Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Báo Văn nghệ đắt hay rẻ?

Phạm Khắc Toàn - 23-09-2011 06:59:12 PM

VanVN.Net - Tôi nghĩ mãi mới chọn được cái đầu bài “trêu ngươi” như vậy. Đối với một tờ báo, đắt - rẻ có 2 cách hiểu lập lờ: ở chất lượng bài hay ở giá mua báo?

Có một nhà sành sỏi đã nhận định: mua một tờ báo, chỉ cần 1/3 lượng chữ (hay số bài) “đọc được” là bõ tiền rồi, số chữ (bài) còn lại đem gói… rau muống vẫn không bị lỗ. Riêng với tôi, chỉ cần vớ được một bài, truyện thật hay là đủ. Tôi quen khi đọc báo, thấy bài nào “giá trị” thì ghi tên ra trang đầu để dùng làm tư liệu lúc cần. Như vậy, có số Văn nghệ tôi lọc ra được đến 7, 8 bài đáng giá, có nhiều số chỉ kê ra được 1, 2 bài, lại có số tôi phải thất vọng ghi một dòng to tướng: Không có gì! Vậy là đối với tôi, Văn nghệ có số rất đắt, số rất rẻ.

Mấy tháng trước thấy trên Văn nghệ có đăng ý kiến đóng góp của một bạn đọc cho khâu biên tập. Chưa bàn về những đóng góp đó đúng hay chưa nhưng việc đăng góp ý như vậy chứng tỏ sự thành khẩn của quý báo. Sau đó lại thấy bạn đọc khác dường như “lâm ly thông cảm”, muốn nói đỡ cho ban biên tập và phê lại cái ông góp ý kỳ trước là chỉ nói chung chung không dẫn chứng cụ thể… ở các nước có nền báo tiên tiến thì chuyện các tờ báo đăng nguyên văn những lời phê phán - thậm chí chỉ trích rất nặng - của độc giả đối với chính bản báo là việc rất, rất bình thường, là chuyện hàng ngày, điều ấy chỉ càng chứng tỏ “tầm cỡ” của tờ báo đó. Còn ở ta chuyện này vẫn… hơi bị lạ.

Thực ra, tôi đâu dám “cân đong” tờ Văn nghệ bằng tiền, chỉ là kiếm cớ để góp một vài ý - có thể là khó nghe - cho tờ báo mà tôi đã đeo đuổi vài chục năm nay, tờ Văn chương số Một của Quốc gia. Gọi là đeo đuổi vì đã mấy lần tôi định dừng đặt báo, rồi… vẫn cứ phải đặt tiếp: Dù sao thì qua Văn nghệ người ta vẫn bắt mạch được cái nhịp đập của văn chương nước nhà rõ nhất. Văn nghệ hay (đắt) thì văn chương Việt Nam đang khỏe và ngược lại - phải thế chăng? Kể ra không đặt báo người ta vẫn đọc được đủ nội dung, trên mạng, nhưng đọc văn chương trên giấy ung dung hơn và xúc cảm mạnh hơn nhiều.

*

Tôi không “ca” lại cái thời bùng nổ của Văn nghệ cuối những năm 80 thế kỷ trước vì đã có nhiều người hát rồi. Chục năm gần đây Văn nghệ có lắng hơn nhưng dù sao vẫn giữ được truyền thống là tờ báo đĩnh đạc, không màu mè, ít bị thương mại  hóa, có thể coi là báo của những người yêu văn chương, của giới nghệ sĩ - trí thức (mặc dù, theo quan sát của tôi, trí thức ngày nay hình như hơi… ít đọc).

Trên Văn nghệ vẫn xuất hiện những truyện, bài chất lượng cao, tuy thưa thớt, của các tác giả có “giá” như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê (tiếc rằng cũng lâu rồi không thấy chị đăng mới), cố nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến, Mai Quốc Liên, Đặng Tiến (ông này ở nước ngoài thì phải) và cả Đỗ Kiên Cường... Trong khi báo, đài đua nhau lạm dụng hai từ “tâm linh”, trong khi từ ông lớn tới các cháu học trò chen chúc, sướt mướt khấn vái để cầu lộc, cầu đỗ thì một bài “Tâm linh và mê tín” của Đỗ Kiên Cường (VN số 42, 2007) có vẻ là một cuộc bơi “ngược dòng” kiên nhẫn và can đảm…

Thỉnh thoảng vẫn rộ lên những cuộc trao đổi về văn chương, học thuật khá sôi nổi, trong đó tôi nhớ mãi cuộc trao đổi về “Học giả - học thật” giữa nhiều tác giả, người lừng danh như giáo sư Văn Như Cương với người ít tiếng hơn như Phạm Việt Hưng, nhưng “chàng này” lại có cách lập luận khá sắc và hóm. Rồi loạt bài về sân golf của Hoàng Quốc Hải đã làm dư luận nóng lên và góp phần vào việc giảm bớt các dự án sử dụng đất vàng cho thú chơi của các trọc phú.

