Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nguyễn Hiếu - Lực sỹ tiểu thuyết

(Đọc Tuyển tập Nguyễn Hiếu, Nxb Hà Nội, 2010)

Nguyễn Đình Chính - 30-08-2011 02:47:04 PM

VanVN.Net - Sáng 6-7-2011 trong hội trường Đại hội đại biểu Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội lần thứ 11, nhà văn Ma Văn Kháng ngồi cạnh nhà lý luận - phê bình Văn Giá ở hàng ghế cuối cùng nhìn thấy Nguyễn Hiếu (NH). người đã từng có hàng chục tiểu thuyết đựơc chính Ma Văn Kháng kí duyệt cho in khi ông làm giám đốc Nxb Lao động. Ông bảo Văn Giá: các cậu nên gợi ý để sinh viên làm cái luận văn tiến sĩ về văn xuôi Nguyễn Hiếu. Và ông cười vui nói thêm: Trong làng tiểu thuyết mấy chục năm đổ lại đây, tay này là một lực sĩ đấy. Một lực sĩ tiểu thuyết…

Những tuyển tập tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hiếu

Tuyển tập Nguyễn Hiếu (TTNH) gồm 10 tập, mỗi tập bình quân hơn 600 trang do Nxb Hà Nội phát hành nhân kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long , trong đó có 19 tiểu thuyết (trong số 23 tiểu thuyết của ông,) và gần 100 truyện ngắn, 9 kịch bản sân khấu, một tuyển thơ gồm gần ba trăm bài .

Người đọc hôm nay khi đọc tiểu thuyết của NH có thể hài lòng khi muốn tìm hiểu xã hội Việt Nam vùng châu thổ sông Hồng trên dưới nửa thế kỉ từ thập kỉ 40 của thế kỉ 20 và hai thập kỉ đầu của thế kỉ 21

Bộ tiểu thuyết hai tập “Dòng sông màu máu”. Tập 1 “Vết xoáy trước ngực làng” (1988) Phản ánh một làng quê cổ tiêu biểu cho nông thôn Việt Nam châu thổ sông Hồng trong các biến cố lịch sử (từ những năm 30 đến những năm 90 của thế kỉ 20). Tập 2 “Dòng sông máu vẫn chảy” (1996). Viết về bi kịch của người thanh niên làng quê chân chính. “Người đàn bà quỉ ám” phản ánh những manh nhà về sự băng hoại đạo đức làng quê. “Chân trời vỡ đôi” (1988) là bi kịch của người nông dân trong dòng thác lịch sử. “Những mảnh trần gian” (“Ba hào đi qua ba thành phố” (1994)) tiểu thuyết hài du kí phản ảnh sự ngột ngạt của làng quê và thành thị thời bao cấp. “Vầng trăng hững hờ” (xử bắn), 1995, bi kịch về sự thoái hoá của ngưòi anh hùng quân đội có nguồn gốc nông dân. “Trẻ làng mình” (1994) truyện dài thiếu nhi về cuộc sống trẻ em ở làng quê. “Trăng mùa đông” (sự biến), 2010, về sự kiện lịch sử năm 1945 ở một làng quê ven sông Hồng. “Làng êm ả bên sông”, (2000), là bức tranh nông thôn trước sự xâm thực của thị trường và đô thị hoá. “Tây tây, ta ta”, (2010), tiểu thuyết hài về sự xáo trộn và băng hoại đạo đức nông thôn trước guồng quay thị trường và hội nhập.Con Ngố (2007), khái quát thực trạng xã hội qua số phận người đàn bà nông thôn. Bụi đường” (1988), về sự suy thoái của con người Việt Nam khi làm công nghiệp. “Quá cảnh” (1988), phản ảnh ngành GTVT (lái xe quá cảnh sang Lào) khi tiếp xúc với quốc tế, với công nghiệp và sự chuyển động của kinh tế, xã hội . “Biển toàn là nước” (2000): con người Việt Nam (thuỷ thủ viễn dương trước sự xô đẩy của xã hội. “Tuyết lạnh sau mặt trời” (1993), viết về dấu hiệu Liên Xô tan rã; nhân vật biến thái, đồng tính đầu tiên của văn học Việt Nam. Lặng lẽ cuối cùng (Hội chứng ung thư),1995: Sự băng hoại đạo đức của con người thành thị trong sự mở cửa, qui chiếu với giáo lý đạo Phật. “Tôi bán mình” (1992): sự băng hoại đạo đức của giới trí thức trẻ. “Trái tim nhiều màu” (1994), về tình yêu con người trong sự thử thách của biến động xã hội. “Bốn bước đến chân trời” (1996): Tuổi trẻ trong sự khốn khó của thực tại xã hội. “Tình nhân” (2009), thông qua một mối tình phản ảnh bức tranh xã hội Hà Nội trong nửa thế kỉ (từ 1950 - 2006). “Mặt nạ để đời” (2011) phản ảnh cuộc tranh giành chức quyền và tệ tham nhũng ghê gớm đang đục khoét xã hội hay là thuyết nhân quả vĩnh cửu. “Dương gian trong sọt” (tiểu thuyết tự sự hư cấu - đang in) là bức tranh làng bên sông Hồng cùng những nguyên lý truyền thống của nông thôn Việt Nam trước sự phát triển cuả xã hội…

