VanVN.Net - Tết đến xuân về với người đứng tuổi là một dịp bồi hồi nhớ lại; với những người đứng tuổi li hương, cái hồi cố càng da diết, càng đầy ắp mênh mang. Những kỷ niệm thời đói khát trận mạc, những xao xuyến thời trai trẻ và cả nỗi nhớ nhà nhớ nước cứ xao xác cả trang văn. Nhân dịp xuân Nhâm Thìn, VanVN.Net trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của một người li hương đứng tuổi, nhà văn Nguyễn Văn Thọ...
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Hương mỹ nhân
Chúng tôi lại bị dồn xuống đuôi toa tàu S.bahn. Chỉ hai ba tích tắc nữa, nếu không hành động, chiếc gậy bóng chầy của tụi Nazit(1) sẽ đập cú nữa, chơi nốt cẳng chân kẻ đi cùng chuyến đêm nay. Không có đường lui! Trù trừ gì, phải thanh toán trước! Tôi đang nắm vào cây vịn thép trắng, bất chợt xoay người, tung cú đá. Cườm chân xoáy chéo trúng phắt cổ tay tên đang cầm gậy, chiếc gậy rơi xuống sàn toa S.Bahn nghe khô khốc. Rất may, khi ấy tầu dừng lại, cửa bật ra. Tôi kéo thốc tay thanh niên đã bị đòn đang quỵ xuống, như cơn lốc lao qua cái khe hẹp hai cửa tầu sắp đóng lại. Thoát rồi! Cả hai chúng tôi ôm nhau lăn trên sàn xi măng lạnh, khi cánh cửa tầu vừa sập nhanh lại và con tầu tức khắc rời khỏi sân ga như viên đạn xé gió.
* * *
Hoá ra, hắn không phải là người người Việt, hắn là Lee, từ Hongkong tới, đầu bếp chính của nhà hàng khá nổi tiếng: Kaisetiger. Cung điện đỏ chói Kaisetiger ấy thì tôi biết! Nghe đồn, những người Honkong đã đầu tư vào đó dăm triệu D. Mark, khi Honkong được trao lại cho Trung Hoa đại lục. Sự xuất hiện của Kaisetiger cũng như sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp khác từ Honkong tới, ngày một lấn át người Việt trong cả lĩnh vực buôn bán quần áo vốn đã hình thành lực lượng to lớn trước họ. Kaisetiger xây cất xong lập tức thu hút khách nườm nượp vì những món ăn lạ. Đặc biệt các món gà! Gà ở châu Âu vốn nhũn và nhạt, nhưng tại Kaisetiger, những món gà rán, quay, sào và hầm thuốc... món nào cũng thơm nức và đặc biệt đậm đà.
Lee nhăn nhó, khập khiễng bước. Hắn hỏi, tôi có thể đưa hắn về? Được, tôi đi với hắn! Chỗ tôi ở, giờ này phải hơn tiếng nữa mới có Bus. Chúng tôi dìu nhau rời khỏi đường hầm và bắt được taxi sau nửa tiếng. Hỏi ra, hai thằng đều cùng tuổi, sinh năm 72. Hắn cao hơn tôi tới nửa đầu. Trăng xanh sáng như nhát kiếm chém loang loáng qua kính trước của ô tô. Taxi đỗ, tôi dìu hắn vòng vèo trên con đường rải sỏi nhỏ, hai bên toàn hoa hồng. Đêm lạnh, tẩm ướp mùi hoa, thanh vắng quá. Chợt thấy đơn độc.
Tới một căn hộ trên tầng hai. Lee lấy chìa khóa mở cửa. Chưa vặn khoá thì cửa đã bật mở. Tôi hơi bất ngờ. Trước chúng tôi là một cô gái trẻ. Da trắng hồng, môi dưới mọng tươi, tóc cắt ngắn đen nhanh nhánh, mũi cao, đôi mắt xếch có đuôi và, hai bên má như có hai vệt kẻ phấn sậm. Đẹp quá! Tôi nghĩ.
- Em gái tôi!- Lee giới thiệu. Tôi giả vờ mặt lạnh như bom, song thực ra mắt tôi đã chụp nguyên cái vẻ đẹp em gái Lee vào trí não. Cô tên là Yến Chi.
* * *
Hai tuần sau, buổi tối, tôi vô cùng mừng rỡ, suýt reo lên khi có điện thoại: “Lee đã khoẻ, Yến Chi và tôi mời anh tới nhà”. OK! Chắc hắn muốn trả ơn. Trả ơn thì tôi không cần, nhưng tôi muốn gặp Yến Chi. Tôi mua một chai vang Pháp. Khoản rượu vang, cứ đắt là ngon! Qua hàng hoa, tôi chọn dăm đoá hồng vàng. Lee mời tôi vào phòng khách. Tại đó đã có một xe rượu (2) chờ sẵn. Trên bàn đá màu cẩm thạch có một bình men xanh cắm mấy nhành hoa bách hợp, thoang thoảng hương. Đèn phòng tắt. Ba ngọn nến đỏ chói thắp sẵn von vót cháy. Gian phòng chập chờn, lung linh. Tay phải cầm chai rượu, tay trái vẫn giấu bó hoa ra sau, mắt tôi nhìn quanh. Tiểu muội đâu? Tiểu muội đây! Có mùi thức ăn thơm nức. Quay lại, đúng là Yến Chi. Má ửng hồng, tạp dề trắng nổi bật hình con rồng Trung Hoa thêu rất sinh động và, chao ơi, cô thở phập phồng, trái đào xuân căng trào trong làn áo mỏng. Yến Chi hơi hé cười, tóc như sóng sánh theo nụ cười ấy và ở đâu đó, tôi nhận ra quanh tôi chợt có mùi hương thơm kì lạ. Thứ hương cả đời chưa bao giờ được gặp...
- Chào em! Tôi chào và đưa bó hoa ra trước. Yến Chi nhận hoa, nhún chân rồi lại hơi kiễng chân lên. Má áp nhẹ vào má tôi. Tôi cảm nhận thứ hương ban nãy trào ra đậm đặc. Không phải nước hoa! Nó tương tự như khi mùa thu đã chín, ta đi giữa thiên nhiên bao la, giữa thảo nguyên và rừng, thấy chợt nương trong gió một mùi hương làm tâm hồn ngây ngất mà ta không sao nhận ra hương của loài hoa nào, loài thảo mộc nào. Thật choáng váng, ngây ngất! Nếu như không có Lee, tôi sẽ liều mình, ôm ngang thấm thân rất eo của cô ấy mà kéo vào, để môi chạm môi. Cô thoáng cười. Hình như cô nhận ra sự thèm khát cháy thầm trong ánh mắt đam mê của tôi.
* * *
Bữa dạ tiệc ngon và lạ. Dăm tiếng đồng hồ, hơn hai mươi món ăn! Dường như Lee muốn mang cả cái nền văn hoá ẩm thực đã vài ngàn năm của hắn đặt lên bàn đêm nay. Tôi vui, chợt quên đi cảm thức lạc loài, tạm bợ ở xứ sở xa lắc này. Lee cứ thoăn thoắt từ bếp vào bàn rồi lại chạy ra bếp, để Yến Chi ngồi tiếp. Món nào cũng thế, Lee giới thiệu xuất xứ, lịch sử. Thi thoảng Yến Chi cũng giúp tôi lấy món ăn hoặc thêm vào câu chuyện của Lee, những chi tiết sinh động hơn. Tôi cũng được nhìn ngắm Yến Chi tự nhiên. Rượu mềm môi, cũng tới nửa đêm. Yến Chi rõ và mờ, ẩn rồi hiện, chập chờn và thăm thẳm. Chắc cũng vui vì khách uống hết lòng, Lee chợt quay sang cô em tủm tỉm nói, hôm nay có khách quý tới, sao em không mang Dương Xuân ra đây đãi khách? Yến Chi tủm tỉm, rồi đi, lát sau quay lại với khạp gỗ trên tay. Yến Chi mở hộp, hai tay nâng lên đưa cho Lee cái hũ gốm men xanh, có hai chữ Hán màu son. Mấy cọng cỏ vàng ươm còn bám vào bên hũ. Lee lấy tay xoa vào cái bờ cong hũ rượu, nhặt sợi cỏ vàng, anh nói: “Đây là tửu phẩm đặc biệt của quê tôi, làm từ hạt loài cỏ tên là Kim Hoàng mọc hoang dại tràn trạt trên các triền núi đầu nguồn Dương Tử. Tươi tốt vào mùa xuân, dưỡng trong lạnh, mưa, gió, khí trời, đến tiết thu thì chín vàng cả sườn núi. Bông Kim Hoàng dài, hạt nhỏ, rất mẩy và chắc. Nhà nông gặt về sàng sảy, nấu chín, ủ men, cất rượu. Rượu cất xong, ngâm sâu trong lòng sông Dương Tử ba mùa đông mới đưa lên đóng vào thùng gỗ nhỏ rồi bỏ trong cái chum lớn gắn kín, lại chôn đủ bách nhật trong đất là đủ hỏa, thủy, thổ, mộc sẽ lên thứ hương không rượu nào có! Ai uống, có đi xa tới ngàn dặm vẫn thấy Dương Xuân quẩn quanh! Dương Xuân uống trong mùa Đông, chống được hàn khí, trong mùa Xuân đuổi được tà khí, giữa mùa Hạ làm tâm can mát mẻ, dùng vào tiết Thu làm khí huyết lưu thông, gan thận ấm áp.” Nói rồi rót ra ba chén tống và bảo Yến Chi mở hết cửa cho gió tuyết tuôn vào. Yến Chi mở toang cửa, tuyết lạnh ùa khắp phòng. Lee cười ha hả, chỉ tuyết nói, chúng ta đang ngồi thưởng rượu trên lưng chừng núi!
Rượu rót ra, lập tức tỏa hương thơm phưng phức. Hương gì vậy?
Tôi và Lee uống tới tuần rượu thứ ba, sắc mặt Lee dần tái đi, còn khuôn mặt Yến Chi cứ hồng rạng trong ánh nến. Nom cô bấy giờ càng hấp dẫn hơn. Quái lạ, mỗi khi Yến Chi rót thêm một chén, bàn tay đẹp đưa cốc Dương Xuân lên, tôi cũng không thể phân biệt được mùi hương ở chén Dương Xuân hay là mùi thơm của bàn tay nàng tỏa ra. Mê mẩn. Tôi đắm say nhìn người đẹp mà xác thân bắt đầu có cảm giác lênh đênh.
- Hưởng Dương Xuân rồi mà lại có đàn nữa thì hay quá! Lee nhìn Yến chi nói. “Dương Xuân uống cùng khách quý phải có ái nhân hầu đàn!” Yến chi cười. Thì em trổ tài đi! Lee bảo. Lại quay sang tôi: “Yến chi sẽ hầu anh khúc hát quen thuộc, nổi tiếng của Hoa Hạ.” Yến Chi dạ một tiếng rất nhẹ rồi vào phòng trong lấy ra cây đàn như trái lê. Đoạn, cô ngồi xuống chiếc ghế cao tròn đối diện, bắt đầu bấm phím so giây. Đó là một tiếng đàn kì tài, thanh âm nhấn nhá như chuỗi ngọc buông ra rơi xuống rồi vỡ tan trên thềm đá. Tiết điệu khi mau lúc thưa, khi dồn lúc cuốn, dẫn tôi dần dần mơ đắm vào cõi thần tiên. Bàn tay của nàng khi ấy mới đáng yêu làm sao, những ngón thon trắng hồng điệu nghệ lướt như múa trên phím. Và, sau khúc dạo bàng hoàng ấy, nàng cất giọng. Một giọng hát, không giống bất cứ giọng hát nào tôi đã nghe cất lên, cất lên từ đôi môi mọng đỏ kia càng làm tôi mê đắm. Tôi cảm giác như tôi đang ngồi trên một sườn núi đầy hoa. Tiếng hát và điệu đàn cứ bay bay, trườn trên các vệt cong của triền núi, những đám mây bồng bềnh…Cứ thế hết chén này tới chén khác. Dương Xuân như thứ nước ấm chảy huyết quản trào ra chân lông, làm cho tôi lâng lâng, thân xác như nhẹ bỗng, lơ lửng ngay trên chiếc ghế tôi ngồi. Lee cũng chầm chậm vỗ đùi hát theo. Lời ca, có đoạn như sau:
Đản sử chủ nhân năng tuý khách
Bất chi hà xứ thị tha hương…(3)
Tôi uống phứa. Đắm say mà uống phứa, chả còn biết trời đất, tôi gục xuống bàn khi nào chẳng biết!
* * *
Bạn đã khi nào say khướt, mà vẫn nghe thấy, cảm thấy hết mọi sự quanh bạn, lại không thể nào điều khiển được xác thân? Tôi rơi vào giấc ngủ rất ngắn và bừng tỉnh khi thấy ai đó kéo đôi chân mình.
- Gã thế mà nặng!
- Ừ, nặng Thật.
- Thân xuân cường tráng!
- Uống cũng khá! Em có vẻ thích nó? -Cười
- Kê đầu thấp thôi. Gã say quá. Đừng để gã nôn ra!
- Đóng cửa lại. Anh đi nghỉ đây.
- Này, khăn nóng!
- Anh lấy hai cái bánh bao trong ngăn lạnh để ngoài, để mai em hấp lại
- OK! - Có tiếng chân bước xa dần. Tiếng cửa khép
Tôi cố mở mắt. Thân xác rất nhẹ, bay lên. Tay ai trắng muốt cứ dập dờn, dập dờn. Da thịt dần nhận ra sức nóng trên mặt, xuống cổ, trên ngực rồi ấm dần xuống tận bụng dưới. Hương Dương xuân lại cứ chập chờn quanh. Rõ ràng Yến Chi đang gần quá và tôi rất muốn ôm chầm lấy nàng, song đôi tay lại không thể theo ý của mình. Áo sơ mi bị lột ra, thấy như nó bay rất chậm rơi xuống mặt đất.Tôi vẫn cảm rõ có bàn tay rất mềm. Những ngón tay ấm lướt vuốt trên mặt, lên trán, hai bên thái dương rồi cảm rõ lực xuyên sâu day mạnh vào sau gáy. Thân xác nặng hơn một chút. Lại xoay ngang và lật sấp. Máu bắt đầu chuyển động chậm chạp dù trái tim gắng sức đập liên hồi. Cảm giác mãn nguyện chầm chậm tới và ngưng đọng ở phía dưới, đánh thức những tiềm năng khi mà trí não không thể phát lệnh điều khiển, đưa tôi ở một trạng thái như mộng du: tôi và không phải tôi. Đó là sự cảm biết nửa như tỉnh táo, nửa như mộng mị, song vẫn tự nhận ra cái phần thân xác bất lực: một cái xác chết, không khả năng thay đổi những trạng thái của cơ bắp, khi trí não đầy thèm khát bay lên.
Phải tới nửa giờ sau đó, cho tới khi trán tôi lấm tấm mồ hôi, thân xác trĩu nặng và tôi chập chờn hạ xuống. Mắt nhắm lại để không còn nhận biết được như trước đó. Tôi ngủ trong mùi hương Dương Xuân.
* * *
Ngày lại ngày ở Đức, cho tôi thấy rõ sự vô vị và nhàm chán tới kinh hồn khi nhịp điệu không có gì thay đổi cho những kẻ lạc loài trong bao nhiêu năm tháng nay rồi. Sớm dậy từ sáu giờ tất tưởi uống sữa và nhai mẩu bánh kẹp thịt. Ra bến Bus tất tưởi, rồi lại lên tầu S.Bahn để tới chỗ làm. Tối về nhà mệt nhừ và ăn dặm. Tivi vừa chớm chớp được chục phút, mắt đã nhắm nghiền thiếp đi tới sáng. Với công việc Gebeudersreinigung, dọn vệ sinh của công ty, tôi may mắn hơn những người Việt khác là còn hai ngày nghỉ thứ Bẩy và Chủ Nhật, nhưng chính những ngày nghỉ ấy, với một người độc thân, lại là thời gian vô cùng dài. Từ bữa gặp Yến Chi và nhất là cái đêm say khướt với Dương Xuân nghĩ lại thấy cuộc sống thật buồn.
