Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tiểu thuyết “Người rừng” của Vũ Xuân Tửu (trích)

14-01-2014 09:36:02 AM

VanVN.Net – “Người rừng” được nhà văn Vũ Xuân Tửu viết xong rất lâu trước khi các phương tiện truyền thông rộ lên tin về hai cha con “người rừng” được tìm thấy trong khu rừng ở Quảng Nam. Cuốn sách được in xong vào cuối năm 2013, chỉ vẻn vẹn 36 trang in trên khổ giấy 11x18cm, nhưng bạn đọc sẽ bị cuốn hút với lối kể chuyện và những tình tiết được xử lý rất…Vũ Xuân Tửu. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ba chương đầu trong cuốn tiểu thuyết giả thần thoại – cổ tích độc đáo này.

Bìa tiểu thuyết Người rừng


Lời nói đầu

Làng Cây Da có đôi vợ chồng tiều phu. Cô vợ tên là Gái, có chút nhan sắc, nên bị các thần nhòm ngó, đến cả chú Cuội cũng mê, bởi thế  mà sinh hoạ. Anh chồng tên là Mạc, hiền lành, chất phác (về sau được Ngọc Hoàng thương tình phong cho làm thần Thật Thà). Một hôm, họ mang con nhỏ tên là Mậm vào rừng đốn củi. Không may, người chồng bị thần Mây Mưa làm lũ suối cuốn trôi, đứa con bị lạc vào bầy khỉ, vợ bị khỉ độc hành hạ.

Thế rồi, Gái sinh ra một đứa con gái lai khỉ, đặt tên là Gái Con. Bị dân làng xa lánh, bà ngoại phải nuôi dưỡng, nhưng oái oăm, bà lại biến thành gà. Bà ngoại mất, Gái Con hiếu thảo đã làm lều canh mộ. Khi bốc mộ, thấy toàn xương gà, bèn bỏ vào lọ, giấu kín.

Cu Mậm được một con khỉ cái nuôi dưỡng như người mẹ chăm con. Mậm lớn lên, trở thành người rừng, nhưng không nguôi nỗi nhớ loài người. Khi trưởng thành, cùng bầy đàn đi kiếm ăn, vô tình đã gặp Gái Con. Nhưng hai anh em không nhận ra nhau và yêu nhau. Kết quả, Gái Con sinh đôi, đặt tên con trai là Kim Đồng, con gái là Ngọc Nữ.

Giặc xâm lăng tràn sang bờ cõi, Gái Con bị đồn trưởng chiếm đoạt làm người tình. Thấy Kim Đồng thông minh, đồn trưởng đã trả nghĩa người tình bằng cách cho Kim Đồng du học. Thiên Lôi phải lòng Ngọc Nữ. Ngọc Nữ sinh ra năm đứa con, đặt tên theo con vật cho dễ nuôi, là Gà, Vịt, Ngan, Ngỗng, Le Le. Nhưng chúng cũng có tên chữ là theo ngũ hành là Kim. Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Cả năm đứa đều khôi ngô, nhưng mông lại tấy đỏ như khỉ, mang họ Thânk. Thiên Lôi ngỡ là con mình, nên xuống hạ giới chăm nom.

Mậm nhớ người tình, toan trốn, bị bọn khỉ phát hiện, bắt phải theo đàn di chuyển sang vùng núi khác. Mẹ khỉ ngầm báo cho biết, khi đến nơi ở mới, khỉ đầu đàn sẽ giết Mậm. Nhưng Mậm không nỡ bỏ mẹ nuôi mà trốn đi. Khỉ mẹ nhận biết điều đó đã nhảy xuống suối tự tử.

Mậm trở về với đồng loại, được Ngọc Hoàng ngầm giúp xây luỹ, dựng thành. Khi thấy Gái Con đã bị đồn trưởng chiếm đoạt, người rừng đã trả thù bằng cách bắt trộm bọn lính trong đồn. Chúng đã bố trí mai phục, bắn chết Mậm và ném xác vào rừng. Chỗ ấy, đùn lên thành đống mối, dân làng khấn thấy linh thiêng, lập miếu thờ.

Thời kỳ biến động, có một người bị bọn lính xử bắn ở gốc da, hòng  khủng bố tinh thần, nhưng lại gây mầm phản loạn trong dân chúng. Nhiều đời đồn trưởng thay nhau đóng đồn Cây Da, mang theo nhiều loại phương tiện đi lại khác nhau, nào xe đạp, xe máy, mô-tô ba bánh… Kim Đồng cũng  gửi về làng những thứ như vậy. Thế là hai bên gầm ghè nhau. Ngọc Nữ lập kế chiếm đồn. Được trời báo điềm lành, bèn mở lọ xương gà, thấy có bộ long bào dành cho Ngọc Nữ, nhân đà lập nước tự trị, gọi là Vương quốc Cây Da. Có quyền hành trong tay, Ngọc Nữ lại trị dân hà khắc, gây oán hận. Một nửa làng và mấy đứa con bỏ vào rừng, sửa sang thành cũ, cát cứ một vùng, gọi là Cộng hoà Thành Cổ. Vùng này lại thả lỏng cho dân mặc sức tự tung tự tác, nên bệnh dịch hoành hoành, không sao dập được.

Ngọc Hoàng và các thần cảnh báo, nhưng hai nước kia không thuận theo, nên bị giáng hoạ, làm mưa như đổ cây nước, xoá sạch.

Khi Ngọc Hoàng nhìn xuống hạ giới, thấy còn xót lại bầy khỉ và một đứa bé trai. Ngọc Hoàng cảm kích, bèn cho nước rút, lại ngầm sai chị Hằng tìm người tác hợp cho.

Một cuộc sống mới giữa người và vật lại bắt đầu trên thế gian.

                                                                                                           

Vũ Xuân Tửu

 

Chương một

Được vàng

 

1.

Từ cung trăng nhìn xuống, chú Cuội thấy dưới trần gian có làng Cây Da. Làng có hình con cá ngựa. Cá ngựa thì phải sống dưới nước mặn. Chú Cuội chột dạ, nghĩ bụng: "Không khéo mà có ngày, cả làng chìm nghỉm trong bể cả cũng nên".

Làng mang tên Cây Da, chỉ vì đầu làng có cây da cổ thụ. Cây da mọc ngay chỗ mắt cá ngựa, nên tự nhiên đã linh thiêng. Gần gốc da ấy, có nếp nhà tranh một gian hai chái của vợ chồng nhà Mạc. Nhà ấy ở ngay chỗ sống mũi ngựa, nên hung cách, gở lắm. Chái bên này, đặt cái giường tre của đôi vợ chồng và thằng cu Mậm. Còn chái bên kia, đặt ba ông đầu rau, làm nơi nấu nấu nướng nướng, mỗi ngày, vị chi ba bận đỏ lửa.

Bữa nay, mới nhá nhem tối, mà thằng cu Mậm đã ngủ lăn ngủ lóc ở góc giường. Mạc thì vẫn cắm cúi mài dao bên chum nước. Gái nổi lửa luộc khoai trong cái chã đất. Khi hơi khoai lang đã toả ra thơm thơm, thị ngoái cổ gọi chồng: "Nhà!". "Hử?". "Vào mà ấy… ". "Gà mới lên chuồng mà đã bờn tở… ". "Khỉ gió! Khoai cơ mà".

Thị nhón củ khoai lang nghệ, còn bốc khói, đựng vào vạt váy, hai tay nâng gấu váy như đánh te, mồm thì nhẩu ra mà xuýt xoa và lom khom chạy ra bên chồng. Mạc cầm củ khoai, cho vào mồm nhai, hít hà cho bớt nóng mà không cần bóc vỏ, nhồm nhoàm nói: "Vỏ khoai lang cũng là vị thuốc". "Thày nó thì cái gì chả nên thuốc. Dịch ra, tôi tắm tý". Nói đoạn, thị dạn dĩ cởi áo cánh, lột váy, vắt lên bờ giậu và giội nước ào ào, ra cái vẻ thoả thê lắm. Chú Cuội vội kéo đám mây che mặt, lủng bủng: "Gớm thật!". Chị Hằng khúc khích cười: "Rồi vợ chú cũng chẳng kém đâu". Chú Cuội chắp tay lẩm bẩm: "Thiện tai, thiện tai!".

Mạc cầm dao, toan bước vào nhà. Gái nũng nịu: "Kỳ lưng hộ tý đã". Mạc xoa lên tấm lưng trần, nõn nà của vợ. Hình như cho đến tận hôm nay, Mạc mới nhìn kỹ như vậy. Mọi đêm, chỉ có cái chiếu cọ mới biết cái lưng của Gái mà thôi. Dưới ánh trăng rời rợi, lưng, đùi, ngực của Gái trắng như củ sắn bóc vỏ. Gái xuýt xoa: "Tay ráp ráp là… Nhà lấy cái khăn vuông mà kỳ. Nhà cũng tắm đi. Tôi kỳ cho". Bàn tay Gái mềm như bún. Hồi mới phải lòng nhau, được cầm tay gái, Mạc bủn rủn cả người, ngỡ bàn tay không xương, y như một miếng thịt thăn, mềm và ấm như mới được lọc ra vậy. Vợ xoa lưng mà khiến Mạc cảm thấy nhồn nhột, ghê ghê, vội nói khéo: "Nhà lấy hòn đá mài mà kỳ". "Khiếp, da trâu". "Thế, cứ mũi hòn đá ấy mà dũi. Thế mới sướng đời". "Chỗ này thì tự kỳ lấy nhá". "Chỗ nào?". "Này chứ nào?". Và rồi, hòn đá rơi đánh "bụp".

Chị Hằng thở dài, ta thán:

- Như thế kia, mà ai cũng ước ao lên cung trăng làm cái nỗi gì?

Chú Cuội giật mình, tỏng xuống một giọt nước rãi, vội lấp liếm:

- Như Cuội đây, mang tiếng cũng có gốc đa như ai, thế mà tứ thời, chỉ ngồi bó gối chăn trâu!

- Thích rồi hả? Chớ nhá…

- Đây mà đã thích thì dẫu có bị chặt cụt tay cũng chơi. Đời thằng Cuội thì ba bảy cũng liều. Kìa, thần Cây Da cũng đang cưỡi trên cành da như phi ngựa.

ánh trăng rời rợi toả khắp núi đồi, làng bản. Trên nền trời, chỉ có mây lưa thưa bay. Dưới mặt đất, chỉ có sương rơi từng hạt, từng hạt. Hạt sương nào cũng nhuốm đầy ánh trăng và thả xuống cỏ, hoa, mái tranh, chum nước, bờ giậu và làn da, mái tóc của vợ chồng nhà Mạc. Sau cuộc giao hoan, cả hai vẫn còn đang ôm nhau, thiêm thiếp ngủ ở góc sân.

Chợt nghe có tiếng gì rơi đánh "tõm" trong chum nước, Gái tỉnh cơn mê, đập đập vào lưng chồng: "Xuống đi nào, nặng nặng là… ". Thị khoan khoái ngồi dậy, thong thả vấn tóc, vừa hất cằm, cười: "Lấm như trâu đằm". Mạc lững thững đi vào bếp ăn khoai, tưởng như không có chuyện gì xảy ra. Gái vẫn ngồi lặng bên chum nước, sẽ sàng chao gáo, rồi chiêu một ngụm nhỏ, cảm thấy mùi nước tanh lợm… Bỗng dưng, thị rùng mình một cái.

 

2.

Thiên Lôi cưỡi mây đen, bay qua cung Quảng Hàn, thấy Cuội ngồi buồn thiu dưới gốc đa, con ruồi đậu mép cũng chả buồn đuổi, bèn ghé vào, phồm phàm hỏi:

- Tương tư hử?

- Có phải lòng ai đâu mà tương với chả tư?

- Giấu hả? Chị Hằng mách với ta, ngươi phải lòng mặt con mụ tiều phu dưới trần kia.

- Người ta có chồng, có con rồi, khác gì trâu đã sấn sẹo.

- Đấy là việc của trần gian, còn trên thượng giới, thích gì được nấy.

Cuội ỡm ờ nói khích:

- Bác làm cứ như là…

- Thương chú vất vả, chăn trâu cắt cỏ cho nhà giời, tôi chỉ cần vung lưỡi tầm sét một cái, là thằng tiều phu xuống âm phủ ngay.

- Lỡ quá tay, chết cả thần Cây Da thì làm sao?

- Cái lão dê già ấy thì có chết cũng đáng đời. Nhưng đã là thần thì còn làm sao chết được nữa. Chú mày phải trả công cho ta, cả nón muồm muỗm để uống rượu đấy!

*

Chú Cuội vốn hay đùa, nên cứ tưởng Thiên Lôi cũng đùa vậy thôi. Không ngờ, một đêm mưa to, gió lớn, bỗng nghe tiếng sét đánh ù tai, chói mắt. Cây da nhà Mạc vỡ toác làm đôi, một cành gãy, quật xuống sát sạt giường nằm, may mà cả nhà thoát chết, nhưng hồn vía lên mây.  Chúng chạy ra sân, lạy như tế sao. Cả làng đổ xô ra xem, huyên náo một hồi, thấy mây đen kéo đến, sợ sét lại giáng xuống, nên vội vã ai chạy về nhà nấy, chuyện kể ran lên như thể đàn khướu vậy. Cuội vừa cảm phục Thiên Lôi biết giữ chữ "tín", nhưng cũng coi thường cái tài, vừa bằng một đấu mà thôi.

