vừa đi vừa chạy cho kịp cha. Rứa mà cũng không thoát. Chó ị gần nhà, bọn hắn cứ đứng đầu ngỏ, gào rập ràng:

Phú Chiêm ăn cá bỏ đầu

Kim Bồng đến lượm xỏ xâu mang về

Rồi thì

Cái đầu dẹp lép cá chai

Ăn tham với vợ là trai Kim Bồng

Kim Bồng là quê tôi. Tôi thì tức điên mà cha tôi nghe vậy lại cười, bảo “Kệ cha hắn, cứ làm thinh ngó lơ, đi.”

Lúc ngang qua nhà các cậu tôi, cha tôi chỉ giơ tay chào, không ghé. Phải lên nhà ông bà thưa trình trước đã rồi đi đâu mới đi - Đạo rể con phải lấy chữ Lễ làm đầu, cha tôi thường bảo vậy.

Cúng giỗ xong, các cậu tôi rủ: chiếu bài còn thiếu một tay chờ anh dự cho vuông sòng.

Chơi vui thôi, chỉ đẩy qua đẩy lại mấy đồng xu lẻ để ván bài có trớn, nên cha tôi thường ở lại đêm, chỉ có mẹ con tôi về. Mà không ở lại thì hai người cũng chẳng mấy hồi chịu về cùng. Mẹ tôi bảo:

- Vợ chồng, đi ra đi vô đụng đầu cả ngày, ức chi còn cặp kè ngoài đường như cái đồ không biết mắc tịt!

*

Nghỉ hè hồi trước dưới phố bắt chước Tây gọi là nghỉ Va- căng. Còn trên ngoại tôi gọi là nghỉ nắng. Giờ nghĩ lại mới thấy quê mình hay có kiểu nói ngộ thiệt: vào những ngày cuối năm học, khi hoa phượng đã đỏ sân trường, ngồi trong lớp mồ hôi chảy ròng ròng như có con chi bò trong người, lúc đó mà nhắc đến hai chữ nghỉ nắng là bụng dạ đám học trò nhiệt đới cứ chộn rộn cả lên.

Riêng với tôi, nghỉ nắng có nghĩa là được về ở với ngoại. Mẹ tôi bảo trên ngoại mát mẻ lại có anh Năm kèm cho khỏi chạy rông dang nắng, rớt hết chữ. Ông ngoại thì bảo để cho nhà có con nít, hắn vui. Còn bà ngoại thì xì một cái “Vui chi, thêm mệt!” Nói rứa thôi, chứ hễ thấy đám cháu nội vừa nhét vở lên rường nhà mà chưa thấy tôi về, bà đã nhắc ông “Hay là ông biểu mấy đứa chạy xuống xem thử chó con có ấm mình ấm mẩy chi không”

Còn ở dưới nhà tôi mấy ngày đó, hễ cứ hắt xì hơi một cái là mẹ tôi bảo “Ngoại nhắc rồi đó, sửa soạn đi”

Hôm sau, mới thấy mẹ con tôi tới ngõ, ông cười nói: “Mai đạp lúa rồi, về dùm ông mấy bữa hỉ”. Biết ông nói giỡn nhưng bụng cứ thinh thích.

Sáng hôm sau, ông dậy sớm ra quét sân, tôi vội cầm chổi theo ông:

- Phải moi móc thật kĩ, không để sót một hột sạn, biết tại răng không?

- Dạ biết. Để sạn chui vô chén cơm nhai mẻ răng. miệng ai cũng như miệng mình.

Ông tôi thường nói rứa, tôi nhớ mà nói theo. Vậy mà cũng được ông khen: “Cái thằng, giỏi”

Cơm nước xong, lúa cũng tới tấp về. Những bó lúa nặng thả từ đòn xóc xuống, xếp ngay ngắn quanh sân theo vòng trôn ốc. Khi sân đã đầy lúa thì lùa bò vào đạp. Chú bò đực lực lưỡng vai u thịt bắp, chừng đã quen việc, vừa bén hơi lúa đã bước lên đi phăm phăm. Chú đi vòng quanh sân, dẫm lên những bó lúa ngon lành. Mùi lúa mới cắt ngòn ngọt, thơm đầy sân. Chú vừa đi vừa lúc lắc đầu, khìn khịt mũi, coi bộ bực bội lắm. Tội nghiệp chú, ngó như thằng nhỏ háu ăn ngồi gần kẹo mà không được bốc. Không nhịn được, chốc chốc chú lại cúi xuống định ngoạm đại máy cọng. Nhưng mõm đã bị đóng rọ. Thèm mấy cũng chịu, chú đành ngửng đầu hùng dũng bước. Khi nào chú chàng đi chậm rồi dừng lại dạng hai chân sau ra, hạ mông xuống, đuôi vổng lên hình dấu ngã, là sắp có chuyện rồi. Đã sẵn cái giỏ trạc ở góc sân, tôi nhảy phóc ra bưng vào hứng ngay dưới đít chú. Cái công việc không mấy thơm tho sạch sẽ này không biết vì sao tôi lại thích nên ông đã giao cho tôi và khen tôi biết tém vén đâu ra đấy.

Khi mặt trời đã lên quá ngọn tre, ngoại bốc một nắm gié lên, săm soi rồi hô:

- Nục rồi, hò bò lại!

Tôi liền hò..ọ..ọ một tiếng. Con vật chỉ chờ có vậy, đứng lại ngay, chờ người đến tháo rọ cho ra nhai rơm. Các người dùm cầm mỏ xảy ra xảy lúa. Mỏ xảy bằng sắt, cong như mỏ bồ nông, tra trên đầu cán tre. Người xảy lúa luồn mỏ xảy xuống dưới lớp lúa mới đạp lần đầu, nâng một mớ lên, khẽ tung hứng một cái trước khi lật trái cho bò dẫm tiếp. Ngó như làm xiếc.

Trong khi người lớn xảy lúa, bọn con nít chúng tôi được ngoại cho uống nước nửa buổi trước.

