Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: "Triết luận hoa trà" của Lê Hoài Nam

18-07-2011 02:13:11 PM

VanVN.Net - Lê Hoài Nam sinh ngày 29 tháng 3 năm 1953. Quê quán: xã Nghĩa Hiệp, nay là thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Từng là bộ đội chống Mĩ. Học khóa 2, Trường Viết văn Nguyễn Du – Đại học Văn hóa Hà Nội. Năm 1987 chuyển ngành về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh với quân hàm Thượng uý. Từ năm 1989 đến năm 2006 làm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật kiêm Tổng biên tập Hội VHNT Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định…

Nhà văn Lê Hoài Nam

Tác phẩm chính:

Những đêm huyền ảo (tiểu thuyết, NXB Phụ Nữ, 1988), Người đẹp về đâu (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 1990), Đôi tình nhân ham sống (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 1990), Lần Yêu đầu tiên (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 1995), Hoang mạc tâm hồn (tiểu thuyết, NXB Lao Động, 1998), Mùa hè Singapore (tập bút ký, NXB Thanh niên, 2000), Bên kia sông có người bạn gái (tập truyện viết cho lứa tuổi học trò, NXB Kim Đồng, 2002), Một ngày và một đời (tập kịch bản phim truyện, NXB Hội Nhà văn, 2002), Lan Hoàng Vũ (tập truyện ngắn, NXB Thanh Niên, 2006), Danh tiếng và bóng tối (tiểu thuyết, NXB Phụ Nữ, 2008), Bến sông tuổi thơ (tập bút ký, NXB Phụ Nữ, 2009).

Giải thưởng:

Giải thưởng truyện ngắn tạp chí văn nghệ quân đội, 1981.

Giải thưởng bút ký báo Văn nghệ 1988 và 1989.

Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp VHNT việt Nam, 1995.

Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, 2002.

Tác phẩm dựng phim:

Trong nhà có chàng thiếu uý, 1987.

Mãnh lực phố phường, 1989.

Hương bạc hà, 2000.

thầy giáo dạy văn, 2001.

Hiện nhà văn Lê Hoài Nam đang sinh sống ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

 

VanVN.Net trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của Lê Hoài Nam:

 

TRIẾT LUẬN HOA TRÀ

     Cách đây chưa lâu, trong máy điện thoại di động của tôi có những dòng tin nhắn: "Kỉ niệm ngày sinh nhật của anh, chúc an lành, may mắn". Người nhắn tin không xưng tên. Tôi bấm ngay số máy lạ ấy để cám ơn. Chuông đổ hai lần, người kia bỗng tắt máy. Tôi gọi lần thứ hai vẫn xảy ra hiện tượng tương tự như lần trước.Tôi đành phải nhắn tin: "Xin cám ơn lời chúc. Nhưng bạn là ai mà không xưng danh, không nghe máy?". Người kia nhắn lại: "Một người quen của anh. Có điều bất tiện nếu em xưng danh. Có khi nào anh bị rơi vào cảm giác cô đơn, trống vắng không? Nếu có thì mỗi lần như thế hãy nhắn tin cho em. Rồi dần dần anh sẽ nhận ra em là ai". Gần đây nghe nói đã có những vụ quấy rối tình cảm, khủng bố, tống tiền bằng tin nhắn, điện thoại di động. Tôi thấy cần thiết phải cảnh giác với người có số máy điện thoại lạ kia. Tôi nhắn: "Ngoài việc chúc mừng sinh nhật, bạn còn muốn gì ở tôi không?". Người kia đáp trả: "Em có nhu cầu được nhắn tin cho anh, muốn khám phá anh, thế thôi" - "Nhưng bạn biết tôi từ lâu thì có cần phải khám phá nữa không?" - "Thời gian trôi, vật đổi sao dời, con người cũng dễ đổi thay lắm chứ" - "Bạn quen tôi từ ngày xưa, nghĩa là bạn không còn là một cô bé?" - "Em là một phụ nữ đã ở tuổi 43" - "Bạn quen tôi trong trường hợp nào?" - "Bí mật. Anh tự phán đoán nếu anh thấy không tiếc thời gian khi nhắn tin cho em" - "Vậy hôm nay hãy dừng nhắn tin ở đây để tôi có thời gian nhớ lại xem bạn là ai nhé" - "Vâng, tạm biệt".

     Mấy ngày sau đó, tôi sống trong tâm trạng phấp phỏng không yên vì người đàn bà bí ẩn nọ. Một buổi tối thư nhàn, tôi chủ động nhắn tin thăm dò: "Công việc của bạn thế nào?" - "Một doanh nhân. Em có một cửa hàng kinh doanh đồ mĩ nghệ, gần một sân bay, cách Thủ đô không xa" - "Những người yêu thích nghề kinh doanh thường là khôn ngoan sắc sảo lắm" - "Theo em thì không hẳn thế. Có người rất ngốc nghếch nhưng làm kinh doanh lại giỏi nhờ có tâm hồn lãng mạn và trí tưởng tượng phong phú" - "Trong hai mẫu doanh nhân đó, bạn thuộc loại nào?" - "Anh hãy tự phán đoán" - "Bạn yêu nghề kinh doanh, hẳn rồi. Ngoài ra bạn còn yêu thích điều gì trong cuộc sống?" - "Đằng sau cửa hàng em có một khu vườn cảnh do chính tay em ươm trồng. Trên giàn có các dò phong lan. Dưới vườn là các loài địa lan, trà cúc, cẩm chướng, lưu li..." - "Thật là độc đáo. Những doanh nhân thời vi tính này thường không có thời gian để để chơi hoa" - "Thế mà em thì có đấy. Những lúc cửa hàng vắng khách, em lại đáo ra vườn. Hương của các loài hoa làm tâm hồn em thư thái, đỡ mệt mỏi" - "Bạn có sở thích nào nữa?" - "Nghe nhạc đồng quê của Pháp và Nga".

     Đến đây, tôi nhận thấy mình đang bị người phụ nữ bí ẩn cuốn hút, đưa vào cuộc. Cuộc chơi này mang lại điều tốt lành hay chỉ là trò vô tăm tích, tôi không cần biết nữa. Nhưng vừa lúc này, máy di động của tôi báo hết pin, tôi đành nhắn dòng tạm biệt. Và chỉ ngay tối hôm sau, tôi lại có nhu cầu nhắn tin cho cô ta. Rất tự nhiên, tôi đã xưng “anh” và gọi cô ta là "em": "Em nói rằng em quen anh từ ngày xưa; vậy cái ngày xưa ấy em đã cảm nhận về anh như thế nào?" -"Anh tận tuỵ và có trách nhiệm với công việc. Nhưng anh cũng ngốc nghếch chẳng khác gì em".

     Quả thật, bấy nay tôi thường tự ý thức về mình như thế. Rõ ràng người đàn bà bí ẩn này đã có thời gian sống rất gần tôi. Trong cuốn sổ danh bạ cá nhân, ngoài những người thân, tôi chỉ ghi số điện thoại của những ai liên quan đến công việc và nghề nghiệp của mình; đó là các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo...Tôi rà soát rất kỹ mà chẳng có số điện thoại nào trùng với số điện thoại của người đàn bà bí ẩn kia. Đến một ngày, cô ta lại nhắn tin: "Tuy ở xa nhưng em vẫn có cách theo dõi để biết khái quát cuộc sống của anh. Về sáng tác văn học, anh không gặp trở ngại lắm. Nhưng trong công việc quản lý, anh đang gặp trắc trở. Bọn tiểu nhân, bọn làm văn rởm đang tìm mọi cách để hại anh" - "Em là ai mà cứ như ma xó vậy? Em khuyên anh nên phải thế nào?" - "Nếu sắp tới, anh làm thủ lĩnh thì khỏi phải bàn. Nếu không được như thế mà bề trên của anh là một đấng minh quân thì anh hãy hết lòng cung phụng, còn nếu y lại là một kẻ tiểu nhân mà lại háo danh nữa thì anh hãy tìm cách tránh cho xa. Nên nhớ, loại người ấy không bao giờ dung nạp người như anh. Nó biết cách để di chết anh như một con rệp bất cứ lúc nào...". Đọc đến những dòng này thì người tôi toát mồ hôi hột. Tôi vội nhắn cho cô một dòng cám ơn, hẹn hôm khác nhắn tiếp, rồi tắt máy. Người đàn bà bí ẩn đã nói đúng về cái môi trường tôi đang sống; những điều tôi đang gánh chịu. Tôi thấy mình phải cẩn trọng hơn ngay cả với những người xung quanh.

     Chỉ vài ngày nữa là Tết. Tôi đang làm việc dưới huyện thì người đàn bà bí ẩn lại nhắn tin cho tôi: "Món quà em chúc Tết anh hiện đã được đặt trước cửa phòng anh trong cơ quan. Anh hãy vui lòng nhận nhé". Tôi phóng xe về cơ quan. Trước cửa phòng tôi có một chậu trà với những chiếc nụ đang e ấp. Vốn là người thích chơi trà, tôi biết những nụ hoa kia sẽ mở vào đúng dịp ba ngày Tết. Dịp Tết với tôi có thể thiếu nhiều thứ, nhưng không thể thiếu chậu trà. Trong các dòng trà, tôi thích nhất là trà thâm. Tại sao người đàn bà bí ẩn kia lại biết cả ý thích này của tôi?

***

     Thấy tôi cứ ngẩn ngơ trước chậu trà, cô tạp vụ cơ quan chạy tới bảo:

     - Lúc nãy có một chiếc xe con màu trắng đỗ trước cổng cơ quan. Chủ chiếc xe ấy là một phụ nữ. Chị ấy nhờ cháu khiêng chậu trà này từ trong xe đến trước cửa phòng chú. Cháu hỏi tên, chị ấy không nói, chỉ dặn cháu trao cây trà cho chú.

     - Trông chị ấy thế nào? - Tôi hỏi cô tạp vụ.

     - Khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Cao tầm mét sáu. Gương mặt xinh đẹp. Có vẻ sang trọng...

     Tôi vào phòng bấm máy, nhắn tin cám ơn người đàn bà bí ẩn đã tặng tôi chậu trà mà tôi rất ưng ý. Người đàn bà nhắn tin lại: "Anh hãy đếm xem cây trà có bao nhiêu bông". Tôi  đếm, rồi nhắn: "Hai mươi hai bông. Con số này là ngẫu nhiên hay nó nói lên một điều gì đó?" - "Chúng mình xa nhau đã hai mươi hai năm. Có một buổi chiều, trước toàn đại đội, anh đã nói rất hay về cây hoa trà...". Bây giờ thì tôi có thể khẳng định người đàn bà bí ẩn này chắc chắn là một trong những chiến sĩ của đại đội tôi năm ấy. Nhưng người lính tóc dài này là ai, tên gì thì tôi còn ngờ ngợ. Tôi đề nghị cô tạm dừng nhắn tin để tôi có thời gian lục tìm trong trí nhớ...