Hơn tuần sau, nhớ lời hẹn, thứ Bẩy, đúng giờ, tôi tới Kaisetiger. Chín giờ tối mà quán vẫn đông ngẹt. Ngồi vào bàn, tôi chẳng cần phải tìm đâu cả. Yến Chi kia rồi. Trên cái sân khấu tròn trắng toát, cô hiện ra nổi bật trong bộ áo gấm Trung Hoa đỏ sẫm mầu huyết dụ. Tầng dưới của nhà hàng Trung Hoa khi ấy đã có gần trăm thực khách ngồi quanh, ôm lấy sân khấu nhỏ. Tôi cảm giác như tiếng hát của Yến Chi không bay thẳng tới tôi mà bay lên trên vòm cong cong của nhà hàng, đụng vào giá ngang màu đỏ, những con rồng chầu tứ phía, rồi lả tả rơi xuống ...
- Xin ông xem thực đơn và gọi món ăn! Tôi xin sẵn sàng phục vụ! - Người hầu bàn để trên bàn menu dài, bìa cũng mầu đỏ, lễ phép cúi gập mình nói. Tôi không cần mở cuốn thực đơn, gọi: “Gà chiên mềm và khoai tây viên nghiền.”
Thực ra, với tôi, dư vị món thịt gà ấn tượng không ghê gớm lắm như đồn đại. Quả là món gà chiên của Kaisetiger có vị đậm đà hơn nhiều so với món thịt gà ở các quán ăn khác chế biến. Song tôi đoán, có lẽ không chỉ vì riêng món gà mà Kaisetiger đông khách đến ăn vậy. Sự thu hút thực khách bấy nay phải tính tới giọng hát lạ, nhẹ như mây vờn trên đỉnh núi và vẻ đẹp mê hồn của Yến Chi. Trong ánh đèn dìu dịu chiếu, sắc vẻ Á châu trội lên giữa bao người đàn bà Âu, lại cái cảnh trí như thực, như ảo huyền trong sương khói tuôn ra ở sân khấu, quả là điều hiếm hoi, có một không hai ở đây. Điều ấy quả thực không nói quá, khi tôi nhìn thấy gần hai trăm quý ông Đức, Ý hay Hà Lan ở tiệm đêm ấy dừng tay nĩa, tay dao, nhìn theo Yến Chi như ngơ ngẩn. Dương Xuân rõ ràng cũng quyến rũ. Thông thường ở các quán khác, người Đức quen với cách uống vang hay sampanh khi ăn, kể cả với các dòng rượu uống xếch ở quầy rượu như Whisky hay Cognac, họ cũng muốn dùng các đồ uống quen thuộc bấy nay. Còn ở đây, Dương Xuân đắt hơn các rượu khác tới ba, bốn lần, mà thực khách tới đều hào phóng bỏ tiền thưởng thức thứ rượu quái quỷ này. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cũng không phủ nhận được tài năng nấu nướng của Lee với sự hấp dẫn của món gà, khi ở thời buổi suy thoát Kaisetiger phải cạnh tranh với bao nhiêu khách sạn khác, của Italia, Đức hoặc Pháp, mà ở đó đâu thiếu các đầu bếp cực kì chuyên nghiệp.
Sau buổi tối đó, tôi còn tới nhà Lee lần nữa vào dịp đầu mùa Thu để kí vào tờ giấy làm chứng, bổ xung hồ sơ của Lee mà công ty bảo hiểm yêu cầu, nhằm hoàn tất việc nhận tiền bảo hiểm chấn thương tai nạn trên tầu S.Bahn đêm ấy. Cũng chỉ ghé qua chục phút, Yến Chi vắng nhà. Cũng không được đãi Dương Xuân nữa, song tôi vẫn cảm thấy luẩn quẩn trong căn hộ của Lee mùi Yến Chi đâu đó và điều này càng làm tôi thêm khao khát gặp gỡ nàng.
***
Đầu đông năm ấy, tôi về Việt Nam. Cũng bởi đã hứa với Lee rằng, sẽ mang rượu Việt Nam sang cho anh em Lee biết thế nào là rượu Việt cũng phê không kém. Tôi nhắn bạn bè khắp nơi, tìm cho bằng được một ít rượu, để tôi mang sang Đức. Trong vài ngày, bè bạn mang tới đủ các loại như Làng Vân, Làng Chuồn, Lộc Thủy, Mẫu Sơn v.v.. Có bạn mang cho dăm chai Mơ săn lùng trong một gia đình nấu rượu khá lâu đời ở giữa núi sâu vùng Hương Tích. Cũng có bạn còn mua tận Nam Bộ thứ rượu đế Bầu Đá trong suốt. Song chả có loại rượu nào sánh được với Dương Xuân.
Sắp tới ngày lên đường, một chiều, tôi được anh bạn trẻ đưa cho một địa chỉ, bảo tôi tới Quán Quen: “Anh hãy tới đó, một nơi không chỉ bán rượu rất ngon, mà có dịp anh còn hiểu thêm chút ít những sân chơi của lớp trẻ sinh viên, học sinh quanh Hà Nội.“ Tôi lấy xe máy tức tốc lần tìm địa chỉ ấy.
Hóa ra Quán Quen không như tôi tưởng tượng. Nó chỉ là một quán giản dị. Ở đây vừa bán rượu vừa bán trà, nước hoa quả tinh khiết. Sự thu hút của nó là thái độ phục vụ rất ân cần trẻ trung và vui vẻ của người phục vụ, mà họ lại là cánh sinh viên đang học, tới làm thêm ở quán. Tôi được mời vào phòng nhỏ tiền sảnh. Trong khi chờ đợi chủ quán tới, một thiếu nữ chừng đôi mươi bưng ra bộ ấm tách trà và phích nước với đĩa hạt dưa. Cô gái vừa quay gót thì chiếc rèm gió lay động. Tôi giật mình tưởng như mơ, bởi từ sau tấm rèm kết bằng những cuộc giấy đủ màu, xâu bằng chỉ gai treo bên nhau, Yến Chi đột ngột hiện ra. Không, không phải Yến Chi. Chủ quán đã ngồi xuống ghế mà tôi chưa hết bàng hoàng. Cô đẹp như Yến Chi song rõ là không phải Yến Chi, bởi đôi mắt cô không xếch. Điều kì lạ nữa là, từ khi cô bước vào, cũng tự đâu phảng phất hương gì thơm quá mà khi ấy tôi không sao nhận ra. Tôi cũng không thể hiểu cái hương ấy có thực không, hay do từ sắc đẹp nghiêng ngửa của cô chủ mà nhớ Yến Chi rồi tưởng tượng ra mùi hương cũ.
Cô gái tên là Phương Xuân. Cô là một chuyên gia trẻ trong lĩnh vực ngân hàng. Phương Xuân mở quán “chỉ để vui, có sân chơi cho các em sinh viên sao hợp với túi tiền vốn ít ỏi của họ. Như năm năm học đại học em nếm đủ cảnh học hành chăm chỉ mà thiếu chỗ vui chơi lành mạnh“
Nói, Phương Xuân không thua kém Yến Chi về nhan sắc cũng không quá, thậm chí cô còn có phần hơn ở sự trẻ trung. Sự trẻ trung vẫn là lợi thế đương nhiên của phái đẹp. Lại hơn nữa, ở cái tự nhiên nồng nàn trong gương mặt không hương phấn mà mịn màng tự nhiên, ở đôi môi không son mà mọng như cánh hồng đang độ tiết xuân tươi thắm nhất. Trời phú cho những người đàn bà đặc biệt một thứ trường hấp dẫn kẻ khác phái, trường lực ấy tỏa ra quanh mình họ mà không sao lí giải được. Phương Xuân đây cũng là dạng phụ nữ có trường lực đặc biệt ấy. Và, vẻ đẹp lỗng lẫy của giới nữ với trường giới tính mạnh cũng thường làm nam giới phải trở nên lịch sự và nhã nhặn hơn. Tôi như bị thôi miên khi những búp tay trắng hồng, thon dài thong thả tráng nóng những chiếc li gốm nhỏ màu ngọc rồi khoan thai pha trà rất đúng kiểu cách ở những gia đình Hà Nội xưa, để cuối cùng trà rót ra, hương sen thanh nhã và hương trà ngầy ngậy bay ra làm không gian trở nên thanh tịnh, tao nhã tới vô cùng.
Sau vài câu chuyện xã giao và nói lí do tôi tìm tới quán, Phương Xuân gọi cô gái ban nãy mang rượu tới. Cô gái trẻ lập tức bưng ra một khay tre có chiếc be gốm nhỏ đựng rượu với hai chiếc tách gốm men rạn. Cũng cẩn thận tráng chén trong nước sôi rồi chờ cho nguội, Phương Xuân rất khéo léo rót rượu, không một giọt rớt xuống.
Đúng là một loại rượu tuyệt ngon. Chả kém gì vị Dương Xuân của Lee, rất mềm và ngọt hậu. Mai Hạ thơm khó tả, cho người ta cảm giác lâng lâng ngay khi chạm môi vào. Nhưng rõ ràng, khi tôi chưa uống vẫn cảm thấy như có mùi hương nồng nàn kì lạ quanh quất như đêm tôi ở nhà Lee. Song lúc bưng chén rượu kề môi, hy vọng ở đó có hương như Dương Xuân, mà lại không thấy. Tuyệt không có cái hương quyến rũ như chén rượu tôi uống đêm nào từ bàn tay của Yến Chi. Tuy thế, tôi vẫn nhâm nhi gần hết cả be rượu Mai Hạ, khi cô gái thong thả giới thiệu thứ rượu mà theo cô là không bình thường của một vùng xa lắc:
- Để tìm được thứ rượu ngon lại vừa hợp túi tiền các bạn sinh viên, em đã khảo sát khắp vùng Tây Bắc. Chữ “Mai Hạ” trong “rượu Mai Hạ” ấy là do rượu đó được nấu ra ở Mai Hạ - Mai Châu - Hòa Bình. Nó khác rượu Làng Vân, rượu Bầu Đá... Rượu Mai Hạ trong vắt, lắc nhẹ thấy vạn tăm rượu lên rào rạt như sao. Vị rất khác biệt với tất cả các loại rượu trắng ở ta và độ cồn cũng đủ để đốt cháy những cơn nghiền khó tính nhất. Nặng độ vậy, Mai Hạ vẫn không gây nóng, trái lại rất êm ái tới giọt cuối khi cạn chén. Mai Hạ là thứ rượu do phụ nữ Thái ở Chiềng Hạ nấu. Có một người đàn bà Thái còn lại ở bản đó tên là Chu Thị Tờn đã lấy mẻ rượu bà ủ chín trong chum đã lâu để em mang về đây cho bè bạn thưởng thức. Ở bản đó, vài nhà khác cũng nấu rượu ngon lắm, song chưa ai nấu rượu ngon như bà Tờn. Mai Hạ tuy cất từ củ sắn, lại để nguyên cả vỏ, nhưng hơn hẳn các loại rượu sắn khác, hơn cả rượu cất từ nếp quý ở dưới xuôi như rượu làng Vân. Mai Hạ uống vào đâu biết tới đó, vị đậm sâu, ngọt lùi vương mãi từ đầu môi xuống gan ruột. Nó được ủ rất tinh tế nhờ thứ men lá độc đáo, bí mật của gia đình bà Tờn. Theo em, rượu ngon, ngoài men còn có yếu tố nguồn nước và vi lượng trong sắn Mai Hạ. Suối Mai Hạ đầu nguồn, có tên là suối Vú mẹ, phun ra ngàn năm nay từ một nhũ đá, nom như bầu vú khổng lồ nhô ra từ lưng chừng ngọn núi Mẹ. Nước trong vắt và tinh khiết tới vô cùng. Chả thế vùng quanh đó đàn bà, con gái tóc như mun, đen dài tới kheo chân. Tuổi tóc có bà tới trên 60, vẫn nhanh nhánh không hề có sợi bạc. Anh em sinh viên Hà Nội tới uống, đùa chơi rằng, Mai Hạ - rượu uống hôm nay ngày mai mới Hạ.
Tôi hỏi: Công nghệ chưng cất Mai Hạ thế nào? Đáp, cũng bình thường thôi. Lại gặng, sao không đau đầu? Liệu có ủ rượu đủ Bách nhật như rượu dưới xuôi? - Tôi thoáng nghĩ tới Yến Chi, tới chuyện Dương Xuân ngâm ở sông Dương Tử. Cô Xuân nâng be rượu lên cười: Rượu Mai Hạ sau khi cất không chôn dưới đất trăm ngày uống đã ngon lắm rồi. Nhưng nếu đong đầy chum, đậy kín, trám kĩ bằng nhựa cây mai, chôn dưới đất giọt tranh đủ ba tháng mới đào lên thì uống một chén đúng bằng ba chục chén rượu khác, ngọt ngào nồng hậu khó rượu nào bì được. Nói về Mai Hạ, đã lâu rồi người Thái có câu hát cổ: Rượu đây tay mềm em mời, anh uống một chén như ngàn chén, đất trời nghiêng ngả, uống bao năm môi vẫn còn thơm…Rượu này còn có điều đặc biệt là dính vào ngón tay chỉ để lại hương thơm và bay khô như cồn, chứ không ướt nát như các rượu khác vì nồng độ rất cao chả kém gì Rum của Cuba. Nói rồi, cô Xuân nghiêng be đổ lấy chút rượu và nhúng ngón tay út hồng xinh như mầm hoa tuy líp vừa nhô ra khỏi mắt đất vào chén rượu.
Thật bất ngờ. Sau động tác ấy của cô, tự dưng gian phòng sực lên ngào ngạt mùi hương đúng như hương Dương Xuân. Tôi nhận ra vị hương hôm nào ở nhà Lee cũng như nhớ tới mùi hương ban đầu tôi ngờ ngợ khi Phương Xuân mới bước vào gian phòng.
Trời ơi! Tôi ngạc nhiên đỡ lấy chén rượu. Quả là tôi không nhầm. Rượu Mai Hạ khi ngón tay mỹ nhân chạm vào đã tiết xuất ra kì hương…
Chuyện về Phương Xuân và Mai Hạ tôi sẽ thuật lại ở lần khác, bởi vì đó lại là câu chuyện kì thú thứ hai của đời tôi.
***
Quay lại Đức, tôi hí hửng mang theo một bình Mai Hạ. Máy bay tới sân bay Schoenefeld đúng vào lúc châu Âu chỉ còn hai ngày nữa là lễ Giáng sinh. Cũng không chờ thêm một ngày, chiều ấy tôi đánh xe thẳng tới quán Kaisetiger.
Tôi không tin nổi mắt mình nữa. Ngày xưa bãi đỗ xe quanh Kaisetiger luôn chật ních. Bây giờ bãi xe trống không, tuyết trắng ù ù bay tứ tán. Cửa Kaisetiger không một bóng người. Không thấy hai người gác cổng với đồng phục đỏ sau cánh cửa lớn. Vòng quanh bên hàng tròn cột đỏ bên ngoài là chăng dây vàng với dòng chữ Polizei in liên tục trên băng dây. Kaisetiger bị đóng cửa! Vì sao nhỉ? Vì sao? Tôi bấm máy hỏi anh bạn thân thạo tin người Đức Quenter.
Hóa ra Kaisetiger đã bị đóng cửa hơn tuần nay.
Chuyện thật oái oăm. Một đôi trai gái trẻ mới yêu nhau từ Berlin thứ Bẩy tới ăn quán. Họ gọi món gà hầm. Đang ăn cô gái Đức thấy vương vướng, đau trong họng, rồi buồn nôn. Cô bèn vào toalet. Và dù ói mửa liên tục cơm đau vẫn tăng dần tới mức không chịu nổi. Cô bấm máy gọi cấp cứu. Bác sĩ Potsdam mau chóng phát hiện ra vật lạ ở viện. Bất ngờ nữa, người ta gắp ra từ họng cô một chiếc móng mèo bé xíu. Tức thời, hơn 200 Polizei ngay sớm sau cùng nhân viên thanh tra y tế, kiểm dịch, môi trường… đã bao vây, lật tung từng cm vuông Kaisetiger. Trong hầm lạnh người ta đã tìm thấy gần hai chục cân thịt mèo đã làm sẵn. Có cả mèo nguyên con mới lột da lẫn mèo đã phá thành lát nhỏ mỏng như phile gà. Người ta nghi rằng đám đầu bếp ở Kaisetiger đã trộn thịt mèo vào làm nên hương vị đặc biệt của thịt gà khi chế biến. - Quenter hổn hển nói qua điện thoại- Tao cũng nghi lắm vì thịt gà ở Kaisetiger là nguồn mua tại Đức có khác gà tụi tao mua ở siêu thị đâu, mà sao hương vị món gà Kaisetiger đậm đà như thế?
Tôi quay xe lại khu nhà của Lee. Cầu mong sao Lee và Yến Chi của tôi bình an. Luật pháp Đức buộc người chủ khách sạn phải chịu trách nhiệm chính mà. Kaisetiger đóng cửa thì giờ này tôi được gặp Yến Chi là chắc. Lại tạt qua cửa hàng hoa mua một bó hoa hồng tươi vàng rộm.