ở chỗ ngoại tôi hồi đó, ngày cơm ba bữa, giữa buổi sáng có uống nước nửa buổi, nửa chiều có nước xế, làm đêm thì có nước khuya. Có chi ăn nấy: khoai khô ngào đường, sắn luộc chấm muối mè, hôm nào làm nặng thì bánh tráng đập, mít hông. Cái anh mít hông thì số một. Mít sắp chín, gỡ lấy múi, móc hột luộc chín giã với đường nhồi vào giữa múi, hấp. Những bữa đạp lúa thì được ăn bánh lúa. Bánh bèo vào giữa mùa gặt cứ lặng lẽ gánh đến các sân đang đạp lúa, một chén bánh đổi một chén lúa nên gọi là ăn bánh lúa. Thấy tụi tôi mới nghe ông hô, mỗi đứa đã bưng một chén, giữa cắm chiếc dao tre, ông nói to:

- Mùa ni trúng, cho bọn bay ăn thả cửa. Rồi ông gọi tôi đến, bảo: để ông bày cho thằng dân phố ni. Ri nè: tay phải cầm dao (giống cái thanh long đao trong tay quan công trên sân khấu hát bội) tay trái bưng chén bánh, vạch dọc vạch ngang, vạch chéo qua chéo lại theo hình hoa thị rồi ép dao vào lòng chén quành một vòng, tức thì chén bánh nứt ra thành một bông hoa tám cánh, nhưn tôm thịt đỏ hồng giữa chén như cái nhụy hoa tràn ra, thấm đều từng miếng. Bánh bèo Quãng Nam phải để sẵn chén mắm ớt. Rưới một thìa mắm cay quanh chén, dùng thanh long đao cắm nhẹ từng miếng đưa gọn vào miệng. Cha chả, hèn chi ăn bánh bèo ở đây gọi là múa thanh long đao.

Lúa đạp xong, phơi ngay. Ông bảo: dồn đống lâu, lúa hầm hơi thua gạo. Được nắng, gạo mới ngon cơm.

Hôm sau, lúa trang ra đầy sân. Bà ngoại giao: cày thóc là việc của ông, còn sắp bay lo đuổi gà cho bà. Ông bảo: ngày mùa ngày màng, mình bưng chén cơm mới, cũng phải cho gà qué hắn lượm mấy hột. Gà là gà mình, ăn lúa tươi gà thơm thịt rồi mình lại ăn thịt gà, mất đi mô. Bà cãi: Đừng nói chơi. Gà thì phải bươi chải kiếm con trùn con dế, lượm hột rơi hột đổ, nói như ông thì sai sắp nhỏ xúc lúa lên mâm mời hắn trớt”

Ông cười xòa

Trong khi chờ nóng lúa, ông ra hiên cầm cái quạt mo phẩy mấy cái lên bậc thềm, ngồi bệt xuống, gọi lớn:

- Bay đâu, điếu!

Quen rồi, bọn tôi rập ràng dạ.ạ.. lớn rồi chạy u vào, đứa thì bưng bầu điếu, đứa cầm cần tẩu, đứa bưng cái đèn hột vịt vặn thấp ngọn chạy ra. Bà tôi từ trong bếp hô theo “Nổi chầu lên!” Chẳng là, cả nhà ngoại tôi đều mê hát bội. Mỗi lần có gánh hát về, cách chi các ông bầu cũng phải mời ông tôi cầm chầu cho được. Bởi ông thuộc tích sành chầu nên tiếng trống ông khoáng đạt, nghe sướng tai, hát sướng miệng. Đêm nào có ông cầm chầu, rạp hát như cái bếp tốt lửa, cứ phừng phừng cháy cho đến khuya.

Thường ngày cứ nghe ông hô “bay đâu” là bọn tôi chạy đến hầu thuốc, hầu quạt để được nghe ông kể tích, kể tuồng.

Cầm cần tẩu đưa vào miệng, ông cầm que đóm rà líu ríu vào mồi thuốc, kéo xòng xọc một hơi dài, ngả người dựa cột, lim dim mắt, phà khói ra thơm ngát. Lúc đó, trông ông tôi giống y hình vẽ ông tiên say thuốc trên nhãn hộp thuốc trà.

Khói thuốc vừa tan, ông hỏi: “Đến đoạn mô rồi hè?”. Bọn tôi tranh nhau nhắc, “tới chỗ Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu mà cứ xách cái đầu chạy theo Đổng Kim Lân…”

à, nhớ rồi, nhớ rồi. Ông tằng hắng rồi kể tiếp, kể như hát, như đang thúc chầu. Bọn tôi há hốc mồm, ngồi nghe như bị thôi miên. Vừa hết tích Sơn Hậu, ông đứng dậy bước ra sân cày thóc. Một tay cầm chiếc nón lá, không đội mà che hờ lên đầu, quai nón bỏ trật ra sau gáy, một tay bắc chéo ra sau lưng, đầu bịt khăn đầu rìu, áo cánh vắt bên vai, quần lá tọa kéo lên quá ống quyển. Ông nhủi nhẹ mũi bàn chân xuống dưới lớp thóc nhủi lên một bước dài, hết chân này đến chân khác, cày thành hai đường thẳng tắp từ bên này qua bên kia sân, rồi quay lại…

Nắng giữa buổi làm da dẻ ông ửng hồng, hai ống quần trắng lên xuống nhịp nhàng, chiếc thắt lưng điều bay ngược về phía sau- dáng ông tôi nổi bật trên sân thóc dợn sóng, vàng rực lên dưới nắng.

Khi đi xong đường lúa cuối cùng, ông bước ra đứng ở bìa sân, giở mũi chân lên, thổ nhẹ gót xuống sân mấy cái rồi mới bước ra. Vừa ngồi xuống thềm đá, ông lại “Bay đâu”. Bọn tôi lại dạ ran rồi bu đến. Lại hầu thuốc, hầu quạt, lại đòi ông kể tuồng…

Vừa qua, lần đầu được đọc đầy đủ tộc phả họ Dương, được biết cụ tiền tổ Dương Tam Kha, sau khi trao lại vương quyền cho con trai Ngô Quyền bấy giờ đã lớn, ông lui về Chương Dương xây dựng vùng đất này thành địa danh nổi tiếng trong lịch sử, ung dung sống cuộc đời điền lão cho đến cuối đời, tôi bỗng dưng nhớ đến ông ngoại tôi trên sân thóc ngày ấy. Trong người hậu duệ bao nhiêu đời của tổ, hình như vẫn còn thấp thoáng hình bóng của tổ tiên ngày trước.

Buổi chiều, khi sân vừa hết nắng, ông đã giục sắp cháu nội đi bắt chuồn chuồn. Ông bảo tôi “Tụi hắn đứa mô cũng bơi như rái, ông chỉ cho chuồn chuồn cắn lỗ rún con một cái là biết bơi liền. Nghe ông nói, tôi vừa sợ vừa thích. Để coi ra răng. Nắng vừa nhạt, ông cháu kéo ra sông. Cả bọn lớn nhỏ đều cởi truồng dồng dỗng. Ông bắt mấy đứa giữ tay giữ chân tôi rồi cầm con chuồn chuồn dí vào rốn tôi một cái. Ông cháu cùng cười còn tôi chỉ ré một tiếng rồi cũng cười theo. Cắn mổ chi, chỉ nhột. Xong, ông vác tôi lên vai, lội ra xa, để tôi nằm trên mặt nước, chỉ cho cách bơi rồi bất thình lình rụt tay, để mặc tôi vùng vẫy, quơ đạp nhưng người tôi cứ như cái hủ chìm, uống nước ừng ực, sặc sụa, trước khi được bế lên. Ông cười bảo: “Chuồn chuồn cắn rún rồi, không chìm đâu, cố lên là được.”