     Phải rồi, ngày ấy cách đây 22 năm, tốt nghiệp trường sĩ quan, tôi được điều trở lại Cục Chính trị Hải quân. Lúc ấy, nhà văn hoá đang chiêu tập 150 hạt nhân văn nghệ từ các đơn vị về quân chủng, tập hợp thành một đại đội huấn luyện. Tôi được phân công làm đại đội trưởng cái đại đội đặc biệt ấy.

Không có chính trị viên và đại đội phó, tôi kiêm nhiệm cả. Đại đội chia làm ba trung đội. Mỗi trung đội được coi là một lớp: Lớp thanh nhạc, lớp múa và lớp nhạc cụ. Lớp nhạc cụ thì chủ yếu là phong cầm và ghi ta. Đại đội đóng quân trong một khu nhà xây lợp lá cạnh cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng. Công việc giảng dạy thì đã có các văn nghệ sĩ của Nhà Văn hoá Quân chủng đảm nhiệm. Đến giờ, họ đạp xe đến giảng bài; hết giờ, họ đạp xe về. Toàn bộ chuyện ăn ở, sinh hoạt, ốm đau của học viên đổ cả lên đầu tôi. Học viên văn nghệ, người nào cũng ít nhiều có tí máu lãng mạn. Đang ở đơn vị cơ sở kỷ luật gò bó khi được về thành phố học hành là có tâm lý muốn "xả hơi". Một lần trong cuộc họp giao ban, Lập "lùn", lớp trưởng lớp thanh nhạc nói với tôi:

     - Báo cáo đại đội trưởng, lớp tôi đáng lưu ý nhất là chuyện quan hệ của trung sĩ Phạm Thị Thanh Trầm...

     - Cô ấy quan hệ như thế nào?- Tôi hỏi.

     - Dạ thưa, chiều hôm qua tôi nhìn thấy trung sĩ Trầm đi tắm ở ngoài biển với chuẩn uý Hưởng ở lớp nhạc cụ.

     - Là lính biển mà đi tắm với nhau thì có chuyện gì ghê gớm - Hồi ấy tôi nhìn cuộc đời cứ đèm đẹp như thế.

     - Nhưng mà...nhưng mà - Lớp trưởng Lập có vẻ khó nói - Tôi trông thấy hai người kì cọ lưng cho nhau.

***

     Đến đây thì tôi không thể đùa được nữa. Phải để ý xem sao. Chủ quan, để xảy ra điều gì trái khoáy là mình xơi kỉ luật như bỡn.

     Trung sĩ Phạm Thị Thanh Trầm khoảng 20 tuổi, tạng người "cao giàn", cân đối. Mặt trái xoan. Sống mũi thanh tú. Môi đỏ như son. Mắt đen và ướt. Thiếu nữ mà có cặp mắt như thế là đa sầu, đa cảm lắm. Chuẩn uý Hưởng trông cũng to cao, nam tính. Hưởng và Trầm nếu có mê nhau cũng là điều dễ hiểu. Chỉ kẹt nỗi Hưởng đã có vợ. Tất cả vấn đề là ở đó. Một buổi chiều, tôi rủ Hưởng đi dạo ngoài bãi biển. Khi đã trở nên gần gũi, tôi bảo:

     - Cậu đi tắm với cô Trầm thì cứ việc tắm, nhưng nếu để xảy ra việc gì tai tiếng là tôi không tha cho đâu...

     - Ô, em mới từ chiến trường Tây-Nam ra, chơi với Trầm cho đỡ nhớ nhà thôi mà - Hưởng nói.

     Mấy ngày sau, vào buổi tối, cả đại đội đang xem văn công Tổng cục Hậu cần dưới cảng thì có một học viên trẻ tên là Nhĩ lách đám đông đến ghé miệng vào tai tôi nói: "Mời thủ trưởng về doanh trại, có việc nghiêm trọng". Tôi theo Nhĩ về tới dãy nhà của lớp thanh nhạc. Trong một gian phòng, dưới ánh điện vàng vọt, Hưởng và Trầm ngồi cạnh nhau, hầu như khoả thân. Lớp

trưởng Lập thì đứng chống hai tay vào hông nhìn đôi tình nhân như nhìn những tù nhân. Thấy tôi, Lập đứng nghiêm, nói:

     - Báo cáo đại đội trưởng, hai người này trốn không đi xem văn công, ở nhà ăn nằm với nhau. Chúng tôi bắt được đã lập biên bản. Cậu Hưởng đã kí còn cô Trầm thì không chịu kí ạ.

     Nhìn Trầm khoả thân, mái tóc xoã ra phủ xuống lưng, tôi thấy ngại cho cô. Không hiểu sao lúc này tôi giận cô thì ít mà lại sôi máu lên khi nhìn cái dáng "ngũ đoản" của lớp trưởng Lập. Tôi liền giật tờ biên bản trên tay Lập xé vụn ra ném xuống nền nhà, nói:

     - Cậu Hưởng, cô Trầm mặc quần áo vào, rồi ai về phòng người ấy. Cậu Lập và các cậu ra ngoài. Tôi đề nghị mọi người không nói gì về việc này nữa.

            Lớp trưởng Lập và Nhĩ nhìn tôi chưng hửng, khó hiểu.

     Ngay đêm ấy, khi cả đại đội đã yên ắng trong giấc ngủ, tôi gọi riêng Trầm và Hưởng lên phòng tôi. Đưa cho họ một tờ giấy, tôi nói:

     - Hai người hãy viết vào đây như một lời hứa, hay một lời cam đoan gì đó. Nếu cấp trên có "sờ gáy" tôi thì tôi có cái cớ để bảo vệ mình và cũng là bảo vệ hai người nữa.

    Hưởng rút bút viết mấy dòng cam đoan không tái phạm. Trầm viết xong, buông bút nói với tôi: "Xin phép đại đội trưởng cho tôi được thể hiện đòn cảnh cáo gã đàn ông hèn nhát này!". Tôi chưa kịp phản ứng gì, Trầm đã vung tay tát bốp vào mặt Hưởng, rồi nói: "Đồ hèn! Anh để người ta sỉ nhục tôi trước mặt mọi người mà không hề có phản ứng gì, lại còn kí vào biên bản. Vĩnh biệt!". Nói xong, Trầm xin phép tôi, bước thẳng về phòng mình.

     Đúng như tôi dự đoán, chỉ ba ngày sau, trung tá, Chủ nhiệm Nhà văn hoá Quân chủng Ngô Thế Lãnh, người trực tiếp quản lí điều hành tôi, gọi tôi lên hỏi:

     - Tại sao dưới đại đội xảy ra chuyện quan hệ lăng nhăng mà đồng chí không báo cáo tôi?

     Tôi đưa ông tờ giấy có lời cam đoan, hứa hẹn của Hưởng và Trầm. Trung tá xem xong, tủm tỉm cười như chế giễu tôi.

     - Cậu ngốc lắm - Ông nói - Cái giống trai gái đã phải lòng nhau thì mọi lời hứa chỉ như tấm bình phong thôi.

     - Tôi cũng hiểu như thế - Tôi đáp - Nhưng trường hợp này, tôi xin bảo lãnh. Nếu họ tái phạm, tôi xin nhận kỉ luật.

     - Cậu nhận mức kỉ luật nào thì kí vào chính tờ giấy này - Trung tá Lãnh chìa tờ giấy có lời cam đoan của Hưởng và Trầm.

     Tôi rút bút viết bên dưới: "Nếu chuẩn uý Hưởng và trung sĩ Trầm tiếp tục quan hệ bất chính, tôi - đại đội trưởng Lê Hoài Nam - xin nhận hình thức kỉ luật cách chức, hạ cấp quân hàm". Trung tá Lãnh gấp tờ giấy rất cẩn thận cho vào cặp.

     Giao kèo với cấp trên như thế coi như xong một việc. Nhưng trong đại đội, kể từ hôm ấy những tiếng xì xào to nhỏ về "đôi gian dâm" cứ loang dần ra. Tôi buộc phải triệu tập một cuộc họp toàn đại đội để làm công tác tư tưởng.  Hôm ấy là ngày gần Tết, cậu liên lạc biết sở thích của tôi đã ra thành phố mua một chậu hoa trà về đặt trước cửa hội trường. Tôi mượn luôn thân phận cây hoa trà để nói về thân phận con người. Tôi nói rằng, tôi rất thích cây trà thâm mà chú liên lạc vừa mua về. Mọi người hãy ngắm mà coi. Nghe tên có vẻ xấu nhưng  trà thâm là giống trà đẹp nhất, sang trọng nhất trong các dòng trà. Bông trà thâm cấu tạo duyên dáng, ưa nhìn như cô gái đang tuổi trăng tròn. Sắc hoa giống màu bông hồng nhung nhưng tươi tắn và bền chắc hơn. Lá trà không có màu xanh mỡ màng như lá thược dược, không rờn rợn như lá thu hải đường, không khô cứng như lá lan tiêu. Lá trà có vẻ đẹp chín chắn, màu xanh đậm. Cấu trúc và bố cục của lá và hoa trà vừa tương phản tôn vinh nhau vừa biểu cảm sự hài hoà tuyệt diệu của thiên nhiên. Thân cây trà mang một vẻ đẹp tao nhã và cổ kính. Nhu cầu dinh dưỡng của trà rất khiêm nhường nhưng dâng hiến thì lại dai dẳng hết mình. Có người khuyên tôi không nên chơi trà, vì theo họ, trà đẹp nhưng không toả hương. Vâng, chính tôi lại thích cái sự "không hoàn thiện" ấy, bởi trên đời này có gì hoàn thiện đâu. Cứ ngẫm 64 quẻ Kinh Dịch sẽ rút ra được một triết lí sống rất mệnh hệ: Hạnh phúc lớn thì thường đi bên một bất hạnh lớn; thành công to bởi đã từng có thất bại nặng nề; đỏ bạc thì đen tình và ngược lại...Vậy thì, cái cây hoa trà kia mang vẻ đẹp hoàn bích đến thế thì phải thiếu đi một chút nhuỵ hương cũng là hợp lẽ âm dương, lẽ trời. Làm một con người cũng vậy, xin đừng ai cho mình là hoàn hảo hết mọi đường.Trước những lỗi lầm của người khác, nếu lỗi lầm đó không phương hại lắm đến cuộc sống cộng đồng thì nên có cái nhìn thể tất, lượng thứ...