Nhà Lee đây rồi. Tôi bấm chuông. Im lặng tới ghê người sau tới hai ba lần bấm mà cửa không mở.
-Ngài tìm gia đình người Trung Hoa ư? Họ dọn nhà đi từ ba bốn hôm nay rồi.
Tôi quay lại, sau tôi một bà già Đức tóc vàng nâu nhìn tôi e ngại nói.
-Vâng thưa bà. Bà có biết họ chuyển đi đâu không?
-Sao tôi biết được. Họ dọn nhà từ tuần trước. Đồ đạc hỏng còn một đống ngoài kia.
Theo tay bà tóc nâu vàng chỉ tôi đến bên đống đồ, nệm, giường và tủ đã tháo rỡ một đống tuyết đã phủ trắng. Tôi nhận ra chiếc gương lớn mà nhờ nó tôi đã nhìn trộm Yến Chi qua bóng gương phản chiếu hôm nào. Tôi nhận ra chiếc bàn xếp. Cái đi văng màu huyết dụ các vật dụng trong phòng khách ngày nào mà Yến Chi cho tôi nghe khúc hát mê hồn.
***
Suốt cả tuần sau đó thực buồn. Lễ Noel này sẽ vui biết bao nếu có Lee và đặc biệt là Yến Chi. Bây giờ nàng ở đâu? Mấy đêm tôi cứ mơ thấy nàng. Trước đó khi Yến Chi chưa biến mất, tôi không có cảm giác ấy. Có lẽ sự mất tích của Yến Chi càng làm cho tôi luyến tiếc và khao khát gặp lại nàng hơn. Điều ấy thật tệ hại, nó tạo cho tôi những ảo giác khó lường. Đi trên đường, giữa phố xá châu Âu đông đúc, đã ba bốn lần tôi thoảng thốt đuổi mấy cô tóc đen cắt ngắn, dáng dấp thon nhỏ tôi cứ ngỡ là Yến Chi. Một lần thoắt thấy rõ ràng bóng như Yến Chi lên một chiếc xe Bus, tôi đã bắt taxi lao theo. Vòng vèo tới ba bốn tuyến phố tôi mới bắt kịp chiếc Bus đó, song lên xe thì té ra người đó không phải là Yến Chi. Nàng có thật không, hay là tôi đang mơ? Cũng ngay cả trong giấc mơ, chính tôi tự hỏi điều đấy và tỉnh giấc vẫn bàng hoàng không tin là trên đời này tôi đã gặp một Yến Chi như thế.
Tôi cũng viết email về Hà Nội, như đã hứa với cô gái Phương Xuân, rằng tôi không gặp được Yến Chi để so sánh rượu Mai Hạ với Dương Xuân.
Sự nhớ nhung Yến Chi tới mức cồn cào kéo dài suốt hai ba tuần không sao chịu được. Cũng như chuyện nhớ người tìm tới vật, tôi quay lại khu nhà Yến Chi và Lee từng ở, một lần nữa xem có tin tức gì của họ không.
Hỏi thăm vài người đang dọn vườn hoa quanh khu nhà, không một ai biết tin tức gì về hai người Honkong ấy nữa. Bà già tóc nâu ái ngại nhìn tôi và bảo: Chủ nhà mới dọn đến căn hộ của anh em cô, vừa dọn ít đồ trong kho tầng ngầm của chủ căn hộ cũ quẳng ra nơi đổ rác, khi sau ba tuần không thấy họ quay lại.
Tôi thẫn thờ đến bên đống đồ bà già nói tới.
Thật bất ngờ. Ba bốn chiếc hũ sành vứt lăn lóc bên khu để rác đúng như những chiếc hũ sành đựng rượu Việt Nam như tôi đã từng trông thấy trên cái kệ trong Quán Quen ngày nào. Kế đó là chiếc bình men cẩm thạch có hai chữ Hán màu son đêm nào Yến Chi và Lee rót ra thứ rượu Dương Xuân khoản đãi tôi. Tôi nhấc thử một hũ sành rồi bật nắp. Trong hũ còn ăm ắp rượu. Tôi quay lại xe lấy chiếc cốc giấy và chả ngại ngần rót ra ít rượu và uống.
Không có mùi hương đặc biệt như thứ rượu tôi đã uống và nó thực giống hệt vị hương của rượu Mai Hạ. Tôi cúi xuống nhặt lên chiếc hũ gốm màu cẩm thạch có hai chữ Hán màu son. Hũ gốm men xanh rỗng không. Đáy hũ mốc thếch và thực bất ngờ khi tôi đưa bình lên sát mắt.
Từ hũ gốm xanh cẩm thạch ấy sực lên độc mùi ái nữ.
Hương Mỹ nhân!
Tôi quay gót.
Đêm ấy, tôi nhận được email của cô Xuân. Thư có đoạn viết: Em không kinh doanh Mai Hạ nữa. Cả tuần nay, có người tới mua vét từng lít Mai Hạ để bán cho thương lái Honkong, đẩy giá rượu lên cao, không hợp túi tiền anh em sinh viên nữa…
Tôi ngồi trong phòng một mình và nhớ lại tất cả. Nhớ món thịt gà đậm đà khác lạ tôi ăn ở Kaisetiger và khi đó không ai biết nó được trộn với thịt mèo mà tạo ra hương vị đậm đà đặc biệt; nhớ gương mặt mê hồn của Yến Chi với điệu đàn dẫn tôi vào mê cung và tôi chìm trong ảo và thực; tôi cũng nhớ lại hương rượu ở chiếc hũ Dương Xuân và cốc rượu của Phương Xuân nhúng ngón tay út vào…
Tự nhiên tôi buồn ghê gớm. Một nỗi buồn khó thể nói ra để sẻ chia.,.
-------------------
1 - Nazit: chỉ những kẻ chống người nước ngoài, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi
2 - Ở châu Âu khi tiếp khách rượu có nhiều loại uống khác nhau ở thời điểm tiệc, trong để nhiều loại trong 1 tủ nan nhỏ, dưới gắn bánh xe có thể di chuyển cho thực khách tùy chọn loại rượu mình ưa thích. Tác giả tạm gọi là xe rượu
3 - Thơ Lí Bạch. Chủ nhân biết cách làm say khách / Thì đâu còn có ai người tha hương.
Sẫm Violete
Viết tặng chị Lều Thị Thụy & Thụy Anh
Hoa tím ta yêu góc đường xơ xác
Có còn ai thương rét lộc rét đài?
(thơ Thụy Anh)
Chỉ còn hai ngày nữa là Tết.
Trời mưa suốt. Mưa không sầm sập, ào ạt, nặng hạt như mưa hạ. Mưa bấc đông li ti, đêm, ngày, dầm dề hết đợt này tới đợt khác, làm toàn bộ trời đất rộng lớn quanh Hà Nội sũng nước. Mưa mùa đông Hà Nội vốn lạnh, năm nay lại càng lạnh hơn.
Vợ chồng Anh Thụy vừa từ Nga trở về. Trong hơn chục năm xa nhà, cô tiến sĩ ngôn ngữ đã bao lần chờ đợi, mong mỏi cái Tết trở về đầu tiên xum họp với mẹ.
Sớm nay nhìn trời, thấy hai con lụt sụt áo mưa ra khỏi nhà. Con gái đã lớn, chồng con rồi mà mẹ vẫn coi Anh Thụy còn bé như ngày nào, gọi con gái quay lại, bắt quàng thêm cái khăn ấm, dặn: Cái thời tiết ở ta ghê lắm đấy. Đừng chủ quan lại ốm! Bà còn nói với theo bóng con rể vừa phóng xe đi trong mưa: “Rõ khổ! Chưa năm nào mưa rét dai dẳng như năm nay. Chặp này, năm ngoái, rét cũng chỉ rét lộc rét đài, có lạnh, có mưa chút ít, chứ không mưa thối đất.“
-Thảo nào, chợ hoa năm nay ít hoa đẹp thế - Anh Thụy nói với mẹ- Mưa thế này mẹ ở nhà thôi. Còn vài thứ lặt vặt, chiều nay chúng con sẽ rẽ qua chợ Hôm mua nốt.
***
Sẩm tối Hai Tám Tết. Thụy cùng mẹ lau dọn bàn thờ. Cô nói với mẹ: “Hoa đào cả mấy điểm chợ hoa đa phần xơ xác. Loe xoe nụ. Búp lá nhiều hơn hoa. Hồng thì đầy chợ, song rặt thứ bọc quấn giấy.“ Ừ, Cắm thứ ấy, chưa tàn ngày đã tàn hoa - Mẹ cô đế vào. “Chỉ có Quất là được mùa. Cây nào cây ấy vàng chóe quả. Bồng to bồng nhỏ tròn vo nom rất thích mắt“. Cô dừng nói. Chút nữa cô nói ra điều bí mật dành cho mẹ đêm Ba Mươi.
Thôi, chiều mai rủ anh ấy ra chợ hoa lần nữa. Hàng lược không có thì tới chợ hoa Nhật Tân. Thế nào chả tìm thấy vài nhánh hoa Violet! Cô cầm tấm ảnh thờ của cha lên, nhẹ giấy ướt trên lên tấm kính, rồi cẩn trọng đặt nhẹ nhàng sau bát hương của bố. Người ở tấm ảnh có khuôn mặt còn trẻ, đội mù Kê-Pi, mặc bộ quần sĩ quan, ngực đeo dăm chiếc huân chương như hơi mỉm cười với cô. Thụy thắp ba nén hương. Thứ hương Hà Nội thơm đặc biệt nhẹ, không gắt, ấm và đằm, ngan ngát. Cô nhìn đăm đăm vào mắt bố. Năm bố mất, mẹ cô trẻ hơn cô bây giờ, thế mà mẹ vẫn ở vậy. Người Nga đa số đâu xử sự như mẹ cô. Chỉ phụ nữ Việt, lớp người như cha mẹ cô đã hết lòng vì con, hy sinh tất cả.
-Bố ơi, năm nay chúng con về ăn Tết với mẹ đây. Bố về ăn Tết với mẹ nhé. Con chưa bao giờ quên cái Tết cuối cùng của bố với mẹ năm nào - Thụy nghĩ tới đấy, thì nước mắt cứ muốn túa ra. Cô quay mặt đi, sợ mẹ nhìn thấy. Phải rồi, bao nhiêu năm ở nước Nga ăn học, Thụy chưa bao giờ nguôi nhớ bố, thương mẹ. Nhất là khi Tết về. Cô nhớ cái thời bao cấp khổ cực. Nhớ cái nết ăn Tết của cha mẹ cô, nhất là mẹ, dù ở Hà Nội hay ở tận đâu, hoa là điều chưa khi nào thiếu dịp Tết của bà giáo dạy ngoại ngữ…Cô đã mơ bao lần về cái Tết này rồi. Cô sẽ cùng mẹ gói bánh. Cô sẽ trang trí thật đẹp ngôi nhà. Cả cái phòng theo phong cách Nga của vợ chồng cô và bé Xim. Bánh thì hôm nọ cả nhà cô tập trung với nhà bác ruột gói rồi, luộc rồi. Nhà cũng sửa mới sau hai tháng xong rồi. Đào mẹ cũng mua cả rồi. Chỉ còn cái phòng khách là không có bình hoa tím ngăn ngắt mà khi bố còn sống, bao giờ cũng có một bình thực lớn bố mua tặng mẹ. Cô muốn sự bất ngờ ở Tết đầu tiên trở về này. Bao nhiêu năm nay, từ ngày bố mất, mẹ ăn Tết vò võ một mình. Mẹ đẹp. Những tấm ảnh bố mẹ chụp bên nhau còn kia. Cô gái Hà Nội có mái tóc bồng, thả xuống bờ vai là những búp to hơi sóng. Và, tấm khăn San-le choàng ngang vai áo dài và nụ cười tươi làm mẹ mới đẹp làm sao. Vậy mà mẹ chẳng chịu đi thêm bước nữa, mẹ đã hy sinh cả đời người đàn bà đang độ chín nhất, đẹp nhất để tập trung nuôi, dạy dỗ cô khôn lớn. Như lời chồng bà hằng tâm niệm: Chẳng ai trong anh và em muốn xa cách. Chúng ta phải chiến đấu triền miên, hy sinh bao nhiêu cũng là cho con cái được sống hòa bình, được ăn học nên người.
Mỗi khi Tết về, Thụy thấy mẹ vẫn theo nếp cũ của gia đình nhà Ngoại, một dòng họ sống lâu đời ở Hà Nội, chuẩn bị Tết lễ thực công phu. Mẹ nấu chè đãi đỗ trên mâm cúng Tết, không thể thứ chè nào thơm ngon bằng. Cả trà mẹ pha cho bố cũng được mẹ chế biến kì khu. Mẹ mua hoa sen từ tháng hè, tẻ từng hạt gạo sen, cẩn thận rắc chúng ướp từng lượt trà đã sao ấm, ủ kĩ trong cái thẩu sành nhỏ rồi gửi cho bố…Từ ngày Anh Thụy sang Nga biền biệt, bà ăn Tết đạm bạc hơn, song vẫn giữ thói quen, có thể thiếu thịt cá, song không thể thiếu hoa cho ngày Tết, như thư nào mẹ viết: “Năm nay ngoài đào cho phòng khách, huệ cho ông bà tỏ tiên, mẹ chỉ mua một bình hoa cúc đại đóa vàng rực suốt cả gần chục ngày sau Tết. Mẹ không tự mua hoa violet. Đi qua chợ, nhìn cái màu tím cũng nhớ bố con…“. Phải rồi, Violet thường là hoa bố tặng mẹ. Tuổi thơ của cô chỉ có sáu năm có bố. Dù như vậy, song kí ức chưa bao giờ tàn phai trong Anh Thụy về cái Tết cuối cùng ấy, về loài hoa bố cứ Tết về bố tặng mẹ. Mỗi lần nhớ tới bố là Anh Thụy chỉ muốn khóc.
Chiếc U-oat đỗ trước cửa nhà, bố bước xuống, áo khoác mưa bộ đội ướt đẫm mưa. Bó hoa trên tay bố cũng đầy những hạt nước trong suốt như pha lê trên những nụ hoa Violet tím sẫm. Thế mà hơn gần ba mươi năm rồi. Ai có ngờ được sau ngày Một Tết năm ấy, bố phải đi gấp lên biên giới và vĩnh viễn không bao giờ trở về. Bình Violet năm ấy lâu tàn. Những cành hoa cứ tím sẫm đứng mãi trong phòng. Mẹ cũng không thay đổi vị trí của phòng khách như thể bố còn đó, cho tận khi khi những cánh hoa cuối cùng rụng xuống trải một vùng tím sàn nhà …
Sao cô quên được?
***
Đêm. Đã gần 12 giờ.
Vẫn mưa suốt. Gió mang theo hơi nước, độ ẩm tăng lên nên càng lạnh hơn. Một cái lạnh thấu xương chứ không như cái lạnh khô bên Nga. Trong căn phòng nhỏ của hai vợ chồng Anh Thụy đèn đã tắt. Không thấy người, chỉ nghe thấy tiếng đối thoại.
-Chiều mai lại ghé qua chợ một lần nữa?
-Chịu khó chút đi! Hay thôi, để em đi Nhật Tân, anh nhớ qua Hàng Lược. Còn bao nhiêu việc cho Tết, chia nhau ra mà đi.
-Mà sao cứ phải là Violet nhỉ? Anh thấy hồng Đà Lạt cũng đẹp lắm. Bông to và đều chằn chặn như hoa bên Châu Âu.
-Anh chả hiểu gì cả. Đây là cái Tết sau bao nhiêu năm xa nhà. Muốn làm cho mẹ vui. Em muốn mẹ có được bó hoa violet như năm nào….
Căn phòng im tới tuyệt đối. Nghe rõ tiếng rí rách của nước chảy từ mái tôn nhựa gõ xuống sân nhỏ mới nới.
Lát sau căn phòng lại sáng lên chút ít. Đấy là Anh Thụy bật máy tính. Cô viết lên tường Blog:
-Ai có biết hoa violet mua ở đâu không?
Chỉ chưa đầy hai giây sau có một loạt dòng chữ:
-Trời ạ, Em cũng thích hoa này cho Tết mà hôm kia ra Hàng Lược chỉ có hơn chục cành họ tranh mua hết. Dững 27ngàn một cành. Không còn để mua.
- Thử lên chợ hoa Nghi Tàm xem.
Tiếng bàn phím nhè nhẹ: Mình lên cả rồi. Mai định qua lần nữa
-Năm nay mưa các cánh đồng hoa quanh Hà Nội hỏng hết.