Những bài nghiên cứu hoặc ghi chép, giới thiệu sâu sắc, lượng thông tin cao về văn học, nghệ thuật, lịch sử và xã hội nói chung vẫn xuất hiện, dù có thưa. Đấy chính là chất keo giữ người đọc dính vào Văn nghệ. Gần đây lại hiện ra một “gã” Bồng Lai  nào đó với những bài rất ngắn về một vấn đề đang sôi. Giọng văn mạch lạc, số liệu rõ ràng, nói thẳng nhưng lại hóm (chứ không đao búa), có thể coi là cái Mới của Văn nghệ. Đấy hình như cũng là chút hóm hỉnh hiếm hoi trên 24 trang báo (kể chi tới mấy mẩu chuyện vui nhái lại - gọi là sưu tầm - không hợp với Văn nghệ chút nào).

Những bài lý luận, phê bình, trao đổi vốn là những cái “ĐINH” mà tôi chờ đợi nhất ở Văn nghệ thì nay hơi bị… lụt. Gần đây thi thoảng cũng có bàn cãi về điều này điều nọ nhưng buồn nỗi là các “đấu sĩ” hay sử dụng những quả chùy quá cỡ và bằng cách ấy, phang luôn cả… người đọc.

Mảng truyện ngắn lẽ ra phải là niềm tự hào của Văn nghệ, vì nghe đâu như các “cây truyện ngắn” coi việc đăng trên Văn nghệ là “vẻ vang” hơn, dù nhiều báo khác trả nhuận bút cao hơn. Thế nhưng, truyện trên Văn nghệ càng ngày càng… mênh mông - bể Sở: dài dòng, dễ dãi, công thức, đạo mạo, thật thà, sáo sến… tóm lại là viết thiếu công phu. Người Việt mình vốn cẩu thả nhưng không biết mình cẩu thả! Sở dĩ hàng công nghệ phẩm cũng như thủ công của ta giá rẻ vì chất lượng thấp, chính bởi sự cẩu thả trong quá trình gia công. Người viết bài này vốn là thợ và thấm thía tận gan ruột cái sự này. Cứ xem phim truyền hình của ta là thấy rõ: cẩu thả trong trang phục, lời thoại, hành vi đến cả cảnh quay… Còn trong văn chương thì: bản thảo mới nháp xong người viết đã hý hửng cho đó là kiệt tác, vội gửi đi ngay. Rồi đến lượt nhà biên tập cũng hời hợt nốt. Thành thử văn - thơ như những đứa trẻ thiếu tháng, đẻ non.

Xin dẫn chứng: trên Văn nghệ số 10, 2011,  truyện  ngắn trang nhất: “… Toản (tức vua Nguyễn Quang Toản, kế vị Quang Trung) còn đang tuổi vị thành niên, chưa bộc lộ tài năng điều hành triều chính…” Nhưng trong toàn truyện ngắn tác giả luôn khẳng định là Quang Toản: “nông nổi, kiêu bạc và hèn nữa…” tức là Quang Toản làm gì có tài năng để mà “chưa bộc lộ” . Hoặc ở số 23, 2011, cũng truyện ngắn trang nhất, có câu: “26 năm quả là một thời gian dài, nó biến đổi con người nhanh đến thế…” 26 năm, đã coi là dài thì sự biến đổi ấy đâu có “nhanh đến thế”. Chắc ý của tác giả là “nhiều đến thế”.

Tôi chỉ dẫn ra hai ví dụ trong vô vàn, cả hai đều thuộc những tác giả xuất hiện khá thường xuyên trên Văn nghệ. Chỉ cần người viết đọc kỹ lại bản nháp thì sẽ nhận ra những sơ suất này. Hay là tác giả còn những ẩn ý đa tầng nào khác mà tôi nông cạn không nhận ra chăng?

Ngoài những mênh mông nói trên thì một số cây viết hình như đã “tìm tòi đổi mới văn phong” bằng cách cố tình viết cho rắc rối, cầu kỳ, tối nghĩa… hay là - theo cách nói cờ Tướng là chưa “sạch nước cản”- về ngữ pháp và chính tả. Thành thử, dù cốt truyện có hay, người đọc vẫn cứ thấy như bụi găm vào mắt, hết hứng đọc.

Có người nói, cách rèn chí kiên nhẫn tốt nhất là đọc truyện ngắn trên báo, giống như trồng phong lan, mỗi năm mỗi giò chỉ mong nở một bông. ấy đấy, cái bông Đai châu (mà nhiều người hay gọi là “tai trâu”) của năm 2010 đã nở: truyện “Ván cờ lúc nửa đêm” của Vũ Tuấn Hoàng (VN số 48), thật bõ lòng nhẫn nại, bõ công mua báo! “Ván cờ…” văn chương chỉnh và tự tin, về một đề tài hầu như không được viết ra ở ta hoặc nếu có viết thì chỉ là ngợi ca vĩ đại… Thú thật, truyện viết lạ đến mức tôi đâm… ngờ ngợ, phải ngó lại đầu đề mấy lần xem có phải là… dịch. Khổ, tôi đã trót nhiễm tính hoài nghi. (Mà, thực tế có nhiều bài đăng trên Văn nghệ, đề tên tác giả hẳn hoi nhưng đọc kỹ thì mới rõ là… dịch từ báo nước ngoài.) Tác giả này sau đó còn đăng hai truyện nữa (trên VN), cho thấy đây là một cây viết chững chạc, có thể hy vọng.

Kể ra số nào cũng đòi Văn nghệ phải có truyện ngắn hay liệu có quá đáng không? Theo tôi mỗi “cây truyện ngắn” mỗi năm chỉ cần nở một bông đích đáng, thế là đủ! Và nên chăng, đừng cố đăng để cho… có truyện (để đầy số trang). Thử có một số Văn nghệ không có truyện ngắn xem sao! Vì báo có tên là báo Văn nghệ chứ không phải là báo Truyện Ngắn.

Còn Thơ? Như đã có lần tôi ngoa ngoắt là người mua báo bị lỗ bởi các trang… Thơ mà đợt thi Thơ mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua là… lỗ nặng. Riêng tôi cứ vẫn nhẫn nại, bài nào cũng cố lướt vài câu, thấy le lói… thì đọc tiếp, bằng không thì “bai bai” thi sĩ. Cái lần chỉ mới đọc hai câu: Hãy đi viện một lần/ Để biết thế nào là nhân dân… Tôi đã trào nước mắt (bài Nhân dân của Trương Vĩnh Tuấn). Đây là bài thơ hiếm, không phải để ngâm nga mà để ngẫm ngợi

Về mặt đề tài trên Văn nghệ, dễ nhận ra là các nhà văn đang lánh mặt trước đời sống công nhân và nền sản xuất công nghiệp - trừ mấy bài bút ký, ghi chép lẻ tẻ (có thể được đặt hàng vì phần nhiều là ngợi ca nức nở). Dễ thông cảm, bởi viết về công nghiệp rất khó, cần có hiểu biết chuyên môn, còn đời sống công nhân thì khô, khổ, nhếch nhác ở trọ với lửng lơ thất nghiệp… làm sao hấp dẫn người đọc  như viết về các đại gia, giới quan chức với những ăn chơi, những thăng trầm, mưu mô, gái đẹp… Anh chị công nhân cứ thế xa dần, xa dần người bạn một thời thân thiết của họ.

*

Như trên đã nói: Văn nghệ ít bị thương mại hóa, đấy là truyền thống quý. Nhưng ngày nay các tòa báo đều là doanh nghiệp cả, báo mà không biết “mãi” thì sống cách gì? Nhớ lại, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hình như trình làng đầu tiên trên Văn nghệ nhưng chẳng thành tiếng chuông. Chỉ đến khi các tờ khác đăng lại và khuếch trương lên thì “Cánh đồng…” mới thật sự… “bất tận”, cả hai chiều. Điều này chứng tỏ: Văn nghệ “thật thà” quá, bày “cỗ” ngon ra để anh khác nó xơi mất. Đây chỉ là một thí dụ. Có thể đã có nhiều hạt vàng từng lóe sáng mặt báo Văn Nghệ nhưng rồi bị sự thờ ơ phủ bụi. Cứ xem bao nhiêu những truyện được giải Nhất cuộc thi này nọ, có mấy “cái” tạo thành sóng bể? Thời thị trường thì văn chương cũng phải theo luật… buôn. Càng những tinh phẩm vàng ròng - dù đến 4 con 9 - nhưng không có tý chút quậy, chọc, “tâm linh” hoặc “mát mẻ” xen vào thì càng cần đến sự tung hô của các nhà bình văn chân thực. Nhưng Văn nghệ lại “thương mại” theo kiểu khác, đấy là các bài điểm sách, số nào cũng có vài ba bài, có số chơi hẳn hai trang. Có tác giả lớn không may lại trưng ra một tác phẩm không xứng tầm, lại không may hơn nữa (hay là may?) là vẫn được một đồng nghiệp ngợi ca ầm ĩ, khiến những ai đã chót dại đọc tác phẩm rồi nay đọc bản tụng ca sẽ nổi… da gà. Nói theo kiểu Trung Quốc là “Bái phục, bái phục!”. Cách quảng bá kiểu này - mà chắc là không công cho tác giả (có sách) và cho nhà xuất bản (in sách) - chỉ càng làm cho người đọc hoang mang.

*

Không chỉ đọc Văn nghệ mà tôi còn theo khá đều các báo khác như: Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ… cả Sài Gòn tiếp thị (anh này thì đích thị là báo thương mại rồi) vv… Lẽ ra về các khoản: chính tả, ngữ pháp và văn chương nói chung thì VN ta phải gương mẫu hơn hẳn các tờ kia mới phải. Nhưng thế mà lại ngược đời, Văn nghệ các báo kể trên họ kỹ hơn Văn nghệ rất nhiều. Họ rất ít lỗi chính tả, từ ngữ khá chuẩn và văn vẻ “hợp pháp” (ngữ pháp), thế mới lạ!

Còn trên Văn nghệ, hầu như số nào cũng nhan nhản lỗi chính tả, ngữ pháp, nhiều lỗi rất buồn cười- có thể là do đánh máy sai, dấu chấm, dấu phẩy nhảy bừa bãi khiến câu văn biến dạng. Tôi đã đếm thử trên một truyện ngắn - nhà văn có tiếng hẳn hoi - cả thảy có hơn 25 lỗi chính tả. Còn các lỗi kiểu như “pa-lô quảng cáo” (VN số 5-6-7, 2011) thì không hiếm.

Nếu đụng đến tên (người, địa danh) nước ngoài thì càng… buồn lắm Văn Nghệ ơi,  sai tới 71 %, hoặc câu trên viết một đằng thì câu dưới ghi một nẻo. Còn có thể góp ý nhiều cho các bài dịch đăng trên Văn nghệ nhưng tôi sợ mang tiếng lắm lời. Chỉ thêm một câu: Bên cạnh số ít bài dịch cẩn thận, đáng giá để tham khảo thì nhiều bài dường như là do… máy dịch, chỉ chuyển ngữ đơn thuần chứ “máy” không hiểu mình đang dịch… cái gì!

*

Đã có thể tóm lại: tất cả những điều kể trên, chung quy là do khâu… biên tập. Vẫn là không công phu, chỉ đọc qua loa, thấy nội dung tròn trĩnh, không “đụng chạm” gì, thế là lên khuôn! Nhất là bây giờ nhiều bài lại được chuyển bằng đường “meo”, biên tập viên đọc, gạch bớt những đoạn “chưa hợp”, chấp nhận rồi bệ nguyên bản của tác giả, không cần quan tâm gì đến chữ nghĩa, câu cú… Chẳng lẽ thế?

Những điều được dẫn ra trên đây cũng mới chỉ là những cái vụn vặt bề ngoài cần được biên tập lưu ý để Văn nghệ sáng sủa hơn. Còn những điều cao cả như chức năng gợi mở và định hướng cho một nền văn chương tiên tiến, dân tộc và hiện đại theo lý tưởng mà Văn nghệ vẫn trung thành là: Vì Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội thì kẻ viết chưa dám bén mảng. (Thú thật là chỉ bài cỏn con này mà hắn đã phải đắn đo từ Tết tới giờ.) Nhưng nếu cứ để bạn đọc bị cộm mắt bởi những hạt vụn mà chạy cả thì những tiêu chí cao siêu của Văn nghệ còn mấy ai biết nữa?

Vừa rồi báo có đưa tin về cuộc họp mặt Cộng tác viên và cũng đề cập việc thiếu biên tập viên. Trời đất, cả một Hội ngót ngàn văn - thi sĩ tài năng mà không chọn được mươi biên tập viên có tâm hay sao. Chuyện khó tin nhưng… hẳn vẫn là chuyện “có thực mới vực được đạo”. Đạo nào cũng phải ăn mà! Thế là lại lan man rồi.

Trên mạng cũng thấy nhiều vị than phiền về chất lượng biên tập của Văn nghệ nhưng cũng là “chung chung”. Còn những điều ruột ngựa trên đây chắc không khỏi làm Qúy báo phiền lòng. Mong các bác thông cảm và dạy bảo lại cho cái gã lẩm cẩm này, cứ vớ tờ Văn nghệ là lại kè kè cây bút đánh dấu màu đỏ, âu là do bệnh nghề. ấy thế mà gã có bỏ được “con mẹ nạ dòng” đâu.

Xin kính cẩn cúi chào!

(Nguồn Văn Nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...