Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Dịch vụ chuyển bưu phẩm – Sự trì trệ, tắc trách!

Hà Nguyên Huyến - 17-01-2014 05:52:56 AM

Khoảng 17giờ 30 đến 18 giờ, ngày 13 tháng 1 năm 2014, tại bưu điện trung tâm thị xã Hà Đông, người xe tấp nập của một đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội. Mọi người có việc đến bưu điện đều vòng đi vòng lại vì không có ai trông giữ xe vào giờ này. Hỏi mấy người làm nghề xe ôm đang hóng khách trước cửa bưu điện thì được biết cứ dắt vào chỗ kia - trước cửa ấy! Đành phải nghe theo mà lo ngay ngáy. Năm hết Tết đến nhỡ kẻ cắp nó “phỗng” mất thì thật là “chó cắn áo rách”. Không có lựa chọn nào khác, xung quanh đây không có địa điểm nào trông giữ xe. Tôi đành liều và phó mặc cho may rủi. Tôi có việc vào bưu điện chuyển báo Tết cho mấy người bạn văn…

Cô nhân viên ngồi nhận bưu phẩm bảo: Chú gửi nhanh hay gửi thường. Cho tôi gửi thường. Gửi thường có khi hai tuần nữa hoặc sau Tết mới nhận được đấy. Tôi ngẩn người: Đề nghị cô xem lại cho, tôi gửi về thành phố Nam Định thôi mà! Nam Định nên mới hai tuần chứ nơi khác… Hàng đang tồn đầy kho kia kìa. Thế cho tôi gửi nhanh. Cô nhân viên cân ba cuộn báo (gửi 3 nơi, hai cuộn nhỏ, một gửi thành phố Tuyên Quang, một gửi lên thị xã Hà Giang. Hai cuộn này mỗi cuộn 400 gram. Cuộn lớn gần 1kg gửi về thành phố Nam Định) tất cả chưa đến 2kg, cô ta bảo: Hết hơn hai trăm nghìn đồng!

Thấy tôi ngần ngừ, cô nhân viên buông một câu: Tuỳ!

Còn có lựa chọn nào khác đâu, ở đâu cũng trời đất này, ở đâu cũng dịch vụ công ngành Bưu điện “của Nhà nước”! Thấy vậy một cô gái (khách hàng) đứng cạnh bảo: Sao chú không ra bến mà gửi theo ô-tô khách! Tôi sực nhớ ra. Cách đây mấy ngày, một người bạn dưới Quảng Ninh thấy tôi thích uống trà nên gửi cho một ít chè Thái Nguyên. Tôi bảo: Trà Thái Nguyên đầy Hà Nội, tội vạ gì lại phải quay xuống Quảng Ninh rồi lại vòng lên cho thêm việc. Bạn tôi bảo: Ông ơi, thương trường rộng mở, có khi ở Quảng Ninh, chè Thái lại rẻ hơn Hà Nội vì không mất tiền thuê mặt bằng buôn bán… Tối bạn gọi điện, sáng hôm sau chè Thái Nguyên đã được chuyển đến cơ quan, anh em bảo vệ nhận giúp vì quá sớm. Thì ra bạn tôi đã gửi chè qua cánh lái xe khách. Công xá chẳng đáng gì. Nếu bạn gửi qua bưu điện cơ sự này chắc chè mốc rồi mới đến tay và có khi giá thành đắt gấp đôi, gấp ba vì phải chịu cước phí bưu điện. ấm trà đầu ngày được pha mời mọi người trong cơ quan mà thấy cả tấm lòng thơm thảo! Riêng tôi thầm cảm ơn dịch vụ chuyển hàng linh hoạt của người lái xe khách nào đó.