Trần gian khổ ải, nhưng trời bù lại, nên trong cái rủi lại có cái may. Sáng ra, cả nhà vẫn chưa hết bàng hàng, nhớn nhác nhìn quanh. Chợt Gái giật giật  lưng áo chồng, khẽ thì thào:

- Nhà…

Mạc lừ lừ ngó theo ngón tay vợ chỉ, chợt thấy một cái hũ sành nằm trong hốc cây, không biết đựng gì, của ai, đã để từ bao giờ? Mạc tò mò với xuống xem, xung quanh thân hũ, có đắp hình ba con thạch sùng cắn đuôi nhau, mở nút sành ra, thấy toàn cát là cát, vàng như đường hoa cải, phủ đầy đến miệng. Mạc bèn dốc ngược cái hũ lên, những thỏi vàng rơi tung toé. Thằng cu Mậm reo lên:

- Nghệ, khoai nghệ!

Lần đầu tiên, Mạc nhìn thấy những thỏi vàng, đờ đẫn cả người, nom như thể mất hồn. Gái thì sung sướng đến ngây ngất, chưa bao giờ thấy vàng nhiều đến thế. Thời thiếu nữ, Gái là con gái rượu tộc trưởng giàu có, nên cũng từng có xuyến vàng, xà tích bạc. Đến khi phải lòng anh Mạc tiều phu, bụng phễnh ra, nên bị lột hết vàng, bạc, rồi tống cổ ra gốc da đầu làng. Bữa nay, cả hũ vàng trời cho, chứ mơ cũng chẳng thấy, ước cũng chẳng được.

- Giấu đi mình ạ!

- Giấu là giấu thế nào? Tiêu! Ông chả phải đi kiếm củi nữa. Ông xây nhà ngói bức bàn, sân gạch, giếng khơi, đúc bát vàng mà ăn cho sướng đời.

Gái vội bịt mồm chồng lại:

- Cứ oang oang, lộ ra thì người này xin một thỏi, người kia vay một cục, rồi bọn trộm, cướp mò tới ngay. Thế là vàng hết đằng vàng mà có khi đeo hoạ vào thân.

Mạc ngớ người, nghe ra, hoảng sợ hỏi:

- Thế, giấu đâu bây giờ?

Gái nhìn quanh, rồi vội bảo:

- Dưới cái chum.

Mạc vội vần chum ra và đào lỗ. Gái quýnh quáng bốc cả vàng lẫn cát vào hũ, đậy điệm lại, rồi đưa cho chồng chôn xuống. Gái nhanh ý, lắc cho chum nước tung toé.

- Khéo mà ướt hết.

- Phi tang mà lại.

Hai vợ chồng mải miết giấu vàng, không để ý cu Mậm đã mang một "củ khoai nghệ" đi khoe ông bà ngoại. Người làng hóng chuyện, lập tức kéo đến, nghiêng ngó khắp nơi, ướm hỏi đầy ngụ ý, nhưng không xơ múi được gì. Ai nấy, khi đến thì tý ta tý tởn, khi về thì hậm hà hậm hực. Suốt ngày, nhà Mạc lúc nào cũng rầm rập như có đám.

 

3.

Một bận, hai vợ chồng đi bán củi về, thấy một bà lão mặc quần áo gụ, ngồi lần tràng hạt dưới gốc da. Gái lấy làm lạ, lân la hỏi. Bà lão, tay vẫn rờ rẫm, mồm lẩm nhà lẩm nhẩm điều gì ấy. Đoạn, bà lão cười nụ, khai tâm cho hai vợ chồng, nhưng chỉ có gái là nhập tâm, lại được cho không chuỗi hạt. Gái tâm tâm niệm niệm, khi nào động mà lần chuỗi hạt thì sẽ an. Nhưng bữa nay, Gái bóp chuỗi hạt như muối cà trong vại, thế mà vẫn cảm thấy bấn loạn trong lòng.

Đêm hôm ấy, vợ chồng cái con đang ngủ, chợt nghe có tiếng chân người rậm rịch sau bức vách. Mạc rón rén ngồi dậy, nhòm qua những kẽ liếp, thấy dưới ánh trăng suông, một dây người vây quanh nhà, y như thể đàn kiến bu quanh miếng tóp mỡ. Người nào người nấy thủ sẵn cái ruột tượng, khoác chéo qua vai.

Gái thấy chồng cứ láo liêng ngó xung quanh nhà, như thể ne gà, vội nhón chân chạy theo và nhìn như thể giắt mắt qua kẽ liếp, thấy rặt những người là người, ngỡ như là họ đến sả thịt cả nhà, sợ quá, đái cả ra váy. Thị ngồi bệt trên bãi nước đái của mình, chân tay bủn rủn, không thể đứng dậy được nữa.

Trời hừng đông, lũ người vây quanh nhà bắt đầu húng hắng ho, rồi tướn ra sân, xộc vào nhà, hoạnh hoẹ:

- Vàng đâu? Nghe này, của đồng chia ba, của nhà chia đôi.

Lúc này, Gái sực tỉnh, vội lu loa:

- Nhà cháu nghèo rớt mùng tơi, vặt mũi chả đủ đút miệng, lấy đâu ra vàng.

- Đứng dậy, chúng ông xem có giấu gì không?

Thị đứng dậy, bãi nước đái đã khô tự lúc nào, tựa hồ thị hút ngược lên rồi. Duy chỉ còn cái váy là lấm lem và bốc mùi khai khẳn. Nhưng đám người khát vàng, đâu còn ngửi thấy gì nữa.

Thằng Mậm bị dựng dậy bất thình lình:

- "Củ khoai nghệ" còn để ở đâu?

Thằng Mậm không sợ, lại toét miệng cười:

- Chum, chum…

Tức thì cái chum bị lật úp, nước đổ lênh láng cả góc sân. Nhưng chỉ có bọ gậy, bùn, rêu, chứ không có "củ khoai nghệ" nào nữa. Xung quanh gốc da cũng bị đào tung lên. Người làng ngang nhiên bới mái lá, cậy đòn tay, lật chân tảng… Chỉ chốc lát, ngôi nhà đã tan hoang, như thể vừa trải qua trận bão lốc. Mấy người còn thuận tay dắt bò, ních luôn vào bao tượng của mình nào là gạo, ngô, khoai, muối… Thế là nhà Mạc bị vét sạch sành sanh như chó liếm bát.

Mặt trời lên đến ngọn tre, dân làng đành hậm hực bỏ về. Hai vợ chồng Mạc ngao ngán nhìn cơ ngơi bị tàn phá, nhưng ánh mắt lại lấp lánh niềm vui. Mạc bần thần hỏi nhỏ:

- Sao họ thính vậy?

- Tại cái thằng "khoai nghệ" này, con chó cún này…

- ?

- Thì bây giờ tôi mới nhớ ra, lúc nhìn thấy vàng, thằng cu reo lên: "Khoai nghệ". Nhà nhớ chưa? Chắc nó đã đi khoe. Không biết nó có lấy thỏi nào không?

Đoạn, Gái quay sang con, vẻ lo lắng, hỏi nhỏ:

- Cu có mang "củ khoai nghệ" nào đi chơi, cho ai…

Thằng cu lại tít mắt cười và bi bô:

- Khoai nghệ.

Gái thẽ thọt bàn với chồng:

- Cả nhà ta lại vào rừng kiếm củi thôi.

- Tội đếch gì.

- Giả vờ thôi, kẻo họ lại kéo đến thì có mà…

 

4.

Ngọc Hoàng giận dữ quát hỏi thần Cây Da:

- Nhà ngươi táy máy gì con mẹ tiều phu, mà để xảy ra nông nỗi?

- Dạ, muôn tâu, thần chỉ ở trên cây da, chưa bao giờ dám đặt chân lên lãnh địa của Thổ Công. Vợ tên tiều phu, tuy cũng làm nghề đốn củi, nhưng lại không biết trèo cây. Bởi thế, thần và thị ấy chưa hề giáp mặt, chứ nói gì chuyện khác…

- Thổ Công, hử?

- Dạ, muôn tâu, nhưng thần thấy hai năm rõ mười, ngài cưỡi cành da, nhìn trộm vợ chồng nhà nó làm trò khỉ.

Thần Cây Da nghe vậy, mặt đổ vàng như lá da rụng. Các thần liếc nhìn nhau, cười khinh khích. Ngọc Hoàng thở dài, đập tay xuống án mà lắc đầu than thở:

- Hủ bại, hủ bại. Nhà ngươi nên nhớ, dân tình hay làm miếu mạo, thờ cúng dưới gốc da đấy nhá. Không khéo, bọn đàn bà đàn bụi đến cúng khấn, lại giở trò tòm tem, thì ta ném vào vạc dầu.

- Dạ, dám xin Ngọc Hoàng lượng thứ.

Thần Cây Da rập đầu khấu lạy, mặt cắm xuống đất như thể rễ da. Bọn thị vệ phải xúm vào, nhổ mãi mới đứng lên được. Từ đấy, cây da nào cũng phải buông nhiều rễ để chống rung.

 

5.

Theo lệ thường, hai vợ chồng tiều phu lại cõng con vào rừng đốn củi. Cu Mậm được đặt trên một tảng đá to như cái sập, ở trước cửa hang. Gái ngắt mấy bông hoa rừng, Mạc nhặt mấy hòn đá cuội cho con chơi đồ hàng, rồi hai vợ chồng lội qua suối chặt cây, đẵn cành.

Thần Cây Da bị bẽ mặt trên thiên đình, lại thấy nhà Mạc vớ được hũ vàng mà không lễ tạ công thần trông nom bấy lâu thì tức lắm, bèn ngầm báo cho Thiên Lôi trả thù thay. Nhưng Thiên Lôi chối, nói thác đi rằng, lệ nhà trời chỉ cho đánh mỗi nơi một lần thôi. Thần Cây Da lại cầu thần Mây Mưa. Thần Mây Mưa lý sự:

- Tôi chả làm cái điều thất đức. Can cớ gì mà dìm chết người ta?

- Cùng là hàng thần mà chả giữ thể diện cho nhau, lại còn lên mặt bênh thứ dân thì được ăn vàng ăn bạc chắc, loạn đến nơi rồi. Từ rày, ông đừng vác mặt đến đến trú ở chốn tôi nữa nhá.

Thần Mây Mưa nghe vậy thì đâm hoảng, sợ sau này xuống hạ giới không có chỗ nương náu, bèn tặc lưỡi:

- Nhưng chỉ bận này nữa thôi nhá.    

*

Hai vợ chồng tiều phu vừa bó củi, vừa rí rủm chuyện trò. Chúng mừng húm, vì đã bịt mắt được đám dân làng tham lam. Chúng tính, bữa nay về, sẽ bới vàng lên, làm một cái miếu tạ thần Cây Da, rồi nhà cửa sẽ tính sau. Thần Cây Da nghe vậy thì ân hận, nhưng không kịp báo lại cho thần Mây Mưa nữa rồi. Mưa đã tuôn xuống như đổ cây nước. Phút chốc, nước đã ngập bờ. Cu Mậm hoảng sợ, chạy ra bờ suối kêu gào thảm thiết. Nó toan lội qua suối để sang với bố mẹ. Mạc sợ hãi, vội bơi sang đón con, thì một luồng nước tràn về như thác đổ, cuốn phăng đi. Gái gào lên, chạy theo bờ suối, nhưng không làm sao qua được.

Lúc đó, đàn khỉ đang kiếm ăn trên núi, thấy mưa đột ngột, liền vội vã chuyền xuống cửa hang. Chợt thấy thằng bé con đang run lẩy bẩy bên bờ suối lũ, một con khỉ cái bèn nhảy ra, lôi tuột vào trong hang. Gái nhìn thấy cảnh ấy mà bủn rủn chân tay, hoa cả mắt mũi, ngã vật ra bờ suối, chết giấc.

Một lúc sau nước rút, Gái tỉnh dậy, chạy quớ sang tìm con, rồi lại chạy loạn theo bờ suối kiếm chồng, nhưng tất thảy đều bặt vô âm tín. Váy áo tã tượi, đầu tóc rối tung, miệng lải nhải, nom Gái như thể người điên. Thị tựa vào vách núi, khóc cạn nước mắt, rồi mệt quá, thiếp đi lúc nào không hay.

 

Một con khỉ đột lang thang trong núi. Nó bỏ đàn, đi một mình, vô định. Thấy tảng đá to tướng bên suối, có những cánh hoa sũng nước, rã rượi và mấy hòn đá cuội chỏng chơ, nó bèn lấy tay nghịch ngợm. Chợt thấy mảnh váy rách, nó nhặt lên ngửi ngửi và nhe răng cười. Tự dưng, ở háng thò ra cái rãi khoai đỏ hỏn, nó  tự cầm lấy mà lúc lắc. Bỗng nó giật mình, chợt nghe tiếng rên văng vẳng đâu đó. Nó liền quên cái việc nghịch ngợm, táo tác đi tìm và phát hiện ra một con gì như thể người rừng, bị thấm mưa, nhợt nhạt như chết. Nó ghé mắt nhìn, thấy bụng vẫn phập phồng và âm ấm. Chợt thấy sợi dây quanh bụng, nó thò tay giật giật, sợi dây bung ra, cạp váy rơi xuống. Ngó thấy túm rễ đen đen dưới háng, lại thò tay vào, giật giật.

Đang chìm đắm trong mỏi mệt, tự dưng Gái thấy xộc vào mũi mùi gì gây gây hoi hoi. Rồi lại thấy đau đau ở bụng dưới, Gái liền quờ tay bịt lại, thì bất ngờ đụng phải một cẳng tay lông lá. Gái bàng hoàng vội mở mắt ra, thấy con khỉ khổng lồ, ngồi thù lù bên cạnh. Gái thét lên một tiếng kinh hoàng và vùng dậy. Nhưng con khỉ đột nhanh hơn, ôm choàng lấy thị và cưỡi lên lưng.

*

Bữa nay, Thổ Công đi ăn cỗ. Chả là, hôm trước, thằng cu Mậm lấy được "củ khoai nghệ" mang khoe ông ngoại. Bọn kẻ hầu người hạ thấy thỏi vàng thì mừng rú lên. Căn vặn mãi thằng bé, rồi dỡ cả nhà nó, mà không thấy vàng đâu nữa, tộc trưởng bèn nghĩ ra kế mổ trâu, thui nghé, làm cỗ khao cả làng, định bụng sẽ lôi kéo dần con gái, con rể và đứa cháu ngoại về bất đắc dĩ, rồi ra sẽ kéo cả hũ vàng về theo. Đấy là thượng sách, trong ấm ngoài êm mà hũ vàng tự dưng mọc chân chạy về nhà mình. Bởi thế, Thổ Công mới được thỉnh mời đánh chén.

Bữa ấy, quá ngọ, Thổ Công lật khật về tới gốc da, không thấy bóng dáng vợ chồng, con cái gã tiều phu đâu, lấy làm lạ. Hàng ngày, cứ độ rày là cả nhà gã đang xì xụp bữa trưa cơ mà. Ngó ra, thấy thần Cây Da đang bồn chồn quanh đi quẩn lại trên cành da. Thấy sự lạ, Thổ Công bèn hỏi nguyên do thì thần Cây Da chỉ ậm ừ, không nói. Mười phần nghi hoặc, Thổ Công phi thẳng vào núi, thấy đập ngay vào mắt là cảnh con khỉ đột đang hấp hổm trên mông vợ gã tiều phu. Tức thì, Thổ Công kêu thần Núi tới. Thần Núi liền chỉ đường cho bọn sơn tràng đến ứng cứu. Thực tình, mang tiếng là thần, nhưng có làm được gì đâu, chỉ tay năm ngón cả thôi mà.

Toán sơn tràng đang tắt rừng tìm đường lõng gỗ, không biết thần xui,  thánh khiến thế nào lại đi vòng sang hẻm núi, mới thấy con khỉ đột đang làm trò đồi bại, liền vung rìu, xách dao xông tới. Con khỉ đột vẫn không buông tha người đàn bà tội nghiệp, lại còn nhe răng, nát lại. Toán sơn tràng liền lấy tốc xịt đánh lửa, khiến con khỉ đột sợ hãi, tháo chạy thoát thân.

Toán sơn tràng nhận ra mụ Gái là vợ gã tiều phu, nhưng mụ vẫn mê man. Chúng liền vặt lá, nhai giập đắp vào vết thương ở háng, vai, bụng mụ và chặt cây làm cáng, khiêng về làng Cây Da.

 

 

Chương hai

Lạc giữa bầy khỉ

           

1.

Nếp ăn nghỉ của chú Cuội là ngày ngủ, đêm thức; đêm thức còn đi chăn trâu, cắt cỏ cho nhà trời.

Đêm nay, như lệ thường, sau một dơn cắt cỏ, Cuội lại ngồi tựa gốc đa, phanh áo thảnh thơi, ngó xuống trần gian. Quái lạ, cây da nhà Mạc sao lại bị bửa làm đôi, xung quanh lại còn bị đào bới lục cả lên thế kia, nhà cửa cũng bị lanh tanh bành, giấc này, mà sao không một bóng người? Cuội hoảng sợ, la lối:

- Chị Hằng à, chị Hằng ơi!

Chị Hằng tất tả chạy ra, thấy Cuội lật đật chỉ xuống làng Cây Da.

- À, tưởng gì…

- Chị biết à? Thế ông Nam Tào đã gạch sổ đâu, mà bắt cả nhà người ta tội chết?

- Chú bằng tâm hẵng. Vợ, con chú tiều phu vẫn sống đấy chứ. Chỉ có chú ta là xấu số thôi.

- Tầm sét nhầm à?

- Đâu có, thần Mây Mưa làm đấy chứ. Nhưng mà, đâu vào đấy cả rồi, trần gian còn có câu "lấm rửa, lệch kê". Chẳng nhẽ, nhà giời lại cứ nẻ nhau ra mà xử à? Chuyện thiên đình, chú còn lạ gì?

Cuội vò đầu, bứt tai kêu trời. Chị Hằng tủm tỉm: "Sao bảo, chú phải lòng con mẹ tiều phu!". "Tôi sẽ tâu Ngọc Hoàng". "Chớ dại, vua ở xa, quan nha ở gần, chú sốt sắng quá, có khi mẹ con mụ tiều phu chết chẳng toàn thây. Mà phận chú, thương người rồi khó đến thân. Các thần không ưa là dưa có dòi đấy".

 

*

Gái cảm thấy trong người nôn nao, như thể khi nghén cu Mậm, mà không biết nguyên do từ đâu. Gái nghi ngờ, liệu có phải là từ cuộc vật lộn ở cạnh chum nước? Hay là do đêm ấy, uống phải nước có mùi tanh lạ thường trong chum? Không chừng lại do con khỉ đột trong núi gây ra cũng nên? Nghĩ đến nó mà Gái  bàng hoàng như trong cơn ác mộng. Lúc ấy, bất giác, thị ngó qua háng, thấy cái của nó đỏ hon hỏn như nấm chó ngày mưa, lại dài như dãi khoai. Gái bủn rủn cả người, vừa sợ hãi, vừa là lạ, tê dại, rên rẩm. Đến lúc toán sơn tràng đánh lửa tốc xịt, Gái mới nhắm mắt, như thể ngất lịm đi vậy.

Về sau, có đêm Gái đang ngủ thì lại ngửi thấy mùi hoi hoi quen thuộc ấy xộc vào, tưởng nằm mơ. Sáng ra, Gái thấy dấu chân khỉ đột in lỗ chỗ quanh nhà. Có đêm trăng luồng, Gái ngỏ cửa, lại cảm giác mơ hồ như phảng phất đâu đây cái mùi hoi hoi ấy. Nhưng ngay lập tức, có tiếng hổ gầm gào, rồi tất cả tắt ngúm như thể bếp lửa bị giội nước. Tất cả lại yên ắng, chỉ còn nghe tiếng dế kêu "cri, cri… " và tiếng lá da rụng rơi ngoài thềm.

Từ đấy, tháng nào cũng vậy, cứ độ trăng lưỡi liềm thì gái lại nghe có tiếng lịch bịch ngoài gốc da, nhìn qua kẽ liếp, thấy con hổ to như con bê, càm con lợn  đang ngấp ngoải, đặt cạnh chum nước. Gái báo dân làng, nhưng ai cũng sợ, mãi mới dám đụng dao. Lâu dần, Gái hiểu là chúa sơn lâm cho lộc, nên phần thì đổi gạo, muối, phần thì ướp săm pết để giành. Dân làng cũng biết lệ, cứ cữ ấy thì vác dao, cắp xoỏng đến đánh đụng. Và cũng từ độ ấy, ai cũng đâm ra nể sợ Gái, chỉ lo làm điều gì thất thố, cái ông càm lợn vả cho một cái thì vỡ mặt.

Nhớ cu Mậm, Gái vẫn mò vào hang tìm kiếm, nhưng không thấy tăm hơi. Gái hỏi bọn sơn tràng, cũng chẳng thấy đàn khỉ ở đâu và cũng không thấy quần áo, thậm chí cũng không hề thấy bộ xương trẻ con nào sất cả.

Có bận, Gái bước phải đám đất xôm xốp trên nền hang, sinh nghi, bèn bới lên, nhưng chỉ thấy tro bếp và vỏ ốc, tựa hồ như thể đã có con người từng sinh sống ở đây, từng có bàn tay đàn bà nấu nướng hàng năm, hàng đời ở chốn này rồi cũng nên. Trên vách hang, có một đám phẳng như bức tường, ánh sáng từ lỗ thông thiên chiếu xuống, khiến Gái nhìn thấy nhiều hình vẽ, được chạm khắc vào vách đá. Đấy là cảnh người gánh củi, nom cứ như vợ chồng nhà cô. Lại có cảnh mấy người cầm hòn đá, vác cành cây đuổi hươu, nai. Rồi lại có cả cảnh đàn ông, đàn bà làm chuyện ấy… Đàn bà vẫn nằm dưới như bây giờ, cặp vú to thây lẩy như đôi quả bưởi. Còn đàn ông thì có củ nấm ở háng, dài hàng gang… Tự dưng, Gái đỏ cả mặt, má hồng rực sáng cả ngách hang.

 

2.

Tiếng đàn khướu ríu ran họp chợ, khiến cu Mậm tỉnh giấc. Ngoảnh sang, nó nhận ra mình nằm trong ổ lá khô, chứ không phải là cái giường có trải manh chiếu lá cọ. Ngước lên, nó thấy chỉ có tán cây cổ thụ, cao hơn cây da đầu nhà, chứ không phải mái lợp lá cọ bám đầy mạng nhện. Ngỏng cổ lên nhìn xung quanh, nó thấy những tảng đá lô nhô và bạnh cây xù xì, chứ không phải là vách liếp nống đôi ở nhà… Những điều đó khiến nó hoảng sợ, gọi toáng lên: "Bầm ơi, bầm à?". Không nghe thấy tiếng mẹ đáp, lại thấy con khỉ lông vàng mò tới, nó vùng căng chạy, lao đầu xuống núi. Nhưng đôi chân của nó không nhanh bằng chân khỉ, chỉ cần nhảy một bước, con khỉ cái đã ôm gọn nó trong lòng. Nó vội toài ra, cánh tay lông lá kia càng quắp chặt. Đột nhiên, mặt nó dụi vào đám lông bụng trăng trắng, hôi hôi, âm ấm. Nó ngẩng mặt lên, bắt gặp đôi mắt khỉ to tròn, màu vàng lóng lánh như thể rơi trong thùng mật ong. Đôi mắt ấy, đang nhìn chòng chọc. Nó sợ hãi thét lên. Con khỉ cái vội nhè từ trong má ra một cái hạt dẻ và mớm cho nó. Khiếp, hàm răng vâu ra, trắng nhởn, đôi môi thâm xì và cái mũi tẹt áp sát vào má, vào mũi, vào mồm nó. Nó vội thụt cổ lại, dúi đầu qua nách con khỉ cái mà tránh. Con khỉ cái bèn nhè hạt dẻ vào lòng bàn tay mà nhét vào mồm. Khiến nó "oẹ" một cái, nôn ra cái hạt dẻ và dãi dớt. Chợt con khỉ cái đặt vội nó lên tảng đá và nhìn trừng trừng. Bất giác, nó nhìn quanh, thấy cả đàn khỉ đang ngồi chầu hẫu tự lúc nào. Chả khác gì lúc ở nhà, mỗi khi nó xúc cơm ăn thì lũ gà và chó cũng bâu lại xung quanh để chờ cơm rơi. Một con khỉ bé tí xíu, ngơ ngác rời bụng mẹ, nhảy tót ra nhặt cái hạt dẻ rơi, cho vào mồm đánh lẻm, khiến nó bật cười. Thế là cả đàn khỉ ồ lên và tản ra các tảng đá, cành cây quanh quất đâu đấy, chí choé cãi nhau.

Con khỉ đầu đàn ngồi thù lù trên mỏm đá cao nhất. Mấy con khỉ cái bu đến bắt rận. Cu Mậm vừa sợ hãi, lại vừa tò mò đầy vẻ thích thú. Bỗng nhiên, nó cảm thấy đói cồn cào, bụng sôi ùng ục. Không có gì ăn, nó đành mút ngón tay. Con khỉ cái lông vàng ném cho nó một bắp ngô. Nó gặm, thấy sống nhăn, vội nhè ra. Con khỉ cái khèng khẹc cười, đưa tay gãi bụng, đầu gục gặc, nom rất ngộ nghĩnh. Một lúc sau, con khỉ cái lại tha ở đâu về một quả chuối rừng, chín nẫu. Cu Mậm vồ lấy, bóc ngắn cắn dài, ăn lẫn cả vỏ. Ngọt, ngon và thơm, nhưng quả chuối chỉ bằng ngón chân cái, nó lẻm ba miếng đã hết nhẵn, trong bụng lại càng cảm thấy đói cồn cào. Nó liền tẽ từng hạt ngô và trệu trạo nhai, rồi nghển cổ lên mà nuốt. Nước dãi nó nhểu ra hai bên khoé mép, trắng như dòng sữa.

Xung quanh toàn những khỉ là khỉ. Đàn khướu họp chợ cũng đã tan từ lúc nào mà nó không hay. Núi rừng tĩnh lặng trong nắng ban trưa. Những tia nắng chiếu qua tán lá, soi xuống lớp lá khô, nom như những lưỡi gươm khổng lồ có màu vàng óng, trong suốt như mật ong. Nó tựa vào bạnh cây cổ thụ, lơ mơ nhìn những con kiến vống, đít cong tớn, đang xúm xít vào mấy mảnh vỏ chuối rừng và mày ngô. Nó lại thiếp đi trong tiếng lá khô tở mở, tiếng vỏ cây trăn trở và tiếng lũ khỉ thỉnh thoảng lại chí choé mơ hồ.

