Anh Vũ có một thói quen trước các câu hỏi chất vấn về một điều gì đó ông thường “đánh trống lảng” bằng cách trả lời rất chung chung, không ra khẳng định cũng không ra phủ nhận: “thì đại khái là thế”. Và cái câu “thì đại khái là thế” ấy cứ lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đối thoại khiến có lúc tôi đã phải nói thẳng: không, cái này không đại khái được, em muốn biết cụ thể. Nhưng Anh Vũ chẳng quan tâm đến việc khách nói gì, ánh mắt đã nhìn ra khu vườn tượng, vừa mê đắm nhưng cũng thật bâng quơ như thể trước mắt ông là một khoảng không mơ màng xa thẳm.
Vợ chồng nghệ sĩ làng
Nhà thơ Anh Vũ tên thật là Vũ Công Ứng, sinh năm 1943 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Phụng vốn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng lại theo chồng lập nghiệp tại Kinh Bắc. Hai ông bà đều học trường Trung cấp nhạc hoạ Trung ương rồi về dạy học tại Trường Sư phạm mẫu giáo Bắc Giang. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, thời chiến tranh, trường sơ tán đi đâu thì ông bà theo đó. Mãi đến năm 1974 hai vợ chồng mới về dựng ngôi nhà trên đất Tân Dĩnh là nơi ở bây giờ.
Dù đều là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang nhưng phần vì xa xôi cách trở (ông và bà đều ở huyện Lạng Giang), phần vì tuổi già, ưa lặng lẽ nên chẳng mấy khi Anh Vũ và vợ tham gia sinh hoạt hội. Riêng ông còn là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng cũng chẳng mấy khi ông về Hà Nội hay tham gia các hoạt động hội ở…Trung ương. Không gian nghệ thuật của ông bà thu về ngay tại tư gia, với ngôi nhà vườn cây. Mọi sinh hoạt văn nghệ của đôi vợ chồng nghệ sĩ già hiện nay hầu như gói gọn trong phạm vi xã Tân Dĩnh, nơi đó ông bà có những người bạn già thích đọc và nghe thơ, thích xem tranh và xem tượng, thích đàm đạo thi ca.
Anh Vũ đã có những thành tựu nhất định về mỹ thuật. Tại Bắc Giang có tất cả 7 tượng đài thì Anh Vũ là tác giả của 3 tượng. Đó là tượng đài Hoàng Hoa Thám đặt tại khu di tích Yên Thế; tượng đài Ngô Sĩ Liên đặt tại trường THPT chuyên của tỉnh; và tượng đài nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Khắc Nhu (một trong những thủ lĩnh của Việt Nam Quốc dân Đảng, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái) đặt tại huyện Yên Dũng. Đấy là chưa kể những công trình tượng đài khác mà ông có tham gia cùng anh em bạn bè, đồng nghiệp.
Nếu tính tuổi thì bà Nguyễn Thị Phụng còn hơn chồng 3 tuổi. Cuộc sống của đôi vợ chồng “nghệ sĩ làng” luôn chan hoà đầm ấm. Những năm khó khăn, để phục vụ cho thú chơi tượng của chồng, bà Phụng đã dậy sớm đi quét than xe ngựa chở đánh rơi trên đường, rồi cả đi thu gom than vụn ở nhà ga tàu hoả đem về cho ông rang thạch cao đổ tượng, cũng có lúc bà cùng chồng làm thạch cao tái sinh để tiết kiệm chi phí đầu tư cho thú chơi của ông và cũng là của bà, bởi cả hai đều học mỹ thuật và có máu nghệ sĩ.
Ở tư cách nhà thơ, Anh Vũ đã in 10 tập thơ. Tập thơ “Vệt chân chim” của ông đã từng được tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật sông Thương, giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Bà cũng làm thơ, và cũng từng được tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật sông Thương và giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Sen”. Thơ với Anh Vũ như một người bạn thường nhật. Ông có một cuốn vở học trò để trên bàn, bất cứ lúc nào có hứng là những vần thơ lại tuôn chảy. Khách đến chơi thường được ông đọc cho nghe những vần thơ mới sáng tác từ chính cuốn vở chép đầy thơ ấy. Trong câu chuyện với chúng tôi, khi nghe nhắc đến thơ, mắt Anh Vũ sáng lên, ông lật cuốn vở và tuyên bố sẽ đọc cho chúng tôi nghe…10 bài thơ mà ông mới làm. Vừa dứt lời Anh Vũ nghiêng cuốn vở ra phía ánh sáng, đôi mắt không đeo kính nheo nheo, ông cất giọng đọc: “Buồn qua cữ rét khô khô/ Bóng em về với mơ hồ chéo mưa/ Dế gim tiếng giọt cây thưa/ Đồng xa trắng bọt nước bừa tráng gương”. Nghe con số 10 bài thì có vẻ “áp đảo” vậy nhưng rất may là mỗi bài chỉ có 4 bốn câu nên cuộc trò chuyện giữa chúng tôi không bị gián đoạn nhiều.
Vợ chồng Anh Vũ có tất cả sáu người con, hai trai, bốn gái. Hai con trai của vợ chồng Anh Vũ đều tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, tham gia hoạt động nghệ thuật và có những thành công nhất định. Hoạ sĩ Vũ Công Trí, con trai cả của vợ chồng Anh Vũ hiện là giáo viên Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Bắc Giang, cũng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Người con trai thứ hai Vũ Công Thiện hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Còn cô con gái cả Vũ Thị Thư của ông bà từ khi còn nhỏ đã vẽ tranh, số tranh chị vẽ đã lên đến con số 5.000 bức, chị cũng đã từng đoạt giải trong một cuộc thi vẽ tranh quốc tế, hiện tại chị đang sống và làm việc tại nước Nga.
Con cái dần lớn lên, xây dựng gia đình và có tổ ấm riêng, giờ đây ngôi nhà xưa chỉ còn lại hai nghệ sĩ già sống cảnh “vợ chồng son” với không gian sáng tạo. Ngày ngày Anh Vũ vẫn làm thơ, những vần thơ để đọc cho vợ và bạn bè thân hữu nghe nhiều hơn là để in báo hay in thành tập như ông bà đã từng làm. Dù hơn chồng 3 tuổi và cả hai đều đã ở tuổi xế chiều nhưng tâm hồn của hai vợ chồng nghệ sĩ vẫn luôn trẻ trung, bà vẫn là nguồn thi hứng để ông sáng tác. Bên chén rượu làng Vân, trong không gian của hương hoa và vô vàn tranh tượng Anh Vũ đọc cho tôi nghe những câu thơ mới nhất có cảm hứng từ vợ: “Em trẻ cho anh trẻ theo/ Bình yên không tuổi chim reo đỉnh trời/ Vai mềm cho mưa lên hơi/ Tóc mềm cho gió mồ côi xanh về”. Bà ngồi bên lặng lẽ, ẩn sau sự ngần ngại tôi cảm nhận thấy niềm tin yêu trìu mến trong đôi mắt “nàng thơ tuổi 71” dành cho người đàn ông của cuộc đời mình.
Không gian nghệ thuật “đa hệ”
Ngôi nhà của nhà thơ Anh Vũ đặc biệt ngay từ cổng vào. Khung gỗ cũ kỹ lên màu thời gian, hai bên là những mẫu điêu khắc đầy tính tượng hình. Trên cánh cổng là mấy câu thơ “tức hứng” của một người bạn đến chơi nhà khi ông đi vắng đã nhặt gạch non đề lên cổng, và ông cũng vẫn cứ để nguyên như thế.
Gần như tất cả những gì có trong khu nhà vườn đều mang bản sắc Anh Vũ. Mọi thứ không chỉn chu theo kiểu sắp đặt mà tự nhiên, thậm chí có chỗ có cảm giác cẩu thả nhưng vẫn toát lên một phong cách riêng. Bên tay phải cổng vào là khu lán có kê một chiếc phản, trên tường là những bức tranh của ông mới vẽ, nhiều nhất là tranh về mèo ông vẽ để chào đón năm Tân Mão, bức lớn nhất vẽ một con mèo ôm vào chữ “m” cách điệu màu đen. Còn lại, la liệt khắp khu vườn là tượng. Tượng lớn tượng nhỏ, các mẫu điêu khắc, đủ các chất liệu từ đất nung đến đồng, thậm chí là…xi măng; đủ các kích cỡ lớn nhỏ, cao thấp. Thú đam mê tượng bắt đầu khi Anh Vũ chuyển từ Tạp chí Văn nghệ Bắc Giang sang làm việc tại Bảo tàng tỉnh. Một lần một người bạn về làm khuôn đắp tượng tại khu vườn nhà ông, thế là từ đó Anh Vũ học bạn nặn tượng và say mê lúc nào không biết. Niềm say mê cứ ngấm dần theo thời gian, để rồi số tượng mà ông nặn ra cứ nhiều lên theo năm tháng. Tượng chất đầy trong vườn. Nhiều nữa thì ông xây bệ để trưng bày. Bày hết bệ thì xây bệ mới. Cứ thế, tượng mẹ đẻ tượng con, đến một ngày vô vàn tượng đã lấp đầy cả khu vườn. Đến bây giờ chính chủ nhân của nó cũng chẳng thể thống kê trong vườn có bao nhiêu bức tượng.
Một góc vườn tượng của Nhà thơ Anh Vũ
Nổi bật nhất trong vườn tượng nhà Anh Vũ là tượng một số văn nhân, nghệ sĩ mà ông yêu quý, dù những bức tượng này kích thước khá khiêm tốn nhưng luôn được đặt ở những vị trí trang trọng. Lần lượt trên cùng của kệ đỡ là tượng nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn Nguyên Hồng, nữ sĩ Anh Thơ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà văn Kim Lân… Dưới chân, len lách giữa những cây mộc, cây trà là tượng chú tễu, chú phỗng đậm chất dân gian và gần gũi với thiên nhiên. Một số nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm văn học cũng được Anh Vũ nặn tượng theo cảm hứng của ông, nào là cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, Xuân Tóc đỏ trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng; nào là Chì Phèo - Thị Nở trong “Chí Phèo”, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao… Có một bức tượng độc đáo Anh Vũ lấy cảm hứng từ truyện “Trẻ con không được ăn thịt chó” của Nam Cao, đó là tượng một người phụ nữ đội mâm, trên mâm có một con chó ngồi nhìn vừa bi, vừa ngộ. Bên tay trái của lối vào nhà là căn nhà cũ nơi để những khung tranh chồng chất, những tấm toan chưa vẽ và rất nhiều thứ “hầm bà lằng” khác. Một ngôi nhà ngói được Anh Vũ cho chồng lên trên mái bằng của ngôi nhà trệt nay đã xuống cấp chỉ còn để làm…cảnh.
Căn nhà chính trong vườn mang màu cũ kỹ rêu phong với hoành phi câu đối và vô vàn sách cũ. Có thể gọi đó là một thư viện mới đúng, một thư viện với những cuốn sách đã ố vàng trong mập mờ thứ ánh sáng nửa âm nửa dương cho người ta cái cảm giác đang lạc vào một không gian ma mị. Anh Vũ cho biết, Thư viện tỉnh Bắc Giang đánh giá kho sách nhà ông là thư viện gia đình lớn nhất tỉnh. Trước hiên ngôi nhà nhỏ là bộ bàn ghế ông và những người bạn thường ngồi uống trà cũng là nơi tiếp khách. Tại đây có thể ngắm toàn bộ khu vườn tượng trong hương hoa mộc, hoa bưởi và rất nhiều loài cây cỏ trong vườn. Ông bà tâm sự, tuổi già không đi đâu xa, nhưng nếu cứ ở mãi trong nhà thì là một điều thật đáng sợ. Chính vì thế mà ông bà luôn quẩn quanh trong khu vườn tuy không lấy gì làm rộng nhưng lại cho người ta cái cảm giác hoà mình vào thiên nhiên, lặn vào những hồn tượng hồn cây, lặn vào hương những loài thảo mộc quyện sánh, lặn vào hương đất nung và rêu phong cũ kỹ chẳng bao giờ biết chán.
Mong ước một tượng đài thân mẫu Lý Công Uẩn
Nổi bật trong khu vườn tượng của vợ chồng nhà thơ Anh Vũ là một ngôi tượng lớn được đặt ở vị trí trang trọng. Đây cũng là ngôi tượng mà ông dành nhiều tâm huyết. Đó là tượng Lý triều Thánh mẫu Phạm Thị Ngà - thân mẫu của Vua Lý Công Uẩn. Ông cho biết đã ấp ủ dựng bức tượng này từ lâu bởi Phạm Thị Ngà là người phụ nữ có lai lịch rõ ràng trong chính sử, là người có công sinh ra vị vua khai sáng một triều đại hưng vượng được nhân dân thờ cúng. Và hơn hết, bà quê ở Từ Sơn, nơi phát tích Triều Lý, cũng là quê hương của Anh Vũ (làng Đình Sấm, xã Dương Lôi).
Chỉ bức tượng Thánh mẫu Phạm Thị Ngà, Anh Vũ giảng giải, ở tượng hội đủ các yếu tố của người phụ nữ Kinh Bắc, này là khăn mỏ quạ, này là váy Đình Bảng xếp nếp, mái tóc, gương mặt thuần Việt. Ở bà có dáng vẻ khoan thai, khí chất của người phụ nữ quảng đại phi thường. Bên tay trái bà bế Lý Công Uẩn, trên tay ông cầm một đoá sen 9 cánh tượng trưng cho 9 đời vua Lý (kể cả Lý Chiêu Hoàng). Đoá sen được Lý Công Uẩn giơ cao hơn đầu mẹ với hàm ý đạo Phật ở trên đạo Mẫu. Để có bức tượng này, Anh Vũ đã ấp ủ từ lâu với một phác thảo nhỏ từ hơn mười năm trước, bức phác thảo mẫu giờ vẫn còn trưng bày trên giá trong vườn. Ban đầu, khi mới có ý tưởng, ông để Thánh mẫu bế Lý Công Uẩn trong lòng, và trên tay Lý Công Uẩn không phải là đoá sen 9 cánh mà là cầm một con rồng thời Lý, nhưng rồi trong quá trình suy nghĩ trăn trở ông đã điều chỉnh, để bà bế Lý Công Uẩn trong lòng tuy gần gũi, dân dã nhưng dễ sa vào tầm thường, không lột tả được cái khí phách hơn người của thân mẫu Lý Công Uẩn. Vả lại Lý Công Uẩn là vị vua khai sáng, có công dời đô, khởi nghiệp nên nếu để ngồi trong lòng mẹ thì quá hiền lành, để ông đứng trên tay mẹ với tư thế chủ động tiên phong sẽ “nói” được nhiều hơn. Còn con rồng để cầm ở tay e không hợp lý, sau này ông đã chuyển hình ảnh rồng thời Lý xuống dưới chân, phía trước của tượng.
Trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Anh Vũ đã thuê thợ từ phác thảo làm khuôn đúc nên pho tượng cỡ lớn trong vườn. Bản thân ông rất mong sẽ có một tượng đài thân mẫu Lý Công Uẩn được xây dựng ở một vị trí xứng đáng, ít nhất là ở nơi phát tích nhà Lý, nơi quê hương của bà Phạm Thị Ngà. Thế rồi Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã trôi qua, và ý tưởng của Anh Vũ vẫn chỉ là ý tưởng, nhưng ông đã có một Thánh mẫu của riêng mình, ý tưởng của ông đã được biến thành hiện thực khi ngôi tượng bề thế và trang trọng đã hoàn thành tạo thành điểm nhấn trong khu vườn tượng, trong không gian nghệ thuật của riêng vợ chồng ông.
Khách phương xa nếu có ai biết tiếng ghé thăm vườn tượng của Anh Vũ sẽ được vợ chồng nhà thơ đón tiếp nhiệt tình với ly rượu đặc sánh tình quê nhắm với bánh đa kế đặc sản Bắc Giang. Và nếu có ai đó thắc mắc, hỏi han về vườn tượng, về một pho tượng bất kỳ nào đó trong vườn sẽ nhận được một giải thích rất bâng quơ của Anh Vũ, nếu có hỏi sâu hơn cũng chỉ nhận được câu trả lời: “thì đại khái là thế”. Nhưng tôi biết, không gian ấy là tài sản vô giá với ông bà.
Nguyễn Xuân Thủy