VanVN.Net – Những câu chuyện xung quanh đời sống thường nhật ở thành phố, ngột ngạt vì bụi đường và khói xăng, chen chúc vì tham vọng và kỳ vọng… Có phải vì thế mà con người trở nên thờ ơ trước nhau? Không, đúng hơn là họ quan sát và quan tâm đến nhau theo một cách riêng. Một câu chuyện được kể lại từ quá khứ, mà nỗi thổn thức thì mới nguyên, thường trực như có thể bật ra bất kì lúc nào… Bởi lẽ, tình yêu có sinh mệnh riêng, quy luật riêng không dễ lí giải... Nhà văn Lê Minh Khuê đã chọn cách dẫn người đọc đi hết câu chuyện của mình qua những lối rẽ đầy lôi cuốn và hấp dẫn.
Nhà văn Lê Minh Khuê
Trong ghế bành
Phúc ngồi. Như là vô tâm. Như hờ hững trong chiếc ghế bành sâu mà cả nhà đều thích. Mua từ món tiền thưởng của Phúc. Trong vụ ký kết hợp đồng có đi có lại ma ma mãnh mãnh của thói làm ăn thời nay. Ngoài cửa sổ có mưa. Gió giật tung rồi đóng sầm cánh cửa. Phúc ngồi sâu hơn. Tạp chí Đàn Ông trong tay. Cái cách ngồi sâu trong ghế bành ấy làm người ta như con thỏ nấp trong bụi cây. Chả muốn giương vây cánh với ai.
Mai rất biết cái cách ngồi đó của chồng. Sống với nhau gần chục năm. Chỉ cần nghe tiếng đi lên gác là biết hôm nay buồn hay hí hửng? Lúc này Phúc chưa giục giã gì. Mai cũng chán. Mai vào phòng ngủ.
Lọt qua mấy cánh cửa khép hờ nửa sáng nửa tối giọng của Phúc trả lời sau hồi chuông điện thoại thứ ba. Lời hẹn hò gì đó. "Được rồi. Rõ rồi. Ăn vào sáu rưỡi chiều. Ăn xong anh còn có việc. Không lo. Ở nhà hôm nay cũng đông người. Anh sẽ nói là bận việc cơ quan. Thế! Sáu rưỡi anh có mặt. Có cả mẹ em. Ôkê! Ba người thành tiệc lớn!"
Mai nghe rõ. Cũng rõ cả bên kia. Kim Hiên. Tên tuổi quê mùa nhưng xinh lắm. Mai biết rõ. Tốt nghiệp đại học thi được vào công ty Phúc. Cả công ty toàn những chàng trí thức lấp lánh xao xác vì số vòng eo của nàng. Vì đôi mắt mênh mông. Vì cái vẻ thanh nhã không có gì chung với đám con gái đi lại như mắc cửi ở các văn phòng, ở sân bay, ở khách sạn. Bọn họ váy xống giống nhau. Tóc môi giống nhau. Nghĩ ngợi giống nhau. Các cô gái quê ra thành phố xăm xăm vào cửa nào cũng lọt. Những bước đi đầy vụ lợi. Hoạch định rành rẽ trong mọi ứng xử. Nhiều cô mạnh như một tiểu đội chinh chiến thương trường.
Kim Hiên không giống thế. Nàng không phải loại gái thông minh rành rẽ làm tất cả để đạt mục đích. Xong việc trả ơn sòng phẳng ngay tắp lự rồi cắt đứt luôn các thứ lằng nhằng tình cảm mất thời gian. Kim Hiên không như thế. Nàng ngơ ngơ đến đàn bà cũng cảm thấy thân thể nàng thanh khiết.
Nên mấy anh chàng chưa vợ bàn tán sau lưng. Những ông có vợ mà không có "tình yêu" - ông nào chả thế, cũng ôm sầu ôm mộng. Ước gì chưa phải vướng chân. Tuổi hai hai của Kim Hiên mà Mai đã qua, Mai biết, tuổi đó nhìn đàn ông như nhìn ông thánh, nhất là khi anh ta xấp xỉ tuổi bốn mươi.
Phúc bốn mốt tuổi. Phúc mặc quần bò rộng. Túi ở hai bên hông, túi ở trên đầu gối. Áo thun. Mũ mềm may kiểu giải phóng quân. Anh ngồi trên xe máy, không phải là ông thánh thì cũng là ông tướng làm các em đau lòng.
Kim Hiên nhìn thiên thần cao lớn đi qua trước mặt. Nàng nuốt nước mắt vì ngưỡng vọng. Dạy thế nào được. Cái tuổi đó nó phải vậy... Và nàng tức thở khi Phúc mời qua bên kia đường uống trà nóng, trà lạnh. Nhân tiện xem em ra sao. Nhân tiện buổi trưa ngồi ở văn phòng thấy tẻ. Mời đi xem phim tìm cảm giác thời trẻ ngồi bên thiếu nữ mùi thơm tự nhiên từ mái tóc. Nhân tiện có vé mời. Lại nhân tiện hôm đó trời không mưa. Tha hồ cho thiếu nữ chơi vơi.
Mai biết hết. Không ghen nhưng vẫn biết. Mai thấy lo lo như đứa con gái mình đang bị đùa giỡn một cách vô tâm. Rồi thất vọng thế chui vào đâu mà kìm nén đau khổ? Có lẽ đã hàng trăm lần Phúc nói với Kim Hiên: anh yêu em mà. Để vỗ về cô bé. Để nước mắt khỏi trào ra mi nó nhìn thấy phiền. Cũng có khi Mai tưởng tượng chồng mình rút ví mua cho Kim Hiên lọ nước hoa. Loại Magie Noire của Lancome giá năm trăm ngàn đến một triệu. Nhưng lại gạt ngay ý nghĩ đó. Chả đến nỗi xả lòng như thế. Phúc cũng là người tỉnh như sáo khi nhìn đống tiền. Lạ gì khi làm xong cái nhà cứ nhấp nha nhấp nhổm tính toán: đất này ta mua riêng đấy! Các cậu chỉ ở nhờ. Trong một phút nào đấy thấy mình quan trọng thế thôi. Rồi lại quên đi. Vụ nước hoa cũng quên đi.
Còn chuyện kia. Cũng không nốt. Đã từng có lúc ngồi gần vợ. Lút đầu trong chiếc ghế bành đọc cho Mai nghe. Ở đâu đó có một ông trí thức viết rằng ngày trước thân thể con người cảm nhận sex như cái gì tuyệt vời nhất. Những phút đó trôi qua như những bước cha cha cha dồn dập quyến rũ mà lành lặn. Nhưng bây giờ khi có AIDS, nó - sex ấy, trở nên bẩn thỉu và chết chóc.
Đọc rồi ngoái lại sau bảo Mai:
"Chả dại gì em ơi. Anh không phải lũ thiêu thân lao vào đám cave hôi hám. Anh cũng không tò mò của lạ để rồi ngay ngáy nghe máu mình đang tải lũ rệp. Cầm tay cầm chân chả chết ai. Anh lang thang quán xá cà phê cà pháo nhưng em ơi, cái tính gọi là trách nhiệm của anh nó yếu như đèn trước gió chỉ đủ xài cho em với thằng cu. Xài tàm tạm vậy thôi chứ không thể sẻ cho ai. Tin anh đi vợ yêu!"
Mai tin thật. Cả cái cách vợ chồng chăn gối. Nhiều khi anh chẳng có chút mồ hôi. Nhiều khi ngáp. Nhiều khi nằm ườn chờ đợi rồi ngủ. Trông mà buồn. Không lãnh cảm cũng ra đứa lãnh cảm. Mai thường ngủ quay mặt vào tường. Chăn trùm kín. Khi không quay sang nằm với con cho yên chuyện. Thằng con đến tuổi tò mò cũng chẳng có gì để nhìn nữa. Cho qua luôn. Và tuổi thơ của nó trôi bình yên.
Nhưng rồi khi có Kim Hiên, Mai thấy chồng nhúc nhắc. Cũng chỉ đến thế sao?
Buổi chiều thứ bảy. Nghỉ ngày này buồn mãi rồi quen. Thấy có thêm thứ bảy thêm việc. Mai đi chợ. Mua một con cá chép tươi. Rau sống. Hành củ to. Mùa đông đến mua hành củ to. Mai biết chồng có hẹn ăn cơm ở nhà Kim Hiên. Đã hẹn sáu rưỡi chiều. Lời hẹn ấy lọt qua cánh cửa khép hờ. Mai bỗng thấy mình hồi hộp. Không hiểu sẽ ra sao với lời hẹn như đinh đóng cột kia. Mai đã đi qua tuổi thao thức suốt đêm, lo âu suốt một ngày để chờ đến buổi tối. Chải tóc thơm. Vin lại tấm màn cửa. Xoay xở đặt lọ hoa. Chốc chốc nhìn qua cửa sổ. Tim đập 120 nhịp phút... Cho đến khi có tiếng xe máy... Những giây phút đó đến với Mai đâu khoảng bốn lần trong đời thiếu nữ. Những người trai kia đến rồi đi. Những chờ đợi kia cứ bùng cháy rồi lại tắt. Cho đến khi Phúc xuất hiện. Nhìn thấy anh Mai nghĩ: cũng được quá...
Bây giờ cô bé Kim Hiên bắt đầu chờ đợi.
Người đàn ông điển trai. Có gia đình. Sự từng trải luôn làm thiếu nữ ngưỡng vọng. Mai chỉ lo. Không ghen. Cứ đứng thật lâu xem mình có chút ghen tuông nào không. Không. Hoàn toàn không.
Mai bắt đầu nấu dấm cá. Cho nước sôi mới thả cá vào. Mẹ đã dạy như thế. Sau đó mới là các thứ gia vị. Hành mùi. Thằng con 13 tuổi đã nói giọng ồ ồ. Chạy thật nhanh từ ngõ vào nhà. Nó hét: bố! Mượn được phim "Nỗi ám ảnh giết người” rồi!. "Vậy hả? Ăn cơm xong mình xem. Rủ mẹ nữa nhé. Phim này hay đấy. Phim kinh dị có nhạc của Be la Bác tốc". Mai không hiểu âm nhạc. Nhưng Phúc thích phần nhạc đệm trong phim. Thằng cu thích những pha đánh đấm. Thích những hồn ma hiện lên ở cuối cầu thang. Ở trong rừng.
Mai dọn cơm. Bia hai hộp. Canh cá. Cả món nem. Thấy Phúc bỗng nhìn đồng hồ đeo tay. Rồi nhìn đồng hồ treo tường. Đã sáu giờ mười lăm. Nhưng Phúc lơ đãng rót bia. Còn có 15 phút. Từ đây đến nhà Kim Hiên đi xe máy phải mất 20 phút. Bảo rằng không ghen nhưng có lần Mai đã thử đo đồng hồ xe... Cơm xong, thằng cu mở máy. Phúc ngồi trong ghế bành xem phim. Ở bếp nhìn ra, Mai thấy chỏm đầu của chồng, như nhìn rõ mặt anh. Anh đang ngủ la đà. Vừa xem vừa la đà yên phận. Cái vẻ đâu vào đấy của Phúc làm Mai chán ngán. Hẹn mẹ con người ta sáu rưỡi chiều. Có biết thế nào là chờ đợi không?
Ngày chủ nhật, Mai vô ra lau nhà. Quét tước mạng nhện trên trần. Phúc nằm ườn nhìn vợ làm. Khen: em lao động trông trẻ ra đấy. Có cần anh giúp gì không? Không. Em làm một mình thôi. Mạng nhện bay đầy nhà. Mai bảo anh ra ngoài cho em quét. Phúc đi lấy xe máy: anh lại nhà thằng bạn. Anh đừng uống bia nhiều. Mai dặn theo chồng lòng thấp thỏm: chắc đến nhà Kim Hiên xin lỗi! Nhưng đến bữa ăn, Phúc về đúng giờ. Lại ngồi trong ghế bành sâu đọc báo. Điện thoại réo hồi chuông thứ ba cũng không đứng lên. Mai phải chạy vào cầm máy alô. Nhưng bên kia im bặt. Rồi máy đặt xuống. Tiếng đặt máy đầy thất vọng. Nghe hơi thở nhẹ trong máy, Mai thấy vẻ mong manh con gái nhà lành. Mai bực bội vừa rửa bát vừa nói:
- Hôm qua em nghe anh hẹn trong điện thoại là ăn cơm ở nhà ai sáu rưỡi chiều...
Một tiếng cười thờ ơ: hẹn vớ hẹn vẩn ấy mà.
- Anh hẹn đúng sáu rưỡi chiều. Em nghe anh hứa. Sao không nói là bận cho người ta đỡ chờ?
- Không thấy đến thì ăn chứ có việc gì mà phải quan trọng?
Mai lẳng lặng quay lại bếp. Nấu nướng vất vả nhé. Mua bia mua rượu nhé. Vắng vẻ hai mẹ con chờ đợi. Đêm mùa đông nhé. Cho chết cái thói vẩn vơ. Ai bảo đi gửi lời hẹn vào cái cột gỗ. Kể thì chẳng đáng thương. Sao cái giống đàn bà lại ngu thế?
Phúc đi lại bên Mai. Làm ra vẻ cười cợt: con gái nó hẹn anh đấy. Anh không đến là có lý. Mà sao không ghen nhỉ? Con gái hơ hớ đấy!
- Thế thì đừng nhận lời!
- Thôi đi cô. Xem xem thiên hạ bây giờ có ai giữ lời. Dại gì tôi phải đi đến đó ngồi nhìn người ta vồ vập săn đón. Lúc về đi xe máy qua cả thành phố dài. Mà lạnh. Mà mưa. Hết thời liều lĩnh rồi em ơi!
- Ai bảo anh hẹn...
- Chả thấy cô vợ nào như cô. Chán chồng quá hả?
Hỏi câu đó rồi không đợi trả lời. Phúc đi lại cái ghế bành, bỏ đôi dép bông xuống, khoanh hai chân lên, mở khuy áo pigiama gọi thằng cu: mang cho bố cái chăn. Bố đọc báo... Phúc đắp chăn lên chân, mở tờ báo có vụ án kinh dị. Chưa cần đeo kính nhưng trông Phúc già sọm. Lọt thỏm, bé tí, già như ông lão. Đâu có gì mà các em phải mê. Dù cho quần bò nhiều túi dù mũ lưỡi trai dù đưa tay sang bên kia bàn quấy cà phê trong cốc em. Trông lúc ấy thế thôi chứ bây giờ vừa già vừa xấu kìa. Chả em nào đến mà xem.
Mai thở hắt ra. Nhìn cái cây ngoài cửa sổ quật lên quật xuống vì mưa. Thôi. Chịu vậy rồi cũng xong.
Một mình qua đường
Như vậy chú với dì đi khoảng vài tuần. Cháu cứ trông hàng. Tối em Vân về nó kết toán tiền nong. Hàng họ bán nhì nhằng thôi đằng nào cũng thế mày phỏng vấn công ty xong rồi còn ngồi chờ việc không ngồi ở đây thì lang thang hít bụi với lại ngồi quán cà phê ngắm mấy con bé váy ngắn thất nghiệp thích khoe giày. Chả có gì thú vị. Mày trông hàng chứ đóng cửa thì mất liên hệ mất khách. Khách người ta sẽ bỏ đi, cháu nhìn xem toàn thành phố này có nhà nào chừa lại một mét mặt tiền cho đất nó thở? Bày hàng tất. Tuốt. Cái chợ rõ to là thành phố ta chắc trên thế giới chỉ có một. Các thành phố người ta nhường ít đất để có vườn hoa bãi cỏ cây xanh người ta bán hàng trong khu riêng, ở ta chỗ nào cũng kín. Cũng vô cùng tiện lợi. Mua bao diêm thì mở cửa ra chạy tới đầu ngõ mua xe máy qua bên kia đường mua ô tô. Cây xanh bãi cỏ dần dần sẽ có trong mơ. Thôi không dông dài rách việc nữa. Mà nhìn cái mặt cụ non của mày tao ái ngại quá cứ vô tư phơi phới như lớp cha anh lên đường đánh giặc ngày xưa mọi chuyện sẽ nhẹ như lông chim. Nói tiếp cho mày nghe cái sự phải mở cửa vì đóng cửa hàng một buổi người ta thấy lạ lại ghé mắt nhìn qua kẽ hở xem trong nhà có sự gì? Nên cháu phải giúp chú dì. Hàng nhà ta bán máy lọc nước hầu như là hàng biên giới dán mác nọ kia thậm chí dán mác nội cho có cảm giác hàng Việt chất lượng thế thôi. Khách sành đi qua nó bĩu môi chỉ thỉnh thoảng có khách vãng lai. Ông đi thành phố mua quà cho bà ở nhà vì bà cũng thường tình như toàn dân thích tự lừa. Mua về dùng được thì tốt không thì họ cũng ngại đem đi bảo hành. Mà hàng nào nó chả chuẩn bị kỹ chiêu bảo hành. Thay cho cái túi lọc thế là bảo hành chứ còn gì. Đi xét nghiệm xem nước có măng gan có chì có sắt không thì chắc đến tết sao hỏa. Đã đắt đắng họng còn mất công chờ. Chú duy trì bán máy lọc nước là câu dầm chờ xem có đứa nào nó thuê kinh doanh cửa hàng chứ chú với dì mày cũng hết hơi rồi, chả muốn nhặt nhạnh nữa đau lưng lắm. Mà khi nằm vào áo quan thì cũng chả đứa nào nó bỏ tiền đô thật cho mang đi. Đô la âm phủ thì vô thiên lủng… Cả bao tải cũng có…
- Thôi nói thế đủ rồi ông ơi. Cháu nó nhận lời rồi còn dông dài mãi. Già rồi nói nhiều lại “tích tình tinh đứt dây thần kinh”.
Ông chú của Nghĩa cao mét năm nhăm dì nó cao mét sáu hai sống với nhau hơn 20 năm êm như mặt hồ thời nước sạch. Ông có tật nói dài nói to nói rổn rảng như loa phường bà nói ít nhưng thường mô tả sự vật chung quanh theo kiểu cụ Hồ Xuân Hương làm người nghe phải bật cười.
Nhưng Nghĩa không cười. Thằng con trai hai mươi ba tuổi đã có râu quai nón cái nhìn trầm lặng như thủy thủ đã bị sóng dập vùi ở những miền biển không có tên trên bản đồ vì hẻo lánh. Nó nhìn bà dì ruột nhìn ông chồng bà nghe diễn văn của ông nó chỉ ngắn gọn: chú dì đi đi!
Chú và dì nó đi. Lên tàu thăm người trai cả lấy vợ miền Trung bị ông bà từ vì dám lấy vợ xa giờ thằng cháu hai tuổi a lô vào máy do má nó xui. Ông bà ơi Tý chào ông bà!
Ông ho bà rớm nước mắt, cưỡng thế nào được?
Chú với dì nó đi chơi. Con em nó có thằng bồ kinh doanh hàng gốm sứ trên phố cổ xong việc công sở em nó ghé qua chỗ thằng bán gốm sứ chả mấy khi về nhà. Con em a lô di động: anh Nghĩa hả? Coi nhà nhé tiền bán bao nhiêu anh thích gì cứ mua bố mẹ em chả nhớ chả đong đếm gì đâu!