 

*

Không biết có phải vì bị cảm nước mưa, hay ăn phải ngô sống, mà cu Mậm bị tháo tỏng. Tự dưng, bụng nó quặn đau và dềnh lên từng đám, cứ tưởng như khúc ruột đã trở thành con rắn đang quài trong bụng vậy. Nó vội lao ra khỏi ổ lá. Con khỉ cái đang lơ mơ, chợt bừng tỉnh, lao theo. Nó chỉ kịp trật cái lá toạ ra khỏi mông. Con khỉ cái ngỡ ngàng, nhăn mũi, lùi lại. Cả đàn khỉ lại vây quanh, lộn ra, quay vào như thể người xem khỉ trong cũi vậy. Nó mệt lả người, vừa bò lê về đến ổ lá lại vội toài ra. Đến chiều, nó mệt lử cò bợ, nằm phóng uế tại chỗ, không còn sức ra khỏi ổ nữa. Con khỉ cái kiếm về một nắm lá, nhai giập và nhét ngay vào mồm nó. Đắng ngắt, nó vội nhè ra, lại bị ấn vào. Nó đành phải bệu bạo nhai và nuốt. Nhưng kỳ diệu thay, đến tối, bụng nó đã đỡ đau và không đi ngoài nữa.

Lũ khỉ lôi tha nó đến một cái ổ mới, ở trên cửa hang. Nó nhìn thấy ánh trăng bàng bạc, tưới đẫm trên khắp cánh rừng. Tiếng chim khảm khắc than thở đâu đó. Con khỉ cái ngồi gần ổ để canh chừng. Nó nghển cổ, không nhìn thấy đàn khỉ đâu. Nó đâm sợ. Gió mơn man thổi, tưởng như mẹ nó đang phe phẩy quạt lá cọ từ trời cao. Nó cảm thấy khát khô cổ họng, nước miếng dẻo như  kẹo kéo. Môi phồng rộp, nó rờ ngón tay, cảm thấy ram ráp như da con tê tê. Nó cụ cựa và thở dài, tóp tép tưởng như đang nhai múi chanh. Tự nhiên, con khỉ cái cầm đến chỗ nó một khúc cây. Nó vội nhỏm dậy, giơ tay định đỡ đòn. Con khỉ cái nhe răng tước vỏ như thể tước mía và cắn cho nó một mẩu. Nó đã hiểu ý, cho vào mồm nhai, vị ngòn ngọt chua chua của mía dại. Loại này, khi bố mẹ dẫn nó vào rừng kiếm củi, vẫn róc cho nó ăn. Cảm thấy vẫn khát, nó mạnh bạo chìa tay ra xin. Nhưng con khỉ cái không cho ăn nữa, dù sau lưng vẫn còn hàng đống.

 

3.

Đàn bà ở làng Cây Da này, trần đời, chưa từng có ai đẻ con dạ mà đau đớn dữ dội như Gái. Cô lăn lộn từ giường xuống đất, lại lao bổ từ đất lên giường. Cô vò xé cái chiếu lá cọ, nát bươm như lợn nái cắn ổ. Cái giường tre sụp xuống, gãy lanh tanh bành, thang đi đằng thang, giát đi đằng giát.

Đầu tiên, chỉ có đám đàn bà đến thăm nom, đỡ vực, sau lại thấy cả cánh đàn ông cũng phải xúm đến giữ chân, giữ tay như thể ghìm trâu điên, không thì cô ta phá nát nhà cửa.

Bà ngoại sợ lắm, ca thán, có dễ nó ăn phải nước dãi ông ba mươi, nên mới khoẻ như vậy. Mồ hôi cô túa ra, làm cho mớ tóc bết lại như thể gội đầu. Váy áo cô rách tả tơi, thân thể lồ lộ như thể cởi truồng. Cái chỗ để cho con bú thì thây lẩy như  đôi trái bưởi. Cái chỗ để đẻ con cũng mưng mửng như đít trâu cái. Bọn đàn ông cứ phải quay mặt đi. Mấy bà ý tứ phủ cái mền, cái áo lên, nhưng liền bị cô xé rách ngay tắp lự. Nền nhà bị gót chân cô cày lên như mõm lợn lòi đào sắn trên nương.

Bỗng cô kêu thét lên một tiếng, rung chuyển cả cây da, mái nhà cũng dựng ngược cả lên như lông gà xước, phên vách đứt lạt bung ra như gặp trận lốc xoáy. Mọi người giật mình, khi nghe "pục" một cái ở chỗ đẻ con của cô. Tức thì từ đó, một đứa bé nom như con khỉ lao vọt ra giữa nhà. Tất cả chết lặng. Cánh đàn ông nhất loạt buông tay, ngã ngửa người ra. Cánh đàn bà kinh hãi, rú lên man rợ: "Bú dù, bú dù… ". Không ai dám động đến con khỉ lông lá, còn đang ướt đẫm máu me và chất nhầy bám quanh như trứng cóc. Gái nhìn con, hốt hoảng mà ngất lịm đi.

Chợt có tiếng gì, rơi đánh "bộp" một cái, ngoài gốc da. Nhưng mọi người ngoái ra, lại tịnh không thấy gì. Kể ra, người trần mắt thịt không nhìn thấy gì cũng phải. Đó chính là thần Cây Da, khi đang ngồi chồm hỗm trên cành da, rình xem cảnh đẻ đái của người trần, nom ghê rợn như thể đám mổ bò. Lại thấy hài nhi là dòng giống thần Núi, thì thất kinh, ngã lộn cổ xuống đất. May mà Thổ Công kịp cứu, chứ không may để người trần nhìn thấy thì có mà đeo mo vào mặt. "Ngài là thứ giời đày, lần trước đã xảy ra cơ sự như thế mà còn… ".

Cực chẳng đã, bà ngoại lẩy bẩy ôm lấy cái quái thai vào lòng, rồi lấy váy đụp, lau máu me, dớt dãi, đất cát cho nó và lấy lẹm nứa cắt rốn, mang treo ngoài gốc da. Thế mà cái hài nhi không kêu, không khóc, chỉ có nhịp thở phập phồng thể hiện sự sống. Đám đàn bà lúc này mới hoàn hồn, cùng xúm vào, lấy tóc rối và nước gừng, xoa lên mặt Gái.

- Cho bát canh gà nấu gừng, mau!

- Dốc ngược chân đứa bé lên mà phát vào mông mấy cái cho nó khóc lên xem tiếng gì nào?

- Đực hay cái? Chết, nhỡ mồm, giai hay gái?

- Cứ tưởng là giời cho? Đúng là ăn của rừng rưng rưng nước mắt!

- Nghe bọn sơn tràng bảo, con khỉ đột ấp nhau với cô ta...

Gái hộc lên mà khóc, nước mắt tuôn ra đỏ như máu.

Thổ Công nghe vậy, lấy làm nghi hoặc, chả nhẽ khỉ lại ngủ được với người à? Giời đã sinh ra loài nào thì loài ấy tự sinh sôi thôi chứ. Chả nhẽ rồi lại có cả con rồng, cháu tiên nữa chắc? Hoạ có là thần thoại…

 

Đứa bé ấy lớn lên thật khó đặt tên, nên cứ ăn theo danh mẹ, gọi là Gái Con.

Để làm rụng lớp lông trên da cháu, bà ngoại đã kỳ khu ăn trầu, rồi liếm nước cốt trầu khắp mình mẩy, quả nhiên là có kiến hiệu. Khi đống bã trầu cao như đống mối ngoài gốc da, thì làn da con trẻ đã nhẵn nhụi, nước da lại có màu đồng điếu. Nhưng chỉ ngừng liếm nước cốt trầu vài ba ngày là lông lại mọc trở lại. Lưỡi bà ngoại đã mòn dần, vẹt nhọn như lưỡi gà. Bà ngoại không còn lưỡi bàn xẻng để nói tiếng người, cũng không còn hơi để nói nữa, đành phải ra hiệu thay lời và phát ra tiếng "cục, cục… " như gà mái ổ.

Gái tập ăn trầu để liếm cho con, nhưng thấy mẹ đã trở thành gà mái thì không dám làm theo nữa. Thế là Gái Con lại mọc đầy lông, trừ có khuôn mặt đẹp như hoa và lòng bàn tay, bàn chân trắng trẻo mà thôi.

Người làng bảo, đủ đầu đủ đuôi, nuôi lâu cũng lớn. Vả lại, Gái Con hay ăn nên chóng lớn là lẽ thường tình. Nó lại chẳng bị sài đẹn gì, suốt ngày lăn lóc như củ khoai, củ sắn.

Từ khi Gái sinh ra giống khỉ, thì hổ không càm lợn về dưới gốc da nữa. Vắng hổ, đêm đêm dấu chân khỉ đột lại in quanh nhà. Có đêm nó còn liều lĩnh thò vào nhà, bà ngoại huơ cái bùi nhùi và phải quang quác đuổi. Nhưng từ bữa đó, Gái hay đá thúng đụng nia, bà ngoại phật ý, bỏ về.

 

Thế là từ đấy, đêm đêm khỉ đột công nhiên đi lại với Gái. Chú Cuội nhìn thấy cảnh ấy thì tức lắm, liền xui Thổ Công giáng hoạ. Thổ Công vốn ghét khỉ đột, nhưng lại thương cảnh goá bụa của Gái, nên trong lòng lấy làm phân vân lắm. Chú Cuội liền nhờ chị Hằng ỏn thót thêm vài câu, thế là Thổ Công cấp báo cho tộc trưởng.

Tộc trưởng đang trong giấc ngủ chập chờn, chợt thấy miếu Thổ Công sáng rực, chiếu vào nhà, chói loá cả mắt, biết ngay là có chuyện chẳng lành, bèn phái vợ ra xem binh tình ra sao. Nhưng bà cứ quanh ra quanh vào, kêu cùng cục như gà mái dọn ổ. Tộc trưởng chợt nghĩ đến chuyện khỉ đột, lệnh tức khắc cho trai đinh vác súng, xông thẳng đến nhà con gái. Chú Cuội mừng rỡ, bảo chị Hằng cho trăng sáng quắc, soi đường cho quân lính.

Trăng sáng đến độ soi rõ sợi râu con kiến đang ngọ nguậy bên mép chiếu cọ, thì làm sao chẳng thấy con khỉ đột đang phủ phục trên giường. Giống thú quen sống hoang dã, nên thính lắm. Tuy đang mải mê nghe tiếng Gái gù gừ như chim gâu gọi bạn, nhưng nó chợt ngửi thấy mùi thuốc súng, vội ngó cổ ra, đã thấy những nòng súng kíp và hoả mai thò vào kẽ vách như thể lông nhím. Nó hoảng hồn, vội phi thân đánh vèo qua cửa, biến thẳng vào rừng.

Cuội tức đám trai đinh vô tích sự, chậm như rùa thế kia thì đánh đấm cái nỗi gì, liền bảo chị Hằng kéo mây che mặt lại, tức thì trời đất tối om như hũ nút. Tộc trưởng điên tiết cho phóng hoả đốt nhà, mẹ con nhà Gái sợ hãi chạy vọt vào rừng.

 

4.

Bước chân vô định của mẹ con Gái lại dẫn đến vách đá phồn thực khi xưa. Y như thể hẹn trước, khỉ đột cũng đã đang ngồi chồm hỗm ở đó. Chợt trông thấy gái, nó đã lao bổ đến. Gái lại ngỡ nó định giằng mất con, vội quỳ thụp xuống, mà ôm vào bụng. Ngay lập tức, nó tốc váy Gái lên và ôm chằng lằng đằng lưng. Gái đâm hoảng, sợ con nhìn thấy trò khỉ, vội áp mặt Gái con vào giữa hai bầu vú.

 

Khỉ đột đã tích trữ từ lúc nào, liền lôi từ trong ngách hang ra bao nhiêu là ngô, chuối, hạt dẻ… Gái nhóm lửa nướng ngô. Khỉ đột nhìn thấy lửa, vùng căng chạy, rồi lò dò quay lại, nấp sau tảng đá, nhe nanh, gầm gừ dậm doạ. Gái chợt nhớ, lần trước, cánh sơn tràng đã phải đánh lửa tốc xịt để đuổi nó. Thì ra, nó sợ lửa! Kệ, Gái phải nướng ngô và hạt dẻ cho hai mẹ con ăn cái đã. Sợ lửa, đúng là giống ăn lông ở lỗ. Thế thì cái đống gio, vỏ ốc và hình vẽ trong hang không phải của giống này. Như thế lại hoá hay, ít ra, Gái cũng có miếng bửu bối phòng thân. Nhưng Gái nghĩ, cái giống khỉ này, cũng chả khác chi người, lại khoẻ sức dài hơi, mà lúc nào cũng đòi hỏi được, lại biết chút nghĩa tình. Bây giờ, nó cần cho Gái, hơn là cánh đàn ông trong làng.

Chiều, Gái dắt con vào rừng chặt gỗ về dựng lán. Định bụng, dựng ở chỗ cửa rừng, nhưng khỉ đột lại cứ lôi cây que, gỗ lạt về nơi gặp gỡ đầu tiên, khiến cô ngượng ngùng như thể gặp Mạc hồi nào. Nhưng rồi Gái bực, xông vào, lôi đi chỗ khác. Nó liền kéo lại và cũng khùng lên. Gái điên tiết, giơ khúc củi còn bốc khói lên. Nó nổi giận đùng đùng, lấy cành cây quật túi bụi, suýt nữa trúng vào Gái Con. Đất chẳng chịu giời thì giời đành chịu đất vậy, thế là Gái phải nhân nhượng để làm cho mau, kẻo trời tối không có chỗ nương thân.

Cái lán dựng lên tạm bợ, chả khác gì cái lều nương, chỉ khác là không có sàn mà thôi. Khỉ đột vào trong hang, ôm ra hàng đống lá khô đã nhàu nát, ý hẳn, nó đã dùng làm ổ đã lâu ngày.

Gái ngồi bó gối ngắm cơ ngơi. Gái con tung tăng chạy ra chạy vào. Khỉ đột phởn chí, nằm trên ổ, vỗ bụng ra chiều thảnh thơi, chả khác gì Mạc mỗi khi bán củi trở về. Gái ngẫm ngợi về gia đình, có Mạc, có cu Mậm, sao mà êm ấm. Thế mà phút chốc hoạ vô đơn chí, lanh tành bành hết cả. Rồi bỗng dưng lại quần tụ thành một nhà, nửa người nửa ngợm thế này. Gái bật khóc tức tưởi, nước mắt rơi lã chã, khiến Gái Con sợ hãi nép vào bên mẹ. Khỉ đột trố mắt nhìn, đầy vẻ ngạc nhiên

Hôm sau, Gái dắt con về làng. Tộc trưởng đi vắng. Bà ngoại, ban đầu không thèm nhìn mặt, nhưng rồi lại động lòng, thương con gái truân chuyên, chém con chỉ chém đằng sống, chứ ai chém đằng lưỡi. Thế là bà cụ lại lọm cọm thu xếp cho Gái, nào nồi đồng, nào gạo, nào muối và áo xống… Gái xếp cả vào dậu, gánh đi. Bà cụ giữ Gái Con lại, nhưng nó không chịu, cứ bám chằng lằng lấy mẹ.

Gái nghĩ về mái lều hạnh phúc trớ trêu mà cười rơi nước mắt. Nhưng vừa đến cửa rừng, Gái sững người, khỉ đột đã phá tan tành cái lều. Chắc nó tưởng Gái đã bỏ đi. Nhưng vừa thấy Gái, nó đã nhe răng cười và định giở trò khỉ. Gái lùi lại, giật tốc xịt. Nó cũng vội lùi lại. Gái thuận tay, gí luôn vào ổ lá. Tức thì khói lửa bốc lên mù mịt. Phút chốc, cái lán thành tro bụi.

 

5.

Tộc trưởng biết chuyện Gái về vơ vét đồ đạc thì giận lắm, sai trai đinh vác súng, tức khắc lao đi tróc nã. Vừa hay lúc đó, Gái đang đốt lán. Khỉ đột nhảy quớ lên, đầy vẻ giận dữ. Bọn trai đinh đồng loạt quì xuống, nhằm khỉ đột mà bắn. Gái hoảng tam tinh, vội lao đến, đẩy khỉ đột vào sau tảng đá. Nhưng súng đã nổ. Bọn lính vội nâng bổng nòng súng lên trời, nhưng đạn đã ra khỏi nòng, không kịp bổng theo, cứ lao thẳng đến đích như đàn chó đói vồ mồi. Những viên đạn ghém, găm vào mông, vào váy Gái, đâm thủng như mắt sàng.

Gái sững người, ngoái nhìn bọn trai đinh, như vẻ ngạc nhiên, khiến những khẩu súng rơi lả tả xuống đất. Khỉ đột thừa cơ lao bổ lên rừng.

Tộc trưởng ra lệnh làm một cái giàn trên vách núi, rồi cho đặt xác Gái lên.

Lại nói về Gái Con, từ lúc lọt lòng, cho đến khi biết đi, đứng, chạy, nhảy, nhưng chưa biết khóc, cười, hát, chửi. Cả làng ngỡ nó câm hoặc không biết tiếng người. Nhưng cũng chưa ai nghe thấy nó kêu "khèng khẹc" hay "chéc, chéc" như khỉ bao giờ. Vậy mà lúc này, nó leo lên giàn, ôm xác mẹ mà kêu khóc thảm thương. Nó gọi: "Bầm ơi!", đến lạc cả giọng. Chính điều đó đã khiến tộc trưởng chấp nhận và lệnh cho bọn trai đinh lôi nó về làng.

*

Độ rày, thần Núi bận việc, đã mấy tuần chưa nghe trình tấu việc rừng. Bọn tiểu sơn thần hang cao tâu, có đứa trẻ lạc vào bày khỉ, mà không có trong sổ bộ. Điều đó thật mờ ám, rồi người với khỉ lẫn lộn, Ngọc Hoàng mà biết thì lại quở là lơ là việc công. Bọn tiểu yêu lại bẩm, ngoài cửa rừng có xác mụ vợ gã tiều phu, bị thiên táng. Chồng nó đã bị thần Mây Mưa làm cho mất xác, nay đến nó đang làm mồi cho chim và kiến. Thần Núi cho mời Thổ Công, nhưng Thổ Công nói thác rằng bận. Thần Núi biết tỏng là Thổ Công không muốn nhận cái xác thối làm gì. Thôi thế có khi lại hoá hay, vợ chồng tiều phu cùng được ở trong rừng với nhau. Biết đâu, mai ngày chúng làm nên công trạng, rồi được phong thần thì ta cũng có thêm vây cánh. Được, sẽ cho mụ chăn dắt đám ma cái. Bọn này suốt đêm ngày dật dờ khắp núi cao, thung sâu; đêm thì khóc hờ, ngày thì tắm truồng dưới suối. Các thần kêu ca nhiều mà ta chưa có cách trị.

 

 

Nhà văn Vũ Xuân Tửu trong thời gian viết Người rừng

Chương ba

Tội tình

1.

Gái Con trở lại làng Cây Da, ở với ông bà ngoại. Cứ hễ nhìn thấy nó là ông ngoại nhíu mày, tựa hồ như nặn cái gai trong mắt. Bà ngoại cứ phải lật đật chạy theo nó mà kêu "cùng cục" để vỗ về. Nhưng chỉ loáng một cái, nó đã leo lên cây, nhảy qua rào, có lúc lại lồm cồm bò bằng cả tứ chi, chổng mông lên khoe cặp chai đít. Nhiều đêm, chờ nó ngủ say, bà ngoại mới len lén sờ vào đốt sống cùng và cả mừng, cười hàng tràng "oọc, oọc, oọc…" . Ông ngoại sợ hãi, tưởng bà sắp toi, vội bưng đèn chạy vào. Bà ngoại móm mém, vạch váy nó lên và ra hiệu rằng, không có đuôi. Ông ngoại tỏ vẻ ghê tởm, nhưng cũng móm mém cười, vì cũng mừng không kém. Bởi lâu nay, trong thâm tâm, ông vẫn nghĩ lũ người rừng đều có đuôi cả. Ông xách đèn, quay ngoắt ra, nhưng hai tảng chai đít của nó đã như đóng vẩy trong mắt ông mất rồi. Chính ông cũng nghi ngờ, không biết có phải lai khỉ nên đít có chai, hay do hay cởi truồng lê la trên sỏi, đá, chạc cây… mà đít thành chai?

Gái Con không e ngại tẹo nào về lớp lông hung vàng mọc trên lưng, bụng và cánh tay, cẳng chân. Kể cả cái chai đít, nó cũng coi không là gì. Thậm chí, nó còn tinh nghịch đánh mông vào đứa nào dám trêu chọc. Nó nhanh nhẹn như khỉ và khoẻ như hùm, nên đánh bạt lũ trẻ khắp làng trong động ngoài. Vào rừng kiếm củi, nó kéo cả mảng củi cho cả bọn, không kém gì trâu nhe mới vực. Khi đến tuổi dậy thì, ngực nở, mông mẩy, má hồng, mắt long lanh, tóc dài mượt, khiến bọn trai động bu đến như nhặng thấy mít. Bà ngoại lấy làm hãnh diện, luôn tủm tỉm cười. Ông ngoại thì lừ mắt, hắng giọng suốt ngày, cứ như thể bị ho gà, khiến cho bọn con trai cứ thấy trờn trợn, như thể đi qua mõm chó. Nó biết ý, đánh mông tanh tách đi ra bãi thả trâu. Tức thì, cả bọn bám theo như kỳ đà đói thấy đàn mối. Nó đi, cả bọn xúm xít xung quanh. Nó chạy, cả bọn lại rượt đuổi như chó săn đuổi nai. Nó càng chạy hăng, ngược lên đồi cỏ, đến khi ngoái lại, thấy bọn con trai kiệt sức ngã vật cả ra, nằm ngổn ngang như xác chiến binh trên chiến trường. Có một thằng to, khoẻ như vượn, đuổi sát gót và túm được cạp váy, nó liền dừng lại. Thằng kia áp sát bụng vào mông nó và giật lá toạ ra. Tức thì nó kéo tốc váy lên, khiến cho hai mảng chi đít cọ vào đùi non. Thằng kia hoảng hồn, lăn xuống đồi như thể bó củi. Từ đó, bọn con trai cạch mặt, không dám léo hánh nữa. Ông ngoại lại tủm tỉm cười. Bà ngoại thì ỉu xìu như lá chuối hơ lửa.

Trên đời, nó không hề sợ một thứ gì. Nó cũng chẳng thù ghét ai. Nhưng nó ghét nhất cảnh trâu đực nhảy lên lưng trâu cái. Hễ cứ thấy hai trâu có sáu chân dưới đất là nó vác gậy đuổi đánh chí tử, khiến cho chúng phải bỏ chạy vào rừng mới thôi. Thế rồi nó ôm mặt khóc, chổng mông lên mà khóc và có khi ốm khật khừ đến mấy ngày. Điều này, không ai hiểu được nguyên do, chỉ có cánh sơn tràng, thần Cây Da, Thổ Công và thần Núi mới biết, nhưng tất thảy đều ngậm tăm, không nói.

Con khỉ đột khốn nạn là vậy, nhưng không hiểu làm sao mà mẹ nó lại mết đến thế. Có điều kín, nó chưa hé răng nói với ai, kể cả mẹ nó. Đấy là cái lần, mẹ nó ra suối tắm, chỉ có mình nó trong lán, con khỉ đột mon men đến gần, gãi háng quành quạch và thò cái nấm chó ra. Nó liền bốc ngay một nắm gio nóng, ném vào, khiến khỉ đột kêu rú lên, nhảy bổ xuống suối. Từ đó cạch mặt.

Những lần ở trong hang hay ngoài núi, khỉ đột ôm lưng mẹ nó. Mẹ nó lại ôm chặt nó vào ngực. Nhưng vô tình, nó cúi nhìn qua rốn mẹ và thấy cái nấm chó của khỉ đột lao đi lao lại như thoi dệt. Cánh tay lông lá của khỉ đột còn ôm choàng cả lên lưng nó, những cái móng nhọn bấm vào da thịt nó, đau nhoi nhói như vướng vào đám gai mây.

Dần dà nó hiểu, cái nấm chó ấy đã sinh ra bao nhiêu tai ương cho nhà nó. Từ đó, nó ghét cay ghét đắng cái kiểu ôm lưng, trèo mông…

 

2.

Mạc trở thành ma đói, dật dờ lên núi thì thần Núi đuổi, bay về làng thì Thổ Công xua đi, mon men đến gốc da thì thần Cây Da rung cành, ném lá… Chờ mãi, đến ngày xá tội vong nhân mới dám về làng, cướp cháo thí.

- Ơ kìa, mình?

Chợt nhìn thấy vợ cũng đang hỗn độn trong đám ma đói, Mạc gọi thảng thốt. Nhưng Gái thấy chồng lại làm ngơ như không, rồi lẩn như trạch. Mạc nháo nhác tìm, lỡ mất phần cháo bôi trên bồ đài lá da. Thế là xôi hỏng bỏng không, vợ không thấy tăm hơi, mà cháo cũng hết sạch sành sanh. Hay là nhầm? Nhầm thế nào, Gái có mái tóc dài như sợi móc, bao năm gội đầu chải chấy cho nhau. Nhảo về nhà cũ, thì chỉ còn cái nền nham nhở. Mạc lựa điều, lân la đến hỏi thần Cây Da:

- Dám hỏi đức thần, thê nhi tiều phu đâu tá?

- Vào rừng cả rồi.

- Vẫn đi kiếm củi à? Thằng cu Mậm chắc cũng biết bó củi cho mẹ được rồi?

- Cái hĩm, chứ không phải thằng cu. Nghe nói, thằng cu lạc rừng ngay từ cái bận… - Suýt nữa thần Cây Da buột miệng nói ra cái sự xúi bẩy để trả thù một cách hèn hạ của mình.

- Con tôi bị lạc à? Sao không ai báo cho tôi hay. Ờ, nhà tôi nghèo, có gì để hương khói đâu mà tôi hay biết. Đức thần vừa nói cái hĩm nào? Vợ chồng tôi lại có con nữa à? Hay là cái đêm ở cạnh chum nước? Ngày xưa, tôi vô tình, bây giờ mới hiểu, trần gian có chuyện gì thì trời, đất, âm, dương đều biết cả. Đức thần bỏ lỗi cho nhá.

Vừa lúc đó, Thổ Công đi ngang qua, thấy con ma đói, nhìn mãi mới nhận ra là Mạc, liền hỏi:

- Không kiếm được gì à? Này, ta cho phẩm oản với miếng thịt lợn luộc. Lộc đấy, không phải bố thí đâu.

- Không dám, - Mạc nói lời chối từ, nhưng lại nuốt nước miếng đánh ực một cái, tự nhiên, cảm thấy trọng bụng đói cồn cào, mệt lử, như thể vừa gánh xong một chuyến củi.

- Chớ khách sáo. Ta có phúc, có phận của ta.

*

Chú Cuội thấy tình cảnh của Mạc khốn khó thì động lòng trắc ẩn, bèn bàn với chị Hằng:

- Chị này, có khi chị tâu lên Ngọc Hoàng, phong thần cho tay Mạc. Hắn sống vất va vất vưởng, khổ ải quá.

- Trả nghĩa hả? Trả nghĩa thì bằng tình, bằng tiền, chớ dùng chức tước mà nguy hại tới trời, đất.

- Chẳng qua, thấy người hiền lành tử tế, không may gặp cảnh oan nghiệt, vợ chết đằng vợ, con mất đằng con. Lê dân có câu cửa miệng: "Ông giời có mắt", ấy là điều còn tin ở bên trên.

- Nhưng hắn chỉ được cái thật thà, chứ có biết gì đâu mà phong thần, rồi mất thiêng cả lũ.

- Thật thà là cha mách qué, phong thần thật thà để giữ lấy cái đức của con người. Cứ thành thần là thiêng tất. Vả lại, có thành thần thì hắn mới có bổng lộc mà độ thân.

- Thế thì chú đi mà tâu cụ.

- Một lời của chị thì bằng em nói cả tuần trăng. Thương người, người thờ, chị ạ.

Chị Hằng phân bua:

- Nói vậy chứ, chị cũng hiểu cõi trần cơ cực. Vợ chồng, con cái nhà ấy đều chịu nạn của các thần tinh tú giáng phạt. Sao thuỷ diệu làm cho tay chồng chết trong lũ suối, còn vợ thì bị thái âm làm cho tật ách, sản nạn.

- Hay là báo cho bên ngoại nó cúng giải hạn?

- Có phải hạn nào cũng giải được đâu? Sự đã rồi!

*

 Ngọc Hoàng nghe thần Núi tâu bày, xin phong thần cho thị Gái, bèn cho tả, hữu nội điện đi xác minh. Thần Núi thấy sự việc trở nên nghiêm trọng, vội sai các tiểu sơn thần lo lót, cúng tiến sản vật, nhằm bịt mắt, chặn họng nhà trời. Nhưng khốn nỗi, việc làm không kín, các quan tả nội điện lại dè chừng xem ý các quan hữu nội điện, ai cũng sợ bị quở, nên ậm à ậm ừ, trong bụng muốn nhận mà lại không dám thò tay ra. Quan mà không nhận lễ thì coi như việc đã hỏng đến tám, chín phần rồi. Thế là thần Núi làm phúc phải tội. Ngọc Hoàng bàn với Diêm Vương trị tội. Thương thay, Gái chịu tội kéo cưa lỗ đít.

 

Bọn lâu la gom tất tần tật các hồn ma bọn đàn bà, con gái ra một bãi đất rộng. Giữa bãi, có đắp một đài cao chín thước. Hồn ma thị Gái bị nhốt trong xe  cũi, do ma trâu kéo, hai tên lâu la mặt xanh, nanh vàng xốc lên đài. Cả bãi đang ồn ào như chợ vỡ, chợt ắng cả lại như cảnh trời sắp đổ mưa. Cảm thấy sự oi nồng, sực mùi tử khí. Bọn ma nữ trắng bệch cả mặt, cắt cũng không còn hột máu.

Hồn ma thị Gái bị buộc dang hai tay, hai chân vào một thanh xà kiểu chong chóng, lại gá vào một cái cột to sừng sững trên đỉnh đồi. Chiếc cồng vang lên chói tai ba hồi chín tiếng. Quan toà đội mũ bồ đài, hạch tội Gái, lúc trên trần gian đã thông dâm với khỉ đột, trái với luật nhà trời, đạo làm người. Đoạn, quan toà ngảnh sang, lớn tiếng hỏi:

- Thần Cây Da có biết không?

- Bẩm, thần chỉ biết việc quanh quẩn gốc da mà thôi. Đúng là khỉ đột có vào nhà thị Gái. Nhưng chuyện trong nhà xảy ra thế nào, thì lại thuộc lãnh địa của Thổ Công.

- Thổ Công?

- Bẩm, đúng là có chuyện như thế, nhưng do khỉ đột mò tới nhà thị Gái, chứ không phải chuyện ngược đời như cọc đi tìm trâu đâu.

- Thị Gái vào rừng với khỉ đột, ngài cũng không hay chăng?

- Bẩm, đấy là khu vực cai quản của thần Núi rồi.

- Thần Núi?

- Bẩm, việc này mãi sau bọn tiểu sơn thần mới báo lên. Ngày trước, thấy thị Gái gặp phận bạc, thần đã cho hổ càm lợn về nuôi dưỡng, không ngờ lại có cái con khỉ đột kia gây hoạ.

- Ngài không cai quản được nó sao?

- Bẩm, khỉ đột là giống bỏ bầy đàn, đi lang thang một mình. Luật nhà trời chỉ cho phép thần cai quản loài vật theo bầy đàn mà thôi.

Quan toà thở dài. Bọn ma nữ lại ồn ào cả lên: "Đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng". "Chuyện giường chiếu nhà người ta, thế mà cũng mang ra luận tội được"…

- Thị Gái?

Quan toà nhắc đi nhắc lại mấy lần, nhưng thị Gái đã chết giấc vì xấu hổ và nhục nhã. Bọn lâu la phải hắt mấy gáo nước giải vào mặt mới tỉnh. Quan toà lại hỏi, nhưng thị gái cứng lưỡi, không nói được nữa. Quan toà bực mình, quát to:

- Y án, ra hình!

Hai tên lâu la tức thì quay cái chong chóng, hai chân thị Gái dựng ngược lên như thể trồng cây chuối, váy lật xuống. Bỗng thị kêu "ối" một tiếng, nhưng hai cẳng chân đã bị buộc dạng ra, nên không khép vào được. Hai tên lâu la cởi trần trùng trục, lông lá trên khắp thân thể vạm vỡ, nom cũng chẳng kém gì khỉ đột. Chúng đặt lưỡi cưa hạt mướp vào háng thị và điềm nhiên kéo cưa lừa xẻ, như thể thợ mộc đang cưa khúc gỗ vậy. Hồn ma thị Gái thét lên đau đớn. Bọn ma nữ cũng rú lên khiếp đảm, chúng ngã vật cả ra như ngả rạ.

Hai tên lâu la vẫn cò cưa. Những sợi lông đen bám vào lưỡi cưa đẫm máu, nom như hàm răng con mèo khổng lồ đang nhai con chuột. Mỗi khi lưỡi cưa kéo qua, máu lại nhểu xuống từ hàng răng cưa, dòng dòng chảy như nước mưa giọt gianh. Lưỡi cưa xẻ qua xương ức, chẻ đôi hai bầu vú thì dừng lại. Hai tên cưa nhấc lưỡi cưa ra. Hai tên lâu la cầm chong chóng quay ngược trở lại vị trí ban đầu. Lập tức, gan, ruột thị Gái rơi oẵng ra, bùng nhùng một đống như cỗ lòng lợn mới sả. Hai mắt thị lồi ra như mắt cua. Đầu tóc ướt đẫm máu và phân. Hai chân tự nhiên dài tới nách, nom như người đi cà kheo.

Bọn lâu la cứ để mặc xác hồn ma thị Gái trên cột, cho đám ma nữ chứng kiến. Nhưng kỳ thực, chúng đã ngất vãn. Có đứa tỉnh dậy, chợt thấy con ma chân dài đang ngự trên đài cao, thì sợ quá lại ngất xỉu.

Những kẻ mắc trọng tội trên trần gian, khi thác xuống âm phủ đều bị trừng phạt. Kẻ thì bị quẳng vào vạc dầu sôi, đứa thì bị chó ngao cắn tơi tả… Tổng cộng có tới mười hình phạt cả thảy. Bọn ma thụ hình xong cũng đều biến thành mị, khổ ải một đời ma. Lúc sống, người đã chả thành người, khi chết, ma cũng chẳng ra ma nữa.

 

3.

Một hôm, trời không gió, không mưa, không nắng, rừng không động, núi không lở, thế mà bỗng dưng, lũ gà mái gáy loạn cả lên. Bà ngoại đang đứng giữa sân, tự nhiên quay quay mấy vòng, rồi ngã gục, nước dãi ứa ra đầy miệng như thể gà toi. Dân làng buộc tay, chân bà cụ lại, cho ma khỏi về quấy nhiễu, liệm bà cụ ngồi vào cái thạp, rồi giã hàng dậu gừng, băm hàng xoỏng lá chanh rắc xung quanh, như thể ướp thịt gà. Đoạn, dân làng xúm vào, khiêng ra thung lũng đầu làng, đào sâu chôn chặt.

Lũ gà kéo theo đàn đàn lũ lũ, y như đàn gà chạy theo dậu ngô. Con nào con nấy rũ mào, sã cánh, cúi đầu đầy vẻ buồn thương. Đàn gà quây xung quanh ngôi mộ, thành một bãi lốm đốm màu lông tía, lông trắng, lông đen và hoa mơ… Nom như một bãi đá cuội khổng lồ. Từ đấy, dân làng Cây Da không dám đuổi gà nữa. Ai muốn ăn thịt gà là phải nhờ hàng xóm thịt giúp. Từ đó, trong làng có lệ đổi công, vặt lông gà hàng xóm, nhưng ăn thịt gà nhà mình.

Dân làng để ý, trong hai năm liền, gà trống không gáy, gà mái không dám đỏ mào, nên các ổ trứng đều thiếu sống, ấp chỉ ung, thiếu sống nên không nở ra con được. Mãi đến khi mãn tang bà cụ thì gà trống mới đĩnh đạc gáy gọi bình minh. Gà mái lại đỏ mào và chịu lấm lưng. Gà con lại "chíp, chíp" rủ nhau xuống ổ. Lũ gà, làm cho trong động, ngoài làng trở lại nhộn nhịp cuộc sống thôn dã thanh bình.

*

Trong mấy năm chờ sang cát cho bà ngoại, Gái Con dựng lều cạnh mộ để trông nom. Vả, ông ngoại đã bị cặp chai đít đóng vảy vào mắt, nên không muốn hàng ngày bị đóng dày thêm, Gái con cũng không trở lại ngôi nhà của ông bà ngoại nữa. Bây giờ, làm bạn với nó có đôi gà, con trống vùng ổ dưới gầm sàn cho con mái nằm chung.

 

Mùa xuân, những mầm cỏ tí tách nở trên mộ bà ngoại. Hôm trước còn lún phún như lông măng, mấy hôm sau đã trở lá như lông gà, phủ xanh từ đỉnh mộ đến chân đồi. Cả một vùng thung lũng xanh như ngọc. Đôi gà tha thẩn kiếm ăn quanh mộ ra tới bìa rừng.

Hoa chó đẻ nở bung, trắng xoá cả thung lũng như tuyết phủ. Gái Con nhìn qua kẽ sàn, thấy đôi gà nằm trong ổ rộn rạo. Con gà trống liếc sang, con gà mái ngó lơ ra ngôi mộ, không dám dựng mào. Gái Con xoa rốn và buông tiếng thở dài. Nó không thích bọn con trai đến từ phía sau lưng. Bọn khỉ đột và trâu đực cũng làm nó ghê sợ. Nó không thích người. Người sống không thật thà. Cầm thú sống thảnh thơi và khoẻ mạnh. Chúng thích gì ăn nấy. Gái Con đã vào rừng ăn hoa quả, nhưng ních đầy bụng mà vẫn cảm thấy nhớ cơm. Hồi còn mồ ma bà ngoại, bà bảo, không gì bổ bằng cơm, không gì ngon bằng thịt. Có lần, mẹ nướng miếng thăn cho nó ăn. Bây giờ, nhớ lại vẫn thấy thơm ngon, đậm chân răng. Khi bà ngoại rụng răng, mới bảo, cái sự ngon là ở răng. Răng càng khoẻ thì ăn càng ngon. Răng của nó trắng như răng chó, khoẻ nhất làng. Thi ăn mía, nó ăn hết cả cây mà bọn thanh niên mới nhai được một gióng. Thi gặm bưởi, nó đã bóc ra được từng múi mà bọn thanh niên vẫn còn loay hoay, chưa cạp nổi vỏ. Răng nó chắc, nên người nó khoẻ và khi ăn lại càng khoẻ. Con gái mà ăn hơn cả con trai. Bởi thế, nó kéo mảng củi, chạy như bay.

Đêm đêm, bọn con trai lại mò đến bên lều trêu ghẹo, gợi tình. Bất ngờ, đôi gà lao bổ ra mổ, làm chúng thất kinh. Gái con khoái chí, cười vang thung sâu.

 

4.

Trăng sáng rờ rỡ. Đôi gà tưởng ngày đã rạng, cùng cục gọi nhau đi kiếm mồi. Gái Con trằn trọc không ngủ được, ra ngoài lều, đứng nhìn cảnh vật đắm chìm dưới ánh trăng xanh. Gió mơn man thổi. Gái Con từ từ cởi áo, cởi váy và chạy tung tăng trong thung lũng.

Trên cung trăng, chú Cuội đang cắt cỏ, chợt thấy có ánh sáng lung linh từ hạ giới hắt lên ngọn đa. Thấy lạ, chú dừng liềm ngó xuống, Gái Con đang chạy nhảy, thân thể ngà ngọc sáng rực lên. Chú toan vứt liềm nhảy xuống, may mà chị Hằng nhanh tay kéo lại, không thì đã ngã lộn cổ rồi.

Gái Con thấm mệt, chui vào lều, ôm mớ sống áo lăn lộn. Chú Cuội chỉ còn thấy mái lều rung lên bần bật và đôi gà táo tác chạy. Chị Hằng sợ lúc lơ đãng, Cuội lại nhảy xuống trần gian, bèn lấy thừng trâu cột chặt Cuội vào gốc đa mà đay nghiến:

- Hết thèm mẹ lại thèm con. Chú đúng là giống Cuội. Này, khéo mà tỏng xuống mấy giọt dãi nữa thì đẹp mặt.

- Chị đừng độc mồm độc miệng. Bọn hạ giới ngắm chị cả tuần trăng còn gì? Có ông vua còn mơ lên trăng với chị đấy thôi.

Chị Hằng đỏ mặt, chép miệng:

- Trần gian thích ngóng lên thượng giới. Thượng giới lại thích ngó xuống trần gian. Người đời, chết vì sự  trông ngóng hão huyền, bằng thật còn chả ăn ai nữa là…

*

Gái Con thấy từ cửa rừng có một con vật gì rất lạ. Lúc thì nó bò bốn chân, lúc lại chạy bằng hai chân, đang tiến về phía lều. Gái Con cầm dao thế thủ. Ôi, người! Thằng nào trong làng thế nhỉ? Không, hay là khỉ đột? Khỉ đột, mày không có đường về. Gái Con lầm bầm chửi và nhảy lên lều lấy cây cung.

Gái Con lăm lăm cây cung trong tay, lom khom đi quanh lều, dáo dác nhìn tứ phía mà không thấy khỉ đột đâu, không lẽ tàng hình? Bỗng nhiên Gái con cảm thấy nhồn nhột phía sau gáy, linh cảm thấy có ánh mắt nào đang nhìn trộm, liền quay ngoắt lại, cánh cung giương theo. Toàn thân cô cũng là một cây cung căng cứng. ánh mắt của cô cũng nhọn và sắc như mũi tên. Nhưng chợt sững người, trước mắt là một người rừng, đang nhìn cô như thôi miên. Trên thân thể không một mảnh vải, chỉ có lông tơ bao phủ. Gái Con như bị mất hồn, lơi tay, mũi tên lao vụt đi.

Gái Con nhìn thấy thân tên trượt trên cánh cung, làm bốc lên một làn khói mơ hồ và mùi khen khét dịu dàng. Đầu mũi tên, sau khi vót đã được hơ qua lửa cho tù và xém để tăng độ cứng, lúc bay ra khỏi cánh cung cũng bị nóng bỏng lên, hình như thấp thoáng có màu lửa. Thân tên như bị kéo dài ra trong thinh không. Đôi cánh tên làm bằng lá chít, bay như xé gió, khe khẽ ngân lên tiếng rít. Mảnh lá gấp lại hình đuôi cá, hình như cũng bị kéo xô về phía sau, như con bói cá cụp cánh lao xuống mặt nước vồ mồì. Trong khi đó, người rừng bỗng nghe tiếng "pựt" một cái của dây cung, vội đảo mắt, thấy mũi tên mang cái chết tới gần kề, bèn né người, vung tay bắt. Mũi tên lao qua, chà sát vào lòng bàn tay, bỏng rát. Ngón cái và trỏ chụm vào chỗ cánh tên thì tóm được.

Chú Cuội và chị Hằng cũng mục sở thị, toát mồ hôi hột, xuýt nữa thì huynh đệ tương tàn.

Tất cả chỉ dễn ra trong chớp mắt. Gái con kêu rú lên, buông cây cung rơi xuống đất, hai tay bưng mặt. Qua kẽ ngón tay, Gái Con thấy củ nấm ở dưới rốn và mũi tên tre trong tay người rừng đang cầm ngang hông. Gái Con cảm thấy nghẹt thở, chống tay ra sau, lê dần lên cầu thang. Người rừng lại cứ cầm mũi tên tiến theo, đưa trả. Gái Con đâm sợ hãi, đạp mạnh gót, toan vọt lên lều thì không may trượt chân, nửa thân trên ngã bổ vào người rừng, chân còn lại luồn trong bậc thang, nom như thể cánh cung đang nhằm bắn xuống đất.

Người rừng ném mũi tên lên lều, rồi kéo Gái Con đứng dậy. Cô chợt cảm thấy củ nấm lướt qua cái múi bưởi dưới háng của mình, vội đánh hông nguẩy ra. Tức thì, cô ngã vật ngửa, kéo theo người rừng ngã đè lên mình. Bất ngờ, đôi gà lao bổ đến ứng cứu. Ngôi mộ của bà ngoại cũng tự nhiên nứt toác ra, một con gà mái khổng lồ lao lên, kêu quang quác, làm náo động cả thung sâu. Từ dưới gầm sàn, một bầy khỉ cũng nháo nhác tháo chạy.

Gái Con bàng hoàng, như tỉnh cơn mê, quay ngoắt lại, húc đầu vào bụng người rừng một cú chí mạng, khiến nó bật ngửa. Gái Con vội vã nhặt cung tên, toan bắn theo.

 

Gái Con ngó ra mộ bà ngoại, vẫn y nguyên, chỉ có đôi gà luẩn quẩn dưới chân lều. Gái Con thong thả mặc lại áo xống, trong lòng bán tín bán nghi.

Đêm thanh vắng. Tiếng chim từ quy thánh thót. Gái Con ôm gối ngồi nghĩ vẩn vơ. Lúc này, cô cảm thấy sợ, vội vã nhóm lửa. Đúng, lửa sẽ xua đuổi khỉ đột. Nhưng có phải khỉ đột đâu? Người ta có củ nấm to bằng quả chuối, cũng như đám con trai trong làng, trong động, chứ không phải cái nấm chó bé bằng dãi khoai như của khỉ đột…

 

5.

Con vật lạ mò vào lều Gái Con đêm đó, chính là Mậm.

Thỉnh thoảng, đàn khỉ thấy Mậm hay tha thẩn ở bìa rừng và ngóng về phía lều nương. Ban đầu, chúng tưởng Mậm đang tìm cách ăn trộm ngô trên gác, nên thích chí lắm. Bọn khỉ đã nhiều lần đột nhập vào lều, nhưng đều bị con ngợm tóc dài, răng trắng phát hiện, đuổi thừa sống thiếu chết. Đêm ấy, cũng tưởng mười phần Mậm sẽ lấy được ngô và chúng sẽ rình sẵn dưới gầm sàn mà tha về hang. Nào ngờ, Mậm chỉ chú tâm làm trò khỉ, nên chúng sinh nghi. Con khỉ đầu đàn hay tin, vội vã ra lệnh kéo Mậm sang vùng núi khác.

Từ khi là một cậu bé lên ba, lạc vào đàn khỉ, đến nay trở thành một chàng trai, Mậm cao lớn hơn cả con khỉ đầu đàn, nhưng lại phải chịu sự chỉ huy của nó.

Đàn khỉ rất quý Mậm, nhất là đám khỉ cái. Số là, Mậm vô tình biết được hốc đá kín đáo của chúng. Theo tuần trăng, chúng lại lẻn đến đó, đái vào mấy giọt máu. Nếu bọn khỉ đực biết được điều đó thì chúng bị xé xác. Nhưng Mậm lại vờ như không biết, nên bọn khỉ cái sợ và phục lắm. Giống cái, một khi đã sợ và phục là dễ hiến tình. Chúng thường lén khỉ đầu đàn và lũ khỉ đực, chổng đít cho Mậm. Nhưng Mậm đâu có phải là khỉ đực, lại sợ những cái chai đít cọ vào đùi mình, nên chẳng khi nào làm trò khỉ.

Con khỉ đầu đàn ra lệnh rời núi và giám sát Mậm, cả đàn răm rắp tuân theo. Bây giờ, xung quanh Mậm lúc nào cũng có mấy con khỉ lực lưỡng, lảng vảng để theo dõi. Con khỉ nuôi Mậm từ khi mới lạc vào đàn, nay đã già, tỏ vẻ buồn bã lo lắng. Còn con khỉ cái của Mậm thì vội lảng chánh, như sợ bị liên luỵ.

Mậm nhớ lần đầu tiên nhìn thấy con người rừng cái tóc dài, răng trắng trong nương ngô, trong lòng tự dưng bồi hồi, đứng ngồi không yên. Mắt của nó dài như quả trám và nhìn đằm thắm, chứ không tròn và nhìn hoang dại như mắt lũ khỉ cái. Cái nhìn ngạc nhiên và thảng thốt đó như sợi dây xoắn xuýt buộc vào người Mậm. Từ đó, Mậm thấy chán con khỉ cái của mình, rặt có nũng nịu, đòi bắt rận và rờ vào núm vú nhỏ như hạt đỗ. Thậm chí, lúc hứng tình, nó còn ghé đít vào lòng Mậm mà dộng lấy dộng để. Thế rồi, Mậm lần ra lều nương… Mặc dù phải hứng chịu sự căm giận của con người răng trắng, tóc dài ấy, nhưng Mận thấy nó đã là của mình rồi.

 

Đàn khỉ lốc nhốc vượt núi. Chúng tíu tít chuyền trên cành cây, mỏm đá và lại chí choé cãi nhau. Mậm chỉ chuyền được cành la và bò trên mỏm đá mà thôi. Thỉnh thoảng, Mậm phải cõng khỉ mẹ nuôi, leo qua vách núi hiểm trở. Khỉ mẹ nuôi khẽ cấu vào hông Mậm, ra hiệu: "Hãy quay về với con người rừng răng trắng, tóc dài đi." Mậm lắc đầu, có ý bảo: "Không xa mẹ nuôi được". Khỉ mẹ nuôi cắn vào cổ Mậm, ý như muốn nói: "Đến chỗ ở mới, chúng sẽ giết chết đấy". Mậm bàng hoàng sợ hãi, suýt nữa thì buông rơi khỉ mẹ nuôi. Bọn khỉ giám sát đã nhìn thấy câu chuyện của hai mẹ con nhà Mậm.

Một dòng suối trong xanh hiện ra, lững lờ chảy dưới chân núi. Cả đàn khỉ reo vui mừng rỡ, bên kia suối dã là lãnh địa mới của đàn rồi. Con khỉ đầu đàn ra lệnh vượt suối. Cả đàn ào ạt nhảy xuống nước. Những con khỉ con trèo lên cổ mẹ, đầy vẻ thích thú. Mậm cũng tiên khỉ mẹ nuôi lên cổ, cùng lội qua. Nước chỉ đến ngực Mậm, nhưng đàn khỉ phải ra sức bơi. Chúng lóp ngóp vượt suối, đập nước tung toé, nom tội nghiệp đến buồn cười. Bất ngờ, khỉ mẹ nuôi nhao mình xuống nước và chìm nghỉm. Mậm vội nhoài theo, tóm được gáy, nhưng khỉ mẹ nuôi ngoái lại, cắn cho một cái đau điếng, khiến Mậm phải buông tay. Đàn khỉ náo loạn cả lên. Con khỉ đầu đàn nhe răng dậm doạ, bắt cả đàn phải mau mau vượt sang. Những con khỉ giám sát quây chặt lấy Mậm, không còn kẽ hở. Mậm lội qua suối, nước mắt ròng ròng, ngoái nhìn dòng nước, không còn thấy hình bóng khỉ mẹ nuôi đâu nữa. Trên cánh tay Mậm, máu chảy ròng ròng và hoà vào làn nước, trôi vật vờ như khói hương.

Lên bờ, cả đàn rùng mình rũ lông, những hạt nước bắn tung toé, ánh lên như sắc cầu vồng. Bất ngờ, Mậm nhảy ào xuống suối. Lũ khỉ bàng hoàng nhìn theo. Con khỉ đầu đàn tru tréo lên. Lập tức những con khỉ giám sát nhảy theo, lóp ngóp bơi đuổi. Mậm sang đến bờ bên kia, lấy đá ném xuống, lũ khỉ hoảng hốt bơi lại. Con khỉ đầu đàn lại gầm lên. Chúng lại bơi sang. Nhưng rồi chúng kiệt sức, chìm nghỉm dưới suối. Đó là cơ hội để Mậm cao chạy xa bay.

 

6.

Mậm chạy lên lưng chừng núi thì dừng lại. Cánh tay đau buốt, máu vẫn ứa ra. Mậm bèn ngắt mấy cái lá, nín thở nhai giập, rồi đắp vào, vừa ôm cánh tay bị thương, vừa trông chừng đàn khỉ. Vẫn con đứng, con ngồi lố nhố bên bờ suối. Con khỉ đầu đàn có vẻ giận dữ, cứ bò lổng nhổng đi đi lại lại. Mậm liền dò dẫm theo lùm cây và chui xuống khe núi.

Bước chân vô định cứ đưa Mậm đi, độ dăm, ba con dao quăng, thì gặp một dòng suối to, uốn khúc bên đồng cỏ. Mậm chợt thấy cây ngoã, lúc lỉu những chùm quả, màu tím đỏ, liền nhào tới vặt lấy vặt để, tọng vào mồm. Ăn một lúc, Mậm thấy buồn buồn bên khoé mép, liền quệt tay xem, thì thấy đầy kiến, vội nhè ra. Lúc này, bình tâm lại, Mậm thấy quả nào cũng có kiến và muỗi. Chúng  bâu vào hút mật trong ruột quả. Mậm thổi phù phù và thong thả húp từng bọng mật. Khi bụng đã phinh phính, Mậm cảm thấy nôn nao cả người, vã mồ hôi trán và nôn thốc nôn tháo. Thì ra, đang đói và mệt lại ăn quá nhiều, nên say. Mậm lần ra bờ suối, khoát tay vốc nước uống, rồi leo lên bờ, tựa lưng vào tảng đá, nhìn lại cây ngoã, thấy từng đàn kiến bò đầy gốc cây. Một đàn đang hối hả bò lên. Lại có một đàn vội vã bò xuống. Thỉnh thoảng chúng lại châu đầu vào nhau, như chào hỏi hay bảo nhau một điều gì đó. Lúc nào cũng thấy đàn kiến hối hả, vội vã chạy đi chạy lại. Chả mấy khi thấy chúng được thong dong, an nhàn. Lơ mơ một lúc thì díp mắt lại và ngủ thiếp đi.

Trong giâc mơ, Mậm thấy mình lạc vào một lâu đài nguy nga, tráng lệ, cột bằng vàng, mái bằng bạc. Xung quanh lâu đài có tường đá bao bọc. Cạnh cổng là cây ngoã lúc lỉu những chùm quả tím đỏ. Ngoài cổng thành có dòng suối xanh trong, uốn khúc. Bên kia suối là đồng cỏ xanh tươi. Từng đàn hươu, nai, trâu, bò… thảnh thơi gặm cỏ. Sau thành là dãy núi đá sừng sững. Bầy khỉ đang cãi nhau chí choé trên những lùm cây. Hình bóng khỉ mẹ nuôi ẩn hiện trong bụi chuối rừng. Khỉ mẹ nuôi đang bón cho Mậm một quả chuối, ngọt lừ.

Mậm mơ mơ màng màng, thấy có cái gì mềm mềm, âm ấm, quệt qua quệt lại trên môi, vội mở mắt nhìn, bỗng giật nảy mình. Một chú nai con ngơ ngác nhìn Mậm, lưỡi đu đưa, vẻ thèm muốn. Mậm bàng hoàng nhìn ra đồng cỏ, lẫn lộn giữa mơ và thực. Nhìn vào vách núi thì không thấy lâu đài, thành quách đâu sất cả. Duy tiếng khỉ cãi nhau chí choé trên núi thì vẫn còn vọng lại, nhưng  Mậm nhận ra, đấy không phải bầy đàn của mình.

Sống lâu trong đàn khỉ, Mậm cũng bị lây cách sống, sinh hoạt. Ngày ngày, cứ độ vàng mặt trời là đàn khỉ tự dưng lại náo loạn cả lên, thích hú hét, nhảy múa. Ban đầu, Mậm thấy lạ, sau quen dần, cứ đến cữ ấy cũng cảm thấy trong người rạo rực, bồn chồn, phải hú hét lên mới thoả. Tiếng hú của Mậm vang xa hơn cả khỉ đầu đàn, khiến chúng khiếp sợ, rồi trở nên ghen tức. Mậm vô tư, không để ý đến cái nhìn nảy lửa của khỉ đầu đàn. Mãi sau, khỉ mẹ nuôi mách cho, Mậm mới tỉnh ngộ và bớt hú hét khi chiều xuống.

Bây giờ, bỏ bầy đàn rồi, Mậm cảm thấy bơ vơ, trống trải. Bất giác, nhìn vết thương trên cánh tay đã cầm máu và đóng vảy, Mậm lại nhớ khỉ mẹ nuôi mà ứa nước mắt. Mẹ khỉ ngày càng trở nên chậm chạp và gày rộc đi, thế mà hái được quả ngon, bao giờ cũng để phần cho Mậm. Trên đường đi, Mậm thường tiên khỉ mẹ nuôi trên vai, cảm thấy nhẹ bỗng như một chiếc lá. Thỉnh thoảng khỉ mẹ nuôi lại giật giật mớ tóc rễ tre đang nhấp nhô dưới cằm, đầy vẻ nghịch ngợm và cười khèng khẹc.

Sự cô đơn làm cho Mậm sợ, nên vội vã khuôn những tảng đá vuông thành sắc cạnh, do thợ trời đẽo gọt, chất từng đống vô thiên lủng dưới chân núi, bê về xếp thành một cái chuồng và vơ cỏ khô vào rải ổ. Mùi cỏ thơm thơm, ấm áp, thành đá vững chãi, khiến Mậm cảm thấy yên tâm và thảnh thơi. Trăng lên, Mậm thấy trên cung trăng cũng có con gì đấy, đang ngồi dưới gốc cây đa. Xa xa, có con gì bốn chân, hai sừng cong vênh, đang gặm cỏ. Bên giếng nước, có một  cô tiên đang múc nước. Nhưng Mậm không biết đấy là chị Hằng Nga bên cung Quảng Hàn và chú Cuội đang chăn trâu dưới gốc đa.

Chú Cuội ngó xuống trần gian, thấy cái chuồng bằng đá mới mọc ven đồng cỏ, nhìn kỹ, té ra là cu Mậm. Cuội liền bàn với chị Hằng, xin tâu với Ngọc Hoàng, tính chuyện lâu dài về sau cho Mậm và dân làng Cây Da. Ngọc Hoàng nghe vậy cả mừng, phán rằng, thiên đình cũng đã chủ trương, liền ban khen cho cả hai; rồi lập tức sai thiên binh, nội trong một đêm, phải xây dựng xong thành quách, lâu đài như đã báo mộng cho Mậm.

 

7.

Cái đêm trăng đó, nếu thằng người rừng ấy, cứ dằn Gái Con xuống, thì có lẽ Gái Con đã bị chinh phục bởi sức mạnh nguyên thuỷ. Nhưng chỉ một thoáng, cảm giác củ nấm của nó trượt qua háng mình, cũng đã làm Gái Con bàng hoàng về sự mới lạ đầy nhục dục. Đấy là ánh chớp đầu tiên, báo hiệu cơn mưa nhuần và nó sáng loà mãi mãi theo cuộc đời Gái Con. Tại sao cái củ nấm cứ lủng lẳng ở háng, chứ không thụt vào bụng như nấm chó của bọn khỉ?

Gái Con vừa mong ngóng lại vừa sợ hãi. Cảm giác kỳ diệu kia như một chất men, ấp ủ, ám ảnh. Từ bấy, đêm đêm Gái Con không đốt lửa nữa. Cô gắng ăn cơm chiều, ngay từ lúc còn vàng mặt trời và ủ bếp. Đề phòng cho người rừng khi trở lại, không phải sợ lửa nữa. Nhưng còn khỉ đột, nó thấy tắt lửa mà mò đến thì sao? Tại sao khỉ đột sợ lửa, người rừng thì sao? Chắc hẳn cũng thế cả. Cô càng tự hỏi lòng mình, lại càng rối bời như canh hẹ. Bây giờ, tuy vẫn ở một mình với đôi gà và ngôi mộ bà ngoại, nhưng Gái Con không tuềnh toàng nữa, không cởi truồng nữa. Đôi gà cũng được nhốt lại từ lúc chiều tà, không cho chúng tự tung tự tác, kẻo mà khỉ đột không mổ, lại mổ vào người ta thì chết. Đôi mắt cô lúc nào cũng dõi về phía cửa rừng, y như thể có sợi dây đã cột chặt đôi mắt cô vào gốc cây nào ở đó rồi. Người rừng này theo bầy khỉ, thích ăn ngô. Thế là, cô để hẳn dậu ngô bên cửa lều. Cô mỏi mòn chờ…

Hằng đêm, bà ngoại hiện về. Vẫn tiếng "cùng cục" gọi cô, như gà mái gọi con. Hai bà cháu tha thẩn khắp thung lũng, có đêm còn về tận làng Cây Da. Đôi chân trần của cô giẫm lên cỏ ướt, cảm thấy lành lạnh. Cô thương bà ngoại rét mướt, nhưng ngoảnh sang, chỉ thấy bà lướt trên ngọn cỏ, không làm rơi một giọt sương, thế mới lạ. Ngày giỗ, những người quá cố cũng hiện về. Ngày tết, họ hiện về lũ lượt, kéo nhau đi đi lại lại nườm nượp trên đường làng. Có người, cả năm, cả đời mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Khi trở về, mang theo cơ man nào là đồ lễ, nào là váy đen, áo đỏ, khăn xanh, nón trắng, nào tiền, nào vàng, nào xôi, thịt, rượu, chè… Đấy là chuyện những năm dương thịnh, trời cho hoả cốc phong đăng. Còn khi trời làm đói kém thì người làng còn đói vêu vao, huống chi ma. Lũ ma đói lại dật dờ bay lang thang khắp xó rừng, hẻm núi.

Hai bà cháu vòng qua gốc da. Gái Con tỷ tê:

- Cháu thích cái thằng người rừng!

Bà ngoại lúc lắc cái đầu, xua tay rối cả lên. Nhưng Gái Con không hiểu, sợ bà ngoại hiểu lầm sang chuyện con khỉ đột, vội nói lấy nói để mà thanh minh, nhưng bà ngoại kêu quang quác, rồi biến ngay xuống mộ.

 

Chợt có tiếng đôi gà cựa quậy, có vẻ bất an. Gái Con ngỡ giấc chiêm bao, nên không nhỏm dậy. Khi trời hồng đông, ánh hào quang toả chiếu tận lều nương, Gái Con mới uể oải vươn vai và vê vê bàu vú mưng mửng. Cảm thấy như có cái gì khác thường, Gái Con vội ngỏng đầu lên và giật thót, khi phát hiện người rừng đã ngồi chồm hỗm trong lều, tự lúc nào mà không hay. Người rừng vẫn ngồi bất động, nhìn Gái Con như thôi miên, rồi từ từ tiến lại và nằm đè lên. Gái Con như người mất hồn, mặc kệ trời đất xoay vần.

Căn lều rung lên bần bật như bị gió lốc. Đôi gà nháo nhác trong lồng. Chúng lặng đi, khi nghe tiếng tiếng chim cu gù gừ trên sàn. Gái Con không giương cung lắp tên nữa, mà cong người lên như một cánh cung, đón nhận mũi tên như củ nấm của người rừng bắn xuống tới tấp.

Khi bão tan, gió lặng, căn lều bình yên trở lại. Cây cung của cô chủ như bị đứt dây, nằm sóng xoài. Gái Con nhoẻn cười nhìn người rừng, âu yếm hỏi:

- Tên gì?

Người rừng nhìn cô trân trân.

- Từ đâu tới?

Người rừng vẫn lặng lẽ nhìn cô như lúc ban đầu.

- Đói không? Ngô nhá?

Người rừng vẫn trơ trơ như gốc cây cụt. Cô chọc ngón tay vào hông, người rừng nhe răng ra cười. Cô đâm sợ, hay bị điếc, hay quên tiếng người? Cô chồm bổ dậy, lắc mạnh vai anh ta, quát ầm lên:

- Điếc à?

Người rừng sợ hãi, nhảy phốc xuống sàn và chạy thẳng vào rừng.

Gái con thẫn thờ nhìn theo. Cô thả đôi gà và bần thần nghĩ, hay là giấc mơ? Không phải, háng còn ran rát và có vết máu đỏ tươi đòng đọc. Trên sàn, còn đọng lại một vũng bầy nhầy. Khiến cho kiến và ruồi đang đánh hơi tìm đến. Gái Con sợ hãi, chạy vội ra ngoài, thấy kiến đang kéo đến đen cả sân, ruồi cũng bu lại đen cả mái. Trên chỗ giao hoan ban nãy, bây giờ thành một đống kiến và ruồi, to tú ụ như mẹt xôi đỗ den. Một chốc đã trở thành nia xôi, nong xôi… Không biết có gì mà quyến rũ chúng đến vậy? Gái Con vẫn chưa hoàn hồn, bám vào cọc lều, đứng nhìn trời, nhìn đất  như thể đười ươi giữ ống.

*

Vừa sâm sẩm tối, khi gà vừa luẩn quẩn vào lồng thì bà ngoại đã rẽ đất chui lên, xỉa tay xối xả và quang quác kêu, như thể định mổ vào mặt Gái Con. Nhưng cô vẫn đứng trơ ra, đầy vẻ ngạc nhiên. Bà ngoại lấy tay phải ấp lên tay trái, mở ra đóng vào như con trai trai đang ngớp. Gái Con tỏ vẻ không hiểu. Bà ngoại chỉ tay vào rừng, chỉ vào cô rồi ra hiệu to bụng kềnh càng, khiến cô bật cười khanh khách, mặt ửng hồng, mắt long lanh, ra chiều mãn nguyện. Bà ngoại tức mình, véo một cái rõ đau vào bụng dưới của cô, rồi đi xuống mồ, mặc kệ cô nhăn nhó, đau chảy nước mắt.

Tang tảng sáng, đôi gà đạp vào chân, cô mới tỉnh. Thì ra, đêm qua, cô đã ngủ thiếp đi bên mộ bà ngoại. Lại cảm thấy có gì nhồn nhột sau gáy, cô vội ngoái lại, thấy người rừng đang hau háu nhìn minh. Quen mui, người rừng sà ngay xuống, đòi hỏi. Thấy người rừng vô lễ trước mộ bà ngoài, cô bực mình quát lên: "Vô phúc". Người rừng không sợ, không giận mà lại còn toét miệng cười và thô bạo cố đấm ăn xôi, vật ngửa cô ra cạnh mộ. Cô bực mình, vội lấy tay che háng và thuận đà, đạp một cái, khiến người rừng ngã chổng kềnh. Cô với cái tốc xịt, đánh lửa. Nhưng người rừng lại chẳng mảy may tỏ ra sợ hãi như khỉ đột, mà lại liều lĩnh xông vào như con thú say mồi. Cô vội  xoay mình, nhổm dậy, toan bỏ chạy thì người rừng lại tưởng được chiều theo cách của bọn khỉ cái, liền dấn ngay vào. Tức thì, cô cầm củ nấm ấy, nghiến răng bóp mạnh. Người rừng thét lên một tiếng man rợ, rồi ôm háng, chạy lò cò vào rừng.

Thì ra, không phải người rừng bị câm mà là không biết tiếng người. Cô nhìn theo, vừa hả hê, vừa thương xót và nhìn xuống bụng mình.

 

(còn tiếp)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...