Nguyễn Hiếu sử dụng nhiều thủ pháp sáng tác khác nhau để viết tiểu thuyết và mỗi tiểu thuyết của ông lại có một kết cấu riêng. Khi thì kì ảo, giả tưởng như Chuyện tình người điên, khi thì nghiêm túc kiểu hiện thực chủ nghĩa như Vừng trăng hững hờ (tên nguyên gốc là Xử bắn nhưng nhà văn Ma Văn Kháng đề nghị đổi tên), khi thì hiện thực chen huyền thoại như Con ngố, khi như một phóng sự ghi chép một biên bản mở rộng của một vụ án như Chân trời vỡ đôi, khi lại lấy hài hước là âm điệu chủ đạo như Những mảnh trần gian hay Tây tây ta ta... Có lẽ trong số các nhà văn đương đại ở ta, Nguyễn Hiếu là tác giả có nhiều tác phẩm hài hước nhất, kể cả trong tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch, trong đó đáng kể là vở Cu Tũn thích làm người lớn.   

Ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Vết xoáy trước ngực làng” (1988), phương pháp Hiện thực huyền ảo đã đựơc NH xử dụng khá đắc địa. Ông Thành Hoàng - nguyên mẫu là nhân vật lịch sử Lý Ông Trọng nổi tiếng đã đi vào truyền thuyết gắn liền với đình làng Chèm luôn trở đi trở lại nhiều lần trong tập sách. Trong các tiểu thuyết của NH còn xuất hiện nhiều nhân vật ảo như “hồn người cô gái bị giặc cờ đen hiếp chết trong “Người đàn bà quí ảm”, nhân vật người đàn bà chửa hoang treo cổ trong “Con ngố”. Chính làng Chèm- một trong những làng cổ của xứ Đại Việt - bên dòng sông Hồng phong cảnh kì thú, nên thơ, thần bí, với những đầm ao, cánh đồng mênh mông, luỹ tre xanh mướt, những dốc làng hoang vắng, rậm rạm cây cối cùng ngôi đình hàng nghìn năm, ngôi chùa cổ, những am miếu giữa làng, toà Văn Chỉ trên gò đồng… đã tạo ra chất hư ảo trong Bút pháp huyền thoại của NH. Không phải ngẫu nhiên trong hơn 20 tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn, hàng chục vở kịch, kịch bản phim ….trong đó có tới hơn 60 % tác phẩm NH đã lấy làng Chiện ( tên gọi chệch của làng Chèm) và dòng sông Cái (sông Hồng) là nơi xảy ra các câu chuyện và cũng là nơi hoạt động của các nhân vật.

Trong tuyển tập NH còn phải nhắc tới một thể loại tiểu thuyết hài hước du kí như “Những mảnh trần gian”, kể về cuộc thách đố của hai thanh niên “làm thế nào chỉ có 5 hào mà có thể đi qua ba thành phố”. Từ cuộc thực hiện lời thách đố này, ba thành phố Hải Phòng, tỉnh lúa Thái Bình và thủ đô Hà Nội hiện lên ngột ngạt trong thể chế bao cấp nhưng lại khiến độc giả bật cười vì nó được nhìn dưới góc độ hài . Tiểu thuyết hài thứ hai “Tây, tây, ta, ta” thì lại là những màn hoạt kê liên tiếp kể về sự suy thoái tập tục, đạo đức làng quê khi làn sóng thương mại và đô thị hoá tràn về. Và đặc biệt là tiểu thuyết “Con ngố”. Đây là bức tranh bi hài kịch phản ảnh xã hội được điển hình hoá với nghệ thuật sáng tạo rất phóng túng. Có thể nói Con ngố là một trong những tiểu thuyết dị thường nhất trong gia tài đồ sộ của tiểu thuyết NH. Sự dị thường này đã tạo ra thành công của tác phẩm. Bằng cách xây dựng nhân vật chính - người đàn bà tên là Liễu - giống như cách xây dựng trong truyện nôm khuyết danh. Vẻ đẹp của cô được NH tả khái quát theo phương pháp phiếm chỉ, đẹp và hiền như Tiên như Phật. Nhân vật này dường như không có nguồn gốc. Người làng Chiện đồn rằng gốc gác cô ả có mả hủi, lại không có nhà cửa. Nơi trú ngụ là cái lều lụp xụp dưới gốc đa bên gảnh đình heo hút ở làng Chiện. Nhưng người đàn bà lạ lùng này lại có sức hút ghê gớm đối với mọi loại đàn ông không chỉ ở cái làng Chiện bé nhỏ mà với bất kì người đàn ông tứ chiếng nào qua lại. Với lòng dạ thánh thiện và bao dung, cô Liễu trải cả tâm hồn và thân xác mình tiếp nhận vô tư mọi sự tìm đến của mọi thứ đàn ông. Từ gã lý trưởng chuyên lợi dụng tuần đêm đến thằng mõ Mít mạt hạng, ngưòi cậu họ xa sống bằng nghề đi đánh gốc cây thuê, tay nhuộm vải hiếm con, anh Việt minh nằm vùng, gã lính dõng mỗi bận đi ba tui, tên mật thám chìm đi rình bắt Việt minh, rồi sau này là gã cán bộ trong đội CCRĐ, anh cán bộ thuế vụ, anh sĩ quan bộ đội tên lửa, tay công nhân bến phà… Liễu đều tiếp nhận không một lời phàn nàn, oán thán, chọn lựa để rồi cô sinh ra ba người con, trong đó đứa con gái thứ hai lại là một quái thai với khuôn mặt đẹp như Tiên nhưng hai chân teo tóp vì bị liệt bẩm sinh. Bằng bút pháp huyền thoại đã hoàn thiện sau gần bốn mươi năm cầm bút, NH để cho cuộc sống tràn vào trong tác phẩm . Sự đối lập giữa chất thánh thiện như chỉ thấy trong chuyện cổ tích của Liễu và những toan tính tủn mủn của cuộc đời đã làm nổi lên sự khái quát kì ảo trong hình ảnh “Con ngố”.

Sẽ thiếu sót rất nhiều nếu không nhắc đến “Chân trời vỡ đôi”, một cuốn tiểu thuyết bạo liệt viết dưới dạng như ghi chép biên bản một vụ án hình sự, song trùng, đồng hiện, đan chéo thời gian thông qua cuộc hỏi cung tội phạm triền miên, có sức khái quát lớn về căn nguyên hiện trạng của xã hội. Đó là sự nổi loạn cuối cùng của người nông dân (Hai Nghĩa) suốt đời bị một kẻ cùng làng lưu manh (Lẫm) lợi dụng, điều khiển chỉ vì gã là kẻ độc nhất nhìn thấy sự sai lầm thời trẻ trung của Hai Nghĩa. Sự hiểm độc của mình Lẫm đã biến Hai Nghĩa thành công cụ thực hiện mọi mưu mô độc ác, lừa đảo của mình… Cực chẳng đã, Hai Nghĩa đã giết Lẫm để thoát khỏi sự ràng buộc dã man.

Tiểu thuyết “Tuyết lạnh sau mặt trời” viết về cuộc sống của người Việt Nam ở Mátxcơva vào những năm 90 của thế kỉ 20 cùng dự báo về sự sụp đổ chính thể Xô viết. Dị biệt hơn vì ở tiểu thuyết này lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có nhân vật biến hình (NH đã chuyển thể tiểu thuyết này thành kịch bản mang tên “Người yêu của kẻ biến hình”) đồng tính. Còn cuốn tiểu thuyết mới nhất “Dương gian trong sọt” đang in của NH lại là sự thể nghiệm thể loại tiểu thuyết tự sự hư cấu mà cố nhà văn Nguyễn Đình Thi trong lần gặp NH đã nói rất nhiều về thể loại tiểu thuyết đang thịnh hành của văn học phương Tây hiện đại. Điểm qua như vậy để thấy trong gần bốn mươi năm cầm bút, NH luôn luôn làm mới bút pháp của mình khi tìm đến những phương pháp cách tân trong sáng tác.

Trong làng văn nhiều người biết đến, quí trọng sức viết và khả năng của NH. Từ năm 1973 nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết thư động viên truyện ngắn của NH; trên bản thảo thơ của NH từ 1972 còn ghi lại ghi bút tích dặn dò và bảo ban kinh nghiệm làm thơ của thi sĩ Chế Lan Viên. Đạo diễn nổi tiếng Lộng Chương đã dựng kịch của NH từ 1976. Và đặc biệt cây cổ thụ của nền sân khấu Việt Nam Thế Lữ đã đọc kịch bản và khuyến khích NH trong nghề viết kịch từ năm 1977. Nhà văn Tô Hoài cách đây hơn hai mươi năm vẫn hỏi thăm NH viết hài hay trữ tình. Nhà văn Vũ Đức Nguyên rất thích chất huyền thoại trong tiểu thuyết của NH. Còn từ những năm giữa thập kỉ 90 của thế kỉ trứơc Ma Văn Kháng đã gọi NH là lực sĩ của văn xuôi Việt Nam và gần đây liên tiếp đọc bản thảo NH qua các cuộc thi đã khẳng định “cách đi trong văn học của NH rất lạ và kì thú”.

Sức làm việc của Nguyễn Hiếu ngoài 60 tuổi rồi vẫn còn rất đáng nể. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 này, NH đã cho in tới 60 bài báo, 3 truyện ngắn, hàng chục bài bình luận văn hoá, nghệ thuật, gần chục tạp văn, chữa xong tiểu thuyết “Dương gian trong sọt” để đưa in, viết xong kịch bản “Tiếng hú của sói con” cho cuộc thi sân khấu của HNSSKVN...  

Sau gần nửa thế kỉ cầm bút, Nguyễn Hiếu đã sáng tác được hơn hai mươi tập tiểu thuyết. Đó là một bức tranh lớn, đậm đặc, điển hình về xã hội được thể hiện bằng bút pháp luôn luôn cố gắng đổi mới. Tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu là một gia tài văn học vừa lộ thiên vừa chìm sâu, nên được đánh giá một cách chính xác bằng học thuật và sự nghiên cứu nghiêm túc.

Nghi Tàm tháng 7/2011

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...