-Ờ. Thoi, cha mua hoa ay nua AT a, mua hoa thap cam ve cam vay. Ben nay tuyet trang xoa. Anh Thuy ve VN cha con ai kheo tay mà cat giay lam hoa dao, hoa hong cho ca hoi o Mat nua. Hu hu…
Sớm mai dậy sẽ lại bao nhiêu tin nhắn khác quanh cái vụ hoa này đây. Cô mỉm cười. Người ta có quyền hy vọng chứ! Vừa định tắt máy thì có người gọi ở cửa sổ chat. Cái nickname nhà văn, bạn vong niên của cô.
-Ciao AT! Đã dạo khắp phố phường rồi hả?A đọc những dòng ở tường nhà em.
-Vâng. Em đi mấy lần rồi. Người ta nói hoa violet đắt mà ko có bán!
-Năm nay úng mà. Ngày xưa còn cậu anh ông cũng thích hoa ấy. Nên Tết nào về anh cũng mua dăm cành trên bàn thờ cho ông.
-Ngày mai anh sẽ đi tìm nó. Nếu có, anh sẽ mua về chia cho em!
-Ôi, thế thì tốt quá. Em cám ơn anh trước…
Anh Thụy tắt máy
Chiếc Latop trong căn phòng của người bạn vong niên tại một căn nhà bên sông Hồng cũng tắt. Nhà văn lớn tuổi bước ra cửa sổ. Mưa bụi vẫn không ngừng rơi. Từ đây nhìn xuống sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy. Ông là con người của xê dịch. Hơn 10 năm ở chiến trường, lại gần hai chục năm ở Đức, ông hoàn hoàn thấu hiểu tâm lí của cô gái, một bạn đọc mà ông quý mến. Những người đi xa tổ quốc, có bao nhiêu điều nhớ, song cái Tết Việt thường cũng nhớ nhất và mong chờ nhất. Như cô gái trẻ này, chắc chắn sẽ mường tượng ra cái cảnh sẽ ăn Tết với mẹ cô thế nào ở cái Tết đầu sau bao năm xa cách. Thực ra, việc có hoa Violet hay không với ông cũng không quan trọng lắm. Nhưng ông rất mến cô tiến sĩ có nụ cười đôn hậu. Tình bạn của họ cũng chỉ là thời gian qua mạng khi hai người còn ở nước ngoài. Cô tỏ ra rất thích những truyện ngắn của ông viết về chiến tranh. Có lần từ Nga, cô commen trên báo mạng Nguoibanduong: Cám ơn nhà văn đã giúp chúng em hiểu thêm về chiến tranh! “Đấy là một thời của thế hệ tụi anh!“ Ông nhắn vào hộp thứ cô và bất ngờ biết thêm một điều về cô bạn vong niên ở Email trả lời: “Bố em cũng là một người lính và ông hy sinh khi em còn rất nhỏ!“ À ra như vậy. Thảo nào cô đã đọc tất cả những tác phẩm của ông một cách hệ thống.
Mai sẽ đi xa hơn kiếm hoa cho cả mình và Anh Thụy ấy. Có gì khó khăn nhỉ, nếu làm vui một người bạn mình yêu mến. Chả nhẽ khắp các vùng hoa ngoại thành không có nổi môt đám hoa Violet sống được ư?
***
Ba mươi Tết.
Con đường đi vào bốn cửa ô Hà Nội người xe như mắc cửi. Tất cả đều chuyển động với tốc độ hối hả đến chóng mặt để hoàn tất các công việc cuối cùng trong năm, cho cuộc xum họp đón giao thừa thiêng liêng.
Mưa vẫn không ngừng rơi. Suốt hai tiếng đồng hồ, trong mưa, ông quần nát cả hai trung tâm bán hoa tại Hà Nội vẫn không nhìn thấy một cành Violet. Ông đi lại nhiều tới mức mấy cô bán hoa nhẵn mặt. Một cô bán hoa trẻ trung nói: Bố già ơi! Thôi mua cành đào mà cắm đi con bán rẻ cho. Mưa như thế, thì sao có Violet cho bố chứ.
Mọi vùng đất quanh Hà Nội đều trũng, hay là ta đi ra miền trồng hoa ở Đông Anh, Sóc Sơn xem sao? Ông nghĩ vậy và quyết định rời thành phố. Tới gần Thanh Tước, ông mừng rỡ thấy một chợ hoa khổng lồ kéo dài tới ba bốn cây số, dọc con đường mà hai bên là những thửa hoa mênh mông. Len lỏi giữa chợ, không mệt mỏi, dắt xe đi hết đám này tới đám khác, ông thất vọng bởi không có một nhành hoa Violet nào.
Mưa vẫn rơi, càng vè chiều càng dầy hạt.
Nhà văn, người lính già vẫn kiên nhẫn đi thêm đoạn nữa ven cánh đồng hoa. Bất chợt trước ngã ba, ông sáng mắt lên khi thấy một cô gái đèo sau xe honda một bó hoa tím với những nụ hoa cực lớn. Cô gái đang hì hụi dắt xe qua con đường lầy có lên đường lát đá.
-Để chú giúp.- Nhà văn hạ chân chống xe bên lề đường, bước tới kéo, đẩy chiếc xe của cô gái từ con đường lầy ngang bánh xe lên tới đường lát đá sỏi. “Cháu bán hoa à? Chú muốn mua.” Gạt cái chân chống cho cô gái, ông nói.
-Không. Hoa của nhà cậu cháu trồng. Cháu từ Hà Nội về lấy.
-Cậu cháu còn ít nào không? Ông thở dài.
-Còn hơn chục cành nữa, nhưng chắc cậu cháu không bán đâu.
Nhà văn lại thở dài. Chiếc xe máy của cô gái cứ ì ra sau cú đề dài liên tiếp. Để chú- Nhà văn nói và nhanh nhẹn giúp cô gái nổ máy. Xe cháu đề nhiều sặc xăng. Phải đạp cho xăng thừa hết đi cháu ạ. Sau câu nói của ông, chiếc xe Honda nổ ròn dã. Cô gái cám ơn ông ái ngại nhìn người lạ: “Chắc chú không ở quanh đây!“ Vâng, chú ở Hà Nội. Chú chỉ muốn vài cành violet cho bạn. “Chú tốt thật, Ba mươi rồi. Thôi thế này nhá. Chú đi vòng lên cây số nữa. Rẽ trái rồi chạy thẳng, khi nào thấy con đường ven cái mương xi măng nổi cấp nước, chú rẽ phải cứ men theo mương là tới nhà cậu cháu. Đi đường này đi nhanh hơn nhưng lầy lắm, xe chú lại chết máy thôi. Chú thử vào hỏi cậu cháu xem sao. Cháu tên là Thương. Chú hỏi nhà ông Kì, có gì chú cứ nói là quen cháu. Giá cháu không vội….“
Mười lăm phút sau, nhà văn của chúng ta cũng tìm đúng ngôi nhà của cô gái chỉ. Hàng dậu thưa bên ngoài trồng đỗ, ba bốn cây cau trước nhà. Dãy dưa chuột có giàn trúc đỡ, xanh mướt lúc lỉu quả. Đường vào nhà khô ráo, có lẽ gia chủ tốn khá nhiều công sức lấy đất từ cái ao tay trái mà tôn vườn lên.
Cổng không đóng. Ông tắt mắt, dắt xe vào nhà. Đây rồi! Trước mắt ông, bên trái hiện ra hơn chục cây hoa violet mập mạp. Những ngọn hoa rất mập như muốn ngoi mãi lên trời, khoe những búp hoa mỡ màng sẫm tím, làm ông khấp khởi mừng thầm. Chủ nhân đã chọn nơi cao thoáng và che chắn cẩn thận, nên có thể đây là số hoa Violet duy nhất trong khu trồng hoa rộng mênh mông này.
Ông nhìn thấy một người rõ già, râu và tóc đều rất dài, trắng xóa, đang ngồi trên trước ghế trước dưới hiên cửa nhà.
- Anh hỏi ai đấy? – Chủ nhà cất tiếng.
- Thưa ông, tôi quen cháu tên Thương ở đường cái. Cháu chỉ vào đây bởi tôi đang tìm ít hoa Violet.
“Hoa của đứa con tôi. Nó trồng một luống cho bè bạn không bán đâu! Còn ít cây này, tối có người đến cắt rồi“ ông chủ nhà lụ khụ ho. Tiếc quá, ông nói với cậu nhà dùm cho tôi cần vài cành thôi. “Hoa năm nay đều kém. Violet thì cả cánh đồng chết hết. Nghe nói trên chợ, hôm nay bán 30 ngàn 1 cành.“ Vâng! 30 ngàn tôi cũng xin mua! “Ấy là nói vậy chứ con tôi nó không bán đâu. Mà ông cần thế kia à. Làm gì? Không mua Violet thì mua quất, mua đào, thược dược sau nhà còn khối.“ Thưa ông, chả dấu gì ông cả. Tôi và cô bạn nhỏ xa nhà đã lâu, chúng tôi muốn đón cái Tết như ngày nào còn ở trong nước. Bạn trẻ của tôi muốn một bình cho bố cô ấy đã hy sinh trên biên giới! Nhà văn nói chậm trãi.
Người chủ nhà già quay lại. Bấy giờ ông mới nhìn kĩ khuôn mặt của chủ nhà thực ra cũng tuổi trạc như ông thôi, song bộ râu tóc trắng làm ông già đi nhiều. Bác ơi! - Giọng nhà văn thực sự xúc động- Tôi không có hoa ấy cũng được. Song cô bạn tôi thì cần. Tôi đã hứa, tìm hoa cho cô ấy, con một người lính như tôi.
Chủ nhà nhổm lên: “Bác cũng đi bộ đội hả. Bao năm. Chiến trường nào?“ Mười một năm! Tôi chiến đấu cả ba mặt trận A.B.C tới năm 75 vào Sài Gòn… “Có đánh ở Quảng Trị không?“ Có chứ! Khi ấy tôi ở đơn vị 12.7 bảo vệ bên kia Thạch Hãn. “Ối trời ơi, đồng bọn cả rồi.“ Chủ nhà như muốn nhao lên khỏi ghế. Cái chăn chiên cũ đắp nửa người ông ta tụt xuống. Nhà văn nhìn rõ đôi chân cụt đến tận bẹn của chủ nhà. Ông đi tới, nắm bàn tay âm ấm của gia chủ …
***
Mãi tới 6 h chiều nhà văn mới về tới nhà. Ông chia 17 cành violet làm hai bó. Bó có 8 cành ông mang tới bàn thờ cha mình. Xong việc, ông lại chả kịp ăn cơm mang chín nhành hoa tới nhà Anh Thụy.
Đêm Ba Mươi đất trời đen như mực. Cầu Long Biên nhịp lành, nhịp bị thương vẫn còn đó trong cuộc chiến mà ông từng là người lính 12,7 trên ô vuông thép ở đỉnh cầu, vẫn hằn rõ chớp ẩn chớp hiện loa lóa qua ánh của đèn chiếu lade khu vực nào chiếu lên nền trời. Mưa dưới ánh đèn thành phố hắt lên vẫn lây dây bay trắng xóa và đọng trên những nụ hoa mật mạp của bó hoa violet, tựa như những viên kim cương li ti. Chắc Anh Thụy sẽ vui lắm. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã tới ngôi nhà tập thể của người bạn.
- Vào đây, vào đây. Sao anh chịu khó thế lại chả gọi điện gì cho em cả. Người chồng Anh Thụy cũng mau mắn dắt chiếc xe và mời ông vào nhà.
Phòng khách trước đêm giao thừa tươm tất. Cây đào nhỏ thắm hoa ở ngay đầu bàn. Nhà văn trao cho Anh Thụy bó hoa Violet. Anh Thụy sững người khi người bạn vong niên bỏ những tấm báo quấn quanh bó hoa để lộ ra những nhành hoa tươi mập mạp, chi chít hoa, nụ Violet rực tím trong ánh điện.
Mãi vài giây sau cô mới cất lên lời:
- Ôi! Cám ơn anh. Cám ơn anh! Sao có thể tìm được những nhành violet đẹp như thế kia vào ngày Ba Mươi này! -Anh Thụy thốt lên. Cô quỳ xuống sàn đá hoa, như muốn ngắm thật gần những đọt hoa đang đụng cựa muốn vươn mãi lên. Cô đứng dậy, quay lại, rồi vụt ôm chầm lấy nhà văn già, mặc kệ chiếc áo mưa của ông còn sũng nước.
-Chồng ơi, xuống bếp lấy cho em cái bình pha lê hôm nọ anh mua đi. Mời mẹ lên nhà! Em sẽ cắm những bó hoa này như ngày nào bố cắm hoa cho nhà mình. Anh Thụy nói khi giúp người bạn vong niên của cô cởi áo mưa còn đẫm những giọt mưa lạnh Hà Nội.
***
Giao thừa.
Mười hai giờ không sai một tích tắc, khi trời đất gặp nhau, âm dương giao hòa, để mùa xuân sinh thêm vạn vật, sau biết bao thay đổi, lụi tàn của một năm cũ; trong khoảng khắc thiêng liêng giao thừa ấy, bao gia đình Việt Nam đều tràn ngập niềm vui, sở cầu, hy vọng và cả những mong ước thầm kín.
Mẹ Anh Thụy trước khi Giao thừa hai giờ, vẫn như hàng năm, bà mặc chiếc áo dài gấm Hfang Châu rue con gái tới lễ chùa Quán sứ. Trở về nhà, mẹ vẫn khong cởi áo dài. Bà pha thêm tuần trà mới bảo con gái bưng lên bàn thờ. Tự tay bà trước giao thừa dăm phút, thắp thêm những nén nhang thơm tinh khiết. Mùi trầm dâng lên tràn ngập quanh bàn thờ của những người đã khuất. Không gian bỗng thanh bạch và ấm cúng lạ thường. Người đàn bà, mái tóc nhuốm bạc, im lặng đứng trước bàn thờ, trước di ảnh của chồng. Bà hơi cúi đầu xuống, hai bàn tay chắp lại. Bà muốn nói rất nhiều với chồng trong thời khắc thiêng liêng này, mà không sao cất lên lời.
- Anh có linh thiêng, về đây ăn Tết cùng mẹ con em. Con đã nhờ bạn tìm cho được những đóa hoa violet như cho chúng mình. - Con đã lớn khôn rồi. Bà thầm nghĩ vậy, nghĩ vậy trong tâm khảm sâu thẳm như muốn bay ra khỏi thân xác bay lên trời cao để gửi tới tổ tiên và người chồng thương yêu của bà.
Cuộc sống bao năm chiến tranh trôi qua, đã bao nhiêu hy sinh, mất mát, khó khăn và đau đớn sau những cuộc chiến. Con người ta, nhiều người đã và còn phải trải qua nhiều điều như vậy hay tương tự như vậy trên cõi đời nay. Song đêm nay, cái Tết, lâu lắm rồi, bà có một niềm vui khôn tả. Nghĩ tới đấy, trên cặp mắt tường như đã khô hạn của bà ứa ra những hạt lệ già. Nước mắt đàn bà mặn mòi.
Hà Nội vẫn hoàn toàn im lặng tới vô cùng.
Rồi bất chợt, ba bốn phía bầu trời Hà Nội, đúng không giờ, bỗng chớp sáng, bùng ra từng chùm pháo hoa rực rỡ, muôn ngàn sắc. Năm mới bắt đầu!
Mưa vẫn im lặng như cái lạnh vẫn im lặng luồn lách chạy dọc trên các đường phố. Và, trong phòng khách nhà Anh Thụy đêm nay có bó hoa Violet im lặng đứng. Bó hoa còn vẹn nguyên cả mùi hương của đất đồng, vẹn nguyên những hạt mưa đọng trên những đọt hoa tím sẫm, được gặp ấm áp trong ngôi nhà người đàn bà Hà Nội, cựa mình cũng đồng loạt nở tung ra, tạo thành một vùng sẫm tím trong gian phòng.
Màu Violet. Sẫm tím màu Violet, đối với riêng mẹ Anh Thụy, chẳng thể loài hoa nào tím hơn nó đêm nay!
Mùa đông 2011
VanVN.Net - Tết đến xuân về với người đứng tuổi là một dịp bồi hồi nhớ lại; với những người đứng tuổi li hương, cái hồi cố càng da diết, càng đầy ắp mênh mang. Những kỷ niệm thời đói khát trận mạc, những xao xuyến thời trai trẻ và cả nỗi nhớ nhà nhớ nước cứ xao xác cả trang văn. Nhân dịp xuân Nhâm Thìn, VanVN.Net trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của một người li hương đứng tuổi, nhà văn Nguyễn Văn Thọ...