Lại còn thế nữa!
Nghĩa nhìn thấy bên kia đường có đại lý sách báo tem thư. Nó băng qua làn đường xuôi xe máy toàn bị những gã ăn thuốc lắc phóng như người mù vô tội vạ va đâu ngã đấy ngoẻo đấy. Trèo qua dải phân cách. Băng qua làn đường ngược. Xe máy được những gã xem đời như của bỏ phóng cho sướng, tai nghe gió quật muốn dừng thì dừng không dừng được phóng luôn xuống địa ngục uống bia với Diêm Vương đang phát chán vì bắt bọn tham gia giao thông. Nó chiến đấu toát mồ hôi như thế để mua mấy tờ thể thao. Dạo này Arsenal đá xuống quá. Đội bóng ruột của nó thất bại liên tiếp càng làm nó quyết tâm theo đến cùng tình yêu với đội bóng có cái vẻ không màng danh lợi không màng nhiều tiền không giật cúp bằng mọi giá. Chỉ cống hiến lối đá đẹp như mơ lãng mạn như thuở người ta yêu đương không màng của cải. Đá đẹp không bạo lực không ganh đua có vẻ bị chê bai bị bĩu môi trong thời đại người ta lừa lọc phản trắc cướp giật trên sân bóng dưới cái nhìn của hàng tỉ người trên hành tinh. Mà không ai làm gì được!
Cứ nghĩ ngợi như thế tuổi trẻ của nó bị cướp phá tan nát! Nó biết mình không hòa nhập xã hội theo kiểu nói của bố mẹ, ngày nào cũng giáo huấn cũng xót xa khuyên răn nó.
Nó ngồi cửa hàng cả ngày thấy may mắn không có ai tới mua hàng. Trời nóng thế này mấy ông bán lợn bán lúa được tiền cũng ngại ra thành phố. Dân nhuốm mùi đô thị thì vào chỗ hàng xịn ai không mua được hàng xịn thì nghi ngờ tất tật mọi thứ thà uống nước bẩn còn hơn chết vì ngờ vực. Nên nó ngồi nhìn suông.
Ngã tư ở đây đông nhất thành phố nghẹt thở nhất thành phố. Khủng khiếp nhất trong ngày hè giờ tan tầm. Bọn thích phóng xe máy bất kể tính mạng của mình bị chồn chân cắm bánh xe mặt đường chảy nhựa. Thấy Nghĩa mò qua cửa hàng mua báo con bé trông hàng nhìn Nghĩa như nhìn người ngoài trái đất. Sao anh căng thẳng thế ạ?
Anh qua đường. Sợ quá!
Qua đường có gì mà sợ. Em vẫn đi qua ngã tư trên kia để vào trường có sao đâu? Tại anh cứ ngó xuôi ngó ngược!
Không ngó thì xe nó đâm vào người!
Anh đừng ngó. Chả cần quan sát như người ta dặn. Có quan sát có tránh cũng chả ai tránh mình. Anh cứ học em đây này. Em cứ đi chả nhìn ai sất. Không ai dám lao vào mình đâu anh cứ thử xem.
Anh cũng không sợ lắm đâu. Nhưng phiền toái rắc rối. Tính anh thích ngồi một mình trong xó. Thế mà ngày nào anh cũng cần một tờ thể thao. Tờ chữ xanh tờ chữ đỏ. Hàng chục tờ thể thao giống nhau lọt vào tay tờ nào anh đọc tờ ấy. Mà cả phố mới có một đại lý sách báo của nhà em.
Con bé cười ranh mãnh. Anh nói đúng. Mở hàng sách báo ở đây là ngẩn ngơ. Ai người ta đọc. Chỉ có ông em ngồi buồn mở bán chơi chơi. Ông em bảo ngày xưa người ta phải xếp hàng phải có thẻ mua sách. Ông em nhớ ngày xưa đấy. Nhìn ông em kìa…
Trong nhà một ông già tóc trắng áo lụa đang tưới cái cây trên bàn. Trông ông như đồ cổ. Ông chả thèm nghe cái thứ âm thanh máy móc quái gở ngoài đường dội vào. Nghĩa gật gù nhìn ông thấy ông cũng y như con bé cháu. Cũng đang thản nhiên qua đường. Con bé cảm thấy cái vẻ đồng cảm của thằng thanh niên với ông mình. Nó giật giật tay Nghĩa vì thấy mặt Nghĩa như mặt ông già ngại phố xá. Nó muốn giúp. Nó bảo anh đừng ngại. Cả ngày em học nội trú trong trường nhưng chiều về em sẽ đưa báo sang cho anh.
Nghĩa nhìn lơ ngơ. Mặt càng lơ ngơ khi râu quai nón mấy hôm chưa cạo làm mặt già sọm. Con bé con phì cười. Hay anh sợ đọc báo nguội. Chiều đọc cũng được chứ sao hả anh? Báo nguội càng hay. Bên kia kìa có một bác rất thích đọc báo nguội. Bác bảo tin tức cấp thời làm bác hãi. Bác nghe ngóng chán rồi mới đọc. Báo nguội khiến bác bình tĩnh. Anh thấy buồn cười không?
Nghĩa không cười. Cô bé con chìa tay cho Nghĩa. Thỏa thuận nhé. Em tên là con Chíp. Tên ở nhà đấy anh ạ. Tên đi học lằng nhằng lắm. Nguyễn Lê Vũ Thước Minh Hương. Ghê sợ. Xem phim kinh dị còn hay hơn.
Nghĩa ngồi trên ghế nhựa nhìn ngã tư chiều tắc đường, tắc đến mức nhìn ra bốn hướng đen ngòm cả bốn. Đen ngòm hàng cây số. Nắng đường nhựa bốc lên như trên bếp ga. Nắng trong không khí ngùn ngụt. Đàn bà con gái ngồi xe máy bịt kín mặt tay đeo găng tới nách như mấy đại tẩu trong phim chưởng Tàu. Nhiều cô còn mặc cả quần dày tránh nắng như dân sa mạc. Kính to sù sụ bằng cái bát ăn cơm. Nhan sắc các nàng chìm nghỉm trong khói xăng.
Nghĩa nói với con Chíp. Vậy họ trưng nhan sắc ở đâu? Con Chíp che miệng giấu cái răng hở rất to. Họ trưng trong bếp. Trong công sở có máy lạnh như công sở mẹ em làm. Buổi tối họ trưng trong quán cà phê. Còn trong buồng ngủ nữa. Thiếu gì chỗ trưng hả anh?
Nghĩa nghe con bé mười bốn tuổi nói năng như bọn thiếu niên hay giao lưu nọ kia trên ti vi. Cái gì cũng biết. Thậm chí hỏi ngày sinh của ông X. ở tận cái nước ngoài đảo ít người trên Thái Bình Dương chúng cũng rành rành. Nghĩa thường kinh sợ khi trẻ con cái gì cũng biết. Nhưng nghe con Chíp nói nhìn mặt con Chíp Nghĩa thấy cũng chả sao. Tuổi nó biết đàn bà trưng nhan sắc trong phòng ngủ cũng là vừa.
Con Chíp còn nói đoạn dài về cái sự nhan sắc. Nghĩa cũng góp chuyện. Uổng thế. Nhan sắc vi vu xe máy tóc bay hai bên váy xòe chân trần ngực nhú sau áo thun… thành phố sẽ đẹp vô kể vì nhan sắc. Bây giờ bói cả ngày không có được cảnh các nhan sắc đi trước các công tử e dè đi sau hồi hộp… Con Chíp bảo vội thế chụp giật thế ai có thời gian hả anh? Như mẹ em ấy. Hôm nào mẹ về em cũng ngủ rồi. Bố với mẹ em sống với nhau rất buồn cười. Mỗi tuần bố em ở nhà bố sang ở với mẹ với em với ông ngoại hai ngày. Lúc thì đầu tuần lúc thì cuối tuần.
Sao lại thế?
Em không biết. Bố em bận kinh doanh mẹ cũng bận nọ kia. Thấy hai người bảo mỗi tên mỗi nhà như thế đỡ mất thời gian. Tự do anh muốn làm gì thì làm.
Ghê sợ thật. Thế thì bố mẹ em không yêu nhau rồi!
Yêu nhau thiên thần luôn. Ban đêm thấy gọi điện tít tít nhà nọ sang nhà kia. Thỉnh thoảng thấy bố đến đón mẹ tối chủ nhật. Đi nhảy đầm. Đi uống cà phê. Em thấy thế cũng hay. Chứ chú với thím em suốt ngày cặp kè lại nện nhau mỗi ngày một trận. Bố với mẹ em có vẻ không chán nhau. Ông ngoại em bảo một lũ điên. Chả ra thể thống gì.
Anh cũng thấy không ra thể thống gì. Vợ chồng mỗi người một nhà y như bọn Tây. Mà Tây nó cũng chả thế.
Anh già thật. Con Chíp ngắm nghía thằng con trai trầm lặng. Anh già y như ông em.
Chiều nào cũng vậy. Con Chíp đưa báo sang đều đặn cho Nghĩa. Chiều tắc đường con bé đi qua Nghĩa yên tâm. Đường tắc thì mọi vật đứng im. Con bé chỉ việc lách. Đường thông mới đáng sợ. Đường thông chả ai nhìn ai. Cứ phóng bừa lên. Ai hơn nhau nửa bánh xe xem như thắng đậm thành thử các con cứ phóng bừa.
Nhấp nhô bên kia đường rất xa là mái tóc cắt ngắn của con Chíp. Tóc nó dày như rễ cây. Phải bờm bằng cái bờm rất to mới giữ nổi mái tóc. Cái trán con Chíp nhô ra phía trước, cái mặt nó vuông vì trán vuông cằm vuông. Trông nó vừa ngộ nghĩnh vừa non nớt như mặt đứa bé đang ngậm sữa. Nhưng nghĩ ngợi lại buồn cười.
Anh xem báo thể thao làm gì. Em chả xem. Có mỗi môn bóng đá là sạch nhất thế mà người ta cũng bôi vào. Kinh dị, xem phim kinh dị còn hay hơn!
Nghĩa phì cười vì cái cách nói năng của con Chíp. Hai anh em có vẻ hợp cạ thành thử hay trò chuyện. Một buổi đường tắc trời nóng tắc thở con Chíp chỉ một cái xe giảng giải. Anh nhìn kìa chiếc này gọi là chiếc Muranô giá gần 2 tỉ đồng. Còn chiếc ở dải đường xuôi kia là Lexus gờ ích (GX) 470, có logo chữ L cách điệu. Xe này mang thương hiệu riêng của hãng Toyota sản xuất cho thị trường Mỹ. Xe hai cầu dã chiến có 8 chỗ ngồi động cơ 4 phẩy 6 lít… xe này hai tỉ rưỡi…
Trời đất. Sao em sành thế?
Con Chíp cười tít mắt. Bố em buôn xe. Bố giảng giải cặn kẽ. Em ghi nhớ tuốt tuột.
Nghĩa tập quan sát xe theo chỉ dẫn của con Chíp. Nó biết nhận dạng những con xe cỡ gần 3 tỉ đồng đang phải lặn lội tắc đường giữa dòng xe máy cuồn cuộn. Những ông chủ mấy chiếc Muranô, chiếc Humme… không ai thấy mặt ngồi kiên nhẫn chờ thông đường và khói xăng của bọn xe máy tầm thường đang làm ám vỏ xe của họ. Họ phải ngồi như thế thôi. Mấy ai tránh được phiền toái.
Nghĩ cho cùng người giàu ở xứ này cũng khổ. Có hàng phở nổi tiếng gần nhà Nghĩa trong phố cổ. Các thượng lưu nghiện phở hàng hiệu tự lái xe đến. Những chiếc Mẹc sêri mới quý phái sang trọng trờ tới làm phố cổ chói lên màu cổ điển kín đáo. Nhưng các quý ông quý bà, các thượng lưu thời mới phải đi vòng đi vèo. Chỗ này xua chỗ kia đuổi, có thượng lưu hàng buổi sáng không ăn nổi bát phở vì hiếm chỗ dừng xe. Ấy nhưng họ kiên nhẫn. Họ đậu được xe để mở cửa đặt đôi giày bạc triệu xuống đường và váy rủ và vét sang trọng ung dung trông cũng sốt ruột với mình nhưng chả là gì với họ quý tộc thượng lưu sống giữa đầm lầy bụi bậm nên phải kiên gan.
Những buổi chiều đường tắc đốt thời gian của các đại gia chủ xe bạc tỉ nhưng rồi vẫn phải chịu. Chả có làn đường dành riêng cho người giàu. Cùng với xe ô tô đại gia là xe máy của các tay chơi. Những chiếc Scooter phân khối lớn rồi những chiếc “siêu Scooter” trên 250cc của Honda và Yamaha cũng im lìm tắc đường cùng bọn xe máy Tàu xe cúp thời năm bảy mươi. Con Chíp chỉ một chiếc xe máy trông rất hãi vì nó hầm hố và sang quá. Anh xem kìa. Kia là “con tê giác màu đen”, xe Wings. Bố em vừa mua một chiếc.
Ghê quá. Anh không thể tưởng tượng mình có thể cưỡi chiếc xe cỡ ấy mà đi trong thành phố như thế này.
Con Chíp nhìn Nghĩa lạ lùng. Nó lấy tay xoa râu quai nón trên cằm thằng con trai. Cử chỉ của con em út tinh nghịch. Vậy thế anh thích gì nhất?
Anh thích có những bãi cỏ xanh ngắt, thích hai hàng cây cổ thụ thật cao có con đường ở giữa, đường đất. Xa xa là những cái nhà. Anh thích một cái nhà ẩn sau rừng cây. Anh đạp xe vào phố làm việc rồi đạp xe về dựng xe bên hàng rào. Trong bếp mẹ anh nấu nướng bố anh đánh cờ anh ra khu vườn sau nhà chơi bóng rổ với con Chíp rồi hít thở khí trời trong veo… Chíp cười ngất ngư như thằng con trai say rượu.
Anh đúng là trong mơ. Lấy đâu ra cây to, ra cỏ xanh cho anh bay bổng. Khói xe máy với bụi đường thì thoải mái càng ngày càng đậm đặc anh có mơ mấy cũng không thoát đâu…
Gã chủ cửa hàng quần áo bên cạnh hàng máy lọc nước ngồi buồn nghe hai anh em tán gẫu cũng đút tay túi quần soóc phì phèo thuốc lá trong buổi chiều tắc đường như trăm buổi chiều ngã tư.
Mày cháu ông đại lý sách báo bên kia tao còn lạ. Ông mày kỳ khôi nhỉ con rể buôn ô tô bạc tỉ con gái làm ngân hàng tiền đong cả đấu mà lọ mọ đại lý sách với chả báo.
Con Chíp không trả lời. Nó nhìn gã trân trân như nhìn của lạ. Gã nói y như mọi người. Ai cũng cho là ông nó tham công tiếc việc tham tiền. Với nó ông nó chỉ ưa làm cái gì cho đỡ phí thời giờ. Nhiều khi ông cho hết tiền. Đám họ hàng còn rớt mồng tơi ở nhà quê nhiều vô thiên lủng.
Nghĩa hỏi cho không khí đỡ căng thẳng vì thấy con Chíp muốn gây sự. Hàng họ bán được không anh?
Mày ngồi mấy hôm nay mày có thấy đứa nào vào hàng mua quần áo? Nóng bỏ mẹ. Mà con phò nhà tao lấy toàn hàng hết mốt bọn con gái nó lườm qua nó bỏ luôn. Chán bỏ mẹ!
Em thấy mấy cái áo hai dây kia vẫn đang thịnh chứ anh. Ôi dào thịnh hôm nay cỗi hôm mai. Mốt với chả mát cứ quanh đi quẩn lại. Tao xem “đít cô ve ri” tao thấy mấy ông thổ dân ở ngoài khơi Thái Bình Dương là mốt nhất. Các lão xỏ chim vào cái ống trông như ngà voi trên vai mỗi lão đeo sơ cua vài cái. Trên người hở hết mỗi cái chim là xâu vào ống. Tao đố thằng thiết kế thời trang nào trưng cái mốt ấy ra. Mốt ấy là của độc của lạ tao nghĩ trình diễn ở Paris dân tình lác mắt.
Nghĩa xoay người như che cho con Chíp khỏi nghe những lời thẳng tuột của lão chủ hàng thời trang. Nhưng con Chíp thản nhiên như không. Nó qua đường quen rồi mà.
Chíp nghỉ hè. Nó bảo em đưa báo sang cho anh lúc nào cũng được. Những buổi trưa Nghĩa hay ngồi nhìn ra đường. Không khí hầm hập nóng làm khoảng không trước mặt mù mịt nhảy nhót như có nước. Nhìn ra khoảng không thấy hoa mắt chóng mặt. Đường lúc trưa vắng. Một ngày như có ai đứng canh trong khoảng không, một cái xe máy đến đúng chỗ có tấm biển quảng cáo bỗng lăn ra ngã. Gã đi xe máy lồm cồm bò dậy dựng xe nhìn quanh xem ai thủ phạm để bắt vạ nhưng không thấy, gã lên xe đi hậm hực. Nửa tiếng sau hai đứa thanh niên đèo nhau cũng ngã kềnh chỗ ấy. Cũng dựng xe lầu bầu chửi rồi đi tiếp. Một bà đi xe máy đèo hai sọt trứng ngã sau đó nửa tiếng. Buổi trưa qua chiều Nghĩa lạ lùng đếm được bảy chiếc xe máy tự ngã kềnh không va không đập vào ai… Gã chủ hàng thời trang bảo có gì lạ đâu. Đường nó cũng như bến sông có bến sông năm nào cũng bắt người. Chỗ kia chắc có cốt nằm dưới. Tao ở đây mấy năm thỉnh thoảng cứ đếm người ngã chỗ ấy đã mỏi mắt. Ông nào trêu đấy thôi. Trêu nhẹ nhàng cho vui chứ chả làm gì…
Nghỉ hè con Chíp không qua đường buổi chiều. Nó hay qua bất kể khi nào có dịp. Qua để tán gẫu với anh Nghĩa. Nên ba giờ chiều đường vắng xe máy phóng như điên con Chíp vẫy tờ báo bên kia. Nghĩa chưa kịp ngăn con bé đã lao xuống đường. Cái bờm nó dùng hôm nay màu đỏ gắt. Áo phông màu đỏ và tờ thể thao màu đỏ.
Nó đi qua đúng chỗ ai đó thích bắt người. Chỉ nghe cái rầm Nghĩa đã tối tăm mặt mũi. Chiếc xe máy của hai thằng cỡ tuổi con Chíp phóng kiểu đua xe tránh con Chíp không kịp lao lên vỉa hè hất mạnh cả hai thằng vào gốc cây.
Một chiếc Honda Silver Wings do một tay chơi đi thử máy cũng lao vào chỗ con Chíp. Mấy tiếng rầm như động đất làm hàng phố xung quanh túa ra.