Đời sống luôn luôn có sự lựa chọn, khi dịch vụ gửi bưu phẩm qua bưu điện Nhà nước quá phiền phức và đắt đỏ, thiên hạ nhiều năm nay chọn con đường xe khách hàng ngày nối tỉnh nọ với tỉnh kia. Tiện thì họ mang đến tận nhà, không tiện thì họ gọi người nhận ra địa điểm nào đấy mà lấy hàng. Tôi không có điều kiện ra bến xe và cũng không quen ai lái xe đi đến các tỉnh. Vả lại dịch vụ này cũng không lấy gì để đảm bảo. Các nhà quản lý cũng nên để mắt đến lĩnh vực này! Tôi cần gửi. Tôi đành chui đầu vào bưu điện Nhà nước. Tôi tính: Gửi đi Nam Định - chuyển nhanh. Gửi đi Hà Giang, Tuyên Quang (nhẹ hơn) - gửi chậm. Sau một hồi tính toán, cô nhân viên bảo tôi: Hết 181.000 đồng (Một trăm tám mươi mốt nghìn)! Tôi chắc còn rất nhiều người như tôi nên đống bưu phẩm chuyển chậm còn đang nằm lù lù trong kho kia. (Báo Tết mà ra Tết mới nhận được thì mong các bạn văn thông cảm cho tôi nhé)! Tôi không tiếc tiền bởi niềm vui mang đến cho các bạn trong mùa Xuân này là vô giá thì làm sao mà phải tiếc… “vài đồng bọ”! Nhưng “gửi chậm hay gửi nhanh” tôi thiển nghĩ thế này: Bằng cách nào mấy cuộn báo kia cũng phải lên máy bay (những nơi tôi gửi đến địa phương chưa có sân bay), tàu hoả, ô-tô… thì mới đến nơi được. Tôi thử gửi chậm xem đến khi nào gói bưu phẩm đến nơi. Đáng đồng tiền bát gạo nhanh nhận được thì đúng rồi nhưng sao lại thịa người nghèo thế. Người nghèo rất nhiều vì đất nước còn nhiều khó khăn, bằng chứng là bưu phẩm “còn tồn lại đầy kho kia kìa” (lời cô nhân viên nói)… Chẳng biết có phải vì tiền ít nên ngành bưu điện thích chuyển lúc nào thì chuyển. Không thích thì đợi đấy. Việc làm khổ nhau như thế để bắt buộc người gửi phải gửi “giá nhanh”, tăng thu nhập cho ngành bưu điện, tất nhiên thu nhập của doanh nghiệp Nhà nước này tăng, lương thưởng tăng. Cái sướng của người này chẳng qua là gạt cái khổ cho người khác phải chịu.

Thiết nghĩ, Nhà nước giao cho ngành bưu điện công việc này, việc chuyển bưu phẩm cũng nên có những thay đổi thiết thực hơn. Bao nhiêu chủ trương chính sách đề ra để hỗ trợ người nghèo, nay chỉ vì một gói bưu phẩm mà người nghèo lại phải chịu phận hẩm hiu. Cước phí tính khi chuyển bưu phẩm cũng do ngành bưu điện đặt ra, Cứ đà này không biết sẽ tăng đến đâu? Cái gì cũng lên giá, nào xăng, nào điện, nước… trong khi Nhà nước vài năm nay đã kìm hãm được phần nào sự mất giá của đồng tiền. Cái gì thuộc doanh nghiệp sở hữu Nhà nước là lên giá lên tục. Phải chăng nguyên nhân là do độc quyền? Do không có cạnh tranh nên các doanh nghiệp này muốn làm gì thì làm. Tất cả cứ âm thầm siết lấy hầu bao của người tiêu dùng. Cái lưng còng của người lao động liệu còn phải chịu đựng đến bao giờ… Không ở đâu có những nghịch lý như ở nước ta, giá vé tàu hoả đắt hơn giá vé máy bay (hạng sang) trên cùng một quãng đường. Có lẽ ngành đường sắt với ưu điểm an toàn (không bị rơi) nên nhiều năm nay cứ như thế và cứ đà này đường sắt chỉ dành riêng cho những người sợ độ cao… Rõ ràng ngành đường sắt đang “một mình một sân, muốn đá thế nào thì đá” chính Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra nhận xét này. Song, điều sâu xa trong kinh doanh những cái mất đi ai biết, ai phải chịu trách nhiệm? Liệu có thể cổ phần hoá các doanh nghiệp này để tạo ra một sân chơi lành mạnh!

Làm xong thủ tục chuyển gói bưu phẩm đi mà không làm sao quên được cái việc tưởng như bình thường ấy. Nhớ lại chuyện cũ: Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, một người nông dân ở làng  Mông Phụ, xã Đường Lâm (Sơn Tây), cách Hà Nội 45 km. Ông ta ra bưu điện thị xã Sơn Tây gửi một bức điện tín cho con ở phố Bạch Mai - Hà Nội với nội dung “mẹ ốm nặng, về ngay” mà ba ngày trời mới đến. Anh con trai nhận được điện về đến nhà thì việc ma chay đã xong rồi. Xong việc, ông ta bảo: Nếu tôi có vác cả cỗ cày bừa, đánh thêm con trâu, đi còn nhanh hơn… điện! Đó là một sự thật, một sự thật hài hước đến chảy nước mắt.

Nay, một cái nhấn “phím” có thể đi vòng quanh trái đất mà bưu điện nước nhà: gửi một gói bưu phẩm 1kg, khoảng cách Hà Nội – Nam Định gần 100 km có đường cao tốc phải mất hai tuần, có khi ngoài Tết mới nhận được. Nên gọi thực trạng này đúng với tên của nó - Đó là sự trì trệ, tắc trách!.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...