Seiji Ozawa, nhạc trưởng, từng chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Boston (Mỹ) 30 năm: Ra đi ư? Liệu có tốt hơn chăng? Trong vài giây, tôi nghĩ đến việc ra đi, nhưng có tốt hơn chăng? Ở Tokyo, mọi việc vẫn ổn. Ý nghĩ chạy trốn hay nổi loạn rất lạ lẫm với tính cách người Nhật. Tôi thừa nhận rằng, tôi rất yêu mến sự mạnh mẽ đó. Tôi muốn biết sức mạnh đó đến từ đâu. Có chút gì đó của tín ngưỡng. Mẹ tôi theo Thiên chúa giáo, cha theo đạo Phật, nên tôi tin ở đấng tối cao. Buộc phải hủy bỏ tất cả chương trình hòa nhạc hơn một năm do sức khỏe không cho phép, nhưng bây giờ tôi muốn trở lại đứng trước giá nhạc. Tôi hy vọng có mặt ở Paris (Pháp) tháng bảy tới, hội ngộ với các nhạc công trẻ trong học viện của tôi. Tháng tám tới sẽ là festival Matsumoto, rồi chơi cùng với bạn bè tôi ở Dàn nhạc Saito Kinen trước khi có chuyến lưu diễn ở Trung Quốc. Tôi phục hồi từ căn bệnh ung thư, rồi cuộc phẫu thuật vai. Động đất không thể bắt tôi ngừng hoạt động.
Nhiếp ảnh gia Rinko Kawauchi, sinh năm 1972: Thảm họa như bài kiểm tra trí tuệ. Tôi ở Tokyo ngày 11-3 trong khu dân cư chỉ cách Shibuya 15 phút tàu điện- đây là khu chấn động rất mạnh. Tôi đang làm việc ở nhà và thầm nghĩ “Big One đã đến, hết rồi!”. Tôi biết Tokyo là nơi có khả năng động đất lớn trong tương lai gần. Hình ảnh sẽ còn ghi dấu trong tiềm thức tôi, đó là cơn sóng thần đã quét sạch nhà cửa, xe cộ. Nhưng thực tế mọi chuyện trầm tĩnh hơn tôi nghĩ. Không có mặt ngay ở nơi xảy ra, tôi có ý thức ghi lại hình ảnh ngay qua màn hình ti vi, nhìn thấy nỗ lực tưới nước cứu nhà máy hạt nhân, cùng với cuộc chiến chống kẻ thù vô hình - phóng xạ. Tôi không có chút gì liên hệ với Thế chiến hai. Tôi cảm thấy thảm họa này như một thử thách trí tuệ, có quá nhiều ẩn dụ ở thời đại của chúng ta trong tấn bi kịch này. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể chiến thắng, vượt qua mọi trở ngại. Người Nhật có văn hóa về lòng kiên nhẫn, dâng hiến và kiểm soát bản thân, chúng tôi học điều đó từ cha ông. Nhiều người khuyên tôi rời khỏi thủ đô để chạy đến miền tây nam. Lựa chọn của tôi là tiếp tục cuộc sống thường nhật, trong vẻ bình yên.
Saburo Teshigawara, biên đạo múa sinh năm 1953: Nghĩ về tương lai. Sóng thần ập đến, tôi đang ở Paris (Pháp) luyện tập cho festival sắp tới. Gia đình và Cty tôi vẫn ở Tokyo, họ nói cuộc sống trở nên căng thẳng, nhưng con người vẫn thế. Tôi phải làm gì đây, tôi không ngừng tự vấn. Tôi hiểu rằng khả năng duy nhất là nghĩ về tương lai. Có điều không chỉ có thảm họa thiên nhiên, đi kèm với nó còn là thảm họa hạt nhân. Điều này buộc chúng ta phải đặt lại câu hỏi về cách sống. Khi tôi sinh ra 15 năm sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, tấn thảm kịch dường như không còn nữa. Nước Nhật có vẻ giống với vẻ trước khi có sóng thần. Sự thay đổi lớn của đất nước gắn với sự dễ dàng trong sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích dân sự. Rõ ràng chúng ta phải suy nghĩ lại để không đẩy thiên nhiên đến bờ nguy hiểm.
Nhà văn Natsuki Ikezawa: Chúng tôi phải nghèo đi. Trong ý nghĩa người Nhật quen thuộc với thảm họa thiên nhiên, chúng tôi đang bận rộn xây dựng lại đống đổ nát. Người ta hiểu rằng không có đủ sức mạnh để hồi phục ngay, vậy nên người ta từ bỏ những nỗ lực vô ích. Nhưng thảm họa hạt nhân đi theo hướng khác và không thích hợp với trạng thái tinh thần này. Thảm họa này thực sự tác động đến tôi, với tư cách nhà văn. Sau năm năm sống ở Pháp, tôi trở lại Nhật Bản hai năm trước, hơn lúc nào hết tôi nghĩ tôi phải có mặt ở Nhật Bản. Nếu tôi không dõi theo mọi diễn biến, nếu không trực tiếp trải nghiệm, tôi nghĩ rằng những gì tôi viết sau này sẽ mạ vàng so với thực tế mà người Nhật trải nghiệm. Từ giờ trở đi chúng tôi trở nên nghèo đi. Nhiệm vụ chính trị sẽ điều hành tái thiết để chia đều sự nghèo này một cách công bằng nhất có thể. Chúng tôi phải đạt đến điều này, vì chúng tôi quá quen với thảm họa. Chúng tôi học cách kiềm chế sự ích kỷ của bản thân.
Lê Nhi
(Fiago)