Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Ba truyện ngắn khác giọng điệu trên Văn nghệ gần đây

25-09-2011 02:14:18 AM

VanVN.Net - Có ý kiến nói đây là các truyện ngắn hậu hiện đại, nhưng cũng có ý kiến bác bẻ rằng, vậy chứ Thánh Tông di thảoTruyền kỳ mạn lục của tiền nhân ta thì sao, chẳng lẽ cũng lại là hậu hiện đại? Dù sao thì đây cũng là những truyện mang một giọng điệu mới đến với văn đàn. Nhưng cái mới đến từ tiềm thức cộng đồng như “Phương Nam” của Phùng Hi, “Ghi chép của ngài Appin về con ngựa hãn huyết” của Văn Chinh đều mang dấu vết của lối kể chuyện người xưa; còn cái mới đến từ đời sống như “Trong đám tang của mình” của Uông Triều thì lại cũng được khai triển trên một thành ngữ cổ “Cái quan định luận” và do đó, chỉ nên gọi những nỗ lực làm mới làm khác của các tác giả này như một nỗ lực thâm canh trên cánh đồng văn học Việt.

PHƯƠNG NAM

Truyện ngắn của Phùng Hi

(Huyền thoại: Năm 499 trước công nguyên, nhà Chu suy thoái, Lão Tử cưỡi trâu xanh đi về phía tây. Kết cục ra sao không ai biết)

-------------

Mùa xuân năm 499 trước công nguyên. Cỏ cây dưới đất đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa. Mây trắng trên trời rủ nhau bay từng đàn về phương nam. Khí trời dịu lạnh. Nắng vàng tươi như mật rót. Đất trời đẹp vậy nhưng lòng người nhà Chu tao loạn.

Lão Tử 81 tuổi. Cuộc đời trần thế của Lão vừa đúng thời gian Lão nằm trong bụng mẹ. Kỳ lạ, Lão thấy mình chưa già. Sống dài, trông mãi, nghĩ hoài cũng chán, Lão lo mình thọ hơn Bành Tổ. Nửa đêm nọ Thượng Đế cưỡi mây vàng sáng lòa, ghé tệ xá lệnh cho Lão đầu thai kiếp nữa để độ thế chúng sinh. Lão Tử mỏi, có ý chống:

- Chúng sinh có cần đến Nhĩ này đâu? Làm cho dân ở Chu thuần phác, sống cõi đời thật, quá sức ta rồi.

Thực lòng Lão chẳng muốn về trời với đám thần tiên nhàn cư vô vị, cũng không muốn hóa nhi bằng cách đầu thai. Cần phải làm một điều gì đó! Lão Tử bèn nhuộm đen cả tóc và râu, búi tó ra sau, trông như một nông phu cường tráng ở tuổi trung niên. Sáng ngày kia Lão mắc Thanh Ngưu vào cỗ xe, chạy như trốn về phía tây của Chu. Quan cửa khẩu chặn lại soát, nói:

- Luật nhà Chu không cho mang sách ra khỏi nước.

Lão Tử vui vẻ bỏ lại bản thảo cuốn Đạo đức kinh, viết trên năm ngàn thẻ tre. Lão tháo cả xe quăng, cưỡi lên lưng Thanh Ngưu phất tay chào tên quan lại cuối cùng của triều đình. Ôi mới thanh thản làm sao. Thanh Ngưu lắc cặp sừng, cất tiếng:

- Ông vừa bỏ đạo?

- ồ thật thú vị, ngươi biết nói sao?

- Tôi nói được khi ra khỏi Chu. Kìa ông trả lời tôi đi chứ.

Lão Tử ngoảnh lại phía sau thoáng buồn, thoáng vui:

- Đạo có khắp nơi. Cái ta bỏ lại không phải đạo, chữ là phương tiện bất đắc dĩ của đạo.

Thanh Ngưu hỏi:

- Tôi sẽ đưa ông đi đâu?

- Xuôi nam theo bóng cánh chim Bằng.        

- Ông thật lạ, lúc đầu sao không đi về nam.

- Ngươi muốn biết nhiều rồi đó. Chim Bằng khi vỗ cánh dời nam thì nó liệng sang tây lấy đà, sải cánh như đám mây che lấp cả mặt trời. Ta thuận cánh chim Bằng, trốn ánh mắt người nhà trời mà đi.

Thanh Ngưu mọc cánh cất mình khỏi mặt đất, nương mây ngàn bay qua Ba Thục, qua những cánh rừng, những bờ bãi, những núi đồi, những dòng sông muôn dặm trùng trùng. Trên cao ngàn trượng nhìn xuống mặt đất bao la, nhớ đến những chiêm nghiệm về vũ trụ, cái lớn cái nhỏ, cái trong cái ngoài qua nhúm chữ đã viết, Lão Tử, thấy cái mình biết chẳng đáng bao nhiêu.

Con Thanh Ngưu hát điệu Nam Xuân rền như sấm động:

Dời nam ...(xang) dời nam.

Theo bóng chim Bằng (xàng)

Trở về... (xê) nguồn cội (liu)...

Hồi cố... (xề) đất xưa (lìu)...

Lão Tử cười vang trên bầu trời, hỏi trâu xanh:

- Tại sao ngươi bảo “trở về nguồn cội”?

- Chẳng phải có lần tôi nghe ông bảo tổ tiên của ông là người Bách Việt từ miền nam lên chinh phục phương bắc đó ư.

- Ngươi có trí nhớ quá tốt. - Lão Tử khen.

Qua Hồ Động Đình, Thanh Ngưu bay dọc biên cương nước Văn Lang, bờ nam sông Dương Tử, hướng về đông. Đến núi Gấm, Thanh Ngưu thu cánh hạ mình xuống nghỉ chân. Lão Tử gác đầu lên đá trông xa tít biển Đông mù khơi, trời nước hòa một, vô chung vô thủy. Thanh Ngưu gặm cỏ gần đó, hỏi:

- Ông từng nói người thông thái không cần đi mà vẫn nhận thức được. Bây giờ ông thấy sao?

- Vấn đề ở chỗ đi thì biết thêm. Chẳng hạn ta đâu ngờ ngươi biết nói, ngươi có thể bay và còn có thể làm bạn cùng ta nữa.

- Thưa, không dám.

Bỗng thấy toán cướp năm bảy người trói gô một cô gái, vắt ngang lưng ngựa, phi nước đại từ rừng ra. Lão Tử cưỡi thanh ngưu đón đầu, choán cả lối đi, hỏi lớn:

- Cô gái ấy tội gì?

Tên cầm đầu người Hoa Hạ hung hãn, dữ dằn nhưng bỗng chờn. Tại sao con trâu xanh kềnh càng kia lướt nhanh hơn ngựa xích thố của hắn.

- Ta bán cô này. Ngươi có vàng thì đưa đây, bằng không tránh ra, lôi thôi ta chém.

Lão Tử giơ thỏi vàng, ra hiệu cởi trói cô gái. Cô gái phương nam da trắng, tóc dài, mặt mũi thất thần hoảng sợ, sụp lạy ơn cứu mạng. Đẹp quá hóa nguy đây mà, Lão Tử lẩm bẩm đỡ cô gái đứng dậy. Cái đụng chạm xác thịt đàn bà đầu tiên trong đời Lão, rung động đến từng chân lông. Cô gái xưng tên Xuân Hoa. Nàng đi giày đan bằng sợi đay, mặc xiêm điểm hoa vàng, áo chàm ngắn đến bụng, bên trong yếm đỏ che ngực, cổ áo rộng khoe một phần bờ vai trắng ngần. Trông nàng như một con ong xinh xinh nhiều màu sắc. Nàng Hoa khóc nấc, kể chuyện đi vào rừng hái măng thì gặp bọn cướp.

- Thật tệ, cướp cả đàn bà con gái đem bán. Bây giờ nàng đưa ta về nơi nàng ở.

Lão Tử nâng bổng nàng lên lưng Thanh Ngưu. Lão ngồi sau, hai tay choàng tới trước vịn dây cương, ôm trọn bờ vai Xuân Hoa. Thân thể đàn bà kì diệu thế này sao? Mềm - thơm - ấm - dịu dàng. Một vùng thần tiên nơi trần thế, Lão chưa hề biết. Thanh Ngưu bay theo sự chỉ dẫn của cánh tay nàng Hoa thon dài, xinh xắn. Đôi tay nhiều lông măng của nàng còn hằn đỏ vết trói bằng dây da, nhìn xót thương.

Kìa là núi Hồng nơi cha mẹ nàng sinh sống. Trên cao nhìn xuống ngút ngàn màu xanh ruộng lúa, ruộng dâu, ruộng mía. Thấp thoáng những nếp nhà tranh yên bình dưới bóng dừa, bóng cau. Nghe trong gió xuân hương đồng phảng phất. Thanh Ngưu hạ cánh bên bờ sông Lĩnh. Chiều đang buông trên sông, hơi nước bốc lên tụ thành sương như khói. Lão Tử cùng nàng Hoa sánh đôi đi trước, trâu xanh đi sau như vợ chồng vừa thăm đồng về. Trên con đường đất rộng rãi, sạch sẽ, thanh bình của buổi chiều vàng, nhiều phụ nữ mặc váy áo màu sáng, lưng gùi củi khô hay cỏ tươi cho gia súc. Đàn ông tóc búi, áo nâu bỏ vạc bên trái vác cày, dắt trâu. Các cô cậu bé nhảy chân sáo theo cha mẹ, ánh mắt trong veo, nụ cười rực sáng. Họ hoan hỉ mừng Xuân Hoa mất tích nay trở về.

Lão Tử được cha mẹ nàng Hoa gả con gái. Thanh Ngưu nói:

- Ông có ý định trọ nhờ ở ân?

- Ta thích nơi này.

Lão Tử theo đúng thế tục chàng rể Lạc Việt, vô núi Hồng đào sâu xuống lòng núi lấy đất sét trắng xắt mỏng phơi khô thành thứ bánh quí để hỏi vợ.

Trời phương nam xanh hơn, mây phương nam trắng hơn, cây phương nam tốt hơn, nước phương nam trong hơn, người phương nam đẹp, hồn hậu và chan hòa hơn. Ngày ngày Lão Tử cùng trâu xanh cày ruộng, trồng lúa, trồng bông. Nàng Hoa dệt vải, quay tơ, nấu cơm, nấu nước chè xanh chờ chồng. Cuộc đời mới lạ xảy đến, nó chưa hề có trong triết thuyết của Lão. Sự ngây thơ như cây cỏ của nàng Hoa bắc nhịp đạo vô vi của Lão Tử thành lẽ sống giản đơn, an hòa.

Một hôm Thanh Ngưu hỏi ý Lão:

- Ông có nên ra mắt vua Hùng?

Lão Tử vuốt chòm râu cằm được nhuộm đen bằng tinh dầu hà thủ ô:

- Chắc phải đi một chuyến.

Hôm sau, Lão Tử ngồi trên lưng Thanh Ngưu thong thả đến kinh đô Bạch Hạc, thủ phủ nước Văn Lang. Lão Tử lấy làm lạ rằng khá nhiều người dân kinh thành ăn mặc lối nhà nho phương bắc, đầu đội mũ tròn ra vẻ biết trời, chân đi giày vuông tỏ ra hiểu đất, lưng đeo vòng quyết để làm bộ rằng việc đến không từ. Lão rất ghét. Đám hủ nho đã đến đây ư? Quan lễ tân vào báo:

- Tâu bệ hạ, Lão Tử người nước Chu muốn ra mắt.

Vua Hùng Vương Thứ Mười Lăm cười rằng:

- Thầy Già đó sao, lại muốn bày ta trị quốc như Khâu chứ gì. Mời vào.

Vua Hùng cao lớn, mặt vuông cằm bạnh, đầu đội mũ rồng, áo lụa đỏ, quàng cổ dải lông chim phượng, dây lưng da beo tạc chim Lạc chạy quanh, chân đi hia dát đồng sáng choang, ngự triều buổi sáng.

Lão Tử quì trước sân rồng. Hùng Vương nói:

- Quì gối là lễ của kẻ làm tôi. Quan dân nước ta tuyệt không lễ với vua kiểu đó, mong ngài đứng dậy cho.

Lão Tử đứng dậy, cung kính:

- Nhĩ này giờ là thần dân của bệ hạ.

- ồ, ta nghe người ta tả ngài râu tóc trắng xóa, hình hài cổ quái, sao nay trông tráng kiện, đẹp đẽ thế kia. Ngài có điều chi muốn nói với quả nhân?

Lão thưa:

- Hình có lạ nhưng tâm nào có tổn, quên hình là theo được hình. Thần được biết bệ hạ cầm quyền mà thảo dân Văn Lang không để ý đến sự tồn tại của bệ hạ, sống yên vui, hòa hợp cùng thiên nhiên. Bệ hạ là bậc thánh nhân!

Hùng Vương:

- Ngài có quá lời chăng? Thời thầy Khâu bị dồn đuổi ở Ba Thục, sang ta tạm lánh. Khâu cặm cụi làm nhân, dày công làm nghĩa, xong xóc làm danh, sậm sột làm nhạc, khúm núm làm lễ nên quan trong triều ta bắt đầu cạnh khóe, bắt bẻ, thích khôn, tranh lợi, khoe tài, nêu đức. Cái tốt ngài thấy trong dân là nhờ tinh thần Đạo Việt của tộc Lạc Việt ta đó. May mà thói hư của quan chưa kịp lan tới dân.

Lão Tử ngửa mặt than:

- Khâu sinh sau ta nhưng ảnh hưởng trước ta rồi. Dám hỏi tinh thần Đạo Việt bệ hạ vừa nói thế nào?

Hùng Vương cho bãi triều, gọi rượu nếp ủ với mật ong, đàm đạo cùng Lão Tử:

- Đạo Việt của Lạc Việt đó là đạo an vi, không vô vi lánh đời, không hữu vi giành giựt, sống tích cực, tận lực cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, hợp với sự vận hành của vũ trụ. Đó là tham thiên lưỡng địa, sống là phát triển, vũ trụ vận hành đi lên với ba phần dương, hai phần âm. Đó là nhân chủ, thái hòa, tâm linh; trong quan hệ thiên - địa - nhân này con người là chủ, giữ vị trí tôn quý. Và đó là bình sản, cơ sở tồn tại xã hội.

- Nhĩ này xin mười phần kính phục. Thiên hạ an vui và hạnh phúc biết bao nếu tâm hồn mọi người thấm đẫm tinh thần Đạo Việt. Phải chăng nên gọi là minh triết Việt.

Hùng Vương dò ý Lão Tử:

- Ta làm gì với công hầu khanh tướng của ta đang bị “nhân, nghĩa” của Khâu gây tổn?

Lão Tử thưa:

- Nhốt “nhân nghĩa” của Khâu lại. Bệ hạ tạm lấy của cải làm lồng tất nhốt được kẻ tham giàu, lấy danh vị làm lồng tất nhốt được kẻ tham danh, để chờ ứng biến.

Lão Tử cáo lui. Hùng Vương nhắc:

- Ta thường đi săn ở núi Hồng nơi ngài ở, thuận tiện ta sẽ ghé thăm ngài. Phần ngài, tiện khi nào đều có thể đến với ta. Chắc ngài rõ ta với ngài cùng là con dân Bách Việt?

Lão Tử ra, Thanh Ngưu hỏi:

- Ông bàn gì với vua Hùng?

- Lo gỡ bỏ cách làm đạo của Khâu. Ôi xứ phương nam xa xôi, hiền hòa này mà Khâu cũng đã đến đây gieo họa. Hắn là ai đòi ôm lấy cái lo muôn đời, thiệt là hợm hĩnh. Kể về chỗ dụng tâm, hắn hơn gì kẻ bất nhân tham giàu vậy.

Sau mười ngày, một sáng tinh mơ lều tranh của Lão còn chìm trong sương núi, vua Hùng tách khỏi đám tùy tùng trên đường vô rừng trúc, một mình một ngựa đến thăm Lão. Lão Tử ra ngoài lều tranh nghênh đón, đưa nhà vua ra thăm ruộng dâu khi ánh nắng đầu tiên trong ngày vừa rọi đến. Vua nói: 

- Tổ tiên ta trí tuy trùm thiên hạ mà không tự nghĩ, tài năng tuy cùng trong bể mà không tự làm, công đầy nhân gian mà không tự biết. Khâu đến bày ra nào nhân, nào nghĩa, nào lễ mới có kẻ giả nhân, giả nghĩa, giả lễ.

Lão Tử nói:

- ồ, xảy đến bất nhân, bất nghĩa, bất lễ chỉ còn là tiệm tiến. Cho dẫu có kẻ thật nhân, thật nghĩa, thật lễ mà vô kỷ (không quên mình) đều là đầu mối của loạn.

Hùng Vương nói:

- Quả nhân xử thế nào với đám quan triều đình

- Trở lại cái thường nhiên. Cái vẹo không cần uốn, cái thẳng không cần nảy mực, cái tròn không cần khuôn, cái vuông không cần thước, bó buộc mà không cần dây nhợ.

- Có dễ chăng? - Vua Hùng thở dài.

Đám tùy tùng nhà vua khó chịu khi thấy chủ tỏ ra quí mến và sủng ái Lão Tử, sợ Lão sẽ theo vua về triều đình cản đường lợi danh của chúng. Trong khi vua Hùng và Lão Tử tiêu dao, luận bàn minh triết Việt, chúng bày mưu giết con trâu xanh để bó chân Lão khỏi về với triều đình.

Thanh Ngưu đang ăn cỏ trên bờ sông Lĩnh. Gió bấc đầu thu thổi nhẹ ngược dòng chảy, sông Lĩnh nổi sóng vỗ bờ, ăm ắp nước. Kẻ thủ ác nghe tiếng đồn trâu thần phi nhanh hơn ngựa, sợ không giết được, nguy thân. Chúng bèn tẩm độc các mũi tên, giương cung cùng lúc, hạ thủ xong liền trốn chạy. Thanh Ngưu trúng tên tẩm thuốc, ngã lăn ra trảng cỏ xanh. Lão Tử đến nơi kêu khóc:

- Thanh Ngưu, ngươi bỏ ta sao?

Nó thưa:

- Là người, tôi chưa sống. Là vật, tôi chưa chết. Tôi không còn lo cái ăn cho hình xác, chẳng phải tốt hơn sao. Không cần truy kẻ bắn cung. Ông chẳng từng nói, coi một sống với chết, xem bằng phải với trái. Ông lấy cặp sừng tôi mà đem về.

Lão Tử đem cặp sừng Thanh Ngưu treo ở vách chỗ mình nằm. Cặp sừng nói:

- Ông cần đi xa thì cầm lấy cặp sừng, tôi vẫn có thể bay đi.

Nàng Hoa thấy vua Hùng thường ghé lều cỏ bàn chuyện trị nước với Lão Tử. Nhất là chuyện nhà vua muốn vời Lão ra làm quan, còn nói: “Phu nhân của khanh về kinh thành, khó có ai bì kịp nhan sắc, khanh cũng nên nghĩ cho nàng ấy”. Xuân Hoa nghe cứ xốn xang, rộn ràng trong lòng. Nàng bảo:

- Phu quân sao không nghe vua cho thiếp được nhờ.

Lão Tử hỏi:

- Nàng bảo nhờ gì ta không hiểu? Ta là dân thường, dệt mà mặc, cày mà ăn. Giản dị thì dễ nuôi, không cậy nhờ thì không trả nghĩa.

Nàng Hoa phụng phịu, nhíu mày, xinh xắn lạ thường:

- Chàng thiệt là. Chàng làm quan, thiếp theo về kinh thành được mặc đẹp, ăn cao lương...

- ồ kỳ lạ, nàng ở nơi thâm sơn cùng cốc này nghe ai, theo ai, xem ai mà lòng sậm sột, triết thuyết của ta sai sao? 

Lão Tử nghĩ cho cùng, ước vọng của vợ cũng thường tình. Nghe vợ, Lão nhận chức quan tri huyện Liên Trì, vùng ven phía tây thành Bạch Hạc. Lão cũng muốn thử triết thuyết vô vi xem sao, nên không muốn nhận chức quan Ngự sử túc trực trong triều, can gián việc quan quân. Dân Liên Trì hiền lành, thân thiện cùng thiên nhiên, sống với nhau hòa đồng nhân ái. Lão làm quan mà như không làm.

Nàng Hoa lo lắng:

- Sao phu quân không làm gì cả. Không sổ sách, không xét xử, không họp bàn?

- Ta không làm mà việc gì chẳng làm. Vì không làm trái tự nhiên nên nàng không thấy đó thôi.

Nàng Hoa thường thấy hào kiệt, nhân sĩ đến ra mắt Lão Tử, giữ lễ của kẻ học đạo, kính trọng hết mực. Nàng bảo với phu quân:

- Nghe thiên hạ bảo chàng là thầy của các bậc thầy, sao chàng không mở lớp dạy học?

- Trò của trò ta là trò của ta. Trò ta dạy tức là ta đã dạy. Ta cũng vừa dạy xong và trò đã đi, sao nàng bảo ta không dạy. Có trường lớp, có sách vở thì đâu còn dạy nữa, đó là nơi chỉ cách học, cách làm, chỉ cách sống chung, cách sáng tạo mà thôi.

Xuân Hoa ù tai với Lão Tử. Cái nàng cần giản đơn là danh, phận và lợi. Một hôm nàng dỗi:

- Chàng chết quách đi.

- Sống đó mà chết, chết đó mà sống. Nàng biết gì về lẽ sống chết, sinh diệt trong vũ trụ này?

Xuân Hoa bĩu môi, hờn:

- Thiếp điên mất kiểu lý sự của chàng.

Nàng hờn dỗi lại càng xinh đẹp, đáng yêu lắm. Dễ chừng Lão Tử điên chứ không phải nàng Hoa điên. Xuân Hoa thường cùng gia nhân về kinh thành Bạch Hạc mua sắm, gặp gỡ các mệnh phụ sang trọng, các quan lại hào hoa. Nàng choáng ngợp những lời tán tỉnh, những phỉnh nịnh mỹ miều. Nàng chỉ là vợ quan tri huyện nhưng vua Hùng quí trọng Lão Tử, mến mộ nhan sắc của nàng nên vẫn thường vời nàng vào cung dự tiệc, xem hát.

Ngày kia công tử Thục dẫn quân chinh phạt giặc phương bắc, ca khúc khải hoàn trở về Bạch Hạc. Hắn gặp Xuân Hoa đang thử yếm ở tiệm vải. Hắn xuất hiện hiên ngang, oai vệ. Nàng Hoa thất thần, chết lặng với cái nhìn của hắn. Cô nàng kiều diễm giữa chốn kinh thành này sao hắn chưa biết nhỉ? Hắn quyết tâm ve vãn.

Nàng Hoa bỏ Lão theo công tử Thục, con vị quan tể tướng trong triều. Nàng tưởng rằng sự sung sướng còn có thể tìm thấy nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Quan trong triều hỉ hả trút được cái tức bấy lâu: “Nếu Lão làm Ngự sử trung tán, cận kề nhà vua thì công tử Thục có mọc tám sừng cũng không dám làm càn. Đạo của Lão chưa cao, chưa thâm”. Nói xong họ cùng cười to, nhạo báng.

Tể tướng từng cho Thục theo đòi nhân nghĩa của Khâu nên hắn mới sinh trí trá, khoe công, tự đắc. Hắn quyến rũ nàng Hoa nhưng tự cho mình là trí, là hiệp. Hắn lấy nàng Hoa làm tì thiếp nhưng tự cho mình là nhân, là nghĩa. Ôi chao, đạo nhân nghĩa của Khâu là đầu mối của loạn, là gốc của mất đức, là nguồn của mất nước. Công, danh, lợi, vị kỷ thấm sâu trong hắn rồi.

Hùng Vương bắt Thục trị tội. Lão Tử can:

- Nhĩ này với nàng Hoa như cá ở cạn. Hà hơi, thấm dãi, thương nhau như thế, nhưng than ôi, đành quên nhau về với sông hồ vậy. Tội không phải ở Xuân Hoa, ở Thục mà là ở Nhĩ ta.

Lão Tử hẫng hụt thất vọng từ quan:

- Tâu bệ hạ, bệ hạ bỏ lỗi, đạo của Nhĩ vừa đủ để tu thân, tự trị, hợp với tuổi già, không hợp số đông. Đạo có dư ra đâu mà tề gia, trị quốc. May còn Đạo Việt của bệ hạ.

Lão Tử ngảnh mặt phương bắc, than: “Khâu kia, ngươi làm ta khốn từ Chu sang đất Văn Lang này”. Lão Tử rũ tay áo, cầm sừng Thanh Ngưu, theo bóng chim Bằng đi tiếp về phương nam, kết cục ra sao không ai biết.

Dời nam...(xang) dời nam.

Theo bóng chim Bằng (xàng)

Trở về... (xê) nguồn cội (liu)...

Hồi cố... (xề) đất xưa (lìu)...

Người ta tính Lão Tử ở Văn Lang được năm năm. Cái Lão Tử làm được lúc đó là góp công cùng vua Hùng nhốt “đạo” của Khâu quanh quẩn trong quan lại triều đình, ngăn không cho lan ra dân lành Lạc Việt.

 

 

TRONG ĐÁM TANG CỦA MÌNH

Truyện ngắn của Uông Triều

(Tặng N.B.P)

-------------

Hắn hơi cúi thấp đầu, khuôn mặt có vẻ đau khổ, nhưng không hẳn là thế. Nếu nhìn kĩ, hắn đang cười một cách thầm kín, một khoảng môi mở rất hẹp. Hắn có niềm vui khi đến đây, nhất định rồi. Hôm nay hắn có lẽ là một trong những người hạnh phúc nhất, trông bước chân hơi rối thì biết. Bước lên bậc thềm không dứt khoát, một sự sung sướng âm thầm. Hắn không vấp vào bậc thềm đâu, dù có sung sướng thế nào vẫn không để lộ cảm xúc, hắn che giấu cảm xúc rất giỏi. Nhưng dù thế nào, ở vị trí này mình vẫn phát hiện hắn là một trong những người vui mừng nhất. Hắn là người thứ nhất, tạm gọi hắn là Phó.

Thiếu phụ mặc một bộ váy trùm quá gối màu đen, vừa đủ độ đứng đắn. Một cái mũ đen che mặt viền đăng ten, cũng màu đen để phù hợp với màu váy. Môi hơi nhếch một chút nhưng đôi mắt tư lự. Không biết thiếu phụ vui hay buồn trong hoàn cảnh này. Những cuộc ân ái đã qua, nhưng biết đâu nàng sẽ tìm được cuộc vui hơn. Cái vẻ dìu dịu vừa phải không dự đoán được điều gì, nàng hơi ngước mắt lên, đủ rồi. Vẫn là đôi mắt ấy, không biết nàng đang nghĩ gì. Mình không bao giờ đoán chính xác được suy nghĩ của nàng, cho dù đã nằm bên nàng hàng giờ, đã yêu nàng không biết mệt mỏi, yêu đến kiệt sức thì thôi nhưng một khuôn mặt lành lạnh hợp thời trang thì không thể gọi tên được. Nàng là người thứ hai cần chú ý, gọi nàng là Bồ.

Uy nghi, lịch sự. Không ngờ người ấy lại xuất hiện ở đây. Gã ngồi ở mâm trên. Căm giận ghê gớm, đã bao nhiêu lần xảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa, chỉ thiếu chút nữa mình và gã nhảy bổ vào đánh nhau như những kẻ võ biền. Gã có quyền của gã, gã có uy của gã, gã có sức mạnh nhất định không thể coi thường. Cũng có lần mình suýt chết dưới tay gã, một người không hề tầm thường. Mà tầm thường sao được, những người như gã không thể tầm thường, suy nghĩ này không chính xác. Đôi mắt gã không buồn tư lự như Bồ, cũng không cười thầm như Phó, không có gì để giấu cả, gã bình thản cũng như lúc nổi xung khi tranh luận, gã ngạo nghễ trông xuống, tương xứng với vị trí của gã. Không nghĩ gã sẽ đến sớm, thế mà gã lại là người thứ ba. Gã là Sếp.

Vợ có vẻ buồn thảm hơn cả, nhưng chưa chắc đã phải vậy. Có lẽ Vợ cũng che giấu một điều gì đó, ai biết được. Thông thường những lúc thế này chỉ nhìn qua bề ngoài mà đánh giá thôi, những khăn, mũ, áo và vẻ mặt không tài nào đoán trúng được, nhưng đoán mà làm gì, Vợ thân thiết  với mình nhất, che giấu làm gì. Đã từng quát mắng Vợ bao nhiêu lần, Vợ không phản ứng là mấy, đó có phải sự nhẫn nhịn hay hi sinh. Đôi khi cũng đặt dấu hỏi nghi ngờ nhưng không để ý tìm hiểu cho kĩ. Thôi kệ, dù gì Vợ cũng luôn ở bên mình, không biết cũng không vội, mà Vợ có thể đi xa đâu được. Đã bao lần vuốt mái tóc dài của Vợ, hôn lên má và bầu ngực trắng ngần, chưa bao giờ nghĩ Vợ sẽ rời xa, không nghĩ sẽ có người  làm thay điều đó. Mà hình như Vợ quay sang nói chuyện với Sếp, để kệ họ tự nhiên, chú ý gì chuyện ấy. Mình thấy hơi ong ong, mắt hoa lên những vệt vàng xanh đỏ như người chóng mặt…

Phó đang đi lại trong phòng, hắn lúc nào cũng có sự bình thản dù rằng mình đã quát mắng gay gắt vào buổi trước. Phòng hắn khép hờ nên bộ dạng của hắn, điềm nhiên, nghiêm túc. Bàn làm việc của hắn có vẻ ngăn nắp, khoa học hơn mình. Hắn là dân khoa học chính cống và dù có ghen tị, mình ít khi hạ cố sang phòng hắn. Cái mặt thông minh của hắn hấp dẫn phụ nữ, nhiều chị em đang nuôi ý đồ với hắn. Đàn bà không bao giờ biết điều, mình căm ghét điều này, nhưng hắn đẹp trai và lạnh. Tại sao đàn bà lại thường hay thích kiểu người đó, đám nhân viên có vẻ cũng như sợ hắn hơn. Phải tìm ra lỗi của hắn, chờ xem…

Bồ thì ngược lại, mỗi khi ôm vào lòng, nàng chẳng tỏ ra có một tí trí tuệ nào hết, nàng chỉ làm đàn bà và làm tình cho giỏi thôi. Nàng ném sạch những thứ mĩ miều khoác trên người và có vẻ nàng cũng chẳng quan tâm lắm. Mình quan tâm, nàng rên rỉ sung sướng như một con mèo đang được vuốt ve. Mình cũng từng ngạc nhiên, làm sao nàng lại có những cử chỉ, hành động như thế. Nàng thông minh, lạnh lùng nhưng lúc ấy trông nàng thật ngu ngốc và khổ sở nếu như mình không làm cho nàng phát cuồng lên. Trước khi gặp nàng, mình nghĩ đàn bà thông minh thì làm tình tệ lắm…

Với Sếp thì chẳng phải giấu làm gì, không hợp Sếp. Gã đã chỉ vào mặt mình rồi, nhiều lần, bây giờ nghĩ vẫn còn giận. Anh thì biết gì, anh chỉ nói những lời chống đối và phản bác thôi, nhiệm vụ của anh là nghe và thi hành. Sếp nói với mình trong các cuộc tranh luận. Ai mà chịu đựng được những điều ấy, cũng từng tỏ ra nhường nhịn, nhưng Sếp càng lấn tới. Mình “pháo” lại thế này. Anh tưởng khi nào anh cũng đúng à, đó là ý kiến cá nhân thôi, anh không nhớ vụ lùm xùm trước đây, vợ anh đã đến cơ quan làm ầm lên…Thôi ngay, không được đưa vấn đề nhân thân vào trong công việc, bệnh hoạn này từ đâu ra? Sếp gầm lên. Nhưng nhắc lại càng thêm buồn, vì nhân thân bao giờ cũng ảnh hưởng công việc, đó là quan điểm của Vợ.

Vợ đi làm về, bao giờ cũng thế, nàng toát ra một vẻ thương khó. ít khi Vợ làm cho mình bực dù đôi khi nàng cũng tỏ ra cứng đầu. Vợ có phải là người tốt không, tất nhiên rồi, mình không nghi ngờ phẩm hạnh của nàng nhưng người ta từng nói rằng người càng ít tỏ ra bị nghi ngờ thì chính là người đáng nghi ngờ nhất, nếu chiếu theo quan điểm này thì chắc cũng có những điều phải bận tâm. Nhưng nếu nghi ngờ thì nhẫn tâm quá, mình chưa tìm ra nhược điểm của Vợ, nhưng càng không có nhược điểm, càng đáng nghi ngờ, không nghi ngờ gì thì vô lí quá. Nghe thấy câu chuyện của họ, đầu óc cứ váng vất…

Sếp: Dạo này vẫn đều đều thế chứ?

Vợ: Vâng, vẫn thế, thông tin anh nắm được mà.

Sếp: Thì chẳng nhẽ không hỏi gì trong tình huống này.

Vợ: Em thấy mệt mỏi, nhiều việc phải lo quá.

Sếp: Sẽ qua đi thôi, nhanh thôi mà.

Vợ: Em hơi sốt suột.

Sếp: Anh cũng thấy thế, thời gian lâu quá…

Vợ: Anh đứng xa ra một chút…

Sếp đi ngang qua Vợ, chuyện vô thưởng vô phạt chẳng có gì bí hiểm. Chắc  không ai nghĩ rằng mình sẽ nghe thấy, nhưng mình lại nghe được. Khả năng đó đến từ đâu, từ hôm qua chăng. Chưa kiểm chứng nhưng ngạc nhiên là chẳng thấy bất ngờ gì hết, nghe được những điều họ nói, tất nhiên họ chẳng nói thầm, nhưng giữa một khối tạp âm thế này, lọc được những lời ấy cũng thấy lạ. Hơi buồn, phảng phất nghi ngờ, những khối xanh vàng đỏ đen đang bay lượn vòng tròn…

ở phía bên kia, Phó cũng đang với chuyện với Bồ. Bồ nâng vành mũ lên một chút, ở tầm này Bồ trông thật nhục cảm, chính vì vậy mà bao nhiêu sức lực và không ít tiền bạc mình đã dành cho Bồ. Nàng xứng đáng nhận điều đó, một người đàn bà như thế, ai mà chẳng muốn cho đi ít nhiều những điều mình đang có.

Phó: Em thấy thế nào?

Bồ: Hơi hụt hẫng một chút, có gì đó bâng khuâng.

Phó: Bâng khuâng?

Bồ: Anh đừng nhẫn tâm thế, không bâng khuâng sao được.

Phó: Trang phục của em rất hợp.

Bồ: Không phải khi nào cũng có cơ hội dùng đâu, bộ này còn mới quá. Một năm chỉ dùng được vài lần.

Phó: Thôi chú ý vào đi, có người để ý đấy.

Bồ: Có ai đâu, họa chăng chỉ có…

Nhắm mắt lại, cảm giác không được dễ chịu lắm nhưng như thế tai thính nhạy hơn và đôi mắt tinh anh lạ thường. Những vầng đỏ xanh, vàng chen lấn tiếp tục quay tròn, lặn vào trong khối màu hỗn độn ấy bao nhiêu những mảnh vỡ rời rạc…

Vợ ở nhà, hình như đang hát một bài hát quen thuộc, môi mấp máy theo nhạc. Hẳn phải rất vui Vợ mới có điệu bộ như thế. Đúng giờ, ngoan ngoãn và chỉn chu như một con mèo được huấn luyện cẩn thận. Nói thế thì hơi quá với nàng, nhưng bằng ấy điệu bộ, thật đơn điệu sau nhiều năm, tìm từ nào cũng chẳng thích hợp. Không có gì khác biệt, món ngon ăn mãi cũng chán. Khi nàng hát chính là vẻ bất thường, chưa bao giờ có mặt mình Vợ lại có những hành động ấy, chỉ khi không có mình nàng mới thế, nhưng nhìn vào đôi mắt thì không thể giận thêm điều gì. Nàng sẽ ôm mình và dịu dàng những câu hỏi quen thuộc, những vuốt ve tình tứ máy móc và lập trình. Mình không thể làm chuyện ấy thường xuyên vì không đủ sức và thấy có lỗi khi không biết nàng vui vì chuyện gì. Những vết son hồng, nàng thích son hồng, điều ấy ít ra cũng gây được thiện cảm với người trước mặt. Vợ giỏi đứng trước công chúng. Người lạ chẳng mấy khi biết nàng là thế nào, nàng có khiếu “diễn” bẩm sinh. Thôi, ai cũng phải có một nhược điểm nào đấy chứ, không nên hẹp hòi quá…

Có tiếng quát nhau to, hóa ra là Phó. Phó đang to tiếng với một nhân viên, ừ đấy chẳng chính là lỗi của hắn sao. Làm sao hắn lúc nào cũng tỏ ra điềm tĩnh và che giấu hết mọi cảm xúc được, hắn đang tức giận, nước bọt đã có thể bắn tới mình. Hắn sẽ không hoàn toàn nhũn nhặn và bình tĩnh được, một người có vị thế, cũng có thể coi đấy là khuyết điểm. Trong cuộc họp cơ quan đã có những góp ý thế này. Đối với nhân viên cấp dưới không phải lúc nào chúng ta cũng quát nạt, dù rằng nhiệm vụ của họ là nghe và thi hành (mình đã nhiễm lời của Sếp), như thế có cảm giác như không tôn trọng đồng nghiệp và ai cũng biết rằng chúng ta đứng ở đâu, chẳng qua là nhiệm vụ thôi. Ai mà chẳng từ những người bình thường đi lên và biết đâu một trong số chúng ta lại sẽ trở về vị trí ấy. Nghe những lời ấy tất nhiên có kẻ phải tái mặt nhưng người ấy, Phó, chỉ tái trong một nửa giây thôi, chịu đựng như hắn không tầm thường. Đôi mắt hắn nhìn xuống một giây và ngẩng lên, chẳng có chuyện gì cả, sống là phải thế, đôi mắt hắn bảo vậy. Hắn luôn thông minh hơn mình, kể cả trong lúc hắn phải chịu đựng, hừm.

Bồ tự trút bỏ quần áo, đáng nhẽ mình phải làm giúp nàng điều ấy nhưng không, Bồ hiện đại và chủ động. Trí thông minh của nàng dường như mất hết khi nàng đến với đàn ông, hay với riêng mình. Hình ảnh bên ngoài sang trọng, nền nã. Những người như thế, đố ai dám bảo là không đứng đắn, mà đứng đắn còn vậy thì người khác thế nào. Mình đã từng phàn nàn (hay trách móc) nhưng nàng bảo. Anh vất cái bộ mặt đạo đức ấy đi, những lúc thế này còn ra vẻ đạo đức, chán  lắm. Nghe những lời ấy thì phát bực nhưng ngay tức khắc nàng lại cuồng si và lăn lộn khiến cho mình quên ngay. Mình không tài nào kiểm soát được nàng, đàn bà luôn có những thế mạnh của họ, nàng thuộc loại này.

Sếp ngồi trước mặt, đúng ra phải đảo lại, mình ngồi trước mặt vì Sếp gọi mình vào. Hàng lông mày rậm nhếch lên một chút, sắp sửa có một cơn bão tố đây nhưng không phải lần nào dự đoán cũng đúng. Hơi khác một chút. Anh uống nước đi, trà ngon đấy. Một câu nói cần cảnh giác vì đó không phải thói quen của Sếp. Tôi đang có nhiều việc phải làm, mong anh nói rõ luôn…Không phải khi nào cũng cần nóng nảy như vậy, tôi biết có những lúc hơi to tiếng, nhưng vì công việc thôi, anh đừng để bụng, ta cứ làm một ấm trà ngon đã. Trà ngon, đúng vậy, có chui vào thòng lọng thì cứ uống một ấm trà đã, vị chát hương đậm, thật dễ chịu. Việc là thế này, đơn giản thôi, tôi nói ngay đây, khi có phiếu tín nhiệm gửi xuống, mong anh ủng hộ, việc này có liên quan tới đôi bên, từ giờ chúng ta nên hợp tác tốt… à, cũng có lúc Sếp phải hạ mình, không phải khi nào cũng “bề trên” được. Nếu chiều nay anh không bận, mời anh đi “vui vẻ” một chuyến, có những thứ rất lạ mà không phải khi nào mình cũng biết được, anh ạ. Và mình đã đi cùng gã.

Bầu không khí đậm đặc nhưng có vẻ rõ ràng hơn, có không khí hơn, mùi đặc sệt làm cho mình ong ong như cà phê uống đặc. Đám đông nhộn nhạo nhỏ to, đang tuần hoàn theo một định hướng nào đấy. Để ý qua loa, nhiều người mình chẳng nhớ hết mặt hoặc chẳng muốn nhớ, những lời họ nói với nhau.

Sếp:  Đêm qua em ngủ được không?

Vợ: Anh lạ nhỉ, ngủ sao được những lúc thế này, đầu óc, tay chân rã rời.

Sếp: Một chuyến đi xa coi như là bù đắp hao mòn.

Vợ: Phải qua đoạn này đã, vội gì, từ giờ có khối thời gian.

Sếp: Em có nhìn thấy nhiều người quen không?

Vợ : Một số đã đến, cũng để xem họ phản ứng thế nào.

Sếp: Cứ y như thế, đừng thay đổi gì cả, đừng nghĩ ngợi, cứ thế mà theo công việc.

Tiếng rì rầm và có những tiếng không phải tiếng rì rầm, gọi sao cũng được, thông thường mình sẽ chẳng để ý và nghe thấy đâu. Một khối âm thanh hỗn độn, bao giờ cũng thế hay chỉ những dịp đặc biệt mới xuất hiện. Sếp và Vợ đứng một khoảng cách không xa lắm, cả những người khác nữa, dường như vẫn trong một trật tự có thể kiểm soát được. Bồ và Phó ở một vị trí xa hơn nhưng trang phục, bộ dạng khó lẫn đi được, không mất công để dõi tìm. Âm thanh thế này chỉ nghe một lần, vướng vít để qua một bên, mình chỉ hướng tới những chỗ cần thiết. Một vài chỗ ồn ào thái quá, số khác im lặng đáng ngờ và đám còn lại thì khó phân biệt ồn ào hay im lặng. Dù sao mình vẫn chú ý đến Bồ và Phó.

Bồ: Ngẫu nhiên nhỉ, mình gần như là đến cùng nhau.

Phó: Anh dự đoán rồi, cũng có giờ phút này thôi.

Bồ: Anh hồi hộp không?

Phó: Hồi hộp gì?

Bồ: Tối nay ấy.                                                                             

Phó: Vội gì, công việc xong đã.

Bồ: Em thấy hơi sợ.

Phó: Ôi dào, thì cũng thế thôi, nếu không thì gọi điện cho anh…

Một khoảng gần như tĩnh lặng tuyệt đối bên tai giữa những làm ràm, càm cỡ. Không thấy hết khuôn mặt mọi người, người nọ lẫn vào người kia, váy đen đi cùng váy sọc, sơ mi đi với áo phông, quần bò đi với quần thô, complê và không cavát, nhiều râu đi với ít râu, trang điểm hoặc không trang điểm, già nua hoặc trẻ trung, xe máy, xe hơi…

Một khối đó hơi đùn đẩy trong trật tự, chắc ai cũng có tâm trạng riêng, đọc làm sao hết, chỉ có người thân may ra biết được, mà người thân chắc gì đã đoán được. Ai biết họ vui hay buồn, có thể họ chẳng vui hay buồn, cũng chẳng nghĩ ngợi gì cả, một việc thông thường, trách nhiệm hay nghĩa vụ nào đấy mà có khi cũng chẳng phải thế, nhìn thôi, xem thế nào. Nhìn vào mặt người thì nghĩ thế nhưng còn phấn son, râu ria, quần áo, mũ tóc che đi, có bóc trần được tất cả thứ ấy đâu mà thấy. Mà bóc trần cũng chưa chắc đã biết được, đã bao lần làm chuyện  ấy với Bồ thấy vẫn thế, chỉ có khoái cảm chứ hòng suy nghĩ gì, mà ai lại điên suy nghĩ vào những lúc ấy. Thế thì chịu, một khoảng mờ mờ, dâng dâng trước mắt, rồi sẽ nhẹ bẫng trong veo mà tiến, như những đám mây, mà thành phố đâu nhìn thấy mây, chỉ cắm mặt, cắm cổ xuống đất đi cho nhanh, khỏi vấp, đi đâu ra khỏi những đám mây ấy, giờ mới thấy giãy đành đạch cũng chỉ quanh quẩn dưới những mây đen, mây trắng thôi. Mình thấy một đám mây tuôn như khói…

Phó nhẫn nhịn như vậy. Hắn làm sao học được đức tính đó, mình gay gắt, hù dọa mà khuôn mặt hắn vẫn trơ ra. Chẳng bực tức hay phản ứng thái quá, làm gì được. Mình hiểu, hắn buộc phải thế, còn cách nào hơn. Nếu không, mình cũng tống hắn ra khỏi chỗ hoặc hắn cũng chẳng yên thân được, thấy hơi tội lỗi, một cái gì đó hơi quá đáng nhưng ở vị trí mình ai cũng làm thế thôi. Hắn thông minh và sáng, nhưng hắn phải nghe mình, mọi người dường như yêu hắn hơn, cả đàn bà nữa. Đàn bà. Chính Bồ cũng nhớn nhác khi lần đầu gặp hắn, đàn bà thông minh cũng chẳng ích gì. Một khuôn mặt đẹp thì che được cả, hắn có ngấm ngầm chống đối, mình biết sao được, nếu mình là hắn thì sẽ sao nhỉ, u hu…

Bực mình, chẳng mấy khi lại có chuyện đó. Hay Vợ đã biết được chuyện gì. Làm sao mà biết được, kín như bưng, không nhắn tin, không dấu vết, chỉ Bồ và mình biết. Hay bằng linh cảm đàn bà, cũng có thể, nhưng phải có bằng chứng chứ. Những lời sẽ không dễ vào tai chút nào. Vợ ngồi trước mặt, ngấn nước, thư từ ném ra sàn, khung ảnh treo trên tường hạ xuống. Hay ho gì mà âu yếm, giả dối! Hay ho gì mà quà cáp, che giấu! Đạo mạo làm gì, chỉ che mắt thánh thôi! Ai mà chả biết chuyện đấy, chỉ có tôi là người cuối cùng thôi. Ngu dại, đần độn. Còn lời nào để nói nữa? Tôi muốn chết, tôi muốn xa lánh các người. Nôn ọe. Nôn ọe, ọe...Đau, buồn. Không ngờ lại ra thế, đàn ông ai chẳng thế, tưởng chỉ cho vui thôi, ngờ đâu kết cục thế này, dăm phút hối hận ít ỏi, nhưng mà đau thật, có khi tan nát mất…

Sếp bình thản. Chuyện tôi nói với anh khi trước ấy, phiếu tín nhiệm ấy. Anh hợp tác, ta lại làm ấm trà ngon. Những lời ấy, Sếp bớt trịch thượng nhưng không giấu giếm hết được. Nghe lời và tuân thủ, dần dần cũng quen thôi, mình đã học vài điều từ Phó, đối đầu ích gì. Cũng phải thích nghi, phải sống cắm đầu, cắm cổ. Vị trí của anh sẽ không thay đổi, yên tâm. Anh cứ yên vị chỗ đó. Sếp vuốt tay trên mặt bàn, nhẫn vàng lấp lánh, trần nhà không có một tí mạng nhện nào nhưng vang và rỗng. So với mình, phòng của Sếp luộm thuộm hơn, có thể do chỉ số IQ? So với Phó, mình càng luộm thuộm. Đối chiếu ba người sẽ có một dạng bất phương trình kiểu này: IQ của Phó > IQ mình > IQ của Sếp. Nhưng so sánh làm gì, áp dụng ở đâu. Đường đi ngược, thôi thích nghi đi. Chậc.

Một người nữa phải băn khoăn: Bồ, Bồ có đúng là thông minh, làm tình giỏi? Những thứ mà phụ nữ hằng khao khát, mình coi là như thế, sở hữu như vậy còn băn khoăn gì nữa, nhưng băn khoăn vì tính hợp pháp của sự sở hữu ấy. Bồ không nói ra, Bồ không đòi hỏi, mỗi khi xuất hiện Bồ chỉ thể hiện một trong hai “phẩm chất” ấy. Như vậy là rất giữ mình hay “tùy nghi đối tượng”, mình nắm bao nhiêu phần trăm “cổ phần” tài sản, là giá trị “thực” hay “ảo”. Khi làm tình thì nàng ngu ngốc quá, tính tiền thì nàng quá thông minh. Phân thân. Thôi mình cứ bằng lòng với mình đi, ai may được sở hữu phần nào đấy, than vãn làm gì. Hình như ánh mắt của nàng, đâu đây. Bồ lại dướn cái viền mũ đen lên một chút để nói chuyện, một chốc nữa sẽ phải hỗn loạn, ầm ĩ lên trong một hỗn loạn có trật tự theo kịch bản. Ai cũng phải làm thật khéo.

Bồ: Em thấy ngột ngạt quá, không thể chịu đựng được lâu hơn nữa.

Phó: Thôi cố đi, sắp đến lúc quan trọng rồi, nếu không có vẻ tệ bạc quá.

Bồ: Em không quan tâm đâu, đằng nào cũng tệ rồi, nhưng mà thôi, cũng chẳng xấu đi được.

Phó: Vụ này có công của em đó.

Bồ: Không ác đến thế, em cũng không ngờ…

Phó: Ai mà ngờ được, anh thì gặp may. Nếu không biết đợi đến bao giờ.

Bồ: Anh giỏi nhẫn nhịn lắm cơ mà.

Phó: ừ, nhưng cũng đến độ thôi, thêm chút nữa chắc anh không chịu nổi.

Bồ: Đưa tay cho em, không phải giấy đâu…

Phó: Em liều quá, ai lại lúc này…

Sặc sụa, có người ho lên. Không gian hẹp lại, ai xa ai gần, vòng trong vòng ngoài đều thấy rõ hết, đôi mắt xa lại gần hoặc lâu lắm rồi không gặp. Không trách móc, nếu mình thế, cũng thế thôi, ai cũng có tâm trạng và nỗi khổ chứ, kệ đi. Thứ không khí ai chẳng trải qua, ngột ngạt. Đằng kia Sếp vẫn nhỏ to.

Sếp: Thực ra cũng hơi tiếc, cảm giác không rõ ràng.

Vợ: Là thế nào?

Sếp: Anh đã định được khuôn khổ, theo hướng của anh.

Vợ: Ai?

Sếp: Còn ai nữa!

Vợ: Anh định thế nào?

Sếp: Không thể tính ngay được nhưng mọi người sẽ có lợi. Em cũng thế.

Vợ: Lợi thế nào?

Sếp: Mỗi người sẽ tiến thêm được một bước theo tuần tự tăng dần.

Vợ: Còn gì nữa?

Sếp: …

Mình không nghe rõ câu này.

Một thứ sền sệt bao bọc như trong vỏ trứng gà, bức bách quá, cần thoát ra khỏi cái vỏ trứng này, những âm thanh lâm râm, châm vào trần nhà, bò qua quàng trên mặt đất như những con rắn nhỏ, những vòng màu lam đang lan tỏa, muốn hắt xì hơi mà không được, tiếng động sẽ  làm mọi người giật mình. Vương vấn chi nữa, trách móc thêm vô ích, đã lọt vào vòng xoáy thì cứ thế cuốn đi. Sắp đến giờ rồi, nhìn thấy và nghe thấy vừa đủ, phút vướng víu thêm mệt mỏi. Mọi người đã chờ đợi phút giây này, vô ý hoặc cố tình. Thanh thản không trút thêm ái ố, hoan lạc, bạc bẽo.

Đúng giờ.

- Đóng nắp ván thiên, hạ di ảnh xuống! Nghi lễ chuẩn bị khởi tiến. - Tiếng chủ xướng vang lên

Phó, bồ, sếp và vợ bỗng dưng xếp thành một hàng không theo trật tự quy định.

Trong đám tang của mình.

 

 

GHI CHÉP CỦA NGÀI APPIN VỀ CON NGỰA HÃN HUYẾT

Truyện ngắn của Văn Chinh

 (Gửi tác giả “Tô tem sói”)

-------------

Appin là nhân vật trong truyện ngắn Tobermory của Saki (Hector Hugh Munro) trước khi là nhà văn. Vì cha ngài đã chết ở Pháp, trong thế chiến thứ nhất, năm 1916. Ngài thấy mình có sứ mệnh tiếp bước cha, bằng khả năng nói chuyện được với loài vật.

Năm 1966 Appin sang Mông Cổ. Trước khi lên đường, ngài đến nhà thờ cầu nguyện, xong thì ngước lên vòm mái mà nói:

     - Cha ơi, chiến tranh đã giết cha lúc cha sung mãn nhất, con không có anh trên em dưới, một mình con cô độc trên cõi đời này. Những nước hay gây chiến thì con đã đến Đức, đến Pháp, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Bây giờ con sang Mông Cổ, rồi sang Trung Quốc. Con muốn xem sau các cuộc chiến thì hoàng gia được cái gì, thường dân được cái gì trên những cái chết của các chiến binh. Cha ở trên Thiên đàng, xin hãy cầu Chúa phù hộ cho con được bằng an. A men.

Sau đây là ghi chép của Appin về chuyến đi Mông Cổ năm ấy.

*

*    *

Sữa ngựa thật khó uống, gây và hoi, phải đọc kinh thánh rồi phải huy động hết sức bình sinh của phép lịch sự Anh, chứ không thì tôi nôn ngay từ hớp sữa đầu. Nhưng thật lạ là chỉ sau ngày thứ ba, tôi thấy mình khỏe khoắn, ngắm các cô gái ngồn ngộn trắng đã không còn sợ. Đến ngày thứ năm thì tôi dậy sớm cùng cô Khaallose, con gái của chủ nhà đi vắt sữa ngựa. Những con ngựa Hãn Huyết to lớn khác thường, vừa ra khỏi trại là nhất loạt hý vang, hai chân trước với lên trời theo chiều thẳng đứng, trong khi loa truyền thanh đang hát Đông Phương Hồng, rất nghi thức. Uống sữa ngựa đến ngày thứ bẩy thì tôi đã có hứng thú cưỡi lên lưng con 054 đầu đàn, phi quanh thảo nguyên, lên phố huyện mua dao cạo và gửi bức điện tín về nhà; từ khoảng mặt trời mọc đến bữa ăn trưa mới quay trở về mà mặt không biến sắc. Khaallose nói:

   - Anh khỏe thật, và đàn bà Anh hẳn là giống cái phi thường?

   - Có lẽ là nhờ sữa ngựa, chính anh cũng thấy lạ.

Khaallose nói, ở Đại học Matxcova, cô được dạy rằng nhờ một loại cỏ chỉ đặc biệt có trên thảo nguyên Mông Cổ, nên ngựa Hãn Huyết có sức mạnh phi thường, sữa của chúng có thể chữa bệnh suy dinh dưỡng và nhiều bệnh khác. Anh ngửi xem, cứ như lều nhà ai ở xa đang sắc thuốc của người Hán. Nhưng ông giáo sư dạy thế đã bị kỷ luật, vì đã xuyên tạc quan điểm nông học Maxit. Và người ta vẫn mang ngựa Hãn Huyết sang nuôi ở Liên Xô. Lúc đầu nhập về, họ nhập theo cỏ, cả cỏ ăn lẫn cỏ giống, nhưng cỏ không sống được, ngựa thì gầy guộc, con của chúng đẻ với ngựa cái bản địa quả có to hơn, nhưng chỉ là to xác, rất dễ ốm và chết vì những chứng bệnh thường gặp. Ngựa chết thì lại nhập, năm nào cũng nhập.

Đến ngày thứ tám thì tôi không uống sữa ngựa nữa, sớm ngày thứ chin ở Mông Cổ, con ngựa đầu đàn bỗng hỏi tôi:

    - Vì sao mày không uống sữa nữa? Có phải mày có cảm giác cần phải bạo dâm mới đạt đến khoái cảm?

    Tôi giật nẩy mình:

    - Sao mày biết? Ai nói cho mày biết?

    - Hôm nọ tao chở mày đi chơi, ở cửa hàng Mậu dịch, tao thấy ánh mắt mày muốn giết chết tất cả những người xung quanh để lột áo quần của cô mậu dịch viên. Vả lại, cái của quỷ của mày cứ thúc vào lưng tao suốt dọc đường về, nó dữ tợn và lại không biết kiềm chế.

    - Lạy Chúa, tao thật đáng xấu hổ.

    Con 054 cười khì khì, cười bắn cả nước bọt vào mũi tôi. Nhưng một lát sau, nó bỗng chùng giọng, rồi nói:

   - Cánh đàn ông mình, thế cả. Nhưng không chỉ có mày, tao, tao cũng vừa làm một việc đáng xấu hổ.

   - Chuyện gì vậy. Bọn mày được tự do tuyệt đối, không có khế ước xã hội, không có màn luân lý đạo đức. Mà mày lại là con đầu đàn, muốn gì mà chả được?

   - Mày nhầm. Kiến có quy chế kiến, voi có luật của voi.

   - Nhưng chuyện gì làm mày mặc cảm? Có phải sống với người lâu đời, chúng mày cũng tập nhiễm thói ủy mị?

   - Tao đã làm cái việc mà nếu là người thì bị quy kết thành tội đào ngũ. Tao đã bỏ trốn từ đất Việt Nam.

   - Chuyện thú vị đấy, có thể viết thành truyện đấy. Nhưng mày bịa quá, đây đến Việt Nam xa cả chục ngàn dặm, ai người ta tin được?

   - Tao có ăn mày lòng tin đâu?  Tin hay không tin, tùy mày.

   - Nhưng vì sao mày lại đến Việt Nam?

    - Nước này viện trợ Việt Nam đánh Mỹ, năm mươi đực năm mươi cái để vừa lai giống vừa duy trì giống thuần, ngựa xứ ấy bé như con la còi.

   - Lậy Chúa. Nước có ba triệu người nghèo mà còn viện trợ. Mỹ hẳn sẽ là nước thứ ba thua ở Việt Nam.

   - Mày hồ đồ quá, loài người rất hay hồ đồ. Tính theo đầu người, Mông Cổ viện trợ cho Việt Nam cao nhất thế giới, nghe chửa?

   - Thôi được, tao nghe rồi. Tao ghét câu mệnh lệnh thức như ghét chửi thề, làm ơn bớt cho. Bây giờ xin hỏi, vì sao đến nước đang làm kinh ngạc thế giới là dám đánh nhau với Mỹ mà lại còn bỏ trốn?

   - Trước hết, mày hãy hứa với tao không nói với ai rằng, ông tổ lâu đời của tao từng phục vụ trong quân, chính khan Hốt Tất Liệt đã cưỡi Tổ sang thôn tính châu Âu. Thời nay người ta ghét giống nòi quý tộc, nghe chửa?

    - Tao hứa, nhưng tao phải hỏi cô Khaallose xem có đúng không hay là mày khoác lác?

    - Mời!

Tôi chạy lại chỗ Khaallose, này em, có phải con 054 từng được đem viện trợ cho Việt Nam rồi bỏ trốn về, đúng không? Đúng. Chuyện lan sang cả Anh? Tôi tảng lờ, giấu bặt chuyện mình biết tiếng mọi giống vật. Vậy thì anh hiểu rồi, nó đã được đánh số tai, 054; chứ cả đàn ngựa nhà em có con nào có số tai đâu. Số tai để làm gì? Số tai làm gì ư? Số được lập cho cả một trăm con ngựa, lấy ở một trăm đàn khác nhau, sẽ giúp người chăn nuôi đại gia cầm lai tạo giống ở xa nhau. Ví như con 054 sẽ được phối với 053 và 055 để tránh cận huyết. Con 054 này trở thành đầu đàn ngay từ năm hai tuổi, nó được chọn, nhà em được tiền, còn được khen thưởng, rất vinh dự nhưng cha em cứ tiếc mãi. Hôm chia tay chủ vật đều khóc. Vậy rồi đúng ba tháng sau, nó đột ngột trở về. Về trong đêm, khe khẽ cọ vào vải lều rồi rên ư ử. Cha em giật mình thức giấc, bảo với mẹ con em là con đầu đàn đã về. Em chạy ra xem, nó gần như ngã vào em. Chỉ còn da bọc xương, hai hóp cỏ lõm sâu tội lắm. Em lấy sữa cho nó uống, lấy lúa mạch cho nó ăn, lại phải nhờ cha dùng kìm tháo móng sắt, hàng chục mảnh đá dăm sắc rơi lịch bịch, bộ móng xây xước rồi thuốc thang cả tuần nó mới lấy lại sức. Cha em cưỡi ngựa lên Phòng Chăn nuôi huyện, Phòng Chăn nuôi viết giấy sang Huyện ủy, Huyện ủy viết giấy lên Sở Ngoại vụ, Sở Ngoại vụ cười giễu: Chúng tôi đã điện hỏi Bộ, Bộ bảo con ngựa 054 nhà ông đã chết trên đường sang Việt Nam. Trên đã nói thì không sai bao giờ. Bây giờ nếu nhận lại con 054, thì hóa ra Bộ sai. Mà Sở chúng tôi đã cấp giấy khen nhà ông chăn nuôi tốt lại cũng sai nốt. Cha lại cưỡi ngựa về, sau khi trả lại tiền bán ngựa mà không cần phiếu thu.

Trong khi chúng tôi trò chuyện, con 054 làm như không nghe gì, cứ miệt mài gặm cỏ, cái đuôi thỉnh thoảng vẫy vẫy, cái mõm giật giật cùng lúc với cái bờm đài các vung vẩy, trông rất có giáo dục. Tôi nhận xét nó với Khaalose, cô ấy bảo, nó còn đáng yêu hơn anh, khiến tôi nổi hứng, bế cô ấy nhảy lên lưng ngựa, tất nhiên là lưng con 054, rồi phi như trong cuộc chiến thành Troi, bờm con 054 tung lên trộn vào tóc Khaalose bay tung, thành một tấm thảm cuốn lấy cổ tôi, đầu tóc tôi, khiến tôi ngột thở, phải lấy oxy từ cái gáy trắng nõn của cô.

Một lúc lâu Khaallose mới quay lại nói, khó thở hả, chết chưa, ai bảo chê sữa ngựa? Vừa nói đến đấy, cô đã tung mình sang lưng một con ngựa khác đang chạy gần đó.

Tôi ghìm cương, hỏi 054:

     - Tao nghe nói người Mông Cổ ăn trên lưng ngựa, ngủ trên lưng ngựa, cả làm tình trên lưng ngựa, có phải không?

     - Đó là bí mật quốc thể, không được tiết lộ khiến địch lợi dụng.

     - Mày trở về từ Việt Nam như thế nào liệu có là bí mật quốc gia không?

     - Cái đó là do trách nhiệm cá nhân của tao, không ảnh hưởng gì đến tình hữu nghị  hai nước. Nhưng cấm được bép xép, nghe chửa?

     - OK. Kể đi.

     - Bọn tao đi tầu hỏa từ Ulanbato sang Bắc Kinh rồi sang Việt Nam. Đó là mùa hè, chưa đến Việt Nam trời đã nóng khủng khiếp, lại khó thở vì hơi nước mù mịt. Tao đứng trong khoang tầu, dựa vào thành tầu, gặm rách một miếng bạt rồi vươn đầu ra ngoài cố hớp từng miếng khí để thở. Gió làm tao thiu thiu, tao mơ thấy Tổ về, bảo sớm mai thì đến ga Bằng Tường, ở đấy họ sẽ làm kiểm định động vật, hãy giả ốm, cứ ho khục khặc là được. Sang đến giữa cầu Hữu Nghị thì ngừng thở, nằm vật xuống sàn. Thấy cháu chết, người ta sẽ đưa đến lò mổ của Mậu dịch. Cháu cứ nằm yên, chờ đến tối thì vùng chạy. Cứ thấy con đom đóm nào to sang khác thường bay hướng nào thì chạy theo hướng ấy. Tổ vừa nói đến đấy thì tầu dừng, tao giật mình vì tiếng loa phát thanh. Tầu Hữu Nghị Xa số 1 đang vào ga Bằng Tường, điểm cuối cùng trên đất Trung Hoa vĩ đại. Tầu sẽ đỗ tại ga lâu hơn thường lệ, vì phải chờ kiểm định động vật, vâng, Hữu Nghị Xa có chuyên chở đàn ngựa do Mông Cổ viện trợ Việt Nam anh em. Nhà ga xin quý khách vui lòng chờ.

Tao thấy một bác sỹ thú y đến bên, áp ống nghe vào mũi, vào ngực rồi nói to: Con không năm tư bị viêm phổi cấp, hãy tiêm cho nó ba triệu steptomicil, một triệu rưỡi penicillin, tiêm bắp. Là bệnh không lây nên vẫn cho nhập cảnh. Ngay sau đó lại nghe loa phát thanh: Đoàn tầu Hữu Nghị Xa đang rời ga Bằng Tường, Nhà ga xin kính chúc quý khách thượng lộ bình an trên đất nước Việt Nam tuyến đầu đánh Mỹ. Chỉ một lúc sau thì tao ngửi thấy mùi nước sông, bèn cố hết sức thở sâu rồi ngừng thở. Vì sao ngừng thở mà vẫn sống ư? Hỏi gì hỏi ngớ ngẩn thế, Hầu Vương tu mới năm trăm năm đã đắc đạo bẩy mươi hai phép thần thông biến hóa, Tổ của tao tu luyện những bẩy trăm năm, chả nhẽ không được phép thuật nào?

Khaallose vừa phi nước kiệu vừa hỏi với sang: Anh lẩm bẩm cái gì vậy, hở điệp viên Appin? Anh không giấu con rệp nào dưới bờm ngựa đấy chứ? Tôi vội nói với 054, tao phải làm bổn phận của một gã đàn ông đã nhé. Rồi nhảy xuống, nằm xoài lên đám cỏ mềm, thơm mùi thuốc Hán. Quả nhiên Khaallose trúng kế giả đau. Tôi thì thầm vào tai cô, đất nước của em chất chứa nhiều điều bí mật, mà bí mật nhất là em. Nhưng chả dại gì anh bán thông tin cho cả Nga lẫn Mỹ.

*

*    *

Sáng hôm sau Khaallose phải lên huyện để mua thú dược bổ sung, chuẩn bị cho mùa đông, hoa thạch thảo đang rộ. Tôi và 054 được tự do. Nhưng trước khi kể tiếp chuyện, 054 nói, cô chủ lên huyện vì việc khác, cô ấy phải giải trình về vụ để cho khách tư bản nước ngoài ở lâu trong lều bạt. Tôi giật mình, chợt hiểu vì sao sáng qua cô ấy lại gọi tôi là gián điệp. Thấy tôi hết sức lo lắng, con 054 vội an ủi: Chả có chuyện gì đâu, nhân tình cũ của cô chủ cùng học ở Liên Xô, hiện làm ở Phòng Chăn nuôi huyện, đã vợ con đề huề rồi nhưng vẫn cứ ghen, thối. Có một bí mật ở cấp hạt, tao biếu không mày là, ở đây hễ muốn hại ai, thì bảo họ quan hệ bất minh với người nước ngoài, phe tư bản càng nặng tội. Nhưng cô chủ Khaallose rất bản lĩnh, đã lấy giấy tạm trú cho mày từ trước, trong giấy ghi rõ nhà văn Anh, nhưng thân Cộng, vô tư đi. Tôi bảo với 054, loài người bọn tao, về mặt xã hội học không văn minh như loài mày. Nhưng ghét nhất là cái cách che giấu tính xấu của mình nhưng lại nhân danh lợi ích chung.

Trong lò mổ, khi choàng mở mắt đã thấy con đom đóm to khác thường bay đến, lượn trước mắt một vòng rồi bay đi. Khó nhất là vượt sông Kỳ Cùng, tao có được dạy bơi bao giờ. Bờ bên kia là một mom song, thấy cỏ tốt um tao tranh thủ gặm mấy miếng cho đỡ đói thì Tổ vội túm mõm lôi ra, nói: Không được ăn cỏ bờ sông, bờ ruộng, cháu sẽ bị tiêu chảy và chết vì kiệt sức. Tốt nhất là cứ men đường sắt mà đi, đói ăn khát uống; tục ngữ nói, Theo mùi nước đái ta, Ắt về được quê nhà. Đi giữa các thanh gỗ thì êm nhưng nhỡ bước, cứ như kẻ tù bị xích chân, rất khó chịu. Sau tao nghĩ chạy thì không bị lỡ nhịp chân, tao chạy. Hôm ấy, đang chạy về gần đến ga Nam Ninh thì chợt thấy cái xe goòng sầm sập trước mặt, tao phải quăng mình lượn vát theo hình quả chuối, tránh qua xe goòng rồi mới quăng trở lại tâm đường, suýt bị tan xác. Gian truân lắm.

Nhưng không phải chỗ nào ven đường sắt cũng có cỏ, đoạn gần ga Vũ Hán nó chạy qua những làng mạc và rất nhiều thị trấn. Người và gia súc đói, người ta tranh nhau cắt cỏ, dưới khẩu hiệu “Ái thiết lộ nhi hương lộ” trẻ con mang cả quang liềm đi học, học về chúng sà vào đường sắt cắt cỏ. Ngọn non thì nấu canh, rau má xay trộn với bột mì làm màn thầu; thân già hay ngọn non bị ám khói than đầu máy phả xuống thì nộp cho nông trang nuôi bò, để thực hiện chiến lược “Đại nhảy vọt.” Vậy là một mà hai. Đường sắt sạch như lau như li, đói rã họng.

Tháng năm nóng như lửa, đói thì chớ còn mệt mỏi, không chạy được. Hôm ấy đang lững thững đi, chợt ngửi thấy mùi lúa mạch, tao liền tìm đến và chẳng nghĩ gần xa gì, sà xuống mảnh ruộng ngắt lúa mà nhai. Liền bị một đám người gậy gộc thừng chão bủa vây, tóm sống; điệu ngay về nhà kho. Dân làng kéo đến, thi nhau khen tao, mỗi người một cách: Ngựa to cao phi thường, ngọt nước phải biết! Ngựa nhà ai mà đẹp thế nhỉ? Không của nhà ai đâu, con này có số tai, ắt là của quốc doanh. Của quốc doanh ắt là của dân, sở hữu toàn dân mà, thịt. Đúng đúng, từ tết Bính Ngọ đến giờ, chưa biết vị thịt chua hay cay, phải nếm mới được. May nhờ có lệ họp bàn, chứ cứ như mấy người thèm thịt, tao đã bỏ xác ở cái làng vô danh gần Vũ Hán hồi tháng năm. Theo quy định, họ phải chờ chủ tịch nông trang đang họp ở trấn; chủ tịch nông trang về, lại phải họp cấp ủy, mà họp cấp ủy thì phải do bí thư triệu tập; may quá, bí thư đi tập huấn thành lập Hồng vệ binh làm cách mạng văn hóa, mai mới về. Tao bị trói chân vào bốn cột nhà kho, đành chờ tối hỏi Tổ cách thoát thân vậy, bèn ngủ. Bọn tao cũng như người, hễ ăn no là buồn ngủ.

Rất may, đó là buổi trưa, Tổ cũng ngủ. À, tao chưa kể với mày, Tổ đã đầu thai làm người, sau khi đã làm hổ, làm gà, làm rồng và hiện đang làm người.

    - Không đúng, sau khi chết, hồn lên thiên đàng hay sa địa ngục. Như Tổ mày, dù là quý tộc nhưng giỏi lắm thì đang hầu hạ Chúa trên kia, sao có thể thành người?

    - Mày đừng có mang lí luận tư bản mà dọa đời sống dân chủ nhé. Tây chết mới lên Thiên đàng, Đông chết thì luân hồi, sau mười hai kiếp thì trở về bản kiếp, nghe chửa?

    - Thôi bảo lưu bảo lưu. Rồi, tổ mày hiện đang là người, hiện đang ngủ trưa ở đâu đó, rồi sao nữa?

    - Không phải ở đâu đó, ở Trung Quốc, khu tự trị Tây Tạng và làm một chức quan to hẳn hoi. Chức gì thì mày không có quyền được biết. Tổ đi vào giấc mơ của tao, bảo, bần tiện bất năng di, nay mày đói ăn cắp làm nhục dòng tộc. Lần này ta tha. Nếu còn tái diễn thì thà tuyệt dòng chứ ta không tha nữa. Vâng, lậy Tổ cứu cháu. Cháu hứa chẳng những làm sinh sôi đông đàn dài lũ nhà ta, mà còn tu tập thành chính nhân quân tử, không làm Tổ thẹn với đời. Thế rồi đêm ấy đom đóm bay ra, tao thoát khỏi lũ người đã quên vị thịt.

Nhưng chính nhân quân tử là một nghề khó học và rất nguy hiểm. Ở ga Trịnh Châu tao bị đói, đói lắm tuy có đỡ hơn ở Vũ Hán. Khi tao đến thành phố Trịnh Châu thì đã sang tháng sáu, tiết hạ chí nóng kinh khủng nhưng nhờ có mưa nên cỏ non mọc nhu nhú. Vả lại, phong trào “Ái thiết lộ nhi ái hương lộ” đã chuyển sang trận cuồng phong Cách mạng văn hóa, trẻ con không cắt cỏ ven đường sắt nữa, mà đi đánh trống cà rùng tại các cuộc phê đấu, nhân thể bồi dưỡng truyền thống cho thế hệ hậu bị. Cũng may là đồng lúa gần Trịnh Châu đã gặt, lại gặp mưa, những hạt thóc rụng vội mọc lên các nhánh lúa ở chân gốc rạ để kịp nuôi tao. Tao tin rằng Tổ đã hô phong hoán vũ để cứu tao khỏi chết đói.

Tuy vậy, mưa chả ích gì với đường nhựa Bắc Kinh lúc nào cũng đỏ rực cờ hoa, đỏ rực báo chữ to phê đấu. Tao gần như lả người, bước những bước dặt dẹo trên hè phố. Những vết thương do đá dăm đường sắt máu tụ thành mủ, nhức nhối. Tao liều dừng trước cửa một hiệu thuốc thú y, lấy chân gại gại vào gạch vỉa hè. Đó là một bác sỹ tốt, nói chung, dân Bắc Kinh tốt, không ai có ý định bắt tao xả thịt, cũng không có ý định làm của riêng. Mọi người đã xả hết cái tư hữu qua những câu thét đấu đến khản giọng. Ông bác sỹ thú y gắp những mảnh đá dăm ra khỏi kẽ chân tao, dùng cồn rửa kỹ rồi rắc thuốc bột. Ông gọi tao là Xích Thố, hỏi tao rằng đi đâu, đường về Kinh Châu nơi Quan Vũ chủ mày xa lắm, mày về đó làm sao? Tao ứa nước mắt cảm động, nhưng không giả nhời, cứ ngúc ngắc đầu rồi gục vào vai ông ta.

Ông ta gọi cho một hợp tác xã vận tải. Vừa may ở đó có cụ ngựa già mới chết, họ nhất trí để hợp tác sử dụng phục vụ khách tham quan Cố Cung, cho tới khi đơn vị chủ quản tao tìm đến hay không tìm đến mới ra quyết định xử lý cuối cùng. Như thế, tao được ăn cỏ, ăn lúa mạch và còn được ngâm chân vào nước gừng nóng. Sau hơn một tuần, bộ chân khỏi hẳn, thì bị đóng móng sắt, cái ấy mới khốn nạn, đệ nhất khốn nạn.

     - Những ngày ở cạnh Cố Cung hẳn phải là mãn nhãn lắm, tao nghe nói đó là một cụm kiến trúc trác tuyệt, đệ nhất thiên hạ.

     - Mày ngớ ngẩn lắm. Đã là thân trâu ngựa, nếu không được sống trên thảo nguyên này, với những nàng ngựa cái non tơ thì, ở bất cứ đâu chẳng là thân trâu ngựa? Ngày thứ mười tao ở Bắc Kinh, chân vẫn còn đau họ đã khoác ách vào cổ bắt kéo xe. Chỉ đến cổng Cố Cung thì xe dừng, cái cổng sắt lúc nào cũng đóng im ỉm, khóa chặt; bản lề và khóa đều rỉ sét hết cả. Chờ khách xuống đi bộ vào trong, lão đánh xe quay lại bến xe, bến tầu đón khách khác. Không được vào trong đã đành là khổ, nghe Tổ tao nói đây chính là kinh đô do khan Hốt Tất Liệt cho xây cất, ngay trên đường đôi khi muốn ngó nghiêng, lão xà ích đã vung roi tía lia vào mông vào kheo chân tao. Đánh thì nhằm nhò gì, ghét nhất là lão làm ra vẻ ngựa nghẽo thì biết đẹp xấu gì mà nghó nghiêng, thật là cái ác bao giờ cũng đi liền với cái ngu. Mỗi đêm về đứng trong tàu, tao lại gào Tổ mà oán trách. Tổ ơi Tổ, cháu biết Tổ sợ cháu sang Việt Nam thì bị tên bay đạn lạc, hoặc rất dễ chết vì tiêu chảy, bị viêm nhiệt. Nhưng dẫu vậy, trước khi chết cháu còn được làm con đực cho ra một chính nhân quân tử. Thế mà Tổ bắt cháu trốn về rồi bỏ mặc cho lão già vừa ngu vừa ác hành hạ cháu, Tổ ơi là Tổ. Đêm nay mà Tổ không về đưa cháu thoát khỏi tù đầy, cháu tố Tổ là cán bộ cốp mà không ủng hộ Việt Nam anh em đánh Mỹ, Tổ đừng trách cháu là bất nhân bất hiếu. Nhưng bặt vô âm tín.

Cho đến ngày thứ hai mươi bẩy ở Bắc Kinh tao mới gặp Tổ. Đó là ngày lão xà ích đưa khách tham quan Vạn Lý trường thành, ra khỏi Bắc Kinh chừng bốn năm chục dặm thì gặp khu rừng đẹp tuyệt vời, đang phi nước kiệu thì Tổ hiện thành một ông áo bốn túi, hông đeo súng lục đứng vẫy bên đường. Xe chật à? Chật thì để tôi cưỡi ngựa, ngày theo Mao Chủ tịch lên Diên An, tôi làm giám mã cho Chủ tịch mãi. Thôi thôi, mời lão bá lên đi. Đành dùng cái bao tải rách này mà làm yên tạm. Người nhảy lên lưng tao mà như không có gì vừa chất lên, tao biết ngay là Tổ. Tao  hu hu khóc, cứu cháu với, Tổ ơi. Nín đi, nghe cho kỹ này. Đến trạm dừng chân, ta sẽ mượn cớ chăm sóc cháu rồi tháo ách. Cháu phải chạy một mạch vào rừng, đến chân tường thành thì có hai lối, tùy cháu chọn. Vượt thành sang bên kia, cháu bị khó là phải vượt sa mạc Gô Bi, và sang đấy thì vẫn còn nguy cơ phải nhập đàn không phải là cố hương. Đó là con đường ngày xưa Tổ đã đi để về lại thảo nguyên. Còn cứ men tường thành mà đi, trong khoảng hai chục dặm rất nguy hiểm, vì có các vọng hỏa đài, khó tránh bị bắt và xung vào quân dịch. Nhưng đom đóm sẽ bay trước để thăm dò, nên cứ chờ đêm hãy đi. Ta sẽ đưa cháu đến đường sắt.

Nước mắt vẫn chưa thôi chảy, tao nói: Tổ dạy cháu phải thành chính nhân quân tử, cháu nghe theo mới bị tù đầy, mà Tổ bỏ mặc cháu là cớ làm sao? Tổ cười cười. Ta có nghe cháu dọa tố, nhưng ta biết dòng giống của ta chứ. Thôi nào, ngoan nào. Cháu không biết thôi, đã làm một sinh linh dưới gầm giời này, ai cũng có một nỗi sợ. Với ta thì quãng đời tòng chinh hơn một tháng ở Đại Việt còn hãi đến bây giờ. Ôi cái ngày Thái tử Thoát Hoan xin vua cha ban cho “Bách Chiến thắng đại phu” là ta đây, nói rằng để lấy cái khước của phụ hoàng là một ngày mạt vận của đời ta. Ôi cái xứ sở đêm thì viêm nhiệt muỗi vắt, ngày thì tiếng hò hét tiếng gươm khua tiếng người dẫy chết rồi bị thương gào khóc váng cả trời xanh. Cái xứ sở gì mà kì lạ, cỏ xanh mướt như rau mà ăn vào liền té re cả lượt, vài ngày thì chết. Ta phụng sự chủ soái, cả trăm người Hồ Nam xe cỏ, xe yến mạch, đại mạch từ cố hương sang hầu ta, chứ nếu không thì thành ma ở xứ ấy rồi, lấy đâu ra cháu hôm nay? Nhưng cháu tính, hăm nhăm vạn lính, kèm hăm nhăm vạn phu dịch ta không biết là chết trận bao nhiêu, chứ năm vạn ngựa chiến đã không mấy kẻ sống sót mà về đâu cháu ạ. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, cổ nhân nói vậy, cháu phải nhớ kỹ mới được.

Nhưng, cái ám ảnh ta để trở thành tiềm thức lại ở chỗ khác. Khi bại trận, Thái tử từ lưng tao nhảy sang ống đồng mà trốn, không hề nói nửa nhời bảo ai cưỡi ta theo. Để mặc ta bơ vơ giữa sa trường còn sặc mùi máu và xác rữa, lương thảo đã bị đốt sạch sành sanh không còn dẫu chỉ một nhúm cỏ, bất nhân chưa? Tổ nói thế cháu thấy sai quan điểm chiến tranh. Đó, là cuộc chiến tranh xâm lược, còn hiện nay, Việt Nam đang chống xâm lược, chúng ta phải có nghĩa vụ quốc tế là giúp bạn. Tổ vỗ vỗ vào bờm tao, khen đúng lập trường, cười ha hả làm ta cũng bật lên một tiếng hý dài, vang vọng cả trường thành. Tổ nói khi vẫn cười, ta thân với một đồng chí bên nhà, nếu cháu muốn giúp Việt Nam, ta sẽ nói một câu, người ta sẽ bán cháu lấy tiền mua lương khô Trung Quốc viện trợ?  Thấy Tổ vui, tao lại trách. Nhưng ở Bắc Kinh có chiến tranh đâu, sao cháu kêu cầu mãi mà Tổ vẫn bặt vô âm tín? Tổ giật mình, túm lấy bờm tao lắc nhẹ. Khẽ chứ, suốt đêm ngày đỏ rực cờ hoa, loa phát thanh oang oang phê đấu, khí thế hừng hực như thế còn bằng mấy chiến tranh ấy chứ. Từ ngày bại trận ở Việt Nam, cái ngày đang ngút trời khí thế trận mạc, rồi đột ngột im ắng bơ vơ, ta nhiễm nỗi sợ khí thế. Giờ ta dặn cháu, hễ thấy trong người rậm rật, thì hãy tạm ngừng ăn nếu trong đàn không có ả nào động dục, chớ để rậm rực lâu ngày, tất sinh tính ác. Đó là bài học ta học được ở các nhà sư Tây Tạng, những người ta có phận sự phải phê đấu để bảo vệ đường lối duy vật.

Đêm ấy, tức là đêm 31 – 10 – 1966 vì đó là ngày tôi chấm hết thiên ký sự này, lần đầu tôi biết trong việc ngủ với đàn bà có tinh thần nhân đạo, nên sướng hơn mọi bận. Kể cả trừ đi phần tương tác là người nước ngoài, vẫn còn sướng hơn.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...