Chống cự không được, tôi đành phải lặp đi lặp lại cái vũ điệu loạn xạ dưới nước đó không biết bao nhiêu lần. Rồi tôi cũng bơi được. Khi tôi bơi khá rồi, một lần ông bảo tôi: “Sống ở đời phải biết bơi, không bơi được là chìm đó con”

Lớn lên, ra giữa sông biển cuộc đời, khi đủ trí khôn để hiểu được lời ông thì ông tôi đã không còn nữa. Ngày ông tôi mất, cả làng đưa ông ra đồng. Đám ông tôi băng qua những khoảnh ruộng vừa gặt. Trướng liễn phấp phới, chiêng trống vang rền. Linh cữu đã gần tới huyệt, mà dòng người đưa đám chưa ra khỏi cổng. Ai cũng chép miệng thương tiếc, bảo ông như Ông Phật sống. Bà tôi kể, tháng Hai trời nổi dông sớm. Nửa đêm sấm chớp đùng đùng. Đang ngủ ông ngồi bật dậy chạy ra sân khuân củi vào hiên. Mới được mấy ôm củi, ông vào nhà, lên giường nằm kêu “Bà ơi!”. Bà lập cập thắp đèn chạy tới, thấy ông người đã thẳng đơ. Bà hoảng hồn kêu trời một tiếng. Ông cố mở mắt nhìn bà, môi mấp máy như cười mỉm chi, rồi đi. Nhẹ như không.

Lúc khâm liệm ông, bà ngồi chọn kĩ bảy hạt gạo gói cẩn thận vào mảnh giấy vàng bạc. Khi cầm gói gạo đưa người ta cho vào miệng ông, bà mới òa khóc, rủ người trong tay con cháu “Ông đi bụng không có được hột cơm, tội ông rứa ông ơi…” Bà vừa khóc vừa thở than, trách móc ông như thể ông đang còn ngồi trước mặt. Tiếng hờ khóc yếu ớt của một bà lão ở tuổi tám mươi, cứ ri rỉ tỉ tê như tiếng nước một con khe cạn chảy qua kẻ đá, nghe thật não nuột.

Ông tôi ra đi mang theo những ngày hè thơ ấu của bọn tôi. Sau đó là kháng chiến toàn quốc, là chống Pháp, chống Mĩ… Đám cháu nhỏ của ông như những viên bi ve lấp lánh đang nằm vui vẻ trên mặt bàn, bỗng chiến tranh như một nắm đấm giáng mạnh vào giữa, tất cả tung tóe, cuốn vào những biến động của đất nước. Và trong những nắng nôi của đời người, lắm lúc thấy thèm đến cháy ruột một khoảnh khắc được về nghỉ nắng dưới bóng mát của ngoại như những ngày còn đi học.

2

Hội An giải phóng được mươi hôm, tôi về nhà. Hôm trước hôm sau đã giục mẹ về ngoại. “Chi mà quíu lên rứa con, để mẹ ngậm miếng trầu đã” Nói vậy nhưng mẹ lại xăng xái đi lấy áo láy nón. Tôi còn loay hoay mang giày đã thấy mẹ cầm nón đứng ở thềm. “Giải phóng giải phọt chi mà chậm rề rề.” Vừa chê tôi, mẹ vừa đưa nón soi lên nắng, coi thử có con chi trong đó không, tay này thổ nhẹ vành nón vào tay kia mấy cái rồi mới đội lên đầu, đưa ngón tay móc vào quai nón kéo xuống dưới cằm, sửa nón cho cân cái rồi mới bước ra sân. Bộ dạng mẹ tôi vẫn y như hồi tôi còn ở nhà. Năm ấy mẹ đã bảy tám, đi lại còn lanh lẹn, nói năng còn rành rẽ chi ra nấy.

Ra khỏi cồng, tôi nhắc đến xe kéo. Thì nhớ mà nhắc vậy. Mẹ bảo: “Bỏ từ tám hoánh rồi. Tội nghiệp cái thằng xe trên mình, trốn quân dịch không được, lớ huớ thế nào, mới ra trận đã mất luôn một giò. Chừ ngồi đan rổ cho vợ đi bán, con còn nhớ hắn không?” Tôi thưa: tên không nhớ, mặt không nhớ, chỉ nhớ đôi dép mo cau đạp lạch bạch xuống mặt đuờng.

Ra khỏi phố, rẽ lối đò Ruộng. Cũng quen miệng mà gọi rứa chứ đò giang đâu còn. Mẹ kể: sau cái lụt năm Thìn, sông bị lấp, ở chỗ đó chừ nhà của khít rịt.

Đến trước một quán ăn, ngoài của treo cái mẹt viết nguệch ngoạc chữ vôi Mì Phú Chiêm. Tôi quýnh người như gặp người quen xa cách lâu ngày. Rồi ghé tai mẹ, tôi đọc nhỏ câu hát ngày xưa mẹ thường hát: Miếng ngon quê kiểng thiếu gì. Đi lấy chồng phố thèm bát mì Phú Chiêm. Mẹ cười ngất “Cái thằng, giỏi nhớ!” Rồi mẹ cong ngón tay mổ mổ xuống chỗ tôi đang đứng. “Bến đò Ruộng là chỗ ni. Ngày con đi, ông già còn chống, sau ông mất, anh Hai Ruộng chống thay cha, chừ thì bến đò đã thành nhà cửa ri đây”. Hồi đó, lên khỏi đò là ruộng lúa có con châu chấu huơ râu đứng chào. Giờ thì nương khoai, nà bắp, biền dâu lấn tới sát mé làng.

Chao ôi, ba mươi năm thương hải tang điền!

Vào làng, đường sá, nhà cửa vẫn như xưa, như chưa hề có bom đạn gì ở đây. Mẹ bảo: đồn hắn đóng ở gò Lê, đây lên đó nhai chưa dập miếng trầu. Bị bộ đội về đánh miết, mình hạ xuống hắn lại dựng lên. Thì kệ cha hắn. Quê mình ở đây từ Kháng- chiến- một tới chừ cứ rứa: ngày hắn, đêm mình. Ngày bà con mình ruộng nương chợ búa, làm ăn bình thường, gặp tụi hắn cứ giả đò khúm núm dạ trước mặt. Tụi hắn cũng chỉ láng cháng ban ngày, cà rà nhà này nhà khác bày đặt điểm danh, hạch sách chuyện này chuyện nọ rồi châu đầu nhậu nhẹt, bài bạc, chọc gái… Mặt trời chưa lặn, cha con hắn đã kéo về đồn, thả dưới này cho bọn hội đồng. Nhưng hội đồng hội thiếc chi, mới chạng vạng đã đắp chiếu trong nhà không dám hó hé. Du kích mang súng đi ngang chọc chó sủa rồi hăm: “Sủa chi, nằm im! Việc ai nấy làm nghe chưa” Tụi hắn gác cho các ổng hội họp, cho bà con đào hầm bí mật, cất giấu đồ tiếp tế…