     Khi tôi nói đến đó, tôi thấy cả đại đội hướng cái nhìn về phía Phạm Thị Thanh Trầm. Chính lúc ấy, tôi còn thấy có hai dòng nước mắt lăn xuống hai bên má Trầm. Từ hôm ấy, dư luận về mối quan hệ Hưởng - Trầm lắng dần xuống. Rồi công việc tập luyện và biểu diễn các tiết mục văn nghệ lôi cuốn

mọi người, chẳng ai nhắc đến nữa. Hôm chia tay nhau, mỗi người về một đơn vị, tôi biết Hưởng và Trầm không còn dây dắt gì nữa. Từ bấy đến nay đã 22 năm. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhớ những kỉ niệm về cái đại đội huấn luyện

văn nghệ ấy; nhớ nhất là Trầm. Nhưng, tôi không sao có được địa chỉ của cô. Hơn nữa, rất có thể sự mặc cảm khiến cô không muốn gặp tôi nữa thì sao?

     Và bây giờ, tôi đã mang máng đoán ra người đàn bà bí ẩn bấy nay nhắn tin cho tôi là ai. Tôi bấm máy: "Có phải em là Phạm Thị Thanh Trầm?". Tin nhắn lại: "Anh chỉ cần biết em từng là lính của anh. Khoan hãy cần biết đích danh em là ai" - "Vì sao lại phải như thế?" - "Cái gì còn bí ẩn thì sẽ còn thu hút, kích thích sự ham muốn khám phá. Em muốn, kể từ nay chúng mình sẽ không quên nhắn tin cho nhau mỗi khi có niềm vui cần chia sẻ, có nỗi buồn cần an ủi. Chỉ thế thôi, với em cũng đã là hạnh phúc lắm...".Qua những dòng tin nhắn ấy, tôi biết người phụ nữ từng là lính của tôi hiện tại có thể không thiếu vật chất nhưng đời sống tinh thần thì...

    Tôi nhắn lại: "Anh đồng ý! Chúc em vui!".

Liễu Đề, cuối năm 2005

 

NHỮNG GIỌT LỆ ĐỎ THẮM

Năm 1792, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đột ngột qua đời. Con trai là Nguyễn Quang Toản lên kế vị ngôi vương, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Toản còn đang tuổi vị thành niên, chưa bộc lộ một chút tài năng điều hành triều chính. Nội bộ nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu nhanh chóng.

 Nguyễn Ánh xưng vương, lấy niên hiệu Gia Long. Năm 1802, từ đàng trong tiến ra chiếm lại Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh tháo chạy ra bắc. Nguyễn Ánh cho một đội quân rượt đuổi theo truy bắt. Nguyễn Ánh sai Tả tướng quốc Lê Văn Duyệt khám xét nội cung. Duyệt đem quân đi, khi quay lại, tâu:

- Bẩm thánh thượng, tất cả bọn ngụy Tây Sơn đã bỏ chạy, chỉ còn chính cung hoàng hậu Quang Toản, chẳng hiểu sao bị bỏ rơi lại.

Nguyễn Ánh từng nghe nói về người vợ của Quang Toản. Nàng tên Lê Thị Ngọc Bình, công chúa út của vua Lê Hiển Tông và chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Công chúa Lê Ngọc Hân, hoàng phi của Nguyễn Huệ, là chị gái nàng. Dù Ngọc Bình không hề có huyết thống với nhà Tây Sơn nhưng nhắc đến tên nàng, trong tâm can Nguyễn Ánh vẫn như lửa đổ thêm dầu, ngùn ngụt sục sôi mối thù Tây Sơn. Ánh bảo Duyệt:

- Hãy đưa trẫm đến gặp chính cung hoàng hậu của tên giặc cỏ Quang Toản!

 Ngọc Bình vẫn ở trong cung, ngồi bên bàn trang điểm chống hai tay lên má, mắt dóng qua cửa sổ nhìn về phương bắc. Không biết giờ này vua Cảnh Thịnh chồng nàng cùng với quần thần nhà Tây Sơn đang ẩn náu chốn nao? Liệu có thoát được vòng bủa vây săn đuổi của quân Gia Định Nguyễn Ánh? Nàng là công chúa con vua, nhưng là vua thời mạt. Như nhiều ông vua thời Lê trung hưng, phụ thân nàng cũng bị nhà Trịnh lộng hành áp chế. Để tránh bị triệt hạ, vua Lê Hiển Tông buộc phải chọn cách sống thu mình trong vỏ ốc, nhu nhược đến độ không dám có một lời nói to ngay trong cung thất, e có tai vách mạch rừng. Bên phủ chúa Trịnh lúc nào cũng lộng lẫy xa hoa, chè chén linh đình, dập dìu ong bướm. Bên cung vua Lê thì tối tăm, lặng thầm như tu viện. Lê Thị Ngọc Bình được sinh ra và nuôi dưỡng trong cái môi trường tự khép kín đó. Không đói khát, nhưng cũng không có những cao lương mỹ vị, lấy việc học chữ, đọc sách làm nguồn vui, bớt phải chứng kiến cảnh loạn ly, nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Chị em nàng còn thiên lương hơn cả những nữ tu nhà dòng Chúa Cứu Thế. Cuộc sống dư thừa sự bình lặng, nhàm tẻ, phong bế khiến Ngọc Bình luôn khát khao một cái gì đó khác thường, mạnh mẽ, tươi mới bên ngoài bốn bức tường hoàng thành. Nàng coi vua Quang Trung, anh rể nàng là một thần tượng, tình yêu của Quang Trung với chị gái nàng là một tình yêu lý tưởng, bất diệt. Bởi vậy, khi Quang Trung mất, Ngọc Hân mai mối nàng cho Quang Toản, không một chút đắn đo, nàng đồng ý liền. Nhưng khi trở thành chính cung, Ngọc Bình mới nhận ra Quang Toản chỉ giống cha ở cái mã bên ngoài. Tính tình chàng nông nổi, kiêu bạc và hèn nữa. Thời gian Quang Toản trị vì, cả đàng trong lẫn đàng ngoài giặc giã triền miên, triều chính lục đục, chém giết nhau chẳng còn luân thường đạo lý gì.

 Bây giờ, nhà Tây Sơn đang vong trận, Quang Toản đã bỏ chạy, để lại một mình ta ở đây. Ta biết đi đâu bây giờ? Hoàng thành tráng lệ và thâm nghiêm của các tiên đế ta ngoài Thăng Long đã hoang phế, cỏ mọc trùm cả sân điện Kính Thiên, từ lâu nó đã biến thành một cái nhà trọ của anh em nhà Tây Sơn, ta về đó sao được nữa! Đằng nào thì Quang Toản cũng bị bắt, bị giết, hay là ta chết theo chàng cho trọn đạo phu thê? Ngọc Hân cũng đã từng quyên sinh về nơi chín suối sau khi vua Quang Trung qua đời. Đấng anh hùng mã thượng ấy xứng đáng được chị gái ta ứng xử như thế. Còn Quang Toản, trong lúc lâm nguy, chàng bỏ ta lại đây cho nanh vuốt kẻ thù, chạy thoát thân một mình, liệu chàng có còn đáng mặt một hoàng đế chí nhân quân tử để ta chết theo?

Đang triền miên với những suy tư ảm đạm, tuyệt vọng, bất chợt Ngọc Bình nghe có có tiếng gót giầy phía ngoài cửa. Quay lại, nàng nhận ra một người đàn ông đứng tuổi, tướng mạo không to béo nhưng săn chắc, lẫm liệt, mặt mày dầy dạn gió sương, một thanh gươm đeo trễ bên hông, đã tự ý bước qua khung cửa vào phòng đứng sau lưng nàng. Ngọc Bình linh cảm đây là một kẻ có uy quyền của tân triều. Dù mới ở tuổi mười chín, nàng vẫn không hề tỏ ra khiếp sợ, không để mất thể diện của một chính cung hoàng hậu cựu triều. Nàng hỏi:

- Nhà người là tướng quân Gia Định phải không? Ngươi muốn gì ở ta?

Nguyễn Ánh toan nói một câu gì đó thật chát chúa, cay độc thì bỗng cái lưỡi trong miệng ngài líu lại. Ngài nhận ra Ngọc Bình có một vẻ đẹp thướt tha, tao nhã, bạt thiệp. Gương mặt nàng đang ngổn ngang tâm thế, u sầu, nhưng vẫn rờ rỡ một vẻ đẹp. Trong đám sĩ tốt của Nguyễn Ánh, không ít người quê Thăng Long, từng một đôi lần nhìn thấy nàng đi lễ chùa Quán Thánh, dạo chơi Phủ Tây Hồ, họ kháo nhau về nàng quả là không sai. Không định dùng danh từ “phu nhân” với nàng nhưng hai tiếng ấy vẫn tuôn ra một cách tự nhiên từ miệng Nguyễn Ánh:

- Phu nhân hãy cứ bình thân. Dù thế sự đã thay đổi, nhưng trẫm đến đây không phải để sát hại phu nhân.

- Ta biết - nàng vẫn ngồi, nhưng xoay mặt về phía Nguyễn Ánh, nói tiếp - Nơi ta đang ngồi đây, hôm qua là chính cung,  hôm nay đã thành nhà ngục đối với ta. Âm u lạnh lẽo quá mà ta chưa biết phải chạy đi đâu!

Càng ngắm, Nguyễn Ánh càng bị cuốn hút vì sắc đẹp của Ngọc Bình. Ngài nghĩ: “Ta sẽ thưởng ngoạn cái vẻ đẹp mê hồn kia, khi nào chán chê,  giết nàng cũng chưa muộn!”.

- Xin phu nhân chớ âu sầu. Phu nhân cứ ở đây. Rồi trẫm sẽ mang điều tốt lành đến với phu nhân - Nguyễn Ánh nói một cách thành thật trong sôi sục mưu toan.

Tả tướng Lê Văn Duyệt bước vào, quỳ dưới chân Nguyễn Ánh, tâu:

- Bẩm thánh thượng, quân ta từ đàng ngoài báo về đã bắt được khá nhiều tàn ngụy Tây Sơn, mời thánh thượng về triều ban lời chỉ dụ!

- Nhà ngươi về trước nói với mọi người đợi trẫm - Nguyễn Ánh vừa nói vừa xua xua tay về phía Lê Văn Duyệt, mắt vẫn đăm đắm nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống Ngọc Bình.

Lê Văn Duyệt lui. Ngọc Bình nhìn Nguyễn Ánh một cách ngỡ ngàng. Con người dạ sắt gan vàng, suốt hai mươi nhăm năm bôn tẩu, ăn bờ ngủ bụi, nuôi ý chí can trường khôi phục nhà Nguyễn, chính là kẻ này đây ư? Ngài bỏ trễ việc đại sự chỉ vì ta chăng?

- Hóa ra nhà ngươi chính là Nguyễn Ánh, tân triều Gia Long? Sao nhà ngươi không đuổi ta cút khỏi thành Phú Xuân mà lại giữ ta?

- Phu nhân không phải bận lòng về chuyện đi hay ở - Nguyễn Ánh nói - Quá nửa đời người trẫm làm bạn với gươm đao, tính khí võ biền, nhưng không  mù lòa đến độ không nhận ra phu nhân là một viên ngọc quý, rất cần cho trẫm. Trẫm đã có nhất cung Tống thị, nhị cung Trần thị. Phu nhân sẽ là tam cung của trẫm. Phu nhân thấy sao?

Ngọc Bình quan sát dung mạo Nguyễn Ánh lần nữa, như để đoán định thêm điều gì đó về ngài: “Con người này đúng là mang dung mạo và thần thái của một đại quân vương. Ông ta rất mạnh mẽ và quyết đoán. Con người ông ta toát ra thứ mùi vị rất đàn ông. Nhìn ánh mắt và đôi vai của ông ta, có thể tin được. Ta đang bơ vơ trên cõi đời loạn lạc, binh đao. Nếu tiếp tục phải sống, ta không thể không tựa đầu vào vai con người này…”. Bằng một động tác dứt khoát, Ngọc Bình đứng dậy bước đến trước mặt Nguyễn Ánh, quỳ xuống nói:

- Xin đa tạ tân vương đã có nhã ý. Thiếp đang ở trong một hoàn cảnh thật khó sống, nhưng chưa có gan để chết. Thiếp cũng như tất cả đàn bà trên thế gian, có một người đàn ông để tựa được vào vai, ấy là điều quan trọng nhất. Nếu tân vương có lòng thương, thiếp đâu nỡ phụ tình. Chỉ e thiếp không xứng với những điều tân vương nghĩ về thiếp mà thôi.

Nguyễn Ánh đưa hai tay nâng Ngọc Bình đứng dậy:

- Nàng hãy về với ta!

***

Nguyễn Ánh sai đám hoạn quan chuẩn bị phòng the rất chu toàn cho đêm hợp cẩn. Ngài bắt họ đốt lõi trầm xua côn trùng và khí độc trong phòng, đun nước hương nhu pha dầu long não cho Ngọc Bình tắm. Xiêm y của nàng cũng được thay mới. Ngài không muốn còn vương một chút “mùi Tây Sơn” trên thân thể nàng. Trong cái giờ khắc Ngọc Bình sửa soạn dọn mình trong cung cấm, Nguyễn Ánh ngồi phòng ngoài uống rượu sâm ngọc linh ngâm với cá ngựa. Đã sắp bước sang tuổi ngũ tuần, lại vừa trải qua một thời kỳ dài vắt kiệt trí lực cho việc mở mang Gia Định, chiến đấu tử sinh lấy lại ngôi báu, sinh dục của ngài đã có những triệu chứng thất thường, phải dùng loại rượu này kích dục. Ngài uống bằng loại chén mắt trâu to tướng, tráng men màu đen. Mới trở lại ngôi báu, ngài vẫn chưa kịp gột rửa hết thói quen xô bồ của những năm tháng bôn tẩu ăn bờ nằm bụi. Ngài uống đến chén thứ hai đã thấy ngọc thể lâng lâng. Ngài tự nói với chính mình: “Nếu nàng làm ta sung sướng, ta sẽ để nàng sống với ta. Trái lại, nếu nàng làm ta chán ngắt thì những cốc rượu này sẽ kích thích ta tăng thêm sức mạnh giết chết nàng! Không phải dùng gươm đao. Cũng chẳng cần bóp cổ. Ta sẽ giết nàng bằng một cuộc giao phối đầy thú tính. Ta sẽ nhìn thấy âm hộ của nàng máu tuôn ra như suối. Nàng nhợt nhạt, run rẩy, van xin ta trong tức tưởi, rồi chết!”.

Nguyễn Ánh uống thêm chén thứ ba rồi bước vào cung cấm. Ngọc Bình đã mặc đồ ngủ, nhưng nàng vẫn đang nằm nghiêng đọc sách bên ánh đèn cầy. Nguyễn Ánh nghe nói các công chúa con vua Lê Hiển Tông có được dậy dỗ về chữ nghĩa, văn chương. Khi Quang Trung mất, Ngọc Hân còn làm cả thơ khóc chồng nữa! Giả dụ bây giờ ta về cõi, nàng Ngọc Bình có làm thơ khóc ta không? Nguyễn Ánh cảm thấy thú vị trước ý nghĩ ngồ ngộ này của ngài. Ngài bắt đầu đưa một bàn thay thô nhám vì luôn phải cầm đốc kiếm lên vuốt má nàng. Ngọc Bình khẽ rùng mình một cái. Phải một lúc sau nàng mới hòa nhập được với những động tác vuốt ve của Nguyễn Ánh. Nàng bắt đầu đón nhận những cái hôn thô bạo của ngài một cách tự nhiên, đầy nữ tính. Thân thể tuyệt mỹ của nàng trắng như sáp nến, lan tỏa một mùi hương  dìu dịu của da thịt, gợi cho Nguyễn Ánh một cảm giác nàng là gái đồng trinh chứ không phải một thiếu phụ. Nhất là khi dương vật ngài tiến sâu vào vùng kín của nàng thì một cảm giác chặt chịa, thao thiết hút ngài vào chốn bồng lai. Thân thể nàng run lên. Con tim sắt đá của ngài như tan chảy. Trong cơn ngây ngất tột cùng, miệng ngài bật ra tiếng kêu xít xoa, hổn hển: “Hỡi phu nhân, hãy nói trẫm nghe, phu nhân là người hay là thần thánh, hử?”. Nàng run rẩy đáp: “Tân vương nhìn kỹ lại đi, thiếp là người, như bao người đàn bà khác dưới trần gian thôi mà!”. Nguyễn Ánh lại phủ tiếp lên cặp môi ngọt lịm của nàng những cái hôn bạo liệt. Lạ thay, ngài càng thô tháp, dữ dằn thì nàng càng trở nên dịu dàng mềm mại, bó bện như keo mật.

Sau cuộc giao hoan kéo dài, như vẫn còn chưa thỏa cơn khát, Nguyễn Ánh nằm nghiêng ôm quặp lấy nàng, miệng nói mê man:

- Phu nhân ơi, trẫm phải thú nhận với phu nhân điều này. Trẫm có thể giết phu nhân bằng một cuộc giao cấu thật hoang dại, dữ dằn. Bởi trẫm muốn hủy diệt tất cả những gì từng liên quan đến nhà Tây Sơn. Nhưng cho đến giờ khắc này, trẫm biết, trẫm không thể làm điều đó. Phu nhân là vật báu của trẫm, là của trẫm mãi mãi...

- Thiếp đâu có gì khác với những người đàn bà mà tân vương đã có - nàng nói.

- Không, phu nhân rất khác. Chẳng qua phu nhân không tự biết những giá trị cao quý của mình, hoặc có nhận ra, nhưng phu nhân khiêm cung mà nói thế thôi - Nguyễn Ánh nói - Đời trẫm đã có hai chính phi, ăn ở với các bà ấy nhiều năm, đẻ ra một đàn một đống con. Trẫm lại có gần một trăm cung nữ, là con của các quan trong triều, dưới tỉnh, mang đến dâng hiến. Trẫm đang cần lấy lại giang sơn, phải quy tụ đông đảo quần thần một lòng giúp rập. Các quan cũng muốn tranh thủ trẫm, mong trẫm ban cho những đặc ân mưa móc. Trẫm không nỡ khước từ một ai. Nhưng tất cả, tất cả, không ai, không một ai có ngọc thể đẹp và mùi hương thiêu đốt như phu nhân. Không một ai cho trẫm cảm giác sung sướng bất tận như phu nhân!

Ngọc Bình đủ nhậy cảm để nhận biết, tất cả những lời nồng nàn phát ra từ cái miệng gang thép kia là tình thật. Nhưng nàng không muốn nó tuôn chảy ra hết. Nàng mạnh bạo đưa tay bịt lấy miệng Nguyễn Ánh, nói:

- Thiếp biết tân vương nói thật lòng. Nhưng thiếp muốn tân vương hãy biết kiệm lời thì đạo nghĩa chồng vợ mới thiêng liêng. Triều đại nào rồi cũng có thịnh có suy, có hòa rồi có biến. Tân vương đã có thiếp. Thiếp đã có tân vương. Những gì chúng ta đã cho nhau là hiện hữu, là rất thật. Đó mới là điều đáng quan tâm nhất đối với thiếp...

***

Ít ngày sau, Nguyễn Ánh cầm quân, cả bằng đường bộ và đường thủy, tiến ra bắc. Quân thủy tới cửa biển Đan Nhai thuộc Nghệ An thì tiến đánh đồn Quần Mộc. Quân bộ cũng vượt qua sông Thanh Long sang bờ bắc. Hai mũi thủy bộ kẹp lại, quân Tây Sơn biết không thể chống cự, bỏ hàng ngũ chạy tán loạn. Quân Nguyễn xông lên chiếm kho thóc Kỳ Lân. Quan trấn thủ nhà Tây Sơn Nguyễn Thận cùng với quan hiệp trấn Nguyễn Triêm kéo theo các tướng sĩ bỏ chạy ra bắc. Đến vùng giáp ranh Thanh - Nghệ, Nguyễn Triêm thắt cổ chết. Nguyễn Thận cố chạy ra Thanh Hoa. Tướng Trần Quang Diệu từ Quỳ Hợp xuống đến Hương Sơn, nghe tin Nghệ An thất thủ, cũng chạy ra Thanh Hoa. Tướng sĩ của Diệu bỏ ngũ dần, tản mát mỗi người một nơi. Quân Nguyễn đuổi bắt sống Trần Quang Diệu, rồi tiến đánh  thành Thanh Hoa. Đốc trấn Quang Bàn, em ruột Quang Toản cùng Nguyễn Thận ra đầu hàng. Quân Nguyễn tiếp tục tiến ra đàng ngoài, đến Thăng Long chứng giám quân Tây Sơn tan đàn xẻ nghé. Quang Toản cùng với em ruột là Quang Thùy và đô đốc Tú bỏ chạy, vượt sông Nhĩ Hà, về hướng Kinh Bắc. Quang Thùy và đô đốc Tú thắt cổ chết giữa đường. Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản bị thổ hào vây bắt nhốt vào cũi đem nộp cho quân Nguyễn. Những tù binh khác của Tây Sơn cũng bị nhốt vào cũi bỏ xuống thuyền xuôi phương nam.

Trở về Phú Xuân, Nguyễn Ánh sửa lễ cáo miếu, dâng tù. Tất cả đám tù nhà Tây Sơn được dẫn đến một sân cỏ lớn trước miếu đường để chịu án hành quyết. Quân Nguyễn xua dân chúng Phú Xuân đến xem rất đông. Hông vẫn đeo gươm, Nguyễn Ánh đứng giữa quần thần và đám tử tù, nói bằng cái giọng oang oang chát chúa như súng lệnh:

- Tất cả hãy nghe đây! Triệu tổ trẫm sinh nơi đất bắc, một trọng thần nhà Lê, đời vua Lê Trang Tông, được phong tước Chiêu Huân Tĩnh Vương, nhưng các tiên chúa trẫm lại lập nên  nghiệp lớn chốn phương nam. Có được giang sơn đàng trong này, từ Phú Xuân, qua Gia Định, tới Hà Tiên là nhờ công khai khẩn và chiến đấu không biết mệt mỏi, không tiếc máu xương của chín đời tiên chúa trẫm. Nhưng bỗng một ngày có một bọn giặc cỏ, lấy tên là Tây Sơn nổi lên cướp bóc, giết chóc, chiếm đoạt, đào mồ mả, phá lăng miếu tổ tiên trẫm - Nguyễn Ánh chỉ tay về bãi cỏ hoang  phía sau lưng, nói tiếp - Nơi đây trước kia là tông miếu, lăng tẩm tiên tổ trẫm, đẹp đẽ, thâm nghiêm  là thế mà chúng đập phá đào bới, bây giờ chỉ còn trơ ra một bãi cỏ hoang như thế này! Hàng vạn sĩ tốt của trẫm đã bỏ mạng dưới gót giầy, lưỡi gươm của chúng. Riêng trẫm, vì bọn giặc cỏ mà suốt hai mươi nhăm năm trời trẫm phải bươn trải, hết Hậu Giang đến Hà Tiên, hết giong buồm vượt sóng bạc đầu ra Thổ Chu lại cầm chèo xé gió chướng về Cổ Cốt. Lúc lâm nguy, trẫm phải cầu viện đến xứ Gô-loa Đại Pháp đã đành, trẫm còn phải hạ mình xin xỏ cả các tiểu quốc Xiêm La, Chân Lạp trợ giúp. Một lần bị bọn giặc cỏ dồn đuổi ra tận đảo Phú Quốc, tưởng không thể thoát nổi lưỡi gươm của chúng, trẫm đã rút cây kiếm ra toan tự vẫn. Nhưng thay vì lưỡi kiếm đâm vào ngực trẫm thì  lại như có người chỉ hướng, kiếm đâm thẳng xuống đất. Nước từ dưới mũi kiếm vọt lên, đất thụt xuống, hóa thành một cái giếng. Đó là điềm linh báo của các tiên chúa trẫm, bắt trẫm không được chết để còn gánh trọng nhiệm khôi phục giang sơn nhà Nguyễn. Nay sứ mệnh các tiên chúa ủy thác đã được hoàn mãn, trẫm dâng lễ hiến phù, tạ ơn tiên tổ, xử tử lũ giặc cỏ Tây Sơn. Trẫm vì chín đời mà báo thù!

Nguyễn Ánh rút kiếm ra khỏi vỏ, dùng lưỡi kiếm khều xé toạc miếng vải đen che mắt vua Cảnh Thịnh. Quang Toản vừa mở mắt thì đã thấy quân Nguyễn Ánh khiêng ra những cái giỏ lớn, trong đó đựng hài cốt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và những hoàng thân quốc thích nhà Tây Sơn mới được khai quật. Hài cốt đã bị quân Nguyễn dùng cối đá giã nhỏ thành bột, trừ cái đầu lâu Nguyễn Nhạc và đầu lâu Nguyễn Huệ là vẫn còn. Quân Nguyễn bê đầu lâu của hai vua Tây Sơn ra khỏi giỏ, đặt lên một phiến đá. Họ khiêng những cái giỏ đến cho Quang Toản nhìn lần cuối rồi đám bột hài cốt ấy được đưa ra sông Hương rắc xuống nhiều khúc cho nước cuốn đi.

Quân Nguyễn lấy bát cơm đút cho Quang Toản ăn bữa cuối cùng ngay bên cạnh đầu lâu của cha và bác ngài. Sau đó quân Nguyễn lấy giẻ nhét vào mồm tất cả đám tử tù. Hai chân hai tay Quang Toản  bị buộc vào bốn dây thừng dài, nối với bốn thớt voi. Khi bốn con voi nhận lệnh bước đi thì xác Quang Toản bị xé làm bốn mảng. Cái đầu bê bết máu của Quang Toản cùng với đầu lâu Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ xếp vào ba cái nồi bằng đất nung mà người dân Phú Xuân vẫn dùng để đi tiểu tiện. Quân Nguyễn vạch dương vật đái vào ba cái nồi đó rồi dùng vôi trộn mật mía gắn chặt miệng nồi, tống vào ngục thất. Bốn mảnh xác Quang Toản bị xẻ ra làm năm phần đưa đến phơi ở năm cái chợ quanh thành Phú Xuân nhằm răn đe tất cả những ai còn vương vấn với Tây Sơn.

Sau Quang Toản, xử thiếu phó Trần Quang Diệu. Trước đó đã có lần Trần Quang Diệu tỏ ra khoan thứ với quan quân nhà Nguyễn ở Quy Nhơn, Diệu chỉ bị xử chém đầu tại chỗ. Nhưng cô con gái mười bốn tuổi của Diệu lại bị xử rất nặng. Cô bị con voi hất tung lên cao, khi rơi xuống, cặp ngà nhọn của nó xuyên qua thân thể cô như xiên chả. Nữ tướng Bùi Thị Xuân, vợ Trần Quang Diệu cũng bị xử theo cách ấy, nhưng con voi phải hất tung bà lên ba lần cặp ngà của nó mới xuyên qua thân xác bà, lúc ấy bà mới chịu chết. Các con của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cũng bị voi xé xác như Quang Toản. Nhưng xé xong thì được hót xác đổ xuống sông Hương chứ không bị mang ra chợ phơi như xác Quang Toản. Còn lại ba mươi mốt người nữa trong triều và gia tộc Tây Sơn thì chịu án lăng trì, xác bị tiêu hủy ngay sau đó.

Cuộc báo thù này có tất cả vua quan tân triều Gia Long có mặt chứng giám, chỉ thiếu Ngọc Bình. Đêm trước ngày đó, Nguyễn Ánh đã báo cho nàng biết về cuộc xử án khủng khiếp này. Ngài còn tiết lộ cho nàng biết tỉ mỉ cách giết từng phạm nhân như thế nào. Khi nghe đến chỗ dùng voi xé xác Quang Toản, Ngọc Bình rùng mình một cái, rú lên khe khẽ. Nàng nói:

- Tân vương thử nghĩ lại xem, đằng nào thì tân vương cũng đã thu cả giang sơn Đại Việt về tay rồi, có cần thiết phải trả thù người ta thảm khốc đến thế không!

- Không, ta không thể vì bất cứ lý do gì mà nương tay được! Đó còn là ý các tiên chúa ta nữa! - Nguyễn Ánh nói.

Tuy sống bên Nguyễn Ánh chưa lâu, nhưng Ngọc Bình đã cảm nhận được bản chất ngài: đã quyết định làm gì, dù có bị rơi đầu ngay tắp lự, ngài cũng không thay đổi. Nàng đành phải nhượng bộ:

- Tân vương đã quyết như vậy, để thiếp được thanh thản sống với tân vương, xin từ nay tân vương đừng  bao giờ nhắc đến tên những người Tây Sơn với thiếp nữa, được không?

- Nếu để giữ tình yêu của phu nhân - Nguyễn Ánh nói - trẫm không nỡ khước từ bất cứ lời đề nghị nào của phu nhân!

- Vậy thì ngay bây giờ thiếp có lời thỉnh cầu: sáng mai tân vương hãy miễn trừ cho thiếp, không ra sân miếu chứng kiến việc xử án nữa. Thiếp rất sợ nhìn thấy máu người!

Nguyễn Ánh chấp thuận.

Xong cuộc báo thù, đếm về cung, Nguyễn Ánh thấy Ngọc Bình  đang ngồi như chết lặng bên bàn trang điểm, nước mắt tràn xuống hai bên má, ngài kìm nén cơn giận dữ, hỏi:

- Phu nhân vẫn thương tên giặc cỏ ấy phải không?

Ngọc Bình rút khăn lau sạch nước mắt, nói:

- Bẩm tân vương. Thiếp cũng chỉ là một nữ nhi yếu đuối thôi mà. Cho dù Quang Toản không được thiếp yêu thương như thiếp đã yêu thương tân vương, nhưng đạo nghĩa phu thê, vào cái ngày ông ấy chấm dứt mạng sống, sao tránh được sự cảm kích nơi tâm can thiếp!

Nguyễn Ánh không nói thêm gì mà đùng đùng bỏ ra ngoài. Đêm ấy ngài không về với Ngọc Bình. Phải mấy đêm sau nữa, ngài mới trở lại. Vừa bước qua cửa, ngài đã ôm trầm lấy Ngọc Bình, nói:

- Cái lúc nhìn phu nhân khóc Toản, trẫm giận lắm. Trẫm bỏ đi là vì thế. Nhưng sau đó, bình tâm mà ngẫm nghĩ, trẫm lại thấy kính trọng phu nhân. Những giọt nước mắt của phu nhân đã nói lên rằng, thủa còn là công chúa trong cung vua Lê, nàng đã được dậy dỗ rất cẩn trọng. Phu nhân không phải là kẻ bạc tình!

Chưa kịp để cho Ngọc Bình nói lời đáp lễ, Nguyễn Ánh như sực nhớ ra điều gì, liền hỏi:

- Phu nhân có biết vì sao trẫm lại đặt niên hiệu vương triều là Gia Long không?

Câu hỏi có vẻ hơi bất ngờ. Ngẫm nghĩ một chút, Ngọc Bình đáp:

- Gia là Gia Định. Long là Thăng Long. Gia Long nói lên rằng tân vương đã thống nhất giang sơn về một mối, phải thế không?

- Phu nhân quả là rất thông minh - Nguyễn Ánh khen rồi lại nói sang chuyện khác - Môĩ khi âu yếm, không chỉ trẫm mà phu nhân cũng run rẩy xúc động. Phu nhân yêu quý trẫm về điều gì?

- Tân vương cho phép thiếp không nói ra điều này được không?

- Trẫm chưa hỏi ai câu ấy bao giờ. Nhưng với phu nhân, trẫm rất muốn nghe trả lời?

- Người đàn ông có ba phẩm chất đáng quý thì tân vương đã có hai - Ngọc Bình nói - Một là cái trí của tân vương rất lớn. Phải có trí lớn thì trong hoàn cảnh tao loạn giặc giã tân vương vẫn mở mang và xây được Phiên An trấn thành Gia Định, làm vương ở đó, bền gan mưu lược lấy lại vương triều, thống nhất giang sơn về một mối sau gần ba trăm năm chia cắt. Hai là tân vương có phẩm chất của một dũng tướng. Tân vương chiến đấu với nhà Tây Sơn, đọ trí với cả Xiêm La, Chân Lạp, cho dù có thắng có bại, nhưng chưa khi nào tân vương tỏ ra hèn nhát!

Nguyễn Ánh như được phủ một lớp ánh sáng ảo huyền trên gương mặt vốn dĩ phong sương khi được người đẹp khen. Ngài hỏi tiếp:

- Còn phẩm chất thứ ba, thứ mà trẫm không có, là gì vậy?

- Tân vương hãy tự ngẫm xem, nó là gì? - Ngọc Bình hỏi lại, một cách từ chối khôn ngoan bởi nàng thấy không tiện trả lời câu này.

- Trẫm hiểu, thiếp chê trẫm thiếu một chữ nhân - Nguyễn Ánh nói - Nhưng trẫm muốn thiếp ghi nhớ điều này: Chúa thứ chín của vương triều là Định Vương cùng nhiều hoàng thân quốc thích của tộc họ Nguyễn cũng bị anh em Tây Sơn đào mồ, xương giã thành bột đổ xuống sông Hương. Lăng mộ, tông miếu chín đời tiên chúa trẫm bị phá nát. Anh em Tây Sơn gieo cho vương triều trẫm cái gì trẫm cho chúng gặt thứ đó. Hơn nữa, trẫm trả thù tàn bạo thế còn là nhằm răn đe những thế lực còn đang mưu toan tranh giành, kéo giang sơn trở về cảnh nam triều bắc triều, nồi da xáo thịt. Trẫm chán ghét cảnh binh đao lắm rồi!

Nói đến đó gương mặt Nguyễn Ánh sập buồn, hai mắt ngài ngấn nước, đỏ vằn lên. Ngọc Bình vội ôm lấy ngài, úp mặt vào vai ngài, nói:

- Kìa tân vương! Tân vương chớ vội phiền lòng đến thế. Thiếp hiểu được điều đó mà. Chính vì vậy nên thiếp mới tận hiến, tận dâng tân vương tất cả tình yêu thương của thiếp…

Phải vậy chăng mà tình cảm Ngọc Bình giành cho Nguyễn Ánh suốt tám năm sau đó chừng như không hề thuyên giảm. Tám năm ấy nàng sinh cho ngài hai hoàng tử: Nguyễn Phúc Quân, Nguyễn Phúc Cự và hai công chúa: Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn, Nguyễn Phúc Ngọc Khuê. Những hoàng tử và công chúa này rất được Nguyễn Ánh yêu quý.

Sau khi sinh đứa con thứ tư, bỗng một đêm Ngọc Bình nằm mơ thấy ba ông vua nhà Tây Sơn hiện về. Nguyễn Nhạc, Quang Trung - Nguyễn Huệ và Quang Toản đều không có thân thể. Ba cái đầu lâu cứ bay lơ lửng trên không như ba quả bóng tiến đến gần nàng. Đầu lâu Nguyễn Nhạc và đầu lâu Quang Trung chỉ nhìn Ngọc Bình mà không nói gì. Cái đầu lâu của Quang Toản thì nói:

 - Ta có lời đa tạ, ghi ơn nàng đã can gián việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn ta, dù lời can gián của nàng không được chấp nhận. Nay ta về báo cho nàng biết, trong con người Nguyễn Ánh đang tích tụ âm khí rất nặng. Ánh sẽ giết chết nàng bằng thứ âm khí ấy. Tiếc thay, ta không thể làm gì để cứu nàng, bởi ta chỉ còn cái đầu. Thân ta đã bị Ánh giã thành bột làm mồi cho tôm cá sông Hương...

Ngọc Bình toan nói với ba cái đầu lâu một điều gì đó mà lưỡi nàng cứ níu lại, đôi môi tê cứng, không sao mở miệng được. Ba cái đầu lâu lại lừ lừ bay ra khỏi phòng. Mấy ngày sau, Ngọc Bình cảm thấy không còn ham muốn chuyện phòng the với Nguyễn Ánh nữa. Mỗi lần Nguyễn Ánh ham muốn, nàng vẫn để ngài giao hoan, nhưng nàng bị đau buốt nơi âm đạo, chẳng có cảm hứng gì. Sợ Nguyễn Ánh buồn, nàng cứ phải giả vờ xúc động để chiều lòng ngài. Có những lần, nàng đau như xé, trào cả nước mắt, nàng vẫn kìm nén không kêu than, kín đáo rút khăn lau mắt. Nguyễn Ánh lại cho rằng nàng chảy nước mắt vì quá xúc động trước cơn huê tình của ngài.

Cho đến một đêm, Nguyễn Ánh vừa bước vào phòng, Ngọc Bình đã cảm giác như có một mùi tanh lờm lợm từ thân thể ngài xộc vào mũi nàng. Ngọc Bình rùng mình một cái, cố kìm nén cơn buồn nôn. Sự bất thường này ở nàng lại càng kích thích cơn thèm khát nhục dục của Nguyễn Ánh. Nhưng ngài vừa đưa được dương vật vào vùng kín thì Ngọc Bình đã kêu ré lên như bị ai đó thọc dao ngang hông. Bản năng tình dục quá cao, lại được thứ rượu sâm ngọc linh ngâm với cá ngựa bổ trợ, Nguyễn Ánh không thể dừng lại. Ngài giao hoan bạo liệt như một kẻ hiếp dâm. Ngài lấy làm thích thú với cảm giác hãm hiếp ấy. Ngọc Bình càng đau đớn quằn quại, ngài càng hăng hái, mạnh mẽ. Ngài lịm đi trong cơn dâng trào cực khoái. Khi mở mắt nhìn, Nguyễn Ánh thấy từ hai khóe mắt Ngọc Bình lăn ra những giọt lệ màu đỏ như máu, ánh lên lấp lánh dưới ánh đèn cầy. Ngài đưa một bàn tay thô nhám đặt lên ngực nàng, thấy tim đã ngừng đập.

Nàng ra đi ở tuổi hai mười bảy, nếu tính cả chín tháng mười ngày nằm trong thai mẹ, gọi là tuổi mụ, thì đời nàng chấm dứt ở tuổi hai mươi tám.

Hà Nội, những ngày áp tết Tân Mão 2011.

 

MÔN ĐỆ THỨ MƯỜI HAI

Vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giê-su ki-tô rời thành Na-da-rét lên Giê-ru-sa-lem để hoàn mãn nước Chúa. Vài ngày trước đó, Đức Giê-su nói với mười hai môn đệ:

- Chúng ta chuẩn bị lên thành Giê-ru-sa-lem, ở đó thầy sẽ bị nộp cho các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh. Họ sẽ giao thầy cho người Rô-ma. Họ sẽ nhạo cười và nhổ vào thầy, đánh đòn và giết chết thầy. Nhưng sau ba ngày thầy sẽ sống lại.

Giu-đa, gã môn đệ thứ mười hai, nghe thầy nói thế liền chột dạ. Y tự hỏi: thầy linh cảm thấy cái chết hay thầy đã đọc thấu lòng dạ, tâm địa của ta? Những kẻ theo nhóm Pha-ri-sêu luôn kỳ thị, ghen ghét với thầy, bọn họ  không mấy khi được giáp mặt thầy mà thầy còn gọi ra ý nghĩ thầm kín u ẩn của họ, huống hồ ta luôn đi theo thầy, thầy ắt phải thấu lòng ta hơn ai hết. Điều nữa: thầy chết rồi liệu có sống lại được như thầy nói không? Có thể lắm! Thầy đã từng ban phát sự sống cho những người tưởng như đã giã biệt  dương thế đó thôi. Hay là ta thay đổi ý đồ, quỳ xuống chân thầy xưng tội, xin được tiếp tục đi theo hầu thầy?

Không! Không thể được! Đức Giê-su có đủ tâm cao đức trọng để xá tội cho ta trong phút chốc, nhưng ấn tượng về ta, tên môn đệ đã ít nhất một lần phản thầy dù mới chỉ trong tâm thức sẽ mãi mãi không xóa nhòa được, nó như một vết sẹo lớn trong tâm khảm thầy. Hơn nữa, và điều này mới là quan trọng nhất: ta đã quá chán ghét cái cuộc sống khốn khó và nhàm chán này. Ta muốn nhanh chóng có sự đổi thay...

Đức Giê-su ngồi trên lưng lừa, chú lừa tơ chưa ai cưỡi bao giờ, đi về phía thành Giê-ru-sa-lem. Dân chúng đi theo người rất đông. Nhiều người  cởi áo của mình trải xuống lót đường cho Đức Giê-su đi. Họ vừa đi vừa tưng bừng hô to: “Hoan hô! Kính mừng Đấng nhân danh Chúa ngự xuống trần. Mừng cho một triều đại mới đang tới, triều đại của vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta! Hoan hô Chúa từ trên các tầng trời!...”

Cũng vào dịp đó, các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh nhanh chóng tụ họp. Xưa nay họ được coi như những kẻ mũ cao áo dài, đấng bậc trong bàn dân. Họ có dư thừa đức tin vào Thiên Chúa và thông thuộc Kinh Thánh hơn cả lời chào hàng ngày. Nhưng họ không thể tin Thiên Chúa lại mượn Ma-ri-a, một trinh nữ thuộc tầng lớp bình dân để đầu thai ra một ngôn sứ của Chúa. Họ càng không chịu nổi một kẻ trẻ măng như Giê-su lại có thể rao giảng những điều thiêng liêng của Chúa trước muôn dân. Tụ họp bàn bạc, họ mong tìm ra một cơ hội để bắt Đức Giê-su và giết đi. Họ nói với nhau: “Chuyện này không thể làm vào ngày lễ, cũng không thể vào ban ngày, kẻo đám dân mông muội đang tin Giê-su sẽ nổi dậy chống chúng ta!”.

Đúng lúc ấy, có một kẻ có cái cằm nhọn, rậm râu, mũi khoằm và cặp mắt xếch hay liếc ngang tìm đến gặp họ và nói:

- Tôi sẵn sàng nộp Giê-su cho các ông!

Các thầy thượng tế và các thầy thông thạo kinh thánh nhận ra người đàn ông này là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, họ tỏ vẻ ngờ vực. Một người trong bọn họ nói:

- Giu-đa, ngươi vốn là kẻ được tin cẩn nhất của Giê-su, nay vì cớ gì đã nhạt đức tin vào thầy của ngươi?

- Tôi vẫn tin - Giu-đa đáp - Tôi vẫn tin Đức Giê-su là Em-ma-nu-en (Thiên chúa ở cùng chúng ta)!

Một vị thượng tế cười khẩy:

- Giu-đa, nhà ngươi hãy nhìn đây: còn ai nhiều đức tin và lòng ngưỡng mộ Thiên Chúa hơn  đám chúng ta. Có ai mà am tường, thuộc Kinh Thánh hơn cánh ta! Vậy lẽ nào Thiên Chúa không chọn một thục nữ trong giới thượng đẳng để đầu thai mà lại chọn tiện dân Ma-ri-a?

- Thiên Chúa không chọn một thục nữ trong giới thượng lưu bởi Thiên Chúa sợ thói kiêu hợm của loại người đó xa lạ với sự thần thiện của Đức chúa con. Trinh nữ Ma-ri-a tiện dân mà hình hài tuyệt mĩ, cốt cách cao thượng, lòng lành vô cùng. Đức Giê-su đã được mẹ Ma-ri-a cho thừa hưởng tất cả những gì là tinh cốt nhất của một thiên thần hiện hữu nơi trần thế. Vẻ đẹp giản dị mà cao sang của người khiến muôn dân chiêm ngưỡng. Lòng lành và phép mầu nhiệm của người đã cứu độ mọi sinh linh...

Một vị thông thạo Kinh Thánh ngắt lời Giu-đa Ít-ca-ri-ốt:

- Nhà ngươi ngu muội quá rồi! Nhà ngươi không lấy làm hổ thẹn khi một gã thợ mộc như Giê-su lại có thể đóng vai kẻ làm sáng danh Chúa?

Giu-đa đáp:

- Thiên Chúa ban cho người nghề thợ mộc để người biết thương bao nhiêu thợ mộc khác. Đức Giê-su từng làm thợ mộc nên mới chọn Phê-rô, một dân chài làm môn đệ của người. Cả anh em nhà Gia-cô-béc, cả cậu Gio-an tóc vàng cũng từ chốn bình dân; và tôi nữa, một kẻ vô danh tầm thường...đều được người cứu độ đoái thương...

Một người trong đám thượng tế nói:

 - Ta nghe bảo nhà ngươi vốn có nghề môi giới buôn bán nô lệ, đang giầu có lên nhanh, ngươi không lấy làm tiếc khi trót đi theo Giê-su chỉ để làm một môn đệ mạt hạng ư?

- Tôi môi giới buôn bán nô lệ, đã kiếm được khá tiền trên thân xác những kẻ khốn cùng, nhưng  chưa bao tôi biết nhỏ một giọt lệ khóc thương họ. Dạy tôi làm việc ấy, chính là Đức Giê-su. Lần đầu nhìn thấy tôi đang buôn người, đôi mắt Giê-su đã dạy tôi điều đó, rồi người nói: “Này Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, bỏ đi hết, theo ta!”. Thế là tôi đi theo người luôn. Phải, Đức Giê-su từng bao phen nhỏ lệ chốn bình dân nên người mới truyền dậy những ai có đức tin nơi người những lời thiêng liêng như thế này:

 “Tất cả những ai biết mình nghèo khó trước Thiên Chúa, hãy vui mừng vì nước Trời là của họ.

Tất cả những ai không đùng bạo lực, hãy vui mừng vì Thiên Chúa sẽ ban đất cho họ.

Tất cả những ai ao ước ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện, hãy vui mừng vì Thiên Chúa sẽ thực hiện lòng ao ước của họ.

Tất cả những ai có lòng xót thương, hãy vui mừng vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa.

Tất cả những ai xây dựng hòa bình, hãy vui mừng vì Thiên Chúa sẽ tiếp đón họ như con của ngài.

Tất cả những ai bị bách hại vì giữ đúng ý muốn của Thiên Chúa, hãy vui mừng vì nước Trời là của họ”...

- Thôi đi nào! - một vị thượng tế quát lên - tất cả những lời hay ho ấy chưa thể làm bằng chứng nói rằng Giê-su là một kẻ nhân danh Chúa.

- Thì tôi sẽ nói tiếp để các ông nghe - Giu-đa đáp - vì thời gian lúc này là rất quý giá đối với các ông và tôi nên tôi chỉ kể hai trong số hàng trăm sự việc mà tôi theo hầu Giê-su đã từng chứng kiến.

Sự việc thứ nhất:

Chiều hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia!”. Họ lên thuyền và chèo đi. Bỗng nhiên một trận gió lớn nổi lên. Dưới sông sóng bạc đầu. Trên trời mây đen vần vũ. Sóng dùa qua mạn thuyền, lòng thuyền ngập nước. Trong lúc đó Đức Giê-su vẫn nằm ngủ phía khoang lái. Các môn đệ đánh thức người dậy và nói: “Chúng ta chết đến nơi rồi, thầy chẳng lo gì sao?”. Đức Giê-su vươn mình đứng dậy. Người ngăn đe gió và truyền cho sông biển: “Im đi! lặng đi!”. Gió liền ngừng thổi và sông biển bỗng êm ả như không có chuyện gì vừa sẩy ra. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Tại sao các con sợ? Tại sao các con không có lòng tin?”. Các môn đệ nhìn nhau nói: “Người là ai mà cả gió và sông biển cũng phải nghe lời?”

Sự việc thứ hai:

Đức Giê-su muốn ở một mình với các môn đệ, nhưng dân chúng cứ theo người rất đông, họ muốn người nói với họ điều gì đó về đời sống mà Thiên Chúa ban cho. Người không chối từ. Người nói với họ toàn những  điều có khả năng băng bó những vết thương tinh thần mà trong cõi đời thống khổ nơi xứ xở Pa-le-stin cằn khô họ đã và đang nếm trải.

Trời đã gần tối, cả mười hai môn đệ đi đến bên Giê-su và nói: “Xin thầy cho dân chúng về lại làng tìm chỗ trọ và tìm thức ăn, ở đây hoang vu  không có gì, chỉ toàn nước là nước!”. Đức Giê-su bảo họ: “Các con hãy cho đồng bào của mình ăn đi!”. Các môn đệ đáp: “Chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá, trong khi số người đi theo thầy có khoảng hơn năm ngàn, cả đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ”. Đức Giê-su truyền cho các môn đệ: “Hãy nói với họ ngồi thành từng nhóm năm mươi ngươi một!”. Các môn đệ nhanh chóng làm như lời người. Đức Giê-su cầm lấy cái bánh và hai con cá. Người ngước mắt lên trời cầu nguyện, rồi người bẻ bánh và cá trao tay các môn đệ để họ phân phát cho từng người dân. Mọi người có mặt đều được ăn, không một ai bị bỏ đói.

Giu-đa kể xong hai sự việc thì các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh phá lên cười nhạo báng. Vị đứng đầu trong đám ấy nói:

- Này Giu-đa, nhà ngươi tin yêu Giê-su nhường ấy sao nỡ mang dã tâm phản thầy?

Giu-đa đáp:

- Tôi chưa bao giờ suy giảm lòng tin với Giê-su, nhưng tôi đã quá mệt mỏi rã rời, trước sự thống khổ của dân chúng, ngán ngẩm trước những lời rao giảng hay ho, những lời hứa hão của các ngài chức sắc. Khi tôi bỏ lại tất cả để đi theo Giê-su là bởi tôi những tưởng nước Trời đã đã ở rất gần. Giê-su còn trẻ, lại có phép nhiệm mầu Thiên Chúa ban, người sẽ nhanh chóng mang lại sự phồn vinh cho xứ xở.  Đã bao lần dân chúng hô to: “Một vương quốc mới sắp đến”, nhưng Giê-su lại tỏ ra thờ ở với sự sốt mến đó, người quá bận rộn về những việc nhỏ bé. Tôi, được Giê-su giao quản lý túi tiền của mười ba thầy trò, nhưng sự nghèo hèn, chắt bóp đã khiến tôi nhiều lần ra chợ phải cò kè thêm bớt, từng phải nhịn nhục vì đám con buôn mắng vào mặt tôi là đồ keo bẩn. Chúng tôi đi theo Giê-su, với những bước dầu dãi, nhưng chỉ luẩn quẩn nơi xứ xở khô cằn, từ Giu-đê tới Ga-li-lê, từ Khép-rôn tới Ca-phác-na-um....tới đâu cũng thấy dân chúng mông muội, đói khổ, tật bệnh. Giê-su có phép lạ chữa bệnh cho rất nhiều con chiên, nhưng đấy không phải là việc mệnh hệ có khả năng làm thay đổi một đế chế...

- Thế là đã rõ - một người trong đám thông thạo Kinh Thánh nói -  Nhà ngươi đã bắt đầu vỡ mộng?

- Không, tôi chỉ muốn đưa Giê-su vào một bước thử thách mới, có tính quyết định. Chắc các ông còn nhớ , cách đây chưa lâu, dân thành Na-da-ret đã bắt trói và dong Giê-su lên núi toan ném người xuống vực sâu cho tan xương nát thịt, chỉ bởi những lời sấm truyền của người đã đụng chạm nặng nề đến họ. Nhưng Giê-su đã vượt thoát qua họ mà đi. Người vượt thoát một cách nhẹ nhàng của phép mầu nhiệm. Hôm nay, nộp Giê-su cho các ông, tôi biết chắc các ông  sẽ hành quyết người, nhưng nếu người vượt thoát lên được lần này nữa thì người mới xứng danh là một vị Thánh lớn của Thiên Chúa. Đến khi ấy thì ngay cả những người ghét Giê-su như các ông rồi cũng sẽ tin và đi theo người...

- Này Giu-đa - một vị thượng tế nói - Nhà ngươi không sợ tiếng xấu là kẻ phản bội ư?

- Nếu chịu tiếng là phản thầy để cứu vớt một sự tồn sinh của một xứ xở thì cũng rất nên làm - Giu-đa nói - Rồi mai sau Giê-su hiển lộ là một vị Thánh lớn, lòng lành của người rộng bao la, sẽ tha thứ cho tôi.

- Thôi đủ rồi! - kẻ đứng đầu trong đám thượng tế nói - ngươi nộp Giê-su thì có cần sự đền đáp gì ở chúng ta không?

- Tôi cần cái mà Giê-su không bao giờ ban phát cho riêng tôi - Giu-đa nói - Người chỉ có thể ban phát đồng đều cho tất cả các môn đệ của người.

- Tiền?

- Phải, tiền!

- Nhà ngươi làm nghề môi giới buôn bán nô lệ - một người trong đám thông thạo Kinh Thánh nói – tiêu tiền quen rồi, đi theo Giê-su ba năm trời sống chay tịnh nên bây giờ lên cơn khát tiền, đúng không?

- Xin các ông không cần biết lý do- Giu-đa nói.

- Tiền thì bọn ta lại không thiếu – kẻ đứng đầu trong đám nói – Nào, nhà ngươi cần bao nhiêu? Mười đồng hay hai mươi? Thôi thì ba mươi đồng vậy! Ngươi cầm lấy và đi bắt Giê-su về nộp, mau!

Trông thấy tiền, mắt Giu-đa sáng lên man dại. Y quỳ xuống đưa hai tay ra đón lấy những đồng tiền từ tay các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh. Y nâng tiền lên miệng hôn, rồi bảo:

- Đức Giê-su đang đi đàng trước kia. Có hàng trăm người bảo vệ. Họ đang hành hương về Giê-ru-sa-lem để hoàn thiện nước Chúa. Mình tôi sẽ không bắt được. Các ông hãy cùng đi theo tôi. Đức Giê-su thường ẩn mình, lẫn với các môn đệ. Khi nào tôi ra ám hiệu đặc biệt với một người trong đám đông thì các ông xông đến bắt!

Các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh liền đi theo Giu-đa. Lúc ấy chiều đã ngả hoàng hôn. Đức Giê-su ngồi cùng với các môn đệ bên bàn ăn trong căn phòng nhà nguyện của ngôi nhà thờ cổ  ven rừng Cây Dầu. Từ đây có thể nhìn thấy bức tường thành Giê-ru-sa-lem. Giu-đa ra hiệu cho đám thượng tế và đám thông thạo Kinh Thánh đứng bên ngoài, một mình y bước vào ngồi xuống bên cạnh Giê-su. Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Đột nhiên người nói: "Thật, thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp thầy”. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết người nói về ai. Trong số các môn đệ, có ông Gio-an tóc vàng, một người ít tuổi nhất nên được Đức Giê-su thương mến, che chở nhiều nhất. Ông Gio-an cũng đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông Gio-an và bảo: "Hỏi xem thầy muốn nói về ai?”. Ông Gio-an liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: "Thưa thầy, ai vậy? ". Đức Giê-su trả lời: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”. Rồi người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Giu-đa nhận bánh, có vẻ ngượng, nhưng y vừa cắn một miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Y hết ngượng, vẻ mặt trở nên dữ dằn, táo tợn. Đức Giê-su bảo y: "Anh làm gì thì làm mau đi! ". Nhưng trong số những người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Giê-su nói với Giu-đa như thế. Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su ngầm ý nói với y: "Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ", hoặc bảo y bố thí cho một đám dân nghèo nào đó.  Sau khi ăn xong miếng bánh, Giu-đa liền đi ra ngoài. Lúc đó, trời đã tối.  Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Giờ đây, con người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh người nơi chính mình. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của thầy, thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm thầy; nhưng như thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi tôi đi, các người không thể đến được". Bây giờ, thầy cũng nói với anh em như vậy”. Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa thầy, thầy đi đâu vậy?”.  Đức Giê-su trả lời: "Nơi thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”.. Ông Phê-rô nói: "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì thầy”.  Đức Giê-su đáp: "Anh sẽ thí mạng vì thầy ư? Thật, thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối thầy ba lần”.

 Ông Phê-rô tái mặt, không nói gì nữa. Đức Giê-su nói tiếp: “Thầy dùng bữa tiệc Vượt Qua này trước khi nước Chúa hoàn thành”. Người làm dấu tạ ơn xong, bẻ bánh trao cho các môn đệ, nói: “ Các con cầm lấy bánh mà ăn, này là Mình thầy sẽ bị nộp vì các con”.

Vào cuối bữa ăn, người cầm lấy chén rượu, làm dấu tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà uống. Này là chén Máu thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến thầy”.

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đứng bên ngoài, y cố giữ vẻ mặt lạnh lùng mà không sao giữ được, bởi y đang rất sốt ruột. Y chưa biết phải dùng ám hiệu như thế nào để báo cho các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh nhận ra Đức Giê-su.

Bữa ăn kết thúc. Đức Giê-su đứng dậy lấy chiếc khăn mặt thắt ngang lưng. Người đổ nước vào một cái chậu rồi bắt đầu rửa chân cho các môn đệ. Si-mon Phê-rô không muốn được hầu hạ như vậy, ông hỏi: “Lạy thầy, thầy muốn rửa chân cho con sao?”. Đức Giê-su đáp: “Sau này con sẽ hiểu việc thầy làm cho con ngày hôn nay”. Phê-rô lại nói: “Thưa thầy, con không muốn, hoàn toàn không muốn thầy phải rửa chân cho con”. Giê-su nói: “Phê-rô, con nghe đây, nếu thầy không rửa chân cho con thì con sẽ không được dự phần vào việc của thầy”. Phê-rô như đã hiểu ra, liền thưa: “Lạy thầy, nếu vậy, xin thầy không những rửa chân mà còn rửa cả tay và đầu cho con nữa”.

Đức Giê-su trở lại bàn, nói với tất cả các môn đệ: “Các con có hiểu việc thầy mới làm không? Các con gọi ta là thầy, là Chúa, đúng thế; vậy nếu thầy đã rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy biết rửa chân cho nhau. Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con. Đó là dấu chỉ riêng biệt của các con. Nếu các con biết yêu thương nhau như vậy mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ của thầy. Người có tình yêu lớn nhất là người dám chết vì bạn hữu mình...”

Giu-đa đứng bên ngoài nhòm vào, con tim gã cũng xao động một thoáng. Gã tự hỏi: “Tại sao những gã môn đệ kia không đền đáp lại tình thương của người bằng một cái hôn nhỉ? Ta chưa bao giờ thấy đám họ dám hôn thầy như ta đã từng làm. Phải rồi, ta sẽ dùng cái hôn làm ám hiệu riêng của ta”.

Màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Đức Giê-su bước ra một khu vườn dưới chân núi Cây Dầu. Các môn đệ đi theo người. Đến giữa khu vườn, Đức Giê-su dừng lại nói: “Hãy cầu nguyện để đứng vững trong cơn cám dỗ”. Rồi người quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy cha, nếu cha muốn, cha có thể cất cho con sự đau khổ và cái chết. Nhưng xin đừng làm theo ý con mà hãy làm theo ý Cha”.

Trong nỗi buồn khổ sầu xứ, Đức giê-su đi một mình về phía cuối vườn, tiếp tục cầu nguyện rất sốt sắng, đến nỗi mồ hôi người đỏ tươi như như những giọt máu nhỏ xuống đất. Sau đó người quay lại đi về phía các môn đệ. Sự mệt mỏi và nỗi lo âu đã làm các môn đệ ngủ thiếp đi. Đức Giê-su nói: “Nào các con hãy dậy đi! Dậy đi và hãy cầu nguyện chuẩn bị chống đỡ với những thử thách mới”.

Đức Giê-su vừa nói đến đó thì các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh xuất hiện. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt dẫn đầu. Y tiến đến trước mặt Giê-su. Y dang tay ôm lấy người mà hôn thắm thiết. Đức Giê-su hỏi: “Giu-đa, anh phản bội ta bằng cái hôn này sao?”. Lúc ấy các môn đệ hiểu rằng những người này muốn bắt và đem Đức Giê-su đi, họ hỏi: “Thưa thầy, chúng con tuốt gươm chém được không?”. Một người trong nhóm rút gươm chém đứt một bên tai một kẻ trong đám thượng tế. Đức Giê-su can: “Này con, hãy nghe ta, dừng tay!”. Rồi người cúi xuống nhặt cái tai lên ghép vào đầu người bị nạn, máu cầm, tai liền lại. Nhưng hành động nghĩa hiệp ấy của người vẫn không làm các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh chùn tay. Họ là một đám đông, có đủ sức mạnh bắt Đức Giê-su giải đi. Họ đi theo con đường ven sườn núi. Đi được một quãng, các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh nhìn thấy Giu-đa quỳ bên một gốc cây, miệng  lầm rầm cầu nguyện. Người đứng đầu trong đám nói:

- Giu-đa! Nhà ngươi đã dùng cái hôn làm ám hiệu dẫn tử thần đến với thầy của ngươi, giỏi lắm! Đáng khen!

Giu-đa không trả lời. Gã ngước nhìn lên, trong mười ba thầy trò chỉ còn mình Giê-su, các môn đệ lúc này cũng tản đi mỗi người một nơi. Giu-đa sực nhớ đến lời phán của Giê-su lúc Phê-rô muốn hy sinh vì người: “Anh muốn thí mạng vì thầy ư? Thật, thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy anh đã chối thầy ba lần!”. Còn đám dân, mới trước đó tưng bừng hô to Đức Giê-su là Chúa giáng thế, rồi nhận phần ăn do người ban phát, giờ đây chẳng hiểu các thầy thượng tế và các thầy thông thạo Kinh Thánh xúi dục thế nào mà họ đang phồng mang trợn mắt gào thét: “Hãy giết Giê-su! Hãy đóng đanh câu rút kẻ tà đạo lên thập ác!”. Nghe tới đó, Giu-đa giật mình, quay nhìn theo cái lưng Giê-su như gẫy gập xuống bởi một cây thánh giá khổng lồ quân dữ vừa đặt lên, bắt một mình người vác. Đức Giê-su sẽ bị đóng đanh câu rút lên cây thập giá kia thật sao? Kẻ nào nghĩ ra kiểu hành hình dã man khủng khiếp này?  Đức Giê-su có vượt thoát được cuộc hành quyết hiểm hóc  này để trở thành một vị Thánh lớn? Và khi đó người có tha thứ cho sự phản bội của ta? Người có dang tay tế độ, cứu rỗi kinh hồn cho những môn đệ bạc bẽo và đám đông dân chúng dễ bị mua chuộc kia?

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt không tự trả lời được.

Chỉ ít giờ sau đó, Đức Giê-su đã bị giải đến Phong-xi-ô Phi-la-tô, tổng trấn Rô-ma để chịu sự nhục mạ và một cái chết đau đớn, độc đáo chưa từng có trên mặt đất!

 Giu-đa chứng kiến toàn bộ cảnh hành quyết Giê-su. Trong một khoảnh khắc hoảng sợ, tinh thần bấn loạn, y đã tìm được một liều thuốc độc uống tự tử. Y không thể chờ được đến cái lúc Đức Giê-su sống lại để thể tất, cứu rỗi linh hồn cho y như người đã thể tất cứu rỗi cho các môn đệ khác.

Viết: Lễ phục sinh 1995

Sửa chữa: Lễ Phục sinh 2010

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...