Nghĩa không dám nhìn khi chiếc xe cấp cứu chở con Chíp chở cả đôi dép màu đỏ cả tờ thể thao màu đỏ mà nó cầm chặt trong tay. Cái bờm của nó rơi xuống đường. Nghĩa nhặt lên và đưa về cửa hàng.
Lạy trời đừng có gì xảy ra. Lạy trời. Anh đã có lần bảo em rồi mà không nghe. Làm sao em có thể một mình qua đường.
Biển mịt mờ
Một lớp học ở thành phố biển. Thời đó. Những năm đầu tám mươi thế kỷ hai mươi. Ăn chẳng có gì. Buổi sáng những đứa trẻ gầy vêu đến trường mua cái bánh sắn hai hào vừa đi vừa ăn dọc con lộ hai bên cách đó chưa lâu đã từng dập dìu bóng dáng viễn chinh lính Mỹ cao kều khoác tay cave thấp bé người Việt bản xứ mặc rốp mặc mini lòe xòe trên đùi da nâu. Đời sống sáng choang đôla chiến tranh Mỹ đổ vào làm người ta tưởng rằng đời cứ thế êm ru biết đâu mọi thứ đổ cái rụp. Như làm bằng bìa giấy. Như xây bằng cát cái đô thị đèn mầu. Giờ này mọi thứ vắng hoe vắng hoắt. Trong hiệu thuốc một thanh niên mảnh khảnh đi giày cao như cà kheo lòe xòe ống quần loe tạo dáng phàn nàn với cô bán thuốc: làm gì ổng cũng không cho qua. Nạp đủ giấy tờ có thiếu gì đâu sao ổng cứ bảo chờ. Ba tháng rồi còn gì?
Chẳng biết chờ gì. Nhưng tâm trạng bức bối khó chịu. Mãi sau này người ta mới viết về giai đoạn mười năm sau cuộc chiến.
Một toán trẻ con lai Mỹ trắng đang cãi nhau. Một thằng bé lên mười tóc vàng mắt xanh đang một tay chống vào hông tay kia nâng cằm đầu nghiêng nghiêng. Kiểu đứng đặc trưng chỉ dân da trắng mới có. Nó nghe hai đứa bạn chí chóe. Một đứa bé mập mạp tóc vàng hoe da như trứng gà mới bóc má lấm tấm tàn nhang bưng hộp thuốc lá chạy lại phía Bình. Cô ơi mua thuốc cho con đi cô!
Không hút. Nhưng Bình ngạc nhiên khi nghe giọng miền Trung trên miệng đứa bé da trắng tóc vàng. Bình mua cho nó mấy điếu thuốc cuộn tay. Thời đó giấy in từ điển cuộn thuốc lá rất tuyệt. Hút vào có cả chì bốc lên từ con chữ. Nhưng đâu có chết ngay... Bình cầm mấy điếu thuốc nhìn bọn trẻ lai. Những gã Mỹ đi từ trường trung học đã đến xứ này ném lại mấy cái mầm sống ở đám cave thành phố ném lựu đạn vào những bụi cây có hầm trú ẩn ở nông thôn giết người ta rồi biến mất cùng với cuộc chiến. Thật buồn thay...
Lớp học không đông. Bình ít khi ngồi tới cuối buổi. Từ chỗ học về nhà khách chỉ độ hai mươi phút. Nhưng Bình có thói quen tạt ra con đường gần biển. Trên đường nhìn qua bãi cát có những cây dừa nhiều tuổi, biển xanh và đặc như thạch. Sóng vỗ òa gần bờ tạo cảm giác bất ngờ vì từ xa biển rất xanh và màu xanh ấy gây cảm giác nước không thể chuyển động. Như đã từng có cảm giác nước có thể xắn bằng dao khi Bình đi qua sông Son chảy về động Phong Nha. Cái màu nước kỳ lạ như không phải là nước. Không phải nó chảy.
Những nhà mặt phố trước kia đều là cửa hiệu. Người ta bảo vậy. Cửa hiệu sát cửa hiệu. Hàng Nhật hàng Đài Loan hàng Hồng Kông. Vào năm một chín tám mươi ấy người Nam nhắc đến ngày xưa một cách thấm thía. Người Bắc nhớ ngày xưa là ngày tem phiếu nhưng hàng viện trợ phe dân chủ đổ vào đến cửa nhà các quan chức theo nhu cầu gia chủ muốn gì có nấy nhưng lác đác của thừa cũng đến bếp bình dân. Vải Ba Lan. Thuốc Hunggari. Sữa Liên Xô. Đường đỏ Cu Ba. Thậm chí có cả mứt chà là xứ Ai Cập không dân chủ nhưng viện trợ chống Mỹ vô tư. Có năm trời nóng đến 40 độ phiếu nhân nhân dân còn được một cân đường trắng chống nắng nuôi dưỡng tinh thần kiên trì nhẫn nại. Chiến tranh xong Mỹ rút đằng Mỹ Liên Xô thắt hầu bao nên miền Bắc xưa nay quen ăn đong giờ há mồm kêu khát miền Nam oán miền Bắc đuổi Mỹ đi giờ Sài Gòn vựa lúa hòn ngọc Viễn Đông phải ăn bo bo sái quai hàm. Biết đâu trên đời này có ai cho không ai mãi mà không đòi lại cái gì. Sao chẳng tự lo thân mà cứ kêu gào đòi đứng một mình?
Bình cứ đi thập thững dọc biển nghĩ Bắc nghĩ Nam lòng thấy trống như nhà không có vách. Một tiếng đàn ông trầm trầm cất lên phía sau lưng Bình. Thưa cô cho tôi hỏi mấy giờ rồi? Quay lưng lại chẳng thấy ai chỉ thấy một cái quán chữa xe đạp che bên trên bằng tấm ni lông ngay dưới gốc dừa. Một người con trai đang loay hoay với chiếc xe mini học trò. Thằng bé ngồi chờ đeo kính cận mặt gầy vêu. Bình trả lời rồi bước đi. Nhưng cái giọng trầm ấm từng trải vừa nghe có gì như ám ảnh. Nghĩ sao cô quay lại. Đứa trẻ đã lấy xe đi. Người chữa xe lau tay vào giẻ nhìn ra biển nói với Bình: coi kìa cô. Nước nôi vô tư lự sao mình khổ hoài...
Đó là câu nói bâng quơ. Như làm quen. Như tự giới thiệu tôi không phải chỉ biết sửa xe đạp. Bình nghe trong âm điệu giọng nói có chút gì xứ Bắc. Vô tư lự. Người Bắc hay dùng mấy từ này.
Cô học ở chỗ kia tôi biết rồi. Hôm nào cô cũng qua chỗ này về nhà khách.
Vậy hôm nào anh cũng ngồi ở đây?
Không. Có lúc gió quá đi vào trong kia. Chỗ có hai cây hoa giấy ngồi cho kín. Toàn là khách quen mà cô. Tụi học sinh tiểu học. Tôi tên Khoa. Làm quen phải biết tên cho dễ gọi.
Mỗi lần sửa chắc chẳng được bao nhiêu?
Tiền thì không có bao nhiêu rồi. Nhưng lại được thứ khác.
Gì vậy anh?
Người thợ sửa xe kéo cái ghế may bằng vải bạt của lính đưa cho Bình ra hiệu cho cô ngồi đó yên tâm đi. Bình ngồi đó và yên tâm đi. Yên tâm thật vì khuôn mặt Khoa rám nắng không mấy điển trai nhưng là người xao động phúc hậu. Một khuôn mặt dễ nhớ dễ có cảm tình. Bình nhìn anh ta và hỏi lại cũng chỉ là hỏi cho có chuyện thôi. Gì vậy anh?
Cũng không có gì quá khó. Người thanh niên trả lời mắt nhìn ra biển. Cô học ở đây gần nửa năm còn gì. Đúng vậy hả? Tôi cũng sửa xe từng ấy thời gian.
Vâng! Bình vâng, lưỡng lự phân vân. Hai điều đó đối với cô đâu có gì liên quan? Cô nhìn anh đăm đăm như đợi câu trả lời. Nhưng anh ta chỉ căn nhà đúc hai lầu, lối nhà đặc trưng của thành phố phía Nam có một giàn hoa giấy phủ kín. Màu hoa tím ngát chói chang. Nhà tôi cô kìa. Ngày nào tôi cũng ngồi trên cửa sổ nhìn ra biển. Cả nhà chỉ còn mình tôi ở lại. Dễ hiểu thôi mà. Bà má tôi với hai đứa em gái ở ngoài kia...
Bình nhìn theo tay anh. Biển lặng ngắt. Thành phố tắm biển thành phố du lịch nhưng ai có tâm trí nào tắm táp thời nay. Bo bo ăn chưa đủ. Lợn nuôi trên sân thượng. Lúc này không có bóng một chiếc thuyền. Việc trở nên tế nhị đến nỗi Bình như nghẹn thở. Anh ấy chỉ má và hai đứa em ngoài kia có nghĩa là họ đã lên thuyền vượt biển. Cũng có nghĩa là họ đã bỏ mạng ngoài đấy. Bình mím môi ngồi im. Người thanh niên hiểu Bình nghĩ gì.
Không. Họ chưa chết đâu. Nhưng họ đã dạt vào nơi nào tôi cũng chưa nghe tin. Tôi không muốn bỏ xứ sở ra đi như họ. Tôi ở lại và ngồi trên cửa sổ nhìn ra. Rồi tôi thấy cô. Ngày nào cô cũng đi một mình. Túi khoác tay. Có điều này, khuôn mặt cô cứ ám ảnh tôi. Cô như không để ý gì chuyện xung quanh. Cô không có bạn. Cô không nhập vào mấy nhóm người ồn ào cùng lớp. Tôi để ý nhìn cô từ trên tầng lầu…
Bình bật cười: anh học văn khoa Sài Gòn hả?
Không.
Sao anh làm văn dữ vậy? - Bình bắt chước giọng Nam Trung Bộ của anh ta và cả hai bật cười. Như vậy có thể là quen rồi vì hình như có lúc Bình cũng để ý tới người sửa xe đạp nhỏ tí trên bờ biển bao la nhưng hôm nay mới bắt chuyện.
Tôi không học văn khoa. Tôi học mổ xẻ. Trường Y ở Huế nhưng chưa học xong thì phải vô lính. Lính quân y.
Năm có sự kiện thành cổ Quảng Trị, Bình đã mon men tới gần với tư cách phóng viên nhiếp ảnh của một tờ báo. Nhưng bộ đội, những người lính chiến đã trải mấy chiến trường làm mặt nghiêm: cô không vào thành được! Càng ngăn Bình càng tha thiết: em chỉ là phóng viên ảnh thôi mà anh! Cô ấm ức rồi òa khóc. Những người lính vẫn không mềm lòng. Bình chỉ ở mấy điểm tập kết thương binh trên bờ sông. Mà thấy bao nhiêu máu đổ bao nhiêu thân hình mất một phần hai một phần ba bao nhiêu đau đớn trên những gương mặt sinh viên đại học còn măng tơ.
Lúc đó phía bên này cũng toàn sinh viên học dở rồi bị bắt lính. Khoa nói. Tôi cũng vậy. Tôi nghĩ đời vậy là tiêu rồi. Cũng như cô tôi không phải vào thành. Tôi ở trạm dã chiến quân y ngoài thành.
Bình nhìn hai bàn tay bác sĩ ngoại khoa. Những ngày đó chắc là máu đỏ lòm? Phải vậy. Không có thời gian để chợp mắt. Tụi nó chết chóc nhiều quá. Thôi. Đừng nhắc chuyện này nữa nha!
Không hiểu sao thành phố trở nên tươi tắn. Như có mưa rào. Như cây cối được tắm gội. Những ngày bước chân tới lớp học của Bình trở nên nhẹ bỗng. Cô khao khát ngày mới để đến lớp. Để lúc về tạt vào quán sửa xe. Nói những chuyện vu vơ.
San, trưởng lớp người thấp đậm vai u dân cày soi mói nhìn Bình. Tình hình phức tạp chưa có trắng chưa có đen. Xấu xa ở khắp nơi len mọi lối! Cô là học viên. Là người Bắc tôi nhắc nhở!
Bình muốn nói với Khoa cái gì đó như sự cần giữ gìn. Rồi lại thôi. Nghĩ ngoài việc hai người đã bắt đầu quý mến nhau như tất cả con người trên thế gian mọi chuyện vẫn là hai luồng nước chưa thể nào chảy chung dòng.
Bình không thể nào đừng được khi không ngồi chút xíu với anh. Mỗi buổi chiều. Gió biển trở nên lồng lộng hơn. Nước triều dâng cao. Đã nói với nhau từ anh và em. Đã nhìn mắt nhau để có khoảng lặng dài.
Thỉnh thoảng lớp học được phân phối mì ăn liền. Xà phòng. Vải. Thuốc đánh răng. Mỳ ăn liền được một hộp Bình đem đến chỗ chữa xe đạp. Khoa nhìn hộp mì độ ba ký, cái nhìn nghiêng nghiêng hóm hỉnh. Bình bảo em chẳng có ai để mà gửi. Ăn ở lớp rồi em lại không quen ăn đêm. Thôi vậy cứ để anh ăn cho! Khoa gật gù hài hước.
Cả hai cười xòa. Hộp mì cũng giải quyết cho Khoa mấy ngày. Không tem phiếu ăn mãi thứ bo bo hai mắt cũng như mờ đi. Thuốc đánh răng nữa này, anh! Vô lẽ em không đánh răng? Em còn hai hộp. Dùng hết lại phân phối đợt khác… Đừng nói dối đó nghen…
San họp lớp. Căng thẳng phân tích tình hình trong nước rồi thế giới. Thời đó người ta thích nghe thời sự. San nhìn vào chỗ Bình ngồi. Dùng từ đồng chí. Chúng ta còn thiếu thốn. Nhân dân dành cho ta chút gì là để nâng cao sức khỏe phục vụ lại nhân dân. Các đồng chí nên cảnh giác cao độ không thể đem bán hoặc cho… San không nói hết.
Bình đợi San ngoài cửa. Này anh San. Tôi được phân phối tôi không ăn tôi cho ai là quyền của tôi. Anh mà đặt điều nói vớ vẩn tôi cũng có chuyện tố cáo anh.
Chuyện này Bình biết từ lâu. San hay bớt xén các thứ phân phối cho lớp đem bán cho mụ Quới ngoài chợ chiều giá chợ đen. Có lần Bình bắt gặp khi anh ta đang mặc cả không biết là Bình đứng sau thùng hàng… San im một lúc rồi đuổi theo Bình. Cô không nên hiểu lầm tôi. Tôi muốn giữ cho cô. Có dư luận cô gặp gỡ với người lạ.
Ai lạ. Tôi hay tới chơi chỗ anh Khoa chữa xe đạp. Ai cũng thấy. Anh ấy là gia đình cách mạng. Còn chi không? Bình không đợi San kịp nói gì bỏ đi một mạch.
Khoa đã có lúc nói với Bình về cha mẹ.
Anh có tập trung cải tạo nửa năm. Anh chỉ là bác sĩ chưa có bằng đeo lon trung úy nghề nghiệp hiền lành quân đội nào cũng cần đến. Anh chẳng làm gì nên tội. Ông già anh nhảy núi làm cách mạng từ năm anh mới lên mười, còn hai đứa em lít nhít má nuôi. Giờ ba anh đang làm ông vừa vừa chứ không lớn không nhỏ trên tỉnh. Má anh bảo ông bỏ hết đi qua bên kia làm ăn chứ thế này tôi chịu không nổi. Hai người cãi nhau hôm đó anh ở nhà nghe má khóc ba kết tội vì bà buôn bán nên ảnh hưởng đề bạt đời tôi coi như bỏ vì bà! Nói lúc giận quá vậy chứ ông già anh hiền khô. Má nổi cơn tam bành gom vàng đưa hối lộ rồi gom hai con em gái bắt lên thuyền. Bảo anh đi. Anh làm sao đi được. Gia đình tưởng là êm thấm khi hết đánh nhau ai dè lại thế này. Anh buồn lắm!
Bình thường nhìn anh đăm đăm. Đăm đăm thông cảm. Cô đưa tay cho Khoa. Bàn tay Khoa ấm nóng mạnh mẽ đúng tay bác sĩ ngoại khoa phải khâu phải mổ xẻ phải cắt những đường cương quyết. Không có yếu đuối mềm mại vô dụng như tay các gã đàn ông đẹp mã gà trống nhiều màu.
Một buổi tối bàn tay ấy kéo Bình lại gần. Dưới cửa sổ nhà Khoa. Dưới dàn hoa. Như mọi chuyện lãng mạn trên đời. Nhưng ở đây là gay gắt, là lựa chọn, thậm chí là chết chóc.
Đi với anh. Anh chuẩn bị xong rồi!
Anh bỏ ba ở lại sao?
Không. Qua bên đó anh tìm cách liên lạc rồi đón ba. Anh không đành lòng khi má với hai em dạt vào đâu đó.
Không được đâu anh ơi. Anh không biết họ ở đâu. Bên kia là chỗ nào? Là châu Âu - là châu Phi. Là Mỹ. Mênh mông bể sở mà anh. Anh cứ ngồi đây họ sẽ tin về cho anh rồi hãy tính sau.
Anh không chờ được nữa. Mấy tháng qua anh cứ dùng dằng vì em đó. Em làm sao mà biết?
Em không biết gì về chuyện đó nhưng em còn một lô dây dợ nhằng nhịt. Chuyện ra đi lúc này còn gay lắm em đi để lại bao nhiêu phiền toái cho mọi người.
Khoa im phắc. Rồi nói ra như ấm ức. Em biết không. Anh thấy em đi qua đi lại chỗ này. Vậy là anh sắm đồ nghề ra sửa xe. Anh muốn có em. Anh không thích bỏ xứ ra đi một mình. Đi như thế xui xẻo không có đường về. Anh chờ đến hôm nay. Điều này thật quan trọng này. Anh yêu em.
Bình nhắm nghiền mắt hít mùi thuốc lá cuộn trên vai áo kẻ ca rô bạc màu. Cô cũng thốt lên như đã kìm nén quá lâu. Em cũng yêu anh!
Nói được điều đó ra thật dễ dàng cho cả hai. Dường như chỉ còn có thế là họ chưa nói với nhau. Khoảng cách trở nên giản dị dễ hiểu. Bất trắc dăng đầy trên đầu trên mặt đất nhưng nếu yêu nhau điều đó không còn dễ sợ. Anh yêu em quá. Em cũng vậy anh à. Vòng tay ôm siết ngang cái eo nhỏ xíu vì kham khổ vì cô độc. Mắt Khoa nhòa nước khi Bình xúc động nép vào vai người con trai ở vùng trời hoàn toàn khác với vùng trời cô quen thuộc. Nghĩ tới ba của Khoa Bình thấy ấm lòng. Bình đã sợ. Cái gì cũng đã sợ hãi hốt hoảng. Suốt những tháng năm tuổi trẻ nỗi sợ đè nặng con tim nên tình yêu này cũng khiến cô thấy có gì bất ổn. Mà không phải. Nó làm cô áy náy mỗi khi nghĩ tới nơi Khoa tìm đến. Không. Em không theo anh được!