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Hương mỹ nhân
Chúng tôi lại bị dồn xuống đuôi toa tàu S.bahn. Chỉ hai ba tích tắc nữa, nếu không hành động, chiếc gậy bóng chầy của tụi Nazit(1) sẽ đập cú nữa, chơi nốt cẳng chân kẻ đi cùng chuyến đêm nay. Không có đường lui! Trù trừ gì, phải thanh toán trước! Tôi đang nắm vào cây vịn thép trắng, bất chợt xoay người, tung cú đá. Cườm chân xoáy chéo trúng phắt cổ tay tên đang cầm gậy, chiếc gậy rơi xuống sàn toa S.Bahn nghe khô khốc. Rất may, khi ấy tầu dừng lại, cửa bật ra. Tôi kéo thốc tay thanh niên đã bị đòn đang quỵ xuống, như cơn lốc lao qua cái khe hẹp hai cửa tầu sắp đóng lại. Thoát rồi! Cả hai chúng tôi ôm nhau lăn trên sàn xi măng lạnh, khi cánh cửa tầu vừa sập nhanh lại và con tầu tức khắc rời khỏi sân ga như viên đạn xé gió.
* * *
Hoá ra, hắn không phải là người người Việt, hắn là Lee, từ Hongkong tới, đầu bếp chính của nhà hàng khá nổi tiếng: Kaisetiger. Cung điện đỏ chói Kaisetiger ấy thì tôi biết! Nghe đồn, những người Honkong đã đầu tư vào đó dăm triệu D. Mark, khi Honkong được trao lại cho Trung Hoa đại lục. Sự xuất hiện của Kaisetiger cũng như sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp khác từ Honkong tới, ngày một lấn át người Việt trong cả lĩnh vực buôn bán quần áo vốn đã hình thành lực lượng to lớn trước họ. Kaisetiger xây cất xong lập tức thu hút khách nườm nượp vì những món ăn lạ. Đặc biệt các món gà! Gà ở châu Âu vốn nhũn và nhạt, nhưng tại Kaisetiger, những món gà rán, quay, sào và hầm thuốc... món nào cũng thơm nức và đặc biệt đậm đà.
Lee nhăn nhó, khập khiễng bước. Hắn hỏi, tôi có thể đưa hắn về? Được, tôi đi với hắn! Chỗ tôi ở, giờ này phải hơn tiếng nữa mới có Bus. Chúng tôi dìu nhau rời khỏi đường hầm và bắt được taxi sau nửa tiếng. Hỏi ra, hai thằng đều cùng tuổi, sinh năm 72. Hắn cao hơn tôi tới nửa đầu. Trăng xanh sáng như nhát kiếm chém loang loáng qua kính trước của ô tô. Taxi đỗ, tôi dìu hắn vòng vèo trên con đường rải sỏi nhỏ, hai bên toàn hoa hồng. Đêm lạnh, tẩm ướp mùi hoa, thanh vắng quá. Chợt thấy đơn độc.
Tới một căn hộ trên tầng hai. Lee lấy chìa khóa mở cửa. Chưa vặn khoá thì cửa đã bật mở. Tôi hơi bất ngờ. Trước chúng tôi là một cô gái trẻ. Da trắng hồng, môi dưới mọng tươi, tóc cắt ngắn đen nhanh nhánh, mũi cao, đôi mắt xếch có đuôi và, hai bên má như có hai vệt kẻ phấn sậm. Đẹp quá! Tôi nghĩ.
- Em gái tôi!- Lee giới thiệu. Tôi giả vờ mặt lạnh như bom, song thực ra mắt tôi đã chụp nguyên cái vẻ đẹp em gái Lee vào trí não. Cô tên là Yến Chi.
* * *
Hai tuần sau, buổi tối, tôi vô cùng mừng rỡ, suýt reo lên khi có điện thoại: “Lee đã khoẻ, Yến Chi và tôi mời anh tới nhà”. OK! Chắc hắn muốn trả ơn. Trả ơn thì tôi không cần, nhưng tôi muốn gặp Yến Chi. Tôi mua một chai vang Pháp. Khoản rượu vang, cứ đắt là ngon! Qua hàng hoa, tôi chọn dăm đoá hồng vàng. Lee mời tôi vào phòng khách. Tại đó đã có một xe rượu (2) chờ sẵn. Trên bàn đá màu cẩm thạch có một bình men xanh cắm mấy nhành hoa bách hợp, thoang thoảng hương. Đèn phòng tắt. Ba ngọn nến đỏ chói thắp sẵn von vót cháy. Gian phòng chập chờn, lung linh. Tay phải cầm chai rượu, tay trái vẫn giấu bó hoa ra sau, mắt tôi nhìn quanh. Tiểu muội đâu? Tiểu muội đây! Có mùi thức ăn thơm nức. Quay lại, đúng là Yến Chi. Má ửng hồng, tạp dề trắng nổi bật hình con rồng Trung Hoa thêu rất sinh động và, chao ơi, cô thở phập phồng, trái đào xuân căng trào trong làn áo mỏng. Yến Chi hơi hé cười, tóc như sóng sánh theo nụ cười ấy và ở đâu đó, tôi nhận ra quanh tôi chợt có mùi hương thơm kì lạ. Thứ hương cả đời chưa bao giờ được gặp...
- Chào em! Tôi chào và đưa bó hoa ra trước. Yến Chi nhận hoa, nhún chân rồi lại hơi kiễng chân lên. Má áp nhẹ vào má tôi. Tôi cảm nhận thứ hương ban nãy trào ra đậm đặc. Không phải nước hoa! Nó tương tự như khi mùa thu đã chín, ta đi giữa thiên nhiên bao la, giữa thảo nguyên và rừng, thấy chợt nương trong gió một mùi hương làm tâm hồn ngây ngất mà ta không sao nhận ra hương của loài hoa nào, loài thảo mộc nào. Thật choáng váng, ngây ngất! Nếu như không có Lee, tôi sẽ liều mình, ôm ngang thấm thân rất eo của cô ấy mà kéo vào, để môi chạm môi. Cô thoáng cười. Hình như cô nhận ra sự thèm khát cháy thầm trong ánh mắt đam mê của tôi.
* * *
Bữa dạ tiệc ngon và lạ. Dăm tiếng đồng hồ, hơn hai mươi món ăn! Dường như Lee muốn mang cả cái nền văn hoá ẩm thực đã vài ngàn năm của hắn đặt lên bàn đêm nay. Tôi vui, chợt quên đi cảm thức lạc loài, tạm bợ ở xứ sở xa lắc này. Lee cứ thoăn thoắt từ bếp vào bàn rồi lại chạy ra bếp, để Yến Chi ngồi tiếp. Món nào cũng thế, Lee giới thiệu xuất xứ, lịch sử. Thi thoảng Yến Chi cũng giúp tôi lấy món ăn hoặc thêm vào câu chuyện của Lee, những chi tiết sinh động hơn. Tôi cũng được nhìn ngắm Yến Chi tự nhiên. Rượu mềm môi, cũng tới nửa đêm. Yến Chi rõ và mờ, ẩn rồi hiện, chập chờn và thăm thẳm. Chắc cũng vui vì khách uống hết lòng, Lee chợt quay sang cô em tủm tỉm nói, hôm nay có khách quý tới, sao em không mang Dương Xuân ra đây đãi khách? Yến Chi tủm tỉm, rồi đi, lát sau quay lại với khạp gỗ trên tay. Yến Chi mở hộp, hai tay nâng lên đưa cho Lee cái hũ gốm men xanh, có hai chữ Hán màu son. Mấy cọng cỏ vàng ươm còn bám vào bên hũ. Lee lấy tay xoa vào cái bờ cong hũ rượu, nhặt sợi cỏ vàng, anh nói: “Đây là tửu phẩm đặc biệt của quê tôi, làm từ hạt loài cỏ tên là Kim Hoàng mọc hoang dại tràn trạt trên các triền núi đầu nguồn Dương Tử. Tươi tốt vào mùa xuân, dưỡng trong lạnh, mưa, gió, khí trời, đến tiết thu thì chín vàng cả sườn núi. Bông Kim Hoàng dài, hạt nhỏ, rất mẩy và chắc. Nhà nông gặt về sàng sảy, nấu chín, ủ men, cất rượu. Rượu cất xong, ngâm sâu trong lòng sông Dương Tử ba mùa đông mới đưa lên đóng vào thùng gỗ nhỏ rồi bỏ trong cái chum lớn gắn kín, lại chôn đủ bách nhật trong đất là đủ hỏa, thủy, thổ, mộc sẽ lên thứ hương không rượu nào có! Ai uống, có đi xa tới ngàn dặm vẫn thấy Dương Xuân quẩn quanh! Dương Xuân uống trong mùa Đông, chống được hàn khí, trong mùa Xuân đuổi được tà khí, giữa mùa Hạ làm tâm can mát mẻ, dùng vào tiết Thu làm khí huyết lưu thông, gan thận ấm áp.” Nói rồi rót ra ba chén tống và bảo Yến Chi mở hết cửa cho gió tuyết tuôn vào. Yến Chi mở toang cửa, tuyết lạnh ùa khắp phòng. Lee cười ha hả, chỉ tuyết nói, chúng ta đang ngồi thưởng rượu trên lưng chừng núi!
Rượu rót ra, lập tức tỏa hương thơm phưng phức. Hương gì vậy?
Tôi và Lee uống tới tuần rượu thứ ba, sắc mặt Lee dần tái đi, còn khuôn mặt Yến Chi cứ hồng rạng trong ánh nến. Nom cô bấy giờ càng hấp dẫn hơn. Quái lạ, mỗi khi Yến Chi rót thêm một chén, bàn tay đẹp đưa cốc Dương Xuân lên, tôi cũng không thể phân biệt được mùi hương ở chén Dương Xuân hay là mùi thơm của bàn tay nàng tỏa ra. Mê mẩn. Tôi đắm say nhìn người đẹp mà xác thân bắt đầu có cảm giác lênh đênh.
- Hưởng Dương Xuân rồi mà lại có đàn nữa thì hay quá! Lee nhìn Yến chi nói. “Dương Xuân uống cùng khách quý phải có ái nhân hầu đàn!” Yến chi cười. Thì em trổ tài đi! Lee bảo. Lại quay sang tôi: “Yến chi sẽ hầu anh khúc hát quen thuộc, nổi tiếng của Hoa Hạ.” Yến Chi dạ một tiếng rất nhẹ rồi vào phòng trong lấy ra cây đàn như trái lê. Đoạn, cô ngồi xuống chiếc ghế cao tròn đối diện, bắt đầu bấm phím so giây. Đó là một tiếng đàn kì tài, thanh âm nhấn nhá như chuỗi ngọc buông ra rơi xuống rồi vỡ tan trên thềm đá. Tiết điệu khi mau lúc thưa, khi dồn lúc cuốn, dẫn tôi dần dần mơ đắm vào cõi thần tiên. Bàn tay của nàng khi ấy mới đáng yêu làm sao, những ngón thon trắng hồng điệu nghệ lướt như múa trên phím. Và, sau khúc dạo bàng hoàng ấy, nàng cất giọng. Một giọng hát, không giống bất cứ giọng hát nào tôi đã nghe cất lên, cất lên từ đôi môi mọng đỏ kia càng làm tôi mê đắm. Tôi cảm giác như tôi đang ngồi trên một sườn núi đầy hoa. Tiếng hát và điệu đàn cứ bay bay, trườn trên các vệt cong của triền núi, những đám mây bồng bềnh…Cứ thế hết chén này tới chén khác. Dương Xuân như thứ nước ấm chảy huyết quản trào ra chân lông, làm cho tôi lâng lâng, thân xác như nhẹ bỗng, lơ lửng ngay trên chiếc ghế tôi ngồi. Lee cũng chầm chậm vỗ đùi hát theo. Lời ca, có đoạn như sau:
Đản sử chủ nhân năng tuý khách
Bất chi hà xứ thị tha hương…(3)
Tôi uống phứa. Đắm say mà uống phứa, chả còn biết trời đất, tôi gục xuống bàn khi nào chẳng biết!
* * *
Bạn đã khi nào say khướt, mà vẫn nghe thấy, cảm thấy hết mọi sự quanh bạn, lại không thể nào điều khiển được xác thân? Tôi rơi vào giấc ngủ rất ngắn và bừng tỉnh khi thấy ai đó kéo đôi chân mình.
- Gã thế mà nặng!
- Ừ, nặng Thật.
- Thân xuân cường tráng!
- Uống cũng khá! Em có vẻ thích nó? -Cười
- Kê đầu thấp thôi. Gã say quá. Đừng để gã nôn ra!
- Đóng cửa lại. Anh đi nghỉ đây.
- Này, khăn nóng!
- Anh lấy hai cái bánh bao trong ngăn lạnh để ngoài, để mai em hấp lại
- OK! - Có tiếng chân bước xa dần. Tiếng cửa khép
Tôi cố mở mắt. Thân xác rất nhẹ, bay lên. Tay ai trắng muốt cứ dập dờn, dập dờn. Da thịt dần nhận ra sức nóng trên mặt, xuống cổ, trên ngực rồi ấm dần xuống tận bụng dưới. Hương Dương xuân lại cứ chập chờn quanh. Rõ ràng Yến Chi đang gần quá và tôi rất muốn ôm chầm lấy nàng, song đôi tay lại không thể theo ý của mình. Áo sơ mi bị lột ra, thấy như nó bay rất chậm rơi xuống mặt đất.Tôi vẫn cảm rõ có bàn tay rất mềm. Những ngón tay ấm lướt vuốt trên mặt, lên trán, hai bên thái dương rồi cảm rõ lực xuyên sâu day mạnh vào sau gáy. Thân xác nặng hơn một chút. Lại xoay ngang và lật sấp. Máu bắt đầu chuyển động chậm chạp dù trái tim gắng sức đập liên hồi. Cảm giác mãn nguyện chầm chậm tới và ngưng đọng ở phía dưới, đánh thức những tiềm năng khi mà trí não không thể phát lệnh điều khiển, đưa tôi ở một trạng thái như mộng du: tôi và không phải tôi. Đó là sự cảm biết nửa như tỉnh táo, nửa như mộng mị, song vẫn tự nhận ra cái phần thân xác bất lực: một cái xác chết, không khả năng thay đổi những trạng thái của cơ bắp, khi trí não đầy thèm khát bay lên.
Phải tới nửa giờ sau đó, cho tới khi trán tôi lấm tấm mồ hôi, thân xác trĩu nặng và tôi chập chờn hạ xuống. Mắt nhắm lại để không còn nhận biết được như trước đó. Tôi ngủ trong mùi hương Dương Xuân.
* * *
Ngày lại ngày ở Đức, cho tôi thấy rõ sự vô vị và nhàm chán tới kinh hồn khi nhịp điệu không có gì thay đổi cho những kẻ lạc loài trong bao nhiêu năm tháng nay rồi. Sớm dậy từ sáu giờ tất tưởi uống sữa và nhai mẩu bánh kẹp thịt. Ra bến Bus tất tưởi, rồi lại lên tầu S.Bahn để tới chỗ làm. Tối về nhà mệt nhừ và ăn dặm. Tivi vừa chớm chớp được chục phút, mắt đã nhắm nghiền thiếp đi tới sáng. Với công việc Gebeudersreinigung, dọn vệ sinh của công ty, tôi may mắn hơn những người Việt khác là còn hai ngày nghỉ thứ Bẩy và Chủ Nhật, nhưng chính những ngày nghỉ ấy, với một người độc thân, lại là thời gian vô cùng dài. Từ bữa gặp Yến Chi và nhất là cái đêm say khướt với Dương Xuân nghĩ lại thấy cuộc sống thật buồn.
Hơn tuần sau, nhớ lời hẹn, thứ Bẩy, đúng giờ, tôi tới Kaisetiger. Chín giờ tối mà quán vẫn đông ngẹt. Ngồi vào bàn, tôi chẳng cần phải tìm đâu cả. Yến Chi kia rồi. Trên cái sân khấu tròn trắng toát, cô hiện ra nổi bật trong bộ áo gấm Trung Hoa đỏ sẫm mầu huyết dụ. Tầng dưới của nhà hàng Trung Hoa khi ấy đã có gần trăm thực khách ngồi quanh, ôm lấy sân khấu nhỏ. Tôi cảm giác như tiếng hát của Yến Chi không bay thẳng tới tôi mà bay lên trên vòm cong cong của nhà hàng, đụng vào giá ngang màu đỏ, những con rồng chầu tứ phía, rồi lả tả rơi xuống ...