Cứ năm ba bữa, sắp trên núi lại về cõng hàng. Thôi thì đủ: gạo cơm, mắm muối, thuốc men, vải vóc… Trên nớ cần chi dưới ni lo đủ. Cứ xuống phố mua mỗi bữa một ít, mỗi người một thứ bưng về bỏ hầm, đợi tụi hắn. Tội lắm, có đứa mới thấy về chuyến trước chuyến sau không thấy, hỏi, hi sinh rồi. Cho nên hễ gặp nhau là mẹ mẹ con con, nấu nướng ăn uống như nhà có giỗ. Đến cái đêm sắp giải phóng, người đi lại nườm nượp, bọn hội đồng, hương dũng trốn tiệt, hàng chục bàn máy may cờ, chạy xàch xạch suốt đêm, sáng ra được tin mình đã lấy được Hội An rồi thì cả làng đỏ rực lên ri đây.

(Còn nữa)

1

Thủy tổ họ Dương là Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nguyên Hào trưởng Châu ái (vùng đất Thanh Hóa bây giờ), người có công lớn vây đánh thành Đại La, đuổi quân Nam Hán về nước, khôi phục quyền tự chủ cho đất Giao Châu vào năm 931.

Sau đó, Tiết độ sứ bị một bộ tướng làm phản, sát hại để đoạt quyền và cầu viện nhà Hán.

Hai con của Tổ là nữ tướng Dương Thị Như Ngọc (sau là vợ Ngô Quyền) và tướng quân Dương Tam Kha đã cùng Ngô Quyền diệt tên phản tặc và sau đó đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, buộc vua Tàu phải rút quân về nước, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc của nước ta.

Đến thời Lê, cư dân vùng Thanh Nghệ đã mang gươm theo vua Lê Thánh Tôn đi Bình Chiêm mở nước về phương nam. Dấu chân của những tòng binh lập nghiệp đến đâu, làng mạc mọc lên đến đó.

Trong những ngôi làng Việt đầu tiên trên đất Quảng ngày ấy, có một làng nằm trên bờ sông Thu Bồn, gần đường thiên lý, cách Hội An không xa, được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm dinh trấn Quảng Nam, đã cùng Hội An sớm trở thành một nơi phồn thịnh vào bậc nhất của xứ Đàng Trong thời ấy. Đó là Thanh Chiêm. Và trong những tiền hiền hậu hiền có công khai cơ lập nghiệp làng này có hậu duệ của thủy tổ Dương Đình Nghệ từ Thanh vào. Rồi đời này qua đời khác, sinh con đẻ cháu thành dòng tộc Dương -  Thanh Chiêm ngày nay. Mẹ tôi là con gái của nhà họ Dương ấy.

Nhưng gốc tích lẫy lừng ấy của quê ngoại tôi mãi sau này tôi mới biết. Vậy mà từ thuở chín mười, tôi đã quyến luyến với vùng quê này lắm. Trời đất sinh thế! Hàng năm, ngoài ba tháng hè gần như được ở với ngoại, còn ra tết nhất, ngày đơm ngày kỵ, cha mẹ tôi thường cho tôi về miết. Hễ được về ngoại là trong người cứ nôn nao như trẻ bây giờ sắp được đi du lịch xa.

Tối hôm trước, khi lên giường, mẹ dặn nhỏ: “Sáng mai, hễ mẹ nhéo một cái vào đít là phải ngồi dậy ngay, sè sẹ kẻo em thức dậy hắn đòi.” Tôi dạ thật to rồi nhảy cà tưng trên giường như phát khùng.

Sáng hôm sau, mẹ tôi cắp rổ mây, như cái làn của các bà, các chị bây giờ, tong tả đi trước, tôi líu ríu vừa chạy theo vừa réo mẹ chờ. Mẹ tôi không quay lại, giục đi mau kẻo hết xe.

Xe đây là xe kéo, thường gác gọng chờ khách ở Quán cơm đầu đường. Anh phu xe người cùng làng với mẹ, vừa thấy bóng mẹ con tôi, đã đon đả xốc càng trờ xe tới:

- Hôm nay trên nhà có đám hả cô Năm? Mẹ tôi tươi cười “ời” một tiếng nhỏ thay lời chào, khẽ vén tà áo dài phía sau ra trước bụng, bước một chân lên rồi nhấc gọn người vào xe. Anh xe bế thốc tôi đặt vào lòng mẹ. Mẹ tôi đưa tay đỡ và kéo tôi vào lòng. Nhưng tôi lại muốn chồm tới để nhìn anh xe. Anh nhấc gọng xe, mặt quay về phía trước, sửa cho ngay ngắn cái nón lá hẹp vành như nón lính thú ngày xưa, bắt đầu đưa những bước nhỏ. ống quần buông lửng quá gối, chân quàng đôi dép chằm bằng mo cau rất lạ mắt. Đôi dép chỉ có một quai nhỏ phía trước rịt chặt lấy ngón chân giữa, hai quai sau chằng vào cổ chân, đập lạch bạch lên mặt đường, theo bước chạy mỗi lúc một dài ra, nhanh dần, nhanh dần…

Ngồi trên xe, tôi cứ chỉ cái này cái nọ luôn miệng “chi rứa mẹ?”. Mẹ tôi dường như chỉ chờ tôi hỏi để trả lời, giảng giải. Đó là người ta in gạch, còn kia không phải nướng ốc đâu mà người ta đổ vỏ ốc vào lò để hầm vôi đó. Rồi mẹ cốc nhẹ vào đầu tôi: “Đồ tham ăn, lúc mô cũng nghĩ tới nấu với nướng.”

Buồn cười thật, thường ngày, chơi quanh quẩn ở nhà, nay được ngồi xe với mẹ, thấy chi cũng lạ, cũng thích. Trời đang đẹp, chiếc xe kéo mui trần như muốn bay lên giữa bao la: trời xanh, mây trắng, nắng vàng, đồng lúa trải rộng tít tắp. Và gió, gió trời và gió xe hây hẩy, người cứ nhẹ hẫng.

Gặp ngày trời mưa, xe lên mui, quây bạt. Ngồi giữa bịt bùng mà xe chạy đến đâu mẹ tôi thuộc đến đó như có người nhắc. Mẹ giỏi thiệt. Mẹ tôi bảo: giỏi chi, cứ nghe tiếng bánh xe là mẹ biết. Xe chạy trong phố, bánh xe lăn trên mặt đường dầu, êm ru. Qua làng gốm Thanh Hà, chạy trên đường đá, bánh xe kêu lộc cộc. Qua khỏi cống Ông Đá, rẽ vào đường đất, trâu bò hay lội, có hang có hục, xe cứ lắc la lắc lư. Về gần nhà, xe chầm chậm lại.

Đến cổng, mẹ ghé tai tôi “Tới rồi! Tới rồi!”

Vừa thấy mẹ con tôi bước vào, bà ngoại tôi đã chửi lớn:

- Cha con gái mẹ bay, răng chừ mới về?

Thì mẹ con tôi lúc nào chẳng về sớm nhưng ngoại tôi lúc nào chẳng chửi vậy. Nghe bà chửi mẹ cười rất tươi. Còn tôi thì sướng rơn lên khi thấy ông ngoại cười với tôi – cái cười ít khi thành tiếng mà hiền từ, lúc nào cũng như được dấu sẵn sau đôi môi dày và chòm râu bạc trắng.

Nhớ lời mẹ dặn, tôi bước dến trước mặt ông, nâng gói quà nhỏ lên bằng hai tay – tôi nhớ rồi mà mẹ cứ nhắc “hai tay, con!”

Ông tôi cầm gói quà nói:

- Để coi, cà cưỡng tha mồi chi về cho ông đây.

Uổng công cà cưỡng tha mồi… Tên ở nhà của tôi hồi nhỏ là Cưỡng nên ông thường gọi chọc tôi theo câu ca đó.

Tôi bỗng lúng túng. Mẹ tôi phải đỡ lời:

- Thưa… cha sắp nhỏ mua thuốc trà hiệu Ông Tiên kỉnh cha đó .

(Lúc nào có quà kỉnh ông bà, mẹ tôi cũng nói “cha sắp nhỏ mua”. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, chẳng riêng mẹ tôi, các chị các bà mình đều nói tốt cho chồng như thế, để làm ấm lòng cha mẹ mình. Thì không báo hiếu được nhiều, một chút vậy cũng quí chứ sao.)

Nghe mẹ tôi thưa vậy, ông tôi co ngón tay củng nhẹ vào trán tôi, gật gật đầu, không nói gì nhưng tôi thấy mắt ông ươn ướt.

Không rõ đến năm nào, chừng như đã có bằng yếu lược, đi học dưới phố, tôi phải nhường cho em gái tôi được đi xe kéo với mẹ, còn tôi lội bộ với cha.

Cũng chẳng xa xôi gì. Chỉ một quãng tắt qua Bến Cá là tới đò Ruộng. Ông lái đò, cũng chỗ quen biết, đã có tuổi nhưng tay chân còn rắn chắc. Thấy cha con tôi đứng chờ đò, từ dưới ghe đã oang oang chào lên.

Đợi khách lên đò xong xuôi, ông rùn người trên cây sào dài đã lên nước bóng nhẫy, chống mạnh một chống. Cái đò rướn mình lìa bờ. Sông hẹp, chỉ dăm ba tay sào, đò đã sạt vào bờ cát bên kia.

Xuống đò là tới đất Phú Chiêm, quê ngoại tôi rồi. Con đường đất hẹp, chạy quanh co qua các ruộng lúa dẫn vào làng. Cha tôi bật dù che cả cho tôi. Trời nóng, cha tôi cởi khăn đóng, áo dài khoác vào khuỷu tay, có khi tròng vành khăn vào cổ tôi, nói vui: đeo dùm cha “cái nọng heo”.

Còn tôi thì xách guốc. Đôi guốc xà lan tự tay cha tôi đẽo, đóng quai da bò lật ngược theo kiểu phố. Xách guốc, đi chân không trên rệ cỏ, cứ mát rượi dưới gan bàn chân. Gặp ngày mùa, hương đồng thơm ngạt mũi. Thỉnh thoảng, một chú châu chấu đứng trên bông lúa, múa râu như chào hỏi. Chao ôi, con châu chấu! Một thằng nhỏ lên mười ở phố làm sao bỏ đi cho đành!

Nhưng cha tôi giục: mau lên kẻo ông ngoại lại cho thằng khác, mất phần như chơi.

ấy là cha tôi nhắc đến cái bong bóng heo mà ông ngoại tôi thường bảo mấy người làm heo dành cho tôi từ ngày hôm trước. Bong bóng heo phơi khô thổi thành trái banh. Đá bẹp rồi thì xé ra bịt lon sữa bò làm trống, khua inh nhà, bị la mà thích.

Cha tôi đi trước xách đồ cúng. Lễ vật thì đám mô vô đám nấy. Ngày giỗ ngày kị thì sắm quả bánh ngọt Hiệp Lợi. Mồng năm thì bánh ú tro, Tết phải có bánh tổ lấy tận lò Phó Tám. Có năm cha tôi đem về gói trầm ròng lại thêm mấy cái lồng đèn Tàu để ông tôi treo chơi ba ngày tết. Mỗi thức đều được gói gắm vuông vức bằng giấy nhựt trình rồi đặt tất cả vào giữa vuông vải mộc, buộc chéo bốn góc thành một cái xách tay rất tiện. Những thứ này không đuợc giao con nít xách, nhỡ tay rơi lên rơi xuống lấm láp, không nên.

Đường qua đồng tráng nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bước vào đến đầu làng như thể ngày nay được bước vào phòng lạnh. Hai bên đường nhà ở liền nhau. Truớc cửa nhà nào cũng có vuờn cây, bóng cây lợp kín trời, đi ngoài đuờng mà như đi trong nhà. Gần đến nhà ngoại, cha bảo tôi mang guốc vào kẻo đạp gai. Rồi đi.

Cha tôi xếp dù, đóng khăn mặc áo chỉnh tề, móc dù vào khuỷu tay, rảo bước thong dong. Dáng đi của cha sang vậy mà cứ bị mẹ tôi trề môi ghẹo: “Đi làm rể mà như thể ông xã ra việc làng”

Sợ bọn con nít chọc, tôi phải vừa đi vừa chạy cho kịp cha. Rứa mà cũng không thoát. Chó ị gần nhà, bọn hắn cứ đứng đầu ngỏ, gào rập ràng:

Phú Chiêm ăn cá bỏ đầu

Kim Bồng đến lượm xỏ xâu mang về

Rồi thì

Cái đầu dẹp lép cá chai

Ăn tham với vợ là trai Kim Bồng

Kim Bồng là quê tôi. Tôi thì tức điên mà cha tôi nghe vậy lại cười, bảo “Kệ cha hắn, cứ làm thinh ngó lơ, đi.”

Lúc ngang qua nhà các cậu tôi, cha tôi chỉ giơ tay chào, không ghé. Phải lên nhà ông bà thưa trình trước đã rồi đi đâu mới đi - Đạo rể con phải lấy chữ Lễ làm đầu, cha tôi thường bảo vậy.

Cúng giỗ xong, các cậu tôi rủ: chiếu bài còn thiếu một tay chờ anh dự cho vuông sòng.

Chơi vui thôi, chỉ đẩy qua đẩy lại mấy đồng xu lẻ để ván bài có trớn, nên cha tôi thường ở lại đêm, chỉ có mẹ con tôi về. Mà không ở lại thì hai người cũng chẳng mấy hồi chịu về cùng. Mẹ tôi bảo:

- Vợ chồng, đi ra đi vô đụng đầu cả ngày, ức chi còn cặp kè ngoài đường như cái đồ không biết mắc tịt!

*

Nghỉ hè hồi trước dưới phố bắt chước Tây gọi là nghỉ Va- căng. Còn trên ngoại tôi gọi là nghỉ nắng. Giờ nghĩ lại mới thấy quê mình hay có kiểu nói ngộ thiệt: vào những ngày cuối năm học, khi hoa phượng đã đỏ sân trường, ngồi trong lớp mồ hôi chảy ròng ròng như có con chi bò trong người, lúc đó mà nhắc đến hai chữ nghỉ nắng là bụng dạ đám học trò nhiệt đới cứ chộn rộn cả lên.

Riêng với tôi, nghỉ nắng có nghĩa là được về ở với ngoại. Mẹ tôi bảo trên ngoại mát mẻ lại có anh Năm kèm cho khỏi chạy rông dang nắng, rớt hết chữ. Ông ngoại thì bảo để cho nhà có con nít, hắn vui. Còn bà ngoại thì xì một cái “Vui chi, thêm mệt!” Nói rứa thôi, chứ hễ thấy đám cháu nội vừa nhét vở lên rường nhà mà chưa thấy tôi về, bà đã nhắc ông “Hay là ông biểu mấy đứa chạy xuống xem thử chó con có ấm mình ấm mẩy chi không”

Còn ở dưới nhà tôi mấy ngày đó, hễ cứ hắt xì hơi một cái là mẹ tôi bảo “Ngoại nhắc rồi đó, sửa soạn đi”

Hôm sau, mới thấy mẹ con tôi tới ngõ, ông cười nói: “Mai đạp lúa rồi, về dùm ông mấy bữa hỉ”. Biết ông nói giỡn nhưng bụng cứ thinh thích.

Sáng hôm sau, ông dậy sớm ra quét sân, tôi vội cầm chổi theo ông:

- Phải moi móc thật kĩ, không để sót một hột sạn, biết tại răng không?

- Dạ biết. Để sạn chui vô chén cơm nhai mẻ răng. miệng ai cũng như miệng mình.

Ông tôi thường nói rứa, tôi nhớ mà nói theo. Vậy mà cũng được ông khen: “Cái thằng, giỏi”

Cơm nước xong, lúa cũng tới tấp về. Những bó lúa nặng thả từ đòn xóc xuống, xếp ngay ngắn quanh sân theo vòng trôn ốc. Khi sân đã đầy lúa thì lùa bò vào đạp. Chú bò đực lực lưỡng vai u thịt bắp, chừng đã quen việc, vừa bén hơi lúa đã bước lên đi phăm phăm. Chú đi vòng quanh sân, dẫm lên những bó lúa ngon lành. Mùi lúa mới cắt ngòn ngọt, thơm đầy sân. Chú vừa đi vừa lúc lắc đầu, khìn khịt mũi, coi bộ bực bội lắm. Tội nghiệp chú, ngó như thằng nhỏ háu ăn ngồi gần kẹo mà không được bốc. Không nhịn được, chốc chốc chú lại cúi xuống định ngoạm đại máy cọng. Nhưng mõm đã bị đóng rọ. Thèm mấy cũng chịu, chú đành ngửng đầu hùng dũng bước. Khi nào chú chàng đi chậm rồi dừng lại dạng hai chân sau ra, hạ mông xuống, đuôi vổng lên hình dấu ngã, là sắp có chuyện rồi. Đã sẵn cái giỏ trạc ở góc sân, tôi nhảy phóc ra bưng vào hứng ngay dưới đít chú. Cái công việc không mấy thơm tho sạch sẽ này không biết vì sao tôi lại thích nên ông đã giao cho tôi và khen tôi biết tém vén đâu ra đấy.

Khi mặt trời đã lên quá ngọn tre, ngoại bốc một nắm gié lên, săm soi rồi hô:

- Nục rồi, hò bò lại!

Tôi liền hò..ọ..ọ một tiếng. Con vật chỉ chờ có vậy, đứng lại ngay, chờ người đến tháo rọ cho ra nhai rơm. Các người dùm cầm mỏ xảy ra xảy lúa. Mỏ xảy bằng sắt, cong như mỏ bồ nông, tra trên đầu cán tre. Người xảy lúa luồn mỏ xảy xuống dưới lớp lúa mới đạp lần đầu, nâng một mớ lên, khẽ tung hứng một cái trước khi lật trái cho bò dẫm tiếp. Ngó như làm xiếc.

Trong khi người lớn xảy lúa, bọn con nít chúng tôi được ngoại cho uống nước nửa buổi trước.

ở chỗ ngoại tôi hồi đó, ngày cơm ba bữa, giữa buổi sáng có uống nước nửa buổi, nửa chiều có nước xế, làm đêm thì có nước khuya. Có chi ăn nấy: khoai khô ngào đường, sắn luộc chấm muối mè, hôm nào làm nặng thì bánh tráng đập, mít hông. Cái anh mít hông thì số một. Mít sắp chín, gỡ lấy múi, móc hột luộc chín giã với đường nhồi vào giữa múi, hấp. Những bữa đạp lúa thì được ăn bánh lúa. Bánh bèo vào giữa mùa gặt cứ lặng lẽ gánh đến các sân đang đạp lúa, một chén bánh đổi một chén lúa nên gọi là ăn bánh lúa. Thấy tụi tôi mới nghe ông hô, mỗi đứa đã bưng một chén, giữa cắm chiếc dao tre, ông nói to:

- Mùa ni trúng, cho bọn bay ăn thả cửa. Rồi ông gọi tôi đến, bảo: để ông bày cho thằng dân phố ni. Ri nè: tay phải cầm dao (giống cái thanh long đao trong tay quan công trên sân khấu hát bội) tay trái bưng chén bánh, vạch dọc vạch ngang, vạch chéo qua chéo lại theo hình hoa thị rồi ép dao vào lòng chén quành một vòng, tức thì chén bánh nứt ra thành một bông hoa tám cánh, nhưn tôm thịt đỏ hồng giữa chén như cái nhụy hoa tràn ra, thấm đều từng miếng. Bánh bèo Quãng Nam phải để sẵn chén mắm ớt. Rưới một thìa mắm cay quanh chén, dùng thanh long đao cắm nhẹ từng miếng đưa gọn vào miệng. Cha chả, hèn chi ăn bánh bèo ở đây gọi là múa thanh long đao.

Lúa đạp xong, phơi ngay. Ông bảo: dồn đống lâu, lúa hầm hơi thua gạo. Được nắng, gạo mới ngon cơm.

Hôm sau, lúa trang ra đầy sân. Bà ngoại giao: cày thóc là việc của ông, còn sắp bay lo đuổi gà cho bà. Ông bảo: ngày mùa ngày màng, mình bưng chén cơm mới, cũng phải cho gà qué hắn lượm mấy hột. Gà là gà mình, ăn lúa tươi gà thơm thịt rồi mình lại ăn thịt gà, mất đi mô. Bà cãi: Đừng nói chơi. Gà thì phải bươi chải kiếm con trùn con dế, lượm hột rơi hột đổ, nói như ông thì sai sắp nhỏ xúc lúa lên mâm mời hắn trớt”

Ông cười xòa

Trong khi chờ nóng lúa, ông ra hiên cầm cái quạt mo phẩy mấy cái lên bậc thềm, ngồi bệt xuống, gọi lớn:

- Bay đâu, điếu!

Quen rồi, bọn tôi rập ràng dạ.ạ.. lớn rồi chạy u vào, đứa thì bưng bầu điếu, đứa cầm cần tẩu, đứa bưng cái đèn hột vịt vặn thấp ngọn chạy ra. Bà tôi từ trong bếp hô theo “Nổi chầu lên!” Chẳng là, cả nhà ngoại tôi đều mê hát bội. Mỗi lần có gánh hát về, cách chi các ông bầu cũng phải mời ông tôi cầm chầu cho được. Bởi ông thuộc tích sành chầu nên tiếng trống ông khoáng đạt, nghe sướng tai, hát sướng miệng. Đêm nào có ông cầm chầu, rạp hát như cái bếp tốt lửa, cứ phừng phừng cháy cho đến khuya.

Thường ngày cứ nghe ông hô “bay đâu” là bọn tôi chạy đến hầu thuốc, hầu quạt để được nghe ông kể tích, kể tuồng.

Cầm cần tẩu đưa vào miệng, ông cầm que đóm rà líu ríu vào mồi thuốc, kéo xòng xọc một hơi dài, ngả người dựa cột, lim dim mắt, phà khói ra thơm ngát. Lúc đó, trông ông tôi giống y hình vẽ ông tiên say thuốc trên nhãn hộp thuốc trà.

Khói thuốc vừa tan, ông hỏi: “Đến đoạn mô rồi hè?”. Bọn tôi tranh nhau nhắc, “tới chỗ Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu mà cứ xách cái đầu chạy theo Đổng Kim Lân…”

à, nhớ rồi, nhớ rồi. Ông tằng hắng rồi kể tiếp, kể như hát, như đang thúc chầu. Bọn tôi há hốc mồm, ngồi nghe như bị thôi miên. Vừa hết tích Sơn Hậu, ông đứng dậy bước ra sân cày thóc. Một tay cầm chiếc nón lá, không đội mà che hờ lên đầu, quai nón bỏ trật ra sau gáy, một tay bắc chéo ra sau lưng, đầu bịt khăn đầu rìu, áo cánh vắt bên vai, quần lá tọa kéo lên quá ống quyển. Ông nhủi nhẹ mũi bàn chân xuống dưới lớp thóc nhủi lên một bước dài, hết chân này đến chân khác, cày thành hai đường thẳng tắp từ bên này qua bên kia sân, rồi quay lại…

Nắng giữa buổi làm da dẻ ông ửng hồng, hai ống quần trắng lên xuống nhịp nhàng, chiếc thắt lưng điều bay ngược về phía sau- dáng ông tôi nổi bật trên sân thóc dợn sóng, vàng rực lên dưới nắng.

Khi đi xong đường lúa cuối cùng, ông bước ra đứng ở bìa sân, giở mũi chân lên, thổ nhẹ gót xuống sân mấy cái rồi mới bước ra. Vừa ngồi xuống thềm đá, ông lại “Bay đâu”. Bọn tôi lại dạ ran rồi bu đến. Lại hầu thuốc, hầu quạt, lại đòi ông kể tuồng…

Vừa qua, lần đầu được đọc đầy đủ tộc phả họ Dương, được biết cụ tiền tổ Dương Tam Kha, sau khi trao lại vương quyền cho con trai Ngô Quyền bấy giờ đã lớn, ông lui về Chương Dương xây dựng vùng đất này thành địa danh nổi tiếng trong lịch sử, ung dung sống cuộc đời điền lão cho đến cuối đời, tôi bỗng dưng nhớ đến ông ngoại tôi trên sân thóc ngày ấy. Trong người hậu duệ bao nhiêu đời của tổ, hình như vẫn còn thấp thoáng hình bóng của tổ tiên ngày trước.

Buổi chiều, khi sân vừa hết nắng, ông đã giục sắp cháu nội đi bắt chuồn chuồn. Ông bảo tôi “Tụi hắn đứa mô cũng bơi như rái, ông chỉ cho chuồn chuồn cắn lỗ rún con một cái là biết bơi liền. Nghe ông nói, tôi vừa sợ vừa thích. Để coi ra răng. Nắng vừa nhạt, ông cháu kéo ra sông. Cả bọn lớn nhỏ đều cởi truồng dồng dỗng. Ông bắt mấy đứa giữ tay giữ chân tôi rồi cầm con chuồn chuồn dí vào rốn tôi một cái. Ông cháu cùng cười còn tôi chỉ ré một tiếng rồi cũng cười theo. Cắn mổ chi, chỉ nhột. Xong, ông vác tôi lên vai, lội ra xa, để tôi nằm trên mặt nước, chỉ cho cách bơi rồi bất thình lình rụt tay, để mặc tôi vùng vẫy, quơ đạp nhưng người tôi cứ như cái hủ chìm, uống nước ừng ực, sặc sụa, trước khi được bế lên. Ông cười bảo: “Chuồn chuồn cắn rún rồi, không chìm đâu, cố lên là được.”

Chống cự không được, tôi đành phải lặp đi lặp lại cái vũ điệu loạn xạ dưới nước đó không biết bao nhiêu lần. Rồi tôi cũng bơi được. Khi tôi bơi khá rồi, một lần ông bảo tôi: “Sống ở đời phải biết bơi, không bơi được là chìm đó con”

Lớn lên, ra giữa sông biển cuộc đời, khi đủ trí khôn để hiểu được lời ông thì ông tôi đã không còn nữa. Ngày ông tôi mất, cả làng đưa ông ra đồng. Đám ông tôi băng qua những khoảnh ruộng vừa gặt. Trướng liễn phấp phới, chiêng trống vang rền. Linh cữu đã gần tới huyệt, mà dòng người đưa đám chưa ra khỏi cổng. Ai cũng chép miệng thương tiếc, bảo ông như Ông Phật sống. Bà tôi kể, tháng Hai trời nổi dông sớm. Nửa đêm sấm chớp đùng đùng. Đang ngủ ông ngồi bật dậy chạy ra sân khuân củi vào hiên. Mới được mấy ôm củi, ông vào nhà, lên giường nằm kêu “Bà ơi!”. Bà lập cập thắp đèn chạy tới, thấy ông người đã thẳng đơ. Bà hoảng hồn kêu trời một tiếng. Ông cố mở mắt nhìn bà, môi mấp máy như cười mỉm chi, rồi đi. Nhẹ như không.

Lúc khâm liệm ông, bà ngồi chọn kĩ bảy hạt gạo gói cẩn thận vào mảnh giấy vàng bạc. Khi cầm gói gạo đưa người ta cho vào miệng ông, bà mới òa khóc, rủ người trong tay con cháu “Ông đi bụng không có được hột cơm, tội ông rứa ông ơi…” Bà vừa khóc vừa thở than, trách móc ông như thể ông đang còn ngồi trước mặt. Tiếng hờ khóc yếu ớt của một bà lão ở tuổi tám mươi, cứ ri rỉ tỉ tê như tiếng nước một con khe cạn chảy qua kẻ đá, nghe thật não nuột.

Ông tôi ra đi mang theo những ngày hè thơ ấu của bọn tôi. Sau đó là kháng chiến toàn quốc, là chống Pháp, chống Mĩ… Đám cháu nhỏ của ông như những viên bi ve lấp lánh đang nằm vui vẻ trên mặt bàn, bỗng chiến tranh như một nắm đấm giáng mạnh vào giữa, tất cả tung tóe, cuốn vào những biến động của đất nước. Và trong những nắng nôi của đời người, lắm lúc thấy thèm đến cháy ruột một khoảnh khắc được về nghỉ nắng dưới bóng mát của ngoại như những ngày còn đi học.

2

Hội An giải phóng được mươi hôm, tôi về nhà. Hôm trước hôm sau đã giục mẹ về ngoại. “Chi mà quíu lên rứa con, để mẹ ngậm miếng trầu đã” Nói vậy nhưng mẹ lại xăng xái đi lấy áo láy nón. Tôi còn loay hoay mang giày đã thấy mẹ cầm nón đứng ở thềm. “Giải phóng giải phọt chi mà chậm rề rề.” Vừa chê tôi, mẹ vừa đưa nón soi lên nắng, coi thử có con chi trong đó không, tay này thổ nhẹ vành nón vào tay kia mấy cái rồi mới đội lên đầu, đưa ngón tay móc vào quai nón kéo xuống dưới cằm, sửa nón cho cân cái rồi mới bước ra sân. Bộ dạng mẹ tôi vẫn y như hồi tôi còn ở nhà. Năm ấy mẹ đã bảy tám, đi lại còn lanh lẹn, nói năng còn rành rẽ chi ra nấy.

Ra khỏi cồng, tôi nhắc đến xe kéo. Thì nhớ mà nhắc vậy. Mẹ bảo: “Bỏ từ tám hoánh rồi. Tội nghiệp cái thằng xe trên mình, trốn quân dịch không được, lớ huớ thế nào, mới ra trận đã mất luôn một giò. Chừ ngồi đan rổ cho vợ đi bán, con còn nhớ hắn không?” Tôi thưa: tên không nhớ, mặt không nhớ, chỉ nhớ đôi dép mo cau đạp lạch bạch xuống mặt đuờng.

Ra khỏi phố, rẽ lối đò Ruộng. Cũng quen miệng mà gọi rứa chứ đò giang đâu còn. Mẹ kể: sau cái lụt năm Thìn, sông bị lấp, ở chỗ đó chừ nhà của khít rịt.

Đến trước một quán ăn, ngoài của treo cái mẹt viết nguệch ngoạc chữ vôi Mì Phú Chiêm. Tôi quýnh người như gặp người quen xa cách lâu ngày. Rồi ghé tai mẹ, tôi đọc nhỏ câu hát ngày xưa mẹ thường hát: Miếng ngon quê kiểng thiếu gì. Đi lấy chồng phố thèm bát mì Phú Chiêm. Mẹ cười ngất “Cái thằng, giỏi nhớ!” Rồi mẹ cong ngón tay mổ mổ xuống chỗ tôi đang đứng. “Bến đò Ruộng là chỗ ni. Ngày con đi, ông già còn chống, sau ông mất, anh Hai Ruộng chống thay cha, chừ thì bến đò đã thành nhà cửa ri đây”. Hồi đó, lên khỏi đò là ruộng lúa có con châu chấu huơ râu đứng chào. Giờ thì nương khoai, nà bắp, biền dâu lấn tới sát mé làng.

Chao ôi, ba mươi năm thương hải tang điền!

Vào làng, đường sá, nhà cửa vẫn như xưa, như chưa hề có bom đạn gì ở đây. Mẹ bảo: đồn hắn đóng ở gò Lê, đây lên đó nhai chưa dập miếng trầu. Bị bộ đội về đánh miết, mình hạ xuống hắn lại dựng lên. Thì kệ cha hắn. Quê mình ở đây từ Kháng- chiến- một tới chừ cứ rứa: ngày hắn, đêm mình. Ngày bà con mình ruộng nương chợ búa, làm ăn bình thường, gặp tụi hắn cứ giả đò khúm núm dạ trước mặt. Tụi hắn cũng chỉ láng cháng ban ngày, cà rà nhà này nhà khác bày đặt điểm danh, hạch sách chuyện này chuyện nọ rồi châu đầu nhậu nhẹt, bài bạc, chọc gái… Mặt trời chưa lặn, cha con hắn đã kéo về đồn, thả dưới này cho bọn hội đồng. Nhưng hội đồng hội thiếc chi, mới chạng vạng đã đắp chiếu trong nhà không dám hó hé. Du kích mang súng đi ngang chọc chó sủa rồi hăm: “Sủa chi, nằm im! Việc ai nấy làm nghe chưa” Tụi hắn gác cho các ổng hội họp, cho bà con đào hầm bí mật, cất giấu đồ tiếp tế…

Cứ năm ba bữa, sắp trên núi lại về cõng hàng. Thôi thì đủ: gạo cơm, mắm muối, thuốc men, vải vóc… Trên nớ cần chi dưới ni lo đủ. Cứ xuống phố mua mỗi bữa một ít, mỗi người một thứ bưng về bỏ hầm, đợi tụi hắn. Tội lắm, có đứa mới thấy về chuyến trước chuyến sau không thấy, hỏi, hi sinh rồi. Cho nên hễ gặp nhau là mẹ mẹ con con, nấu nướng ăn uống như nhà có giỗ. Đến cái đêm sắp giải phóng, người đi lại nườm nượp, bọn hội đồng, hương dũng trốn tiệt, hàng chục bàn máy may cờ, chạy xàch xạch suốt đêm, sáng ra được tin mình đã lấy được Hội An rồi thì cả làng đỏ rực lên ri đây.

(Còn nữa)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...