Mỗi nhà văn bước vào nghề bằng một cách khác nhau, nhưng chắc đa phần đều bắt đầu những trang viết của mình từ thuở còn ngồi ghế nhà trường.
1.Tôi học tiểu học ở một ngôi trường làng nhỏ xíu. Thầy giáo dạy chúng tôi lúc đó nghe đồn là vì trốn lính mà đi dạy học. Thầy rất thương học trò và nhiệt tình chăm chút cho từng đứa. Nhưng người tài cứ phải có tật sao ấy, hễ có bạn nhậu hí ngoắc là thầy giao lớp lại cho tôi, đưa sách dặn tôi hô chánh tả cho cả lớp viết, rồi đánh dấu một dọc bài toán kêu tôi chép lên cho cả lớp làm. Tôi thay thầy gom tập vở, chấm bài (theo đáp số thầy để sẵn) oai nghi không kém gì sư phụ! Dù hay bị thầy bỏ dạy như thế nhưng cuối năm chúng tôi đều hiên ngang lên lớp, bởi thầy nhậu rất hăng nhưng dạy cũng rất giỏi. Sau mỗi lần bỏ lớp đi nhậu, thầy giảng lại rất kỹ bài cũ, như để chuộc lỗi của mình. Tôi thay thầy quản lớp, vừa làm cô giáo vừa làm đầu đảng và đôi khi rất lộng quyền! Bài chánh tả hô cho lớp viết, tôi hứng chí thêm vô vài chữ chơi, cũng không bị ai phát hiện. Đó là những “sáng tác” đầu tiên của tôi. Sau những lần thay thầy “đứng lớp” như vậy, tôi thường mơ màng ao ước có ngày chính mình sẽ viết ra nguyên bài cho các bạn học luôn!
Lên cấp II, tôi bắt đầu viết truyện thơ. Thơ lục bát và song thất lục bát về những câu chuyện bạn bè trong trường, trong xóm… Tôi làm thơ bắt chước theo những truyện thơ mà má tôi thường đọc ru tôi ngủ hằng đêm. Lên cấp III tôi bắt đầu viết nhật ký với từ ngữ đậm nét văn chương và mênh mông cảm xúc hình tượng! Viết lách dào dạt vậy mà khăn gói lên Sài Gòn thi Đại học sư phạm Văn vẫn rớt cái ạch, nhưng xách điểm về quê đàng hoàng xin vào trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp (nay là trường Đại học Đồng Tháp). Và sự nghiệp văn chương bắt đầu “nhấp nhổm” từ đây.
2. Trường CĐSP ngày ấy không chỉ dạy chúng tôi về kiến thức chuyên môn mà còn dạy chúng tôi thực hành lao động như dệt chiếu, đóng gạch, gặt lúa… Mỗi tuần, chúng tôi có từ 2-3 buổi dệt chiếu, nhuộm cói, se đay… Mỗi năm một tháng lao động cật lực: đóng gạch hoặc đi nông trường cắt lúa. Viết về một học đường sinh động như thế, thơ áo trắng của tôi bớt mộng mơ, bớt trùng lặp hơn. Các thầy cô dạy ngữ văn đã phát hiện và động viên tôi trau dồi ngòi bút. Cũng chính ở ngôi trường này, lần đầu tiên trong đời tôi được gặp nhà thơ Xuân Diệu. Hôm ấy, tôi trong đội lễ tân của trường, thướt tha áo dài lóng lánh mang hoa lên đón chào ông. Sau này, có nhiều dịp gặp gỡ trò chuyện cùng ông, nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất vẫn là cái cảm giác của cô sinh viên nhỏ nhóc tập tành làm thơ năm xưa đứng trước một nhà thơ vĩ đại. Năm 1984 tôi may mắn được nhà trường gửi vào trại sáng tác văn học Đồng Tháp lần thứ nhất, được gặp, được ngồi cùng xuồng, cùng xe với các nhà thơ nhà văn nổi tiếng đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và tôi có được một thầy giáo giỏi, còn trẻ, nhà thơ Bế Kiến Quốc. Năm ấy, tôi là một con bé nhà quê, tập tễnh bước vào lĩnh vực văn chương chuyên nghiệp, và được thầy tôi tận tình chỉ bảo. Anh đã dạy tôi từ cách đọc và hiểu thế nào là một bài thơ hay đến những kỹ thuật sơ đẳng nhất của một người sáng tác. Anh đã mất rất nhiều ngày và đêm thức trắng để chép và viết bằng tay (anh từ Hà Nội đi công tác vào Nam nên không có máy đánh chữ) một quyển sổ những bài thơ hay từ xưa đến nay (của Việt Nam và thế giới) để tặng cho tôi. Xúc động nhất là những “bài học vỡ lòng” về phương pháp sáng tác mà anh tự nghĩ ra, đúc kết kinh nghiệm xưa nay của mình để cung cấp cho tôi kiến thức, chỉ vẽ cho tôi cách làm thơ như thế nào. Tôi còn nhớ rất rõ những trang viết ấy có nhiều chữ bị nhòe vì những giọt mồ hôi của bàn tay anh. Tấm lòng, sự nhiệt thành của anh đối với lớp đàn em thật đáng quí xiết bao! Để tất cả những lí thuyết thơ ca kia thêm sinh động, anh viết tặng tôi tập thơ Lời Nói. Sau khi nhà thơ Bế Kiến Quốc qua đời, tôi đã trao tập thơ này cho người bạn đời của anh, nhà thơ Đỗ Bạch Mai để chị toàn quyền sử dụng. Tuy vậy tôi vẫn xin chép ra đây một bài duy nhất, như là cách cảm ơn nhạc sĩ Trần Tiến, người đã đưa thơ của thầy tôi, bạn thơ của tôi - nhà thơ Bế Kiến Quốc vào ca từ “Ngẫu hứng lý qua cầu” để nhiều người cùng xúc động:
Điệu lý qua cầu
Bằng lòng đi em…
Nhưng má anh đã mất
Mịt mùng xa nam bắc khó đưa dâu
Bằng lòng đi em…
Nữa mai rồi cách mặt
Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu
Bằng lòng đi em…
Dẫu chỉ nhờ câu hát
Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau
Bằng lòng đi em…
Mỗi khi buồn đến khóc
Một mình anh ca điệu lý qua câu…
Cao Lãnh 16/7/1984
3. Trong hành trang kỷ niệm phong phú của cuộc đời mỗi người, ắt có nhiều thứ mà chúng ta buộc phải chọn lọc để bỏ bớt ra, nhưng có một thứ mà đa số chúng ta đều mãi lưu giữ lại và luôn dành cho một góc thiêng liêng thơ mộng nhất, đó là thuở học trò. Và những kỷ niệm ấy thường lóng lánh “trang sức” bằng những câu thơ. Cũng chính vì vậy mà trong sự nghiệp thơ ca của hầu hết các thi nhân đều phất phơ ít nhất dăm bài thơ viết về thời đi học. Thậm chí dù không phải nhà thơ, tất cả những ai đã từng cắp sách đến trường chắc đều rủng rỉnh riêng dăm dòng thi phú về cái tuổi hoa niên. Và thậm thậm thậm chí…dẫu không hề có chút tâm hồn thi sĩ, nhưng ắt cũng không ai trên đời bước qua tuổi thanh xuân mà chưa từng đôi lần “nhấm nháp” vài câu thơ phổ biến, nổi tiếng nào đó về thuở học trò. Những bài thơ viết về thuở học trò, dù được viết ra bởi một phong cách nào, trường phái nào thì cũng đều mang chung một sắc thái, một không khí, một tình cảm… Đó là sự tinh khôi, trong trẻo, ngọt ngào và đầy thơ mộng. Hầu hết những bài thơ hay về tuổi học trò ra đời khi người viết đã qua tuổi học trò. Đó là sự hồi tưởng, tiếc nuối nhớ thương, hoài niệm.Tuổi học trò của tôi đi qua những năm tháng khó khăn của đất nước. Những tà áo dài, những hình ảnh thơ mộng mà tôi được đọc qua văn chương trước đó đã đi vào những giấc mơ trẻ thơ khi tôi còn ngồi ghế trường tiểu học. Tôi mơ đến ngày mình được khoác lên người chiếc áo dài trắng nữ sinh, đi như bướm bay chấp chới thướt tha dưới bóng phượng sân trường. Thế nhưng đó chỉ là giấc mơ. Những năm tháng khó khăn, chúng tôi đến trường không hề có được một tà áo trắng. Đứa nào có gì mặc nấy, tôi nhớ những năm cuối cấp II, tôi thường mặc những cái áo bà ba của má tôi sửa lại. (Cô giáo dạy tôi thì chỉ có được hai cái áo dài thay đổi, tôi còn nhớ như in một cái màu mận chín và một cái màu tím than, mỗi tuần cô chỉ mặc một lần vào buổi chào cờ sáng thứ hai. Bọn con gái chúng tôi thậm chí còn nhớ rất kỹ là cô giáo nào trong trường có bao nhiêu cái áo dài).
Qua thời khó khăn, khi nhà trường bắt đầu qui định lại cho nữ sinh mặc áo dài thì tôi đã bước ra khỏi thời đi học. Tôi nhớ cái năm học đầu tiên nữ sinh được mặc lại áo dài, ngày khai giảng, mọi người ai cũng xôn xao nôn nao nhìn ngắm các em tung tăng như bướm trắng khắp các nẻo đường. Tôi xúc động dâng trào và đã viết:
Rắc theo những bước áo dài
Những vần thơ bước ra ngoài thời gian
Ta ngồi mơ gió lang thang
Thổi ta vào lớp xếp hàng bên em.
Trong gánh hành trang ngổn ngang đời người lắm nỗi, mớ kỷ niệm về thuở học trò và những bài thơ áo trắng luôn yên bình nằm trong một góc nhỏ thiêng liêng. Mỗi lần nhìn áo trắng hồn nhiên tung tăng đến lớp, hoặc nghe, đọc vu vơ đâu đó mấy bài hát, bài thơ về thuở học trò, lòng ta lại lao xao niềm cảm xúc. Cảm xúc ấy như những giọt vitamin, tưới tắm tâm hồn ta tươi trẻ.
Cám ơn đời, cám ơn ta ngày xưa và các em bây giờ, đã tạo nên thời áo trắng và những câu thơ khiến cuộc sống phức tạp muôn màu này có một màu trắng cầm giữ sự quân bình cho cảm xúc thăng hoa. Cảm ơn những ngôi trường đã dạy tôi làm thơ!
Nhà thơ Thu Nguyệt
(Thế giới mới)