- Xin ông xem thực đơn và gọi món ăn! Tôi xin sẵn sàng phục vụ! - Người hầu bàn để trên bàn menu dài, bìa cũng mầu đỏ, lễ phép cúi gập mình nói. Tôi không cần mở cuốn thực đơn, gọi: “Gà chiên mềm và khoai tây viên nghiền.”
Thực ra, với tôi, dư vị món thịt gà ấn tượng không ghê gớm lắm như đồn đại. Quả là món gà chiên của Kaisetiger có vị đậm đà hơn nhiều so với món thịt gà ở các quán ăn khác chế biến. Song tôi đoán, có lẽ không chỉ vì riêng món gà mà Kaisetiger đông khách đến ăn vậy. Sự thu hút thực khách bấy nay phải tính tới giọng hát lạ, nhẹ như mây vờn trên đỉnh núi và vẻ đẹp mê hồn của Yến Chi. Trong ánh đèn dìu dịu chiếu, sắc vẻ Á châu trội lên giữa bao người đàn bà Âu, lại cái cảnh trí như thực, như ảo huyền trong sương khói tuôn ra ở sân khấu, quả là điều hiếm hoi, có một không hai ở đây. Điều ấy quả thực không nói quá, khi tôi nhìn thấy gần hai trăm quý ông Đức, Ý hay Hà Lan ở tiệm đêm ấy dừng tay nĩa, tay dao, nhìn theo Yến Chi như ngơ ngẩn. Dương Xuân rõ ràng cũng quyến rũ. Thông thường ở các quán khác, người Đức quen với cách uống vang hay sampanh khi ăn, kể cả với các dòng rượu uống xếch ở quầy rượu như Whisky hay Cognac, họ cũng muốn dùng các đồ uống quen thuộc bấy nay. Còn ở đây, Dương Xuân đắt hơn các rượu khác tới ba, bốn lần, mà thực khách tới đều hào phóng bỏ tiền thưởng thức thứ rượu quái quỷ này. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cũng không phủ nhận được tài năng nấu nướng của Lee với sự hấp dẫn của món gà, khi ở thời buổi suy thoát Kaisetiger phải cạnh tranh với bao nhiêu khách sạn khác, của Italia, Đức hoặc Pháp, mà ở đó đâu thiếu các đầu bếp cực kì chuyên nghiệp.
Sau buổi tối đó, tôi còn tới nhà Lee lần nữa vào dịp đầu mùa Thu để kí vào tờ giấy làm chứng, bổ xung hồ sơ của Lee mà công ty bảo hiểm yêu cầu, nhằm hoàn tất việc nhận tiền bảo hiểm chấn thương tai nạn trên tầu S.Bahn đêm ấy. Cũng chỉ ghé qua chục phút, Yến Chi vắng nhà. Cũng không được đãi Dương Xuân nữa, song tôi vẫn cảm thấy luẩn quẩn trong căn hộ của Lee mùi Yến Chi đâu đó và điều này càng làm tôi thêm khao khát gặp gỡ nàng.
***
Đầu đông năm ấy, tôi về Việt Nam. Cũng bởi đã hứa với Lee rằng, sẽ mang rượu Việt Nam sang cho anh em Lee biết thế nào là rượu Việt cũng phê không kém. Tôi nhắn bạn bè khắp nơi, tìm cho bằng được một ít rượu, để tôi mang sang Đức. Trong vài ngày, bè bạn mang tới đủ các loại như Làng Vân, Làng Chuồn, Lộc Thủy, Mẫu Sơn v.v.. Có bạn mang cho dăm chai Mơ săn lùng trong một gia đình nấu rượu khá lâu đời ở giữa núi sâu vùng Hương Tích. Cũng có bạn còn mua tận Nam Bộ thứ rượu đế Bầu Đá trong suốt. Song chả có loại rượu nào sánh được với Dương Xuân.
Sắp tới ngày lên đường, một chiều, tôi được anh bạn trẻ đưa cho một địa chỉ, bảo tôi tới Quán Quen: “Anh hãy tới đó, một nơi không chỉ bán rượu rất ngon, mà có dịp anh còn hiểu thêm chút ít những sân chơi của lớp trẻ sinh viên, học sinh quanh Hà Nội.“ Tôi lấy xe máy tức tốc lần tìm địa chỉ ấy.
Hóa ra Quán Quen không như tôi tưởng tượng. Nó chỉ là một quán giản dị. Ở đây vừa bán rượu vừa bán trà, nước hoa quả tinh khiết. Sự thu hút của nó là thái độ phục vụ rất ân cần trẻ trung và vui vẻ của người phục vụ, mà họ lại là cánh sinh viên đang học, tới làm thêm ở quán. Tôi được mời vào phòng nhỏ tiền sảnh. Trong khi chờ đợi chủ quán tới, một thiếu nữ chừng đôi mươi bưng ra bộ ấm tách trà và phích nước với đĩa hạt dưa. Cô gái vừa quay gót thì chiếc rèm gió lay động. Tôi giật mình tưởng như mơ, bởi từ sau tấm rèm kết bằng những cuộc giấy đủ màu, xâu bằng chỉ gai treo bên nhau, Yến Chi đột ngột hiện ra. Không, không phải Yến Chi. Chủ quán đã ngồi xuống ghế mà tôi chưa hết bàng hoàng. Cô đẹp như Yến Chi song rõ là không phải Yến Chi, bởi đôi mắt cô không xếch. Điều kì lạ nữa là, từ khi cô bước vào, cũng tự đâu phảng phất hương gì thơm quá mà khi ấy tôi không sao nhận ra. Tôi cũng không thể hiểu cái hương ấy có thực không, hay do từ sắc đẹp nghiêng ngửa của cô chủ mà nhớ Yến Chi rồi tưởng tượng ra mùi hương cũ.
Cô gái tên là Phương Xuân. Cô là một chuyên gia trẻ trong lĩnh vực ngân hàng. Phương Xuân mở quán “chỉ để vui, có sân chơi cho các em sinh viên sao hợp với túi tiền vốn ít ỏi của họ. Như năm năm học đại học em nếm đủ cảnh học hành chăm chỉ mà thiếu chỗ vui chơi lành mạnh“
Nói, Phương Xuân không thua kém Yến Chi về nhan sắc cũng không quá, thậm chí cô còn có phần hơn ở sự trẻ trung. Sự trẻ trung vẫn là lợi thế đương nhiên của phái đẹp. Lại hơn nữa, ở cái tự nhiên nồng nàn trong gương mặt không hương phấn mà mịn màng tự nhiên, ở đôi môi không son mà mọng như cánh hồng đang độ tiết xuân tươi thắm nhất. Trời phú cho những người đàn bà đặc biệt một thứ trường hấp dẫn kẻ khác phái, trường lực ấy tỏa ra quanh mình họ mà không sao lí giải được. Phương Xuân đây cũng là dạng phụ nữ có trường lực đặc biệt ấy. Và, vẻ đẹp lỗng lẫy của giới nữ với trường giới tính mạnh cũng thường làm nam giới phải trở nên lịch sự và nhã nhặn hơn. Tôi như bị thôi miên khi những búp tay trắng hồng, thon dài thong thả tráng nóng những chiếc li gốm nhỏ màu ngọc rồi khoan thai pha trà rất đúng kiểu cách ở những gia đình Hà Nội xưa, để cuối cùng trà rót ra, hương sen thanh nhã và hương trà ngầy ngậy bay ra làm không gian trở nên thanh tịnh, tao nhã tới vô cùng.
Sau vài câu chuyện xã giao và nói lí do tôi tìm tới quán, Phương Xuân gọi cô gái ban nãy mang rượu tới. Cô gái trẻ lập tức bưng ra một khay tre có chiếc be gốm nhỏ đựng rượu với hai chiếc tách gốm men rạn. Cũng cẩn thận tráng chén trong nước sôi rồi chờ cho nguội, Phương Xuân rất khéo léo rót rượu, không một giọt rớt xuống.
Đúng là một loại rượu tuyệt ngon. Chả kém gì vị Dương Xuân của Lee, rất mềm và ngọt hậu. Mai Hạ thơm khó tả, cho người ta cảm giác lâng lâng ngay khi chạm môi vào. Nhưng rõ ràng, khi tôi chưa uống vẫn cảm thấy như có mùi hương nồng nàn kì lạ quanh quất như đêm tôi ở nhà Lee. Song lúc bưng chén rượu kề môi, hy vọng ở đó có hương như Dương Xuân, mà lại không thấy. Tuyệt không có cái hương quyến rũ như chén rượu tôi uống đêm nào từ bàn tay của Yến Chi. Tuy thế, tôi vẫn nhâm nhi gần hết cả be rượu Mai Hạ, khi cô gái thong thả giới thiệu thứ rượu mà theo cô là không bình thường của một vùng xa lắc:
- Để tìm được thứ rượu ngon lại vừa hợp túi tiền các bạn sinh viên, em đã khảo sát khắp vùng Tây Bắc. Chữ “Mai Hạ” trong “rượu Mai Hạ” ấy là do rượu đó được nấu ra ở Mai Hạ - Mai Châu - Hòa Bình. Nó khác rượu Làng Vân, rượu Bầu Đá... Rượu Mai Hạ trong vắt, lắc nhẹ thấy vạn tăm rượu lên rào rạt như sao. Vị rất khác biệt với tất cả các loại rượu trắng ở ta và độ cồn cũng đủ để đốt cháy những cơn nghiền khó tính nhất. Nặng độ vậy, Mai Hạ vẫn không gây nóng, trái lại rất êm ái tới giọt cuối khi cạn chén. Mai Hạ là thứ rượu do phụ nữ Thái ở Chiềng Hạ nấu. Có một người đàn bà Thái còn lại ở bản đó tên là Chu Thị Tờn đã lấy mẻ rượu bà ủ chín trong chum đã lâu để em mang về đây cho bè bạn thưởng thức. Ở bản đó, vài nhà khác cũng nấu rượu ngon lắm, song chưa ai nấu rượu ngon như bà Tờn. Mai Hạ tuy cất từ củ sắn, lại để nguyên cả vỏ, nhưng hơn hẳn các loại rượu sắn khác, hơn cả rượu cất từ nếp quý ở dưới xuôi như rượu làng Vân. Mai Hạ uống vào đâu biết tới đó, vị đậm sâu, ngọt lùi vương mãi từ đầu môi xuống gan ruột. Nó được ủ rất tinh tế nhờ thứ men lá độc đáo, bí mật của gia đình bà Tờn. Theo em, rượu ngon, ngoài men còn có yếu tố nguồn nước và vi lượng trong sắn Mai Hạ. Suối Mai Hạ đầu nguồn, có tên là suối Vú mẹ, phun ra ngàn năm nay từ một nhũ đá, nom như bầu vú khổng lồ nhô ra từ lưng chừng ngọn núi Mẹ. Nước trong vắt và tinh khiết tới vô cùng. Chả thế vùng quanh đó đàn bà, con gái tóc như mun, đen dài tới kheo chân. Tuổi tóc có bà tới trên 60, vẫn nhanh nhánh không hề có sợi bạc. Anh em sinh viên Hà Nội tới uống, đùa chơi rằng, Mai Hạ - rượu uống hôm nay ngày mai mới Hạ.
Tôi hỏi: Công nghệ chưng cất Mai Hạ thế nào? Đáp, cũng bình thường thôi. Lại gặng, sao không đau đầu? Liệu có ủ rượu đủ Bách nhật như rượu dưới xuôi? - Tôi thoáng nghĩ tới Yến Chi, tới chuyện Dương Xuân ngâm ở sông Dương Tử. Cô Xuân nâng be rượu lên cười: Rượu Mai Hạ sau khi cất không chôn dưới đất trăm ngày uống đã ngon lắm rồi. Nhưng nếu đong đầy chum, đậy kín, trám kĩ bằng nhựa cây mai, chôn dưới đất giọt tranh đủ ba tháng mới đào lên thì uống một chén đúng bằng ba chục chén rượu khác, ngọt ngào nồng hậu khó rượu nào bì được. Nói về Mai Hạ, đã lâu rồi người Thái có câu hát cổ: Rượu đây tay mềm em mời, anh uống một chén như ngàn chén, đất trời nghiêng ngả, uống bao năm môi vẫn còn thơm…Rượu này còn có điều đặc biệt là dính vào ngón tay chỉ để lại hương thơm và bay khô như cồn, chứ không ướt nát như các rượu khác vì nồng độ rất cao chả kém gì Rum của Cuba. Nói rồi, cô Xuân nghiêng be đổ lấy chút rượu và nhúng ngón tay út hồng xinh như mầm hoa tuy líp vừa nhô ra khỏi mắt đất vào chén rượu.
Thật bất ngờ. Sau động tác ấy của cô, tự dưng gian phòng sực lên ngào ngạt mùi hương đúng như hương Dương Xuân. Tôi nhận ra vị hương hôm nào ở nhà Lee cũng như nhớ tới mùi hương ban đầu tôi ngờ ngợ khi Phương Xuân mới bước vào gian phòng.
Trời ơi! Tôi ngạc nhiên đỡ lấy chén rượu. Quả là tôi không nhầm. Rượu Mai Hạ khi ngón tay mỹ nhân chạm vào đã tiết xuất ra kì hương…
Chuyện về Phương Xuân và Mai Hạ tôi sẽ thuật lại ở lần khác, bởi vì đó lại là câu chuyện kì thú thứ hai của đời tôi.
***
Quay lại Đức, tôi hí hửng mang theo một bình Mai Hạ. Máy bay tới sân bay Schoenefeld đúng vào lúc châu Âu chỉ còn hai ngày nữa là lễ Giáng sinh. Cũng không chờ thêm một ngày, chiều ấy tôi đánh xe thẳng tới quán Kaisetiger.
Tôi không tin nổi mắt mình nữa. Ngày xưa bãi đỗ xe quanh Kaisetiger luôn chật ních. Bây giờ bãi xe trống không, tuyết trắng ù ù bay tứ tán. Cửa Kaisetiger không một bóng người. Không thấy hai người gác cổng với đồng phục đỏ sau cánh cửa lớn. Vòng quanh bên hàng tròn cột đỏ bên ngoài là chăng dây vàng với dòng chữ Polizei in liên tục trên băng dây. Kaisetiger bị đóng cửa! Vì sao nhỉ? Vì sao? Tôi bấm máy hỏi anh bạn thân thạo tin người Đức Quenter.
Hóa ra Kaisetiger đã bị đóng cửa hơn tuần nay.
Chuyện thật oái oăm. Một đôi trai gái trẻ mới yêu nhau từ Berlin thứ Bẩy tới ăn quán. Họ gọi món gà hầm. Đang ăn cô gái Đức thấy vương vướng, đau trong họng, rồi buồn nôn. Cô bèn vào toalet. Và dù ói mửa liên tục cơm đau vẫn tăng dần tới mức không chịu nổi. Cô bấm máy gọi cấp cứu. Bác sĩ Potsdam mau chóng phát hiện ra vật lạ ở viện. Bất ngờ nữa, người ta gắp ra từ họng cô một chiếc móng mèo bé xíu. Tức thời, hơn 200 Polizei ngay sớm sau cùng nhân viên thanh tra y tế, kiểm dịch, môi trường… đã bao vây, lật tung từng cm vuông Kaisetiger. Trong hầm lạnh người ta đã tìm thấy gần hai chục cân thịt mèo đã làm sẵn. Có cả mèo nguyên con mới lột da lẫn mèo đã phá thành lát nhỏ mỏng như phile gà. Người ta nghi rằng đám đầu bếp ở Kaisetiger đã trộn thịt mèo vào làm nên hương vị đặc biệt của thịt gà khi chế biến. - Quenter hổn hển nói qua điện thoại- Tao cũng nghi lắm vì thịt gà ở Kaisetiger là nguồn mua tại Đức có khác gà tụi tao mua ở siêu thị đâu, mà sao hương vị món gà Kaisetiger đậm đà như thế?
Tôi quay xe lại khu nhà của Lee. Cầu mong sao Lee và Yến Chi của tôi bình an. Luật pháp Đức buộc người chủ khách sạn phải chịu trách nhiệm chính mà. Kaisetiger đóng cửa thì giờ này tôi được gặp Yến Chi là chắc. Lại tạt qua cửa hàng hoa mua một bó hoa hồng tươi vàng rộm.
Nhà Lee đây rồi. Tôi bấm chuông. Im lặng tới ghê người sau tới hai ba lần bấm mà cửa không mở.
-Ngài tìm gia đình người Trung Hoa ư? Họ dọn nhà đi từ ba bốn hôm nay rồi.
Tôi quay lại, sau tôi một bà già Đức tóc vàng nâu nhìn tôi e ngại nói.
-Vâng thưa bà. Bà có biết họ chuyển đi đâu không?
-Sao tôi biết được. Họ dọn nhà từ tuần trước. Đồ đạc hỏng còn một đống ngoài kia.
Theo tay bà tóc nâu vàng chỉ tôi đến bên đống đồ, nệm, giường và tủ đã tháo rỡ một đống tuyết đã phủ trắng. Tôi nhận ra chiếc gương lớn mà nhờ nó tôi đã nhìn trộm Yến Chi qua bóng gương phản chiếu hôm nào. Tôi nhận ra chiếc bàn xếp. Cái đi văng màu huyết dụ các vật dụng trong phòng khách ngày nào mà Yến Chi cho tôi nghe khúc hát mê hồn.
***
Suốt cả tuần sau đó thực buồn. Lễ Noel này sẽ vui biết bao nếu có Lee và đặc biệt là Yến Chi. Bây giờ nàng ở đâu? Mấy đêm tôi cứ mơ thấy nàng. Trước đó khi Yến Chi chưa biến mất, tôi không có cảm giác ấy. Có lẽ sự mất tích của Yến Chi càng làm cho tôi luyến tiếc và khao khát gặp lại nàng hơn. Điều ấy thật tệ hại, nó tạo cho tôi những ảo giác khó lường. Đi trên đường, giữa phố xá châu Âu đông đúc, đã ba bốn lần tôi thoảng thốt đuổi mấy cô tóc đen cắt ngắn, dáng dấp thon nhỏ tôi cứ ngỡ là Yến Chi. Một lần thoắt thấy rõ ràng bóng như Yến Chi lên một chiếc xe Bus, tôi đã bắt taxi lao theo. Vòng vèo tới ba bốn tuyến phố tôi mới bắt kịp chiếc Bus đó, song lên xe thì té ra người đó không phải là Yến Chi. Nàng có thật không, hay là tôi đang mơ? Cũng ngay cả trong giấc mơ, chính tôi tự hỏi điều đấy và tỉnh giấc vẫn bàng hoàng không tin là trên đời này tôi đã gặp một Yến Chi như thế.
Tôi cũng viết email về Hà Nội, như đã hứa với cô gái Phương Xuân, rằng tôi không gặp được Yến Chi để so sánh rượu Mai Hạ với Dương Xuân.
Sự nhớ nhung Yến Chi tới mức cồn cào kéo dài suốt hai ba tuần không sao chịu được. Cũng như chuyện nhớ người tìm tới vật, tôi quay lại khu nhà Yến Chi và Lee từng ở, một lần nữa xem có tin tức gì của họ không.
Hỏi thăm vài người đang dọn vườn hoa quanh khu nhà, không một ai biết tin tức gì về hai người Honkong ấy nữa. Bà già tóc nâu ái ngại nhìn tôi và bảo: Chủ nhà mới dọn đến căn hộ của anh em cô, vừa dọn ít đồ trong kho tầng ngầm của chủ căn hộ cũ quẳng ra nơi đổ rác, khi sau ba tuần không thấy họ quay lại.
Tôi thẫn thờ đến bên đống đồ bà già nói tới.
Thật bất ngờ. Ba bốn chiếc hũ sành vứt lăn lóc bên khu để rác đúng như những chiếc hũ sành đựng rượu Việt Nam như tôi đã từng trông thấy trên cái kệ trong Quán Quen ngày nào. Kế đó là chiếc bình men cẩm thạch có hai chữ Hán màu son đêm nào Yến Chi và Lee rót ra thứ rượu Dương Xuân khoản đãi tôi. Tôi nhấc thử một hũ sành rồi bật nắp. Trong hũ còn ăm ắp rượu. Tôi quay lại xe lấy chiếc cốc giấy và chả ngại ngần rót ra ít rượu và uống.
Không có mùi hương đặc biệt như thứ rượu tôi đã uống và nó thực giống hệt vị hương của rượu Mai Hạ. Tôi cúi xuống nhặt lên chiếc hũ gốm màu cẩm thạch có hai chữ Hán màu son. Hũ gốm men xanh rỗng không. Đáy hũ mốc thếch và thực bất ngờ khi tôi đưa bình lên sát mắt.
Từ hũ gốm xanh cẩm thạch ấy sực lên độc mùi ái nữ.
Hương Mỹ nhân!
Tôi quay gót.
Đêm ấy, tôi nhận được email của cô Xuân. Thư có đoạn viết: Em không kinh doanh Mai Hạ nữa. Cả tuần nay, có người tới mua vét từng lít Mai Hạ để bán cho thương lái Honkong, đẩy giá rượu lên cao, không hợp túi tiền anh em sinh viên nữa…
Tôi ngồi trong phòng một mình và nhớ lại tất cả. Nhớ món thịt gà đậm đà khác lạ tôi ăn ở Kaisetiger và khi đó không ai biết nó được trộn với thịt mèo mà tạo ra hương vị đậm đà đặc biệt; nhớ gương mặt mê hồn của Yến Chi với điệu đàn dẫn tôi vào mê cung và tôi chìm trong ảo và thực; tôi cũng nhớ lại hương rượu ở chiếc hũ Dương Xuân và cốc rượu của Phương Xuân nhúng ngón tay út vào…
Tự nhiên tôi buồn ghê gớm. Một nỗi buồn khó thể nói ra để sẻ chia.,.
-------------------
1 - Nazit: chỉ những kẻ chống người nước ngoài, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi
2 - Ở châu Âu khi tiếp khách rượu có nhiều loại uống khác nhau ở thời điểm tiệc, trong để nhiều loại trong 1 tủ nan nhỏ, dưới gắn bánh xe có thể di chuyển cho thực khách tùy chọn loại rượu mình ưa thích. Tác giả tạm gọi là xe rượu
3 - Thơ Lí Bạch. Chủ nhân biết cách làm say khách / Thì đâu còn có ai người tha hương.
Sẫm Violete
Viết tặng chị Lều Thị Thụy & Thụy Anh
Hoa tím ta yêu góc đường xơ xác
Có còn ai thương rét lộc rét đài?
(thơ Thụy Anh)
Chỉ còn hai ngày nữa là Tết.
Trời mưa suốt. Mưa không sầm sập, ào ạt, nặng hạt như mưa hạ. Mưa bấc đông li ti, đêm, ngày, dầm dề hết đợt này tới đợt khác, làm toàn bộ trời đất rộng lớn quanh Hà Nội sũng nước. Mưa mùa đông Hà Nội vốn lạnh, năm nay lại càng lạnh hơn.
Vợ chồng Anh Thụy vừa từ Nga trở về. Trong hơn chục năm xa nhà, cô tiến sĩ ngôn ngữ đã bao lần chờ đợi, mong mỏi cái Tết trở về đầu tiên xum họp với mẹ.
Sớm nay nhìn trời, thấy hai con lụt sụt áo mưa ra khỏi nhà. Con gái đã lớn, chồng con rồi mà mẹ vẫn coi Anh Thụy còn bé như ngày nào, gọi con gái quay lại, bắt quàng thêm cái khăn ấm, dặn: Cái thời tiết ở ta ghê lắm đấy. Đừng chủ quan lại ốm! Bà còn nói với theo bóng con rể vừa phóng xe đi trong mưa: “Rõ khổ! Chưa năm nào mưa rét dai dẳng như năm nay. Chặp này, năm ngoái, rét cũng chỉ rét lộc rét đài, có lạnh, có mưa chút ít, chứ không mưa thối đất.“
-Thảo nào, chợ hoa năm nay ít hoa đẹp thế - Anh Thụy nói với mẹ- Mưa thế này mẹ ở nhà thôi. Còn vài thứ lặt vặt, chiều nay chúng con sẽ rẽ qua chợ Hôm mua nốt.
***
Sẩm tối Hai Tám Tết. Thụy cùng mẹ lau dọn bàn thờ. Cô nói với mẹ: “Hoa đào cả mấy điểm chợ hoa đa phần xơ xác. Loe xoe nụ. Búp lá nhiều hơn hoa. Hồng thì đầy chợ, song rặt thứ bọc quấn giấy.“ Ừ, Cắm thứ ấy, chưa tàn ngày đã tàn hoa - Mẹ cô đế vào. “Chỉ có Quất là được mùa. Cây nào cây ấy vàng chóe quả. Bồng to bồng nhỏ tròn vo nom rất thích mắt“. Cô dừng nói. Chút nữa cô nói ra điều bí mật dành cho mẹ đêm Ba Mươi.
Thôi, chiều mai rủ anh ấy ra chợ hoa lần nữa. Hàng lược không có thì tới chợ hoa Nhật Tân. Thế nào chả tìm thấy vài nhánh hoa Violet! Cô cầm tấm ảnh thờ của cha lên, nhẹ giấy ướt trên lên tấm kính, rồi cẩn trọng đặt nhẹ nhàng sau bát hương của bố. Người ở tấm ảnh có khuôn mặt còn trẻ, đội mù Kê-Pi, mặc bộ quần sĩ quan, ngực đeo dăm chiếc huân chương như hơi mỉm cười với cô. Thụy thắp ba nén hương. Thứ hương Hà Nội thơm đặc biệt nhẹ, không gắt, ấm và đằm, ngan ngát. Cô nhìn đăm đăm vào mắt bố. Năm bố mất, mẹ cô trẻ hơn cô bây giờ, thế mà mẹ vẫn ở vậy. Người Nga đa số đâu xử sự như mẹ cô. Chỉ phụ nữ Việt, lớp người như cha mẹ cô đã hết lòng vì con, hy sinh tất cả.
-Bố ơi, năm nay chúng con về ăn Tết với mẹ đây. Bố về ăn Tết với mẹ nhé. Con chưa bao giờ quên cái Tết cuối cùng của bố với mẹ năm nào - Thụy nghĩ tới đấy, thì nước mắt cứ muốn túa ra. Cô quay mặt đi, sợ mẹ nhìn thấy. Phải rồi, bao nhiêu năm ở nước Nga ăn học, Thụy chưa bao giờ nguôi nhớ bố, thương mẹ. Nhất là khi Tết về. Cô nhớ cái thời bao cấp khổ cực. Nhớ cái nết ăn Tết của cha mẹ cô, nhất là mẹ, dù ở Hà Nội hay ở tận đâu, hoa là điều chưa khi nào thiếu dịp Tết của bà giáo dạy ngoại ngữ…Cô đã mơ bao lần về cái Tết này rồi. Cô sẽ cùng mẹ gói bánh. Cô sẽ trang trí thật đẹp ngôi nhà. Cả cái phòng theo phong cách Nga của vợ chồng cô và bé Xim. Bánh thì hôm nọ cả nhà cô tập trung với nhà bác ruột gói rồi, luộc rồi. Nhà cũng sửa mới sau hai tháng xong rồi. Đào mẹ cũng mua cả rồi. Chỉ còn cái phòng khách là không có bình hoa tím ngăn ngắt mà khi bố còn sống, bao giờ cũng có một bình thực lớn bố mua tặng mẹ. Cô muốn sự bất ngờ ở Tết đầu tiên trở về này. Bao nhiêu năm nay, từ ngày bố mất, mẹ ăn Tết vò võ một mình. Mẹ đẹp. Những tấm ảnh bố mẹ chụp bên nhau còn kia. Cô gái Hà Nội có mái tóc bồng, thả xuống bờ vai là những búp to hơi sóng. Và, tấm khăn San-le choàng ngang vai áo dài và nụ cười tươi làm mẹ mới đẹp làm sao. Vậy mà mẹ chẳng chịu đi thêm bước nữa, mẹ đã hy sinh cả đời người đàn bà đang độ chín nhất, đẹp nhất để tập trung nuôi, dạy dỗ cô khôn lớn. Như lời chồng bà hằng tâm niệm: Chẳng ai trong anh và em muốn xa cách. Chúng ta phải chiến đấu triền miên, hy sinh bao nhiêu cũng là cho con cái được sống hòa bình, được ăn học nên người.
Mỗi khi Tết về, Thụy thấy mẹ vẫn theo nếp cũ của gia đình nhà Ngoại, một dòng họ sống lâu đời ở Hà Nội, chuẩn bị Tết lễ thực công phu. Mẹ nấu chè đãi đỗ trên mâm cúng Tết, không thể thứ chè nào thơm ngon bằng. Cả trà mẹ pha cho bố cũng được mẹ chế biến kì khu. Mẹ mua hoa sen từ tháng hè, tẻ từng hạt gạo sen, cẩn thận rắc chúng ướp từng lượt trà đã sao ấm, ủ kĩ trong cái thẩu sành nhỏ rồi gửi cho bố…Từ ngày Anh Thụy sang Nga biền biệt, bà ăn Tết đạm bạc hơn, song vẫn giữ thói quen, có thể thiếu thịt cá, song không thể thiếu hoa cho ngày Tết, như thư nào mẹ viết: “Năm nay ngoài đào cho phòng khách, huệ cho ông bà tỏ tiên, mẹ chỉ mua một bình hoa cúc đại đóa vàng rực suốt cả gần chục ngày sau Tết. Mẹ không tự mua hoa violet. Đi qua chợ, nhìn cái màu tím cũng nhớ bố con…“. Phải rồi, Violet thường là hoa bố tặng mẹ. Tuổi thơ của cô chỉ có sáu năm có bố. Dù như vậy, song kí ức chưa bao giờ tàn phai trong Anh Thụy về cái Tết cuối cùng ấy, về loài hoa bố cứ Tết về bố tặng mẹ. Mỗi lần nhớ tới bố là Anh Thụy chỉ muốn khóc.
Chiếc U-oat đỗ trước cửa nhà, bố bước xuống, áo khoác mưa bộ đội ướt đẫm mưa. Bó hoa trên tay bố cũng đầy những hạt nước trong suốt như pha lê trên những nụ hoa Violet tím sẫm. Thế mà hơn gần ba mươi năm rồi. Ai có ngờ được sau ngày Một Tết năm ấy, bố phải đi gấp lên biên giới và vĩnh viễn không bao giờ trở về. Bình Violet năm ấy lâu tàn. Những cành hoa cứ tím sẫm đứng mãi trong phòng. Mẹ cũng không thay đổi vị trí của phòng khách như thể bố còn đó, cho tận khi khi những cánh hoa cuối cùng rụng xuống trải một vùng tím sàn nhà …
Sao cô quên được?
***
Đêm. Đã gần 12 giờ.
Vẫn mưa suốt. Gió mang theo hơi nước, độ ẩm tăng lên nên càng lạnh hơn. Một cái lạnh thấu xương chứ không như cái lạnh khô bên Nga. Trong căn phòng nhỏ của hai vợ chồng Anh Thụy đèn đã tắt. Không thấy người, chỉ nghe thấy tiếng đối thoại.
-Chiều mai lại ghé qua chợ một lần nữa?
-Chịu khó chút đi! Hay thôi, để em đi Nhật Tân, anh nhớ qua Hàng Lược. Còn bao nhiêu việc cho Tết, chia nhau ra mà đi.
-Mà sao cứ phải là Violet nhỉ? Anh thấy hồng Đà Lạt cũng đẹp lắm. Bông to và đều chằn chặn như hoa bên Châu Âu.
-Anh chả hiểu gì cả. Đây là cái Tết sau bao nhiêu năm xa nhà. Muốn làm cho mẹ vui. Em muốn mẹ có được bó hoa violet như năm nào….
Căn phòng im tới tuyệt đối. Nghe rõ tiếng rí rách của nước chảy từ mái tôn nhựa gõ xuống sân nhỏ mới nới.
Lát sau căn phòng lại sáng lên chút ít. Đấy là Anh Thụy bật máy tính. Cô viết lên tường Blog:
-Ai có biết hoa violet mua ở đâu không?
Chỉ chưa đầy hai giây sau có một loạt dòng chữ:
-Trời ạ, Em cũng thích hoa này cho Tết mà hôm kia ra Hàng Lược chỉ có hơn chục cành họ tranh mua hết. Dững 27ngàn một cành. Không còn để mua.
- Thử lên chợ hoa Nghi Tàm xem.
Tiếng bàn phím nhè nhẹ: Mình lên cả rồi. Mai định qua lần nữa
-Năm nay mưa các cánh đồng hoa quanh Hà Nội hỏng hết.
-Ờ. Thoi, cha mua hoa ay nua AT a, mua hoa thap cam ve cam vay. Ben nay tuyet trang xoa. Anh Thuy ve VN cha con ai kheo tay mà cat giay lam hoa dao, hoa hong cho ca hoi o Mat nua. Hu hu…
Sớm mai dậy sẽ lại bao nhiêu tin nhắn khác quanh cái vụ hoa này đây. Cô mỉm cười. Người ta có quyền hy vọng chứ! Vừa định tắt máy thì có người gọi ở cửa sổ chat. Cái nickname nhà văn, bạn vong niên của cô.