Một tuần lễ trôi qua. Khoa vẫn sửa xe. Bình đi học qua vào ngồi với anh. Chuyện không còn vu vơ nữa mà là thân thiết. Đêm qua em lại không ngủ hả? Vâng. Mấy hôm nay mất ngủ. Còn anh sao? Ăn uống gì chưa? Còn gì ăn không?
Ông già mới gửi cho ít gạo. Anh nấu nồi cơm điện ăn cả ngày…
Không ai nhắc chuyện ra đi của Khoa. Nhưng trong những khoảng lặng giữa hai người Khoa nhìn Bình. Cái nhìn chờ một câu trả lời. Chờ một động tác gì đó. Mỗi lần Khoa nhìn vậy Bình lảng tránh cái nhìn của anh. Bình nhìn ra biển lúc đó mắt mờ mịt nước nên biển như không có màu gì. Chỉ là một khoảng không. Thật đáng sợ nếu xông pha ra cái khoảng không kia. Thôi thì nhờ trời.
Cái tình yêu của hai người thời đó nó trong suốt như sứ Giang Tây. Nó mỏng đến mức vừa yêu anh Bình vừa hồi hộp. Lại vừa thấy đời rất có ý nghĩa. Khoa cũng đau khổ vì Bình không nghe theo anh. Nhưng anh như mới ra. Mập thêm một chút và anh đã cạo râu, đã thay sơ mi hàng ngày. Anh rổn rảng trò chuyện với lũ học trò sửa xe. Không còn âm thầm như bóng trên tường. Một buổi trưa anh thì thào: vào nhà anh nghen. Tối nay anh đợi em.
Bình hốt hoảng như nghe chuyện tày đình.
Không được đâu anh. Lớp điểm danh tối. Em sợ lắm.
Đang cầm cái kìm Khoa ném một cái rất mạnh xuống đụn cát. Cát tung lên người Bình.
Tôi không hiểu được các cô. Các cô sống không có chút kiêu căng nào. Bản thân cô xinh đẹp thông minh. Nhiều người trong các cô như vậy. Sao lúc nào cũng co vai lại. Lúc nào cũng sợ người khác nhìn vào cái áo của mình. Sợ đánh giá. Sợ kiểm điểm. Điên khùng!
Bình cũng đứng bật dậy. Giận run lên.
Thế đấy. Thế nên họ muốn gì họ đã làm được. Tôi kinh ngạc khi ngày ấy ngồi trên xe thấy các anh chạy như vịt. Như một đàn vịt khi người ta giơ cây sào lên. Chạy một cách đáng xấu hổ. Nếu là tôi không bao giờ tôi chịu chạy như thế. Thà chết còn hơn. Các anh đã kiêu hãnh quá mà. Quá ve vuốt bản thân, quá thụ động chứ đâu có tự mình làm được gì…
Hai người đứng trút tất cả uất ức vào nhau. Bình bỏ đi. Khoa hét theo: quay lại. Tôi chưa nói hết. Này Bình. Anh biểu quay lại. Anh xin lỗi. Quay lại đi em!
Câu cuối Khoa gọi như có cả nước mắt đàn ông.
Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời Bình đã không co vai. Chín giờ tối điểm danh xong, Bình ra khỏi phòng không nói gì với mấy người cùng phòng. Chạy dọc con phố biển đêm Bình nghĩ mặc kệ mọi chuyện trên đời. Muốn ra sao thì ra. Bình đến bên cánh cửa sắt. Bấm chuông. Rất lâu. Nửa tiếng trôi qua căn nhà im ắng. Bình đứng như chôn chân một chỗ. Người lạnh toát vì gió biển. Thân thể cô đã mềm lại, đã không còn căng thẳng do sợ hãi. Nếu cánh cửa kia mở ra, có thể một đời sống khác thường sẽ khiến cô đổi khác. Nếu cánh cửa kia mở ra cô sẽ lao vào tay anh. Cô đã ao ước. Anh đã chờ đợi. Nhưng cô chưa làm được và bây giờ không còn dịp để làm.
Bình ra về như đang ngủ mà vẫn biết đường để đi. Mấy người cùng phòng không hỏi han. Họ chỉ lặng lẽ đỡ cô nằm xuống. Xoa dầu gió vào gan bàn chân. Đắp khăn nóng lên cái trán lạnh như đá trên khuôn mặt tái nhợt. Từ phút ấy Bình cảm thấy người ta đã tự cho phép sống riêng cho bản thân. Không thể lúc nào cũng phải báo cho người khác biết mọi chuyện.
Ngày hôm sau dự báo thời tiết có giông to. Đêm đó trong nhà khách mọi người huyên náo lạc rang bia hơi vì lớp học kết thúc. Ai về cơ quan nấy. Ba miền rải rác nên cũng ít dịp gặp lại. Bình ngồi trong đám đông mà nóng lòng nóng ruột. Từ tối qua tới giờ không gặp Khoa. Không thấy anh ngồi sửa xe đạp. Cổng đóng kín hoa giấy rụng làm mặt sân tím như bôi màu. Mà giông gió sắp nổi lên.
San diện áo phông đỏ vai càng u to. San len đám đông ngồi cạnh Bình.
- Sắp xa nhau rồi giận anh mãi à?
- Không. Tôi tiếc là không còn thời gian để anh theo dõi tôi. Tôi về Bắc anh về Trung vậy là xong nhé.
- Nếu muốn thì cái gì mà xong được?
- Anh nói thế là thế nào?
Bình sửng cồ. Cả bọn đang huyên náo vội im nhìn hai người. San dịu mặt như bông lơn như không có chuyện gì. Thôi mà. Làm hoa cho người ta hái với chớ. Phải hỏi vì sao người ta để ý tới mình rồi hãy giận dỗi. Cái giọng giả dối của gã vai u thợ cày càng làm Bình tuyệt vọng. Cô đứng vụt dậy. Kệ anh. Anh nghĩ gì mặc xác anh đừng có bám theo tôi nữa. Đồ điên.
San định dùng hơi men gây sự. Nhưng nghĩ mình là lớp trưởng. Lại sắp giải tán lớp. Có gì sẽ tính sau. San quay qua nói với đám đông:
- Vậy là mình xui rồi phải không các bạn. Chà. Xui quá!
- Chuyện thường mà anh Hai. Một giọng Nam Bộ dễ thương xoa dịu không khí. Chàng trai nói câu này có nét hao hao giống Khoa làm Bình chợt nức nở khóc. Ngồi giữa những người có thể nói là xa lạ Bình chẳng thể giữ gìn. Nước mắt thi nhau chảy giàn dụa. Không ai có thể hiểu rằng Bình đang tự cắn rứt. Bình sợ cái khoảng không kia không dám lao ra đó hay sợ cái gì? Giữ cái gì đây? Bình có gì nhiều nhặn đâu mà giữ gìn đến thế? Bình chỉ có một cái giường trong phòng tập thể. Một cái vali cũ quần áo đơn sơ. Một vài cuốn sách. Những buổi chiều lạnh ngắt trong nhà ăn tập thể. Có gì đâu?
Suốt đêm đó biển ào lên những đợt sóng dữ dội đen ngòm. Những cây dừa cạnh nhà khách vặn vẹo. Có một cây dừa cao tuổi gần cửa sổ Bình ngủ gẫy gục. Cây dừa đổ vào đường điện làm toàn bộ nhà khách chìm trong bóng tối. Mấy đứa con gái rú rít vì sợ túm tụm vào một phòng đốt cây nến to. Bình nằm dán mặt xuống đệm như ngủ. Nằm im một tư thế suốt đêm. Khi Bình nhìn ra biển đã lặng gió. Biển trắng đục mịt mờ. Rồi Bình vùng dậy như đi tập thể dục buổi sáng. Bờ biển vắng như trên hành tinh lạ ngổn ngang cây cối gục vì cơn giông. Có một cây dừa đổ vào chỗ mọi hôm Khoa vẫn chăng dây ngồi sửa xe. Nhà anh vẫn im ắng. Đám hoa giấy như trút xuống kín mặt sân lát gạch. Bình nắm tay vào thanh sắt lạnh ở cánh cổng. Vậy là mình để anh ấy đi một mình. Bỏ xứ ra đi mà không có ai bên cạnh! Trận cãi nhau không làm Bình buồn. Nó khiến cô yêu anh hơn, như khám phá trong phẩm chất anh có gì kỳ lạ còn hơn cả sự can đảm.
Người ta đang tao tác chạy về một doi cát gần bờ. Người nọ gọi người kia. Phút chốc một đám đông bu kín cái gì đó. Bình thót tim. Hình như có ai chết? Có ai dạt vào bờ. Chắc thế rồi! Bình chạy tới gần mà không dám xông vô. Cô kéo tay một bà già đang trở ra. Không cần Bình hỏi gì bà đã lu loa dường như cho cả những người đang chạy xuống cùng nghe. Hai người. Hai người ôm nhau. Mấy cô này còn trẻ.
Bình ngã ngồi xuống cát không thể nói không thể đi được. Cứ ngồi như thế cho đến khi xe cấp cứu bệnh viện hú còi từ bờ chạy xuống bãi cát.
Bình trở lại thành phố sau đó hai năm. Gặp ba của Khoa. Ông không mấy giống con trai. Ông điềm tĩnh không hoang mang lay lắt như Khoa. Bình kể chuyện về Khoa. Ông chậm rãi pha nước chậm rãi nói cái thằng tính nó ương gàn lắm cô ơi. Tôi đi công tác anh em nó ở lại thành phố rồi ảnh hưởng tánh má nó. Muốn gì làm nấy không nghe ai can gián bao giờ.
Bây giờ sao bác? Cả nhà đi rồi bác có đi không?
Tôi đi sao được mà đi? Đường tôi khác hẳn đường má nó với hai đứa con gái. Thằng Khoa thì mập mờ nửa tôi nửa má nó giờ cũng đi. Tôi đổ máu cách mạng vô lẽ rồi tôi cũng đầu hàng? Vợ con thì thương thì xót nhưng họ đi tìm sung sướng mình can thì mình có gì cho họ ăn no mặc ấm? Giai đoạn khó khăn quá mà cô! Thôi thì nhờ ông trời che chở cho họ. Tôi cũng quen sống không có má nó với bầy trẻ từ khi vô rừng mà cô.
Ông nhìn ra biển. Cái nhìn không mông lung như Khoa. Ông nhìn tỉnh táo rồi bảo dù sao thằng Khoa cũng khiến tôi lo nhất. Nó như con sóng mà cô. Lúc lành lúc dữ không lúc nào chịu yên…
Bình trở ra Bắc về căn phòng tập thể nhét tới bốn bà trong mười hai mét vuông. Một cô đi lấy chồng còn lại Bình với hai người trên ba mươi chưa có ai nhòm ngó. Nhìn họ bắt đầu úa héo với xếp hàng với đổi tiền với lạm phát… Bình lo sợ. Mới hai mươi bảy tuổi nhưng nếu không gật đầu đại đi Bình cũng sẽ héo khô rồi người ta nhìn vào thương hại cho là mình vô duyên vô phúc. Cái xứ này nó còn khủng khiếp đến thế. Nếu là người hoàn chỉnh thì phải lấy chồng. Nguyên cái sự mọi rợ đó cũng đủ cho người ta chán tận cổ… Bình mặc áo dài trắng ôm hoa lay ơn trắng theo chàng trai cùng tuổi về làm dâu phố cổ trong một ngày đầy sương y như biển mờ mịt. Cô thổn thức nhớ Khoa thổn thức lo sợ bất trắc cướp đi người đàn ông có lẽ là duy nhất hay, duy nhất yêu cô.
Lại gần mươi năm sau Bình trở lại thành phố của Khoa. Hàng hóa bây giờ không chỉ có Đài Loan Hồng Kông Nhật Bản mà là của mọi xứ trên trái đất cần gì cũng có. Thành phố như cái siêu thị sáng choang đèn màu. Ngoài biển cũng sáng đèn tàu du lịch. Dân da trắng da đen đeo ba lô thong dong thăm thú. Căn nhà hai lầu đúc của Khoa bây giờ mở quán cà phê. Không còn dấu vết nơi Khoa chăng ni lông chữa xe đạp. Dàn hoa giấy chẳng còn. Cũng chẳng còn cái cửa sắt vì người ta đập bức tường bày bàn ghế chăng dù ra tận vỉa hè.
Ba của Khoa vẫn nhận ra Bình. Mắt ông đỏ kè khi nhắc đến con trai. Không thấy nó cô à. Má nó quay lại, giờ tụi tui cho thuê quán mở cà phê tháng vài triệu sống khá. Hai em gái nó định cư ở Mỹ. Cũng khá cả. Còn nó vẫn không có dòng tin.
Nhưng Bình vẫn nghĩ Khoa không thể biến mất. Trong thâm tâm Bình chắc anh đã dạt vào đâu đó làm bác sĩ phụ cho một phòng mạch rồi nghiên cứu chuyện mổ xẻ anh đã say mê từ chiến tranh. Nếu yêu nhau người ta phải có linh cảm gì đó thật đặc biệt khi người kia gặp nạn. Bình không có linh cảm đó. Bình thanh thản khi nghĩ tới anh. Bình chuyển sang kinh doanh khách sạn từ thập kỷ chín mươi. Nhiều lần cô đi theo lời mời của các hiệp hội khách sạn đến những xứ sở xa nhất to nhất giàu nhất. Ở đâu cũng có đồng bào. Từ những hòn đảo mù mịt ngoài đại dương đến thành phố lớn. Ở đâu Bình cũng nhìn vào từng người. Tìm kiếm. Chờ một tiếng ai đó gọi tên. Tuyệt nhiên không có.
Một lần ở Ohio. Mùa thu thiên đường trùm lên thành phố màu đỏ rực lá phong. Trong quán sách một trường đại học Bình đang tìm mua mấy cái đánh dấu sách bằng đồng. Một người đàn ông khoác áo lạnh đội mũ dạ đi vào quán. Người Việt. Nhìn là biết. Ông ta tìm cuốn sách trên giá. Bình cảm thấy được ánh mắt liếc xéo của ông về phía Bình. Ông còn trẻ người đàng hoàng, có vẻ là dân đọc sách chứ nếu không ông đã định cư ở thành phố lớn như phần đông người Việt. Để buôn bán. Để có được sự đông vui chứ người mình đâu có thích vắng vẻ. Chắc ông dạy học ở mấy trường đại học gần đây. Bình thấy tim đập dồn. Chẳng lẽ… Có thể nào. Cái dáng dấp kia cùng với kiểu nhìn nghiêng. Bình đau lòng chờ đợi.
Ông ta mua sách xong, tính tiền rồi lại quầy lấy một tách cà phê nóng. Ông ngồi gần cửa sổ đọc. Nhưng Bình vẫn cảm thấy cái liếc xéo của ông. Có lẽ không phải rồi. Nếu là Khoa anh không thể dửng dưng dù anh muốn lẩn trốn quá khứ. Nếu là Khoa anh ấy không thể để Bình đau đớn như thế. Bình chọn xong mấy cái đánh dấu sách có hình lá phong cho mấy đứa con ở nhà. Bình cũng lấy một tách cà phê. Cũng kéo cái ghế nệm dầy lại gần chỗ người đàn ông. Ngồi và nhâm nhi li cà phê…
Quán sách kiêm cà phê sực nức mùi thơm quyến rũ như các quán cà phê xứ lạnh. Vùng Ohio xa cách thành phố lớn. Nó ở tít trên phía Bắc giáp Canađa. Bây giờ là tháng mười một mùa thu. Chỉ hơn một tháng nữa là tuyết. Tuyết sẽ trĩu nặng mái nhà và người ta thích ngồi bên lò sưởi đốt bằng củi thông. Ở xứ xa xôi gần cực Bắc con người thong dong sống. Và lịch sự. Và trang nhã thong thả khác một trời một vực với những bến tàu điện ở Newyork.
Nếu Khoa còn sống nhất định anh sẽ ở những thành phố thế này.
Bình uống hết cà phê trong tách gốm. Cầm thật lâu cái tách còn nóng trong bàn tay nhỏ nhắn đeo găng len mỏng. Cô không thể nào kìm được nỗi tuyệt vọng đang dâng lên. Mắt mờ đi, Bình can đảm nhìn thẳng vào người đàn ông đọc sách. Ông ta nhấp ngụm cà phê. Chăm chú giở một trang sách. Bình định cất tiếng chào như một người cùng xứ chào đồng bào gặp tình cờ. Nhưng ông ta quá chăm chú với việc đọc và uống cà phê. Bình thấy mình vô duyên. Đành thôi vậy. Nặng nhọc đứng lên đầy phân vân ngờ vực. Nhưng khi bước ra cửa Bình bất chợt quay lại. Người đàn ông đang nhìn theo cô. Bắt gặp sự quay lại của Bình, ông không đổi tư thế nhưng đưa mắt nhìn hướng khác.
Bình ra ngoài đường. Đường nhựa đen nhẵn, bãi cỏ như nhung. Tất cả phủ lá phong như tấm thảm đỏ rực. Người ta để lá rụng cho đẹp chứ không dọn đi. Một tốp thanh niên má đỏ au chạy ào qua. Bình khóc òa lên. Cố giấu khuôn mặt nhòe nhoẹt nước vào tấm khăn quàng mỏng.
Bao nhiêu năm qua rồi sao Bình vẫn cảm nhận được mùi thuốc lá trên đôi vai rộng. Vẫn cảm nhận được bàn tay bác sĩ ngoại khoa của anh dành cho những đêm hai đứa đứng dưới giàn hoa giấy. Bình đã thả neo hoàn toàn bình yên trong những buổi tối nghe được cả cánh hoa giấy rơi khi hai đứa hôn nhau. Khoảnh khắc đó hiếm hoi. Còn lại là sợ hãi. Nỗi sợ chiếm trọn thời gian. Cũng chẳng hiểu vì sao yêu nhau mà người ta phải hãi hùng đến thế.
Có lẽ vì thế mà đã cãi nhau to. Đã trút uất ức vào nhau. Rồi chia cắt.
Thiếu phụ đi dọc con đường lá đỏ vàng rực rỡ. Sao trên trái đất lại có nơi đẹp đẽ thế này?
Thiếu phụ không quay nhìn nhưng biết ánh mắt người đàn ông trong hiệu sách vẫn dõi theo. Có lẽ không phải là Khoa thật dù thời gian quá lâu người ta biến đổi nhiều lắm.
Có lẽ ông ấy cũng ngờ ngợ mình với ai. Ông ta cũng có một câu chuyện. Có lẽ vậy…
VanVN.Net – Những câu chuyện xung quanh đời sống thường nhật ở thành phố, ngột ngạt vì bụi đường và khói xăng, chen chúc vì tham vọng và kỳ vọng… Có phải vì thế mà con người trở nên thờ ơ trước nhau? Không, đúng hơn là họ quan sát và quan tâm đến nhau theo một cách riêng. Một câu chuyện được kể lại từ quá khứ, mà nỗi thổn thức thì mới nguyên, thường trực như có thể bật ra bất kì lúc nào… Bởi lẽ, tình yêu có sinh mệnh riêng, quy luật riêng không dễ lí giải... Nhà văn Lê Minh Khuê đã chọn cách dẫn người đọc đi hết câu chuyện của mình qua những lối rẽ đầy lôi cuốn và hấp dẫn.
Nhà văn Lê Minh Khuê
Trong ghế bành
Phúc ngồi. Như là vô tâm. Như hờ hững trong chiếc ghế bành sâu mà cả nhà đều thích. Mua từ món tiền thưởng của Phúc. Trong vụ ký kết hợp đồng có đi có lại ma ma mãnh mãnh của thói làm ăn thời nay. Ngoài cửa sổ có mưa. Gió giật tung rồi đóng sầm cánh cửa. Phúc ngồi sâu hơn. Tạp chí Đàn Ông trong tay. Cái cách ngồi sâu trong ghế bành ấy làm người ta như con thỏ nấp trong bụi cây. Chả muốn giương vây cánh với ai.
Mai rất biết cái cách ngồi đó của chồng. Sống với nhau gần chục năm. Chỉ cần nghe tiếng đi lên gác là biết hôm nay buồn hay hí hửng? Lúc này Phúc chưa giục giã gì. Mai cũng chán. Mai vào phòng ngủ.
Lọt qua mấy cánh cửa khép hờ nửa sáng nửa tối giọng của Phúc trả lời sau hồi chuông điện thoại thứ ba. Lời hẹn hò gì đó. "Được rồi. Rõ rồi. Ăn vào sáu rưỡi chiều. Ăn xong anh còn có việc. Không lo. Ở nhà hôm nay cũng đông người. Anh sẽ nói là bận việc cơ quan. Thế! Sáu rưỡi anh có mặt. Có cả mẹ em. Ôkê! Ba người thành tiệc lớn!"
Mai nghe rõ. Cũng rõ cả bên kia. Kim Hiên. Tên tuổi quê mùa nhưng xinh lắm. Mai biết rõ. Tốt nghiệp đại học thi được vào công ty Phúc. Cả công ty toàn những chàng trí thức lấp lánh xao xác vì số vòng eo của nàng. Vì đôi mắt mênh mông. Vì cái vẻ thanh nhã không có gì chung với đám con gái đi lại như mắc cửi ở các văn phòng, ở sân bay, ở khách sạn. Bọn họ váy xống giống nhau. Tóc môi giống nhau. Nghĩ ngợi giống nhau. Các cô gái quê ra thành phố xăm xăm vào cửa nào cũng lọt. Những bước đi đầy vụ lợi. Hoạch định rành rẽ trong mọi ứng xử. Nhiều cô mạnh như một tiểu đội chinh chiến thương trường.
Kim Hiên không giống thế. Nàng không phải loại gái thông minh rành rẽ làm tất cả để đạt mục đích. Xong việc trả ơn sòng phẳng ngay tắp lự rồi cắt đứt luôn các thứ lằng nhằng tình cảm mất thời gian. Kim Hiên không như thế. Nàng ngơ ngơ đến đàn bà cũng cảm thấy thân thể nàng thanh khiết.
Nên mấy anh chàng chưa vợ bàn tán sau lưng. Những ông có vợ mà không có "tình yêu" - ông nào chả thế, cũng ôm sầu ôm mộng. Ước gì chưa phải vướng chân. Tuổi hai hai của Kim Hiên mà Mai đã qua, Mai biết, tuổi đó nhìn đàn ông như nhìn ông thánh, nhất là khi anh ta xấp xỉ tuổi bốn mươi.
Phúc bốn mốt tuổi. Phúc mặc quần bò rộng. Túi ở hai bên hông, túi ở trên đầu gối. Áo thun. Mũ mềm may kiểu giải phóng quân. Anh ngồi trên xe máy, không phải là ông thánh thì cũng là ông tướng làm các em đau lòng.
Kim Hiên nhìn thiên thần cao lớn đi qua trước mặt. Nàng nuốt nước mắt vì ngưỡng vọng. Dạy thế nào được. Cái tuổi đó nó phải vậy... Và nàng tức thở khi Phúc mời qua bên kia đường uống trà nóng, trà lạnh. Nhân tiện xem em ra sao. Nhân tiện buổi trưa ngồi ở văn phòng thấy tẻ. Mời đi xem phim tìm cảm giác thời trẻ ngồi bên thiếu nữ mùi thơm tự nhiên từ mái tóc. Nhân tiện có vé mời. Lại nhân tiện hôm đó trời không mưa. Tha hồ cho thiếu nữ chơi vơi.
Mai biết hết. Không ghen nhưng vẫn biết. Mai thấy lo lo như đứa con gái mình đang bị đùa giỡn một cách vô tâm. Rồi thất vọng thế chui vào đâu mà kìm nén đau khổ? Có lẽ đã hàng trăm lần Phúc nói với Kim Hiên: anh yêu em mà. Để vỗ về cô bé. Để nước mắt khỏi trào ra mi nó nhìn thấy phiền. Cũng có khi Mai tưởng tượng chồng mình rút ví mua cho Kim Hiên lọ nước hoa. Loại Magie Noire của Lancome giá năm trăm ngàn đến một triệu. Nhưng lại gạt ngay ý nghĩ đó. Chả đến nỗi xả lòng như thế. Phúc cũng là người tỉnh như sáo khi nhìn đống tiền. Lạ gì khi làm xong cái nhà cứ nhấp nha nhấp nhổm tính toán: đất này ta mua riêng đấy! Các cậu chỉ ở nhờ. Trong một phút nào đấy thấy mình quan trọng thế thôi. Rồi lại quên đi. Vụ nước hoa cũng quên đi.
Còn chuyện kia. Cũng không nốt. Đã từng có lúc ngồi gần vợ. Lút đầu trong chiếc ghế bành đọc cho Mai nghe. Ở đâu đó có một ông trí thức viết rằng ngày trước thân thể con người cảm nhận sex như cái gì tuyệt vời nhất. Những phút đó trôi qua như những bước cha cha cha dồn dập quyến rũ mà lành lặn. Nhưng bây giờ khi có AIDS, nó - sex ấy, trở nên bẩn thỉu và chết chóc.
Đọc rồi ngoái lại sau bảo Mai:
"Chả dại gì em ơi. Anh không phải lũ thiêu thân lao vào đám cave hôi hám. Anh cũng không tò mò của lạ để rồi ngay ngáy nghe máu mình đang tải lũ rệp. Cầm tay cầm chân chả chết ai. Anh lang thang quán xá cà phê cà pháo nhưng em ơi, cái tính gọi là trách nhiệm của anh nó yếu như đèn trước gió chỉ đủ xài cho em với thằng cu. Xài tàm tạm vậy thôi chứ không thể sẻ cho ai. Tin anh đi vợ yêu!"
Mai tin thật. Cả cái cách vợ chồng chăn gối. Nhiều khi anh chẳng có chút mồ hôi. Nhiều khi ngáp. Nhiều khi nằm ườn chờ đợi rồi ngủ. Trông mà buồn. Không lãnh cảm cũng ra đứa lãnh cảm. Mai thường ngủ quay mặt vào tường. Chăn trùm kín. Khi không quay sang nằm với con cho yên chuyện. Thằng con đến tuổi tò mò cũng chẳng có gì để nhìn nữa. Cho qua luôn. Và tuổi thơ của nó trôi bình yên.
Nhưng rồi khi có Kim Hiên, Mai thấy chồng nhúc nhắc. Cũng chỉ đến thế sao?
Buổi chiều thứ bảy. Nghỉ ngày này buồn mãi rồi quen. Thấy có thêm thứ bảy thêm việc. Mai đi chợ. Mua một con cá chép tươi. Rau sống. Hành củ to. Mùa đông đến mua hành củ to. Mai biết chồng có hẹn ăn cơm ở nhà Kim Hiên. Đã hẹn sáu rưỡi chiều. Lời hẹn ấy lọt qua cánh cửa khép hờ. Mai bỗng thấy mình hồi hộp. Không hiểu sẽ ra sao với lời hẹn như đinh đóng cột kia. Mai đã đi qua tuổi thao thức suốt đêm, lo âu suốt một ngày để chờ đến buổi tối. Chải tóc thơm. Vin lại tấm màn cửa. Xoay xở đặt lọ hoa. Chốc chốc nhìn qua cửa sổ. Tim đập 120 nhịp phút... Cho đến khi có tiếng xe máy... Những giây phút đó đến với Mai đâu khoảng bốn lần trong đời thiếu nữ. Những người trai kia đến rồi đi. Những chờ đợi kia cứ bùng cháy rồi lại tắt. Cho đến khi Phúc xuất hiện. Nhìn thấy anh Mai nghĩ: cũng được quá...
Bây giờ cô bé Kim Hiên bắt đầu chờ đợi.
Người đàn ông điển trai. Có gia đình. Sự từng trải luôn làm thiếu nữ ngưỡng vọng. Mai chỉ lo. Không ghen. Cứ đứng thật lâu xem mình có chút ghen tuông nào không. Không. Hoàn toàn không.
Mai bắt đầu nấu dấm cá. Cho nước sôi mới thả cá vào. Mẹ đã dạy như thế. Sau đó mới là các thứ gia vị. Hành mùi. Thằng con 13 tuổi đã nói giọng ồ ồ. Chạy thật nhanh từ ngõ vào nhà. Nó hét: bố! Mượn được phim "Nỗi ám ảnh giết người” rồi!. "Vậy hả? Ăn cơm xong mình xem. Rủ mẹ nữa nhé. Phim này hay đấy. Phim kinh dị có nhạc của Be la Bác tốc". Mai không hiểu âm nhạc. Nhưng Phúc thích phần nhạc đệm trong phim. Thằng cu thích những pha đánh đấm. Thích những hồn ma hiện lên ở cuối cầu thang. Ở trong rừng.
Mai dọn cơm. Bia hai hộp. Canh cá. Cả món nem. Thấy Phúc bỗng nhìn đồng hồ đeo tay. Rồi nhìn đồng hồ treo tường. Đã sáu giờ mười lăm. Nhưng Phúc lơ đãng rót bia. Còn có 15 phút. Từ đây đến nhà Kim Hiên đi xe máy phải mất 20 phút. Bảo rằng không ghen nhưng có lần Mai đã thử đo đồng hồ xe... Cơm xong, thằng cu mở máy. Phúc ngồi trong ghế bành xem phim. Ở bếp nhìn ra, Mai thấy chỏm đầu của chồng, như nhìn rõ mặt anh. Anh đang ngủ la đà. Vừa xem vừa la đà yên phận. Cái vẻ đâu vào đấy của Phúc làm Mai chán ngán. Hẹn mẹ con người ta sáu rưỡi chiều. Có biết thế nào là chờ đợi không?
Ngày chủ nhật, Mai vô ra lau nhà. Quét tước mạng nhện trên trần. Phúc nằm ườn nhìn vợ làm. Khen: em lao động trông trẻ ra đấy. Có cần anh giúp gì không? Không. Em làm một mình thôi. Mạng nhện bay đầy nhà. Mai bảo anh ra ngoài cho em quét. Phúc đi lấy xe máy: anh lại nhà thằng bạn. Anh đừng uống bia nhiều. Mai dặn theo chồng lòng thấp thỏm: chắc đến nhà Kim Hiên xin lỗi! Nhưng đến bữa ăn, Phúc về đúng giờ. Lại ngồi trong ghế bành sâu đọc báo. Điện thoại réo hồi chuông thứ ba cũng không đứng lên. Mai phải chạy vào cầm máy alô. Nhưng bên kia im bặt. Rồi máy đặt xuống. Tiếng đặt máy đầy thất vọng. Nghe hơi thở nhẹ trong máy, Mai thấy vẻ mong manh con gái nhà lành. Mai bực bội vừa rửa bát vừa nói:
- Hôm qua em nghe anh hẹn trong điện thoại là ăn cơm ở nhà ai sáu rưỡi chiều...
Một tiếng cười thờ ơ: hẹn vớ hẹn vẩn ấy mà.
- Anh hẹn đúng sáu rưỡi chiều. Em nghe anh hứa. Sao không nói là bận cho người ta đỡ chờ?
- Không thấy đến thì ăn chứ có việc gì mà phải quan trọng?
Mai lẳng lặng quay lại bếp. Nấu nướng vất vả nhé. Mua bia mua rượu nhé. Vắng vẻ hai mẹ con chờ đợi. Đêm mùa đông nhé. Cho chết cái thói vẩn vơ. Ai bảo đi gửi lời hẹn vào cái cột gỗ. Kể thì chẳng đáng thương. Sao cái giống đàn bà lại ngu thế?
Phúc đi lại bên Mai. Làm ra vẻ cười cợt: con gái nó hẹn anh đấy. Anh không đến là có lý. Mà sao không ghen nhỉ? Con gái hơ hớ đấy!
- Thế thì đừng nhận lời!
- Thôi đi cô. Xem xem thiên hạ bây giờ có ai giữ lời. Dại gì tôi phải đi đến đó ngồi nhìn người ta vồ vập săn đón. Lúc về đi xe máy qua cả thành phố dài. Mà lạnh. Mà mưa. Hết thời liều lĩnh rồi em ơi!
- Ai bảo anh hẹn...
- Chả thấy cô vợ nào như cô. Chán chồng quá hả?
Hỏi câu đó rồi không đợi trả lời. Phúc đi lại cái ghế bành, bỏ đôi dép bông xuống, khoanh hai chân lên, mở khuy áo pigiama gọi thằng cu: mang cho bố cái chăn. Bố đọc báo... Phúc đắp chăn lên chân, mở tờ báo có vụ án kinh dị. Chưa cần đeo kính nhưng trông Phúc già sọm. Lọt thỏm, bé tí, già như ông lão. Đâu có gì mà các em phải mê. Dù cho quần bò nhiều túi dù mũ lưỡi trai dù đưa tay sang bên kia bàn quấy cà phê trong cốc em. Trông lúc ấy thế thôi chứ bây giờ vừa già vừa xấu kìa. Chả em nào đến mà xem.
Mai thở hắt ra. Nhìn cái cây ngoài cửa sổ quật lên quật xuống vì mưa. Thôi. Chịu vậy rồi cũng xong.
Một mình qua đường
Như vậy chú với dì đi khoảng vài tuần. Cháu cứ trông hàng. Tối em Vân về nó kết toán tiền nong. Hàng họ bán nhì nhằng thôi đằng nào cũng thế mày phỏng vấn công ty xong rồi còn ngồi chờ việc không ngồi ở đây thì lang thang hít bụi với lại ngồi quán cà phê ngắm mấy con bé váy ngắn thất nghiệp thích khoe giày. Chả có gì thú vị. Mày trông hàng chứ đóng cửa thì mất liên hệ mất khách. Khách người ta sẽ bỏ đi, cháu nhìn xem toàn thành phố này có nhà nào chừa lại một mét mặt tiền cho đất nó thở? Bày hàng tất. Tuốt. Cái chợ rõ to là thành phố ta chắc trên thế giới chỉ có một. Các thành phố người ta nhường ít đất để có vườn hoa bãi cỏ cây xanh người ta bán hàng trong khu riêng, ở ta chỗ nào cũng kín. Cũng vô cùng tiện lợi. Mua bao diêm thì mở cửa ra chạy tới đầu ngõ mua xe máy qua bên kia đường mua ô tô. Cây xanh bãi cỏ dần dần sẽ có trong mơ. Thôi không dông dài rách việc nữa. Mà nhìn cái mặt cụ non của mày tao ái ngại quá cứ vô tư phơi phới như lớp cha anh lên đường đánh giặc ngày xưa mọi chuyện sẽ nhẹ như lông chim. Nói tiếp cho mày nghe cái sự phải mở cửa vì đóng cửa hàng một buổi người ta thấy lạ lại ghé mắt nhìn qua kẽ hở xem trong nhà có sự gì? Nên cháu phải giúp chú dì. Hàng nhà ta bán máy lọc nước hầu như là hàng biên giới dán mác nọ kia thậm chí dán mác nội cho có cảm giác hàng Việt chất lượng thế thôi. Khách sành đi qua nó bĩu môi chỉ thỉnh thoảng có khách vãng lai. Ông đi thành phố mua quà cho bà ở nhà vì bà cũng thường tình như toàn dân thích tự lừa. Mua về dùng được thì tốt không thì họ cũng ngại đem đi bảo hành. Mà hàng nào nó chả chuẩn bị kỹ chiêu bảo hành. Thay cho cái túi lọc thế là bảo hành chứ còn gì. Đi xét nghiệm xem nước có măng gan có chì có sắt không thì chắc đến tết sao hỏa. Đã đắt đắng họng còn mất công chờ. Chú duy trì bán máy lọc nước là câu dầm chờ xem có đứa nào nó thuê kinh doanh cửa hàng chứ chú với dì mày cũng hết hơi rồi, chả muốn nhặt nhạnh nữa đau lưng lắm. Mà khi nằm vào áo quan thì cũng chả đứa nào nó bỏ tiền đô thật cho mang đi. Đô la âm phủ thì vô thiên lủng… Cả bao tải cũng có…
- Thôi nói thế đủ rồi ông ơi. Cháu nó nhận lời rồi còn dông dài mãi. Già rồi nói nhiều lại “tích tình tinh đứt dây thần kinh”.
Ông chú của Nghĩa cao mét năm nhăm dì nó cao mét sáu hai sống với nhau hơn 20 năm êm như mặt hồ thời nước sạch. Ông có tật nói dài nói to nói rổn rảng như loa phường bà nói ít nhưng thường mô tả sự vật chung quanh theo kiểu cụ Hồ Xuân Hương làm người nghe phải bật cười.
Nhưng Nghĩa không cười. Thằng con trai hai mươi ba tuổi đã có râu quai nón cái nhìn trầm lặng như thủy thủ đã bị sóng dập vùi ở những miền biển không có tên trên bản đồ vì hẻo lánh. Nó nhìn bà dì ruột nhìn ông chồng bà nghe diễn văn của ông nó chỉ ngắn gọn: chú dì đi đi!
Chú và dì nó đi. Lên tàu thăm người trai cả lấy vợ miền Trung bị ông bà từ vì dám lấy vợ xa giờ thằng cháu hai tuổi a lô vào máy do má nó xui. Ông bà ơi Tý chào ông bà!
Ông ho bà rớm nước mắt, cưỡng thế nào được?
Chú với dì nó đi chơi. Con em nó có thằng bồ kinh doanh hàng gốm sứ trên phố cổ xong việc công sở em nó ghé qua chỗ thằng bán gốm sứ chả mấy khi về nhà. Con em a lô di động: anh Nghĩa hả? Coi nhà nhé tiền bán bao nhiêu anh thích gì cứ mua bố mẹ em chả nhớ chả đong đếm gì đâu!
Lại còn thế nữa!
Nghĩa nhìn thấy bên kia đường có đại lý sách báo tem thư. Nó băng qua làn đường xuôi xe máy toàn bị những gã ăn thuốc lắc phóng như người mù vô tội vạ va đâu ngã đấy ngoẻo đấy. Trèo qua dải phân cách. Băng qua làn đường ngược. Xe máy được những gã xem đời như của bỏ phóng cho sướng, tai nghe gió quật muốn dừng thì dừng không dừng được phóng luôn xuống địa ngục uống bia với Diêm Vương đang phát chán vì bắt bọn tham gia giao thông. Nó chiến đấu toát mồ hôi như thế để mua mấy tờ thể thao. Dạo này Arsenal đá xuống quá. Đội bóng ruột của nó thất bại liên tiếp càng làm nó quyết tâm theo đến cùng tình yêu với đội bóng có cái vẻ không màng danh lợi không màng nhiều tiền không giật cúp bằng mọi giá. Chỉ cống hiến lối đá đẹp như mơ lãng mạn như thuở người ta yêu đương không màng của cải. Đá đẹp không bạo lực không ganh đua có vẻ bị chê bai bị bĩu môi trong thời đại người ta lừa lọc phản trắc cướp giật trên sân bóng dưới cái nhìn của hàng tỉ người trên hành tinh. Mà không ai làm gì được!
Cứ nghĩ ngợi như thế tuổi trẻ của nó bị cướp phá tan nát! Nó biết mình không hòa nhập xã hội theo kiểu nói của bố mẹ, ngày nào cũng giáo huấn cũng xót xa khuyên răn nó.
Nó ngồi cửa hàng cả ngày thấy may mắn không có ai tới mua hàng. Trời nóng thế này mấy ông bán lợn bán lúa được tiền cũng ngại ra thành phố. Dân nhuốm mùi đô thị thì vào chỗ hàng xịn ai không mua được hàng xịn thì nghi ngờ tất tật mọi thứ thà uống nước bẩn còn hơn chết vì ngờ vực. Nên nó ngồi nhìn suông.
Ngã tư ở đây đông nhất thành phố nghẹt thở nhất thành phố. Khủng khiếp nhất trong ngày hè giờ tan tầm. Bọn thích phóng xe máy bất kể tính mạng của mình bị chồn chân cắm bánh xe mặt đường chảy nhựa. Thấy Nghĩa mò qua cửa hàng mua báo con bé trông hàng nhìn Nghĩa như nhìn người ngoài trái đất. Sao anh căng thẳng thế ạ?
Anh qua đường. Sợ quá!
Qua đường có gì mà sợ. Em vẫn đi qua ngã tư trên kia để vào trường có sao đâu? Tại anh cứ ngó xuôi ngó ngược!
Không ngó thì xe nó đâm vào người!
Anh đừng ngó. Chả cần quan sát như người ta dặn. Có quan sát có tránh cũng chả ai tránh mình. Anh cứ học em đây này. Em cứ đi chả nhìn ai sất. Không ai dám lao vào mình đâu anh cứ thử xem.
Anh cũng không sợ lắm đâu. Nhưng phiền toái rắc rối. Tính anh thích ngồi một mình trong xó. Thế mà ngày nào anh cũng cần một tờ thể thao. Tờ chữ xanh tờ chữ đỏ. Hàng chục tờ thể thao giống nhau lọt vào tay tờ nào anh đọc tờ ấy. Mà cả phố mới có một đại lý sách báo của nhà em.
Con bé cười ranh mãnh. Anh nói đúng. Mở hàng sách báo ở đây là ngẩn ngơ. Ai người ta đọc. Chỉ có ông em ngồi buồn mở bán chơi chơi. Ông em bảo ngày xưa người ta phải xếp hàng phải có thẻ mua sách. Ông em nhớ ngày xưa đấy. Nhìn ông em kìa…
Trong nhà một ông già tóc trắng áo lụa đang tưới cái cây trên bàn. Trông ông như đồ cổ. Ông chả thèm nghe cái thứ âm thanh máy móc quái gở ngoài đường dội vào. Nghĩa gật gù nhìn ông thấy ông cũng y như con bé cháu. Cũng đang thản nhiên qua đường. Con bé cảm thấy cái vẻ đồng cảm của thằng thanh niên với ông mình. Nó giật giật tay Nghĩa vì thấy mặt Nghĩa như mặt ông già ngại phố xá. Nó muốn giúp. Nó bảo anh đừng ngại. Cả ngày em học nội trú trong trường nhưng chiều về em sẽ đưa báo sang cho anh.
Nghĩa nhìn lơ ngơ. Mặt càng lơ ngơ khi râu quai nón mấy hôm chưa cạo làm mặt già sọm. Con bé con phì cười. Hay anh sợ đọc báo nguội. Chiều đọc cũng được chứ sao hả anh? Báo nguội càng hay. Bên kia kìa có một bác rất thích đọc báo nguội. Bác bảo tin tức cấp thời làm bác hãi. Bác nghe ngóng chán rồi mới đọc. Báo nguội khiến bác bình tĩnh. Anh thấy buồn cười không?
Nghĩa không cười. Cô bé con chìa tay cho Nghĩa. Thỏa thuận nhé. Em tên là con Chíp. Tên ở nhà đấy anh ạ. Tên đi học lằng nhằng lắm. Nguyễn Lê Vũ Thước Minh Hương. Ghê sợ. Xem phim kinh dị còn hay hơn.
Nghĩa ngồi trên ghế nhựa nhìn ngã tư chiều tắc đường, tắc đến mức nhìn ra bốn hướng đen ngòm cả bốn. Đen ngòm hàng cây số. Nắng đường nhựa bốc lên như trên bếp ga. Nắng trong không khí ngùn ngụt. Đàn bà con gái ngồi xe máy bịt kín mặt tay đeo găng tới nách như mấy đại tẩu trong phim chưởng Tàu. Nhiều cô còn mặc cả quần dày tránh nắng như dân sa mạc. Kính to sù sụ bằng cái bát ăn cơm. Nhan sắc các nàng chìm nghỉm trong khói xăng.
Nghĩa nói với con Chíp. Vậy họ trưng nhan sắc ở đâu? Con Chíp che miệng giấu cái răng hở rất to. Họ trưng trong bếp. Trong công sở có máy lạnh như công sở mẹ em làm. Buổi tối họ trưng trong quán cà phê. Còn trong buồng ngủ nữa. Thiếu gì chỗ trưng hả anh?
Nghĩa nghe con bé mười bốn tuổi nói năng như bọn thiếu niên hay giao lưu nọ kia trên ti vi. Cái gì cũng biết. Thậm chí hỏi ngày sinh của ông X. ở tận cái nước ngoài đảo ít người trên Thái Bình Dương chúng cũng rành rành. Nghĩa thường kinh sợ khi trẻ con cái gì cũng biết. Nhưng nghe con Chíp nói nhìn mặt con Chíp Nghĩa thấy cũng chả sao. Tuổi nó biết đàn bà trưng nhan sắc trong phòng ngủ cũng là vừa.
Con Chíp còn nói đoạn dài về cái sự nhan sắc. Nghĩa cũng góp chuyện. Uổng thế. Nhan sắc vi vu xe máy tóc bay hai bên váy xòe chân trần ngực nhú sau áo thun… thành phố sẽ đẹp vô kể vì nhan sắc. Bây giờ bói cả ngày không có được cảnh các nhan sắc đi trước các công tử e dè đi sau hồi hộp… Con Chíp bảo vội thế chụp giật thế ai có thời gian hả anh? Như mẹ em ấy. Hôm nào mẹ về em cũng ngủ rồi. Bố với mẹ em sống với nhau rất buồn cười. Mỗi tuần bố em ở nhà bố sang ở với mẹ với em với ông ngoại hai ngày. Lúc thì đầu tuần lúc thì cuối tuần.
Sao lại thế?
Em không biết. Bố em bận kinh doanh mẹ cũng bận nọ kia. Thấy hai người bảo mỗi tên mỗi nhà như thế đỡ mất thời gian. Tự do anh muốn làm gì thì làm.
Ghê sợ thật. Thế thì bố mẹ em không yêu nhau rồi!
Yêu nhau thiên thần luôn. Ban đêm thấy gọi điện tít tít nhà nọ sang nhà kia. Thỉnh thoảng thấy bố đến đón mẹ tối chủ nhật. Đi nhảy đầm. Đi uống cà phê. Em thấy thế cũng hay. Chứ chú với thím em suốt ngày cặp kè lại nện nhau mỗi ngày một trận. Bố với mẹ em có vẻ không chán nhau. Ông ngoại em bảo một lũ điên. Chả ra thể thống gì.
Anh cũng thấy không ra thể thống gì. Vợ chồng mỗi người một nhà y như bọn Tây. Mà Tây nó cũng chả thế.
Anh già thật. Con Chíp ngắm nghía thằng con trai trầm lặng. Anh già y như ông em.
Chiều nào cũng vậy. Con Chíp đưa báo sang đều đặn cho Nghĩa. Chiều tắc đường con bé đi qua Nghĩa yên tâm. Đường tắc thì mọi vật đứng im. Con bé chỉ việc lách. Đường thông mới đáng sợ. Đường thông chả ai nhìn ai. Cứ phóng bừa lên. Ai hơn nhau nửa bánh xe xem như thắng đậm thành thử các con cứ phóng bừa.
Nhấp nhô bên kia đường rất xa là mái tóc cắt ngắn của con Chíp. Tóc nó dày như rễ cây. Phải bờm bằng cái bờm rất to mới giữ nổi mái tóc. Cái trán con Chíp nhô ra phía trước, cái mặt nó vuông vì trán vuông cằm vuông. Trông nó vừa ngộ nghĩnh vừa non nớt như mặt đứa bé đang ngậm sữa. Nhưng nghĩ ngợi lại buồn cười.
Anh xem báo thể thao làm gì. Em chả xem. Có mỗi môn bóng đá là sạch nhất thế mà người ta cũng bôi vào. Kinh dị, xem phim kinh dị còn hay hơn!
Nghĩa phì cười vì cái cách nói năng của con Chíp. Hai anh em có vẻ hợp cạ thành thử hay trò chuyện. Một buổi đường tắc trời nóng tắc thở con Chíp chỉ một cái xe giảng giải. Anh nhìn kìa chiếc này gọi là chiếc Muranô giá gần 2 tỉ đồng. Còn chiếc ở dải đường xuôi kia là Lexus gờ ích (GX) 470, có logo chữ L cách điệu. Xe này mang thương hiệu riêng của hãng Toyota sản xuất cho thị trường Mỹ. Xe hai cầu dã chiến có 8 chỗ ngồi động cơ 4 phẩy 6 lít… xe này hai tỉ rưỡi…
Trời đất. Sao em sành thế?
Con Chíp cười tít mắt. Bố em buôn xe. Bố giảng giải cặn kẽ. Em ghi nhớ tuốt tuột.
Nghĩa tập quan sát xe theo chỉ dẫn của con Chíp. Nó biết nhận dạng những con xe cỡ gần 3 tỉ đồng đang phải lặn lội tắc đường giữa dòng xe máy cuồn cuộn. Những ông chủ mấy chiếc Muranô, chiếc Humme… không ai thấy mặt ngồi kiên nhẫn chờ thông đường và khói xăng của bọn xe máy tầm thường đang làm ám vỏ xe của họ. Họ phải ngồi như thế thôi. Mấy ai tránh được phiền toái.
Nghĩ cho cùng người giàu ở xứ này cũng khổ. Có hàng phở nổi tiếng gần nhà Nghĩa trong phố cổ. Các thượng lưu nghiện phở hàng hiệu tự lái xe đến. Những chiếc Mẹc sêri mới quý phái sang trọng trờ tới làm phố cổ chói lên màu cổ điển kín đáo. Nhưng các quý ông quý bà, các thượng lưu thời mới phải đi vòng đi vèo. Chỗ này xua chỗ kia đuổi, có thượng lưu hàng buổi sáng không ăn nổi bát phở vì hiếm chỗ dừng xe. Ấy nhưng họ kiên nhẫn. Họ đậu được xe để mở cửa đặt đôi giày bạc triệu xuống đường và váy rủ và vét sang trọng ung dung trông cũng sốt ruột với mình nhưng chả là gì với họ quý tộc thượng lưu sống giữa đầm lầy bụi bậm nên phải kiên gan.
Những buổi chiều đường tắc đốt thời gian của các đại gia chủ xe bạc tỉ nhưng rồi vẫn phải chịu. Chả có làn đường dành riêng cho người giàu. Cùng với xe ô tô đại gia là xe máy của các tay chơi. Những chiếc Scooter phân khối lớn rồi những chiếc “siêu Scooter” trên 250cc của Honda và Yamaha cũng im lìm tắc đường cùng bọn xe máy Tàu xe cúp thời năm bảy mươi. Con Chíp chỉ một chiếc xe máy trông rất hãi vì nó hầm hố và sang quá. Anh xem kìa. Kia là “con tê giác màu đen”, xe Wings. Bố em vừa mua một chiếc.
Ghê quá. Anh không thể tưởng tượng mình có thể cưỡi chiếc xe cỡ ấy mà đi trong thành phố như thế này.
Con Chíp nhìn Nghĩa lạ lùng. Nó lấy tay xoa râu quai nón trên cằm thằng con trai. Cử chỉ của con em út tinh nghịch. Vậy thế anh thích gì nhất?
Anh thích có những bãi cỏ xanh ngắt, thích hai hàng cây cổ thụ thật cao có con đường ở giữa, đường đất. Xa xa là những cái nhà. Anh thích một cái nhà ẩn sau rừng cây. Anh đạp xe vào phố làm việc rồi đạp xe về dựng xe bên hàng rào. Trong bếp mẹ anh nấu nướng bố anh đánh cờ anh ra khu vườn sau nhà chơi bóng rổ với con Chíp rồi hít thở khí trời trong veo… Chíp cười ngất ngư như thằng con trai say rượu.
Anh đúng là trong mơ. Lấy đâu ra cây to, ra cỏ xanh cho anh bay bổng. Khói xe máy với bụi đường thì thoải mái càng ngày càng đậm đặc anh có mơ mấy cũng không thoát đâu…
Gã chủ cửa hàng quần áo bên cạnh hàng máy lọc nước ngồi buồn nghe hai anh em tán gẫu cũng đút tay túi quần soóc phì phèo thuốc lá trong buổi chiều tắc đường như trăm buổi chiều ngã tư.
Mày cháu ông đại lý sách báo bên kia tao còn lạ. Ông mày kỳ khôi nhỉ con rể buôn ô tô bạc tỉ con gái làm ngân hàng tiền đong cả đấu mà lọ mọ đại lý sách với chả báo.
Con Chíp không trả lời. Nó nhìn gã trân trân như nhìn của lạ. Gã nói y như mọi người. Ai cũng cho là ông nó tham công tiếc việc tham tiền. Với nó ông nó chỉ ưa làm cái gì cho đỡ phí thời giờ. Nhiều khi ông cho hết tiền. Đám họ hàng còn rớt mồng tơi ở nhà quê nhiều vô thiên lủng.
Nghĩa hỏi cho không khí đỡ căng thẳng vì thấy con Chíp muốn gây sự. Hàng họ bán được không anh?
Mày ngồi mấy hôm nay mày có thấy đứa nào vào hàng mua quần áo? Nóng bỏ mẹ. Mà con phò nhà tao lấy toàn hàng hết mốt bọn con gái nó lườm qua nó bỏ luôn. Chán bỏ mẹ!
Em thấy mấy cái áo hai dây kia vẫn đang thịnh chứ anh. Ôi dào thịnh hôm nay cỗi hôm mai. Mốt với chả mát cứ quanh đi quẩn lại. Tao xem “đít cô ve ri” tao thấy mấy ông thổ dân ở ngoài khơi Thái Bình Dương là mốt nhất. Các lão xỏ chim vào cái ống trông như ngà voi trên vai mỗi lão đeo sơ cua vài cái. Trên người hở hết mỗi cái chim là xâu vào ống. Tao đố thằng thiết kế thời trang nào trưng cái mốt ấy ra. Mốt ấy là của độc của lạ tao nghĩ trình diễn ở Paris dân tình lác mắt.
Nghĩa xoay người như che cho con Chíp khỏi nghe những lời thẳng tuột của lão chủ hàng thời trang. Nhưng con Chíp thản nhiên như không. Nó qua đường quen rồi mà.
Chíp nghỉ hè. Nó bảo em đưa báo sang cho anh lúc nào cũng được. Những buổi trưa Nghĩa hay ngồi nhìn ra đường. Không khí hầm hập nóng làm khoảng không trước mặt mù mịt nhảy nhót như có nước. Nhìn ra khoảng không thấy hoa mắt chóng mặt. Đường lúc trưa vắng. Một ngày như có ai đứng canh trong khoảng không, một cái xe máy đến đúng chỗ có tấm biển quảng cáo bỗng lăn ra ngã. Gã đi xe máy lồm cồm bò dậy dựng xe nhìn quanh xem ai thủ phạm để bắt vạ nhưng không thấy, gã lên xe đi hậm hực. Nửa tiếng sau hai đứa thanh niên đèo nhau cũng ngã kềnh chỗ ấy. Cũng dựng xe lầu bầu chửi rồi đi tiếp. Một bà đi xe máy đèo hai sọt trứng ngã sau đó nửa tiếng. Buổi trưa qua chiều Nghĩa lạ lùng đếm được bảy chiếc xe máy tự ngã kềnh không va không đập vào ai… Gã chủ hàng thời trang bảo có gì lạ đâu. Đường nó cũng như bến sông có bến sông năm nào cũng bắt người. Chỗ kia chắc có cốt nằm dưới. Tao ở đây mấy năm thỉnh thoảng cứ đếm người ngã chỗ ấy đã mỏi mắt. Ông nào trêu đấy thôi. Trêu nhẹ nhàng cho vui chứ chả làm gì…
Nghỉ hè con Chíp không qua đường buổi chiều. Nó hay qua bất kể khi nào có dịp. Qua để tán gẫu với anh Nghĩa. Nên ba giờ chiều đường vắng xe máy phóng như điên con Chíp vẫy tờ báo bên kia. Nghĩa chưa kịp ngăn con bé đã lao xuống đường. Cái bờm nó dùng hôm nay màu đỏ gắt. Áo phông màu đỏ và tờ thể thao màu đỏ.
Nó đi qua đúng chỗ ai đó thích bắt người. Chỉ nghe cái rầm Nghĩa đã tối tăm mặt mũi. Chiếc xe máy của hai thằng cỡ tuổi con Chíp phóng kiểu đua xe tránh con Chíp không kịp lao lên vỉa hè hất mạnh cả hai thằng vào gốc cây.
Một chiếc Honda Silver Wings do một tay chơi đi thử máy cũng lao vào chỗ con Chíp. Mấy tiếng rầm như động đất làm hàng phố xung quanh túa ra.
Nghĩa không dám nhìn khi chiếc xe cấp cứu chở con Chíp chở cả đôi dép màu đỏ cả tờ thể thao màu đỏ mà nó cầm chặt trong tay. Cái bờm của nó rơi xuống đường. Nghĩa nhặt lên và đưa về cửa hàng.
Lạy trời đừng có gì xảy ra. Lạy trời. Anh đã có lần bảo em rồi mà không nghe. Làm sao em có thể một mình qua đường.
Biển mịt mờ
Một lớp học ở thành phố biển. Thời đó. Những năm đầu tám mươi thế kỷ hai mươi. Ăn chẳng có gì. Buổi sáng những đứa trẻ gầy vêu đến trường mua cái bánh sắn hai hào vừa đi vừa ăn dọc con lộ hai bên cách đó chưa lâu đã từng dập dìu bóng dáng viễn chinh lính Mỹ cao kều khoác tay cave thấp bé người Việt bản xứ mặc rốp mặc mini lòe xòe trên đùi da nâu. Đời sống sáng choang đôla chiến tranh Mỹ đổ vào làm người ta tưởng rằng đời cứ thế êm ru biết đâu mọi thứ đổ cái rụp. Như làm bằng bìa giấy. Như xây bằng cát cái đô thị đèn mầu. Giờ này mọi thứ vắng hoe vắng hoắt. Trong hiệu thuốc một thanh niên mảnh khảnh đi giày cao như cà kheo lòe xòe ống quần loe tạo dáng phàn nàn với cô bán thuốc: làm gì ổng cũng không cho qua. Nạp đủ giấy tờ có thiếu gì đâu sao ổng cứ bảo chờ. Ba tháng rồi còn gì?
Chẳng biết chờ gì. Nhưng tâm trạng bức bối khó chịu. Mãi sau này người ta mới viết về giai đoạn mười năm sau cuộc chiến.
Một toán trẻ con lai Mỹ trắng đang cãi nhau. Một thằng bé lên mười tóc vàng mắt xanh đang một tay chống vào hông tay kia nâng cằm đầu nghiêng nghiêng. Kiểu đứng đặc trưng chỉ dân da trắng mới có. Nó nghe hai đứa bạn chí chóe. Một đứa bé mập mạp tóc vàng hoe da như trứng gà mới bóc má lấm tấm tàn nhang bưng hộp thuốc lá chạy lại phía Bình. Cô ơi mua thuốc cho con đi cô!
Không hút. Nhưng Bình ngạc nhiên khi nghe giọng miền Trung trên miệng đứa bé da trắng tóc vàng. Bình mua cho nó mấy điếu thuốc cuộn tay. Thời đó giấy in từ điển cuộn thuốc lá rất tuyệt. Hút vào có cả chì bốc lên từ con chữ. Nhưng đâu có chết ngay... Bình cầm mấy điếu thuốc nhìn bọn trẻ lai. Những gã Mỹ đi từ trường trung học đã đến xứ này ném lại mấy cái mầm sống ở đám cave thành phố ném lựu đạn vào những bụi cây có hầm trú ẩn ở nông thôn giết người ta rồi biến mất cùng với cuộc chiến. Thật buồn thay...
Lớp học không đông. Bình ít khi ngồi tới cuối buổi. Từ chỗ học về nhà khách chỉ độ hai mươi phút. Nhưng Bình có thói quen tạt ra con đường gần biển. Trên đường nhìn qua bãi cát có những cây dừa nhiều tuổi, biển xanh và đặc như thạch. Sóng vỗ òa gần bờ tạo cảm giác bất ngờ vì từ xa biển rất xanh và màu xanh ấy gây cảm giác nước không thể chuyển động. Như đã từng có cảm giác nước có thể xắn bằng dao khi Bình đi qua sông Son chảy về động Phong Nha. Cái màu nước kỳ lạ như không phải là nước. Không phải nó chảy.
Những nhà mặt phố trước kia đều là cửa hiệu. Người ta bảo vậy. Cửa hiệu sát cửa hiệu. Hàng Nhật hàng Đài Loan hàng Hồng Kông. Vào năm một chín tám mươi ấy người Nam nhắc đến ngày xưa một cách thấm thía. Người Bắc nhớ ngày xưa là ngày tem phiếu nhưng hàng viện trợ phe dân chủ đổ vào đến cửa nhà các quan chức theo nhu cầu gia chủ muốn gì có nấy nhưng lác đác của thừa cũng đến bếp bình dân. Vải Ba Lan. Thuốc Hunggari. Sữa Liên Xô. Đường đỏ Cu Ba. Thậm chí có cả mứt chà là xứ Ai Cập không dân chủ nhưng viện trợ chống Mỹ vô tư. Có năm trời nóng đến 40 độ phiếu nhân nhân dân còn được một cân đường trắng chống nắng nuôi dưỡng tinh thần kiên trì nhẫn nại. Chiến tranh xong Mỹ rút đằng Mỹ Liên Xô thắt hầu bao nên miền Bắc xưa nay quen ăn đong giờ há mồm kêu khát miền Nam oán miền Bắc đuổi Mỹ đi giờ Sài Gòn vựa lúa hòn ngọc Viễn Đông phải ăn bo bo sái quai hàm. Biết đâu trên đời này có ai cho không ai mãi mà không đòi lại cái gì. Sao chẳng tự lo thân mà cứ kêu gào đòi đứng một mình?
Bình cứ đi thập thững dọc biển nghĩ Bắc nghĩ Nam lòng thấy trống như nhà không có vách. Một tiếng đàn ông trầm trầm cất lên phía sau lưng Bình. Thưa cô cho tôi hỏi mấy giờ rồi? Quay lưng lại chẳng thấy ai chỉ thấy một cái quán chữa xe đạp che bên trên bằng tấm ni lông ngay dưới gốc dừa. Một người con trai đang loay hoay với chiếc xe mini học trò. Thằng bé ngồi chờ đeo kính cận mặt gầy vêu. Bình trả lời rồi bước đi. Nhưng cái giọng trầm ấm từng trải vừa nghe có gì như ám ảnh. Nghĩ sao cô quay lại. Đứa trẻ đã lấy xe đi. Người chữa xe lau tay vào giẻ nhìn ra biển nói với Bình: coi kìa cô. Nước nôi vô tư lự sao mình khổ hoài...
Đó là câu nói bâng quơ. Như làm quen. Như tự giới thiệu tôi không phải chỉ biết sửa xe đạp. Bình nghe trong âm điệu giọng nói có chút gì xứ Bắc. Vô tư lự. Người Bắc hay dùng mấy từ này.
Cô học ở chỗ kia tôi biết rồi. Hôm nào cô cũng qua chỗ này về nhà khách.
Vậy hôm nào anh cũng ngồi ở đây?
Không. Có lúc gió quá đi vào trong kia. Chỗ có hai cây hoa giấy ngồi cho kín. Toàn là khách quen mà cô. Tụi học sinh tiểu học. Tôi tên Khoa. Làm quen phải biết tên cho dễ gọi.
Mỗi lần sửa chắc chẳng được bao nhiêu?
Tiền thì không có bao nhiêu rồi. Nhưng lại được thứ khác.
Gì vậy anh?
Người thợ sửa xe kéo cái ghế may bằng vải bạt của lính đưa cho Bình ra hiệu cho cô ngồi đó yên tâm đi. Bình ngồi đó và yên tâm đi. Yên tâm thật vì khuôn mặt Khoa rám nắng không mấy điển trai nhưng là người xao động phúc hậu. Một khuôn mặt dễ nhớ dễ có cảm tình. Bình nhìn anh ta và hỏi lại cũng chỉ là hỏi cho có chuyện thôi. Gì vậy anh?
Cũng không có gì quá khó. Người thanh niên trả lời mắt nhìn ra biển. Cô học ở đây gần nửa năm còn gì. Đúng vậy hả? Tôi cũng sửa xe từng ấy thời gian.
Vâng! Bình vâng, lưỡng lự phân vân. Hai điều đó đối với cô đâu có gì liên quan? Cô nhìn anh đăm đăm như đợi câu trả lời. Nhưng anh ta chỉ căn nhà đúc hai lầu, lối nhà đặc trưng của thành phố phía Nam có một giàn hoa giấy phủ kín. Màu hoa tím ngát chói chang. Nhà tôi cô kìa. Ngày nào tôi cũng ngồi trên cửa sổ nhìn ra biển. Cả nhà chỉ còn mình tôi ở lại. Dễ hiểu thôi mà. Bà má tôi với hai đứa em gái ở ngoài kia...
Bình nhìn theo tay anh. Biển lặng ngắt. Thành phố tắm biển thành phố du lịch nhưng ai có tâm trí nào tắm táp thời nay. Bo bo ăn chưa đủ. Lợn nuôi trên sân thượng. Lúc này không có bóng một chiếc thuyền. Việc trở nên tế nhị đến nỗi Bình như nghẹn thở. Anh ấy chỉ má và hai đứa em ngoài kia có nghĩa là họ đã lên thuyền vượt biển. Cũng có nghĩa là họ đã bỏ mạng ngoài đấy. Bình mím môi ngồi im. Người thanh niên hiểu Bình nghĩ gì.
Không. Họ chưa chết đâu. Nhưng họ đã dạt vào nơi nào tôi cũng chưa nghe tin. Tôi không muốn bỏ xứ sở ra đi như họ. Tôi ở lại và ngồi trên cửa sổ nhìn ra. Rồi tôi thấy cô. Ngày nào cô cũng đi một mình. Túi khoác tay. Có điều này, khuôn mặt cô cứ ám ảnh tôi. Cô như không để ý gì chuyện xung quanh. Cô không có bạn. Cô không nhập vào mấy nhóm người ồn ào cùng lớp. Tôi để ý nhìn cô từ trên tầng lầu…
Bình bật cười: anh học văn khoa Sài Gòn hả?
Không.
Sao anh làm văn dữ vậy? - Bình bắt chước giọng Nam Trung Bộ của anh ta và cả hai bật cười. Như vậy có thể là quen rồi vì hình như có lúc Bình cũng để ý tới người sửa xe đạp nhỏ tí trên bờ biển bao la nhưng hôm nay mới bắt chuyện.
Tôi không học văn khoa. Tôi học mổ xẻ. Trường Y ở Huế nhưng chưa học xong thì phải vô lính. Lính quân y.
Năm có sự kiện thành cổ Quảng Trị, Bình đã mon men tới gần với tư cách phóng viên nhiếp ảnh của một tờ báo. Nhưng bộ đội, những người lính chiến đã trải mấy chiến trường làm mặt nghiêm: cô không vào thành được! Càng ngăn Bình càng tha thiết: em chỉ là phóng viên ảnh thôi mà anh! Cô ấm ức rồi òa khóc. Những người lính vẫn không mềm lòng. Bình chỉ ở mấy điểm tập kết thương binh trên bờ sông. Mà thấy bao nhiêu máu đổ bao nhiêu thân hình mất một phần hai một phần ba bao nhiêu đau đớn trên những gương mặt sinh viên đại học còn măng tơ.
Lúc đó phía bên này cũng toàn sinh viên học dở rồi bị bắt lính. Khoa nói. Tôi cũng vậy. Tôi nghĩ đời vậy là tiêu rồi. Cũng như cô tôi không phải vào thành. Tôi ở trạm dã chiến quân y ngoài thành.
Bình nhìn hai bàn tay bác sĩ ngoại khoa. Những ngày đó chắc là máu đỏ lòm? Phải vậy. Không có thời gian để chợp mắt. Tụi nó chết chóc nhiều quá. Thôi. Đừng nhắc chuyện này nữa nha!
Không hiểu sao thành phố trở nên tươi tắn. Như có mưa rào. Như cây cối được tắm gội. Những ngày bước chân tới lớp học của Bình trở nên nhẹ bỗng. Cô khao khát ngày mới để đến lớp. Để lúc về tạt vào quán sửa xe. Nói những chuyện vu vơ.
San, trưởng lớp người thấp đậm vai u dân cày soi mói nhìn Bình. Tình hình phức tạp chưa có trắng chưa có đen. Xấu xa ở khắp nơi len mọi lối! Cô là học viên. Là người Bắc tôi nhắc nhở!
Bình muốn nói với Khoa cái gì đó như sự cần giữ gìn. Rồi lại thôi. Nghĩ ngoài việc hai người đã bắt đầu quý mến nhau như tất cả con người trên thế gian mọi chuyện vẫn là hai luồng nước chưa thể nào chảy chung dòng.
Bình không thể nào đừng được khi không ngồi chút xíu với anh. Mỗi buổi chiều. Gió biển trở nên lồng lộng hơn. Nước triều dâng cao. Đã nói với nhau từ anh và em. Đã nhìn mắt nhau để có khoảng lặng dài.
Thỉnh thoảng lớp học được phân phối mì ăn liền. Xà phòng. Vải. Thuốc đánh răng. Mỳ ăn liền được một hộp Bình đem đến chỗ chữa xe đạp. Khoa nhìn hộp mì độ ba ký, cái nhìn nghiêng nghiêng hóm hỉnh. Bình bảo em chẳng có ai để mà gửi. Ăn ở lớp rồi em lại không quen ăn đêm. Thôi vậy cứ để anh ăn cho! Khoa gật gù hài hước.
Cả hai cười xòa. Hộp mì cũng giải quyết cho Khoa mấy ngày. Không tem phiếu ăn mãi thứ bo bo hai mắt cũng như mờ đi. Thuốc đánh răng nữa này, anh! Vô lẽ em không đánh răng? Em còn hai hộp. Dùng hết lại phân phối đợt khác… Đừng nói dối đó nghen…
San họp lớp. Căng thẳng phân tích tình hình trong nước rồi thế giới. Thời đó người ta thích nghe thời sự. San nhìn vào chỗ Bình ngồi. Dùng từ đồng chí. Chúng ta còn thiếu thốn. Nhân dân dành cho ta chút gì là để nâng cao sức khỏe phục vụ lại nhân dân. Các đồng chí nên cảnh giác cao độ không thể đem bán hoặc cho… San không nói hết.
Bình đợi San ngoài cửa. Này anh San. Tôi được phân phối tôi không ăn tôi cho ai là quyền của tôi. Anh mà đặt điều nói vớ vẩn tôi cũng có chuyện tố cáo anh.
Chuyện này Bình biết từ lâu. San hay bớt xén các thứ phân phối cho lớp đem bán cho mụ Quới ngoài chợ chiều giá chợ đen. Có lần Bình bắt gặp khi anh ta đang mặc cả không biết là Bình đứng sau thùng hàng… San im một lúc rồi đuổi theo Bình. Cô không nên hiểu lầm tôi. Tôi muốn giữ cho cô. Có dư luận cô gặp gỡ với người lạ.
Ai lạ. Tôi hay tới chơi chỗ anh Khoa chữa xe đạp. Ai cũng thấy. Anh ấy là gia đình cách mạng. Còn chi không? Bình không đợi San kịp nói gì bỏ đi một mạch.
Khoa đã có lúc nói với Bình về cha mẹ.
Anh có tập trung cải tạo nửa năm. Anh chỉ là bác sĩ chưa có bằng đeo lon trung úy nghề nghiệp hiền lành quân đội nào cũng cần đến. Anh chẳng làm gì nên tội. Ông già anh nhảy núi làm cách mạng từ năm anh mới lên mười, còn hai đứa em lít nhít má nuôi. Giờ ba anh đang làm ông vừa vừa chứ không lớn không nhỏ trên tỉnh. Má anh bảo ông bỏ hết đi qua bên kia làm ăn chứ thế này tôi chịu không nổi. Hai người cãi nhau hôm đó anh ở nhà nghe má khóc ba kết tội vì bà buôn bán nên ảnh hưởng đề bạt đời tôi coi như bỏ vì bà! Nói lúc giận quá vậy chứ ông già anh hiền khô. Má nổi cơn tam bành gom vàng đưa hối lộ rồi gom hai con em gái bắt lên thuyền. Bảo anh đi. Anh làm sao đi được. Gia đình tưởng là êm thấm khi hết đánh nhau ai dè lại thế này. Anh buồn lắm!
Bình thường nhìn anh đăm đăm. Đăm đăm thông cảm. Cô đưa tay cho Khoa. Bàn tay Khoa ấm nóng mạnh mẽ đúng tay bác sĩ ngoại khoa phải khâu phải mổ xẻ phải cắt những đường cương quyết. Không có yếu đuối mềm mại vô dụng như tay các gã đàn ông đẹp mã gà trống nhiều màu.
Một buổi tối bàn tay ấy kéo Bình lại gần. Dưới cửa sổ nhà Khoa. Dưới dàn hoa. Như mọi chuyện lãng mạn trên đời. Nhưng ở đây là gay gắt, là lựa chọn, thậm chí là chết chóc.
Đi với anh. Anh chuẩn bị xong rồi!
Anh bỏ ba ở lại sao?
Không. Qua bên đó anh tìm cách liên lạc rồi đón ba. Anh không đành lòng khi má với hai em dạt vào đâu đó.
Không được đâu anh ơi. Anh không biết họ ở đâu. Bên kia là chỗ nào? Là châu Âu - là châu Phi. Là Mỹ. Mênh mông bể sở mà anh. Anh cứ ngồi đây họ sẽ tin về cho anh rồi hãy tính sau.
Anh không chờ được nữa. Mấy tháng qua anh cứ dùng dằng vì em đó. Em làm sao mà biết?
Em không biết gì về chuyện đó nhưng em còn một lô dây dợ nhằng nhịt. Chuyện ra đi lúc này còn gay lắm em đi để lại bao nhiêu phiền toái cho mọi người.
Khoa im phắc. Rồi nói ra như ấm ức. Em biết không. Anh thấy em đi qua đi lại chỗ này. Vậy là anh sắm đồ nghề ra sửa xe. Anh muốn có em. Anh không thích bỏ xứ ra đi một mình. Đi như thế xui xẻo không có đường về. Anh chờ đến hôm nay. Điều này thật quan trọng này. Anh yêu em.
Bình nhắm nghiền mắt hít mùi thuốc lá cuộn trên vai áo kẻ ca rô bạc màu. Cô cũng thốt lên như đã kìm nén quá lâu. Em cũng yêu anh!
Nói được điều đó ra thật dễ dàng cho cả hai. Dường như chỉ còn có thế là họ chưa nói với nhau. Khoảng cách trở nên giản dị dễ hiểu. Bất trắc dăng đầy trên đầu trên mặt đất nhưng nếu yêu nhau điều đó không còn dễ sợ. Anh yêu em quá. Em cũng vậy anh à. Vòng tay ôm siết ngang cái eo nhỏ xíu vì kham khổ vì cô độc. Mắt Khoa nhòa nước khi Bình xúc động nép vào vai người con trai ở vùng trời hoàn toàn khác với vùng trời cô quen thuộc. Nghĩ tới ba của Khoa Bình thấy ấm lòng. Bình đã sợ. Cái gì cũng đã sợ hãi hốt hoảng. Suốt những tháng năm tuổi trẻ nỗi sợ đè nặng con tim nên tình yêu này cũng khiến cô thấy có gì bất ổn. Mà không phải. Nó làm cô áy náy mỗi khi nghĩ tới nơi Khoa tìm đến. Không. Em không theo anh được!
Một tuần lễ trôi qua. Khoa vẫn sửa xe. Bình đi học qua vào ngồi với anh. Chuyện không còn vu vơ nữa mà là thân thiết. Đêm qua em lại không ngủ hả? Vâng. Mấy hôm nay mất ngủ. Còn anh sao? Ăn uống gì chưa? Còn gì ăn không?
Ông già mới gửi cho ít gạo. Anh nấu nồi cơm điện ăn cả ngày…
Không ai nhắc chuyện ra đi của Khoa. Nhưng trong những khoảng lặng giữa hai người Khoa nhìn Bình. Cái nhìn chờ một câu trả lời. Chờ một động tác gì đó. Mỗi lần Khoa nhìn vậy Bình lảng tránh cái nhìn của anh. Bình nhìn ra biển lúc đó mắt mờ mịt nước nên biển như không có màu gì. Chỉ là một khoảng không. Thật đáng sợ nếu xông pha ra cái khoảng không kia. Thôi thì nhờ trời.
Cái tình yêu của hai người thời đó nó trong suốt như sứ Giang Tây. Nó mỏng đến mức vừa yêu anh Bình vừa hồi hộp. Lại vừa thấy đời rất có ý nghĩa. Khoa cũng đau khổ vì Bình không nghe theo anh. Nhưng anh như mới ra. Mập thêm một chút và anh đã cạo râu, đã thay sơ mi hàng ngày. Anh rổn rảng trò chuyện với lũ học trò sửa xe. Không còn âm thầm như bóng trên tường. Một buổi trưa anh thì thào: vào nhà anh nghen. Tối nay anh đợi em.
Bình hốt hoảng như nghe chuyện tày đình.
Không được đâu anh. Lớp điểm danh tối. Em sợ lắm.
Đang cầm cái kìm Khoa ném một cái rất mạnh xuống đụn cát. Cát tung lên người Bình.
Tôi không hiểu được các cô. Các cô sống không có chút kiêu căng nào. Bản thân cô xinh đẹp thông minh. Nhiều người trong các cô như vậy. Sao lúc nào cũng co vai lại. Lúc nào cũng sợ người khác nhìn vào cái áo của mình. Sợ đánh giá. Sợ kiểm điểm. Điên khùng!
Bình cũng đứng bật dậy. Giận run lên.
Thế đấy. Thế nên họ muốn gì họ đã làm được. Tôi kinh ngạc khi ngày ấy ngồi trên xe thấy các anh chạy như vịt. Như một đàn vịt khi người ta giơ cây sào lên. Chạy một cách đáng xấu hổ. Nếu là tôi không bao giờ tôi chịu chạy như thế. Thà chết còn hơn. Các anh đã kiêu hãnh quá mà. Quá ve vuốt bản thân, quá thụ động chứ đâu có tự mình làm được gì…
Hai người đứng trút tất cả uất ức vào nhau. Bình bỏ đi. Khoa hét theo: quay lại. Tôi chưa nói hết. Này Bình. Anh biểu quay lại. Anh xin lỗi. Quay lại đi em!
Câu cuối Khoa gọi như có cả nước mắt đàn ông.
Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời Bình đã không co vai. Chín giờ tối điểm danh xong, Bình ra khỏi phòng không nói gì với mấy người cùng phòng. Chạy dọc con phố biển đêm Bình nghĩ mặc kệ mọi chuyện trên đời. Muốn ra sao thì ra. Bình đến bên cánh cửa sắt. Bấm chuông. Rất lâu. Nửa tiếng trôi qua căn nhà im ắng. Bình đứng như chôn chân một chỗ. Người lạnh toát vì gió biển. Thân thể cô đã mềm lại, đã không còn căng thẳng do sợ hãi. Nếu cánh cửa kia mở ra, có thể một đời sống khác thường sẽ khiến cô đổi khác. Nếu cánh cửa kia mở ra cô sẽ lao vào tay anh. Cô đã ao ước. Anh đã chờ đợi. Nhưng cô chưa làm được và bây giờ không còn dịp để làm.
Bình ra về như đang ngủ mà vẫn biết đường để đi. Mấy người cùng phòng không hỏi han. Họ chỉ lặng lẽ đỡ cô nằm xuống. Xoa dầu gió vào gan bàn chân. Đắp khăn nóng lên cái trán lạnh như đá trên khuôn mặt tái nhợt. Từ phút ấy Bình cảm thấy người ta đã tự cho phép sống riêng cho bản thân. Không thể lúc nào cũng phải báo cho người khác biết mọi chuyện.
Ngày hôm sau dự báo thời tiết có giông to. Đêm đó trong nhà khách mọi người huyên náo lạc rang bia hơi vì lớp học kết thúc. Ai về cơ quan nấy. Ba miền rải rác nên cũng ít dịp gặp lại. Bình ngồi trong đám đông mà nóng lòng nóng ruột. Từ tối qua tới giờ không gặp Khoa. Không thấy anh ngồi sửa xe đạp. Cổng đóng kín hoa giấy rụng làm mặt sân tím như bôi màu. Mà giông gió sắp nổi lên.
San diện áo phông đỏ vai càng u to. San len đám đông ngồi cạnh Bình.
- Sắp xa nhau rồi giận anh mãi à?
- Không. Tôi tiếc là không còn thời gian để anh theo dõi tôi. Tôi về Bắc anh về Trung vậy là xong nhé.
- Nếu muốn thì cái gì mà xong được?
- Anh nói thế là thế nào?
Bình sửng cồ. Cả bọn đang huyên náo vội im nhìn hai người. San dịu mặt như bông lơn như không có chuyện gì. Thôi mà. Làm hoa cho người ta hái với chớ. Phải hỏi vì sao người ta để ý tới mình rồi hãy giận dỗi. Cái giọng giả dối của gã vai u thợ cày càng làm Bình tuyệt vọng. Cô đứng vụt dậy. Kệ anh. Anh nghĩ gì mặc xác anh đừng có bám theo tôi nữa. Đồ điên.
San định dùng hơi men gây sự. Nhưng nghĩ mình là lớp trưởng. Lại sắp giải tán lớp. Có gì sẽ tính sau. San quay qua nói với đám đông:
- Vậy là mình xui rồi phải không các bạn. Chà. Xui quá!
- Chuyện thường mà anh Hai. Một giọng Nam Bộ dễ thương xoa dịu không khí. Chàng trai nói câu này có nét hao hao giống Khoa làm Bình chợt nức nở khóc. Ngồi giữa những người có thể nói là xa lạ Bình chẳng thể giữ gìn. Nước mắt thi nhau chảy giàn dụa. Không ai có thể hiểu rằng Bình đang tự cắn rứt. Bình sợ cái khoảng không kia không dám lao ra đó hay sợ cái gì? Giữ cái gì đây? Bình có gì nhiều nhặn đâu mà giữ gìn đến thế? Bình chỉ có một cái giường trong phòng tập thể. Một cái vali cũ quần áo đơn sơ. Một vài cuốn sách. Những buổi chiều lạnh ngắt trong nhà ăn tập thể. Có gì đâu?
Suốt đêm đó biển ào lên những đợt sóng dữ dội đen ngòm. Những cây dừa cạnh nhà khách vặn vẹo. Có một cây dừa cao tuổi gần cửa sổ Bình ngủ gẫy gục. Cây dừa đổ vào đường điện làm toàn bộ nhà khách chìm trong bóng tối. Mấy đứa con gái rú rít vì sợ túm tụm vào một phòng đốt cây nến to. Bình nằm dán mặt xuống đệm như ngủ. Nằm im một tư thế suốt đêm. Khi Bình nhìn ra biển đã lặng gió. Biển trắng đục mịt mờ. Rồi Bình vùng dậy như đi tập thể dục buổi sáng. Bờ biển vắng như trên hành tinh lạ ngổn ngang cây cối gục vì cơn giông. Có một cây dừa đổ vào chỗ mọi hôm Khoa vẫn chăng dây ngồi sửa xe. Nhà anh vẫn im ắng. Đám hoa giấy như trút xuống kín mặt sân lát gạch. Bình nắm tay vào thanh sắt lạnh ở cánh cổng. Vậy là mình để anh ấy đi một mình. Bỏ xứ ra đi mà không có ai bên cạnh! Trận cãi nhau không làm Bình buồn. Nó khiến cô yêu anh hơn, như khám phá trong phẩm chất anh có gì kỳ lạ còn hơn cả sự can đảm.
Người ta đang tao tác chạy về một doi cát gần bờ. Người nọ gọi người kia. Phút chốc một đám đông bu kín cái gì đó. Bình thót tim. Hình như có ai chết? Có ai dạt vào bờ. Chắc thế rồi! Bình chạy tới gần mà không dám xông vô. Cô kéo tay một bà già đang trở ra. Không cần Bình hỏi gì bà đã lu loa dường như cho cả những người đang chạy xuống cùng nghe. Hai người. Hai người ôm nhau. Mấy cô này còn trẻ.
Bình ngã ngồi xuống cát không thể nói không thể đi được. Cứ ngồi như thế cho đến khi xe cấp cứu bệnh viện hú còi từ bờ chạy xuống bãi cát.
Bình trở lại thành phố sau đó hai năm. Gặp ba của Khoa. Ông không mấy giống con trai. Ông điềm tĩnh không hoang mang lay lắt như Khoa. Bình kể chuyện về Khoa. Ông chậm rãi pha nước chậm rãi nói cái thằng tính nó ương gàn lắm cô ơi. Tôi đi công tác anh em nó ở lại thành phố rồi ảnh hưởng tánh má nó. Muốn gì làm nấy không nghe ai can gián bao giờ.
Bây giờ sao bác? Cả nhà đi rồi bác có đi không?
Tôi đi sao được mà đi? Đường tôi khác hẳn đường má nó với hai đứa con gái. Thằng Khoa thì mập mờ nửa tôi nửa má nó giờ cũng đi. Tôi đổ máu cách mạng vô lẽ rồi tôi cũng đầu hàng? Vợ con thì thương thì xót nhưng họ đi tìm sung sướng mình can thì mình có gì cho họ ăn no mặc ấm? Giai đoạn khó khăn quá mà cô! Thôi thì nhờ ông trời che chở cho họ. Tôi cũng quen sống không có má nó với bầy trẻ từ khi vô rừng mà cô.
Ông nhìn ra biển. Cái nhìn không mông lung như Khoa. Ông nhìn tỉnh táo rồi bảo dù sao thằng Khoa cũng khiến tôi lo nhất. Nó như con sóng mà cô. Lúc lành lúc dữ không lúc nào chịu yên…
Bình trở ra Bắc về căn phòng tập thể nhét tới bốn bà trong mười hai mét vuông. Một cô đi lấy chồng còn lại Bình với hai người trên ba mươi chưa có ai nhòm ngó. Nhìn họ bắt đầu úa héo với xếp hàng với đổi tiền với lạm phát… Bình lo sợ. Mới hai mươi bảy tuổi nhưng nếu không gật đầu đại đi Bình cũng sẽ héo khô rồi người ta nhìn vào thương hại cho là mình vô duyên vô phúc. Cái xứ này nó còn khủng khiếp đến thế. Nếu là người hoàn chỉnh thì phải lấy chồng. Nguyên cái sự mọi rợ đó cũng đủ cho người ta chán tận cổ… Bình mặc áo dài trắng ôm hoa lay ơn trắng theo chàng trai cùng tuổi về làm dâu phố cổ trong một ngày đầy sương y như biển mờ mịt. Cô thổn thức nhớ Khoa thổn thức lo sợ bất trắc cướp đi người đàn ông có lẽ là duy nhất hay, duy nhất yêu cô.
Lại gần mươi năm sau Bình trở lại thành phố của Khoa. Hàng hóa bây giờ không chỉ có Đài Loan Hồng Kông Nhật Bản mà là của mọi xứ trên trái đất cần gì cũng có. Thành phố như cái siêu thị sáng choang đèn màu. Ngoài biển cũng sáng đèn tàu du lịch. Dân da trắng da đen đeo ba lô thong dong thăm thú. Căn nhà hai lầu đúc của Khoa bây giờ mở quán cà phê. Không còn dấu vết nơi Khoa chăng ni lông chữa xe đạp. Dàn hoa giấy chẳng còn. Cũng chẳng còn cái cửa sắt vì người ta đập bức tường bày bàn ghế chăng dù ra tận vỉa hè.
Ba của Khoa vẫn nhận ra Bình. Mắt ông đỏ kè khi nhắc đến con trai. Không thấy nó cô à. Má nó quay lại, giờ tụi tui cho thuê quán mở cà phê tháng vài triệu sống khá. Hai em gái nó định cư ở Mỹ. Cũng khá cả. Còn nó vẫn không có dòng tin.
Nhưng Bình vẫn nghĩ Khoa không thể biến mất. Trong thâm tâm Bình chắc anh đã dạt vào đâu đó làm bác sĩ phụ cho một phòng mạch rồi nghiên cứu chuyện mổ xẻ anh đã say mê từ chiến tranh. Nếu yêu nhau người ta phải có linh cảm gì đó thật đặc biệt khi người kia gặp nạn. Bình không có linh cảm đó. Bình thanh thản khi nghĩ tới anh. Bình chuyển sang kinh doanh khách sạn từ thập kỷ chín mươi. Nhiều lần cô đi theo lời mời của các hiệp hội khách sạn đến những xứ sở xa nhất to nhất giàu nhất. Ở đâu cũng có đồng bào. Từ những hòn đảo mù mịt ngoài đại dương đến thành phố lớn. Ở đâu Bình cũng nhìn vào từng người. Tìm kiếm. Chờ một tiếng ai đó gọi tên. Tuyệt nhiên không có.
Một lần ở Ohio. Mùa thu thiên đường trùm lên thành phố màu đỏ rực lá phong. Trong quán sách một trường đại học Bình đang tìm mua mấy cái đánh dấu sách bằng đồng. Một người đàn ông khoác áo lạnh đội mũ dạ đi vào quán. Người Việt. Nhìn là biết. Ông ta tìm cuốn sách trên giá. Bình cảm thấy được ánh mắt liếc xéo của ông về phía Bình. Ông còn trẻ người đàng hoàng, có vẻ là dân đọc sách chứ nếu không ông đã định cư ở thành phố lớn như phần đông người Việt. Để buôn bán. Để có được sự đông vui chứ người mình đâu có thích vắng vẻ. Chắc ông dạy học ở mấy trường đại học gần đây. Bình thấy tim đập dồn. Chẳng lẽ… Có thể nào. Cái dáng dấp kia cùng với kiểu nhìn nghiêng. Bình đau lòng chờ đợi.
Ông ta mua sách xong, tính tiền rồi lại quầy lấy một tách cà phê nóng. Ông ngồi gần cửa sổ đọc. Nhưng Bình vẫn cảm thấy cái liếc xéo của ông. Có lẽ không phải rồi. Nếu là Khoa anh không thể dửng dưng dù anh muốn lẩn trốn quá khứ. Nếu là Khoa anh ấy không thể để Bình đau đớn như thế. Bình chọn xong mấy cái đánh dấu sách có hình lá phong cho mấy đứa con ở nhà. Bình cũng lấy một tách cà phê. Cũng kéo cái ghế nệm dầy lại gần chỗ người đàn ông. Ngồi và nhâm nhi li cà phê…
Quán sách kiêm cà phê sực nức mùi thơm quyến rũ như các quán cà phê xứ lạnh. Vùng Ohio xa cách thành phố lớn. Nó ở tít trên phía Bắc giáp Canađa. Bây giờ là tháng mười một mùa thu. Chỉ hơn một tháng nữa là tuyết. Tuyết sẽ trĩu nặng mái nhà và người ta thích ngồi bên lò sưởi đốt bằng củi thông. Ở xứ xa xôi gần cực Bắc con người thong dong sống. Và lịch sự. Và trang nhã thong thả khác một trời một vực với những bến tàu điện ở Newyork.
Nếu Khoa còn sống nhất định anh sẽ ở những thành phố thế này.
Bình uống hết cà phê trong tách gốm. Cầm thật lâu cái tách còn nóng trong bàn tay nhỏ nhắn đeo găng len mỏng. Cô không thể nào kìm được nỗi tuyệt vọng đang dâng lên. Mắt mờ đi, Bình can đảm nhìn thẳng vào người đàn ông đọc sách. Ông ta nhấp ngụm cà phê. Chăm chú giở một trang sách. Bình định cất tiếng chào như một người cùng xứ chào đồng bào gặp tình cờ. Nhưng ông ta quá chăm chú với việc đọc và uống cà phê. Bình thấy mình vô duyên. Đành thôi vậy. Nặng nhọc đứng lên đầy phân vân ngờ vực. Nhưng khi bước ra cửa Bình bất chợt quay lại. Người đàn ông đang nhìn theo cô. Bắt gặp sự quay lại của Bình, ông không đổi tư thế nhưng đưa mắt nhìn hướng khác.
Bình ra ngoài đường. Đường nhựa đen nhẵn, bãi cỏ như nhung. Tất cả phủ lá phong như tấm thảm đỏ rực. Người ta để lá rụng cho đẹp chứ không dọn đi. Một tốp thanh niên má đỏ au chạy ào qua. Bình khóc òa lên. Cố giấu khuôn mặt nhòe nhoẹt nước vào tấm khăn quàng mỏng.
Bao nhiêu năm qua rồi sao Bình vẫn cảm nhận được mùi thuốc lá trên đôi vai rộng. Vẫn cảm nhận được bàn tay bác sĩ ngoại khoa của anh dành cho những đêm hai đứa đứng dưới giàn hoa giấy. Bình đã thả neo hoàn toàn bình yên trong những buổi tối nghe được cả cánh hoa giấy rơi khi hai đứa hôn nhau. Khoảnh khắc đó hiếm hoi. Còn lại là sợ hãi. Nỗi sợ chiếm trọn thời gian. Cũng chẳng hiểu vì sao yêu nhau mà người ta phải hãi hùng đến thế.
Có lẽ vì thế mà đã cãi nhau to. Đã trút uất ức vào nhau. Rồi chia cắt.
Thiếu phụ đi dọc con đường lá đỏ vàng rực rỡ. Sao trên trái đất lại có nơi đẹp đẽ thế này?
Thiếu phụ không quay nhìn nhưng biết ánh mắt người đàn ông trong hiệu sách vẫn dõi theo. Có lẽ không phải là Khoa thật dù thời gian quá lâu người ta biến đổi nhiều lắm.
Có lẽ ông ấy cũng ngờ ngợ mình với ai. Ông ta cũng có một câu chuyện. Có lẽ vậy…
VanVN.Net - Hưởng ứng tinh thần “Trẻ em là hiền tài và nguyên khí của quốc gia” theo kế hoạch phát triển giáo dục đến năm 2020. Từ ngày 3-8/8/2011 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (148 Giảng Võ – ...
VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...
VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...
VanVN.Net - NXB Dân Trí vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Hoa mẫu đơn của tác giả Lê Toán. Đây là tập truyện giả tưởng - cũng là món quà thứ tư, tác giả dành tặng cho thiếu nhi, sau ...
Tiếp tục chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 4 (Khóa VIII), hôm nay, ngày 7/8/2011, BCH Hội Nhà văn VN đã có chuyến đi thực tế tại trại sản xuất giống tu hài của công ty TNHH Đỗ Tờ ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn