Ngay từ buổi sớm, TT triển lãm Giảng Võ (HN) đã chật kín hàng ngàn người tham dự, đặc biệt là các bạn trẻ để được tận mắt chứng kiến hoa anh đào Nhật Bản trong lễ hội Genki 2011. Cho dù đây không phải là lần đầu, hoa anh đào xuất hiện tại Hà Nội trong một chương trình lễ hội nhưng sự háo hức và quan tâm của giới trẻ dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Những hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật Bản tại lễ hội hoa anh đào thu hút hàng ngàn người tham dự.
Lễ hội hoa anh đào năm ngoái diễn ra vào tháng năm và được mang tên Satsuki (tiếng Nhật có nghĩa là Tháng Năm). Vượt qua những đau thương, mất mát sau những thảm họa thiên tai kinh hoàng, lễ hội hoa anh đào 2011 được đổi tên thành Genki (mang ý nghĩa “thể lực, sự mạnh mẽ, sức sống”). Đây chính là thông điệp Việt Nam muốn chia sẻ với những người bạn Nhật Bản, động viên, khích lệ tinh thần đất nước Nhật Bản sau thảm họa động đất vừa qua.
Những gốc hoa anh đào từ xứ sở Phù Tang đã bung nở rực rỡ ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Là biểu trưng cho tinh thần Nhật Bản, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loại hoa "thoắt nở thoắt tàn" nên được các samurai yêu thích, vì nó tượng trưng cho "con đường chết" của người võ sĩ (sống và chết như hoa anh đào). Có truyền thuyết cho rằng "sakura" là cách gọi lái từ "sakuya", trích từ tên của nữ thần Konohana-Sakuya-hime - một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử “Cổ sự ký” (Kojiki) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được coi là nữ thần Sakura. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà. Có lẽ vì thế người ta cho rằng tên Sakura bắt nguồn từ đó
Có mặt tại lễ hội hoa anh đào, Bạn Nguyễn Thành An – Sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội háo hức chia sẻ: “Tại các mùa lễ hội hoa anh đào các năm trước, em cũng đã được chiêm ngưỡng hoa anh đào. Nhưng lễ hội Genki năm nay có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, khi nước Nhật vừa trải qua một thảm họa kinh hoàng. Em và các bạn của mình muốn dự lễ hội thật sớm để cùng các bạn trẻ gửi tới các bạn trẻ nước bạn thông điệp về hòa bình, tình yêu và hạnh phúc”.
Không chỉ thu hút người xem bằng hoa anh đào bung nở rực rỡ, lễ hội Genki 2011 còn để lại dấu ấn sâu sắc với những hoạt động đậm chất văn hóa xứ Phù Tang: múa diễu hành Yosakoi cổ, múa Nakin, cosplay, trà đạo, kiếm đạo, nghệ thuật gấp giấy Origami, trò chơi truyền thống, giới thiệu các gian hàng ẩm thực, lưu niệm, trò chơi truyền thống, truyện tranh Nhật Bản, trưng bày hoa anh đào, đèn lồng, cờ cá chép, tranh phong cảnh bốn mùa Nhật …
Cũng trong lễ hội Genki, bên cạnh những gian trưng bày sản phẩm đặc trưng hai nước, trò chơi nghệ thuật truyền thống (cosplay, kiếm đạo,…), nhiều hoạt động quyên góp từ thiện sẽ diễn ra với mong muốn góp một phần nhỏ giúp người dân Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai “tiếp lửa” cho tình hữu nghị Việt – Nhật.
Nguyễn Anh Thế