-Ciao AT! Đã dạo khắp phố phường rồi hả?A đọc những dòng ở tường nhà em.
-Vâng. Em đi mấy lần rồi. Người ta nói hoa violet đắt mà ko có bán!
-Năm nay úng mà. Ngày xưa còn cậu anh ông cũng thích hoa ấy. Nên Tết nào về anh cũng mua dăm cành trên bàn thờ cho ông.
-Ngày mai anh sẽ đi tìm nó. Nếu có, anh sẽ mua về chia cho em!
-Ôi, thế thì tốt quá. Em cám ơn anh trước…
Anh Thụy tắt máy
Chiếc Latop trong căn phòng của người bạn vong niên tại một căn nhà bên sông Hồng cũng tắt. Nhà văn lớn tuổi bước ra cửa sổ. Mưa bụi vẫn không ngừng rơi. Từ đây nhìn xuống sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy. Ông là con người của xê dịch. Hơn 10 năm ở chiến trường, lại gần hai chục năm ở Đức, ông hoàn hoàn thấu hiểu tâm lí của cô gái, một bạn đọc mà ông quý mến. Những người đi xa tổ quốc, có bao nhiêu điều nhớ, song cái Tết Việt thường cũng nhớ nhất và mong chờ nhất. Như cô gái trẻ này, chắc chắn sẽ mường tượng ra cái cảnh sẽ ăn Tết với mẹ cô thế nào ở cái Tết đầu sau bao năm xa cách. Thực ra, việc có hoa Violet hay không với ông cũng không quan trọng lắm. Nhưng ông rất mến cô tiến sĩ có nụ cười đôn hậu. Tình bạn của họ cũng chỉ là thời gian qua mạng khi hai người còn ở nước ngoài. Cô tỏ ra rất thích những truyện ngắn của ông viết về chiến tranh. Có lần từ Nga, cô commen trên báo mạng Nguoibanduong: Cám ơn nhà văn đã giúp chúng em hiểu thêm về chiến tranh! “Đấy là một thời của thế hệ tụi anh!“ Ông nhắn vào hộp thứ cô và bất ngờ biết thêm một điều về cô bạn vong niên ở Email trả lời: “Bố em cũng là một người lính và ông hy sinh khi em còn rất nhỏ!“ À ra như vậy. Thảo nào cô đã đọc tất cả những tác phẩm của ông một cách hệ thống.
Mai sẽ đi xa hơn kiếm hoa cho cả mình và Anh Thụy ấy. Có gì khó khăn nhỉ, nếu làm vui một người bạn mình yêu mến. Chả nhẽ khắp các vùng hoa ngoại thành không có nổi môt đám hoa Violet sống được ư?
***
Ba mươi Tết.
Con đường đi vào bốn cửa ô Hà Nội người xe như mắc cửi. Tất cả đều chuyển động với tốc độ hối hả đến chóng mặt để hoàn tất các công việc cuối cùng trong năm, cho cuộc xum họp đón giao thừa thiêng liêng.
Mưa vẫn không ngừng rơi. Suốt hai tiếng đồng hồ, trong mưa, ông quần nát cả hai trung tâm bán hoa tại Hà Nội vẫn không nhìn thấy một cành Violet. Ông đi lại nhiều tới mức mấy cô bán hoa nhẵn mặt. Một cô bán hoa trẻ trung nói: Bố già ơi! Thôi mua cành đào mà cắm đi con bán rẻ cho. Mưa như thế, thì sao có Violet cho bố chứ.
Mọi vùng đất quanh Hà Nội đều trũng, hay là ta đi ra miền trồng hoa ở Đông Anh, Sóc Sơn xem sao? Ông nghĩ vậy và quyết định rời thành phố. Tới gần Thanh Tước, ông mừng rỡ thấy một chợ hoa khổng lồ kéo dài tới ba bốn cây số, dọc con đường mà hai bên là những thửa hoa mênh mông. Len lỏi giữa chợ, không mệt mỏi, dắt xe đi hết đám này tới đám khác, ông thất vọng bởi không có một nhành hoa Violet nào.
Mưa vẫn rơi, càng vè chiều càng dầy hạt.
Nhà văn, người lính già vẫn kiên nhẫn đi thêm đoạn nữa ven cánh đồng hoa. Bất chợt trước ngã ba, ông sáng mắt lên khi thấy một cô gái đèo sau xe honda một bó hoa tím với những nụ hoa cực lớn. Cô gái đang hì hụi dắt xe qua con đường lầy có lên đường lát đá.
-Để chú giúp.- Nhà văn hạ chân chống xe bên lề đường, bước tới kéo, đẩy chiếc xe của cô gái từ con đường lầy ngang bánh xe lên tới đường lát đá sỏi. “Cháu bán hoa à? Chú muốn mua.” Gạt cái chân chống cho cô gái, ông nói.
-Không. Hoa của nhà cậu cháu trồng. Cháu từ Hà Nội về lấy.
-Cậu cháu còn ít nào không? Ông thở dài.
-Còn hơn chục cành nữa, nhưng chắc cậu cháu không bán đâu.
Nhà văn lại thở dài. Chiếc xe máy của cô gái cứ ì ra sau cú đề dài liên tiếp. Để chú- Nhà văn nói và nhanh nhẹn giúp cô gái nổ máy. Xe cháu đề nhiều sặc xăng. Phải đạp cho xăng thừa hết đi cháu ạ. Sau câu nói của ông, chiếc xe Honda nổ ròn dã. Cô gái cám ơn ông ái ngại nhìn người lạ: “Chắc chú không ở quanh đây!“ Vâng, chú ở Hà Nội. Chú chỉ muốn vài cành violet cho bạn. “Chú tốt thật, Ba mươi rồi. Thôi thế này nhá. Chú đi vòng lên cây số nữa. Rẽ trái rồi chạy thẳng, khi nào thấy con đường ven cái mương xi măng nổi cấp nước, chú rẽ phải cứ men theo mương là tới nhà cậu cháu. Đi đường này đi nhanh hơn nhưng lầy lắm, xe chú lại chết máy thôi. Chú thử vào hỏi cậu cháu xem sao. Cháu tên là Thương. Chú hỏi nhà ông Kì, có gì chú cứ nói là quen cháu. Giá cháu không vội….“
Mười lăm phút sau, nhà văn của chúng ta cũng tìm đúng ngôi nhà của cô gái chỉ. Hàng dậu thưa bên ngoài trồng đỗ, ba bốn cây cau trước nhà. Dãy dưa chuột có giàn trúc đỡ, xanh mướt lúc lỉu quả. Đường vào nhà khô ráo, có lẽ gia chủ tốn khá nhiều công sức lấy đất từ cái ao tay trái mà tôn vườn lên.
Cổng không đóng. Ông tắt mắt, dắt xe vào nhà. Đây rồi! Trước mắt ông, bên trái hiện ra hơn chục cây hoa violet mập mạp. Những ngọn hoa rất mập như muốn ngoi mãi lên trời, khoe những búp hoa mỡ màng sẫm tím, làm ông khấp khởi mừng thầm. Chủ nhân đã chọn nơi cao thoáng và che chắn cẩn thận, nên có thể đây là số hoa Violet duy nhất trong khu trồng hoa rộng mênh mông này.
Ông nhìn thấy một người rõ già, râu và tóc đều rất dài, trắng xóa, đang ngồi trên trước ghế trước dưới hiên cửa nhà.
- Anh hỏi ai đấy? – Chủ nhà cất tiếng.
- Thưa ông, tôi quen cháu tên Thương ở đường cái. Cháu chỉ vào đây bởi tôi đang tìm ít hoa Violet.
“Hoa của đứa con tôi. Nó trồng một luống cho bè bạn không bán đâu! Còn ít cây này, tối có người đến cắt rồi“ ông chủ nhà lụ khụ ho. Tiếc quá, ông nói với cậu nhà dùm cho tôi cần vài cành thôi. “Hoa năm nay đều kém. Violet thì cả cánh đồng chết hết. Nghe nói trên chợ, hôm nay bán 30 ngàn 1 cành.“ Vâng! 30 ngàn tôi cũng xin mua! “Ấy là nói vậy chứ con tôi nó không bán đâu. Mà ông cần thế kia à. Làm gì? Không mua Violet thì mua quất, mua đào, thược dược sau nhà còn khối.“ Thưa ông, chả dấu gì ông cả. Tôi và cô bạn nhỏ xa nhà đã lâu, chúng tôi muốn đón cái Tết như ngày nào còn ở trong nước. Bạn trẻ của tôi muốn một bình cho bố cô ấy đã hy sinh trên biên giới! Nhà văn nói chậm trãi.
Người chủ nhà già quay lại. Bấy giờ ông mới nhìn kĩ khuôn mặt của chủ nhà thực ra cũng tuổi trạc như ông thôi, song bộ râu tóc trắng làm ông già đi nhiều. Bác ơi! - Giọng nhà văn thực sự xúc động- Tôi không có hoa ấy cũng được. Song cô bạn tôi thì cần. Tôi đã hứa, tìm hoa cho cô ấy, con một người lính như tôi.
Chủ nhà nhổm lên: “Bác cũng đi bộ đội hả. Bao năm. Chiến trường nào?“ Mười một năm! Tôi chiến đấu cả ba mặt trận A.B.C tới năm 75 vào Sài Gòn… “Có đánh ở Quảng Trị không?“ Có chứ! Khi ấy tôi ở đơn vị 12.7 bảo vệ bên kia Thạch Hãn. “Ối trời ơi, đồng bọn cả rồi.“ Chủ nhà như muốn nhao lên khỏi ghế. Cái chăn chiên cũ đắp nửa người ông ta tụt xuống. Nhà văn nhìn rõ đôi chân cụt đến tận bẹn của chủ nhà. Ông đi tới, nắm bàn tay âm ấm của gia chủ …
***
Mãi tới 6 h chiều nhà văn mới về tới nhà. Ông chia 17 cành violet làm hai bó. Bó có 8 cành ông mang tới bàn thờ cha mình. Xong việc, ông lại chả kịp ăn cơm mang chín nhành hoa tới nhà Anh Thụy.
Đêm Ba Mươi đất trời đen như mực. Cầu Long Biên nhịp lành, nhịp bị thương vẫn còn đó trong cuộc chiến mà ông từng là người lính 12,7 trên ô vuông thép ở đỉnh cầu, vẫn hằn rõ chớp ẩn chớp hiện loa lóa qua ánh của đèn chiếu lade khu vực nào chiếu lên nền trời. Mưa dưới ánh đèn thành phố hắt lên vẫn lây dây bay trắng xóa và đọng trên những nụ hoa mật mạp của bó hoa violet, tựa như những viên kim cương li ti. Chắc Anh Thụy sẽ vui lắm. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã tới ngôi nhà tập thể của người bạn.
- Vào đây, vào đây. Sao anh chịu khó thế lại chả gọi điện gì cho em cả. Người chồng Anh Thụy cũng mau mắn dắt chiếc xe và mời ông vào nhà.
Phòng khách trước đêm giao thừa tươm tất. Cây đào nhỏ thắm hoa ở ngay đầu bàn. Nhà văn trao cho Anh Thụy bó hoa Violet. Anh Thụy sững người khi người bạn vong niên bỏ những tấm báo quấn quanh bó hoa để lộ ra những nhành hoa tươi mập mạp, chi chít hoa, nụ Violet rực tím trong ánh điện.
Mãi vài giây sau cô mới cất lên lời:
- Ôi! Cám ơn anh. Cám ơn anh! Sao có thể tìm được những nhành violet đẹp như thế kia vào ngày Ba Mươi này! -Anh Thụy thốt lên. Cô quỳ xuống sàn đá hoa, như muốn ngắm thật gần những đọt hoa đang đụng cựa muốn vươn mãi lên. Cô đứng dậy, quay lại, rồi vụt ôm chầm lấy nhà văn già, mặc kệ chiếc áo mưa của ông còn sũng nước.
-Chồng ơi, xuống bếp lấy cho em cái bình pha lê hôm nọ anh mua đi. Mời mẹ lên nhà! Em sẽ cắm những bó hoa này như ngày nào bố cắm hoa cho nhà mình. Anh Thụy nói khi giúp người bạn vong niên của cô cởi áo mưa còn đẫm những giọt mưa lạnh Hà Nội.
***
Giao thừa.
Mười hai giờ không sai một tích tắc, khi trời đất gặp nhau, âm dương giao hòa, để mùa xuân sinh thêm vạn vật, sau biết bao thay đổi, lụi tàn của một năm cũ; trong khoảng khắc thiêng liêng giao thừa ấy, bao gia đình Việt Nam đều tràn ngập niềm vui, sở cầu, hy vọng và cả những mong ước thầm kín.
Mẹ Anh Thụy trước khi Giao thừa hai giờ, vẫn như hàng năm, bà mặc chiếc áo dài gấm Hfang Châu rue con gái tới lễ chùa Quán sứ. Trở về nhà, mẹ vẫn khong cởi áo dài. Bà pha thêm tuần trà mới bảo con gái bưng lên bàn thờ. Tự tay bà trước giao thừa dăm phút, thắp thêm những nén nhang thơm tinh khiết. Mùi trầm dâng lên tràn ngập quanh bàn thờ của những người đã khuất. Không gian bỗng thanh bạch và ấm cúng lạ thường. Người đàn bà, mái tóc nhuốm bạc, im lặng đứng trước bàn thờ, trước di ảnh của chồng. Bà hơi cúi đầu xuống, hai bàn tay chắp lại. Bà muốn nói rất nhiều với chồng trong thời khắc thiêng liêng này, mà không sao cất lên lời.
- Anh có linh thiêng, về đây ăn Tết cùng mẹ con em. Con đã nhờ bạn tìm cho được những đóa hoa violet như cho chúng mình. - Con đã lớn khôn rồi. Bà thầm nghĩ vậy, nghĩ vậy trong tâm khảm sâu thẳm như muốn bay ra khỏi thân xác bay lên trời cao để gửi tới tổ tiên và người chồng thương yêu của bà.
Cuộc sống bao năm chiến tranh trôi qua, đã bao nhiêu hy sinh, mất mát, khó khăn và đau đớn sau những cuộc chiến. Con người ta, nhiều người đã và còn phải trải qua nhiều điều như vậy hay tương tự như vậy trên cõi đời nay. Song đêm nay, cái Tết, lâu lắm rồi, bà có một niềm vui khôn tả. Nghĩ tới đấy, trên cặp mắt tường như đã khô hạn của bà ứa ra những hạt lệ già. Nước mắt đàn bà mặn mòi.
Hà Nội vẫn hoàn toàn im lặng tới vô cùng.
Rồi bất chợt, ba bốn phía bầu trời Hà Nội, đúng không giờ, bỗng chớp sáng, bùng ra từng chùm pháo hoa rực rỡ, muôn ngàn sắc. Năm mới bắt đầu!
Mưa vẫn im lặng như cái lạnh vẫn im lặng luồn lách chạy dọc trên các đường phố. Và, trong phòng khách nhà Anh Thụy đêm nay có bó hoa Violet im lặng đứng. Bó hoa còn vẹn nguyên cả mùi hương của đất đồng, vẹn nguyên những hạt mưa đọng trên những đọt hoa tím sẫm, được gặp ấm áp trong ngôi nhà người đàn bà Hà Nội, cựa mình cũng đồng loạt nở tung ra, tạo thành một vùng sẫm tím trong gian phòng.
Màu Violet. Sẫm tím màu Violet, đối với riêng mẹ Anh Thụy, chẳng thể loài hoa nào tím hơn nó đêm nay!
Mùa đông 2011
VanVN.Net – Ngày 10/4/2012, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học” được tổ chức trong một ngày. Buổi sáng, hội thảo khai mạc với sự có mặt của hơn 100 đại ...
VanVN.Net - Cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954) đỗ Hoàng giáp năm Đinh Mùi (1907) khi tròn 18 tuổi; trẻ thứ nhì trong lịch sử khoa cử Việt Nam, sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Khi vua Thành Thái mời các ...
VanVN.Net – Sáng 05/4/2012, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ban Nhà văn trẻ đã có buổi chuẩn bị cho tiết mục trình diễn thơ và văn xuôi ...
VanVN.Net - Từ trước đến nay, nhiều người (trong đó có tôi) vẫn cho rằng, không kể cuốn gia phả lịch sử viết dưới dạng tiểu thuyết chương hồi Hoan châu ký (cuối thế kỷ XVII, không rõ tác giả), thì ...
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn